Vay nóng Tima

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 08

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 08: Uy Lực Tiêu Sơn Hóa Tinh Pháp
5.00
(4 lượt)


Hồi (1-61)

Siêu sale Lazada

Rồi lên ngồi bên nàng. Thúy Hồng cảm động vì lời khen của ông anh to lớn kềnh càng. Mặt nàng ửng hồng.

Chiếc xe tứ mã vọt lên như tên bắn.

Thúy Hồng dùng tiếng Thái hỏi A Tam:

– Này anh! Anh có biết tiếng Việt, tiếng Mông cổ không?

– Mông cổ chiếm đóng nước tôi trên 5 năm rồi. Muốn làm ăn buôn bán dân chúng phải học tiếng của họ. Tôi cũng biết nói tiếng Mông cổ, nhưng không thông. Còn tiếng Việt ư? Tôi chỉ biết nói mấy tiếng khi ra giá với khách. Quý khách là người Quảng ắt nói tiếng Việt phải giỏi lắm nhỉ!

– Chúng tôi là người buôn bán thì phải biết nói nhiều thứ tiếng.

– Trần công tử, người buôn gì vậy?

Thúy Hồng nhìn Dã Tượng. Dã Tượng đáp thay:

– Chúng tôi buôn gia súc, chuyên về trâu, bò lừa, ngựa.

Sợ A Tam hỏi lôi thôi, Thúy Hồng dẫn y đi vào câu truyện khác:

– Đường đi Côn minh có an ninh không?

– Hồi trước đây bẩy tám năm thì đường Nguyên dương đi Côn minh thỉnh thoảng cũng xẩy ra nạn cướp đường. Bọn này không chuyên một vùng nào cả. Khi chúng cướp một vụ, lập tức đổi vùng, quan quân không biết đâu mà truy lùng. Bọn chúng cũng có luật lệ là chỉ cướp của khi nạn nhân không chống lại mà thôi. Còn nạn nhân chống lại thì chúng giết. Chúng không bao giờ giết phu xe.

Thúy Hồng kinh ngạc:

– Sao chúng lại tử tế với phu xe như vậy?

– Vì giết phu xe, thì không còn xe chạy trên tuyến cho chúng cướp. Từ khi Mông cổ chiếm nước tôi thì đường xá an ninh tuyệt đối. Cướp bị giết sạch, hoặc trốn sang vùng Tống hành nghề.

Dã Tượng hỏi:

– Mông cổ làm cách nào mà được như thế?

– Khi được báo một vụ cướp xẩy ra, Mông cổ tung kị mã đi bốn phía truy lùng bắt cho bằng được. Họ tra khảo gốc gác phạm nhân, rồi bắt hết bố mẹ, vợ con, anh em đem về. Họ tập trung dân chúng xem họ xử tội. Trước hết họ trói phạm nhân vào cột, cho nhìn họ hành hình gia đình. Họ hành hình thành ba bậc. Bậc một là mẹ, vợ, con gái tội nhân từ 10 tuổi trở lên, họ cho lính thay nhau hãm hiếp đến khi mệt quá, chết đi mới thôi. Bậc hai là đối với bố, anh, em, con trai, họ xẻo từng miếng thịt, vứt ra đồng cho quạ ăn. Bậc ba họ xử chính phạm: tất cả bị chặt hết chân tay, đâm mù mắt rồi thả ra chợ cho dân chúng phỉ nhổ.

– Khủng khiếp quá!

Thúy Hồng than: thế là bọn cướp còn lại giải nghệ hết?

A Tam lắc đầu:

– Không hết. Đám quân sĩ của vua Đại lý không phục Mông cổ, họ trốn vào rừng, thỉnh thoảng họ xuất hiện ập vào cướp những khu vợ con binh tướng Mông cổ ở. Họ tàn sát không gớm tay. Lại còn võ lâm Tống. Họ từ Tứ xuyên, Lưỡng quảng sang Đại lý bắt bọn Hán gian theo Mông cổ. Họ rất đàng hoàng, không giết người bậy bạ.

Gặp khúc đường gồ ghề, chiếc xe nghiêng đi làm Thúy Hồng ngã lăn vào lòng Dã Tượng. Lần đầu tiên cơ thể Thúy Hồng đụng chạm với cơ thể con trai, hơn nữa người con trai đó lại là Dã Tượng; một người anh khả kính, nghiêm nghị, nhưng tình cảm. Mùi mồ hôi đàn ông khét khét, hơi ấm từ người Dã Tượng tạo cho nàng một cảm giác rung động, tê dại, rạo rực. Nàng nhắm mắt lại, không muốn ngồi dậy.

Về phần Dã Tượng, bị Thúy Hồng ngã ngửa vào lòng. Hai mặt gần như chạm nhau, vẻ đẹp thanh tú của cô hoa khôi đất Kinh Bắc làm chàng bàng hoàng. Chàng định cúi xuống hôn lên môi nàng. Chàng rùng mình, chợt nhớ lời Hưng Ninh vương dạy, chàng dùng hình ảnh bọn Mông cổ đè những cô gái 9-10 tuổi ra hiếp giữa chỗ đông người. Đứa trẻ kêu thét lên như xé tai, hòa lẫn tiếng cười man rợ hỗ trợ của bọn lính Mông cổ đứng xem. Hiếp xong, chúng tung cô gái vào căn nhà đang cháy. Dã Tượng nghiến răng nghĩ:

– Không! Ta không thể hưởng thụ vẻ đẹp của Thúy Hồng. Nàng là em ta. Vũ Uy vương, vương phi tin tưởng ta mà trao cho ta nhiệm vụ cực kỳ trọng đại. Ta không thể…

Chàng đỡ Thúy Hồng dậy. Trong lúc luống cuống, bàn tay chàng đè lên ngực nàng. Cả hai như chết lặng đi. Cũng may giữa lúc đó chiếc xe lắc lư làm hai người bừng tỉnh.

Là Ngưu tướng, từng xung sát giữa gươm đao, cung tên, thế nhưng bây giờ Dã Tượng cảm thấy sợ. Chàng lấm lét nhìn Thúy Hồng. Nhớ lời Hưng Ninh vương, chàng lại dùng hình ảnh bọn Mông cổ giằng những đứa trẻ còn bế ngửa trong lòng mẹ quật xuống đất nát thây ra trấn áp:

– Đất nước còn ly loạn, dân chúng còn khốn khổ, ta không thể ích kỷ. Giờ này Vũ Uy vương, vương phi đang ngồi bàn xem ta đã thi hành lệnh đến đâu? Thanh Nga một lòng với ta. Ta không thể phụ nàng. Ta quyết không để một lúc nhẹ dạ mà mất chí khí anh hùng. Hưng Đạo vương đã dạy ta: lúc nào con cũng phải xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Đông A.

Về phần Thúy Hồng, nàng cũng đang run run. Nhưng run mà không sợ, run trong cảm giác thần tiên. Nàng muốn ngã vào lòng Dã Tượng nữa mà không dám. Nàng tự nhủ: từ đây đi Độ khẩu, mình còn nhiều dịp với anh ấy mà.

Thế rồi hai người cùng im lặng mỗi người suy tư riêng. Phía trước có chiếc xe tứ mã, mang phù hiệu con ngựa bay đang chạy cùng chiều. Thúy Hồng hỏi A Tam:

– Ủa cùng là xe của hãng Phi Mã phải không?

– Đúng vậy, xe ấy người ta thuê bao đi Côn minh, chứ không đi Độ khẩu như ông bà. Sáng nay họ đi trước mình cả giờ.

– Họ đi trước cả giờ mà sao bây giờ còn ở đây. Sao xe kia chạy chậm hơn xe mình vậy?

A Tam cười:

– Đó là chiếc Phi Mã số 5, khách thuê bao chạy đường Nguyên dương đến Côn minh. Cùng xe tứ mã, nhưng xe trước chở tới 10 người nên chạy chậm. Còn xe này có hai người nên chạy nhanh hơn.

Thoáng một cái chiếc xe Phi Mã 3 đã đuổi kịp xe Phi Mã 5, rồi vượt lên ngang hàng. Khi hai xe chạy song song, hai phu xe dơ tay vẫy nhau. A Tam hỏi phu xe 5:

– Ê! A Ngũ, sao chậm vậy?

– Ối! Trong bốn ngựa của tôi, có hai con ốm mới khỏi, lại chở nặng. Chả biết có tới Trấn trì tối nay được không?

Nhìn sang chiếc Phi Mã 5, Dã Tượng nói nhỏ:

– Có hai người đàn ông, một người tuổi trung niên, một người trẻ, một người đàn bà béo ị và bẩy cô gái. Hình như họ là người Việt. Trên xe chở nhiều nhạc khí.

Khi mặt trời xế bóng thì A Tam chỉ về phía trước:

– Còn mười dặm nữa thì chúng ta tới Trấn trì. Trấn trì là trạm dừng chân của hãng chúng tôi. Tới đó, xin nhị vị nghỉ chân, qua đêm. Sáng mai chúng ta đi tiếp.

Dã Tượng nói nhỏ với Thúy Hồng:

– Tới chỗ thị tứ này, chúng ta không nên nói nhiều sợ tai mắt của cả Mông cổ lẫn Tống. Anh không biết nói tiếng Thái, mọi sự do em cáng đáng hết.

Thị trấn Trấn trì không lớn lắm, nhưng nhà cửa cũng san sát đều hướng ra mặt hồ. Cả hai người cùng mở to mắt nhìn kiến trúc Đại lý. Xe ngừng lại, vào trong sân một ngôi nhà lớn, trước nhà có bảng vẽ hình con ngựa bay, đó là biểu hiệu của hãng Phi Mã. Một thiếu niên chạy ra reo lên bằng tiếng Thái:

– A Tam! Chỉ có hai vị khách thôi sao?

– Ừ, một cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Họ đi Độ khẩu. Này Tiểu Linh! Khách sang đấy! Đưa họ lên một phòng trông ra hồ.

Y nói với Dã Tượng:

– Trần công tử, tuần trăng mật mà công tử với phu nhân du ngoạn trên hồ thì tuyệt.

Tiểu Linh xách hành lý, dẫn đường lên lầu, nó mở cửa phòng số ba, rồi dặn:

– Phòng này có cửa sổ nhìn ra hồ. Trên hồ có du thuyền cho thuê. Công tử muốn thuê thuyền, thì xuống quầy, sẽ có người thuê dùm. Xin quý khách rửa mặt, tắm rồi dùng cơm chiều.

Thúy Hồng nhét vào tay Tiểu Linh một chỉ bạc:

– Chị tặng em đấy.

Tiểu Linh kinh ngạc, vì một chỉ bạc ăn 100 đồng Đại lý. Thường khách cho nó cao nhất là 2 đồng. Nó nhìn chỉ bạc, reo:

– Bạc Đại Việt. Giá bạc Đại Việt cao lắm! Cảm ơn chị.

Trong khi Dã Tượng mở cửa sổ thì Thúy Hồng đóng cửa ra vào. Trai hùng vĩ, gái sắc nước hương trời, trong căn phòng nhỏ hẹp. Cả hai đều bối rối nhìn nhau, hồi hộp, rung động. Dã Tượng tự hỏi: phòng chỉ có một cái dường, thì tối nay hai người phải nằm chung ư? Làm sao giữ nổi! Cỡi trâu xung vào trận Mông cổ, Dã Tượng không hề sợ hãi. Mà bây giờ người anh hùng lại lo lắng: đêm nay sẽ ra sao? Liệu có giữ được không?

Không dám nhìn cô em xinh đẹp, chàng mở hành lý lấy quần áo, vào phòng tắm. Phòng tắm có một vại nước khá lớn. Tắm xong chàng ra ngoài thì Thúy Hồng đang chờ, nàng nhìn Dã Tượng, mặt đỏ gay vì ngượng. Dã Tượng tự hỏi phải làm gì để thoát ra khỏi hấp lực của tình dục bây giờ? Chợt nhớ lời dặn của Hưng Ninh vương dạy: hãy đọc sách để quên đi hoàn cảnh cám dỗ.

Chàng mở bọc tìm sách. Không khó khăn chàng lôi ra cuốn phổ luyện Thiên la thập bát thức, dậy cách dùng chài tấn công địch. Đây là bộ võ công trấn môn của họ Trần, do tổ Trần Tự Hấp phối hợp Thiền công, kinh mạch, Bát quái trong Dịch kinh chế ra. Hơn trăm năm nay danh trấn Hoa Việt.

Chàng đọc phần tổng quyết, rồi bước theo phương vị Bát quái. Chân khí cuồn cuộn tuôn ra. Chàng luyện xong một vòng, người cảm thấy khỏe mạnh vô cùng; thì Thúy Hồng từ trong phòng tắm đi ra. Nàng mặc chiếc váy lụa đen, với chiếc áo cánh mầu tím. Đường cong trên cơ thể nàng nổi bật lên, cái yếm trên ngực căng no rung rung nhè nhẹ. Dã Tượng bật lên tiếng khen:

– Ôi! Em tôi đẹp quá.

Rồi đầu chàng lắc lắc, chạy ra cửa sổ đứng nhìn những du thuyền trên hồ. May mắn, giữa lúc đó có tiếng gõ cửa, rồi tiếng Tiểu Linh:

– Mời nhị vị xuống dùng cơm.

Hú hồn, Dã Tượng sóng vai với Thúy Hồng xuống dẫy nhà đối diện là nhà hàng.

A Tam hỏi Tiểu Linh:

– Hôm nay có món gì đặc biệt không?

– Nhiều lắm, thịt nai hấp nấm, gà rừng nướng. Lại có cả cá. Cá chép, cá rói, cá trắm hồ Trấn trì và từ hồ Tiên đưa về, cho nên trong khách điếm khá đông khách.

Tiểu Linh nói tiếng Thái:

– Mời nhị vị vào! Nhị vị là khách đi xe, nên được dành riêng một bàn trên lầu. Mời nhị vị lên.

Trong nhà hàng khách nghẹt cứng. Trên lầu có 12 bàn, thì 9 bàn đã có khách. Tiểu Linh chỉ một bàn có bình hoa đẹp:

– Mời nhị vị ngồi đây. Công ty Phi Mã mời quý khách thưởng thức cá rói hồ Tiên nấu ám theo lối Giao chỉ, thịt nai xào nấm theo lối Quảng. Không biết anh chị có xơi thêm món gì không? Công tử có uống rượu không?

– Cảm ơn em. Chúng tôi không uống rượu.

Có tiếng chân người lên lầu, rồi một giọng nói khá rõ ràng bằng tiếng Việt:

– Cặp vợ chồng ngồi trên xe số ba kia, mặc y phục Đại lý, nhưng nét mặt dường như là người Việt thì phải. Coi chừng chúng được Khu mật viện Việt gửi qua đấy.

Dã Tượng rúng động tâm tư, đưa mắt nhìn Thúy Hồng:

– Em ơi bọn đi xe số 5 đã tới. Tại sao trong nước Đại lý lại có người Việt? Bọn này là bọn nào mà lại sợ Khu mật viện Việt? Chúng là Tống ư? Tống cùng Việt đang sát cánh chống Mông cổ, thì tại sao chúng sợ mìnht? Chúng là Mông cổ ư? Mông cổ nào? Mông cổ Mông Ca hay Mông cổ Hốt Tất Liệt? Chắc chắn bọn này là người Việt làm gian tế, nên mới sợ Khu mật viện.

Thúy Hồng ngồi quay lưng lại bàn của bọn đi xe số 5, nên không nhìn thấy chúng. Dã Tượng nói nhỏ:

– Mới có tên trung niên lùn, ti hí mắt lươn, lác mắt phải, tên tuổi trẻ và một mụ đàn bà to béo. Còn bẩy cô gái đẹp đâu không thấy?

Tiểu bảo đã mang thức ăn ra. Cá nấu ám bốc mùi thơm ngào ngạt. Thúy Hường múc thử một muỗm nếm. Nàng khen:

– Thơm ngon thực.

Nàng lại nếm thử món thịt nai xào nấm:

– Ngon! Anh ăn đi.

Thúy Hồng chỉ ăn vài miếng thịt,với một bát cơm đã no rồi. Còn Dã Tượng, chàng và hai cái hết một bát cơm trộn canh. Liễn cơm cho hai người mà chỉ thoáng một cái Dã Tượng đã ăn hết. Theo sứ đoàn đã mấy tháng, Thúy Hồng từng thấy ông anh ăn khỏe như voi. Nàng vẫy tiểu bảo:

– Cho tôi một con gà rừng nướng, thêm một bát ám cá, hai liễn cơm nữa.

Tiểu bảo mở to mắt ra nhìn Dã Tượng, rồi xuống nhà. Lát sau nó mang gà nướng, ám cá, cơm lên. Nó nói với Thúy Hồng:

– Ước gì ngày nào cũng có mươi ông khách ăn khỏe như thế này thì nhà hàng phát tài to.

Có tiếng ồn ào, rồi có nhiều tiếng chân người lên lầu. Dã Tượng nói nhỏ:

– Bẩy cô gái mặc quần áo Việt đi xe số 5 đã tới. Họ mang theo rất nhiều nhạc khí, trống cơm, trống mảnh, đàn đáy, đàn bầu, đàn tranh, nhị, phách. Chà họ đẹp không thua gì Long thành ngũ phụng. Họ đều mặc váy lụa đen, nhưng áo bẩy mầu khác nhau. Tuổi họ lớn hơn bọn em một chút. Không chừng họ là Tô lịch thất tiên cũng nên.

Đám người đàn bà nói với nhau bằng tiếng Việt, mặt người nào cũng hiện ra vẻ kiêu sa, cười nói. Người con gái nhỏ tuổi nhất trong bọn họ nói với gã mắt lác:

– Này tên Trịnh Ngọc kia, hôm nay mi đưa chúng ta đi đâu đây?

– Lan Hoa cô nương! Thái sư Ngột Lương Hợp Thai truyền tiểu nhân dẫn bẩy cô nương đi Côn minh đểå cống cho đại vương Hốt Tất Liệt.

Nghe tiếng Lan Hoa, Dã Tượng rúng động tâm can. Ký ức giúp chàng nhớ lại, một lần Tạ Quốc Ninh kể về mối tình tuyệt vọng của ông với danh kỹ tên Hoàng Hoa. Theo lời ông kể, hồi vợ qua đời, ông thường lui tới Quán văn Tô lịch, nghe xướng họa thơ, tụng phú, nghe hát. Tại đây có bẩy ca nhi nức danh tài sắc Thăng long, được danh sĩ đặt cho cái tên là Tô lịch thất tiên. Bẩy nàng đều lấy tên là Hoa, chỉ khác chữ đầu mà thôi: Hoàng, Bạch, Huyền, Thanh, Hồng, Tử, Lan. Ông cùng Hoàng Hoa gắn bó với nhau, rồi thành hôn. Khi Ngột Lương Hợp Thai vào Thăng long, bẩy nàng trốn ở vùng Nghi tàm, bị cha con tên Trịnh Ngọc, Trịnh Long cáo với Hoài Đô. Bẩy nàng bị bắt theo quân Mông cổ. Sau khi Mông cổ bỏ chạy, không ai biết tung tích Tô lịch thất tiên ra sao. Bây giờ vô tình gặp họ ở đây.

Chàng tóm lược thảm trạng của Tô lịch thất tiên thuật cho Thúy Hồng nghe.

Thúy Hường nghĩ đến giải thoát cho họ. Dã Tượng giảng cho Thúy Hồng:

– Bẩy chị này mặc bẩy mầu áo khác nhau, ứng với tên các chị ấy. Như thế chị lớn nhất mặc áo vàng tên Hoàng Hoa, chị nhỏ nhất mặc áo mầu cánh chả tên Lan Hoa. Để anh làm quen với tên đầu sỏ, cố tìm hiểu sự thực ra sao.

Dã Tượng đứng dậy đến trước tên Trịnh Ngọc:

– Nghe huynh nói tiếng Việt, hình như huynh là người Việt thì phải. Không biết huynh đi đâu đây?

Tên Trịnh Ngọc dương đôi mắt ti hí ra hỏi ngược lại:

– Chú em! Chú em là người Việt, sao lại mặc y phục như người Đại lý vậy?

Dã Tượng chỉ Thúy Hồng:

– Tôi là người Việt. Chúng tôi đi Độ khẩu. Vì bà vợ mới cưới của tôi vốn người Thái, nên tôi cũng mặc theo vợ.

– Vợ chồng chú em đi Độ khẩu có việc gì vậy?

– Chả dấu gì huynh, tôi thuộc giới võ lâm, làm nghề buôn gia súc từ Đại lý sang Đại Việt. Tôi được phò mã Hoài Đô tuyển vào đội cận vệ của đại vương Hốt Tất Liệt. Đại vương sai tôi đi mua ngựa bổ xung cho chiến mã bị tổn thất.

Chàng móc túi đưa hổ phù của Hốt Tất Liệt cho gã. Gã cầm hổ phù xem qua, rồi khúm núm trả lại. Gã cũng trình hổ phù, nhưng hổ phù của Ngột Lương Hợp Thai. Gã nói với Dã Tượng bằng lời lẽ khách khí:

– Chà! Bạn trẻ thuộc giới võ lâm, chắc võ công cao lắm nhỉ!

Dã Tượng mỉm cười. Gã Ngọc tiếp:

– Cứ như hổ phù này thì bạn trẻ có cấp bậc ít ra là Vạn phu trưởng. Trời ơi, bạn còn trẻ mà đã làm lớn quá! Tôi làm thông dịch cho Thái sư Ngột Lương Hợp Thai, chỉ được mang cấp Bách phu trưởng mà thôi.

Dã Tượng dò la:

– Này tôi hỏi thực anh câu này nhé, trên xe anh có bẩy cô gái Việt đẹp như tiên. Anh đưa họ đi đâu vậy?

– À, đó là những người đẹp nức tiếng Thăng long. Họ có tên là Tô lịch thất tiên. Thái sư Ngột Lương Hợp Thai tuân chỉ đại vương Hốt Tất Liệt truy bắt họ đem về Hoa lâm dâng cho Đại hãn Mông Ca. Lúc mới bắt được các nàng, Thái sư thấy các nàng quá xinh đẹp, nghệ thuật đàn hát siêu việt, người không muốn dâng nộp cho đại vương. Người giữ một nàng, phò mã Hoài Đô giữ một nàng, con trai Ngột Lương Hợp Thai là A Truật giữ một nàng. Bốn nàng còn lại, ba ngươi thay nhau hưởng. Bây giờ Thái sư mới thua trận ở Đại Việt, sợ bị tội, người sai tôi mang 7 báu vật này dâng cho đại vương, hy vọng được ân xá.

Thúy Hồng thắc mắc:

– Mông cổ thiếu gì gái đẹp, mà các chúa tướng phải bắt gái Việt?

– Cô không biết gì cả. Con gái Mông cổ to lớn, trông thô lắm, sao bằng gái Việt? Vả bẩy cô này là những hoa khôi đất Việt, nghìn năm mới có. Họ lại hát hay, giỏi nhạc!

Mụ đàn bà béo ị nói như đe dọa:

– Họ là con hát nức danh. Cậu còn nhỏ tuổi, vợ cậu trẻ đẹp hơn các cô kia nhiều. Cậu chớ có đụng vào bẩy cái lỗ đó mà mất mạng. Bọn Mông cổ sẽ băm cậu ra từng mảnh đấy.

Mụ chỉ Hoàng Hoa:

– Cái cô áo vàng kia, được Thái sư Ngột Lương Hợp Thai tuyển làm vương phi đấy. Cái cô áo trắng kia phò mã Hoài Đô dùng làm tỳ thiếp. Cô áo đen kia thì gã con của Ngột Lương Hợp Thai định cưới làm vợ đấy. Còn bốn cô, thì ba người chia nhau, thay phiên hưởng. Nhưng nay Ngột Lương Hợp Thai đành bắt Hoài Đô, A Truật, buông các nàng ra, dùng làm cống vật cho Hốt Tất Liệt.

Tên Trịnh Ngọc chỉ mụ béo ị, thiếu niên, lễ phép nói với Dã Tượng:

– Đây là vợ với con tôi.

Mụ béo ị hừ một tiếng:

– Mi bị xẻo mất cái mả cha mi rồi, thì còn tư cách gì mà xưng là chồng ta. Rõ chán!

Gã Trịnh Ngọc vẫn cười hề hề:

– Chúng tôi ở phòng số 1. Hình như tướng quân và phu nhân ở phòng số 3 thì phải. Bẩy cô kia ở phòng số 2 và 4 bên cạnh phòng tướng quân đấy. Đêm nay tướng quân tha hồ nghe các cô hát.

Bẩy nàng Hoa nghe đối thoại giữa tên Trịnh Ngọc với Dã Tượng, đều tưởng chàng là thứ vong quốc theo Mông cổ như tên Trịnh Ngọc, nên im lặng tỏ vẻ khinh bỉ. Các nàng thấy Thúy Hồng mặc như người Thái, tưởng nàng là người Đại lý. Hồng Hoa hỏi Dã Tượng:

– Trần công tử! Công tử là người Việt, còn trẻ mà đã lên tới Vạn phu trưởng thì võ công công tử phải cao lắm nhỉ? Công tử thuộc môn phái nào? Ai là sư phụ của công tử?

Dã Tượng chợït nhớ rằng chàng chưa có sư phụ chính thức. Hồi mới được Hưng Đạo nhận làm nghĩa tử, chàng có vào Hoàng thành bái kiến Tuyên minh thái hoàng thái hậu. Chàng được ngài dạy cho bộ Đông A chưởng pháp, bộ Thiên la thập bát thức. Còn toàn bộ nội công của chàng do Hưng Ninh vương dạy. Nội công của vương là nội công Đông A hợp với Thiền công. Chàng trả lời thực sự:

– Tôi thuộc phái Trúc lâm yên tử. Sư phụ của tôi là một vị tăng.

– Tôi thấy trong quân Mông cổ lên tới Thiên phu trưởng là hách dịch lắm rồi. Còn công tử, sao công tử lại dễ thân cận, lịch thiệp quá.

– Tại vì tôi là người Việt, là con Rồng, cháu Tiên như các chị. Hơn nữa tôi là đệ tử của một Bồ tát, thì phải lấy Bồ tát hạnh ra đối xử với mọi người chứ.

– Phu nhân công tử là người Thái, vậy bà ấy có biết tiếng Việt không?

Dã Tượng mỉm cười:

– Biết chứ. Chúng ta nói với nhau thế này nàng hiểu hết đấy.

Thúy Hồng hỏi Hoàng Hoa:

– Chiều rồi, mặt trời tỏa ánh nắng xuống hồ đẹp quá. Vợ chồng tôi muốn thuê thuyền mời bẩy chị cùng du ngoạn, không biết các chị có được phép chăng?

Hoàng Hoa thở dài:

– Chúng tôi tuy bị bắt, nhưng không phải là tù. Bọn chúa tướng mê mết chúng tôi lắm. Chúng dùng chúng tôi làm tỳ thiếp, chứ không phải làm tù nhân. Cái tên Trịnh Ngọc với con là Trịnh Long chỉ là bọn theo hầu thôi. Mụ vợ nó mới có quyền. Để tôi hỏi nó xem.

– Mụ có biết võ không?

– Biết! Võ công mụ cao lắm.

Nàng tới trước mặt mụ béo ị:

– Phu nhân, chúng tôi muốn thuê thuyền bơi trên hồ ngắm cảnh. Mong phu nhân cho phép.

– Được! Nhưng phải về trước giờ Tuất.

Mọi người lên phòng thay y phục. Tô lịch thất tiên vẫn mỗi người mặc một mầu áo, nhưng váy hồng nhạt. Thúy Hồng vẫn mặc y phục người Thái, váy đen, áo tím.

Thúy Hồng tới quầy, hỏi thuê một thuyền lớn. Ngã giá. Thuyền có hai tầng. Tầng dưới có bốn phu chèo, một người lái và ba đầu bếp. Tầng trên có cái bàn, xung quanh có tám cái ghế dài. Chín người xuống thuyền. Thuyền phu cầm sào, đẩy mạnh, con thuyền từ từ rời bến.

Bẩy nàng, mỗi nàng xử dụng một nhạc khí cùng tấu một bản nhạc. Dã Tượng nhận ra đó là bản tế vua Hùng vào dịp đầu năm. Bản nhạc hết, các nàng lại tấu một bản nhạc của Mông cổ, nghe rất lạ tai. Cứ thế các nàng tấu nhạc Việt, nhạc Hoa, nhạc Mông cổ.

Thuyền đi được nửa vòng hồ, Tô lịch đệ thất tiên Lan Hoa nói với Dã Tượng:

– Này anh, trông phong quang, nghe ngôn từ của anh, tôi đoán không lầm thì anh không phải phường bán nước cầu vinh như tên Ngọc. Vậy sự thực anh là ai?

Dã Tượng thấy hoàn cảnh bẩy nàng, máu anh hùng nổi dậy, chàng không muốn nói dối họ. Chàng đưa mắt cho Thúy Hồng. Thúy Hồng cầm lấy hai cái dùi, gõ lên phách, Dã Tượng cầm dùi đánh lên trống ba tiếng tom, tom, chát. Chàng cầm chầu. Thúy Hồng cất tiếng hát một bài hát Ả đào ca tụng công chúa Gia Hưng Trần Quốc, tư lệnh Thủy quân thời vua Trưng phá quân Hán trên biển Đông:

Phấn son tô điểm sơn hà,

Làm cho tỏ mặt đàn bà Lĩnh-Nam.

Vua Quang-Vũ khởi binh trăm vạn,

Đánh xuống vùng Nam-hải chiếm Thường-sơn,
Nam-an hầu Đoàn Chí, lĩnh đô đốc thủy quân,
Mang hạm đội, vượt sóng, ầm ầm như thác đổ.

Một trận biển Đông, Giao-long vân vũ,

Chém bay đầu Đoàn Chí, bắt Sầm Anh.
Đổ quân lên, quyết chiếm Lạc-dương,
Triều Đông-Hán chông chênh như trứng đổ.
Xuân phong Lãng-bạc, thiêu Yên-võ,
Hạ hiểu Thần-phù, kích Trường-yên.(1)

Muôn nghìn năm thanh sử ghi tên,
Dù yếm thắm, quần thoa ghi chiến sử.

Tô khấu tước bình, trực bả quần thoa đương kiếm kích,  

Trưng vương dực tải hảo tương cân quắc hộ sơn hà.(2)
Lửa Lãng bạc, mười vạn thây ma,
Nghìn năm cũ xương phơi thảm thiết.

Hôm nay, ngồi tưởng uy linh nữ kiệt,

Lễ một mâm dâng trước anh hùng,
Đời đời gương sáng soi chung.

Ghi chú:

(1) Gió xuân trên hồ Lãng bạc, đốt giặc tại Yên võ. Nắng hạ tại biển Thần phù, phá giặc ở đất Trường yên. 
(2) Dẹp giặc Tô Định, quyết lấy quần thoa đấu với kiếm kích. Phù vua Trưng dựïng nước, đem tài khăn yếm giữ non sông. 

Hát xong nàng cầm cây nhị kéo. Nàng biến bài hát Ả Đào sang điệu hát Xẩm.

Nghe Thúy Hồng hát, bẩy cô Hoa kinh hãi nghĩ đến thân phận mình. Các nàng tưởng Thúy Hồng cũng bị Mông cổ bắt như mình, rồi bị Dã Tượng cưỡng bách làm vợ. Thanh Hoa chắp tay:

– Thì ra em cũng là người Việt đấy. Em mới bị bắt sang đây hay lâu rồi?

– Em không bị bắt. Chị đừng hiểu lầm. Em với anh ấy là người của sứ đoàn Đại Việt sang Mông cổ.

Dã Tượng nói nhỏ:

– Chúng tôi là huynh đệ kết nghĩa, không phải vợ chồng. Chúng tôi đóng giả vợ chồng để qua mặt bọn gian tế Việt theo Mông cổ.

Dã Tượng nói với Hoàng Hoa bằng giọng hết sức thương cảm:

– Chị chưa biết gì về tôi, nhưng tôi lại biết hoàn cảnh của bẩy chị. Này chị Hoa, ân sư của tôi tên Tạ Quốc Ninh. Thầy có một người yêu tên giống như chị. Bà bị Mông cổ bắt đi. Thầy khóc hết nước mắt, nay vẫn ngày đêm đi tìm bà. Dường như là Hoàng Hoa thì phải.

Mặt Hoàng Hoa biến sắc tỏ ra kinh hoảng, sợ hãi, rồi tu lên khóc.

Dã Tượng nói thực:

– Các chị đừng thắc mắc nhiều. Tôi biết hoàn cảnh khốn cùng của các chị. Nếu các chị muốn, tôi sẽ cứu các chị, đem về Đại Việt.

Hoàng Hoa kể nể:

– Tôi bị bọn Mông cổ bắt đem theo làm trò chơi, thân thể tàn tạ, liệu anh Ninh có còn nhìn đến tôi không? Liệu về nước tôi có bị voi dầy, ngựa xé không? Nhưng, dù thế nào, nếu anh cứu chúng tôi, được trở về quê cha đất tổ, thì xin kết cỏ ngậm vành.

– Tôi thấy bẩy chị không bị kiềm chế, vậy sao không trốn đi?

– Trốn cách nào? Những phụ nữ đẹp, những nghệ nhân được bọn Mông cổ chiều đãi, thả lỏng. Chúng chỉ sai một người quản chế thôi. Khi một người trốn đi, thì chúng huy động kị mã đuổi theo bắt về, xử tội cực kỳ tàn bạo. Có mấy mỹ nữ Đại lý từng trốn đi, chỉ nửa ngày bị chúng bắt về. Chúng bôi mật đầy người rồi trói vào gốc cây cho kiến cắn. Nạn nhân ngứa ngáy, đau đớn mười ngày mới chết. Lại một nghệ nhân người Tống trốn đi, chúng bắt về, dùng dao sắc rạch mấy chục nhát lên mặt, chân tay, lưng, ngực rồi bôi vôi với bồ hóng vào, thịt rữa ra thành những cái sẹo trông ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ.

Bạch Hoa tiếp:

– Từ đây về Đại Việt đường xa diệu vợi. Chúng tôi có trốn thì chỉ đi bằng xe ngựa. E rằng đi chưa quá nửa ngày thì bị bắt về ngay.

Hồng Hoa tiếp:

– Vả chúng tôi có trốn thì trốn về Đại Việt. Mà tôi nghe tên Trịnh Ngọc nói, Mông cổ chiếm đóng Đại Việt cũng như Đại lý. Nếu như chúng tôi trốn thoát về tới Đại Việt lại bị bắt, thì mèo lại hoàn mèo.

– Láo! Tên Trịnh Ngọc nói láo.

Thúy Hồng nổi giận: các chị bị bắt sang đây thành ra không biết rõ tình hình. Chứ Mông cổ bị Đại Việt đánh bại từ sau tết năm ngoái rồi.

Dã Tượng tóm lược chi tiết tình hình chiến cuộc Mông cổ, Đại Việt một lượt cho bẩy nàng nghe, rồi kết luận:

– Thầy Tạ Quốc Ninh hiện theo sứ đoàn, đang đợi người của Hốt Tất Liệt hộ tống đi Tứ xuyên. Không chừng chúng ta gặp gỡ sứ đoàn giữa đường cũng nên.

Dã Tượng kinh ngạc vô cùng, vì bẩy nàng Hoa nghe tin Đại Việt chiến thắng mà không tỏ ra vui mừng. Thúy Hồng đề nghị:

– Sáng mai khi lên đường, tôi sẽ đề nghị với tên Ngọc rằng xe của các chị có hai con ngựa ốm, vậy xin mụ béo ị cho các chị sang bên xe chúng tôi. Như vậy hai xe đi cùng đường. Dọc đường chúng tôi khống chế bọn chúng, đi thẳng Độ khẩu. Tới Độ khẩu ta xuôi dòng đi Hợp châu vào vùng Tống. Nhờ Tống giúp đưa các chị về Đại Việt.

– Ừ!

Dã Tượng dặn:

– Phải cẩn thận lắm với được. Chúng ta vẫn giữ nguyên tình trạng. Tôi vẫn là người của Mông cổ…

Thuyền về tới bến thì mặt trời đã lặn.

Dã Tượng tóm lược mọi sự viết thư sai chim ưng mang về Khu mật viện ở Thăng long, cùng báo cho sứ đoàn biết, rồi xin chỉ dụ: phải làm gì?

Vào phòng ngủ, Dã Tượng phải đối mặt với vai làm chồng giả, với nhan sắc diễm lệ của Thúy Hồng. Sau một ngày hành trình mệt mỏi, Thúy Hồng leo lên dường nhưng không ngủ được, nàng ngồi dựa lưng vào đầu dường như mời, như gọi Dã Tượng. Còn Dã Tượng, chàng không dám nhìn vào mặt Thúy Hồng. Tình trạng kéo dài đến hơn khắc.

Chợt động tâm tư, Dã Tượng nhớ lại, trong lần gặp cuối, Hưng Ninh vương có cho chàng ba thanh gỗ mỏng, trên vẽ đồ hình, cùng tâm pháp luyện Tiêu sơn hóa tinh pháp, dùng để trấn áp cơ thể khi dục vọng đòi hỏi mà tâm trí không kiềm chế nổi. Chàng giữ, đã học thuộc, nhưng chưa luyện bao giờ. Chàng lấy tấm thẻ thứ nhất ra đọc đệ nhất thức:

“BƯỚC 1 (nạp khí).

– Dùng ý dẫn khí từ qui đầu vào trung-đơn-điền.

– Tiến hành ý-thủ tại đây.
– Nạp khí tiếp, dẫn khí từ trung-điền đến hậu môn (huyệt hội-âm).
– Từ hậu môn ( huyệt hội-âm) dẫn ra xương cụt (huyệt trường-cương)”

Chàng luyện thử, chân khí chuyển động rần rật, dễ dàng. Người nhẹ nhàng. Chàng luyện tiếp:

“ BƯỚC 2 (đình).

– Miệng mím chặt, hai răng nghiến vào nhau, lưỡi ép sát lợi.

– Hai chân tay vận thật cứng. Hậu môn thắt chặt vào và co lên cao”.

Chàng luyện theo, chân khí tỏa khắp người, cảm giác căng chướng mất.Chàng luyện tiếp sang bước 3-4-5:

“– BƯỚC 3 (nạp khí).

– Tái nạp khí dẫn khí từ xương cụt (huyệt trường-cường) lên qua xương sống, hậu chẩm ( huyệt phong-phủ) vào đại não, tới thượng-điền thì ngưng lại. 

– BƯỚC 4. (Thổ khí)

Tiến hành ý-thủ tại đây, thổ khí ra ngoài.  

– BƯỚC 5 (nạp).

Nước miếng trong miệng sinh ra, nuốt vào, dùng ý dẫn khí từ thượng-điền về trung-điền theo đường cổ, họng, thượng điền” 

Cứ thế chàng luyện sang tới bước thứ 11 là hết đệ nhất thức. Đến đây thân thể nhẹ nhàng, tâm trí minh mẫn. Chàng nhìn Thúy Hồng với tất cả tấm lòng trong sáng, không còn lửa dục nữa. Mặc cho Thúy Hồng chìm vào giấc ngủ. Chàng tiếp tục luyện mãi, rồi ngủ lúc nào không biết.

Tiếng chim hót líu li bên hồ làm Dã Tượng tỉnh giấc. Thúy Hồng đã thay y phục ngồi chờ. Có tiếng gõ cửa. A Tam thúc:

– Mời các vị lên đường sớm, trời còn mát. Đến trưa nắng nực chúng ta sẽ nghỉ.

A Tam, Tiểu Linh cùng mang hành lý cho Dã Tượng, Thúy Hường. Xuống sân, mụ vợ tên Ngọc đang thúc Tô lịch thất tiên lên xe.

Thúy Hồng đóng kịch, nói với A Tam:

– Xe tôi chỉ có hai người, mà ngựa lại khỏe. Xe bên anh trong bốn ngựa thì mất hai con bệnh mới khỏi. Vậy anh cho chuyển sang bên xe tôi bốn người được không?

Mụ đàn bà béo ị nói với 7 cô gái:

– Vậy năm cô Hoàng, Bạch, Huyền, Thanh, Hồng sang xe số 3. Còn Tử, Lan với hành lý để bên xe 5 đi với chúng tôi.


PHỤ LỤC:

TIÊU SƠN HÓA TINH PHÁP

Đạo-lý Phật-giáo chủ diệt dục: tham, sân, si. Dâm là một giới bị cấm ngặt. Nhưng các tăng-ni tu luyện khí công thì tinh, thần, khí phải đồng thăng tiến. Mà cả ba thăng tiến, thì dục cũng tăng theo, nên đường tu hành gặp khó khăn. Vậy phải làm sao hóa tinh di, mới có thể tiếp tục đường tu.

Khoa Thiền-công giảng:

“Tạo hóa sinh con người, đều có tinh khí do cha me (Tiên thiên khì) và do ăn uống (Hậu thiên khí)ï. Ngoài ra nội thể tự sinh, ngoại cảnh kích động, khiến tham dục. Khi tham dục, tinh-khí chạy hỗn loạn. Hỗn loạn không qui liễm dược thì trở thành cuồng loạn, thần bị ức chế dễ lạc vào tà ma, dâm đãng. Khi luyện ngoại-công, khí-công, chủ yếu là đi đến tinh, thần, khí sung mãn. Nhưng nếu cứ để tinh khí chạy loạn, rồi tìm thú nhục dục, để thoát ra ngoài, hoặc thoát ra trong giấc mộng… Thì trong ba yếu tố chỉ còn thần, khí mà thôi. Như vậy chân khí không mạnh, thần lực không phát đầy đủ, nên chi phải dùng khí-công thu liễm tinh-khí”.

Tóm lại: Tinh khí nảy sinh do ba nguyên lý:

– Do cơ thể tự nảy sinh.
– Ngoại cảnh như ăn, uống, ngắm nhìn.

– Nội tâm như đọc sách suy tư.
– Tập luyện. Tập luyện để tăng cường, tinh, thần, khí.

Nếu để tinh xuất, thì chỉ có thần, khí mạnh. Thần lực không phát ra được. Vậy cần thu liễm tinh lại, không để xuất ra ngoài.

Vẫn theo Thiền-Việt thì khi tinh khí sung mãn, dương vật chướng lên là do các nguyên nhân sau:

– Nhìn cảnh dâm bôn, tư tưởng không tự chế, tức thần yếu.
– Đọc sách, liên tưởng, chia trí, không giải trừ tạp niệm, tư tưởng tự do đi vào đường dâm đãng.
– Khi nam gần nữ, nữ gần nam.
– Bị kích thích bởi ngoại lực, nội khí.
– Trong giấc ngủ tư tưởng buông lỏng.

Vì vậy Thiền-khí-công Việt đưa ra 4 phương pháp thu liễm tinh khí, tức luyện công hóa khí, để giúp dễ tu luyện tập võ công, nhất là cho Phật-gia đệ-tử giải thoát được những cơn ám ảnh sinh lý. Các thức đó là hóa tinh pháp.

I- HÓA TINH ĐỆ NHẤT THỨC

1- NGUỒN GỐC

Từ Thiền-phái Tỳ-ni Đa-lưu-chi, Thảo-đường, Quy-ngưỡng, Lâm-tế.

2. TƯ THỨC

– Lập thức (đứng).

– Tọa thức (ngồi).

3. ĐIỀU KHÍ

– Thở hít thông thường.

4.Ý THỦ (Trụ tâm)

Nội thể: đơn-điền, khí-hải, mệnh-môn, dũng-tuyền v.v…

5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN

– Khai thủy.
– Nhập tĩnh.
– Điều-tức.
– Ninh thần.
– Giáng khí.
– Giải trừ tạp niệm.
– Ý-thủ.

BƯỚC 1 (nạp khí).

– Dùng ý dẫn khí từ qui đầu vào trung-đơn-điền.
– Tiến hành ý-thủ tại đây.
– Nạp khí tiếp, dẫn khí từ trung-điền đến hậu môn (huyệt hội-âm).
– Từ hậu môn ( huyệt hội-âm) dẫn ra xương cụt (huyệt trường-cương).

BƯỚC 2 (đình).

– Miệng mím chặt, hai răng nghiến vào nhau, lưỡi ép sát lợi.
– Hai chân tay vận thật cứng. Hậu môn thắt chặt vào và co lên cao.

BƯỚC 3 (nạp khí).

– Tái nạp khí dẫn khí từ xương cụt (huyệt trường-cường) lên qua xương sống, hậu chẩm ( huyệt phong-phủ) vào đại não, tới thượng-điền thì ngưng lại.

BƯỚC 4. (Thổ khí)

– Tiến hành ý-thủ tại đây, thổ khí ra ngoài.


BƯỚC 5 (nạp).

Nước miếng trong miệng sinh ra, nuốt vào, dùng ý dẫn khí từ thượng-điền về trung-điền theo đường cổ, họng, thượng điền.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

Kinh nghiệm: Sau khi luyện đủ 3 tức, nếu thấy thể xác trở lại bình thường, dục vọng đòi hỏi hết, thì thu công rồi ngừng. Bằng dục vọng, thể xác còn đòi hỏi thì luyện tiếp.

BƯỚC 6 (thổ).

Dùng ý dẫn khí từ trung-điền theo xương sống lên hậu chẩm, não, rồi thượng điền ( theo đốc mach lên huyệt Đại-trùy, Phong-phủ, đại não, thượng-điền).

BƯỚC 7 (nạp khí).

Dùng ý dẫn khí từ thượng-điền, vòng qua trái tới nửa đầu bên trái, rồi dẫn khí theo nửa mặt trái, xuống nửa cổ trái, qua nửa lồng ngực trái, bụng trái, rồi đưa vào hạ đơn điền.

Từ hạ-điền sang phải đi ngược lên qua nửa bụng phải, ngực phải, cổ phải, rồi nửa mặt phải, tới thượng điền.

BƯỚC 8 (ngưng thổ nạp). Dùng ý dẫn khí đi vòng thứ hai.

BƯỚC 9 (thổ). Dùng ý dẫn khí đi vòng thứ ba.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN (Tức 9 Vòng).

Kinh nghiệm

Sau khi luyện 3 tức liền, nếu vẫn còn thấy thể xác đòi hỏi, luyện tiếp.

BƯỚC 10 (nạp). Dùng ý dẫn khí từ thượng-điền qua cổ, họng, thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu tới hạ-điền. Sau đó dẫn khí vòng sang trái, qua nửa bụng, nửa ngực, nửa cổ nửa mặt lên thượng-điền.

BƯỚC 11 (ngưng thổ nạp). Dẫn khí đi vòng thứ hai, cùng chiều, cùng lộ trình như vòng thứ nhất.

BƯỚC 12 (thổ). Dẫn khí đi một vòng thứ ba, cùng chiều, cùng lộ trình với vòng thứ nhất.

LUYỆN 2 TỨC LIỀN (Tức 6 Vòng).

HẾT MỘT THỨC.

Mỗi lần luyện 3, 6, hoặc 9 thức. Nam, nữ luyện như nhau.

6. CHỦ TRỊ.

– Sinh lý đòi hỏi, dương vật chương lên.
– Điều hòa tinh khí.
– Các nhà tu dùng để diệt dục.

Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi nhận ra một số các võ-sinh, văn-gia, ký-giả, kỹ sư điện toán, các nghiên cứu gia v.v. thấy sinh lý đòi hỏi, nếu họ giao hoan, thì đầu óc trống rỗng. Họ muốn giữ tinh khí cho đầu óc minh mẫn, nên luyện tập thức này. Kết quả thực kỳ diệu, tinh thần sảng khoái, trí nhớ tăng. Một số các vị tu mi nam tử vì công tác phải xa nhà, sang các nước Thái-lan, Phi-luật-tân, sinh lý đòi hỏi, nếu tìm các nàng kiều ở đó mà hành lạc, có thể tiêu dao miền Cực-lạc với ác quỷ SIDA (AIDS), nên đã luyện thức này để diệt dục. Các tiết phụ, xa chồng cũng luyện, để giữ chung thủy v.v.

7. CẤM KỊ.

– Phụ nữ mang thai.
– Tim đập chậm (dưới 65 lần một phút).
– Dương hư (chân tay lạnh, đại tiện chảy, người lạnh, huyết áp thấp dưới 10).
– Bần huyết (anémie).
– Nam bất lực (dương vật không cử, cử mà không chắc. Nữ lãnh cảm).

2. HÓA TINH ĐỆ NHỊ THỨC.

Sau khi luyện đệ nhất thức, không thấy kết quả, thì trường hợp tương đối nặng. Dương vật cứ cử lên (nữ thì âm-thần hơi cứng nóng, ngực căng, môi khô), tinh-dịch (chứ không phải tinh-khí) ri rỉ muốn xuất, nhiệt khí trên người bốc cao, đầu óc hoang mang không minh mẫn nữa. Phải luyện tiếp phương pháp của đệ nhị thức.

Phải nhớ kỹ là: không nên lạm dụng luyện phương pháp đệ nhị thức. Chỉ khi nào đệ nhất thức không kết quả mới luyện đệ nhị thức mà thôi.

Đệ nhị thức có hai tức. Nối tiếp đệ nhất thức.

1. ĐỆ NHẤT TỨC. (Thổ ở đầu tức này không kể vào tức, chỉ để nối tiếp).

BƯỚC 1 (thổ).

– Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu (nếu là nữ thì âm-thần) đến trung-điền.
– Đồng thời hậu môn thắt chặt co lên.

BƯỚC 2 (nạp).

– Dùng ngón chỏ tay phải, bịt lỗ mũi phải.
– Lỗ mũi trái hấp khí thành một dây dài liên tục (không nên để đứt đoạn).

BƯỚC 3 (đình).

Hai đến 5 tiếng đập tim.

BƯỚC 4 (thổ).

– Ngón tay giữa của tay phải bịt lỗ mũi trái, buông lỗ mũi phải ra.
– Lỗ mũi phải thổ khí thành luồng liên tục, nhẹ nhàng.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

2. ĐỆ NHỊ TỨC.

BƯỚC 5 (thổ).

– Nối tiếp tức trên.
– Ngón tay bịt lỗ mũi trái.
– Sau khi lỗ mũi phải thổ xong nạp luôn, nạp một hơi dài, không đứt đoạn.

BƯỚC 6 (đình).

– Nghỉ hai đến 5 tiếng đập tim.

BƯỚC 7 (thổ).

– Ngón trỏ bịt lỗ mũi phải, và buông lỗ mũi trái ra.
– Lỗ mũi trái thổ khí thành một dây liên tục.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

3. ĐỆ TAM TỨC.

BƯỚC 8 (nạp).

– Bỏ tay ra dùng cả hai lỗ mũi nạp khí thành một luồng dài liên tục.
– Dùng ý dẫn khí từ trung-đơn-điền đến thượng-điền ý-thủ tại đây.

BƯỚC 9 (đình).

– Ngưng lại từ 2 đến 5 tiếng đập tim.

BƯỚC 10 (thổ).

Nuốt nước miếng, dùng ý dẫn khí từ thượng-điền tới trung-điền.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

Sau đó luyện lại tức thứ nhất đến tức thứ ba liền 3,6 hay 9 lần. Thu công

4. CHỦ TRỊ.

Như đệ nhất thức.

5. CẤM KỊ.

Như đệ nhất thức.

III. HÓA TINH ĐỆ TAM THỨC.

Sau khi đã luyện thức thứ nhì, không kết quả, luyện sang thức thứ ba. Phải lưu ý là, thức thứ ba rất dễ tổn hại đến tinh khí, thận khí. Vì vậy nếu thấy luyện hết thức thứ hai không kết quả mới dùng đến. Tuyệt đối không bao giờ nên thử. Thận suy rất hại, có khi tuyệt đường sinh đẻ.

Thức này có ba tức.

1. ĐỆ NHẤT TỨC.

BƯỚC 1 (nạp).

– Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu (nữ thì âm thần), qua hậu môn rồi xương cụt (huyệt Hội-âm, Trường-cường) chuyển sang mông trái, lưng trái, lên cổ tới mắt trái.
– Ngón tay bịt lỗ mũi phải lại, để lỗ mũi trái tiếp tục nạp khí. Mắt trái, mi trái, kéo ngược trở lên, khí dẫn theo, tới đỉnh đầu.

BƯỚC 2 (đình). Dẫn khí từ đỉnh đầu, về thượng-điền, qua mắt phải.

– Mắt phải, mi phải, kéo trở xuống.
– Dẫn khí qua má phải.

BƯỚC 3.

– Bịt lỗ mũi trái lại, lỗ mũi phải từ từ thổ khí.
– Dùng ý dẫn khí từ má phải xuống cổ, sườn phải, xương cụt, hậu môn (huyệt Trường-cường, Hội-âm).

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

2. ĐỆ NHỊ TỨC.

Cùng phương pháp tức 1. Nhưng lộ trình đi phải:

– Từ qui-đầu, qua huyệt hậu môn, xương cụt ( huyệt Hội-âm, Trường-cường) rồi quẹo phải, đi ngược lộ trình trên.
– Lỗ mũi cùng thổ nạp, ngược lại với tức 1, nghĩa là phải đổi qua trái, trái đổi qua phải.

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

3. ĐỆ TAM TỨC.

BƯỚC 1 (nạp).

– Dẫn khí từ qui-đầu về hậu môn, xương cụt (huyệt hội-âm, trường-cường), ngược lên ngang sống lưng (huyệt Mệnh-môn), theo xương sống, não, đến đỉnh đầu, vòng sang thượng-đơn-điền.

BƯỚC 2 (đình).

– Ngưng tại thượng-điền từ 2 dến 5 tiếng đập tim.

BƯỚC 3.

Từ thượng-điền ngược trở lại não, xương sống tới ngang lưng (huyệt mệnh-môn) rồi vào trung-điền, sang hậu môn (huyệt hội-âm), rồi tới qui-đầu (hay âm thần).

LUYỆN 3 TỨC LIỀN.

Luyện liền một lúc 3, 6, đến 9 thức.

Khí-tức qui nguyên( dẫn khí về đơn điền).

Thu công.

4. CHỦ TRỊ.

Như đệ nhất thức.

5. CẤM KỊ.

Như đệ nhị thức.

IV. HÓA TINH ĐỆ TỨ THỨC.

Tiêu-sơn đệ tứ thức, khác hẳn với ba thức trên về công dụng. Ba thức đầu dùng để “luyện tinh, hóa khí”, tức là xử dụng khi tinh-khí đầy, chuyển thành khí. Tinh-khí đó vẫn còn chỗ sơ dụng của nó, không làm mất đi lợi ích.

Nhưng cũng có những trường hợp mà tinh khí chạy hỗn loạn không nên thu liễm lại. Vì tinh khí đó không còn ích lợi, thu liễm lại có hại cho cơ thể, cần phải đốt đi.

Tỷ-dụ: Trong lúc luyện Thiền-công, Khí-công, Ngoại-công, chân tay, khí huyết chân khí chạy khắp người. Chẳng may có những luồng khí dẫn không đúng, hoặc chiêu thức đánh sai, tinh-khí không qui liễm được, nên đã làm động tình, dương vật chương lên. Những loạn khí đó không cần thu liễm, phải đốt ngay đi.

Ở đây chúng tôi chỉ nói đến các thức Thiền-công, Ngoại-công, Khí-công từ cấp trung-đẳng, cao-đẳng.

1. PHÉP LUYỆN.

Lấy cơ sở của ba thức trên làm nguồn gốc.

2. TƯ THỨC:

Cả ba tư thức.

– Lập thức (đứng).
– Tọa thức (ngồi).
– Ngọa thức (nằm).

3. ĐIỀU KHÍ.

Các phương pháp:

– Thông thường.
– Ý khí hợp nhất.
– Đạo gia.
– Cấm dùng phương pháp ảo thổ nạp, khí tức hỗn loạn đốt luôn chân khí, có khi làm hư thận.

4. Ý-THỦ.

Nội thể tại trung-đơn-điền.

5. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN.

– Khai thủy.
– Nhập tĩnh.
– Điều-tức.
– Ninh thần.
– Giáng khí.
– Giải trừ tạp niệm.
– Ý-thủ

BƯỚC 1 (nạp). Dùng ý dẫn khí trầm trung-đơn-điền.

– Óc tưởng tượng đơn-điền.
– Mắt nhắm, “nhìn bằng tư tưởng vào đơn-điền”.
– Tai nghe tại đơn-điền.
– Miệng mũi thổ nạp vào đơn-điền.
– Dùng ý dẫn khí từ qui-đầu vào đơn-điền.

BƯỚC 2 (đình). Ngưng từ 2 tới 5 tiếng đập tim.

– Dùng ý dẫn khí từ trung-điền đến hậu môn (huyệt-âm).
– Từ hậu môn ( huyệt hội-âm) phân ra hai đùi, đầu gối, bắp chân, xuống gầm bàn chân (huyệt Dũng-tuyền).

BƯỚC 2 (thổ).

– Dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền trái, ngược trở lên qua bắp chân đầu gối, đùi.

BƯỚC 3 (nạp).

– Dùng ý dẫn khí đồng một lượt từ đùi trái, qui-đầu (nữ âm thần) vào huyệt hội-âm, trường-cường, qua sườn trái tới cổ, mang tai, đại não cuối cùng ngưng lại ở thượng-điền.

BƯỚC 4 (đình).

– Ngưng lại thượng-điền từ 2 tới 5 tiếng đập tim.
– Từ thượng-điền dẫn khí qua phải, mang tai, cổ, sườn, huyệt trường-cường huyệt hội-âm.

BƯỚC 5 (thổ).

Dẫn khí từ huyệt hội-âm dẫn tiếp xuống đùi phải, đầu gối phải, bắp chân, cuối cùng là huyệt dũng-tuyền phải.

BƯỚC 6 (nạp).

Lại dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền trái, qui-đầu (âm thần) theo lộ trình cũ để sang huyệt dũng-tuyền phải hai lần nữa.

BƯỚC 7 (đình).

Dùng ý dẫn khí từ huyệt dũng-tuyền phải và qui-đầu (âm thần) theo lộ trình trên. Nghĩa là đi ngược chiều, đúng ba (3) lần.

BƯỚC 8 (thổ).

Dùng ý dẫn khí từ cả hai huyệt dũng-tuyền lên bắp chân, đầu gối, đùi.

Dẫn từ hai đùi, qui-đầu lên huyệt hội-âm, trường-cường theo xương sống tới huyệt Phong-phủ, đại não, vào thượng-điền.

BƯỚC 9 (đình).

– Ngưng lại từ 2 tới 5 tiếng đập tim.

BƯỚC 10 (thổ)

– Đi ngược trở lại lộ trình cũ tới xương sống, qua mệnh-môn huyệt vào trung-điền.

BƯỚC 11 (đình).

– Ngưng lại trung-điền 2 đến 5 tiếng đập tim, rồi dẫn khí tiếp xuống huyệt hội-âm, phân làm hai xuống hai đùi, đầu gối, bắp chân, cuối cùng huyệt dũng-tuyền.

Luyện một lúc từ 3, 6 đến 9 thức và chỉ tái luyện khi nào cần thiết. Nếu luyện liên tiếp mỗi ngày một lần thì từ ngày thứ 5 trở đi tinh-khí bị đốt hết, người mệt mỏi yếu đuối. Từ ngày thứ 15 trở đi đến ngày thứ 30 thì có thể hư thận.

6. CHỦ TRỊ.

– Dùng để làm tiêu tan đòi hỏi sinh lý.
– Khu trục, tiêu diệt các loạn khí vô ích trong người.
– Kiến bò (fourmiement), spasmophilie.
– Chân tay bải hoải.
– Điều hòa loạn khí.
– Bắp thịt co giật.
– Trấn tĩnh cơn khủng hoảng thần kinh (dépressions).

7. CẤM KỊ.

– Bất lực sinh lý (nữ lãnh cảm).
– Thận hư (dù dương, dù âm, hay âm dương hư).
– Mất trí nhớ.
– Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh (ménopause).

V. KẾT LUẬN

Tiêu-sơn hóa tinh pháp là một thức Thiền-công, dùng lâu năm trong Phật-giáo Việt-Nam, dễ luyện, kết quả tốt. Phàm khi luyện, ngay lập tức cảm thấy tinh thần sảng khoái. Càng luyện lâu, tâm trí càng minh mẫn. Già, trẻ, nam, nữ đều luyện được. Luyện lúc nào trong ngày kết quả cũng bằng nhau.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-61)


<