Vay nóng Tima

Truyện:Huyết thư - Hồi 03

Huyết thư
Trọn bộ 20 hồi
Hồi 03: Ngôi Lều Chết Chóc
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-20)

Siêu sale Lazada

Càng đi về phía Tây, rừng càng rậm chẳng đường sá gì, mây song ngút ngàn chẳng thấy ánh thái dương, thĩnh thoảng Lương Đình Khôi phải trèo lên ấy cao để xem phương hướng.

Cuối cùng chàng cũng tới được sơn cốc nơi có ngọn khói bốc lên.

Sơn cốc không rậm như bốn phía rừng bao quanh, khá bằng phẳng nhưng xung quanh toàn là vách đá dựng đứng hầu như không có lối vào.

Lương Đình Khôi tìm mãi mới thấy một nơi thoai thoải có lối mòn, chắc đó là cốc khẫu tuy cũng rất khó đi. Ở nơi này thường nhân chắc chẳng ai đặt chân đến, nếu chọn đây là nơi ẩn cư thì quá lý tưởng.

Lương Đình Khôi nhìn sang vách núi phía Đông, thấy bóng nắng đã hắt cao lên gần đỉnh vách đá, chàng đoán rằng chỉ còn độ một canh giờ nữa là trời tối.

Chàng xuống đáy sơn cốc, tới một con suối trong veo thì trông thấy bên kia có một ngôi lều tranh. Thấp thoáng trong khóm lá dựa lưng vào vach núi nấp dưới bóng mấy cây cổ tùng, từ mái lều, tia khói nhỏ vẫn tiếp tục bốc lên.

Lương Đình Khôi cảm thấy hứng khởi nhẩy qua suối nhưng bỗng cúi xuống nhìn vì thấy trên mỏm đá nơi mình vừa đặt chân lên có rất nhiều vết chữ. Tim chàng bỗng đập rộn lên khi nhận ra tên mình được nắn nót bỗng nét chữ thanh tú không phải một mà hàng chục hàng trăm tên chi chít nhau viết bằng sơn đỏ hoặc mũi dao nhọn khắc lên những phiến đá phẳng bên bờ suối.

Hiển nhiên đó là nét chữ của nàng, giống hệt nét chữ chỉ dẫn trong tấm địa đồ mà chàng đã thuộc lòng! Chỉ cần căn cứ vào đó cũng đủ biết lòng nàng luôn hoài vọng tới chàng. Như vậy là chàng đã tìm được đến nơi. Mái lều kia nhất định là nơi ẩn cư của sư đồ nàng?

Lương Đình Khôi thấy lòng lâng lâng như mình vừa được chắp thêm cánh đi mỗi bước có năm sáu thước về phía ngôi lều.

Nhưng mới được vài bước, chàng dừng lại, lo lắng nghĩ thầm:

- Giả sử lúc này không có nàng ở nhà mà chỉ có sư phụ nàng thì sao? Khi đó biết nói gì? Mình chỉ biết danh hiệu của bà ấy là Bạch Phát Tiên Bà mà chưa từng kiến diện. Hơn nữa nàng còn nói hình như bà ta không có thiện cảm với mình.

Lương Đình Khôi còn đang do dự thì bỗng nghe từ phía mái lều có tiếng quát:

- Trong nhà có người không?

Giọng nói là của nam nhân.

Lương Đình Khôi liền men theo dòng khe lợi dụng tầng lá thấp và những tảng quái thạch tiếp liền nhau tiếp cận ngôi lều.

Tới cách chừng ba trượng, chàng nấp sau một phiến đá quan sát.

Ngôi lều một gian hai chái, mái tranh vách nứa, cửa hé mở. Sau lều là vách đá, hai bên quái thạch lô nhô, chỉ có phía trước là bình địa tạo thành một khoảng sân ra tới bờ suối, quanh lều không có rào dậu gì.

Ngay giữa sân cách lều chừng hai trượng có hai cây cổ tùng rũ cành lá lòa xòa xuống tận mái lều.

Sau hai cây cổ tùng có bảy tám tên hắc y võ sĩ đứng nhìn chòng chọc vào cửa lều, tay lăm lăm binh khí.

Lương Đình Khôi nhận ra trên ngực áo bọn người này thêu hình ngôi sao bạc, trừ một trung niên hán tử có ngôi sao màu vàng và một lão nhân trọc đầu có tới hai ngôi sao màu vàng. Lại là Thiên Tinh võ sĩ!

Cứ nhìn vào dáng vẻ hùng hổ và ngữ khí của bọn võ sĩ thì chúng đối với chủ nhân ngôi lều chẳng có thiện ý gì. Nhưng căn cứ vào những vết chữ chi chít trên các phiến đá bên bờ suối thì rất có khả năng chủ nhân của ngôi lều là sư đồ Lê Như Ngọc.

Bạch Phát Tiên Bà danh chấn giang hồ từ hai mươi năm trước nổi tiếng là "Đệ nhất quái thủ ngoạn đao", không biết bao nhiêu cao thủ đã bỏ mạng dưới cây chùy đao chỉ dài bảy tấc của bà ta, bởi thế các nhân vật cả hắc đạo lẫn bạch đạo chẳng ai dám chọc giận vị nữ quái này.

Lão nhân đầu trọc kia có thân phận và bản lĩnh thế nào mà dám đưa mấy tên võ sĩ vô danh tiểu tốt tới đây hùng hổ dám vuốt râu hùm như thế?

Lương Đình Khôi nhớ rằng tên Phó lãnh đội Thiên Tinh vệ đội Phùng Cương trên ngực áo cũng chỉ thêu có một ngôi sao vàng. Như vậy lão nhân đầu trọc này thân phận không thấp, chí ít cũng là Đường chủ.

Chỉ nghe lão nhân đầu trọc hướng vào ngôi lều nói:

- Bằng hữu, ngươi chẳng trốn mãi được đâu! Hãy xuất diện ra đây cùng bổn nhân nói chuyện.

Trong lều lặng phắc, không nghe phản ứng gì.

Chằng lẽ trong nhà không có người?

Lão nhân "hừ" một tiếng, hỏi tiếp:

- Xem ra bổn nhân đành phải dùng biện pháp cứng rắn thôi!

Lương Đình Khôi lại càng hồ đồ không hiểu. Nếu chủ nhân của ngôi lều là sư đồ Bạch Phát Tiên Bà thì lão nhân đầu trọc đâu có xưng là bằng hữu? Nhưng nếu không phải thì tại sao Lê Như Ngọc lại tới đây khắc tên chàng chi chít lên các phiến đá trước lều?

Lão nhân đầu trọc chợt vung tay ra lệnh:

- Trương nhị hiệu, Tạ ngũ hiệu, tiến!

Hai tên Thiên Tinh võ sĩ lập tức giương kiếm bổ vào lều. Nhưng mới cách cửa chừng ba thước, cả hai cùng rú lên rồi ngã sấp mặt xuống sân, giật may cái rồi nằm bất động Lương Đình Khôi thấy lòng chấn động. Nhân vật nào trong lều mà có thân thủ cao như vậy?

Lão nhân đầu trọc biến sắc, bốn tên võ sĩ còn lại mặt cũng tái mét, hoảng sợ đưa mắt nhìn nhau.

Sau một lúc mới trấn tĩnh lại, lão nhân nhướng sang tên trung niên hán tử ngực thêu sao vàng ra lệnh:

- Văn hương chủ! Vào nhà tóm cổ hắn!

Trung niên hán tử cúi mình "Dạ" một tiếng rồi xuất kiếm rồi nhún mình lao thẳng tới cửa lều.

Lần này tình hình cũng chẳng có gì khả quan hơn.

Tên Văn hương chủ chưa tới cửa lều cũng rú lên một tiếng rồi nằm úp mặt xuống phơi xác cạnh hai tên đồng bọn.

Lão nhân đầu trọc bước lui hai bước, trừng trừng nhìn vào cửa lều, vẻ mặt biến hẳn đi trông hết sức khó coi.

o0o Chỉ chốc lát đã có ba tên Thiên Tinh võ sĩ táng mạng bất minh bất bạch. Hiển nhiên diễn biến vừa rồi nằm ngoài dự liệu của lão nhân đầu trọc và bốn tên thủ hạ còn lại.

Bốn tên này nhìn nhau bằng ánh mắt kinh hoàng.

Tên Văn hương chủ công lực đương nhiên cao hơn hẳn chúng, thế mà chết không kịp trở tay. Địch nhân không thấy lộ diện, thậm chí một tia ám khí cũng không thấy phát ra, thế mà người bỗng dưng bỏ mạng? Quả là điều bất khả tư nghị!

Trong gian lều vẫn tỉnh lặng như tờ, đầy bí ẩn và chết chốc.

Cả bốn tên Thiên Tinh võ sĩ trong lòng thầm run, lo lắng không biết sẽ tới lượt ai nộp mạng cho tử thần?

Xem ra lão nhân đầu trọc quyết chẳng chịu về không, nếu vậy thì dám đoán năm người còn lại kể cả hắn đầu phải nằm lại trước cửa lều thần bí đó!

- Kim Bát!

Tiếng gọi của lão nhân đầu trọc làm cho một tên võ sĩ giật nẩy mình, chẳng khác gì tội nhân nghe tiếng rít lưởi búa của đao phủ đang chém xuống đầu mình, nhưng hắn vẫn cúi mình đáp:

- Dạ!

Lão nhân hạ lệnh:

- Ngươi hãy đến kiểm nghiệm xem Văn hương chủ và hai tên Trương, Tạ chết do nguyên nhân vì?

Kim Bát run giọng trả lời:

- Tuân lệnh!

Rồi để kiếm trước ngực chậm chạp tiến lên. Hiển nhiên hắn sợ đến thôi tim lạt cốt, bộ mặt méo xệch đi trông hết sức thảm hại, chỉ là không dám kháng lệnh nên phải liều chết thi hành thôi!

Đến gần ba tử thi, Kim Bát liền cúi xuống lật ba cái xác lên xem xét một lúc rồi đứng lên quay lại nói:

- Bẩm Lãnh đội! Không có thương tích.

Nhưng chưa kịp dứt câu, hắn lại rú lên một tiếng ngã chồng lên ba cái xác mà hắn mới vừa kiểm tra xong.

Lần này thì chẳng những bọn bốn tên của Thiên Tinh Môn run gần vở mật mà cả Lương Đình Khôi cũng thấy lòng chấn động, bởi vì nhìn chếch qua cửa lều, chàng đã chú ý quan sát kỹ xem người bên trong hạ thủ thế nào, nhưng tuyệt nhiên không phát hiện được gì, ngay cả ánh ám khí cũng không.

Chiếc đầu trọc của lão nhân càng bóng lên, đôi môi mỏng dính giật giật một lúc mới nói được một câu:

- Nếu bằng hữu tự cho mình là một trang nam tử hán thì ra khỏi lều nói chuyện, muốn động thủ thì cũng nên quang minh chính đại, chứ nấp ru rú trong xó nhà ám toán hại người thì gọi là thứ võ sĩ gì?

"Nam tử hán" chứng tỏ người trong lều là nam nhân.

Lương Đình Khôi còn biết thêm một điều, lão nhân đầu trọc là Lãnh đội của Thiên Tinh vệ đội.

Trong lều vẫn không có phản ứng nào. Không khí nặng nề chết chốc bao trùm quanh ngôi lều. Bây giờ bất cứ thanh âm nào đối với ba tên Thiên Tinh võ sĩ cũng đều mang đe dọa của cái chết.

Lão nhân đầu trọc cũng đờ đẫn nhìn vào lều vô kế khả thi!

Cả ba cặp mắt trắng dã của bọn võ sĩ nhìn lão ta không chớp, chờ vị Lãnh đội phát lệnh tử hình!

Chẳng lẽ rút lui! Đừng nói hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào nếu dám nghịch mệnh mà chỉ cần nghĩ đến việc ngôi lều nhỏ bé bí ẩn kia đủ khả năng chặn đứng nổi một vị Lãnh đội đầy uy danh của Thiên Tinh vệ đội, lão không sao chịu nổi. Lão chợt vung tay quát:

- Tản ra!

Ba tên võ sĩ mừng như chết đi sống lại vội vàng lùi lại ẩn sau những phiến đá đưa mắt nhìn vào lều chờ xem vị Lãnh đội hành động thế nào.

Chỉ thấy lão nhân đầu trọc lấy trong túi ra một cuộn dây nhỏ, một đầu có móc sắt, vung tay ném vút về phía bốn tử thi, đầu móc trúng ngay vào uyển mạch tên Văn hương chủ.

Lão nhân liền kéo thi thể Văn hương chủ lại gần, cúi xuống xem xét một lúc, cuối cùng lấy hai móng tay cắp lấy vật gì trên mình tên họ Văn đưa lên gần mắt ngắm nghía, sắc mặt biến đi, run giọng nói:

- Trong lều không phải người chúng ta cần tìm. Rút nhanh!

Dứt lời phóng mình về phía cốc khẫu.

Ba tên Thiên Tinh võ sĩ chẳng mong gì hơn thế, lập tức ba chân bốn cẳng đuổi theo Lãnh đội của mình.

Lương Đình Khôi đưa mắt nhìn theo, bụng nghĩ thầm:

- Chẳng biết trong lều là nhân vật nào, nhưng rõ ràng tên Lãnh đội đã phát hiện được thứ ám khí đặc thù nào đó, sợ quá nên lủi đi. Không biết là ai, nhưng trong lều nhất định không phải sư đồ Bạch Phát Tiên Bà, bởi vì bà ta là chủ nhân ở đây thì cứ đường hoàng hiện thân chứ chẳng cần làm ra vẻ bí ẩn như thế. Nếu nói rằng vì sợ đối phương nên không dám xuất hiện thì lại càng vô lý, vì bản lĩnh của "Độc nhất quái thủ ngoạn đao", ngay cả Môn chủ Thiên Tinh Môn chỉ sợ còn không làm gì nổi bà ta chứ nói gì một tên Lãnh đội.

Chợt Lương Đình Khôi tự hỏi:

- Hay đây không phải nơi ở của sư đồ họ? Như ngọc chỉ chú thích rằng sơn cốc cách quan lộ chừng hai mươi dặm theo hướng Tây Bắc mà không vẽ đường cụ thể, và sự thực trong núi hầu như không có đường. Mình chỉ đi mò nên xác định khoảng cách không chính xác, hơn nữa hôm qua không thấy mặt trời, xác định phương hướng chắc chắn có sai lệch, vì thế rất có thể đến sai mục tiêu năm bảy dặm là chuyện thường.

Nhưng một ý nghĩ khác lại bài trừ ý nghĩ vừa rồi:

- Nếu họ không ở đây thì tại sao Như Ngọc viết tên mình chi chít lên những phiến đá? Rõ ràng là nét chữ của nàng, mà chỉ có nàng mới viết tên mình với lòng hoài niệm như thế.

Đã hồ nghi thì phải tra rõ, đó là điều tất yếu.

Lương Đình Khôi không do dự nữa, liền đi thẳng tới ngôi lều. Đến trước cửa, chàng dừng lại quét mắt nhìn mấy tử thi một lượt rồi hướng vào trong lều dõng dạc nói:

- Tiên Bà, vãn bối là Lương Đình Khôi xin cầu kiến!

Không có tiếng trả lời. Chàng nhắc lại:

- Vản bối cầu kiến Tiên Bà!

Lần này thì đã có phản ứng:

- Ngươi họ Lương?

Đó là âm thanh của nữ nhân, nghe lạnh như băng, hơn nữa Lương Đình Khôi nhận ra là đã lớn tuổi.

Chàng liền thấy hứng khởi thêm mấy phần. Như vậy người trong phòng không phải như tên Lãnh đội Thiên Tinh vệ đội gọi là bằng hữu hay "nam tử hán" gì mà là nữ nhân, rất có thể chính là Bạch Phát Tiên Bà.

- Vãn bối là Lương Đình Khôi.

Trong lều lại im lặng.

Lương Đình Khôi nói thêm một câu:

- Nếu Tiên Bà bận, vãn bối xin được gặp Lê cô nương một chút cũng được.

Tiếng trong lều hỏi ra:

- Lê cô nương nào?

Lương Đình Khôi chợt sửng sốt, không biết vì sao đối phương lại hỏi câu đó? Chẳng lẽ bà ta không phải là Bạch Phát Tiên Bà?

Tuy vậy vẫn trả lời:

- Là lệnh cao túc Lê Như Ngọc.

Người trong phòng buông gọn hai tiếng:

- Vào đi!

Lương Đình Khôi bước đến bên cửa kéo rộng ra. Thoạt tiên chàng đưa mắt nhìn vào và bỗng sững sốt. Tuy nhà tranh vách nứa nhưng bên trong khá rộng, bày biện tiện nghi. Trên chiếc ghế thái sư sao bộ bàn bàng gỗ tàn hương rất đẹp, một nữ nhân chừng năm mươi tuổi đang ngồi nhìn ra bằng ánh mắt sáng quắc.

Sư phụ của Như Ngọc xưng là Bạch Phát Tiên Bà, như vậy là tuổi tác phải rất cao mới đúng, còn nữ nhân này thì nên sửa là đại nương hoặc phu nhân chứ sao lại gọi là Tiên Bà?

Phụ nhân nhìn chàng, đương nhiên chàng cũng nhìn lại. Khuôn mặt phụ nhân rất đẹp, da vẫn trắng mịn chưa có nếp nhăn nhưng rất lạnh lùng khiến người ta mới nhìn vào đã thấy phát ớn.

Lương Đình Khôi bước qua cửa ôm quyền thi lễ:

- Vãn bối Lương Đình Khôi diện kiến.

Chàng nói tới đó thì dừng lại, bởi vì đối phương tuy đẹp như tiên, nhưng nói thế nào cũng không thể gọi là Bà được!

Phụ nhân cất tiếng:

- Ngươi tới đây làm gì?

Giọng bà ta vừa lạnh vừa đanh, đập vào tai đối phương nghe rất khó chịu.

Lương Đình Khôi được sư phụ dặn rằng việc chàng tìm gặp vị tiền bối ngoài sư đồ Bạch Phát Tiên Bà ra không được tiết lộ cho bất cứ một ai. Xem ra người này không phải là Bạch Phát Tiên Bà, vì thế không thể nói rõ mục đích được, đành trả lời:

- Vãn bối muốn gặp Lê cô nương.

- Lê cô nương nào?

Lương Đình Khôi thấy vô cùng quẫn bách. Đối phương trêu chọc mình chăng? Vừa rồi bà ta đã hỏi câu đó và chàng đã trả lời, sao bây giờ còn hỏi lại?

Nhìn dáng vẻ, đối phương không có vẻ là người lẩn thẩn hoặc mất trí cả. Liền hỏi:

- Vản bối xin thỉnh giáo. Phương giá có phải là...

Phụ nhân bỗng ngắt lời:

- À ta hiểu rồi! Lê cô nương là truyền nhân của nữ tặc Bạch Phát Tiên Bà, người tới đây để tìm gặp nó, đúng không?

Lương Đình Khôi mở to mắt.

Phụ nhân này gọi Bạch Phát Tiên Bà là nữ tặc, như vậy đủ khẳng định không phải Bạch Phát Tiên Bà, hơn nữa giữa song phương có mâu thuẫn gì đó, chẳng lẽ chàng tìm sai chỗ? Nếu vậy thì nên giải thích những dòng chữ khắc ngoài kia thế nào đây?

Thấy chàng cứ ngẩn người ra, phụ nhân liền hỏi:

- Làm sao ngươi đứng phát ngớ ra thế?

Lương Đình Khôi trấn tĩnh lại, hỏi:

- Tại hạ có thể thỉnh giáo phương giá xưng hô thế nào không?

Phụ nhân xua tay:

- Khỏi!

Lương Đình Khôi thấy không chút hứng thú gì phải ở lại đây nữa, nhưng vẫn cố hỏi thăm dò:

- Tại hạ đến đây cốt tìm Lê cô nương. Nếu phương giá biết...

Phụ nhân ngắt lời:

- Ta không biết!

Thấy thái độ phụ nhân cố chấp như vậy, Lương Đình Khôi thấy có ở lại thêm cũng chẳng được tích sự gì nên ôm quyền thi lễ nói:

- Tại hạ cáo từ!

Dứt lời quay ra cửa.

Không ngờ phụ nhân gọi giật lại:

- Hãy khoan!

Lương Đình Khôi đành dừng bước quay người hỏi:

- Chẳng hay phương giá còn việc gì chỉ giáo?

Phụ nhân hỏi:

- Ngươi họ Lương?

Lương Đình Khôi đã trả lời câu hỏi này hai ba lần nên chẳng khách khí nữa, chỉ đáp cụt lủn:

- Không sai!

Phụ thân tiếp tục truy vấn:

- Sư môn sư thừa?

Lương Đình Khôi thấy đối phương kiêu ngạo như vây lòng càng ác cảm, nhưng nghĩ rằng đã là võ sĩ chính đạo, sống không đổi danh, chết không cái họ, hơn nữa sư phụ không bao giờ bảo chàng phải giữ bí mật sư môn nên thành thực trả lời:

- Gia sư là Phi Long Kiếm.

Phu nhân tỏ ra kích động, vội hỏi:

- Triệu Quảng Hàm, từng là Minh chủ Võ Minh?

Danh hiệu "Phi Long Kiếm" Triệu Quảng Hàm trên giang hồ chẳng mấy người không biết. Vì thế Lương Đình Khôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên, gật đầu đáp:

- Chính phải.

Phụ nhân lẩm bẩm:

- Hèn gì ta nghe ra hắn nói bằng ngữ âm miền Bắc... Thân thủ không kém thái độ cao ngạo.

Lương Đình Khôi nghe vậy thì trong lòng tỏ ra bất mãn. Từ khi tới đây chàng đã giữ đúng lễ số chẳng dám mạo phạm điều gì, thế mà đối phương lại bảo là "thái độ cao ngạo", ai lại không tức? Mặc dù vậy chàng vẫn yên lặng.

Phụ nhân phóng ánh mắt sắc lạnh thẳng vào mặt chàng hỏi:

- Ngươi là truyền nhân của Triệu Quảng Hàm?

Lương Đình Khôi vẫn nhã nhặn trả lời:

- Dạ! Phương giá có quen biết gia sư?

Bất ngờ phụ nhân đấm mạnh tay xuống mặt bàn quát lên:

- Cút!

Lương Đình Khôi vô cùng sững sốt. Nhưng ngay lúc ấy chàng chợt trông thấy những mũi kim châm chỉ nhỏ bằng sợi lông trâu màu vàng chóe trên bàn bị vỗ mạnh làm bật nẩy lên, có cái rơi xuống đất, liền hiểu ngay mấy tên đệ tử của Thiên Tinh Môn đã táng mạng do những mũi kim châm nhỏ xíu này, trách nào mà trên người chúng không để lại thương tích.

Chỉ dùng một mũi ám khí nhỏ như thế mà đủ giết người ngay lập tức, chứng tỏ công lực phụ nhân vô cùng thâm hậu. Nhưng bà ta là ai?

Phụ nhân thấy đối phương vẫn đứng nguyên đó liền rít lên:

- Tiểu tử! Ta đã bảo ngươi cút đi không nghe sao?

Lúc này Lương Đình Khôi đã phát bực, ngạo khí nổi lên, đáp:

- Tại hạ sẽ đi khi nào mình muốn!

Chàng thấy rõ phụ nhân này không phải là Bạch Phát Tiên Bà, hơn nữa còn gọi bà ấy là "nữ tặc".

Ngoài ra khi biết sư phụ, đối phương còn tỏ thái độ thù địch với chàng, đã như vậy thì chẳng cần gì phải khách khí!

Phụ nhân trừng mắt hỏi:

- Ngươi không chịu đi?

- Tại hạ đã nói sẽ đi khi nào thấy cần?

- Ngươi muốn chết?

Lương Đình Khôi cười nhạt đáp:

- Cái đó thì chưa hẳn!

- Ngươi có bao nhiêu bản lĩnh?

- Bản lĩnh tại hạ không nhiều. Nhưng chẳng dễ bị người khi hiếp!

Giọng phụ nhân đầy đe dọa:

- Rất tốt! Ta đa cảnh cáo trước, người lại ương bướng muốn chung số phận với bọn ngoài kia. Thế mới gọi là phúc họa vô môn, chỉ là con người tự chuốc lấy.

Dứt lời nhón tay cầm lên mấy chiếc ngân châm, ánh mắt lộ rõ sát cơ.

Lương Đình Khôi ấn tay vào chuôi kiếm, sắc diện vẫn tỏ ra bình tĩnh, mặc dự trong lòng rất khẩn trương. Chàng gặn hỏi:

- Đây có phải là nơi ở của Bạch Phát Tiên Bà không?

Phụ nhân đáp:

- Không sai!

- Bà ấy đâu?

- Chính ta đang đợi nữ tặc đó!

Lương Đình Khôi bình tĩnh hỏi tiếp, nhưng giọng nói và ngôn từ có phần khách khí hơn:

- Phương giá có biết Bạch Phát Tiên Bà đi đâu không?

- Không biết!

Phụ nhân nói thêm, giọng đầy thù hận:

- Bất kể mụ ta ở chân trời góc bể nào, ta nhất quyết phải tìm bằng được để thanh toán món nợ này.

Lương Đình Khôi chớp mày hỏi:

- Phương giá đến đây là nhằm mục đích tìm cựu thù?

Phụ nhân không đáp, giương tay lên.

Lương Đình Khôi rút nhanh trường kiếm.

Đứng trước phụ nhân thần bí này, đương nhiên Lương Đình Khôi không dám tự hào khinh suất.

Kim châm nhỏ xíu, song phương lại ở khoảng cách quá gần, chàng lại vừa chứng kiến sự lợi hại của những mũi châm, trong khoảng cách xa hơn mà chỉ một mủi cũng đủ làm mấy tên Thiên Tinh võ sĩ mất mạng.

Lương Đình Khôi chưa từng gặp nhân vật vật nào có thủ thuật phóng ám khí lợi hại như thế nên có đối phó được hay không là một vấn đề.

Võ học có nói rằng tấn công là cách phòng thủ tốt nhất, nhưng hiện tại không thể áp dụng phương cách này, bởi vì khoảng cách tới đối phương quá xa, muốn xuất kiếm phải tiếp cận thêm ba thước nữa.

Nhưng Lương Đình Khôi thừa biết ngay cho dù lúc này có tiếp cận chỉ một thước cũng không thể thực hiện được vì chỉ cần động, phụ nhân sẽ phóng ám khí ngay, kiếm chưa tới mục tiêu thì chàng đã lảnh trọn mấy mũi kim châm vào người trước rồi.

Bởi thế chỉ còn biện pháp duy nhất là dùng kiếm phong kín môn hộ để ngăn không cho ám khí thâm nhập vào người.

Phụ nhân vẫn ngồi nguyên trên ghế, tay giương lên nhưng cũng chưa xuất thủ, cất giọng lạnh lùng nói:

- Lương Đình Khôi, với kim châm của lão nương, ngươi không có cơ hội nào đâu?

Lương Đình Khôi nhếch môi cười đáp:

- Cái đó thì chưa nói trước được!

Phụ nhân lại hỏi:

- Ngươi thật muốn chết?

- Vấn đề không phải là muốn hay không. Trước khi thực tế chứng minh, chưa thể khẳng định được điều gì.

- Rất tốt! Thật không hổ là truyền nhân của Triệu Quảng Hàm! Bây giờ ngươi có thể thử với tánh mạng mình.

Lương Đình Khôi đã có dự định sẵn, chúc mũi kiếm xuống thấp.

Đúng vào thời điểm nguy cấp đó, chợt có thanh âm của nữ nhân lanh lảnh từ ngoài sân vang vào:

- Sư phụ! Khoan đã!

Lời vừa dứt, một nhân ảnh lao nhanh vào lều.

Lương Đình Khôi vừa trông thấy người mới xuất hiện thì đứng ngẩn ra vì bất ngờ.

Đó chính là Hồng y thiếu nữ tính tình đồng bóng mà chàng đã gặp trên quan lộ chiều hôm qua.

Theo cách xưng hô thì quan hệ của họ là sư đồ, quả tình trong cuộc đời có quá nhiều chuyện tình cờ mà không ai lường trước.

Lương Đình Khôi cho rằng đó là một trong hàng trăm hàng ngàn cuộc gặp khác trên đường đời, sẽ nhanh chóng xóa nhòa khỏi ký ức không còn chút dấu vết, ai nghĩ rằng song phương còn có lần gặp lại?

Chàng vẫn còn nhớ rõ trong lúc giao chiến, mình vô tình làm rơi tấm mạng che mặt của thiếu nữ và cả hai cùng sững sốt như thế nào? Bây giờ cô ta không còn che mạng nữa, khuôn mặt lộ mặt lo âu trông càng thêm diễm lệ.

Phụ nhân vẫn không hạ tay xuống, hỏi:

- Nha đầu. Có chuyện gì vậy?

Hồng y thiếu nữ khẩn thiết nói:

- Lão nhân gia không được giết anh ấy!

Phụ nhân nhíu mày hỏi:

- Không được giết? Vì sao vậy?

Thiếu nữ ấp úng nói:

- Bởi vì... Bởi vì...

Đột nhiên cô ta vòng ra sau bàn ghé vào tai phụ nhân nói thầm thì một lúc.

Lương Đình Khôi không nghe họ nói với nhau những gì, chỉ thấy sau đó phụ nhân lắc đầu nói:

- Không thể được!

Hồng y thiếu nữ giẫm chân phụng phịu:

- Làm sao lại không được chứ? Sư phụ xưa nay bao giờ cũng chìu đồ nhi mà, hơn nữa chuyện này đâu phải đồ nhi đặt ra?

Phụ nhân chiếu ánh mắt đầy ác cảm nhìn Lương Đình Khôi, trầm giọng:

- Nhưng hắn thì không được!

- Vì sao chứ?

- Không sao cả?

Phụ nhân nói xong giương cao tay một chút, dáng chừng sắp xuất thủ.

Hồng y thiếu nữ sợ hải nhãy lên đứng trước bàn chặn giữa sư phụ và Lương Đình Khôi nói:

- Lương đại ca! Hãy tra kiếm vào?

Giọng cô ta hết sức khẩn thiết và triều mến.

Nghe ba tiếng Lương đại ca trong lòng Lương Đình Khôi chợt trào lên một cảm giác ngọt ngào:

- Chẳng phải do thiếu nữ qua đẹp mà chinh là do lòng quan tâm đối với chàng, sự quan tâm của người mà chỉ mới cách đây một ngày lại tỏ ra hoàn toàn khác hẳn, có thể nói là thù địch, khi vô tình gần xô phải nhau trên quan lộ đầy gió bụi. Nhưng vì sao mà cô ta thay đổi hẳn thái độ như vậy?

Lương Đình Khôi vẫn để chếch mũi kiếm xuống đất, nhưng không theo lời thiếu nữ tra vào bao.

- Lương đại ca!

Thiếu nữ ngước nhìn chàng với ánh mắt tha thiết, lại thốt lên ba tiếng làm say đắm lòng người.

Sau giây lát bàng hoàng, Lương Đình Khôi trấn tĩnh lại. Tiếng gọi tha thiết của Hồng y thiếu nữ tuy gợi lên trong lòng chàng cảm giác ngọt ngào nhưng không thể thay thế được những lời dịu dàng âu yếm của Như Ngọc đã in sâu vào tâm khảm của chàng không thể phai nhạt.

Phụ nhân lạnh giọng nói:

- Nha đầu! Ta đa nói là không được!

Hồng y thiếu nữ quay lại hỏi:

- Sư phụ. Quy định này chính do lạo nhân gia đặt ra làm sao bây giờ lại đổi ý như vậy?

Lương Đình Khôi nghe mà không hiểu hai sư đồ đang nói với nhau về quy định gì mà liên quan đến mình?

Phụ nhân vẫn kiên quyết:

- Nhưng đối với hắn thì ngoại lệ!

- Sư phụ!

Thiếu nữ cắn môi, nước mắt đã sấp ứa ra, hỏi:

- Vì sao anh ấy là ngoại lệ?

Phụ nhân không giải thich, nghiêm giọng nói:

- Tố Tố! Ngươi dám chống lại sư mệnh sao?

Thì ra Hồng y thiếu nữ tên là Tố Tố.

Thiếu nữ chất vấn:

- Nhưng quy định này do sư phụ đặt ra từ trước, chàng lẽ đó không phải là sư mệnh hay sao?

Câu đó xem ra rất có lý, nhưng phụ nhân vẫn kiên quyết theo đuổi lập trường của mình nên mắng át đi:

- Ngươi dám đấu lý với sư phụ sao?

Tố Tố không dám nói nữa, nhưng cứ xem vẽ mặt thì hình như cô ta chưa cam tâm hoàn toàn phục tùng mệnh lệnh của sư phụ.

Lương Đình Khôi để chúc thanh kiếm xuống, nghĩ thầm:

- Như vậy phụ nhân kia đến đây để tìm cừu. Mục đích của mình cũng tìm Bạch Phát Tiên Bà và Như Ngọc, nay họ đã chờ ở đây, mình nên ra chờ bên ngoài thì hơn. Theo lời phụ nhân thì ngôi lều này đúng là chỗ ẩn cư của Bạch Phát Tiên Bà, nhất định họ sẽ trở lại.

Nghĩ đoạn chàng quay ra cửa.

Phụ nhân không ngăn lại.

Nhưng chàng mới ra khỏi cửa thì Tố Tố đuổi theo gọi:

- Lương đại ca!

Lương Đình Khôi dừng bước nhưng không quay đầu.

Tố Tố cắn môi hỏi:

- Thậm chí trả lời muội một tiếng đại ca cũng không muốn hay sao?

Lương Đình Khôi tuy không hiểu nội tình nhưng cũng biết rằng thiếu nữ này muốn bảo vệ mình và chính vì chàng mà giữa hai sư đồ nảy sinh tranh chấp, nên nhẹ giọng nói:

- Cô nương việc gì phải trái lời lệnh sư như thế?

Tố Tố không biết trả lời thế nào đành cúi mặt im lặng.

Lương Đình Khôi nói tiếp:

- Tại hạ có cấp sự phải làm. Xin cô nương thứ lỗi.

Nói xong tiếp tục bước đi.

Tố Tố do dự một lát rồi quả quyết đi theo nhưng mới được một bước, phụ nhân đã gọi giật lại:

- Tố Tố! Nếu người dám theo hắn, ta sẽ đoạn tuyệt quan hệ sư đồ!

Tố Tố đành đứng lại, mặt lộ vẻ sầu thảm, nước mắt vòng quanh trông thật tội nghiệp!

Lương Đình Khôi vẫn tiếp tục đi nhưng không nhanh lắm, trong lòng thầm nghĩ:

- Có chuyện gì mà nghiêm trọng đến nổi phụ nhân kia đe dọa đoạn tuyệt quan hệ sư đồ? Tại sao bà ta khi biết sư môn của mình lại tỏ ra thù địch như vậy? Chẳng lẽ nhân vật bí ẩn đó có oán thù gì với sư phụ?

Đương nhiên không thể giải đáp vấn đề này được.

Thi thể của bốn tên Thiên Tinh võ sĩ bị trúng kim châm hoành thây trước cửa lều vẫn nằm nguyên.

Lương Đình Khôi nhìn lại chúng một lần rồi đi qua, dừng một lát bên bờ suối xem những nét chữ khắc tên mình, trong lòng chợt thấy xốn xang. Sau đó chàng băng qua con suối men theo vách đá tìm một nơi kín đáo cách cốc khẫu không xa ẩn thân chờ đợi.

Nơi đây rất kín đáo, nếu sư đồ Bạch Phát Tiên Bà và Như Ngọc trở về thì chàng sẽ phát hiện được ngay. Tuy vậy trong lòng không khỏi thắc thỏm bất an.

Chẳng bao lâu nữa là trời tối, liệu họ có trở về lều không? Và chàng có nên nói với họ rằng đang có người ẩn trong lều chờ đợi với ý định bất thiện?

Không biết sắp tới tình hình sẽ diễn biến thế nào. Nhưng muốn gặp Như Ngọc và Bạch Phát Tiên Bà thì tốt nhất là nên ở đây mà ôm cây đợi thỏ thôi!

Không khí im ắng đến nặng nề. Lương Đình Khôi muốn gạt bỏ mọi ý nghĩ khỏi đầu mình nhưng không được. Chàng hết nghĩ về phụ nhân huyền bí lại đến vị Hồng y cô nương xinh đẹp có tên là Tố Tố đang biểu lộ lòng ưu ái đối với mình.

Sau đó ý nghĩ chàng quay lại với Như Ngọc. Sư đồ họ hiện đang ở đâu? Theo lời Như Ngọc thì ngoài sư phụ, nàng còn có một vị sư muội có tên là Mỹ Linh mới mười bảy tuổi.

Họ có biết hiện ngay trong nhà mình có cừu nhân đang đợi không? Và sư đồ phụ nhân huyền bí đó bản lĩnh thế nào? Có thắng nổi "Đệ nhất quái thủ ngoạn đao" không?

Chàng đã lãnh giáo qua bản lĩnh của Tố Tố, thiếu nữ đó võ công chẳng tầm thường, ngoài ra thủ thuật ám khí, tuy chưa thi triển nhưng đã bộc lộ sự lợi hại trong lần giao thủ đó, nếu cô ta cứ thẳng tay có lẽ chàng đã bại thủ. Đương nhiên sư phụ cô ta bản lãnh còn ghê gớm hồn, chỉ cần thấy mấy tên Thiên Tinh võ sĩ táng mạng một cách bất minh bất bạch cũng đủ biết.

Không thể dự đoán cuộc đối đầu sắp tới sẽ có kết cục thế nào, nhưng một người đã dám vào tận sào huyệt đối phương tầm cừu hiển nhiên đã có sự cầm chắc. Theo quy cũ, chàng không có quyền can thiệp vào ân oán giữa hai nhà, nhưng về mặt tình cảm, nếu Như Ngọc gặp nguy hiểm, chàng không thể khoanh tay đứng bàng quan.

Mặt trời gác núi, rồi chẳng bao lâu hoàng hôn lại phủ buông xuống sơn cốc.

Lương Đình Khôi vẫn tiếp tục ẩn mình, chàng không thể bỏ đi mà không gặp được Bạch Phát Tiên Bà và Như Ngọc.

Chợt có một nhân ảnh màu trắng xuất hiện ở cốc khẫu.

Lương Đình Khôi lập tức thấy trong lòng khẩn trương hẳn lên nhưng khi nhìn kỹ lại mới phát hiện ra người đó là Bạch Y Truy Hồn. Nhân vật bí ẩn này làm gì mà cứ lẩn quẩn xung quanh chàng như vậy? Chẳng lẽ oan gia trói buộc?

Cũng vẫn bộ y phục trắng toát và chiếc mặt nạ không chút sinh khí đó, nếu chưa gặp từ trước tất đã ngỡ rằng đó là một hồn ma!

- Lão quái đã tới sơn cốc này làm gì? Chẳng lẽ Đại Ác mang theo chiếc hộp sắt chứa huyết thư cũng lảng vảng quanh đây?

Lương Đình Khôi vẫn ẩn mình trong đám lá. Chàng không muốn hiện thân gặp Bạch Y Truy Hồn.

Giữa hai người không có mối quan hệ nào đáng kể, chẳng phải bạn, cũng không phải thù, nói là không liên quan gì với nhau thì đúng hơn.

Bạch Y Truy Hồn xuống đến đáy cốc là dừng lại, phóng ánh mắt nhìn về phía ngôi lều tranh.

Lương Đình Khôi nghĩ thầm:

- Chẳng lẽ Bạch Y Truy Hồn là đồng bọn của phụ nhân đang nấp trong lều? Nếu đúng thì lão tới đây cũng nhằm mục đích gặp Bạch Phát Tiên Bà để thanh toán cừu thù và tình thế của Bạch Phát Tiên Bà lại càng nguy hiểm.

Bạch Y Truy Hồn nhìn vào lều một lúc rồi quay người đi về phía Lương Đình Khôi cách chừng một trượng thì dừng lại, cất giọng the the nói:

- Ra đi! Ngươi có chờ suốt đời cũng không gặp đâu!

Lương Đình Khôi bỗng thấy lòng chấn động! Lão quái đó nói với ai vậy? Xung quanh đây còn có ai khác nữa đâu, hơn nữa lão ta đang nhìn thẳng về phía chàng. Cứ cho là lão phục sẵn đâu đó từ trước nên biết chàng tới ẩn thân ở đây, nhưng làm sao đoán biết đang chờ người? Trong lòng đầy hồ nghi, nhưng Lương Đình Khôi im lặng không lên tiếng.

Bạch Y Truy Hồn "Hừ" một tiếng, hỏi:

- Tiểu tử, ngươi ngủ hay sao thế?

Lương Đình Khôi đành đứng lên bước ra khỏi chỗ nấp hỏi:

- Các hạ đang nói với tại hạ?

- Đương nhiên! Ở đây còn ma nào khác nữa?

- Các hạ nói rằng... Tại hạ dù có ý chờ cả đời cũng không gặp... Câu đó có ý gì?

Bạch Y Truy Hồn gật đầu, trả lời một cách bí ẩn:

- Chính là với ý đó!

Lương Đình Khôi càng quẫn bách, lại hỏi:

- Các hạ biết tại hạ chờ ai nào?

Bạch Y Truy Hồn trả lời ngay:

- Là Như Ngọc, đại đệ tử của Bạch Phát Tiên Bà chứ còn ai nữa? Người có dám phủ nhận không phải thế không nào?

Lương Đình Khôi kinh dị đến nổi mắt trợn tròn, hỏi:

- Làm sao các hạ biết?

Nhưng chàng chợt nghĩ lại rằng có thể đối phương đã nghe cuộc đối thoại giữa mình với phụ nhân trong lều nên nín lặng.

Bạch Y Truy Hồn như đọc được tâm ý của chàng nói:

- Người đoán đúng. Ta nghe chính miệng ngươi nói với "Vong Hồn Nữ".

Lương Đình Khôi lại càng kinh ngạc:

- Vong Hồn Nữ?

Chàng từng nghe người trong giang hồ thường nhắc đến danh hiệu này. Theo truyền ngôn thì Vong Hồn Nữ là một nữ sát thủ khét tiếng khắp Trung Nguyên, không ngờ lại gặp nhân vật đáng sợ đó ở sơn cốc này, Bạch Y Truy Hồn gật đầu xác nhận:

- Đúng thế. Nữ nhân mà ngươi vừa gặp trong lều của Bạch Phát Tiên Bà chính là Vong Hồn Nữ mà võ lâm Trung Nguyên ai nghe nói tới cũng kinh tâm vở mật. Xem ra thì ngươi không biết nhiều về các nhân vật lừng lẫy của võ lâm ở miền Nam này...

- Tại hạ thừa nhận!

Bạch Y Truy Hồn lại hỏi:

- Vậy ngươi có biết gì về Bạch Phát Tiên Bà không?

- Tại hạ chỉ nghe danh mà chưa từng gặp.

Bạch Y Truy Hồn bỗng cười to một tràng:

- Hô hô hô... Ngươi yêu truyền nhân của người ta mà không biết gì về người ta cả, rồi sau này ai chịu gả nha đầu Như Ngọc cho ngươi chứ?

Lương Đình Khôi muốn phản đối nhưng câu nói của Bạch Y Truy Hồn làm chàng thấy trong lòng mình lừng lừng phấn khởi nên không nói gì.

Bạch Y Truy Hồn lại tiếp:

- Nhưng tiểu tử ngươi hay coi chừng, Như Ngọc chẳng phải người dễ có thể khi phụ đâu, đừng có nghĩ đến chuyện bắt cá hai tay...

Lương Đình Khôi liền cảm thấy khó chịu, nhíu mày hỏi:

- Các hạ nói vậy có ý gì?

Bạch Y Truy Hồn thản nhiên hỏi lại:

- Chẳng phải nha đầu Tố Tố, truyền nhân của Vong Hồn Nữ cũng phải lòng ngươi hay sao?

- Tại hạ không biết.

Bạch Y Truy Hồn không chịu buông tha, tiếp tục truy vấn:

- Ngươi không thừa nhận?

- Phải lòng hay không thì đó là việc của cô ta.

- Chẳng lẽ ngươi không thấy rằng Tố Tố rất đẹp?

- Vấn đề không phải là đẹp hay không...

Bạch Y Truy Hồn hỏi tiếp:

- Trong lòng ngươi không có chút tình ý gì với cô ta ư?

Lương Đình Khôi lắc đầu:

- Chỉ là cuộc gặp tình cờ có gì mà nói đến tình và ý?

- Gặp tình cờ thế nào?

Lương Đình Khôi thấy khó chịu vì đối phương tỏ ra quá quan tam đến chuyện riêng của mình, lòng đầy ngờ vực hỏi:

- Xin lỗi... Vì sao các hạ cần biết...

Bạch Y Truy Hồn vội xua tay, nói giọng dàn hòa:

- Thôi vậy! Thôi vậy! Nếu ngươi không thích, bổn nhân sẽ không nói tới chuyện đó nữa.

Lương Đình Khôi càng thấy hoài nghi, nhìn thẳng vào chiếc mặt nạ không có chút sinh khí của đối phương hỏi:

- Các hạ là đồng bọn của vong Hồn Nữ?

Bạch Y Truy Hồn trả lời ngay:

- Không phải!

Lương Đình Khôi hỏi sang chính đề:

- Các hạ sao biết rằng lại hạ dù có ý chờ Như Ngọc cô nương suốt cả đời cũng không gặp?

- Vì sư đồ họ đã bỏ ngôi lều này rời đi nơi khác rồi!

Lương Đình Khôi thất vọng hỏi:

- Thế ư? Tại sao lại bỏ đi vậy chứ?

Ánh mắt Bạch Y Truy Hồn nhìn chàng với vẻ tinh quái:

- Ai biết được? Cái đó thì phải hỏi chính sư đồ của họ may chăng mới biết được thôi?

- Các hạ có biết họ đi đâu không?

Bạch Y Truy Hồn trả lời cộc lốc:

- Giang hồ!

Lương Đình Khôi không giấu được vẽ sốt ruột:

- Không ai biết được hành tích của họ hay sao?

- Không có!

Bạch Y Truy Hồn dừng một lúc rồi chợt nói thêm:

- Tuy nhiên... Nếu ngươi nhất định cần tìm cho được cô ta thì có lẽ chưa phải là đã hết cách...

Lương Đinh Khi vội hỏi:

- Có cách gì tìm được họ?

- Ở đâu có Huyết thư xuất hiện, thì trước sau gì cũng tìm được hành tích của sư đồ họ.

Lương Đình Khôi ngạc nhiên hỏi:

- Thế nào? Sư đồ họ cũng có ý tranh đoạt Huyết thư sao?

- Việc đó thi bổn nhân không thể phụng cáo!

Lương Đình Khôi nghĩ ngợi khoảnh khắc rồi hỏi:

- Các hạ xuất hiện ở đây chỉ cốt để nói với tại hạ việc đó thôi sao?

Bạch Y Truy Hồn lắc đầu:

- Đương nhiên còn có nguyên nhân khác.

- Có thể cho biết không?

- Xin lỗi! Đó chỉ là chuyện riêng của bổn nhân.

Lương Đình Khôi không còn gì để hỏi nữa. Chàng quay nhìn về phía gian lều thấy vẫn im lìm, tối om, chắc rằng sư đồ Vong Hồn Nữ vẫn tiếp tục mai phục ở đó.

Lương Đình Khôi chợt nhớ tới câu nói của Bạch Y Truy Hồn về chiếc hộp sắt! Cứ để Đại Ác bảo quản thay ta thì có lợi hơn. Như vậy mục đích của lão ta là Huyết thư, nhưng lại không muốn tự mình giữ nó để tránh tai họa mà cố ý trút nó lên đầu Đại Ác, chờ đến khi có cơ hội thuận tiện nhất thì thò tay ra chộp lấy không để ai biết.

Chỉ riêng ý định này cũng đủ biết Bạch Truy Hồn có cách nào đó hết sức chắc chắn để khống chế Đại Ác!

Đối phương lại nói thầm rằng ở đâu có Huyết thư xuất hiện thì có hành tích của sư đồ Như Ngọc.

Bạch Phát Tiên Bà có ý tranh đoạt, Huyết thư cũng không phải là chuyện vô lý. Ai chẳng muốn trở thành đệ nhất cao thủ trong thiên hạ? Nhưng lão ta cũng khai thừa nhận điều này, chẳng hóa ra chính lão đã đứng trên lập trường đối địch với Bạch Phát Tiên Bà?

Nghĩ tới điều này, chàng chợt thấy có mâu thuẫn. Vì sao Bạch Y Truy Hồn lại đem điều bí mật vào loại bậc nhất đó nói cho chàng biết?

Trong trường hợp này, người khác sẽ giữ kín không tiết lộ với bất kỳ ai khác bản thân mình, bởi vì nó rất dễ dẫn tới họa sát thân. Lão làm như vậy với ý đồ gì?

Lương Đình Khôi nghĩ ngợi miên man một lúc, khi quay nhìn lại thì đã không thấy bóng dáng Bạch Y Truy Hồn đâu nữa. Thật là một nhân vật đầy bí ẩn và nguy hiểm!

Trên thực tế, con người đó hoàn toàn xa lạ đối với chàng, nhưng làm sao biết được nhiều chuyện về chàng như vậy?

Chỉ mới trong vòng một ngày đêm mà song phương đã gặp nhau tới ba lần giống như oan gia lộ hẹp vậy.

Lương Đình Khôi nhớ lại lần mới đây nhất là chiều nay, chính khi chàng sắp giết "Đại ác" thì Bạch Y Truy Hồn bí mật xuất thủ ngăn lại và nói rằng làm thế để cứu chàng. Còn bây giờ cho chàng biết về bí mật của Bạch Phát Tiên Bà và lai lịch của Vong Hồn Nữ. Những lời của lão ta có đáng tin không?

Lương Đinh Khôi nghĩ nát óc mà không sao giải thích được hành động và ý đồ của đối phương nhằm mục đích gì và tại sao lại tỏ ra quan tâm đến chàng như vậy?

Tần ngần một lúc, đến khi ngẫng lên thì trời đã tối om. Lương Đình Khôi nhìn về phía ngôi lều, đã không còn thấy rõ hình thù mấy tử thi nằm giữa sân nữa, nhưng xem ra tình hình ở đó vẫn không có gì thay đổi, Chàng suy tính xem mình có nên rời khỏi sơn cốc không.

Nếu lời của Bạch Y Truy Hồn đáng tin thì chờ ở đây là điều vô ích. Nhưng nếu lời lão ta lừa dối thì sao?

Ngôi lều là nơi cư trú của sư đồ Bạch Phát Tiên Bà, sớm muộn gì rồi họ cũng sẽ trở về. Hơn nữa dù họ có từ bỏ nơi ở của mình mà đi thì hiện tại "Huyết thư" đã xuất hiện trong khu vực này. Khi đã về quanh đây thế nào họ cũng ghé qua nơi mà đối với mình từng sống qua một quảng đời và nhất định phải có rất nhiều kỷ niệm chứ?

Lương Đình Khôi nghĩ như vậy và cố bám lấy lập luận này. Chàng tới đây với sứ mệnh của sư phụ giao cho là tìm gặp vị tiền bối, và việc đó chỉ được thực hiện khi được Bạch Phát Tiên Bà cho biết địa chỉ của ông ta.

Điều này cũng có nghĩa là nếu không tìm gặp được Bạch Phát Tiên Bà thì không làm tròn sư mệnh, ngoài ra còn một lý do khác hết sức quan trọng đối với bản thân chàng là gặp mặt Như Ngọc để bày giải nổi lòng.

Suy xét mọi vấn đề, chàng quyết định cứ ở lại mai phục ở đây, ít nhất là qua hết đêm nay rồi sẽ tính.

Nghĩ rồi, Lương Đình Khôi tìm một nơi tương đối thoải mái hơn có thể ngã lưng để trú qua đêm.

Loay hoay một hồi chàng cũng tìm được một nơi ngã lưng, đó là một chỗ lỏm vào vách đá sâu chừng năm thước và cao hơn đáy khe ba thước đủ chỗ cho một người nằm tương đối thoải mái. Bên tả là cốc khẫu cách đó chừng ba bốn trượng, còn phía bên phải là ngôi nhà tranh, thì độ xa hơn mười trượng nhưng nếu có phát sinh dị biến thì vẫn có thể nhận ra.

Ngay phía trước có một cành cây phủ xuống lòa xòa, ở ngoài nhìn vào khó phát hiện người nằm trong đó nhưng vạch lá nhìn ra lại thấy rõ.

Yên tâm ỡ nơi vừa chọn có thể phong tỏa lối ra vào cốc duy nhất, không sợ Bạch Phát Tiên Bà trở về hoặc Vong Hồn Nữ, rời khỏi ngôi lều mà lọt khỏi tầm nhìn, Lương Đình Khôi nằm xuống quay mặt ra ngoài quan sát.

Trăng thượng tuần đã chênh chếch trên đầu, Lương Đình Khôi gối đầu lên tay nhìn ra bên ngoài, hồi lâu vẫn chưa ngủ được.

Sơn cốc vô cùng tỉnh lặng, ngoài tiếng côn trùng rả rích hoàn toàn không còn âm thanh nào khác.

Chốc chốc đâu đó trên núi vẳng xuống tiếng cú ăn đêm làm cảnh tượng trong cốc thêm phần thê lương nảo nuột!

Lương Đình Khôi bất giác nghĩ thầm:

- Con người so với thiên nhiên nhỏ nhoi và thảm hại làm sao, và cuộc đời cũng thật ngắn ngủi nếu so với vĩnh hằng? Thế mà người ta không biết quý trọng nó, làm cho cuộc đời mình ngắn lại vì những cuộc tàn sát, những cuộc tranh đoạt đẫm máu không ngừng không nghỉ. Thật đáng buồn và đáng thương và cũng đáng trách?

Chàng chợt nghiệm ra rằng ở những nơi cô tịch thế này người ta mới thấu hiểu điều thông huyền trong cuộc sống. Nhưng những vị chân tu trong thâm sơn cùng cốc, thấu triệt phật lý, cuối cùng đạt tới mục đích gì?

Phật lý vốn thông huyền, thường nhân không sao hiểu thấu, chẳng qua chỉ là tức cảnh sinh ý và cũng chỉ thoảng qua mà thôi. Như cơn gió thoảng, như áng mây trôi, từ tâm linh ngẫu hứng mà hiện thành rồi chợt mất đi.

Đang miên man suy nghĩ, đột nhiên Lương Đình Khôi nghe có tiếng bước chân chạy rầm rập, liền gạt bỏ hết tạp niệm, ngồi thẳng lên vạch lá nhìn ra ngoài.

Chỉ chốc lát chợt phát hiện ra có mấy nhân ảnh từ phía ngôi lều chạy như ma đuổi về phía cốc khẫu? Làm sao không thấy có người vào mà bấy giờ lại có người ra?

Lương Đình Khôi đã xác định kỹ, sơn cốc này chỉ có một lối vào ra duy nhất, hay Vong Hồn Nữ còn mang thêm thủ hạ ẩn trong lều nay phải chúng ra ngoài có việc gì?

Trong lòng đầy nghi hoặc, chàng liền chú ý quan sát.

Có bốn hắc y nhân chạy như bay từ lều thẳng tới cốc khẩu. Nhân ảnh đến gần, khi nhận ra chúng, khắp người Lương Đinh Khôi bỗng nổi đầy gai ốc!

Rõ ràng bốn tên này đều là đệ tử của Thiên Tinh Môn trong đó ba tên là Thiên Tinh võ sĩ và tên được gọi là Văn hương chủ.

Chàng đã thấy tận mắt cả bốn tên bị táng mạng bởi kim châm của Vong Hồn Nữ nằm phơi thây trước cửa lều tranh, tại sao bây giờ còn chạy tới đây được? Người đã chết rồi còn sống lại được sao?

Bất giác trong lòng chàng dâng lên một nỗi nghi vấn, bên trong nội tình chẳng lẽ có vấn đề gì sao?


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-20)


<