Vay nóng Homecredit

Truyện:Đông Chu liệt quốc - Hồi 064

Đông Chu liệt quốc
Trọn bộ 108 hồi
Hồi 064: Loan Doanh Diệt Tộc Thành Khúc Ốc Kỷ Lương Tử Chiến Cửa Thả Vu
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-108)

Siêu sale Shopee

Phạm Mang dẫu sai con là Phạm Uởng đi triệu Ngụy Thư, nhưng chưa biết hay dở thế nào, trong lòng áy náy không yên, mới trèo lên mặt thành để trông, thấy Phạm Uởng và Ngụy Thư cùng ngồi một xe ở phía xa đi đến, liền mừng mà nói rằng:

- Thế là họ Loan thật là cô thế, chẳng làm gì nổi!

Nói xong, truyền mở cửa cung đóng vào. Ngụy Thư trông thấy Phạm Mang thì mặt lộ vẻ hoang mang. Phạm Mang cầm lấy tay mà bảo rằng:

- Người ngoài không hiểu rõ, bảo là tướng quân tư thông với họ Loan, nhưng tôi đây vẫn biết tướng quân không phải là người như thế. Nếu tướng quân giúp sức với tôi mà diệt họ Loan, thì tôi xin đem đất Khúc Ốc đền công cho tướng quân.

Bấy giờ Ngụy Thư đã vào tròng của Phạm Mang rồi, bất đắc dĩ phải vân mệnh, cùng vào yết kiến Tấn Bình công để bàn mưu dẹp giặc. Được một lúc thì Triệu Vũ, Tuân Ngô, Trí Sóc, Hàn Vô Kỵ (con trưởng Hàn Quyết), Hàn Khởi (con thứ hai của Hàn Quyết), Kỳ Ngọ, Dương Thiệct Xích, Dương Thiệt Bật và Trương Mạnh Địch đều lục tục đến cả. Mỗi người lại đem theo một toán quân, thanh thế rất mạnh! Cố Cung có hai cửa. Phạm Mang sai Triệu Vũ và Tuân Ngô giữ cửa nam; anh em Hàn Vô Kỵ giữ cửa bắc, còn bọn Kỳ Ngọ thì đi tuần bốn mặt. Hai cha con Phạm Mang và Phạm Uởng cứ ở liền bên cạnh Tấn Bình công. Loan Doanh tiến quân vào trong thành, không thấy Ngụy Thư ra đón thì trong lòng nghi ngại, bèn đóng quân ở Thị Khẩu rồi sai người đi dò tin tức. Quân thám tử về báo rằng:

- Vua Tấn đã chạy vào Cố Cung, nhân dân đều theo vào đấy cả, cả Nguỵ Thư cũng vào.

Loan Doanh nổi giận, nói:

- Ngụy Thư đánh lừa ta! gặp mặt ta quyết làm cho một nhát!

Liền vỗ vào lưng Đốc Nhung mà bảo rằng:

- Nhà ngươi phá vỡ được Cố Cung thì ta sẽ cùng hưởng phú qúi với nhà ngươi!

Đốc Nhung nói:

- Xin chia quân làm đôi, tôi đánh cửa nam; còn ân chủ thì đem các tướng đánh cửa bắc, thử xem ai vào được trước!

Bấy giờ Thực Xước và Qúach Tối dẫu theo Loan Doanh, nhưng vẫn căm tức Châu Xước và Hình Khoái, vì Châu Xước và Hình Khoái là người của Loan Doanh đem sang Tề, mà lại được Tề Trang công tin yêu. Châu Xước và Hình Khóai lại tỏ ý khinh bỉ Thực Xước và Quách Tối. Huống chi Loan Doanh động mở miệng thì chỉ khoe cái tài giỏi của Đốc Nhung mà không nghĩ gì đến Thực Xước và Quách Tối cả, cho nên hai người không hề có lòng sốt sắng với Loan Doanh mà chỉ ngồi chờ xem bên nào được bên nào thua. Loan Doanh chỉ trông cậy vào một mình Đốc Nhung. Bấy giờ Đốc Nhung tay cầm hai cái kích, ngồi xe đi thẳng đến Cố Cung, dừng ngoài cửa nam xem ngắm hình thế, rồi đi đi lại lại, uy phong lẫm liệt, khác nào như một vị hung thần giáng hạ. Quân Tấn vốn biết Đốc Nhung là người vũ dũng, nên ai trông thấy cũng đều sợ khiếp đảm. Triệu Vũ cũng tấm tắc khen tài. Bộ hạ của Triệu Vũ có hai viên dũng tướng, tên gọi Giải Ung và Giải Túc là hai anh em ruột, xưa nay đã có tiếng là người giỏi đánh giáo. Giải Ung và Giải Túc nghe thấy chủ tướng mình khen Đốc Nhung, có ý không phục, nói với Triệu Vũ rằng:

- Đốc Nhung dẫu giỏi, anh em tôi cũng xin đem một toán quân ra để bắt sống.

Triệu Vũ nói:

- Nhà ngươi nên cẩn thận, chớ có khinh thường.

Giải Ung và Giải Túc mở cửa ra, đứng ở phía trong lần hào, quát to lên mà bảo Đốc Nhung rằng:

- Nhà ngươi có phải là Đốc Nhung đó không? Ta tiếc cho nhà ngươi là một người anh hùng mà lại đi theo đứa phản nghịch! mau mau đầu hàng đi thì còn có thể đổi hoạ làm phúc được!

Đốc Nhung nghe nói nổi giận, truyền cho quân sĩ lấp một khúc hào để sang. Quân sĩ còn đang đội đất vác dá để lấp hào, Đốc Nhung nóng nảy, cầm hai ngọn kích chống thẳng xuống đất, rồi nhảy tót qua bên kia hào. Giải Ung và Giải Túc kinh hãi, cùng cầm giáo đến đánh Đốc Nhung. Đốc Nhung hai ta múa giáo, chạy thẳng đến mà nghênh chiến. Con ngựa kéo xe của Giải Ung bị một đòn kích của Đốc Nhung gãy một xương sống, xe không đi được. Con ngựa kéo xe của Giải Túc thấy vậy liền rí rầm lên, không chịu chạy nữa. Anh em họ Giải nhảy xuống xe để đánh bộ. Bị Đốc Nhung đánh gãy cái giáo, Giải Túc bỏ chạy. Giải Ung hoảng sợ run tay, bị Đốc Nhung đâm cho một kích ngã lăn xuống đất. Đốc Nhung lại đuổi theo Giải Túc. Giải Túc giỏi chạy, bon thẳng đến cửa bắc, leo thành mà vào. Đốc Nhung không đuổi kịp liền quay lại định đâm chết Giải Ung thì quân sĩ nước Tấn đã cứu Giải Ung đem vào cửa rồi. Đốc Nhung tức giận, chống kích xuống đất mà quát to lên rằng:

- Còn ai dám ra đối địch với ta nữa không?

Trong cửa không ai dám ra cả. Đốc Nhung về dinh, truyền cho quân sĩ sửa soạn để ngày mai lại đánh. Giải Ung bị thương nặng quá, đêm hôm ấy chết. Triệu Vũ thương xót vô cùng. Giải Túc nói:

- Ngày mai, tôi xin ra quyết chiến một trận nữa để báo thù cho anh tôi, dẫu chết cũng thoả lòng!

Tuân Ngô nói với Triệu Vũ rằng:

- Bộ hạ tôi, là lão tướng Mâu Đăng, có hai con là Mâu Cương và Mâu Kính. Hai người ấy đều có sức khoẻ mang nổi nghìn cân, hiện đang ở trong đội thị vệ của chúa công. Tôi xin bảo Mâu Đăng tức khắc gọi hai con đến, để sáng mai cùng ra trận với Giải Túc. Ba người đánh một thì thua làm sao được!

Triệu Vũ nói:

- Nếu vậy thì hay lắm!

Tuân Ngô bảo Mâu Đăng đi gọi hai co. Sáng sớm hôm sau, Mâu Cương và Mâu Kính đều đến cả. Triệu Vũ trông thấy hai người vóc dáng cao lớn, khí thế hùng hổ, liền phủ dụ mấy câu, rồi sai cùng với Giải Túc ra trận. Sáng hôm sau, quân Đốc Nhung đã lấp bằng được một khúc hào, tiến thẳng đến tận dưới cửa để khiêu chiến. Mâu Cương, Mâu Kính và Giải Túc mở cửa mà ra. Đốc Nhuung quát to lên rằng:

- Chúng bay không sợ chết à?

Ba người không nói năng gì cả, xúm lại đánh Đốc Nhung. Đốc Nhung chẳng sợ hãi chút nào, đang ngồi trên xe, nhảy xô xuống đất, hai tay cầm hai cái kích, múa lên mà đánh. Trục xe của Mâu Cương bị Đốc Nhung đánh gãy. Mâu Cương bất đắc dĩ cũng phải ở trên xe nhảy xuống, lại bị Đốc Nhung đánh một ngọn kích chết ngay. Mâu Kính giận lắm, cố sức xông vào, nhưng không thể được. Mâu Đăng ở trên cửa quan, liền nổi hiệu thu quân, rồi mở cửa cho Mâu Cương và Giải Tú vào. Đốc Nhung truyền cho quân sĩ phá cửa. Trên cửa bắn xuống, tên đạn như mưa, quân sĩ nhiều người bị thương mà Đốc Nhung vẫn không sợ hãi chút nào, thật là một viên dũng tướng! Triệu Vũ và Tuân Ngô thua luôn hai trận, sai người cáo cấp với Phạm Mang. Phạm Mang nói:

- Một mình Đốc Nhung, còn không đánh nổi thì dẹp thế nào được cánh họ Loan.

Đêm hôm ấy, Phạm Mang đốt đèn mà ngồi, nét mặt buồn bã. Có một kẻ gia nô đứng hầu bên cạnh, sụp lạy mà hỏi rằng:

- Quan nguyên soái có ý buồn bã, hay là ngài lo về việc Đốc Nhung?

Phạm Mang nhìn xem ai thì tức là Phi Báo. Phi Báo nguyên là một thủ hạ của Đồ Ngạn Giả, tên gọi Phi Thành, sau vì việc Đồ Ngạn Giả mà phải tội, bị sung làm nô lệ nhà quan. Phạm Mang nghe Phi Báo nói, lấy làm lạ, liền hỏi Phi Báo rằng:

- Nhà ngươi có kế gì trừ được Đốc Nhung thì ta sẽ trọng thưởng cho.

Phi Báo nói:

- Tôi là một người có tên trong sở tội án, dẫu tài gỉoi đến đâu, cũng không bao giờ tiến thân được. Nếu quan nguyên soái xoá tên tôi ở trong sở tội án đi thi tôi xin giết Đốc Nhung để đền ơn lại.

Phạm Mang nói:

- Nhà ngươi giết được Đốc Nhung thì ta sẽ tâu với chúa công đốt cả sổ tội án đi, mà dùng nhà người làm trung quân nha tướng.

Phi Báo nói:

- Quan nguyên soái chớ nên thất tín!

Phạm Mang thề rằng:

- Nếu ta thất tín thì xin có mặt trời soi xét! nhưng chẳng hay nhà ngươi phải dùng bao nhiêu binh mã?

Phi Báo nói:

- Khi trước Đốc Nhung còn ở Giáng Đô, có quen với tôi, vẫn cùng tôi đấu vũ. Người ấy tính nóng nảy, chỉ thích đánh nhau độc lực, nếu dùng binh mã thì không thể đánh được. Tôi xin đi một mình, tự khắc có kế bắt được Đốc Nhung.

Phạm Mang nói:

- Hay là nhà ngươi định trốn đi mà không trở lại nữa!

Phi Báo nói:

- Tôi còn có mẹ già, năm nay bảy mươi tám tuổi, còn có con nhỏ, vợ dại, sao tôi lại chịu làm điều bất trung bất hiếu ấy, để phạm tội lần nữa! nếu tôi trái lời thì cũng xin có mặt trời soi xét!

Phạm Mang mừng lắm, cho ăn cơm uống rượu, và thưởng cho một bộ áo giáp. Phi Báo trong mặc áo giáp, ngoài mặc áo nhung, đầu đội mũ cao, chân đi giày cỏ, lưng giắt dao nhọn, tay cầm cái dùi đồng nặng năm mươi hai cân, từ biệt Phạm Mang mà nói rằng:

- Tôi đi chuyến này, giết được Đốc Nhung thì thôi, bằng không thì cũng chết về tay Đốc Nhung, quyết không cùng sống được!

Phạm Mang nói:

- Ta cũng thân hành ra để xem nhà ngươi ra sức.

Phạm Mang truyền thắng xe, rồi cùng với Phi Báo đi đến cửa nam. Triệu Vũ và Tuân Ngô ra tiến kiến Phạm Mang, kể chuyện Đốc Nhung tài giỏi, làm hại mất hai tướng. PHạm Mang nói:

- Ngày nay Phi Báo xin một mình ra trận, chỉ còn mong nhờ vào hồng phúc của chúa công ta.

Phạm Mang nói chưa dứt lời thì Đốc Nhung đã đến khiêu chiến ngoài cửa. Phi Báo đứng trên cửa, gọi Đốc Nhung mà bảo rằng:

- Nhà ngươi có còn nhớ Phi Đại hay không?

Đốc Nhung nói:

- Nay Phi Đại cũng định liều chết mà ra đó chăng?

Phi Báo nói:

- Ai sợ nhà ngươi, chứ Phi Báo quyết không sợ! nhà ngươi nên truyền cho quân sĩ lui lại phía sau, rồi hai ta cùng nhau giao chiến, hai tay chọi với hai tay, binh khí chọi với binh khí, thử xem ai sống ai chết, để lưu tiếng anh hùng về mai sau!

Đốc Nhung nói:

- Nhà ngươi nói hợp ý ta lắm!

Đốc Nhung bèn truyền cho quân sĩ lui lại phía sau. Phi Báo mở cửa, ra giao chiến với Đốc Nhung. Hai bên đánh nhau hơn hai mươi hợp, chưa phân thắng phụ. PHi Báo giả cách nói:

- Khoan đã! ta còn dở có một chút việc cần!

Phi Báo trông thấy phía tây có một chỗ tường thấp, liền chạy thẳng vào đấy. Đốc Nhung đuổi theo, quát to lên rằng:

- Chạy đằng nào cho thoát!

Bọn Phạm Mang đứng trên cửa, trông thấy Đốc Nhung đang đuổi Phi Báo, đều sợ toát mồ hôi ra, ai ngờ Phi Báo dụng kế, khi chạy đến chỗ tường thấp, bèn nhảy qua vào phía trong, Đốc Nhung cũng nhảy vào theo, Phi Báo nấp ở dưới cây lớn, chờ khi Đốc Nhung nhảy vào, nhân lúc bất ngờ, cầm cái dùi đồng nặng năm mươi hai cân đánh ngay một cái, trúng vào giữa đầu. Đốc Nhung vỡ óc ngã ngay xuống đất, mà còn giơ chân phải đá vào ngực Phi Báo, bật mất một mảnh áo giáp. Phi Báo rút lưỡi dao nhọn, cắt lấy đầu Đốc Nhung, rồi lại nhảy qua tường ra. Trên cửa mọi người thấy Phi Báo tay xách một cái đầu lâu, đầm đìa những máu, biết là Phi Báo đã giết được Đốc Nhung, liền mở rộng cửa cho Giải Túc và Mâu Cương đem quân ra đuổi đánh. Quân họ Loan thua chạy, một nửa bị giết, một nửa đầu hàng, không mấy người trốn thoát. Phạm Mang rót chén rượu, ngửa mặt lên trời, rưới rượu mà nói rằng:

- Thế này mới thật là nhờ hồng phúc của chúa công ta!

Nói xong, lại rót một chén rượu nữa thưởng cho Phi Báo, rồi đưa Phi Báo vào yết kiến Tấn Bình công. Tấn Bình công ghi công Phi Báo vào bậc thứ nhất.

Trước đó, Loan Doanh đem quân đánh cửa bắc, liên tiếp được tin thắng trận của Đốc Nhung, mới bảo các tướng sĩ rằng:

- Nếu ta có hai Đốc Nhung thì Cố Cung này có gì mà không phá vỡ nổi!

Thực Xước nghe nói, lấy chân giẫm vào chân Quách Tối, Quách Tối cũng đưa mắt để đáp lại, hai người đều cúi đầu, chẳng nói câu gì. Loan Nhạc và Loan Phường muốn lập công trạng, cố xông pha tên đạn để đánh cửa bắc. Hàn Vô Kỵ và Hàn Khởi nhân thấy cửa nam thua luôn, cũng không dám ra đánh, chỉ giữ thế thủ mà thôi. Đến ngày thứ ba, Loan Doanh tiếp được tin Đốc Nhung bị giết, quân sĩ đều tan mất cả, thì tay chân bủn rủn, không biết làm ra thế nào, mới gọi Thực Xước và Quách Tối để thương nghị. Thực Xước và Quách Tối cười mà nói rằng:

- Đốc Nhung còn bị thua, huống chi là chúng tôi!

Loan Doanh ứa nước mắt hồi lâu. Loan Nhạc nói:

- Chúng ta nên liều chết cố đánh. Canh ba đêm hôm nay truyền cho quân sĩ phóng hỏa đốt cửa quan, may ra có thể vào được!

Loan Doanh theo kế ấy, Tấn Bình công thấy Đốc Nhung chết, mở tiệc ăn mừng. Hàn Vô Kỵ và Hàn Khởi cũng đều đến dự tiệc. Khi tiệc vừa tan, Hàn Vô Kỵ và Hàn Khởi trở về cửa bắc, bỗng thấy lửa cháy ngất trời, quân si của Loan Doanh phá cửa tiến vào, Loan Nhạc đi trước, Loan Phường theo sau, chiếm được một lần cửa ngoài. Bọn Hàn Vô Kỵ lui vào giữ lần cửa trong, rồi sai người cáo cấp với Phạm Mang. Phạm Mang sai Nguỵ Thư ra cửa nam, để thay cho Tuân Ngô đem quân đến cửa bắc đánh giúp. Anh em Hàn Vô Kỵ cùng với Tấn Bình công trèo lên trên đài, trông thấy quân Loan Doanh đóng ở lần cửa ngoài im lặng như tờ. Phạm Mang nói:

- Đó tất là có kế! nên truyền cho quân sĩ ra sức phòng giữ.

Đêm hôm ấy, quân Loan Doanh lại phóng hoả đốt cửa quan, nhưng quân Tấn đã phòng bị sẵn, chăng mấy lần da trâu có tẩm nước, lửa không bén được. Phạm Mang nói:

- Giặc đã tiến đến tận nơi, nếu ta để lâu không dẹp được thì quân Tề lại thừa kế sang đánh, thật là nguy cho nước nhà lắm!

NÓi đoạn sai con là Phạm Uởng cùng Phi Báo đem một toán quân, đi qua cửa nam, vòng sang cửa bắc, để đánh mặt ngoài, hẹn đúng thời khắc cho anh em Hàn Vô Kỵ biết, trong khi đó thì Tuân Ngô cùng Mâu Cương đem một toán quân mở cửa quan đán ra, khiến cho quân Loan hai mặt bị đánh, không thể xoay kịp. Lại sai Triệu Vũ và Nguỵ Thư đem quân đóng ở ngoài phía nam để đón đường Loan Doanh khi thua chạy. Phạm Mang truyền bảo đâu đấy, lại rước Tấn Bình công lên đài để đứng xem. Phạm Uởng lúc đi, nói với Phạm Mang rằng:

- Con hãy còn trẻ tuổi, chưa có uy vọng, vậy xin cha cho mượn hiệu cờ của đạo quân trung.

Phạm Mang thuận cho, Phạm Uởng cầm kiếm lên xe, cắm cờ đại bái mà đi ra cửa nam qua; lúc sắp đi, Phạm Uởng bảo thuộc hạ rằng:

- Trận đấu ngày nay, chỉ có tiến chứ không có thoái. Chẳng may mà thua thì ta quyết tự vẫn trước, chứ không thể cho các ngươi chết một mình.

Quân sĩ nghe nói: đều vui lòng xin theo. Tuân Ngô vâng lời Phạm Mang, truyền cho quân sĩ sửa soạn sẵn để đợi lệnh khai chiến. Được một lúc, Tuân Ngô trông thấy quân Loan Doanh rối loạn, lui ra lần cửa ngoài, biết là toán quân của Phạm Uởng đã đến, liền nổi hiệu trống, mở rộng cửa quan. Mâu Cương đi trước, Tuân Ngô theo sau, đem quân ra đánh. Loan Doanh cũng sợ quân Tấn trong ngoài giáp công, đã sai Loan Phường đem xe sắt lấp lần cửa ngoài, chia quân canh giữ.

Toán quân của Tuân Ngô không thể ra được. Khi Phạm Uởng đem quân đến, Loan Doanh trông thấy là cờ đại bái, giật mình kinh sợ mà nói rằng:

- Nguyên soái nước Tấn thân hành đến đây hay sao! bèn sai người đi dò thám, mới biết là toán quân của Phạm Uởng. Loan Nhạc nói:

- Nếu bậy thì không sợ!

Bèn truyền cho quân sĩ giương cung ra bắn. Em Loan Nhạc là Loan Vinh can rằng:

- Quân ta nên hà tiện tên mới được, bắn hão vô ích!

Loan Nhạc mới không bắn nữa. Được một lúc Loan Vinh trông thấy một cái xe ở đằng xa đi tới, trong xe có một viên tướng mũ da áo đũi, hình dung cổ quái, liền trỏ mà bảo Loan Nhạc rằng:

- Người ấy tên gọi Phi Báo, tức là người giết Đốc Nhung của ta đó, nên bắn chết đi!

Loan Nhạc nói:

- Đợi hắn đến gần độ một trăm thước bấy giờ ta sẽ bắn.

Nói chưa dứt lời, lại thấy có một cái xe ở bên đi ngang qua. Loan Nhạc nhìn rõ trong xe có Phạm Uởng, mới nghĩ thầm rằng:

- Ta bắn chết Phạm Uởng, chẳng hơn bắn chết Phi Báo hay sao!

Liền đuổi theo Phạm Uởng mà bắn. Loan Nhạc xưa nay bắn cung, trăm phát trúng cả trăm, chẳng ngờ phát tên ấy lại không trúng. Phạm Uởng ngảnh lại, trông thấy Loan Nhạc, bèn quát to lên rằng:

- Phản tặc! mày gần chết đến nơi, lại còn bắn ta!

Loan Nhạc quay xe lui chạy, không phải là sợ Phạm Uởng, mà nhân phát tên ấy bắn không trúng, muốn dụ hắn đuổi theo đến gần, rồi sẽ bắn phát khác. Thực Xước và Quách Tối trông thấy, sợ Loan Nhạc bắn trúng, thành công mất, mới reo rầm lên rằng:

- Quân họ Loan thua rồi!

Người dong xe nghe tiếng kêu, lại ngỡ là toán quân khác bị thua, ngẩng đầu trông thấy bốn mặt, cầm cương không vững, ngựa lồng chạy quanh, bánh xe va phải cây hoè ở bên đường, làm xe đổ. Loan Nhạc ngã lăn xuống đất, vừa gặp Phi Báo đi đến, tức khắc đâm chết Loan Nhạc.

Loan Vinh sợ hãi, vội vàng bỏ chạy. Thực Xước và Qúach Tối cũng không dám trở về nước Tề. Thực Xước chạy sang nước Vệ, Quách Tối chạy sang nước Tần. Loan Doanh nghe tin Loan Nhạc chết, vật mình lăn khóc, quân sĩ đều có lòng thương xót. Loan Phường cùng với Loan Doanh chạy về phía nam. Tuân Ngô và Phạm Uởng họp quân đuổi theo. Loan Phường liều chết cố đánh một trận, quân Tấn mới chịu lui về. Loan Doanh và Loan Phường đều bị trọng thương, đi được một quãng đường, lại gặp toán quân của Nguỵ Thư. Loan Doanh ứa nước mắt mà bảo Ngụy Thư rằng:

- Tướng quân không nhớ năm xưa cùng ở với tôi ở hạ quân hay sao? Nay tôi đành phận chết, nhưng không đáng chết vào tay tướng quân.

Nguỵ Thư trong lòng bất nhẫn, liền tránh cho Loan Doanh đi. Loan Doanh và Loan Phường chạy về Khúc Ốc. Được một lúc, Triệu Vũ đến, hỏi Ngụy Thư rằng:

- Loan Doanh đi qua, sao không đuổi theo mà bắt lấy?

Ngụy Thư nói:

- Kẻ kia như con cá trong hũ, đã có nhà bếp làm thịt. Tôi nghĩ đến cái tình của tiên nhân tôi ngày xưa, không nỡ cầm dao mà giết.

Triệu Vũ nghe nói, cũng động lòng thương, không đuổi theo nữa. Phạm Mang biết là Loan Doanh đã chạy qua mà Ngụy Thư tha cho đi, nhưng làm ngơ không nói đến, liền bảo Phạm Uởng rằng:

- Quân của Loan Doanh đều là người Khúc Ốc. Kẻ kia vây cánh đã hết cả, nhà người chỉ đem một toán quân vây Khúc Ốc thì tự khắc dẹp xong.

Tuân Ngô cũng xin theo đi. Phạm Mang thuận cho Phạm Uởng và Tuân Ngô đem quân vây Khúc Ốc. Phạm Mang lại mời Tấn Bình công trở về cung cũ, rồi đem sổ tội án đốt bỏ đi, thành ra vì một Phi Báo mà cả thảy hơn hai mươi nhà cùng được khỏi tội. PHạm Mang lại xin cho Phi Báo làm trung quân nha tướng.

Tề Trang công từ khi giúp quân cho Loan Doanh trở về nước Tấn, cũng sửa soạn quân mã, cho Vương Tôn Huy làm đại tướng, Thân Tiên Ngu là phó tướng, Châu Xước và Hình Khoái làm tiên phong, Án Ly làm hợp hậu, còn bọn Giả Cử thì cho đi hộ giá, chọn ngày cất quân sang đánh nước Vệ. Người nước Vệ cố giữ không dám ra đánh. Quân Tề kéo thẳng qua đất Đế Khâu sang địa giới nước Tấn, đánh lấy đất Triều Ca. Tề Trang công lên núi Triêu Dương để khao quân, rồi chia quân làm hai đạo: Vương Tôn Huy đi về phía tả, qua ải Mạnh Môn; Tề Trang công cùng hai đạo long tước và hổ tước đi về phía hữu, qua Cơ Sơn. Hai đạo hẹn nhau cùng kéo đến núi Thái Hàng thì hợp làm một.

Khi Tề Trang công đi đến Côn Sơn, Hình Khóai ngủ đêm giữa trời dưới chân núi, bị con rắn độc cắn, sưng bụng lên mà chết. Tề Trang công thương tiếc vô cùng. Khi hai đạo quân đến núi Thái Hàng, Tề Trang công trèo lên đỉnh núi, nom về Giáng Đô (kinh thành nước Tấn) để nghĩ kế đánh Tấn; bỗn nghe Loan Doanh đã thua chạy về Khúc Ốc, đại binh nước Tấn đuổi theo, cũng sắp đến nơi, liền thở dài mà nói rằng:

- Nếu vậy thì hỏng việc rồi, còn làm gì được nữa!

Nói xong, truyền rút quân về. Quan trấn thủ đất Hàm Đan là Triệu Thắng (con Triệu Chiên) đem quân đuổi theo. Tề Trang công tưởng là đại binh nước Tấn, vội vàng bỏ chạy chỉ để Án Ly ở lại sau đối địch. Án Ly thua trận, bị Triệu Thắng chém chết.

Phạm Uởng và Tuân Ngô vây thành Khúc Ốc hơn một tháng, bọn Loan Doanh đánh lại không nổi, trong thành chết mất quá nửa, đành chịu tan vỡ. Tư Ngọ rút gươm đâm cổ mà chết. Loan Doanh và Loan Vinh đều bị bắt cả. Loan Doanh than rằng:

- Tiếc thay, ta không nghe lời Tân Du, đến nổi thế này!

Tuân Ngô muốn giam Loan Doanh để giải về Giáng Đô. Phạm Uởng bảo Tuân Ngô rằng:

- Chúa công ta không quyết đoán, vạn nhất hắn kêu van mà lại tha ra thì kẻ thù của ta bao giờ trừ được!

Đêm hôm ấy, Phạm Uởng mật sai người thắt cổ Loan Doanh giết đi, lại giết cả Loan Vinh nữa. Bao nhiêu người họ Loan đều đem giết sạch cả, chỉ có Loan Phường trèo qua thành trốn sang nước Tống được. Bọn Phạm Uởng rút quân về, Tấn Bình công đem việc họ Loan bá cáo cho các nước biết. Nhiều nước, sai người đến chúc mừng. Phạm Mang xin cáo lão về nghỉ. Tấn Bình công cho Triệu Vũ thay cầm quyền chính.

Tề Trang công chưa đánh được nước Tấn vẫn còn căm tức, khi về đến địa giới nước Tề, không chịu vào vội mà bảo tướng sĩ rằng:

- Trận Bình Âm ngày trước, phải báo lại mới được!

Bèn đóng đồn ở ngoài thành để kiểm duyệt quân mã. Bọn Châu Xước và Giả Cử được thưởng mỗi người năm cỗ xe, gọi la ngũ thặng tân.

Giả Cử khen hai người ở Lâm Tri là Hoa Chu và Kỷ Lương là dũng sĩ, Tề Trang công tức khắc cho đi triệu Hoa Chu và Kỷ Lương. Hai người vào yết kiến. Tề Trang công cho hai người chung nhau một cỗ xe, để đi theo quân mà lập công. Hoa Chu lui về, giận lắm không ăn cơm mà bảo Kỷ Lương rằng:

- Chúa công đặt ra ngũ thặng tân là để đãi người vũ dũng, nay thấy chúng ta là dũng sĩ triệu ta đến, cho chúng ta hai người chung nhau một cỗ xe có phải là biết dùng ta đâu, chẳng qua chỉ là làm nhục ta đó thôi, chi bằng ta từ chối mà đi phương khác.

Kỷ Lương về hỏi mẹ. Mẹ nói:

- Mày sống mà vô nghĩa, chết mà vô danh thì dẫu được dự vao ngũ thặng tân, người ta cũng cười cho. Mày nên phải cố gắng, chớ có trái mệnh vua.

Kỷ Lương đem lời nói của mẹ, thuật lại cho Hoa Chu nghe. Hoa Chu nói:

- Người đàn bà còn không quên mệnh vua, huống chi là ta.

Bèn cùng với Kỷ Lương ngồi chung một xe theo hầu Tề Trang công. Tề Trang công nghỉ trong ba ngày, rồi để Vương Tôn Huy đóng quân ở lại, còn mình thì đem đại binh đi đánh nước Cử. Hoa Chu và Kỷ Lương cùng xin đi tiền đội. Tề Trang công hỏi rằng:

- Hai ngươi muốn dùng bao nhiêu giáp binh?

Hoa Chu và Kỷ Lương nói:

- Chúa công cho hai chúng tôi chung nhau một cỗ xe, cũng đã đủ rồi, chúng tôi xin đi trước.

Tề Trang công muốn thử tài hai người bèn cười mà cho đi. Hoa Chu và Kỷ Lương thay đổi nhau cầm cương xe. Khi sắp đi, hai người phàn nàn rằng:

- Giá được một người nữa làm xa hữu thì có thể đương nổi một đội!

Một người lính trẻ tuổi chạy đến nói rằng:

- Tôi muốn xin theo hai tướng quân, chẳng hay hai tướng quân có thuận cho hay không?

Hoa Chu hỏi họ tên. Người lính trẻ tuổi ấy nói:

- Tôi là người bản quốc, tên gọi Thấp Hầu Trọng vì mến lòng nghĩa dũng của hai tướng quân, cho nên muốn theo.

Ba người cùng ngồi một xe, thẳng đường tiến sang nước Cử. Ngày hôm sau, vua nước Cử là Lê Tị công biết quân Tề sắp đến, thân hành đem ba trăm giáp sĩ ra đi tuần, gặp xe Hoa Chu và Kỷ Lương, toan bắt lại hỏi. Hoa Chu và Kỷ Lương trừng mắt quát to lên rằng:

- Hai ta là tướng nước Tề, có ai dám cùng ta quyết chiến hay không?

Lê Tị công kinh hãi, nhưng trông thấy, không có quân tiếp ứng, mới truyền cho quân sĩ vây kín lại. Hoa Chu và Kỷ Lương bảo Thấp Hầu Trọng rằng:

- Nhà ngươi cứ đánh trống luôn cho ta!

Hai người nói xong, mỗi người cầm một cái kích, xuống xe xông vào đánh quân nước Cử. Ba trăm quân giáp sĩ nước Cử chết đến một nửa. Lê Tị công nói:

- Ta đã biết dũng lực của hai tướng quân rồi, hai tướng quân chớ nên tử chiến, ta xin cùng với hai tướng quân chia nhau nước Cử.

Hoa Chu và Kỷ Lương đồng thanh đáp rằng:

- Nếu bỏ nước mà theo giặc thì sao gọi là trung? đã phụng mệnh vua mà không hết lòng thì sao gọi là tín? tôi chỉ biết xông vào mà giết cho nhiều là chức phận làm tướng; còn cái lợi nước Cử, tôi nào dám nghĩ đến!

Hai người lại cầm kích tiến đánh. Lê Tị công không thể đương nổi, vội vàng bỏ chạy. Đại binh của Tề Trang công đến nơi, nghe nói Hoa Chu và Kỷ Lương thắng được quân Cử, thì sai sứ đi triệu đến mà bảo rằng:

- Ta đã biết tài của hai tướng quân rồi, hai tướng quân bất tất phải tiến đánh nữa, ta xin cùng với hai tướng quân chia nhau nước Tề.

Hoa Chu và Kỷ Lương đồng thanh đáp rằng:

- Chúa công đặt ra ngũ thặng tân mà tôi không được dự, thế là bỉ cái tài của tôi; nay lại lấy lợi mà dụ, thế là khinh cái bụng của tôi. Tôi chỉ biết xông vào mà giết cho nhiều là chức phận làm tướng; còn cái lợi nước Tề, tôi nào dám nghĩ đến!

Hai người liền chắp tay vái sứ giả rồi lại thẳng đường tiến vào cửa thành nước Cử. Lê Tị công sai người đào sẵn một cái rãnh chặn ngang đường rồi đốt than ở dưới, lửa cháy ngùn ngụt. Hoa Chu và Kỷ Lương không thể qua được. Thấp Hầu Trọng nói:

- Người ta dám liều chết thì mới được tiếng về sau. Tôi có thể giúp hai tướng quân qua rãnh được!

Thấp Hầu Trọng bèn cắp cái một nằm đè lên trên đống than lửa để cho Hoa Chua và Kỷ Lương giẫm mà đi qua. Hoa Chu và Kỷ Lương bước qua được cái rãnh, ngoảnh lại thì thấy người Thấp Hầu Trọng đã cháy sém cả rồi! Hoa Chu và Kỷ Lương đứng nhìn mà khóc. Được một lúc, Kỷ Lương gạt nước mắt, Hoa Chu còn khóc chưa thôi. Kỷ Lương nói:

- Nhà ngươi sợ chết hay sao! làm sao mà khóc lâu như thế?

Hoa Chu nói:

- Nào có phải ta sợ chết đâu! chỉ tiếc thay cho người này cũng vũ dũng như ta, mà lại chết trước ta, nên ta thương lắm!

Lê Tị công thấy Hoa Chu và Kỷ Lương đã qua được cái rãnh than lửa, vộivàng truyền cho quân sĩ phục sẵn ở bên cửa thành đợi khi hai người gần đến thì bắn. Hoa Chu và Kỷ Lương tiến thẳng đến cửa. Quân sĩ hai bên bắn ra như mưa. Hoa Chu và Kỷ Lương đến nơi, lại giết chết được hai mươi bảy người nữa. Quân sĩ ở trên mặt thành cùng chõ xuống mà bắn. Kỷ Lương bị thương nặng mà chết. Hoa Chu bị mấy mươi mũi tên không thể đánh được nửa, chịu cho ngươi nước Cử bắt, nhưng chưa tắt hơi. Lê Tị công sai đem vào thành.

Tề Trang công tiếp được tin của sứ giả, biết là Hoa Chu và Kỷ Lương có lòng quyết tử, liền dẫn đại binh tiến theo. Khi đến cửa thành nước Cử, nghe nói ba người đều chết cả, tức thì nổi giận, toan thúc quân tiến đánh. Lê Tị công sai sứ đến tạ tội rằng:

- Chúa công tôi chỉ thấy một cái xe vào cõi, không biết là đại quốc sai đến, vậy nên trót lầm lỡ mà xâm phạm. Vả đại quốc chết có ba người mà nước tôi bị giết đã hơn trăm người rồi; ba người kia cố ý xông vào chỗ chết, chứ không phải nước tôi dám gây việc binh đao, chúa công tôi sợ uy đại quốc sai tôi đến đây tạ tội, từ nay trở đi, xin một lòng triều cống nước Tề, không dám sai lời.

Tề Trang công còn chưa nguôi cơn giận, không thuận cho giảng hoà. Lê Tị công lại sai sứ ra cố nài, xin đưa Hoa Chu và thi thể Kỷ Lương sang trả, lại xin đem vàng, lụa sang khao thưởng quân sĩ. Tề Trang công còn chưa thuận cho, bỗng tiếp được tin cấp báo của Vương Tôn Huy, nói:

- Vua Tấn cùng với vua các nước Tống, Lỗ, Vệ, Trịnh hội nhau ở đất Di Nghi, để bàn mưu đánh Tề, xin mời chúa công mau mau rút quân về.

Tề Trang công mới cho nước Cử giảng hoà. Lê Tị công đem vàng lụa sang khao thưởng quân nước Tề, lại đưa Hoa Chu và thi thể Kỷ Lương sang trả. Còn thi thể Thấp Hầu Trọng ở trong đống lửa đã hoá ra tro rồi, không còn gì nữa. Ngay ngày hôm ấy Tề Trang công truyền rút quân về, sai đem thi thể Kỷ Lương quàn ở ngoài cõi nước Tề. Khi về đến kinh thành gặp vợ Kỷ Lương là nàng Mạnh Khương ra đón thi thể chồng ở ngoài cõi. Tề Trang công dừng xe, sai xứ đến viếng. Nàng Mạnh Khương nói với sứ giả rằng:

- Chồng thiếp mà có tội thì không dám nhận lời viếng của chúa công; nhược bằng vô tội thì chồng thiếp cũng còn chỗ viếng ta, thiếp không dám nhận.

Tề Tràng công có ý thẹn nói rằng:

- Đó là điều lỗi của ta!

Bèn sai người làm bài vị ở nhà Kỷ Lương mà đến viếng. Nàng Mạnh Khương rước linh cữu chồng để đem chôn ở ngoài thành, ngủ giữa trời ba đêm, ôm linh cữu mà khóc, đến nỗi hết cả nước mắt, chảy máu tươi ra. Bỗng thành nuớc Tề sụt lở mất mấy thước, người ta bảo rằng đó là vì nàng Mạnh Khương khóc lóc thảm thiết, nỗi tình thành của nàng cảm động đến trời đất như vậy.

Hoa Chu về đến nước Tề, vết đau nặng quá, chưa được bao lâu cũng chết. Vợ Hoa Chu khóc chồng cũng bội phần thảm thiết.

Năm ấy nước lên to lắm, sông Hoàng Hà đầy tràn, mặt đất nước sâu hơn thước. Tấn Bình công lại thôi không dám đánh Tề nữa.

Quan hữu khanh nước Tề là Thôi Trữ, ghét Tề Trang công dâm loạn, vẫn muốn đợi quân Tấn đến đánh để thừa cơ khởi sự, đã cùng với quan tả khanh là Khánh Phong thương nghị, định khi nào thành việc, sẽ chia đôi nước Tề. Sau nghe tin Tấn Bình công vì nước lụt mà hoãn việc đánh Tề, thì Thôi Trữ rất là thất vọng. Bấy giờ Tề Trang công có một người nội thị tên gọi Giả Thụ, vì một việc nhỏ mà bị Tề Trang công đánh một trăm roi. Thôi Trữ biết là Giả Thụ oán giận, liền đút tiền cho, để kết làm tâm phúc, phàm Tề Trang công làm việc gì thì Giả Thụ đều đến báo cho Thôi Trữ biết cả.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-108)


<