Vay nóng Tima

Truyện:Đằng tiên bắc ngạo - Hồi 33

Đằng tiên bắc ngạo
Trọn bộ 37 hồi
Hồi 33: Vĩnh biệt ngoại tổ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-37)

Siêu sale Shopee

Dù hứa với chưởng quỹ phải đi sớm, mãi đến trưa, từ khách sạn Thiên Tân một cặp trai gái, trai trong bộ võ phục lụa màu hồng nhạt, tóc bới cao để lộ bộ mặt vô cùng tuấn tú. Nữ nhân đội mũ, từ chiếc mũ xỏa xuống một tấm khăn che mặt bằng tơ hồng không nhìn rõ diện mạo, nhưng thân hình rất cân đối chứng tỏ một giai nhân. Giai nhân trong bộ áo hồng lại con ngựa lông đỏ như lửa, nhưng nhỏ con nên khó ai biết đó là con ngựa vô cùng quí giá, một giống ngựa mà năm xưa Hán Võ đế phải đúc ngựa bằng vàng, cùng với bao nhiêu gấm lụa, đồ vật quí giá mang sang xứ Đại Uyển để đổi cũng bị chối từ. Sau phải huy động mấy chục ngàn binh mã, mấy lần trải bao gian khổ, vượt sa mạc và núi non hiểm trở hàng ngàn dặm đi xâm chiếm mới đem về Trường An được một số, trịnh trọng gọi là thiên mã, tức ngựa của trời, nhưng cũng không thể tiếp tục duy trì sự thuần chủng và sinh sản. Có chăng chỉ hết đời Võ Đế thì thiên mã của nhà vua cũng không còn. Con ngựa của người nam cởi, người nhìn vào biết ngay là con ngựa tốt vì sự to lớn và cân đối của nó. Nhưng chắc chắn cũng ít người biết là con thiên lý mã, ngày có thể đi ngàn dặm, bởi chưng vào thời này, nhiều giống ngựa to con, những giống ngựa Mông Cổ và Tây Vức đã được gây giống rất nhiều, và giới quyền quí, những nhà đại phú, quan tướng.. thích dùng những con ngựa có tướng tá hùng dũng để cởi. Nhưng những con ngựa này, ngoài để chứng tỏ uy phong và sang cả của người chủ, nó lại là những con ngựa bị thịt, vì chăm sóc quá cẩn thận, ít tập luyện, không thích hợp trên đường dài, cho khách võ lâm. Khi đã có quá nhiều con ngựa đẹp và hùng dũng, thì cũng không ai phải đặc biệt chú ý đến một con ngựa như Thanh biêu. Nhìn cách ăn mặc sang trọng của người cởi và con thanh biêu, người ta chỉ nghĩ ngay đó là một loại công tử thời đại.

Đường từ Ngô trấn tới kinh thành khoảng trên hai trăm dặm, nếu không gặp Mộc Nhi, dù không dùng hết sức ngựa thì đến chiều tối, sau khi gởi con thanh biêu cho một mã trường Oanh Oanh đã cho địa chỉ, Tích Nhân có thể vào thành nghỉ ngơi, một lữ quán cũng đã được Oanh Oanh dặn dò, rồi bắt đầu dò la tin tức Đằng tiên lão nhân. Nhưng gặp lại Mộc Nhi trong tình cảnh phải ra tay tương trợ, rồi đưa đẩy để không thể cự tuyệt mối tình nóng bỏng của cô công chúa này, Tích Nhân nghĩ phải thay đổi cả hành trình. Tùy cơ ứng biến.

Một phần đường sá nhiều người, xe ngựa đi lại không thể cho ngựa đi nhanh, một phần muốn sóng ngựa bên nhau chuyện vãn. Chiều hôm đó, mặt trời gần khuất sau những rặng núi phía tây, họ đến một địa phương với núi đồi xanh mướt thông, tre. Mộc Nhi nói:

- Nơi này gọi là Mã Yên Sơn rất nổi tiếng, không phải vì cảnh đẹp của nó, nhưng Thanh sơn là nơi yên nghỉ của đại thi hào Lý Bạch.

- Ồ! Đây cũng là nơi Lý Bạch nhảy xuống trường giang ôm trăng và suýt chết chìm phải không?

- Vâng, nơi Thanh Sơn nhô ra Trường giang là một gành đá thẳng đứng, màu sắc rất đẹp được gọi là Ngưu Chữ Cơ, Lý Bạch thường ngắm trăng vùng này và có lưu lại bài Dạ Bạc Ngưu Chữ rất nổi tiếng.

Và nàng ngâm nga:

Ngưu Chữ Tây Giang hạ Thanh thiên vô phiến vân Đăng chu vọng thu nguyệt Không ức Tạ tướng quân Dư việc năng cao vịnh Tư nhân bất khả văn Minh triêu quải phàm khứ Phong diệp lạc phân phân (Tây giang Ngưu Chữ chảy về Trời đêm trong sáng không hề chút mây Trăng thu muốn ngắm lên thuyền Nhớ ngay Tạ tướng bạn hiền ngày nao Ngâm thơ ta cũng ngêu ngao Người xưa nay ở chỗ nào mà nghe Sáng mai buồm kéo thuyền rời Lá phong thu rụng bời bời giăng giăng) Giọng ngâm của Mộc Nhi rất truyền cảm, Tích Nhân ca ngợi:

- Mộc muội ngâm thơ vô cùng truyền cảm. Hiền muội đúng là văn võ toàn tài!

- Tiểu muội không dám nhận. Võ không bằng một phần của Nhân ca, còn thi văn thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

- Mộc muội khiêm nhường, ít nhất kiến thức về Trung thổ của tiểu huynh không bằng nàng. Tiểu huynh có thuộc vài bài thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị..chút ít về lịch sử trung nguyên nhưng những điều không biết rất nhiều như kinh thành hiện nay là Kiến Khương hay Kiến Nghiệp đời Ngô, và cũng không biết Lý Bạch khi mất được chôn ở nơi này!

- Nhân ca có lẽ phải học võ từ nhỏ. Hơn nữa trung nguyên không là nơi Nhân ca phải chú ý nhiều, còn tiểu muội.. tổ tiên đã cai trị ở đây cả trăm năm. Mỗi khi đặt chân tới phải ngậm ngùi, và tiểu muội cũng có dụng tâm tìm hiểu.

- Tiểu huynh có lẽ hiểu phần nào ý nguyện của hiền muội hiện nay. Tiểu huynh tỏ lời kính phục hùng tâm của nàng.

Mộc Nhi cho ngựa đi gần Tích Nhân, tiếng nói nhỏ xuống:

- Tiểu muội biết Chu Đệ đang có kế hoạch điều quân xâm chiếm Đại Việt. Nhân ca đến kinh thành phải chăng vì việc này? Tiểu muội nguyện giúp một tay.

Tích Nhân lắc đầu:

- Vua Đại Việt hiện nay là kẻ soán ngôi, không được lòng dân, cũng có thể là kẻ thù hại cha mẹ tiểu huynh nên tiểu huynh phải trong thế chờ đợi để giúp cho anh hùng nghĩa sĩ sau này mà thôi. Tiểu huynh đến đây để cứu ngoại tổ.

- Ồ! Người vì sao bị họ Chu giam cầm?

Tích Nhân thuật sơ cho Mộc Nhi nghe. Nàng nói:

- Tiểu muội có một số ít tay chân trong thành có thể giúp cho Nhân ca một tay.

- Đa tạ hiền muội. Nếu có tin tức, hay đường sá trong thành cho tiểu huynh biết thì rất tốt. Tiểu huynh không muốn cao thủ nàng bí mật gầy dựng vì chuyện tiểu huynh mà bại lộ.

- Thành Kim lăng hiện nay Chu Nguyên Chương đã tốn hai mươi mốt năm xây dựng lại, vừa cao vừa to rộng, chu vi gần trăm dặm, có tất cả 13 cửa, chưa có thành nào ở Trung nguyên có thể sánh bằng. Nhưng đường sá và các cung điện trong thành tiểu muội nắm rõ. Sẽ chỉ dẫn cho Nhân ca.

- Thế thì hay lắm. Tiểu huynh sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian.

- Đêm nay chúng ta phải để bụng đói đi đêm hay tìm nơi nghỉ ngơi?

- Mộc muội đói và mệt lắm phải không? Tiểu huynh quên là hiền muội đã phải trải qua.. Thật có lỗi.

- Tiểu muội trải qua một đêm say không biết đất trời và rất kinh hoàng. Nếu không có người.. cứu thì giờ này không biết thế nào. Hình như hoàng thiên không phụ hảo nhân tâm!

Mộc Nhi cười vui vẻ rồi nói:

- Nhưng vì đã từng say.. nên tiểu muội muốn nhân dịp này chúng ta đi thăm mộ Lý Bạch.

- Nếu vậy tìm chỗ nghỉ gần đây, rồi sáng mai chúng ta mới đi. Tiểu huynh cũng rất ngưỡng mộ thi tài ông ta.

- Theo tiểu muội biết nơi đây có vài lữ quán nhỏ để tiếp đãi những văn nhân, hay những bọn công tử làm ra thanh nhã đi du ngoạn, ngắm cảnh. Tuy nhiên, bọn Phi ngư thế nào cũng theo dấu chúng ta mà trả thù, chỉ e ở lữ quán sẽ làm phiền họ.

Tích Nhân cười:

- Một tướng lãnh có khác! Dù ngắm cảnh, ngâm thơ vẫn biết kẻ thù theo dõi và chuẩn bị đề phòng. Hiền muội vì đâu gây oán với chúng?

- Gặp chúng đang hà hiếp cha con một ông lão. Tiểu muội ra tay khá nặng. Chúng chạy trốn nhưng có lẽ tên cầm đầu đã mất mạng.

- Chưởng quỹ cho tiểu huynh biết tên đầu lãnh Phi ngư hội là đệ tử Thiếu Lâm.

- Có lẽ gã khá có bản lãnh, nên chúng mới dám hoạt động phi pháp trong vùng đất cách kinh đô họ Chu không xa. Nhưng với bọn giặc chồm ấy.. không cần phải quan tâm..

Nàng cười to:

- Nhất là tiểu muội đang đi với Nhân ca. Bây giờ chúng ta đến Ngưu Chữ Cơ cùng bắt chước Lý Bạch ngắm trăng. Chỉ đáng tiếc là chúng ta không mang theo rượu.

- Chúng ta có thể tìm một quán nhỏ, mua ít rượu thịt cũng tốt hơn là ăn cá nướng hay thịt nướng không gia vị.

- Hay lắm, luôn tiện chúng ta hỏi thăm đường.

Tích Nhân giục ngựa đi nhanh hơn, họ gặp một tửu quán bên đường. Có lẽ là vùng đất có nhiều văn nhân thi sĩ qua lại, nhưng dù chỉ là căn nhà gỗ nhỏ, bên trong chỉ năm bảy chiếc bàn nhưng sạch sẽ, và cũng có nhiểu rượu ngon. Mộc Nhi lấy hai bình rượu Nữ nhi hồng, đặt ít thịt nướng mang theo. Trong khi chờ đợi họ cùng ăn tạm mỗi người một tô cháo cá.

Mặc dù đường núi nhỏ hẹp, hai con ngựa đều có thể đi đêm như ban ngày với tốc độ khá nhanh, chẳng mấy chốc họ đến bờ sông trường giang. Sau khi tìm được một nơi vắng vẻ có cỏ non cho đôi ngựa, cả hai mang thức ăn và rượu, dắt tay nhau phi thân tới Ngưu Chữ. Tuy đã nhìn thấy nhiều cảnh sắc của một ngọn núi ven sông bị giòng nước xói mòn đổ xuống, còn lại vách đá thẳng soi mình dưới nước, nhưng thấy cảnh sắc của Ngưu chữ cơ, Tích Nhân cũng không khỏi thầm khen sự cấu tạo kỳ lạ của thiên nhiên. Cảnh vật mỗi nơi mỗi khác, đá ở đây có nhiều màu sắc, và có lẽ bên trên có một lớp đá dày cứng, một khối núi nhô mình ra sông trông giống như đầu một con quái thú kỳ lạ, có thể vì phần núi nhô ra sông này mới có tên là Ngưu chữ cơ. Và có lẽ mặt trường giang rộng lớn cũng đã làm sông núi trở nên như mêng mông hơn, và ánh trăng như sáng hơn.

Đi theo gộp đá ven sông một lúc, đến chỗ núi nhô ra, Tích Nhân nắm tay Mộc Nhi phi thân lên. Trên phần núi này cũng nhiều cây cối và bụi rậm, nhưng cả hai tìm cũng được một chỗ trống trải, một phiến đá nhô ra ngoài sông, nhìn xuống hun hút. Nếu không phải là những người có khinh công cao, có lẽ phiến đá to rộng và bằng phẳng này khó có văn nhân hay kẻ võ công tầm thường nào dám đặt chân tới. Mộc Nhi thích thú:

- Chúng ta ở chỗ này không khác gì lửng lơ giữa trời mây và sông nước.

Nàng bày rượu thịt, cả hai vừa thưởng thức vừa chuyện vãn. Thỉnh thoảng cùng ngâm thơ Lý Bạch, và ngậm ngùi cuộc đời sinh bất phùng thời của ông ta. Từ chuyện Lý Bạch họ lần đi đến những việc cổ kim. Qua chuyện vãn với Mộc Nhi, Tích Nhân lại thấy ở nàng một nữ nhân có kiến thức dồi dào không khác Oanh Oanh, và cũng rất tâm đầu với mình. Khi hết rượu thịt, Mộc Nhi trải một tấm khăn rộng, đem hai gói hành lý mang theo làm gối, tiếp tục nhìn trăng, trò chuyện. Qua chuyện vãn với Mộc Nhi, Tích Nhân biết phụ vương của nàng hiện nay mới lên ngôi không lâu, binh quyền trong nước do đại vương A Lỗ Đài và nàng chỉ huy. Đây là lần xâm nhập trung nguyên lần thứ hai của nàng với mục đích nghe ngóng động tĩnh của Minh triều, liên lạc với con cháu nhà Nguyên đang còn có lòng nghĩ đến tổ tiên, cố thổ, tìm cách kết hợp với những tổ chức chống nhà Minh hiện nay. Dĩ nhiên Tích Nhân nhân câu chuyện hỏi nàng tìm Côn Luân Lão Nhân vì việc gì. Có thù oán gì không?

Mộc Nhi thở dài:

- Phái Côn Luân tích cực cộng tác với triều đình họ Chu là cái gai của tiểu muội, nhưng tìm Côn Luân lão nhân không phải việc này, mà chỉ vì tiểu muội cần gặp ông ta để giao một vật của mẫu thân dặn dò lúc lâm chung.

- Mẫu thân của hiền muội là phi tử sao lại quen biết với ông ta?

- Tiểu muội cũng không biết được. Lúc gần mất mẫu thân mới giao nó cho tiểu muội, căn dặn tuyệt đối giữ kín, không cho bất cứ ai biết việc này.

- Như vậy sẽ không còn ai biết được, vì Côn Luân lão nhân cũng đã biết tử kỳ của mình tới gần và đã tìm nơi thanh tịnh để tọa hóa.

Mộc Nhi rút trong mình một miếng ngọc bối màu xanh lục ngắm nghía:

- Miếng ngọc này mẫu thân rất trân quý, luôn luôn đeo trên người. Không biết có liên hệ gì với Lão Nhân. Nếu ông ta đã mất thì tiểu muội cũng không thể nào biết việc gì. Nhân ca đang là trưởng lão của Côn Luân, giữ nó và tìm hiểu xem có manh mối nào cho tiểu muội được không?

- Tiểu huynh sẽ tìm hiểu xem. Hy vọng Tử Hư Tử chưởng môn hay Địa Tạng thiền sư có thể cho được chút manh mối.

Mộc Nhi đeo miếng ngọc bội lên cổ Tích Nhân:

- Mẫu thân tiểu muội rất quý miếng ngọc này, tiểu muội tặng nó cho Nhân ca.

- Tiểu huynh chẳng biết tặng cho hiền muội cái gì bây giờ.

- Nhân ca đang có rất nhiều thứ! Võ công là một.

- Hiền muội còn trẻ nhưng nội công cũng bằng người có ba bốn chục năm hỏa hầu, khó ai có bằng. Nghe nói Thiên sơn kiếm pháp tuyệt luân, nhưng tiểu huynh chưa từng biết qua. Qua nội công của hiền muội cương nhu gồm đủ, thì võ công của Thiên sơn hẳn cũng không thua kém bất cứ võ phái nào ở trung nguyên.

- Sư phụ của tiểu muội,.. vì lúc trẻ bị sa xuống khe núi, trầy nát hư cả diện mạo, vì thế ít khi bước chân vào giang hồ, nhưng tiểu muội tin tưởng võ công của người không thua Côn Luân lão nhân hay bất cứ cao thủ nào ở Trung nguyên. Bà ta rất ghét kẻ tò mò, hay tà ác, không ra tay thì thôi, còn ra tay thì trừng trị thảm khốc, nên người võ lâm trung nguyên cũng ban cho bà một cái danh không mấy tốt đẹp.

- Côn Luân tứ kiếm cho rằng sư phụ hiền muội muốn nổi danh, làm bá chủ võ lâm nên tìm Côn Luân lão nhân để so tài.

- Đấy là sự suy đoán vu vơ. Theo tiểu muội tình cờ biết chút ít và suy đoán thì hình như sư phụ và Côn Luân Lão Nhân lúc trẻ đã quen biết nhau, có tình thanh mai trúc mã.

Nàng chậm rãi kể:

- Lúc mười hai tuổi tiểu muội lên Thiên Sơn, và được ở trong biệt viện với sư phụ, xa cách hẳn anh em đồng môn. Đêm nọ, khi ngủ không hiểu vì sao lại thức bất ngờ và nghe tiếng sư phụ đối đáp với một người đàn ông. Họ thắp đèn chuyện vãn, chứ không có điều gì mờ ám. Tiểu muội nghe sư phụ xưng với người đàn ông là tiểu muội, và người đàn ông xưng là đại ca. Không hiểu ngươiø đàn ông đã nhờ sư phụ điều gì trước đó, lúc chia tay sư phụ hứa hẹn hết lòng lo lắng. Hình như họ rất bịn rịn, khi đến cửa người đàn ông than: "Chân Nhi! Thấm thoát đã năm chục năm trôi qua.. Sau ngày nàng bị nạn, thì chúng ta.. có gặp nhau chăng cũng chỉ hoài niệm, tiếc nuối những ngày xưa cũ". Sư phụ hình như cũng xúc động, một lúc sau mới búi ngùi: "Có lẽ hai ta trời sinh để cống hiến cuộc đời cho võ học. Phái Côn Luân nhờ Hạo Nhiên huynh mà nổi tiếng võ lâm, còn bốn chữ Côn Luân Lão Nhân cũng danh vang vũ nội". Người đàn ông thở dài: " Tiểu huynh giam mình ở núi cao.. vì thất tình. Nếu không nhờ nàng khuyến khích, thì đã không sáng tạo nên kiếm pháp của mình. Nàng biết kiếm pháp của ta là sự phối hợp những chiêu kiếm của Côn Luân trước đây, những chiêu kiếm mà hai từng nghiên cứu, hòa hợp với biến hóa của thiên nhiên, phong tuyết của Côn Luân. Nàng có lẽ cũng vì ta mà cố thủ ở Thiên Sơn, không ai biết võ công thực sự của nàng còn hơn ta mấy phần." Sư phụ tiểu muội lại nói: "Tiểu muội sau khi bị nạn, dung nhan bị hủy không thể cùng làm đôi chim liền cánh với Hạo Nhiên huynh, dốc hết tâm tình vào võ công nên tiến bộ rất nhanh, nhưng sự lãnh hội cao xa cũng không bằng Hạo Nhiên huynh đâu. Tuy nhiên, nếu Hạo Nhiên huynh chịu khó nghiên cứu thêm, kiếm pháp của huynh sẽ tăng lên một bậc". Người đàn ông than thở: " Chân nhi cố chấp làm tiểu huynh như kẻ mất hồn một thời gian, đến tuổi gần ba mươi mới nghĩ đến võ công trở lại, nhưng trong lòng cũng luôn luôn có sự ngậm ngùi. Hiền muội đã có lời, thì những ngày còn lại, tiểu huynh để tâm vào việc này".

- Câu chuyện của sư phụ và người đàn ông nọ, dĩ nhiên tiểu muội không dám nói cho ai biết, và cũng không để cho sư phụ biết đã nghe lén được. Sau này tiểu muội biết Côn Luân Lão Nhân họ Tư Mã có tên là Hạo Nhiên. Sư phụ lúc còn trẻ có lẽ rất đẹp từng được xưng tụng Thiên Sơn Hằng Nga. Bà là người Hồi bộ Ngô Nhĩ, có tên A Mục Nhĩ Chân, nên Côn Luân Lão Nhân mới gọi là Chân Nhi.

Nàng căn dặn Tích Nhân:

- Côn Luân phái có hai loại là đệ tử tục gia và làm đạo sĩ. Cả hai đều có thể cưới vợ sinh con. Chỉ những người đã làm đạo sĩ thì gia đình phải sống ở Tọa Vân Phong, nên việc Lão Nhân và sư phụ có tình ngày còn trẻ không phải là điều đáng chê trách gì. Nhưng điều này đã không ai biết, thì mong Nhân ca cũng không bao giờ nói cho ai hay.

- Dĩ nhiên tiểu huynh không bao giờ thố lộ cho bất cứ ai.

Trời đã quá khuya, Mộc Nhi có tiếng ngáp nhẹ. Tích Nhân khẽ bảo:

- Mộc muội buồn ngủ..hãy ngủ đi.

Mộc Nhi nũng nụi:

- Nhân ca che sương cho tiểu muội.

Tích Nhân kéo nàng vào lòng. Một nam nhân khi ôm một nữ nhân có muốn ngủ cũng khó ngủ. Có thể nữ nhân khi ôm một nam nhân cũng vậy. Nhưng đối với Mộc Nhi thì khác, Tích Nhân ôm nàng một lúc đã nghe tiếng thở đều đặn. Người võ công và nội công cao tới đâu, mới uống rượu quá nhiều, quá say cũng làm cho thân thể mỏi mệt.

Buổi sáng hôm sau, khi xuống đến chỗ để ngựa, Tích Nhân nhìn con thanh biêu, một con ngựa do Oanh Oanh, một tuyệt thế mỹ nhân trao tặng, một con ngựa thiên lý, dù chỉ đỡ chân mới mấy ngày đường, nhưng ngựa và chủ rất quyến luyến nhau đã nằm chết trên mặt cỏ, làm Tích Nhân phải xót xa kêu lên:

- Bọn chúng thật tàn ác!

Mộc Nhi thấy con thanh biêu bị chặt bốn chân, rạch bụng... mặt hoa biến sắc:

- Con hồng mã!

Nàng ngửa cổ hú dài. Tiếng hú của nàng có lẽ vang xa hàng nhiều dặm. Nhưng chờ rất lâu cũng không thấy con hồng mã xuất hiện. Con ngựa quí không xuất hiện, Mộc Nhi vội vàng băng theo dấu chân ngựa đi tìm. Khi chạy tới một bờ suối, có thể là một con sông nhỏ đổ ra trường giang, con huyết hãn của nàng có lẽ không còn đường chạy, đã nằm chết bên bờ cỏ. Trên thân thể còn mang hàng chục lưỡi phi đao. Nhiều vết thương đâm, kiếm chém. Nhìn con ngựa quí chết thảm, Mộc Nhi sa nước mắt, quỳ xuống:

- Hồng nô! Ta nhất định sẽ trả thù cho ngươi.

Đau xót con thanh biêu bị giết, nhưng khi Mộc Nhi chạy đi, Tích Nhân không thể để nàng đi một mình. Tới nơi, thấy con ngựa của nàng, Tích Nhân biết là con ngựa vô giá cũng bị chết và nàng đau khổ như vậy cũng ngậm ngùi:

- Chúng ta nên chôn cất nó cho tử tế.

Không đợi nàng trả lời, Tích Nhân dùng chưởng lực đào hố. Mộc Nhi lau nước mắt đứng lên, mặt đanh lại, nàng rút một ống đồng trong gói hành lý và bắn lên trời một chiếc hỏa pháo. Cây pháo bay lên trời, nổ ra một chữ Mộc màu xanh biếc. Tích Nhân dùng chưởng lực đào vừa xong một chiếc hố to, đã nghe tiếng phi hành của của cao thủ có khinh công thượng đẳng và nơi bờ sông chỗ họ đang đứng giây lát lần lượt trước sau có sáu người hạ chân xuống, đó là hai lão quái nhân, hai mỹ phụ và hai trung niên mang kiếm. Mọi người đều cung tay ra mắt Mộc Nhi và Tích Nhân. Nàng chỉ con ngựa:

- Đây là bọn Phi ngư đã làm. Các ngươi tìm chúng tiêu diệt hết, trả thù cho Hồng mã.

Một trong hai trung niên vòng tay thưa:

- Bọn chúng phải chết. Nhưng tìm chúng, sợ chúng ta phải trễ nãi hành trình. Thuộc hạ được biết chúng che dấu hành tung rất kỹ. Hơn nữa dù chúng là đạo tặc, nhưng bị giết quá nhiều có thể gây chú ý của võ lâm trung nguyên, cẩm y vệ và bộ khoái. Xin chủ nhân xét lại.

Mộc Nhi quyết định:

- Trong ngày và đêm nay, bọn Phi ngư trong vòng trăm đặm, phải bị chết hay chặt hết tay phải. Chúng ta là Phi ưng, một tổ chức mới trong giang hồ. Phi ưng tiêu diệt Phi ngư là chuyện tranh chấp giang hồ. Mọi người phải che dấu hành tung cẩn thận.

Tích Nhân đã đào xong một chiếc hố to. Thấy Mộc Nhi có thuộc hạ, Tích Nhân lại phi thân trở lại chỗ thanh biêu bị giết. Nhưng chỉ đánh mấy chưởng, thì có hai người phi thân tới. Có lẽ hai người này mới tới và Mộc Nhi sai bảo họ đến chôn con thanh biêu, nên dừng chân đều cung kính vòng tay:

- Xin thiếu hiệp để việc này cho chúng tôi làm.

Thấy Mộc Nhi không còn một thân, một mình, đã có thuộc hạ đều là những cao thủ thượng thừa, và nghĩ lại nấn ná với nàng sẽ làm trễ nãi công việc của mình, Tích Nhân vòng tay đáp lễ:

- Nếu vậy xin phiền hai vị. Tại hạ có việc phải đi trước. Xin gởi lời cáo từ Mộc muội. Hẹn gặp lại.

Hai người này có lẽ rất bất ngờ trước việc Tích Nhân cáo từ, nhưng chưa kịp bày tỏ, Tích Nhân đã đi xa hàng chục trượng, và thoát chốc biến mất trong rừng cây. Mộc Nhi trở lại biết Tích Nhân đã đi, rất thất vọng, nhưng không đuổi theo. Nàng chờ cho thuộc hạ chôn cất con thanh biêu xong, mới cùng trở ra đường lớn.

Không muốn bị gây phiền phức, Trước khi qua quan lộ, Tích Nhân tìm chỗ hóa trang. Mấy giờ sau trên con đường từ Mã Yên Sơn tới kinh thành có một nho sĩ khoảng hai lăm, mặc bộ quần áo bằng gấm lục còn rất mới, nhưng mặt mày tay chân đen đúa, cái đen của sương gió lăn lộn, vừa bước nhanh trên đường, vừa nhìn cảnh sắc chung quanh. Tuy mang thân võ học tuyệt thế, nhưng bao lây nay chỉ quanh quẩn ở những vùng núi non hẻo lánh, nên khi con đường cái quan lần lần trở nên lớn rộng, bộ hành, người ngựa qua lại đông đảo, nhà cửa khang trang, đó đây quán xá nói lên sự sung túc và phồn thịnh của một đất nước rộng lớn xem chung quanh là man di cũng có mãnh lực thu hút, làm Tích Nhân chú ý. Đang đi, một chiếc xe ngựa chậm lại, người đánh xe, một gã thanh niên mười tám mười chín quay đầu hỏi lớn:

- Xe đi kinh thành, công tử muốn đỡ chân xin mời. Trước công tử đỡ chân, sau giúp cho tiểu nhân thêm ít chi phí.

Chiếc xe, là loại xe đưa khách, trên xe có bốn ghế ngồi. Đường sá đông người không thể dùng khinh công, nhất là đang cải trang dưới dạng nho sĩ, lại thấy nếu ngồi xe có thể ngắm cảnh và thăm hỏi phu xe cảnh sống trong kinh thành nhà Minh, Tích Nhân gật đầu. Phu xe dừng chân, Tích Nhân vừa bước lên xe, phu xe đã hỏi tiền:

- Xin công tử cho ba lượng bạc.

Tích Nhân hào sảng lấy cả đỉnh bạc cho phu xe:

- Cầm lấy, vào thành tìm cho ta một lữ quán tạm trú.

Phu xe mừng rỡ:

- Cám ơn công tử.. cám ơn công tử. Công tử phúc đức tiền trình sẽ vô cùng rạng rỡ.

Phu xe mừng rỡ cho xe chạy, hỏi han làm thân:

- Công tử nhất định là người ở xa.

- Ta ở tận miền tây nam Vân Nam, khi xe, khi ngựa, khi lội bộ băng rừng, mấy tháng ròng mới tới đây. Và đây là lần đầu đến kinh thành để mở rộng nhãn quan.

- Ồ! Tiểu nhân gặp công tử cũng là hữu duyên. Tiểu nhân làm phu cho xa cục Kim Lăng. Xa cục này do người bà con của Tiêu công công làm chủ nên ra vô kinh thành ít ai khám xét, mà khách do xa cục đưa đến khách sạn, lữ quán đều được tiếp đón chu đáo.

- Thế ra ta cũng đã được may mắn.

Phu xe nịnh nọt:

- Công tử phúc phận tiểu nhân đã được hưởng lây.

Rồi tâm sự:

- Chuyến xe này tiểu nhân đưa bốn vị công tử Tô Hàng trú ở Thanh Hương Viện đường An Lạc, nơi ăn ở sang trọng, có ca kỹ hầu hạ đi ngắm cảnh Thanh sơn. Bốn vị công tử lại gặp bạn thân từ Thành Đô tới, muốn ở mấy ngày nên cho tiểu nhân về. Dọc đường gặp công tử.. chỉ mong kiếm thêm chút bạc vụn cho gia đình.. chẳng ngờ được công tử gia ân quá lớn.

Tích Nhân cười:

- Ta là người xa lạ, gặp người ở kinh thành như ngươi cũng có thể là may mắn. Có thể nhờ ngươi chỉ dẫn đường đi nước bước trong Kinh.

Phu xe tò mò:

- Công tử đến kinh chắc muốn tìm sự nghiệp, chẳng hay công tử đang được giới thiệu làm môn sinh cho vị đường quan nào?

Tích Nhân thở dài:

- Ta văn không hay, võ không giỏi. Cũng không có chí làm quan nên chẳng cần phải ra mắt và cầu kiến ai để nhờ họ đỡ đầu. Ta đi chỉ vì muốn du ngoạn cho biết đó đây.

Mua lòng người, làm cho người ta có cảm tình là nghề của phu xe, của tiểu nhị, tửu bảo, gã phu xe vuốt đuôi:

- Công tử đúng là người có kiến thức cao xa. Tiểu nhân chưa đầy hai mươi, nhưng cũng tứng chứng kiến bao nhiêu thảm cảnh của những người ở quan trường. Mới quyền uy nghiêng nước đó, rồi chẳng mấy chốc giòng họ bị thảm tử.

Tích Nhân gật đầu:

- Làm người dân có bị hà hiếp, đời sống cực nhọc, nhưng an lạc sống lâu. Gần vua như gần cọp.

Phu xe tái mặt, nhưng thấy không ai chú ý, hạ giọng:

- Công tử.. coi chừng bị lỡ lời mà mang họa.

Tích Nhân cười to, nhưng nhẹ lời:

- Ta thấy chỗ này đang không người đi gần, chẳng ai nghe ngoài chú mi. Chú mi nhất định không đi mách ai chuyện này. Phải vậy không?

- Dĩ nhiên tiểu nhân có học cũng không ai tin. Tiểu nhân là gã phu xe.

Sau khi cười tán thưởng cho câu nói hay cũng có thể mỉa mai cho thân phận. Gã phu xe bắt đầu chỉ trỏ quang cảnh dọc đường giới thiệu cho người khách hào sảng, mà gã biết là từ nơi xa xôi mới tới, nhất định sẽ hứng thú. Có gã phu xe cũng làm Tích Nhân vui vẻ. Từ miệng gã hỏi và biết được rất nhiều việc.

Chiếc xe chỉ chở một người, nhẹ nhàng, phu xe còn trẻ nhưng lành nghề, chiếc xe chạy nhanh, xế chiều, đã thấy ngôi thành đá đồ sộ trước mặt. Người qua kẻ lại, xe cộ trên đường đông đảo hơn. Nhìn thấy sựï phồn thịnh của đất trung hoa, Tích Nhân nghĩ họ tự hào xưng mình là trung hoa cũng rất xứng đáng. Tuy nhiên, cũng từ sự phồn hoa và đồ sộ của ngôi thành trước mặt, Tích Nhân lại liên tưởng đến những ngôi thành của nước mình và kính phục tiền nhân. Thành Thăng Long kinh đô của Đại Việt, của đất nước là ngôi thành lớn, nhưng so với ngôi thành trước mặt cũng chỉ bằng một phần nhỏ. Dù nước nhỏ, thành nhỏ.. nhưng tổ tiên đã có thể có những chiến công oanh liệt bao phen phá Tống, bình Nguyên. Nhân tài Đại Việt, võ học Đại Việt so với phương Bắc cũng chẳng thua sút chút nào. Trương Tam Phong, Côn Luân Lão Nhân.. những kỳ nhân trung quốc có thể cũng chẳng hơn gì Nhất Ẩn, Nhất Tiên.. Càng nhìn thấy sự lớn rộng của trung hoa, Tích Nhân càng cảm thấy tự hào mình là người Đại Việt.

Có lẽ cũng muốn giới thiệu cho Tích Nhân sự phồn hoa và xây cất hùng vĩ của thành Ứng Thiên, phu xa đi đưa Tích Nhân nhập thành qua cửa Trung Hoa. Cửa phía nam và cũng là cửa thành lớn nhất của ngôi thành. Dĩ nhiên Tích Nhân không khỏi bàng hoàng trước sự xây cất cao to rộng lớn của khối trường thành dài mút mắt của Ứng Thiên Phủ sự kiên cố của xây cất. Khi vào cửa thành Trung Hoa càng nhìn thấy sự vĩ đại của mấy lớp cửa thành phải đi qua.

Khu vực quanh Trung Hoa Môn là khu vực dành cho những nhà đại phú, quan lại nên rất xinh đẹp. Đường sá rộng rãi, sạch sẽ, tùng xanh liễu biếc, nhà cửa đồ sộ nguy nga, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Và dĩ nhiên, phu xe rất tự hào được sống ở kinh đô, dù chỉ là phu xa, và không ngớt lời giới thiệu cho Tích Nhân biết chỗ này chỗ nọ. Qua khỏi khu vực quan lại quyền quý, thành phố đây đó lên đèn. Ngựa đi vào đường An Hoà. Nơi tập trung trà lầu, tửu quán và khách điếm sang trọng của Ứng Thiên Phủ. Phu xa dừng ngựa trước cổng lữ quán có tên là Văn Hiền Cư. Theo lời giới thiệu của phu xa, nơi này văn nhân, học trò đến kinh thành thường dùng làm nơi trú ngụ. Họ có thể trả tiền hàng ngày hay hàng tháng với giá phải chăng.

Xe vừa ngừng trước cổng, bên trong đã có hai ba tiểu nhị chạy ra đón khách. Thấy khách không mang nhiều hành lý, không có thư đồng theo hầu bọn chúng tỏ vẻ thất vọng. Nhưng vốn đã biết qua cách sống thị thành, Tích Nhân đã biếu cho mỗi tên tiểu nhị một ít bạc vụn, và bảo:

- Lấy cho ta một phòng nơi rất vắng vẻ. Ta thích yên tĩnh. Trả tiền tháng.

Một trong ba tên tiểu nhị vồn vã:

- Bọn tiểu nhân nhất định chọn phòng làm công tử vừa ý.

Tích Nhân trao gói hành lý cho gã và theo chân bước vào cổng. Nhìn hai gian nhà núp dưới tàng cây cổ thụ, chạy dài theo một cái hồ rộng, chung quanh tơ liễu xanh um. Trong hồ có non bộ, hoa cỏ xinh tươi, Tích Nhân rất ưng ý. Vừa đi, tên tiểu nhị vừa chỉ trỏ vừa thăm dò:

- Các căn phòng cuối dãy cây cao che phủ, khuất lánh và rất yên tĩnh, nhưng hơi tối tăm, vì không gần hồ. Không hiểu công tử có thay đổi ý kiến không?

- Ta muốn yên tĩnh. Càng yên tĩnh càng tốt.

- Căn phòng cuối cùng thật vô cùng yên tĩnh, ít ai muốn đến, nhưng thưa thật công tử vì ít người dùng nên hơi lạnh lẽo. Người sợ ma qủy ít chịu ở.

Gã hạ giọng:

- Nghe nói trong căn phòng này, trước đây có một sĩ tử đã quyên sinh vì bị một cô gái ruồng bỏ sau khi thi rớt.

- Không sao. Ta vốn không sợ ma qủy. Cứ dành cho ta.

Đến nơi, vào phòng Tích Nhân cũng cảm nhận ngay mùi hôi mốc và sự lạnh lẽo của căn phòng, Tiểu nhị vội mở các cửa sổ, và hỏi:

- Công tử thấy có thể ở được không? Giá tiền mướn căn phòng này được giảm một nửa. Nhưng tiểu nhân thấy công tử không phải là người quan tâm tới tiền bạc.

- Hơi nhiều âm khí. Nhưng đúng là căn phòng ta muốn.

- Vậy công tử tự nhiên, một lúc chưởng qũy sẽ đến gặp công tử để tính toán chi phí. Chi phí sẽ tùy theo thời gian trú ngụ và cách phục dịch..

Tích Nhân nằm nghỉ giây lát thì có tiếng gõ cửa và chưởng qũy tới. Muốn ở yên tránh tiếp xúc với những người ở chung, thường dò la lý lịch và văn tài của nhau. Nếu phải bàn chuyện văn học, thi từ thơ phú.. thì dĩ nhiên Tích Nhân tự biết mình không bằng ai, nên vẫn hào sảng trả tiền đủ một tháng cho chưởng qũy, nhưng từ chối việc dùng cơm nước của lữ quán. Dùng cơm chung sẽ phải gặp nhiều người. Tiểu nhị mang cơm đến phòng hàng ngày cũng dễ bị chú ý. Nhất là mình cũng thường xuyên ra đi. Tuy không lấy được lợi nhuận tiền cơm nước, chưởng quỹ cũng rất vui vẻ có một người khách tới trọ trong căn phòng lâu nay bỏ trống, và giá cả nói sao Tích Nhân trả y như vậy, không kỳ kèo gì cả.

Khi chuởng quỹ ra về, Tích Nhân tắm rửa, thay đổi áo quần ra đường. Sau một ngày hành trình, Tích Nhân cần một bữa cơm ngon, một bình rượu ngon và cũng luôn tiện hy vọng nghe ngóng được thêm nhiều điều hữu ích từ miệng của những thực khách chung quanh trong một tử quán hay trà lầu nào đó.

Trước cổng lữ quán có nhiều xe kéo, kiệu phu và xe ngựa đang chờ chở khách. Tuy nhiên, qua lời gã phu xa, Tích Nhân biết những nhà hàng sang trọng, những trà lầu tửu quán lớn của kinh thành đều tập trung ở khu vực hiện đang trú ngụ nên từ chối mọi lời mời, thong dong thả bộ. Đi theo đường An Hoà một lúc, Tích Nhân bước vào một tửu lâu đang đông khách. Thực khách trong tửu lâu đều là người sang trọng, không ai chú ý đến Tích Nhân.

Có lẽ cả tửu lâu, bàn nào cũng năm ba người. Họ nhâm nhi, cười nói ồn ào. Chỉ riêng Tích Nhân là người ngồi riêng một bàn, và ngồi trong góc. Nhưng địa điểm lại làm cho Tích Nhân cảm thấy thoải mái. Chẳng ai chú ý đến mình.

Sau khi dùng cơm, Tích Nhân đang ngồi nhâm nhi bình rượu nữ nhi hồng, thì tửu bảo trong tửu quán chợt chạy qua chạy lại, hết bàn này đến bàn khác nhờ họ di chuyển, xê dịch chỗ ngồi để dành nơi thu xếp hai bàn trống cho khách mới. Tuy nhiều người khách tỏ vẻ bất mãn, nhưng tửu bảo thầm thì ít lời, họ lại miễn cưỡng đồng ý. Tích Nhân cũng bị tửu bảo xin phép để cho hai người dọn đến ngồi chung. Nhiều người vội tính tiền bỏ về. Tích Nhân cũng muốn ra về, nhưng lại tò mò muốn xem hạng quyền uy trong kinh thành nhà Minh như thế nào, nên chấp nhận cho ba người dọn tới bàn mình. Ba người này trạc khoảng trên dưới ba mươi, dù cũng ăn mặc sang trọng theo lối công tử, nhưng thân hình vạm vỡ, ngực to vai rộng. Nghe hơi thở và nhìn hai huyệt thái dương lộ cao, Tích Nhân biết họ có võ công khá cao. Là người luyện võ, ba người dọn đến chung bàn với Tích Nhân tự nhiên chào hỏi, một người giới thiệu họ với Tích Nhân:

- Ba anh em chúng tôi họ Đoan Mộc ở Liêu Dương.

Tích Nhân không biết Đoan Mộc thế gia của Liêu Dương là một dòng họ lớn, giàu có, con cháu đều được học văn luyện võ. Họ Đoan Mộc nổi tiếng võ lâm với thuật cầm nã, liên hoàn thập bát cước và Đoan Mộc gia đao pháp, nhưng cũng đứng lên chào hỏi và đáp lễ:

- Tại hạ họ Trần ở Vân Nam.

Một trong ba anh em họ Đoan Mộc vui vẻ:

- Xem ra chúng ta người nam kẻ bắc lại tình cờ chung bàn với nhau.

Người khác tiếp lời:

- Tứ hải giai huynh đệ. Anh em chúng tôi học võ nhiều hơn thi thơ, nhưng tình cờ đưa đẩy ngồi chung với một văn nhân như Trần huynh cũng là hữu duyên, nếu có điều thất thố xin Trần huynh miễn thứ.

Tích Nhân vui vẻ:

- Tại hạ cũng vốn không phải là nho sĩ dốc lòng sách vở chọn đường hoạn lộ, và cũng vốn người xuất thân từ vùng sơn thôn hẻo lánh, tính tình bộc trực nên cũng có thể có điều sơ xuất, xin tam vị huynh đài tha thứ.

Người này xin tha thứ, người nọ xin miễn chấp làm họ chợt cả cười, và những cái cười thoải mái làm họ cảm thấy thân thiện ngay.

Rượu từ bàn ba anh em họ Đoan Mộc ngồi lúc trước mang lại còn nhiều, nhưng thức nhấm đã cạn. Tích Nhân xin phép:

- Bàn này vốn tiểu đệ ngồi trước, xin quý huynh cho phép tiểu đệ hân hạnh mời quý huynh đài.

Một trong ba anh em Đoan Mộc:

- Chúng tôi ba người. Xin cho chúng tôi được mời Trần huynh.

Người khác:

- Hình như theo diện mạo Trần huynh còn trẻ hơn chúng tôi.

Thấy anh em Đoan Mộc nhất định muốn trả tiền, Tích Nhân cũng không cố chấp, vui vẻ:

- Nếu chúng ta còn gặp lại, xin chư huynh cho phép tiểu đệ được làm chủ một lần.

- Thế nào chúng ta cũng gặp lại. Vân Nam và Liêu Dương cách trở hàng vạn dặm còn gặp nhau, thì huống chi chúng ta đang cùng ở trong một thành.

Sau khi nâng ly rượu làm quen, Tích Nhân biết ba anh em Đoan Mộc, một người tên Đoan Mộc Bình, hai người kia là Đoan Mộc Thừa, Đoan Mộc Vĩ, vốn là anh em thúc bá. Đoan Mộc Bình là ở vai anh của hai người kia. Người giang hồ luôn luôn sảng khoái trong việc kết giao hơn những kẻ văn nhân luôn luôn có tính cân nhắc, e dè. Sau mấy tuần rượu thăm dò tuổi tác, ba anh em Đoan Mộc đều gọi Tích Nhân là Trần hiền đệ, còn Tích Nhân gọi họ bằng tên: Bình huynh, Thừa huynh, Vĩ Huynh.

Khách trong tửu lâu đa số là văn nhân, công tử. Ba anh em Đoan Mộc Bình là người võ lâm nhưng cũng không mặc võ phục. Thế nhưng, khi bọn tiểu nhị dọn dẹp và bày biện lại ba chiếc bàn rộng, chủ nhân tửu lâu đích thân đưa năm người khách bước vào, họ đều là khách võ lâm, vai mang đao, kiếm. Những người mới đến với vũ khí trên người dĩ nhiên phải gây sự chú ý, Tích Nhân và ba anh em Đoan Mộc Bình cũng không ngoại lệ. Đoan Mộc Bình nhẹ cau mày, nói nhỏ:

- Hoàng Hà Ngũ Quỷ lại có thể công khai xuất hiện ở kinh thành. Nhất định có sự lạ.

Tích Nhân thấy Hoàng Hà Ngũ Qủy trạc độ trên năm mươi, người nào cũng tướng mạo dữ tợn, nhưng nghe bước chân biết ngay võ công không tầm thường. Hoàng Hà Ngũ Quỷ chưa ngồi vào bàn, khách võ lâm lại lần lượt vào quán. Sau hai ông già mập mạp, một trung niên khôi ngô, mặc bạch bào, cầm quạt phe phẩy, vừa đi vừa cười:

- Hoàng Hà Ngũ Hiệp, Hoàng Sơn Phi Đao, Lữ Lương Thiết Chưởng.. các vị thật đã nhanh chân hơn Đường mỗ.

Một trong năm tên Hoàng Hà Ngũ Qủy cười nhạt:

- Bọn ca kỹ sông Tần Hoài không cầm chân nhà ngươi kể cũng là chuyện lạ!

Người họ Đường cười to:

- Bọn chúng rất hấp dẫn.. nhưng Đường mỗ không thấy hấp dẫn bằng đi gặp Hoàng Hà Ngũ Hiệp… Một tên trong bọn Hoàng Hà mặt có sắc giận, muốn phát tác, nhưng một trong những người đi phía sau người họ Đường rổn rảng:

- Chủ nhân đã hạ lệnh anh em phải bỏ qua tất cả ân oán sang bên. Lưu huynh và Đường huynh không nên mới gặp lại châm chọc nhau.

Người họ Đường quay lại cười:

- Đa tạ Hà huynh nhắc nhở. Đường mỗ và Lưu huynh luôn luôn khắc khẩu. Nhưng Đường Dật mỗ có bao giờ dám thất lễ làm ba con thần long sông Hoàng Hà nổi giận.

Người đi sau Đường Dật là một ông già gầy ốm độ sáu mươi, chung quanh bụng quấn cây nhuyễn tiên màu đen. Đoan Mộc Vĩ khẽ nói:

- Phải chăng lão này là người nổi tiếng một thời Cửu tiết tiên Hà Thanh Phong?

Đoan Mộc Bình gật đầu:

- Đúng là ông ta.

Và Đoan Mộc Bình ngạc nhiên:

- Sao ông ta lại nhập cùng bọn với dâm ma và ngũ quỷ?

Nhìn những người lục tục theo vô, Đoan Mộc Bình càng tỏ ra kinh ngạc:

- Ồ! Chung Nam nhất kiếm.. chủ nhân họ là ai có cả chính tà?

Sau ông già có vóc dáng phương phi mà Đoan Mộc Bình nhận ra là Chung Nam nhất kiếm, thì hai người cao ốm, da mặt khô đét, nhưng đôi mắt như điện theo vô, Đoan Mộc Bình lại nói nhỏ:

- Trường bạch song ma!

Thấy bọn võ lâm ai nấy cũng có tướng mạo không hiền bước vô tửu lâu, khách văn nhân dù mới di chuyển sang bàn khác nhường chỗ cũng cảm thấy bất an, nên hết người này đến người khác đứng lên tính tiền và bỏ đi. Khi trong tửu lâu có trên mười mấy người khách giang hồ hiện diện, gần như các bàn đều trống, chỉ còn có anh em Đoan Mộc Bình và Tích Nhân. Đoan Mộc Bình bấy giờ cũng nói nhỏ với hai người em:

- Chúng ta đi thôi!

Hai anh em Đoan Mộc Thừa và Đoan Mộc Vĩ gật đầu đồng ý. Mộc Bình bảo Tích Nhân:

- Hiền đệ chúng ta đi tìm nơi khác. Có muốn lưu lại đây cũng không được nữa!

Dĩ nhiên Tích Nhân cũng không quan tâm đến võ lâm Trung nguyên, và trong vai văn nhân càng phải tỏ ra không an tâm với bọn giang hồ, nên cười nhẹ:

- Tiểu đệ vì có huynh trưởng cùng bàn nên mới dám ngồi lại cho đến bây giờ.

Đoan Mộc Vĩ lại chưởng quầy tra tiền. Bốn anh em ra ngoài, đi một lúc Đoan Mộc Bình lại xin địa chỉ tạm trú của Tích Nhân và nói:

- Đại ca tò mò muốn biết chủ nhân chúng là ai, làm việc gì nên chia tay với hiền đệ bây giờ. Ngày mai bọn tiểu huynh sẽ tìm Nhân đệ sau.

Bốn người chia tay, ba anh em Đoan Mộc Bình trở lại tửu lâu. Tích Nhân đi một khoảng đường lại lo lắng cho ba anh em Đoan Mộc. Nếu việc làm của họ bị phát giác có thể gặp ngay nguy hiểm, vì võ công của ba anh em họ không hơn bất cứ cao thủ nào trong nhóm võ lâm đang có mặt trong tửu lâu. Lo lắng cho ba anh em Đoan Mộc, Tích Nhân tìm chỗ khuất lánh, phi thân trở lại. Nhận ra nơi ba anh em Đoan Mộc đang ẩn mình. Tích Nhân cũng tìm nơi ẩn thân.

Trong khi ba anh em Đoan Mộc ẩn thân trong tàng cây có thể từ đó nhìn xuyên qua cửa sổ. Tích Nhân phi thân lên mái ngói, ẩn sau con sư tử đá và gỡ ngói để nhìn xuống. Những lời đối đáp của bọn người trong tửu lâu dù rất nhỏ tiếng, Tích Nhân nghe được liền cảm thấy vô cùng hồi hộp. Nghĩ ngay là cơ duyên run rủi mới được nghe các tin tức quý báu này. Bấy giờ, trong tửu lâu chỉ có bọn hào khách giang hồ trên hai chục người. Tất cả đều im lặng. Chủ toạ ba chiếc bàn kê dài một người mặc võ phục đen, che mặt. Tiếng nói của người này rất trầm ổn, qua âm thanh cho biết cũng đã lớn tuổi:

- Mọi người được triệu tập và tham gia công tác này sau khi hoàn thành sẽ được thưởng vàng ngàn lạng. Công việc làm ăn sẽ được ta trình Tiêu công công che chở hay tưởng thưởng.

Đường Dật hỏi. Thái độ rất cung kính:

- Xin chủ nhân cho biết những người đang hộ vệ gã có những ai?

- Ba người có võ công rất cao. Hai người là tả hữu nhị tướng của Thường quốc công năm xưa, và một người là Đằng Tiên lão nhân, một cao thủ lừng danh của Đại Việt. Với ba người này các ngươi đoàn kết với nhau thì mới mong thắng được. Ngược lại, ngay cả lão phu hay Tiêu công công động thân cũng khó có thể thắng nổi.

Cửu Tiết Tiên Hà Thanh Phong hỏi:

- Võ công của thiên địa nhị tướng thuộc hạ nghe nói đã đến mức đăng phong tạo cực, có thể phi thân lấy đầu thượng tướng trong nháy mắt, giúp Thường quốc công trở thành mãnh tướng quán quân bách thắng. Không biết võ công của Đằng tiên lão nhân như thế nào?

Lão chủ nhân:

- Cũng không thua tả hữu thiên địa nhị tướng. Đằng tiên vốn là tên khâm phạm, nhưng gã Huệ đế khi lên ngôi đã ra ân phóng thích mà còn bái làm sư phụ. Nhờ Đằng tiên lão nhân cõng chạy mà Doãn Văn có thể đào thoát được khi đương kim hoàng thượng nhập thành.

Gã chủ nhân lại nói tiếp:

- Mấy năm nay ai cũng yên trí bọn chúng cao chạy xa bay, nhưng tin tức mới đây cho biết, chúng lại bí mật ở gần kinh thành, ngay trong một nông trại nhỏ dưới chân Tử Kim Sơn. Việc tiêu diệt bọn chúng không thể làm cho lòng người bị khuấy động, nên ta phải nhờ các người ra tay. Càng nhanh càng tốt. Tất cả các ngươi phải cùng ra tay một lúc, không được tranh công. Ai tiết lộ sẽ bị trừng trị. Nếu không giết được ba lão già ngoan cố, bất tử, thì cũng phải giết cho được tên hôn quân kia. Tên hôn quân là mục tiêu chính.

Người được gọi là chủ nhân trầm ngâm giây lâu nói tiếp:

- Tửu quán này do ta bảo trợ kinh doanh, rượu thịt không tiếc gì với các ngươi. Nhưng để công tác có thể thành công, chiều mai ta sẽ mời các ngươi tẩy trần tại Liễu gia trang ở ngoại thành. Bởi thời gian này, có tin Bạch liên giáo xâm nhập kinh thành, ta và Tiêu công công không thể xa hoàng thượng. Nếu ta không có mặt ở Liễu gia trang trong ngày mai đi nữa, thì công lao các ngươi cũng vẫn được tưởng thưởng xứng đáng. Công tác này ta chỉ định Tiền lão hiệp chỉ huy tổng quát, Trì và Bành lão hiệp phụ tá và Đường Bách Hiểu tiên sinh làm tham quân. Nếu ai không tuân lệnh điều động sẽ bị xử trị.

Tích Nhân thấy một ông già to lớn, hai huyệt thái dương lộ cao như hai cái bứu, râu trắng như cước, Trường bạch song yêu và Đường Dật đứng lên cung kính:

- Đa tạ chủ nhân để mắt tới thuộc hạ.

Người chủ toạ khoát tay, ra hiệu cho họ ngồi xuống:

- Ta không có nhiều thì giờ. Phải đi ngay. Công tác sẽ do Tiền lão hiệp phân phó cho các vị.

Người bịt mặt nói xong đứng lên. Bọn cao thủ đều đứng lên đưa tiễn. Lão chủ nhân ra ngoài cửa nhìn vào các chỗ núp của ba anh em Đoan Mộc Bình. Hừ nhẹ:

- Ba đứa ngươi to gan thật. Hãy đi ngay đi.

Lão nói xong không chờ ba anh em Đoan Mộc Bình phản ứng mà phi thân đi ngay. Thân pháp cao diệu vô cùng. Nhìn thân pháp của lão, Tích Nhân công nhận lão là cao thủ mà từ lúc vào trung nguyên đến nay mới thấy có một người như vậy. Việc lão chủ nhân này phát giác ra anh em Đoan Mộc Bình nhưng làm lơ, ra ngoài chỉ bảo mấy tiếng làm Tích Nhân ngạc nhiên. Có lẽ anh em Đoan Mộc Bình cũng đã hiểu lão chủ nhân kia là ai nên cũng ngoan ngoản phi thân đi. Nhìn thân pháp lão chủ nhân và ba anh em Đoan Mộc, Tích Nhân thầm đoán họ cùng môn phái với nhau.

Tích Nhân lắng nghe lão già cao to được gọi là Tiền Lão Hiệp điều động nhân sự, và khi biết rõ địa điểm mà bọn chúng muốn đến ở Tử Kim Sơn, Tích Nhân phóng người đi ngay.

Vượt thành, phi thân về hướng đông một lúc, Tích Nhân vượt qua Tử Kim Sơn, đi thêm vài chục dặm tìm thấy ngay nơi mà lão già họ Tiền tiết lộ. Nơi này là một thung lũng vài dặm vuông, đầy cỏ và bụi bờ. Trong vùng đất có lẽ khô cằn nên nông trại cũng trông rất nghèo nàn. Diện tích khoảng vài mẫu, chung quanh có hàng rào cây khá kiên cố, và bên trong hàng rào trồng khoai. Căn nhà nằm ở giữa vườn khoai, và trông rất rách nát. Dù đã khuya, trong nhà vẫn còn đèn sáng. Nhờ Nhất Aån đã chỉ dẫn về trận pháp, Tới cổng, nhìn khu vườn, Tích Nhân thấy rõ các luống khoai được bố trí theo trận điên đảo âm dương. Thấy kỳ trận này, Trong lòng Tích Nhân chợt vô cùng hồi hộp. Hít một hơi chân khí định thần, Tích Nhân dùng tiếng Việt, giọng nghẹn ngào:

- Ngoại tổ. Điệt nhi là Tích Nhân, đứa cháu bất hiếu đã làm cho ngoại tổ phải lăn lội sang đất bắc này. Nếu ngoại tổ có mặt trong nhà xin cho điệt nhi bái kiến.

Giây lát sau khi Tích Nhân lên tiếng, từ trong nhà hai bóng người phi nhanh ra ngoài như điện xẹt, thân pháp giang hồ hiếm thấy. Hai bóng người phóng ra là hai ông lão, ăn mặc theo lối nông phu, quần áo rách nát, nhưng phương phi, cao lớn. Râu tóc bạc trắng như bông như mặt đầy đặn hồng hào và mắt sáng như điện. Bốn cặp mắt nhìn Tích Nhân chăm chăm, một ông lão gật đầu, táng thưởng:

- Ngươi còn trẻ mà có thân thủ tới cổng chúng ta cũng không phát hiện được kể cũng là việc trăm năm hiếm thấy. Đằng tiên lão nhân đang chờ ngươi. Theo chúng ta.

Hai ông lão đi trước, Tích Nhân đi sau. Đi tới, đi lui trong các luống khoai một lúc mới vào nhà. Vào cửa mới thấy căn nhà rất sạch sẽ trái hẳn với vẻ rách nát bên ngoài. Trên một chiếc giường gỗ một ông lão đang ngồi. Bên cạnh có một thanh niên rất phương phi, miệng rộng, trán cao, mắt to mũi lớn, nhưng phảng phất nét buồn rầu, trạc hai bảy hai tám đang ngồi trên chiếc ghế bên cạnh. Ba người trong nhà, hai ông lão và thanh niên đều mặc áo quần nông phu, nhưng Đằng tiên lão nhân lại mặc đạo phục Đại Việt, và đạo phục còn mới. Xa ngoại tổ đã lâu, nhưng Tích Nhân vẫn còn thấy nhớ rõ gương mặt của Đằng tiên lão nhân, nên xúc cảm bật khóc và quỳ ngay xuống đất:

- Ngoại tổ!

Đằng Tiên lão nhân hiền hoà:

- Ta chờ con khá lâu. Con đã đến. Đến vừa đúng lúc. Hãy đứng lên lại gần đây cho ngoại xem con giây lát.

Người thanh niên ngồi bên cất tiếng buồn rầu bảo Tích Nhân:

- Đôi mắt Lão nhân đã mù, đôi chân cũng không cử động được.

Tích Nhân nghe nói lòng đau như cắt, chồm tới ôm lấy tay Đằng tiên lão nhân:

- Ngoại tổ!

Đằng tiên lão nhân đôi mắt rớm lệ, nhưng vui vẻ, cười mấy tiếng, xoa đầu Tích Nhân:

- Con còn sống. Chẳng những vậy mà đã trở thành một cao thủ hiếm có. Trời không phụ ta và cha mẹ con. Không phụ hai họ Lê, Trần. Con ngoan lắm.

Tích Nhân để cho Đằng Tiên sờ mó. Trong khi để Đằng tiên khám xét nội công huyết mạch của mình, Tích Nhân lòng đau như cắt khi thấy công lực của ngoại tổ không còn bao lăm, kinh mạch nhiều chỗ bế tắc, thì Đằng tiên hớn hở:

- Hình huynh và Trương huynh.. đứa cháu này của lão công lực còn hơn lão phu năm xưa thập bội. Lão phu thật không tưởng được. Lão phu ra đi, sẽ có nó giúp cho bệ hạ. Càng an tâm khôn cùng.

Một trong hai ông lão cảm khái:

- Ta vẫn cho Trần huynh vọng tưởng việc gặp lại cháu hôm nay. Thì ra trong cõi mênh mông việc gì cũng đã an bài sẵn!

Đằng tiên lão nhân chỉ hai ông già và người thanh niên ngồi trên ghế:

- Nhân nhi! Con làm lễ ra mắt bệ hạ, hoàng đế của Đại Minh triều và hai vị tiền bối, huynh đệ của ngoại tổ.

Tích Nhân vâng lời, quay lại thanh niên, nhưng thanh niên vội đứng lên, xua tay nói:

- Ta không còn là ông vua nữa. Hãy coi ta như bạn. Ta lớn tuổi hơn. Cứ gọi là Chu huynh.

Và cung kính với Đằng tiên lão nhân:

- Xin Lão nhân rút lại lời dạy với Lê huynh đệ.

Đằng tiên lão nhân không câu chấp:

- Đa tạ bệ hạ. Lão phu tuân lệnh.

Tích Nhân bái kiến thiên địa nhị tướng, đứng lên vòng tay ra mắt Huệ đế, rồi thưa:

- Thưa ngoại tổ, hai vị tiền bối, khi nghe tin ngoại tổ đột nhập cấm thành bị bắt, điệt nhi định đến định nhập thiên lao giải cứu. Nhưng đêm nay tình cờ nghe tin tức của bọn cao thủ võ lâm được người trong cung chỉ thị đi tiêu diệt Chu.. đại ca và mọi người nên đến trước. Chúng ta phải đi ngay.

- Bọn chúng gồm những ai? Thiên tướng hỏi.

- Tiểu điệt không biết nhiều nhân vật võ lâm trung nguyên, nhưng tên tuổi nghe được một số là Hoàng hà ngũ quỷ, Hoàng sơn phi đao, Lữ Lương thiết chưởng, Cửu Tiết Tiên, Đường bách hiểu, Trường bạch song quái.. người cầm đầu mang họ Tiền, nhưng tiểu điệt không biết tên gì!

Thiên tướng hừ nhẹ:

- Tên nó là Tiền Đại Đỉnh, một trong sáu tên gọi là Lục kỳ, cao thủ hàng hai, xếp sau Từ Mộ Hoa của thần kiếm sơn trang ở Hà Bắc và Lục Thừa Phong ở Thái hồ. Phải tránh bọn chuột nhắc đó thật đáng ghét! Nhưng để chúng huy động quan binh tới đây thì khó bề trốn thoát!

Đằng tiên lão nhân gọi Tích Nhân:

- Con lại đây qùy gối xuống nghe ngoại dặn bảo.

Tích Nhân quỳ gối.

Đằng tiên ôn tồn:

- Mấy năm nay sư phụ bị Vô hình âm chưởng đánh phải, dù có nhị tướng giúp sức cũng không thể trục khí âm hàn ra khỏi cơ thể. Trong khi trúng khí hàn chưởng của Tiêu Bân, ngoại tổ còn trúng chất độc của kẻ thù nên hai mắt bị mù. Tuy nhiên, có lẽ nhờ mù mắt, mà ngoại lại có thể biết chút ít huyền cơ. Việc con đến đây ngoại đã biết khoảng nửa năm trước. Nhưng gặp con cũng sẽ là lúc ngoại phải trở về cõi hư vô. Đời người sống gởi thác về, con đừng phải đau lòng. Khi sang đất bắc, nhập cấm thành bị bắt, nhờ duyên may hoàng thượng bệ hạ lúc bấy giờ còn là thái tử nghe biết, lại mến chuộng và hết sức che chở, tâu xin Thái tổ tha tội và cho làm sư phụ dạy võ nên ngoại mới thoát chết. Cảm ơn tri ngộ, ngoại tổ theo hầu hoàng thượng từ đó đến nay. Aân nghĩa của hoàng thượng đối với ngoại tổ rất lớn. Tuy trong nghĩa quân thần, nhưng tình như sư đồ. Hoàng thượng bệ hạ.. không có số làm vua lâu dài. Nhưng tiền đồ đối với võ học sẽ rất lớn và huệ căn cũng sẽ trở thành một bậc giác ngộ sau này. Ngoại tổ ra đi, con phải hết lòng bảo vệ cho hoàng thượng. Đưa người tới nơi an toàn. Sau khi ngoại tổ ra đi, con không lập mộ dựng bia theo thế tục thông thường làm gì.

Tích Nhân khóc:

- Điệt nhi nhất nhất tuân lời ngoại tổ.

Đằng tiên đặt tay lên vai Tích Nhân:

- Con ngoan lắm! Con ngoan lắm. Ngoại rất hãnh diện và vui mừng gặp con. Tâm nguyện cuối cùng của ngoại đã đạt được. Không còn mong đợi gì nữa!

Bàn tay của Đằng tiên trên vai Tích Nhân chợt như nặng lên. Tích Nhân ngẩn lên thấy ông mỉm cười, hai mắt đã nhắm.

Chu Doãn Văn cầm lấy tay Đằng tiên khỏi vai Tích Nhân, buồn rầu:

- Lão Nhân đã nói trước sẽ ra đi vào giờ phút này. Lê đệ không nên quá buồn rầu. Không nên quá bi lụy làm ảnh hưởng sự siêu thoát của người.

Tuy có lời khuyên của Huệ đế, Tích Nhân chồm lên ôm Đằng tiên khóc ngất:

- Ngoại tổ! Con thật là bất hiếu.

Thiên tướng nghiêm nghị:

- Ngoại tổ ngươi đã biết tử kỳ, và biết gặp ngươi đúng vào tử kỳ của mình. Sinh ly tử biệt là việc buồn, nhưng với những người như ngoại tổ ngươi, việc ngươi bi lụy chỉ làm cho ông ta không vui lòng.

Tích Nhân đau đớn, nhưng gượng đứng lên bái lạy Đằng tiên lão nhân. Nhìn ông đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng trên mặt còn nét vui tươi, Tích Nhân gạt lệ. Nói với nhị tướng:

- Bọn cao thủ sắp kéo đến đây, nên điệt nhi muốn mang thi thể ngoại tổ đi nơi khác.

Thiên tướng thắp mấy nén hương, lắc đầu:

- Lão nhân đã an bài việc an táng cho người. Ngươi lạy ông ta lần nữa để chúng ta đưa ông ta xuống lòng đất.

Tích Nhân vâng lời, cầm hương quỳ gối lạy Đằng tiên. Chu Doãn Văn và tả hữu nhị tướng cũng quỳ lạy. Khi đứng lên, Thiên tướng thưa với Doãn Văn:

- Xin bệ hạ ban ân, đích thân tống táng ông ta.

Chu Doãn Văn qùy gối, Tích Nhân thấy căn nhà rung lên, rồi cả chiếc giường thấp xuống lần. Thì ra, dưới chiếc giường của Đằng Tiên đã đã có bố trí cơ quan, phía dưới chiếc giường là phiến đá to và bấy giờ đang di chuyển xuống mặt đất. Khi thân thể Đằng tiên lão nhân chìm sâu xuống phía dưới khoảng bảy tám thước, thì đất chung quanh cũng di chuyển và miệng địa huyệt đóng lại.

Chu Doãn Văn cầm tay Tích Nhân vừa an ủi, và cũng vừa cảm khái:

- Lão nhân gia đã tính trước mọi việc và cũng sắp đặt việc chôn cất ngay dưới căn nhà này. Hiền đệ không nên quá đau buồn.

Thiên tướng:

- Nha trảo bọn phản thần đang sắp kéo tới. Lão phu muốn hiền điệt đưa hoàng thượng rời khỏi chỗ này. Theo sự sắp xếp của Đằng tiên lão nhân, chúng ta từng chuẩn bị một chiếc thuyền trên sông, do những thuộc hạ tín cẩn của ta và trung thành với hoàng thượng quản lãnh để ra đi. Hoàng thượng biết thuyền đậu nơi nào. Hiền điệt đưa hoàng thượng đến đó.

Tích Nhân biết Huệ đế đã luyện được bốn năm thành Thái ất thần công, nhưng với bọn cao thủ đang kéo tới quá đông, khi mình và nhị tướng lo đối phó khó có thể phân thân chiếu cố thì ông ta không thể nào tự vệ được, nên đồng ý:

- Tiểu điệt đi ngay. Với kỳ trận bố trí chung quanh, nhị vị tiền bối có thể cầm cự trong mấy giờ. Tiểu điệt đưa hoàng thượng tới nơi an toàn rồi trở lại.

Thiên tướng:

- Ngươi lo cho hoàng thượng an toàn là việc chúng ta mong muốn. Không cần trở lại.

Oâng ta đưa mắt cho địa tướng. Cả hai quỳ gối:

- Chúng hạ thần Hình Thế Thiên và Trương Đại Kỵ kính xin bệ hạ tha thứ đã không thể theo hầu hoàng thượng được nữa.

Doãn Văn sa nước mắt:

- Trẫm sống sót được đến ngày hôm nay cũng nhờ Đằng tiên lão nhân và hai khanh giúp đỡ. Lâu nay lòng trẫm đã nguội lạnh, không còn nghĩ mình là ông vua nữa. Chúng ta phải đào thoát thì cùng đi với nhau, hai khanh hà tất quyết định trở lại để sống chết với bọn chúng.

Thiên tướng:

- Nếu hai hạ thần cùng đi, thì chúng ta khó lòng trốn thoát sự truy lùng của chúng. Hai hạ thần đã quyết tử, xin hoàng thượng chấp thuận.

Doãn Văn đầy phân vân. Tích Nhân cũng nhận ra tình hình nên nói:

- Tại hạ đưa hoàng thượng đi tránh trước, rồi quay lại cứu ứng cho hai vị tiền bối.

Chu Doãn Văn:

- Nếu Lê đệ có thể làm được như vậy, ta không còn gì để nói.

Tích Nhân:

- Xin mời hoàng thượng.

Chu Doãn Văn cầm tay Tích Nhân, tha thiết:

- Lê đệ và ta không có nghĩa quân thần. Ta nhận Lê đệ làm nghĩa đệ. Từ nay hãy gọi ta là Chu ca.

- Tiểu đệ xin đa tạ Chu ca.

Ra khỏi cữa căn nhà lá, tai Tích Nhân đã nghe tiếng phi hành của nhiều cao thủ đang phi tới, nắm tay Doãn Huệ đế:

- Chúng ta đi ngay!

Huệ đế nghe một luồng chân khí mãnh liệt trút vô thân thể, đôi chân tự nhiên bốc lên khỏi mặt đất, và được Tích Nhân đưa đi vùn vụt lên đỉnh núi. Việc dùng khinh công băng núi về hướng kinh thành rồi lại băng đồi núi đến sông trường giang là điều mà bọn bao thủ sẽ không thể nào ngờ được. Do đó hành trình của hai người không gặp trở ngại nào.

Với tốc độ khinh công của Tích Nhân cũng mấy giờ sau mới đưa Huệ đế đến một xóm chài nghèo nàn. Những đống đá quanh xóm chài Tích Nhân cũng nhận ra được bố trí theo trận pháp. Khi dừng chân, Tích Nhân từ từ thu lại công lực và Huệ đế lên tiếng ngâm nga:

"Thanh sơn y cựu tại Kỷ độ tịch dương hồng".

Sau khi Huệ đế ngâm hai câu thơ trên, từ trong một căn nhà của xóm chài, một người phi thân ra. Thân pháp cũng thuộc hàng thượng lưu. Tích Nhân thấy đây cũng là một ông lão độ trên sáu mươi, mặt đen đúa, áo quần rách nát. Chỉ nhìn kỹ mới thấy từ ở ông ta là một cao thủ võ lâm. Người từ trong phi ra sụp lạy Huệ đế:

- Thần Từ Hiếu Trung tham kiến bệ hạ.

Huệ đế đỡ ông lão dậy:

- Từ khanh không phải nhọc mệt như vậy.

Từ Hiếu Trung kính cẩn:

- Được lệnh của Thiên tướng, hạ thần đã chuẩn bị ghe thuyền sẵn sàng. Xin hoàng thượng ban lệnh.

Huệ đế thở dài:

- Thiên địa nhị lão do sợ chúng sẽ theo dấu chúng ta nên nên quyết định ở lại để đánh lạc hướng. Chúng ta khởi hành bây giờ.. lòng trẫm thật không nỡ.

Từ Hiếu Trung:

- Hai vị đã luyện thành vô tướng thần công của Thiếu Lâm. Hạ thần trộm nghĩ cao thủ đại nội chẳng ai có thể hạ nổi. Chắc họ sẽ an toàn và có thể ra đảo gặp chúng ta. Xin bệ hạ khởi giá.

- Được! Cứ theo lời khanh.

Tích Nhân dù trong lòng đau đớn vì sự ra đi của Đằng tiên lão nhân, nhưng cũng hiểu rõ tình hình nên nảy ra một ý kiến, rồi nói với Huệ đế:

- Chu đại ca cứ đi với Từ tướng quân. Tiểu đệ trở lại cứu ứng hai vị tiền bối. Nhưng trước khi chia tay, tiểu đệ muốn chúng ta thay đổi quần áo cho nhau. Tiểu đệ có học thuật dị dung. Khuôn mặt của tiểu đệ hiện nay cũng không phải là mặt thật.

Huệ đế chau mày:

- Như vậy rất nguy hiểm cho hiền đệ.

Từ Hiếu Trung:

- Hạ thần gặp thiếu hiệp đây chưa hỏi tính danh, và cũng không nghĩ là người võ lâm. Nhưng nếu đã là cao thủ thì thần công đã đến mức ngũ khí triều nguyên, chân khí liên miên bất tuyệt.

- Đây là cháu ngoại Đằng tiên lão nhân. Có nhị tướng hay Lão nhân cũng không thể có công lực nắm tay ta phi hành vượt Tử kim sơn và bao nhiêu đồi núi tới đây với tốc lực làm ta chóng mặt.

Hiếu Trung chào Tích Nhân với tất cả sự ngưỡng mộ:

- Lão phu rất ngưỡng mộ. Tiếc là sẽ không biết còn gặp thiếu hiệp nữa hay không.

Và ông ta thưa với Huệ đế:

- Thiếu hiệp đã có thân tuyệt học như vậy, việc dùng kế dương đông kích tây này nhất định sẽ không có gì nguy hiểm tới tính mệnh. Trường hợp quả bất địch chúng vẫn có thể cao chạy xa bay.

Thấy Huệ đế chần chừ, Tích Nhân nói:

- Thời gian rất cấp bách, tiểu đệ biết tự lượng xin Chu ca không phải quá lo lắng.

Tích Nhân không chờ cho Huệ đế đồng ý, tự cởi áo quần và trút bỏ đôi giày của mình. Huệ đế thấy vậy cũng cởi bộ áo quần nông phu giao cho Tích Nhân. Hai người đều cùng tầm thước nên quần áo cũng rất vừa vặn. Sau khi cả hai trao đổi y phục, Từ Hiếu Trung thúc giục:

- Xin mời bệ hạ di giá theo thuộc hạ.

Huệ đế nắm tay Tích Nhân:

- Hiền đệ bảo trọng. Những ngày gần mất, Lão nhân đã bảo sau này chúng ta cũng còn nhiều dịp gặp nhau.

- Xin Chu ca bảo trọng.

Sau khi Từ Hiếu Trung đưa Huệ đế ra đi, Tích Nhân vội gôm một số cỏ khô củi khô đánh lửa đốt lên, lấy gương đồng và thuốc dị dung hoá trang. Nghĩ bọn cao thủ không ai biết Huệ đế sau mấy năm ẩn trốn khó ai còn nhớ đến mặt mũi ông ta, nên cũng chỉ làm sơ sài, không cần phải giống như khuôn đúc. Hoá trang xong Tích Nhân dùng Thái Aát di hình đi nhanh trở lại căn nhà cỏ. Tới nơi, trời cũng sắp sáng.

Chung quanh khu vườn bấy giờ không phải mấy chục mà hàng trăm cao thủ đang bao vây. Có lẽ trận điên đảo âm dương đã cản trở bước tiến của bọn cao thủ, và tả hữu nhị tướng cũng đã lợi dụng trận pháp để mua thời gian, chỉ giết những kẻ sa chân vào trận nên Tích Nhân thấy có vài chục xác chết đã được để nằm bên ngoài, nhưng không có dấu tích của một trận huyết chiến.

Có khinh thân tối cao, nhưng với hàng trăm cặp mắt ở khoảng đất trống đang nhìn vào trong nhà, Tích Nhân nghĩ mình dùng khinh công đột nhập vào gặp anh em tả hữu nhị tướng vẫn không khỏi bị phát hiện, thấy phiá tây khu vườn có một chuồng trâu năm sáu con bèn tới mở cổng thả hết ra, cho quay đầu về hướng căn nhà rồi đạn chỉ phóng ra một lúc mấy viên đá đánh mạnh vào mông làm chúng hoảng sợ đâm đầu chạy như điên. Tích Nhân phóng lên lưng con chạy giữa và lòn người xuống bụng bám chặt. Trời chưa sáng, chung quanh khu vực trồng khoai lại cỏ cao, nhiều cây bụi, bọn cao thủ quây quanh căn nhà nghe tiếng trâu chạy vội nhảy tránh nên không ai tinh mắt phát hiện dưới bụng trâu có người. Bầy trâu chạy tới gần hàng rào, Tích Nhân với thân pháp thần kỳ phóng vào vườn khoai và mấy viên đá trong tay lại bắn vào đầu trâu làm chúng nhảy dựng lên và đổi hướng.

Biết cách ra vào trận, Tích Nhân theo cách đi bước vào nhà. Nhị tướng nghe được phóng ra, Tích Nhân vội lên tiếng:

- Tiểu điệt là Tích Nhân trở về đây.

Cả ba vào nhà, nhìn Tích Nhân cải dạng rất giống Chu Doãn Văn, thiên địa nhị tướng cũng không khỏi khen ngợi và ca tụng ý tưởng cải trang để đánh lạc hướng kẻ thù của Tích Nhân. Nghe Tích Nhân cho biết Huệ đế đã theo Từ Hiếu Trung, Thiên địa nhị tướng vui mừng:

- Ngày mai, ba chúng ta có thể yên tâm trừng phạt lũ phản thần một phen.

Tích Nhân:

- Chúng ta sẽ vừa đánh vừa chạy về phía nam, chúng sẽ theo đuổi tới cùng. Hoàng thượng sẽ không còn nguy hiểm nữa.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-37)


<