Vay nóng Tinvay

Truyện:Bích Nhãn thần quân - Hồi 23

Bích Nhãn thần quân
Trọn bộ 29 hồi
Hồi 23: Bắc Kinh Dựng Kế An Tô Tặc - Thượng Uyển Đề Thơ Hiến Mỹ Nhân
4.50
(2 lượt)


Hồi (1-29)

Siêu sale Shopee

Xong việc chàng dặn dò Vương Hàng chú tâm đối phó với bọn Thiên Ma giáo ở Lương Sơn rồi lên đường trở về Đế đô.

Hai mươi ngày sau, Vân Long và nương tử đã đến Bắc Kinh. Ngay tối hôm đó, chàng bí mật vào điện Cần Chính gặp Minh Thành Tổ. Hoàng thượng vô cùng mừng rỡ, bảo hai Thái giám đem thêm rượu và thức ăn ra rồi truyền lệnh cấm cửa, không cho bất cứ ai vào.

Ngài bảo chàng ngồi xuống rồi phán:

- Hai tháng nay khanh bôn ba ngàn dặm, công việc thế nào mau tấu trình cho trẫm rõ.

Chàng liền dâng hai tấu biểu của Sơn Hải Trấn và Sơn Đông, kèm theo hai danh sách kiểm kê tài sản của Tô Trí, Tô Xuyên.

Thấy khoảng tịch biên của Tô Trí là tám mươi vạn lượng và của Tô Xuyên là một trăm hai mươi vạn, Minh đế căm giận vỗ bàn:

- Hai tên cẩu quan này hút cạn máu thịt của ba quân và lê thứ nhà Đại Minh ta. Chúng chết đi còn chưa hết tội. Vậy mà, tối qua Hoàng hậu được tin còn khóc lóc, trách móc trẫm nữa.

Vân Long biết ngài có chỗ khổ tâm nên lấy ra một bình thuốc dâng lên:

- Khởi tâu Thánh thượng, như đã hứa, thần xin dâng thần dược để cửu trùng đối phó với Hoàng hậu nương nương. Nhưng xin người điều độ để giữ gìn long thể.

Hoàng thượng cực kỳ hoan hỉ. Cũng chỉ vì không thỏa mãn được vị Hoàng hậu trẻ đẹp, nõn nà nên ngài nhụt chí, đâm ra nể nang quá mức.

Ngài xiết chặc tay chàng, thân ái nói:

- Trẫm nhờ hồng phúc tiên đế nên lúc tuổi già có được một vị trung thần tài trí như khanh để cậy nhờ.

Vua tôi cùng đối ẩm, luận bàn kế sách tiêu diệt Thái sư và loạn đảng.

Lát sau, ngài bước ra bảo Dương công công đi triệu ngay Tưởng Minh Luân ở Ngự Sử Đài.

Họ Tưởng chấp chưởng Ngự Sử Đài là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực, đã nhiều lần can gián Thánh thượng và dàn hạch cả Thái sư. Minh đế không dám chạm đến Quốc trượng, nhưng vẫn trọng dụng bậc trung thần. Kể ra, ngài cũng là một vị vua tốt.

Tưởng Minh Luân không có gia quyến nên ở luôn tại Ngự Sử Đài trong Cấm thành. Nửa đêm được lệnh vua đòi vội vã ứng hầu.

Dương thái giám đã được Hoàng thượng dặn dò nên không dám bước vào mà chỉ mở cửa mời họ Tưởng:

- Thánh thượng đang đợi trong ngự thư phòng, đại nhân cứ tùy tiện.

Tưởng ngự sử đa tạ rồi tiến thẳng vào. Qua thêm một lần cửa nữa mới đến nơi cửu trùng phê duyệt tấu chương. Lão sững sờ khi thấy ngài đang đối ẩm với một chàng công tử lạ mặt. Họ Tưởng vén áo sụp xuống lạy:

- Hạ thần Tưởng Minh Luân khấu kiến long nhan.

Minh đế hoan hỉ bước đến đỡ lão dậy, dắt vào ngồi chung. Ngài chỉ Vân Long giới thiệu:

- Vị này là Tiêu Long Vân, Minh chủ võ lâm Trung thổ. Cũng chính là người đã cứu giá trẫm hai tháng trước. Hiện được phong tước Hổ Uy Hầu.

Tưởng ngự sử vòng tay chào rồi chăm chú quan sát. Lão là người thông minh xuất chúng, mười bảy tuổi đã đậu tiến sĩ, lại tinh thông tướng pháp nên nhận ra điều khả nghi. Lão cung kính tâu rằng:

- Muôn tâu Thánh thượng, họ Tiêu dù có công cứu giá nhưng chẳng phải là người trung thực.

Minh đế sững sờ hỏi lại:

- Tại sao khanh dám quả quyết như vậy?

Họ Tưởng ung dung nói:

- Tướng mạo của y hiện tại chỉ đáng làm hạng chăn trâu, hoặc tiều phu nơi rừng thẳm, suốt kiếp tôi đòi chứ làm gì vươn lên đến cương vị lãnh tụ võ lâm. Vì vậy, hạ thần biết ngay rằng y mang mặt nạ.

Vân Long hết lòng khâm phục, chàng giơ ngón cái lên khen ngợi:

- Hảo nhãn quang, Tưởng huynh quả là người tài cao, học rộng, tiểu đệ xin bái phục.

Nói xong, chàng lột bỏ mặt nạ, lộ ra dung mạo anh tuấn, chính khí đường đường.

Minh đế kinh ngạc hỏi rằng:

- Sao khanh lại phải che giấu chân diện mục xinh đẹp của mình?

- Khởi tâu Thánh thượng! Giang hồ đầy cạm bẫy, nguy hiểm trùng trùng. Hạ thần đem thân chống lại quần ma, không thể lúc nào cũng lộ mặt ra cho người biết mà mưu hại. Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Mong Thánh thượng lượng thứ!

Minh đế thấy chàng tướng mạo hiên ngang tiêu sái lại quân tử lẫm lẫm nên càng sủng ái hơn:

- Không sao, có điều từ nay không cần phải cải trang nữa.

Tưởng Minh Luân lặng lẽ ngắm nhìn rồi hỏi:

- Phải chăng túc hạ không có chí làm quan?

Vân Long giật mình gật đầu:

- Tưởng huynh chính là tri âm của tiểu đệ. Người giang hồ vốn không màng danh lợi, khi cần bảo vệ cương thổ, trừ gian diệt nịnh thì sẵn sàng liều mình rút gươm. Nhưng khi xã tắc thanh bình thì dứt áo mà đi.

Họ Tưởng rung đùi ngâm hai câu thơ trong bài Hiệp Khách Hành:

Sự liễu phất y khứ

Thâm tàng thân lữ danh....

Lão thấm ý, vòng tay vái:

- Hầu gia cốt cách anh hùng, họ Tưởng tôi vô cùng khâm phục!

Minh Thánh Tổ ngậm ngùi than:

- Tiêu khanh không chịu làm quan thì sau này ta biết nhờ cậy vào ai?

Chàng mỉm cười tâu rằng:

- Triều đình đầy rẫy nhân tài, chỉ e Thánh thượng chẳng chịu dùng thôi. Ví như Tưởng ngự sử đây. Phần hạ thần, lúc nào Thánh thượng muốn triệu kiến, chỉ việc truyền chỉ cho đệ tử Cái bang, thần sẽ lập tức ứng hầu.

Họ Tưởng trấn an đức vua:

- Xin Thánh thượng yên tâm, Tiêu hầu tướng mạo tôn quý, lo gì không kề cận dưới trướng.

Ngài hài lòng gật gù, thầm toan tính việc đem danh lợi ràng buộc bậc kỳ hiệp.

Minh đế đưa tấu biểu và chứng cứ khép tội cho họ Tưởng xem rồi phán:

- Khanh nghiên cứu cho kỹ, ngày mai lâm triều ắt Thái sư sẽ bắt bẻ trẫm. Lúc đó khanh tùy nghi đối phó.

Tưởng Minh Luân xem qua, phấn khởi tâu:

- Với chứng cớ này, Thái sư dù có trăm miệng cũng khó bề biện bạch cho hai cháu.

Vân Long biết là họ Tưởng là bậc trung thần nên kể cho lão nghe chuyện Thái sư âm mưu soán nghịch. Lão căm phẫn, râu tóc dựng ngược định xin Hoàng thượng cho chém họ Tô.

Chàng dịu giọng vỗ về:

- Tưởng huynh bình tâm. Thánh thượng cũng có nỗi khổ trong lòng. Chúng ta là tôi thần phải thể tất điều ấy. Chờ tiểu đệ diệt xong Thiên Ma giáo, tìm được tang chứng rõ ràng, mới có thể khép tội Tô tặc được. Trước mắt là phải tiêu diệt vây cánh của lão, tiến cử bậc trung lương thay thế. Nếu khinh động e bất lợi, họ Tô cùng đường tạo phản ngay, Thánh thượng sẽ gặp nguy.

Tưởng ngự sử tỉnh ngộ:

- Hầu gia thâm mưu viễn lự, ta xin nghe theo. Nhưng đúng luật triều đình, ngày mai Hầu gia phải có mặt thì những tấu chương, chứng cứ này mới có hiệu lực.

Chàng nhận lời rồi cáo biệt.

*** * *

Sáng sớm hôm sau, bá quan tề tựu đông đủ tại điện Thái Hòa, chờ đợi Hoàng thượng lâm triều.

Gương mặt của Tô thái sư lạnh lẽo như băng khiến mọi người chẳng dám lại gần chào hỏi. Họ đã biết tin Thánh thượng sai Khâm sứ chém đầu hai tên tham quan, cháu của họ Tô. Bá quan ai nấy đều hoan hỉ nhưng không để lộ ra.

Tiếng rao lảnh lót của Dương thái giám vang lên:

- Thánh thượng và nương nương giá lâm!

Quần thần đồng quỳ xuống tung hô.

Minh Thành Tổ hôm nay long nhan hớn hở, râu mép vểnh ngược trông vô cùng oai vệ. Hoàng hậu theo sau ra dáng thẹn thùng. Hoàng thượng đưa tay miễn lễ rồi ngồi xuống long ngai. Tô nương nương khép nép một bên, mặt đỏ hồng, đôi mắt phượng hơi trũng sâu vì mệt mỏi.

Các quan lớn nhỏ thầm ngạc nhiên trước cảnh tượng khác thường này.

Họ có biết đâu rằng nương nương đêm qua không hề chợp mắt, vì đấng quân vương đột nhiên dũng mãnh phi thường, liên tiếp thương mã, phá thành, đoạt lũy. Cho đến gần sáng, nàng vì quá kiệt sức nên đành phải lên tiếng quy phục. Vậy mà thân rồng vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi, thúc giục nàng ra ngự chầu. Từ ngày tiến cung đến nay, chưa đêm nào Hoàng hậu lại nhận được những khoái cảm mãnh liệt đến thế, nên sanh lòng kính ngưỡng đức vua.

Tô thái sư không chờ được nữa liền quỳ trước bệ rồng kêu oan:

- Khởi tấu Thánh thượng, chẳng hay hai đứa cháu của lão thần mắc tội gì mà lại bị khâm sứ chém đầu như vậy? Lão thần một đời tận trung với nước, nay còn mặt mũi nào nhìn các đồng liêu. Mong Thánh thượng minh xét.

Lão tấu xong, đứng dậy đưa mắt liếc Tô Mỹ Nhân, ý muốn nhờ nàng tác động đến Hoàng thượng. Nhưng Tô nương nương đang mơ màng ôn lại chuyện đêm qua nên đâu để ý gì đến phụ thân.

Bá quan hồi hộp chờ đợi xem Thánh thượng có đưa ra được bằng cớ xác đáng hay không? Họ Tô đang nắm binh quyền trong tay, chẳng dễ gì ức hiếp được.

Minh Thành Tổ nghiêm giọng phán:

- Trẫm thừa mệnh nối nghiệp tiên đế, những mong xã tắc vững bền, bá tánh an cư lạc nghiệp. Nhưng trong các bề tôi hưởng bổng lộc triều đình lại có những kẻ sâu dân, mọt nước. Nếu không trừng trị làm sao thỏa dạ muôn dân? Tội nghiệt của hai tên cẩu quan Tô Trí, Tô Xuyên không liên quan gì đến Quốc trượng, mong khanh đừng quá bận tâm. Tang chứng và tấu chương của lê dân Sơn Đông đã được giao cho Ngự Sử Đài xem xét.

Tưởng Minh Luân bước ra:

- Khởi tấu Thánh thượng, hạ thần xin tấu trình để cửu trùng và bá quan được rõ. Tô Trí trong năm năm làm Tổng đốc Sơn Hải Quan đã xén bớt ngân quỷ quan ải, gom góp được một tài sản lên đến tám mươi vạn lượng bạc. Đó là tội thứ nhất. Tội thứ hai là hắn có thư từ qua lại với Sách Lạp Đồ, thủ lãnh đạo quân bạch kỳ của Mãn Châu. Hai tội đó, chiếu theo vương pháp Đại Minh, chém đầu e còn nhẹ.

Họ Tưởng dừng lại, trao chứng cứ cho Vương thừa tướng và bá quan xem rồi nói tiếp:

- Tô Xuyên trong sáu năm nhậm chức Tuần phủ Sơn Đông, ra sức vơ vét của dân, ỷ thế ức hiếp bá tánh, cướp đoạt ruộng vườn. Hàng tháng còn bắt hơn trăm hiệu buôn lớn nhỏ tỉnh Sơn Đông phải hối lộ. Tài sản của y tính tròn là một trăm hai mươi vạn lượng.

Quần thần ồ lên kinh ngạc còn Thái sư thì tái mặt, tay chân run rẩy chẳng nói nên lời. Tô nương nương rủa thầm hai đứa em họ tham lam, ngu xuẩn làm liên lụy đến nàng.

Thái sư dập đầu tấu rằng:

- Lão thần không biết dạy con cháu, làm ô nhục triều đình và tông môn họ Tô. Xin đê đầu nhận tội.

Minh Thành Tổ xua tay phán:

- Tội ai người nấy chịu, không liên quan gì đến Quốc trượng. Chẳng lẽ vì chúng là con cháu họ Tô mà ta phải khép tội luôn cả ái hậu hay sao?

Tô nương nương hài lòng, chắp tay cảm tạ:

- Thánh thượng anh minh, thần thiếp xin đội ơn. Kẻ nào tham lam phản nghịch xin người cứ thẳng tay trừng trị. Dù là người trong họ Tô, thần thiếp cũng chẳng dám nói nửa lời.

Bá quan đồng thanh khen ngợi. Vương thừa tướng sang sảng nói:

- Nương nương quả là bậc mẫu nghi thiên hạ, chí công vô tư khiến chúng thần vô cùng ngưỡng phục.

Tô thái sư chết điếng trong lòng. Nhưng vẫn cố nói thêm:

- Lão thần nghe nói Thánh thượng vừa thu dụng một hiền tài, phong cho chức Khâm sứ. Xin để chúng thần được diện kiến.

Minh đế hoan hỉ gật đầu phán:

- Đúng vậy! Trời đã ban cho trẫm một bậc kỳ tài. Họ Tiêu là giang hồ hiệp khách nên không tường nghi lễ triều đình, mong các khanh lượng thứ.

Ngài bèn truyền Dương công công vào ngự thư phòng đòi Hầu gia ra triều kiến.

Lát sau, một chàng công tử mặc áo bào trắng, búi tóc quấn chỉ vàng bước vào. Dung mạo chàng tuấn tú xinh đẹp chẳng khác gì Phan An, Tống Ngọc, phong thái uy nghi, đường chính. Bá quan đều thầm suýt xoa khen ngợi. Chàng quỳ trước bệ rồng tung hô:

- Thánh thượng cùng nương nương vạn tuế, hạ thần Tiêu Long Vân xin khấu kiến.

Tô Mỹ Nhân thấy chàng liền nghe lòng xao xuyến, không ngờ trên đời lại có một nam nhân khả ái đến thế. Hoàng hậu không phải là người hoa tâm, phóng đãng. Nhưng yêu cái đẹp là bản tính trời sanh, nàng có ngưỡng mộ họ Tiêu cũng là chuyện thường tình.

Minh đế đẹp dạ phán rằng:

- Trẫm miễn lễ, khanh hãy lên đây đứng cạnh ngai rồng để ta giới thiệu cùng bá quan.

Chàng tuân chỉ, bước lên. Quay mặt xuống vòng tay thi lễ với quần thần.

Hoàng thượng đứng dậy tuyên cáo:

- Tiêu ái khanh là Minh chủ võ lâm Trung Nguyên, cũng là người đã liều thân cứu giá. Với tài trí và công trạng to lớn ấy, hôm nay, trước mặt bá quan văn võ, trẫm tấn phong cho họ Tiêu tước Nhất Đẳng Hổ Uy Hầu, đặc trách Thượng phương khâm sứ, tay cầm ngọc bài có quyền tiền trảm hậu tấu. Vì không hưởng bổng lộc triều đình nên được miễn mặc quan phục khi vào chầu.

Quần thần thấy ngọc bài lấp lánh trên ngực chàng, biết rằng Minh đế đã sủng ái Tiêu hầu đến cùng cực. Họ đồng thanh tung hô:

- Thánh thượng anh minh, chúng thần xin chúc mừng.

Tước hầu chẳng phải là cao quý tột cùng nhưng ngọc bài kia thay mặt Hoàng thượng, cả Vương thừa tướng cũng chẳng dám xem thường. Tô thái sư thấy Hoàng thượng đã có chỗ sở cậy, vây cánh bị chặt gãy, mộng đế vương bỗng nguội lạnh như tro, lòng lo sợ chỉ mong giữ được thân già.

Minh đế cười bảo:

- Trẫm đã truyền chỉ cho ngự thiện chuẩn bị đại yến để chư khanh uống mừng Hổ Uy Hầu tại ngự hoa viên.

Bá quan thấy Thánh thượng trở nên anh minh, oai vũ, trấn áp được Thái sư, gánh nặng trong tâm nhẹ hẳn đi, phấn khởi phi thường.

Vân Long giữ lễ, đến chào hỏi các bạn đồng liêu. Trước tiên chàng bái kiến Vương thừa tướng. Họ Vương rất thân thiết với chàng nên không thể lầm lẫn được. Lão ú ớ định nói thì đã nghe bên tai có giọng thì thầm:

- Vương bá phụ đừng tiết lộ thân phận tiểu điệt. Tối nay Long nhi sẽ đến phủ cáo tường mọi việc.

Thừa tướng tuổi đã già, con cái đều phương trướng, làm quan nơi xa nên rất yêu quý Vân Long. Nay thấy chàng được nhà vua sủng ái, lão rất hài lòng. Có người chung sức lo toan việc triều đình, lão không còn cảm thấy cô thế nữa.

Vương lão ôm vai chàng cười ha hả:

- Hầu gia là bậc tuấn kiệt, nay chịu ra sức vì Thánh thượng, quả là hồng phúc cho Đại Minh ta.

Chàng tủm tỉm cười, bước sang thi lễ với Thái sư:

- Hạ quan mong Thái sư lượng xét, bỏ qua chuyện cũ. Thánh thượng đã giáng chỉ, hạ quan không dám nương tay.

Thấy chàng mượn lệnh vua thoái thác trách nhiệm trước hai cái chết của cháu mình, Thái sư không cách nào bắt bẻ được đành phải giả lả:

- Chúng ta đều là bọn nô tài, chẳng ai dám vi mệnh. Hầu gia đừng bận tâm.

Dương công công vào tâu rằng ngự yến đã dọn xong. Minh đế truyền bãi triều rồi cùng Hoàng hậu dẫn bá quan ra thắng Ngự Hoa Viên.

Tiêu hầu tuy là sủng thần nhưng lại rất mực khiêm cung, lễ độ nên ai cũng muốn thân cận.

Hoàng thượng bảo Tiêu hầu ngồi chung bàn với ngài và Hoàng hậu.

Nhưng chàng khẽ tấu:

- Hạ thần vừa mới tham chính, Thánh thượng quá sủng ái e có người sanh lòng ghen ghét. Xin để hạ thần ngồi chung với các quan cùng cấp.

Đức vạn tuế hài lòng ưng thuận chỉ có nương nương là không vui vì mất cơ hội chuyện trò với chàng công tử quyến rũ này.

Chàng đi lại hỏi Thừa tướng:

- Cung bẩm lão Thừa tướng, chẳng hay hạ quan nên ngồi ở đâu cho đúng lễ nghi?

Lão vuốt râu gật gù:

- Hầu gia quả là người hữu lễ, xin hãy đến ngồi chung bàn với Cửu môn Đề đốc Triệu Hổ.

Chàng cảm tạ rồi bước đến bàn họ Triệu. Lão mừng rỡ kéo chàng ngồi xuống ghế bên cạnh. Trong bàn còn có bốn vị hầu tước nữa. Họ hân hoan chào đón:

- Hầu gia hạ cố ngồi đây, bọn ta vô cùng hân hạnh.

Chàng cười đáp:

- Chính tiểu đệ mới là người được vinh dự.

Triệu Hổ là võ tướng, tính tình hào sảng, thô mãng nên không khách sáo. Lão vỗ vai chàng bảo:

- Xin đừng khách khí mất vui. Lát nữa chúng ta sẽ cùng nhau uống rượu xem ai đáng mặt trượng phu.

Cả bàn bật cười vui vẻ.

Minh Thành Tổ nâng chung phán rằng:

- Trẫm và chư khanh cùng cạn chung này để mừng cho triều đình có thêm một bề tôi lương đống là Hổ Uy Hầu.

Mọi người hoan hỉ phụng chỉ. Triệu Hổ uống xong lại rót đầy, mời Tiêu Hầu cạn liền mấy chung. Các quan lại ngồi bàn gần đó đứng dậy thay nhau mời. Những bàn xa hơn cũng kéo đến, trước là chúc mừng, sau là thử tửu lượng Hầu gia.

Rốt cuộc hơn trăm người chàng chẳng từ chối một ai.

Triệu Hổ thấy tửu lượng chàng, lão khiếp đảm le lưỡi:

- Xin bái phục Hầu gia. Ta chỉ uống liền ba mươi chung là đã bật ngửa ra rồi.

Giọng họ Triệu sang sảng nên mọi người đều nghe rõ. Thánh thượng cười khà khà phán:

- Hổ Uy Hầu võ công cao cường mà tửu lượng cũng thật phi thường.

Trong số bá quan dự yến hôm nay có quan Tổng binh Hạng Siêu, quê ở Chiết Giang, thuộc giòng dõi Sở Bá Vương Hạng Võ, thần lực kinh người. Hắn trấn giữ Tây Khương, nổi tiếng khắp miền Ba Thục, vẫn tự hào rằng không ai khỏe hơn. Nay thấy Tiêu Hầu là một thư sinh mặt trắng lại được Thánh thượng thương yêu, khen ngợi võ công. Hắn không nhịn được bèn vòng tay tâu rằng:

- Khởi tấu Thánh thượng, hạ thần Hạng Siêu xin được so tài với Tiêu hầu để mua vui cho bá quan.

Mọi người phấn khởi đợi chờ. Minh đế vuốt râu bảo:

- Điều này tùy hứng của Hổ Uy Hầu, ta không dám ép.

Vân Long ứng tiếng thưa:

- Khởi tấu Thánh thượng, hạ thần học võ nghệ cốt để trừ bạo an dân, bảo vệ giang san chứ không phải để mua vui, xin Thánh thượng lượng thứ.

Hạng Siêu đỏ mặt tía tai, về chỗ hậm hực nói:

- Hầu gia không có hứng thú thì thôi!

Bỗng Tô nương nương cất giọng oanh vàng:

- Nhưng nếu ta muốn thưởng lãm tài nghệ của Hầu gia, thì chẳng hay khanh có chìu ý ta không?

Chàng đứng dậy vòng tay đáp:

- Nương nương đã dạy, hạ thần xin tuân chỉ.

Chàng nhìn Ngự Hoa Viên thấy gần đó có một hòn giả sơn bằng đá, nặng ước chừng hai ngàn cân. Chàng lại gần, vận công đưa tay lắc thử rồi xuống tấn quát lên một tiếng, nhấc bổng tảng đá chậm rãi đi đến trước mặt mọi người thả xuống. Mặt đất chấn động, rung rinh cả chén dĩa trên bàn. Tiếng hoan hô vang lên như sấm. Tô Mỹ Nhân vỗ tay không dứt, trong lòng càng thêm ngưỡng mộ. Dù nàng hoàn toàn không có tư tình với Tiêu Hầu nhưng cảm giác mến mộ tự nhiên lại nảy sinh, không gì cản nổi.

Hoàng hậu ghét họ Hạng là kẻ võ biền, thô lỗ lại tự cao tự đại nên cười bảo:

- Hạng tổng binh, bây giờ đến lượt khanh trổ thần lực, đem hòn giả sơn về chỗ cũ ọi người được biết tài.

Hạng Siêu nãy giờ khiếp đảm trước sức mạnh của Hổ Uy Hầu, cúi đầu chẳng dám ho he. Ngờ đâu lại bị Mỹ Nhân nhắc đến. Hắn đành cắn răng đáp:

- Thần xin tuân chỉ!

Họ Hạng đến bên tảng đá, vận toàn lực lay chuyển nhưng chỉ như châu chấu đá xe. Cơ bắp căng phồng làm rách cả lưng áo võ quan. Hắn thở dài, sụp xuống tạ lỗi:

- Hạ thần bất tài không thể phụng chỉ được. Mong nương nương lượng thứ.

Hạng Siêu lồm cồm đứng dậy, lảo đảo đi về bàn. Minh đế sợ sủng thần mệt mỏi nên phán:

- Tiêu khanh chẳng cần phải đem trở lại chỗ cũ. Ngày mai bọn thị vệ sẽ làm việc này.

Tô nương nương càng ngưỡng mộ lại càng muốn chàng trổ tài thêm nên không để họ Tiêu về chỗ. Nàng bảo:

- Tiêu Hầu! Ta nghe nói những cao thủ như khanh có thể tay không khắc chữ lên mặt đá. Chẳng hay khanh có thể nể mặt ta mà viết chữ lên tảng đá kia chăng?

Minh Thành Tổ cũng có vẻ hiếu kỳ:

- Đúng vậy, ta cũng được nghe mà chưa tận mắt chứng kiến. Tiêu khanh hãy vì trẫm và nương nương mà biểu diễn thử xem sao.

Quần thần cũng đồng thanh hối thúc. Vân Long không từ chối được bèn vận thần công vào ngón trỏ lướt nhanh trên mặt đá. Bụi bay mù mịt.

Viết xong, chàng hướng về phía Hoàng thượng thi lễ rồi trở về bàn.

Lúc này mọi người mới thấy rõ trên tảng đá có hai câu thơ:

Minh Triều vạn tuế an thiên hạ,

Thượng Uyển Thiên Hoa ức Mỹ nhân.

Minh đế cùng hoàng hậu đến tận nơi xem xét, thấy nét chữ như phượng múa rồng bay, lõm đều vào đá độ nửa tấc. Tô Mỹ nhân thấy trong câu thơ có tên mình lòng vô cùng hoan hỉ, thầm đọc lại nhiều lần.

Bá quan cũng quây quần thưởng lãm, tấm tắc khen ngợi hết lời. Chỉ riêng Thái sư càng thêm não ruột trước bản lãnh kinh thế hãi tục của đối phương.

Hoàng thượng ngâm nga rồi bình phẩm:

- Hổ Uy Hầu văn võ song toàn, hai câu thơ này thật tuyệt diệu. Từ ý chúc tụng Đại Minh quốc thái dân an ở câu trên, mà có thể chuyển sang tôn vinh nhan sắc của Hoàng hậu một cách thần tình như vậy, trẫm thật lòng khâm phục.

Tô nương nương cũng là người thích làm thơ nhưng vẫn chưa tìm được bút hiệu ưng ý. Nay thấy câu thơ thứ hai thi tứ tuyệt vời liền nảy ra một ý.

Nàng cười duyên dáng hỏi Tiêu Hầu:

- Chẳng hay Tiêu khanh có thể tặng ta một danh hiệu như người võ lâm vẫn thường làm chăng?

Chàng kính cẩn thưa:

- Khởi tấu! Bốn chữ Thiên Hoa Mỹ Nhân chính là để dâng tặng nương nương.

Tô hoàng hậu hân hoan bảo:

- Cảm tạ khanh, ta rất vui lòng nhận danh hiệu ấy.

Nàng quay sang nói với Minh đế:

- Thánh thượng! Thần thiếp xin người ân thưởng cho Tiêu hầu.

Minh Thành Tổ suy nghĩ một lúc rồi bật cười ha hả:

- Trẫm quả là vô ý, quên không hỏi Tiêu khanh hiện đang cư ngụ ở đâu?

- Khởi tâu Thánh thượng! Hạ thần lang bạt giang hồ nên thường trú chân nơi khách điếm chứ chẳng hề có nhà riêng.

Quần thần ồ lên kinh ngạc. Hoàng thượng gật gù tuyên chỉ:

- Hôm nay Tân Thượng thư ở bộ công cáo bệnh không dự chầu. Vậy Vương thừa tướng ngày mai bảo họ Tân bắt tay xây phủ đệ cho Hổ Uy Hầu, địa điểm ngay trước Cấm thành.

Vân Long giật mình đứng dậy thưa:

- Khởi tấu Thánh thượng! Hạ thần là Minh chủ võ lâm, đồng đạo giang hồ lui tới rất đông.... Nếu ở gần cấm cung e bất tiện. Mong Thánh thượng cho hạ thần được chọn một mảnh đất ngoại thành.

Minh đế chuẩn tấu. Ngài đêm qua phí sức nên giờ đây gân cốt mỏi nhừ, liền cùng Hoàng hậu hồi cung.

Bá quan thấy vậy cũng cáo từ.

*** * *

Vân Long rời cung, ghé qua Phân đà Cái bang để nghe tin tức Lương Sơn. Nhưng Tất Lôi báo rằng họa đồ vùng thủy bạc vẫn chưa vẽ xong.

Chàng trở lại Đào gia trang, thuật lại mọi chuyện cho song thân và tứ vị phu nhân nghe.

Thiên Hương nũng nịu hỏi:

- Tướng công! Hoàng hậu nương chắc là rất xinh đẹp nên chàng mới dùng bốn chữ Thiên Hoa Mỹ Nhân để khen tặng?

Chàng điềm nhiên công nhận:

- Tô Mỹ Nhân so với các nàng quả là không hề thua kém.

Bốn nàng thấy chàng đem họ ra so sánh với Hoàng hậu không giấu được vẻ hài lòng.

Xích Long Quái Y từ trong bước ra bảo:

- Long nhi! Bao giờ ngươi mới chịu đem Hà Thủ Ô ngàn năm về cho ta luyện thuốc?

Ngọc Yến đỡ lời:

- Ngoại tổ yên tâm, đêm nay Yến nhi sẽ đi cùng tướng công để lấy cho được kỳ trân.

Chàng uống cạn chung trà rồi bảo với Tài thần:

- Tối nay Long nhi có hẹn với Vương bá phụ, nhân dịp hỏi xem Thái sư cất kỳ dược ở đâu.

Phi Vân cả cười:

- Họ Tô vừa mới nạp thêm một tiểu thiếp trẻ đẹp. Nếu bị người ta trộm mất thần dược e rằng lão phải đấm ngực kêu trời.

Cơm nước xong, chàng và Ngọc Yến tìm đến phủ Thừa tướng. Chàng bảo tên quân gác cổng:

- Ngươi vào bẩm với Thừa tướng rằng có Hổ Uy Hầu xin bái kiến.

Hắn vội vàng mở rộng cửa mời vào:

- Kính thỉnh Hầu gia nhập phủ. Thừa tướng đã có dặn tiểu nhân.

Hai người đi thẳng vào khách sảnh. Họ Vương có vẻ đang nóng ruột đợi chờ. Thấy chàng, lão giang tay ôm chặt vào lòng.

Ngọc Yến quỳ xuống lạy:

- Điệt tức là Miêu Ngọc Yến xin ra mắt bá phụ.

Vương thừa tướng buông Vân Long, đưa tay đỡ nàng dậy ngắm nghía rồi khen ngợi:

- Long nhi quả có mắt tinh đời, thủ đoạn lại cao cường nên mới quyến rũ được một tiểu cô nương xinh đẹp thế này.

Lão mời hai người an tọa rồi hỏi:

- Long nhi! Sao ngươi lại thay tên đổi họ, sau này không sợ mắc tội khi quân hay sao? Ẩn tình thế nào nói ngay cho bá phụ được rõ tường.

Chàng cười trấn an lão:

- Bá phụ đừng lo, Long nhi là người võ lâm, chuyện mang tên giả để che mắt kẻ thù cũng dễ dàng được lượng thứ. Sau này, tiểu điệt sẽ tâu thực với Hoàng thượng nhưng vẫn xin người giữ kín cho. Tiểu điệt đứng ra chống lại quần ma, không thể để liên lụy đến song thân. Hơn nữa, bá phụ đã biết chí hướng của họ Phạm không thích ràng buộc bởi công danh. Nếu cải danh để phục vụ triều đình cũng là một điều hợp lý.

Chàng lại kể rõ âm mưu phản nghịch của Thái sư cho Thừa tướng nghe.

Và cả kế sách đối phó của Hoàng thượng.

Họ Vương tán đồng:

- Tô lão đã già mà còn hồ đồ, nay bị chặt hết hai nanh vuốt thân tín, chắc bắt đầu hoảng sợ. Thánh thượng được ngươi phò tá lo gì không thu hồi được binh quyền. Long nhi cứ phóng tay hành động, ta cùng bá quan sẽ hậu thuẫn cho.

Chàng nói lời cảm tạ rồi hỏi:

- Bá phụ có biết Tô thái sư cất nhánh Thiên Niên Hà Thủ Ô ở đâu chăng? Tiểu điệt mắc phải quái tật, cần có dược vị này mới chữa trị được.

Thừa tướng suy nghĩ rồi đáp:

- Sau khi được Thánh thượng ban tặng, khi ta đến thăm lão có lấy ra khoe. Kỳ trân đựng trong một hộp gỗ màu đen có khóa màu vàng, trên nắp là một chữ thọ khảm xà cừ. Vật này chắc lão phải để trong ngục thất để tiện sử dụng.

Chàng và Ngọc Yến cáo biệt rồi băng mình vào đêm tối, tiến đến phủ Thái sư. Chàng định dùng kế giá họa Giang Đông để xóa dấu vết và gây mối hiềm khích giữa họ Tô với Thiên Ma giáo nên đã viết sẵn một phong thư.

Hai người mau chóng thâm nhập vào hậu sảnh, nơi có khuê phòng của phu nhân và các tì thiếp. Quả nhiên Tô lão ở trong phòng người tiểu thiếp trẻ đẹp nhất. Lão đang dùng dao sắc cắt lấy một miếng mỏng từ nhánh Hà Thủ Ô, ngâm trong nước nóng. Phần còn lại, lão bỏ vào hộp, đem cất ngay dưới nệm giường.

Lúc nãy đi ngang chuồng ngựa, thấy tên mã phu đang nằm ngủ, hơi thở tỏa mùi rượu nồng nặc. Chàng chợt nảy ra ý định chơi khăm họ Tô, liền dùng Vô Tướng Truyền Âm bàn với ái thê.

Nàng tiểu thiếp đợi lâu nóng ruột liền rời giường đến bên Thái sư õng ẹo:

- Lão gia! Sao người làm gì mà lâu lắc vậy? Tiện thiếp đã buồn ngủ lắm rồi.

Vân Long thấy cơ hội thuận tiện, búng liền hai đạo chỉ phong điểm vào Thụy huyệt hai người. Chàng và Ngọc Yến tung người qua cửa sổ, đỡ lấy thân xác họ.

Ngọc Yến bồng nàng tiểu thiếp đặt lên giường, còn chàng vác Thái sư đem xuống chuồng ngựa, để nằm xuống đống rơm. Chàng lại đem tên mã phu lên phòng, đặt nằm cạnh nàng tiểu thiếp, tắt đèn, véo mạnh vào đùi gã một cái rồi cùng nương tử phi thân ra núp bên ngoài.

Quả nhiên, gã bị đau liền tỉnh ngủ, đưa tay sờ soạng, đụng phải một thân hình mềm mại, thơm tho. Gã còn say nên tưởng mình nằm mơ gặp được hồ ly tinh, mừng rỡ lột chiếc áo ngủ mỏng manh của người đẹp và tự cởi y phục. Xem đến đây, Ngọc Yến xấu hổ, véo vào lưng trượng phu, hối thúc chàng ra về.

Nhánh Thiên niên Hà thủ Ô đã nằm trong tay và phong thư ký tên Thiên Ma Yêu Lão nằm ngay ngắn trong hộp đựng kỳ trân.

Trên đường về, hai người thích thú cười hoài.

Sáng hôm sau, Vân Long vào triều thật sớm để xem gương mặt thiểu não của Thái sư. Quần thần ngạc nhiên khi thấy họ Tô hôm nay đến trễ.

Hoàng thượng đã lâm triều mà lão vẫn bặt tăm. Minh Thành Tổ hỏi bá quan:

- Chư khanh có biết vì sao Quốc trượng không dự buổi chầu?

Nhưng chưa kịp tấu trình thì Tô lão lật đật bước vào. Khuôn mặt lão vô cùng thảm hại, đầy những vết do muỗi cắn.

Thái sư quỳ ngay xuống tâu rằng:

- Xin Thánh thượng xá tội trễ nải. Đêm qua, đạo tặc đã đột nhập vào phủ đệ, trộm mất bảo vật Thiên Niên Hà Thủ Ô mà Thánh thượng đã khâm ban. Lại còn đem lão thần bỏ xuống chuồng ngựa uỗi cắn suốt đêm.

Hoàng thượng và bá quan giật mình. Đức vạn tuế phán:

- Lạ thật, phủ Thái sư được cả ngàn cấm quân canh giữ, lại nằm không xa Cấm thành, sao tên đạo tặc này lại cả gan như vậy?

Vương thừa tướng biết ngay kiệt tác của Vân Long, giả đò thông cảm với họ Tô:

- Tên trộm này quái ác thật, nỡ đem Thái sư làm mồi cho lũ muỗi đói hành hạ. Nhưng chẳng hay quý phủ còn mất thêm vàng bạc, châu báu gì nữa không?

Họ Tô vái tạ Thánh hoàng rồi đứng dậy phân bua với bá quan:

- Chẳng thà hắn lấy của cải, lão phu còn đỡ giận. Đằng này lại chỉ lấy đúng bảo vật vua ban.

Quần thần thấy Tô lão rơi vào thảm cảnh đều rất thỏa dạ nhưng không dám để lộ, chỉ ra vẻ ân cần chia sẻ.

Minh đế không thương xót gì Thái sư nhưng cũng phải giải quyết việc này. Ngài gọi cửu môn đề đốc:

- Triệu Hổ! Khanh chịu trách nhiệm bảo vệ Đế đô sao lại để cho đạo tặc lộng hành ngay trước ngõ cấm cung?

Họ Triệu cả kinh quỳ xuống, biện bạch:

- Khởi tâu Thánh thượng, đêm qua hạ thần chỉ huy đội phòng vệ trong phạm vi Cấm thành, bên ngoài giao cho Phó đề đốc Trịnh Khải. Lệ từ xưa đến giờ vẫn thay phiên như vậy.

Trịnh Khải thất sắc bước ra dập đầu:

- Hạ thần xin chịu tội.

Minh Thành Tổ biết họ Trịnh là cháu vợ Thái sư nên nhân dịp này triệt hạ luôn. Ngài giả đò nhân từ dịu giọng phán:

- Thành Bắc Kinh rộng lớn, làm sao tránh khỏi sơ suất. Nhưng nếu không bắt được đạo tặc e mất mặt triều đình. Vậy khanh hãy tạm rời chức Cửu môn Phó đề đốc, thống lãnh năm ngàn thị vệ phối hợp với lực lượng bộ đầu, trong một tháng phải tra xét cho ta. Nếu bắt được hung thủ, trẫm sẽ cho phục chức. Bằng không, bộ lại sẽ thu xếp bổ nhiệm chức vụ khác.

Vương thừa tướng thừa gió bẻ măng, tung hô:

- Thánh thượng anh minh, nhân từ!

Bá quan đồng hô theo. Tô thái sư tê tái cõi lòng, không ngờ đã mất kỳ trân lại mất thêm cả binh quyền.

Tô nương nương đâu biết nỗi khổ tâm của phụ thân. Nàng hoan hỉ vì quân vương đã tỏ ra rộng lượng với biểu đệ của mình. Cộng với những đêm ái ân mặn nồng vừa qua, nàng thầm nhủ ngài là một vị vua rất tốt.

Tô Mỹ Nhân thỏ thẻ nói:

- Thánh thượng nhân từ đại lượng khiến thiếp thần càng thêm hổ thẹn.

Thái sư liếc nhanh, thấy đại kình địch của mình là Hổ Uy Hầu liền vòng tay tấu rằng:

- Khởi tấu Thánh thượng! Tên đạo tặc này có thể qua mặt được hàng ngàn thị vệ, ắt phải là một cao thủ võ lâm, khinh công xuất chúng. Vì vậy, xin Thánh thượng lệnh cho Hổ Uy Hầu ra tay tra xét trong giang hồ. Hầu gia là Minh chủ võ lâm chắc cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ này.

Đức kim thượng mỉm cười phán:

- Quốc trượng nói như vậy e không đúng lắm. Như trẫm là thiên tử, thống trị bá quan và muôn dân. Chẳng lẽ ta lại phải chịu trách nhiệm cho những tên loạn thần, tặc tử hoặc cường đạo trong cả nước hay sao? Vì vậy, nếu Tiêu Hầu có hứng thú thì giúp ột tay chứ trẫm không dám ép.

Tô Mỹ Nhân vốn có cảm tình với Tiêu hầu nên cũng tán thêm vào:

- Thánh thượng nói chẳng sai. Bao nhiêu thị vệ, bộ đầu của Bắc Kinh chẳng lẽ đều là lũ bất tài hay sao mà phải phiền đến Hầu gia?

Thái sư không ngờ chính con gái mình lại bác lời mình, nghẹn ngào đứng lặng người.

Vân Long hôm nay mặc áo trường bào bằng gấm Tô Châu màu thanh thiên. Một sợi dây vàng óng ánh quấn quanh búi tóc càng làm tôn vẻ anh tuấn và cao quý. Chàng mỉm cười bước ra vòng tay nói với họ Tô:

- Chúng ta là bạn đồng liêu, lẽ nào thấy Thái sư gặp nạn mà không giúp đỡ. Hạ quan mong ngài kể rõ sự việc mới có thể tìm ra manh mối. Bây giờ hạ quan đặt câu hỏi và Thái sư trả lời từng điểm một.

Tô lão hồi hộp không biết họ Tiêu sẽ hỏi gì. Chàng bắt đầu:

- Thứ nhất, hạ quan xin hỏi Thái sư cất kỳ trân ở đâu và lúc đó có ai chứng kiến?

Thái sư đỏ mặt đáp:

- Đêm qua, lão phu đem vào phòng ngũ nương, cắt một miếng uống rồi giấu cả hộp dưới nệm giường. Chỉ có ta và nàng ấy biết. Bỗng nhiên ta thấy buồn ngủ, liền gục xuống, đến sáng mở mắt ra mới biết mình đang nằm trong chuồng ngựa.

Chàng gật gù rồi lặng im suy nghĩ thật lâu. Đợi lão nóng ruột chàng mới hỏi với giọng châm biếm, mỉa mai:

- Té ra đêm qua ngài ngủ với một tên mã phu hôi hám?

Không chịu nổi nụ cười chế giễu trên môi chàng, lão giận giữ đáp:

- Không, ta chỉ nằm một mình.

Biết lão đã mắc bẫy, chàng tấn công thêm:

- Vậy chẳng hay đêm qua tên mã phu kia ngủ ở đâu? Có thể chính y là hung thủ, chỉ cần điều tra gã là rõ chuyện.

Thái sư bực mình trước sự võ đoán hồ đồ của chàng liền bảo:

- Tiêu hầu sai rồi, y say rượu ngủ vùi trong phòng.

- Phòng nào và ai làm chứng?

Nghe giọng chàng lạnh lùng như hỏi cung, lão điên tiết khai ra cho chàng bẻ mặt:

- Phòng tiểu thiếp của lão phu chứ phòng nào. Sáng ra, ta chạy vào thấy gã còn nằm ngủ trên giường, lục soát trên người chẳng thấy gì cả. Ta đã cho giam lại rồi.

Vân Long quay sang Triệu Hổ vòng tay nói:

- Phiền Triệu đề đốc đến phủ Thái sư đem gã mã phu ấy về đây.

Họ Triệu đang cố nén cười, chỉ sợ mình không nhịn được nên lặng lẽ gật đầu bước nhanh.

Tô lão liếc nhanh thấy Hoàng thượng và nương nương đang tủm tỉm cười. Bá quan ai cũng quay đầu sang hướng khác, biết ngay họ đang tưởng tượng tên mã phu nằm chung cả đêm với nàng tiểu thiếp nõn nà của lão. Họ Tô hiểu rằng mình đã se dây tự trói, làm trò cười ọi người. Lòng căm giận Thiên Ma Yêu Lão không để đâu cho hết được.

Chừng tàn một nén nhang, Triệu Hổ giải tên mã phu vào. Hắn thấy long nhan liền thất kinh hồn vía phục xuống lạy, luôn miệng kêu oan:

- Thánh thượng vạn tuế, xin người lấy đèn trời soi xét. Tiện dân chỉ là một tên giữ ngựa hèn mọn nhưng thật thà, trung hậu. Chẳng may đêm qua bị hồ ly đại tiên đùa giỡn, mang bỏ vào giường tiểu thiếp của Thái sư lão gia. Vì say rượu, cứ tưởng ngũ nương là hồ ly nên mạo phạm đến, chứ thật lòng tiện dân không hề có tà tâm.

Thái sư không ngờ hắn khiếp sợ long oai nên không dám giấu sự thực dù sáng nay gã đã thề thốt rằng mình không hề chạm đến mỹ nhân, và ngũ nương vì sợ Thái sư nên cũng chối phăng chuyện ân ái với tên mã phu.

Thái sư hổ thẹn không nói nên lời, uất khí công tâm, ngã vật xuống mê man. Tô Mỹ Nhân thất sắc gọi lớn:

- Phụ thân! Người làm sao vậy?

Hoàng thượng định gọi Thái y, nhưng Tiêu hầu đã bước đến, điểm nhanh lên người lão rồi xoa bóp một hồi. Quả nhiên họ Tô hồi tỉnh, lão gạt chàng ra, phục xuống nghẹn ngào tấu:

- Khởi tấu Thánh thượng, lão thần năm nay tuổi đã cao, lại gặp cảnh ngộ éo le này, không còn mặt mũi nào mà nhìn mặt long nhan và bá quan. Lão thần xin Thánh thượng cho được cáo từ quan.

Minh đế không ngờ sự việc lại thuận lợi đến thế nên giả bộ bùi ngùi bảo:

- Lòng trẫm cũng không muốn rời xa khanh, nhưng chuyện đã đến nước này, trẫm chẳng dám lưu giữ nữa, đành phải chuẩn y cho lão khanh thôi.

Họ Tô vái tạ, đứng dậy lột mão Thái sư và quan phục, trao cho thượng thư bộ lại là Khuất Châu. Lão lặng lẽ cáo biệt Minh Thành Tổ và quần thần rồi lui ra, lên kiệu hồi phủ.

Tô Mỹ Nhân cảm thương lão phụ, dịu dàng phán:

- Tiêu hầu! Ngươi có thể vì ta mà ra sức tìm lại Thiên Niên Hà Thủ Ô chăng? Quốc trượng đã già yếu, không có kỳ trân e chẳng thọ được bao lâu.

Vân Long tính toán rồi vòng tay đáp:

- Hạ thần xin tận lực, nhưng phải chờ một tháng sau, khi Trình phó đề đốc đã hết hạn vua ban, thần mới dám ra tay để khỏi mang tiếng tranh công.

Tô nương nương đẹp dạ:

- Ta xin cảm ơn khanh trước.

Hoàng thượng ra lệnh tha cho tên mã phu rồi truyền bãi chầu. Bá quan ra khỏi cung Thái Hòa bắt đầu cười vang, bàn tán về chuyện Tô thái sư bị tên mã phu cắm sừng.

Tối đến, Vân Long lại vào cung gặp Hoàng thượng. Lần này chàng đi thẳng vào cổng chính cấm cung. Bọn thị vệ biết Tiêu hầu là sủng thần cũng Thánh thượng, ngực đeo ngọc bài có thể tùy tiện ra vào nên kính cẩn nghiêng mình chào đón.

Chàng biết bọn chúng ngày đêm canh gác cửa cung, lương bỗng chẳng có bao nhiêu mà chỉ sơ xuất một chút là mất đầu. Vì vậy, chàng tươi cười hỏi:

- Có bao nhiêu anh em thị vệ canh giữ cổng này?

Tên đội trưởng vội đáp:

- Toán của tiểu nhân gồm năm mươi người.

Chàng rút ra tờ ngân phiếu hai trăm lượng, đưa cho gã rồi bảo:

- Các ngươi khổ cực vì Thánh thượng, cầm lấy số bạc này chia nhau.

Trước giờ, chưa có vị đại thần nào rộng rãi như vậy, họ coi bọn thị vệ chẳng ra gì. Chỉ khi nào phụng lệnh vua theo Dương công công đến triệu kiến, mới được vài chung trà.

Tên đội trưởng cầm lấy, cảm tạ rối rít:

- Tiểu nhân tên gọi Trương Nhất, sau này Hầu gia có gì sai bảo xin cứ gọi.

Vào đến cửa thư phòng, Dương thái giám cúi mình thi lễ:

- Thánh thượng đang phê duyệt tấu chương, thỉnh Hầu gia vào.

Minh Thành Tổ đang cau mày đọc tấu biểu, thấy mặt chàng, long nhan hớn hở bảo:

- Ta cho phép khanh từ nay nếu không có ai chỉ cần vái là đủ. Hãy mau lại đây giúp trẫm giải quyết vấn đề rắc rối này.

Chàng vái tạ rồi bước đến bên án thư.

Hoàng thượng chỉ xấp tấu chương rồi thở dài nói:

- Tuần phủ Quảng Tây là Hạ Hầu Tâm, trước đây có về kinh dâng kế hoạch đào một con kinh dài bốn trăm dặm xuyên qua đất Qúy Châu, nối liền Trường Giang và Tây Giang. Việc này có hai điều lợi, một là chia bớt lưu lượng nước của Trường Giang để tránh lụt lội dưới hạ lưu. Hai là dẫn nước tưới tiêu cho vùng Qúy Châu và một phần Quảng Tây. Trẫm đã chuẩn tấu, cấp ngân sách đào kinh. Nhưng mới đây, Hạ Hầu Tâm gửi sớ báo rằng kế hoạch này sẽ không triển khai được vì dân Miêu không tán thành. Miêu Cương là hiểm địa, đầy dẫy sơn lam, chướng khí, chỉ có người Miêu mới quen chịu đựng. Nếu họ chẳng chịu tham gia thì công trình ích nước lợi dân này đành phải bỏ. Khanh là người tài trí, có cao kiến gì hãy nói thử xem?

Chàng suy nghĩ rồi hỏi lại:

- Muôn tâu, chẳng hay tổng kinh phí của công trình này là bao nhiêu?

Hoàng thượng xem lại văn bản tháng trước rồi đáp:

- Bộ công đã tính toán minh bạch là sáu mươi vạn lượng vàng.

Chàng nhẩm tính xong, liền tâu rằng:

- Muôn tâu, hạ thần xin hỏi Hạ Hầu Tâm có quan hệ gì với Thượng thư bộ công chăng?

Minh đế ngạc nhiên:

- Sao khanh biết? Hạ Hầu Tâm chính là cháu gọi Tần thượng thư bằng cậu ruột.

Vân Long nghiêm mặt thưa:

- Theo thiển ý của hạ thần, chỉ cần năm mươi vạn là đủ. Xin Thánh thượng giáng chỉ, sai Khâm sứ đem đồ án công trình và sáu mươi vạn lượng vàng xuống Miêu Cương giao thẳng cho Miêu chúa. Nói rõ ràng mười vạn là do Thánh thượng ân tứ ban cho Miêu tộc, còn năm chục vạn là kinh phí công trình. Miêu chúa đương nhiệm là một người tài cao học rộng, lại được dân Miêu tôn sùng nên dễ hoàn thành đúng hạn. Bộ công sẽ cử người giám sát.

Hoàng thượng tỏ vẻ băn khoăn:

- Nhưng lũ họ nhận vàng mà không làm được thì sao? Triều đình từ lâu vẫn né tránh đụng chạm với Miêu tộc.

Chàng thản nhiên cười bảo:

- Thánh thượng yên tâm, Miêu chúa không để con rể mình chịu chết chém đâu. Thần sẽ viết một phong thư cho nhạc phụ đại nhân.

Minh đế kinh ngạc nhưng vô cùng hoan hỉ:

- Thì ra khanh là Phò mã đất Miêu Cương đấy ư? Vậy thì trẫm còn gì phải lo nữa.

Sau này Minh Thành Tổ mới biết Tiêu hầu tính toán chẳng sai. Dân Miêu được Độc Thánh phân tích lợi hại, tích cực tham gia đào kinh, chỉ trong tám tháng đã hoàn thành, sớm hơn thời hạn ấn định bốn tháng.

Tổng chi phí là bốn mươi tám vạn lượng, dù Miêu chúa đã trả công ỗi người rất cao. Hoàng thượng liền cách chức Tuần phủ Quảng Tây và khiển trách, giáng bổng lộc của Công bộ Thượng thư. Nhưng bá quan đều không biết ý kiến này là do Tiêu hầu đề xuất, chỉ hết lòng tán tụng Thánh thượng anh minh.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-29)


<