← Hồi 244 | Hồi 246 → |
Câu Tiễn, tuy đã nghe danh từ lâu, nhưng trước nay vẫn không được một Khánh Kỵ bận rộn phục quốc này liệt vào hàng đối thủ. Hắn và tên danh nhân lịch sử này chỉ là gấp gáp gặp mặt nhau một lần, thậm chí đến ngay cả một câu đối đáp với hắn cũng chưa kịp nói, thì đã chịu một kiếm của hắn, hiểm đến nỗi suýt mất cả mạng, và con người này, lại sắp xuất hiện ngay trước mặt hắn.
Khánh Kỵ biết rất rõ, thực lực của Câu Tiễn và nước Việt chưa từng vượt trên nước Ngô, mặc dù theo như lịch sử ghi lại, nước Ngô đã bại dưới tay hắn. Hắn đã dùng hai mươi năm để bồi dưỡng và phát triển, đã dùng hai mươi năm để ủng hộ và mê hoặc Phù Sai đi khai chiến khắp nơi, làm tiêu hao sức nước, sau cùng vẫn là dùng kế điệu hổ ly sơn và tập kích Cô Tô mới có thể một bước quyết định thắng bại.
Giá như năm xưa Phù Sai không kéo hàng vạn binh tinh nhuệ đến Hoàng Trì để tranh đoạt bá chủ thiên hạ; Giá như Câu Tiễn không nhờ mưu kế mà tập kích chiếm lĩnh Cô Tô; Giá như Phù Sai khi phóng thích cho Câu Tiễn về nước, có thể như các quân vương khác ràng buộc khống chế nước lệ thuộc, từ đầu đến cuối có thể khống chế quân sự và ngoại giao của nước Việt trong tay, vậy thì cho dù Câu Tiễn có tiếp tục nhẫn nhịn, cho dù có những hiền thần Phạm Lãi và Văn Chủng giúp hắn bày mưu tính kế, thì nước Việt vẫn chẳng làm gì được nước Ngô. Ngay từ vị trí địa lý của nước Việt, ông trời cũng đã sớm hạn chế sự phát triển sức nước của nó, cho dù có quân thần Tôn Vũ dưới trướng của hắn chăng nữa, và chỉ cần Phù Sai không ra hôn chiêu, hắn cũng chẳng nghịch được ý trời.
Tất cả, chỉ là giá như, nay đối thủ của hắn không còn là Phù Sai nữa, mà là ta. Cứ cho rằng Câu Tiễn nếm mật nằm gai ngay từ cái ngày mà hắn mới được sinh ra, còn có tác dụng gì nữa chứ? Mép môi Khánh Kỵ nhếch lên mang theo đó là một nụ cười lạnh lùng...
Khi Câu Tiễn lên điện, nhìn thấy bộ dạng này của Khánh Kỵ. Hắn ngồi trên ngai vàng, mình mặc vương bào, hàng rèm châu của vương niệm rũ xuống đến tận môi trên, phần môi trên có lông tơ, ẩn hiện nụ cười lạnh lùng, có khí phách oai nghiêm nhưng lại không có vẻ giận dữ. Câu Tiễn đứng trước mặt hắn, mình mặc một chiếc áo dày, đầu đội ngọc quán, tay áo phất phơ, cũng có sự oai nghiêm của kẻ đã từng ngồi ở địa vị cao lâu ngày. Thần sắc lại mờ mờ ảo ảo lộ ra một chút nham hiểm.
"Đông Hải tội thần Câu Tiễn, tội đáng chết vạn lần, xin bái kiến đại vương bệ hạ."
Câu Tiễn nói xong bèn cất bước tiến lên trước, thi lễ vái lạy Khánh Kỵ một cách long trọng nhất. Quân thần trong thời này, trừ phi vào những dịp đại lễ long trọng, bằng không thì khi gặp quân vương chỉ cần vái một vái, và không nhất thiết phải hành lễ quỳ bái. Nước Việt trên danh nghĩa là nước lệ thuộc vào nước Ngô, Câu Tiễn thân là thái tử của ngoại thần, càng nên được nước Ngô đối đãi rộng lượng hơn, hắn không cần thiết hành đại lễ này, với việc hành lễ của Câu Tiễn, chúng thần hai bên ở trên điện vốn thờ ơ lạnh nhạt liền có chút xôn xao, thái độ thù địch đối với hắn cũng đã giảm đi nhiều.
Trong mắt Khánh Kỵ lộ ra một chút hài lòng, so với những hành vi mà Câu Tiễn đã từng làm đối với Phù Sai, và những hành vi ngày hôm nay của Câu Tiễn cũng chỉ là những điều nhỏ nhặt mà thôi. Đương nhiên, Câu Tiễn lúc đó có nỗi đau mất nước, Phù Sai có mối thù mất cha, đối lập giữa hai bên cũng thêm sâu đậm. Do đó Câu Tiễn không thể không làm quá hơn nữa, để có thể lấy được lòng tin của Phù Sai.
Ánh mắt của Khánh Kỵ ẩn sau bức rèm châu, chăm chú nhìn nhất cử nhất động của Câu Tiễn. Đối với hạng người như Câu Tiễn, hắn không dám có chút xem thường. Công bằng mà nói, về phương diện trị quốc, Phạm Lãi và Văn Chủng đích thực là nhân tài bậc nhất, nhưng về phương diện chính trị, mưu kế, họ chẳng thể nào làm nổi thầy của Câu Tiễn, mà có làm một học sinh cũng e là theo không kịp hắn. Câu Tiễn đến nước Ngô làm con tin ba năm, Phạm Lãi cũng đi theo hầu hạ hắn. Thân là thần tử, hắn có thể khuyên đại vương nhẫn nhịn, nhưng những kiến nghị để đại vương hiến Vương Hậu cho Phù Sai hưởng lạc, và nếm phân cho Phù Sai để làm hắn vui lòng này không thể xuất phát từ miệng của Phạm Lãi, mà nhất định là chủ ý của Câu Tiễn. Câu Tiễn ở nước Ngô ba năm, Văn Chủng thay hắn lo cho nước Việt, gần hai mươi năm kể từ khi hắn về nước, lại là Phạm Lãi, Văn Chủng lo liệu mọi việc trong nước cho hắn, nhưng một khi phạt Ngô thành công, Câu Tiễn muốn giết họ chỉ cần cho người mang đến một thanh bảo kiếm lệnh cho họ tự sát, hoàn toàn không lo lắng rằng có những lực lượng trung thành với họ sẽ tạo phản, hoặc giả có vị đại thần nào đó sẽ phản đối. Có thể thấy rằng từ đầu chí cuối hắn đều nắm chặt quân quyền và chính quyền trong tay, người như hắn, tuyệt đối không phải tầm thường.
"Câu Tiễn!" Khánh Kỵ lên tiếng, trên đại điện yên lặng đến độ một cây kim rơi xuống cũng có thể nghe được rõ ràng, giọng nói sang sảng của Khánh Kỵ âm vang khắp mọi ngóc ngách.
Câu Tiễn lại cúi vái một vái, đầu lại thấp hơn vài phân: "Có tội thần."
"Ngươi có tội gì?"
"Tội của thần, có ba tội."
"Nói thử ta nghe xem."
"Thần thân là hạ quốc thái tử, nên phụng dưỡng hầu hạ Ngô Vương bệ hạ, thế mà lại không biết thời thế, bị nghịch thần nước Ngô lừa gạt, nên đã dám làm cờ hiệu cần vương, kéo quân đến biên giới, đối địch với vương sư. Đó là tội thứ nhất." Câu Tiễn ngay thẳng mà nói. Quần thần hai bên lắng nghe, và cũng không ngừng quan sát sắc mặt của Khánh Kỵ. Tấm rèm châu đã che đi khuôn mặt của hắn. Bức rèm châu trĩu xuống từ vương niệm không hề lay động, cũng không thể thấy rõ sắc mặt của Khánh Kỵ
"Trận chiến ở Ô Trình, Câu Tiễn và Phù Sai liên thủ, đã dẫn một đội võ sĩ bao vây đại vương, nhân lúc địa vương lực còn suy yếu. Điều may mắn là chỉ khiến đại vương bị thương. Đấy là tội dĩ hạ phạm thượng, và cũng là tội thứ hai."
Khánh Kỵ nghe từng từ hắn nói, đúng là ỷ đông hiếp cô, ỷ vào việc có mặt nhiều người mới nói là may mắn chỉ khiến ta bị thương, giữ thể diện cho ta, không kềm được hắn cười ha ha: "Lúc đó Phù Sai mới là chủ của nước Ngô, ngươi trợ giúp hắn, âu cũng hợp tình hợp lý. Quả nhân bị thương cũng đã bị rồi, không cần dùng lời hay mà che giấu."
"Vâng vâng, tội thần đa tạ đại vương đã rộng lòng khoan dung. Đại vương nhập chủ Ngô cung cho đến nay, tội thần một là không kịp thời đến triều kiến, hai là không vào Ngô để thỉnh tội, thật không biết tự lượng sức mình, lúc nào cũng nghĩ mình gặp may, cho đến khi đại quân của đại vương kéo đến sát biên giới, trong lúc đó, mới bàng hoàng kinh sợ, mà đến yết kiến đại vương, đây là tội thứ ba."
Sắc mặt Khánh Kỵ lạnh lùng, trầm giọng hô to: "Câu Tiễn, ngươi đã biết có tội, lại còn dám đến triều tấn kiến, không sợ quả nhân sẽ giết ngươi sao?"
Câu Tiễn sắc mặt không đổi, cúi đầu than thở đáp: "Câu Tiễn tự biết thân mang tội chết, nay tội thần đáng chết vạn lần xin được quỳ dưới chân đại vương, cam chịu mọi trừng phạt của đại vương. Câu Tiễn chết không đáng tiếc, chỉ cầu mong cho đại vương, khoan dung độ lượng đối với người Việt, cho dù thần có chết chín lần, cũng sẽ ngậm cười nơi cửu tuyền."
Câu Tiễn nói xong ung dung ngẩng đầu lên, rút cây ngọc trâm, cởi bỏ ngọc quán, sau đó cởi cả áo bào, chỉ còn mặc một chiếc áo bằng vải bố. Cởi bỏ xiêm y xoã tóc, trông hình dạng như một phạm nhân, rồi lại tiếp tục quỳ lạy.
Trong nhất thời, trên đại điện im ắng vô cùng, chỉ nghe những tiếng thở nặng nề. Khánh Kỵ ngồi yên không động đậy, đôi mắt khẽ trĩu xuống, chăm chú nhìn tên Câu Tiễn đang quỳ mọp dưới đất không dậy.
Tôn Vũ thân là đứng đầu văn thần, đứng bên phải trên cùng, con ngươi hắn chuyển động, ra hiệu cho Anh Đào đứng ở đối diện, Anh Đào từ sớm đã nóng lòng muốn nói, nên khi thấy hắn ra hiệu, lập tức bước lên tâu: "Khải bẩm đại vương, Câu Tiễn đã trợ giúp Phù Sai, Phù Khái, trước là đối địch với đại vương, sau là gây nên vết thương chí mạng cho đại vương ta, nay tuy đã đến thỉnh tội, nhưng tội không thể dung, theo lý nên xử trảm, để lấy đó mà làm tấm gương xấu."
Đôi mắt Khánh Kỵ có sự vui mừng liếc nhìn hắn, vui vẻ nghĩ: "Tên ranh này, muốn học theo Ngũ Tử Tư sao, may là quả nhân không phải Phù Sai, nhắc đến Phù Sai... đúng rồi, tên Tiểu nha đầu Thi Di Quang bây giờ cũng không biết thế nào rồi, lịch sử đã có biến đổi, Câu Tiễn chắc sẽ không đưa nàng ấy đến nước Ngô? Tiểu nha đầu này, đúng là mỹ nhân trời sinh, chỉ là tuổi tác có hơi nhỏ. Cho dù muốn dùng mỹ nhân kế, cũng phải mất năm hay sáu năm nữa, mà lại chẳng biết lúc này tiểu nha đầu đó đang ẩn thân nơi đâu..., Quả nhân đã phí nhiều công sức, cũng không tìm ra được, cũng chẳng biết cả nhà họ Thi ấy thế nào rồi..."
Khánh Kỵ nhất thời thất thần, tâm tư không biết đã bay bổng đến nơi nào, chúng thần trên đại điện đều đang chăm chú nhìn sắc mặt của Khánh Kỵ, nay tâm phúc trọng thần của hắn là Anh Đào, đã ra mặt xin được xử tử Câu Tiễn, Khánh Kỵ lại im lặng không nói không rằng, trên điện lúc này có nhiều đại thần tự cho rằng đã đoán được tâm ý của Khánh Kỵ, nghĩ rằng hắn không muốn giết Câu Tiễn, để lại tiếp tục gây chiến với nước Việt. Thế là Phù Công đại phu lập tức giành trước tiến lên một bước, chấp tay nói: "Đại vương, người xưa có câu, chu hàng sát phục, hoạ đến tam kiếp. Nay Câu Tiễn với danh nghĩa là thái tử nước Việt đã trút bỏ xiêm y, cởi bỏ ngọc quán mà thỉnh tội, tuy là có tội, nhưng tội không đáng chết, đại vương hồng ân, hà cớ không tha hắn một mạng, như vậy người Việt sẽ càng cảm kích trước ơn đức của đại vương, thuận lòng quy phục, và cũng là thể hiện oai nghiêm của đại vương ta."
Khánh Kỵ nhẹ nhàng đưa tay, về phía không trung, Phu Công lập tức im lặng, Khánh Kỵ phẩy nhẹ tay, Anh Đào và Phu Công đều lui về vị trí cũ, Khánh Kỵ từ từ bỏ tay xuống, nhè nhẹ gác tay trên tay vịn của vương toạ, rồi lại nhẹ nhàng nắm chặt lại.
"Nước Việt, sớm muộn gì ta cũng sẽ đánh. Muốn được thiên hạ, thì cần ổn định hậu phương trước, nước Việt là con rắn độc trong bụng ta, nhất định phải trừ khử. Nhưng đây có phải là thời cơ thích hợp mà dụng binh với nước Việt không? Hạng người như Câu Tiễn, bây giờ giết hay không giết? Nếu muốn trừ khử hắn, cũng không có gì trở ngại. Dù cho công khai giết hắn không thành, chỉ cần giam lỏng hắn ở nước Ngô, để tìm một cơ hội cho hắn bệnh chết cũng có thể được. Chỉ là... nếu như vậy, chẳng qua cũng chỉ là lấy vải thưa mà che mắt thánh. Việt vương Doãn Thường sẽ cứ bất chấp tất cả mà tạo phản.
Vấn đề lương thực của mùa thu năm nay và mùa xuân sang năm vẫn chưa được giải quyết, trong nước đang cần bỗi dưỡng phát triển. Nước Sở là bạn hay thù trong nhất thời vẫn chưa biết được, vấn đề Đông Di cũng nên nhân lúc có áp lực của người Tề đang xâm lược phía nam mà sớm giải quyết, lúc này nếu khai chiến với nước Việt, thì sẽ ra sao? Với sức của nước Ngô, đánh trận này chẳng thành vấn đề, vấn đề là làm sao thu xếp tàn cuộc.
Với sức mạnh trước mắt của ta, chỉ có thể đánh bại nước Việt chứ không đủ sức giành được nước Việt, một khi Doãn Thường dẫn quân chạy vào trong núi sâu đánh du kích với ta, có thể ta sẽ giống như quân Mỹ đã lún sâu vào vũng lầy chiến tranh Việt Nam, vấn đề là hiện nay quốc nội chưa ổn định, thiên hạ vẫn còn loạn, cũng không có tài lực phong phú như những nước khác, một khi đã lún vào chiến trường của nước Việt, ta có thể đánh nổi, nhưng lại không chi tiêu nổi.
Hơn nữa, thế giới ngày nay, đạo nghĩa vẫn rất được xem trọng, có nhiều lúc nó quả thật có thể làm xuất hiện những sức mạnh to lớn. Hơn trăm năm trước, binh lực của Tấn Huệ Công nhiều hơn gấp đôi so với binh lực của nước Tần, kết quả lại bị thua tả tơi hoa lá trong tay của nước Tần, chính là do hắn nói không giữ lời, nói nhưng không nói, thế là tam quân của hắn ngại ngùng khi giao đấu với nước Tần. Nay ta muốn làm nước Ngô giàu mạnh, ngoại trừ không ngừng tăng cường thực lực bản thân, cũng cần tạo dựng hình tượng của nước Ngô trong mắt các nước chư hầu khác.
Câu Tiễn đã đánh trống khua chiêng vào nước Ngô, đã bày ra màn kịch này, cho dù lúc trước hắn có bao nhiêu tội, nhưng nay về mặt đạo nghĩa hắn đã nắm chắc trong tay, nếu ta tuỳ tiện giết hắn thì các nước chư hầu sẽ xem ta như thế nào? Huống chi âm mưu nguy hiểm vạn phần này, năm xưa mượn miệng của Bá mà hắn dựng Hạp Lư di mệnh cờ hiệu, thế thì hắn không những không tạo phản, mà ngược lại là trung thần của nước Ngô, cả thiên hạ đều cho rằng nước Việt nhỏ bé, không chịu nổi một đợt tấn công của nước Ngô, Câu Tiễn lại chơi thêm khổ nhục kế, nếu thật giết hắn thì sao? Chỉ riêng nước bọt người đời thôi cũng đủ dìm chết người, thật khốn khiếp, quả là chó cắn phải nhím, không biết nên bắt đầu từ đâu.
Khánh Kỵ trầm ngâm hồi lâu, chậm rãi nói: "Câu Tiễn."
"Có tội thần!"
"Nếu ngươi đã đến thỉnh tội, cớ sao không bắt nghịch thần Bá đến gặp quả nhân?"
"Đại vương, Bá đã đến rồi."
"Ồ, thế hắn đâu?"
"Hồi bẩm đại vương, Bá đã chết, tội thần đã mang đến thủ cấp của hắn, vì sợ thối rửa, nên đã dùng vôi bọc lại, cất giữ trong hộp, nay thủ cấp đang ở ngoài điện, đại vương có thể cho người kiểm tra."
Trong điện lập tức nhốn nháo cả lên, Khánh Kỵ khẽ khép đôi mắt lại, hỏi: "Ngươi đã giết hắn?"
Câu Tiễn cúi thấp đầu xuống, cao giọng đáp: "Tội thần không dám, Bá sau khi say rượu đã lỡ lời, nói ra chân tướng, tội thần một lòng muốn bắt Bá đến thỉnh tội với đại vương. Không ngờ, Bá tự biết tội nghiệt nặng nề, sợ phải chịu hình phạt cắt da xẻ thịt, nên đã nhân lúc mọi người chưa kịp chuẩn bị đã tự vẫn mà chết, thần không còn cách nào khác, đành mang thủ cấp của hắn đến thỉnh tội với đại vương."
Khánh Kỵ ngớ người ra, dần dần cười lớn: "Tự vẫn? Chết hay lắm! Chết rất hay! ha ha ha..."
Khánh Kỵ đứng hẳn dậy, từng bước bước xuống bậc tam cấp. Câu Tiễn đang quỳ mọp bên dưới, chỉ đành lê gối mà lui xuống, Khánh Kỵ dừng lại, hắn lại vội vàng cúi thân thấp xuống, trán hắn chạm vào mũi hài của Khánh Kỵ. Khánh Kỵ cúi thấp đầu, nhìn chiếc cổ dài của hắn, dường như có cảm giác chán ghét.
Phù Sai tuy tàn bạo, nhưng trong lòng Khánh Kỵ vẫn là một đại trượng phu. Còn tên Câu Tiễn này, hễ gặp hắn, là Khánh Kỵ có cảm giác như gặp phải rắn độc, một sinh vật thân mềm bò sát, ướt át, loè loẹt sặc sỡ nhưng độc ác. Còn cái gọi là đại trượng phu? Cho dù có bất chấp thủ đoạn hơn nữa, mất nguyên tắc làm người thế nào đi chăng nữa, chỉ cần hắn thực hiện được việc báo thù, vậy cũng được coi là đại trượng phu sao?
Không sai, đại trượng phu mà muốn sống trong đời này là phải lập nên sự nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là sự nghiệp cao hơn tất cả, thâm chí cao hơn cả tình thân, tôn nghiêm và nhân cách con người. Nếu phải hy sinh tất cả những thứ đó, để tự biến mình thành một con dã thú không có gì là không bỏ qua.
Vì đạt được mục đích, bất chấp thủ đoạn, hoặc giả cũng là triết lý nhân sinh của một số người thành công. Nhưng, tất cả những gì đạt được đều có cái giá của nó, đó là logic của cuộc sống. Một người vô tình vô nghĩa, ngoại trừ cái gọi là thành tựu của hắn, hắn còn có gì nữa chứ?
Khánh Kỵ cười, nụ cười có vẻ tàn nhẫn. Tiếc là tên Câu Tiễn đang quỳ dưới chân hắn lại không nhìn thấy vẻ sắc bén trong ánh mắt của hắn: "Bỉ ổi là giấy thông thành cho những kẻ bỉ ổi, cao thượng là những gì được khắc trên mộ của những kẻ cao thượng à? Thế sự không có gì là tuyệt đối! Cho dù ngươi không tiếc bỏ cả tự tôn và nhân cách để mưu cầu được chút thành tựu, ta cũng sẽ đoạt lấy nó từ trong tay ngươi. Khánh Kỵ không phải là Phù Sai, ta sẽ không để cho tiểu nhân đắc ý, đến cùng người sẽ không làm nên chuyện gì cả!"
Khánh Kỵ nhìn Câu Tiễn, Câu Tiễn trong lòng lo ngay ngáy, qua hồi lâu, Khánh Kỵ mới thản nhiên cười: "Câu Tiễn, ngươi đứng dậy, nếu chỉ có mình người, thì chết không đáng tiếc. Quả nhân niệm tình hàng ngàn hàng vạn bá tánh hai nước Ngô Việt, miễn cho ngươi tội chết."
Câu Tiễn len lén thở dài nhẹ nhõm, vội vàng tạ ân nói: "Tội thần được hậu ân của đại vương, mới bảo toàn mạng hèn này, thần thật đáng hổ thẹn. Tội thần Câu Tiễn xin dập đầu tạ ơn." Nói xong lại dập đầu ba cái, rồi mới đứng dậy.
Nụ cười trên mặt Khánh Kỵ vụt tắt, trầm giọng nói: "Nhưng... tội chết có thể miễn, tội sống khó tha. Ngươi nhân lúc quả nhân trong nước có loạn, ngang nhiên chấn hưng quân ngũ, giết bá tánh và binh sĩ ta, tội này há có thể xem nhẹ sao? Nay lo sợ trước quân uy, lại đến xin hàng, quả nhân nếu cứ thế thả ngươi về nước, há chẳng phải là phi nhân nghĩa ân đức với nước ta, mà còn bạc đãi các con dân tướng sĩ nước Ngô ta sao.
Câu Tiễn không dám ngẩng đầu, vội vàng khom lưng, thấp giọng nói: "Tội thần xin được nghe đại vương căn dặn."
Khánh Kỵ nhè nhẹ gật đầu, rồi đột nhiên xoay người, từng bước bước lên bậc tam cấp, đến trước vương tọa bèn quay người ngồi xuống, bức rèm châu trước mặt lạo xạo vang lên rồi lại thôi, lại tiếp tục đung đưa nhè nhẹ.
"Nước Ngô và nước Sở do tranh nhau rừng dâu mà nổi chiến tranh, chinh chiến nhiều năm nay, không hề ngơi nghỉ. Từ khi Công Tử Quang giết vua soán vị, lại thêm loạn trong nước, chiến sự liên miên, đến nay mới dứt, bá tánh lưu lạc khắp nơi, ruộng đất bỏ hoang, người dân không có kế sinh nhai. Còn nước Việt ngươi thừa cơ gặp nạn mà đi cướp bóc, tội này không nhẹ, nay chỉ có thể lấy công chuộc tội, lại có thể tránh nạn binh đao."
Câu Tiễn cúi đầu đáp: "Không biết đại vương có căn dặn gì, nếu trong khả năng của tội thần, thần quyết không chối từ."
Khánh Kỵ chớp mắt, nói: "Nay người Ngô vì chiến loạn liên miên, không có người trồng trọt, ngũ cốc năm nay không đủ, thu năm nay và xuân sang năm, đã có dấu hiệu thiếu lương thực, vạn dân chịu đói. Nước Việt là thuộc quốc của ta, lại đang mang trọng tội, về tình về lý, cũng nên ra tay trợ giúp. Quả nhân muốn mượn của ngươi vạn thạch lương, ngày sau khi lương thực nước Ngô đã đầy đủ sẽ trả lại cho ngươi, ngươi thấy thế nào?"
Câu Tiễn kinh ngạc, hoảng hốt nói: "Đại vương có lệnh, tội thần không dám không tuân theo, có điều... có điều là vạn thạch lương thảo, nước Việt ta nghèo nàn, nên chẳng biết xoay sở từ đâu, tội thần không dám vì cầu được miễn xá, mà tùy tiện hứa với đại vương, để rồi lại phạm tội khi quân. Người Việt nghèo khổ, trong dân gian còn có nhiều bá tánh không lo nổi cơm ăn áo mặc, vạn thạch lương thảo, thật là... thật là nước Việt không đảm đương nổi, xin đại vương khai ân."
Khánh Kỵ cười ha ha nói: "Muốn lấy những lời trống rỗng này mà lừa dối quả nhân sao? Nước Việt nghèo khổ à? Nước Việt là nước giàu nhất trong thiên hạ, trong dân gian vẫn có bá tánh không lo nổi cơm ăn áo mặc và lưu lạc khắp nơi sao. Dân tuy nghèo khó, nhưng nước Việt mấy năm nay đều an phận ở phía Đông Nam, có nước Ngô ta là bức bình phong để bảo vệ, rất ít có chiến loạn phân tranh, chỉ là một ít lương thảo, chẳng lẽ phủ khố nước Việt cũng chẳng lo nổi sao?"
Câu Tiễn lại bái, nài nỉ cầu xin, lại than vãn kể khổ, Khánh Kỵ đã không tiện ra mặt, Tôn Vũ từ sớm đã bước ra cùng hắn đấu võ mồm, Khánh Kỵ ngồi ở trên nhìn hai người họ thao thao bất tuyệt, đại khái là nói quốc dân của nước mình nghèo khổ ra sao, khốn khó ra sao, đều mang bộ dạng "ai thảm hơn ta", khiến mọi người không nhịn được cười.
Trải qua cuộc tranh luận này, cuối cùng Câu Tiễn chống đỡ không nổi, Tôn Vũ cũng nhường một bước, sau cùng đã đạt thành thỏa thuận mượn sáu ngàn thạch lương thảo của nước Việt, Khánh Kỵ lại nói vương cung bị hỏa hoạn, tường thành bị hư hại nhiều, muốn nước Việt phải cho thợ rèn, thợ mộc, thợ đá và nhiều thợ khác, lại thêm gỗ và khoáng thạch, lao phu dân dịch, Câu Tiễn có rất nhiều gỗ, nên đã đồng ý ngay. Ghi chép trên điện từ sớm đã rồng bay phượng múa, ghi chép lại hiệp nghị, Câu Tiễn vừa gật đầu, thư ký đã viết xong khế ước, đưa ra trước mặt hắn, để hắn ký tên đóng ấn, Câu Tiễn chẳng biết làm sao, đành ký vào.
Đến khi những điều khoản này đã được bàn bạc xong, thần sắc Khánh Kỵ hòa nhã hơn nhiều, nói với Câu Tiễn: "Những tội danh người vừa nêu, ngươi đã dám thừa nhận, đủ thấy có lòng thành thật hối cải. Nhưng ngươi đã giết vua đoạt ngôi mang tội dĩ hạ phạm thượng, cũng phải chịu sự trừng phạt, Huống hồ, người Việt có thật bị Bá lừa gạt, phải chăng đã không còn mưu đồ, quả nhân và các triều thần vẫn chưa hết nghi hoặc, Quả nhân muốn ngươi ở lại nước Ngô làm con tin, để tỏ rõ lòng thành, ngươi thấy thế nào?"
Câu Tiễn nghe xong trong lòng thầm nghĩ: "Tên Khánh Kỵ này, há chẳng phải là Đệ nhất dũng sĩ nước Ngô trước giờ rất quang minh chính đại, tấm lòng trong sáng vô tư sao, sao giờ đây lại trở thành nham hiểm và tham lam thế. Trước hắn lừa ta lập khế ước, lúc này nếu rút lại, hắn bèn có cớ để phạt Việt. Đợi đến khi mọi chuyện đều ổn thỏa, còn chưa chịu ngừng tay, còn muốn bắt ta làm con tin. Lần này ở lại, khi nào được trở về e là không do ta quyết định được, đến lúc đó, ta như miếng thịt nằm trên thớt của Khánh Kỵ, muốn tròn hay muốn dẹp, chẳng phải là việc chỉ bằng một câu nói của hắn à?"
Thời xuân thu chiến quốc này, các hoạt động bang giao giữa các nước chư hầu rất nhiều. Và trong việc kiến lập các hoạt động bang giao, chữ "Tín" là nhân tố quan trọng nhất, để đảm bảo cho việc bang giao được tiến hành thuận lợi. Giữ lại "Con tin" để làm "tín vật" là hình thức chủ yếu và đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi. Nhất là khi có sự liên minh giao kết về vấn đề nào đó giữa hai nước thực lực không ngang nhau, nước yếu gởi con tin sang nước mạnh để được lòng tin của đối phương đã là việc thường thấy, nên điều kiện này của Khánh Kỵ là thiên kinh địa nghĩa, Câu Tiễn quả thật không thể chối từ, bằng không nước Ngô sẽ lấy cớ này chất vấn thành ý của nước Việt thậm chí là xuất binh thảo phạt, đó đều là danh chánh ngôn thuận cả.
Câu Tiễn cúi đầu chần chừ không quyết, Khánh Kỵ thấy thế bèn đốc thúc hắn, cười lạnh lùng nói: "Làm con tin ở nước Ngô, để thể hiện thành ý của nước Việt, nay ngươi cứ lưỡng lự không quyết, trừ phi trong lòng có tính toán?"
"Tội thần không dám!" Câu Tiễn lại vội vàng quỳ mọp xuống đất, chỉ trong tích tắc đã nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào nói: "Làm con tin ở nước Ngô, có thể đích thân hầu hạ đại vương bệ hạ, được thường xuyên nghe lời chỉ dạy của đại vương, Câu Tiễn có cầu cũng không được."
Hắn nói vài câu nịnh hót đến phát nôn, rồi lại nói tiếp: "Nhưng... Phụ thân thần đã già yếu lắm bệnh, thường hay nằm trên giường không thể ngồi dậy, Câu Tiễn thân là hài nhi của người, nếu không thể kề cận chăm sóc, sắc thuốc thử thuốc, khó tránh không làm tròn được đạo làm con. Trung hiếu không thể lưỡng toàn, Câu Tiễn cả hai bên đều khó, nên đã thất lễ trước mặt bệ hạ, khẩn xin thứ tội."
Trong trăm việc thiện lấy chữ hiếu làm đầu, vào thời đó phụ tử là đạo của trời còn quan trọng hơn cả đạo quân thần, bằng không Khổng Khâu đã không kiến nghị nên xem đạo quân thần ngang bằng với đạo phụ tử. Câu Tiễn đã chuyển hướng đến Doãn Thường, nói phụ thân hắn bệnh nặng nằm trên giường đã lâu ngày, nếu Khánh Kỵ cứ cố giữ hắn lại không cho về nước, vậy thì có chút không hợp tình hợp lý.
Khánh Kỵ cười lạnh lùng: "Nếu nói thế, nước Việt khó có thể ở lại nước Ngô làm tin rồi?"
Câu Tiễn khóc lóc nói: "Không phải là không thể, chỉ là thân là hài nhi, phụ thân lại lâm trọng bệnh, Câu Tiễn theo lý nên kề cận trước mặt phụ thân mà làm tròn chữ hiếu, xin đại vương ân chuẩn, giữ lại người khác làm con tin."
Khánh Kỵ ngừng cười nói: "Làm gì có cái lý ấy, Việt Vương Doãn Thường chỉ có một thái tử là ngươi, còn có người nào có thể làm con tin chứ? Trừ phi tùy tiện đuổi cổ một tên tôn thất tử đệ để lấy lệ với quả nhân, vậy há chẳng thành trò đùa sao?"
Chúng thần trên điện bèn rộ lên tiếng cười châm chọc.
Câu Tiễn lau nước mắt trên mặt, lớn tiếng nói: "Tội thần nào dám trêu đùa đại vương, nếu đã làm con tin ở nước Ngô, người làm con tin đương nhiên cũng sẽ có thân phận phù hợp."
Khánh Kỵ cười nói: "Được, nếu phụ thân ngươi đã bệnh tật liên miên, quả nhân nếu cứ cố giữ ngươi lại nước Ngô, e là không hợp tình hợp lý, nếu ngươi đã chọn được người thích hợp, quả nhân cũng không phản đối. Nhưng... nếu là công chúa của quý quốc, tuy cũng là nữ nhi của quả quân quý quốc, quả nhân xin được từ chối."
Lời này của Khánh Kỵ có ý chê cười nước Việt mỗi khi giao hảo với quốc quân và quyền thần các nước thường dùng cách hiến tặng mỹ nữ của nước Việt, mặt Câu Tiễn đỏ gay, nói: "Nước Việt làm con tin ở nước Ngô, là bang giao đại sự, đương nhiên không dám để cho bậc nữ lưu xen vào."
Khánh Kỵ gật đầu đáp: "Tốt, vậy thì... nước Việt sẽ để ai lại làm con tin?"
Câu Tiễn đáp lại: "Người ở lại làm con tin đang đứng ngoài điện, xin đại vương cho phép lên điện kiến giá."
Khánh Kỵ vô cùng kinh ngạc nhìn hắn, gật đầu nói: "Chuẩn tấu!" trong tích tắc, hai tên võ sĩ dẫn theo một người vào điện, quần thần đều hiếu kỳ nhìn về phía người ấy, chỉ thấy người này mặc một chiếc áo màu xanh bích, độ khoảng tam tuần, tướng mạo tương đối đẹp, thân hình đẫy đà, nhất định là một nữ nhi. Người nữ nhi này trong tay bồng một đứa trẻ, bụng và những nơi dễ bị tổn hại được quấn trong một chiếc lụa, chiếc chân trắng trẻo mập mạp lộ ra bên ngoài, trông như một chiếc ngó sen vậy, thật là đáng yêu.
Câu Tiễn vừa nói rằng sẽ không lấy bậc nữ lưu làm con tin, vậy thì người phụ nữ trên điện này sẽ không phải là con tin, chẳng lẽ...
Ánh mắt của mọi người đều tập trung vào đứa bé, ngay cả Khánh Kỵ khi thấy đứa bé, hai mắt cũng như nhìn thẳng tắp. Đứa bé được người phụ nữ bế trong lòng, trong miệng còn đang mút đầu ngón tay, đôi mắt đen lay láy nhìn qua nhìn lại, nhìn các văn thần võ tướng trên điện một cách hiếu kỳ, thiết nghĩ thường này cũng đã quen thấy đông người, nên không hề sợ hãi.
"Đây... đây... đây là ai?" Khánh Kỵ chỉ vào đứa bé, bất giác có chút lắp bắp.
Câu Tiễn xúc động nói: "Đó là hài nhi của hạ thần tên Dự, Vương thái tôn nước Việt, có thể thay phụ thân ở lại nước Ngô làm tin. Câu Tiễn đối với đại vương là một lòng trung thành, xin đại vương ân chuẩn."
Khánh Kỵ nhìn Câu Tiễn hồi lâu không nói, trong lòng lại nghĩ: con người này, quả thật có thể nhẫn nhịn những điều mà người thường không thể nhịn được, vì đạt mục đích mà bất chấp thủ đoạn, bất cứ người nào cũng có thể trở thành công cụ để hắn lợi dụng. Nếu là ta, e là cho dù tình thế có nguy hiểm hơn nữa, cũng không nỡ đem đứa bé còn nhỏ tuổi thế tặng vào tay người khác chỉ để lấy được lòng tin của người đó. Nhưng, từ cổ chí kim đế vương của các quốc gia, lại có mấy người trọng tình trọng nghĩa chớ? Có thể tuyệt tình như Câu Tiễn, đâu chỉ có mình hắn?
"Đến gần đây, đem đưa bé cho quả nhân."
Người phụ nữ này thiết nghĩ là vú nuôi của đứa bé, ở nước Việt chắc bà ấy cũng đã từng gặp qua nhiều công khanh đại nhân, nhưng suy cho cùng thì ở đây là nước Ngô, nên thần sắc có vẻ sợ hãi. Thái giám bước lên, bồng đứa bé từ trong tay bà, bà vội vàng ngoan ngoãn buông tay ra. Thái giám bồng đứa trẻ bước lên bậc tam cấp, trình ngay trước mặt Khánh Kỵ.
Khánh Kỵ bồng đứa bé lên xem xét kỹ lưỡng, đứa bé tên Dự à? Đứa bé này, chắc tuổi tý, Câu Tiễn thì cổ như cổ rắn, hai phụ tử này mà hợp lại, há chẳng là một ổ rắn chuột sao? Nhưng con chuột nhắt này xem ra dễ nhìn hơn tên Câu Tiễn nhiều, đứa bé trắng trẻo mập mạp, đôi mắt tú lệ, con ngươi đen láy điểm sơn, khi nhắm lại thật đáng yêu. Thường mà nói, nam tử thì giống mẫu thân, nữ tử thì giống phụ thân, đứa bé này thiết nghĩ là giống mẫu thân, nếu mà giống tên Câu Tiễn thì, đúng thật là bà cũng không thân mà cậu cũng chẳng yêu, thật khiến người chán ghét rồi.
Đứa bé không sợ người lạ, ở trong Việt vương cung chắc cũng đa được nhiều người bế nên đã quen, khi rời khỏi vòng tay của vú nuôi vẫn không hề khóc, vừa được Khánh Kỵ bế trên tay, đôi mắt đen lay láy của nó lập tức như có hứng thú với bức rèm châu trên vương niệm của Khánh Kỵ, nó đưa bàn tay trắng trẻo mập mạp ra để bắt lấy những viên ngọc châu trên vương niệm, thỉnh thoảng còn vang lên những tiếng cười hi hi. Còn Khánh Kỵ mình mặc bộ quán phục nặng nề, trong tay lại bế một đứa trẻ, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, gần như không để ý đến cử động của đứa bé. Ở trước mặt bá quan văn võ trên đại điện, đột nhiên diễn nên một cảnh ấm ấp tình yêu thương, trông thấy thật khiến người tức cười
← Hồi 244 | Hồi 246 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác