Vay nóng Homecredit

Truyện:Hồng Bào Quái Nhân - Hồi 03

Hồng Bào Quái Nhân
Trọn bộ 80 hồi
Hồi 03: Nghe tiếng cói hào kiệt kinh tâm
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-80)

Siêu sale Lazada

Hán tử phía trước đã ngó thấy ba người, toan lẩn vào đám đông, chợt nghe tiếng gọi liền quay đầu nhìn lại. Sắc mặt gã lợt lạt, tỏ ra vừa bẽ bàng vừa khiếp sợ.

Chỉ có vết sẹo đỏ là không biến sắc.

Nhan Bách Ba trầm giọng hỏi:

- Lam lão lục! Lần trước người đã nói gì với ta? Chẳng lẽ người vĩnh viễn không muốn tiến lên ư? Người lưu lạc giang hồ làm mất hết thể diện của tổ tiên nhà họ Lam!

Lam lão lục tức hán tử có sẹo, mặt đang lợt lạt biến thành đỏ bừng. Hắn thẹn quá không biết chui vào đâu được, đành cúi gằm mặt xuống.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm trong bụng:

- Hán tử kia sao với Nhan Bách Ba ít ra hơn đến mười mấy tuổi, bị gã nặng lời trách mắng tựa hồ bậc trưởng bối dạy bảo con em. thế mà hắn vui lòng chịu đựng kể ra cũng lạ!

Nhan Bách Ba lại nói:

- Lão lục đã bịp lấy số tiền của tên ngốc này. Tiền đó gã đem đi cứu phụ thân, sao người không trả gã?

Lam lão lục hỏi lại - Bao nhiêu tiền?

Thiếu niên đáp ngay:

- Đúng một ngàn lạng!

Nhan Bách Ba liếc mắt nhìn thiếu niên nghĩ bụng:

- Thằng lỏi ngốc dại này té ra không ngốc dại. Gã mất ít nói nhiều, đòi đủ một ngàn lạng!

Lam lão lục không nói nửa lời, móc trong bọc ra một tập ngân phiếu, lựa lấy hai tấm đưa cho thiếu niên đó nói:

- Đây là một tấm sáu trăm và một tấm bốn trăm là đủ ngàn lạng. Ta đi đây!

Nhan Bách Ba thấy trong túi hắn có nhiều tiền, biết là mới đây gã bịp được khá, thì trong lòng vừa tức giận vừa buồn cười bất giác trầm giọng nói:

- Hãy khoan!

Lam lão lục dù muốn chạy cho lẹ mà không dám, mặt gã trơ trẽn không biết làm thế nào.

Nhan Bách Ba nói:

- Đã là nam hán tử đại trượng phu mà không thủ tín thì thà chết đi còn hơn.

Lam lão lục đáp:

- Nhan công tử! Chẳng phải Lam mỗ không muốn làm điều hay mà thực ra kiến thức hạn hẹp, muốn làm thầy đồ dạy dỗ trẻ nít cũng không ai mượn. Còn võ công thì lại không biết múa bổng sử kiếm, muốn xin một tên chạy cờ trong tiêu cục cũng không xong. Vậy công tử thử nghĩ coi Lam mỗ làm nghề gì để sinh sống?

Hắn cảm khái về bước đường tao ngộ của mình thành ra nói năng bạo dạn.

Những cái sợ sệt thẹn thùng giảm đi khá nhiều.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

- Hán tử này hình dong bỉ ổi, tính tình ỷ lại, nhưng lời nói không phải là vô lý.

Nhan Bách Ba ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Ta nghe nói đại tướng Viên Sùng Hoán tại triều đang chiêu binh, tại sao người không đầu quân để lập chiến công làm rạng rỡ Lam môn?

Lam lão lục đáp:

- Công tử nói phải đó!

Hắn móc trong bọc lấy ra hai con thò lò ra liệng đi. Đoạn hắn nhìn Nhan Bách Ba thi lễ rồi băng băng chạy đi, không ngoảnh cổ lại nữa.

Nhan Bách Ba ngẩn người một lúc rồi quay sang bảo thiếu niên:

- Người đi chuộc gia gia cứu ra và bảo cho bọn thảo khấu hay là có vị công tử họ Nhan không để cho chúng làm bậy nữa.

Thiếu niên nắm chặt hai tấm ngân phiếu tưởng chừng như sống thêm một đời thứ hai. Gã vui mừng quá quên cả lạy tạ.

Nhan Bách Ba cùng Du Hữu Lượng cho ngựa đi từ từ trong trấn. Nhan Bách Ba thấy oai danh của mình nổi lên như vậy trong lòng rất lấy làm đắc ý nói:

- Hán tử họ Lam đó cũng không phải nhân vật tầm thường!

Du Hữu Lượng đáp:

- Nghe những lời lẽ của y dường như không phải là bọn vô lại quê mùa.

Nhan Bách Ba nói:

Một hôm tiểu đệ mãi lỡ đường tìm nơi nghỉ trọ. Trong lòng đã hoang mang đi lạc đường, may gặp một nơi miếu thờ giữa chốn hoang sơn. Tiểu đệ tiến lại đẩy cửa thì thấy một hán tử nằm phục trên bàn cúng cầm hòn than mà vẽ tới vẽ lui.

Người đó chính là Lam lão lục này. Hắn vẽ xong rồi lại vo tròn tấm giấy quẳng đi.

Khi đó tiểu đệ động tính hiếu kỳ lén bước tới sau lưng hắn để ngó trộm thì thấy hắn vẽ toàn đồ hình tựa như máy móc đầy chi chít những nét phức tạp. Hắn vẽ lẹ lắm. Chỉ trong chừng một khắc đã được mười mấy bức tấm mà hắn chẳng vừa ý tấm nào nên lại vo tròn vứt bỏ. Tiểu đệ rất lấy làm tiếc, không nhịn được nữa lên cất tiếng hỏi:

- Ồ hay, các hạ vẽ gì vậy?

Hắn quay đầu lại giật mình kinh hãi, nhưng rồi hắn nắm lấy tiểu đệ như gặp phải người tri kỷ, trỏ vào tấm đồ hình vẽ trên giấy giảng giải ra chiều hứng thú.

Những đồ hình này nào đường giây nào khuyên tròn, tiểu đệ coi hoa cả mắt mà chẳng hiểu gì cả. Hắn vẫn giải thích hoài. Khi đó tiểu đệ không nhịn được nữa mà hắn cứ nói mãi. Thực ra hắn nói cũng hợp đạo lý. Phải mất đến mấy giờ tiểu đệ mới nghe ra nguyên ủy, thì ra đó là đồ hình việc chế tạo người đồng bằng máy tự động mà Trương viên ngoại một nhà cự phú ở Lạc dương đang tìm thợ khéo chế tạo.

Nhan Bách Ba dừng lại thì Du Hữu Lượng lại tủm tỉm cười nghĩ bụng:

- Thiến niên này thật có khẩu tài, bất cứ việc gì do miệng hắn nói ra cũng uyển chuyển dễ nghe!

Nhan Bách Ba lại nói tiếp:

- Hắn nói lại rồi lại ngẫm nghĩ vẽ đồ. Tiểu đệ thấy mặt hắn lúc phiền não, lúc lại lộ vẻ vui mừng thì nghĩ bụng:

người này suy tâm vọng tưởng, chẳng lý đến hắn làm chi. Tiểu đệ quét một góc miếu chuẩn bị ngủ đêm. Bỗng thấy hắn mừng quýnh nhảy lên như một người điên. Tiểu đệ cho là mình vận xúi gặp phải thằng khùng khó nằm yên được với hắn. Sau thấy hắn mừng quá lăn mấy vòng rồi mở cửa chạy ra ngoài rồi mở cửa chạy ra. Sau đó nửa năm tiểu đệ qua Lạc dương vào trọ nhà Trương viên ngoại nhìn thấy người máy bằng đồng xảo tuyệt thiên công.

Du Hữu Lượng nghe nói cũng lấy làm hứng thú, cười nói:

- Người đó đã khéo tay như vậy thì làm nghề bạc bịp dĩ nhiên rất giỏi.

Nhan Bách Ba thấy Du Hữu Lượng hớn hở vui cười khác mọi người thì lòng gã cũng khoan khoái nói:

- Dĩ nhiên là thế! Người đồng có máy chẳng những chế tạo linh động như người thật mà tròng mắt lại khảm bảo thạch vào, ánh mắt chiếu lên như mục quang chuyển động ngó nhìn bốn phía. Tuyệt nhất ở chỗ cứ cách mỗi giờ người máy lại tự động nổi chuông báo hiệu. Quanh ngày tháng chẳng say chút nào.

Du Hữu Lượng nói:

- Trong thiên hạ có người tuyệt diệu như vậy. Rồi đây gặp ngày nhàn rỗi, tại hạ đến đó coi cho biết.

Nhan Bách Ba nói:

- Sau tiểu đệ lại gặp hán tử lâm vào bước lang bạt kỳ hồ, làm nghề đánh bạc mưu sinh. Hắn đã đánh bạc là lừa bịp nên lần nào cũng được và sống một cách dư dụ. Một lần trạm chán mấy vị tiêu sư. Họ thua hết tiền toan cắt tay hắn, may gặp tiểu đệ qua đường ra tay cứu viện.

Du Hữu Lượng nói:

- Chắc y cảm ơn huynh đài và mong đền đáp?

Nhan Bách Ba nói:

- Không phải đâu! Tiểu đệ còn giải cứu cho y mấy phen nữa. Hắn thẹn quá lần trước đã phát thệ quay về chính nghiệp, hắn còn khóc lóc kể lể thân thế thì ra ông tổ nhà hắn là một vị đại tướng quân có công lao lớn cho bản triều hồi mở nước. Vị đại tướng quân này là Lam Ngọc không những giỏi về nghề chế tạo cơ giới mà còn tinh thông về môn địa lý. Bao nhiêu mấu chốt hiểm yếu trong thiên hạ lão nhân gia đều thấy rõ như lòng bàn tay.

Du Hữu Lượng thở dài nói:

- Một nhân tài như thế mà không thành hữu dụng phải lưu lạc giang hồ thật là đáng tiếc.

Nhan Bách Ba nói:

- Tiểu đệ cũng mong phen này hắn đi đầu quân gây nên sự nghiệp lớn lao!

Du Hữu Lượng gật đầu. Chàng cảm thấy người bạn kết giao hành động kín đáo mà lại ngay thẳng. Tuổi gã còn nhỏ thật không ai ngờ lại có chí khí như vậy.

Bất giác chàng tăng thêm phần kính trọng.

Nhan Bách Ba ồ lên một tiếng rồi nói:

- Chúng ta mải nói chuyện đi hoài lại đi ra thị trấn rồi. Ha ha!

Du Hữu Lượng thấy gã cười hồn nhiên không lo lắng gì. Da mặt lúc trắng lúc hồng thì chợt nghĩ:

gã thiếu niên này thật đầy hạnh phúc. Rồi chàng cũng cao hứng.

Hai người bắt ngựa quay về thị trấn. Nhan Bách Ba tìm đến một khách sạn lớn thuê riêng một biệt viện năm sáu phòng lớn để hai người trọ.

Du Hữu Lượng cùng Nhan Bách Ba thu xếp đồ hành lý vào trong hai gian giáp vách rồi rửa mặt.

Nhan Bách Ba và Du Hữu Lượng tìm đến tửu điếm ăn uống. Gã đưa chàng vào tửu điếm Lăng môn lầu. Hai người lên lầu đã thấy đầy khách và toàn là người giang hồ, cử chỉ rất mau lẹ.

Nhan Bách Ba ghé tai nói nhỏ với Du Hữu Lượng:

- Hoa sơn tứ hiệp và cô sư muội bảo bối của họ cũng đến rồi.

Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn mọi người gật đầu một cái rồi cùng Nhan Bách Ba ngồi vào chiếc bàn bên cửa sổ.

Nhan Bách Ba gọi đến bảy tám món ăn và một bình rượu Trúc diệp thanh ngon nhất.

Du Hữu Lượng ngồi xuống một bên không nói gì, chờ đem rượu nhắm lại.

Nhan Bách Ba nâng chung rượu lên nói:

- Du huynh! Chúng ta mới gặp nhau buổi đầu, mà chẳng khác chi tình cố cựu.

Nay phải mời huynh đài uống một bữa cho thích thú. Đáng tiếc tửu lượng của đệ kém cỏi. Vậy huynh đài tùy tiện uống cho tùy thích, tiểu đệ ngồi bên bồi tiếp là được!

Du Hữu Lượng tạ ơn luôn mấy câu, đoạn nâng chung rượu uống cạn ngay.

Còn Nhan Bách Ba sẽ nhấp một chút rồi lại đặt xuống.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

- Anh chàng này làm việc gì cũng sâu sắc mau lẹ mà uống rượu lại không đủ hào hứng.

Tửu lượng của chàng khá lắm. Khi trong lòng có việc gì lo âu thì lại càng uống nhiều, thường uống liền một lúc mười mấy chung. Nhan Bách Ba luôn luôn cầm đũa khuyên mời. Tuy hai người nói chuyện vui mà cũng toàn sách vở lời châu ngọc, khiến người nghe hết mệt mỏi.

Những chỗ dí dỏm khiến cho mọi người nghe phải mỉm cười, Nhan Bách Ba không thèm lý gì đến chuyện mọi người chú ý, tiếp nói chuyện với Du Hữu Lượng.

Trúc diệp thanh ở tỉnh Sơn tây là thứ rượu ngon nổi tiếng ở thiên hạ. Du Hữu Lượng bất giác đã uống đến mấy chục chung. Rượu uống càng vào nỗi lòng càng sầu muộn. Sau chàng cảm thấy hơi chếch choáng.

Nhan Bách Ba thấy mặt chàng từ màu trắng đổi ra màu xanh, bỗng nổi lòng yêu thương nghĩ thầm:

- Chàng họ Du đây chắc có tâm sự gì đau buồn. Nụ cười của y có vẻ miễn cưỡng, không hiểu vì nguyên nhân gì?

Nhưng gã không rảnh để mà suy nghĩ, vươn tay ra nắm lấy hồ rượu nói:

- Du huynh! Tiểu đệ có lời chí tình muốn nói, mong huynh đài đừng trách!

Du Hữu Lượng rượu đã ngà ngà liền hỏi:

- Tại hạ cùng huynh đài tuy mới sơ giao nhưng đã ý hợp tâm đầu cần chi phải ngại ngùng?

Nhan Bách Ba mừng thầm khẽ nói:

- Uống rượu nhiều hại đến sức khỏe, tiểu đệ xem chừng tửu lượng của Du huynh cũng có hạn. Huynh đài mượn rượu để giải sầu mà sầu vẫn không tiêu tan, tưởng không nên uống nữa là hơn!

Du Hữu Lượng nói:

- Nhan huynh nói phải lắm. Tiểu đệ uống một chung nữa rồi ăn cơm.

Nhan Bách Ba lộ vẻ ngây thơ nói:

- Huynh đài uống thêm một vài chén nữa cũng không sao!

Hắn cầm hồ rót vào chén của Du chừng một nửa làm như chỉ thêm một chút nữa là có hại cho sức khỏe.

Du Hữu Lượng toan nâng chung lên, bỗng nghe đánh vù một tiếng, một vật rớt vào chung rượu. Chàng nhìn kỹ lại thì đó là một con ruồi.

Nhan Bách Ba nói:

- Du huynh! Phát tài rồi! Chung rượu này để thưởng cho nó!

Gã dứt lời cầm lấy chung rượu dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp lấy con ruồi. Cả chung rượu cũng xoay tít đi rồi rớt ra theo bốc vù vù vọt đến cái bàn ở góc tường.

Lại nghe đánh chát một tiếng, cái chung sứ vỡ tan tành, mảnh bắn tung tóe.

Bỗng nghe một âm thanh hùng hồn cất lên:

- Hảo công phu!

Lại vù một tiếng. Những mảnh chung vỡ bay tới tấp bay lên nóc nhà rồi nằm trên xà nhà.

Mọi người thấy công phu thượng thặng này bất giác nổi tiếng hoan hô nhiệt liệt.

Du Hữu Lượng khẽ hỏi:

- Chắc là vị cô nương ở Hoa sơn nghịch ngợm lại hý lộng quỷ thần phải không?

Nhan Bách Ba hậm hực đáp:

- Chứ còn ai nữa?

Gã nghĩ tới Du Hữu Lượng ngồi xoay lưng về phía Hoa sơn ngũ hiệp thì trong lòng ngấm ngầm bội phục khen thầm:

- Anh chàng họ Du này thật là người tinh tế. Y thấy mình liệng chung rượu về phương đó, liền kéo hai việc đó vào làm một. Thực ra y không ngoảnh đầu lại.

Người phóng chưởng đánh bể chung rượu đang quay lại chính là lão đại trong Hoa sơn ngũ hiệp.

Nhan Bách Ba nói:

- Chúng ta chịu đựng đã đủ rồi. Huynh đài là kẻ sĩ cao minh thử nghĩ coi đi đua hơi với một người con gái lạ mặt là không giữ địa vị phải chăng?

Du Hữu Lượng mỉm cười không nói gì bụng bảo dạ:

- Người đã nói lời châm biếm thì cô gái tinh quái kia có khi nào chịu cam tâm? Muốn ra đi e rằng không phải là chuyện dễ dàng!

Nhưng thật sự đã ra ngoài sự tiên liệu của chàng. Thiếu nữ chỉ hằng dắng một tiếng chứ không hành động gì. Hai người toan ra đi thì đột nhiên lão già lối tuổi tiến lại miệng không ngớt gọi:

- Du lão sư! Trương đà chúa! Ha ha! Cả Viên đại hiệp cũng đến đây. Thật là quần anh tập hợp, đáng là thịnh sự trong thiên hạ.

Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:

- Ái chà! Cả năm vị đại gia ở Hoa sơn cũng hiện diện. Thật là một cơ hội hiếm có. Còn Thiệu ngũ hiệp người ta đồn có tấm dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường nay lão cũng được thừa nhan.

Thiếu nữ nghe lão tán dương dung nhan mình thì mừng thầm trong bụng. Gã toan mắng một câu khôi hài, nhưng không hiểu nghĩ sao lại thôi.

Từ lúc có lão này tới, bầu không khí trong trở nên náo nhiệt. Dường như mọi người trên tửu lâu đều biết lão. Nhờ lão giới thiệu mà bao nhiêu hảo hán không biết nhau chỉ nghe danh nay mới rõ mặt.

Cuộc hàn huyên trở nên nhiệt liệt. Mọi người nhận ra đại hán phóng chưởng cách không đánh bể chung là Đỗ đại hiệp ở phái Hoa sơn đã lừng danh khắp thiên hạ. Còn thiếu nữ diễm lệ kia là nữ đệ tử duy nhất của phái đó. Ai cũng nhìn vào cô.

Lão này là Đông chủ ở Đông võ tiêu cục tại Quan Trung. Lão giao du khắp thiên hạ và là người khẳng khái sẵn lòng trượng nghĩa khinh tài. Đối với bạn lão vung tiền như cỏ rác nên được cả hai phe hắc bạch cùng chú trọng. Tiêu kỳ của lão đến đâu là ai cũng muốn kết giao, nên lão có phân cục khắp mọi nơi. Đúng là tiêu cục lớn nhất nước.

Chẳng những lão giao thiệp rộng mà võ công cũng không phải tầm thường.

Huyền công, đao pháp của lão là võ lâm nhất tuyệt ở Quang Trung. Lão vỗ tay kêu chủ tiệm đến nói:

- Bữa rượu hôm nay của các vị bằng hữu ở đây cứ tính vào ta.

Mọi người đều là hảo hán, chẳng ai khước từ ngỏ lời cảm tạ ơn rồi lại uống cho bằng thích.

Nhan Bách Ba mỉm cười khẽ bảo Du Hữu Lượng:

- Chạm trán lão này là vận hên rồi. Từ đây xuống Trường An tiền ăn uống không phải trả nữa.

Gã chưa dứt lời bỗng từ đằng xa có hồi còi ú ú vang lại. Sau một lúc bốn mặt đều có tiếng hưởng ứng rồi chuyển về tửu lâu. Tiếng còi nghe rất gắt gỏng, tựa hồ quỷ khốc thần gào. Tửu lâu đang náo nhiệt bỗng nhiên im lặng như tờ. Mọi người đều biến sắc. Trong đám này có một hán tử đứng lên nói:

- Tại hạ còn có một việc gấp xin cáo từ trước.

Mọi người vẻ mặt hoang mang đều nảy ra ý nghĩ rút lui nhưng họ đều là hảo hán có tiếng tăm nên không dám nói. Bây giờ bỗng nhiên lão đại trong Mạnh gia bảo ở Sơn tây cáo từ ra đi. Chẳng ai bảo ai mà mọi người đều cáo lỗi xin đi tựa hồ như gặp cướp, chạy sớm bước nào hay bước ấy để tránh khỏi vạ lớn tày đình sắp xảy đến cho mình.

Tiếng còi bỗng dừng lại, xa xa có thanh âm vọng đến tửu lầu:

- Thiên hạ võ lâm bách độc chí tôn! Thiên hạ võ lâm bách độc chí tôn!

Thanh âm rất xa ít nhất là ở ngoài mấy dặm. Lúc này tòa tửu lâu rộng lớn như vậy mà chỉ còn lão đại trong Hoa sơn ngũ hiệp và cô tiểu sư muội, Nhan Bách Ba và Du Hữu Lượng cùng đông chủ Võ đức tiêu cục ở Quang trung là Huyền huyền đao Lâm Bách Nhượng.

Lâm Bách Nhượng đầy vẻ lo lắng nói:

- Ngũ đại hiệp! Chuyến này chúng ta đi dự đại hội Trường An chẳng những đoàn kết võ lâm thiên hạ để đối phó với tai nạn của quốc gia mà còn bàn việc đối phó với hạng người giết hại kẻ vô tội trên trốn giang hồ, tỷ như bọn Bách Độc Giáo vô cùng khủng khiếp. Hiện giờ chưa đến lúc, chúng ta chẳng nên tranh cường hiếu thắng với họ.

Đỗ đại hiệp lắc đầu bảo:

- Lâm lão! Đỗ Nguyên Xung này suốt đời chẳng chịu sợ ai thì dù không thể vì bọn hung tàn này mà phá lệ đó!

Lâm Bách Nhượng vội nói:

- Đỗ lão hiệp! Về võ công đại hiệp không thua gì bọn họ. Nhưng Bách Độc Giáo hai người bằng trăm phương ngàn kế, khó mà đề phòng cho xiết được!

Đỗ đại hiệp xua tay ngăn lại không để lão nói thêm.

Lâm Bách Nhượng buông tiếng thở dài bước nhẹ xuống lầu, Đỗ đại hiệp nghiêm giọng bảo sư muội:

- Ngũ muội! Ngũ muội hãy nghe lời ta rời khỏi đây trước, cùng ba vị sư huynh đi ngày đêm xuống Trường An!

Cô tiểu sư muội sững sờ chưa kịp nói gì thì Đỗ đại hiệp nói tiếp:

- Sư muội chưa biết Bách Độc Giáo ghê gớm lắm! Họ giết người chẳng từ một ai. Tiểu huynh không làm gì được thì tiểu muội ở lại cũng bằng vô ích. Ngũ muội ơi, ngũ muội hãy nghe ta câu này mà đi cho lẹ đừng nói gì nữa.

Miệng hắn giục giã, mục quang lộ vẻ quyết liệt. Cô tiểu sư muội ngày thường rất bướng bỉnh, nhưng lúc này cô thấy đại sư ca nói bằng giọng tha thiết thì lòng cô se lại. Vành mắt đỏ hoe cô dịu dàng nói:

- Đỗ đại ca! Lâm tiêu đầu nói phải, bọn chúng người nhiều thế lớn, chúng ta không nên liều mạng với họ!

Đỗ đại hiệp trầm giọng nói:

- Oai danh phái Hoa sơn mấy chục năm trời há để tiêu diệt về tay ta? Ngũ muội mà không nghe lời ta thì coi ta không phải là đại sư ca nữa!

Thiếu nữ thấy đại ca nặng lời thì liền òa lên khóc nói:

- Ca ca ơi! Tiểu muội không phải là người của Hoa sơn hay sao mà một mình ca ca ở lại không cho tiểu muội theo bên cạnh?

Đỗ đại hiệp ngưng thần ngó tiểu sư muội thấy nàng buồn rầu ủ rũ đáng thương mà vẻ mặt cô lại kiên quyết. Hắn đã biết là cô là người cố chấp, chẳng hy vọng gì khuyên giải được.

Bỗng cô đưa bàn tay nhỏ nhắn ra nắm lấy tay Đỗ đại hiệp vừa khóc vừa nói:

- Đỗ đại ca! đại ca không đi thì tiểu muội cũng không đi!

Đỗ đại hiệp cười ha hả nói:

- Sư muội ngoan quá. Trước nay sư muội không nghe lời của ta thì dĩ nhiên nay cũng không vì bọn tặc tử kia mà phá lệ.

Hắn khuyên cô sư muội không được rồi cũng thản nhiên quay lại nhìn hai gã thiếu niên còn đứng đó không muốn bỏ đi.

Bỗng thấy hai chàng nói chuyện nhỏ với nhau, Nhan Bách Ba khuyên Du Hữu Lượng tránh đi thì Du đáp:

- Nhan huynh! Chúng ta cùng ăn uống với nhau thì cùng chia sẻ hoạn nạn!

Tuy chàng chỉ nói hời hợt một câu mà tỏ ra ý chí khẳng khái, không lay chuyển được.

Đỗ đại hiệp không khỏi khen thầm lớn tiếng hô:

- Hai vị huynh đài! Chúng ta bèo nước gặp nhau, lúc này trở nên đồng hội đồng thuyền, yên nguy có nhau. Nếu bữa nay mà thoát nạn rồi thì đây tiểu đệ đặt tiệc trên núi Hoa sơn để mời hai vị quang lâm!

Nhan Bách Ba thấy hắn nói năng mau lẹ, bất giác cười rộ nói:

- Nếu bữa nay mà không thoát nạn thì trên đường bước xuống hoàng tuyền cũng quấy huynh đài một bữa!

Đỗ đại hiệp nói:

- Hay lắm!

Đột nhiên tiếng còi lại nổi lên và đã đến gần khiến mọi người càng kinh tâm động phách.

Nhan Bách Ba thấy Du Hữu Lượng sắc mặt biến đổi luôn luôn không nhịn được cất giọng ôn hòa nói:

- Du huynh đừng kinh hãi chi hết. Tiểu đệ tuy khó thắng họ nhưng tự bảo vệ thì có thừa.

Gã chưa dứt lời thì âm thanh âm trầm bên ngoài lại vang lên:

- Vừa rồi không đi thì bây giờ có muốn đi cũng không được nữa. Mấy thằng lỏi chẳng biết trời cao đất dày kia hãy để mạng lại đó.

Tuy thanh âm để trầm mà mọi người nghe không khỏi chấn động tinh thần.

Du Hữu Lượng từ trước vẫn trầm tĩnh, bây giờ bỗng quát lớn:

- Bậc đại trượng phu sống chẳng lấy gì làm vui thì chết cũng không có chi đáng tiếc. Chết còn chẳng sợ thì còn sợ gì hý lộng quỷ thần.

Đỗ đại hiệp cười ha hả. Tiếng cười như rồng gầm lấn át cả tiếng còi.

Hoa sơn nữ hiệp Thiệu Thiền cặp mắt đầy lệ ngơ ngẩn nhìn đại sư ca rồi lại ngó hai thiếu niên, nhưng nhìn Nhan Bách Ba nhiều hơn.

Tiếng cười vừa dứt, dưới tửu lâu có người nói tiếp:

- Sống không vui, chết không tiếc. Thật đáng mặt anh hùng.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-80)


<