Vay nóng Homecredit

Truyện:Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông - Hồi 45

Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông
Trọn bộ 50 hồi
Hồi 45: Tiết Chế Binh Mã Đại Việt
5.00
(một lượt)


Hồi (1-50)

Siêu sale Shopee

Lại nói Chiêu-Minh vương đặt câu hỏi: Thế nào là cả nước đều là thành, toàn dân đều là binh thủ thành.

Câu hỏi của Chiêu-Minh vương cũng là câu hỏi của hầu hết cử tọa. Hưng-Đạo vương nhìn Chiêu-Minh vương, trong ánh mắt chiếu ra tia hiền hòa, nhiệt tình. Vương hỏi Thái-sư Thủ-Độ:

- Thưa Thái-sư! Có phải quan, quân Tống, Kim, Tây-hạ, Thổ-phồn, Tây-vực sống trong những thành trì kiên cố không? Còn dân chúng sống rải rác khắp nơi không?

- Đúng vậy.

- Còn Đại-Việt ta, không có những thành trì lớn. Thế nhưng mỗi làng là một cái thành kiên cố. Chư vị hãy tưởng tượng lại: Mỗi làng, mỗi xã đều nằm giữa một khu đồng lầy. Từ đồng lầy vào làng, trước hết phải qua một cái hào sâu gần trượng, rộng ít ra hai trượng. Dưới hào cắm chông chằng chịt. Tiếp theo là những lũy tre dầy đặc, đến con chó, con mèo chui cũng không lọt. Làng có một đến bốn cổng. Các cổng đều có những ụ lớn. Từ ngoài vào làng chỉ có những con đường nhỏ, một ngựa đi đã chật rồi. Hỏi Lôi-kỵ nào tấn công cho nổi? Vì vậy tôi mới nói cả nước đều là thành.

Cử tọa vỗ tay hoan hô liên tiếp. Vương cất cao giọng:

- Còn như cả nước đều là binh thủ thành. Như trên Thái-sư đã nêu ra ba điều. Nếu như ta thực hiện được điều thứ nhất: Triều đình với dân sát cánh bên nhau thì dân trong các làng, người người, già trẻ, nam nữ cùng cầm vũ khí chống giặc. Họ giữ làng tức là giữ thành. Cả nước đều biến thành binh thủ thành. Thế nhưng tại hương đảng ai là người chỉ huy dân chúng? Nhất định không phải là lý dịch. Xét những người lãnh đạo các lực lượng thôn xóm, hầu hết họ là đệ tử của các bang, các phái. Vậy muốn được toàn dân chống giặc thì đầu tiên phải được các bang, phái trợ giúp. Thế nhưng muốn được các bang, phái giúp, trước tiên trong nhà ta phải tự giúp nhau. Trong nhà giúp nhau, thì bang, phái mới hưởng ứng. Bang phái hưởng ứng thì dân mới đồng lòng chống giặc.

Hưng-Ninh vương hướng vào cử tọa:

- Trong nhà là ai? Là chúng ta. Vậy trong chúng ta, ai có tỵ hiềm gì với nhau, phải xóa bỏ hết. Phải hy sinh tự ái để giữ vững đất nước, bảo vệ trăm họ.

Chiêu-Minh vương xoa tay vào nhau:

- Trong chúng ta đều có không ít thì nhiều những bất đồng. Song cái bất đồng lớn nhất là Ngũ-yên với triều đình. Triều đình thì sẵn sàng rồi. Còn Ngũ-yên?

Hưng-Ninh vương trả lời thản nhiên:

- Khi hào kiệt Ngũ-yên kéo tất cả về đây, thì cái hố chia rẽ không còn nữa.

Cử tọa vỗ tay hoan hô. Vũ-Thành vương Doãn hỏi Hưng-Đạo vương:

- Anh! Anh quên di chúc của phụ vương trước khi hoăng rồi hay sao? Anh quên rằng hào kiệt theo ta, chỉ vì họ không chấp nhận triều đình bỏ chủ đạo tộc Việt, đem chủ đạo Hung-nô ra bắt dân theo đó sao?

Hưng-Đạo vương bình tĩnh:

- Chú ba! Mông-cổ thắng thiên hạ vì người lãnh đạo biết tổ chức binh bị, họ lại biết khai thác cái tính man rợ thích cướp bóc, hãm hiếp, đốt nhà, giết người của giống dân không văn hóa, không đạo đức, để nuôi tinh thần chiến đấu. Họ chỉ có sức mạnh về kỵ binh. Thế thì những tục lệ, phong hóa của họ sao có thể được tộc Việt ta chấp nhận?

Vương nhìn cử tọa một lượt:

- Trước đây hơn trăm năm, Nhật-Hồ lão nhân từng đem Hồng-thiết giáo vào nước ta, bùng lên một thời, rút cuộc lại tắt ngấm. Nay Thái-sư muốn đem phong tục Thảo-nguyên vào nước ta...có ai theo không? Có ai nghe không? Huống hồ, cách đây ba năm, niên hiệu Nguyên-phong thứ 3 (DL.1253), triều đình đã cho lập Quốc-học viện. Chương trình học, không có một chút nào của Mông-cổ cả. Cũng năm đó, cho đắp tượng Khổng-tử, Chu-công, Á-thánh Mạnh-tử, và vẽ tranh 72 vị tiên hiền. Như vậy cũng đủ tỏ rõ Đại-Việt ta không chấp nhận cái chủ đạo, không hề là chủ đạo của Hung-nô... Nay trong hoàn cảnh đất nước nguy như trứng trồng này. Ta phải hy sinh bản thân, hy sinh nhà mình cho sự nghiệp Xã-tắc.

Vương ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Ví thử phụ vương còn tại thế, mà trong hoàn cảnh này, chắc người cũng hành xử như chúng ta. Trước hết lo cứu nước đã. Nước mất, sẽ mất hết. Chú hãy bình tĩnh lại.

Nguyên-Phong hoàng đế hỏi Phụ-quốc thái-úy Khâm-Thiên đại vương:

- Chuyện nhà coi như xong. Bây giờ đến chuyện võ lâm. Trong sáu đại môn phái, thì phái Đông-a, Sài-sơn, Yên-tử tuy ba mà là một. Còn lại ba phái Tiêu-sơn, Mê-linh, Tản-viên, từ khi vua Huệ-tông băng, anh hùng thiên hạ đều đồn rằng Quốc-thượng phụ ám toán ngài. Nên ba phái không giao dịch với triều đình. Theo đệ, ta phải làm gì để giải oan?

Vương trả lời bằng cái lắc đầu.

- Khó! Nhưng không phải là không làm được.

Hưng-Ninh vương bàn: Đại-sư Y-sơn chưởng môn phái Tiêu-sơn, trước đây có thọ ơn của đại hiệp Đặng Kiếm-Anh, chưởng môn phái Tản-viên. Mà đại hiệp Kiếm-Anh lại rất khâm phục Vô-Huyền bồ tát, chưởng môn phái Mê-linh. Vậy triều đình cần cử một người trong hoàng tộc, tới Thần-quang tự, yết kiến Vô-Huyền bồ tát, trình bầy tất cả những nguy cơ mất nước. Xin Bồ-tát vì sự nghiệp của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng mà rút gươm chống giặc. Nếu như Vô-Huyền bồ tát chịu đứng ra suất lĩnh võ lâm, thì tôi tin rằng không ai dám chống đối.

Nhà vua hỏi quản Khu-mật viện Chu Mạnh-Nhu:

- Chu tiên sinh! Có một điều trẫm hết sức kinh ngạc là Vô-Huyền bồ tát được truyền ngôi chưởng môn đã hơn tháng qua, mà không ai biết tục danh của ngài là gì? Hành trạng ra sao? Cũng không mấy ai biết mặt người. Vậy Khu-mật viện có biết không?

Chu Mạnh-Nhu lột mũ ra tạ tội:

- Thần thực vô dụng. Suốt mấy năm qua, giang hồ truyền tụng rằng phái Mê-linh có ba vị sư thái đạo cao, đức trọng, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Đó là Vô-Huyền, Vô-Ảnh, Vô-Sắc. Thần dùng trăm phương nghìn kế dò la hành trạng của ba vị, mà phái Mê-linh dấu rất kín, không hé lộ một chút căn cước. Vậy thần nghĩ, triều đình cử một thân vương làm chánh sứ, Khu-mật viện cử 10 người thuộc loại kiến thức rộng về võ lâm theo làm bồi sứ. Sứ đoàn đem lễ tới chúc mừng tân chưởng môn. Như vậy ắt Vô-Huyền bồ tát phải thân tiếp sứ. Trong 10 người của ta, ắt có người nhận diện được ngài.

Cuộc họp chấm dứt.

Nguyên-Phong hoàng đế cử con thứ là Chiêu-Minh đại vương làm chánh sứ, dẫn một sứ đoàn 10 người đi Thiên-trường. Sứ đoàn tới Thần-quang tự vào lúc chập choạng tối. Vị ni sư tri khách nghe báo vội ra đón, rồi cung tay tạ lỗi:

- Thưa đại vương, sư tỷ chưởng môn hiện đang du ngoạn trên sông Hồng, có lẽ giờ Thân mới về. Vậy thỉnh đại vương cùng sứ đoàn quá bộ vào chùa chờ đợi.

Chiêu-Minh vương kinh ngạc, nghĩ thầm:

- Một vị bồ tát mà lại ngao du trên sông như văn nhân kể cũng lạ?

Vương cùng sứ đoàn vào chùa ngồi chờ. Không mất nhiều thời gian, khoảng hai khắc sau, ni sư tri khách chạy ra cung tay:

- A-di-đà Phật! Bè chở sư tỷ chưởng môn sắp về tới. Thỉnh vương gia ra bờ sông đón người.

Chiêu-Minh vương muốn nổi cáu:

- Dù Vô-Huyền là chưởng môn một võ phái lớn chăng nữa, thì cũng chỉ là một ni sư. Ngay đối với một An-vũ sứ, bà cũng phải hành lễ. Thế mà nghe ta là sứ giả triều đình, bà khệnh khạng không chịu trở về thực mau. Còn mụ ni sư này nữa, mụ bảo ta ra đón Vô-Huyền! Thôi, dù sao ta cũng không trách bọn hồ đồ này làm gì. Chẳng qua họ không biết lễ nghi.

Vương cùng 10 bồi sứ ra bờ sông. Từ cuối giòng sông, một chiếc bè lớn, trên bè đèn đốc sáng chưng, với hơn hai chục tay chèo đang từ từ tới gần. Phía trước bè, một đội nữ nhạc đang tấu bản nhạc Thiền êm dịu. Giữa bè, bốn phía quây màn. Trong màn thấp thoáng có bóng người ngồi, song không nhìn rõ mặt. Phía ngoài màn có chín thiếu nữ trang phục như cung nga triều Lý.

Bè ghé mũi vào bờ.

Hai thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp trong y phục cung nga, bước ra. Một người lên tiếng:

- Tôi là Bùi Thiệu Hoa, đệ tử của Bồ-tát. Còn đây là sư muội cua tôi tên Trần Ý Ninh. Dám hỏi chư vị đây là thế nào?

Một vị bồi sứ giới thiệu từng người trong sứ đoàn. Thiệu Hoa lui lại, vào trong màn một lát rồi bước ra. Nàng cười tươi như hoa:

- Bồ-tát tuyên chỉ cho một mình Trần Quang-Khải xuống yết kiến. Các bồi sứ phải ở lại trên bờ.

Nghe thiếu nữ nói, cả sứ đoàn cùng kinh ngạc, vì dù võ công cao, địa vị trong võ lâm đến đâu chăng nữa, thì khi nghe sứ giả của hoàng đế đến, Vô-Huyền cũng phải ra đón rồi phủ phục hành đại lễ. Vô-Huyền không tuân thủ nghi lễ đã đành, mà thiếu nữ còn dám gọi tên tục của vương ra, rồi dùng tiếng tuyên chỉ, yết kiến, như đối với một hoàng đế vậy. Tuy nhiên, trước khi khởi hành, phụ hoàng đã ban chỉ cho vương rằng, bằng mọi giá phải gạt bỏ tự ái. Vì vậy vương thản nhiên xuống bè. Dù võ công của vương rất cao thâm, nhưng hai cao thủ ẩn danh làm bồi sứ, có nhiệm vụ bảo vệ vương cũng theo vương nhảy xuống bè. Bè từ từ rời bờ hướng ra gữa sông. Ý Nương lên tiếng:

- Bồ-tát tuyên chỉ, cho một mình Trần Quang-Khải yết kiến mà thôi. Những người khác phải trở lại bờ.

Thiệu Hoa, Ý Nương đứng dậy vung tay phát chưởng hướng hai bồi sứ. Chưởng phong êm dịu không có gió. Hai cao thủ coi thường, không vận công đỡ. Nhưng khi chưởng sắp tới người, cả hai mới giật mình, vì hai thiếu nữ vận âm kình. Hai bồi sứ kinh hoảng vội vận công phát chiêu chống. Nhưng không kịp. Binh, binh hai tiếng, hai bồi sứ bay bổng lên bờ, rồi rơi xuống như họ nhảy lên vậy.

Ý Nương chỉ vào trong màn:

- Cho Trần Quang-Khải vào yết kiến.

Tuy giận cành hông, nhưng Chiêu-Minh vương cũng phải nín nhịn. Vương mở màn bước vào trong. Có tiếng một thiếu nữ:

- Quỳ gối hành đại lễ.

Chiêu-Minh vương nghĩ thầm:

- Ta là một đại vương mà phải hành đại lễ với một mụ ni sư ư? Thôi, đã trót thì trét luôn. Ta cứ coi như mụ Vô-Huyền này là Quan Thế Âm bồ tát. Ta lạy Quan Âm cũng không mất thể diện gì.

Vương quỳ gối:

- Đệ tử xin bái kiến Bồ-tát.

Có tiếng đàn bà rất trong trẻo, rất êm dịu, rất quen thuộc:

- Người đến đây là do Trần Cảnh, hay Trần Thủ-Độ sai đi?

Thời bấy giờ dù vương công, dù đại thần cũng không được nhắc tới tên của nhà vua, của Thái-sư Thủ-Độ. Bất tuân, sẽ bị chặt đầu. Thế mà ai đó dám hỏi vương bằng câu cực kỳ vô lễ, hách dịch. Không cần lễ nghi nữa, vương ngước nhìn lên, nhưng vì tỵ hiềm nam nữ, vương không dám nhìn vào mặt bà.

Vương lên tiếng thống trách:

- Thưa sư thái, cô gia là sứ giả của triều đình, tước đến đại vương. Dù sư thái có thành tiên, thành bồ tát cũng phải biết rằng, nhà có chủ, nước có vua. Sư thái không thể dẵm lên quốc pháp, mà bỏ lễ nghi.

- Hừ! Người còn con nít ta không chấp. Người nên biết, Trần Cảnh, Trần Thủ-Độ thấy ta cũng phải rập đầu binh binh. Được, người hãy đứng dậy, ngước nhìn xem ta là ai?

Chiêu-Minh vương giận quá, chân tay run bần bật. Vương đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt Vô-Huyền. Nhưng... Nhưng thoáng thấy bà, bất giác chân tay bủn rủn, vương quỳ gối trở lại, rồi rập đầu binh binh bốn lần, cất tiếng nói, run run:

- Hài nhi xin bái kiến...

- Ta nay đã vào chốn không môn! Ta là Vô-Huyền. Người hiểu không?

Chiêu-Minh vương vẫn chưa hết run:

- Dạ...Dạ... hài nhi hiểu. Người xưa nói: Không biết là không có tội, xin Bồ-tát dung tình.

Vô-Huyền đứng dậy nắm tay Quang-Khải, chỉ cái ghế cạnh bà:

- Hài nhi ngồi đó đi.

Qua cái súc động ban đầu, Chiêu-Minh vương bình tĩnh trở lại. Vương nhìn Vô-Huyền mà lòng ấm áp, sảng khoái không bút nào ta siết. Vương nói:

- Vạn vạn lần, hài nhi không ngờ hôm nay lại được bái kiến Bồ-tát ở đây. Dù hài nhi có chết ngay cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc cực kỳ. Hỡi ơi! Khi hài nhi trở về triều, tâu lên phụ hoàng, nhất định người sẽ hoan hỉ cực độ.

Vô-Huyền vuốt tóc Quang-Khải:

- Con có biết pháp danh của ta là gì không?

- Dạ... Thượng Vô hạ Huyền.

- Đúng thế! Vô là không! Huyền là cái dây. Không dây nào ràng buộc được ta nữa.

- Dạ... Dạ... Hài nhi hiểu.

- Dù Trần Cảnh có hoan hỉ hỷ hay tức giận thì cũng vậy thôi. Ta nay hạc nội mây ngàn, tứ đại giai không, đâu còn lý đến y nữa. À, tại sao khi ta rời Hoàng-thành ra đi, Trần Thủ-Độ lại bắt một cung nữ giả làm ta. Y định làm gì đây?

Chiêu Minh vương vẫn chưa hết cảm động:

- Quốc-thượng phụ sợ...sợ Bồ-tát ra các trấn, rồi hô hào trung hưng triều Lý, mang quân về.

- Thủ Độ ngu thực! Y không hiểu gì ta cả. Nếu như ta muốn trung hưng triều Lý thì với bản lĩnh của ta, ta nhập cung giết y, giết...cả phụ hoàng ngươi thì đâu có khó?

- Quốc thượng phụ nghĩ rằng, nếu Bồ-tát khởi binh, thì sẽ cho cung nữ giả Bồ-tát xuất hiện, để nói với mọi người rằng Bồ-tát không phải là...

- Hừ! Y đâu có ngờ ta đã xuất gia!

- Dạ, có lẽ Quốc-thượng phụ không biết Bồ-tát là...

Ghi chú của thuật giả:

Triều Trần có ba nghi vấn lớn, mà trải gần nghìn năm, quốc dân không giải nổi. Một là Chiêu-Hoàng bị Thủ-Độ giáng xuống làm công chúa. Đến năm 1258 gả cho Lê Phụ-Trần, sau sinh ra một thế tử và một công chúa. Nhưng trong Trần tộc biết rằng người đem gả cho Lê Phụ-Trần là một cung nữ, giả bà. Còn bà đi tu lấy pháp hiệu là Vô Huyền. Trong gia phả của con cháu Hoài-Văn vương Trần Quốc-Toản chép rất đầy đủ về việc này. Vì Vương là đệ tử của ngài Vô-Huyền. Xét y lý, khá hợp lý. Bởi năm Chiêu Hoàng được gả cho Lê Phụ-Trần, bà đã 42 tuổi. Với cái tuổi đó, ngày nay cũng khó mà sinh nở, chứ đừng nói thời xưa. Hai là không biết Tuệ-Trung thượng sĩ là Hưng-Ninh vương hay Hưng-Nhượng vương? Ba là Trần Quốc Toản tử trận khi chưa tới 20 tuổi, trong khi gia phả ghi ngài thọ tới 92 tuổi! Vô Huyền chỉ Ý Ninh:

- Người có biết y không?

- Hài như thực chưa biết.

- Y là con gái của Khê-khẩu công Trần Hiến và Lê Thị Đạt.

- Úi chà!

Nguyên khi Thái-sư Trần Thủ Độ ép đem vương phi của An-sinh vương Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên nhập cung làm hoàng hậu. Vương cùng gia thuộc khởi binh. Bấy giờ Khê-khẩu công Trần Hiến cùng phu nhân chỉ huy thân binh phủ An-sinh tấn công vào phủ của Thái-sư Trần Thủ Độ. Sau khi An-sinh vương Liễu đầu hàng, Trần Thủ Độ đem cả hai vợ chồng Khê-khẩu công ra chém đầu. An-sinh vương Liễu đem hai con của công là Trần Tử Đức và Trần Ý Ninh ra Ngũ-yên nuôi. Trần Tử Đức hiện được phong tước Phú-lương hầu, lĩnh chức Trung-nghĩa thượng tướng quân, tổng chỉ huy các đạo quân phòng thủ Bắc biên của Ngũ-yên.

Vô Huyền chỉ Thiệu Hoa:

- Còn đây là Bùi Thiệu Hoa, vợ của Trần Tử-Đức.

Chiêu Minh vương kinh hãi, vương tự nghĩ: Thì ra Vô Huyền cưu mang tất cả những kẻ thù của triều đình. Nguy thực.

Vô-Huyền hỏi:

- Ta nghe nói, quân Mông-cổ chiếm xong Đại-lý, chúng chuẩn bị vào đánh Đại-Việt. Nhưng Thủ-Độ không đủ đức hô hào võ lâm giúp triều đình, nên y sai hài nhi tới đây cầu cứu ta phải không?

- Dạ.

- Hài nhi về bảo Thủ-Độ rằng muốn chống giặc thì phải xử dụng hết sức mạnh của chủ đạo tộc Việt. Hãy dùng chủ đạo mà tập họp kẻ sĩ, võ lâm, binh tướng. Võ lâm thì ta có thể giúp được. Còn nhân sĩ, binh tướng thì phi Hưng-Đạo vương, không ai đủ đức làm cả.

- Dạ! Hưng-Ninh vương, Hưng-Đạo vương cùng Ngũ-yên đã kéo cao cờ nghĩa, hô hào bỏ tỵ hiềm cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, môn phái với môn phái, để cùng chống giặc.

- Đã có Hưng-Đạo vương cầm quân, thì ta yên tâm. Có một mối nguy vô tận, ta liệu Thủ-Độ chưa biết.

- Thưa là?!?!

- Kể từ khi Thành-cát Tư-hãn mang quân vào Trung-nguyên tới giờ, trải 46 năm. Trong 46 năm đó, Lôi-kỵ của Mông-cổ đánh đâu thắng đó. Thế nhưng có một điều làm cho binh tướng Mông-cổ kinh hồn vỡ mật là các tướng của họ cấp Thiên-phu trưởng, Vạn-phu trưởng chết nhiều quá. Đa số họ chết vì các võ lâm cao thủ. Khi đang xung trận họ bị trúng tên do các cao thủ Trung-quốc bắn, chứ không do binh tướng bình thường. Hoặc họ bị các cao thủ dùng võ công giết.

- Tâu...tướng quân Trần Tử-An cũng báo cho triều đình biết như vậy.

- Chính vì lẽ đó, bọn vua, quan Mông-cổ ra sức chiêu mộ, hậu đãi bọn võ lâm Trung-nguyên. Hồi đầu chỉ có các phái hắc đạo như Trường-bạch, Liêu-Đông vì chống Kim mà theo Mông-cổ. Tiếp theo các đại bang dần dần trở thành móng vuốt của họ. Còn 6 đại môn phái, thì phái Thiếu-lâm giữ thái độ trung dung không theo họ, cũng không chống họ. Phái Hoa-sơn phân làm hai, Bắc-phái theo họ từ lâu. Nam phái thì vẫn trung thành với Tống. Những phái Võ-đang, Nga-mi, Không-động, Côn-luân hoàn toàn bị mua chuộc. Khu-mật viện chắc đã biết biết rõ tình hình này rồi.

- Tâu chưa.

- Chết thực. Lại còn nguồn tin đáng sợ hơn nữa: Hốt Tất Liệt biết rằng kỳ này đánh Tống, đánh Đại-Việt sẽ phải đối trận với các tướng là những đại cao thủ. Nên y chiêu mộ những cao thủ bậc nhất, gửi theo quân để giết tướng địch. Ta nghe trong đạo quân của Ngột-lương Hợp-thai có rất nhiều cao thủ thuộc phái Không-động, Côn-luân, Võ-đang. Triều đình phải chuẩn bị mà đối phó.

Thế rồi Vô-Huyền với Chiêu-Minh vương luận bàn về tình thế Đại-Việt, Mông-cổ, Tống, Chiêm. Trời sáng lúc nào không hay.

Bè đã cập bến.

Chiêu-Minh vương rập đầu trước Vô-Huyền bốn lần, rồi lên bờ. Mười bồi sứ đang dàn hàng ra đón vương. Vương không nói, không rằng, cùng sứ đoàn lên đường về Thăng-long. Nhân viên sứ đoàn tuyệt không dám lên tiếng hỏi nửa câu.

Bí mật bao trùm.

Ghi chú của thuật giả:

Thần-quang tự, nơi diễn ra cuộc tiếp sứ của Vô-Huyền bồ tát, cho đến nay vẫn còn, tháng 4 năm 1962 chùa được xếp hạng DTLSVH. Chùa được bảo quản rất cẩn thận, và trở thành một thắng cảnh du lịch danh tiếng. Hằng năm số du khách vãng cảnh đông đúc vô cùng. Nếu họ là Phật-tử thì họ viếng thăm để được hành hương một đất linh. Du khách viếng thăm để được chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ nghìn năm, một kiến trúc xa xưa.

Thần-quang tự còn gọi là chùa Keo Giao-thủy hay chùa Keo dưới, để phân biệt với chùa Keo Hành-thiện hay chùa Keo trên. Chùa tọa lạc tại xã Vũ-nghĩa, huyện Vũ-thư tỉnh Thái-bình. Chùa do Minh-Không bồ tát xây dựng vào niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (DL.1061) đời vua Lý Thánh-tông. Lúc đầu, chùa mang tên là Nghiêm-quang. Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ năm (DL.1167), nhân dịp vua Lý Thánh-tông hành hương, ngài ban tiền đại trùng tu, rồi đổi tên là Thần-quang.

Độc giả muốn biết hành trạng của Minh-Không bồ tát, xin đọc Nam-quốc sơn hà, 5 quyển của Yên-tử cư-sĩ do Đại-Nam Hoa-kỳ xuất bản. Về Thần-quang tự, thuật kỹ từ trang 138, quyển 5.

Niên hiệu Nguyên-phong thứ 6 đời vua Thái-tông nhà Trần. (DL.1256, Bính Thìn).

Trước tết Nguyên-đán, Hưng-Đạo vương từ Ngũ-yên, cùng vương phi là công chúa Thiên-Thành về Thănh-long chúc tết hoàng đế. Không biết nhà vua với vương đã bàn những gì, mà kéo dài suốt từ giờ Mão tới hết giờ Ngọ mới xong (8 tiếng ngày nay). Sau đó, giữa ngày tết Nguyên-đán, khắp các phủ, các trấn, các xã, các thôn đều nhận được hịch của triều đình loan báo rằng quân Mông-cổ sắp vào Đại-Việt cướp phá. Triều đình kêu gọi toàn dân phải cùng đứng lên chống giặc. Trong hịch chỉ rõ cho các làng, xã phải khẩn cấp thi hành ba điều. Một là tổ chức hội họp, loan báo cho từng người dân biết sự tàn bạo của Mông-cổ, mưu đồ của Mông-cổ, dùng lãnh thổ Đại-Việt đánh vào sau lưng Tống. Bắt Đại-Việt cung cấp lương thảo, dùng quân sĩ Việt làm phu khuân vác, làm vật hứng cung tên đánh thành Tống. Hai là, triều đình sẽ cử thiên tử binh; các bang, các phái sẽ cử đệ tử về từng xã, huấn luyện võ thuật nam nữ tráng niên, cùng phương cách giữ làng, chống giặc. Ba là, phải tích trữ, dấu lương thảo, gia súc, không để cho giặc cướp đi.

Cả nước rung chuyển lên, vì mỗi buổi chiều, thay vì rong chơi không biết làm gì, thanh niên nam nữ tập trung lại luyện võ, bắn cung, xung phong, hãm trận. Trong những quán trà, trong những ngôi đình làng, các thầy đồ kể chuyện về sự tàn ác của Mông-cổ, về chiến thuật của họ, rồi giảng giải những gì người dân phải làm.

Thế nhưng về phía triều đình, việc chỉ huy vẫn chưa thống nhất. Trong các buổi thiết triều, trên cao nhất từ Nguyên-Phong hoàng đế, đến thái-tử, các thân vương, đại thần, đều công nhận rằng Hưng-Đạo vương là người có tài dùng binh nhất Đại-Việt, quân lực của Ngũ-yên hiện là tiềm năng chiến đấu hữu hiệu nhất. Thế nhưng triều đình vẫn không thể trao chức Phụ-quốc thái-úy cho vương. Vì chức này do em của nhà vua là Khâm-Thiên đại vương Nhật-Hiệu giữ từ ba năm nay. Chính Thái-sư Thủ-Độ đề nghị nhà vua phong cho Khâm-Thiên vương chức này. Lại một trở ngại nữa, kế hoạch trao cho các môn phái việc luyện võ toàn dân, việc sách động toàn dân luyện tập binh bị, tổ chức củng cố phòng thủ thôn xã, do Hưng-Đạo vương đưa ra, rồi Thái-sư Thủ-Độ điều động, chứ Khâm-Thiên vương gần như chỉ ngồi làm công việc thư lại ở điện Uy-viễn. Vì vậy binh lực Đại-Việt vẫn có hai chế độ, hai hệ thống chỉ huy khác nhau: Hệ thống triều đình, hệ thống Ngũ-yên. Tuy việc chỉ huy chưa thống nhất, nhưng việc huấn luyện binh tướng, một viêc khó khăn nhất thì các vương hầu đều bó tay. Hưng-Đạo vương cùng các tướng soái Ngũ-yên nhận lĩnh cái khó khăn này.

Suốt năm ấy, trong khi Đại-Việt rung chuyển lên vì cuộc chuẩn bị chống Mông-cổ, thì quân Mông-cổ vẫn chưa bình định xong các bộ tộc của Đại-lý.

Một thảm cảnh xẩy ra, bắt nguồn từ việc Thái-sư Thủ-Độ nghi ngờ Ngũ-yên: Mùa Thu tháng 7, Vũ-Thành vương bất mãn, đem tông tộc hơn nghìn người, bỏ Đại-Việt sang Tống. Nhưng khi vương chạy qua biên giới thì An-phủ sứ Tư-minh là Hoàng Bình bắt trao trả cho triều đình Đại-Việt. Bị giải về Thăng-long thẩm cung, nhà vua hỏi:

- Người là con của Hiển-Từ thái hậu sinh ra, tước phong tới vương, được trong đãi, thế sao lại bỏ nươc trốn đi?

Vương tâu:

- Bỏ nước, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ quê hương, bỏ người thân, lưu lạc xứ người, hỏi mấy ai muốn? Từ khi phụ vương hoăng, anh em thần gạt bỏ hết những thù hận từ tiên vương, để trung thành, bảo vệ vương triều. Nhưng anh em thần vẫn bị nghi ngờ. Từ xưa đến giờ, phàm vua nghi ngờ bầy tôi thì có hai việc xẩy ra. Một là bầy tôi sẽ bị giết, hoặc bầy tôi làm loạn để tự tồn. Thần không đủ can đảm phản bệ hạ, nên phải trốn đi.

- Ta nghi ngờ người? Người bịa đặt ra như vậy sao?

- Bệ hạ thử đặt mình vào hoàn cảnh anh em thần thì thấy ngay. Buổi thiết đại triều trước đây đã nghị trao cho Hưng-Đạo vương làm Tiết-chế quân mã. Thế nhưng từ hồi ấy đến giờ chiếu chỉ vẫn chưa ban ra. Bệ hạ phong cho Hưng-Đạo vương lĩnh Tiết-chế. Cái danh Tiết-chế chỉ để trang trí cho đẹp. Quyền của Tiết-chế ra sao? Bốn hạm đội, hiệu Kỵ-binh, hiệu Ngưu-binh, ba hiệu bộ binh của Ngũ-yên sẵn sàng cho triều đình xử dụng. Còn quân của triều đình thì vẫn có Phụ-quốc thái-úy chỉ huy. Trên Phụ-quốc thái úy còn Thái-sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sứ. Thì ra Hưng-Đạo vương lĩnh chức Tiết-chế để đem lực lượng Ngũ-yên trao cho triều đình.

Vương khẳng khái nói lớn:

- Triều Lý đã có Kiến-hải vương Lý Dương Côn chạy sang Cao-ly; Lạng-châu công Lý Long-Phi chạy sang Mông-cổ; Phò-mã Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi chạy sang Mông-cổ; gần đây Kiến-bình vương Lý Long-Tường cũng ra đi. Tất cả những vị đó đều bị oan khuất, các người không muốn chống lại triều đình, muốn ẩn thân cho toàn tính mạng, mà thấy không yên...Nên phải xuất ngoại. Nay thêm thần, thì cũng là sự thường.

Ghi chú của thuật giả:

Vũ-thành vương Doãn là con của An-sinh vương Trần Liễu với công chúa Thuận-Thiên. Sau khi công chúa Thuận-Thiên bị Trần Thủ-Độ cưỡng đem vào cung, lập làm Hoàng-hậu. Bấy giờ vương còn thơ, mẹ con phải xa cách nhau, gây cho vương niềm uất hận không nguôi. Khi bà băng, được phong là Hiển-từ hoàng hậu. Ý Thái-sư Thủ-Độ muốn đem toàn gia vương ra xử trảm, để làm gương, nhưng Nguyên-Phong hoàng đế ân xá, truyền vương trở lại Ngũ-yên, vẫn cho ăn lộc trang ấp, nhưng không trao cho quyền hành gì.

Niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7 đời vua Thái-tông nhà Trần.(DL.1257, Đinh Tỵ), mùa Xuân tháng giêng.

Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân chỉ huy hiệu Ngưu-binh trấn thủ biên giới, thuộc Ngũ-yên là Phạm Cụ-Chích sai ngựa lưu tinh báo về Yên-bang rằng: An-phủ sứ Tư-minh của Tống là Hoàng Bính, dẫn tông tộc hơn 3 nghìn người sang kiều ngụ.

Nhận được tin, Hưng-Đạo vương sai Phú-lương hầu Trần Tử-Đức cùng vợ là Bùi Thiệu Hoa, em gái là Trần Ý Ninh lên an ủi, chu cấp lương thảo cho gia thuộc, rồi đưa Hoàng Bính về Thăng-long để triều đình định liệu. Hoàng Bính dẫn người con gái tuổi 16, tên Hoàng Chu-Linh nhan sắc diễm lệ, lầu thông Thi, Thư. Các học thuật như Tử-vi, Độn-số, Dịch-lý, Địa-lý, không môn nào mà không thông. Đây là một sự cố cực kỳ quan trọng, nên Nguyên-Phong hoàng đế truyền thiết đại triều, để nghị về việc này. Các quan hiện diện đầy đủ, duy Thái-sư Thủ-Độ khó ở, nên vắng mặt.

Cha con Hoàng Bính hành đại lễ, tung hô vạn tuế. Lễ quan chỉ từng đại thần giới thiệu với Hoàng Bính. Triều đình Nguyên-Phong hầu hết đều là những người có tài kinh thiên động địa, chính khí dọc ngang trời đất, nếu không là những bậc chính nhân quân tử thì cũng là những người đạo cao đức trọng. Thế mà khi thấy Chu-Linh, tất cả đều nghĩ thầm: Sao lại có người đẹp đến như thế kia?

Nhà vua truyền lấy ghế cho cha con Hoàng Bính ngồi. Ngài phán:

- Trẫm nghe nói: Khanh từng đỗ đệ nhị giáp Tiến-sĩ, đã lĩnh chức Thị-độc học sĩ triều Tống. Gần đây được ưu ái ban cho lĩnh An-phủ sứ châu Tư-minh. Thực là hồng ân bao la. Thế sao khanh lại chạy sang xứ thấp nhiệt của quả nhân, xin kiều ngụ?

- Muôn tâu bệ hạ.

Hoàng Bính tâu: Khắp gầm trời này, đâu cũng là thiên hạ cả. Đức Khổng-tử không hề phân biệt cương giới. Thế thì kẻ vô tài, bất đức như hạ thần đâu dám nghĩ đến Đại-Việt, Đại-Tống khác nhau? Bảo-Hựu hoàng đế Đại-Tống trọng đãi thần, thần thực thâm cảm, nguyện kết cỏ ngậm vành. Nhưng, thiên mệnh đã an bài, toàn thể Trung-quốc phải chịu mấy trăm năm dưới ách ác quỷ; khí số nhà Đại-Tống đã hết rồi. Vì vậy, thần mới quan sát thiên văn, tìm nơi mà ác quỷ không thể tác họa, lại có thánh hiền giáng sinh mà ẩn thân.

Ông chỉ lên trời:

- Trời Nam là nơi con cháu Viêm-đế trị vì, linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long.

Lời nói của Hoàng Bính làm triều đình cảm thấy nhẹ nhõm, gạt hết mọi lo sợ cái ách Mông-cổ đang đè lên đầu.

Vũ-Uy vương hỏi:

- Thưa tiên sinh, xin tiên sinh giảng cho vãn bối điều mà tiên sinh nói rằng linh khí tụ tại Đại-Việt?

- Khải vương gia... Chuyện như thế này...

"... Niên hiệu Bảo-Hựu thứ năm nhà Tống, nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7 đời vua Thái-tông nhà Trần (DL. 1257, Đinh Tỵ). Nhân dịp tết Nguyên-đán, An-phủ sứ châu Tư-minh về triều cùng chư đại thần chúc tết Bảo-Hựu hoàng đế. Sau khi chúc tết xong, ông đến tòa Khâm-thiên giám thăm các bạn, rồi cùng nhau luận bàn về số Tử-vi của các thân vương, đại thần, hậu cung. Ông nghiệm thấy rằng những người chết trươc năm Kỷ Mão (DL.1279), thì không có gì đặc biệt. Còn những người sống tới năm ấy, thì hầu như đều chết cùng một ngày, chết rất thảm thiết. Ông đoán rằng: Có lẽ ngày ấy là ngày Tống bị diệt vong.

Đêm đó ông lên đài Thiên-văn quan sát Thiên-hà thì thấy sát khí bao trùm các vùng thuộc Tống. Trong khi đó quỷ tinh chiếu xuống các vùng Mông-cổ cai trị, mạnh bất khả đương.

Lo buồn, trở về Tư-minh, hằng đêm ông lên núi cao xem Thiên-văn, vô tình nhìn về phương Nam, thấy sao Tử-vi ứng vào vua thì sáng chói, còn quần tinh chiếu xuống rực rỡ, thịnh thời đến hơn trăm năm. Ông kết luận: Như vậy Mông-cổ sẽ diệt Tống, nhưng khi đánh xuống Đại-Việt thì bị thất bại. Ông bàn với phu nhân, rồi họp tông tộc giảng cho họ cùng hiểu. Tất cả đều tin tưởng vào ông, thu vén của cải, vượt biên sang Đại-Việt xin kiều ngụ.

Thế là ông dẫn tông tộc sang Đại-Việt".

Hầu hết các quan đều không muốn thu dụng Hoàng Bính, vì sợ mất lòng Tống. Chiêu-Minh vương Quang-Khải tâu:

- Tâu phụ hoàng. Hôm trước Vũ Thành vương cùng gia thuộc bỏ Đại-Việt sang Tống. Chính Hoàng tiên sinh bắt trả cho Đại-Việt. Bây giờ Hoàng tiên sinh bỏ chạy sang ta, mà ta cho lưu ngụ, thì Tống sẽ coi ta ra gì nữa?

Chu-Linh thấy Chiêu-Minh vương, bất giác nàng bật lên một tiếng suýt dài. Thái-tử Hoảng tinh ý, hỏi bằng tiếng Hoa:

- Hoàng cô nương! Không biết xá đệ có lời gì không vừa ý cô nương chăng, mà cô nương suýt?

Chu-Linh cung tay đáp bằng tiếng Việt:

- Khải Thái-tử! Tiểu nữ vừa từ Trung-nguyên sang Đại-Việt, đã được diện kiến long nhan, cùng chư vị anh hùng, e rằng cung kính còn sợ chưa đủ lễ, có đâu dám vô phép? Có điều tiểu nữ thấy tướng của Chiêu-Minh vương tốt quá, nhịn không được, mà thốt ra tiếng suýt. Rất mong lượng cả bao dung.

Chiêu-Minh vương hỏi:

- À thì ra thế! Cô nương thấy tướng của cô gia tốt. Vậy chẳng hay sự nghiệp sau này sẽ ra sao?

- Thưa vương gia. Nếu như vương gia cho tiểu nữ biết giờ, ngày, tháng, năm sinh, tiểu nữ hợp Tử-vi với tướng mệnh thì có thể trả lời hết các câu hỏi của vương gia.

Thái-tử Hoảng đáp thay Chiêu-Minh vương:

- Chú em cô gia sinh ngày 9 tháng 11 năm Tân Sửu, giờ Dậu.

Chu-Linh bấm tay rồi nói:

- Ái chà! Không ngờ hôm nay tiểu nữ lại được xem số cho một đấng anh hùng Nam-phương. Đa số anh hùng sinh ra không gặp thời. Còn vương gia sinh ra đúng thời.

- Xin cô nương nói rõ hơn.

- Trước hết mệnh của vương gia đóng tại Mão, Cự, Cơ thủ mệnh, có Hóa-lộc phù trì đó là cái cách của bậc tể thần, cách của một văn thần. Thế nhưng cung quan tại Mùi, ngộ Hình. Hình là thanh kiếm, trong khi mệnh ngộ Tang-môn. Thế thì vương gia còn có tài đại tướng bách chiến, bách thắng. Thêm Lộc-tồn cư thiên di, là cái cách song lộc, văn chương quán thế.

Thái-tử Hoảng hỏi:

- Liệu sự nghiêp chú em của tôi có bằng Khai-Quốc vương triều Lý không?

- Khải Thái-tử, sự nghiệp Chiêu-Minh vương với Khai-Quốc vương khác nhau xa lắm! Xa lắm lắm.

- Nghĩa là không bằng???

- Tiểu nữ không nói thế. Tiểu nữ xin so sánh. Hai vị đều là con một minh quân sáng nghiệp. Hai vị cùng có tài nghiêng trời lệch đất, muốn đem tài đó ra phù tá anh mình, hầu làm cho dân giầu nước mạnh. Khai-Quốc vương thâm nhiễm Phật-pháp. Còn Chiêu-Minh vương lại uyên thâm đạo Thánh. Khai-Quốc vương bị anh là vua Lý Thái-tông ghen tài, nghi ngờ, chèn ép. Ngược lại Chiêu-Minh vương với Thái-tử thì anh em thân với nhau như cá với nước, mỗi lời, mỗi ý vương bàn với Thái-tử, đều đươc Thái-tử nghe theo. Khai-Quốc vương có tài đại tướng, nhưng không có văn tài, lại không thi thố được cái tài đại tướng. Ngược lại, Chiêu-Minh vương khi ngồi tại triều, phò tá thiên tử, lúc nhàn rỗi, lại bầu rượu túi thơ, ngao du sơn thủy; cũng có lúc ngồi trên mình ngựa, xông pha ngoài trận, thỏa chí nam nhi. Hỡi ơi! Cuộc đời vương gia thực là cuộc đời xẻ núi, lấp sông. Sau này, vạn vạn năm, danh của vương gia ghi trong thanh sử. Nam nhi đại trượng phu được như vương gia, trong thế gian có mấy người.

Thái-tử chỉ Vũ-Uy vương:

- Chú em của cô gia đây sinh năm Nhâm Dần, tháng 9, ngày 28, giờ Thân. Xin cô nương tính xem, sự nghiệp của chú sẽ ra sao?

Chu-Linh bấm tay, tính toán một lúc rồi nhìn Vũ-Uy vương, nở một nụ cười:

- Mừng cho Thái-tử. Xưa Hậu-chúa Lưu Bị có người em kết nghĩa là Trương Phi phò tá mà thành đại nghiệp. Ngày nay Thái-tử có em ruột nhất tâm, nhất trí khuông phò. Thực là trời đem vương ban cho Thái-tử!

- Nghĩa là?

- Số của vương gia hơi giống số của Trương Phi thời Tam-quốc. Vương gia tuổi Nhâm Dần. Mệnh của vương lập tại Dần. Thất-sát thủ mệnh. Cái cách Thất-sát tại Dần, Tử-vi kinh gọi là Thất-sát triều đẩu. Nhất sinh tước lộc vinh xương. Đúng ra Thất-sát thủ mệnh thì da vương gia đen như nhọ chảo. Nhưng vì vương gia sinh giờ Thân, có Văn-xương thủ mệnh, thành ra da trắng trẻo. Thất-sát là thượng tướng tinh đẩu, nên dù Văn-xương thủ mệnh, vương gia vẫn thích luyện võ hơn là học văn, cho nên võ công vương gia cao thâm không biết đâu mà lường. Cung Thiên-di có Tử, Phủ trấn ngự, mà tuổi Nhâm, nên được cả Hóa-lộc, Hóa-quyền phù trợ...Thì hỡi ơi! Số vương gia là số anh hùng, cả đời ngồi trên mình ngựa, ba thước gươm xông pha ngoài chiến trường, mà lưu danh muôn thủa.

Chu-Linh tiếp tục xem số cho gần hết triều thần. Phú-lương hầu Trần Tử-Đức nhìn Chu-Linh mỉm cười:

- Tiểu cô nương! Hôm trước tôi được lệnh Hưng-Đạo vương cùng vợ đưa Hoàng tiên sinh với cô nương về Thăng-long. Trải bốn ngày đường gió bụi, mà chúng tôi nào có biết tiểu cô nương lại thông thiên mệnh như vậy. Bây giờ tôi xin cô nương xem dùm số Tử-vi của chúng tôi ra sao?

- Xin quân hầu cho biết rõ...

- Tôi tuổi Mậu Tý, sinh tháng 7, giờ Ngọ, ngày 24. Vợ tôi thì không biết ngày giờ sinh.

Chu-Linh bấm ngón tay, tính toán một lúc, liếc nhìn Tử-Đức, rồi lại trầm ngâm tính toán. Nhà vua sốt ruột hỏi:

- Hầu hiện thống lĩnh ba hiệu bộ binh của Ngũ-yên, trấn ngự biên cương. Vận số của hầu có quan hệ tới Xã-tắc. Nếu như số của hầu có gì bất tường, xin cô nương chẳng nên dấu diếm.

Chu-Linh ngồi nay ngắn lại:

- Thiên-cơ bất khả lậu. Khả lậu tổn âm đức. Tuy nhiên đấng chí tôn đã ban chỉ, thần đành viết ra. Xin bệ hạ ban cho thần bút mực.

Quan Lễ-nghi điện tiền sai thái giam đưa văn phòng tứ bửu ra. Chu-Linh cầm bút viết rồi cung cung kính kính dâng lên nhà vua. Nhà vua cầm lấy đọc:

« Ô hô!

Trung khả hữu nhị, Nghĩa bất quá tam.

Anh hùng vi đệ nhất.

Sinh vi tướng, tử vi thần.

Vạn thế danh lưu thanh sử, Nam-thiên đại đại tồn chính khí ».

(Than ôi! Trung như người này có thể kiếm được hai, nghĩa khí như người này không tìm được quá ba. Người này sinh làm tướng, chết làm thần. Tên ghi lại thanh sử, chính khí thời thời lưu lại ở trời Nam).

Nhà vua gấp tờ giấy bỏ vào túi, rồi than:

- Hỡi ơi! Điều mà tiểu cô nương nói về hầu...Có lẽ toàn thể những người hiện diện đều mong ước.

Không ai hiểu Chu-Linh viết những gì. Qua lời phán của nhà vua, họ biết rằng số hầu cực tốt. Họ đâu biết rằng năm nay, đại hạn của hầu ngộ Liêm, Tham, Kiếp, Không tại Tỵ, vốn rất độc. Tiểu hạn ngộ Phủ, Hình tại Mùi, là hạn chết. Chu-Linh đoán trước hầu sẽ tuẫn quốc, rồi được phong thần, danh lưu thiên cổ.

Chu Linh liếc nhìn Bùi Thiệu Hoa:

- Ái chà! Kể ra trong giới nữ lưu, mấy người được như phu nhân. Này nhé, nhan sắc nghiêng thành, đổ núi, võ công cao tuyệt đỉnh, văn học uyên bác. Hiện nay phu nhân cùng quân hầu, ngồi trên mình nựa, trấn ngự biên cương. Hào hùng thay. Sự nghiệp của phu nhân sau này đâu có thua gì công chúa nữ tướng Lê Chân thời Lĩnh-nam.

Ý Chu Linh muốn nói Thiệu Hoa sẽ tuẫn quốc cùng chồng, nên ví với Lê Chân. Nhưng hiện diện không hai hiểu ý của nàng. Nàng lại nhìn Trần Ý Ninh:

- Còn quận chúa! Sự nghiệp quận chúa không thua công chúa Thiên-ninh đâu.

Công chúa Thiên-ninh là con vua Lê Thánh-tông, nức danh trong lịch sử vì đánh trận rừng tre, đẩy lui Quách Quỳ, Triệu Tiết về sông Như-nguyệt, cuối cùng công chúa tuẫn quốc. (Xin đọc Nam-quốc sơn hà, quyển 5).

Thị-vệ dẫn vào một lão già, y phục nông dân. Cả triều đình cùng kinh ngạc, vì nông dân chính là Thái-sư Trần Thủ-Độ. Nhà vua chỉ vào Thủ-Độ hỏi Chu-Linh:

- Hoàng cô nương! Đây là lão Vũ Thủy. Lão vốn cùng quê với quả nhân. Vì lão có tài trồng hoa, nên quả nhân trao cho lão coi vườn Thượng-uyển. Xin cô nương coi dùm xem lão còn sống được mấy năm nữa!

Chu-Linh nhìn Thủ-Độ, miệng tủm tỉm cười, ánh mắt chiếu ra tia sáng long lanh, khiến những người trẻ hiện diện xao xuyến tâm hồn:

- Xin tiên sinh cho biết ngày, giờ, tháng, năm sinh.

- Tôi sinh giờ Tỵ, ngày 6 tháng 6, tuổi Giáp Dần.

Chu-Linh bấm tay, rồi lắc đầu cười:

- À! Lão tiên sinh đùa tiểu nữ đây! Đến đấng chí tôn cũng thử tiểu nữ nữa.

Nàng nói bằng giọng nũng nịu, khiến cử tọa đều rung động.

Thủ-Độ xua tay:

- Tôi đâu dám đùa cô nương.

- Cứ như tướng tiên sinh: Dáng đi như con diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn...Thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người, mà trên vạn vạn người. Còn số Tử-vi, để tiểu nữ tính xem.

Chu-Linh bấm tay một lúc, rồi mỉm cười:

- Số vơi tướng đều giống nhau. Nếu đúng tiên sinh là người làm vườn thì tài tiểu nữ không tới. Tiểu nữ chẳng dám đem ra bàn, e mất thời giờ vàng ngọc của đấng chí tôn, của chư vị anh hùng.

Nhà vua thấy chuyện vui vui, ngài tiếp:

- Giả như số đó là đúng của lão Vũ Thủy. Vậy cô nương thử đoán cho lão ít câu.

Từ đầu đến cuối Hoàng Bính để cho con gái mình đối đáp. Bây giờ ông mới xen vào:

- Thưa tiên sinh, giả như Linh nhi đoán đúng hết thân thế, sự nghiệp của tiên sinh, thì tiên sinh tính sao?

- Thì tôi phải chiều cô ấy ba việc.

- Còn như Linh nhi đoán sai, thì toàn gia chúng tôi xin trở về Tống.

Triều đình giật mình, vì không ngờ Hoàng Bính dám đánh cuộc lớn quá như vậy. Nhà vua định bảo Thủ-Độ bỏ cuộc. Nhưng lão đã nói:

- Được! Tôi xin đánh cuộc.

Chu-Linh bấm tay tính nhẩm một lúc rồi nói:

- Mệnh của tiên sinh lập tại Dần, Tử, Phủ thủ mệnh. Tử-vi, Thiên-phủ đều là đế tinh. Vì vậy tiên sinh thuộc loại mệnh cực lớn. Tiên sinh sinh ra đúng thời, là người tạo ra thời thế. Tất cả thăng trầm của Đại-Việt trong vòng 50 năm qua, đều do một tay tiên sinh nắn bóp thành voi, thành hổ, tùy ý.

Chu-Linh ngừng lại, nhìn cử tọa, nàng thấy người người đều im lặng tỏ vẻ khâm phục. Mỉm cười thực tươi, nàng tiếp:

- Tiên sinh tuổi Dần, mệnh lập tại Dần, thì trong người có đến hai ông kễnh thủ mệnh, lại thêm sao Thiên-hình phù trì. Tử-vi kinh nói: Hình hổ cư Dần, hổ đới kiếm hùng, tương phùng đế cách, ư Giáp Kỷ nhân, uy vũ trấn động. Nghĩa là: Người có Thiên-hình, với Bạch-hổ, hay tuổi Dần, là cách hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi Giáp, tuổi Kỷ, uy vũ trấn động. Có điều tiên sinh được Lộc-tồn thủ mệnh, Hóa-lộc cư quan, là cách song lộc, thì là người chuyên quyền.

- Lão phu là người làm vườn thì chuyên quyền với ai?

- Tiên sinh khỏi chối. Này tiên sinh ơi! Ví như tiên sinh làm người chèo đò, thì tiên sinh cũng chỉ huy ngược lại người chủ. Tiên sinh làm phó lý thì cũng áp chế lý trưởng. Có điều Thiên-hình miếu địa ở mệnh, thì dù tiên sinh chịu ơn ai một bát cơm, sau sẽ trả bằng một kho thóc. Bị ai mắng một câu, sau này tiên sinh sẽ tru di tam tộc nhà người ta.

Chu-Linh liếc mắt thấy Khâm-Thiên đại vương, Vũ-Uy vương, Nhân-Huệ vương, cả ba cùng gật đầu tỏ ý công nhận lời mình đoán là đúng. Nàng tiếp:

- Cung thê của tiên sinh có Phá-quân, ngộ Hóa-quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.

Nghe Chu-Linh nói cả triều đình đều bật cười. Linh-Từ quốc mẫu hỏi:

- Tiểu cô nương! Xin tiểu cô nương nói rõ hơn về duyên tình của lão Thủy.

- Tuân chỉ quốc mẫu.

Chu-Linh tiếp: Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!

Nhiều người bật cười, chứng tỏ lời Chu-Linh đúng. Nàng tiếp:

- Thế rồi không hiểu vì lý do gì, hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ.Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bẩy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!

Linh-Từ quốc mẫu mỉm cười gật đầu.

- Kể về uy quyền thì tiên sinh nhất Đại-Việt, kể về phòng the, tiên sinh sợ vợ cũng nhất Đại-Việt.

Cả triều đình cùng bật cười.

- Cung quan của tiên sinh có Liêm-trinh, Thiên-tướng, thì tiên sinh là người võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên-không, nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng... dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được.

Hoàng Bính hỏi Thủ-Độ:

- Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái-sư Trần Thủ-Độ.

Nhà vua tuyên chỉ:

- Thái-sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy Thái-sư phải làm cho cô nương ba điều đi thôi.

Thủ-Độ hỏi Chu-Linh:

- Ba điều ước của cô nương là gì?

- Thưa Thái-sư, điều ước thứ nhất của tiểu nữ là xin cho toàn gia được ở lại Đại-Việt.

- Được. Tôi sẽ gửi Hoàng tiên sinh cùng gia quyến lên Yên-bang ở với Hưng-Ninh vương, và Hưng-Đạo vương.

Hoàng Bính cùng Chu-Linh thụp lạy tạ ơn nhà vua.

- Thế còn điều ước thứ nhì, thứ ba?

- Thưa Thái-sư, sau này tiểu nữ sẽ trình Thái-sư sau.

Linh-Từ quốc mẫu chỉ Chu-Linh:

- Trong nội cung ta mà có một thiếu nữ thông kim, bác cổ như Hoàng cô nương, kể cũng là điều tốt.

Hoàng Bính quỳ gối tâu lên nhà vua: Chuyến về Thăng-long này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu-Linh làm Huệ-Túc phu nhân.

Bãi triều.

Đêm đó trong Hoàng-cung, Nguyên-Phong hoàng đế vơí Huệ-Túc phu nhân chan chứa duyên tình. Đúng là: Cái đêm hôm ấy đêm gì? Bóng dương lồng lộng trà mi chập trùng.(Cung oán).

Ghi chú của thuật giả:

Biến cố này, ĐVSKTT chép rất giản dị:

Niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7 (DL.1257, Đinh Tỵ Tống Bảo Hựu năm thứ 5) Mùa Xuân tháng 2, Hoàng Bính đem cả nhà đến cửa khuyết, dâng con gái vào cung. Vua nhận, sách phong làm Huệ-Túc phu nhân.

Chỉ độc giả AHĐA mới biết chi tiết việc này mà thôi. Niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7 đời vua Trần Thái-tông (DL.1257, Đinh Tỵ), mùa Thu tháng 8, Thủ lĩnh đạo dân binh, trấn thủ biên giới là Hà Khuất, sai ngựa Lưu-tinh phi khẩn cấp về triều báo tin: Tướng Mông-cổ là Ngột-lương Hợp-thai dàn đại quân tại biên giới, ngụ ý uy hiếp, đe dọa, rồi sai sứ sang Đại-Việt mục đích chiêu hàng.

Triều đình Đại-Việt khẩn cấp thiết đại triều tại điện Uy-viễn, để nghị sự về việc này.

Lễ nghi tất.

Thái-sư Trần Thủ-Độ lên tiếng:

- Việc mà chúng ta chờ đợi từ ba năm nay, bây giờ đã tới. Hôm qua, sứ giả của Tổng-trấn Tây-Bắc là Hà Khuất về triều cáo khẩn cấp việc Mông-cổ sai sứ chiêu hàng. Nên mới có cuộc thiết đại triều bất thường này.

Hưng-Ninh vương nghị:

- Trước hết, xin Khu-mật viện trình bầy tin tức liên quan đến Mông-cổ, Đại-Tống, để triều đình thấu hiểu tình hình tổng quát giữa địch và bạn đã.

Một lão tướng mình hạc xương mai, bước ra tâu:

- Thần Thái-tử thiếu bảo Chu Mạnh Nhu, lĩnh ấn Trấn-viễn thượng tướng quân, tước Khai-sơn hầu, quản Khu-mật viện xin kính tâu.

Nhà vua ban chỉ:

- Xin Thiếu-bảo an tọa.

- Đầu năm nay, vua Mông-cổ là Mông-Kha đại hội các vương hầu bên bờ sông Tây-bình, làm lễ tế cờ, rồi xuất quân đánh phương Nam. Mục tiêu chính là Đại-Tống, Đại-Việt. Mông- Kha tiến quân làm ba mũi.

...Mũi thứ nhất đánh Đại-Việt. Mông-cổ coi mũi này là chủ lực chính, nên Mông-Kha thân chinh. Nhà vua tiến quân vào Tứ-xuyên, rồi vượt Kim-sa giang, qua Đại-lý (Vân-Nam). Đích thân ông ta bình định Tư-xuyên, Đại-lý. Cũng chính ông đốc thúc Ngột-lương Hợp-thai đánh Đại-Việt.

...Mũi thứ nhì, do Hốt Tất Liệt chỉ huy. Cánh này vượt sông Trường-giang, đánh Ngạc-châu (Nay là Vũ-xương, Hà-Bắc).

... Mũi thứ ba do Tháp Sát Nhi (Tô Ga Tra=Togartra) chỉ huy, tấn công vào hạ lưu sông Trường-giang, và vùng Kinh-sơn.

Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Dư hỏi:

- Lý lịch Tháp Sát Nhi ra sao?

Phiêu-kỵ đại tướng quân Trần Tử-An tâu:

- Y là con của thân vương Tê Mô Gu, em ruột Thành-cát Tư-hãn. Võ công của y bình thường, nhưng là một tướng văn võ kiêm toàn. Y lấy vợ người Hán, con của chưởng môn phái Côn-luân, nên dưới trướng của y có rất nhiều cao thủ phái này.

Chu Mạnh-Nhu trình bầy tiếp:

- Cánh quân của Ngột-lương Hợp-thai có nhiệm vụ đánh chiếm Đại-Việt. Chiếm Đại-Việt rồi, mới quay lên phía Bắc đánh Tống qua ngả Ung-châu, Quế-châu, vượt Ngũ-lĩnh bắt tay với cánh quân đánh Ngạc-châu. Biết Đại-Việt là nơi rồng nằm, hổ phục, nên Mông Kha hết sức chú trọng đến mũi này. Vì vậy y thân chinh. Tuy y trao cho Ngột-lương Hợp-thai, nhưng chính y ban lệnh, định kế, đốc thúc. Ý đồ của Mông Kha là sau khi chiếm Đại-Việt, y sẽ dùng tù hàng binh đi tiên phong, luyện hoàng nam làm lao binh, dùng lương thực của vùng đất giầu có nuôi quân. Cẩn thận hơn, y đem theo rất nhiều cao thủ võ lâm, cả hắc lẫn bạch đạo.

Vũ-Uy vương là người có võ công cao nhất trong các thân vương. Vương hỏi:

- Không biết trong đạo quân của Ngột-lương Hợp-thai có bao nhiêu võ sĩ. Có bao nhiêu cao thủ?

- Khá nhiều.

Trần Tử-An trả lời: Khi nghị kế đánh Đại-Việt, Mông-Kha đã nghiên cứu rất kỹ. Y biết Đại-Việt ta là nơi rồng nằm, hổ phục. Suốt mấy nghìn năm, mỗi lần Trung-quốc đánh ta, đều bị bại vì võ lâm tham chiến giết hại các tướng bậc trung. Vì vậy trận thế bị loạn. Cho nên để đề phòng, mỗi Thiên-phu trưởng đều có một đội võ sĩ 18 người hộ vệ. Đội võ sĩ này được chỉ huy bởi một cao thủ. Mỗi Vạn-phu trưởng có một đội võ sĩ 36 người, do một đại cao thủ chỉ huy. Khi tôi rời Mông-cổ về đây, thì biết rằng bên cạnh Ngột-lương Hợp-thai có 5 đại cao thủ đáng ngại.

...Thứ nhất, Trấn-thiên kiếm Phùng Tập thuộc phái Côn-luân. Y là một kiếm thuật danh gia đệ nhất Trung-nguyên.

...Thứ nhì Càn-nguyên trấn thiên chưởng Tiêu-Hư tử phái Võ-đang. Hiện y được coi là chưởng lực đệ nhất Trung-nguyên.

...Thứ ba là Triệt Triệt Đô. Y là một Vạn-phu trưởng. Võ công của y là võ công Liêu-Đông. Độc chưởng của y làm các tướng Tống kinh hồn vỡ mật.

...Thứ tư là A Truật. Y là con trai của Ngột-lương Hợp-thai. Võ công của y là võ công Hoa-sơn. Y được bọn Hán-gian trong phái Hoa-sơn dốc túi truyền thụ. Dù chưởng, dù kiếm, y cũng thuộc loại đệ nhất dũng sĩ Mông-cổ.

...Thứ năm là A Tan, y là Vạn-phu trưởng. Võ công của y là võ công Đông-a nhà ta.

...Còn một tên nữa, y là phò mã Hoài-Đô, chỉ thấy trong quân Mông-cổ truyền tụng rằng võ công y cực cao, nhưng cao đến đâu, thuộc môn phái nào thì không ai biết. Y được Mông-Kha gả con gái cho.

Cả triều đình đều trấn động.

Thái-sư Thủ-Độ giảng giải:

- Triệt Triệt Đô là phát âm theo Hán. Phát âm theo Mông-cổ là Trê Trếch Đu (Cãcãkdu). Còn A Truật phát âm theo Mông-cổ là A Du (Aju). A Tan phát âm theo Mông-cổ là A Tắc (Atãck). A Tan học võ công Đông-a với Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt là đệ tử của phụ thân tôi. Còn Hoài-Đô phát âm theo Mông-cổ là Khai-Đu (Qaidu).

Không khí trở lên căng thẳng.

Mạnh-Nhu tiếp:

- Quân Mông-cổ là quân kỵ. Họ không có Thủy-quân. Tướng của họ chưa từng học thủy chiến. Sau khi đánh Kim, họ thu dụng hàng binh, lập được vài hạm đội, nhưng mỗi khi giao chiến với Tống, đều bị đánh bại. Hiện lãnh thổ Tống nằm ở Hoa-Nam, trên lục địa rất nhiều sông rộng, phía Đông toàn biển. Khu-mật viện Mông-cổ biết rằng muốn thắng Tống, thì Kỵ-binh không đủ, cần phải có một đạo Thủy-quân thực hùng hậu. Đạo Thủy-quân sẽ đánh chiếm các châu dọc bờ biển phía Đông, rồi theo các sông tiến lên đánh các vùng ven sông. Họ lại cũng biết rằng, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, mỗi lần Trung-quốc dùng Thủy-quân giao chiến với ta, đều bị đánh bại. Vì vậy Mông-Kha muốn thắng ta, rồi dùng Thủy-quân của ta đánh Tống.

Triều đình cùng im lặng, không khí thêm căng thẳng.

Phú-lương hầu Trần Tử-Đức lĩnh Trung-vũ thượng tướng quân hỏi Thái-sư Trần Thủ-Độ:

- Tôi nghe nói Ngột-lương Hợp-thai cùng nổi danh một thời với Thái-sư. Không biết lý lịch y ra sao?

- Tôi biết rất rõ về y.

Thủ-Độ trả lời: Y là con trai của thân vương Tốc Bất Đài. Tốc Bất Đài là một trong chín đại tướng nức danh của Mông-cổ. Tên của y phát âm theo Mông-cổ là U-ry-ang-kha-đai (Uriyangqadai), phát âm theo Hán-Việt là Ngột-lương Hợp-thai. Thủa nhỏ, y cùng với Hốt Tất Liệt, tôi, Bạt Đô, A-lý Hải-nha chơi với nhau rất thân. Thành-cát Tư-hãn ban cho mỹ danh là Thảo-nguyên ngũ thiết điêu. Bản lĩnh võ công, cũng như tài dùng binh của y đều do phụ thân tôi truyền thụ. Hồi đánh Kim, tôi được chỉ huy binh đoàn Phương Đông, vượt Vạn-lý trường-thành tiến đánh Yên-kinh. Y dưới quyền chỉ huy của tôi. Y cùng Bạt Đô chỉ huy Vạn-phu Lôi-kỵ. A-lý Hải-nha, Ngột Lạt Su chỉ huy Vạn-phu Tế-tác. Cút Sa Đen chỉ huy Vạn-phu Lôi-tiễn. Tính tình của y trầm tĩnh, yêu thương người dưới như chân tay. Y biết nói tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Tây-vực. Thời Thành-cát Tư-hãn đánh Tây-liêu, y chỉ huy Vạn-phu Lôi-kỵ, dưới quyền của Triết Biệt tiến chiếm kinh đô nước này. Trong chiến dịch đánh Tây-vực, binh đoàn Phương Đông do Triết Biệt chỉ huy, vương tử Truật Xích làm giám quân. Y dẫn Vạn-phu Lôi-kỵ đi tiên phong, vượt qua ngọn núi cao đến 3500 trượng (7000 mét), tuyết phủ mây mù, lạnh cắt da, xé thịt. Sau ba tháng vượt núi, tới đồng bằng Đại-uyển, đánh vào ngang hông Tây-vực. Chính y tiến chiếm thành Bồ-hoa (Boukhane), rồi hạ thành Tầm-nhi (Samarkand). Khi Tốc Bất Đài cùng Triết Biệt được lệnh Thành-cát Tư-hãn đem 3 Vạn-phu Lôi-kỵ truy tầm đại đế Mộ Hợp Mễ (Mohamed) Tây-vực. Y dẫn Vạn-phu Lôi-kỵ trực thuộc đi tiên phong. Gót ngựa của y sải khắp đế quốc Tây-vực, rồi đánh phá các nước Hung-gia lợi, Ba-lan, Tiệp-khắc, Phổ, La-sát (Liên-sô). Hiện y được phong chức tước cực lớn: Kiểm-hiệu Thái-sư, thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên, tước đại vương.

Nhân-Huệ vương Trần Khánh-Giư, hiện lĩnh chức Phiêu-kỵ thượng tướng quân, Tổng-trấn Thăng-long hỏi:

- Thưa Thái-sư, liệu với tình nghĩa thầy trò giữa y với tiền nhân của ta. Với tình bạn với Thái-sư. Liệu Thái-sư có thể xin y đừng đánh Đại-Việt...có được không?

Cả triều đình cùng bật lên tiếng ồ, tỏ vẻ khó chịu.

- Không bao giờ.

Thái-sư Thủ-Độ nói lớn: Không bao giờ. Không bao giờ. Y là đệ tử của tiên phụ, lại chịu dưới trướng chỉ huy của tôi. Tài trí y thua tôi xa. Bây giờ tôi thân là Thái-sư quốc thượng phụ, mà phải lụy y ư? Còn lâu tôi mới chịu nhục như vậy. Tỷ như tôi viết thư cho y, thì y sẽ trả lời: Tôi từng là thần tử Mông-cổ, vậy hãy đem quân Đại-Việt cùng y đánh Tống. Bấy giờ tôi phải trả lời sao? Ấy là không kể y đáp: Tình bạn là tình bạn. Quốc sự là quốc sự. Y yêu cầu tôi cởi giáp quy hàng!

Ông nói với sứ giả của Hà Khuất là Hoàng Khánh-Vân:

- Người hãy trình bầy những tin tức mới nhất về Mông-cổ ở biên giới ra sao.

Hoàng Khánh-Vân hành đại lễ, rồi tâu:

- Ba năm trước, sau khi chiếm Tứ-xuyên, thân vương Mông-cổ là Hốt Tất Liệt trở về Bắc, trao 5 vạn Lôi-kỵ cho tướng Ngột-lương Hợp-thai vượt Kim-sa giang xuống đánh Đại-lý. Vua nước Đại-lý đem quân nghênh chiến. Chỉ một trận, toàn quân Đại-lý bị đánh tan. Chúa Đại-lý là Đoàn Hưng-Trí, và cậu là Tín-thư Phúc đầu hàng. Mông-cổ thu được 5 vạn hàng binh nữa. Từ ngày ấy đến giờ, Ngột-lương Hợp-thai tổ chức huấn luyện quân Đại-lý về xung phong, hãm trận, công thành, kỵ mã, bắn cung. Hiện năm vạn hàng binh này có khả năng không thua gì quân Mông-cổ... Ấy là chưa kể đại quân của Mông Kha như hùm, như hổ đóng dài từ kinh đô xứ Thục xuống đến Đại-lý.

Vũ-kỵ thượng tướng quân Lê Tần hỏi:

- Thế bọn dân binh, lao binh ước độ bao nhiêu?

- Ngột-lương Hợp-thai khinh rẻ Đại-Việt, y cho rằng chỉ cần gửi sứ sang dọa nạt, là Đại-Việt đầu hàng ngay. Bấy giờ lấy hàng binh Đại-Việt thay dân binh, lao binh. Vì vậy, thay vì cấp cho mỗi tên quân 5 tên dân-lao binh, thì y cấp cho hai tên thôi. Tổng cộng có 20 vạn dân-lao binh. Tính chung, dưới trướng Ngột-lương Hợp-thai có 30 vạn người sẽ vào tàn phá nước ta.

Triều đình đều hướng về phía Hưng-Đạo vương, như ngụ ý trao tất cả mạng sống của Đại-Việt vào tay vương. Vương đưa mắt nhìn cử tọa một lượt, gần như muốn nói: Chúng ta cùng ra tài lương đống, bảo vệ đất tổ:

- Về việc nghênh chiến, ta còn thời giờ. Tuy chức của Ngột-lương Hợp-thai tới Thái-sư, trong tay có một đạo quân hùng mạnh, đông đảo. Phía sau còn có đại quân của chúa Mông Kha làm trừ bị. Thế nhưng Ngột-lương Hợp-thai không khinh thường ta như sứ Hoàng Khánh-Vân nhận xét. Trái lại y sợ ta là khác!

Cả triều đình đều ngạc nhiên về lời phán của Hưng-Đạo vương. Trong điện Uy-viễn có đến hơn hai trăm người, mà không một tiếng động.

Nhân-Huệ vương hỏi:

- Xin vương huynh giảng rõ hơn...

Hưng-Đạo vương giảng giải:

- Từ khi Mông-cổ lập quốc đến giờ, trước sau họ đã xâm lăng 65 nước. Mà chỉ có 9 nước lớn họ mới sai sứ đến chiêu dụ mà thôi. Gần đây, vì kiêu căng quá độ, ngay đối với cả Tống lẫn Đại-lý, họ cũng không gửi sứ đến. Bây giờ Ngột-lương Hợp-thai gờm ta, y sợ đánh ta chưa chắc đã thắng, nên y mới sai sứ chiêu dụ, với hy vọng ta đầu hàng chăng?

Vương xoa hai tay vào nhau:

- Cái thế của ta với Mông-cổ là: Mông-cổ không đánh ta không được, ngược lại ta không thể hàng Mông-cổ. Thế nhưng Mông-cổ đã chinh phục Kim, Liêu, Tống, Hạ, Cao-ly, Tây-vực. Binh của chúng không phải đông gấp mười, gấp trăm ta, mà gấp vạn, gấp triệu ta. Tục ngữ nói: Hai người đánh một, không chột cũng què, huống hồ vạn người, triệu người đánh một? Vì vậy ta cần đánh một trận, cho họ biết rằng, đánh ta hao binh, tổn tướng mà chẳng thu được lợi lộc gì. Bấy giờ ta sai sứ sang, hậu lễ, dùng lời nhún nhường, xin tiến cống, xưng thần, để được yên thân. Đó là cách bảo toàn đất nước, mà không bị mất thể diện.

Vũ-kỵ thượng tướng quân Lê Tần tâu:

- Trận chiến này là trận chiến mười phần nguy hiểm. Nếu ta thắng thì đất nước còn. Nếu ta bại, thì đất nước chỉ còn là cái bãi đất hoang. Muốn thắng giặc, điều cần nhất phải có một vị Tiết-chế toàn quyền, toàn tài. Vậy không biết bệ hạ định phong vị nào vào chức vu này?

Cử tọa đều đưa mắt nhìn Hưng-Đạo vương. Nhà vua đưa mắt hỏi ý kiến Thái-sư Trần Thủ-Độ. Thủ-Độ trả lời bằng cái lắc đầu.

Nhân-Huệ vương tâu:

- Từ khi bản triều thụ mệnh trời đến giờ, dù giặc trong, giặc ngoài, đều do Quốc-thượng phụ lĩnh chức Thống-quốc hành quân chinh thảo; thì bây giờ Thái-sư lĩnh ấn Tiết-chế chứ còn ai nữa? Vả Thái-sư từng là đại tướng chỉ huy binh đoàn Phương Đông của Mông-cổ. Từng là thống súy của Ngột-lương Hợp-thai, Bạt Đô, A-lý Hải-nha, Ngột Lạt Su ; Cút Sa Đen. Bây giờ Thái-sư cầm quân phá Ngột-lương Hợp-thai thì chắc chắn phải thắng y.

Ý Nguyên-Phong hoàng đế muốn cử Hưng-Đạo vương làm Tiết-chế, vi ngài biết rằng chỉ vương mới có đủ tài thắng giặc. Ngài nói lảng:

- Trẫm muốn chỉ định một người khác cầm quân. Còn Thái-sư thì người phải ở cạnh trẫm, để phù tá đại sự.

Nhà vua biết rõ: Bị ám ảnh bởi di chúc của Yên-sinh vương, cho nên Thái-sư Trần Thủ-Độ sợ rằng trao binh quyền toàn quốc cho Hưng-Đạo vương thì nguy hiểm vô cùng. Nhưng nhà vua lại nghĩ khác. Nếu như để Thái-sư Thủ-Độ hay bất cứ người nào lĩnh ấn Tiết-chế thì chỉ có thể sai phái được quân của triều đình. Còn lực lương mạnh nhất, hữu hiệu nhất của Ngũ-yên thì không điều động nổi.

Biết rõ tâm sự nhà vua, Thái-sư Thủ-Độ chỉ Khâm-Thiên đại vương Trần Nhật-Hiệu:

- Bệ hạ đã phong Khâm-Thiên đạị vương làm Phụ-quốc thái-úy thì xin cứ để vương lĩnh ấn Tiết-chế.

Thế là ấn Tiết-chế vẫn chưa định.

Để giải quyết bế tắc, nhà vua hỏi Hưng-Đạo vương:

- Bây giờ chúng ta phải tiếp rước sứ Mông-cổ như thế nào?

Vương tâu:

- Dù ý muốn của Mông-cổ ra sao chăng nữa, trước hết ta cứ ban lệnh báo động trên toàn quốc. Sức cho toàn dân cất dấu lương thực. Làng xã sẵn sàng chống giặc. Còn triều đình thì tùy theo thái độ của sứ, mà có phản ứng. Về cuộc tiếp sứ, niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ sáu, đời vua Lý Anh-tông (DL.1168. Mậu Tý) đã từng tiếp sứ Mông-cổ. Nay ta cũng theo lệ cũ. Nghĩa là tiếp sứ của một nước ngang hàng, không nhìn thấp như tiếp sứ Chiêm. Cũng không trọng thể như tiếp sứ Tống.

Hưng-Ninh vương tâu:

- Thời Lý, triều đình cử phò mã Trần Thủ-Huy ra Đồn-sơn tiếp Bác Nhĩ Truật. Vậy bây giờ bệ hạ định cử ai tiếp sứ?

Nhà vua chỉ Chiêu-Minh vương:

- Trong các con của trẫm, thì Khải nhi vừa có tài ứng biến, vừa có cái ôn nhu của văn nhân. Vậy Khải nhi hãy tuyển chọn mấy người tùy tùng lên biên giới tiếp sứ.

Bãi triều.

Ngay sáng hôm sau, Chiêu-Minh vương cùng Khai-sơn hầu Chu Mạnh-Nhu, Vũ-sơn hầu Tạ Quốc-Ninh, Tam-sơn hầu Vũ Khắc-Kim, Quân-sơn hầu Lê Trọng-Anh dẫn một đội võ sĩ lên đường ra biên giới đón sứ đoàn Mông-cổ. Vì sứ đoàn đi bằng chiến mã, đoàn nghênh tiếp cũng đi bằng ngựa, nên ngay triều hôm đó đã tới Thăng-long. Sứ đoàn gồm có 14 người, do một Thiên-phu trưởng tên Bật Triệt (Bourteck) làm chánh sứ. Có ba bồi sứ tên Trịnh Ngọc, Trịnh Đức, Trịnh Long. Trịnh Ngọc là anh của Trịnh Đức. Trịnh Long là con Trịnh Ngọc. Bồi sứ kiêm thông dịch. Còn lại là một Thập-phu kỵ mã hộ vệ. Sứ đoàn được đưa vào cung Triều-dương nghỉ ngơi. Chiêu-Minh vương sai người cung ứng lương thảo, tắm ngựa. Nguyên-Phong hoàng đế sai sứ tặng sứ đoàn bốn mâm cỗ. Mỗi mâm gồm 36 món thời trân của Đại-Việt. Hoàng đệ Hoài Đức vương thân tiếp chánh sứ. Tiệc tàn, vương ước hẹn, hôm sau sẽ thân tới đón sứ đoàn vào triều kiến Nguyên-Phong hoàng đế.

Đêm đó Thái-sư Trần Thủ-Độ nhập Hoàng-thành mật tấu với Nguyên-Phong hoàng đế:

- Khu-mật viện đã nhận diện đươc bọn thông dịch. Tên Trịnh Ngọc là một tên vô lại, nổi danh lừa đảo thiên hạ.

- Trẫm nghe nói nó là người Hồi-hột, sự thực ra sao?

- Trên luật lệ thì tên Trịnh Ngọc là con tên Trịnh Thư. Nhưng thực ra mẹ y thả nái với một tên Hồi-hột đẻ ra y. Nguyên Thánh-cát Tư-hãn khi chinh Tây được dân chúng theo đạo Hồi nổi lên theo. Ông ta chuyên dùng bọn này, giả làm thương nhân đi khắp nơi dò thám. Bọn Hồi đến nước ta đã nhiều lần. Vì sợ vào lầu xanh kiếm gái, bị bệnh, nên chúng tung tiền ra mua gái nhà lành để hành lạc. Vợ tên Trịnh Thư bán xác cho tên lái buôn Hồi, đẻ ra tên Trịnh Ngọc, Trịnh Đức. Hồi còn niên thiếu tên Trịnh Ngọc có theo học nghề thuốc, làm thầy lang. Sau vợ y tằng tịu với một thầy chùa, bỏ y. Y bất mãn, tụ tập bọn du thủ du thực lập đảng. Bị kết án tử hình, y trốn sang Trung-nguyên theo Mông-cổ. Y rất thông thạo tình hình Đại-Việt ta. Thần đã có cách trị y.

Nhà vua hỏi:

- Ta phải có thái độ nào với sứ Mông-cổ?

- Bọn Bật Triệt không phải là sứ Mông-cổ, mà chỉ là một tên đưa thư của Ngột-lương Hợp-thai. Ta không cần tiếp theo lễ nghi một nước với một nước, mà chỉ tiếp theo cung cách một võ tướng nhận thư của một tướng. Xin bệ hạ hãy làm như thế...như thế.

- Thái-sư trị tên Trịnh Ngọc bằng cách gì?

- Từ khi sang Trung-nguyên theo Mông-cổ. Mông-cổ bỏ tiền cho y, để y tiếp tục liên lạc với bọn vô lại trong nước dò la quân tình của ta. Thần đã có cách trị chúng: Giam lỏng chúng ở Thăng-long, như vậy ta sẽ biết hết chân tay chúng. Sau đó thả chúng về, trong khi đó ta cung cấp tin ma cho chân tay chúng. Chúng tưởng là thực, lại cấp tin ma cho Mông-cổ...

Thủ-Độ chau mày lại, tỏ vẻ đẳn đo một lúc, rồi tâu:

- Ngột-lương Hợp-thai từng ở dưới quyền thần. Y sợ thần như sợ cọp. Y biết thần hiện lĩnh chức Thái-sư. Cho nên y sai tên Trịnh Ngọc dò dẫm tình hình. Nếu như bây giờ thần giả chết. Tên Trịnh Ngọc báo về cho Ngột-lương Hợp-thai, thì y nhìn Đại-Việt dưới con mắt không người. Như thế, ta có thể thắng y dễ dàng.

- Thái-sư giả chết ra sao?

- Thần sẽ làm như vậy, như vậy...

- Kế ấy hay.

Hôm sau, Chiêu-Minh vương không đến cung Triều-dương đón Bật Triệt như ước định. Người đón là Vũ-Uy vương. Vương giả làm Đô-thống chỉ huy hiệu binh Tinh-cương, dẫn mười Thị-vệ tới gặp Bật Triệt. Sau khi vương xưng danh phận, bồi sứ Trịnh Ngọc tỏ vẻ không bằng lòng:

- Hôm qua, Chiêu-Minh vương, rồi Hoài-Đức vương thân đón tiếp chúng ta. Tại sao hôm lại là Đô-thống?

- Trịnh bồi sứ là người Việt, ắt hiểu rằng nước ta là nước văn hiến, thì cuộc tiếp sứ cũng phải có văn hiến chứ?

Trịnh Ngọc ngước con mắt lác ti hí, trong thân thể lùn tịt hỏi:

- Văn hiến? Văn hiến là hôm qua ước hẹn thế này, hôm nay thế khác ư?

- Hôm qua, triều đình Đại-Việt tưởng đâu sứ đoàn do vua Mông-cổ sai sang, thì tiếp đãi theo lễ nghi hai nước ngang hàng. Sau khi biết rằng Thiên-phu Bật Triệt chỉ là võ tướng bậc trung, mang thư của Thái-sư Ngột-lương Hợp-thai, thì triều đình cử một Đô-thống như tôi tiếp rước cũng là trọng thể lắm rồi.

Trịnh Ngọc dịch lại cho Bật Triệt nghe. Bật Triệt nổi cáu, nhưng y đành im lặng theo Vũ-Uy vương. Tới cổng điện Uy-viễn. Cổng chính đóng kín, chỉ có hai cổng phụ hai bên mở. Vũ-Uy vương xuống ngựa, chỉ tay vào cổng phụ:

- Chúng ta vào cổng này.

Bật Triệt không nín được nữa, y nói với Trịnh Ngọc. Ngọc dịch lại:

- Ta đường đường là sứ Thiên-triều mà phải xuống ngựa, đi cổng phụ sao?

Vũ-Uy vương cười:

- Tướng quân chỉ là một Thiên-phu trưởng, làm nhiệm vụ của người đưa thư, chứ không phải sứ.

Bật Triệt giận run người lên. Nhưng y vẫn phải xuống ngựa theo Vũ-Uy vương. Tới thềm điện Uy-viễn, bồi sứ Trịnh Ngọc hỏi:

- Trước đây, một người Việt tên Trần Thủ-Độ từng là đại tướng chỉ huy đạo binh Đông-phương của Mông-cổ. Sau đó người, đi sứ Đại-Việt, rồi bặt tin. Nghe đâu Thủ-Độ hiện là Thái-sư của Đại-Việt. Khi bản nhân lên đường, Đại hoàng đế Mông-cổ gửi một phong thư cho Trần Thủ-Độ. Vậy bây giờ Trần Thủ-Độ ở đâu?

- Chúng tôi sẽ đưa bồi sứ gặp Thái-sư sau.

Trịnh Ngọc thấy mình bị dẫn tới điện Uy-viễn, thì tỏ ý không vui lòng:

- Ta nghe, vua An-Nam thiết triều tại điện Càn-nguyên, hay Thiên-an. Còn điện Uy-viễn chỉ là nơi làm việc của Phụ-quốc thái-úy. Tại sao người đưa chúng ta đến đây?

Vũ-Uy vương vẫn cười rất tươi:

- Trịnh bồi sứ lại quên mất rằng, Thiên-phu Bật Triệt chỉ là người mang thư của Thái-sư Mông-cổ, thì người nhận thư của Đại-Việt phải là Thái-úy phụ quốc chứ?

Thị-vệ gác điện Uy-viễn hỏi:

- Các người là ai?

Vũ-Uy vương đáp:

- Đô-thống chỉ huy hiệu binh Tinh-cương, dẫn Thiên-phu Bật Triệt, mang thư của Kiểm-hiệu thái-sư thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên Ngột-lương Hợp-thai.

Thị-vệ hô:

- Chỉ mình Đô-thống với Thiên-phu trưởng được vào mà thôi.

Trịnh Ngọc quát:

- Ta là thông dịch, mà cũng không được vào ư?

- Đưa thư không cần nói. Không cần người dịch.

Bật Triệt nổi cáu:

- Như vậy ta không vào.

Thị-vệ cương quyết:

- Người không vào thì cứ đứng đó.

Bấy giờ là tháng tám, trời nắng chang chang. Vũ-Uy vương mặc cho bọn Mông-cổ đứng giữa trời. Bọn Bật Triệt sống ở vùng Thảo-nguyên quanh năm lạnh như cắt da, xé thịt đã quen. Bây giờ phải đứng phơi nắng, mồ hôi người, mồ hôi ngựa tuôn ra như mưa. Được khoảng hơn khắc (14 phút), mấy con ngựa đều há miệng ra thở phì phào. Bọn lính Mông-cổ khát nước, chúng đã dốc đến giọt cuối cùng của bầu nước vào miệng.

Lại một khắc nữa trôi qua. Đám chiến mã chịu không nổi cái nóng, chịu không nổi cái khát, chúng hý lên inh ỏi. Bọn lính Mông-cổ nhờ bọn Trịnh Ngọc hỏi đám Thị-vệ:

- Xin cho chúng tôi ít mấy chum nước, bằng không người ngựa sẽ chết khát mất.

Vũ-Uy vương lắc đầu:

- Chúng tôi được lệnh dẫn anh em tới đây, chứ không có nhiệm vụ bưng nước cho ngựa.

Lại một khắc nữa trôi qua.

Mấy con chiến mã Mông-cổ há miệng ra thở khò khè trông rất thảm thiết. Còn sứ đoàn thì bắt đầu run run muốn ngã. Bỗng có tiếng lóc cóc, rồi một chiếc xe do con lừa kéo đi qua. Trên xe có hàng chục cái bầu đựng nước. Đám Thị-vệ chạy lại, mỗi người lấy một cái bầu mở nắp dốc vào miệng mà uống. Người, ngựa Mông-cổ nhìn cảnh đó, chịu không nổi. Bật Triệt nói với Vũ-Uy vương:

- Tôi xin khuất phục. Xin cho chúng tôi uống nước. Tôi chịu vào yết kiến Thái-úy An-Nam.

Vũ-Uy vương hỏi:

- An-Nam hay Đại-Việt?

- Đại-Việt! Đại-Việt.

Vũ-Uy vương cầm tù và rúc lên một tiếng. Ba chiếc xe song mã chạy tới. Trên mỗi chiếc xe, chở hơn chục cái vại đựng đầy nước trong. Người, ngựa Mông-cổ tranh nhau uống ừng ực. Uống no rồi, Bật Triệt mới chịu theo Vũ-Uy vương vào trong điện Uy-viễn.

Trong điện, Thái-sư Trần Thủ-Độ ngồi trên ghế bọc da hổ. Hai bên có hai hàng võ sĩ cầm đủ thứ vũ khí đứng hầu. Tuy Thủ-Độ từng là một đại tướng Mông-cổ. Nhưng thời ấy, Bật Triệt chưa ra đời, nên y không biết mặt người. Có giọng nói trầm trầm bằng tiếng Mông-cổ:

- Thiên-phu trưởng Bật Triệt nghe đây. Người ngồi chính giữa là Quốc thượng phụ Thái-sư của Đại-Việt. Người ngồi bên trái là Khai-sơn hầu Chu Mạnh Nhu. Người ngồi bên phải là Vũ-sơn hầu Tạ Quốc-Ninh.

Bật Triệt quát lớn:

- Bọn Nam-man! Các người không cho thông dịch vào, thì ta nói, sao bọn mi hiểu được?

Khai-sơn hầu Chu Mạnh-Nhu nói bằng tiếng Mông-cổ:

- Trước hết người hãy báo danh đi.

Bật Triệt hơi kinh ngạc. Y hống hách:

- Ta là sứ giả của Kiểm-hiệu thái sư thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên.

- Người muốn nói gì thì nói đi.

Khai-sơn hầu trả lời: Ngột-lương Hợp-thai sai người sang đây có việc gì?

- Thái-sư sai ta truyền mệnh lệnh tới các người. Vậy các người hãy nghe cho kỹ.

Thái-sư Thủ-Độ cũng như Khai-sơn, Vũ-sơn hầu đều biết rằng Mông-cổ vốn không có văn tự. Họ phải dùng văn tự Thổ-phồn, Trung-quốc và Tây-vực. Mỗi khi gửi sứ cho các nước, thì viên sứ phải học thuộc bản văn, rồi đọc cho người nhận nghe. Ba vị gật đầu chờ đợi.

Bật Triệt chống nạnh hai tay, ngoác mồm ra, tuôn một hồi, bằng tiếng Mông-cổ:

« Thái-sư thống lĩnh hành quân chinh thảo Nam-thiên của Thiên-quốc Mông-cổ là Ngột-lương Hợp-thai ban lệnh cho vua An-Nam là Trần Cảnh.

Này Trần Cảnh.

Hiện nay, ta vâng chỉ đại đế Mông Kha đem hùng sư sấm sét mười vạn, thêm hai mươi vạn dân-lao binh. Ngựa khỏe như sư tử. Binh hùng như sấm sét. Tất cả đang dàn ra biên giới nước người.

Ta định xua binh tràn vào nước man mọi của người, phá hủy thành trì, tàn sát dân mọi, đốt sạch nhà cửa. Song, ta sinh phúc không nỡ, bởi coi các người như ngựa, như trâu có thể sai bảo. Giết đi thì hơi phí. Chi bằng tha cho.

Vậy truyền cho chúa tôi bọn bay rằng: Đích thân Trần Cảnh phải dẫn văn võ lên tận biên giới tiếp rước binh trời. Lại phải sửa sang đường xá cho rộng. Cầu phải bắc lại thực chắc. Khi đại giá ta vào nước, phải cung ứng lương thảo đầy đủ. Tất cả vua, quan bọn bay ngày ngày đến trước trướng ta nghe lời sai bảo.

Lệnh này ban ra, nội trong ba ngày mà các người chưa tuân, thì hãy ngửa cổ ra chờ chúng ta tới chặt. Vợ, con gái các người hãy tắm rửa mà chờ quân ta tới ngồi trên bụng ».

- Tát vào miệng nó.

Một Thị-vệ vung tay tát hai cái vào mặt Bật Triệt. Võ công Bật Triệt cũng vào loại cao thủ. Y nghiêng đầu tránh. Nhưng viên Thị-vệ ra tay thần tốc quá, hai tiếng bốp, bốp vang lên. Sáu cái răng Bật Triệt bị gẫy. Y ngã lộn xuống dưới thềm điện. Thị-vệ trói y lại, dẫn ra ngoài. Bên ngoài, tất cả tùy tùng của y đều bị trói, đang bị điệu đi. Ba tên bồi sứ bị gông cổ.

Sau khi tống giam bọn Bật Triệt vào ngục, Thái-sư Trần Thủ-Độ nhập cung mật tấu với Nguyên-Phong hoàng đế. Nhà vua tỏ ý lo ngại:

- Xưa nay Mông-cổ vốn coi trọng sứ giả. Nay Thượng-phụ tống giam sứ của họ, thì sau này khó hy vọng mà giảng hòa với họ. Hoặc giả Thượng-phụ có cao kiến gì chăng?

- Tâu bệ hạ, thần quả có thâm ý.

Thái-sư Thủ-Độ tâu: Vì trong triều còn một số thân vương đại thần muốn đầu hàng giặc để bảo toàn mạng sống, tài sản. Vì vậy thần mới mạnh tay với bọn sứ Mông-cổ. Từ nay, ai nấy đều biết, đã tống giam sứ Mông-cổ, thì dù có hàng, chúng cũng làm cỏ cả nước. Thế là không còn ai dám nghĩ đến hàng giặc nữa.

Huệ-Túc phu nhân nhìn Thủ-Độ, miệng tủm tỉm cười.

Thủ-Độ hỏi:

- Không biết phu nhân có điều gì hoan hỷ trong lòng?

Huệ-Túc trao một tờ hoa tiên cho Thủ-Độ:

- Tôi mới làm một bài thơ mừng tuổi thọ của Thượng-phụ. Rất mong Thượng-phụ thu nhận.

Thủ-Độ tiếp tờ hoa tiên bỏ vào túi rồi cáo lui. Rời khỏi Hoàng-thành, ông mở tờ giấy ra đọc:

" Hôm trước Thượng-phụ thua cuộc, có hứa làm theo tôi ba việc. Việc thứ nhất là cho gia đình tôi kiều ngụ ở Đại-Việt. Bây giờ tôi xin yêu cầu điều thứ nhì, mong Thượng-phụ thực hiện. Đó là: Mai này Hoàng-thượng chỉ định ai lĩnh chức Tiết-chế thống quốc binh sự, xin Thái-sư đừng cản trở".

Đọc xong, Thủ-Độ giật mình, ông than:

- Phụ nhân, chân khả úy.(Đàn bà thực đáng sợ).

Thái-sư Thủ-Độ về rồi, nhà vua chắp tay vào nhau, đi đi, lại lại trầm tư suy nghĩ. Từ khi nhập cung, vì văn hay, chữ tốt, Huệ-Túc phu nhân được nhà vua cho ở cạnh để đọc các tấu chương, cùng phù tá. Thấy nhà vua mệt mỏi tâm thần, phu nhân hỏi:

- Dường như bệ hạ có điều gì chưa quyết được phải không?

- Đúng vậy!

- Có phải việc chỉ định người lĩnh ấn Tiết-chế không?

- Quả thế.

- Thiếp thấy, trong tâm bệ hạ muốn phong Hưng-Đạo vương vào chức ấy, mà lòng còn nghi hoặc về di chúc của Yên-sinh vương ; cho nên long tâm bất an.

- Đúng! Khanh có ý kiến gì giúp trẫm chăng?

- Người xưa nói: Khi không quyết thì hỏi quỷ thần. Quỷ thần đây là gieo quẻ như vua Văn-vương xưa. Bấy giờ chưa có khoa Tử-vi thì phải bói. Còn bây giờ khoa Tử-vi có thể biết kẻ trung, người nịnh. Tại sao bệ hạ không đem số Tử-vi của Hưng-Đạo vương ra nghiên cứu?

- Khanh nhắc trẫm mới nhớ. Hưng-Đạo vương sinh giờ Mùi, ngày 1 tháng 5 năm Nhâm Thìn.

Thông thường khi xem một lá số, Huệ-Túc phu nhân chỉ bấm trên tay. Nhưng bây giờ phải quyết một việc tối hệ trọng, phu nhân cầm bút chấm lá số của Hưng-Đạo vương rất chi tiết, rồi cùng nhà vua ngồi cân nhắc từng ngôi sao một. Phu nhân bàn:

- Đây! Tuổi Nhâm Thìn, mệnh thuộc Thủy. Trong lá số thì mệnh lập tại Hợi là cung thủy. Kim tứ cục. Như vậy là bản mệnh với cung lập đồng hành, được cục sinh ra. Mệnh là bản chất con người, nơi mệnh lập là chỗ đứng của đời người. Chỗ đứng của đời người, với bản chất cùng một hành, có nghĩa cuộc đời lúc nào cũng thuận tiện. Cục là bước đi dài ngắn khác nhau. Kim sinh thủy. Cục kim sinh ra bản mệnh, sinh ra nơi mệnh lập, thì từ bản chất, tới chỗ đứng, được bước đi sinh ra. Như vậy không bao giờ vương thất bại. Không bao giờ chết bất đắc kỳ tử. Nếu trao binh quyền cho vương thì chỉ có thắng hoặc hòa, chứ không bại.

Nhà vua thở dài nhẹ nhõm.

- Cách Tử, Phủ Vũ, Tướng là cách của những bậc vĩ nhân lịch sử. Tử-vi, Thất-sát thủ mệnh, được Hóa-quyền, Văn-khúc, Trường-sinh phù tá thì đây là số của một bậc tể thần, làm lên sự nghiệp vang lừng khắp hoàn vũ, muôn dân trông chờ, nghìn vạn năm sau còn tôn kính. Nói khác đi, mệnh của vương là mệnh của bậc thánh nhân. Như vậy thì bệ hạ còn trì nghi gì nữa mà không ban chỉ trao quyền Tiết-chế cho vương, để vương kịp thời chuẩn bị phá giặc.

Thấy trán nhà vua nhăn lại, phụ nhân nắm lấy tay ngài rung rung thực mạnh:

- Bệ hạ tỉnh hay mơ? Bệ hạ sợ trao binh quyền cho vương, rồi vương cướp ngôi vua ư? Nhất định không có. Nếu như vương cướp ngôi, thì muôn nghìn năm sau, sử xanh còn chép vương là một gian thần tặc tử. Trong khi số của vương là số đại anh hùng, đại thánh nhân...Thì nhất định không có việc vương cướp ngôi rồi.

Nhà vua ôm lấy phu nhân, ngài hôn phớt lên đôi má hồng:

- Trời mang khanh đến ban cho trẫm. Mai này thiết triều, trẫm sẽ bác lời Thái-sư, phong Hưng-Đạo vương làm Tiết-chế quân mã.

Sáng hôm sau, ngày 20 tháng 8 năm Đinh Tỵ nhằm niên hiệu Nguyên-Phong thứ bẩy, triều đình Đại-Việt thiết đại triều để nghe Thái-sư Thủ-Độ tường trình về việc tiếp sứ đoàn Mông-cổ. Sau khi tâu xong, Thái-sư kết luận:

- Bây giờ ta dàn quân chờ sẵn, rỗi gọt tóc, cắt mũi 3 tên Việt làm chó săn cho Mông-cổ, rồi thả về. Ngột-lương Hợp-thai sẽ uất lên đến cổ, tất y xua quân đánh ta. Phàm khi ra quân, mà tướng cáu giận, thì bị lầm lẫn, dễ bị bại.

Vũ-kỵ thượng tướng quân Lê Tần nhắc lại câu hỏi hôm trước:

- Xin bệ hạ khẩn ban chỉ, cử một vị làm Tiết-chế quân mã.

Cả triều đình cùng gật đầu tán thành lời tâu của Lê Tần. Trong khi Thái-sư Trần Thủ-Độ cau mặt lại, tỏ vẻ khó chịu. Nguyên-Phong hoàng đế đứng dậy, ngài rút cây Thượng-phương bảo kiếm cầm trên tay, lại đưa mắt nhìn quần thần môt lượt rồi, ban chỉ:

- Suốt mấy ngày qua, trẫm đã suy nghĩ kỹ. Lại xét số Tử-vi, khấn các vị tiên hiền Đại-Việt phù hộ. Nay trẫm quyết định.

Hiện diện cố gần hai trăm người, mà không một tiếng động. Nguyên-Phong hoàng đế bước đến bên Hưng-Đạo vương, trao thanh kiếm cho vương:

- Kể từ lúc này, Hưng-Đạo vương là Tiết-chế toàn bộ binh mã Đại-Việt. Khi mang thanh kiếm này thì vương là trẫm. Mọi mạng lệnh vương ban ra là lệnh của trẫm. Ngày mai, sẽ thiết Tinh-triều tại điện Uy-viễn để nghị kế phá giặc.

Cả triều thần thở dài nhẹ nhõm. Người người đều hiện ra nét hân hoan vô cùng tận. Duy Thái-sư Thủ-Độ và Khâm-Thiên đại vương cau mặt, buông tiếng thở dài nhẹ như tơ, nên không ai chú ý.

Thái-sư than thầm:

- Mình già đầu mà còn mắc mưu trẻ con. Huệ-Túc phu nhân đã chặn trước rồi. Mình đành chịu thua...trẻ con. Âu là mệnh trời.

Hôm sau.

Tại điện Uy-viễn. Xung quanh điện, Thị-vệ canh phòng cẩn mật. Mỗi người dắt một con chó, lưng đeo bảo đao, đi đi lại lại. Trên trời, một đoàn 20 chim ưng bay lượn, dù một con chuột, con thỏ cũng không lọt ra ngoài tầm mắt của chúng.

Trong điện, Nguyên-Phong hoàng đế ngồi trên ngai vàng đặt chính giữa. Hai bên là bốn dẫy ghế. Chư thân vương, đại thần ngồi trên hai dẫy đầu. Hai dẫy sau cùng dành cho các võ tướng. Thông thường, các buổi triều nghị, trừ Thái-sư Trần Thủ-Độ, còn lại đều phải đứng. Nhưng hôm trước, theo lời tâu của Hưng-Đạo vương. Vương xin hoàng đế chuẩn cho: Trong các buổi thiết triều, nghị về quốc kế, thì các đại thần đều được ngồi ghế, để tránh mệt mỏi. Khi tâu, cũng không phải quỳ gối hành đại lễ.

Đặc biệt buổi thiết Tinh-triều hôm nay còn có Nam-thiên ngũ long.

Lễ nghi tất.

Hưng-Đạo vương cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm để trước mặt. Trong điện hiện diện hơn trăm người, mà không một tiếng động. Không khí cực kỳ trang nghiêm. Nguyên-Phong hoàng đế mở lời:

- Buổi thiết Tinh-triều hôm nay, để nghị về quốc kế bình Mông. Bất cứ ai hiện diện tại đây, đều có quyền phát biểu ý kiến. Bây giờ trẫm để Tiết-chế tổng đốc binh mã Hưng-Đạo vương điều khiển.

Hưng-Đạo vương hướng vào triều thần:

- Phàm ra quân, phải xử dụng ba yếu tố thiên-thời, địa lợi, nhân hòa. Trong ba yếu tố thì nhân hòa phải coi là yếu tố chính. Nhân hòa đối với ta là quan trọng nhất. May mắn thay nhân hòa ta đã đạt được từ lâu rồi. Hiện cả nước đang chờ phá giặc.

Nguyên-Phong hoàng đế gật đầu tỏ ý tán thành.

- Thứ nhì là thiên thời. Nếu bây giờ ta sai cắt mũi 3 tên bồi sứ họ Trịnh, rồi thả về, như Thái-sư bàn hôm trước, đĩ nhiên ta chọc cho Ngột-lương Hợp-thai nổi giận, đến mất bình tĩnh. Y sẽ xua quân tràn vào đánh ta trong tháng 9. Thế nhưng, khí hậu tháng 9 đến tháng chạp là mùa lạnh. Thiên thời đối với quân ta thực bất lợi. Vì quân ta chịu lạnh dở. Ngược lại, khí hậu này cho quân Mông-cổ, vì chúng sống ở vùng Thảo-nguyên, khí hậu lạnh cắt da, xé thịt; khí hậu của ta đối với chúng là khí hậu mát mẻ, người ngựa của chúng sẽ cảm thấy dễ chịu.

Cử tọa vỗ tay hoan hô, kể cả hoàng đế và Thái-sư Trần Thủ-Độ.

- Vậy ta cứ giữ bí mật việc tống giam sứ, để Ngột-lương Hợp-thai mỏi mắt chờ. Hết tháng chín không thấy sứ về, y lại sai sứ sang nữa. Ta cũng bắt giam. Sang tháng 10 không thấy sứ về, y có thể sai sứ sang nữa. Ta lại bắt giam. Như vậy y có xuất quân cũng phải sang cuối tháng Chạp. Ta chỉ cần cầm cự vài tháng, khí hậu trở thành ấm áp với ta, trở thành ôn nhiệt với Mông-cổ. Thế là ta đạt được thiên thời.

Triều đình im lặng nghe vương nghị kế:

- Về địa lợi. Ưu điểm của giặc là Kỵ-binh xung trận, là phá thành. Vậy ta không thủ thành, cũng chẳng dàn quân. Ta cần dụ cho giặc vào sâu trong nước. Trước hết, triều đình cần rời khỏi Thăng-long, ẩn vào sống với dân. Mỗi bộ ẩn vào một thôn xã khác nhau, luôn di chuyển, để giặc không biết tung tích. Ta dùng chim ưng liên lạc với nhau. Gia đình các đại thần, các võ tướng, ai ở đâu, thì đưa về quê mình sống với dân chúng. Như thế các quan yên tâm phá giặc, không phải vướng vít thê nhi.

Các quan gật đầu, tỏ ý tuân phục.

- Về nội cung. Từ mấy năm qua, Linh-Từ quốc mẫu cùng Nam-thiên ngũ long đã huấn luyện cho cung nga, thái giám trở thành những võ sĩ. Bây giờ triều đình không cần phải sai tướng, cử binh bảo vệ nội cung. Trái lại nội cung gặp giặc lại có thể giao chiến ngang tay với chúng.

Thành-cát Tư-hãn và đế quốc Mông-cổ chinh phục Trung-Đông và Âu-châu Trong Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông (AHĐA-DCBM) quyển 2, hồi thứ 16 và 17, tôi đã thuật nguồn gốc một bộ tộc Ki-dát, ở vùng Thảo-nguyên trên cực Bắc Á-châu. Bộ tộc này với chủ đạo tin rằng tổ tiên là con sói xám, dưới sự lãnh đạo của Thiết Mộc Chân, dần dần trở thành một trong những nước lớn. Trong cơ duyên đặc biệt, phò-mã Trần Thủ-Huy, cùng công chúa Đoan-Nghi (con gái vua Lý Anh-Tông) đã kết thân với Thiết Mộc Chân và bốn đại tướng của Mông-cổ tự xưng là Tứ-liệp lang vương tức bốn con sói-săn là Bác Nhĩ Truật, Gia Luật Mễ, Tốc Bất Đài, Triết Biệt. Cuộc kết thân này, đưa đến Mông-cổ gửi sứ thần sang Đại-Việt. Sang quyển 3, AHĐA-DCBM hồi 29, 30 và quyển 4, hồi 32, 30 lại thuật chi tiết việc một thân vương triều Lý là Lý Long-Phi đã từng đến Mông-cổ trước phò mã Thủ-Huy, với công chúa Đoan-Nghi. Long-Phi giúp Mông-cổ luyện quân, tổ chức quân đội. Tiếp đến việc phò mã Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi bị vua Lý Cao-tông đem cống cho Tống. Hai vị bất mãn, bỏ lên Mông-cổ. Hai vị đã sinh ra người con, sau thành anh hùng Đại-Việt là Trần Thủ-Độ. Trong thời gian lưu lại Mông-cổ, hai vị giúp Thiết Mộc Chân luyện quân, tổ chức quân đội, tổ chức Khu-mật viện, tổ chức đội mã khoái Phi-tiễn. Mông-cổ trở thành hùng mạnh, chinh phục hầu hết các bộ lạc Thảo-nguyên, lên ngôi vua, Thiết Mộc Chân xưng là Thành-cát Tư-hãn. Hồi 40 quyển 4 và hồi 41 quyển 5, thuật rõ trường hợp nào Trần Thủ-Độ trở thành một đại tướng chỉ huy binh đoàn Phương Đông của Mông-cổ. Thủ-Độ là người tràn ngập các cửa Trương-gia, Xích-thành, Hậu-thành của Vạn-lý trường thành ; và trở thành một đại tướng đầu tiên vây hãm kinh thành Yên-kinh (Bắc-kinh ngày nay).

Sau khi đánh Trung-quốc, Thành-cát Tư-hãn tiến đánh Tây-hạ, rồi một biến cố đặc biệt xẩy ra, ông đem đại quân tràn về phương Tây phá tan đế quốc Kwharesm (Hoa Thích Tử Mô), sau đó con cháu ông tiếp tục chinh phục Iran, Irak, Syrie, Afganistan, Hung-gia-lợi, Ba-lan, Tiệp-khắc, Đức, Nga v.v. đặt nền móng cai trị đến mấy trăm năm.

Dưới đây chúng tôi tóm lược ý chính trong hai tập tài liệu quân sự, đã giải mật, để độc giả có cái nhìn đại cương về sự hùng mạnh của Mông-cổ năm 1258, là năm họ mang quân đánh Đại-Việt, và bị thất bại.

- Nguyên triều chinh tiễu An-Nam khảo bị.(NTCTANKB) Sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tổng-tư lệnh quân đội nhân dân Trung-quốc.

- Thành-cát Tư-hãn chinh Tây khảo lược.(TCTHCTKL) Sở Nghiên-cứu, Cục Tác-chiến, Bộ Tư-lệnh quân khu miền Tây Mông-cổ 1960.

Xin nhắc để độc giả rõ: Cái gọi là Sở nghiên cứu đề trên bìa tập tài liệu đó trên nguyên tắc trực thuộc Cục-tác chiến. Sợ những vị từng phục vụ trong quân đội Việt-Nam cộng hòa, hay quân đội Hoa-kỳ hiểu lầm. Tôi xin có đôi lời giải thích. Về phía Việt-Nam, khi soạn thảo Quân-sử, thì do khối Quân-sử, trực thuộc phòng 3, bộ Tổng-tham mưu ; những chuyên viên biên soạn hầu hết là sĩ quan, căn cứ vào những tài liệu tồn trữ, rồi viết ra. Rất ít khi có những lời bình luận. Về phía Hoa-kỳ, thì do một Trung-tâm Quân-sử thuộc bộ Quốc-phòng, thường thì do các sĩ quan, hoặc chuyên viên biên soạn. Như khi mời các tướng Cao Văn Viên, Đồng Văn Khuyên, Ngô Quang Trưởng, Trần Đình Thọ... viết quân sử Hoa-kỳ trong thời gian tham chiến tại Việt-Nam, đã do General Research Corporation... mời ký khế ước. Ngược lại, tại Mông-cổ thì việc nghiên cứu này do chính vị Tư-lệnh, Phó Tư-lệnh cùng những sĩ quan, chuyên viên biên tập. Viên sĩ quan chánh sở Nghiên-cứu chỉ lĩnh nhiệm vụ như là một tổng thư ký. Còn Cục Tác-chiến của Mông-cổ, thì bao gồm nhiệm vụ của phòng 3 (G3) và trung tâm Hành-quân (TOC). Tài liệu được dùng để giảng dậy cho các sĩ quan cao cấp, và làm tài liệu nghiên cứu cho các sĩ quan thiết kế hành quân.

Chiến dịch Kwharesm (Hoa Thích Tử Mô) Tống-sử thuật lại chiến dịch Kwharezm vắn tắt khoảng 2 trang, cũng không nói đến tên của vua nước này là Mộ Hợp Mễ hay Ma Kha Vị (Ala Ed Din Mohammed). Vì Mông-cổ tàn phá các nước Trung-Đông, châu Âu như Afganistan, Iran, Irac, Syrie, Hung-gia-lợi, Ba-lan, Tiệp-khắc, Đức, Liên-sô v.v. rồi cai trị mấy trăm năm. Sử sách của các dân tộc này ghi chép rất đầy đủ. Độc giả có thể tìm đọc những sách này bằng tiếng Anh, Pháp, mà thuật giả ghi ở phần thư mục AHĐA-DCBM quyển 1.

Năm 1217, quân Mông-cổ đánh chiếm đế quốc Tây-Liêu, giết bạo chúa Gut Sơ Lúc, làm cho các nước vùng Trung-á hết sức quan tâm. Các nước này tiếp giáp với Tây-Liêu bằng con sông Irtysh. Sự kiện một đạo quân dữ như quỷ sứ, đi đến đâu tàn sát đến đó làm cho vua chúa vùng này phải tìm hiểu. Họ được những thương nhân kể cho nghe rằng: Thành-cát Tư-hãn là một ông vua bách chiến bách thắng. Đội Kỵ-mã của ông mạnh hơn núi lở, băng tan. Ông là người ưa trật tự, ưu đãi thương nhân, thường nâng đỡ họ đặc biệt. Họ kể cho những ông vua này nghe về các trận đánh kinh thiên động địa của Mông-cổ với Kim. Mông-cổ đã chiếm được nước Kim, Tây-Hạ, Liêu-Đông, Cao-ly, Nãi-man, Khắc-liệt, Thát-đát.

Bấy giờ thế giới Hồi-giáo đang ở vào thịnh thời của Alla Ed Din Mohammed, đại đế nước Kwharezm. Tổ tiên của Mohammed nguyên là người hầu cận gốc Thổ, được vua sứ Seljuk phong tước phó quận vương ở vùng lưu vực sông Amou Daria. Đến đời cha của Mohammed, bờ cõi của quận vương mở rộng từ bờ biển Caspienne tới Boukhara, và từ biển Alrai tơí Ba-tư. Ngôi vua truyền sang Mohammed, ông đem binh chinh phục, mở rộng bờ cõi ra bốn phía: Vượt sông Syr Daria lên Bắc chiếm một nửa vùng thảo nguyên Kurghise. Phía Đông chiếm lãnh thổ Transoxiane bao gồm Samarkande, Đại-uyển (Fergana). Phía Nam, chiếm A-phú-hãn. Phía Tây tới Irak. Thời bấy giờ, ông được người ta tặng cho danh hiệu Cái bóng của Allah trên mặt đất, hay Alexandre đại đế thứ nhì.

Muốn làm bá chủ thế giới Hồi-giáo, ông xin giáo chủ ở Bagdah nhận là Hoàng-đế, dưới sự che chở của giáo chủ. Cũng nên nhắc lại, giáo chủ Hồi-giáo, trong phạm vi thế tục chỉ có ảnh hưởng ở vùng Mésopotamie. Nhưng về tôn giáo, ông là giáo chủ của tất cả tín đồ Hồi-giáo. Ông có ảnh hưởng đến tất cả giáo chúng Hồi-giáo.

Lời yêu cầu của Mohammed không được giáo chủ Nasir chấp nhận. Ngược lại, giáo chủ còn ra lệnh cấm tín đồ không được cầu nguyện cho Mohammed. Giáo-chủ còn đi xa hơn, là xúi dục các tiểu vương chống Mohammed, ly khai với đế quốc Kwharesm. Thư của giáo chủ Nasir đến với Mohammed, giữa lúc ông đang chinh phục A-phú-hãn. Nổi giận, Mohammed triệu tập một hội nghị Hồi-giáo truất phế Nasir, bầu một giáo chủ mới, rồi cất quân đi đánh Nasir.

Giữa lúc Mohammed chỉnh bị binh mã thì được tin Tây Liêu bị Mông-cổ chinh phạt. Ông mù tịt về thế giới Đông-phương. Tuy vậy để đề phòng, ông ngưng việc đánh Badad, dồn quân lên miền Bắc đề phòng. Một mặt ông gửi sứ thần qua Mông-cổ.

Ngược lại với Mohammed, Thành-cát Tư-hãn lại biết về thế giới Hồi-giáo. Những thương nhân đem vào Mông-cổ không biết bao nhiêu sản phẩm xứ Hồi: Áo giáp tên xuyên không thủng, mũ chiến bằng đồng, mộc bọc thép, mã tấu sắc bén, bình pha lê, nữ trang, thảm.

Sau khi tiếp sứ đoàn Kwharezm, Thành-cát Tư-hãn nhờ sứ đoàn chuyển về hoàng đế Mahomed đề nghị:

"Ta biết hoàng đế các người đang cai trị một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh. Ngài là hoàng đế phương Tây. Ta là hoàng đế phương Đông. Hai bên phải giao hảo với nhau. Ranh giới của hai nước ở Khâm-sát. Ta đề nghị ngài cho thương nhân hai nước qua lại thông thương vơí nhau".

Thành-cát Tư-hãn gửi một sứ đoàn sang Kwharesm. Sứ đoàn mang theo tặng phẩm: Bạc thoi, ngọc quí, vải dệt bằng lông lạc đà. Để tỏ thiện chí, Thành-cát Tư-hãn chọn viên chánh sứ Mahmound Ieldalch là dân Kwharesm, nhân viên toàn người xứ Hồi.

Sứ đoàn Mông-cổ được hoàng đế tiếp đón hết sức nồng hậu, khiến triều đình Kwharesm xưa nay vốn kiêu căng, đều phải kinh ngạc.

Năm 1218, giữa lúc Mahomed đang trên đường viễn chinh hồi loan tới Samarkande thì có tin gửi từ biên thùy phía Bắc về: Thống-đốc Inaltchik thành Ottar tâu rằng, mới bắt được một thương đoàn, có nhiều tên thám thính Mông-cổ trà trộn trong đám thương nhân Hồi giáo.

Quốc vương ra lệnh: Giết chúng đi.

Phê bình hành động này, sử gia Ba-tư Fadl Allad Rasid ud-Din (1247-1318) viết như sau:

"Khi ban chỉ trên, không khác gì nhà vua đem tính mệnh mình ra mà đánh cuộc. Một giọt máu Mông-cổ đổ, thì thần dân của ông phải trả lại một sông máu. Một cái đầu của Mông-cổ rụng xuống thì bằng mấy chục vạn cái đầu khác. Mỗi đồng tiền tịch thu của họ phải trả bằng mấy tạ vàng".

Viên thống đốc Inaltchik nhận được chiếu chỉ, tịch thu tất cả vàng bạc, hàng hóa của thương đoàn, rồi giết hết 150 người. Chỉ có một tên nô lệ trốn thoát, chạy về tiền đồn Mông-cổ báo cáo sự tình. Hắn được đưa về kinh đô Hoa-lâm, tâu trình lên Thành-cát Tư-hãn.

Thành-cát Tư-hãn không thể tin rằng, mới hôm nào Mahommed cam kết cho thương nhân hai nước thông thương, mà bây giờ lại làm thế? Ông cho rằng viên thống đốc đã lạm quyền. Ông gửi sứ giả sang yết kiến Mahommed, yêu cầu phải nạp kẻ sát nhân cho ông.

Hoàng-đế Ala Ed Din Mohammed, danh hiệu bóng Allah trên mặt trái đất, khi nghe sứ giả Mông-cổ yêu cầu như vậy thì ngài rùng mình, tưởng đâu nằm mộng. Hỡi ơi! Cái bọn mọi rợ mà dám tới chỗ tôn nghiêm nhất trần gian, trước ngài chúa tể Hồi-quốc, trước Alexandre đệ nhị mà nói lời hỗn xược như vậy sao?

Mohamed trả lời: Đem chém chánh sứ, còn tùy tùng thì cắt râu, rồi trả về.

Khi bọn tùy tùng trở về tâu lại, Thành-cát Tư-hãn khóc rống lên:

"...Trời ơi! Xin trời thấu cho, tôi không phải là người muốn gây thảm họa..."

Lập tức ông triệu tập bộ Tổng tham mưu ban lệnh. Rồi bọn Mã-khoái phi tiễn chạy như mắc cửi ban lệnh đến tất cả các Đại-hãn vùng Thảo-nguyên, đến các chư hầu Thổ-phồn, Khiết-đan, Tây-liêu, Trung-quốc... trùng trùng, điệp điệp kéo nhau lên đường.

Lực lượng Mông-cổ chinh Tây gồm 25 vạn Lôi-kỵ. Chúng ta hãy tưởng tượng một lực lượng 25 vạn Kỵ-binh, mỗi Kỵ-binh có hai hoặc ba ngựa. Binh đội được trang bị bằng tất cả tinh hoa của Mông-cổ, rút tỉa tinh hoa của Trung-quốc, Tây-hạ. Chiến binh mặc đồng phục, đội mũ lông, mang dầy da ống chẽn, quấn xà cạp. Áo khoác là áo kép bằng da, giữa độn lông thú hoặc bông gọi là Dacha. Áo lót bên trong bằng tơ, phòng khi bị trúng tên, ngạnh mũi tên chỉ làm hõm da, chứ không xuyên vào thịt. Quân kỵ mặc áo giáp sắt lót nhiều miếng chồng lên nhau. Chiến sĩ được trang bị hai loại vũ khí. Một loại để đánh giáp lá cà, và một loại để tấn công mục tiêu ở xa. Mỗi kỵ binh có một cây gươm, một đoản đao, một chùy sắt, một câu liêm. Trên cánh tay trái, còn có một cây trủy thủ cài trong cái vòng da.

Người nào cũng có hai cây cung, hai túi tên đựng nhiều thứ tên. Tên xuyên thủng, tên lửa, tên tẩm độc. Cung là thứ cung có ba đoạn uốn khúc.

Ngoài ra, mỗi người có một số lao, lao ngắn, lao dài, một dây thòng lọng. Mỗi Kỵ-binh có ba, hay bốn ngựa để thay thế. Trên lưng ngựa có túi đựng rượu, thịt khô.

Lực lượng trợ chiến còn có những xe chở pháo binh do trâu kéo, xe phóng hỏa pháo, đại bác để phá thành. Quân Mông-cổ đã biết dùng chất nổ. Sau họ 15 năm Berthold Schwaiz phỏng theo, chế ra chất nổ rồi nói rằng do mình...sáng chế.

Một binh đoàn công binh do các chuyên viên Trung-quốc điều khiển. Sử ghi rằng riêng binh đoàn của Sát Hợp Đài khi vượt qua sông Syr Daria đã bắc 48 cây cầu!

Đông Tây thử lửa:

Trận Fergana. (Tiếng Trung-quốc là Đại-uyển) Chiến-thuật, chiến lược vào thời gian đầu thế kỷ thứ 13, giưã Âu và Á hoàn toàn khác biệt nhau. Á thì chủ yếu là dùng hư hư, thực thực, kỳ mưu. Còn Âu thì dùng lối phô trương sức mạnh, dàn trận. Hồi đầu mới lên ngôi, Thành-cát Tư-hãn cũng dùng lối dàn quân giống châu Âu. Sau khi chinh phục các nước Á châu như Trung-quốc, Tây-hạ, Thổ-phồn, Cao-ly, Tây-Liêu, Kim... Ông đã đổi hoàn toàn chiến lược, chiến thuật. Trần Đại-uyển (Fergana) là trận đầu tiên, thử lửa giữa chiến thuật, chiến lược Đông-Tây.

Dù tức giận Mahommed, dù nóng trả thù, nhưng Thành-cát Tư-hãn và bộ Tổng-tham mưu (Iourt Dchi) cũng nghiên cứu rất cẩn thận trước khi ra quân:

- Trước hết là đường tiến binh. Đối với Kim, biên giới Kim với Thảo-nguyên dài hơn 5 nghìn cây số. Lôi-kỵ Mông-cổ có thể tràn ngập bất cứ khu nào mình muốn.

- Trên đường tiến quân, chỗ nào cũng có sông, có nước, có cỏ, có dân. Có dân thì có lương thực.

- Khí hậu Trung-quốc tương đối ấm áp hơn vùng Thảo-nguyên.

Còn đối với Kwharesm thì khác hẳn:

- Biên giới Kwharesm, Mông-cổ cách nhau bằng những dãy núi cao 7.000 thước, dựng đứng như những bức thành.

- Nếu đi vòng lên phía Bắc thì phải vượt qua hơn 1 nghìn cây số mới tới những thành như Samarkande, Bourkhara.

- Đi theo đường này, phải qua cửa Tử-thần (Dzoungari), bao gồm những vùng sa mạc không có dân chúng, không có một giọt nước, một bụi cỏ. Trong khi Mông-cổ với quân số 25 vạn người, gần một triệu ngựa, lấy đâu ra lương thảo? Việc tiếp tế từ Mông-cổ, vượt qua 2 nghìn cây số, thì thực không thể thực hiện nổi.

Cuối năm 1218, sau khi chỉnh bị binh mã xong, Thành-cát Tư-hãn liền di chuyển quân tới bờ sông Irtysch. Đại quân phải chờ tuyết tan, rồi mới tìm cách đi qua cánh cửa Thần-chết.

Giữa lúc ấy, thì tướng Triết Biệt từ Tây-liêu báo về rằng:

"Đã tìm ra một con đường mật của các thương gia. Con đường này tới thẳng miền Đông Kwharesm thuộc trung bộ nước này là Đại-uyển, rồi từ đó qua thể vượt lên Bắc theo sông Syr Daria".

Sau khi bàn với bộ Tổng-tham mưu, Thành-cát Tư-hãn sai vương tử Truật Xích mang một binh đoàn tới Kashgar cùng Triết Biệt, đánh úp Đại-uyển. Ba mươi ngàn quân âm thầm lên đường, vượt qua những ngọn núi cao ngất trời Thiên-sơn, Palmir, tuyết phủ mịt mờ. Sau 68 ngày gian nan, họ tới thung lũng Đại-uyển (Fergana) vào mùa Xuân. Đây là một vùng trù phú, nơi trồng nho, lúa mạch, sản xuất rượu, lụa, thủy tinh, và nhất là giống ngựa danh tiếng.

Qua mấy tháng giá lạnh, đói khát, vừa xuống đồng bằng, đoàn quân Mông-cổ tràn vào làng cướp súc vật lương thực.

Được tin báo, Đại-đế Mohammed phản ứng rất nhanh. Ông thân dẫn một đội quân tinh nhuệ hùng hậu nhất tới nghênh chiến. Khi thấy quân Mông-cổ, ngựa thì trụi lông, kỵ mã chỉ có cương mà không có yên. Binh tướng thì da cháy sạm, mặt mũi hốc hác. Vị Đại-đế trạnh lòng thương, ngài cho rằng đây là bọn giặc cỏ cướp giật. Sau khi giao chiến ít phút, quân Mông-cổ bỏ chạy. Mohammed xua quân đuổi theo. Nhưng qua trận giao chiến ngắn ngủi, Mohammed phải thầm phục kẻ thù can đảm, ngựa phi nhanh, tài bắn cung tài tình.

Quân Kwharesm đuổi đến chân núi, thì gặp đội quân Truật Xích đông gấp bội, trang bị đầy đủ, quân tướng khỏe mạnh.

Quân Kwharesm mở màn cuộc tấn công bằng những hồi kèn và tiếng chuông. Quân Mông-cổ tràn xuống phản công. Cứ mỗi lần chúa tướng phất cờ, là ngựa của họ, kỵ mã của họ cùng rú lên những tiếng khũng khiếp. Đang kịch chiến, bỗng quân Mông-cổ bỏ chạy, tẻ ra như rẻ quạt. Mahommed chưa ước tính được chủ ý của đối phương, thì thình lình chúng lại xuất hiện đánh vào hậu quân. Tuy quân số đông gấp ba (10 vạn) mà suýt nữa Mohammed bị bắt sống. May mắn thay, viện quân của Thái-tử Djélal-Ed-Din vừa tới tiếp viện. Suýt bữa bắt được vương tử Truật Xích.

Hai bên đánh nhau cho tới trời tối, rồi cùng thu quân. Lợi dụng trong đêm tối, quân Mông-cổ đổi ngựa, rồi rút về vùng cách đó rất xa. Mohammed cho rằng mình đã thắng. Nhưng trong lòng vị Đại-đế không còn dám khinh địch nữa. Ông phải công nhận chưa bao giờ gặp đội quân nhanh nhẹn, can đảm, dẻo dai như vậy.

TCTHTCKL bình luận đại lược như sau (lược dịch):

" Chắc chắn khi binh đoàn Triết Biệt, Truật Xích vượt vúi cao trùng điệp, thì tình báo Kwharesm đã biết rất sớm, rất chi tiết, và tâu lên hoàng đế Mohammed. Bằng cớ là khi biến cố giết thương gia Mông-cổ diễn ra, thì ông đang ở miền Nam. Được tin Mông-cổ vượt Thiên-sơn, ông mới bắt đầu điều quân lên. Từ kinh đô Samarkande, hay từ miền Nam lên Fergana đường cách nhau 1600 cây số, ít ra quân phải đi trong hơn 40 ngày. Cho nên lúc quân Triết Biệt vừa xuống núi là gặp quân Kwharesm ngay.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Mohammed là ông vua kinh nghiệm dụng binh. Ông phải biết rằng phàm đánh giặc phải lợi dụng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thời ở đây là khí hậu mùa Đông, địa lợi là núi cao, hiểm trở. Tại sao ông chỉ dàn quân chờ địch? Nếu ông ban lệnh cho một tướng trấn thủ Fergana:

- Lợi dụng thông thạo địa thế, tạo ra những chướng ngại vật, trên các đỉnh núi cao ngất trời.

- Phục binh, lăn đá, chặn đường tiến quân. Phục binh cắt đường tiếp tế lương thảo.

Như vậy, chỉ cần 10 ngày, thì toàn bộ đội quân Triết Biệt, Truật Xích sẽ chết đói, chết lạnh hết.

Xét cho kỹ các binh thư vùng Trung-Đông, Tây-Á, châu Âu, cho đến thời ấy còn quá ấu trĩ, nên Mohammed mới bị thất bại dề dàng".

Tại cửa Tử-thần, Thành-cát Tư-hãn được tin báo về trận Đại-uyển. Ông tăng cường cho Triết Biệt 5 nghìn quân nữa, rồi ra lệnh:

« Để Truật Xích ở lại, ém quân trên núi. Còn Triết Biệt hãy vượt núi, qua đỉnh Altai tiến về Nam, đánh chiếm miền châu thổ sông Amou Daria ».

Quân Mông-cổ biến mất, Mohammed cho rằng chiến tranh chấm dứt. Tuy vậy ông cũng gửi hàng nghìn người đi theo thương nhân, dò xét tình hình Mông-cổ. Ông biết rõ như sau:

« Thành-cát Tư-hãn cho quân vượt cua cửa Tử-thần. Sát Hợp Đài thống lĩnh binh đoàn thứ nhất. Oa Khoát Đài thống lĩnh binh đoàn thứ nhì. Đại-hãn và con út Đà Lôi thống lĩnh binh đoàn thứ ba cùng bộ Tổng-tham mưu. Quân số trên 400 nghìn đang kéo đi như kiến ».

Mohammed tự tin: Với quân số ấy đi từ sông Irtysh đến sông Syr Daria trải 1.500 cây số, với biết bao núi cao, đồng không một giọt nước. Ấy là không kể tới nơi, người ngựa mệt mỏi. Tuy vậy ông cũng tập trung được 40 vạn quân, lấy khỏe chờ mệt.

Giữa lúc đó thì tin báo:

"...Binh đoàn của Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài đã tiến tới thượng lưu sông Syr-Daria, chiếm một loạt các thành phố nhỏ, bao vây thành Ottar. Ottar là nơi thống đốc Inaltchik tuân chỉ Mohammed bắt giết thương đoàn Mông-cổ. Vì vậy bên công, quyết hạ bằng được, để trả thù. Bên thủ biết có hàng, quân thù không tha cho mình, nhất định tử chiến. Chiến trận diễn ra cực kỳ thảm khốc...".

Quân Truật Xích trở lại chiếm Đại-uyển. Cho rằng đạo quân Oa Khoát Đài, Satù Hợp Đài, Truật Xích chỉ là những đạo tiền quân nhỏ, Mohammed vẫn án quân chờ đại quân của Thành-cát Tư-hãn.

Tin tức từ miền Nam báo về:

« Binh đoàn Triết Biệt thình lình xuất hiện, đánh chiếm vùng thượng lưu sông Amou Daria ».

Mohammed bắt đầu cảm thấy nguy: Mất Amou Daria, tức là đế quốc bị cắt làm hai, vùng Nam gồm Afghanistan, Khoressan. Lập tức ông phái mấy đạo quân xuống Nam cứu nguy.

Đạo phái binh vừa đi, thì một tin khủng khiếp báo về:

« Đại quân của Thành-cát Tư-hãn xuất hiện ở phía Tây đang tiến về Boukhara ».

Phê bình việc này, tôi xin tóm lược ý chính của bộ TCTHTCKL:

"Thế là Đại-đế bị bao vây bốn mặt: Nam thì Triết Biệt. Đông thì Truật Xích. Bắc thì Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài. Tây thì Thành-cát Tư-hãn. Biết thế nguy Mohammed chuyển quân về cứu viện Samankande và Boukhara. Còn ông, ông tức tốc cùng quần thần chạy về Nam, trước khi bị Triết Biệt khép kín vòng vây.

Đến đây thì, binh pháp Đông, Tây đã hiển hiện cho thấy rõ:

- Tây, lấy sức mạnh, lấy vũ khí tối tân, đánh nhau theo lối dàn trận.

- Đông thì lấy kỳ mưu, dùng trí lừa chúa tướng bên địch. Nếu như Thành-cát Tư-hãn đem đại quân dàn ra cùng Mohammed quyết chiến, chưa dễ gì ông thắng nổi. Nhưng ông dùng lối xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị, lại đánh vào tâm lý, nên Mahomed bị bại.

- Mohamed chỉ ỷ vào sức mạnh quân đội, mà không biết đến sức mạnh của dân chúng. Thành ra quân của ông với quân Mông-cổ giao chiến tại Fergana, mà giống như giao chiến tại Thảo-nguyên. Ông mất địa lợi, mất nhân hòa. Ông thua là lẽ dĩ nhiên".

Trận Boukhara (NS chép là Bạc-hoa thành) Boukhara là một đô thị cổ kính, trung tâm văn hóa của Hồi-giáo. Đô-thị có nhiều trường học, hoa viên, biệt thự. Thời bấy giờ, các nhà hiền triết Hồi-giáo tập trung ở đây khá nhiều. Thành Boukhara tường cao, hào sâu. Thế nhưng Đại-đế phối trí tại đây rất ít quân, vì không bao giờ ông nghĩ rằng chiến tranh có thể xẩy ra. Cư dân hầu hết là người Ba-tư. Quân trú phòng đa số gốc Thổ (Turc). Như chiến thuật cố hữu của Kwharesm, các tướng Thổ muốn dàn quân bên bờ sông Amou Daria, khi trận chiến diễn ra, dễ cho quân trừ bị tiếp viện.

Còn quân Mông-cổ, khi bao vây thành, họ để trống một cửa cho địch rút lui, rồi phục binh tiêu diệt. Khi thấy Mông-cổ bỏ trống một cửa thành, các tướng Thổ âm thầm đem quân ra ngoài. Mông-cổ chỉ chờ có thế, khi trời vừa sáng thì toàn bộ quân Thổ trúng phục binh. Chỉ một trận, toàn bộ quân sĩ thành Boukhara bị tiêu diệt. Dân chúng mở cửa thành cho quân Mông-cổ vào. Hôm đó là ngày 16 tháng 2 năm 1220.

Thành-cát Tư-hãn và Đà Lôi phi ngựa đến tòa nhà vĩ đại, rực rỡ nhất thành phố. Ông tưởng đâu là cung điện của vua chúa. Hỏi ra mới biết đó là giáo đường Hồi-giáo. Ông ra lệnh cho các giáo sĩ tập trung tín đồ lại trong giáo đường rồi ban lệnh:

"Ta là con của Allah. Allah trao các người cho ta. Vì các người đầy tội lỗi. Hiện quân ta đang thiếu lương. Ngựa đang đói. Các người hãy mở kho vựa ra. Những đồ quý giá, hãy để đấy cho quân ta đến lấy. Của chôn dưới đất phải đào lên đem nộp".

Nhưng quân Mông-cổ đã phá kho, ăn uống ồn ào. Chúng bắt ca nhi múa hát mua vui cho chúng. Các nhà quyền quý, giáo sĩ đều phải chăn ngựa. Những rương đựng kinnh Coran chạm trổ tinh vi bị lấy làm máng cỏ. Kinh sách bị vứt đầy đường.

Trong khi đó tàn binh ngoài thành, cũng như binh sĩ ở các cơ sở hậu tuyến bất khuất, bắt đầu kháng chiến. Binh Mông-cổ áp dụng chính sách khủng bố: Khu nào có kháng chiến, thì bắt giáo sĩ, quý tộc, trai tráng đi trước hứng tên. Sau khi chiếm được thì giết tuyệt, bất kể dân chúng hay quân sĩ.

Thành-cát Tư-hãn bắt dân chúng phá hủy các tường thành, lấp các hào. Mọi việc hoàn tất, ông để lại ba Bách-phu, tiếp tục tảo thanh, đốc thúc các nhà quý tộc nộp lương thảo. Bao nhiêu trai trẻ bắt đem theo, làm bia tiến đánh thủ đô Samarkande, cùng truy tầm Mahommed Theo sử gia Ba-tư Fadl Allah Rasit ud-Din thì:

" Tất cả cư dân thành Boukhara còn sống sót đều trở thành điên khùng, mất trí".

Tàn phá thủ đô Samarkande Giữa lúc đó thì binh đoàn Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài đã hạ được thành Ottar. Thống đốc Inaltchik rút vào thành nội, thủ được thêm một tháng nữa. Lúc thành nội bị hạ, ông leo lên thượng lâu, bắn hết tên, thì cậy ngói ném xuống. Quân Mông-cổ được lệnh phải bắt sống ông. Chúng dùng chất nổ phá sập lầu. Ông bị lôi ra khỏi đám gạch vụn, giải đến bản doanh Thành-cát Tư-hãn. Nếu Thánh-cát Tư-hãn thâm nhiễm văn hóa của tộc Hoa, ắt ông được đối xử tử tế, vì ông chỉ là người thừa hành chỉ dụ của đấng Quân-phụ. Ngưới ta nấu bạc chảy ra, rồi đổ vào mắt, vào tai ông. Ông vẫn không chết. Ngưới ta tiếp tục hành hạ ông làm trò vui cho quân sĩ, ông chết vì kiệt lực.

Tại miền Đông, Triết Biệt, Truật Xích đã đánh tan các đạo quân tiếp viện, chiếm các thành, rồi tiến quân về Samarkande.

Samarkande là kinh đô một đế quốc lớn, cư dân trên dưới nửa triệu, thành cao, hào sâu. Quân phòng thủ trên mười vạn, rất thiện chiến. Thành-cát Tư-hãn đích thân chỉ huy công phá. Ông dành ra ba ngày đi quan sát quanh thành: Thành kiên cố muốn hơn Yên-kinh, nơi mà ông phải bao vây mấy năm mới hạ được, cũng là nơi ông bị thương hút mất mạng. Chưa biết phải đánh cách nào, thì tù binh tiết lộ: Mohammed không có mặt ở Samarkande. Ông suy nghĩ:

"Đế quốc Kwharesm quá rộng, có tơí 12 sắc dân sống dưới quyền 12 vị vua, lãnh thổ rộng mênh mông. Dân số, quân lính đông không kể siết. Nếu để Mohammed kịp thời ban chỉ cho các chư hầu dấy quân cần vương, thì toàn quân Mông-cổ sẽ bị nghiền nát. Vậy phải tách Mohamed ra khỏi dân chúng. Lại làm cho Mahomed kinh hoàng, không có thời cơ ban chỉ tập hợp quân sĩ".

Ông gọi ba viên tướng thân tín. Một là Tốc Bất Đài, mưu lược. Hai là Triết Biệt, giỏi hành quân thần tốc. Ba là phò mã Tê Mô Gu, người thân tín nhất. Trao cho mỗi người một vạn phu Lôi-kỵ. Ban chỉ:

"...Ta trao cho các người nhiệm vụ: Đuổi bắt Mohamed. Khi chưa bắt được y thì không được trở về. Hãy đuổi y khắp lãnh thổ. Nơi nào đầu hàng, thì không được đụng đến tài sản, nhân mạng của dân ».

Lại ban một tờ đại cáo với dân chúng:

"Mohamed phạm tội với ta, tức là phạm tội với Allah. Nay ta trao cho tướng Tốc Bất Đài bắt y. Chư hầu, quan lại, quý tộc, giáo sĩ, dân chúng vô can. Tốc Bất Đài toàn quyền hành động trên giải đất từ nơi mặt trời mọc, tới vùng mặt trời lặn".

Ba tướng lên đường, thế như chẻ tre. Có một thành, đã đầu hàng Triết Biệt, thế mà khi phò mã Tê Mô Gu kéo quân qua còn cướp phá. Lập tức Thành-cát Tư-hãn cách chức xuống làm một Lôi-kỵ. Tin này đồn ra, quân đội răm rắp giữ kỷ luật, dân chúng tin tưởng.

Bấy giờ Đại-đế Maommed đang ở Balk, thuộc lãnh thổ Afghanistan, tin tức đưa đến:

« Ba Vạn-phu qua sông Amou Daria, xuống miền Nam. Họ không tàn sát, cướp bóc, chỉ bắt dân chúng cung ứng lương thảo. Họ tuyên bố chỉ muốn bắt hoàng đế ».

Mohamed kinh hoàng, bỏ chạy về thành phố Khoressan ở miền Tây. Vừa tơí đây, nhà vua được tin Samarkande thất thủ do dân chúng nổi loạn.

" Đạo binh trấn thủ mở một đường máu ra ngoài quyết chiến. Nhưng bị đánh chặn, chết nhiều quá, lại phải rút vào thành. Bọn quan lại, quý tộc, giáo chủ muốn mở cửa đầu hàng. Họ nói với dân chúng: Samarkande là một nước độc lập. Bẩy năm trước đây, vua của chúng ta là Osman bị Mahommed đuổi ra khỏi thành, rồi giết chết. Tại Tây Liêu chính Thánh-cát Tư-hãn cho mở lại các đền thờ, che chở cho giáo chúng Hồi giáo. Cuộc nội loạn nổ ra. Ba mươi ngàn quân Thổ mở cửa thành xin hàng. Số quân trung kiên rút vào thành nội đó là ngày 22-3-1220. Ngay hôm đó, quân Mông-cổ phá hủy thành ngoài, lấp chiến hào. Hơn 5 vạn dân Hồi-giáo được đãi ngộ. Dân khác bị lùa ra ngoài cánh đồng, lọc lấy 3 vạn thợ, nghệ sĩ. Còn lại, thanh niên thì cho nhập ngũ, bị bắt đi làm lao binh, làm bia đỡ tên đánh các thành khác. Họ xua dân tấn công thành nội. Ba ngày sau thành nội thất thủ. Tất cả dân chúng, quân đội đều bị giết sạch. Thành nội bị san bằng".

Mohamed bỏ chạy về thành Mecv. Dân Hồi-giáo thành Mecv rục rịch bắt ông trao cho Mông-cổ. Hoảng kinh, ông bỏ chạy xuống Nichapour. Trong khi đó đạo quân của Tốc Bất Đài, Triết Biệt vẫn theo sát Mohamed. Các thành đều mở rộng cửa cho quân Mông-cổ đi qua, cung cấp lương thảo đầy đủ. Hai thành Hérat, Mecv đều tiếp đón giặc linh đình. Đại-đế bỏ chạy về hướng Tây, qua sa mạc, qua Irak Persan, Irak Adchéni, tơí Mésopotamie. Tốc Bất Đài, Triết Biệt theo sát Mohamed, hai người bắt được Thái-hậu, Hoàng-hậu, cung tần, khám phá ra kho vàng của Mohammed. Cuối cùng Mohammed chạy ra bờ biển Caspienne, xuống thuyền ra khơi. Đến đây quân Mông-cổ lạc dấu Mohamed.

Sau đó hơn hai năm, vào ngày 13 tháng 12 năm 1922, Mohammed băng hà trên một hòn đảo nhỏ, nằm cô lập ở giữa biển. Trên người ông chỉ còn một bộ y phục rách tả tơi.

Thành-cát Tư-hãn cùng bốn vương tử tiếp tục bình định Kwharesm. Ông dùng vua chư hầu cũ, hậu đãi bọn giáo sĩ, thiết lập một hệ thống cai trị. Trong khi đó, ông sai Tốc Bất Đài, Triết Biệt tiếp tục cuộc thám thính về phương Tây cho đến tận chân trời, nơi mặt trời lặn. Cuộc thám thính này sẽ mở đầu cho cuộc chinh phục các nước Âu-châu của con cháu Thành-cát Tư-hãn, thiết lập hệ thống Kim-trướng, cai trị đến mấy trăm năm.

Thám sát Âu châu, đánh Nga Phía Tây Bắc của Kwharesm là đế quốc Géorgie, do nữ hoàng Koussoudane cai trị. Géorgie nằm giữa đồng lầy biển Caspienne và rặng núi Caucase. Tốc Bất Đài, Triết Biệt xua ba binh đoàn đánh Azerbeijan, Kourdistan, tàn phá hai xứ này rồi vào Géorgie. Đây là đế quốc theo đạo Thiên-chúa. Bấy giờ, chiến tranh giữa Hồi-giáo và Thiên-chúa giáo chưa chấm dứt. Quân lực Géorgie rất hùng hậu, đang chuẩn bị thánh chiến Thập-tự quân. Khi Mông-cổ nhập lãnh thổ, quân Géorgie phản ứng rất mau. Quân sĩ dàn ra chờ đợi. Quân hai bên giao chiến một trận khủng khiếp, bất phân thắng bại. Các tướng Géorgie thấy kỳ hiệu Mông-cổ có hình chim ưng bay, họ lầm tưởng đó là thánh giá nằm ngang, bèn cho là đội quân của nước theo đạo Chúa. Sau khi đánh một trận, hai tướng Mông-cổ không có thời gian tàn sát dân chúng, mà dẫn quân vượt rặng Caucase với biết bao nhiêu khó khăn như vượt qua Pamir. Nào tuyết phủ, nào những sườn núi dốc thẳng. Khi họ vừa đổ đồi, vào thung lũng Terke thì một đạo hùng binh đàn sẵn đang chờ đợi. Y hệt hồi đánh Đại-uyển.

Phía bên kia rặng Caucase là nơi tập trung những dân sơn cước, những dân sống lều trại như Mông-cổ. Họ từng nghe Mông-cổ đi đến đâu là cướp phá, tàn sát đến đó. Bây giờ Mông-cổ nhập lãnh thổ họ. Họ tập trung lại, chống xâm lăng. Đó là những bộ tộc Tcherkesse, Lesghine, A lain, Komane. Kinh khủng nhất là bọn Komane, lãnh thổ Komane nằm sát với vùng Thảo-nguyên. Bảo họ thuộc giống da trắng, thuộc Âu cũng phải. Bảo họ thuộc giống da vàng Thảo-nguyên cũng phải. Giống dân này sống trong vùn Caspienne tới sông Danube, chúng rất hung dữ, thích chém giết.

Tốc Bất Đài thấy quân mình kiệt sức, mà bây giờ phải đối phó với đội quân thiện chiến, đông gấp bội, thì không thể nào đương nổi! Ông ta cử sứ giả mang châu báu tới thuyết phục Đại-hãn cũa Koman:

" Chúng ta đều là dân sống lều trại trên vùng tuyết phủ. Chúng ta vốn đồng chủng. Chúng tôi mạnh, thì các bạn cũng mạnh. Chúng tôi bại thì các bạn yếu đi. Tại sao các bạn lại đi theo bọn mắt xanh, tóc hung đánh chúng tôi? Đánh chúng tôi thì các bạn được gì? Hãy liên binh với chúng tôi, chúng ta cùng nhau chia sẻ những gì chúng tôi có".

Khả-hãn Komane nghe hợp lý, nhận lễ vật, rồi rút quân về đoàn trại mình. Trút được gáng nặng, Tốc Bất Đài tấn công bọn binh sơn cước. Sau khi giết hết bọn lãnh chúa, Tốc Bất Đài thu dụng bọn tù binh làm quân mình, rồi đuổi theo đánh bọn Komane, đoạt lại lễ vật.

Để trừ hậu hoạn, Tốc Bất Đài dẫn quân tiêu diệt hết các bộ tộc Komane. Dân Komane kinh sợ vội vã kéo nhau chạy về phương Tây. Quân Mông-cổ đuổi theo sát nút, qua sông Don, theo duyên hải biển Azov. Đâu đâu Tốc Bất Đài cũng thấy đất đai phì nhiêu, cây cỏ xanh tươi. Đuổi tơí bán đảo Crimée, dừng lại ở thành Génois. Phá thành Génois rồi, hai tướng Mông-cổ tiếp tục đi về phía Tây, vươt sông Dnieper, tơí sông Dniester. Hai tướng lưỡng lự không biết có nên ruổi ngựa nữa không? Phía Bắc của họ bấy giờ là nước Nga, phía Tây Bắc là Ba-lan, Hungarie, phía Nam là đế quốc Byzantin.

Hơn một vạn gia đình Komane xin vào tỵ nạn tại Byzantin, họ tâu lên hoàng đế nước này về một bọn qủy sứ, hung tợn sắp đến tàn phá. Nhà vua từng nghe nói đến quân Mông-cổ. Bây giờ chúng đang ngấp nghe tại Bắc thùy. Toàn đế quốc báo động. Nhưng Tốc Bất Đài, Triết Biệt biết quân số mình có ba vạn, hao hụt trong các trận đánh quá nửa, tuy bổ xung, nhưng toàn người xứ khác, không phải gốc Mông-cổ. Hai viên tướng dừng quân lại, qua mùa Đông tại Hắc-hải nghỉ ngơi, và huấn luyện bọn binh mới tuyển từ các đội sơn cước Tcherkesse, Lesghine, Alain, Komane.

Sang Xuân, đoàn quân Mông-cổ hướng lên Bắc tấn công vào lãnh địa Nga. Trước đây Thái-tử Nga là Mistislav de Haliez, cưới con gái Khả-hãn Komane, mục đích dựa vào bộ tộc hung bạo này bảo vệ biên thùy phía Đông. Ông thành công. Thình lình cuối Đông năm trước, Đại-hãn Komane dẫn bộ tộc vào nước Nga xin tỵ nạn. Khả-hãn dâng một số báu vật lên Thái-tử, xin Thái-tử ra quân, đuổi bọn xâm lăng hung dữ như quỷ sứ, từ phuông Đông lại, bắt Komane thần phục.

Mistislav triệu tập các vua chư hầu Nga tại Kiev, để chuẩn bị ra quân. Các chư hầu Kiev, Koursk, Smolennk, Volhynie, Haliez tuân chỉ, kéo quân tới vùng Bắc-hải. Họ cũng tập trung thủy quân trên sông Dnieper, Dniester. Thêm vào đó quân của bộ tộc Komane.

Trận chiến mở màn. Liên quân Nga đông gấp 5 lần quân Mông-cổ. Nếu kể cả thủy quân, thì đông gấp 7. Suốt chín ngày giao chiến, quân Mông-cổ chỉ đánh lấy lệ, rồi bỏ chạy. Liên quân Nga-Komane, để một số quân ở lại trấn hậu cứ. Chỉ có 8 vạn quân kỵ đuổi theo. Tới sông Kalka, quân Mông-cổ ngừng lại, rồi thình lình tấn công vào cánh quân Komane. Sau nửa ngày ác chiến, quân Komane bị diệt. Bấy giờ quân Mông-cổ mới đánh vào quân Nga. Toàn bộ quân Nga tan vỡ, Mistislav đem tàn quân còn lại không quá 1/10, xuống chiến thuyền bỏ chạy. Tốc Bất Đài xua quân chiếm lãnh thổ Mistislav, hơn vạn quân trừ bị của Mistislav bị giết sạch.

Nhưng Tốc Bất Đài, Triết Biệt chỉ có nhiệm vụ thám sát lãnh thổ phương Tây Kwharesm, chứ không có nhiệm vụ chinh phục nước Nga. Bằng không, nhân lúc đại quân Nga tan nát, có thể chiếm nước này dễ dàng. Trận đánh thực thảm khốc. Trong trận này, có 6 vua chư hầu, 70 vị quý tộc bị giết.

Vài lời bình luận Tốc Bất Đài, Triết Biệt dẫn quân về đại bản doanh Thành-cát Tư-hãn. Đại đế cùng bộ Tổng-tham mưu phải dành ra 10 ngày để nghe hai viên tướng phúc trình về chuyến thám sát phương Tây của mình. Thành-cát Tư-hãn vạch ra kế hoạch chinh phục hết các nước Trung-Đông và châu Âu, rồi ông ban chỉ khải hoàn. Bộ Thành-cát Tư-hãn chinh Tây khảo lược thuật rất chi tiết phúc trình của Tốc Bất Đài về tổ chức chính trị, quân sự, tài nguyên của các nước mà ông ta từng đi đánh phá. Kế hoạch Thành-cát Tư-hãn vạch ra cho con cháu trong 100 năm sau để chinh phục Trung-Đông, châu Âu. Phần này quá chuyên môn về quân sự, lại dài giòng, nên tôi bỏ qua.

Sau đó, Thành-cát Tư-hãn ban chỉ khải hoàn. Trên đường về, ông hạ lệnh tấn công Tây-hạ, đó là năm 1227, rồi ông băng hà giữa lúc Tây-hạ đầu hàng.

Sau khi Thành-cát Tư-hãn băng hà, con cháu ông tiếp tục thi hành di chỉ, chinh phục châu Âu, Bắc-phi, Trung Đông, thiết lập hệ thống cai trị đến mấy trăm năm. Sẽ tường thuật trong bộ Anh-hùng Đông-A, Gươm thiêng Hàm-tử.

Quân Mông-cổ hùng mạnh là như vậy. Các tướng chỉ huy đánh sang Đại-Việt năm 1258 gồm Ngột-lương Hợp-thai, Triệt Triệt Đô, A Tan, A Truật, phò mã Hoài Đô. Đây là những kiện tướng từng dự chiến dịch Kwharesm, thám thính châu Âu, thắng Nga. Quân số lên tới 5 vạn Lôi-kỵ và 5 vạn quân Đại-lý. Vậy mà bị quân dân đời Trần đánh bại. Các anh hùng thời Đông-a đã dùng vũ khí gì? Mưu kế gì mà thắng Mông-cổ oanh liệt như vậy?

Tôi chỉ là người thuật chuyện tổ tiên ta, mà không có tài về quân sự, nên không thể đưa ra lời nhận xét rằng tại sao Đại-Việt thắng, Mông-cổ bại. Dưới đây tôi xin tóm lược ý chính của bộ Nguyên-triều chinh tiễu An-Nam khảo bị, về cuộc xâm lăng lần đầu của Mông-cổ 1258:

"...- Các nước khác, chỉ cần đánh tan chủ lực của triều đình thì coi như xong. An-Nam thì không thế, dân chúng sống chết với triều đình. Triều Trần là triều đại được lòng dân, lại biết lấy dân làm gốc trong việc giữ nước. Xét lời Hưng-Đạo vương "Coi dân như con đẻ" thì đủ biết.Mỗi làng, mỗi ấp là một thành trì. Nên dù triều Trần rút khỏi Thăng-long, mà Mông-cổ không thể chiếm hết các thôn ấp, nên sức mạnh của An-Nam còn nguyên.

- Dân chúng các nước khác không biết rõ cái họa Mông-cổ. Triều Trần đã làm cho dân của họ thấy rõ, biết kỹ cái họa diệt tộc khi hàng Mông-cổ. Tóm lại họ biết khích động lòng yêu nước của dân. Giỏi trong việc thông tin.

- Quân Mông-cổ đánh Trung-Đông, châu Âu, họ không cần lương. Đánh đến đâu họ dùng khủng bố, bắt dân phải cung ứng lương thảo. Vì thế Ngột-lương Hợp-thai cũng mang theo 20 ngày lương. Nhưng sau đó thì không thể bắt dân Việt nộp lương. Chính vì vậy mà Mông-cổ thất bại.

- Tốc Bất Đài, Triết Biệt chỉ cần 3 vạn quân mà đuổi Mohammed với 40 vạn hùng binh, khắp lãnh thổ Kwharesm. Trong cuộc săn đuổi này có cả Ngột-lương Hợp-thai. Thế mà Ngột-lương Hợp-thai không đuổi theo được vua Trần. Chỉ vì vua Trần biến cả nước là thành, toàn dân là quân.

- Về người chỉ đạo chiến tranh. Họ đặt toàn dân trong việc giữ nước. Hoàng đế Mahommed cũng như quân vùng Caucase, đều biết trước quân Mông-cổ tới, rồi dàn trận dùng sức mạnh đánh nhau, vì vậy mà bị bại. Nếu Hưng-Đạo vương chỉ đạo mặt trận Fergana, Caucase, thì ông không ngần ngại gì mà trải mấy nghìn quân thành hằng mấy trăm toán nhỏ, phục trên các triền núi, lăn đá cản trở cuộc chuyển quân của Mông-cổ, thì liệu Tốc Bất Đài, Triết Biết có đưa quân qua núi được không? "


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-50)


<