Vay nóng Tinvay

Truyện:Hắc bạch hương hồ ký - Hồi 16

Hắc bạch hương hồ ký
Trọn bộ 19 hồi
Hồi 16: Nhạc Dương Hảo Hán Tru Gian Tế-Sa Địa Quần Hùng Tảo Ác Ma
5.00
(3 lượt)


Hồi (1-19)

Siêu sale Shopee

Họ đi cả rồi, bình đài đỉnh núi trở nên cực kỳ tĩnh lặng, dưới ánh chiều tà mùa thu vàng võ!

Tư Đồ Sảng vô cùng bối rối trước quyết định bất ngờ của Hội đồng võ lâm. Chàng ngượng ngùng bước lên bình đài để nhận cờ cùng Kiếm ấn Minh chủ và nghiêm trang lập thệ!

Mộc Chân Nhân, Chưởng môn phái Hoa Sơn cao hứng nói:

- Hoàng hôn trên rặng Tung Sơn thật là diễm lệ phi thường. Hay là chúng ta bày tiệc trà ngay chốn này để vừa thưởng lãm vừa trò chuyện!

Vị địa chủ đất này là Giám Tuệ thiền sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm, vui vẻ chiều lòng khách, bảo đệ tử nấu trà!

Tính cả Tề Thanh Tuyệt, Thiện Tề đại sư, Mạc Chiêu Hương, Trại Tôn Tử và Huyết Báo Liễu Mộ Hào thì có tổng cộng mười ba người, ngồi quanh chiếc bàn Giám khảo, trên lôi đài!

Hí Nhân Cư Sĩ, tức Tây Môn Giới, nóng nẩy hỏi ngay:

- Này Tề lão đệ! Ông không tham chức Minh chủ thì tại sao lại khổ công ngăn cản Thiên Thư Tú Sĩ đăng quang?

Tề Thanh Tuyệt nghiêm nghị đáp:

- Cái cách giết người ngã ngựa của Lăng Quân Vĩnh đã chứng tỏ một tâm địa bất nhân, độc ác! Kẻ có nhân phẩm như thế không xứng làm Minh chủ Võ lâm!

Cổ Quí Sinh cười nhạt:

- Nếu Tôn giá đã nghĩ thế thì sao không giết quách họ Lăng đi để trừ họa? Sang năm lão ta lại thượng đài, giết thêm ai đó rồi trở thành Minh chủ thì tôn giá sẽ làm gì?

Tề Thanh Tuyệt khẳng khái đáp:

- Nếu họ Lăng đúng là đáng chết thì sang năm lão phu sẽ thí mạng mà giết lão ta, Cư Sĩ cứ yên tâm!

Câu nói đầy chính khí này đã khiến Cổ Quí Sinh và những người khác phải sinh lòng ngưỡng mộ!

Hạo Dương Chân Quân đặt chén trà xuống, thủng thẳng nói:

- Hàng trăm năm nay, Thánh Hỏa Giáo không hề nổi tiếng về kiếm thuật, cớ sao Tề thí chủ lại giỏi nghề đánh kiếm như thế? Dám hỏi lệnh sư là vị trưởng lão nào trong quí Giáo vậy?

Tề Thanh Tuyệt lạnh lùng đáp:

- Lão phu chỉ là con của một gia đình giáo chúng, không có quan hệ với các cao thủ Thánh Hỏa Giáo! Còn sở học của lão phu là do một bậc Dị nhân ở núi Cửu Hoa Sơn truyền thụ cho!

Và lão hỏi ngược lại:

- Chẳng hay chư vị phong cho lão phu cương vị quyền Minh chủ nhằm mục đích gì?

Trại Tôn Tử Hồ Sĩ Tuệ lên tiếng:

- Hiện nay, hai nhà Khuất, Giả ở thành Trường Sa bị Kỳ Lân Bang dùng độc dược uy hiếp, cướp sạch gia sản. Lão phu là thân thích của một trong hai gia đình nạn nhân nên tha thiết mong mỏi tôn giá dùng quyền Minh chủ mà bắt Kỳ Lân Bang phải gíải trừ cấm chế và trả lại tự do cùng tài sản cho hai họ ấy!

Tề Thanh Tuyệt cau mày:

- Sao lão phu nghe nói Bang chủ Kỳ Lân Bang là nam tử của Giả Tài Thần?

Trại Tôn Tử lắc đầu:

- Giả Bạch Hổ chỉ là cháu ruột được Giả Tài Thần nhận làm con nuôi, Bạch Hồ biết Đại Tiểu thư Giả Đan Quỳnh sẽ thừa kế tất cá nên đã âm mưu với cố Bang chủ Kỳ Lân Bang Tần Cốc Lý để chiếm đoạt gia sản nhà họ Giả. Họ còn uy hiếp cả Khuất gia trang và bức hôn điệt nữ của lão phu là Khuất Thúy Lan!

Nói đến đây Hồ lão đau lòng sa lệ, không sao trình bày tiếp được nữa!

Tề Thanh Tuyệt đăm chiêu suy nghĩ, mấy ngón tay của bàn tay hữu vô tình lần lượt gõ xuống mặt bàn! Mạc Chiêu Hương và Huyết Báo rúng động, nhìn nhau vì cùng nhận ra thói quen của Tư Đồ Sảng!

Lát sau, Tề Thanh Tuyệt đưa ra chủ ý:

- Kỳ Lân Bang thế lực hùng mạnh, lại không tham dự Đại hội nên sẽ không công nhận quyền Minh chủ của lão phu và chống cự lại. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta phải đưa được cả nhà họ Khuất họ Giả ra ngoài để dâng sớ kiện Giả Bạch Hổ! Sau đó, chúng ta sẽ phối hợp với quân binh Trường Sa để tiêu diệt Kỳ Lân Bang, giải thoát cho những người còn lại!

Trại Tôn Tử hoan hỉ đứng lên vái dài:

- Không ngờ Tề Minh chủ lại nghĩ ra việc huy động quân Triều đình khiến vấn đề này trở nên dễ dàng như lật bàn tay! Lão phu đề nghị sáng mai chúng ta khởi hành ngay?

Hí Nhân Cư Sĩ trầm ngâm bảo:

- Lão phu xin giao phó hai trăm kiếm thủ để minh chủ sử dụng. Trước đây họ là tùy tùng của cố Minh chủ Tư Đồ Sảng!

Bạch Trúc Tử tiếp lời:

- Bần đạo và Ngũ Trưởng lão Đàm Vân Tử cũng sẽ dẫn theo trăm đệ tử Võ Đang để Minh chủ sai khiến!

Trại Tôn Tử có mối giao tình rất thâm hậu với Võ Đang nên phái này nhiệt tình hỗ trợ!

Tóm lại, sáu phái đều cử người tham gia cuộc Nam chinh xuống Trường Sa! Song tổng số chỉ độ ba trăm rưỡi vì các phái Hoa Sơn, Thiên Sư Giáo, Toàn Chân không mang theo nhiều đệ tử! Thiếu Lâm tự cử Giám Vân thiền sư và Thập Bát La Hán! Cái Bang thì chỉ có một mình Bang chủ Hắc Bì Cái!

Nhà sư Tây Tạng pháp hiệu Thiện Đề cũng hăng hái đòi tham gia và thản nhiên nói:

- Bần tăng đã nguyện đem tài ra phò tá Tề lão thí chủ? Mong chư vị phong cho bần tăng cái chức phó Minh chủ võ lâm để bần tăng tự hào khi quay về Bố Đà La Tự! Chà! Chà! Lúc ấy chắc là bần tăng sẽ được các sư huynh sư đệ ngưỡng mộ và không còn dám đem chuyện phạm giới ra mà bêu riếu nữa.

Khi nói đến hai chữ phạm giới, Thiện Đề minh họa bằng cách đưa hai tay lên bóp vú mình, khiến cả bàn cười nôn ruột. Đàm Vân Tử ngao ngán bảo:

- Thì đại sư cứ xem mình là phó minh chủ, chẳng ai phản đối cả!

Thiện Đề tưởng thật, hoan hỉ đứng lên vái tạ hội đồng võ lâm và bắt chước Tề Thanh Tuyệt mà thề thốt:

- Bần tăng nguyện một lòng vì chính nghĩa võ lâm, dẫu phải xả thân cũng không quản ngại.

Sáu vị chưởng môn bối rối, chẳng ngờ Thiện Đề lại ngây thơ đến mức không biết rằng Đàm Vân Tử nói chơi. Nhưng chẳng ai nỡ làm Thiện Đề cụt hứng nên đành im. lặng hoặc nói lảng sang chuyện khác.

o0o Gần giữa tháng mười một, đoàn quân viễn chinh có mặt ở Trường Sa. Dĩ nhiên, họ không đi thành một đoàn rầm rộ, cờ xí rợp trời mà phân tán làm nhiều nhóm nhỏ. Hòa thượng trọ ở chùa, đạo sĩ thì tìm đạo quán, kỳ dư chia nhau vào các khách điếm ở trong và ngoài thành Trường Sa.

Số nhân thủ vào thành chỉ độ ba mươi người, thuộc đội cận vệ minh chủ, vì Giả Gia Trang chỉ là mục tiêu thứ yếu, còn Tổng đàn Kỳ Lân Bang thì ở ngoài cửa Tây, cạnh bờ sông Tương.

Tuy cố bang chủ Kỳ Lân Bang, là Môn Xuyên Bá Đao Tần Cốc Lý, chết dưới tay Trương giáo chủ. Nhưng đạo quán Thiên Sư vẫn bình yên tồn tại ở giữa thành Trường Sa chẳng hề bị Kỳ Lân Bang đụng đến.

Có ba nguyên nhân tạo nên hiện tượng này. Thứ nhất là vì chẳng có ai nghĩ đến việc báo thù cho Tần Cốc Lý cả. Hai là, đụng đến Thiên Sư Giáo sẽ gặp rắc rối với quan nha. Ba là Tư Đồ Sảng đã chết.

Vì vậy, hôm nay Kỳ Lân Bang và Thiên Sư Giáo ở trong cái thế "Nước sông nước giếng chẳng phạm nhau." Bởi thế cho nên Trương giáo chủ đã cùng vài người nữa vào ở trong đạo quán Trường Sa. Họ đã cẩn thận đi lối cửa hông. Lúc trời tối hẳn, để đề phòng tai mắt của phe đối phương.

Toán người này gốm có Trương Thiên Sư, Trại Tôn Tử, Hí Nhân Cư Sĩ, Mạc Chiêu Hương, Liễu Mộ Hào và quyền minh chủ võ lâm Tề Thanh Tuyệt.

Quán chủ đạo quán là Linh Tâm Tử, đồ đệ thứ tư của Trương Thiên Sư. Ông ta vui mừng trước sự giá lâm bất ngờ của giáo chủ song lại băn khoăn khi biết mục đích của đoàn quân viễn chinh.

Linh Tâm Tử nghiêm nghị bảo:

- Bẩm giáo chủ! Đệ tử e rằng kế hoạch mượn tay quân triều đình để tiêu diệt Kỳ Lân Bang sẽ khó mà thực hiện được. Giả Bạch Hổ đã khôn ngoan hối hộ hàng ngàn lượng vàng cho tri phủ và tổng binh thành Trường Sa. Vì thế,dẫu cho chư vị có đưa được Giả trang chủ và Khuất trang chủ đến công đường dâng sớ kiện cáo thì cũng vô ích và rất nguy hiểm. Kỳ Lân Bang sẽ sớm biết tin và tập trung lực lượng sát nhân diệt khẩu, ém nhem vụ án lại. Tổng số nhân thủ của Kỳ Lân Bang 1ên đến gần ngàn, chư vị chỉ có hơn ba trăm, thắng thua đã rõ.

Nghe xong, ai nấy đều thất vọng, Trại Tôn Tử ngậm ngùi than:

- Quan lại cấu kết với cường hào ác bá chính là tệ nạn bao đời của Trung Hoa. Vậy thì chúng ta chỉ còn cách âm thầm cứu lấy sinh mạng hai nhà Giả.Khuất rồi rút lui.

Hí Nhân Cư Sĩ gật đầu tán thành và mỉa mai:

- Lão phu cũng đã tiên liệu tình hình ấy. Chỉ vì Tề minh chủ quá ngây thơ, tin vào vương pháp nên mới có cái cảnh "Đầu voi đuôi chuột" này.

Tề Thanh Tuyệt, tức Tư Đồ Sảng, vô cùng hổ thẹn trước lời trách móc của nghĩa phụ, lặng người suy nghĩ. Chàng hiểu rằng bọn tham quan Trường Sa đã ăn tiền quá đậm tất sẽ không vì chút oai Đại Lý Tự của chàng mà hy sinh hũ vàng. Không chừng họ còn giả vờ vâng dạ để hoãn binh và báo cho Kỳ Lân Bang biết mà đối phó.

Cứu người là việc dễ nhưng sau đó Giả Bạch Hổ sẽ dùng tài sản khổng lồ của hai họ mà chiêu binh mãi mã, bành trướng thế lực, hùng mạnh đến mức võ lâm có muốn tiêu diệt cũng không đủ sức.

Đang lúc bối rối, Tư Đồ Sảng chợt nhớ đến ả hồ ly Bạch Phụng "thần thông quảng đại" lòng có chút phấn khởi, liền nói với vẻ tự tin:

- Lão phu đã có chủ ý song cần phải cân nhắc thêm. Sáng mai lão phu sẽ trình bày để chư vị được rõ. Giờ xin cáo biệt vì lão phu cần ra ngoài để tìm một người quen.

Tư Đồ Sảng rời đạo quán mà không biết rằng mình bị Huyết Báo bám theo. Chàng chẳng đi đâu xa, vào ngay khách điếm gần đấy mà mướn phòng trọ. Đạo quán là chốn linh thiêng, Bạch Phụng sẽ không dám hiện hình cùng chàng tương hội.

Tư Đồ Sảng mướn phòng và đặt một mâm cơm mặn. Tắm gội xong chàng khoan khoái thưởng thức rượu thịt, tự nhủ rằng mình không có căn tu nên thích mặn hơn chay.

Sau đó, Tư Đồ Sảng tĩnh tọa hành công cho đến tận đầu canh ba rồi mới khêu nhỏ đèn mà đi ngủ.

Huyết Báo Liễu Mộ Hào rình rập ngoài vườn hoa, thấy thế chán nản bỏ về đạo quán, bực bội báo cáo:

- Bẩm tam vị tiền bối! Té ra là họ Tề vào trọ trong một lữ điếm nhỏ ở gần đây, no say rượu thịt rồi ngủ khì, chẳng liên hệ với ai cả.

Trương giáo chủ mỉm cười:

- Y ăn mặn là phải, nếu gọi món chay sẽ gây nghi ngờ. Hơn nữa, Tề thí chủ chẳng phái chức sắc của Thánh Hỏa Giáo, không bắt buộc phải trường trai.

Trại Tôn Tử bỗng nhíu đôi mày bạc phếch, thở dài bảo Hí Nhân Cư Sĩ:

- Này Tây Môn lão đệ! Con người ta có thể già đi nhưng thần khí thì không hề thay đổi. Lão phu đã từng xem tướng cho lệnh lang nên rất phân vân khi nhận ra những nét tương đồng giữa Tư Đồ Sảng và Tề minh chủ.

Tây Môn Giới cười buồn:

- Lão phu cũng đã âm thầm hoài nghi Tề Thanh Tuyệt là hóa thân của Sảng nhi song không dám chắc. Lẽ nào một kẻ rơi xuống vực thẳm trăm trượng mà lại sống sót. Và lẽ nào trên đời lại có người đột ngột già đi vài chục tuổi như thế? Và tại sao Sảng nhi không nói ra sự thực để người thân không còn phải khóc thương?

Trương Thiên Sư nghiêm giọng:

- Bần đạo linh cảm rằng sự xuất hiện đột ngột của Tề Thanh Tuyệt rất đáng ngờ. Đêm nay, bần đạo sẽ dùng phép kim tiền để thỉnh ý Tam Thanh.

Trong lúc ấy, căn phòng trọ của Tư Đồ Sảng sực nức mùi hương kỳ diệu tỏa ra từ một thân thể mỹ nữ nuột nà. Bạch Phụng đã hiện về sau gần tháng cách xa, kể từ hôm đại hội võ lâm.

Tư Đồ Sảng nghẹn ngào dang tay ôm lấy người thương. Trong phút chốc. cả ba dung mạo Phi Tuyết, Phi Hồng, Bạch Phụng lần lượt đổi thay khiến chàng vừa mừng, vừa đau lòng khôn xiết. Tuy biết đấy là yêu pháp của Bạch Phụng song Tư Đồ Sảng vẫn hân hoan, âu yếm gọi:

- Tuyết muội! Hồng muội!

Chàng hôn họ mà nước mắt tuôn như suối. Cuối cùng, gương mặt mỹ nhân trở lại là Bạch Phụng, ả hồ ly tinh xinh đẹp và quyến rũ. Nàng thè chiếc lưỡi dài ướt át liếm những giọt lệ trên mặt Tư Đồ Sảng rồi dịu dàng an ủi:

- Ngày phu thê đoàn tụ chẳng còn lâu, xin tướng công chớ nên bi lụy nữa. Thiếp nghe gia phụ kể rằng cuộc chẩn tế thủy tai sông Hoài đã làm cho âm đức của chàng thêm đầy đặn, không chừng ra giêng có thể đảo mệnh cho hai song thê.

Tư Đồ Sảng lộ sắc mừng nhưngrồi lại bâng khuâng hỏi:

- Còn duyên nợ của chúng ta thì sao? Chẳng lẽ những kẻ yêu nhau tha thiết lại phải cách chia?

Bạch Phụng nhìn chàng say đắm song giọng nói rất buồn:

- Thiếp đã xin từ chức Hồ Ly Tổng Thần để đi theo tướng công. Tuy nhiên, việc nên duyên e rằng suốt kiếp chẳng thành. Thiếp chỉ có thể lén lút đến với chàng khi màn đêm buông xuống mà thôi.

Nói xong, nàng khóc nức nở, cảm khái cho thân phận của chính mình. Tư Đồ. Sảng thương tâm vô hạn, cố nén lòng mà an ủi Bạch Phụng:

- Thế sự vô thường! Nhân gian lắm cảnh đoạn trường, nên có biết bao nhiêu chinh phụ tựa cửa trông chồng, tuổi xuân trôi đi lúc nào không biết. Nay ta cùng nàng đêm đêm được đoàn tụ cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Bạch Phụng thấy chàng nói thế liền gượng vui để tình quân yên dạ.

Nàng cười đáp:

- Tướng công nói chí phải! Thiếp đã hiểu ra, không còn buồn nữa.

Và nàng chứng tỏ bằng cách háo hức mời gọi ái ân, cởi áo Tư Đồ Sảng. Thân hình Bạch Phụng không nẩy nở bằng Mạc Chiêu Hương nhưng bát ngát u hương, dễ làm đắm say lòng quân tử. Tư Đồ Sảng mê muội chìm vào hoan lạc mây mưa đến tận cuối canh ba mới chịu rời xác thân kiều diễm, nồng nàn của Bạch Phụng. Tư Đồ Sảng không biết rằng đầu canh ba đã có người rình rập ở phía sau phòng mình. Huyết Báo đã quay lại nhưng lát sau bỏ đi khi cứ phải nghe tiếng rên khoái lạc của Bạch Phụng. Gã chửi thầm trong bụng, chê Tề Thanh Tuyệt là phường dâm đãng.

Tàn chiến trận, chàng kể cho nàng nghe những khó khăn trong việc tiêu diệt Kỳ Lân Bang. Bạch Phụng cười khúc khích bảo:

- Thiếp không thể dùng yêu pháp mà giết kẻ thù hộ tướng công song khả dĩ chỉ cho chàng lối thoát. Hiện nay tam ty tỉnh Hồ Quảng đang ở thành Nhạc Dương, trong các vị quan lớn ấy thì ngài Đô chỉ huy sứ Đường Tôn Niệm là người thanh liêm, "khẳng khái" nhất. Tướng công đưa Giả đại tiểu thư đến Nhạc Dương dâng sứ kiện cáo tất họ Đường sẽ kéo đại quân về Trường Sa tiêu diệt Kỳ Lân Bang.

Tư Đồ Sảng băn khoăn:

- Tuy đô chỉ huy sứ ty là nơi thống lĩnh ba quân của tỉnh. Song muốn xuất quân thì phải bàn bạc với Thừa Tuyên Bố Chính sứ ty và Đề Hình Án Sát sứ ty. Ta chỉ sợ hai ty kia không đồng ý. Vả lại, chắc gì Đường Tôn Niệm đã chịu vì một tờ sớ kiện mà đụng đến binh đao?

Bạch Phụng vui vẻ đáp:

- Tướng công cứ yên tâm! Thiếp sẽ có cách khiến cho Đường Tôn Niệm phải tận tâm giúp đỡ và tác động đến hai ty kia. Họ Đường là cháu ruột của đương kim Hoàng Hậu nên oai phong nhất tam ty, không ai dám cãi lời.

Tư Đồ Sảng nghe nói Đường Tôn Niệm là anh em cô cậu với Tam Hoàng Tử Chu Tải Hậu thì rất yên lòng. Chàng cùng Bạch Phụng bàn bạc kế hoạch rất kỹ lưỡng để ngày mai báo lại với nghĩa phụ.

Giữa canh tư, Bạch Phụng biến mất, thực ra là đi đến Giả Gia Trang để gặp Giả Đan Quỳnh, thi triền Mộng Du Đại Pháp bắt nàng viết sớ kiện Giả Bạch Hổ và Kỳ Lân Bang.

Từ Trường Sa đến Nhạc Dương, đi về cũng phải mất bốn ngày đường và sự vắng mặt của Giả Đan Quỳnh sẽ khiến phe đối phương nghi ngờ. Vì vậy, Bạch Phụng sẽ giả làm nàng ta mà vào dinh quan đô chỉ huy sứ dâng sớ.

Sáng ra, Tư Đồ Sảng đã có đơn kiện trong tay, sang Thiên Sư đạo quán để gặp các trưởng bối. Chàng hơi ngạc nhiên khi thấy ánh mắt họ nhìn mình với vẻ thiếu thiện cảm. Và Tây Môn Giới đã lạnh lùng mỉa mai:

- Mời Tề minh chủ an tọa, cùng bọn lão phu dùng điểm tâm. Đêm qua túc hạ phải khổ cực phá thành đoạt lũy nên chắc giờ này rất đói bụng.

Tư Đồ Sảng chợt hiểu ra rằng nghĩa phụ đã đem dạ hoài nghi nên sai Liễu Mộ Hào đi do thám. Chàng mừng vì Huyết Báo đã đến không đúng lúc, chẳng nghe được cuộc đàm đạo của chàng với Bạch Phụng, trước và sau trận ái ân. Nếu không, giờ đây thái độ của mọi người đã khác hẳn.

Tư Đồ Sảng tự lượng không địch lại Thanh y nhân hoặc Thiên Thư Tú Sĩ nên chưa muốn để lộ thân phận thực. Nếu kẻ thù biết chàng còn sống thì sẽ dùng thủ đoạn hiểm độc mà đối phó. Việc Lăng Song Tường bắt cóc Mạc Chiêu Hương và Huyết Báo là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, chàng tin lời Bạch Phụng, sợ vận xui xẻo của mình làm người thân phải bị vạ lây.

Chính vì thế mà Tư Đồ Sảng càng yên tâm khi bị nghĩa phụ trách móc. Tây Môn Giới tưởng chàng ngủ với kỹ nữ, tất sẽ không giống tính cách con nuôi của ông.

Tư Đồ Sảng thản nhiên đáp:

- Lão phu có quyền hưởng một chút thú vui sau khi xâm nhập Giả Gia Trang để lấy sớ kiện. Mời chư vị xem thư sẽ rõ.

Đọc xong, ba lão già nhìn chàng bằng ánh mắt khâm phục. Trại Tôn Tử vui vẻ bảo:
- Tề minh chủ quả là bậc kỳ nhân tài ba quán thế, ra vào hang hùm chẳng chút khó khăn, khiến lào phu phải đê đầu bái phục.
Rồi lão chỉnh sắc hỏi:
- Nhưng nay không có nguyên đơn là Giả Đan Quỳnh cùng đi, liệu tam ty Hồ Quảng có chịu thụ lý vụ án này hay không? Lão phu mong minh chủ hãy cân nhắc kỹ trước khi đi Nhạc Dương.
Tư Đồ Sảng dõng dạc đáp:
- Lão phu xin đảm bảo rằng chỉ trong vòng bốn năm ngày, đại quân của Hồ Quảng sẽ đến Trường Sa trong thời gian ấy, mong chư vị cố liên lạc với các nạn nhân, giải độc cho họ. Lão phu ước tính rằng trễ lắm là chiều ngày mười bẩy, hoặc mười tám sẽ đưa quân về tới, cùng quần hùng tiêu diệt Kỳ Lân Bang.
Tuy chàng đã đoán chắc như thế mà ba vị lão thành vẫn chẳng yên tâm. Trương Thiên Sư vuốt râu bàn:
- Không phải bần đạo dám nghi ngờ lời hứa của Tề minh chủ song nếu chẳng may sự việc không như ý, mong minh chủ đến chùa Thanh Liêm Tự ở phía Đông Bắc thành Trường Sa. Bọn bần đạo và hai gia đình Khuất Giả sẽ chờ ở đấy để rút lui cho thuận lợi.

Tư Đồ Sảng mĩm cười dễ dãi:

- Lão phu xin tuân mệnh giáo chủ!

Chàng cáo từ mọi người rồi lấy ngựa đi ngay. Chàng đã được Tây Môn Giới hóa trang cho từ trước lúc đến địa phận Hồ Nam nên chẳng sợ Kỳ Lân Bang nhận mặt. Tuy Giả Bạch Hổ không tham dự đại hội nhưng chắc chắn sẽ cho thủ hạ đến nghe ngóng, biết quyền minh chủ là ai? Tây Môn Giới bắt chàng phải nhuộm tóc và mang mặt nạ.

Tề Thanh Tuyệt đi rồi, Trại Tôn Tử bâng khuâng bảo:

- Người này lượng rộng như biển, chẳng hề để bụng việc gì. Nếu là kẻ nhỏ hẹp tất đã chạnh lòng vì thái độ thiếu tin tưởng của Trương giáo chủ.

Huyết Báo bực bội lên tiếng:

- Vãn bối thì lại hoài nghi nhân cách của họ Tề. Lão ta tuổi đã quá lục tuần mà còn ham gái hơn cả bọn thanh niên. Đêm qua...

Gã sực nhớ ra sự hiện diện của Mạc Chiêu Hương nên không dám nói tiếp nữa.

Tây Môn Giới hừ nhẹ:

- Tề Thanh Tuyệt không đưa Giả đại tiểu thư theo cũng là hợp lý nhưng lão phu e rằng y sẽ thất bại, chúng ta chẳng còn cách nào khác đành lo việc cứu người trước, rồi rút về Thanh Liêm Tự.

o0oXế chiếu ngày mười bốn, Tư Đồ Sảng đến Nhạc Dương.

Thành Nhạc Dương xưa kia có tên là Ba Lăng, nằm ở phía Đông Bắc Hồ Nam, nơi có một nửa Động Đình Hồ đổ vào Trường Giang.

Nhạc Dương có lịch sứ lâu đời, nổi tiếng thiên hạ với câu "Động Đình thiên hạ thủy. Nhạc Dương thiên hạ lâu." Trong hàng ngàn năm, Nhạc Dương là nơi tụ hội của các thi hào văn nhân, là đất tranh hùng của các nhà cầm quân.

Nhạc Dương có con sông Mịch La, một chi nhánh của sông Tương, nơi Khuất Nguyên tự trầm.

Nhưng thắng tích lừng lẫy nhất Nhạc Dương chính là Nhạc Dương lâu, lầu Nhạc Dương đứng sừng sững ở phía Tây thành, quay mặt ra Động Đình Hồ.

Lầu có hình chữ nhật, chính điện ba gian, xung quanh có hành lang, ba tầng ba mái hiên, cao hơn sáu trượng, mười tám phẩy bốn mươi bẩy mét. Đỉnh lầu là bốn đỉnh tròn vồng lên, bề mặt của lầu trên lồi, dưới lõm, là kiến trúc có đỉnh tròn lớn nhất Trung Hoa. Mái lầu được ốp ngói lưu ly mầu vàng, các góc bên cong vút lên.

Hai mặt bên phải và trái phía trước lầu cùng với nó đứng tạo thành hình chữ Phẩm, có đình Tam Túy và đình Tiên Mai làm nền.

Nhạc Dương lâu vốn là lầu duyệt binh, do danh tướng Lỗ Túc của Đông Ngô thời Tạm Quốc xây dựng. Đến thời nhà Đường mới có tên Nhạc Dương lâu. Các thi hào như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ... đều đã đến đây ngâm vịnh, đề thơ. Nhưng từ khi có tác phẩm "Nhạc Dương lâu ký" của Phạm Trọng Yên thời Tống thì danh tiếng của Nhạc Dương lâu càng được truyền xa, nổi tiếng khắp thiên hạ.

Tư Đồ Sảng đã không thể bỏ qua cơ hội hiếm có, đến thưởng lãm danh thắng lầu Nhạc Dương cả Bạch phụng cũng thế, chui ra khỏi tay nải, nằm vắt vẻo trên vai chàng, giương đôi mắt chồn tinh quái mà ngắm cảnh.

Tư Đồ Sảng ngây ngất bước lên tầng hai để xem bút tích của những nhà thơ huyền thoại. Chàng đứng trước bài thơ "Đăng Nhạc Dương Lâu" của Đỗ Phủ, cao hứng khẽ ngâm nga cho Bạch Phụng nghe. Bỗng Tư Đồ Sảng phát hiện có ba người vừa lên đến. Chàng giật mình nhận ra Giả Bạch Hổ, đổng hành với Tiên Nhân Động chủ Tất Linh Kỳ đã bị chàng đả thương ở núi Lư Sơn. Người thứ ba là một lão nhân phương phi, quắc thước, mái tóc và bộ râu năm chòm đầu bạc tuồng như mây. Ông ta không khép kín áo choàng lông cừu và Tư Đồ Sảng thấp thoáng thấy áo trong là đạo bào, vạt trước có thêu hình Bát Quái.

Đông đã về, ngoài trời tuyết rơi nhè nhẹ, ai cũng mặc áo ngự hàn. Tư Đồ Sảng khoác áo lông cừu trắng muốt nên người ngoài khó mà nhìn thấy con chồn trắng trên vai chàng. Tuy nhiên, Bạch Phụng đã mau mắn chui vào ngực áo chàng đi tránh những cặp mắt tò mò.

Bọn Giả Bạch Hổ không hề chú ý đến người khách đơn độc đang say mê thưởng thức những câu thơ Đỗ Phủ. Họ đứng tựa lan can trước mà ngắm cảnh hoàng hôn đầu Đông trên Động Đình Hồ và trò chuyện.

Họ nói rất nhỏ nhưng âm thanh không thoát khỏi thính lực tinh tường của Tư Đồ Sảng. Qua cuộc đối thoại ấy chàng biết rằng Giả Bạch Hổ đến Bạch Dương để cầu hôn với ái nữ của ngài đô chỉ huy sứ Đường Tôn Niệm.

Đường tiểu thư đã hai mươi sáu xuân xanh, dung nhan chẳng xấu nhưng ế chồng vì mang tuổi Canh Dần. Nữ nhân tuổi Dần bị xem là cao số, sát phu nên các nhà quyền quý đều kiêng kỵ, không dám rước về làm dâu. Còn như gả con cho hạng thường dân thì Đường đại nhân không cam tâm. Cuối cùng thì người thiệt thòi nhất là tiểu thư Đường Thiên Trang, phơi vò võ phòng không mà tiếc nuối tuổi thanh xuân.

Tư Đỗ Sảng thầm lo ngại, không ngờ Giả Bạch Hổ lại nghĩ đến chuyện trở thành rể nhà họ Đường để củng cố thế lực. Chắc chắn là Đường chỉ huy sứ sẽ mau mắn gả phứt đứa con gái xấu xí ế ẩm cho chàng công tử giầu có nhất Hồ Nam, dù Thiên Trang chỉ được làm thiếp. Lúc ấy thì Kỳ Lân Bang như hổ thêm cánh, chẳng ai dám đụng đến hay kiện cáo nữa.

Khi nghe nói tối nay Giả Bạch Hổ sẽ đến tư dinh của Đường Tôn Niệm để cầu hôn, Tư Đồ Sảng vô cùng bối rối và nẩy ra ý định giết gã. Chỉ có hạ sách ấy mới ngăn cản được âm mưu của kẻ đứng sau lưng Giả Bạch Hỗ là Thanh Y Nhân.

Nhưng Tư Đồ Sảng vẫn còn do dự vì hiểu rằng Giả Bạch Hổ chỉ là con rối trong tay người khác, liệu có đáng chết hay không? Chàng đang phân vân thì nghe lão đạo sĩ tóc bạc kia nói:

- Sau khi hôn sự đã thành, bần đạo hy vọng công tử cố khống chế cho được Đường Tôn Niệm và cả Tam Ty Hồ Quảng. Mùa thu sang năm, khi quân Mông Cổ vượt Vạn Lý Trường Thành tiến đánh Du Lâm thì công tử có thể xưng vương và chinh phạt các phủ huyện giáp giới. Triều đình nhà Minh ở thế lưỡng đầu thọ địch, phải phân tán lực lượng tất sẽ rất yếu.

Tư Đồ Sảng cố nén lửa giận sôi sục trong lòng, lắng nghe tiếp câu chuyện. Lúc này, Giả Bạch Hổ đang đáp lời lão đạo sĩ, gian tế của Mông Cổ. Gã cau mày lộ vẻ e ngại:

- Tuy Minh triều đang suy yếu nhưng quân đội vẫn còn đông hàng trăm vạn. Tại hạ có thể chiếm được Trường Sa nhưng không cầm cự nổi khi quý quốc chiếm được Bắc Kinh, đừng nói việc chinh phạt các vùng lân cận. Lúc ấy, tại hạ chẳng được gì mà còn mất mạng nữa.

Lão đạo sĩ kia lắc đầu trấn an:

- Bần đạo cam đoan chỉ trong vòng ba tháng là Hoa Bắc sẽ lọt vào tay người Mông Cổ. Nội gián của chúng ta ở Bắc Kinh sẽ ám sát Gia Tỉnh Hoàng Đế và Tam Hoàng Tử Chu Tải Hậu. Gã bất tài, nhút nhát là nhị hoàng tử Chu Cát sẽ lên ngôi và rút quân về cố thủ Hà Bắc. Gã đã bị chúng ta mua chuộc và uy hiếp tự lâu rồi. Chu Cát bằng lòng làm vua một lãnh thổ nhỏ bé là Hà Bắc và Sơn Tây. Bằng chứng của sự hợp tác ấy là có thư làm mai công tử cho tiểu thư Đường Thiên Trang.

Giả Bạch Hổ nghe xuôi tai, mặt mày hớn hở, nghĩ đến viễn cảnh huy hoàng. Nhưng gã vẫn thận thận trọng hỏi lại:

- Vậy chân nhân có mang theo sắc chỉ của Đại Hãn Mông Cổ đấy không? Tại hạ muốn nắm chắc cam kết giấy trắng mực đen, đóng dấu ấn tín.

Lão đạo sĩ mỉm cười vỗ ngực:

- Tất nhiên là có sẵn ở đây! Lát nữa về đến khách điếm bần đạo sẽ trao tờ sắc chỉ phong công tử làm Giang Nam Quốc Vương, cai trị toàn bộ vùng lãnh thổ phía Nam Trường Giang.

Nghe xong, Tư Đồ Sảng chợt thức ngộ rằng cơ hội tiêu diệt Kỳ Lân Bang đã đến, với điều kiện chàng đoạt được bản sắc chỉ trong người lão đạo sĩ kia.

Lúc này, bọn Giả Bạch Hổ đã rời lan can phía trước lầu, đi về hướng cầu thang. Tư Đồ Sảng nhẫn nại đứng im, tay xiết chặt chuôi gươm giả như đang mê mải đọc bài thơ trên vách.

Khi phe đối phương vượt qua hẳn, phơi lưng trống trải, Tư Đồ Sảng ập đến như cơn lốc, bủa lưới kiếm vào lão đạo sĩ tóc bạc và Trung Nguyên Quảng Đỗ Tất Linh Kỳ. Hai người này đang sát cánh chuyện trò, đi phía sau Giả Bạch Hổ. Tất nhiên đường gươm của Tư Đồ Sảng tập trung phần lớn thế thức vào mục tiêu chính là lão tạo sĩ.

Sau khi thụ dụng Kim Ngư, Tư Đồ Sảng đã có tổng cộng gần hoa giáp công lực. Giờ đây, chàng dồn hết sức vào chiêu Cuồg Phong Đoạn Mộc nên khí thế dời non lấp biển, dầu nạn nhân có đối diện đương cự cũng không chống nổi. Nhưng vì tầm quan trọng sống còn của bản sắc chỉ nên Tư Đồ Sảng quyết định ám tập để nắm chắc thành công.

Hai đối tượng của chàng đều là bậc lão thành, tu vi thâm hậu, nên chỉ nghe không khí xao động cũng phát hiện ra có người đánh lén. Họ lập tức rút gươm quay lại chống chọi chứ không dám tránh né vì lo sợ cho Giả Bạch Hổ.

Từ ngày bị Kỳ Hoa chân nhân đả thương, Tiên Nhân Động chủ Tất Linh Kỳ đã khổ công rèn luyện để chờ ngày báo phục, nhờ vậy mà bản lãnh kiếm thuật của lão ta đã tăng tiến thêm. Trong chớp mắt, họ Tất đã rút gươm khỏi vỏ, dệt nên màn kiếm ảnh cực kỳ kín đáo và kiên cố, chặn được những thức kiếm mãnh liệt của Tư Đồ Sảng. Lão thành công vì chẳng phải mục tiêu chính của chàng.

Ngược lại, lão đạo sĩ tóc bạc hoàn toàn lãnh đủ, dù đã tận lực múa gươm bảo vệ thân già.

Cuồng Phong Đoạn Mộc là một chiêu trong pho Giáng Ma kiếm pháp, chủ về lực đạo, thế kiếm nặng như núi đổ trường kiếm của lão đạo sĩ lập tức bị đánh bạt đi và Tư Đồ Sảng thọc liền một nhát vào mắt trái, đâm thủng não đối phương. Vết thương ở mắt sẽ không chảy nhiều máu, làm hỏng tờ sắc chỉ tang vật.

Lão Hán gian rú lên thảm thiết, ôm mặt quỵ xuống sàn lầu. Tư Đồ Sảng không thể lấy tờ sắc chỉ trong áo nạn nhân vì Tất Linh Kỳ và Giả Bạch Hổ đã tấn công ráo riết.

Giả Bạch Hổ quát bảo:

- Tất lão! Chúng ta phải đạt được tờ sắc chỉ trong người Bạch Lộc Chân Nhân trước khi quan quân đến.

Và gã bất ngờ xạ một đạo Ngưng Huyết Huyền Băng Chưởng, cố đẩy Tư Đồ Sảng rời xa thi thể của lão đạo sĩ Bạch Lộc.

Cùng lúc ấy, Tiên Nhân Động Chủ Tất Linh Kỳ cũng tung ra một chiêu như vũ bão.

Tư Đồ Sảng đảo bộ tránh phát chưởng Huyền Băng và vung kiếm hóa giải chiêu kiếm của họ Tất. Ở thế lưỡng đầu thọ địch, và không thể rời xa xác chết của Bạch Lộc Chân Nhân. Tư Đồ Sảng phải dồn toàn lực vào từng chiêu kiếm để đẩy lùi đối thủ và lập tức đối phó với kẻ phía sau. Đường gươm của chàng nhanh như thiểm điện và hiểm ác phi thường. Chỉ va chạm vài lần đã lăm le đâm vào yếu huyệt Tất Linh Kỳ khiến lão bở vía nhảy lùi.

Tư Đồ Sảng không bám theo mà quay ngoắt lại đón chiêu kiếm của Giả Bạch Hổ và hoán vị ngay để. tránh đạo chưởng phong từ tay trái gã. Chàng thừa sức chịu một chưởng để lấy mạng Bạch Hổ song vì đại kế lâu dài mà giả như sợ hãi. Trước sau gì Tư Đồ Sảng cũng chạm trán Thanh Y Nhân và Khô Mộc Thần Công là yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi. Hơn nữa, mục đích của chàng là cầm cự chờ quân binh Nhạc Dương xuất hiện.

Do vậy, Tư Đồ Sảng thi triển Trung Tinh Bộ Pháp, di chuyển quanh xác Bạch Lộc Chân Nhân mà đối phó với hai kẻ địch. Lầu Nhạc Dương rất gần cửa Tây thành nên chắc chắn bọn linh gác cổng thành sẽ đến can thiệp.

Thời gian là bạn của Tư Đồ Sảng song lại là tai họa cho phe địch. Tất Linh Kỳ và Giả Bạch Hổ nghe lòng nóng như lửa đốt, điên cuồng xông vào cố giết cho được lão già lạ mặt kia.

Tất Linh Kỳ dồn hết tu vi hơn hoa giáp vào thân kiếm mà xuất những chiêu ác độc nhất trong pho Hỗn Nguyên Kiếm Pháp. Hai thanh thép chạm nhau, không ngớt bắn ra những tia lửa nhỏ, âm thanh chát chúa ghê người, song lần nào Tiên Nhân Động Chủ cũng là người thoái bộ để bảo toàn mạng sống. Mũi kiếm của lão già cao lớn kia luôn tìm ra sơ hở mà uy hiếp những tử huyệt trên cơ thể lão.

Phần Giả Bạch Hổ đã tra kiếm vào vỏ dùng cả song thủ để thi triển pho Ngưng Huyết Huyền Băng Thần chưởng. Bản lãnh Phách Không Chưởng của gã còn kém Từ Long Chính và Thanh Y Nhân song cũng khá lợi hại. Giả Bạch Hỗ liên tiếp đánh hụt vì đối phương có bộ pháp quá ư ảo diệu. Những phát chưởng lạc địa chỉ đôi lúc giáng vào vách hay sàn gỗ khiến lầu Nhạc Dương rung chuyển, bụi rơi mù mịt. Thi hài của Bạch Lộc Chân Nhân cũng bị vạ lây, trúng vài ba chưởng.

Rốt cuộc, quân binh Nhạc Dương cũng đã đến nơi, đông độ ba chục người. Họ vây chặt chân lầu và quát tháo, yêu cầu ba kẻ cuồng đồ kia đình thủ, bó tay chịu trói.

Tư Đồ Sảng nghiến răng đánh văng Tiên Nhân Động Chủ và đề khí bốc lên cao. Đồng thời, chàng quát lớn bằng giọng uy nghiêm:

- Mau bắt nội gián Mông Cổ!

Trước thời Gia Tĩnh, rợ Mãn Châu vẫn còn yếu ớt, song rợ Mông đã hùng mạnh trở lại, đánh phá vùng quan ải phía Bắc và còn bắt nhà Minh phải triều cống. Nghĩa là, sau gần tám mươi năm bị đánh đuổi, Mông Cổ lại là hiểm họa của Trung Hoa. Thậm chí, vào năm Kỷ Tỵ, tức năm chính thống thứ mười bốn, vua Anh Tông nhà Minh đem quân lên phía Bắc chinh phạt rợ Mông đã thua to và bị bắt sống ở đồn Thế Lộc, Tĩnh Sát Cáp Nhĩ. Quân Mông Cổ đã giam Anh Tông bẩy tám năm mới thả về.

Bởi vậy, khi bọn quân binh Nhạc Dương nghe nói đến "nội gián Mông Cổ" thì lạnh cả gáy, gõ chiêng vang trời để gọi viện binh.

Giả Bạch Hổ và Tất Linh Kỳ chua chát hiểu rằng có đánh nữa cũng không sao thắng nổi đốí phương và sẽ khó thoát thân khi đại quân Nhạc Dương vây chặt. Hai người ấy hậm hực rủ nhau đào tẩu. Họ dễ dàng vượt qua vòng vây thừa thớt của bọn lính tuần.

Tư Đồ Sảng thở phào, ngồi xuống lục ngực áo Bạch Lộc Chân Nhân tìm thấy hai phong thư dán kín. Chàng để lại chỗ cũ chờ bọn quan quân. Lát sau, một toán kỵ binh đông độ gần trăm đã đến nơi và ùa lên lầu vây lấy Tư Đồ Sảng. Chàng liền đưa cao kim bài Bá Tước và dõng dạc nói:

- Bổn tước là người của Đại Lý Tự Bắc Kinh đi điều tra phản tặc. Các ngươi mau đưa ta và tử thi tên nội gián này đến công đường của Tam Ty Hồ Quảng.

o0o Ngay tối hôm ấy, quan đô chỉ huy sứ Đường Tôn Niệm thống lĩnh năm ngàn quân giáp kỵ tiến về Trường Sa. Trưa hôm sau họ đã vây chặt Tổng đàn Kỳ Lân Bang bên bờ sông Tương, tức Khuất Gia Trang.

Bạch Phụng đã quay về trước, giả làm Tư Đồ Sảng mà báo mộng cho Trương Thiên Sư lúc giữa canh ba nên quần hùng biết mà chận đường Giả Bạch Hổ cùng Tất Linh Kỳ. Tuy họ không bắt được hai người ấy song cũng khiến cho chúng thọ thương đào tẩu, chẳng dám về Trường Sa thông tri cho bọn ở Tổng đàn biết nguy cơ.

Kết quả là gần ngàn tên bang chúng Kỳ Lân đều bị giết hoặc bắt sống, không sót ai. Bọn đầu lĩnh và những đao thủ Quỷ Ảnh Hội, Thập Điện Diêm Cung đã liều mạng phá vầy nhưng đều chết dưới tay quần hùng.

Qua trận này người ta mới biết rõ bản lãnh của Thiện Đề đại sư. Cánh tay dài ngoằng, mạnh mẽ của ông múa tít Giáng Ma Phủ, đánh văng những thanh đao và đả thương đối thủ thật dễ dàng. Nhưng không giết một ai và miệng luôn niệm Phật, xót xa cho nạn nhân của mình. Thỉnh thoảng, Thiện Đề còn quát vang:

- Bần tăng là phó minh chủ võ lâm đây, các người mau bó tay quy hàng để khỏi uổng mạng.

Các chưởng môn đều phì cười nhưng thầm công nhận Thiện Đề đủ tài làm phó cho Tề Thanh Tuyệt.

Tư Đồ Sảng đã một mình xông thẳng vào khu hậu viện Khuất Gia Trang để tìm Triển Phi Hoan và Thập Tự Thần Kiếm. Chàng không gặp họ Triển song lại tìm ra Phan Tứ Mỹ.

Lão ngốc ấy đang thản nhiên đứng ở hàng hiên dãy phòng mé Nam vườn hoa lớn, nói chuyện với một con chim Anh Vũ bị nhốt trong lồng. Tất nhiên con chim kia chẳng nghe được gì vì không gian tràn ngập tiếng reo hò, quát tháo, tiếng binh khí chạm nhau căng thẳng. Thế mà Thập Tự Thần Kiếm vẫn như kẻ điếc đặc, không biết gì cả.

Tư Đồ Sảng thận trọng lướt đến, đình bộ ở khoảng cách một trượng rồi lên tiếng:

- Phan Tứ Mỹ!

Họ Phan quay lại, chẳng hề sợ hãi trước ánh mất đầy sát khí và thanh gươm tuốt trần. Trái lại, lão hân hoan nở nụ cười tươi rói và nói:

- Tư Đồ đại ca đấy ư? Sao Tần Cốc Lý bảo rằng đã giết chết đại ca rồi! Năm ấy, Bá Đao có rủ tiểu đệ đi Hàm Dương tìm đại ca trả thù nhưng Mỹ này nhớ ơn cứu mạng nên không xem chuyện đại ca đoạt mất Vu Sơn Ma Nữ là mối hận. Nàng ta yêu thương ai thì đi theo người ấy, nào phải bị đại ca ép buộc?

Tư Đồ Sảng bàng hoàng, không hiểu đối phương thực tình hay giả vờ. Chẳng lẽ cha chàng với họ là huynh đệ kết nghĩa và Tư Đồ Quát đã từng chiếm đoạt thần tượng của họ là Vu Sơn Ma Nữ Triển Thương Thu? Và phải chăng Thập Tự Thần Kiếm không phải là hung thủ đã giết mẫu thân chàng?

Tư Đồ Sảng cố mỉm cười và dịu giọng hỏi:

- Này Phan hiền đệ! Thế hơn hai năm trước ai đã cùng đi với Tần Cốc Lý đến Hàm Dương?

Tử Mỹ cười khà khà:

- Còn ai vào đấy nữa ngoài gia biểu huynh Thiên Thư Tú Sĩ Lăng Quân Vĩnh. Lão ta cũng thầm ái mộ Triển Thương Thu nên rất hậm hực khi biết đại ca giành được nữ nhân.

Tư Đồ Sảng giật bắn mình sực nhớ ra rằng dung mạo của Lăng Tú Sĩ khá giống Thập Tự Thần Kiếm. Thì ra họ Lăng là anh em với Phan Tử Mỹ.

Bỗng Phan lão hạ giọng khẩn cầu:

- Tư Đồ đại ca! Nay Tần nhị ca đã chết, tiểu đệ không ai bầu bạn, chuyện trò nên rất cô độc. Hay là đại ca cho tiểu đệ về ở chung với nhé. Tiểu đệ học được nghề trồng hoa và nuôi chim, sẽ tô điểm cho Tư Đồ gia trang thêm rực rỡ.

Ánh mắt lão vô cùng tha thiết, buồn rầu khiến Tư Đồ Sảng chạnh lòng. Chàng tra kiếm vào vỏ rồi nói:

- Được! Phan hiền đệ hãy về sống với lão phu.

Rồi chàng dồn Khô Mộc Thần Công bảo vệ châu thân và bước đến đưa tay ra cho Phan Tử Mỹ nắm lấy. Nếu lão giả trá thì đây là cơ hội tốt nhất để hạ thủ. Nhưng Thập Tự Thần Kiếm đã không ám toán mà hoan hỉ nắm lấy bàn tay chàng, xiết chặt rồi cười khanh khách.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-19)


<