Vay nóng Tinvay

Truyện:Kiền khôn võ hiệp - Hồi 2

Kiền khôn võ hiệp
Trọn bộ 9 hồi
Hồi 2: Chương 2
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-9)

Siêu sale Lazada

Về phần Hoàng Phúc, hôm đó cõng được Cúc Anh và Cửu Anh ra đi, đã đành cái nạn Đắc Cương giết hại là tránh được xong, chắc Đắc Cương cũng không thèm theo đuổi hỏi han chi nữa. Nhưng lại khốn về một nỗi, giữa khi nguy biến bước ra, trong tay không hề giắt dược một đồng kẽm nhỏ, thì rồi đây phương xa lưu lạc, biết lấy gì mà độ được thân.

Hoàng Phúc nghĩ vơ nghĩ vẩn, vô kế khả thi, mãi sau cùng kế, chàng phải đi quanh các mạn lần hồi hành khất để mà độ nhật cho qua.

Một hôm Hoàng Phúc dắt hai người đi đến địa giới huyện Lê Thành, tìm vào một gian miếu cổ ẩn thân. Gian miếu cổ ấy nguyên là cái miếu thờ Thổ thần ở giữa cánh đồng, nhưng dân làng bỏ đó đã lâu, không ai cúng lễ trông coi chi đến, nên hiện đã dột nát tồi tàn, không biết thế nào mà kể. Trong miếu ngăn làm ba gian, trên nóc ngói vỡ tứ tung, có chỗ trông rõ cả trời, giá lúc mưa to thì tất là nước mưa đổ xuống như trút. Gian giữa miếu đó, có một cái bục xây cao, trên đắp cái bệ thờ thần, còn dưới thì xây cuốn trống không, chuột bọ làm tổ làm hang, rất bẩn thỉu.

Hoàng Phúc đem Cúc Anh cùng Cửu Anh vào ở miếu đó, kiếm các lá lẩu về rãi vào gậm chỗ bệ thờ và che kín hai đầu cuốn hai bên, tựa như cái buồng để ba người cùng ở. Đoạn rồi hàng ngày, Hoàng Phúc bảo Cúc Anh trông coi Cửu Anh ở nhà, còn tự mình thì đi xin khắp cả vùng để lấy lương thực về nuôi. Nhiều khi gặp hôm hung vận, Hoàng Phúc không xin đủ số lương cho ba người ăn, thì lại bấm bụng nhịn xuống, để phần cho Cúc Anh và Cửu Anh ăn đủ, tình cảnh thảm thiết vô cùng.

Dần dà được ít lâu, Cúc Anh cũng đã hơi khôn biết, lắm khi hỏi lại Hoàng Phúc những chuyện trước đây, thì lại rân rân tuôn đôi hàng lệ, nói với Hoàng Phúc những giọng đau đớn cay chua và hứa sau này thế nào cũng có phen làm cho thỏa chí.

Nhân thế, những khi Hoàng Phúc đi xin vắng nhà, thì Cúc Anh lại một mình quay ra luyện tập chân tay, khuân gạch khuân ngói ném đất ném bùn, làm cho cân lực ngày càng dẻo mạnh.

Hoàng Phúc thấy vậy, một hôm nhân hỏi bỡn Cúc Anh rằng:

- Cô còn ít tuổi như thế, hàng ngày cô chỉ khuân vác mà tập để chơi, thiết tưởng còn có gì là bổ ích? Vậy chẳng thà cô cứ ngồi chơi một chỗ lại còn đỡ mệt đến người.

Hoàng Cúc Anh cười mà đáp rằng:

- Ông già nói thế, ai không biết thế là hơn! Song cái thù mẹ tôi bị chết đây kia, tôi chưa báo được, khi nào tôi có thể yên tâm. Tôi sở dĩ luyện tập thế này là tôi muốn sau này khi đã thành tài, tất tôi phải tìm thằng giặc Đắc Cương mà phân thây ra làm vạn mảnh để khôi phục lại gia đình, rồi bấy giờ tôi sẽ ngao du thiên hạ giết hết những kẻ tàn ác ở đời, thì mới thỏa lòng tôi được.

Hoàng Phúc nghe nói, múm mỉm gật đầu, tuy không nói ra, song thấy một đứa bé con mà đã có cái khẩu khí gớm ghê như vậy, thì trong bụng cũng lấy làm thán phục vô cùng.

Cách mấy năm sau, hai chị em Cúc Anh đều đã ngoài 10 tuổi. Một hôm, Hoàng Phúc đi xin, mãi tới khi mặt trời gần tối mới trở ra về. Khi về tới cửa miếu, chợt nghe thấy trong miếu có tiếng lao xao huy động, tựa như có một bọn người đương hăng hái đánh nhau trong đó. Hoàng Phúc lấy làm hoảng hốt, vội vàng bỏ cả thức ăn ở ngoài cửa, rồi lật đật chạy vào.

Chàng vừa bước chân vào cửa, thì thấy trong đó Cúc Anh đương cầm một thanh bảo kiếm ở tay, đánh nhau với một anh chàng béo đen to tướng. Hoàng Phúc trông kỹ anh chàng kia thì thấy mặt đen chùi chũi, người cao 8 thước, dưới cằm có hàng râu tua tủa đâm ra như lông chổi xể, hai con mắt lồi hẳn con ngươi ra ngoài, sáng quắc như sao, đầu đội cái mũ nỉ cao cao, mình mặc bộ quần áo sắc đen, chân đi đôi giày mỏng đế, tay cầm một thanh đại đao, ra dáng mạnh tợn hăng hái, đương hết sức đánh chém Cúc Anh.

Hoàng Phúc bèn kêu vội lên rằng:

- Quân nào ở đâu đến đây, dám trêu ghẹo chủ ta như thế!

Tên kia nghe thấy tiếng kêu, tưởng là Cúc Anh có người đến giúp, bèn hốt hoảng quay cổ ra nhìn. Bất đồ chàng vừa quay ra, không kịp đề phòng thì mũi kiếm của Cúc Anh cũng vừa đánh đến vai chàng, chém xuống một nhát quá mạnh, làm cho chàng kia xả hẳn bên vai, ngã lăn ngay xuống. Cúc Anh thừa thê, lại sấn ngay lên, đưa luôn một nhát kiếm nữa, cắt đứt ngay cổ thằng kia.

Hoàng Phúc thấy vậy, sợ hãi hoảng hồn, ngây người lè lưỡi một lúc lâu, rồi mới khẽ cất cái giọng run run mà rằng:

- Cô làm cách nào mà giết được nó thế, khiến tôi sợ hãi xuýt nữa thì hồn vía bay cả lên trời... Nó là đứa nào, ở đâu đến đây mà lại đánh nhau với cô? Thanh kiếm này, mọi khi có ai rút được nó ra đâu, vậy sao hôm nay bỗng dưng cô lại rút ra dùng được.

Cúc Anh ra dáng mệt nhọc, thở hổn hển một lúc, rồi mới đáp rằng:

- Lúc nãy tôi đợi mãi không thấy lão về, hai chị em bèn ra đứng ở cửa để ngóng. Ngờ đâu vừa đứng được một lúc, thì bỗng có hai đứa lạ mặt đi đến, một đứa thấp lùn nữa với một đứa to lớn đẫy, cứ chòng chọc nhìn vào chị em tôi không chớp. Tôi thấy thế, biết hẳn bọn này là bọn gian tặc chi đây, tôi liền dắt em tôi quay đi trở vào. Ngờ đâu bọn nó cũng theo đi vào, rồi cái thằng lùn kia sấn đến ẵm em tôi toan chạy. Tôi vừa sợ, vừa tức, muốn kêu mà không ra tiếng. Chợt khi đó trông thấy thanh bảo kiếm hiện ra một ánh hào quang sáng loáng, tôi sựt nhớ đến, bèn cố sức rút thanh kiếm ra để đánh. Cũng không ngờ tôi rút một cái quá mạnh thì quả nhiên thanh kiếm tụt ra, tôi liền vác ngay thanh kiếm đuổi theo tên kia, chém cho một nhát chết gục ngay xuống. Bấy giờ tên này thấy một đứa bị chết thì thét lên ầm ầm vác ngay đại đao xông vào đánh tôi. Tôi quá sợ đâm liều, cũng cứ sả vào đánh nhau với nó. Thì may đâu lại gặp ngay lão về đây, quát lên mấy tiếng giúp oai, cho nên tôi mới thừa cơ mà chém được nó, nếu không thì cũng chưa biết ra sao?

Hoàng Phúc hỏi:

- Thế thằng kia bị chém ở chỗ nào?

Cúc Anh trỏ vào phía trong chỗ cửa gian bên kia mà bảo Hoàng Phúc. Hoàng Phúc nhìn sang thì quả thấy một cái xác chết đã nằm sóng soài ở trên vũng máu.

Hoàng Phúc nhìn xong, nghĩ ngợi một lát, rồi hỏi:

- Nhưng chẳng hay cô có học ai cái nghề đánh kiếm bao giờ, mà sao bỗng dưng cô lại đánh ngay được thế?

Cúc Anh tươi cười mà rằng:

- Câu chuyện ấy, cứ tôi nghĩ ra cũng là kỳ ngộ, chứ không phải một mình bác. Nguyên đêm hôm qua, tôi đương nằm ngủ thì chợt mơ thấy có một nữ đạo sĩ ở đâu đến tìm tôi, tự xưng là sư phụ và bắt tôi mang thanh kiếm ra luyện tập mấy bài. Tôi cũng vui mừng thích chí, nghe lời ra luyện tập ngay. Ai ngờ người đó đương dạy bảo tôi được một lúc thì bỗng quát lên bảo tôi rằng: "Thôi thế cũng đủ dùng rồi, còn nữa để sau sẽ học..." Nói đoạn thì biến ngay đi mất. Tôi giật mình tỉnh dậy, mới biết là giấc chiêm bao. Thế rồi lúc chiều hôm nay, khi gặp việc đánh nhau, tôi thoạt cầm đến thanh kiếm thì thấy tay múa rất thuận, hình như những bài đã từng luyện tập kỹ rồi, mà mình không biết.

Hoàng Phúc nghe câu chuyện đó, trong bụng càng hồ đồ không hiểu ra sao, hắn lại nói với Cúc Anh rằng:

- Bây giờ xảy ra việc án mạng thế này, nếu ta ở đây, lỡ khi có người biết tới thì tất cả đều bị lôi thôi. Vậy bây giờ nhân lúc trời tối, bất nhược chúng ta đem nhau trốn đi nơi khác cho xong...

Cúc Anh trẻ người non dạ, nghe nói như vậy, còn đương lúng lúng chưa biết trả lời ra sao? Thì chợt đâu thấy ở phía trên mái đầu miếu có một cái gì đen đen, đến vụt một cái hiện xuống lù lù ở ngay giữa cửa. Hai người giật mình quay ra nhìn thì hóa ra là một người con gái, đầu đội cái mũ lông, mình mặc bộ quần ào chẽn bằng lụa trắng, chân đi đôi giầy sau gót hơi cao, lưng đeo một thanh bảo kiếm, coi ra có vẻ mạnh mẽ lạ thường.

Cúc Anh thấy nguời con gái đường đột đến đó, trong bụng ngờ là lại quân gian ác, nàng nhân sẵn có thanh kiếm trong tay bèn lại sấn ra toan đánh.

Người con gái thấy vậy, cười hì hì bảo Cúc Anh rằng:

- Cô em không nên nghi ngại làm chi! Tôi là Đổng thất nương đây, cô em cứ lặng yên, để tôi nói chuyện...

Nói tới đó liền đi gần vào chỗ Cúc Anh đứng rồi nói tiếp lên rằng:

- Tôi nhân có việc qua đây, thấy cô em đánh nhau với thằng đen béo vừa rồi, tôi đã toan vào ngay đánh giúp. Sau không ngờ cô em lại giết được nó, cho nên tôi muốn vào đây mừng cho cô em một ít mà thôi. Vậy cái người vừa rồi, cô em có biết nó là ai hay không?

Cúc Anh thấy Thất nương ăn nói ôn tồn, tử tế thì cũng tin là người đứng đắn, bèn đáp lại rằng:

- Tôi ở xa tới đây, nào có gặp chúng bao giờ mà biết.

Thất nương cười rằng:

- Thế không trách cô em dám bạo gan mà đánh nó được... Nhưng thôi được thế kể cũng là may. Nguyên thằng này tên là Ngụy Bưu, nó vốn là người ở huyện Lê Thành mà là một hạng ăn thịt người không phải chấm muối xưa nay. Nó sống ở đây, chỉ chuyên về nghề bóc lột những người buôn bán và cướp sống những đám con gái nhà tử tế để đem về hãm hại người ta. Nó vẫn thường hay đi với thằng nữa lùn lùn béo béo, tên là Điêu Hồng, cũng là một môn với nó...

Thất nương vừa nói tới đây, thì Hoàng Phúc vội ngắt ngay lời mà rằng:

- Nếu thế thì có lẽ chính thằng ấy cũng bị chết đây rồi thì phải.

Nói đoạn liền đưa vào chỗ xác đứa kia trỏ cho Thất nương xem. Thất nương trông mặt thằng kia, rồi ra vẻ vui mừng gật đầu mà rằng:

- Thôi phải, chính nó đây rồi. Nhưng cô em giết được chúng nó thì bản lĩnh chắc cũng không phải là bậc tầm thường. Vì hai tên này cũng là những tay đáo để, khắp vùng này không ai trị nổi được xưa nay. Tôi sang đây phen này chính là cũng muốn tìm trị nó đi để cứu cho những đám con nhà tử tế ở cả vùng này, nhưng may cô em đã giết được cả chúng rồi, thực là may mắn cho dân vùng này vô hạn... Vậy xin hỏi cô em tên chi, quê quán ở đâu, học ai mà đã có bản lĩnh cao như vậy?

Cúc Anh nghe nói, ra vẻ thẹn thò, đem hết chuyện mình và việc đánh giết hai đứa vừa rồi thuật cho Thất nương nghe. Thất nương nghe dứt câu chuyện, trong bụng bất giác cảm động ngậm ngùi, lấy làm ái ngại thay cho tình cảnh chị em Cúc Anh.

Nàng nhân nói với Cúc Anh rằng:

- Chẳng giấu gì cô em, tôi đây nguyên quê ở Đổng gia trang, thuộc huyện Bình Âm, ở về tỉnh hạt Sơn đông, chồng tôi là Đổng Thiên Bảo, bài hàng thứ bảy, là một tay võ nghệ siêu quần, lại kiêm cả phép phi hành, có tài điểm huyệt, các món ngạnh công, nhuyễn công, các môn thủ kiếm, nạp kiếm, không gì là không khá hơn người. Chính ngay bản lĩnh của tôi, cũng là nhờ ở chồng tôi dạy cho tất cả. Tôi đây, họ vẫn thường gọi là Đổng thất nương và lại cho tôi một cái tên hiệu gọi là Phấn Diện Kim Cương. Nói đến Phấn Diện Kim Cương ở đất Sơn Đông thì trong giang hồ, không ai không biết tới.

Nói đoạn lại thở dài một tiếng, ra ý than tiếc cho tình cảnh Cúc Anh và ngỏ muốn bảo bọn Cúc Anh cùng về cả Đổng gia trang để ở. Cúc Anh nghe nói, lấy làm mến lòng âu yếm của Đổng thất nương, bèn nhận lời ngay không hề từ chối.

Đổng thất nương liền giục ba người lập tức ngay đêm hôm ấy cùng nhau lên đường về đất Sơn Đông. Trong khi đi đường, các khoản ăn uống chi tiêu Thất nương đều tự mình xuất tiền túi ra, cung đốn ba người rất là chu đáo. Đoạn rồi Thất nương lại bỏ tiền ra may thêm xống áo cho ba người mặc, không để cho thiếu một chút chi.

Cách ba hôm sau, một hôm đi tới một khu rừng kia thì trời vừa đúng buổi trưa, mặt trời chói lọi trên không, không hề có một gợn mây qua lại. Bất đồ bốn người đương đi lững thững với nhau, thì bỗng đâu thấy có một trận cuồng phong đưa đến, làm cho cát bụi bốc lên như ném, mà cây cối xung quanh cũng đều tả tơi nghiêng ngả.

Cúc Anh ngửa trông lên trời, rồi bỗng lấy làm quái lạ, bảo Đổng thất nương rằng:

- Quái lạ! Trời trông quang đãng thế kia, bốn bên không một gợn mây nào, mà bỗng có một trận gió đùng đùng như thế thì hỏi rằng gió ấy đem đến tự đâu?

Thất nương hơi mủm mỉm cười, rồi cầm lấy tay Cúc Anh mà khẽ nói rằng:

- Cô em không biết, cô thử trông lên ngọn núi ở phía bên phải mà xem thì cô khắc rõ.

Cúc Anh nghe nói vội ngẩng lên nhìn, thì thấy trên đỉnh núi bên phải, có một nhà sư hình dung khô khẳng, tay cầm cái bát, minh mặc bộ áo sắc gio, đương đứng sừng sững một mình ở đó.

Cúc Anh liền hỏi:

- Vậy chẳng hay nhà sư ấy là thế nào, làm gì mà thành ra gió, xin bà bảo rõ cho tôi được biết.

Đổng thất nương lại khe khẽ đáp rằng:

- Những hạng ấy chính là những tay đại bợm trong đám giang hồ, họ làm như thế, chẳng qua là thử ta đó. Nhưng ta hãy mặc hắn, để lúc nào hắn đến rồi ta sẽ liệu.

Cúc Anh nhân hôm trước giết được mấy người, trong bụng vẫn còn cao hứng, bèn nói với Thất nương rằng:

- Nếu vậy để tôi lên núi, tôi đánh cho nó một trận cho nó biết tay.

Đổng thất nương cười nhạt rồi gạt đi rằng:

- Cô em không thể vội vàng thế được. Những hạng người ấy, đến tôi địch hắn chưa chắc ăn thua, nữa là cô em thì làm gì được. Vả chăng tôi đã có cách, cứ để mặc nó xem sao?

Nói đoạn liền lôi Cúc Anh đi thẳng, không cho ngoái đầu nhìn lại đàng sau. Đi chừng hơn 20 dặm đường nữa thì trời đã tối. Thất nương bèn dẫn mấy người cùng vào một ngôi hàng để trọ.

Khi vào tới hàng, Cúc Anh lại ra dáng nóng nảy, bảo Thất nương rằng:

- Thằng sư ấy, đã biết nó là gian ác, vậy sao Thất nương không giết nó đi, còn để làm chi loài ấy?

Thất nương lắc đầu đáp rằng:

- Chúng ta làm việc của chúng ta, nó không động đến thì thôi, can chi ta lại mua việc thêm phiền. Vả chăng những hạng ấy cũng là những bậc không vừa, ta động vào họ, lỡ ra mà không trị ngay đi được thì có khi lại nguy vổi họ không chơi. Vậy bất nhược ta cứ mặc quách người ta cho rảnh.

Vừa nói tới đó thì nhà hàng đã dọn cơm lên, Đổng thất nương vội giục mọi người quay vào ăn cơm. Khi cơm nước xong, Thất nương nhân bảo mọi người rằng:

- Tôi đi mấy hôm nhọc mệt, tôi phải ngủ sớm chứ không, thức khuya được nữa, có điều đêm nay cô em cũng nên cẩn thận đề phòng một tí thì hơn...

Nói xong, lập tức cởi bỏ hành lý một bên, rồi lên giường nằm lăn ra ngủ. Thầy trò Cúc Anh ngồi chơi một lúc, rồi cũng toan quay vào sửa soạn đi nằm. Lúc đó nhìn đến Thất nương đã thấy nằm lăn ra ngủ, miệng ngáy khè khè như là kéo gỗ.

Cúc Anh thấy vậy, nghĩ thầm trong bụng: "Bà này dặn mình phải nên cẩn thận, mà chưa chi bà ta đã ngủ thế kia. Ở đây xóm làng vắng vẻ, đêm hôm lỡ xảy việc chi, thì phỏng làm sao gỡ kịp! Vậy chẳng hay ta cứ ngồi ở cái giường con phía bên cửa sổ, rình xem đứa nào tới đây, ta tặng cho nó một kiếm cho xong..."

Nàng nghĩ đoạn liền bảo Hoàng Phúc cùng Cửu Anh ngủ trước, còn tự mình thì tắt đèn đi, tay cầm nhăm nhăm thanh kiếm, ngồi nấp vào cái giường ở bên cửa để rình.

Một lúc lâu, bốn bề đều đã ngủ im tăm tắp, tiếng ngáy của Thất nương càng ngày càng thấy kéo mạnh mãi lên. Cúc Anh đương khi để ý rình ra cửa sổ thì chợt thấy có một cái bóng đen đen, đánh thoáng một cái bay vụt theo lối cửa sổ mà vào khiến cho nàng muốn giơ gươm lên chém cũng không giơ tay theo kịp. Kế đó thấy Đổng thất nương đương ngủ trên giường, chỉ hơi cựa mình một tí, lại im ngay. Rồi đánh thoáng một cái lại có hai cái bóng đen từ ở phía trong bay biến đi ra.

Cúc Anh giật mình kinh sợ, đoán chắc không khéo sẩy có việc gì nàng bèn rón rén đến chỗ Thất nương nằm, sờ lên giường xem thì đã không thấy có ai ở đó. Cúc Anh hoảng hốt kinh ngạc, chợt nhớ đến vừa rồi có hai cái bóng bay ra, nàng liền đánh bạo, khẽ mở cánh cửa ngó cổ ra xem.

Bây giờ nhờ ánh trăng suông cũng hơi hơi sáng. Cúc Anh trông ra thì thấy quả nhiên có tiếng gươm đao chạm nhau canh cách và thấy Thất nương đương cùng một người nữa đánh nhau ở phía giữa sân. Cúc Anh thấy vậy, vội vàng cũng vác gươm ra, xông đến đánh giúp Thất nương.

Ngờ đâu nàng vừa xông ra chờn vờn chưa kịp đánh được cái nào thì bỗng thấy có một vật gì loang loáng chạy vào vế chân trái của mình, làm cho đến nhói một cái rồi bỗng vật ngay xuống. Đoạn rồi thấy người kia ra dáng vội vàng nhảy xà ngay đến, giơ dao toan chém Cúc Anh.

Thì liền đó Đổng thất nương lại mau lẹ hơn, nhảy thoắt một cái đến trước, phi một chân lên đá trúng vào tay người kia đến tách, rồi thấy cái đao của người ấy rơi xuống đất kêu xoảng hẳn lên. Người kia liền cắm cổ quay ra chạy thẳng không dám quay đầu lại nữa.

Thất nương lúc đó từ từ cúi xuống dắt Cúc Anh vào trong phòng. Cúc Anh thấy bên chân phải càng ngày càng thêm đau, cơ hồ bất tỉnh nhân sự. Đổng thất nương tìm khắp người Cúc Anh thì thấy ở đùi bên trái bị một cái phi đao đâm phải, vết thương cũng khá sâu. Rút cái phi đao ra xem thì thấy trên lưỡi có khắc mấy chữ Giác Hoa, trông rất rõ ràng từng nét. Đổng thất nương bèn lấy ngay một miếng thuốc giấu rịt vào chỗ đùi cho Cúc Anh rồi để cho nằm ngủ, sau đó tự mình ngồi đó để coi bệnh thế xem sao?

Một lúc lâu lâu, Cúc Anh tỉnh dậy, mở mắt nhìn thấy Đổng thất nương ngồi ở bên cạnh, thì ra dáng hoảng hốt mà rằng:

- Thất nương ơi, tôi còn sống thực hay không? Không hiểu vì sao tôi đương đánh nó, mà bỗng bị mê man ngay được như thế?

Thất nương tắc lưỡi mà rằng:

- Tôi đã bảo trước cô em, cái đám giang hồ, há phải là hạng tầm thường đâu đấy! Cô có biết cái thằng đánh nhau với tôi chính là thằng sư mà ta trông thấy lúc sớm đó không? Trên ngọn phi lao của nó có khắc hai chữ "Giác Hoa", tôi chắc là tên nó hẳn. Nhưng nay cô em không nghe lời tôi, có phải chỉ chút nữa thì nguy đến tính mệnh hay không?

Cúc Anh lúc đó cũng hơi hối hận trong bụng, nhân bảo Thất nương rằng:

- Ngay lúc đại nương đi ngủ tôi vẫn rình mò. Nhưng không ngờ nó lại vào nhanh được thế. Đến sau ra sân, thấy nó đánh nhau với đại nương, bụng tôi chỉ lo đại nương thua nó, cho nến tôi phải liều sấn ra ngay. Nhưng không biết đại nương đương ngủ, mà sao biết được nó vào để ra chống cự, tôi thực lấy làm lạ lùng vô hạn.

Đổng thất nương cười mà đáp rằng:

- Cô biết đâu là chỗ tôi ngủ đó... Tôi tuy nhắm mắt ngủ say, nhưng nghe thấy thoảng tiếng gió bên tai, thì cũng tỉnh ngay lập tức. Bởi thế khi hắn ta vừa mới ở cửa bước vào, tôi nghe có tiếng đánh vù, là tôi tỉnh ngay được dậy, rồi nhảy ra phía tường chém luôn cho nó một nhát. Cái nhát đao đó tuy không trúng vào được quân gian, nhưng hắn cũng choáng hồn bỏ chạy, không dám xâm phạm vào người được nữa.

Cúc Anh nghe nói rõ đầu đuôi câu chuyện thì nàng cảm phục Đổng thất nương, khen ngợi không dứt. Đương khi hai người trò chuyện với nhau, thì chợt thấy có một vật đen đen từ ngoài phía cửa sổ vù vù bay vào, ném phải giữa mặt Cúc Anh, làm cho Cúc Anh giật mình kinh sợ ngã vật ngay ra. Đổng thất nương thấy vậy, cũng hoảng hốt lạ lùng, vội vàng đứng phắt ngay lên, rút thanh bảo kiếm sấn đến để chém vật kia.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-9)


<