Vay nóng Tima

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 51

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 51: Đại Hội Bình Than
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Shopee

Nói rồi Quốc Kiện phát chiêu Phong đáo sơn đầu , chân từ Càn vị bước sang Trấn vị. Người đàn ông cũng phát chiêu Phong đáo sơn đầu , từ Trấn vị biến sang Đoài vị.

Quốc Toản kinh ngạc:

– Như vậy ông họ Trần?

– Dĩ nhiên tôi họ Trần.

Người đàn ông hỏi Quốc Toản:

– Thiếu gia cho rằng vợ tôi đẹp hơn Ngọc Hoa, như vậy vợ tôi đẹp nhất thế gian ư?

– Không! Bà đẹp hơn mẹ tôi thôi. Tuy bà đẹp, nhưng theo kiến thức hủ lậu của tôi thì bà còn thua một người!

Người đàn bà ngừng hát hỏi:

– Người đó là ai vậy?

– Là phu nhân của Quốc công Tạ Quốc Ninh!

– Có phải khuê danh của phu nhân là Lê Thị Phương Dung không?

– Đúng!

– Thiếu gia nói đúng, bà đẹp hơn tôi nhiều. Hát hay hơn tôi nhiều.

– Bà cũng biết phu nhân Hoàng Liên ư?

– Biết chứ! Nhưng bà không phải là người đẹp nhất thế gian. Người đẹp nhất thế gian là một thiếu nữ tên Hằng Nga.

– Hằng Nga là truyện truyền kỳ. Không có thực. Sắc đẹp của Hằng Nga là sắc đẹp tưởng tượng. Đã ai thấy Hằng Nga đâu?

– Hằng Nga giáng sinh đã 15 năm rồi. Kể ra thiếu gia cũng có cơ duyên biết được nhiều người đẹp đấy. Lát nữa tôi cho thiếu gia gặp Hằng Nga. Cao danh quý tính của thiếu gia là gì?

– Đố bà biết đấy?

Người đàn bà suy nghĩ một lát, liếc nhìn thanh kiếm Trấn Bắc rồi reo lên:

– À tôi biết tên thiếu gia rồi! Tôi cũng biết tên thân phụ thiếu gia, biết tên thân mẫu thiếu gia nữa! Biết về thiếu gia nhiều lắm.

– Bà nói ra được tên của tôi, tên của bố mẹ tôi, thì tôi phục bà vô cùng. Tôi sẽ gọi bà là chị.

– Thiếu gia họ Trần tên Quốc Toản, tuớc phong Hoài Văn hầu. Thiếu gia mới được phong Trấn Bắc đại tướng quân. Thân phụ của thiếu gia họ Trần tên Nhật Duy, con trai trưởng của đức Thái tông, tước phong Vũ Uy vương. Thân mẫu của thiếu gia họ Trần tên Ý Ninh. Cả hai vị hiện làm vua một vùng rộng lớn vô cùng của Mông cổ.

Quốc Toản giật bắn người lên:

– Bà có tài thông thiên, nên biết quá nhiều về tôi. À, có thể bà là người thân của mẹ tôi cũng nên!

Thiếu phụ chỉ vào thanh kiếm Trấn Bắc:

– Tôi không có tài thông thiên đâu! Tôi thấy thanh kiếm Trấn Bắc thì biết tên chủ nhân của nó! Biết tên chủ nó thì biết lý lịch chủ nó, có khó gì đâu?

– Tôi thua cuộc rồi! Tôi phải gọi bà là chị. Thưa chị ạ!

– Chị là thế nào? Phải gọi là mẹ.

– Năm nay tôi 16 tuổi rồi. Trông mặt bà, tôi đoán bà chỉ 19 hay 20 tuổi, thì bà làm mẹ tôi sao được?

– Chả cần thua cuộc, thiếu gia cũng phải gọi tôi là mẹ.

– Bà đẹp thì đẹp thực, nhưng bà đòi làm mẹ tôi thì hơi quá đáng. Bà nói cứ như là hoàng thái hậu vậy! Lý của bà ra sao nào?

– Tôi đã sống cùng song thân thiếu gia một thời gian dài. Tôi gọi ông bà là anh, chị. Chính ông bà gả chồng cho tôi. Xây dựng sự nghiệp cho tôi!

–!?!?!?

– Khi tôi sinh con gái, vương phi Ý Ninh gửi thư nói rằng phi đã sinh con trai. Phi muốn đính ước con gái tôi với con trai của phi. Như vậy thiếu gia phải quỳ gối bái kiến nhạc phụ, nhạc mẫu đi chứ? Nói theo tiếng bình dân tôi là mẹ vợ của thiếu gia. Mẹ đẻ, mẹ vợ cũng là mẹ.

Quốc Toản thấy bà ta nói năng ngọt ngào quá, hầu cãi:

– Bà trẻ thế này mà nói rằng có con gái gả cho tôi. Cứ cho rằng 17 tuổi bà lấy chồng, thì 18 tuổi bà có con. Vậy năm nay con bà bất quá 2-3 tuổi là cùng. Tôi phải chờ 14-15 năm nữa mới cưới vợ ư? Chắc tôi phải mượn bốn, năm bà vú nuôi cho vợ lớn lên rồi cưới. Hơi lâu đấy.

Hầu xua tay:

– Tôi không tin bà là người cũ của cha mẹ tôi. Dù sao tôi cũng phải cẩn thận. Đâu con gái bà đâu? Tôi chưa thấy con gái bà mà đã khấu đầu thì vô duyên quá!

Hầu chỉ vào Ngọc Hoa:

– Huống hồ tôi có người bạn gái thanh mai, trúc mã từ hồi thơ ấu. Chúng tôi chưa đính ước, nhưng đã cùng nhau chiến đấu trong nhiều trận sinh tử. Tình nghĩa thâm trọng, khác chi vợ chồng. Chúng tôi chờ lệnh bà nội tôi, bố mẹ tôi rồi làm đám cưới!

Hầu cười:

– Về việc mẹ tôi đính ước.Tôi có nghe mẹ tôi nhắc truyện này nhiều lần. Nhưng liệu bà có phải là bạn của mẹ tôi không? Tôi hỏi bà, thế bà có biết các chú Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành, Địa Lô không?

Nghe Quốc Toản hỏi mặt thiếu phụ thoát ửng hồng, rồi bà nói bằng giọng ngọt ngào:

– Dĩ Nhiên tôi biết, Dã Tượng tên là Trần Quốc Kinh, Yết Kiêu tên là Trần Quốc Vỹ.

Chợt động tâm tư, Quốc Toản la lớn:

– Ái chà! Tôi cũng biết ông bà là ai rồi. Biết rất kỹ. Tôi biết cả phụ thân của ông, biết song thân của bà. Biết truyện kín bà dấu trong tâm tư 26 năm nữa.Trời ơi nếu đúng thế thì năm nay bà 42 tuổi rồi, mà trông cứ như là 19-20 tuổi vậy. Bộ bà thành tiên rồi hay sao mà trẻ mãi không già?

– Thiếu gia là thầy bói hẳn?

Quốc Toản chắp tay hành lễ:

– Cô Thanh Nga, chú Ngột A Đa. Cháu là Quốc Toản xin tham kiến chú thím. Ông nội Trần Tử An hiện đang ở ấp Hàm tử của cháu. Ông trở thành ông nội của dân trong ấp. Ông nhắc đến cô chú hoài. Cháu nghe cô chú về trấn ở Đông Bắc cương với Hưng Ninh vương. Sao cô chú lại có mặt ở đây?

Quốc Toản lại chắp tay hành lễ:

– Vì sợ gian tế, nên từ nãy đến giờ cháu có lời lẽ bất kính. Xin cô chú đại xá cho. Với lại gương mặt cô trẻ quá! Quá trẻ nên cháu mới thắc mắc.

Ngột A Đa nói:

– Chú nhận được lệnh của Hưng Đạo vương triệu hồi về Bình than, đại hội bàn kế sách chống Mông cổ. Trên đường đi, chú ghé thăm nàng Tô thị. Không ngờ gặp cháu.

Quốc Toản từng nghe bố mẹ kể về mối diễm tình của Thanh Nga với Dã Tượng. Hầu cũng từng nghe thân mẫu đính ước con gái của Thanh Nga với hầu. Từ khi về Đại việt, hầu không được tin gì về Thanh Nga. Hầu nghĩ thầm:

– Hỏng bét rồi! Một lời cha mẹ đính ước như đinh đóng cột. Bố mẹ mình đã đính ước với chú Ngột A Đa, cô Thanh Nga cho mình kết hôn với con gái cô. Thế mà bây giờ mình vừa thoát nạn ba cô Phương, đã bén rễ sâu sa với Ngọc Hoa. Làm sao bây giờ? Không biết con cô Thanh Nga có đẹp không? Có học văn, luyện võ không? Dù sao mình cũng không thể xa Ngọc Hoa.

Ngọc Hoa đứng cạnh, nghe đối đáp giữa Quốc Toản với Thanh Nga mà lòng hồi hộp, nóng như lửa dốt:

– Mình từng nghe nói Vũ Uy vương phi đã đính ước con gái một người bạn của phi cho anh Quốc Toản. Người bạn đó là một vương phi phó Tể tướng Mông cổ. Mình cứ cho rằng truyện này xa xôi quá. Không ngờ bây giờ lại hiển hiện ra đây.

Quốc Toản nhìn Thanh Nga, tự nhiên hầu muốn trêu:

– Kỳ này về họp cô sẽ gặp lại cố nhân. Cố nhân đã có vợ đẹp, võ công vô địch, mà lòng còn tưởng nhớ cô. 26 năm rồi còn gì! Vợ cố nhân là bản sư của cháu. Để cháu hát cho cô nghe một bài nhé. Người sáng tác bài này là một con voi đồng quê. Khi ông ta qua quán Thiên thư ở Gia lâm, tưởng nhớ người tình cũ, khóc chảy máu mắt.

Hầu cất tiếng hát theo điệu Xẩm. Thanh Nga kéo nhị, A Đa đánh trống mảnh:

Thương em, lệ nhỏ đôi hàng,
Công anh dan díu với nàng bấy lâu.
Bây giờ nàng lấy chồng đâu?
Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng.
Năm trăm anh hóa cho nàng,
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai?

Gặp anh ghé nón chạm vai chẳng chào?

Mặt Thanh Nga tái xanh, bà đánh sẽ vào vai Quốc Toản:

– Vừa thôi nhé. Dám nói móc mẹ. Con gái mẹ, nó là vợ con đấy. Nó cũng ngang tuổi với con. Nó đẹp hơn mẹ nhiều. Coi chừng con gặp nó rồi mê nó, mẹ sẽ bảo nó hành cho thấy trời xanh, trời vàng!

– Hành bằng cô hành con voi đồng quê khi xưa không?

Có một thiếu nữ từ dưới leo lên, thoát nhìn, Quốc Toản muốn bủn rủn chân tay. Tuổi cô khoảng 15-16. Sắc mặt tươi hồng, mái tóc óng mượt bỏ xõa xuống ngang vai. Đôi mắt to đen nhu mì. Lưng tròn như lưng ong, ngực nở. Mỗi bước đi của nàng như vạn đóa hoa nở. Không phải mình Quốc Toản choáng váng, mà cả An Tư, Ngọc Hoa, Nang Tiên là những giai nhân mà cũng không kiềm chế được, cũng bật lên tiếng:

– Ai chà!

– Ôi tiên.

– Đẹp quá.

Thiếu nữ đến trước Thanh Nga nói:

– Mẹ ơi! Cửa hàng dưới chân núi không có trái cây tươi. Họ bảo phải vào phố chợ mới có.

Thiếu nữ đưa mắt nhìn mọi người, như muốn hỏi mẹ đó là ai? Thanh Nga chỉ Quốc Toản:

– Người này là anh Quốc Toản, chồng của con đấy! Mẹ thường nhắc nhở rằng con có chồng rồi! Con chào anh đi.

Nghe mẹ nói, nếu là thiếu nữ Việt, thì sẽ xấu hổ, e thẹn. Có khi ù té chạy trốn. Nhưng thiếu nữ nhoẻn một nụ cười muốn nghiêng thành đổ núi:

– Em là Như Vân kính chào anh ạ.

Quốc Toản như ngây như dại:

– Em… em… là con của cô Thanh Nga đấy à?

Thanh Nga trả lời thay cho con:

– Gái lớn của mẹ đấy. Mẹ gọi nó là Hằng Nga. Ngày trước thân mẫu con với mẹ thân nhau lắm. Hai người đã đính ước cho con với nó thành vợ chồng. Con thấy nó có đẹp không? Hai con thân thiện với nhau đi.

Thời bấy giờ, phong tục triều Trần tương đối thoáng, nhưng trai gái, dù là anh em khi gặp nhau thì cũng chỉ chắp tay xá nhau thôi. Ngược lại phong tục Mông cổ thì hai tay nắm lấy nhau. Nghe mẹ ra lệnh, Như Vân tiến tới nắm lấy hai tay Quốc Toản. Mặt đối mặt, Quốc Toản run run:

– Em ở ngoại quốc mà cũng nói tiếng Việt giỏi quá nhỉ.

Như Vân cười tươi như Hoa:

– Mẹ nói, anh cũng sinh ra ở Trường sa, thế mà anh cũng nói tiếng Việt như em vậy. Tiếng mẹ đẻ mà.

Giọng nàng lơ lớ giống Nang Tiên, Ngọc Hoa.

Quốc Toản đi một vòng giới thiệu.

Ngọc Hoa từng nghe Quốc Toản nói: vương phi Ý Ninh đã đính ước với con gái của phó Tể tướng Mông cổ cho hầu. Nhưng không biết hiện nàng ở đâu. Bây giờ thấy Như Vân quá đẹp, quá nhu mì, muôn ngàn lần nàng không bằng. Nàng cảm thấy trời đất như sụp đổ.

Chiều hôm đó, Hưng Hiếu vương, Quốc Toản, Quốc Kiện cùng ngồi nghe Ngột A Đa, Thanh Nga kể về cuộc chiến đấu giữa lực lượng Mông cổ của A Lý Bất Ca với lực lượng Mông cổ của Hốt Tất Liệt. Cuối cùng vương kết luận:

– Chúng tôi bại vì quân ít thế cô. Bọn Hốt Tất Liệt thắng vì quân số của chúng đông gấp 5 gấp 6 tôi. Bây giờ Hốt Tất Liệt đem thân vương sang làm Tây tạng vương. Phế bỏ triều đình Tây tạng. Còn Đại lý thì cũng phong cho một thân vương làm Vân nam vương. Thế là Tây tạng, Đại lý không còn nữa. Nếu mai này triều đình Đại việt chịu cho Hốt Tất Liệt đặt Tuyên phủ ty, dần dần y sẽ phong cho một thân vương làm An nam vương, rồi đổi An nam thành Giao chỉ không chừng.

Thanh Nga tuy là một ca nhi nức tiếng Thăng long, nhưng sau hai mươi mấy năm sống lẫn với người Mông cổ, nàng thâm nhiễm phong tục Thảo nguyên. Thấy từ lúc gặp nhau, Quốc Toản, Như Vân như không rời nhau được một bước. Ngồi cạnh Quốc Toản, nàng kể cho hầu nghe những kỷ niệm của vương phi Ý Ninh với nàng. Nàng kết luận:

– Mẹ chịu ơn bố mẹ con nặng vô cùng. Khi mẹ Ý Ninh sinh Toản, mẹ cứ ước mẹ con sinh gái, để mẹ gả cho Toản. Rồi mẹ sinh ra Như Vân thực. Mẹ có gả Như Vân cho Toản, mới báo đáp được ân nghĩa thâm sâu của bố mẹ con. Bây giờ gặp Toản đây, mẹ nói cho Toản biết. Mẹ gả Như Vân cho Toản đấy.

Lời Thanh Nga tuy nhỏ, nhưng cũng lọt vào tai Ngọc Hoa, Nang Tiên. Ngọc Hoa muốn nghẹn thở, mắt hoa, đầu váng:

– Thôi rồi! Bà này gả Như Vân cho Quốc Toản thì thân phận mình ra sao? Như Vân đẹp hơn mình nhiều. Quốc Toản với Như Vân là người Việt. Còn mình thì là người vong quốc. Mình bị đánh bại rồi.

Chiều hôm ấy, không có ai bên cạnh, Ngọc Hoa nói sẽ với Quốc Toản:

– Hưng Hiếu vương phi nói: phía bắc thành có một động đá, lại có suối chảy ra rất đẹp. Tối nay, em muốn cùng anh ra đấy nói một chuyện.

Từ hồi gặp Ngọc Hoa tại Hàm tử, trên đường chinh chiến bên Chiêm, mỗi buổi chiều Quốc Toản, Ngọc Hoa thường hẹn hò gặp nhau khi thì bên suối, khi thì mỏm núi, khi thì trên con thuyền; tình tự với nhau. Tuy nhiên hai người đều thuộc loại con dòng cháu giống, được giáo dục cực kỳ chặt chẽ, nên vẫn giữ được trong sạch.

– Được!

Đúng hẹn, Quốc Toản đến động, thì đã thấy Ngọc Hoa nồi bên tảng đá cạnh con suối. Hai người nhìn nhau, cùng im lặng, cùng nhìn nước suối. Khoảng hơn khắc Ngọc Hoa lên tiếng:

– Anh ơi! Chúng mình chơi với nhau suốt mấy năm ở Trường sa. Rồi từ ngày em tìm đến Hàm tử thăm anh. Cả hai như bóng với hình. Biết bao nhiêu tình! Ai cũng nghĩ: chúng mình sẽ thành vợ chồng! Nhưng bây giờ Như Vân xuất hiện. Một lời cha mẹ đã hứa thì không thể coi thường. Truyện này anh định sao?

– Trong trận đánh Đại giáp, gặp lại mẫu thân anh. Người có kể truyện đính ước. Người nghiêm khắc nhắc rằng: nếu anh không thi hành lời hứa của người, thì người sẽ từ anh. Em là người nhiều mưu lắm mẹo, em giải quyết ra sao?

– Quyết định việc này là anh, chứ không phải em!

– Khó quá, chúng mình tuy chưa chăn gối, nhưng tình yêu như nước suối chảy, như mây trời trôi đã mấy năm. Như Vân thì anh chỉ mới gặp chưa có chút tình nào cả! Em vẫn là người anh yêu.

– Võ công anh cao, tài trí anh thực không tầm thường. Nhưng về vấn đề tình cảm, anh không minh mẫn chút nào. Anh không làm chủ được anh. Khi bị ba nàng Phương bao vây, bí qúa anh phải nhờ mẹ Hồng Liên giải quyết. Anh tìm cách đẩy ba nàng cho ba anh của em. Bây giờ chắc anh định tống em cho một người nào, để anh làm chồng Như Vân phải không?

– Anh thề không có ý đó. Ngoài cha mẹ anh, còn bà nội anh. Còn ông cụ Tử An, còn ông bà Ngột A Đa! Bằng ấy người đầy uy quyền, anh khó mà thoát nạn!

Ngọc Hoa ngả đầu vào vai Quốc Toản:

– Bị anh xua đuổi! Trước ngày lấy chồng, ba nàng Phương, người thì thay quần áo cho anh. Người thì cắn môi anh, người thì cắn vai anh. Người thì định đâng đời con gái cho anh. Em thì em không làm thế đâu!

Quốc Toản giật mình:

– Sao em biết!

– Anh ở cạnh em bao năm, thì anh phải biết con bé này đâu có ngờ nghệch? Tới Hàm tử, chỉ liếc qua, em đã đọc được tâm tư ba nàng. Hôm đó anh vào hậu đường với ba nàng, em theo bén gót nên thấy hết, biết hết.

– Em định làm gì anh? Em cũng cắn anh ư?

– Em sẽ moi quả tim của anh rồi ăn sống! Hoặc cắt cái đầu của anh ném xuống sông Hồng!

Quốc Toản rùng mình, hầu ôm chặt Ngọc Hoa vào lòng. Hai người cùng rung động mãnh liệt. Cả hai lặng đi không ai nói lên lời.

Đâu đó tiếng chim bắt cô trói cột trên núi vọng lại.

***

Hôm sau tất cả khởi hành đi Bình than. Đoàn người của Hưng Hiếu vương hợp lại đi cùng với đoàn của Ngột A Đa. Vì đoàn của Quốc Kiện, Quốc Toản có nhiều tù binh, nên tách ra đi riêng. Như Vân lưỡng lự không biết đi theo bố mẹ hay với Quốc Toản. Ngột A Đa hiểu con gái, vương nói:

– Bố mẹ đi hội. Con theo anh Quốc Toản để biết Thăng long. Mẹ đã quyết gả con cho anh Quốc Toản thì con phải đi với anh ý chứ! Con về Hàm tử sẽ gặp ông nội. Ông nội sẽ chiếu cố cho con.

Tuy bố mẹ Như Vân đều là người Việt, nhưng nàng nhiễm tính tự nhiên của con gái Mông cổ, không một chút e thẹn. Nàng cho ngựa đi song song với Quốc Toản. Còn Ngọc Hoa thì nghĩ:

– Ngột A Đa là phó Tể tướng Mông cổ từng cầm quân đánh Tống, thì là kẻ thù của ta. Bây giờ vợ ông ấy kết thân với vợ chồng Vũ Uy vương, gả con gái cho đại ca Quốc Toản, thì hỡi ơi! Ta còn gì đâu?

Chợt hùng khí bốc lên:

– Ta đường đường là công chúa, cành vàng lá ngọc. Ta lại là người đọc sách. Võ công ta cao. Ta với anh Quốc Toản yêu nhau thì đương nhiên anh là của ta. Như Vân đẹp, kệ nàng. Ta quyết không bỏ Quốc Toản. Ta phải đi với anh. Ta phải là chủ mẫu ấp Hàm tử.

Nghĩ vậy nàng vẫn đeo kiếm ngang nhiên đi cạnh Quốc Toản, coi như không có Như Vân. Suốt dọc đường nàng vẫn tỏ cử chỉ thân ái với Quốc Toản, coi như chỉ có nàng là người tình của hầu.

Về Như Vân, nàng sinh ra là con gái một tước vương Mông cổ, một phó Tể tướng. Nàng được mẹ dậy văn, luyện võ, tập bắn cung, cỡi ngựa. Nàng được mẹ luôn nhắc nhở: nàng sẽ là vợ một đấng anh hùng Đại việt, tước phong Hoài Văn hầu. Thế rồi mấy hôm trước, nàng gặp Quốc Toản. Quốc Toản là đấng tài hoa, phong lưu tiêu sái. Nàng thầm cảm ơn mẹ đã tuyển cho nàng một người chồng quá với ước mơ của nàng. Nhưng suốt mấy ngày qua, nàng thấy cạnh Quốc Toản luôn là Ngọc Hoa, nghe nói là công chúa Tống. Trong con mắt nàng Tống chẳng là cái gì cả. Nàng luôn tự coi mình là vợ Quốc Toản. Tuy nhiên nàng cũng thấy bực mình với Ngọc Hoa.

Khi đoàn người tới Kinh Bắc thì anh em họ Triệu từ biệt Hoài Nhân vương lên Tây Bắc cương phục mệnh Chiêu Văn vương. Ngọc Hoa thản nhiên theo Quốc Toản.

Thế là khi rời Hàm tử đi chỉ có Hoài Nhân, Hoài Văn. Bây giờ về lại thêm Nang Tiên, Như Vân, Ngọc Hoa.

Tới Kinh bắc thì có sứ của triều đình ban chỉ cho Hoài Văn hầu:

“ Đem bọn quốc phạm trao cho quan Hình bộ thượng thư. Di Ái đầy làm Khao giáp binh ở Thiên trường. Bọn tùy tùng làm quân của hiệu binh Văn Thiên Tường“ 

Trao tù binh cho bộ Hình. Quốc Toản, Quốc Kiện trở về thăm ấp Hàm tử. Tính từ lúc ra đi, thoáng một cái đã gần năm, hai người mới trở về.

Nang Tiên cực kỳ thông minh, trong cuộc hành trình từ Lạng sơn về Hàm tử, nàng cảm thấy giữa Ngọc Hoa với Như Vân đang có cuộc chiến, mà Quốc Toản không để ý. Nàng nói riêng với Quốc Kiện:

– Anh biết không? Sắp có chiến tranh giữa Ngọc Hoa với Như Vân đấy!

– Sắp thế nào? Chiến tranh đã diễn ra rồi.

– Em nghĩ anh là người duy nhất có thể giúp Quốc Toản trong vụ này!

– Theo em thì mình phải làm gì?

– Anh với em, thêm cô An Tư, khuyên Ngọc Hoa nên trở về Bắc cương với ba ông anh, rồi ngày tháng sẽ quên anh Quốc Toản.

– Sao em không nghĩ là để Như Vân về với bố mẹ!

– Anh nói! Một lời của cha mẹ đã hứa như đinh đóng cột. Hơn nữa em nghe nói vương phi Vũ Uy ngoài thì nhu, mà thực sự cứng rắn. Anh Quốc Toản không dám trái lời mẹ đâu! Đã vậy, về Hàm tử còn Tuyên cao thái phi, còn Quốc phụ Tử An. Mình phải can thiệp bằng không hai cô sẽ đánh nhau không chừng!

– Anh sẽ nói với bà Hồng Liên, bà có thể khuyên Ngọc Hoa.

Đoàn người về tới Hàm tử. Quốc phụ Trần Tử An gặp Như Vân thì mừng chi siết kể. Như Vân từng nghe bố mẹ nói đến ông nội, bây giờ nàng mới được gặp. Một già mong có cháu, một trẻ mong gặp ông nội. Cả hai quấn lấy nhau. Tuy Như Vân đã 15 tuổi, là một thiếu nữ sắc nước hương trời, mà ông ôm cháu suốt ngày như một trẻ thơ. Thánh mẫu Hồng Liên càng yêu Như Vân hơn. Thấy Như Vân có chỗ dựa là ông nội Tử An, là Hồng Liên; Ngọc Hoa cảm thấy cô đơn vô cùng. Nàng nhủ thầm:

– Nhất định anh Quốc Toản chỉ yêu mình mà thôi.

Trước đây Tuyên cao thái phi, yêu thương Thanh Nga vô cùng tận, vì những công lao nàng lập được. Bây giờ thấy con Thanh Nga sắp thành cháu dâu mình, phi mừng đến nước mắt giàn giụa ra. Bà nói với Quốc Toản:

– Khi con chuyển lời của bố mẹ, từ chối ấp phong. Triều đình hạ chỉ ban ấp phong ấy cho Quốc Kiện. Triều đình ban số ruộng của mẹ con cho An Tư. Vậy Quốc Kiện liệu lên Bắc biên nhận ấp phong thì vừa.

Tuy chưa chính thức làm lễ thành hôn với Quốc Toản, nhưng Như Vân đã được Tuyên cao thái phi trao cho quyền hành như vợ chính thức. Nhờ có cái thế ông nội Tử An, nàng công khai nắm quyền phu nhân Hàm tử. Người người đều tuân theo mệnh lệnh của nàng. Tuy Như Vân nói tiếng Việt không chuẩn, nhưng nàng là người thông minh, xinh đẹp. Từ bé nàng ở bên cạnh bà mẹ là phu nhân Phó tể tướng một đại quốc, nên nàng học được cung cách quán xuyến mọi việc chu đáo. Nàng bổ nhiệm các chức vụ trong phủ: mã phu, bộc phụ, đầu bếp, quyết định lương bổng cho họ. Khi xét đến tài sản Hàm tử, thấy tích lũy nhiều quá. Nàng tự quyết định tăng bổng cho các thầy đồ; tăng bổng cho các chức sắc như Đại tư, Học lễ, Câu đương, Chánh ty. Lại ra lệnh cấp bổng cho học trò nghèo, tăng tiền ăn cho các binh tướng hiệu Hàm tử trong những ngày thao dượt.

Ngọc Hoa cảm thấy như bị đẩy ra ngoài lề cuộc đời. Nhưng nàng tự an ủi:

– Ta cần là cần anh Quốc Toản. Như Vân chỉ mới xuất hiện, sao bằng ta! Ta với anh gần nhau đã trên 10 năm rồi.

Nhưng sắc diện Như Vân quá đẹp, nàng lại đàn ngọt, hát hay, có tài quán xuyến, tề gia, nội trợ, muôn ngàn lần Ngọc Hoa không bằng; lửa ghen bừng bừng bốc dậy, nàng cố nén xuống, nó càng bốc lên. Nhân lúc Quốc Toản đi duyệt binh vắng, nàng vào thư phòng của Như Vân, giữa lúc Như Vân đang phát lương cho tỳ nữ.

– Như Vân! Chị có truyện riêng muốn nói với Như Vân.

Như Vân bực mình, biết Ngọc Hoa muốn nói gì rồi, nhưng nàng vẫn ngọt ngào:

– Em đang bận. Vậy chiều nay mình gặp nhau được không?

– Cũng được. Trên bãi sông có ghế đá, vậy giờ Thân nghe.

– Vâng.

Đúng giờ, Như Vân lững thững ra bờ sông. Nước sông Hồng chảy xiết đỏ như máu. Nàng than:

– Nước chảy qua bao nhiêu vùng trù phú, mang mầu xuống hạ lưu. Hèn gì tôm cá không ngon? Hoa không thơm, trái không ngọt? Triều đình phong vùng này cho anh Toản thì quả là ưu đãi anh quá!

Đã thấy Ngọc Hoa ngồi trên ghế đá. Như Vân ngọt ngào:

– Chị Hoa! Chị có gì muốn nói với em vậy?

– Truyện anh Quốc Toản với chúng mình! Như Vân có biết tại sao chị lại hiện diện nơi đây không?

Như Vân đã đoán ra những gì Ngọc Hoa muốn nói rồi, nhưng thừa hưởng bản tính nhu thuận của mẹ là một ca nhi, nàng nghĩ:

– Ta cần chặn họng cô gái Tống này trước. Nhưng phải ngọt ngào:

– Theo như em nghĩ, chị cũng như ba anh Nhất, Trung, Hòa đều là bạn thanh mai trúc mã của anh Toản. Rồi chẳng may quốc phá gia vong phải kiều ngụ tại Đại việt. Anh Toản nhớ lại tình xưa nghĩa cũ, dựng vợ cho các anh ấy, và mời chị làm quý khách của vùng Hàm tử. Mấy hôm nay, em mới nắm quyền phu nhân, do ông nội em, do Tuyên cao thái phi trao cho; em bận rộn tổ chức nhân sự, nên không có thời giờ để chuyện trò với chị. Mong chị thứ lỗi, xí xái cho, dù sao em cũng nhỏ tuổi hơn chị.

Lúc đầu thấy Như Vân nhỏ tuổi, nói tiếng Việt không chuẩn, Ngọc Hoa cho rằng cô đại tiểu thư này thuộc loại gái Thảo nguyên, chỉ biết văn hóa Thát đát, quá ngây thơ, dễ khống chế. Bây giờ qua câu mở đầu nàng mới tỉnh ngộ:

– Cô này là người có bản lĩnh, chứ không ngây thơ đâu. Cô ta biết rõ mình định nói gì, bàn gì, nên đã chặn họng mình.

Không đừng được, nàng nói thẳng vào đề:

– Từ khi chị với ba người anh tới đây, thì anh Toản, cũng như mọi người xung quanh đều cho rằng chị với anh Toản sẽ thành đôi giai ngẫu. Rồi những ngày chinh chiến trợ Chiêm, chị với anh Toản, tuy chưa chung chăn gối, nhưng đã là vợ chồng. Anh Toản với chị sống như vợ chồng hơn năm qua. Bây giờ Như Vân định sao?

Như Vân muốn nổi tam bành, lục tặc lên, nhưng nàng vẫn ngọt ngào:

– Truyện chị với anh Toản do hai người đi cạnh nhau, khiến người người lầm tưởng mà thôi. Còn em với anh Toản, thì Vũ Uy vương, vương phi đã đính ước với bố mẹ em từ khi em mới sinh. Lời hứa của cha mẹ như đinh đóng cột, con cái phải tuân theo. Anh Toản là người con chí hiếu, dù em có méo miệng, mắt lác, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, ngón tay bằng quả chuối, anh ấy cũng không dám bỏ em, không dám cãi lệnh cha mẹ. Huống hồ nhan sắc của em thế nào chị đã biết. Hơn nữa bên em có ông nội ở đây chủ trương. Phía anh Toản có Tuyên cao thái phi. Chị hỏi em định sao? Em xin trả lời: em với anh Toản không thể định hay không định mà chỉ có một đường là tuân theo ông bà, cha mẹ. Bọn chúng em không còn con đường đi khác được. Chúng em đã là vợ chồng từ khi lọt lòng mẹ rồi. Bây giờ cũng vẫn là vợï chồng. Chị định sao thì định. Vả em thấy chị cũng có nhan sắc, võ công cao, lại thuộc loại bút mặc văn chương, thì không thiếu gì đấng quân tử đến cầu hôn! Chị đừng xen vào phá hại gia cang người khác.

Bị Như Vân nói nặng, Ngọc Hoa quát lên:

– Cô mới là người phá gia cang của tôi. Tôi với anh Toản đang là vợ chồng, ngọt ngào 10 năm thì cô xuất hiện.

Như Vân thấy đối phương nổi giận, thì nàng càng bình tĩnh, nàng nhủ thầm ta đã thắng rồi:

– Chị nói sao nghe lạ tai quá. Chúng tôi thành vợ chồng từ khi lọt lòng mẹ, do cha mẹ đính ước; lại được bề trên đứng chủ trương. Còn chị, chị cũng biết truyện đính ước này mà vẫn lăn mình vào, đúng như Kinh thi của người Hán nói: đồ trên bộc trong dâu.

– Cô nhục mạ tôi hả?

Nói rồi nàng xuất một chiêu Hoa sơn chưởng đánh thẳng vào người Như Vân. Như Vân từng theo bố mẹ chinh chiến từ nhỏ. Nàng được bố mẹ truyền thụ một bản lĩnh không tầm thường. Thấy Ngọc Hoa sử dụng võ công Hoa sơn, nàng trêu tức, nở một nụ cười thực tươi, phát chiêu Vân hoành Tần lĩnh trong bộ Lôi giáng Hoa nhạc trả đòn. Lôi giáng Hoa nhạc là pho võ công do tổ của nàng là Trần Tự Kinh, đã bỏ tâm huyết một đời nghiên cứu ra để phá võ công Hoa sơn. Ông nội nàng đã được truyền thụ rồi dạy cho phụ thân nàng. Phụ thân đã dạy nàng khi mới 10 tuổi. Vì vậy chưởng phát ra, chạm vào kình lực của Ngọc Hoa, khiến Ngọc Hoa cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng.

Như Vân lại cười rất tươi:

– Chị Hoa! Tỉnh lại đi! Chúng ta đều là công chúa, quận chúa, đang ở chiến tuyến chống Nguyên. Hãy để dành tinh lực chống Nguyên hơn là đánh ghen mong cướp chồng!

Ngọc Hoa lại phát chiêu tấn công nữa. Như Vân bực mình:

– Ta đã nhân nhượng, mà người không biết điều. Vậy đừng trách ta.

Nàng không đỡ mà đánh liền ba chiêu. Chiêu đầu Ngọc Hoa bị bật lui hai bước. Chiêu thứ nhì thì nàng bị bay tung đến bờ sông. Chiêu thứ ba thì nàng bay ra xa, rơi tòm xuống sông. Như Vân nhìn Ngọc Hoa bơi lóp ngóp, nàng cười giòn giã rồi lững thững trở về dinh.

Bàn cho thực phải, bản lĩnh của Ngọc Hoa cao hơn Như Vân một bậc. Nhưng nàng lạc bại vì Như Vân kinh nghiệm chiến đấu. Còn nàng thì không. Lại nữa Lôi giáng Hoa nhạc là tâm huyết một đời của tổ nàng là Trần Tự Kinh, nghiên cứu để phá võ công Hoa sơn. Nên Ngọc Hoa bị bại dễ dàng.

Như Vân trở về dinh, nàng gọi một tỳ nữ, ra lệnh:

– Em thu dọn y phục của cô Ngọc Hoa, chất lên lưng ngựa của cô ấy, rồi tiễn cô ấy ra khỏi dinh.

Ngọc Hoa bơi vào bờ, nàng rùng mình:

– Ta không thể ở đây được nữa.

Nàng trở về phòng mình thì thấy một tỳ nữ dắt con ngựa của nàng đang đứng chờ. Tỳ nữ cung kính:

– Phu nhân truyền em thắng yên cương cho cô nương lên đường.

Ngọc Hoa tím mặt lại:

– Mình bị đuổi rồi đây.

Không đừng được, nàng lên ngựa, ra roi rời khỏi Hàm tử.

Quốc Toản duyệt binh trở về, không thấy Ngọc Hoa đâu. Hầu hỏi tỳ nữ quản dinh:

– Em có thấy cô Hoa đi đâu không?

– Em thấy cô thắng ngựa rồi lên dường. Em hỏi cô đi đâu thì cô bảo: cô có việc khẩn phải về Bắc cương.

Nhìn sắc diện tỳ nữ, nhìn sắc diện Như Vân, Quốc Toản thấy dường như có một sự gì đó xẩy ra, rồi Ngọc Hoa bỏ đi. Hầu định tối sẽ hỏi Như Vân.

Quốc Kiện, Quốc Toản về Thăng long, vào thành yết kiến Thượng hoàng để tâu trình về trận đánh Sài Thung, thì chỉ gặp Khâm Từ hoàng hậu. Hậu đang chuẩn bị đi dự đại hội Bình than. Hậu nói với hai người:

– Triều đình tổ chức đại hội Bình than nghị kế chống giặc. Hai em có được lệnh của Khu mật viện triệu tập không?

– Bọn em rời Thăng long đã 2 tháng, nên không nhận được lệnh này.

– Vậy hai em cùng đi với chị.

Thấy Như Vân với Nang Tiên đi cùng. Nang Tiên hậu đã thấy hôm Quốc Toản được trao kiếm Trấn Bắc. Hôm nay hậu thấy Như Vân thì giật mình:

– Ôi! Tiên nữ ở độïng nào giáng thế vậy?

Quốc Kiện kính cẩn tâu:

– Vợ của Quốc Toản đấy ạ!

Hậu quở ông em chồng:

– Này, trong tình chị dâu, em chồng thì đùa được, chứ em không nên đùa chính thức như vậy mà mắc tội. Coi chừng chị nọc ra đánh 20 roi bây giờ! Chị nghe Quốc Toản đã vướng vít dây tơ hồng với ba cô gái ở Trường yên, mới thoát ách thì kết với công chúa Tống Ngọc Hoa. Bây giờ lại thêm cô này nữa? Sao lôi thôi vậy?

– Không! Em đâu dám đùa. Chị này là Trần Đại Như Vân, cháu nội của Quốc phụ Trần Tử An, con của công chúa Thanh Nga với Phó tể tướng Mông cổ Ngột A Đa. Bác Vũ Uy vương với bác gái Ý Ninh đã đính ước với cha mẹ Như Vân từ hồi mới sinh. Bây giờ Như Vân với anh Quốc Toản được Tuyên cao thái phi, Quốc phụ Tử An đứng ra chủ trương cho.

Hậu hỏi:

– Như Vân có biết nói tiếng Việt không?

Như Vân nhỏ nhẹ:

– Tâu hậu, tiếng mẹ đẻ mà em nói không thông thì mẹ em đánh què chân.

Tuy vậy giọng của nàng vẫn lơ lớ.

Hậu ban chỉ:

– Con gái họ Trần đều phải đeo kiếm lên ngựa. Em có học võ không?

– Dạ có ạ.

Không nói không rằng, hậu vung tay ra chiêu Phong ba hợp bích khá trầm trọng hướng Như Vân. Như Vân là gái Việt, nhưng sống ở Mông cổ, việc luyên võ, khảo nghiệm võ công là truyện hằng ngày. Biết mình bị khảo nghiệm, nàng tung mình khỏi lưng ngựa, ở trên cao nàng đánh xuống chiêu Thiên cương đại lực, hùng mạnh vô cùng. Chưởng của nàng cắt ngang chưởng của Khâm Từ. Khâm Từ cảm thấy tay ê ẩm. Hậu khen:

– Xứng đáng là cháu của Tuyên minh thái hoàng thái hậu.

Năm ngựa rời Hoàng thành. Quốc Kiện hỏi:

– Chị ra ngoài mà không đem Thị vệ theo à?

Hậu cười:

– Chú em coi thường chị quá. Võ công chị đâu có dở mà phải dùng Thị vệ hộ tống? Từ hồi lên ngôi Hoàng hậu, bất cứ đi đâu chị cũng chỉ một người một ngựa mà thôi. Còn như đem theo nghi vệ, đánh trống, khua chiêng ồn ào thì chị không thích.

Năm người ruổi ngựa lên đường. Đi được hơn giờ, hậu chỉ về phía trước:

– Kia là khu Bình than! Ái chà, Thiết đột, Thị vệ canh phòng nghiêm mật đấy. Nhưng lực lượng quá ít. Nguy hiểm quá.

Hậu ban chỉ cho Quốc Toản:

– Vũ Minh vương Tổng lĩnh Thị vệ quá khinh xuất. Một cuộc họp như vậy mà chỉ dùng trăm Thị vệ hộ tống, lỡ có biến thì sao? Em có thể điều hiệu binh Hàm tử đến canh phòng không?

– Em xin tuân chỉ chị.

Hầu viết lệnh sai một thân binh tùy tùng đem đi liền.

Hoàng hậu, Quốc Kiện, Quốc Toản tới con đường rẽ ra bờ sông, Thị vệ dàn gần trăm người, cực kỳ uy nghi. Qua cái biển có chữ hạ mã. Cả 5 xuống ngựa. Một võ quan cấp Tá lĩnh thuộc Khu mật viện hành lễ:

– Bái kiến nương nương. Xin mời nương nương vào.

Ngay bờ sông, một soái thuyền cực lớn, đậu ở đó. Trên thuyền, cây đại kỳ Đại Việt bay phất phới. Khâm Từ trao cương ngựa cho một Thị vệ, rồi đi bộ ra cầu tầu xuống thuyền. Viên võ quan ngăn Quốc Kiện, Quốc Toản lại:

– Xin hai cậu, hai cô ngừng bước. Đây là nơi các vị vương hầu họp nhau nghị kế giữ nước. Các cô, cậu là ai? Đi đâu vậy?

Quốc Kiện nói:

– Ta là Hoài Nhân vương.

Vương chỉ vào Quốc Toản:

– Đây là Trấn Bắc đại tướng quân Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Viên Tá lĩnh kính cẩn:

– À thì ra nhị vị là vương, là hầu. Nhưng trong danh sách mời tham dự không có tên hai vị. Nếu họp danh vị vương, hầu thì dĩ nhiên hai vị được vào. Đây họp các vương, tướng cầm quân. Dám hỏi hai vị chỉ huy đạo quân nào?

Quốc Kiện, Quốc Toản ngớ người ra. Vì Quốc Kiện tuy tước là vương, nhưng chưa được phong chức văn, chức võ gì! Còn Quốc Toản tuy được phong chức Trấn Bắc đại tướng quân, nhưng không có quân dưới quyền.

Như Vân bảo Quốc Toản:

– Anh là Trấn Bắc đại tướng quân, lại giữ thanh Trấn Bắc trong tay. Anh đang cầm quân đánh Nguyên, bắt quốc tặc. Như vậy anh là Khâm sai, biên cương đại thần. Ai cản trở anh, anh cứ chặt đầu y.

Nghe Như Vân nói đúng quân luật, viên võ quan bỏ chạy xuống con thuyền. Một lát Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc rời khỏi thuyền hỏi:

– Đâu? Ai định làm loạn đâu?

Như Vân từng theo bố mẹ cầm quân, nên nàng cứng cỏi:

– Nhìn y phục, tôi biết ngài là một thân vương. Nhưng ngài hỏi: Ai định làm loạn đâu? Nghe chướng tai quá. Ở đây có một thân vương Hoài Nhân, một Trấn Bắc đại tướng quân, hai vị bị một viên võ quan cản đường. Nếu là vương tước, hầu tước Mông cổ, Tống thì viên võ quan đã bay đầu rồi. Bây giờ vương nghe lời y, vương hỏi ai định làm loạn đâu? Bằng giọng điệu vu oan giá họa. Nếu như viên võ quan báo cáo láo thì vương hành xử không đúng với tư cách một vị vương! Thiếu minh mẫn, người dưới nói gì cũng nghe. Còn như ngài nặn ra cái câu làm loạn thì ngài vu oan giá họa cho người.

Chiêu Quốc vương thấy một thiếu nữ đẹp nghiêng thành đổ núi thống trách mình, vương có hơi thẹn. Vương hất hàm cho viên võ quan:

– Ai đe dọa chặt đầu người đâu?

Viên võ quan chỉ vào Quốc Kiện, Quốc Toản.

Ích Tắc nói:

– Viên võ quan này tuân chỉ ta tiếp đón người được mời. Cuộc đại hội này bàn đại kế giữ nước. Ta được Thượng hoàng ủy cho tổ chức. Chỉ những tướng cầm quân mới được tham dự. Hai đứa bay là con nít biết gì mà bàn? Biết gì mà nghe. Đi chỗ khác chơi!

Như Vân cãi:

– Vương gia nói sai rồi! Theo tôi nghĩ, chủ đạo của tộc Việt định: việc chống giặc giữ nước, dù trai, dù gái, dù già, dù trẻ cũng có trách nhiệm như nhau . Đời vua Hùng, cậu bé 7 tuổi như Phù Đổng thiên vương từng cầm quân phá giặc Ân. Thời vua Lý Thái tổ, vị viễn tổ Trần Tự Mai khi mới 13 tuổi đã cầm quân giết giặc. Huống hồ Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu tuổi đã 16. Hai vị từng cầm quân đánh Mông cổ tại Chiêm, bắt gian vương Chiêm. Mới đây hai vị được Thượng hoàng trao cho cầm quân đánh Nguyên, bắt gian vương Di Ái. Thế mà vương gia bảo hai đứa bay là con nít biết gì mà bàn? Lời nói sao nghe chướng tai quá.

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là người tài kiêm văn võ, cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ, đọc thiên kinh vạn quyển, chỉ vì lỡ lời bị một cô gái vô danh dùng đạo lý chỉnh. Vương xấu hổ, nói ngang:

– Ta là người tổ chức đại hội này. Ta từng đạt giấy mời đến những người cầm quân. Hai tên này là tướng không có quân, ta không cho vào.

Nói rồi vương ném cho mỗi người một quả cam:

– Cam đây ăn đi. Kiếm chỗ khác mà chơi!

Quốc Toản bắt lấy quả cam, cùng Quốc Kiện rời bến sông. Hầu nghiến răng bóp mạnh, quả cam nát ra lúc nào không hay. Hai người lủi thủi về Hàm tử, giữa lúc đạo binh Hàm tử đã tập họp xong. Hầu nói với Quốc Kiện:

– Chú Ích Tắc bảo chúng ta không phải tướng cầm quân, chúng ta tuân chỉ Khâm Từ hoàng hậu. Chúng ta đem hiệu binh này đến Bình than cho chú hết rắc rối.

Hầu lấy soái kỳ của đạo binh, đem thiếp vàng viết 6 chữ cực lớn: Phá cường địch, báo hoàng ân

Rồi Quốc Kiện đi bên phải, Quốc Toản đi bên trái, sai thúc trống hướng về Bình than.

Trong con soái thuyền bến Bình than. Thượng hoàng ngồi trên cao nhất, rồi tới hoàng đế Thiệu bảo. Kế tới:

1. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Tiết chế binh mã (Tổng tư lệnh)

2. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Phụ quốc Thái úy (Tổng trưởng quốc phòng).

3. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Tổng trấn Tây Bắc cương.

4. Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, Tổng trấn Đông Bắc cương.

5. Tĩnh Quốc vương Quốc Khang lĩnh Phiêu kị đại tướng quân. Tổng trấn Nam thùy.

6. Vũ Minh vương Quang Húc hiện Tổng lĩnh Ngự lâm quân, Thị vệ.

7. Chiêu Quốc vương Ích Tắc lĩnh Tổng trấn Thăng long, Quản Khu mật viện.

8. Chiêu Hòa vương Quốc Uất, Tổng lĩnh Kị binh, Ngưu binh..

9. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Tổng lĩnh thiên tử binh (Tư lệnh lục quân).

10. Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn, Đại đô đốc thống lĩnh thủy quân (Tư lệnh thủy quân).

Các Tướng thống lĩnh 15 hiệu Thiên tử binh,

1. Tiền thánh dực, Hưng Trí vương Quốc Hiện.

2. Tả thánh dực, Hưng Hiếu vương Quốc Uy.

3. Hữu thánh dực, Bình nam đại tướng quân Phạm Ngũ Lão.

4.Trung thánh dực, Văn chiêu hầuTrần Lộng, Tổng trấn Trường yên.

5. Thần cách, Trung lang tướng, Văn sơn hầu. Địa Lô. Phó thống lĩnh Nguyễn Lộc.

6. Củng thần, Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương hầu Cao Mang.

7. Thiên thuộc, Trấn biên tướng quân Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh.

8.Thiên cương, Chương Hiến hầu Trần Kiện, tổng trấn Nghệ an.

9. Thiên thánh, Quang nghĩa thượng tướng quân, Hải lộ hầu Trần Bình Trọng, Tổng trấn Lục hải.

10.Tứ thiên, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, Tổng trấn Thiên trường.

11. Tứ thần, chưa định, Nguyễn Khoái tạm quyền.

12. Tứ thánh. Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền.

13. Văn Bắc, Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần, Khâu Bắc đình hầu, Trần Quốc Kinh (Dã Tượng)

14.Thiệu Hưng, Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần. An biên đình hầu, Trần Quốc Vỹ (Yết Kiêu). Phó: Kinh nam quốc công Triệu Hòa.

15. Văn Thiên Tường: Trường sa quốc công Triệu Trung.

16. Tường Hưng: Kinh châu quốc công Triệu Nhất.

Thủy quân: 4 hạm đội.

1. Bạch đằng, Võ Văn Sáu, Đề đốc

2. Âu Cơ, Nguyễn Chế Nghĩa

3. Thần phù, Phạm Cự Địa

4. Thăng long, Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn

Ngưu binh:

Hiệu Hoa lư. Ngưu vệ thượng tướng quân, Nam thiên bá Trâu Đen Lý Long Đại, vợ là Quận chúa Cái Hồng Vũ Trang Hồng.

Thượng hoàng mở đầu bằng giọng trầm trầm:

– Kể từ khi Ngột Lương Hợp Thai đem quân vào cướp, đến nay trải 27 năm. Chúng ta đã dùng ngòi bút, viết lời nhún nhường để tránh chiến tranh. Nhưng bọn Thát đát vẫn quyết tâm đòi đủ mọi điều kiện. Điều kiện mới nhất là chúng lập Tuyên phủ ty, như một tiểu triều đình cai trị ta. Ta không chấp nhận. Chúng gây chiến, lập An Nam hành tỉnh ở Kinh hồ. Phong cho hoàng tử thứ chín là Thoát Hoan, đem 50 vạn thủy bộ quân sang đánh ta. Phụ tá cho Thoát Hoan là A Lý Hải Nha, một tướng tài nhất của Mông cổ. Y là khai quốc công thần của Nguyên. Ngoài A Lý Hải Nha còn các tướng khét tiếng là Lý Hằng, Lý Quán, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Đường Ngột Đải. Y còn lệnh cho Vân nam vương đem quân vượt biên đánh vào Tây Bắc biên của ta. Cuộc chuẩn bị đã xong. Y còn thâm độc hơn nữa phong cho Chiêu hòa vương Trần Di Ái làm An nam quốc vương, đem quân trực chỉ về nước tạo cuộc nội chiến, hầu gây cảnh trai cò tranh dành, ngư ông hưởng lợi.

Chiêu Quốc vương hỏi:

– Hoàng thượng đã sai Hưng Nhượng vương, Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu, đem đám Cần vương Tống đón đường đánh đoàn quân này. Không biết kết quả ra sao?

Hưng Nhượng vương tâu:

– Tâu, thần bắt sống Chiêu Hòa vương Di Ái, diệt trọn thiên phu hộ tống, bắn mù mắt Sài Thung. Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu đang áp tải tù nhân về Thăng long. Hai người sắp tới dây phục mệnh.

Khâm Từ hoàng hậu nói:

– Khi thần nhi rời Hoàng thành đến đây có gặp Hoài Nhân, Hoài Văn. Hai người nhập Hoàng thành tâu với Thượng hoàng về kết quả trận đánh bắt chú Di Ái. Thần nhi rủ hai người cùng đến đây. Nhưng Chiêu Quốc vương không cho vào vì lý do: đây là buổi hội của các tướng cầm quân. Thần nhi thấy cuộc họp này quá quan trọng, mà chỉ có hơn trăm Thị vệ canh phòng thì đáng ngại. Nên thần nhi ban chỉ cho hai người điều đạo Hàm tử tới đây. Có lẽ cũng sắp tới.

Nghe Trần Di Ái bị bắt, mặt Trần Tú Hoãn, Trần Văn Lộng tái xanh. Hai người tưởng Thượng hoàng sẽ hô Thị vệ bắt trói, rồi ban chỉ cho Cấm quân về Thiên trường, Trường yên bắt toàn gia xử tử.

Thượng hoàng rất tinh ý. Ngài nghĩ:

– Chú Di Ái làm tội, con chú đâu có ngăn được cha? Tacần phải trấn an hai con của chú.

Để cho Trần Tú Hoãn, Trần Văn Lộng yên tâm, Thượng hoàng nói tránh đi:

– Cái việc chú Di Ái như thế này: Hốt Tất Liệt ép chú làm An nam quốc vương, chú không nhận.Y cứ ban chiếu phong cho chú, rồi sai Sài Thung áp tải về. Chứ chú đâu có nhận cái chức phong kia!

Mặt Tú Hoãn, Văn Lộng tươi tỉnh trở lại.

Thượng hoàng tiếp:

– Chúng ta thà ngọc nát chứ không chịu có vết. Trẫm họp chư vị đây, để bàn kế sách đánh giặc. Xin các vị cho ý kiến.

Chiêu Minh vương Quang Khải bàn:

– Ưu điểm của bọn Mông cổ, bọn Nguyên là dùng trường binh, dàn trận. Thứ nhì là công kiên phá thành. Vậy tuyệt đối ta không thủ thành, cũng không dàn binh thành trận. Ta áp dụng chiến thuật như thời Nguyên phong: cả nước là thành, toàn dân thủ thành.

Chiêu Văn vương Nhật Duật đi vào chi tiết hơn:

– Thời Nguyên Phong, sở dĩ quân Ngột Lương Hợp Thai tan rã mau vì bị tuyệt lương. Bây giờ Thoát Hoan đem tới 50 vạn quân, thì vấn đề tiếp tế sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Ta cần rút lui, tránh mũi nhọn của chúng, để bảo vệ chủ lực. Đợi chúng vào sâu trong nội địa, ta chặn đánh các đoàn tiếp lương thảo. Hết lương, quân mạnh đến đâu cũng phải tan.

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc bàn:

– Một đời Hốt Tất Liệt chinh chiến. Y lại không biết huyết mạch của ba quân là lương thảo sao? Chắc chắn y dự trù việc cung ứng lương thảo, chứ đâu có để cho việc cũ tái diễn?

Thượng hoàng hướng Ngột A Đa:

– Ở đây có Trung Nghĩa vương Trần Đại Việt, người từng cầm quân giao chiến với Hốt Tất Liệt hơn 10 năm qua. Xin vương cho ý kiến.

Ngột A Đa đứng dậy:

– Trước hết thần xin Thượng hoàng cùng chư vị anh em xí xái cho cái tội nói tiếng Việt không sõi của thần. Cha mẹ sinh thần ở Thảo nguyên, nói tiếng Mông cổ. Việïc học tiếng Việt tuy chăm chỉ, nhưng ít khi xử dụng. Sau nhờ Thượng hoàng ban chỉ gả Thanh Nga cho, từ đấy thần được vợ dậy nói tiếng Việt, lại nói tiếng Việt với vợ nên cũng quen.

Giọng A Đa lơ lớ, tuy nhiên cử tọa vẫn hiểu hết. A Đa tiếp:

– Kỳ này Nguyên đánh ta bằng ba đạo binh.

Vương nói lớn:

– Đạo thứ nhất là đạo Hồ quảng trực diện theo đường châu Lạng xuyên qua Chi lăng, tới Hà bắc. Đạo này do Toa Đô với A Lý Hải Nha trực tiếp chỉ huy. Quân là quân gốc Thảo nguyên và một phần gốc Hán lấy từ miền Bắc, và các tỉnh Trường sa, Hồ nam, Quảng tây, Quảng đông, Phúc kiến. Đường tiếp vận lương thảo chủ yếu là con sông Tương rồi chuyển vào nước ta bằng đường bộ, hoặc đem xuống cảng Quảng châu, chở theo đường biển. Ta muốn tuyệt đường lương của chúng thì chặn trên biển, hoặc phục kích khi chúng từ biển vào cửa sông. Còn chặn đường vận lương đường bộ, ta phục binh lẻ tẻ dọc các con đường từ Lạng châu, Chi lăng. Nhưng kỳ này quân giặc rất đông, chúng sẽ đóng đồn dọc các con đường tiếp vận. Muốn đốt, cướp lương của chúng ta cần cho quân sống lẫn với dân, sẽ cùng các đội dân quân hành sự.

Cử tọa gật đầu công nhận lý của vương. Vương tiếp:

– Đạo thứ nhì do Vân nam vương chỉ huy. Quân số trên dưới 10 vạn. Hầu hết là bộ binh, kị binh. Không có thủy binh. Quân Mông cổ chính gốc không đông lắm. Hầu hết là quân tuyển từ vùng Tứ xuyên, Đại lý, Thổ phồn. Bọn này không thiện chiến, không trung thành. Tất cả đều mang trong tâm cái nhục bị cai trị, đi đánh nhau giúp quân thù. Đường tiếp vận lương chỉ có đường bộ. Phải vượt đèo, trèo núi, qua sông lạch. Hồi xưa Vũ Uy vương đã tổ chức cướp lương, làm cho Ngột Lương Hợp Thai thất bại. Nay ta nên dùng lại những phương thức cũ của vương.

Trung Nghĩa vương tiếp:

– Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy, từ Chiêm thành đánh vào vùng Hoan, Ái. Đạo quân này xuất phát đã 4-5 năm. Bị Chiêm, bị ta giúp Chiêm đánh hao mòn. Sau 4 lần tiếp viện, đều bị phá. Tuy vậy chúng có thể tự túc lương thảo, nhờ các đồn điền. Phục binh cướp lương của chúng dễ như trở bàn tay.

Đến đó Thị vệ vào báo với Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Nghe báo xong, Chiêu Quốc vương nói lớn:

– Có một đạo quân khí thế hùng mạnh nghiêng trời lệch đất. Tổ chức, trang bị giống như Thiết đột Mông cổ, đang đánh trống tiến về đây, dường như mưu phạm giá, bao vây bắt trọn những người dự đại hội.

Trung Nghĩa vương Ngột A Đa, cùng Thiên tượng đại tướng quân Dã Tượng nhìn nhau kinh ngạc. Ngột A Đa nói:

– Từ Bắc cương về đây quân ta phòng thủ rất kỹ, làm sao bọn Nguyên tới được? Có thể đây là quân của ta, do một tướng nào của ta làm phản.

Chiêu Văn vương Nhật Duật cũng nói:

– Hệ thống báo động từ Bắc biên về đây rất cẩn mật. Dù bọn Thát đát có cánh cũng không bay nhanh như vậy.

Thị vệ lại báo tin liên tiếp. Chiêu Quốc vương ra khỏi thuyền, một lát vương trở về tâu:

– Đạo quân này không phải quân Nguyên, mà là quân tạo phản. Xin Thượng hoàng ban chỉ dẹp ngay. Chúng đang tiến về đây.

Chiêu Minh vương bàn:

– Trước hết phải biết bọn phản loạn do ai cầm đầu? Quân đó là đạo quân nào? Nếu dùng Thiên tử binh dẹp loạn thì phải mất 6 tiếng mới có thể xuất phát được. Như vậy e trễ. Việc dẹp đạo quân này xin dùng Kị binh. Đạo binh Phù đổng đóng không xa đây. Xin Chiêu Hòa vương ban lệnh cho Kị binh xuất phát ngay. Nhất thời xin cho thuyền nhổ neo đậu giữa dòng sông. Trên bờ dàn Thị vệ trấn thủ.

Vương ban lệnh:

– Xin Chiêu Quốc vương dùng đội Thị vệ dàn trên bờ sông cản không cho giặc bơi ra sông.

Thượng hoàng bình tĩnh ban chỉ:

– Xin Hưng Ninh vương, Hưng Nhượng vương lên bờ quan sát tình hình. Chỉ huy Thị vệ cản giặc.

Hai vương đeo kiếm, rời khỏi thuyền. Thuyền nhổ neo ra đóng giữa sông. Tiếng trống, tiếng chiêng của đạo quân mỗi lúc nghe một rõ hơn. Rồi đạo quân từ từ xuất hiện ở cuối con đường. Từ Thượng hoàng cho tới các thân vương đều mở to mắt ra nhìn. Yết Kiêu là người cực kỳ tinh mắt, hầu kêu lên:

– Đội binh này cực kỳ hùng tráng, trang bị mạnh hơn cả Thiết đột.

Hơn khắc sau, đội binh đó tới gần. Dã Tượng kêu lớn:

– Ôi! Kìa! Sư phụ với Hưng Nhượng vương dẫn đầu đạo quân. Không lẽ sư phụ theo phiến loạn?

Ai cũng biết sư phụ của Yết Kiêu là Tuệ Trung bồ tát (Hưng Ninh vương). Hưng Đạo vương nhíu mày lại. Ngài phán:

– Đạo quân này đâu phải phản loạn?

Đạo quân tới gần hơn. Trung Thành vương cười ha hả:

– Đạo binh Hàm tử của Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu. Kìa đi sau Hưng Ninh vương, Hưng Nhượng vương là công chúa An Tư, Nang Tiên, có cả Như Vân nữa.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Thượng hoàng không vui nhìn Chiêu Quốc vương bằng con mắt nghiêm khắc:

– Đem xử tử tên Thị vệ nào báo rằng đạo quân này là quân phản loạn!

Thuyền lại áp vào bờ như cũ. Đạo quân Hàm tử đã tới gần, nhanh chóng dàn ra để canh phòng khu vực đại hội. Thượng hoàng nhìn 6 chữ trên kỳ hiệu của đạo quân: Phá cường địch, báo hoàng ân,

Lòng ngài mở rộng, mỉm cười. Hưng Ninh vương, Hưng Nhượng vương, Hoài Nhân vương, Hoài Văn Hầu, công chúa An Tư, Nang Tiên, Như Vân xuống thuyền hành lễ.

Hoài Văn hầu tâu:

– Tuân chỉ của Khâm Từ hoàng hậu, thần với Hoài Nhân vương điều đạo binh Hàm tử đến hộ tống đại hội.

Khâm Từ hoàng hậu nhắc lại:

– Khi thần tới đây, thấy đại hội quá quan trọng, mà chỉ có hơn trăm Thị vệ hộ tống thì không an tâm. Thần có ban chỉ cho Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu điều đạo binh Hàm tử đến phòng vệ. Khi xuống thuyền thần có báo cho Chiêu Quốc vương biết rồi.

Hưng Nhượng vương tâu:

– Thực không thể tưởng tượng miệng lưỡi rắn rết. Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu đem đội quân Hàm tử bảo vệ vùng Bình than. Cả hai muốn xuống thuyền tâu trình về chiến thắng Đại giáp thì bị đuổi đi, lấy lý do trẻ nít, lấy lý do dù là vương, là hầu, nhưng không có chức tước gì. Hai người được chỉ dụ của Hoàng hậu trở về đem đội quân riêng tới, để phong vệ thì bị vu cáo là phiến loạn. Suýt nữa thì xẩy ra đụng chạm với Thị vệ. Hỡi ơi! Công chúa An Tư, Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu mà là giặc ư?

Vương Chân Phương tâu:

– Dường như có âm mưu bất hảo bao quanh Quốc Toản, xin Thượng hoàng cho điều tra làm sáng tỏ. Hồi Toản 11 tuổi vừa từ Trường sa về thì bị bắt cóc rồi vu cho là gian tế Nguyên. Bây giờ sau chiến thắng ở Chiêm, đến chiến thắng phá Sài Thung trở về xin yết kiến Thượng hoàng cũng không được. Rồi hai người, tuân chỉ Hoàng hậu đem quân cơ hữu hộ tống triều đình thì bị vu là phản loạn.

Mọi người trở lại ngồi vào vị trí hội nghị. Thượng hoàng ban chỉ:

– Lỗi ở trẫm. Đúng ra khi Kiệt nhi 13 tuổi trẫm phải phong chức tước cho. Chỉ vì trẫm nghe lời sàm tấu rằng Kiện nhi học văn không thông, học võ không thành nên chưa trao cho nhiệm vụ gì. Tuy nhiên khi biết tài Kiện, trẫm đã sai Kiện làm Khâm sai kinh lý mặt trận viện Chiêm. Kiện đã thành công trong việc chiêu dụ các cựu tướng Tống, bắt gian vương chiêm. Mới đây lại thành công trong trận đánh Sài Thung. Kiện, con hãy quỳ gối nhận sắc chỉ.

Quốc Kiện quỳ gối.

– Kể từ lúc này Quốc Kiện là:

Thái tử thái bảo,
Uy viễn đại học sĩ,
Đồng trung thư môn hạ bình chương sự,
Trung vũ quân tiết độ sứ,
Thuần dũng đại tướng quân,
Kiêm thống lĩnh hiệu binh Tứ Thần.
Tướng quân Nguyễn Khoái làm phó thống lĩnh.
Ấp phong là toàn vùng Văn sơn, Chiêu dương, Khâu bắc.

Thượng hoàng hỏi:

– Trẫm muốn ban thưởng cho con một đặc ân. Vậy con có điều ước gì không?

Hoài Nhân vương đưa mắt nhìn công chúa Nang Tiên. Gì mà Thượng hoành không hiểu ý con. Ngài ban chỉ:

– Lễ bộ chuẩn bị một lễ lớn, cử sứ sang Chiêm, thỉnh Chiêm vương gả công chúa Nang Tiên cho Quốc Kiện.

Quốc Kiện, Nang Tiên quỳ gối tạ ơn., trở về ngồi vào vị trí của thống lĩnh hiệu binh Tứ Thần.

Thượng hoàng gọi:

– Quốc Toản nghe chỉ.

Quốc Toản quỳ gối.

– Quốc Toản đã có tước phong Hoài Văn hầu, ấp là vùng Hàm tử. Do chiến công ở Chiêm, ở Đại giáp, nay ban cho tước Thượng vị hầu. Lĩnh chức Trấn Bắc đại tướng quân. Thống lĩnh lực lượng Thiết đột.

Lực lượng Thiết đột đời Trần tương đương với ngày nay là lực lượng phản ứng nhanh, lực lượng cứu ứng hay cảm tử quân.

Công chúa An Tư tâu:

– Trước khi bàn kế giữ nước, xin Thượngï hoàng phá bỏ những tỵ hiềm trong nhà đã. Anh chị Nhật Duy hiện cầm đại quân miền Tây của Nguyên. Từng trấn thủ Bắc cương. Từng làm vua vùng Kinh hồ. Thủ hạ tài trí cực đông. Thế mà con của anh chị cứ luôn bị những lưỡi rắn nhả độc. Võ công Quốc Toản cực cao, lại giữ thanh kiếm Trấn Bắc trong tay. Nếu như cái âm mưu nhả độc hại Quốc Toản tiếp tục. Quốc Toản dù không ra tay thì thủ hạ của anh chị Nhật Duy cũng ra tay. Giặc ngoài đang tiến vào nước mà trong nhà chém giết nhau thì nguy vô cùng.

Thượng hoàng biết cô em út của mình tuy xinh đẹp, nhưng minh mẫn vô cùng, tính khí cực kỳ cương cường. Ngài phán:

– Xin tất cả nghe cho rõ.

Cử tọa im lặng.

Thượng hoàng nói lớn:

– Kể từ ngày hôm nay, trẫm ban chỉ đại xá trên toàn quốc. Bất cứ tội phạm nào cũng được ân xá. Trong hoàng tộc, xóa bỏ hết tỵ hiềm. Đối với phạm nhân là gian tế của Nguyên, cũng được ân xá, trả về nguyên quán. Những phạm nhân dù chính hay tòng phạm trong vụ bắt cóc, giam hãm, vu cáo Quốc Toản, Quốc Kiện cũng được hưởng lệnh ân xá này.

Cử tọa đưa mắt nhìn Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn, dĩ chí Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc.

Đến đó một dân thuyền xuôi dòng. Trên thuyền chỉ có một người chèo, mà con thuyền lao đi vùn vụt. Chiêu Quốc vương kinh ngạc nói với Vũ Minh vương Quang Húc:

– Chú đã ra lệnh cho Thị vệ dàn chiến thuyền phong tỏa đầu sông, sao lại có dân thuyền qua đây dễ dàng như vậy?

Hai vương cùng nhìn, khi dân thuyền đi ngang qua một thuyền của Thị vệ, thay vì ngăn cản, Thị vệ hướng người chèo đò vái một vái. Chính Thượng hoàng cũng ngạc nhiên:

– Trông lưng người chèo đò rất quen! Không biết là ai?

Người chèo đò cất tiếng ngâm thơ, giọng ngâm rất trong, trầm trầm vang đi xa:

Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn,
Hỏi rằng chi đó? Gửi rằng than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.

Ở với lửa hương cho vẹn kiếp.
Thử xem sắt đá có bền gan.
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác,
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn.

Chợt thượng hoàng kêu lên:

– Nhân Huệ vương Khánh Dư! Hèn gì thuyền của y vượt qua thuyền Thị vệ, thay vì chúng cản trở, chúng lại hành lễ.

Ngài ban chỉ cho Thị vệ:

– Các người chèo thuyền gọi Khánh Dư, bảo: trẫm có dụ triệu hồi.

Thị vệ chèo thuyền đuổi theo. Một lát chúng trở lại tâu:

– Đó là một tiều phu, đốn củi đốt than. Thần truyền dụ của Thượng hoàng, y nói: ta là người đốn củi đốt than bán. Không dám tuân chỉ nhà vua.

Thượng hoàng cười:

– Y đích thực là Nhân Huệ vương đấy. Nếu là dân, thì y không dám nói thế. Người đuổi theo nói cho vương biết: trẫm ban chỉ đại xá. Y được đại xá, được phục hồi phẩm hàm, chức tước. Phải tuân chỉ đến phục mệnh.

Thị vệ chèo thuyền đuổi theo, một lát dân thuyền quay trở lại. Người chèo thuyền mặc áo vải gai, đầu đội nón lá, đích thực là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Thượng hoàng than:

– Nam nhi đại trượng phu chỉ vì lầm lỗi, phạm tội, mà phải sa đọa như thế ư?

Ngài lấy áo ngự bào ban cho, truyền ngồi vào vị trí thấp nhất của chư vương. Chiêu Minh vương nói:

– Anh Khánh Dư à! Thượng hoàng mới ban chỉ đại xá thiên hạ. Anh cũng ở trong ơn đó. Anh được phục hồi chức, tước, phẩm hàm, được trả lại ấp phong, được trả lại tài sản bị tịch thu.

Nhân Huệ vương tạ ơn. Tuy vậy vương đưa mắt nhìn anh, em, cháu với vẻ sượng sùng vì nghĩ tới lỗi lầm cũ. Hồi hơn hai mươi năm trước, nhân có chỉ dụ của triều đình bắt chư vương, hầu, tướng cầm quân phải học binh pháp, nhất là bộ Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư . Vương là người giảng dậy binh pháp. Nên hầu hết cử tọa đều là học trò của vương. Hồi vương phạm trọng tội đúng ra bị đánh bằng gậy cho đến chết, bị cách hết chức tước, bị tịch thu điền sản. Nhưng vua Thái tông thương tình dặn riêng Hình quan, đáùnh gậy nhẹ, không đến nỗi chết. Vương trắng tay, cũng may ấp phong của phụ thân là Trần Phó Duyệt tại Chí linh vẫn còn. Vương về đó làm ruộng, đốn củi đốt than làm kế sinh nhai.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-61)


<