Vay nóng Tima

Truyện:Đại Đường đạo soái - Hồi 031

Đại Đường đạo soái
Trọn bộ 722 hồi
Hồi 031: Trường Nhạc công chúa
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-722)

Siêu sale Lazada

Đỗ Hà mở mắt ra, nhìn thấy sắc trời đã hửng sáng, uể oải duỗi lưng ngồi dậy. Nhìn cảnh trí xa lạ xung quanh, Đỗ Hà nhớ lại đêm qua mình và hoàng đế Đại Đường Lý Thế Dân trò chuyện quá cao hứng, cho đến gần rạng sáng mới phát giác sắc trời đã tối đen. Vì vậy, Lý Thế Dân đã mời Đỗ Hà tá túc lại một đêm trong hoàng cung. Cung nữ trong hoàng cung rất chuyên nghiệp, Đỗ Hà vừa mới ngồi dậy, lập tức có một cung nữ đẩy cửa phòng, bưng chậu rửa mặt đi vào.

- Hoàng thượng đâu?

Đỗ Hà vừa hỏi, vừa dùng ngón tay dính một chút dược vật giống như kem đánh răng, bôi lên hàm răng, sau đó dùng bàn chải bằng gỗ thuần thục đánh răng.

- Hoàng thượng sớm đã vào triều rồi!

Câu trả lời của cung nữ khiến Đỗ Hà thoáng xấu hổ. Hàng ngày hắn thường dậy lúc năm giờ sáng để luyện công, giống như một đồng hồ sinh học, nhưng không ngờ Lý Thế Dân còn dậy sớm hơn hắn.

- Hoàng thượng có nhắn lại gì không?

Đỗ Hà cầm khăn lông cung nữ đưa cho lau mặt.

- Hoàng thượng kêu ngài cứ tự nhiên, còn dặn dò chúng ta hầu hạ ngài cho tốt!

Đỗ Hà khẽ gật đầu, hỏi bội kiếm của mình. Ở Đường triều, bội đao bội kiếm là một loại mốt thời thượng, cho dù là văn thần như phụ thân Đỗ Như Hối cũng trang bị một thanh nghi đao trên người. Đây cũng là một biểu hiện trọng võ nghệ của Đường triều, khởi nguyên của liên minh Vị Thủy.

Vào năm 626 công nguyên, Đường Thái Tông Lý Thế Dân vừa mới tức vị, hai khả hãn của Đột Quyết là Hiệt Lợi, Đột Lợi dẫn hơn mười vạn quân bức bách Trường An. Đại quân trú đóng ở phía bắc cầu Vị Thủy ngoài thành, cách thành Trường An vẻn vẹn bốn mươi dặm, kinh sư đại chấn, Trường An giới nghiêm. Lý Thế Dân bị ép thiết nghi binh, tự mình dẫn lục kỵ Cao Sĩ Liêm, Phòng Huyền Linh đến bên sông Vị Thủy, đối thoại với Hiệt Lợi, chỉ trích Hiệt Lợi bội ước.

Lúc ấy Đại Đường vừa mới bình định thiên hạ, thực lực còn chưa đủ để đối kháng với Đột Quyết, Lý Thế Dân bị ép khuất phục Hiệt Lợi, Đột Lợi, phải ký kết liên minh Vị Thủy, giao nộp vàng bạc trong quốc khố Đại Đường. Cái gọi là liên minh Vị Thủy này, thật ra là nỗi nhục Vị Thủy.

Lý Thế Dân từ đó trở đi, gấp rút chuẩn bị chiến tranh, thậm chí tự mình luyện binh, mỗi ngày đều lệnh cho binh tốt trong hoàng cung thao luyện. Bất luận văn võ đều có thể đeo đao kiếm. Kết quả đương nhiên không cần nói cũng biết, Hiệt Lợi bị Lý Tĩnh đánh cho đại bại, bị Lý Tông Đạo bắt sống, nhốt ở Trường An trở thành một Đại tướng quân.

Sau khi Đỗ Hà được nghỉ học, lúc nào ra ngoài cũng mang theo bội kiếm trên người, vào hoàng cung cũng giống như vậy, chỉ khi gặp mặt Lý Thế Dân mới giao nộp binh khí cho hộ vệ của Lý Thế Dân.

- Lý đại nhân đã sai người đem binh khí tới, đang treo trên tường phòng ngoài.

Cung nữ cung kính nói, bưng chậu rửa mặt ra ngoài. Đỗ Hà tìm được bội kiếm của mình, đi tới dưới gốc liễu bên cạnh ao trong viện luyện tập. Gió nhẹ lướt qua, khẽ thổi nhành liễu liên tục lắc lư theo gió.

Đỗ Hà múa kiếm nhập tâm, chẳng biết tại sao đột nhiên nhớ tới bài thơ "Hiệp Khách Hành" của Lý Bạch, bất giác cao giọng ngâm:

- Triệu khách mạn hồ anh

Ngô câu sương tuyết minh

Ngân an chiếu bạch mã

Táp đạp như lưu tinh

Thập bộ sát nhất nhân

Thiên lý bất lưu hành

Sự liễu phất y khứ

Thâm tàng thân dữ danh

Nhàn quá Tín lăng ẩm

Thoát kiếm tất tiền hoành

Tương chích đạm Chu Hợi

Trì thương khuyến Hầu Doanh

Tam bôi thổ nhiên nặc

Ngũ nhạc đảo vi khinh

Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu

Ý khí tố nghê sinh

Cứu Triệu huy kim chuỳ

Hàm Đan tiên chấn kinh

Thiên thu nhị tráng sĩ

Huyên hách Đại Lương thành

Túng tử hiệp cốt hương

Bất tàm thế thượng anh

Thuỳ năng thư các hạ

Bạch thủ Thái huyền kinh.

Đỗ Hà vừa ngâm vừa múa kiếm, trường kiếm trong tay trong chốc lát đâm ra vô số bóng kiếm, khí lưu lạnh lẽo tuôn ra từ thân kiếm trong nháy mắt hóa thành đạo đạo quang điểm như bông tuyết, phảng phất như ngàn vạn đóa hoa đột nhiên nở rộ, đại khai đại hợp, sát ý tung hoành.

Đỗ Hà không kìm được hét dài, trong tiếng huýt gió tràn đầy ý tứ hào hùng. Bài thơ này của Lý Bạch tràn đầy khí khái phóng khoáng của một hiệp khách, ý cảnh tương hợp với "Thiết Huyết thập tam thức" của Thiết Huyết Đại Kỳ môn, hai bên chứng thực lẫn nhau, khiến cho kiếm thuật của hắn lại đột phá ý cảnh mới.

Đỗ Hà đột nhiên cảm giác có người đang nhìn lén mình, quay đầu nhìn lại, đã thấy Trường Nhạc công chúa vẻ mặt chấn động đứng trong nội viện. Trường Nhạc công chúa vẫn mặc y phục màu trắng, ngoại trừ mái tóc màu đen, toàn thân nàng như tuyết trắng, khuôn mặt xinh đẹp tuyệt trần, giống như tiên nữ thiên cung.

*************

Tâm tình của Trường Nhạc công chúa gần đây rất phiền muộn, lúc nào trong đầu nàng cũng hiện lên hình ảnh vui vẻ của Đỗ Hà và Lý Tuyết Nhạn. Nàng sinh vào năm Vũ Đức thứ tư, xếp thứ năm trong số các tỷ muội, tên là Đoan Trang. Đây là một cái tên khiến cho người ta sinh ra tưởng tượng, khi nàng sắp trưởng thành, Lý Thế Dân không khỏi dương dương đắc ý vì cái tên của nhi nữ, bởi vì công chúa quả thật giống như cái tên của nàng, đoan trang đức hạnh, là một mỹ nhân dung mạo tuyệt đẹp. Chí Văn vì thế từng khen ngợi:

- Công chúa tựa như một vị tiên nữ, đem linh khí siêu phàm đến hoàng cung; vâng lời răn dạy của cha mẹ sư trưởng, tu thân lập đức...thanh cao trong sáng, xinh đẹp thoát tục, nàng giống như ánh trăng chiếu rọi rừng cây xanh ngát, như nắng mới long lanh, sặc sỡ lóa mắt.

Lời văn sâu xa miêu tả dung mạo của Trường Nhạc công chúa vô cùng tinh tế. Đường Thái Tông cả đời đam mê thư pháp, vì vậy con gái của hắn cũng là một nữ nhân viết chữ rất đẹp. Trường Nhạc công chúa từng được người ta tán thưởng: "Những bức vẽ của Trường Nhạc công chúa, khiến gương sáng cũng lộ vẻ ảm đạm, khiến đóa hoa mùa xuân cũng bị che mờ vẻ đẹp tuyệt sắc."

Một nữ nhân như vậy có thể nói được trời xanh vô cùng sủng ái, càng được hoàng đế, hoàng hậu Đại Đường cưng chiều, nhận được vô vàn yêu mến. Đáng quý hơn là, mặc dù Trường Nhạc công chúa nhận được rất nhiều sủng ái, nhưng nàng lại không hề kiêu ngạo, ngang ngược, giống như Trưởng Tôn hoàng hậu, rất hiền lành thục đức, thật sự là một hiền thê lương mẫu đáng quý. Cũng chính vì tính cách của nàng như vậy, mới tạo ra cục diện hôm nay.

Trường Nhạc công chúa hiền lành thục đức, cho nên nàng cũng không cự tuyệt hôn ước mà Lý Thế Dân xếp đặt lúc trước, trong đáy lòng nàng cũng thầm xem Đỗ Hà là trượng phu tương lai của mình, chỉ vì lúc ấy Đỗ Hà chưa đến 12 tuổi, cho nên hai người mới không nóng lòng kết hôn.

Trường Nhạc công chúa đã âm thầm quan sát Đỗ Hà ba năm qua, vì vậy nàng có ấn tượng vô cùng sâu sắc về hắn, chỉ có điều tất cả đều là ấn tượng xấu. Nghĩ đến phu quân tương lai của mình có đức hạnh như vậy, cuối cùng nàng không chịu được, mới làm ầm ĩ lên.

Hôn ước thuận lợi giải trừ, Trường Nhạc công chúa vẫn chưa cảm thấy thoải mái. Đỗ Hà thay đổi, chứng mất trí đã khiến hắn trở thành một người hoàn toàn khác. Đỗ Hà đã biến thành một bậc thầy thư pháp có thể làm cho đệ nhất đại nho Đại Đường là Khổng Dĩnh Đạt bái sư, biến thành một cao thủ có thể đánh thắng Tiểu Bá Vương La Thông, biến thành một "đệ tử giỏi" có thành tích ưu tú, biến thành một công tử phong lưu ăn nói khôi hài, rất được nữ nhân yêu thích. Ngay cả phụ vương nàng cách đây không lâu đã tán thưởng Đỗ Hà giống như Đỗ Như Hối, trở thành nền móng của Đại Đường.

Biến hóa long trời lở đất như vậy khiến Trường Nhạc công chúa hoàn toàn choáng váng. Đỗ Hà hôm nay không đến mức là phu lang lý tưởng của các thiếu nữ, nhưng lại là vị hôn phu lý tưởng của Trường Nhạc công chúa. Có tài hoa, có văn có võ, hơn nữa còn có thể cống hiến cho vương triều Đại Đường, trở thành cánh tay phụ tá đắc lực cho phụ hoàng nàng.

Đối mặt với một Đỗ Hà thay đổi hoàn toàn như vậy, tâm thái của Trường Nhạc công chúa cũng chậm rãi thay đổi, oán niệm và ấn tượng khắc sâu ba năm qua dần trở thành một thứ tình cảm mới. Nếu thứ tình cảm tích lũy nhiều năm này bạo phát ra ngoài sẽ giống như Hoàng Hà vỡ đê, không thể nào vãn hồi.

*****

Sự thay đổi của Đỗ Hà không những khiến Trường Nhạc công chúa không bài xích hắn, ngược lại nàng còn cảm thấy ghen ghét, đố kị với tình cảnh vui đùa của Đỗ Hà với Lý Tuyết Nhạn, cảm giác khó chịu nói không nên lời.

Hôm đó cũng giống như vậy, sau khi nghe thấy Đỗ Hà và Lý Tuyết Nhạn định cùng ra phố, cảm giác khó chịu như xộc thẳng lên đầu nàng, cào cấu trái tim nàng, khiến cho nàng có cảm giác như muốn khóc. Hoàn toàn không ngờ được, cảm giác ai oán khó chịu đó đã dẫn phát tật bệnh ngủ quên trong cơ thể nàng. Trường Nhạc công chúa đã trải qua rất nhiều lần triệu chứng tái phát, nhưng không biết tại sao, lần này lại lợi hại như vậy. Loại cảm giác sợ hãi, hoảng loạn không thể nào thở nổi, thậm chí khiến cho Trường Nhạc công chúa có suy nghĩ tự vẫn. Nhưng lúc đó, thanh âm không ngừng cổ vũ của Đỗ Hà chợt truyền đến tai nàng.

Mặc dù bệnh cũ của Trường Nhạc công chúa tái phát, khổ sở muốn chết, nhưng thần trí của nàng vẫn vô cùng tỉnh táo, nhìn thấy Đỗ Hà vì mình mà vội vàng xông vào hoàng cung, lại còn không ngừng quan tâm cổ vũ nàng. Hành động này động viên nàng rất nhiều, khiến cho nàng cảm giác muốn sống hơn lúc nào hết.

Khi ở trong phủ thái y, Trường Nhạc công chúa đã nghe thấy phụ hoàng Lý Thế Dân và Đỗ Hà thương thảo quốc gia đại sự, lúc đó tâm tình của nàng vô cùng bình tĩnh. Đêm qua, nàng vốn đã hẹn với Lý Thế Dân và Trường Tôn hoàng hậu cùng dùng bữa, nhưng Lý Thế Dân lại bất ngờ trì hoãn.

Hỏi ra, Trường Nhạc công chúa mới biết vì Đỗ Hà mới đến. Trường Nhạc công chúa thầm cảm thấy rất vui sướng khi thấy Đỗ Hà được Lý Thế Dân xem trọng như vậy, cuối cùng nàng lại nghe nói Lý Thế Dân giữ Đỗ Hà ở lại trong hoàng cung. Phải biết rằng, từ khi Lý Thế Dân đăng cơ đến nay, hắn chưa bao giờ lưu lại bất cứ người nào trong hoàng cung, Đỗ Hà chính là người đầu tiên.

Sáng sớm hôm nay, Trường Nhạc công chúa bất ngờ dậy sớm, nàng dạo bước trong cung, bất giác phát hiện mình đang đi đến đình viện Đỗ Hà ở lại, may mắn thế nào, vừa vặn thấy Đỗ Hà đang cao giọng ngâm "Hiệp Khách Hành", luyện kiếm dưới gốc cây.

Đỗ Hà luyện tập "Thiết Huyết thập tam thức" đại khai đại hợp, kiên cường phóng khoáng, như muốn kết hợp với ý cảnh của "Hiệp Khách Hành". Kiếm quang như tuyết, bóng kiếm kiên cường, nhân vật tuấn tú tiêu sái, còn có thơ ca phóng khoáng, tất cả những thứ này mơ hồ trở thành một bức tranh hoàn mỹ trong mắt Trường Nhạc công chúa.

- Công chúa?

Đỗ Hà bất ngờ phát hiện ra Trường Nhạc công chúa ở ngoài viện, không ngờ người rình coi hắn lại là nàng! Lúc này Trường Nhạc công chúa mới tỉnh lại, nghĩ đến tình cảnh của bản thân, vội vàng giải thích nói:

- Ta chỉ muốn tới cảm tạ ngươi, không có ý tứ gì khác.

- A...!

Đỗ Hà lên tiếng, lắc đầu tỏ vẻ không sao, thu kiếm vào vỏ, cười nói:

- Chúng ta quen biết đã lâu, chẳng qua chỉ là tiện tay mà thôi.

Một câu "tiện tay mà thôi" lại làm cho Trường Nhạc công chúa cảm thấy thoáng hụt hẫng, nàng định nói gì đó nhưng lại thôi, cuối cùng hỏi:

- Bài thơ kia là của ngươi làm sao?

- À......

Đỗ Hà vốn định nói không phải, nhưng hắn nhớ rõ, Lý Bạch là người của thời kì Huyền Tông, hiện tại mới là năm Trinh Quán đầu Đường, Lý Bạch còn chưa sinh ra, nếu nói là hắn làm, kết cục lại phức tạp ra, vì vậy cũng khẽ gật đầu nói:

- Hiệp Khách Hành!

- Hiệp Khách Hành!

Trường Nhạc công chúa nhắc lại rồi nói:

- Tên rất hay, nhưng ý thơ còn hay hơn!

Bản thân nàng vốn chịu ảnh hưởng của Lý Thế Dân và Trưởng Tôn hoàng hậu, học thức uyên bác nên hiểu rất rõ ý cảnh bên trong "Hiệp Khách Hành".

Đỗ Hà có chút xấu hổ, thơ của tiên thơ, có thể không hay được sao! Trường Nhạc công chúa lại hé miệng, không biết định nói gì.

Đỗ Hà đi ra phía trước, cười nói:

- Nếu công chúa còn cảm thấy ngại ngần vì chuyện từ hôn thì ta thấy không cần. Nàng cũng biết, ta sớm không còn nhớ chuyện gì trước kia. Cho nên, công chúa không cần chú ý, cũng không cần để ý, coi như chúng ta làm quen lại một lần nữa!

Đỗ Hà lộ ra nụ cười thản nhiên, nụ cười mị lực, khiến cho người ta có cảm giác như tắm gió xuân. Trường Nhạc công chúa giật mình, lập tức cũng lộ ra nụ cười cởi mở. Nàng sớm có suy nghĩ này, nhưng ban đầu người yêu cầu hủy hôn là nàng, nàng thật sự không có yêu cầu hòa hảo! Đỗ Hà thoải mái rộng lượng, vừa vặn cởi bỏ bế tắc trong lòng Trường Nhạc công chúa, khiến cho nàng để lộ ra nụ cười chân thành, tha thiết.

- Ta có rất nhiều vấn đề thư pháp muốn thỉnh giáo ngươi, không biết ngươi có thời gian hay không!

Trường Nhạc công chúa đam mê thư pháp, thể chữ Đỗ là một loại kiểu chữ hoàn toàn mới, đang rất thịnh hành ở Đại Đường, Trường Nhạc công chúa cũng rất chú ý đến thể chữ này. Nhưng đương thời chỉ có một mình Đỗ Hà là có thể viết ra tất cả các loại phong vận của thể chữ, cũng chỉ có hắn có thể giải đáp hoàn mỹ bất cứ nghi vấn nào của thể chữ Đỗ. Đỗ Hà từ trước đến nay chưa bao giờ từ chối yêu cầu của mỹ nhân, lúc này gật đầu nói:

- Chỉ cần là vấn đề Đỗ Hà ta biết, ta nhất định sẽ giải đáp.

Đỗ Hà mời Trường Nhạc công chúa vào trong điện nói chuyện, phân phó cung nữ, chuẩn bị giấy bút, căn cứ vào nghi vấn Trường Nhạc công chúa hỏi mình để giảng giải cho nàng cách viết và chỗ mấu chốt của thể chữ Đỗ.

- Cách viết của nàng không đúng!

Đỗ Hà thấy Trường Nhạc công chúa không cách nào viết được, liền nắm bàn tay cầm bút nhỏ bé của nàng nói:

- Để ta dạy nàng!

Trường Nhạc công chúa thầm hoảng sợ, nhưng thấy Đỗ Hà vẻ mặt nghiêm nghị, cũng biết hắn cũng không có chủ tâm cợt nhả, cố gắng gạt bỏ sự xấu hổ, để mặc hắn muốn làm gì thì làm.

- Thể chữ Đỗ là thể chữ ngang nhẹ thẳng mạnh, nét bút mạnh mẽ, chữ viết tròn đầy, khí thế hào hùng, chú trọng vẻ đẹp của chữ.

Đỗ Hà nắm tay Trường Nhạc công chúa, viết một chữ "Vĩnh" đơn giản.

Hắn buông tay nói:

- Nói đơn giản chính là chữ viết phải đầy đặn, đặc biệt là khi hạ bút, cổ tay phải dùng lực. Khi chưa quen có thể viết chữ lớn, đợi khi thành thục rồi có thể thu nhỏ lại.

Vừa rồi ta mới dạy nàng chữ "Vĩnh", nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại ẩn chứa cách viết rất quan trọng trong thư pháp, sau khi luyện thành thục cách viết này thì có thể tạo ra nhiều nét bút đa dạng, đồng thời thể hiện được tinh thần khí độ của chữ. Những điều này đều là những lời phụ thân Đỗ Hà đã nói với hắn khi dạy hắn viết chữ ở hậu thế. Lúc này hắn rất thành thực chia sẻ với Trường Nhạc công chúa.

Trường Nhạc công chúa nhìn thấy Đỗ Hà nắm tay nàng ghi chữ "Vĩnh", trong ánh mắt hiện lên thần thái khó hiểu.

- Thư pháp trọng luyện tập, muốn luyện tốt thể chữ Đỗ này, còn phải xem nàng có thể kiên nhẫn bỏ công phu hay không!

Sau khi Đỗ Hà giải quyết hết tất cả vấn đề về thể chữ Đỗ cho Trường Nhạc công chúa, cũng không ở lâu, mà cáo từ xuất cung. Trường Nhạc công chúa có chút không nỡ, nhưng cũng không tìm được lý do nào níu kéo hắn, đành phải đưa hắn ra khỏi nội cung.

Trở lại chỗ ở, Trường Nhạc công chúa kêu tất cả cung nữ ra ngoài, đi vào trước bàn sách, mở quyển trục trên bàn ra, trong đầu hiện ra tình cảnh Đỗ Hà luyện kiếm dưới gốc cây, hết sức chăm chú cầm bút vẽ.

- Trường Nhạc!

Tiếng đập cửa và giọng nói ôn hòa vang lên bên ngoài.

Trường Nhạc công chúa tựa hồ không phát giác ra, vẫn rất nghiêm túc tập trung vẽ tranh. Tiếng bước chân vang lên, một thiếu phụ xinh đẹp đoan trang đi tới sau lưng Trường Nhạc công chúa, dù vậy nàng vẫn không hề phát giác. Thiếu phụ xinh đẹp thấy Trường Nhạc công chúa hết sức chăm chú, cũng không quấy rầy, chỉ đứng bên cạnh nhìn xem. Trường Nhạc công chúa nhiều ngày rồi chưa vẽ tranh, lúc này tâm huyết dâng trào, cảm thấy vẽ tranh vô cùng trôi chảy, nhiều khi cây bút trong tay tựa hồ giống như có ý thức, tự mình phác họa rất thành thạo, việc nàng phải làm chỉ là đỡ bút để nó không ngã xuống mà thôi.

Trường Nhạc công chúa bỗng nhiên nhớ tới một câu nói của Diêm Lập Bổn:

- Cảnh giới cao nhất của vẽ tranh giống như thiền định của Phật giáo. Sau khi đặt bút, trong lòng như quên đi mình đang vẽ tranh, giống như khi thiền định, quên hết tất cả mọi chuyện. Lúc đó, chỉ là tiềm thức dẫn đạo ngòi bút trong tay, thông thường có thể vượt qua trình độ bình thường của mình, tạo ra tác phẩm kinh người.

Trường Nhạc công chúa vừa vui mừng vừa lo sợ, nhưng cũng không nghĩ nhiều, chỉ dựa vào ý thức vẽ tranh, đợi đến khi ý thức của nàng quay lại trên trang giấy trước mặt thì mới phát hiện, bức vẽ đã hoàn thành.

Trường Nhạc công chúa vô cùng kinh ngạc, ngưng thần quan sát. Chỉ thấy trong bức vẽ là ánh mặt trời buổi sớm mai dìu dịu, rặng mây đỏ như gấm, nhìn rất mông lung, không thấy rõ lắm. Chỗ gần đấy có một hiệp khách đang múa kiếm dưới gốc cây liễu, kiếm hàn cửu châu, lâng lâng như kiếm tiên trong truyền thuyết, tiêu sái, phóng khoáng.

Đây thật sự là bức vẽ của ta sao? Là trình độ của ta sao?

Trường Nhạc công chúa quả thực không thể tin bức vẽ trước mặt là của mình, đột nhiên sắc mặt nàng hồng như chu sa, hiển nhiên phát hiện nhân vật bên trong bức vẽ rất giống Đỗ Hà!


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-722)


<