Vay nóng Tima

Truyện:Hiệp cốt đan tâm - Hồi 17

Hiệp cốt đan tâm
Trọn bộ 52 hồi
Hồi 17: Nghiêng Nước Nghiêng Thành Khó Gặp Mặt Vui Sơn Vui Thủy Dễ Quên Về
5.00
(một lượt)


Hồi (1-52)

Siêu sale Lazada

Kim Trục Lưu đánh ngã hán tử ấy, hai chân chàng kẹp mạnh, thớt ngựa phóng tới như bay. Lúc đầu Cao Đại Thành còn tưởng Kim Trục Lưu là người trong chốn hắc đạo như y, cũng đuổi theo thiếu nữ này, cho nên tuy biết ở phía sau có một người nhưng cũng không để ý, lúc này thấy hán tử ở trước mặt ngã ngựa dù mới thất kinh, vội vàng quay đầu lại.

Kim Trục Lưu quát: "Hay lắm, các người đã quen thói giặc cướp, lại dám bắt nạt phụ nữ!" Rồi thúc ngựa lên giơ tảng huyền thiết đánh xuống. Cao Đại Thành giở cao cây lang nha bổng lên đỡ, keng một tiếng, cây lang nha bổng bị gãy làm đôi, con hổ khẩu của Cao Đại Thành thì tươm máu, y hoảng sợ đến nỗi hồn bay phách tán, vội vàng quay đầu ngựa bỏ chạy.

Đỗ Đại Nghiệp múa tít đôi song câu đâm tới. Kim Trục Lưu quát: "Ngươi cũng chẳng phải là thứ tốt lành gì, cút đi!" Rồi chàng giật cương ngựa, thớt ngựa phóng vọt tới mấy trượng, Kim Trục Lưa đâm soạt tới một kiếm, Đỗ Đại Nghiệp nằm rạp người xuống yên ngựa, đôi song câu thủ ở trên đầu, kiếm quang lướt qua, đôi câu đã bị chặt đứt, vai đã bị vạch một đường kiếm, may mà vẫn chưa trúng vào đầu.

Phong Diệu Thường vừa kinh vừa mừng, kêu lên: "Ngươi... ngươi chẳng phải là tên..." Lần trước khi Kim Trục Lưu đến nhà Phong Diệu Thường, chàng đã giả thành tên ăn mày, nhưng lúc này lại xuất hiện trước mắt nàng với dáng vẻ của một chàng công tử sang trọng, cho nên Phong Diệu Thường vừa mới nói đến chữa "tên" thì đã ngừng lại.

Kim Trục Lưa đáp: "Đúng thế, ta chính là tên ăn mày đi cùng Tần Nguyên Hạo. Tại sao bọn chúng đuổi theo cô nương?"

Phong Diệu Thường nói vội: "Tôi cũng không biết. Đám hỏi tôn tính dại danhcủa ân công?"

Kim Trục Lưa nói: "Ta họ Kim, tên Trục Lưu".

Dứt lời thì nhấc bổng tên hán tử lên, vỗ một chưởng vào lưng y rồi quát hỏi: "Tại sao các người bắt nạt Phong cô nương, nói!"

Hán tử ấy nghe đến chữ "Phong" thì mặt lộ vẻ mừng rỡ, nói: "Phong cô nương, đại đanh của lệnh tôn có phải là Tử Siêu hay không?"

Phong Diệu Thường nhíu mày: "Ngươi quen biết cha ta, ngày trước ngươi làm gì?"

Hán tử ấy cười ha hả: "Đúng là nước lụt cuốn sập miếu long vương, người nhà mà không nhận ra nhau. Tôi và cha của cô nương là bằng hữu cũ, ngày trước khi ông ta làm đại nội thị vệ, khi tôi làm ăn không vốn ở chốn Dự Bắc, được ông ta chiếu cố, chưa bao giờ thất thủ. Nay tôi đã nhận ra kiếm pháp của cô nương, quả nhiên là con gái của ông ta". Té ra người này ngày trước là một đại đạo độc cước, Phong Tử Siêu là chỗ dựa của y, những thứ y cướp được đều phải chia một nửa cho Phong Tử Siêu, Phong Tử Siêu lại dùng tiền đó mua chuộc quan phủ cho y, cho nên bản lĩnh của y tuy không cao lắm nhưng lại hoành hành ngang ngược chưa bao giờ bị bắt.

Người này tưởng Kim Trục Lưu cũng có quan hệ với Phong Tử Siêu, cho nên vội vàng làm thân. Nào ngờ Kim Trục Lưu trợn mắt, quát: "Đừng nói nhiều, các người đuổi theo nàng rốt cuộc là vì chuyện gì?"

Người ấy đáp: "Đây chỉ là hiểu nhầm, hiểu nhầm! Có mấy đà chủ của vài bang hội đem lễ vật lên kinh tặng cho Tát tổng quản, không ngờ trên đường đều bị một phụnữ cướp mất. Ả này xuất quỷ nhập thần, không ai gặp mặt ả, cho nên bang chủ Thanh Long bang Cao Đại Thành mới phát thiệp lục lâm, mời bằng hữu đồng đạo giúp đỡ, điều tra tung tích của người đàn bà này. Hễ những nữ tử giang hồ đáng ngờ đều không bỏ qua, cho nên..."

Phong Diệu Thường kêu lên: "Ồ, té ra các người tưởng ta là người đàn bà ấy!"

Cao Đại Thành nói: "Tát tổng quản là lão thượng ti của lệnh tôn, điệt nữ làm sao cướp lễ vật của ông ta. Chỉ trách là bọn ta nhìn nhầm cho nên mới đuổi theo điệt nữ". Phong Diệu Thường cười lạnh: "Ta chỉ tiếc mình không có bản lĩnh như người ấy, nếu không ta cũng sẽ cướp".

Hán tử ấy thất kinh, không ngờ Phong Điệu Thưa nó lại ăn nói như thế. Trong nhất thời không biết nói gì mới phải.

Kim Trục Lưu hỏi: "Lục Hợp bang có nhận được thiệp lục lâm không?" Hán tử ấy nghe Kim Trục Lưu hỏi thì nghĩ chàng là kẻ già dặn giang hồ, thế rồi mới vội vàng trả lời: "Lục Hợp bang là bang hội lớn nhất trong giang hồ, Cao Đại Thành làm sao có thể tùy tiện sai một người phát thiệp lục lâm cho Sử bang chủ? Nhưng Tứ đại hương chủ của Lục Hợp bang lại rất trọng nghĩa khí giang hồ, khi biết chuyện này thì đều ra tay giúp đỡ. Cao Đại Thành chính vì sự việc gấp gáp, không kịp hỏi ý Sử bang chủ cho nên cũng rất lo lắng, y lo Sử bang chủ sẽ hỏi tội vì đã tự tiện phát thiệp lục lâm, nay chắc không còn lo lắng gì nữa". Người này thấy Kim Trục Lưu hỏi kỹ, chỉ tưởng rằng chàng ít nhiều có mối quan hệ với Lục Hợp bang cho nên không ngần ngại trả lời.

Kim Trục Lưu hỏi: "Tứ đại bang chủ cũng đuổi bắt nữ tử ấy, chả lẽ họ không sợ tý nào hay sao?"

Hán tử này ngẩn người, nhủ thầm: "Hình như tiểu tử này biết rất nhiều chuyện, chắc chắn là có quan hệ với Lục Hợp bang". Vì thế nói: "Khi bốn đại hương chủ hứa rút đao tương trợ đều đưa ra một điều kiện, đó là chỉ được bắt sống chứ không đả thương nữ tử ấy. Chúng tôi cũng không biết là cớ gì. Kim công tử hỏi như thế chắc là biết lý do bên trong"

Kim Trục Lưu nói: "Ta đương nhiên biết nhưng không nói cho người!" Hán tử ấy lúng túng, vội vàng cười cầu tài: "Đúng, đúng. Tiểu nhân nào xứng biết chuyện của Lục Hợp bang. Kim công tử còn hỏi gì nữa, tiểu nhân có thể đi được chưa?"

Kim Trục Lưu lắc đầu: "Không được?"

Hán tử ấy thất kinh: "Mong Kim công tử nể mặt Phong Tử Siêu và Lục Hợp bang, chúng ta dầu sao cũng là người cùng phe!"

Kim Trục Lưu nói: "Ta nể mặt Phong Tử Siêu và Sử Bạch Đô cho nên mới thường cho ngươi hai cái tát!" Hán tử ấy cả kinh thất sắc, chưa kịp nói tiếng nào thì đã bị Kim Trục Lưu vỗ hai bạt tai vào mặt.

Kim Trục Lưu cười nói: "Tội chết có thể miễn, nhưng tôi sống khó tha. Ngươi hãy ngoan ngoãn nằm ở đây, mười hai canh giờ sau huyệt đạo sẽ tự giải". Hán tử ấy bị Kim Trục Lưu điểm huyệt nên đã ngất xỉu.

Phong Diệu Thường bảo: "Kim đại hiệp, huynh đã phế võ công của y rồi sao?"

Kim Trục Lưu nói: "Đúng thế. Xương tỳ bà của y đã bị ta bóp nát, từ rày về sau không thể làm chuyện ác được nữa. Con ngựa của y cũng là loại ngựa quý, cô nương hãy lấy ngựa của y mà đi".

Con ngựa đang gặm cỏ trên sườn dồi, Kim Trục Lưu định chạy lên dắt nó xuống, chợt nghe tiếng vó ngựa lọc cọc, trên đường lại xuất hiện hai thớt ngựa. Hai người này chính là Viên Hải và Tiêu Lỗi.

Từ xa Viên Hải đã thấy Phong Diệu Thường, kêu ồ một tiếng bật kêu: "Ả này không phải là Sử tiểu thư của chúng ta, hình như các ngươi đã đuổi nhầm người!" Tiêu Lỗi hậm hực: "Cao bang chủ và Đỗ Đại Nghiệp chạy đi đâu rồi?"

Viên Hải là một hòa thượng tham hoa háo sắc, thấy Phong Diệu Thường xinh đẹp nảy lòng tham: "Mặc kệ ả này là ai, bắt ả rồi hãy tính tiếp". Hai mắt của y cứ nhìn chằm chằm vào Phong Diệu Thường, lúc này Tiêu Lỗi đã phát hiện Kim Trục Lưu đang đứng trên sườn đồi.

Tiêu Lỗi cả kinh: "Không xong!" Viên Hải vẫn chưa biết sống chết hỏi: "Chuyện gì không xong?" Tiêu Lỗi vội vàng: "Ông xem kìa, hình như tên tiểu tử họ Kim!"

Kim Trục Lưu cười ha hả quay đầu lại: "Các người đã nhận ra tên ăn mày này rồi Cao Đại Thành, Đỗ Đại Nghiệp đều là hạng giá áo túi cơm, vừa đánh đã chạy, ta vẫn chưa hết ngứa tay, các người đến thật đúng lúc!"

Khi Kim Trục Lưa quay lưng lại, chàng đã nhặt mười mấy viên sỏi, khi đang nói thì đã ném sỏi tới như mưa.

Viên Hải, Tiêu Lỗi được xếp vào hàng Tứ đại hương chủ, nhưng võ công kém hơn hai người kia rất xa, bọn họ đã từng bị Kim Trục Lưa đánh bại, lúc này chợt gặp chàng thì làm sao dám giao thủ.

May mà Tiêu Lỗi đã thấy Kim Trục Lưu trước cho nên quay đầu ngựa, Kim Trục Lưu xoay người lại thì y đã vỗ ngựa bỏ chạy, không bị trúng đá. Viên Hải thì xui xẻo hơn, y chạy đến cách Phong Diệu Thường khoảng mười trượng mới thấy Kim Trục Lưu. Kim Trục Lưu ném đá tới, Viên Hải giơ thanh giới đao phòng thân, nhưng đầu vẫn bị trúng một viên đá đến nỗi máu tuôn đầm đìa. Viên Hải phóng ngựa bỏ chạy, miệng quát lớn: "Hảo tiểu tử, có gan hãy đuổi theo?" Y muốn đó Kim Trục Lưu đến chỗ Đổng Thập Tam nương và Thanh Phù, nhưng lại không biết rằng hai kẻ này vừa mới thua trong tay Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu cười lớn: "Đổng Thập Tam nương đang đợi đại hòa thượng nhàngươi đổ nước rửa chân cho mụ, ta không có hứng chiều theo".

Tiêu Lỗi không muốn chọc giận Kim Trục Lưu, thấy Kim Trục Lưu không đuổi theo thì yên dạ, khen: "Tên tiểu tử này thật phong lưu!"

Viên Hải hừ một tiếng: "Tên tiểu tử thối này thật đáng ghét, vừa mới lừa muội muội của bang chủ chúng ta, nay lại đi theo ả này. Nếu để bang chủ biết tức chết đi được!"

Tiêu Lỗi nói: "Ta chỉ sợ bang chủ không biết chuyện này, nếu biết thì ngược lại. Theo ta thấy, bang chủ đương nhiên rất tức giận, nhưng chắc cũng ngầm thích y!"

Viên Hải vị lẽ ra, miệng nói: "Đúng thế! Nếu chúng ta báo với bang chủ thì sẽ lập được công lớn!"

Kim Trục Lưu dắt ngựa xuống giao cho Phong Diệu Thường. Phong Diệu Thường hỏi: "Kim đại hiệp, ngài đi đâu?" Kim Trục Lưu cười hỏi: "Cô nương có nhớ đến Tần Nguyên Hạo không?" Phong Diệu Thường đỏ mặt: "Kim đại hiệp đừng đùa nhảm".

Kim Trục Lưu nghiêm nghị: "Không. Ta tuy thích nói đùa nhưng lần này thì không. Cô nương phải nể mặt ta mới phải!"

Phong Diệu Thường ngạc nhiên bất giác hỏi: "Ân công, ngài đã cứu mạng tôi, có gì thì cứ sai khiến, sao lại khách sáo như thế?"

Kim Trục Lưu lúc này mới cười ha hả: "Được, nếu cô nương đã nói như thế thì phải nghe tôi. Tuy tôi chưa hỏi ý cô nương, nhưng tôi nghĩ cô nương đã chấp nhận". Phong Diệu Thường nghi ngại trong lòng, hỏi: "Rốt cuộc là vì chuyện gì?" Kim Trục Lưu đáp: "Ta sẽ làm mai cho cô nương. Cha cô nương đã chấp nhận, chỉ cần cô nương chịu lấy Tần Nguyên Hạo thì sẽ không ai buộc cô nương lấy người khác nữa!"

Phong Diệu Thường đỏ ửng mặt, Kim Trục Lưu hỏi tới: "Này, cô nương có chịu hay không?" Phong Diệu Thường thỏ thẻ hỏi: "Ân công đã gặp cha tôi ở đâu?" Kim Trục Lưu cười: "Tốt lắm, cô nương đã không phản đối tức là đã đồng ý. Cha của cô nương cũng đi trên con đường này, nếu chạy ngược lại chắc chắn sẽ gặp ông ta". Rồi chàng mới kể lại chuyện mình đã làm ông mai như thế nào.

Phong Diệu Thường đỏ ửng mặt, vừa thẹn vừa vui, lòng nhủ thầm: "Cha bị y dọa một trận, nếu từ nay có thể cải tà quy chính thì thật là chuyện tốt. Cha tuy đã hứa nhưng Tần Nguyên Hạo là đệ tử của danh môn chính phái, không biết trưởng bối của chàng có chấp nhận hay không?"

Hình như Kim Trục Lưu biết tâm sự của nàng bèn mới cười đùa: "Sư phụ của Tần Nguyên Hạo là vãn bối của tôi, tôi đã làm mai thì ông ta phải gật đầu, cô nương hãy yên tâm".

Phong Diệu Thường thẹn thùng: "Ân công đừng đùa mãi thế".

Kim Trục Lưu nghiêm mặt: "Không đúng, không đúng, sao cô nương gọi tôi là ân công? Sư phụ của Nguyên Hạo tuy là vãn bối của tôi, nhưng tôi và Tần Nguyên Hạo là bằng vai phải lứa với nhau, sao gọi là ân công với đại hiệp, gọi như thế chẳng phải quá xa cách hay sao. Cô nương đã đồng ý mối duyên này, vậy đã là đệ muội của tôi, cô nương phải gọi tôi là đại ca mới phải!" Nói xong thì cười ha hả.

Phong Diệu Thường đang nhảy lên lưng ngựa, nàng cúi đầu không biết nói gì mới phải. Kim Trục Lưu: "Cha của cô nương quen biết với những kẻ này, khi cô nương gặp ông ta không cần sợ bọn họ làm khó nữa. Nhưng tôi muốn cô nương hãy khuyên ông ta chi bằng hãy quay trở về núi Tồ Lai thì hơn, đừng lên kinh tìm kiếm lợi lộc nữa". Kim Trục Lưu lúc nãy vừa nói đùa, nhưng giờ đây lại nói chuyện rất nghiêm túc, khiến cho Phong Diệu Thường giở cười giở khóc, lòng không thể không cảm kích chàng.

Phong Diệu Thường vái dài: "Kim đại ca, suốt đời này muội rất cảm kích hảo ý của đại ca đối với cha con muội, muội sẽ khuyên người nghe lời đại ca".

Kim Trục Lưu: "Muội lại khách sáo. Được chúng ta ai hãy đi đường nấy. Khi muội và Tần Nguyên Hao thành thân, ta sẽ uống rượu mừng".

Kiên Trục Lưu vừa làm một chuyện đắc ý, chàng cười ha hả rồi tiếp tục phóng ngựa đi.

Trên suốt quãng đường Kim Trục Lưu cứ dò hỏi tin tức của Sử Hồng Anh. Nhưng cho đến ngày chàng tới Đạt Đô Môn vẫn không tìm ra manh mối. Kim Trục Lưu thầm nhủ: "Người cướp lễ vật tặng cho Tát Phúc Đỉnh chẳng phải Sử Hồng Anh thì là ai? Chắc chắn nàng cũng sẽ đến xem náo nhiệt, mình vào kinh rồi tìm nàng".

Khi Kim Trục Lưu vào đến Bắc Kinh thì còn bốn ngày nữa mới đến lễ mừng thọ của Tát Phúc Đỉnh. Kim Trục Lưu thầm nhủ: "Mình lần đầu tiên vào kinh, cao thủ ở đây nhiều như mây, tuy mình không sợ gì cả nhưng cẩn thận một chút vẫn hay hơn, tai mắt của Lục Hợp bang rất nhiều, mình dùng ngựa của Sử Bạch Đô, nếu ở lại khách sạn thì sẽ bị người ta phát giác, chi bằng cứ tìm đến nhà một vị tiền bối nào đó xin tátúc". Nhưng chàng suy đi tính lại cũng không biết nên đến nhà ai.

Bề trên của Kim Trục Lưu đều là chưởng môn các phái, vì phản Thanh phục Minh cho nên có người đã chết, có người quy ẩn, những người còn sống thì không thể sống ở kinh đô.

Cuối cùng Kim Trục Lưu mới nhớ ra một người, người này không có quan hệ với sư môn của chàng, nhưng lại có mối quan hệ gián tiếp. Đó chính là lão tiêu đầu Đới Quân, người trước kia đã mở Trấn Viễn tiêu cục.

Đới Quân là bằng hữu của Vũ Văn Lang, xưa kia hai người đã từng làm việc cho Chấn Nguyên tiêu cục. Mà Vũ Văn Hùng, sư điệt của chàng là con trai của Vũ Văn Lang. Mười ba năm trước, Vũ Văn Lang áp tiêu đến Liêu Đông thì bị đại đạo Uất Trì Đồng đánh cướp, bán cả gia sản mà không đủ bồi thường cho nên uất ức mà chết. Trấn Viễn tiêu cục cũng vì thế mà đóng cửa. May nhờ Đới Quân chăm sóc Vũ Văn Hùng mới may mắn thoát cảnh đói rét. Sau đó Vũ Văn Hùng trở thành đệ tử của Giang Hải Thiên, hóa giải mối oán thù này với Uất Trì Đồng, Uất Trì Đồng đã bồi thường lại tổn thất cho tiêu cục, Trấn Viễn tiêu cục mới được mở lại. Nhưng lần đó Uất Trì Đồng vào Bắc Kinh giải quyết chuyện này, bị phản đồ của Giang Hải Thiên là Diệp Lăng Phong bán đứng, nửa đường bị bắt tống vào thiên lao. Sau đó Giang Hải Thiên, Vũ Văn Hùng vào kinh mới cứu được Uất Trì Đồng ra khỏi thiên lao, trong lần cướp ngục này, Đới Quân cũng giúp đỡ rất nhiều. Kim Trục Lưu nhớ lại người này, lòng thầm nhủ: "Sư huynh đã từng nói người này đầy nhiệt huyết, không hổ là một bậc tiền bối. Vũ Văn Hùng cũng nhờ mình hỏi thăm ông ta, sao mình không đến quấy nhiễu ông ta, chắc ông ta sẽ không từ chối tiếp đãi mình".

Thế là Kim Trục Lưu lập tức đến tìm Đới Quân. Đến nhà Đới Quân thì chỉ thấy cửa lớn đóng kín, Kim Trục Lưu gõ mấy lần mới thấy một hán tử trung niên bước ra, người ấy thấy Kim Trục Lưu và con tuấn mã của chàng thì mặt lộ vẻ ngạc nhiên: "Ngài tìm ai?"

Kim Trục Lưu đưa vái thiếp rồi hỏi: "Tôi là sư thúc của Vũ Văn Hùng, xin hỏi Đới lão tiền bối có ở nhà hay không?"

Kim Trục Lưu tuổi còn nhỏ hơn Vũ Văn Hùng, người ấy nghe càng thất kinh, lòng nhủ thầm: "Sao Vũ Văn Hùng lại có một sư thúc?"

Kim Trục Lưu cười trấn an: "Ngươi không tin ta là sư thúc của Vũ Văn Hùng hay sao? Để ta vào nói với Đới lão tiền bối, ngươi sẽ hiểu ngay". Rồi nhủ thầm: "Đới lão tiền bối rất mến khách, sao gia nhân của y lại lạnh lùng với khách phương xa thế này, nhận được bái thiếp mà vẫn chưa mời mình vào? Đứng ở đây thì làm sao tiện nói chuyện?"

Chàng nghĩ chưa dứt thì người này chợt trả bái thiếp lại, lạnh nhạt: "Gia phụ đã mất từ sớm, quý khách từ xa đến bái phỏng, tại hạ xin thay tiên phụ bái tạ. Tại hạ không dám nhận bái thiếp này". Thế rồi vái dài, tỏ ra ý đuổi khách.

Kim Trục Lưu cả kinh: "Đới lão tiền bối chết từ khi nào?"

Háu tử đáp: "Gia phụ qua đời chỉ mới hơn một tháng".

Kim Trục Lưu: "Tôi được Giang sư huynh nhờ đến đây thăm lệnh tôn, Vũ Văn sư điệt cũng đã nhờ tôi thăm hỏi lệnh tôn. Không ngờ người đã qua đời. Xin cho tôi đến trước linh tiền hành lễ thay cho sư huynh và sư điệt".

Kim Trục Lưu nhắc đến tên Giang Hải Thiên, hán tử ấy thầm nhủ: "Mặc y là thật hay giả, nay y đã thay Giang đại hiệp hành lễ, mình thật khó từ chối". Thế rồi chỉ đành mời Kim Trục Lưu vào rồi nghĩ thầm: "Đành phải mạo hiểm vậy, sau này sẽ tìm hiểu lai lịch của y".

Kim Trục Lưu bước vào đến linh đường, thấy quả nhiên có một tấm bài vị mới, trên có đề mấy chữ "Đới công Thả Chi bài vị". "Thả Chi" là tinh tự của Đới Quân, Kim Trục Lưu thầm nhủ: "Mình đến không hợp lúc tý nào, tưởng rằng có thể tìm một nơi ở, ai ngờ lại đến bái bài vị của ông ta".

Hán tử đứng một bên đáp lễ, sau khi Kim Trục Lưu hành lễ, y vẫn đứng ở đấy mà không đổi hướng, mặt nhìn ra cửa, tỏ ý như muốn tiễn khách. Kim Trục Lưu không màng đến y, ngồi tót lên ghế.

Hán tử ấy đành ngồi xuống nói chuyện với Kim Trục Lưu. Đôi bên hỏi tên nhau, Kim Trục Lưu mới biết y tên là Đới Mạc, là con trai trường của Đới Quân, y còn có một người em tên là Đới Thái, hiện không có ở nhà.

Kim Trục Lưu không đợi y hỏi, tự động cho biết lai lịch của mình. Đới Mạc nghe chàng bảo là con của Kim Thế Di, trong lòng thầm nhủ: "Kim đại hiệp đã ra hải đảo, hai mươi năm nay chẳng có chút tin tức gì, không ai biết ông ta có con hay không. Không biết kẻ này thật hay giả mạo?"

Đới Mạc lại hỏi chuyện của Giang Hải Thiên và Vũ Văn Hùng, nhưng chàng chỉ biết được một số chuyện, bởi vì chỉ ở nhà Giang Hải Thiên một ngày.

Đới Mạc đương nhiên cảm thấy nghi ngờ, Kim Trục Lưu cũng hơi kỳ lạ, lòng thầm nhủ: "Cha của y đã chết, tại sao y chẳng có vẻ gì đau buồn? Theo lý, có khách đến thăm, hiếu tử phải nói về cái chết của chủ mình mới phải, nhưng y lại cố tra vấn khách, tuy bảo người trong giang hồ không màng đến lễ tục, nhưng như thế cũng thật là thất lễ".

Khi họ đang ngồi với nhau, phía sau linh đường có tiếng bước chân, tiếng bước chân rất nhỏ, Kim Trục Lưu vừa nghe thì biết người này có khinh công rất cao, y bước ra nhưng không muốn để cho khách phát giác. "Tại sao y lại âm thầm quan sátmình?" Kim Trục Lưu nghĩ thầm. Chàng càng nghĩ càng cảm thấy chuyện này có nội tình gì đây.

Kim Trục Lưu thấy chủ nhân không có ý giữ khách, lòng thầm nhủ: "Đới Quân là người nhiệt tình, con trai của ông ta chẳng giống cha tí nào, đành thôi vậy, y đã không giữ khách, mình còn ở đây làm gì?" Thế rồi đứng dậy cáo từ.

Đới Mạc vội nói: "Kim huynh hãy ngồi đợi một lát". Rồi vào hậu đường, một lát sau thì cùng một lão bộc bước ra, lão bộc bưng một cái mâm, trong mâm có một nén bạc nặng năm mươi lượng.

Đới Mạc nói: "Kim huynh từ xa đến đây, chúng tôi không có gì đáp đền, ở đây có một chút lễ, mong Kim huynh hãy nhận lấy".

Kim Trục Lưu cả giận trong lòng: "Sao lại có lẽ này, y đã coi mình là kẻ dậu đổ bìm leo". Rồi lẳng lặng cầm đỉnh bạc ấy, cười ha hả: "Tiểu nhân tuy nghèo khổ nhưng cũng không đến nỗi phải nhờ vả người ta. Không dám nhận lễ vật của tôn phủ". Nói xong thì đặt đỉnh bạc xuống, hai đầu đỉnh bạc vốn vểnh lên, những chàng dùng lực bóp đã bẹp hẳn xuống.

Lão bộc lại cầm đỉnh bạc lên, chậm rãi nói: "Kim công tử, ngài nổi giận thì không sao, nhưng lại khiến tôi cũng phải phí sức. Nếu không sửa lại đỉnh bạc này thì không dùng được!" Khi nói vừa hai tay đã kéo hai đầu đỉnh bạc lên bóp nhẹ, chỉ trong chốc lát đỉnh bạc đã nguyên vẹn. Bóp cho đỉnh bạc bẹp ra là chuyện dễ dàng, nhưng khôi phục nguyên dạng thì khó hơn, rõ ràng là công lực của lão bộc ấy hơn hẳn Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu vốn muốn đi, nhưng chợt thấy lão bộc thi triển công phu, bất giác cả kinh, vội vàng ngừng bước cung tay: "Dám hỏi tôn tính đại danh của lão anh hùng?" Lúc này Kim Trục Lưu mới biết ông ta không phải là một lão bộc bình thường.

Ông già ấy không trả lời mà đưa tay ra: "Kim thiếu hiệp, hôm nay lão hủ gặp được thiếu hiệp quả thật rất vui mừng". Kim Trục Lưu biết ông ta có ý thử công phu của mình, nên âm thầm giới bị nắm lấy tay ông ta.

Không ngờ ông già chỉ nắm tay bình thường chứ không phát nội lực. Nhưng khi nắm tay chàng, ngón tay ông ta lại sờ vào chiếc nhẫn ngọc trên tay Kim Trục Lưu. Chiếc nhẫn ngọc này được làm bằng loại hàn ngọc ở dưới biển, hôm nay Kim Trục Lưu đến thăm Đới Quân cho nên đeo vào.

Sờ vào thấy chiếc nhẫn ngọc mát rượi, ông già rút tay, cười ha hả: "Kim huynh quả nhiên là công tử của Kim đại hiệp, lão hủ chính là Đới Quân". Té ra Đới Quân tuy không phải là bằng hữu của Kim Thế Di, nhưng năm xưa Kim Thế Di và Mạnh Thần Thông tỉ võ bên ngoài Thiếu Lâm tự, ông ta cũng là một trong hàng ngàn võ lâm có mặt. Ông ta biết Kim Thế Di, nhưng Kim Thế Di không quen ông ta. Ông ta cũng biết Kim Thế Di đã lấy được ngọc cung và ngọc tiễn của Kiều Bắc Minh.

Kim Trục Lưu ngỡ ngàng, chợt hiểu ra rồi thầm nhủ: "Đúng thế, ở trong nhà này ngoại trừ Đới Quân thì còn ai có công lực như thế".

Đới Mạc vội vàng thỉnh tội, cười nhẹ: "Kim huynh, huynh đừng trách, chúng ta lần đầu tiên gặp nhau, tôi không thể không mời gia phụ thử huynh". Kim Trục Lưu mừng ra mặt, cũng cười: "Tôi chỉ là mạo muội đến đây, không biết lão tiền bối vẫn còn khỏe nhưng tại sao..."

Đới Quân cười nói: "Lão đệ không cần kiêng kị chữ chết, năm nay đã hơn sáu mươi, nhưng bộ xương già này coi như cũng còn cứng cáp, lần này ta giả chết chỉ là chuyện bất đắc dĩ nói ra thì dài, mời lão đệ hãy vào trong chúng ta sẽ nói tiếp".

Trong nội đường đã bày sẵn rượu thịt, Đới Quân mời Kim Trục Lưu ngồi vào chỗ rồi nói: "Lão đệ, đệ là sư thúc của Vũ Văn Hùng, coi như chúng ta là người một nhà. Đệ hãy ở lại đây. Nào! Cạn trước ba chén để tẩy trần cho đệ".

Kim Trục Lưu thầm nhủ: "Người này quả thật là hào sảng mến khách". Vì thế nói: "Thật không dám giấu, tôi đang định quấy nhiễu tiền bối". Dứt lời liền cười ha hả.

Đới Quân nói: "Nghe nói Vũ Văn Hùng đã thành hôn, lão đệ có uống chén rượu mừng của hắn không?" Kim Trục Lưu đáp: "Hôm ấy tôi đã kịp đến nơi, còn xảy ra một chuyện rắc rối". Rồi kể lại mọi chuyện ngày hôm ấy.

Đới Quân lại hỏi: "Tôi cũng rất nhớ Lâm Đạo Hiên và Lý Quang Hạ, chắc là bọn chúng đã lớn, nay có còn ở nhà họ Giang không?" Kim Trục Lưu nói: "Đúng thế, bọn họ đều đã lớn. Nhưng bây giờ thì không còn ở nhà họ Giang mà theo Thượng Quan Thái đến Tây Xương. Chuyện này cũng xảy ra trong ngày thành hôn của Vũ Văn Hùng". Đến khi Kim Trục Lưu kể hết nguồn cơn, Đới Quân không khỏi cười rằng: "Kim lão đệ, sư điệt của đệ đã thành thân, còn đệ thì sao?" Đới Mạc cười rằng: "Cha, cha định mai mối cho Kim thiếu hiệp đấy ư? Chỉ e Kim thiếu hiệp không cần cha phải lo lắng".

Kim Trục Lưu nhớ đến Sử Hồng Anh, mặt đỏ ửng: "Cha tôi bốn mươi tuổi mới thành thân, tôi chỉ mới hai mươi. À này, Vũ Văn Hùng cũng gửi thiệp mời cho lão tiền bối? Nhưng hôm ấy tiền bối không tới mọi người đều thất vọng".

Đới Quân đáp: "Ngày hôm ấy ta đang giả chết, người chết thì làm sao dự tiệc?"

Đới Quân uống một chén rượu rồi tiếp: "Chuyện này có liên quan đến ba người sư điệt của lão đệ. Năm xưa một tiêu đầu của Chấn Nguyên tiêu cục biết Vũ Văn Hùng đến Bắc Kinh, tiêu đầu ấy tên gọi Đinh Cố, Đinh Cố cấu kết với quan phủ, nhưng Vũ Văn Hùng lại không biết. Đinh Cố dụ hắn đến đình Đào Nhiên, phục binh đột nhiên xông ra, may mà ta cùng Lý Quang Hạ đến kịp, ta đã đánh chết Đinh Cố, mọi người mới có thể chạy được. Nhưng Lâm Đạo Hiên đã bị bọn chúng bắt ở khách sạn. Sau đó Giang đại hiệp cướp ngục, cứu Uất Trì Đồng, lúc đó cũng cứu luôn cả Lâm Đạo Hiên".

Kim Trục Lưu nói: "Tôi cũng nghe sư huynh nói chuyện này, nhưng không rõ bằng lão tiền bối".

Đới Quân lại nói tiếp: "Đinh Cố có một đứa con trai tên gọi là Đinh Bành, Đinh Bành chạy ra khỏi Bắc Kinh, sau này ta mới biết. Thực ra ta giết Đinh Cố cũng là bất đắc dĩ. Sau khi Đinh Bành chạy tới Bắc Kinh, đã gia nhập vào Lục Hợp bang, nghe nói bang chủ của Lục Hợp bang võ công rất cao cường. Đinh Bành chẳng qua chỉ là một tiểu đầu mục dưới trướng y. Tuy không được trọng dụng nhưng cũng được xem như là một thông tín của Sử Bạch Đô".

Kim Trục Lưu gật đầu: "Tôi biết Sử Bạch Đô. Mấy ngày trước tôi đã từng giao thủ Với y. Võ công của y quả thật rất cao cường, nhưng theo tôi thấy thì không hơn nổi Đới tiền bối".

Đới Quân: "Nếu như thế Kim lão đệ chắc là biết vài ngày nữa sẽ đến ngày lễ mừng thọ Tát Phúc Đỉnh".

Kim Trục Lưu nói: "Đúng thế. Tôi đã biết chuyện Sử Bạch Đô gửi quà mừng cho Tát Phúc Đỉnh".

Đới Quân: "Lần này các nhân vật quan trọng trong Lục Hợp bang đều theo y đến Bắc Kinh. Ta nghe tin phong thanh, Đinh Bành lên tiếng sẽ trả thù cho cha, có thể lần này cũng sẽ đến Bắc Kinh".

Kim Trục Lưu vở lẽ ra: "Ồ, té ra là tiền bối vì tránh thù người mới giả chết. Thật ra tiền bối không cần làm thế. Dẫu Đinh Bành có mời Sử Bạch Đô đến giúp y, chúng ta sẽ đầu với bọn chúng một trận!"

Đới Quân thở dài: "Ta nay đã già, có thắng được Sử Bạch Đô hay không là chuyện khác, nhưng ta đã không còn lòng tranh bá giang hồ nữa. Huống chi oán thù nên giải không nên kết, cần gì phải có xích mích với Lục Hợp bang. Vì thế ta mới nghĩ ra kế hạ sách này".

Kim Trục Lưu hỏi thêm: "Nếu bọn chúng không tin thì sao?"

Đới Quân đáp: "Khi ta nằm trên giường bệnh, có rất nhiều người đến thăm ta. Ngày đưa tang cũng thế. Nếu ta không tiết lộ, liệu ai có thể biết rằng ta giả vờ?"

Kim Trục Lưu chép miệng: "Lão tiền bối vì muốn yên chuyện, quả thật đã phí nhiều công sức".

Đới Quân gật đầu: "Chắc chắn Đinh Bành sẽ nhận được tin ta đã chết, có câu chết là hết chuyện, Đinh Bành thấy bài vị của ta thì có thể làm gì được ta nữa?"

Kim Trục Lưu hỏi nữa: "Nếu y không chịu ngừng lại, mà đòi trả thù Đới đại ca thì sao?"

Đới Quân: "Sử Bạch Đô là nhân vật có tiếng tăm trên giang hồ, y chỉ có thể giao thủ với tôi, chắc chắn sẽ không bắt nạt con trai của tôi". Kim Trục Lưu hỏi về Đinh Bành, Đới Quân lại trả lời Sử Bạch Đô, xem ra tựa như là đáp sai, nhưng thực sự đã giải nỗi lo trong lòng Kim Trục Lưu. Đới Quân biết bản lĩnh của con mình không kém, chỉ cần Sử Bạch Đô không ra tay, Đinh Bành cũng không dám khiêu chiến vớihọ.

Kim Trục Lưu cười nói: "Nếu cả Sử Bạch Đô cũng tới, tôi lại không có mặt ở đây, cho nên không thể để y thấy con ngựa này được". Đới Quân gật: "Tôi sẽ cẩn thận. Tôi sẽ gửi con ngựa này cho nhà họ Trương hàng xóm, họ không phải là người trong võ lâm, nhưng là bằng hữu mấy mươi năm nay của tôi. Kim lão đệ, lần này đệ vào kinh có chuyện gì? Kim Trục Lưu không muốn cha con Đới Quân lo lắng, đáp: "Cũng chẳng có chuyện gì, tôi chỉ muốn đến kinh đô chơi một chuyến mà thôi". Rồi nghĩ bụng: "Đợi qua lễ mừng thọ của Tát Phúc Đỉnh rồi nói cho họ biết cũng không muộn". Chàng chuẩn bị sẽ gây một trận lớn trong ngày hôm ấy.

Đới Mạc cười rằng: "Đáng tiếc tôi phải ở nhà canh linh đường, không thể đưa huynh đi chơi". Đới Quân: "May mà đệ chưa bao giờ đến Bắc Kinh, chắc không ai nhận ra đệ.

Nhưng cũng có không ít người trong võ lâm đến chúc thọ cho Tát Phúc Đỉnh. Kim lão đệ, bản lĩnh của đệ tuy cao cường nhưng cũng phải nên cẩn thận".

Kim Trục Lưu trả lời "vâng" một tiếng, nhưng hôm sau thì chàng đã một mình ra ngoài. Trong suốt ba ngày hôm sau chàng đã tham quan hết mọi cảnh đẹp ở Bắc Kinh. Đến ngày thứ tư liền nghĩ bụng: "Hôm nay là ngày lễ mừng thọ của Tát Phúc Đỉnh, lẽ ra trước tiên phải đi thăm Vạn lý trường thành mới phải. Nếu không ngày mai nếu xảy ra chuyện gì, nói không chừng sẽ bị người ta đánh chết hoặc bị thương, không thể đi thăm Vạn lý trường thành!" Vậy là mới sáng sớm tinh mơ chàng đã đến Cư Dung Quan.

Cư Dung Quan nằm trên dãy Bát Đạt cách kinh đô hơn một trăm dặm, Vạn lý trường thành nằm vắt ngang qua dãy Bát Đạt. Kim Trục Lưu sợ có người nhận ra thớt ngựa cho nên đi bộ. Sáng sớm trên đường ít người đi, Kim Trục Lưu thi triển khinh công tuyệt đỉnh, không đến hai canh giờ, mặt trời mọc không bao lâu thì chàng đã đến dãy Bát Đạt.

Vạn lý trường thành nằm kéo dài từ Gia Cốc Quan đến Sơn Hải Quan, khoảng một vạn hai ngàn dặm, còn Cư Dung Quan thì đi ngang qua Bát Đạt Lĩnh. Kim Trục Lưu leo lên đài canh gác trên núi, chỉ thấy Vạn lý trường thành vắt ngang qua các dãy núi tựa như một con rắn dài. Thành quan của Cư Dung Quan được xây đựng ở mặt bắc Nam Khẩu, hai bên là núi cao, ở giữa là một thung lũng nhỏ hẹp, trên đài canh cỏ dại hoa núi mọc um tùm, dập dờn tựa như sóng biếc, tạo thành một bức tranh đẹp đẽ. Đó là một trong Yên kinh bát cảnh, người ta thường gọi là Cư Dung điệp thúy.

Kim Trục Lưu du ngoạn một hồi, từ quan thành đi về phía tây, không bao lâu thì có một tòa thạch đài tên gọi Vân Đài, được xây dựng bằng Hán bạch ngọc, trên có khắc tượng của tứ đại thương vương, bức phù điêu tinh xảo đẹp đẽ, thần thái oai mãnh. Ở giữa các bức tượng của tứ đại thương vương có khắc những dòng kinh Phật bằng chữ Phạn, Tạng, Tây Hạ, Mông, Hán. Bên trên có bức phù điêu hoa Mạn Đà La, trong hoa lại khắc vô số hình Phật rất nhỏ.

Tòa Vân Đài là một trong những kiến trúc Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc, có giá trị rất cao trong công việc nghiên cứu Phật điển và văn tự cổ đại. Nhưng Kim Trục Lưu là người ít hiểu biết Phật học, chàng chỉ ngắm nghía bức phù điêu tinh xảo, nhưng chẳng có hứng thú gì với kinh Phật khắc ở bên trên. Nhìn một hồi thì chàng bỏ đi.

Trên đường đi chàng đã thăm qua các danh thắng như tượng Ngũ Lang, ảnh Lục Lang, Mục Quế Anh điểm tượng đài... Những danh thắng này đều là những di tích của Dương gia tướng thời Bắc Tống chống Liêu, thật ra đây đúng hơn là những truyền thuyết trong dân gian, ví dụ như Mục Quế Anh điểm tượng đài chẳng qua chỉ là một tảng đá lớn, không ai biết Mục Quế Anh có từng điểm tướng trên tảng đá này hay không. Thậm chí không biết là có nhân vật Mục Quế Anh hay không nữa, trong sách sử không tìm ra chứng cứ, e rằng quá nửa là một nhân vật hư cấu.

Kim Trục Lưu chợt nghe thoáng tiếng đàn lúc cao lúc thấp, lúc dìu dặt lúc đứt quãng. Chàng biết gần đó có một dòng thác tên là dòng thác Gảy Đàn, bởi vì nước ở đây chảy trong trẻo như tiếng đàn cho nên người ta mới gọi tên như thế. Kim Trục Lưu nhủ thầm: "Quả thật là giống tiếng đàn".

Qua khỏi Mục Quế Anh điểm tượng đài, chàng đã đến chỗ cao nhất của dãy Bát Đạt, chỉ thấy trên một vách núi có khắc hai chữ "Thiên hiểm", thế núi rất hiểm trở, Vạn lý trường thành nằm vắt ngang qua nơi ấy. Kim Trục Lưu bước lên tường thành, phóng tầm mắt nhìn ra xa, chỉ thấy núi non trùng điệp, Cư Dung Quan nằm ở phía bắc, Vạn lý trường thành như một con rắn dài băng núi vượt đèo, bên ngoài Cư Dung Quan là thảo nguyên bao la. Kim Trục Lưu vạch áo đón gió, hào tình bộc phát, chợt cảm thấy con người thật bé nhỏ trước trời đất!

Chợt nghe tiếng đàn lại vang lên, Kim Trục Lưu thất kinh, lần này chàng đã nghe rõ ràng hơn, đó là tiếng đàn thật chứ không phải là tiếng nước chảy.

Kim Trục Lưu thầm nhủ: "Ai lại gảy đàn trên Vạn lý trường thành? Chắc không phải là cao nhân thì cũng là nhã sĩ. Có duyên gặp gỡ sao không đến kết giao với y". Rồi lần dò theo tiếng đàn, khi đến gần người ấy thì chàng không khỏi thất kinh. Trong tưởng tượng của Kim Trục Lưu, người gảy đàn có thể là một ẩn sĩ râu dài ba chòm, nào ngờ đó lại là một người trẻ tuổi, nhiều lắm chỉ lớn hơn chàng hai ba tuổi mà thôi.

Kim Trục Lưu bước về phía y, người trẻ tuổi ấy tựa như nhìn mà không thấy, cứ chuyên tâm gảy đàn.

Cốc Chi Hoa, mẹ của Kim Trục Lưu là đệ tử đắc ý nhất của Lã Tứ Nương, Lã Tứ Nương là con gái của nhà đại nho Lã Lưu Lương cuối thời Minh đầu thời Thanh. Do đó Cốc Chi Hoa không những học được kiếm thuật của Lã Tứ Nương mà cũng rành cầm kì thi họa, Kim Trục Lưu từ nhỏ đã được truyền thụ, tuy không giỏi như mẹ mình nhưng cũng hiểu chút ít về cổ cầm.

Lúc này người đó đang gãy đoạn "Tương quân" trong Sở từ: "Quân bắt hành hề di do, kiển thùy lưu hề trung châu? Mỹ yếu diểu hề nghi tu, bái ngô thừa hề quế châu..." đây là một đoạn đối thoại giữa hai người đang yêu nhau, cô gái hỏi: "Chàng đang có tâm sự gì? Vì ai mà đậu thuyền ở Trung Châu?" Chàng trai đáp: "Chẳng phải là vì nàng ư? Vì nét xinh đẹp của nàng ta đã ngồi thuyền Quế Châu đuổi theo nàng, đến khi gặp nàng ta chẳng muốn đi". "Yếu diểu" hình dung nét đẹp dịu dàng, "nghi tu" có nghĩa là trang điểm rất đẹp. Kim Trục Lưu nghe khúc đàn này, bất giác trước mắt hiện lên bóng dáng yểu điệu của Sử Hồng Anh, thế là chàng vỗ phách phụ họa. Tiếng đàn chợt thay đổi như ai như oán, như khóc như than, người đó vẫn đàn Sở từ, nhưng đã đổi thành một đoạn trong Li tao: "... giang li dữ tích chỉ hề, nhẫn thu lan dĩ vị bội. Bạc dư nhược tướng bất cập hề, khủng niên tuế chi bất ngô dữ. Triều khiên tỉ chi mộc lan hề, tịch lãm châu chi túc mãng. Nhật nguyệt hối kỳ bất yểm hề, xuân dữ thu kỳ đại tự. Truy thảo mộc chi linh lạc hề, khủng mĩ nhân chi trì mộ!"

Giang li là tên của một loại cỏ thơm, loại cỏ này còn gọi là mị vu. Tích chỉ là loại cỏ thơm mọc ở nơi tối tăm. Nhẫn có nghĩ là dùng chỉ xỏ vào. Khiên có nghĩa là rút ra. Túc mãn là loại cỏ lạ mọc vào mùa đông. Bài này thể hiện tâm trạng tiếc nuối vì thời gian qua nhanh, còn người đẹp thì đến trễ.

Kim Trục Lưu ngâm nga bốn câu cuối cùng: "Nhật nguyệt hối kỳ bất yểm hề, xuân dữ thu kỳ đại tự. Truy thảo mộc chi linh lạc hề, khủng mĩ nhân chi trì mộ". (Ngày tháng bỗng chốc không dừng hề, xuân và thu thay nhau tàn tạ, riêng cây cỏ rơi rụng hề, e rằng mĩ nhân đến quá trễ). Rồi chàng không khỏi nhớ đến Sử Hồng Anh: "Không biết lúc nào mới gặp lại nàng? Dẫu khi nàng đã già mình mới gặp lại, trong mắt mình nàng vẫn là một mĩ nhân".

Tuy tình cảm trong lòng Kim Trục Lưu và bài Li tao của người này vừa đàn không hề giống nhau, nhưng người này thật sự đã đàn quá hay, Kim Trục Lưu cũng bất giác ngất ngây trước tiếng đàn của y. Chàng chậm rãi đến gần y, lúc này thiếu niên ấy mới phát giác Kim Trục Lưu, nhưng cũng chẳng thèm nhìn chàng mà tiếp tục gảy đàn.

Tiếng đàn cứ liên miên không dứt, thiếu niên vừa đàn vừa ca rằng: "Bạch câu ca dĩ thệ, y nhân thủy nhất phương, tạp nhu phương chữ trạch, tương kiếm hốt tương vương?" (Tiếng hát sớm dứt thế, người đã xa một mau. Lẫn lột hương thăm thẳm. Gặp nhau nỡ quên nhau?). Câu đầu đã lấy điển cố trong thiên "Bạch câu" của Kinh thi, ý muốn nói rằng y muốn giữ khách phương xa ở lại cho nên buộc ngựa của khách phương xa, nhưng cuối cùng không thể giữ được, cho nên mới nói rằng "Bạch câu ca dĩ thệ". Câu thứ hai là điển cố trong thiên "Liên hà" của kinh thi, "Liên hà thương thương, bạch lô bi sương, sở vị y nhân, đại thủy nhất phương. Súc hồi tùng di, đạo trở thả trường, súc du tùng chi, uyển tại thủy trung ương". Ý câu này muốn nói người mà mình ngưỡng mộ, muốn theo đuổi chỉ có thể nhìn mà không thể đến gần được. Câu thứ ba thì dùng điển cố trong thiên "Tư mĩ nhân" của Sở từ, ý muốn nói mỹ nhân chịu thiệt thòi, hoa thơm mọc trong chốn đầm lầy. Câu thứ tư thì nói rằng trong tình huống như thế, sau khi gặp nhau thì nên quên nhau thì hơn, nhưng làm sao có thể vừa gặp đã quên?

Kim Trục Lưu nghĩ thầm: "Hình như y ca bài ca này cho mình nghe, Sử cô nương chẳng phải là mĩ nhân chịu thiệt thòi trong bài ca hay sao? Không biết người y nhớ nhung là ai?"

Tiếng đàn chợt ngừng lại, Kim Trục Lưu khen rằng: "Đàn rất hay. Nhưng đời người chỉ có trăm năm, cớ gì cứ buồn khổ như thế?"

Thiếu niên ấy liếc nhìn Kim Trục Lưu rồi đưa cây đàn cho chàng nói: "Huynh đài có thể hiểu tiếng đàn của ta, chắc là cũng biết gảy đàn. Tại hạ mong được nghe". Nói thì có vẻ khách khí, nhưng cũng có mấy phần kiêu hãnh.

Kim Trục Lưu cũng không từ chối, cầm lấy cây đàn cổ đặt trên đùi mình. Kim Trục Lưu thấy cây đàn cổ có nhiều đường vân, bị cháy xem một góc, chàng vừa nhìn đã biết cây đàn ấy gọi là đàn tiêu vĩ.

Kim Trục Lưu khen rằng: "Đàn tốt. Đây chắc là đàn cổ từ thời Xuân Thu".

Thiếu niên hơi ngạc nhiên: "Đúng thế, nghe nói Bá Nha đã dùng cây đàn này đàn cho Chung Tử Kỳ nghe bản Cao sơn lưu thủy".

Kim Trục Lưu cười nói: "Cao sơn lưu thủy thì tôi không đàn được, tôi chỉ đàn được điệu Hạ Lý Ba nhân, huynh đài đừng cười". Nói xong bắt đầu múa ngón trên đây đàn.

Đàn đến chỗ gấp gáp thì như muôn ngựa đang chạy, ngàn quân giết địch. Kim Trục Lưu vừa đàn vừa cao giọng hát: "Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả. Niệm thiên địa chi du du, độc sảng nhiên hi thế hạ!" (Trước không thấy người xưa, sau người nay chưa đẻ. Ngẫm trời đất vô cùng, một mình tuôn giọt lệ). Tiếng đàn vàtiếng ca đều buồn bã trầm uất, nhưng không hề có chút bi thương, chỉ có chan chứa hào khí ngất trời! Khác hẳn với điệu đàn buồn bã của thiếu niên lúc nãy.

Thiếu niên gật gù: "Huynh đàn quả là tri âm, nếu đã thích cây đàn này, tôi sẽ tặng cho huynh đài". Kim Trục Lưu cả kinh: "Tiểu đệ làm sao dám nhận món hậu lễ này?"

Thiếu niên buông giọng cười: "Hiếm khi gặp được người tri kỷ, chỉ là một cây đàn thì có đáng là chi?"

Kim Trục Lưu vốn cũng là người phóng khoáng, thấy thiếu niên hào sảng như thế thì lòng thầm nhủ: "Nếu mình không nhận thì rõ ràng mình còn câu nệ lễ lục". Vì thế cầm cây đàn rồi nói: "Ngón đàn của huynh đài rất tài ba, Bá Nha thời cổ chắc cũng chỉ là thế, nhưng tôi lại không xứng là Chung Tử Kỳ. Nếu bảo là tri âm, tôi thật cảm thấy hổ thẹn. Tại hạ không dám từ chối ý tốt của huynh đài, nhưng đã nhận hậu lễ của huynh đài tôi cũng chẳng biết báo đáp thế nào".

Thiếu niên ấy cười rằng: "Huynh đài muốn đáp đền ư? Rất dễ!" Rồi chỉ vào cây trường kiếm của Kim Trục Lưu: "Huynh đài mang kiếm theo bên mình chắc là tinh thông kiếm thuật. Ta dã đàn cho huynh đài nghe, huynh đài hãy múa kiếm cho ta thưởng thức!"

Hào tình trỗi dậy, Kim Trục Lưu nói: "Tôi chỉ mới học kiếm được vài năm, hiểu biết hạn hẹp. Nhưng tôi đã nghe ba khúc đàn của huynh, tôi chỉ trả lại một khúc cũng vẫn còn chưa đủ. Vả lại ngón đàn của tôi kém xa huynh, không dám múa rìu qua mắt thợ nữa. Thôi được, nếu huynh đã thích xem múa kiếm, tôi sẽ nguyện làm trò cho huynh xem.

Kim Trục Lưu nắm kiếm quyết, vung thanh kiếm lên, lập tức ngân quang tỏa ra nhanh như điện chớp, từng đóa kiếm hoa tung bay, kiếm khí ngang dọc. Chàng thiếu niên kêu hay một tiếng, bắt đầu gảy cây đàn.

Kim Trục Lưu có ý trổ tài cho nên đã múa bài Đại tu di kiếm thức tinh diệu nhất trong Thiên Sơn kiếm pháp, chàng chú tâm vào bài kiếm của mình đến nỗi thiếu niên ấy đàn gì chàng cũng chẳng biết. Chàng đang múa say sưa thì chợt phân tâm cho nên kiếm chiêu hơi loạn xạ. Số là chàng bất giác bị tiếng đàn ảnh hướng, chợt tiếng đàn và đường kiếm của chàng không hợp nhau, chàng mới phát giác ra.

Thiếu niên ấy ngạc nhiên: "Kiếm thuật của huynh đài quả nhiên tuyệt thế vô song?" Rồi y chỉnh lại dây đàn, lần này y dồn hết tâm trí, tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, quả nhiên dần dần phù hợp với bài kiếm của Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu rất ngạc nhiên, lòng thầm nhủ: "Chả lẽ y cũng hiểu Đại tu di kiếm thức, nếu không tiếng đàn của y làm sao có thể hòa hợp với bài kiếm của mình đến thế"

Kim Trục Lưu phân vân trong lòng nên không tập trung múa kiếm được, lúc này chàng đang thi triển chiêu đầu tiên trước khi thâu thế tên gọi Hoành uyển lục hợp, chiêu kiếm này đòi hỏi phải tập trung cao độ, chàng đang vội thâu thế cho nên đánh ra hơi nhanh, thiếu niên ấy chợt bốc một nắm sỏi vãi về phía chàng.

Chỉ nghe tiếng leng keng vang lên như tiếng đàn đang gấp, nắm sỏi ấy hóa thành bột trong màn kiếm quang, nhưng có một viên sỏi lướt vào đánh trúng Kim Trục Lưu. Kim Trục Lưu cả kinh, vội vàng thâu thế. Viên sỏi này chẳng có hại gì cho chàng, điều chàng thất kinh là kiếm pháp của chàng hơi có sơ hở, và thiếu niên ấy đã nhận ra.

Kim Trục Lưu vừa thâu thế chỉ nghe thiếu niên cười rằng: "Lúc nãy ta đã sai, lần này có lẽ huynh đài đã sai!"

Kim Trục Lưu cười ha hả, thâu kiếm thức rồi cung tay: "Huynh đài quả nhiên thật tinh mắt, tiểu đệ rất khâm phục. Té ra huynh đài cũng là một bậc thầy trong kiếm thuật, không biết tôn sư là ai?"

Thiếu niên cười đáp: "Nào phải là đại hành gia gì? Chẳng qua tôi chỉ biết vài môn công phu gia truyền lóng cóng đó mà thôi. Tôi không biết khách sáo, nói thật, ngón đàn của huynh hơi kém tôi, nhưng kiếm thuật của tôi thì cao minh hơn huynh nhiều".

Kim Trục Lưu nghi ngại trong lòng, chàng thầm nhủ: "Bộ Đại tu di kiếm pháp này là do cha phát triển từ Thiên Sơn kiếm pháp, trong đó có dung hợp chiêu số trong bí kíp của Kiều tổ sư, chả lẽ kiếm thuật của y giống với nhà mình?" Nhưng dò hỏi bí mật võ công của người khác là điều cấm kị trong giang hồ, cho nên Kim Trục Lưu tuy nghi ngờ nhưng cũng không tiện hỏi.

Kim Trục Lưu cảm thấy thiếu niên này và mình rất hợp nhau, vì thế nói: "Được huynh đài coi là tri âm, nếu không chê chúng ta có thể kết thành huynh đệ chăng? Tiểu đệ họ Kim, tên Trục Lưu. Năm nay vừa còn hai mươi tuổi".

Thiếu niên chậm rãi: "Ồ, Kim... Trục Lưu? Xưa kia có một vị đại hiệp nổi tiếng thiên hạ tên Kim Thế Di, không biết có mối quan hệ gì với Kim huynh?" Kim Trục Lưu đáp: "Chính là gia phụ". Thiếu niên hơi biến sắc: "Nếu như thế tôi không đám trèo cao".

Kim Trục Lưu cả cười: "Lúc nãy huynh còn trách tôi câu nệ lễ tiết thế tục, sao huynh cũng nói những lời này? Cha tôi là đại hiệp nổi tiếng thiên hạ, tôi chẳng qua chỉ là một tên ăn mày con mà thôi!"

Thiếu niên ấy không khỏi cười ha hả: "Kim lão đệ, đệ thật thú vị. Không ngờ chúng ta vừa gặp đã coi nhau như bạn, sống trên đời hiếm khi được gặp tri kỷ, chúng ta phải kết giao nhau đi thôi. Ta họ Lý tên Nam Tinh, năm nay hai mươi hai tuổi, lớn hơn đệ hai tuổi, ta không khách sáo gọi đệ một tiếng lão đệ!"

Kim Trục Lưu mừng lắm, liền đó hai người bái nhau tám bái, kết thành huynh đệ, Kim Trục Lưu gọi một tiếng "đại ca", lòng thầm nhủ: "Mình chưa bao giờ nghe ai nói đến tên của đại ca. Giang sư huynh thích những thiếu niên anh hùng, hỏi ông ta chắc sẽ biết".

Lúc này bóng chiều đã ngả về tây, Kim Trục Lưu chuẩn bị ngày mai đến nhà Tát Phúc Đỉnh, cho nên phải quay về sớm, chàng nói với Lý Nam Tinh: "Tiểu đệ hiện đang ở nhà một người bằng hữu họ Đới trong thành, nếu đại ca có rảnh, mời vài ngày sau đến chơi".

Lý Nam Tinh đáp: "Được, đệ có chuyện cứ đi trước. Ta muốn ngồi một lúc nữa". Kim Trục Lưu cho y biết địa chỉ, nhưng y lại không nói địa chỉ của mình cho Kim Trục Lưu biết.

Kim Trục Lưu định quay về, Lý Nam Tinh chợt kêu: "Lão đệ, quay lại, sao đệ lại sơ ý đến thế!"


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-52)


<