Vay nóng Homecredit

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 60

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 60: Vạn Kiếp Hữu Sơn Giai Kiếm Khí - Đằng Giang Tự Cổ Huyết Do Hồng
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Lazada

(Núi Vạn kiếp chỗ nào cũng có linh khí,
Sông Bạch đằng từ cổ do huyết giặc nên hồng)

Vế trên lấy trong đôi câu đối ở đền Kiếp bạc là:
Lục đầu vô thủy bất thu thanh.

Nghĩa là sông Lục đầu không chỗ nào không có tiếng sóng mùa thu gầm.

Vế dưới là của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Khi ông sang sứ nhà Nguyên, bọn văn quan ra câu đối:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.
Nghĩa là Đồng trụ đến nay rêu còn xanh . Có y nhục mạ Đại việt về vụ Mã Viện đánh bại vua Trưng, dựng Đồng trụ.
Mạc Đĩnh Chi móc lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng.
Nghĩa là sông Bạch đằng từ cổ do máu chảy mà hồng.

Suốt chiều dài 5 nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt nam, đã diễn ra hằng vạn trận đánh. Trận đánh chống ngoại xâm, trận đánh nội chiến. Có thể nói: trận Bạch đằng là trận lớn nhất. Trận mà quân Việt phá trọn vẹn thủy quân của Nguyên. Trận có nhiều yếu tố:

Về phía Nguyên,

1. Toàn bộ lực lượng thủy quân đều tham dự.
2. Số chiến thuyền nhiều nhất, quân số tham dự đông nhất, tới 15 vạn.
3. Tụ họp nhiều thân vương, tướng sĩ kiệt hiệt nhất. Bị bắt, bị giết, không một người chạy thoát.
4. Toàn bộ chu sư, bị phá hủy, bị bắt.

Về phía Việt,

1. Hội tụ các hiệu binh thiện chiến nhất.
2. Nghĩa dũng binh.Nam, nữ, già trẻ cùng ra trận với vua, quan,.
3. Thiệt hại ít nhất.
4. Quy tụ tất cả những anh hùng Đông a trong triều, dân dã, từ ngoại quốc về.

Thế nhưng vì bị nhục, vì tự ái, các sử gia Trung quốc chép Nguyên sử rất sơ sài. Sử Việt chép cũng giản lược.

Để có thể dựng lại đầy đủ trận Bạch đằng, tôi đã bỏ ra rất nhiều công, nhiều sức:

– Đầu tiên tôi về Mỹ lộc, Nam định lễ các vị tiên đế triều Trần, lễ đức thánh Trần, xin âm dương. Được chuẩn.
– Tôi lễ đền Kiếp bạc khấn xin âm dương. Được chuẩn.
– Tôi ra Cửa Ông lễ đền Hưng Nhượng vương, xin âm dương. Được chuẩn.
– Tôi về Hải phòng, thuê thuyền đi dọc sông Bạch đằng từ cửa biển ngược lên 50 km. Tôi dùng thuyền từ sông Bạch đằng vào các nhánh sông nhỏ khảo sát địa thế tường tận.
– Tôi quan sát lưu lượng nước thủy triều trên sông Bạch đằng trước giỗ trận một ngày (7 tháng 3 âm lịch), trong ngày giỗ trận (8 tháng 3) và sau ngày giỗ trận một ngày (9 tháng 3 âm lịch).
– Tôi vượt sông Bạch đằng bằng bến đò Bính, viếng đền thờ bà Chằng, người nhắc Hưng Đạo vương phương cách chằng dây khi đóng cọc dưới lòng sông sao cho thuyền đụng, cọc không nghiêng, mà thuyền bị vỡ, bị lật.
– Tôi cũng ra vịnh Hạ long thăm hang Dấu gỗ, nơi xưa đức thánh Trần cất gỗ, dùng vào việc đóng cọc. Thăm những ngọn núi nhỏ, những mô đá ngầm, mà xưa Nhân Huệ vương đã dụ thuyền Nguyên đi vào rồi phá vỡ.

Tôi thuật trận Bạch đằng với tất cả tâm huyết, kiến thức. Nếu quý độc giả không bằng lòng vì chưa thuật hết cái khí hùng của trận, thì do tài trí tôi không tới, chứ không phải tôi thiếu quyết tâm.

Vì bị hạm đội Thăng long chặn ở cửa sông Hồng nên Ô Mã Nhi đem những chiến thuyền còn lại, rút chạy về Vạn kiếp.

Kết thúc trận đánh, Hoài Văn vương, Địa Lô, Yết Kiêu lại trở về Thăng long sai sứ trình với Hưng Đạọ vương và tâu với hai vua.

Sau trận Vân đồn 3, trên đường về Thăng long, Ngọc Hoa cùng Quốc Toản ngồi cạnh nhau, ôn lại những kỷ niệm cũ. Là người đọc thiên kinh, vạn quyển, tính tình ôn nhu văn nhã, nên tuyệt đối Ngọc Hoa không nhắc tới Trần Đại Như Vân. Nàng chỉ hỏi chi tiết về các trận đánh mới đây giữa Nguyên với Việt. Nhất là tình hình dân chúng. Tình hình trận Hàm tử, giết Toa Đô.

Từ khi triều đình rút khỏi Thăng long, hành doanh của tòa Tổng trấn Thăng long lưu động trong các thôn ấp quanh thủ đô. Có khi trên con thuyền nhỏ. Hoài Văn vương vừa về tới Thăng long, Khu mật viện nhận được tin của Tế tác:

” Thoát Hoan không thấy Ô Mã Nhi trở về. Y kinh hoảng vì bị bao vây trong thành Thăng long. Aó Lỗ Xích khuyên nên rút quân về căn cứ Vạn kiếp “. 

Vương báo cho hai vua với Hưng Đạo vương biết. Hưng Đạo vương ban lệnh:

” Dùng các hiệu binh Hàm tử, Thần cách, Củng thần, Thiên thánh, Tiền thánh dực, phục kích, đánh như sét nổ; đuổi theo chúng cho tới Như Nguyệt”.  

Hoài Văn vương mời Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Nhân đức hầu Trần Toàn, Trường yên công Đại Hành, Chiêu dương hầu Cao Mang, Đô đốc Nguyễn Chế Nghĩa về họp.

Vương trình bầy lệnh của Hưng Đạo vương cho cử tọa nghe. Hưng Vũ vương là người cực kỳ cẩn thận, vương đặt vấn đề:

– Lưc lượng của giặc hiện trấn trong thành Thăng long có 5 nghìn bộ, 5 nghìn kị. Nhưng đóng tại Chương dương tới 5 vạn bộ, Tây kết 5 vạn kị, Đông bộ đầu 5 vạn bộ. Tại sông Hồng chúng có 90 chiến thuyền. Cộng chung là 17 vạn. Aáy là không kể bên Gia lâm tới Kinh bắc, chúng đóng liên tiếp 15 vạn nữa. Trong khi ta có 5 hiệu binh với 2 hạm đội. Tổng số 7 vạn. Nếu trực diện khai chiến, chúng đè bẹp ta ngay.

Địa Lô phân tích:

– Khải vương gia, ta không trực diện đánh chúng. Đây chúng rút binh về Như nguyệt, Vạn kiếp. Ta chỉ đuổi theo, đánh hậu quân làm cho chúng mệt mỏi mà thôi.

Địa Lô tiếp:

– Khu mật viện đã biết chi tiết kế hoạch rút quân của chúng, chia làm 3 cánh. Vì đường từ Thăng long đi Vạn kiếp, bị ta đóng chốt, nên Áo Lỗ Xích, kị binh, Phàn Tiếp với thủy quân rút đầu tiên, mở đường. Thoát Hoan rút cánh thứ nhì. A Bát Xích, rút cánh thứ ba. Khác với các lần rút quân trước, chúng phải dùng xe chở vợ con tướng sĩ, dụng cụ cồng kềnh như lều trại, thùng chứa nước, nồi niêu, bát đũa, lương thực. Cho nên cuộc rút quân chậm chạp, lại phải để một số quân hộ tống. Ta phục binh đánh dễ dàng. Lần này chúng dùng thủy quân chuyên chở, nên lực lượng tác chiến lưu động, cứu ứng nhau nhanh hơn. Ta phải cẩn thận. Người chỉ huy thủy quân Thăng long của chúng là Phàn Tiếp.

Hoài Văn vương ra lệnh đô đốc Nguyễn Chế Nghĩa:

– Trước hết ta đánh thủy quân của chúng. Chúng có 90 chiến thuyền với quân số khoảng 3 vạn. Chúng dùng 20 chiến thuyền kè 2 bên bảo vệ hai phù kiều. Còn lại 70 chiếc chúng rút dọc sông Hồng rồi vào sông Đuống. Vậy hạm đội Thăng long ẩn vào các sông nhỏ, chờ cho chiến thuyền của chúng rời Thăng long thì đuổi theo. Khi chúng vào sông Đuống thì tung ngư thuyền của dân chúng đổ ra đánh ép phía trước. Ngạc binh đánh đắm chiến thuyền của chúng. Tôi viện cho đô đốc 5 đô Ngạc binh với 1 đô cơ hữu.

Vương ra lệnh cho Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn:

– Đô đốc đem hạm đội Âu cơ ẩn vào các sông nhỏ, khi thấy Lôi tiễn mầu tím nổ, là lúc Thoát Hoan rút sang Gia lâm; thì đổ ra đánh phá 2 phù kiều, rồi ngược xuôi dòng sông bắt những binh tướng bỏ chạy. Tôi viện cho đô đốc 5 đô Ngạc binh hợp với 1 đô cơ hữu. Phải phá cho được 2 phù kiều.

Trần Toàn hỏi:

– Tôi phá phù kiều vào lúc nào?

– Thoát Hoan ra lệnh cho Áo Lỗ Xích đem kị binh rút trước. Im lặng cho chúng qua phù kiều. Cánh thứ 2, do Thoát Hoan, cùng bộ tham mưu rút với đám bộ binh tại Đông bộ đầu. Cũng để cho chúng qua. Cánh thứ 3, do A Bát Xích rút với đám bộ binh Chương dương. Khi Thoát Hoan vừa qua sông rồi thì phá phù kiều. Cánh Chương dương không còn phù kiều để chạy, ta vây tiêu diệt chúng.

Cao Mang hỏi:

– Tôi nghĩ mình nên phá phù kiều, trước khi Thoát Hoan qua sông, mình có thể bắt được y.

Quốc Toản phì cười về ông anh, thích dùng sức mạnh:

– Đánh như vậy thì có thể bắt được Thoát Hoan. Nhưng mình không nên giết, không nên bắt Thoát Hoan, vì khi ta tung quân bắt y, bọn tướng sĩ Nguyên thấy chúa tướng lâm nguy thì Áo Lỗ Xích, A Bát Xích bằng mọi giá phải tung toàn bộ lực lượng cứu chúa e ta không đương nổi.

Vương ra lệnh cho Hưng Vũ vương:

– Áo Lỗ Xích chỉ huy cánh tiền quân rút lui. Cánh này gồm 5 vạn kị binh ở Tây kết, do Bôn Kha Đa chỉ huy.Từ trước đến nay hiệu binh Thiên thánh của vương nổi tiếng thiện chiến, linh hoạt. Bây giờ vương cho binh sĩ để tất cả những chiến cụ cồng kềnh lại, di chuyển tới cánh đồng Văn. Khi thấy khói bốc lên ở Hồ tây là lúc chúng qua phù kiều, thì đánh vào Thăng long.

Vương ra lệnh cho Hưng Trí vương, Đại Hành, Cao Mang, Địa Lô:

– Còn chúng ta, chúng ta đánh vào Thăng Long. Kế hoạch như thế… như thế…

Trong thành Thăng long, ngày Bính thìn 1 tháng 2 năm mậu tý (4-3-1288), Thoát Hoan triệu tập một buổi hội tướng sĩ.

A Bát Xích phát biểu:

– Trong buổi hội trước đây, thần đã đưa kế sách rằng:

” Giặc bỏ sào huyệt trốn chạy ra biển, vào núi, có ý chờ ta mệt mỏi rồi đánh lại. Tướng sĩ của ta là người phương bắc, lúc xuân-hạ giao nhau, lam chướng hoành hành, mà ta chưa bắt được chúa giặc, ta không thể giữ lâu được. Một mặt ta chia quân bình định các nơi, chiêu hàng những người quy phục. Một mặt ngăn cấm quân sĩ cướp bóc. Như vậy ta có thể bắt được Nhật Huyên”.(1) Thế nhưng kế này không được thi hành”. 

Phàn Tiếp xua tay:

– Không phải vương gia không muốn dùng kế của Hữu thừa. Mà vì thiếu lương, ta phải thả binh sĩ cướp bóc,. Dân chúng thấy quân tới thì chống lại, cất dấu lương thực. (2) Vì vậy mới có vụ chém giết, hiếp dâm.

Áo Lỗ Xích đề nghị:

– Ta đóng quân ở Thăng long, xung quanh đồn trú đại quân ở Gia lâm, Chương dương, Tây kết, Đông bộ đầu; giống như một cái đảo. Bây giờ lương tuyệt thì chỉ có cách rút về Vạn kiếp, rồi nghe ngóng xem Nhật Huyên ở đâu, đem quân đến bắt.

Tả thừa A Lý góp ý:

– Hiện quân không còn lương. Cướp cũng không được làm bao. Ngày mai thì hết sạch. Vậy nên rút khỏi Thăng long càng mau càng tốt. Tại Vạn kiếp, Ô Mã Nhi mới cướp được 4 vạn thạch lương.

Thoát Hoan quyết định:

– Ngày mai rút quân. Cánh Tây kết do Áo Lỗ Xích, Bôn Kha Đa chỉ huy kị binh đi trước mở đường. Dọc đường cướp được lương thì cứ cướp. Cánh thứ nhì do Mang Cổ Đái chỉ huy gồm 5 vạn phu ở Đông bộ đầu, hộ tống cho Phàn Tiếp đem thủy quân chở chiến cụ, thương binh, vợ con tướng sĩ. Bộ tham mưu với cô gia, đi theo cánh này. Cánh thứ ba do A Bát Xích, Đường Ngột Đải, Lưu Thế Anh chỉ huy 5 vạn phu ở Chương dương. Khi qua sông rồi thì phá phù kiều. Bấy giờ mới cho chiến thuyền bảo vệ phù kiều rút cuối cùng.

Cuộc họp chấm dứt, Thoát Hoan gọi Ái Lỗ, Nguyễn Linh Nhan ra lệnh:

– Hai người đem xe tới Thụy khuê đón vương phi với 2 thế tử về đây ngay, để ngày mai còn rút về Kiếp bạc.

Nguyễn Linh Nhan khải:

– Cách đây bốn ngày vương gia bàn với Tả thừa Áo Lỗ Xích định kế rút khỏi Thăng long. Thần đã cáo với vương phi. Vương phi chuẩn bị sẵn rồi. Bây giờ thần tới là vương phi về đây ngay.

– Được! Người đi đón vương phi đi.

Từ hôm vào Thăng long, gần như mỗi ngày Thoát Hoan đều tới Thụy khuê thăm Ngọc Trí với 2 đứa con trai, có khi y qua đêm tại đây. Điều y tìm thấy ở đây là dân chúng biết y cầm quân tàn phá đất nước của họ, mà họ không hề kỳ thị y. Trái lại Đại tư còn cắt cử người phục dịch cho y. Y được dịp làm quen với Câu đương, người đàn bà chỉ huy Nghĩa dũng quân. Y thấy rõ hệ thống giữ an ninh của xã: già, trẻ, lớn, bé cùng biết sử dụng vũ khí, biết bắn cung, biết ẩn núp. Đoàn Nghĩa dũng quân tuy hỗn tạp, ô hợp, nhưng lúc tập trung lại, họ tiến, thoái nhịp nhàng, chiến đấu có phương pháp. Bây giờ y mới hiểu rõ rằng cái nước An Nam nhỏ bé bằng hạt vừng, hạt đậu mà chống lại được một nước vĩ đại như Mông cổ vì hệ thống tổ chức hạ tầng quá chặt chẽ. Chính vì vậy y chiếm được Thăng long, mà không làm chủ được An Nam. Y tự cảm thấy chán nản. Tự nhiên y khinh bỉ bọn Trần Ích Tắc. Y cảm ơn Nguyên phi của phụ hoàng đã gả cho y một người con gái, nói về nhan sắc thì tươi như hoa đào hoa mận, nói về tính tình thì ôn nhu văn nhã; lại có tài cầm ca, tề gia, nội trợ. Y quyết định mang nàng trở về Trung nguyên, để đối chất với bọn vong quốc này.

Ái Lỗ, Nguyễn Linh Nhan đem hai cỗ xe song mã đi Thụy khuê. Hai người tới nơi, thì đã thấy bách phu canh gác Ngọc Trí chuẩn bị xong. Ngọc Trí hỏi Ái Lỗ:

– Tả thừa! Kế hoạch rút quân mà Tả thừa nói với tôi hôm trước, có gì thay đổi không?

– Khải phi không. Xin phi lên đường cho.

Người đàn bà lớn tuổi giữ chức Câu đương, chỉ huy Nghĩa dũng quân đem ra nào gà quay, heo quay, cá nướng, xôi gấc tặng cho bách phu Võ vệ, tiễn họ lên đường.

Ngọc Trí gọi hai vệ úy Huệ, Mai giả làm tỳ nữ:

– Thôi hai em ở lại. Ta lên đường, từ nay quan sơn vạn dặm, khó mà gặp lại nhau.

Kỳ thực 4 ngày trước bọn Nguyễn Linh Nhan đã thuật cho Ngọc Trí nghe về kế hoạch rút quân. Vệ úy Mai báo với Khu mật viện ngay. Nên Hoài Văn vương với Văn sơn hầu Địa Lô thiết kế rồi truy kích. Bây giờ 2 nàng báo tiếp: kế hoạch không đổi.

Hoài Văn vương khen:

– Công của hai chị thực lớn vô cùng. Sau trận này tôi sẽ thăng hai chị lên cấp Tá lĩnh.

Hai người cảm động về cách xưng hô của một tước vương, tuổi trẻ, quyền nghiêng thiên hạ. Cả hai hành lễ quân cách:

– Đa tạ vương gia.

Ái Lỗ, Nguyễn Linh Nhan với một bách phu Võ vệ hộ tống 2 cỗ xe song mã của Ngọc Trí vào Thăng long. Thoát Hoan thấy 2 đứa con trai thì ôm vào lòng, vuốt ve, hôn hít.

Ngọc Trí nói với chồng:

– Vương gia, cuộc rút binh nào cũng nguy hiểm như nhau. Vương gia phải tối cẩn thận. Hồi rút quân trước, ba tướng là Dã Tượng, Trần Quốc Kiện, Trần Quốc Toản chỉ huy 3 hiệu binh cực kỳ dũng mãnh. Nay Quốc Kiện chết rồi, nhưng lại thêm hai tướng Đại Hành, Cao Mang. Họ phục dọc đường, ném đá vương gia đấy. Thiếp với 2 con phải đi cạnh vương gia, hy vọng chúng sẽ nể vì mà bớt hung hãn.

Thoát Hoan tự tin:

– Kỳ này ta có cánh quân Thiết đột tới 5 thiên phu, gồm toàn võ lâm cao thủ, do 3 tướng vô địch Tĩnh đô sự hầu Đô Mi Ni, vạn hộ Tôn Đạt, thiên hộ Chu Tiêu chỉ huy. Aáy là không kể bọn mặt mo Ích Tắc, Văn Lộng, Tú Hoãn, Lê Tắc là những đệ nhất cao thủ An Nam. Chúng sắp tới rồi.

– Biết bao giờ chúng tới? Mà vương gia đang lúc cần!

– Ta có một đội Võ vệ, gồm 20 đại cao thủ người Hán theo sát bên cạnh thì sợ gì? Aáy là chưa kể một bách phu Võ vệ hầu cận phi!

Sáng sớm ngày đinh tỵ 2 tháng 2 năm mậu tý (5 tháng 3 năm 1288). Sương mù phủ bàng bạc trên dải sông Hồng, đoàn kị mã Mông cổ, hàng hàng, lớp lớp vượt cầu phao sang Gia lâm, rồi tốc thẳng tới Như nguyệt. Áo Lỗ Xích sai ngựa lưu tinh vào thành Thăng long báo tin cho Thoát Hoan:

– Cuộc mở đường của kị binh hoàn toàn tốt đẹp. Không gặp một bóng quân Man Việt nào. Hiện có một thiên phu kị binh trấn ở mố 2 cầu phao bắc ngạn. Năm vạn phu ở Đông bộ đầu do Mang Cổ Đái chỉ huy đang vượt cầu phao. Thỉnh vương gia lên đường. Dọc đường Kị binh cướp được 2 vạn thạch lương, gồm ngô, khoai, sắn. Không cướp được thóc, gạo.

Ái Lỗ ra lệnh cho 5 nghìn bộ binh, kị binh trong thành Thăng long rời khỏi thành. Thoát Hoan cỡi ngựa đi cạnh ba cỗ xe chở Ngọc Trí, 2 con và tỳ nữ. Xung quanh y là 20 Võ vệ, cầm đoản đao hộ tống. Xe vừa tới mố cầu bắc ngạn thì ba tiếng pháo nổ, rồi ba vệt tím vọt lên không, tiếp theo ba tiếng nổ rung động không gian, ba cái nấm mầu tím tỏa ra trên không.

Tiếp theo tiếng trống thúc, tiếng quân reo.

Mang Cổ Đái hỏi Nguyễn Chiến Thắng:

– Cái gì vậy?

– Thưa ngài Tham tri, đó là tín hiệu của hiệu binh Hàm tử.

Thoát Hoan dừng ngựa nhìn về Thăng long. Tế tác Nguyễn Chiến Thắng báo:

– Hiệu binh Thiên thánh của Hưng Vũ vương đang tiến vào Thăng long, và trấn tại 5 cửa.

– Đoàn thuyền của Phàn Tiếp vừa tới sông Đuống thì bị ngư thuyền của dân chúng, chở thủy quân, Nghĩa dũng quân đếm không hết, từ các sông lạch đổ ra vây đánh. Hạm đội Thăng long từ các sông nhỏ, các lạch đổ ra đánh bịt hậu đoàn chiến thuyền của ta. Hơn 40 chiến thuyền bị bắt, bị đánh chìm. Thủy quân bơi đầy sông, bị ngư dân tung lưới bắt.

Đến đó trống thúc vang dội mặt sông, rồi từ hai đầu sông, chiến thuyền Việt dàn hàng, tiến về phía phù kiều. Đoàn 5 vạn phu Đông bộ đầu đã qua Gia lâm, thì cũng là lúc hạm đội Âu cơ tấn công vào 20 chiến thuyền Nguyên đang bảo vệ phù kiều. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Thoát Hoan thân thúc trống trận khích quân Nguyên. Thình lình thủy quân trên 20 chiến thuyền la hoảng, vì đáy thuyền thủng, nước ào ào tràn vào. Người người la hét, bỏ thuyền nhảy lên phù kiều làm bia cho Thủy quân Việt dùng cung tên bắn. Thế là đoàn quân Nguyên ở Chương dương bị ùn tắc lại trên cầu phao, chen chúc nhau, ngã xuống sông.

Có nhiều tiếng thét kinh hoàng, phù kiều bị đứt làm ba đoạn trôi trên sông. Rồi những Ngạc binh Việt vọt lên chém giết. Mang Cổ Đái đang chơi vơi ở cầu phao, thì một Ngạc binh vọt lên vung đao chém y. Y dùng đoản đao gạt, choang một tiếng, vũ khí của Ngạc binh vuột khỏi tay. Tiếp theo Ngạc binh bị bay đầu. Con ngựa của Đái cỡi bị sóng làm cầu phao dập dình, ngã xuống. Y tung người lên, nhưng bị rơi xuống sông. Y đang bơi lóp ngóp, thì một dân thuyền chèo tới. Một nữ Nghĩa dũng quân tung chài chụp y. Y bị chài cuốn lại, không vùng vẫy được. Nữ ngư dân dìm y xuống nước. Y ngộp thở, ngất đi. Khi tỉnh lại thì thấy mình bị trói bằng dây chuối khô, để nằm dài cạnh một số binh lính của y.

Thoát Hoan nhìn về phía nam ngạn, từ hai phía, quân Việt xuất hiện cực kỳ hùng tráng tấn công vào đoàn quân Nguyên ở Chương dương đang chơi vơi vì không còn phù kiều. Binh tướng Nguyên quẳng vũ khí đầu hàng. A Bát Xích thét lên:

– Hèn nhát! Hãy chiến đấu. Trời ơi! Quân mình đông gấp bội chúng mà đầu hàng thì còn trời đất nào nữa?!?!?!

Nhưng lính Nguyên bị đói hơn nửa ngày, thấy phù kiều bị mất, các tướng chạy hết, thì bỏ vũ khí hàng.

Đường Ngột Đải cỡi ngựa đi cạnh xe của Ngọc Cách. Một toán 10 Ngưu binh chặn đầu. Đường Ngột Đải cùng đội Võ vệ 20 người xung vào đám Ngưu binh. Xe Ngọc Cách bị lọt lại sau, bị vây giữa một đội Nghĩa dũng binh. Thấy Địa Lô nàng gọi:

– Anh Địa Lô, cứu mạng em với.

Địa Lô phất cờ, Nghĩa dũng binh bỏ không vây xe nàng, mà vây Đường Ngột Đải cùng 20 Võ vệ.

Đường Ngột Đãi cùng 20 Võ vệ cố mở vòng vây, đánh dạt Ngưu binh ra, đã có 2 Ngưu tướng chết. Nhưng phía trước phù kiều bị cắt. Y đang luống cuống thì thình lình có tiếng hú chói tai, thấp thoáng, con vượn trắng từ trên cây nhảy xuống như một thiên tướng. Choảng, choảng, 2 gậy đánh văng đao của 2 Võ vệ. Tiếp theo, đầu 2 Võ vệ bị đập vỡ. Đám Võ vệ vây Bạch viên vào giữa. Bạch viên quay tít gậy, đi đến đâu đám võ vệ tan xương, nát thịt tới đó. Không đầy một khắc, các Võ vệ bị giết gần hết. Đường Ngột Đải phóng mình lên xe của Ngọc Cách, thì Hoài Văn vương tới. Ngọc Cách hét lên:

– Xin vương gia cho chồng tiểu tỳ đầu hàng!

Quốc Toản phất cờ, Ngưu binh, Nghĩa dũng binh lùi lại. Vương phóng chỉ điểm huyệt Đường Ngột Đải, để y ngồi sau xe, rồi thân đánh xe của Ngọc Cách. Binh tướng Việt tưởng đâu xe này của Đại việt.

Thoát Hoan ở bờ bắc sông, nhìn tận mắt trận chiến tuyệt vọng đạo binh của Đường Ngột Đải.

Aí Lỗ đứng cạnh nói với Thoát Hoan:

– Xin vương gia rút chạy đi thôi. Bọn Man Việt hung hăng quá. E chúng vượt sông thì nguy.

Thoát Hoan đành quay lại, thì bọn Ái Lỗ, Nguyễn Linh Nhan (Bách Linh) với đoàn Võ vệä, đã phò xe chở vợ con y chạy trước! Y đành phi ngựa theo A Bát Xích. Vừa tới Gia lâm thì quân báo:

– Toàn bộ 70 chiến thuyền bị chìm, bị bắt trên sông Đuống. Còn 20 chiến thuyền bảo vệ cầu phao bị bắt trên sông Hồng.

Phía trước có 4 cỗ xe, và một bách phu Võ vệ dàn ra ngang đường. Đó là bách phu Võ vệ theo hầu vương phi Ngọc Trí. Ngọc Trí đứng dưới đường đón y:

– Vương gia! Thiếp nhất định cùng bách phu này chờ vương gia. Vợ chồng chết thì cùng chết, chứ nếu vương gia có mệnh hệ nào thì thiếp cùng chết với vương gia.

Chiều hôm ấy, Thoát Hoan cùng bộ tham mưu về tới Vạn kiếp. Lần rút quân này tuy không nguy hiểm như lần trước, nhưng y kinh hãi hơn, vì binh tướng đói khát, không còn ý chí chiến đấu.

Áo Lỗ Xích tường trình kết quả trận đánh:

– Cuộc rút quân khỏi Thăng long hoàn toàn thất bại. Kị binh rút lui an toàn, không một ngựa, một người nào bị tổn thất. Cướp được 2 vạn thạch lương. Đoàn thủy quân bị hại toàn bộ trên sông Đuống, sông Hồng. Sở dĩ thủy quân thất bại vì chỉ biết sông lớn, không nghĩ đến chiến thuyền của Man Việt ẩn trong các sông nhỏ. Lại không lượng được ngư thuyền của Nghĩa dũng quân nhanh, nhẹ chở thủy quân của chúng. Lại nữa bọn Ngạc binh tung hoành, không có cách gì chống lại chúng. Hơn 2 vạn thủy quân bị bắt, bị giết. Bôn Kha Đa, Mang Cổ Đái, Lưu Thế Anh, Đường Ngột Đải bị giặc bắt.

Các tướng mặt nhìn mặt, lo âu, vì vợ con theo thủy quân bị bắt không biết sống chết ra sao?

Thoát Hoan hỏi:

– Có biết những tướng Việt nào chỉ huy không?

– Thưa đó là Tổng trấn Thăng long Trần Quốc Toản tước phong Hoài Văn vương. Quân sư là Văn sơn hầu Nguyễn Địa Lô. Thủy quân có 2 hạm đội Âu cơ, Thăng long của Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Toàn. Bộ có 5 hiệu binh với các tướng Hưng Vũ vương Quốc Hiến, Hưng Trí vương Quốc Hiện, Cao Mang, Đại Hành.

Ái Lỗ than:

– Về quân số, Man Việt quá ít so với ta. Nhưng các tướng của chúng lượng rằng quân ta bị đói mất nửa ngày, rồi dùng tâm chiến làm cho binh tướng kinh hoảng. Toàn bộ 5 vạn phu ở Chương dương bị bắt, bị giết.

Phàn Tiếp phân tích:

– Lần trước tướng của ta dùng binh giỏi, quân của ta thiện chiến. Tướng của chúng chưa lâm trận bao giờ, quân của chúng chưa từng đánh nhau. Bây giờ tướng của chúng dùng binh giỏi, quân của chúng thiện chiến. Nhất là bọn Nghĩa dũng trang bị vũ khí như quân ta, thiện chiến, can đảm, thông thạo địa thế. Vì vậy tuy ít quân, mà chúng thắng ta.

Trận giải phóng Thăng long diễn ra chỉ có một ngày 2-2- mậu tý (5-3-1288) niên hiệu Trùng Hưng thứ 4 đời vua Trần Nhân tông bên đại Việt, bên Trung nguyên là niên hiệu Chí Nguyên thứ 25 đời Thế tổ Hốt Tất Liệt. 

Sau trận giải phóng Thăng long, hai vua triệu tập một buổi hội quân trong hoàng thành.

Để giữ an ninh, thượng hoàng chỉ định Điện tiền chỉ huy sứ Phạm Ngũ Lão và tổng lĩnh đội nữ Thị vệ, công chúa Thủy Tiên, canh phòng điện Giảng võ.

Từ hồi Vũ Uy vương lên đường lĩnh chức Hành sơn vương, đến nay hơn 20 năm vương mới gặp lại Thượng hoàng, Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Hòa vương. Anh em không còn giữ lễ nghi nữa, cùng ôm lấy nhau, nước mắt đầm đìa, hàn huyên nửa buổi.

Buổi hội vừa khai, Thượng hoàng ngợi khen Hoài Văn vương:

– Cháu thực xứng đáng là con của anh chị Vũ Uy.

Hoài Văn vương tâu:

– Sở dĩ thần thành công là nhờ công chúa Ngọc Trí, Ngọc Cách với 4 vệ úy Huệ, Mai, Lan, Cúc. Thần hứa sau trận đánh sẽ tâu lên hoàng thượng thăng chức cho 4 chị ấy. Hiện 4 chị ấy ở ngoài, xin hoàng thượng cho 4 chị được bái kiến.

– Mời vào!

4 vệ úy hành lễ quân cách. Chiêu Minh vương ban chỉ:

– Quốc Toản à! Cháu là Tổng trấn Thăng long, cháu có quyền thăng cấp cho thuộc hạ tới Đô thống. Sao cháu không ban chỉ, mà phải tâu lên hoàng thượng?

Khâm Từ hoàng hậu mỉm cười:

– Chú Chiêu Minh không hiểu ý của Quốc Toản rồi. Quốc Toản muốn triều đình ban tước cho 4 vệ úy, nên mới tâu lên bệ hạ.

Trùng Hưng hoàng đế tỉnh ngộ, ngài phán:

– Bộ Lễ ban chỉ cho vệ úy Mai tước Thụy hương quận chúa, vệ úy Huệ tước Thụy khuê quận chúa. Vệ úy Lan tước Ngọc thụy quân chúa. Vệ úy Cúc tước Nghi tàm quận chúa. Lại ban cho phụ thân tước ngũ phẩm, mẫu thân tước ngũ phẩm phu nhân. Binh bộ ban lệnh thăng 4 vệ úy lên cấp tá lĩnh. (3).

Thượng hoàng khen Địa Lô:

– Trung lang tướng thiết kế cho xã Thụy khuê nuôi ăn, đối xử tử tế với bách phu Võ vệ, lại cho chúng làm quen với Nghĩa dũng quân, có tác dụng tâm chiến rất mạnh. Thoát Hoan thấy tận mắt, nghe tận tai đội Nghĩa dũng quân nam, phụ, lão, ấu của Thụy khuê, ắt y nản lòng không ít.

Một lần nữa Địa Lô được Thượng hoàng khen, người anh hùng tài hoa sướng không bút nào tả xiết.

Đại Hành tâu:

– Hiện quân Nguyên co cụm lại từ Kinh bắc tới Vạn kiếp. Từ Vạn kiếp tới Nội bàng. Qua trận rút lui khỏi Thăng long, lương tuyệt, quân sĩ bị mất tinh thần. Bây giờ là lúc ta nên thả tù binh Vân đồn, tù binh trận đánh Đô Mi Ni, gia đình tướng sĩ bị bắt ở sông Đuống. Như vậy tướng sĩ giặc kinh tâm động phách, ắt chúng khuyên Thoát Hoan rút chạy.

Cao Mang đặt vấn đề:

– Lần trước anh chị Dã Tượng bắt được vợ con tướng sĩ giặc, triều đình mở lượng tha cho về. Bây giờ toàn bộ vợ con chúng đến hơn vạn người. Ta phải dùng vợ con chúng làm áp lực, có đâu trả về dễ dàng như vậy?

Đại Hành xua tay:

– Nên trả, trả hết. Giữ làm gì? Giữ, mình phải nuôi báo cô vô ích. Bây giờ bọn chúng thiếu ăn. Ta nên thả vợ con chúng về, để chúng phải chịu gánh nặng là nuôi hơn vạn miệng ăn. Rồi mai này chúng thua chạy, vướng vít vợ con ta phá dễ hơn.

Trùng Hưng hoàng đế khen:

– Trường yên công ở Nguyên lâu, nên có kiến giải sắc bén. Vậy thả tù tại Kinh bắc là Địa Lô. Thả tù tại Như nguyệt là Cao Mang. Thả tù tại Gia lâm là Đại Hành. Thả tù tại Vạn kiếp phi Hưng Ninh vương, không ai đương nổi.

Thình lình Hưng Ninh vương lên tiếng:

– Chúng ta đang nghị kế phá giặc. Người là ai mà lại đến chỗ tôn nghiêm tối cao này nghe trộm?

Nói rồi vương cầm chung trà trên tay ném lên nóc điện. Chung trà chọc thủng mái điện xuyên ra ngoài. Mọi người cùng vọt ra sân. Ngoài sân phò mã Phạm Ngũ Lão đang chiết chiêu với một người trùm đầu, trong y phục thị vệ. Bạch Viên đang vác côn đập một tên khác xử dụng đoản đao. Choảng một tiếng, thanh đao của y cong lại như con rắn cuộn khúc. Tên này quẳng đao, vọt mình chạy. Bạch Viên đuổi theo. Phạm Ngũ Lão dùng võ công Tản viên, thuộc dương cương, đường đường chính chính. Còn người trùm đầu dùng võ công khi thì Đông a, khi thì Mê linh.

Đại Hành hỏi Quốc Toản:

– Em đã luyện Lĩnh Nam vũ kinh. Em nhận xét thế nào về trận đấu này?

– Về công lực thì hai bên ngang nhau. Còn về chiêu số thì tên trùm đầu thay đổi không ngừng. Khó biết lắm.

Thình lình người trùm đầu lùi lại, rồi phát ra một chiêu thô kệch. Phạm Ngũ Lão đỡ! Binh một tiếng cả hai lảo đảo lùi lại. Mùi hôi tanh bốc ra cực kỳ khó chịu. Nghĩ ra một việc, Hoài Văn vương đến bên công chúa Thủy Tiên:

– Tên này dùng Huyền âm độc chưởng. Anh Ngũ Lão nguy đến nơi rồi. Vậy chị dùng Phản Huyền âm độc chưởng của tổ Tự An chế ra để đẩy độc tố trở lại người y.

Vương úp bàn tay lên bàn tay Thủy Tiên, rồi vận khí nhả vào tay công chúa một ít độc tố.

Phạm Ngũ Lão đã đấu với người trùm đầu tới chiêu thứ mười, thì y nhảy lùi lại cười khành khạch:

– Tên đầu bạc non! Mi lĩnh của ta 10 chiêu Huyền âm độc chưởng rồi. Mau quỳ gối bái lậy ta làm sư phụ. Ta sẽ cho thuốc giải.

Phạm Ngũ Lão thấy người lạnh buốt, rồi như có con dao đâm vào ngực. Phò mã hét lên vì đau đớn rồi lùi lại sau. Tên trùm đầu cười nhạt:

– Dòng họ Đông a dùng võ lập nghiệp, mà dùng số đông vây ta ư? Nếu có ai đỡ của ta được 10 chiêu, ta sẽ chịu trói. Còn như không ai đỡ được thì phải để ta đi.

Công chúa Thủy Tiên cười nhạt:

– Ta muốn lĩnh cao chiêu Huyền âm của các hạ.

Công chúa phát chiêu Phong ba hợp bích hướng gã bịt mặt. Gã cười ha hả:

– Được! Ta cho vợ chồng mi chết cùng một ngày.

Y vận công đỡ. Binh một tiếng, cả hai bật lui lại sau. Mùi hôi tanh bốc ra nồng nặc.

Quốc Toản thấy Phạm Ngũ Lão đau đến toát mồ hôi ra. Vương nói sẽ:

– Anh ngồi xuống, em hút độc tố cho anh.

Vương để tay lên huyệt bách hội của phò mã rồi vận công hút. Khoảng 20 tiếng đập tim, bao nhiêu cái đau đớn biến mất. Phò mã hỏi Quốc Toản:

– Em học được Huyền âm ở đâu vậy?

– Em luyện từ Lĩnh Nam vũ kinh.

Trận đấu giữa người trùm đầu với Thủy Tiên đã đến hồi quyết liệt. Thình lình Thủy Tiên đánh ra chiêu Phong ba hợp bích . Người trùm đầu xòe tay ra đỡ. Bạch một tiếng. Cuộc đấu trở thành cuộc đấu nội lực.

Trùng Hưng hoàng đế nói với Hưng Ninh vương:

– Sư phụ! Xin sư phụ can thiệp, bằng không Thủy Tiên không chịu nổi Huyền âm độc tố.

Hưng Ninh vương nói nhỏ:

– Huyền âm không hại được Thủy Tiên đâu.

Người trùm đầu cười ha hả:

– Thủy Tiên! Người lĩnh của ta 30 chiêu Huyền âm chưởng. Mi sắp chết rồi. Ta không đấu với cái thây ma nữa.

Nói rồi y tung mình lại sau. Thình lình y cảm thấy người lạnh toát, rồi khắp người đau đớn cùng cực. Y hét lên be be, nhảy chồm chồm như con ếch. Y quát lên:

– Thực xấu hổ! Mi là con gái của Hưng Đạo vương, là đệ tử của Tuệ Trung bồ tát mà lại dùng Huyền âm chưởng đánh ta.

Công chúa Thủy Tiên nhỏ nhẹ:

– Các hạ dùng Huyền âm chưởng đánh tôi. Tôi chỉ trả lại các hạ những gì các hạ phát ra mà thôi.

Người trùm đầu hét lên:

– Ta ngu quá! Ngu quá! Đáng lẽ khi thấy mi xử dụng võ công Đông a, ta phải biết Đông a có pho Phản chu sa độc mới phải.

Nói rồi y lắc lư như người say rượu. Công chúa Thủy Tiên điểm huyệt y. Nữ thị vệ trói y lại. Phò mã Phạm Ngũ Lão mở khăn trùm đầu y ra. Quận chúa tá lĩnh Mai kêu lên:

– Thì ra mi là Nguyễn Linh Nhan (Bá Linh), thuộc Tế tác Nguyên, chỉ huy đoàn Võ vệ cạnh Thoát Hoan.

Địa Lô chỉ mặt y nói:

– Tên này trước đây có tên Nguyễn Linh Nhan. Y mới đổi tên là Nguyễn Bá Linh, mẹ là người Việt tên Minh Nguyệt, cha là người Hán tên Nguyễn Chiến Thắng. Thắng là chưởng môn phái Trường bạch. Cha con chúng luyện công dẫn khí sai kinh mạch bị chứng âm hư, nội nhiệt, phải hấp kinh huyết của phụ nữ để khỏi bị trúng phong bán thân bất toại. Hai vợ chồng y với Nguyễn Linh Nhan thường đột nhập Hoàng thành nhà Nguyên, bắt cung nữ hấp kinh huyết luyện công. Bị bắt. Cả ba xin sang Đại việt đới tội lập công. Hốt Tất Liệt cử sang làm việc tại Tuyên phủ ty. Trước đây cả vợ chồng y, với Nguyễn Linh Nhan bị Trần Quốc Toản, Trần Quốc Kiện bắt. Nhưng vì là người Tuyên phủ ty, nên triều đình phải thả ra. Bây giờ y thám thính bị bắt. Quân hàm của y là thiên hộ. Cha y là Nguyễn Chiến Thắng mới được phong chức vạn hộ. Cả hai cha con được bố trí vào Khu mật viện đạo binh Thoát Hoan, kiêm chỉ huy đội Thị vệ.

Hưng Đạo vương tới. Thấy Hưng Đạo vương, Nguyễn Linh Nhan biết khó thoát cái chết. Y hướng vương:

– Vương gia! Tôi biết tội không dám xin ân xá. Chỉ mong vương ban cho một đặc ân.

– Đặc ân gì?

– Xin được ăn một bữa thịt chó.

Phò mã Phạm Ngũ Lão ghé miệng vào tai y mắng:

– Cho mày ăn máu dơ của đàn bà.

Tưởng câu mắng đó sẽ làm y buồn. Không ngờ mặt y tươi tỉnh:

– Đa tạ phò mã.

Phò mã sai điệu y ra bờ sông, dùng thanh kiếm Bình nam đưa một nhát đứt đầu, rồi ném xác y xuống sông.(4)

Hôm sau, 4 sứ thần Hưng Ninh vương, Địa Lô, Cao Mang, Đại Hành đem tù binh đến những khu đóng quân của Nguyên, trao cho các chúa tướng. Riêng sứ đoàn Hưng Ninh vương thì tới Vạn kiếp, với 10 thuyền chở vợ con các tướng.

Nghe thân binh báo có Hưng Ninh vương, anh ruột Hưng Đạo vương xin cầu kiến. Thoát Hoan thân ra cửa trại đón. Y thấy vương mặc quần áo Như Lai thì hỏi:

– Không biết bồ tát giá lâm, ban ân gì cho cô gia đây?

– A Di Đà Phật, nhân quân Việt bắt được một số tù binh ở trận Vân đồn, Bắc cương và sông Đuống. Bần tăng xin với thượng hoàng ân xá cho họ, rồi đưa về đây trả vương gia.

Các tướng Nguyên thấy vợ con không ai bị hại, của cải trả lại đầy đủ thì chắp tay vái:

– Nam mô Tuệ Trung bồ tát.

Tuệ Trung nhỏ nhẹ:

– Vương gia hai lần mang đại quân vào Đại việt. Nào quân Nguyên, nào quân Việt, nào dân chúng chết kể ra đến hằng triệu người. Bây giờ vương gia đóng quân ở đây, binh tướng bị lam chướng giết mỗi ngày hơn nghìn người. Lương thực bị tuyệt, đánh thì không kế. Chi bằng lui về để bảo toàn tính mệnh cho chư quân. Không biết vương gia nghĩ sao?

Thoát Hoan thấy Tuệ Trung luận có lý, nhưng y vẫn nói cứng:

– Cô gia đem quân sang đây là tuân chỉ của phụ hoàng. Biết rằng chinh chiến gây tang tóc. Nhưng bạch bồ tát, lui cũng không dễ!

Hưng Ninh vương cười thầm:

– Qua lời nói vừa rồi, tiết lộ tên Thoát Hoan đã có ý rút binh.

Ngọc Trí núp sau trướng bước ra:

– A Di Đà Phật. Tiểu nữ là người Việt, quê ở làng Thụy khuê, được gả cho Trấn Nam vương. Tiểu nữ bạo gan xin Bồ tát ban cho đặc ân, để khi rút chạy không bị nguy hiểm.

Hưng Ninh vương móc trong bọc ra một lá cờ, trên thêu hình Phật Di Lặc:

– Tôi trấn thủ Đông bắc cương. Nếu vương phi rút theo đường Đông Bắc cương, cứ trương cờ này lên thì không ai dám chém giết, ném đá, bắn tên.

Ngọc Trí hành lễ, tiếp cờ.(5)

Hưng Ninh vương rời Vạn kiếp, Thoát Hoan họp tham mưu. Áo Lỗ Xích tường trình:

– Thực không ngờ chu sư của Trương Văn Hổ bị diệt gọn, mà ta không biết gì. Dĩ chí đội Thiết đột của Đô Mi Ni với 5 nghìn võ sĩ, bị phục kích, không một người sống sót. Bây giờ lương thảo tuyệt, an ninh bảo vệ chúa tướng không còn, thì chỉ có con dường duy nhất là tử chiến mở vòng vây thoát thân mà thôi.

Đến đó thân binh báo:

– Man Việt thả tù binh đoàn vận lương ra, các đạo quân trấn động vì không hy vọng có lương. Từ tướng tới quân đều hãi hùng. Các khu đóng quân, tung người đi đánh phá các làng lân cận cướp lương. Nhưng lương cướp không làm bao, mà quân chết thì nhiều.

Tất cả các tướng đều đồng ý tung quân vừa rút, vừa cướp lương.

Áo Lỗ Xích bàn:

– Ta phải chia quân làm 2 mà rút. Một là rút theo đường bộ: vượt Như nguyệt, Vạn kiếp, Chi lăng rồi tới Nội bàng; Khâu ôn, Khâu cấp, Khả lan vi, Đại trợ. Còn đường thủy thì theo sông Giá, sông Bạch đằng ra biển.

A Bát Xích kinh sợ thủy quân Việt trong trận Vân đồn, trong trận đánh Thăng long, nhất là trong trận rút khỏi Thăng long vừa qua. Y bàn:

– Bây giờ rút bằng đường bộ thì hy vọng, chứ rút đường thủy thì dọc đường bị ngư thuyền của dân chúng chở binh lính Man việt chặn đánh, bị Ngạc binh đục thuyền…khó mà sống sót. Nếu thoát ra biển được thì các hạm đội thiện chiến đang chờ đợi. Chi bằng phá hủy hết chiến thuyền, rồi rút bằng đường bộ thì hơn.

Ô Mã Nhi phản đối:

– Đóng một chiến thuyền tốn kém không ít. Bây giờ phá hủy một lúc 510 chiếc, thì e phí quá. Thần đề nghị, mình vẫn chia 2 lực lượng mà rút. Cánh bộ binh rút theo đường Vạn kiếp, Chi lăng. Cánh thủy quân rút theo sông Bạch đằng, nhưng dùng bộ binh, kị binh đi dọc theo bờ sông hộ tống. Khi tới bờ biển thì bộ, kị lên thuyền ra khơi.

Thoát Hoan đồng ý:

– Vậy Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem thủy quân rút trước (6). Trình Bằng Phi, Tháp Xuất (7) đem kị binh đi dọc hai bên bờ hộ tống.

Ô Mã Nhi hỏi:

– Xin vương gia chỉ định cho một giám quân.

Thoát Hoan chỉ Tích Lệ Cơ vương:

– Phiền thúc phụ làm giám quân cho đại đô đốc Ô Mã Nhi.

Xin nhắc lại điều đã ghi chú trong bộï DCBM. Vì đế quốc Mông cổ quá rộng, bao gồm hằng mấy trăm nước, nên khi sai một tướng đánh nước nào thì Thành Cát Tư Hãn cũng cử một người trong hoàng tộc, hay trong hội đồng Quý tộc làm giám quân. Tướng chỉ huy quyết định phương lược tác chiến, xung phong hãm trận. Còn giám quân quyết định phong chức tước, tổ chức cai trị vùng mới chiếm. Từ hồi sai Thoát Hoan sang đánh Đại việt, Hốt Tất Liệt đã cử hai thân vương trong hội đồng quý tộc, một cho cánh quân Vân nam là A Tai. Một cho cánh quân Kinh hồ là Tích Lệ Cơ vương mà sử gia Trần Trọng Kim cắt làm hai là Tích Lệ và Cơ Ngọc. Bởi trong chữ Hán, chữ vương với chữ ngọc giống nhau, nên thực sự là Tích Lệ Cơ vương, cụ cắt thành Tích Lệ và Cơ Ngọc. Vì Thoát Hoan cũng như Vân nam vương Dã Tiên Thiết Mộc Nhi là người trong hội đồng quý tộc nên chưa một lần tham khảo ý kiến hai vương A Tai, Tích Lệ Cơ là người bị đầy, nên hai thân vương chỉ là bù nhìn. Bây giờ cánh quân của Ô Mã Nhi quá đông, quyền hành quá rộng, nên y mới xin một giám quân. Tích Lệ Cơ vương là người theo A Lý Bất Ca chống lại Hốt Tất Liệt. Khi A Lý Bất Ca bại, Tích Lệ Cơ vương hàng Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt đầy y theo Thoát Hoan nam chinh.

Áo Lỗ Xích giảng giải chi tiết cho các tướng sĩ tới cấp bách phu biết:

– Chúng ta rút, thì Man Việt sẽ phục kích dọc đường, rất nguy hiểm. Khi ta bị phục kích thì bỏ các con lộ lớn, đi theo các đường làng. Đây! Nhờ An Nam quốc vương Trần Ich Tắc cung cấp bản đồ cho ta. Các người phải thuộc lòng những con đường nhỏ băng rừng, vượt suối từ Chi lăng, Nội bàng sang Tư minh.

Biết đầy đủ kế hoạch lui binh của Nguyên, Ngọc Trí tóm lược, sai chim ưng gửi về Thăng long cho Khu mật viện Đại việt. Lập tức Hoài Văn vương tâu với hai vua, với Hưng Đạo vương. Cuộc hội quân khẩn cấp tại điện Giảng võ. Hưng Đạo vương nhận định:

– Lần này giặc thua mau, vì ảnh hưởng cái thất bại lần trước. Ta cần đánh toàn lực, vì chỉ cần một trận này nữa là xong. Ta chia chiến trường làm 4 mặt trận.

Chư tướng mặt nhìn mặt, nguồn vui chạy rừng rực khắp cơ thể. Vương hướng 2 vua:

– Ra quân cần giữ vững căn bản. Căn bản của ta là Thăng long, Thiên trường và Hoan, Ái. Giặc không có khả năng đem quân tốc chiến đánh vào nam giới Hoan, Ái, Trường yên. Tuy nhiên ta vẫn phải đề phòng. Vậy Hoàng đế trấn Hoan, Ái với Tĩnh Quốc vương. Lực lượng gồm Nghĩa dũng binh, với hạm đội Bạch đằng. Khâm từ hoàng hậu trấn Thiên trường, lực lượng gồm hiệu binh Thiên thánh, với 10 đô Ngưu binh. Thượng hoàng với Chiêu Minh vương, Chiêu Hòa vương, Hưng Hiếu vương trấn Thăng long. Lực lượng gồm có 4 đô Ngưu binh, 10 đô kị binh và hiêu binh Tả thánh dực.

Vương đưa mắt nhìn Chiêu Văn vương:

– Mặt trận phía Tây do Chiêu Văn vương thống lĩnh. Vương cho phục binh ở Phù lỗ, Cụ bản, Bình lệ nguyên, Thảo lâm. Mỗi nơi đều để cho giặc đi qua một nửa, rồi đánh vào nửa sau. Lực lượng gồm có hiệu binh Trung thánh dực, Tứ thánh, thêm 5 đô Ngưu binh. Không biết như vậy có đủ không?

Chiêu Văn vương vui vẻ:

– Đủ rồi. Hiệu Trung thánh dực của Hà Chương hòa hợp với dân chúng, nên có hơn 10 đô Nghĩa dũng binh rất thiện chiến.

Thượng hoàng ban chỉ:

– Vương phải cẩn thận khi xử dụng Nghĩa dũng binh của vùng Phù lỗ, Bình lệ nguyên, Cụ bản. Đám này thiện thiến, can đảm thì không hiệu binh nào bằng. Nhưng có điều họ quyết tâm, nên chết thì chết chứ không chịu rút lui, hay bỏ chạy.

Hà Chương tâu:

– Tâu cái tinh thần đó có từ hồi Vũ Uy vương trấn Bắc cương. Vương đã huấn luyện họ như vậy. Cái tinh thần đó thành truyền thống đã 3 đời. Nay thình lình bắt họ thay đổi rất khó. Tuy nhiên thần sẽ uyển chuyển khi ra lệnh cho họ.

Vương đứng dậy hướng Vũ Uy vương:

– Bây giờ đến chủ lực diệt đại quân của giặc từ Vạn kiếp tới biên giới, xin Vũ Uy vương, vương phi đảm trách. Lực lượng gồm các hiệu Thiên thuộc, Thiên cương, Tứ thiên, Tiền thánh dực với 10 đô Ngưu binh. Vương là người được Tống, Hốt Tất Liệt khen là dùng binh như thần. Bây giờ vương có 4 hiệu binh, thêm 5 tướng tài từ Thảo nguyên về giúp sức thì việc truy quét bọn Thoát Hoan thành công đã trông thấy.

Vương phi Ý Ninh mỉm cười:

– Giặc còn tới 17 vạn bộ, kị binh. Mà vương huynh đặt dưới quyền chúng tôi có 4 vạn binh. Chúng có là thỏ, là chuột đâu mà chúng tôi thắng được chúng?

Uy tín vương phi Ý Ninh suốt 25 năm qua chấn động Việt, Hoa, Mông cổ, dĩ chí Tây vực. Nghe phi hỏi, tiếng phi trong, ngọt như cam thảo; mọi người biết phi đùa cho vui.

Hưng Đạo vương thấy vui vui, ngài gật đầu:

– Binh Nguyên-Mông như hùm như hổ là đối với các nước khác. Chứ trước Vũ Uy vương, vương phi thì chúng thành chuột hết.

Thượng hoàng hỏi:

– Anh Nhật Duy ơi! Từ hôm 5 tướng Nãi man theo anh về Đại việt, ngày đêm cùng ông cụ Trung Thành ra sức huấn luyện Nghĩa dũng binh các trấn bắc cương. Tại sao chỉ huấn luyện họ phục binh, mà không huấn luyện họ xung phong, hãm trận?

Vũ Uy vương cười:

– Trung Thành vương với thần ước tính kỳ này Thoát Hoan sẽ bại. Vương với thần, cùng 5 tướng đều lầu thông binh pháp của Nguyên-Mông nên huấn luyện Nghĩa dũng binh phục binh, chờ cái ngày chúng bỏ chạy, sẽ đánh chúng. Nếu huấn luyện xung phong, hãm trận thì lâu quá, e không kịp, nên chỉ huấn luyện phục binh, truy sát. Bây giờ 5 tướng có trong tay 10 vạn nam, nữ Nghĩa dũng, nếu nói về xung phong hãm trận thì họ không bằng chính binh. Còn như phục binh, đánh chặn thì Thiên tử binh không thể bằng họ.

Cử tọa vỗ tay hoan hô.

Hưng Đạo vương nói với cử tọa:

– Bây giờ tới lực lượng diệt thủy quân của Nguyên.

Hưng Đạo vương tự tin:

– Nguyên dốc hết Thủy quân của các cửa biển, của cả Quỳnh châu đem sang ta. Sau các trận Vân đồn 2, Vân đồn 3, trận sông Đuống lúc đánh Thăng long, trận sông Đuống khi rút lui Thăng long. Chúng bị tổn thất 210 chiến thuyền. Từ hôm chiếm Vạn kiếp, Thoát Hoan thấy nước mình nhiều gỗ quý, y sai thủy quân, công binh đóng 120 chiến thuyền bậc trung. Như vậy y có 560 chiến thuyền. Quân số thủy quân tử trận của các trận vừa qua, chúng đem bộ binh thay thế. Bộ binh mà đứng trên thuyền tác chiến thì khi sóng dạt, chân nam đá chân xiêu; không ngã thì cũng lắc lư. Làm sao chúng có thể đấu lại Nghĩa dũng binh ngư dân của mình có cả chiều dài từ bé sống dưới nước? Ta phải cố gắng tiêu diệt toàn bộ bọn thủy quân, phá hết chiến thuyền. Như vậy Nguyên-Mông muốn phục hồi phải lâu lắm. Trận này không phải chỉ đánh lấy thắng mà phải triệt tiêu tận gốc.

Các tướng vỗ tay.

Vương nhắc:

– Chiến trường trải dài từ Vạn kiếp tới Hạ long. Các tướng, các hiệu binh sau đây dự trận diệt thủy quân Nguyên-Mông. Về thủy quân:

– Hạm đội: Âu Cơ của đô đốc Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn. Hạm đội Thần phù, của đô đốc Phạm Cự Địa. Hạm đội Thăng long, của đô đốc Nguyễn Chế Nghĩa. Cộng với tất cả ngư thuyền của dân chúng dọc sông Đuống, sông Hồng, các vùng bờ biển.

Hưng Đạo vương tiếp:

– Về Ngưu binh, tất cả 50 đô Ngưu binh trừ bị, lẫn chính binh đều tham dự. Về bộ binh, các hiệu binh sau đây:

– Thứ nhất hiệu Hữu thánh dực, của Phạm Ngũ Lão.

Chư tướng vỗ tay hoan hô. Vì từ đầu cuộc chiến, phò mã cùng công chúa Thủy Tiên trấn ở cực bắc là hai ải Khâu ôn, Khâu cấp. Mới đây, vì công chúa An tư thống lĩnh Thị vệ tuẫn quốc, công chúa Thủy Tiên được điều về thay thế. Nên phò mã được lĩnh chức Điện tiền chỉ huy sứ. Hiệu binh Hữu thánh dực được lĩnh nhiệm vụ Thị vệ. Bây giờ phò mã được dự trận giặc lớn nhất.

Trong giới tín ngưỡng, người ta đồn rằng phò mã là Hùng Bảo, một đại tướng lừng danh thời vua Trưng. Còn công chúa là Trần Năng tước phong công chúa Yên lãng, là một trong 12 nữ đại công thần thời vua Trưng. Hai vị thành vợ chồng, vì nước chống giặc rất tương đắc. Hai vị tái đầu thai để đánh giặc.

– Thứ nhì hiệu Thần cách, của Trung lang tướng, Văn sơn hầu. Địa Lô.

Chư tướng vỗ tay, vì hiệu binh này cùng với hiệu Hàm tử là hai hiệu thiện chiến, mỗi chiến, mỗi thắng.

– Thứ ba hiệu Củng thần, của Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương hầu Cao Mang.

– Thứ tư hiệu Tứ thần, của Vạn hoa sơn hầu Nguyễn Khoái.

– Thứ năm hiệu Hàm tử, của Hoài Văn vương Trần Quốc Toản.

Một lần nữa chư tướng vỗ tay. Vì thời Trần, chư tướng tin rằng Trần Quốc Toản là Vũ khúc tinh quân trên thượng giới giáng thế, nên đánh đâu thắng đó.

– Thứ sáu hiệu Văn Bắc, của Trần Quốc Kinh (Dã Tượng).

Buổi hội chấm dứt. Chư tướng lên đường.

Hưng Đạo vương cùng Quốc Toản, Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành, Địa Lô, âm thầm đến cửa sông Bạch đằng. Ngài nói với 6 tướng:

– Nghĩ lại thời gian qua mau thực. Mới hôm nào Thiên trường ngũ ưng là 5 thiếu niên cùng dự trận Đông bộ đầu. Chú Vũ Uy với thím Ý Ninh mới kết hôn. Thế mà bây giờ cả 5 thành đại tướng quân, cùng dưư trận này. Chú thím Vũ Uy sinh ra Quốc Toản là tướng vô địch.

Sau khi quan sát từng khúc sông, từng con sông lớn như sông Giá, sông Đá bạch, sông Điền ông, sông Rừng, bến Rừng, làng Rừng; cho tới những con lạch, con mương thông với sông Bạch đằng. Vương hỏi các Đại tư ở ven sông nơi nào trước đây vua Ngô, vua Lê đã đóng cọc, đánh quân Nam Hán, quân Tống. Các Đại tư đem thuyền chở vương cùng 6 tướng ra sông Bạch đằng, chỉ tường tận từng khu đã đóng cọc.

Hoài Văn vương Quốc Toản hỏi:

– Trong tháng 3, thì những ngày nào nước lên cao nhất? Lên vào giờ nào? Vào giờ nào nước xuống thấp nhất?

Các Đại tư đều trả lời giống nhau:

– Trong tháng 3, những ngày 7-8-9 là ngày nước lên cao nhất vào giờ mão, thìn. Sang giờ tỵ thì nước đứng. Giờ ngọ thì nước rút. Đến giờ mùi, thân thì nước xuống thấp nhất. Tóm lại ba ngày 7-8-9 là ngày nước lên cao nhất, và xuống thấp nhất.

Tối hôm đó Hưng Đạo vương họp với Quốc Toản và 5 tướng tại dinh của Yết Kiêu trong ấp phong An biên.

Địa Lô hỏi:

– Có phải vương muốn dùng lại trận địa cọc để phá thủy quân Nguyên không?

– Đúng vậy, thời Nam Hán, Tống, thủy quân giặc mạnh hơn thủy quân mình. Vua Ngô, vua Lê phải dụ cho chúng vào sông Bạch đằng để phá. Bây giờ tuy chúng mạnh, nhưng chúng rút binh. Chúng ta đang ở tháng 3. Mình phải phục kích dọc đường, cản trở, sao cho giặc đến Bạch đằng đúng vào giờ tỵ, ngọ ngày 7-8 hay 9. Rồi phải đánh cản không cho chúng rời Bạch đằng để giờ mùi, thân nước rút, thuyền của chúng bị vướng cọc.

Hưng Đạo vương hỏi Yết Kiêu:

– Cách đây hơn tháng, ta có ra mật chỉ, lệnh cho các Đại tư sai Nghĩa dũng binh vào rừng đẵn gỗ, phơi khô. Thế bây giờ gỗ đâu? Được bao nhiêu cây?

Yết Kiêu chỉ một người ngồi cạnh:

– Khải phụ vương, con sai đô thống Lê Văn Khoa thi hành chỉ dụ.

Sau trận Vân đồn 2, Lê Văn Khoa được phong đô thống, được Nhân Huệ vương cho thống lĩnh lực lượng Nghĩa dũng binh từ Đồn sơn, tới An biên. Lê Văn Khoa trình bầy:

– Nhận được lệnh của Thiên kình đại tướng quân, thần điều động Nghĩa dũng binh, âm thầm vào rừng đẵn gỗ. Trong hơn tháng đẵn được 3 vạn cọc lớn hơn bắp chân, dài khoảng 2 trượng đến 3 trượng. Đầu các cọc đều vót nhọn, bịt sắt. Cọc hiện dấu trong hang núi nằm trên vịnh Hạ long. Bất cứ lúc nào vương gia cần, thần sẽ điều động Nghĩa dũng binh đem thuyền ra chở về.(8)

Hưng Đạo vương khen:

– Quả là một đô thống vừa có tài, vừa có trí.

Hôm sau, Hưng Đạo vương cùng Yết Kiêu, Địa Lô dùng ngư thuyền của dân chúng đem một số Nghĩa dũng binh giả làm người đánh cá ra sông Bạch đằng giữa lúc nước cạn, thử đóng cọc rồi chờ khi nước lên cao, cho thuyền lớn đi vào trận địa cọc. Thuyền đụng cọc, thuyền không bị nghiêng, bị thủng, mà trái lại cọc bị ngả. Nghĩ rằng cọc đóng không sâu, Yết Kiêu cho đóng sâu hơn, kết quả cọc vẫn nghiêng.

Vương lên bờ sông, ngồi cạnh Yết Kiêu, Địa Lô. Thầy trò ngẫm nghĩ tìm cách sao cho cọc đứng vững. Một bà bán bánh đậu, khoai lang luộc, bún riêu đi qua. Bà như không biết người ngồi đó là vị vương uy quyền nghiêng nước, và 2 đại tướng quân làm cho hằng vạn binh tướng Nguyên kinh hồn động phách. Bà nói với Yết Kiêu:

– Tôi coi tướng mạo ông thì là người chỉ sống vì dân, vì nước, thế mà dường như ông đang có truyện nan giải thì phải!

Bà múc ra 3 bát bún riêu mời Hưng Đạo vương với Yết Kiêu, Địa Lô:

– Mời cụ, mời 2 ông xơi! Bún riêu nấu bằng cáy đấy! Không phải bằng cua đồng hay cua biển đâu. Thơm lắm.

Thấy bà già lòng thành, vương cùng Yết Kiêu, Địa Lô ăn bát bún. Qủa thực bún riêu này ngon hơn bún riêu ở Thăng long. Bà già nhìn xuống những cây cọc, với con thuyền. Chợt bà hiểu ra. Bà lấy 10 cây đũa cắm xuống đất thành 5 hàng, rồi lấy dây chuối xé nhỏ, cột vào những cây đũa. Mỗi cây cách nhau hơn gang tay. Bà lại cắm một cây đũa ra xa. Bà nói với Yết Kiêu:

– Ông hãy nhìn này.

Bà dùng cánh tay gạt một cái, cây đũa độc lập nghiêng đi. Rồi bà dùng tay gạt cây đũa đã cột vào 9 cây đũa khác, thì cây đũa không lay chuyển. Yết Kiêu bật lên tiếng reo!

– Qủa thực kiến thức tôi không bằng bà.

Lập tức hầu sai hoàng nam đóng cọc. Cọc hơi nghiêng về phía thượng lưu. Lại dùng dây buộc vào một cái cọc, rồi nối cọc nọ với cọc kia. Sau đó cho thuyền húc vào trận địa, quả nhiên thuyền bị thủng đáy, lật nghiêng, mà cọc không bị đổ.

Yết Kiêu điều động Lê Văn Khoa cùng hoàng nam thiết lập trận địa cọc suốt hai đêm một ngày thì xong.

Hưng Đạo vương họp các tướng trên một chiến thuyền. Vương ban lệnh:

– Hôm nay là ngày 17, theo tin của công chúa Ngọc Trí, chỉ còn 10 ngày nữa là giặc bỏ chạy. Chúng chia làm hai lực lượng.

Vương ngừng lại nhìn cử tọa, rồi tiếp:

– Lực lượng chính là bộ binh, kị binh. Chúng sẽ rút theo đường Nội bàng, Chi lăng rồi tỏa ra bốn ngả Đại trợ, Khả lan vi, Khâu ôn, Khâu cấp. Vũ Uy vương từ ngoại quốc về, vương đem theo 5 đại tướng Thảo nguyên. Giặc như đàn thú cùng đường, bị vương chăng lưới, đặt chông. Khó mà thoát được.

Vương tiếp:

– Cánh thứ nhì chúng rút chung thủy quân, bộ binh, kị binh. Chúng ta có bổn phận diệt tuyệt cánh này. Cho nên tôi đã chọn những hiệu binh thiện chiến nhất, những tướng tài giỏi nhất xuất trận. Hiện chúng chuẩn bị nhổ lều trại, mang những quân dụng, thương binh, đàn bà, trẻ con xuống các chiến thuyền. Quân Việt mình thì dùng thủy quân hộ vệ bộ binh. Nhưng thủy quân bọn Nguyên yếu quá, chúng dùng bộ binh, kị binh đi trên bờ hộ tống. Ta phải đánh cả hai.

– Đánh ép hậu quân của chúng là Hưng Nhượng vương. Vương thống lĩnh hiệu binh Thần cách, Hữu thánh dực, hạm đội Thần phù. Hạm đội Thần phù của đô đốc Phạm Cự Địa ém tại các sông nhỏ trong vùng Trúc động. Văn sơn hầu Địa Lô đem hiệu binh Thần cách, ém tại bắc Vạn kiếp. Ngày 27 thì Thoát Hoan với bộ binh rút lui. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cho chu sư lên đường, bọn Trình Bằng Phi, Tháp Xuất đem kị binh, bộ binh đi trên bờ hộ tống. Đoàn thuyền của chúng chia làm 2 khúc. Khúc đầu do Ô Mã Nhi chỉ huy. Khúc thứ nhì do Phàn Tiếp chỉ huy. Đợi cho chúng rời Vạn kiếp, thì hợp với thủy quân Thần phù đánh chiếm Vạn kiếp. Đặt một nửa trấn tại đây. Một nửa chia ra từng đô ẩn vào với Nghĩa dũng binh dọc sông. Cách Vạn kiếp 10 dặm, 17 dặm, 21 dặm đều cóù 2 nhánh sông nhỏ, dùng Nghĩa dũng binh, ngư thuyền đánh trống, túa ra tấn công vào giữa đoàn thuyền, lại thả Ngạc binh, đục thuyền của chúng. Chúng phải dừng lại vá thuyền. Như vậy cản trở chúng được 3 ngày.

– Thứ nhì là, Phạm Ngũ Lão đem hiệu Hữu thánh dực chia làm 5, trấn dọc sông Giá, sông Đá bạch, hợp với các Đại tư chỉ huy Nghĩa dũng binh, xử dụng ngư thuyền dân, đánh chúng như hiệu binh Thần cách. Làm đủ mọi cách, khiến cho đoàn thuyền của chúng phải vừa đánh, vừa rút trong 5 ngày mới vào sông Bạch đằng được.

– Khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi vào sông Bạch đằng rồi thì Phạm Ngũ Lão đi bên bờ trái, Địa Lô đi bên bờ phải, phía sau hạm đội Thần phù đuổi theo chúng, đánh ngày, đánh đêm, làm cho chúng mệt mỏi, không có thời giờ ăn, ngủ.

– Thứ ba: đánh chính trận địa cọc, đích thân tôi chỉ huy. Phó là Trường yên công, Trấn viễn đại tướng quân Đại Hành. Lực lượng gồm Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương hầu Cao Mang với hiệu Củng thần; Vạn hoa sơn hầu Nguyễn Khoái với hiệu Tứ thần; Thiên tượng đại tướng quân Trần Quốc Kinh, công chúa Thúy Hồng với hiệu Văn bắc; hạm đội Thăng long, của đô đốc Nguyễn Chế Nghĩa. Khi bọn Ô Mã Nhi trúng trận địa cọc thì đổ ra đánh. Đánh bằng tất cả sức lực, tiêu diệt chúng.

– Thứ tư: đánh chặn đầu, phi Hoài Văn vương Trần Quốc Toản với hiệu binh Hàm tử không ai đương nổi. Vương được tăng viện đô đốc Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn với hạm đội Âu Cơ. Nhiệm vụ sinh tử là trấn ở cửa sông Bạch đằng không cho bọn Ô Mã Nhi rời khỏi trận địa cọc. Khi nước rút, thuyền của chúng bị vỡ, bị lật thì đánh tiêu diệt chúng. Chắc chắn Ô Mã Nhi phải tử chiến mở đường máu rút chạy. Trận chiến sẽ kinh khủng vô cùng. Nhưng vương là tướng bách chiến bách thắng, ắt sẽ thành công.

Đại Hành nhắc chung cho chư tướng:

– Các vị thống lĩnh hiệu binh, các vị đô đốc phải tối cẩn thận. Xung quanh các chúa tướng của Nguyên đều có một đội Võ vệ. Đội đó gặp tướng mình là xông vào bao vây sát hại.

Đại Hành tiếp:

– Lần trước, trong lễ tấn phong An Nam quốc vương, anh Dã Tượng, Yết Kiêu đại náo điện Giảng võ. Lại nữa khi rút lui, Thoát Hoan bị Quốc Kiện, Quốc Toản, Dã Tượng, ném đá làm cho y kinh hồn táng đởm. Nên lần này Hốt Tất Liệt tuyển khắp Trung nguyên, Tây tạng, Đại lý, Cao ly, Tây vực các cao thủ rồi thành lập một đoàn 5 nghìn Thiết đột để tấn công các tướng của ta. Tôi đã báo về nước. Khi đoàn này sắp vào nước,Thượng hoàng sai Hưng Ninh vương, Hoài Văn vương lên Bắc cương tiêu diệt rồi. Bằng không thì các tướng mình e khó toàn mạng. Đây là đoàn chính để bảo vệ Thoát Hoan và bộ tham mưu đã bị diệt. Tuy nhiên bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Trương Ngọc, A Tai, Tích Lệ Cơ, mỗi tên có môt đội Võ vệ. Trong trận này chúng sẽ cố gắng bảo vệ chúa tướng.

Trong khi Hưng Đạo vương thiết kế phục kích, gài bẫy chờ đợi quân Nguyên thì:

Ngày 27 tháng 2 năm mậu tý (30-3-1288) Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cho các chiến thuyền lên đường. Trên các chiến thuyền chở theo quân dụng, thương binh, tù binh, vợ con tướng sĩ. Kị binh của Trình Bằng Phi, Tháp Xuất đi song song trên bờ hộ tống. Nhưng những con đường, cầu dọc hai bên sông đã bị phá hủy hết. Dọc đường, ngựa bị bẫy khắp nơi. Kị binh lại không có công binh đi theo để bắc cầu, làm đường. Khi qua Đông triều, kị binh không sang sông được, Trình Bằng Phi, Tháp Xuất phải quay lại rút với Thoát Hoan.

Thám mã báo:

– Khi ta vừa rút khỏi Vạn kiếp thì quân Man Việt do Địa Lô với Phạm Cự Địa đánh chiếm, trấn tại đây. Mình vừa đi qua đoạn nào là chúng đóng chặn phía sau.

Ô Mã Nhi kinh hoảng:

– Rõ ràng vùng Vạn kiếp, Trúc động do mình kiểm soát bấy lâu, bọn Địa Lô, Phạm Cự Địa có cánh hay sao mà chúng tới được.

Quân lại báo:

– Cánh kị binh do Trình Bằng Phi, Tháp Xuất tiến dọc sông, vì cầu, đường bị phá, nên đã trở lại rút theo Trấn Nam vương.

Tuy kinh hoàng nhưng Ô Mã Nhi vẫn phải cho đoàn thuyền xuôi dòng. 510 chiến thuyền, đội hình hàng 3, thành 170 đoạn dài tới 15 dặm. Ô Mã Nhi đi trên chiến thuyền dẫn đầu với đội Tế tác. Phàn Tiếp đi trên chiến thuyền cuối. Khi đoàn thuyền rời Vạn kiếp 10 dặm thì một tiếng rít xé không gian, rồi trên trời một tiếng nổ như sấm, cụm khói mầu tím, hình con chim ưng, hai chân kẹp 2 thanh kiếm, tỏa ra. Chỉ huy Thám mã Nguyễn Chiến Thắng la lớn:

– Pháo lệnh của hiệu binh Hàm tử.

Quân Nguyên nghe tên hiệu binh Hàm tử, đều ớn da gà. Trống thúc, chiêng khua vang mặt sông, rồi từ các nhánh sông 2 bên bờ. Những con thuyền nhỏ, mỗi thuyền có 4 ngư dân chèo, 4 binh Việt, túa ra. Thủy quân Nguyên dàn trên mặt chiến thuyền, dương cung bắn. Nhưng quân Việt dùng khiên mây dương lên. Tên găm vào khiên mây. Trong khi đó những máy bắn đá, lôi tiễn trên bờ nã xuống chiến thuyền. Có 10 chiến thuyền bị quân Việt leo lên chém giết, rồi chất vật dụng đốt cháy. Lại 12 chiến thuyền bị Ngạc binh đục thủng đáy, nước tràn vào, thuyền từ từ chìm xuống. Binh lính bơi vào bờ thì bị quân Việt chém giết.

Ô Mã Nhi thấy trên bờ là một làng trù phú, phía bờ sông không có hàng rào. Y hỏi tên Nguyễn Chiến Thắng:

– Làng này tên gì?

– Thưa đó là làng Rừng. Bến sông kia là bến Rừng.

Ô Mã Nhi ra lệnh cho 5 thuyền đổ bộ chiếm làng Rừng. 1 nghìn 5 trăm quân chiếm làng không gặp kháng cự. Y cho phép quân sĩ tha hồ cướp lương thực, gia súc làm thực phẩm. Đoàn thuyền nối đuôi nhau qua đêm. Đám đổ bộ ngủ trong làng Rừng.

Nhưng binh sĩ vừa ngủ, thì có tiếng tù và thổi, rồi Ngưu binh từ cánh đồng, đổ bộ vào làng, không đầy một giờ đám 1500 binh sĩ bị đánh bật khỏi làng, bỏ vũ khí, giáp trụ bơi ra leo lên thuyền.

Sáng hôm sau, giờ mão, Ô Mã Nhi được báo cáo: đám thuyền đánh cản đường trên sông, cũng như Ngưu binh hôm qua do tướng Nam man Địa Lô chỉ huy.

Quân sĩ mệt mỏi, uể oải, không muốn chèo thuyền. Ô Mã Nhi ra lệnh bắt phải tiếp tục lên đường. Thuyền đi được 10 dặm thì phía sau có tiếng la hoảng, vì một đoàn chiến thuyền Việt kéo hiệu kỳ của đô đốc Phạm Cự Địa đang từ phía Vạn kiếp đánh vào hậu quân. Cuộc chiến hết sức khốc liệt.

Giao chiến hơn giờ thì đám chiến thuyền Việt rút chạy. Kiểm điểm lại, phía Nguyên bị phá huy mất 5 chiến thuyền, do Ngạc binh đánh chìm. Quân sĩ chết hết. Ô Mã Nhi ra lệnh bỏ rơi các chiến thuyền chìm, bỏ không vớt xác tử sĩ. Đoàn thuyền tiếp tục lên đường.

Kể từ lúc rời Vạn kiếp, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị đánh tập hậu, đánh chặn ngang, khuấy rối liên tiếp 10 ngày. Binh tướng vừa mệt, vừa kinh hoảng đến cất tay lên không được.

Chiều hôm đó là ngày 7 tháng 3, cả đoàn bắt đầu đi vào sông Bạch đằng. Nước đang rút, thuyền xuôi dòng nước, tiến rất nhanh. Thình lình những tiếng nổ xé không gian hai bên bờ hậu quân, rồi tiền quân, rồi trung quân trống thúc, quân reo. Tế tác Nguyễn Chiến Thắng báo:

– Trình tham tri, mình bị vây bốn phía rồi!

Ô Mã Nhi như phát điên:

– Bọn vây là bọn nào?

– Theo kỳ hiệu của chúng thì người điều khiển truy hậu quân là Hưng Nhượng vương, Văn sơn hầu Địa Lô, phò mã Phạm Ngũ Lão, đô đốc Phạm Cự Địa,

Ô Mã Nhi nói cứng:

– Lực lượng của chúng chỉ có một hạm đội, 2 hiệu binh thì Phàn Tiếp dư sức đè bẹp chúng. Còn bọn phục hai bên sông là bọn nào?

– Thưa là Cao Mang, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa, do Hưng Đạo vương chỉ huy.

Nghe đến tên Hưng Đạo vương, dù Ô Mã Nhi là đệ nhất dũng sĩ Mông cổ, lĩnh Tham tri chính sự, đại đô đốc đang chỉ huy đoàn 510 chiến thuyền với 15 vạn binh; mà y run bần bật, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp. Y ra lệnh cho chu sư ngừng lại ngủ giữa sông, để binh tướng lấy lại sức. Lạ thay, khi chu sư dừng lại thì truy binh cũng ngừng.

Phàn Tiếp từ hậu quân dùng khoái chu lên bàn với Ô Mã Nhi:

– Không biết đại đô đốc nghĩ sao? Suốt 10 ngày qua, bọn Man việt chỉ dùng ngư thuyền quấy rối, dùng Ngạc binh đục thuyền. Chúng không hề xuất hiện trực diện đánh ta. Bây giờ chúng đem quân đuổi theo, phục hai bên bờ, đánh trống, reo hò. Thế là ý gì?

Ô Mã Nhi hỏi giám quân Tích Lệ Cơ vương:

– Xin thỉnh thị ý kiến đại vương?

Từ ngày bị đầy theo Thoát Hoan, tiếng là giám quân, nhưng vị thân vương đại quý tộc Tích Lệ Cơ chỉ là bù nhìn. Đây là lần đầu tiên vị vương này được thỉnh ý. Tích Lệ Cơ vương ban chỉ:

– Đô đốc phải biết rằng cánh quân của mình tới 510 chiến thuyền, với 15 vạn quân, thêm toàn bộ vợ con chư tướng, của cải, quân dụng. Hưng Đạo vương gì mà không biết rõ? Cho nên vương sai quân quấy rối, làm cho ta không yên. Làm cho binh tướng mệt mỏi rồi dàn đại quân đánh ta. Tôi đề nghị hai con đường đi.

Vương ngừng lại, rồi thở dài:

– Một là Hưng Đạo vương sợ lực lượng của ta, nên đích thân vương chỉ huy, dùng những đội quân nhỏ đánh tiêu hao, quấy rối làm cho ta mệt mỏi, chán nản, bỏ chạy, mà không cần phải đánh. Nếu đúng như vậy, ta tạm cho quân nghỉ một đêm, sáng mai ta rút ra biển, rồi về nước. Thế là êm.

– Hai là Hưng Đạo vương cho rằng Thái tử Thoát Hoan rút về rồi lại sang nữa, nên dốc toàn lực phá chu sư của ta, để ta không còn tinh lực đem quân sang. Hưng Đạo vương tung quân diệt ta thì dễ như bắt ba ba trong rọ. Ta đánh thì không khác gì tự tử. Bây giờ sau 10 ngày bị đánh ngày, đánh đêm. Quân ta quá mệt mỏi. E không đủ sức chống lại giặc.

Vương thở dài:

– Trước tình thế này, thì dù Thái tổ Thành Cát Tư Hãn sống dậy cũng không cứu được chúng ta. Thôi thì từ mấy chục năm nay An Nam quy phục ta.Ta hàng, thì An Nam sẽ không giết ta, không giết binh sĩ. Ta chỉ chịu nhục một chút thôi. Rồi An Nam sẽ đem binh, tướng, chu sư trả cho thiên triều. Đó là kế an toàn.

Tuy kinh sợ nhưng Ô Mã Nhi vẫn cương quyết:

– Mình chưa đánh mà đã hàng thì hèn quá. Dù Hưng Đạo vương hù dọa cho mình chạy, hay đánh tiêu diệt mình, thì mình cũng đánh một trận, mở đường máu thoát thân. Chứ hạ cờ hàng Nam man thì còn gì Thiên quốc Mông cổ nữa? Tôi quyết định đánh! Đánh mà chết còn hơn hàng mà nhục. Tôi há lại không bằng Toa Đô ư?

Thế là y ra lệnh chu sư ngừng tiến, các chiến thuyền nối với nhau thành hàng dọc sông. Tạm nghỉ một đêm lấy sức, sáng mai quyết chiến. Nhưng quân Việt từ trên bờ bắn lôi tiễn, bắn đá xuống các chiến thuyền. Từ một vài nhánh sông nhỏ, các ngư thuyền thúc trống tiến ra tập kích. Suốt đêm quân Nguyên phải chống trả, không được ngủ.

Sang giờ mão (5 giờ sáng), ánh nắng mùa xuân tỏa ra trên sông Bạch đằng, úp xuống những cánh đồng xanh mướt. Trên trời những đoàn hải âu bay lượn thực đẹp. Ô Mã Nhi than:

– Hỡi ơi! Ước gì ta được nhàn nhã, vô tư như những con chim kia!

Binh tướng trải 10 ngày giao chiến, mất ngủ, mệt đến đờ người ra. Nhưng Ô Mã Nhi vẫn ra lệnh cho đoàn thuyền khởi hành. Nước sông lên khá cao, thuyền đi ngược giòng nước chảy, ỳ ạch, lù lù như những con quái vật.

Thình lình một tiếng nổ xé không gian, rồi một đoàn chiến thuyền kéo cờ Việt, từ hạ lưu đang nương theo giòng nước, tiến tới như bay. Suốt 11 ngày qua, đoàn chiến thuyền hùng hậu của Đại nguyên chỉ gặp những đoàn ngư thuyền của Đại việt. Bây giờ họ mới được gặp thủy quân địch.

Cuộc giao tranh giữa thủy quân Việt, Nguyên bắt đầu. Trong khi hai bên bờ bộ binh, Ngưu binh Việt mai phục xuất hiện tấn công, yểm trợ cho thủy quân. Trận tuyến kéo dài trên 30 dặm. Dọc sông, hai bên bờ, từ những con lạch, sông nhỏ, ngư thuyền chở Nghĩa dũng quân reo hò túa ra tấn công. Cứ một chiến thuyền Nguyên chìm, binh lính bơi lóp ngóp, thì quân Nghĩa dũng tung chài bắt như bắt cá.

Cuộc giao tranh kéo dài trên 2 giờ thì thủy quân Việt chèo thực mau, chạy về hạ lưu. Ô Mã Nhi thúc trống cho quân đuổi theo. Nhưng từ sáng đến giờ quân Nguyên chưa được ăn uống gì, sức không có, nên đuổi theo quân Việt không kịp.

Trời sang giờ ngọ.

Nước sông bắt đầu rút, quân Nguyên thuận theo giòng nước đuổi theo quân Việt.

Sang giờ mùi, nước càng rút mau. Quân Việt rút xuống cuối giòng. Ô Mã Nhi thúc chu sư đuổi thực gấp. Cả đoàn thuyền đi qua một vùng cỏ, bèo phủ gần hết sông. Y đâu biết rằng dưới lớp cỏ đó là trận địa cọc.

Thình lình một tiếng nổ xé không gian, rồi thủy quân Việt từ thượng lưu, trở lại xông tới đánh vào hậu quân Nguyên, như một bầy sư tử. Hai bên bờ sông, bộ binh, ngưu binh hàng hàng, lớp lớp tấn công. Ngư thuyền của Nghĩa dũng quân bơi như rươi đầy mặt nước.

Tế tác Nguyễn Chiến Thắng báo:

– Chúng ta bị vây bốn phía rồi.

Ô Mã Nhi hỏi:

– Phía trước là binh đoàn nào?

– Thưa bộ binh là hiệu Hàm tử cửa Hoài Văn vương Trần Quốc Toản, Thủy quân là hạm đội Âu cơ của đô đốc Trần Toàn.

– Thế phía sau?

– Hiệu Hữu thánh dực của Phạm Ngũ Lão; hiệu Thần cách, của Địa Lô. Hạm đội Thần phù của Phạm Cự Địa.

– Còn dọc theo sông?

– Do Hưng Đạo vương đích thân chỉ huy. Các tướng là Chiêu võ thượng tướng quân Cao Mang, Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân Nguyễn Khoái; Thiên tượng đại tướng quân Trần Quốc Kinh, Tuyên uy đại tướng quân Đại Hành, đô đốc Nguyễn Chế Nghĩa.

Bấy giờ đã cuối giờ mùi, nước sông rút xuống thấp. Thình lình một loạt chiến thuyền Nguyên vấp phải cọc. Cái bị thủng, cái bị vỡ, cái bị lật nghiêng. Trong khi quân Nguyên kinh hoảng la hét, nhảy khỏi chiến thuyền thì Nghĩa dũng quân trên ngư thuyền tung chài, tung lưới bắt.

Nguyễn Chiến Thắng báo:

– Hậu quân bị đánh tan rồi. Hơn trăm chiến thuyền bị vướng cọc lật nghiêng, bị thủng đáy, hiệu binh Hữu thánh dực của Phạm Ngũ Lão; hiệu Thần cách, của Địa Lô. Hạm đội Thần phù của Phạm Cự Địa, với mấy nghìn ngư thuyền bắt sống, giết tuyệt binh tướng của ta. Tham tri chính sự Phàn Tiếp bị vợ Phạm Ngũ Lão là công chúa Thủy Tiên đả bại. Sợ bị bắt bị làm nhục, Phàn tham tri dùng kiếm tự tử. Thủy Tiên đánh Phàn rơi xuống sông, bị Nghĩa dũng quân tung chài bắt sống. Tướng giặc Địa Lô là thầy thuốc giỏi đã cứu Phàn tham tri thoát chết. Hạm đội Thần phù, các hiệu Hữu thánh dực Thần cách đang tiến lên đánh vào trung quân mình.

Ô Mã Nhi nhìn dọc sông, chiến thuyền cái thì nghiêng ngả, cái thì bị lật úp, cái thì bị chìm. Quân sĩ chiến đấu tuyệt vọng. Trong khi đó quân Việt, Nghĩa dũng binh reo hò ào ào như sóng biển. Y thở dài, nghĩ lại mình từng làm nguyên soái đánh Nhật bản, đánh Chiêm. Từng chỉ huy những đội kị binh mạnh nghiêng trời lệch đất. Mà bây giờ, một đoàn trên 520 chiến thuyền, 15 vạn binh, tan tác trên sông. Đội quân vô địch đang bị Nghĩa dũng binh, Ngưu binh toàn là bọn dân quê, bọn lão già, bọn đàn bà đâm chém, đuổi như đuổi vịt. Uất khí, y rùng mình.

Thấy tuyệt vọng, Ô Mã Nhi cùng 5 chiến thuyền chưa bị trúng cọc, hô quân chèo thực gấp bỏ chạy về phía bờ biển, mong thoát thân như lần trước. Nhưng phía trước 40 chiến thuyền Việt dàn ngang, chặn mất đường đi. Trên một soái hạm Việt, dưới ngọn cờ 6 chữ vàng: Phá cường địch báo hoàng ân,

Có một viên tướng trẻ, cực kỳ uy vũ, mặt đẹp như ngọc đang cầm cờ chỉ huy, mà xung quanh không võ sĩ hộ vệ; chỉ có một thiếu nữ trang phục công chúa Tống, sắc nước hương trời đứng cạnh, với con vượn trắng tay cầm cây gậy sắt khổng lồ. Y hỏi tùy tùng:

– Tướng đó là ai vậy?

– Thưa là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản. Y là một trong 4 đại tướng vô địch của An nam. Y lại có tài dùng binh như thần. Thiếu nữ đứng cạnh y là công chúa Ngọc Hoa di thần Tống. Nếu đô đốc muốn phá trận địa của Man Việt, chạy ra biển thì phải giết cho được tên Quốc Toản.

Ô Mã Nhi cầm tù và rúc lên, Nguyễn Chiến Thắng dẫn 20 Võ vệ từ chiến hạm của y phóng sang soái hạm Việt, cùng vung đao tấn công Quốc Toản. Lập tức Ngọc Hoa hú lên một tiếng thanh thoát, hơn 20 chiến sĩ Hàm tử xuất hiện, tay xử dụng kiếm. Đám Võ vệ với võ sĩ Hàm tử xung vào giao chiến.

Quốc Toản rút thanh kiếm Trấn bắc vung lên, đao của 3 võ vệ bị cụt tận chuôi, tiếp theo đầu chúng bay khỏi cổ. Ô Mã Nhi lại rúc tù và, hơn trăm Võ vệ Nguyên tràn sang bao vây Quốc Toản vào giữa. Vương quát lên một tiếng, xử dụng chiêu Mê linh khởi binh , choang, choang, choang, choang. Bốn thanh đao bị cụt tận chuôi. Bốn võ sĩ bị xả đứt làm hai khúc. Vương lại quay một vòng, 3 võ sĩ nữa bị bay đầu. Đám Võ vệ Nguyên kinh hồn nhảy về thuyền mình. Hoài Văn vương vọt mình đuổi theo. Các Võ vệ Nguyên vây vương vào giữa. Vương xử dụng Mê linh kiếm pháp, đi đến đâu, đầu người rơi đến đó. Trong không đầy nửa khắc, gần như trọn vẹn binh tướng trên sàn soái hạm của Ô Mã Nhi bị giết sạch. Người nào chưa chết thì nhảy xuống sông.

Hai chiến hạm lớn Nguyên kè vào mạn soái hạm của Ô Mã Nhi. Nguyễn Chiến Thắng chỉ huy Võ vệ vây Quốc Toản vào giữa.

Nghĩ thân phận mình là tướng vô địch của Đại nguyên mà dùng quân bao vậy một tướng trẻ của Man việt thì nhục quá. Ô Mã Nhi quát:

– Ngừng tay!

Bọn Võ vệ Nguyên nhảy lùi lại.

Ô Mã Nhi hất hàm hỏi Quốc Toản:

– Nam man con! Phải chăng mi là Trần Quốc Toản?

– Đúng vậy.

– Mi có biết ta là ai không?

Quốc Toản nghĩ:

– Dù sao mình cũng là vương, là chúa tướng. Mình phải giữ địa vị thanh cao. Không thể nói năng cộc cằn thô lỗõ.

Vương cung tay:

– Kính chào đại đô đốc. Tôi biết ngài là tướng vô địch của Nguyên. Tôi biết ngài từng chiết chiêu với bản sư Thúy Hồng của tôi tại điện Quang minh, Yên kinh 25 năm trước. Người từng so kiếm với vương mẫu tôi tại trận Tứ xuyên 22 năm trước. Hôm nay tôi lớn gan, muốn ngài dạy cho mấy cao chiêu!

– Mày ỷ vào thanh kiếm Trấn bắc đã giết chết Toa Đô. Mày có dám đấu quyền, chưởng với tao thì tao mới phục.

Quốc Toản tra kiếm vào vỏ, rồi cung tay:

– Nếu Đô đốc thắng được tôi, thì tôi xin mở vòng vây, cung cấp lương, thuyền chở ngài ra biển về Thiên quốc.

Mười chiến hạm Việt bao vây vòng ngoài 5 chiến hạm Nguyên. Người chỉ huy bao vây là Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn. Đại Hành, Ngọc Hoa chỉ huy môt đoàn ngư thuyền của Nghĩa dũng quân bao vây kín cả một khúc sông.

Biết Quốc Toản gọi mình bằng từ tướng Thiên quốc rõ ràng là ngôn từ chế diễu. Không nhân nhượng Ô Mã Nhi phát một chiêu với tất cả bình sinh công lực. Quốc Toản nhận ra đó là võ công Tây vực, rất thô kệch. Vương vận Vô ngã tướng Thiền công đỡ. Xèo một tiếng, chưởng của Ô Mã Nhi mất tăm mất tích. Là người kinh nghiệm chiến đấu, từng đánh hàng nghìn trận, y phát một chiêu chưởng Võ đang của Trung quốc, chân bước từ Càn vị sang Trấn vị. Quốc Toản cười nhạt, vương phát chiêu Kiến tích dã ngưu trong Tán lạc tiêu hồn chưởng đỡ. Bùng một tiếng, cả hai cùng bật lui lại. Binh tướng hai bên reo hò.

Quốc Toản nhìn xung quanh: Phán thủ thượng vị Nhân đức hầu Trần Toàn chỉ huy thủy quân, Nghĩa dũng quân bao vây 5 chiến thuyền Nguyên vào giữa. Cuộc chiến đã kết thúc: tất cả quân Nguyên trên 5 chiến hạm đều bị bắt, trong đó có Tích Lệ Cơ vương và toàn thể bộ tham mưu. Chỉ còn duy nhất tên Nguyễn Chiến Thắng cùng 20 Võ vệ đang đứng cầm đao lược trận.

O ÂMã Nhi quát lên:

– Thì ra người là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản. Người đã hứa đơn đấu với ta, sao còn dùng số đông bao vây?

Một phụ nữ từ dưới ngư thuyền tung người lên, nói bằng giọng uy nghiêm:

– Bao vây bọn mi là ta chứ không phải Hoài Văn vương!

Nguyễn Chiến Thắng thấy nữ tướng thì hét lên:

– Mi là công chúa Thủy Tiên, đã dùng tà thuật hại con ta là Nguyễn Linh Nhan. Ta phải báo thù.

Nói rồi y phát chiêu kiếm tấn công. Công chúa Thủy Tiên rút kiếm, không đỡ mà đưa vào cổ y. Công chúa xuất chiêu sau, mà lại tới trước. Thắng kinh hoàng nhảy lùi ba bước tránh kiếm. Nhưng chân y vừa đặt xuống sàn chiến hạm thì cảm thấy cổ đau nhói.

– Buông kiếm đầu hàng, bằng không ta nhả kình lực.

– Mi dùng tà thuật, chứ không phải võ công chân chính. Ta không phục.

Thình lình y vọt người lên cao. Ở trên không, y đá gió một cái, người y bay ra xa, rơi xuống sàn thuyền, thì y cảm thấy ngộp thở, một cây gậy thép khổng lồ đang dáng xuống đầu y. Y vung kiếm gạt. Choang. Thanh kiếm của y bị cong lại như con rắn cuộn khúc. Hổ khẩu bị toạc, máu chảy đầm đìa. Y nhảy lùi lai, cướp được thanh đao của một Võ vệ. Bấy giờ y mới biết người đánh y là Bạch Viên. Y nghiến răng xả đao tấn công Bạch Viên. Nhưng chỉ được 5 hiệp, đao lại văng mất. Bạch Viên phóng một chiêu, y rơi tòm xuống sông. Y định lặn dưới sông trốn, thì một cái chài chụp lên người y. Rồi hai cái, ba cái; Người tung chài bắt y chính là một nữ đội trưởng Nghĩa dũng quân, tên Tú Hạnh. Tú Hạnh đã trông thấy Thắng chỉ huy Võ vệ, biết võ công y cao, nàng không kéo y lên vội. Nàng để y trong chài, rồi ra hiệu cho ngư thuyền chèo vòng vèo. Đợi cho y uống nước đầy bụng, nàng mới kéo y lên trên ngư thuyền, trói lại đem nộp cho Yết Kiêu. Yết Kiêu sai Ngạc binh dốc ngược nguời y xuống cho nước ra khỏi bụng. Vừa tỉnh dậy, thấy Yết Kiêu, y chửi:

– Uổng cho mi là Đông hải thiên kình đại tướng quân, mà dùng chài bắt ta. Ta không phục.

Tú Hạnh mắng:

– Dùng chài bắt mi là ta, chứ không phải quân hầu.

Vốn là loại đầu trộm đuôi cướp đã 5 đời, thừa thói lưu manh dân dã, Thắng chửi:

– Tiếc thay, một đời ta tung hoành bao năm, mà lại bị một con đàn bà Nam man bắt.

Tú Hạnh chửi:

– Mi là người Hán, đã muối mặt theo Thát đát là bọn mọi rợ, bị ta bắt, còn than nỗi gì? Hỡi tên ma đầu!

Chợt để ý thấy Tú Hạnh tươi như hoa lan mới nở, y nghĩ thầm:

– Phải chi mình không bị cầm tù, đợi con nhỏ này hành kinh, bắt giam, chui đầu vào váy thị hút kinh huyết luyện công thì tốt biết mấy?

Tú Hạnh định mắng y, thì một nữ Nghĩa dũng xinh đẹp khác tên Hà Thìn vào khoang thuyền lấy ra hai cái váy cũ nhúng xuống sông cho ướt. Mỉm cười tươi như hoa, nàng nói:

– Mi khuất phục hay không, bà không cần biết. Điều bà muốn là mi câm mõm lại, bằng không bà chụp váy lên đầu mi.

– Mi là con Nam man thối tha…

Thìn chụp cái váy lên đầu y. Y né đầu tránh, nhưng vì huyệt bị điểm, chân tay tê liệt. Bị váy chụp lên đầu, nhưng y tự an ủi:

– Chắc là váy của con nhỏ Tú Hạnh đây. Nó xinh đẹp thế kia mà được hít hơi váy nó, thì cũng sướng cái đời. Ta chửi bới để thị chụp thêm cái váy nữa.

– Con Nam man…

Lại cái váy thứ hai chụp lên đầu y. Váy ướt hôi hám làm y muốn nghẹt thở. Tuy vậy, nghĩ là váy Tú Hạnh, y cảm thấy sung sướng vô cùng.

Phò mã Phạm Ngũ Lão tới. Thấy một tù binh bị chụp váy, phò mã liếc mắt nhìn Tú Hạnh, Hà Thìn, hai nữ Nghĩa dũng đang cười tươi như hoa; thì biết đây là tác phẩm của hai cô Nghĩa dũng trẻ. Phò mã dùng thanh kiếm Bình nam khều hai cái váy trên đầu Chiến Thắng ra. Nhận diện dược y, người điểm mặt:

– Thì ra tên đại ma đầu.

Chiến Thắng hét:

– Tên họ Phạm kia! Mi đã giết con ta. Tiếc rằng ta bị trói, bằng không ta quyết đấu với mi nghìn chiêu.

Phò mã nói:

– Đây là tên ma đầu. Bọn ma đầu phải dùng linh kiếm mới giết được nó.

Chiến Thắng năn nỉ với Tú Hạnh, Hà Thìn:

– Chắc chắn tôi sẽ bị tên Phạm Ngũ Lão giết. Khi tôi bị giết, xin hai cô nương ban cho đặc ân là dùng hai cái váy bọc đầu, rồi đem chôn. Tôi sẽ phù hộ cho hai cô nương đánh được nhiều cá trên sông Bạch đằng.

Phò mã sai giải y xuống bờ sông, rồi đưa một nhát kiếm, đầu y rơi xuống. Do lòng nhân đạo, 2 Nghĩa dũng dùng 2 cái váy cũ trùm lên đầu y, đem chôn bên bên sông Bạch đằng. Chính vì vậy sau này hồn ma y với con trai phân thân làm nhiều ma, chui đầu vào váy, quần đàn bà khi phơi, rồi làm ma, gây ra nạn hữu sinh vô dưỡng. (4) Ngư dân trên sông Bạch đằng khi khởi hành đánh cá thường cúng vái y, thì bắt được nhiều cá.

Yết Kiêu tung mình lên soái hạm. Quốc Toản với Ô Mã Nhi đang đấu đến hồi quyết liệt. Cạnh đó công chúa Thủy Tiên, Ngọc Hoa, Vương Chân Phương và một số tướng Việt đang lược trận. Cả Ô Mã Nhi lẫn Quốc Toản đều phát hết công lực, cứ mỗi lần hai chiêu chạm nhau lại phát ra tiếng bộp lớn. Hai người đã lui tới thành chiến hạm. Thình lình Ô Mã Nhi xỉa hai tay vào ngực Quốc Toản, định đánh bay hầu xuống sông. Quốc Toản dùng một chiêu trong Thuần chính thập nhị thủ của công chúa Thủy Tiên. Vương chụp lấy 2 cùi chỏ y, rồi uốn cong người lên không, hai chân thúc vào huyệt á môn, phong phủ, phế du, tâm du của y. Y bay tung xuống sông. Còn vương thì đáp xuống sàn chiến hạm. Bọn Võ vệ Nguyên quẳng đao đầu hàng.(10)

Ô Mã Nhi rơi xuống sông. Vì trên người y mang giáp trụ, nên y chỉ bơi lóp ngóp vài cái rồi chìm nghỉm. Đội nữ Nghĩa dũng dùng chài, lưới chụp y, kéo lên ngư thuyền. Nội minh tự Đỗ Hành, tổng chỉ huy Nghĩa dũng, điểm huyệt, gỡ y ra khỏi chài, trói lại, nộp cho Thượng hoàng. Khâm Từ hoàng hậu hỏi y:

– Đô đốc, đệ nhất dũng sĩ Mông cổ. Cách đây mấy tháng, Đô đốc đe dọa Thượng hoàng: ” Mày chạy lên trời, tao theo lên trời. Mày chạy xuống đất tao theo xuống đất. Mày trèo lên núi, theo theo lên núi. Mày lặn xuống nước tao theo xuống nước” . Nên bây giờ Đô đốc theo người đến đây. Phải không?

Bấy giờ đã sang giờ thân, nước sông Bạch đằng rút xuống thấp. Trên một giải dài 50 dặm, gần 5 trăm chiến thuyền Nguyên mắc cạn, vướng cọc, bị vỡ, bị nghiêng, bị lật. Xác chết nằm nghẹt lòng sông, nằm trên chiến thuyền, nằm trên bờ. Nước sông Hồng vốn đã hồng, bây giờ thêm máu của gần 15 vạn quân Nguyên, nên càng đỏ hơn.

Thượng hoàng, hoàng đế, Hưng Đạo vương cỡi voi đi quan sát chiến trường dọc bờ sông. Tướng sĩ Việt cùng hô:

– Vạn tuế! Vạn tuế.

Công chúa Vương Chân Phương, phu nhân của Thiên kình đại tướng quân Yết Kiêu; và Ngọc Hoa, vương phi Hoài Văn vương đến trước voi, tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, dã tâm đem quân sang đánh Đại việt là Hốt Tất Liệt. Hung dữ, chém giết, hãm hiếp là bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Trong 15 vạn quân dự trận Bạch đằng chỉ có 5 vạn là bọn Thát đát. Còn lại là những tinh hoa của tộc Hán, bị đem sang đây, đưa vào chỗ chết. Thần lớn gan xin bệ hạ ban chỉ cho chôn cất tử thi những người chết oan này.

Hoàng đế ban, chỉ:

– Dù không có lời xin của nhị vị công chúa, trẫm cũng cho chôn cất tử tế.

Hưng Đạo vương ban chỉ cho Nội minh tự Đỗ Hành, Yết Kiêu, Địa Lô:

– Ba người phụ trách đem vợ con tướng sĩ trên các chiến thuyền Nguyên, nuôi ăn tử tế. Tài sản của chúng mang theo vẫn để cho chúng giữ. Nghĩa dũng binh thu góp các chiến thuyền lại. Những chiếc còn sửa chữa được thì sửa chữa lại mà dùng. Những chiến thuyến không sửa được thì phá hủy. Vũ khí trao cho Vũ Minh vương.

Trận Bạch đằng diễn ra ngày 8 tháng 3 năm mậu tý (9-4-1288) nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ 4 đời vua Trần Nhân tông bên Đại việt. Bên Trung nguyên là niên hiệu Chí Nguyên thứù 25 đời Thế tổ Hốt Tất Liệt. Khời đầu từ giờ mão (5 giờ sáng), chấm dứt giờ thân (17 giờ). Trọn vẹn thủy sư Nguyên 510 chiến thuyền, 15 vạn vừa thủy, vửa bộ binh Nguyên bị bắt, bị giết, viết lên trang sử lừng lẫy của dân tộc Việt nam.

Nếu sưu tầm hết thơ, phú, nhạc ca tụng Bạch đằng, e phải một cuốn sách lớn. Dưới đây tôi xin chép một bài thơ của vua Trần Nhân tông, một bài của vua Lê Thánh tông, một bài của vua Tự đức.

Bài của vua Trần Nhân tông:

Vân vân kiếm kích bích toàn ngoan,

Hải thận thôn trào quyến tuyết lan.
Xuyết địa hoa điền xuân vũ lệ,
Hám thiên túng lãi vãn phong bàn.
Sơn hà kim cổ song khai nhãn.
Hồ- Việt doan châu nhất ỷ lan.
Giang thủy đình hàm, tân nhật ảnh,
Thái nghi chiến huyết vị tăng can.

Dịch:

Kiếm trỏ ngang mây núi tuyệt vời,

Ngọn trào trắng xóa quyện doành khơi.
Mưa xuân rêu điểm hoa từng đóa,
Gió tốt, thông reo sóng lửng trời.
Non nước xoay vần kim cổ chống,
Việt-Hồ ngẫm cuộc được thua chơi.
Chiến trường mấy cuộc trên sông đó,
Đỏ hửng vừng hồng giọt máu tươi.

(Đông Châu)

Bài của vua Lê Thánh tông:

Leo lẻo dòng sông nước tựa đầu,

Trăm ngòi, nghìn lạch chảy về chầu.
Rửa không thấy thấy thằng Ngô chay,
Giặt mỏi không không khách Việt hầu.
Nọ đỉnh Thái sơn rành rạch đó,
Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu?
Bốn phương phẳng lặng kình như thóc,
Thong thả dù ta bửa lưỡi câu.

Bài của vua Tự Đức:

Bạch đằng giang thượng ba lưu cấp,

Bạch đằng giang tâm xoang đặc lập.
Kỳ binh thúc tẩu, hựu thúc lai,
Bách vạn Hán quân ngư phúc nhập,
Công Tiện quốc, Hoàng Tháo cầm.
Quỷ mưu điệu vận do nhất tâm,
Bạch đằng giang thủy vị vô thâm.

Dịch:

Trên mặt sông Đằng sóng trôi gấp,

Dưới lòng sông Đằng chông cắm ngập.
Kỳ binh nấp đâu chợt xông ra.
Quân Hán trăm vạn chạy không kịp.
Chém Công Tiện, bắt Hoàng Tháo.
Bởi lòng sâu sắc kém chí cao,
Sông kia sâu mấy, chửa là bao?

(Đông Châu)

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

(1) NS, q129, A Bát Xích truyện.

(2) NS, q166, Phàn Tiếp truyện chép: Người Giao đều dấu thóc gạo rồi trốn đi.

(3) Vệ úy tương đương với ngày nay là đại úy. Tá lĩnh tương đương với ngày nay là thiếu tá.

(4). Huyền sử kể, Nguyễn Linh Nhan học được thuật phù thủy. Khi bị bắt, cứ chém đầu này, đầu kia lại mọc.Chỉ có thanh linh kiếm Trân bắc, Bình Nam chặt được đầu y. Vì lời mắng của phò mã Phạm Ngũ Lão, sau khi chết hồn ma của Nguyễn Linh Nhan, với cha y là Nguyễn Chiến Thắng luôn hiện về chui vào váy-quần đàn bà uống kinh huyết. Gọi là ma phạm tội tên Nhan, lâu ngày bình dân gọi là ma Phạm Nhan. Người đàn bà nào bị ma Phạm Nhan uống kinh huyết thì khi đẻ con sẽ bị yểu tử, gây ra tình trạng hữu sinh vô dưỡng. Người bị quá 2 lần hữu sinh vô dưỡng thường phải lên đền Kiếp bạc xin đức thánh Trần bắt tà. Cái văn hóa tín ngưỡng này cho đến năm 1954 vẫn còn. Cho đến nay chưa hoàn toàn hết.

Phụ nữ Việt ở miền Bắc, và Lào khi phơi quần, mà quên cất đi trước lúc mặt trời lặn, thì phải cầm ống quần dũ mạnh, để con ma Phạm Nhan chui trong quần rơi xuống.

(5). NS q.129 A Bát Xích truyện. ANCL q4.

(6) NS q.154, bản kỷ. Q209 An Nam truyện. Q166 Phàn Tiếp truyện.

(7) Tháp Xuất, NS phiên âm từ tiếng Mông cổ Tacu, đọc là Ta Tru.

(8) Hiện nay hang Dấu Gỗ vẫn còn nằm trong vịnh Hạ long. Bất cứ một nhà đò chở du khách nào cũng biết hang Dấu gỗ. Độc giả muốn thăm di tích lịch sử này, cứ đến bến đò tại Hạ long, bảo nhà đò chở ra hang Dấu Gỗ. Hang không cao, không sâu, nên trẻ con, người lớn đều có thể vào xem.Nhiều hướng dẫn viên đánh dấu hang Dấu Gỗ thành hang Đầu Gỗ, vừa vô nghĩa, vừa vô lý.

(9) Đây là sự kiện lịch sử. Sau khi phá giặc ở sông Bạch đằng, Hưng Đạo vương sai người tìm bà bán bánh, khoai, bún riêu để ban thưởng. Nhưng tìm không thấy. Người ta huyền thoại hóa đi rằng bà lão đó là bà Lê Chân, nữ tướng thời vua Trưng đã hiện ra mách cho Hưng Đạo vương. Vì đền thờ bà không xa sông Bạch đằng.

Sau dân chúng lập đền thờ bà, vì không biết tên bà, nhân bà hiến kế chằng dây với nhau, gọi là bà Chằng. Đền thờ bà Chằng nay vẫn còn, là một di tích lịch sử được bảo quản. Nếu độc già GTHT nào đọc những giòng này, muốn thăm viếng di tích thì đến Hài phòng, đi phà Bính, qua bên kia khoảng 500 m có tấm bảng với mũi tên: Di tích lịch sử 200 m. Vào sâu 200 m có ngôi đền. Đó là đền thờ bà Chằng.

(10). Thuần chính thập nhị thủ, xin xem hồi thứ 103. Đây là chiêu thứ 3, trong thủ thứ 8, mang tên Sinh cầm Ô Mã . Xin dịch như sau:

Đối thủ dùng cường lực xử dụng thủ pháp Lục-hợp (hai tay chém ngang) vào người ta.

Tháng ba năm Mậu-tí (1288), Trần Quốc Toản được gọi về tham dự trận Bạch-đằng để bắt Ô Mã Nhi. Trong trận này vương giết bảy đại tướng Mông-cổ, bắt sống 7 đại tướng. Cuối cùng vương giao đấu với đệ nhất danh tướng Mông-cổ là Ô Mã Nhi. Sử chép Ô Mã Nhi to lớn kềnh càng. Trần Quốc Toản nhỏ bé, nên phải lấy mau thắng chậm. Nhưng giao đấu với địch nửa ngày trên thuyền. Vuơng lùi mãi cuối cùng vương lùi tới mạn thuyền Ô Mã Nhi dùng Lục-hợp đao xỉa vào ngực vương, với hy vọng giết chết, hoặc đánh bay vương rớt xuống sông. Chiêu này như sau:

GIẢI THOÁT (1)

Lao người vào đối thủ. Hai tay biến thành chảo, chụp lên cườm tay đối thủ.
Mượn đà đánh của đối thủ, nương theo sức của đối thủ, chống hai tay, uốn cong người bay qua đầu đối thủ, lúc rơi xuống dùng hai gót chân điểm vào huyệt Á-môn, Mệnh-môn, Phong-phủ đối thủ.
Đối thủ ngất xỉu.

Chiêu này cực kỳ khó xử dụng, chiêu số, tốc độ, phương pháp phát lực chép trong Lĩnh- nam bảo quốc thập bát lộ, một pho quyền cước siêu đẳng nhất của võ Việt.

Phương pháp thứ nhì:

Sau khi thắng trận Bạch-đằng, Trần Quốc Toản diễn lại chiêu thức trên cho các danh tướng xem. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cũng đưa ra một chiêu thức phản công dựa vào một chiêu của Thiết-kình phi cước như sau:

GIẢI THOÁT (2)

Lao đầu vào hai bàn tay đối thủ.
Hai tay từ dưới chụp vào cườm tay đối thủ: Hai ngón cái ra ngoài, các ngón vào trong.
Mượn sức đối thủ, giật mạnh hai tay đối thủ, cong người lên, hai chân biến thành Thiết-kình, hai gót chân điểm vào Thái-dương huyệt đối thủ.

Nhận xét:

Đây là những chiêu thức tuyệt cao của võ Việt, không nên khinh xuất xử dụng, dễ lâm vào tuyệt địa.
Đối thủ cực mạnh mà ta không lui, còn phóng sát vào đối thủ, tức là tìm cái sống trong cái chết. Xê xích một chút là vong mạng.
Đối thủ rất dũng mãnh mà hai tay chụp vào tay đối thủ. Nếu chụp hụt cũng tử ngay.
Uốn cong lên một vòng, nếu chậm một chút, đối thủ hồi sức vật xuống đất nát đầu.
Bình thường tìm các huyệt này còn khó. Nay bay lên, uốn cong lên dùng chân điểm trúng ngay càng khó thêm.

GIẢI THOÁT (3)

Thủy Tiên công-chúa cũng đề nghị một phương pháp hóa giải bằng thế nhu như sau:

Chờ tay đối thủ gần tới, trầm người xuống.
Chân phải tiến lên một bước đặt sau chân trái đối thủ.
Người quay về trái 90 độ.
Cùi chỏ phải điểm huyệt Cửu-vỹ, Thần-đường, Đản-trung của đối thủ, gạt đối thủ ngã.
Tay trái chụp chân đối thủ nhắc lên, đùi phải nâng đối thủ lên cao, dùng lực vật đối thủ xuống đất.

PHẢN CÔNG (3)

Hai chân phóng cước lên các yếu lộ trên người đối thủ


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-61)


<