← Hồi 26 | Hồi 28 → |
Thiểm Điện Thần Khất nghe xong câu hỏi thứ ba của Chung Ly lão nhân, trong lòng càng đâm thất kinh hoảng hồn. Bởi trong mấy câu nói: "Điều hàn linh, Hợp huyền võ, Kinh đồng đình, Xuyên hỏa phủ, Phân độ ngân hà, Tử vi huyền mẫu", toàn là những thế cực khó uyên thâm của diệu quyết nội công mà mình đã được trong bốn chương văn kinh U Mịch thập tam kinh, thế mà không hiểu tại sao lão già Chung Ly Triết này lại lên tiếng hỏi mình như thế?
Suy nghĩ kỹ lại, ngoại trừ câu hỏi thứ hai là lão tạm thời nghĩ ra, hình như vị Chung Ly lão nhân này còn có một dụng ý gì để ngấm ngầm chỉ điểm thêm cho mình thì phải.
Thiểm Điện Thần Khất Gia Minh trong bụng nghĩ vậy, nên tự dưng tan biến hết những sự hổ thẹn trong lòng, bèn cung kính thi lễ cùng Chung Ly lão nhân rằng:
- Gia Minh u muội này xin chịu nhận thua. Để chờ kết liễu xong cuộc La Phù đại hội này, kính xin ngài chỉ giáo cho những điều hữu ích.
Chung Ly lão nhân mỉm cười đáp lễ, nhưng không nói gì, quay sang phía Nam Bút Gia Cát Dật rằng:
- Xin Gia Cát nhân huynh hãy ghi rõ cho trong mười trận, hai trận đầu, chúng ta đã ngang sức cân nhau. Như thế chưa bên nào chiếm phần thắng đấy nhé.
Thiểm Điện Thần Khất Gia Minh cau mày từ từ bước vào trong ngôi đình tranh, đưa mắt nhìn Nam Bút, Tây Đạo mọi người, lắc đầu khẽ than rằng:
- Tiểu đệ thật quả vô tài quá, xin chư huynh thứ cho nhưng vị Chung Ly lão nhân ấy, xem những cử chỉ và lời nói của ông ta quả thật thần kỳ bí hiểm lắm...
Thượng Quan Linh lên tiếng nói xía ngay vào rằng:
- Gia lão tiền bối hà tất phải u sầu ảo não như thế? Chẳng qua người ta dùng lời nói gây khó đấy thôi. Dù cho một kẻ bác học nào có tinh thông đến đâu đi nữa, cũng không thể nào bao quát hết những sự hiểu biết trên dưới mấy ngàn năm được, dọc ngang mấy ngàn dặm, kẻ hỏi có thể tùy hứng mở miệng thành sông ngòi, người đáp lẽ dĩ nhiên là bị thiệt thòi nhiều, nếu tôi mà cũng hỏi lại lão ba vấn đề, chưa chắc gì lão đã có thể trả lời đích xác được?
Thượng Quan Linh vừa hết lời, Chung Ly lão từ phía ngoài đình lên tiếng cười rằng:
- Thượng Quan ranh mãnh kia, nếu quả thật cậu còn chưa phục, xin cứ mời ra đây hỏi thử tôi ba vấn đề nào cũng được?
Thượng Quan Linh lên tiếng cười rằng:
- Này ông già, tục ngữ có câu rằng: "đã được thì chớ có tham", ông đã già tuổi tác như thế, nếu nhỡ bị tôi hỏi cho đớ khẩu ra, chừng ấy biết giấu bộ mặt đi đâu cho khỏi thẹn? Tôi cũng chẳng cần phải hỏi về thiền lý cao siêu gì, chỉ nội việc hỏi nơi ông ở trên núi Côn Luân, thực ra cao bao nhiêu, và bộ râu dưới hàm ông có cả thảy bao nhiêu sợi, trong Vạn Mai cốc này được bao nhiêu cành mai? Đó. Chỉ nội ba câu hỏi dễ dàng ấy, ông có thể trả lời dứt khoát được nửa câu nào không, chứ đừng bảo là một câu nguyên vẹn?
Mấy câu hỏi này, quả thật đã khiến cho Chung Ly lão gần như ngộp thở luôn?
Thượng Quan Linh bỗng lại cười lên rằng:
- Còn nói về vụ Càn Khôn Cửu Tuyệt đại hội trên La Phù này, chính là một cuộc chiên lừng danh mà những tay hảo thủ quần hung đang dự đều được mục kiến, như vậy càng không nên chỉ lo khua môi múa mép cho oai hách hão huyền như thế.
Hai trận thi về lối văn đã diễn rồi, bây giờ cũng nên thay đổi bầu không khí mà diễn một tấn tuồng võ chứ, xin ông già hãy mau về chỗ phái người ra cho rồi, bên phía chúng tôi, nếu không phải Đông Tăng thì cũng phải là Bắc Kiếm ra nghênh trận.
Bắc Kiếm Phổ Côn cười nói với Nam Bút Gia Cát Dật rằng:
- Mấy câu nói của thằng ranh Thượng Quan Linh, vừa được thể diện, lại vừa cay chua đanh đá thật. Hắn đã chỉ danh điểm tướng như thế, tiểu đệ đành phải dùng cây Tam Chỉ kiếm để gặp gỡ nhân vật của đối phương vậy?
Nam Bút Gia Cát Dật gật đầu mỉm cười, Phổ Côn đủng đỉnh bước ra khỏi đình tranh, tay cầm cây Tam Chỉ kiếm mà chuôi kiếm có đính ba hột minh châu, cất tiếng rằng:
- Vốn được liệt danh trong Cựu Càn Khôn ngũ tuyệt là Bắc Kiếm Phổ Côn đây, vậy xin có lời thỉnh mời bất luận là một vị danh gia cao thủ nào trong Tân Càn Khôn ngũ tuyệt, xin cứ việc ra chỉ giáo cho.
Tục ngữ rằng: "danh của người như bóng với cây", kiếm thuật của nhà họ Phổ, oai trấn bát hoang, nên khi Phổ Côn xách kiếm ra đấu trường, hầu hết trong khu vực Thiên Hương Ấu đều im thin thít, chỉ nghe tiếng gió thỉnh thoảng đưa lại những mùi thơm dịu dàng của hoa mai.
Cửu Độc thư sinh Cơ Thiên Khuyết, đưa mắt liếc nhanh mọi người trong đình tranh, thấy vị Huyền Âm Phó giáo chủ là Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy đứng dậy cười rằng:
- Vị Tư Không Giáo chủ của tiểu đệ, vì tí nữa đây còn phải hầu tiếp với Nam Bút Gia Cát Dật bên quý vị để liễu kết mối duyên nợ xưa kia. Còn Đoạt Hồn Kỳ huynh và Chung Ly lão nhân xin chuẩn bị để đối phó với Tây Đạo và Đông Tăng, thành ra này Đàm Bách Thủy xin mạn phép được đón tiếp vị kiếm khách khét tiếng trong giang hồ của Bắc Kiếm Phổ Côn vậy.
Cửu Độc thư sinh Cơ Thiên Khuyết trong bụng cũng cho rằng, với Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy ra quân chuyến này, kể ra cũng tạm ổn. Bèn cùng với Chung Ly lão nhân gật đầu chấp thuận đồng ý ngay, nhưng cũng không quên nói nhỏ với Đàm Bách Thủy hãy thận trọng, vì võ công của Bắc Kiếm Phổ Côn không phải hạng tầm thường gì, quả là một nhân vật siêu tuyệt, danh bất hư truyền, phải tùy cơ ứng biến mới được.
Đàm Bách Thủy tay cầm Cửu Đầu Thiết Trượng, đủng đỉnh bước và sân đấu, Bắc Kiếm Phổ Côn thấy là vị Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy ra sân, bỗng cười ngất ngưởng lên rằng:
- Kìa Đàm Bách Thủy, ta nghe Tiếu Diện Diêm Bà Mạnh Tam Nương từng gạt tên người ra khỏi nhóm Tân Càn Khôn ngũ tuyệt kia mà. Nhưng nay sư tỷ đệ người ta không có mặt tại đây, nên chiếc ghế ngồi trong Tân Càn Khôn ngũ tuyệt của ngươi kể cũng tạm vững đấy chứ?
Đàm Bách Thủy mặt đỏ bừng lên ấm ức nói rằng:
- Này lão già Phổ Côn, những chuyện so tài cao thấp trong võ lâm, kẻ thắng được suy tôn. Nay Tân Càn Khôn ngũ tuyệt và Cựu Càn Khôn ngũ tuyệt, thắng bại chưa rõ về bên nào? Phải chờ sau cuộc đại hội của La Phù này mới rõ được.
Nay Đàm Bách Thủy đặc biệt xin lĩnh bái ngọn Tam Chỉ kiếm khét tiếng của họ Phổ xem oai thế ra sao? Vậy xin đừng nhiều lời, hãy mau ra tay cho rồi.
Đôi mắt sáng như sao của Bắc Kiếm Phổ Côn nhìn ngay xuống cây Tam Chỉ kiếm trên tay mình, thình lình phát ra những tiếng cười như long trời lở đất, chấn động tâm huyền hầu hết thảy những tay quần hùng ngồi trong ngôi đình tranh.
Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy bị tiếng cười của Bắc Kiếm Phổ Côn khiến cho ngạc nhiên ngẩn người, lão ngơ ngác hỏi rằng:
- Kìa lão già Phổ Côn, Đàm Bách Thủy này có lời gì nói sai mà khiến ngươi cười như điên vậy?
Bắc Kiếm Phổ Côn thu ngay tiếng cười lại lạnh lùng rằng:
- Xưa kia trên đỉnh Nga Mi, Phổ Côn này đã liên tiếp hỗn chiến với Kinh Thần Bút, Trường Vĩ Vân Phật, Long Hổ Cương Hoàn và Phong Ma Đồng Đoạt Hồn Bảo Kỳ với bốn hạng binh khí áp cái thiên hạ, oai lực vô biên tuyệt kỳ như thế, ta đây chưa hề dùng Tam Chỉ kiếm cướp đánh trước tiên, không ngờ nay ngươi lại dám nói những lời nói như thế này với ta. Phổ Côn nào phải kẻ ỷ tài mà kiêu cuồng, nếu ta ra tay phạt kiếm ra trước, cây Cửu Đầu Thiết Trượng của ngươi, khó lòng mà cầm cự nổi trên ba chục hiệp với tay.
Đàm Bách Thủy lòng nóng như lửa, hằn học lên tiếng rằng:
- Trong hai người mà không ai chịu ra tay trước, vậy thì làm sao mà choảng nhau cho được? Vậy thì Đàm Bách Thủy đành mạn phép thử trước về cây Tam Chỉ kiếm, xem sự thực oai lực của nó đã vô biên đến mức độ nào, mà dám xưng áp cái trong thiên hạ?
Hai chữ "thiên hạ" còn phảng chứa âm thanh trên không, cây Cửu Đầu Thiết Trượng đã vung ra với thế Hải Lãng Bài Sơn (ngọn sóng kình đánh ập vào núi), vận hết đúng mười phần mười nội gia công lực, trượng phong quét thẳng vào trung bàn (khoảng ngang bụng) thăm dò thử vị danh vang trong Càn Khôn ngũ tuyệt Bắc Kiếm này ứng phó ra làm sao?
Phổ Côn cũng chẳng thèm né tránh gì, cây Tam Chỉ kiếm lập tức dựng đứng ngay mũi kiếm lên, phạt luôn một thế Chỉ Trụ Trung Lưu (Mài trụ cây trong lòng sông), ngang nhiên nghênh cây Cửu Đầu Thiết Trượng của Đàm Bách Thủy quét tới như vũ bão.
Lối đánh này, quả thật đã khiến cho Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy thất kinh hãi hùng giật mình, bởi cây Tam Chỉ kiếm của Phổ Côn tuy bề rộng chỉ bằng ba ngón tay, nặng hơn kiếm thường một chút, nhưng cây Cửu Đầu Thiết Trượng của mình cũng nặng có đến trăm cân, cộng thêm sức luân chuyển càn quét như vũ bão của mình, oai thế tuyệt luân thế mà đối phương sao dám dùng cây kiếm mỏng manh như thế đỡ càn với cây binh khí của mình?
Trong thâm tâm đã không phục, lão lại tăng thêm hai phần chân lực nữa thành mười hai phần công lực, thế mà một luồng cuồng phong dữ dội do cây thiết trượng gây ra "ào ào" quét mạnh tới ngang eo của đối phương.
Bắc Kiếm Phổ Côn đưa kiếm tới trước hai thước, rồi nhẹ co rút về hai tấc, nhưng tầm thời gian đã đúng như ước muốn lý tưởng của Phổ Côn, ngay lúc ấy cây thiết trượng của Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy chạm với cây Tam Chỉ kiếm, chưa kịp nghe tiếng kim khí chạm nhau, thình lình cây kiếm đã rụt lại. Nên khoảng cách ngắn ngủi hai tấc ấy, không những đã hóa giải hẳn cây binh khí nặng trăm cây của cây thiết trượng, mà cả đến thân hình của Đàm Bách Thủy cũng bị hút ngay vào hơn nửa bước.
Đàm Bách Thủy tuy đã không phục từ trước, nhưng cũng đã ngầm chú ý đề phòng. Nay thấy Bắc Kiếm Phổ Côn ngang nhiên dùng đến hai lối đánh "Niêm" tự và "Xà" quyết (thế đánh như dán dính với địch và trút bỏ địch tùy ý thích), người ta đã dùng đến mức tuyệt vời như thế, đương nhiên trong lòng càng kinh hãi vô ngần.
Nhân cơ hội bị địch hút tới ấy, đành mượn sức tung thân về trước cánh phải ba thước, đuôi thiết trượng bỗng thình lình thúc mạnh về phía sau, nhắm ngay Tỉnh Túc trọng huyệt của Bắc Kiếm Phổ Côn phóng tới.
Bắc Kiếm Phổ Côn thấy đối phương dùng lối đánh biến hóa kỳ diệu khó đoán này, bèn mỉm cười đổi thế "dẫn" thành ra thế "đẩy" và kỳ này dùng chân lực nội công hẳn hoi, đẩy luôn cây Cửu Đầu Thiết Trượng ra hẳn hơn thước, nhưng vẫn chưa hề trả đòn, cây Tam Chỉ kiếm lập tức thu ngay về, đưa mũi kiếm ngang trước ngực, đứng uy nghi như núi Thái Sơn lạnh lùng chờ địch.
Đàm Bách Thủy không hiểu tại sao đối phương lại không ra tay phản kích mình? Tuy cau mày suy nghĩ, nhưng cây thiết trượng cũng nhắm tới ngực địch thủ điểm nhanh tới với một thế Độc Long Tầm Huyệt (Rồng độc tìm hang), đồng thời ngầm dùng luôn ba thế nhỏ đánh một lúc thành Tiên Áp Thiên Linh Cái, dưới khua thọc Đan Điền, giữa hoành tảo ngang lưng, khí thế dũng mãnh vô cùng.
Bắc Kiếm Phổ Côn chuyến này càng khéo và tuyệt diệu hơn trước nhiều, thực ra đó với thế Độc Long Tầm Huyệt này của Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy, Bắc Kiếm chẳng coi vào đâu, mãi đến khi Đàm Bách Thủy thấy mình không tiếp, mà cũng không né tránh, nên lão chẳng cần biến đổi những thế đánh khác làm gì cho mất thì giờ, chờ cây thiết trượng vừa điểm đến trước ngực của đối phương, chân phải đứng y nguyên, chân trái khẽ nhích về phái sau nửa bước, thủ pháp vừa nhanh lại vừa chuẩn đích, dùng luôn mũi của cây Tam Chỉ kiếm điểm ngay đầu của thiết trượng, rồi đột ngột phát khởi nội gia trầm lực, vừa giật vừa hất, khiến cho cánh tay phải của Đàm Bách Thủy tê hẳn, lúc này lão chỉ sợ bị Bắc Kiếm dồn ép cướp đánh thì nguy, bèn thu ngay Cửu Đầu Thiết Trượng, nhảy lùi hẳn về phía sau hơn tám thước đứng ngẩn người ra nhìn.
Bắc Kiếm Phổ Côn quắc mắt lên lẫm liệt lạnh lùng rằng:
- Này Đàm Bách Thủy, tôi đã nhường ông đủ ba hiệp chưa hề trả đòn đấy nhé, nếu biết điều hãy nhận thua rút lui và đổi người khác ra tiếp với ta, nếu không...
Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy, dù sao cũng là một vị ma đầu có tiếng trong võ lâm, hơn nữa lại kiêm chức Phó giáo chủ của Huyền Âm giáo, đứng trước mặt những quần hùng đông đủ đây, làm sao chịu nổi lối chê bai tột cùng của đối phương? Râu tóc lúc này dựng ngược lên tua tủa, cây Cửu Đầu Thiết Trượng múa lên quay tít như chong chóng, ánh sắt lóe lên cả một vùng, lão giở hết những tuyệt học bình sinh của mình là chín chín tám mươi mốt thủ pháp trong ngọn Thiên Long Trượng Pháp của mình, nhắm thẳng về phía Bắc Kiếm Phổ Côn "ào ào" đánh tới tấp sang đối phương.
Bắc Kiếm Phổ Côn lúc này như hổ thêm cánh, vụt một cái tung mình thẳng vọt lên hơn bốn trượng, rồi từ trên không quay lộn đầu trở xuống, cây Tam Chỉ kiếm lúc này hóa thành muôn ngàn mũi kiếm, tỏa hẳn ra như vô số đóa hoa kiếm, phủ trùm khắp trên đỉnh đầu Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy.
Đàm Bách Thủy công hãm nhanh bao nhiêu thì lúc biến đổi cũng chóng bấy nhiêu, khi thấy Bắc Kiếm Phổ Côn bắt đầu trả đòn đánh như thế, nhận ngay ra đây là lối Phổ Gia kiếm pháp nổi danh của Phổ Côn, mệnh danh là ngọn Trạch Cập Vạn Phương (nước trạch rút muôn phương ngàn nẻo), đây quả là một ngọn tuyệt kỹ, nếu mình vô ý không biết, lập tức bị những mũi kiếm tua tủa khiến cho hoa mắt rối trí ngay. Đoán trước được thế đánh của địch, nên lão vội mượn luôn đà tốc lực của cây thiết trượng, toàn thân vụt nhanh theo luôn hơn trượng, tính khỏi những ngọn kiếm ác liệt của Bắc Kiếm từ trên phủ xuống, rồi tung thân sang phía trái hơn hai trượng.
Tuy thế Trạch Cập Vạn Phương oai mạnh ấy bị lão tránh khỏi, nhưng khi Đàm Bách Thủy chân vừa hạ xuống đất, tiếng cười như long ngân của Phổ Côn đã vang lên, đồng thời những luồng kiếm đã kề sát tai, khiến cho Đàm Bách Thủy vội vàng dùng luôn ngọn tuyệt kỹ Hàn Sơn Quyện Tuyết (núi lạnh cuốn băng tuyết), bả vai bên phải quay ngay lại, vung luôn cây Cửu Đầu Thiết Trượng quất ngược về phía sau, cuốn lên một ngọn cuồng phong ác liệt, chặn ngay thế kiếm phong của cây Tam Chỉ kiếm đang từ trên bủa xuống.
Bắc Kiếm Phổ Côn bất giác buột miệng khen nhẹ một tiếng "hay", thu ngay thế kiếm lại, đề khí lên ngực, toàn thân bay vèo ngang qua đầu Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy, rồi thình lình dùng luôn lối Thiên Cân Trụy (khiến toàn thân nặng trĩu), cả người lẫn kiếm, dùng luôn thế Phản Bối Hàng Long, gió kiếm lúc này lại chuyển lên vù vù cả một vùng đánh xuống.
- Đàm Bách Thủy cắn chặt răng, rút cây thiết trượng về, rồi giơ lên với thế Hoành Giá Kim Lương (cây đả vang đỡ ngang) đỡ thế kiếm từ trên đánh xuống.
Nhưng Phổ Côn lúc này không còn dung tình nữa, trong nhoáng mắt, cả một làn ánh kiếm tua tủa như gió bão. Tội nghiệp cho vị Huyền Âm Phó giáo chủ Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy, chỉ cảm thấy tứ diện bát hướng đâu đâu cũng thấy chỉ toàn là thân hình béo lùn của lão già Bắc Kiếm Phổ Côn, sắc mặt lạnh lùng, và cây Tam Chỉ kiếm lóe mắt với ba hột minh châu dưới chuôi kiếm.
Đông Tăng Túy đầu đà cau mày đứng nhìn một lúc, khẽ tiếng hỏi Tây Đạo Thiên Si rằng:
- Này Si đạo sĩ, trong cái nhóm tự gọi là Tân Càn Khôn ngũ tuyệt ấy, tôi đã được đấu sơ với Tiếu Diện Diêm Bà Mạnh Tam Nương, võ nghệ của vị nữ ma đầu này quả thật cũng cừ khôi lắm. Tại sao tên Cửu Trượng Thần Ông này lại kém cỏi đến thế kia.
Tây Đạo Thiên Si mỉm cười rằng:
- Túy hòa thượng đừng vội chê bai người ta sớm thế, vị Đàm Bách Thủy chẳng qua là một kẻ yếu kém nhất trong bọn Tân Càn Khôn ngũ tuyệt, còn ngoài ra mấy vị ma đầu kia, nhất là lão quái vật Chung Ly Triết, có vẻ khó đấu lắm đấy nhé.
Đông Tăng Túy đầu đà tu vài hơi rượu trong hồ lô của mình, rồi ha hả cười rằng:
- Si đạo sĩ đã nói thế, tí nữa tôi sẽ dùng đôi Long Hổ Cương Hoàn thử gặp với lão Chung Ly Triết xem sao. Giờ chúng mình thử thi thố về tài nhận xét của nhau coi, theo Si đạo sĩ, thì cây Tam Chỉ kiếm của lão Phổ Côn, còn đánh chừng bao nhiêu thế nữa mới thắng nổi cây Cửu Đầu Thiết Trượng của Đàm Bách Thủy?
Thiên Si đạo trưởng ha hả cười rằng:
- Này Thượng Quan Linh, ta mượn ngay đề thi này thi thử tâm cơ của cậu xem sao. Vậy cậu đoán thử vị Bắc Kiếm lão tiền bối của cậu lối chừng bao nhiêu thế nữa thí thắng nổi Cửu Trượng Thần Ông?
Thượng Quan Linh nghiêng đầu suy nghĩ nhanh, mỉm cười rằng:
- Đúng vào thế ba mươi hai.
Thiên Si đạo trưởng và Túy đầu đà nhìn nhau cười, Thượng Quan Linh lại tiếp tục rằng:
- Bởi Phổ lão tiền bối đã quá khoác lác nói rằng đối phương sẽ khó thoát khỏi trong vòng ba mươi hiệp. Nay thấy đã chiếm phần ưu thế, làm chủ động cuộc chiến, nên vẫn chưa hạ sát thủ vội, chắc sẽ chờ đến hiệp thứ hai mươi chín chót mới ra tay đánh bại Cửu Trượng Thần Ông, chừng ấy mới khiến cho địch thủ tâm phục khẩu phục sát đất. Theo tôi đoán, từ hiệp thứ hai mươi chín trở đi, rồi bắt đầu phát khởi ba thế khiêm nhượng là không hề trả đòn, như thế chẳng là ba mươi hai hiệp đúng đó sao?
Thiên Si đạo trưởng để ý trong trận đấu, mỉm cười rằng:
- Này Hòa thượng say, có lẽ bị thằng mãnh con đoán trúng thật, xem bây giờ chẳng đã đến thế hai mươi bảy rồi ư? Phổ Côn đã dùng đến thế "Quang Đằng Ngưu Đẩu" (ánh sáng bay quanh sừng bò) dồn hẳn Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy lui hẳn về góc chết phía tây bắc, rất có thể tiếp theo sau là thế "Điện Thiểm Lôi Bôn" (điện chớp sấm nổi), và sau cùng dùng thế nhà nghề nhất là thế "Lục Long Hành Vũ" (sáu rồng đi mưa) để khắc chế địch.
Đông Tăng Túy đầu đà cười ha hả lắc đầu rằng:
- Thế thứ hai mươi chín, thế nào cũng là ngọn "Lục Long Hành Vũ". Nhưng thế thứ hai mươi tám chưa nhất định là thế "Điện Thiểm Lôi Bôn"? Bởi tôi xem Đàm Bách Thủy hình như chân tay đã lúng túng rối loạn, e lão sẽ chẳng nghĩ đến danh dự con nhà võ học mà lại đi sử dụng đến môn ám khí mà lão tự cho là ghê gớm tuyệt luân là "Bách Bộ Ô Phong Thảo" mất.
Tình thế trong trận đấu lúc này quả nhiên như lời đoán, Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy đã bị cây Tam Chỉ kiếm của Phổ Côn dùng những lối đánh nhanh nhẹ trầm hùng, kiếm ảnh cứ tua tủa bủa vây khắp xung quanh Đàm Bách Thủy, lúc này Cửu Trượng Thần Ông đã gần như muốn ngộp thở về hơi kiếm của địch. Giờ này trong bụng mới nghĩ thầm đến danh Càn Khôn ngũ tuyệt quả không phải dễ dầu gì mà được. Mình đã không tự lượng sức, trước mặt đông đủ quần hùng đứng đây, chưa chứng minh lại tự chuốc lấy họa sát thân vào người, không thì cũng tự rước lấy nhục vào thân mất.
Vẫn biết mình không phải tay địch thủ của đối phương, chỉ đành còn cách liều mạng dùng hết mọi thủ đoạn. Đàm Bách Thủy khó khăn lắm mới tập trung được hết mười phần công lực của mình, dùng cây Cửu Đầu Thiết Trượng của mình hất mạnh luôn thế "Quang Đằng Ngưu Đẩu" của Bắc Kiếm Phổ Côn, tay trái thò nhanh vào mình móc ra tung đến vụt một cái, chín ngọn Thiết Thảo (cỏ sắt) Bách Bộ Ô Phong Thảo, "soạt" một tiếng tung mạnh hết về phía Bắc Kiếm Phổ Côn.
Đàm Bách Thủy cũng thừa hiểu đây là môn ám giữ nhà của họ Đàm, đều trông cậy vào hết ngọn Bách Bộ Ô Phong Thảo này, Bắc Kiếm bèn ôm kiếm ngừng bước, đưa mắt chăm chú nhìn xem loại ám khí nổi danh của địch này đi đến mức độ nào cho biết?
Bách Bộ Ô Phong Thảo, thoạt tiên được đánh ra với thế chín ngọn thành một, nhưng khi bay khỏi được bảy thước, đột nhiên thình lình tỏa hẳn ra, từ một hóa thành chín. Thủ pháp quả thật rất thần diệu, chín ngọn Ô Phong Thảo, đã ngang nhiên chia hẳn ra thành hai tốc độ khác nhau, bốn đi trước chia thành: trên, dưới, phải, trái bốn mặt đánh tới phía người Bắc Kiếm Phổ Côn, còn năm ngọn phía sau, lại cũng chia thành thượng, hạ, tả, hữu, trung đánh thành một hình trạng như đóa hoa mai, nhưng tốc độ bay kém hẳn hơn bốn ngọn trước.
Trong đạo võ học, điểm tối cần nhất phải là Biến Trung Hữu Biến (có biến phải biến thêm nữa), như thế mới có thể khiến kẻ địch khó phòng hờ được. Ngọn Bách Bộ Ô Phong Thảo của Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy, quả đã đạt tới cảnh giới tuyệt vời này. Từ một hóa thành chín, rồi chia ra trước sau nhanh chậm đánh về địch, thình lình năm ngọn Thiết Thảo hình hoa mai phía sau vượt hẳn lên trước, nhắm thẳng phía đối phương lao nhanh tới. Lúc này diện tích đánh ra của những ngọn Bách Bộ Ô Phong Thảo đã tỏa lớn lên thêm.
Trong tình trạng này, cũng như đã nói rõ những ngọn Bách Bộ Ô Phong Thảo của Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy đã phong tỏa hết khắp tứ phía của Bắc Kiếm Phổ Côn, cả đường rút lui của đối phương cũng bị phong kín hết.
Đây cũng là môn tuyệt học của Đàm Bách Thủy, lối đánh không những tinh mà lối biến hóa cũng diệu kỳ kể cũng thuộc vào loại tuyệt thế vô song. Nhưng đáng tiếc đối thủ lại là kể được lừng danh trong nhóm Càn Khôn ngũ tuyệt Bắc Kiếm Phổ Côn, lúc này Bắc Kiếm Phổ Côn vừa lớn tiếng khen "hay" vừa tung mình lên như tia điện nhoáng, ánh kiếm loang loáng tua tủa, thiên hạ chỉ còn thấy những làn kiếm quang và bóng người từ phía sau một hồi bay lượn khắp phía, chín ngọn Bách Bộ Ô Phong Thảo của Đàm Bách Thủy, đã bị thanh Tam Chỉ kiếm của Phổ Côn phạt gãy đôi hết thành mười tám ngọn Thiết Thảo rớt như lá rụng xuống đất.
Đàm Bách Thủy có nằm mộng cũng không thể nào ngờ lối đánh ám khí tuyệt kỹ này của mình lại hóa thành trò biểu diễn tuyệt vời đẹp mắt cho đối phương.
Trong lúc vừa kinh hãi vừa ngạc nhiên ấy, từ trên không, tiếng cười và tiếng rít của cây kiếm vang lên, không hiểu từ hồi nào. Bắc Kiếm đã tung mình vọt cao hẳn lên cao hơn năm trượng, dùng đúng thế đánh mà Thiên Si đạo trưởng đã nói là thế Lục Long Hành Vũ đan dệt thành những đường kiếm như một lưới cá to rộng từ trên chụp xuống.
Cửu Trượng Thần Ông Đàm Bách Thủy tuy võ nghệ không địch nổi Bắc Kiếm, nhưng nhãn lực của lão đâu phải hạng xoàng xỉnh tầm thường, nhận thấy chín ngọn Ô Phong Thiết Thảo của mình đã đem lại cơ hội cho đối thủ biểu diễn tài nghệ tuyệt vời của người ta, biết ngay rằng rất có thể mất mạng trong nháy mắt đây, không còn cách nào hơn, chỉ đành dùng cây Cửu Đầu Thiết Trượng giơ lên với một thế tuyệt vọng là thế Độc Trụ Kích Thiên (cột trụ chống thẳng trời) đỡ đòn của đối thủ từ trên áp xuống.
Nào ngờ lão giơ cây Cửu Đầu Thiết Trượng lên tiếp địch như thế, lại ngang nhiên bạt hẳn những luồng kiếm quang tua tủa của Bắc Kiếm Phổ Côn ra, chỉ thấy Phổ Côn thu ngay cây Tam Chỉ kiếm của mình lại, vèo thân lướt xuống cười rằng:
- Hồi nãy tôi đã từng nói muốn xin thỉnh giáo với Đàm huynh chừng 34 hiệp.
Nhưng giờ còn thiếu một hiệp chưa đánh, đôi bên đồng cân đồng lạng, hay là trong trận này kể như chúng ta đã hòa nhau vậy.
Đàm Bách Thủy nghe Bắc Kiếm nói thế, biết ngay rằng có lẽ vì ngọn đánh Bách Bộ Ô Phong Thảo của mình đã khiến cho đối phương cảm thấy mến tài, nên không nỡ ra tay hủy diệt mình. Trong lòng bất giác đem hết những tước vị Huyền Âm Phó giáo chủ, Tân Càn Khôn ngũ tuyệt so sánh với chiếc đầu bạc phơ của mình. Sau khi cân nhắc nặng nhẹ sự tương quan trong ba vấn đề ấy, bao nhiêu hùng tâm đều tiêu tan hết, đôi mắt như tỏ vẻ biết ơn nhìn Bắc Kiếm Phổ Côn không nói một lời gì, âm thầm lủi thủi bước vào ngôi đình tranh.
Bắc Kiếm cũng lững thững đi về đình, Nam Bút Gia Cát Dật giơ ngón tay cái khen Bắc Kiếm rồi mỉm cười rằng:
- Hai mươi năm cách biệt với Phổ huynh, không những kiếm thuật của huynh đã tiến triển kinh người đến thế, mà cả đến tâm tính khoan hồng đại lượng của huynh cũng khiến cho Gia Cát Dật này tâm phục khẩu phục vô ngần. Vừa rồi sự mến tài của huynh đã thình lình thu ngay đường kiếm tuyệt diệu từ trên không, quả thật hay hơn lối lấy đầu kẻ địch không biết bao nhiêu vạn lần.
Bắc Kiếm Phổ Côn mỉm cười khiêm tốn, Nam Bút Gia Cát Dật quay sang phía Chung Ly Triết mỉm cười rằng:
- Thưa Chung Ly lão nhân, trong số mười trận, trong ba trận đầu đã thành hòa cục, vậy trận thứ tư này, Gia Cát Dật tuy bất tài, nhưng cũng muốn xin được thỉnh giáo với ngài vài ngọn tuyệt học.
Chung Ly lão nhân xua tay cười rằng:
- Hôm nay quả là một ngày các quần hào tụ họp tại La Phù, giữa đôi bên thế nào cũng không tránh khỏi một cuộc so tài hơn kém với nhau. Nhưng Gia Cát huynh chọn đến tôi, quả thật đã chọn lầm người rồi, vì vị Huyền Âm giáo chủ đây, còn có món nợ cũ chưa thanh toán xong với huynh kia mà?
Huyền Âm giáo chủ Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu, thấy Nam Bút Gia Cát Dật gọi trận với Chung Ly lão nhân như thế, trong bụng đang mừng thầm sắp được xem tài nghệ của vị kình địch xưa kia, nay đã đến mức độ nào? Nhưng bỗng nghe Chung Ly Triết lại khéo léo từ khước để đẩy mình ra hứng trận, bất giác thần sắc cười khóc dở dang. Ác nỗi lại không có lý gì để thối thác, đành đứng dậy lên tiếng rằng:
- Này tú sĩ nghèo, Tư Không Diêu này từng cách xa lâu năm với ngươi, vậy nay gặp dịp đây, chúng ta hãy ra sân làm lễ hội ngộ với nhau là vừa.
Quả thật lại không hổ với danh hiệu Bát Chỉ Phi Ma, tiếng vừa dứt thì người đã bổng hẳn, nhưng không vọt cao lên, mà dùng một thế đẹp mắt tuyệt luân nhất lướt trên mặt đất, nhoáng mắt xa hẳn ba trượng, đứng sững ngay giữa đấu trường, nghiễm nhiên đợi chờ địch.
Nam Bút Gia Cát Dật thì chẳng muốn khoe tài gì, tà áo nho sinh đủng đỉnh phất phơ đi đến đấu trường, miệng mỉm cười nói với Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu rằng:
- Này Tư Không lão quái, ngươi đã có lòng nhớ đến ta lâu năm như thế, vậy nay Gia Cát Dật đã đứng trước mặt đây, thế chúng ta bây giờ thân mật với nhau bằng cách nào đây?
Tư Không Diêu chớp nhanh đôi mắt của mình, vẻ mặt thâm trầm lạnh lùng rằng:
- Xưa kia Tư Không Diêu này đã từng được lãnh hội dưới cây Kinh Thần Bút của ngươi, này ta vẫn muốn được xem cây binh khí nổi danh này đã đi đến mức tuyệt đỉnh nào rồi?
Gia Cát Dật kỳ này bởi đi chung với nhiều người như thế, nên đã không tiện cưỡi con lừa của mình, nhưng ống đựng bút vẫn luôn mang cạnh người. Nghe xong đưa mắt nhìn Tư Không Diêu một hồi, rồi quay đầu gọi lên rằng:
- Thượng Quan Linh, hãy lấy hộ ta cây Kinh Thần Bút lại đây.
Thượng Quan Linh đối với vị Nam Bút lẫy lừng tiếng tăm này, cực kỳ ngưỡng mộ, nay dễ dầu lắm mới được thấy người ta ra tay thi thố tài nghệ, lẽ đương nhiên cậu bé thích sướng cả người lên chạy đi lấy cấy bút số một là Thiên Tự Đệ Nhất Hiệu Kinh Thần Bút, hấp tấp chạy ra sân đấu hai tay dâng lên cho Gia Cát Dật.
Xưa kia, chính môn Huyền Âm khí công của vị Huyền Âm giáo chủ Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu, đã từng bị hủy về ngọn Kinh Thần Bút của Nam Bút Gia Cát Dật. Nay tuy gặp được kỳ dược chữa khỏi, lại luyện được môn Huyền Ma khí công, công lực có phần nào còn cừ hơn xưa kia nhiều, nhưng khi thấy ngọn Kinh Thần Bút mà quần tà ai thấy cũng phải khiếp đảm ấy, râu tóc bất giác cũng rờn rợn nổi da gà, lúc này Tư Không Diêu vội vàng rút luôn ngọn binh khí độc đáo của mình ra là Liên Hoàn Kim Tố Nhật Nguyệt song luân, đứng im lặng chăm chú chờ đợi.
Nhưng ngoài dự liệu của các tay quần hùng trong Thiên Hương Ấu, sau khi Nam Bút Gia Cát Dật nhận lấy cây Kinh Thần Bút từ trên tay Thượng Quan Linh xong, chẳng thấy đả động gì với Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu, nghiễm nhiên hai tay ép mạnh và bóp nát cây bút thành phấn, rồi vung tay ra tỏa hẳn một đám bụi bay tung ra tứ tán.
Cử chỉ kỳ quái lạ lùng này của Nam Bút Gia Cát Dật, không những khiến cho Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu đang đứng chờ địch phải ngẩn người ra không biết duyên cớ tại sao?
Thượng Quan Linh càng ngạc nhiên lạ lùng lên tiếng hỏi:
- Thưa Gia Cát lão tiền bối...
Nam Bút Gia Cát Dật ngửng đầu lên trời cười như điên, phảng phất như trong lòng có một chuyện u buồn gì khó nói ra, cười xong lập tức đổi ngay vẻ mặt nghiêm nghị, lên tiếng với hết thảy các tay quần hùng có mặt tại chỗ rằng:
- Cây Kinh Thần Bút này của Gia Cát Dật, xưa kia từng so tài để định danh vị trên Kim Đỉnh núi Nga Mi, từng bị mất một sợi lông bút về tay Đoạt Hồn Kỳ "thiệt". Nhưng mắc cỡ thay, mãi đến đêm qua mới phát giác ra chuyện này, nên còn mặt mũi nào dùng ngọn binh khí này nữa? Nay lại có cây Phong Ma Đồng Đoạt Hồn Bảo Kỳ hiện diện tại đấu trường đây, vậy Gia Cát Dật xin có lời thỉnh mời vị "chân" Đoạt Hồn Kỳ, chờ cho Gia Cát này lĩnh giáo xong với vị Huyền Âm giáo chủ Tư Không Diêu, xin người bạn xưa kia hiện thân ra để gặp mặt bạn cũ.
Thượng Quan Linh thấy Nam Bút Gia Cát Dật không hề che giấu về chuyện cây Kinh Thần Bút bị người ta ta bứt mất lông, mà còn công khai nói trắng ra trước mặt các tay quần hùng như vậy, lại không tiếc gì hủy luôn cây bút quý. Bất giác trong lòng càng đâm kính phục, thầm nghĩ rằng:
"Thế mới đúng tác phong của một nhân vật lãnh tụ trong võ lâm, vừa đại lượng, vừa chính đại quang minh."
Thượng Quan Linh còn mãi suy nghĩ, Nam Bút Gia Cát Dật đã mỉm cười hỏi rằng:
- Này Thượng Quan Linh, kỳ ở trên Tiểu Thiên Trì trên Lư Sơn tôi đã dùng cây bút nào để tiếp với vị Tư Không Giáo chủ này nhỉ?
Thượng Quan Linh trả lời ngay:
- Thưa Gia Cát lão tiền bối, đó là cây bút nhỏ nhất và cùn nhất, tức cây bút số năm ạ.
Gia Cát Dật cười lớn tiếng rằng:
- À.... Đúng vậy... tôi cũng nhớ là tôi từng dùng câu thơ của Đỗ Công Bộ là câu: "Ngã niêm thóc bút tảo hoa lưu" (ta cầm bút cùn quét ngựa hoa lưu). Vậy cậu hãy mời Huyền Âm giáo chủ giả làm ngựa hoa lưu, thử xem có tránh nổi ngọn bút cùn càn quét của ta không?
Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu tức đến nỗi gần như có cảm tưởng sắp bốc cháy cùng người đến nơi, nhưng lòng tự biết đối thủ không phải tay vừa gì, nếu mình nổi tức thế nào cũng bị thiệt thòi về mặt mất bình tĩnh, nếu một khi bị mất bình tĩnh, rút cục lại bại về tay địch như xưa kia mất.
Nên Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu cố sức đè nén cơn tức của mình, lão đứng uy nghi bất động như pho tượng thạch, không hề đếm xỉa đến lời nói tức của Nam Bút Gia Cát Dật.
Thượng Quan Linh biết sắp có pha hào hứng diễn ra ngay, liền chạy nhanh chân ra ngoài để đứng xem cho thích, đang lúc cậu bé hí hửng chạy đi ấy, Nam Bút Gia Cát Dật bỗng kêu giật trở lại rằng:
- Thượng Quan Linh hãy đem nghiên mài mực của ta ra, rồi đứng cạnh đây mài mực hộ để ta sử dụng một chút.
Thượng Quan Linh vội vâng dạ tíu tít, chạy đi lấy nghiên và thoi mực ra, lại đứng cạnh ngay cạnh cây Phong Ma Đồng Đoạt Hồn Bảo Kỳ vừa chăm chú để quan sát trận đánh vừa lia lịa mài mực.
Sau khi dùng ba ngón tay cầm cây bút vừa cùn vừa khô mực ấy - một cây bút vẽ tranh rất tầm thường - nhìn kỹ một chập rồi cất tiếng cười rằng:
- Này Thượng Quan Linh ngọn Sinh Hoa Thất Bút của ta, cậu chẳng muốn học từ lâu rồi là gì? Vậy bây giờ đứng cạnh hãy chịu khó xem ngó cho kỹ một chút. Ta sẽ liên tục diễn hết từng môn một như: Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc trước, sau sẽ tiếp tục phát huy những uy lực vô cùng tận của nó, và sẽ do cậu đứng làm kẻ điểm tướng. Cậu thích chứ?
Thượng Quan Linh quýnh cả lên reo mừng rằng:
- Dạ thưa Đường thi... Đường thi... loại này vãn bối ưa thích nhất. Xin Gia Cát lão tiền bối hãy dùng lối thất luật của Lý Nghĩa Sơn trước nhé?
Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu thấy Nam Bút và Thượng Quan Linh hai người đối đáp với nhau như thế, đâu còn coi mình là người vang danh trong giang hồ với chức Giáo chủ của Huyền Âm giáo nữa? Rõ ràng họ đã đem mình ra làm trò hề cho vui. Dù cho có tính hàm dưỡng đến độ nào đi nữa, cũng không thể nào chịu đựng nổi, cây binh khí Liên Hoàn Kim Tố vung ra đến "cheng cheng" một tiếng, lạnh lùng rằng:
- Này Gia Cát nghèo kia, hà tất người phải tự kiêu như thế làm gì? Chính ta cũng xem thử lối mượn Đường thi của ngươi có thể nào thi triển ra nổi những "Nhị bộ cổ phong, thanh liên tuyệt cú" không?
Vừa dứt tiếng, ngọn binh khí Liên Hoàn Kim Tố đã vung lên "ào ào" trên không, đan thành những đường ánh sáng lóa mắt khiếp hồn người "ùn ùn" đánh úp tới phía Nam Bút Gia Cát Dật.
Lối đánh ấy của Bát Chỉ Phi Ma không những thần tốc nhanh chóng, mà còn biến hóa lanh lẹ vô kể, nhưng Nam Bút Gia Cát Dật hình như chẳng cảm thấy gì xảy ra trước mắt, cũng chẳng giơ bút lên nghinh địch, càng không nhảy mình né thân tránh đòn.
Mắt thấy những ánh sáng muôn ngàn của ngọn binh khí Liên Hoàn Kim Tố trùm phủ khắp toàn thân Nam Bút nhưng trong lồng cầu ánh sáng lấp lóe kinh người ấy, nào thấy có người? Vẫn thấy Nam Bút Gia Cát Dật đứng ung dung bên cạnh Thượng Quan Linh, tay cầm bút chấm mực như chưa hề xảy ra cuộc chiến, nhưng mắt đã liếc nhẹ sang Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu thản nhiên cười rằng:
- Vì Thượng Quan Linh ranh mãnh này muốn coi về thất luật của Lý Nghĩa Sơn, nên tôi làm sao đi tìm cú pháp trong Công Bộ Thanh Liên? Nhưng thật con nhà văn, khó nhất là tìm hứng trong lúc đầu, không ngờ ngươi đã giúp ta trong lúc này, vậy ngươi có biết câu này là câu gì trong Ngọc Kê Sinh không?
Bát Chỉ Phi Ma tức tối đến điên người lên, không trả lời gì.
Thượng Quan Linh đắc ý cười rằng:
- Thưa Gia Cát lão tiền bối, tuy lão đoán không ra, nhưng vãn bối đã đoán ra.
Lão quái vật này không biết xấu hổ là gì, đã ra tay đánh lén như thế mà chả thu hoạch được gì, đến nỗi tung tích của người ta ở đầu cũng không nhận được rõ ràng, như thế không phải đã hợp với câu "Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung" (lúc đến không tiếng nói, khi đi lại tuyệt tích) là gì?
Gia Cát Dật lớn tiếng cười rằng:
- Thượng Quan tiểu quỷ không những tinh quái, mà lại còn kiêm thông văn võ, bụng đầy thi thơ. Cậu đã đoán trúng, nhưng câu tiếp theo của câu "Lai thị không ngôn khứ tuyệt cung" là câu "Nguyệt tà lầu thượng ngũ canh chung" (Trăng xế đỉnh lầu giữa canh năm), danh vang lẫy lừng như Huyền Âm giáo chủ, và cả những kẻ tranh danh đoạt lợi, phải sống trong những cảnh giới này, mới hòng dễ tỉnh ngộ, cậu có thể hiểu nổi không?
Những nhân vật cao giỏi của nhóm Càn Khôn ngũ tuyệt giỏi là giỏi ở chỗ này, cũng chẳng thấy thân hình Nam Bút tung nhả như thế nào, nhưng sau tiếng nói cuối cùng: "Cậu có thể hiểu nổi không?" vừa chấm dứt, toàn thân đã không biết từ bao giờ, tiến ngay đến trước mặt Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu, cây bút cùn trong tay nhanh đến nỗi không ai nhận ra đánh bằng lối pháp nào, tay bút vung lên tua tủa, miệng lên tiếng ngâm nga rằng:
- Mộng vi viễn biệt đề nan hoán, Thơ bị thôi thành mặc mạt hồng. (cảnh ly biệt trong mộng có khóc cũng khó thành tiếng, thơ bị thúc giục viết, nhưng mực lại chưa kịp mài xong). Vậy tôi đành dùng những chấm mực hãy còn loang loáng này, để lại ít kỷ niệm cho ngươi vậy. Vừa rồi đây, câu nói của Chung Ly lão "Cửu giới vô biên ngộ thị biên, chúng sinh nan độ thành năng độ", vậy tấm thành tâm của Gia Cát này muốn độ hóa cho vị cái thế ma đầu như ngươi đây, nhưng còn phải xem thử ngươi có thể "Ngộ" được không đã.
Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu nghe nói thế, biết ngay vị Nam Bút Gia Cát Dật này có lẽ đã thi hành những thủ đoạn ma mãnh gì trên người mình rồi đây chăng? Bất giác trong lòng càng thêm kinh hãi. Thầm nghĩ vừa rồi, trong lúc Gia Cát Dật tiến sát đến cạnh thân, mình đã từng dùng đến thế tuyệt học độc sáng của mình là thế Cung Tường Vạn Kiếp, đây là một thế phòng thân tuyệt kỹ của mình sáng tạo ra, khi được ngọn binh khí Liên Hoàn Kim Tố múa tít lên, dù cho cơn mưa to gió táp cũng không thể nào xuyên vào được, như thế thì đối phương làm sao mà thi hành thủ đoạn ấm ớ trên người mình được? Mà thế nào mình chả hay khi đụng tới trên người mình?
Giờ đây người ta đã thu tay rút ra khỏi sân đấu, lại lên tiếng "nhân nghĩa hóa độ" mình. Nhưng soát hết cùng mình, vẫn không hề phát giác một dấu tích gì khả nghi.
Đang lúc vị Huyền Âm giáo chủ Bát Chỉ Phi Ma Tư Không Diêu bán tín bán nghi trong bụng, thì kẻ đứng bên cạnh cây Phong Ma Đồng Đoạt Hồn Bảo Kỳ là Thượng Quan Linh đã cất tiếng cười rằng:
- Thưa Gia Cát lão tiền bối, thủ pháp này của ngài quả thật đã đến độ thần kỳ tuyệt diệu, không những vãn bối chưa từng được thấy như thế, mà cả cho đến nghe cũng chưa nghe ai nói đến bao giờ. Nhưng tuy Sinh Công đã thành tâm nói như thế, đã chưa chắc gì ngoan thạch chịu điểm đầu cho? Vị tác oai tác phúc, chuyên quen ăn hiếp những kẻ lương thiện như Huyền Âm giáo chủ đây chắc gì đã thật sự hiểu thấu nổi ý nghĩa của ngài?
← Hồi 26 | Hồi 28 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác