Vay nóng Homecredit

Truyện:Lư Sơn kỳ nữ - Hồi 03

Lư Sơn kỳ nữ
Trọn bộ 53 hồi
Hồi 03: Người Áo Xanh Trong Núi Điểm Thương
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-53)

Siêu sale Lazada

Độc Cô Sách sợ Ngọc Mỹ Nhân Ôn Băng lai tỉnh rồi sẽ đuổi theo chất vấn mình tại sao lại phá hoại mưu kế trả thù của nàng, thì lúc ấy biết trả lời ra sao, nên chàng vội dẫn Hưng nhi rời khỏi núi Hán Dương và định đi đến núi Điểm Thương để theo dõi Điền Thuý Thúy với Bạch Phát Quỷ Mẫu, chàng liền nói với Hưng nhi:

-Cổ nhân vẫn thường nói, hoàng đế không bao giờ điều khiển quân lính đói.

Phen này ngươi đã lập công lớn như vậy, tất nhiên ta phải có thưởng.

Hưng nhi nghe thấy chủ nhân bảo có thưởng đã hớn hở nói ngay:

-Xin tướng công thưởng cho tiểu nhân được học một hai thức trong Đại Bi cửu thức là tiểu nhân mong mỏi nhất.

Độc Cô Sách nhìn mặt Hưng nhi một hồi rồi cười đáp:

-Thằng nhỏ này người nhỏ mà trí không nhỏ chút nào. Với hoả hầu của ngươi bây giờ, làm gì có tư cách học hỏi được Đại Bi cửu thức cơ chứ?

Thấy chủ nhân không chịu truyền thụ võ công ấy cho mình, Hưng nhi chẩu môi hậm hực:

-Tướng công đã không chịu truyền thụ Đại Bi cửu thức, thì cháu cũng chả muốn lãnh phần thưởng gì khác hết.

Hưng nhi theo hầu Độc Cô Sách từ hồi còn nhỏ, y rất thông min khôn ngoan, cho nên rất được lòng Độc Cô Sách. Thấy thằng nhỏ có vẻ bất mãn, Độc Cô Sách vừa cười vừa nói:

-Tiểu quỷ này càng ngày càng vô lễ, dám làm nũng với chủ nhân như vậy. Ta muốn thưởng cho ngươi thanh Hàn Tê nhuyễn kiếm, chả lẽ ngươi không thèm thanh bảo kiếm ấy hay sao?

Hưng nhi không dám tin lời nói đó là thực mặt đỏ bừng ngập ngừng hỏi lại:

-Sao tiểu nhân lại không muốn được thanh bao kiếm ấy... là vật chí báu để phòng thân của tướng công...

Độc Cô Sách cởi thanh nhuyễn kiếm ra đưa cho Hưng nhi, nói tiếp:

-Từ khi ta được ân sư truyền thụ cho Đại Bi thần công đến giờ, dù có dùng cành trúc ba thước cũng có thể địch nổi bảo kiếm nghìn năm của đối phương. Đây, ta thưởng cho ngươi đấy.

Hưng nhi đỡ lấy thanh nhuyễn kiếm, mừng rỡ đến suýt tí nữa thì té ngã. Y vội dồn chân lực vào bàn tay, thanh kiếm mềm nhũn đã cứng như một thanh kiếm gang vậy.

Độc Cô Sách thấy công lực của hưng nhi tiến bộ nhanh chóng như thế rất hài lòng chàng nói:

-Ngươi ngày đêm chịu khó học hỏi cho tiến bộ... ạ.

Không đợi chàng nói dứt Hưng nhi đã vộ đỡ lời:

-Chủ nào tớ nấy, tướng công có võ công cao siêu như vậy, nếu Hưng nhi lười biếng có phải là làm mất thể diện của tướng công không?

-Vì duy trì thể diện của ta, từ nay trở đi ta sẽ truyền thụ cả pho Thập bát la hán kiếm pháp cho ngươi.

-Tướng công khỏi phải dạy bảo nữa, tiểu nhân đã học lỏm được rồi.

Độc Cô Sách kêu "ồ" một tiếng, có vẻ không tin vội bảo Hưng nhi múa thử pho kiếm ấy cho mình xem.

Hưng nhi vội đứng lấy thế và biểu diễn ngay pho "Thập bát la hán kiếm pháp"

mà y đã học lỏm được cho Độc Cô Sách xem, không ngờ kiếm pháp của y đã luyện tới mức tinh thục rồi. Độc Cô Sách xem xong trong lòng rất vui mừng, nhưng vẫn ra vẻ giận dữ trầm giọng nói:

-Những cái gì học lén dù sao cũng không được toàn vẹn, thế kiếm thứ ba với thế thứ mười tám của ngươi vẫn chưa học hỏi được hết những tinh tuý của nó.

Hưng nhi rất biết phục thiện vội đáp:

-Tướng công nói rất đúng, tiểu nhân múa tới hai thế đó còn cảm thấy ngượng tay vô cùng.

-Hai thế kiếm ấy là hai thế rất tinh hoa của pho Thập bát la hán kiếm pháp, bên trong biến hoá vô cùng. Ngươi phải cẩn thận để ý thể hội, vì chuyến đi núi Điểm Thương này thế nào cũng gặp cường địch. Nhân đây ta truyền thụ nốt hai thế kiếm cho ngươi, phải để ý nhìn kỹ mới được.

Nói xong, chàng truyền thụ ngay hai thế kiếm tuyệt học ấy cho Hưng nhi.

Học xong, Hưng nhi bỗng chặt một cành cây, Độc Cô Sách ngạc nhiên hỏi:

-Ngươi chặt cành cây để làm gì?

Hưng nhi chỉ cười chứ không trả lời, dùng nhuyễn kiếm đẽo cành cây ấy thành một thanh kiếm, rồi y cung kính đưa cho Độc Cô Sách và nói:

-Tướng công đã ban cho tiểu nhân thanh kiếm, nên tiểu nhân xin làm ngay một thanh kiếm gỗ để tướng công ứng dụng.

Độc Cô Sách cầm thanh kiếm gỗ lên xem, nhận thấy cũng vừa tay liền mỉm cười nói:

-Như vậy cũng hay, ta sẽ dùng thanh kiếm gõ này đi núi Điểm Thương đấu với Lục Y U Linh và Bạch Phát Quỷ Mẫu đã danh trấn bát hoang một phen.

Nói xong chàng bỗng nghe thấy có một tiếng cười nhạt vọng tới, cả hai thầy trò đều nhận thấy tiếng cười đó thốt ra ở trên một cây cổ thụ tại phía bên phải, chỗ cách mình chừng ba trượng.

Hưng nhi không chờ Độc Cô Sách lên tiếng đã vội quát ngay:

-Quỷ quái sơn tinh nào mà dám ở trước mặt đức thánh Khổng khoe khoang văn học thế?

Y vừa nói vừa phi thân về phía đó luôn. Còn Độc Cô Sách vẫn đứng yên chỗ cũ chỉ đưa mắt lên nhìn về phía ấy thôi.

Hưng nhi vừa tiến tới bên gốc cây, đột nhiên nghe tiếng rú quái dị kinh hồn từ trên cành cây cổ thụ đưa xuống. Tiếp theo đó có một con chim khổng lồ dị hình bay ra, thân hình của nó to như bánh xe ngựa vậy.

Ngoài con chim ấy ra, trên cây cổ thụ và xung quanh đó tuyệt nhiên không có một bóng người nào cả. Hưng nhi đành quay trở lại thưa với Độc Cô Sách rằng:

-Thưa tướng công, đó là tiếng của con chim lớn chứ không phải...

Y chưa nói dứt lời, thì mặt Độc Cô Sách đã biến sắc. Chàng vội phất tay áo một cái, nhanh như điện chớp, phi tới dưới gốc cây nhưng chàng tìm kiếm mãi cũng không thấy một bóng người nào cả. Hưng nhi liền vừa cười vừa nói:

-Tướng công, tiểu nhân đã xem kỹ rồi, ngoài con chim ấy ra không có một người nào hết.

Độc Cô Sách cau mày lại cười nhạt nói át đi:

-Đồ ngu mà còn nói bừa bãi. Sĩ diện của ta đã bị ngươi làm mất hết rồi.

Hưng nhi ngơ ngác không hiểu gì hết. Độc Cô Sách lại quát mắng tiếp:

-Mau lấy cái lá cây ở trên cổ áo ngươi xuống đây đưa cho ta xem.

Hưng nhi nghe nói giật mình kinh hãi, vội rờ tay lên cổ áo quả nhiên thấy trên cổ áo có một cái lá cây thật. Y hổ thẹn vô cùng vội đưa ngay cho Độc Cô Sách.

Độc Cô Sách đoán chắc trên lá cây thế nào cũng có chữ. Chàng cầm lên xem, quả thấy có bốn câu như sau:

"Bạch phát hao đấu" (tóc bạc có thể đấu được) "Lục y nan đương" (áo xanh khó đối phó) "Anh hùng tiểu kiếp" (tai kiếp nhỏ của anh hùng) "Điểm Thương chí Dương" (sẽ ở lúc có mặt trời tại núi Điểm Thương) Đọc xong mấy câu đó, chàng lẳng lặng cúi đầu xuống, không phải là hổ thẹn cũng không phải là hãi sợ, mà là suy nghĩ. Trên đời này ngoài ân sư của mình. Đại Bi đầu đà, không bao giờ bước chân trong chốn hồng trần thì không còn ai có thể lưu trữ báo động một cách vô hình tích như vậy được.

Chàng ngẫm nghĩ mãi mà vẫn không sao nghĩ ra người đó là ai? Hai thầy trò nản chí vô cùng liền bỏ đi luôn. Nhưng chàng mới đi được mấy bước, thì vấn đề nan giải mà chàng nghĩ mãi không ra, đã được giải đáp liền.

Thì ra Hưng nhi vừa quay người một cái, chàng đã thấy trên lưng thằng nhỏ còn có một vết đỏ. Chàng vội nhìn kỹ, mới hay chỗ dưới lá cây hồi nãy còn có một hình triện đỏ tươi. Triện ấy không khắc tên hiệu gì hết, chỉ có một cái hình đồ bát quái.

Trông thấy hình bát quái ấy, chàng nghĩ ra ngay một vị ẩn tích giang hồ đã lâu, và là một kỳ nhân tuyệt thế. Theo sư phụ chàng nói thì không biết người đó sống chết ra sao? Như vậy chàng không kinh ngạc sao được? Chàng liền chỉnh đốn quần áo hướng lên trên không chắp tay vái lạy và nói:

-ẩn hình tiền bối có phải là Tam Kỳ Vũ Sĩ Nam Môn Vệ sư thúc cùng gia sư Đại Bi thượng nhân, được thiên hạ gọi là Thích Đạo song tuyệt vào hồi ba mươi năm về trước với tài ba bói, rượu và ngủ đã danh trấn giang hồ đấy không?

Độc Cô Sách nói xong, thấy bốn bề vẫn yên lặng, không có ai trả lời gì hết.

Bây giờ Hưng nhi cũng biết mình bị người ta in dấu lên trên vai dán lá vào cổ áo, mà không hay biết gì hết, nên y vừa hổ thẹn, vừa tức giận, liền hỏi Độc Cô Sách rằng:

-Tướng công vừa rồi tướng công nói Nam Môn Vệ đó chắc là một lão đạo sĩ phải không? Chẳng hay ba môn tài ba bói, rượu và ngủ của y có cái gì đặc biệt mà lại danh trấn giang hồ, được người ta gọi là Tam Kỳ Vũ Sĩ như thế?

Tuy Độc Cô Sách thấy mình hỏi như vậy mà không trả lời, nhưng chàng yên trí đối phương thể nào cũng núp ở trong bóng tối. Xem cái triện bát quái ấy, chàng đã biết vị kỳ nhân ẩn hình này thân phận và công lực cao không thể tưởng tượng, nên chàng vội quát bảo:

-Hưng nhi không được vô lễ như thế! Nam Môn Vệ lão tiền bối là trưởng bối của ta. Ba mươi năm trước đây, theo võ lâm đồn đại ba câu:

"Thiên địa khoan" (trời đất rộng) "Càn khôn trách" (vũ trụ hẹp) "Quỷ thần kinh" (mà và thần cũng phải kinh hoảng). Mấy khẩu hiệu ấy là nói Nam Môn sư thúc đấy.

Hưng nhi định lên tiếng mắng chửi người đó một hồi cho nguôi cơn giận nhưng nghĩ chủ nhân gọi người đó là sư thúc, tôn làm tiền bối nên y không dám chửi nữa mà chỉ ngơ ngác hỏi:

-Thưa tướng công, mấy câu khẩu hiệu ấy hình như còn một câu nữa là "Thanh danh hách" (tiếng tăm hiển hách) phải không? Nhưng bốn câu đó với lão...

Y định nói: "lão đạo sĩ" thì Độc Cô Sách đã quắc mắt lên nhìn vào mặt y, y phải vội đổi giọng nói tiếp:

-... với Tam Kỳ Vũ Sĩ Nam Môn Vệ có liên quan gì thế?

Độc Cô Sách mỉm cười đáp:

-Bốn câu đó là: một giấc ngủ có thể làm cho thiên hạ khoan, một bữa say có thể khiến càn khôn trách, một quẻ bói có thể làm cho quỷ thần kinh, Tam Kỳ Vũ Sĩ tiếng tăm hiển hách đấy. Ngươi cứ xem bốn câu ca dao đó cũng đủ biết Nam Môn sư thúc của ta...

Chàng chưa nói dứt đã có mùi rượu thơm đưa tới. Hai thầy trò vội nhìn về phía có mùi rượu, liền thấy trên cành cây cổ thụ vừa rồi có treo một cái hồ lô rượu ngỏ nút và đang bay phất phới trước gió. Mùi rượu thơm là tự cái hồ lô ấy đưa ra.

Hưng nhi nhận thấy cử chỉ của đối phương kỳ ảo không khác gì thần tiên ma quỷ khiến người ta không sao biết trước được. Lòng tinh nghịch thúc đẩy, y liền tủm tỉm cười, nói với Độc Cô Sách rằng:

-Mùi rượu này thơm lắm, tướng công ạ. Để cháu nhảy lên trên cây uống mấy hớp nhé.

Nếu là lúc thường, không khi nào Độc Cô Sách lại cho Hưng nhi vô lễ như thế, nhưng xưa nay chàng biết tính của Nam Môn Vệ rất khôi hài và hoạt kê nếu ông ta càng đùa rỡn mình, thì mình càng có lợi ích thêm. Hơn nữa, đối phương nổi tiếng là Thần bốc, đã có bài thơ chỉ thị cho mình, đu rthấy hành động của mình đều ở trong tai mắt của ông ta chưa biết chừng vì cử chỉ tinh nghịch của hưng nhi mà dụ được vị kỳ nhân có tính nết rất quái dị này xuất hiện. Như vậy mình cũng được chỉ giáo rất nhiều.

Vì hai điểm trên, chàng không phản đối câu hỏi của Hưng nhi và cũng không tán thành, chỉ mỉm cười thôi.

Hưng nhi tuy là một thằng nhỏ nhưng thông minh tuyệt thế, thấy thái độ của chủ nhân như vậy, nó đã biết ngay chủ nhân cho phép rồi. Nó liền giờ khinh công ra tung mình nhảy lên trên cây cổ thụ, ngồi lên trên cành cây, cởi hồ lô ra định uống, nó bỗng thấy trên hồ lô có dán cái lá cây nho nhỏ, có viết tám chữ như sau "Chỉ hạn ba ngụm, không được uống nhiều".

Hưng nhi bưng hồ lô lên uống thử một hớp thấy rượu thơm ngon vô cùng. Trong đời y chưa bao giờ nếm qua thứ rượu ngon đến thế. Vì vậy y quên cả những chữ viết ở trên lá cây, uống luôn sáu bảy ngụm.

Tửu lượng của Độc Cô Sách rất cao, Hưng nhi theo hầu chủ nhân lâu ngày nên cũng biết uống. Với năm sáu ngụm rượu như thế thì dù rượu mạnh đến đâu, y cũng không say chút nào. Ngờ đâu lúc này y vừa uống xong, đã thấy choáng váng liền.

Độc Cô Sách biết trước thế nào cũng có chuyện xảy ra, nên chàng đã sớm chuẩn bị hễ thấy tung tích của Tam Kỳ Vũ Sĩ là tiến lên bái kiến liền.

Ngờ đâu Hưng nhi đang choáng vàng và lảo đảo như té ngã thì con chim khổng lồ và quái dị hỗi nãy ở đâu bay tới.

Độc Cô Sách kêu thầm: "Nguy tai!" định ra tay tấn công con chim đó nhưng chàng lại sợ con chim này của Nam Môn Vệ nuôn nên vội buông tay xuống.

Con quái điểu động tác nhanh như điện chớp một chân chộp lấy cổ áo của Hưng nhi, một chân chộp lấy hồ lô rượu, không thấy nó ngừng cánh gì hết vẫn tiếp tục bay lên trên cao.

Độc Cô Sách thấy vậy không thể nào đứng yên không ra tay cứu thư đồng của mình, nhưng chàng vừa rú lên một tiếng đã thấy dưới cánh của con quái điểu có một cái lá cây rớt xuống. Chàng vội tung nhảy lên bắt lá cây, thấy trên đó có mấy hàng chữ như sau:

"Hưng nhi táo gan, dám gọi lão phu là đạo sĩ, nhất thời lão phu không nghĩ ra được cách gì trừng phạt nó, đành phải bắt nó theo lão phu làm tiểu đạo sĩ vậy. Độc Cô! Độc Cô! Đừng có thị tài! Đẹp thay! Đẹp thay! Nàng áo xanh kia! Đáng sợ!

Đáng sợ! Lưỡi Tây Thi! Cẩn thận! Cẩn thận! Mạt trời Điểm Thương!". Hạ khoản cũng chỉ có một cái dấu bát quái thôi.

Đọc xong những chữ đó, Độc Cô Sách vừa mừng rỡ, vừa băn khoăn. Chàng mừng là vì Nam Môn Vệ với ân sư của mình cũng được gọi là Thích Đạo Song Kỳ, võ công cao siêu không thể tưởng tượng được, nay Hưng nhi đã được ông ta đoái hoài như vậy, thì thật là một kỳ duyên tuyệt thế cho nó. Sau này tài ba của nó thế nào cũng không kém gì mình.

Còn chàng băn khoăn rầu rĩ, là vì từ giờ trở đi chỉ còn một thân mình. Như vậy tịch mịch cô đơn biết bao?

Chàng đứng ngẩn người ra giây lát, lại nghĩ tới bốn câu viết ở trên cái lá, như kệ mà không phải kệ. Hai câu đầu ý nghĩa rõ rệt lắm, chàng không cần phải suy nghĩ cũng hiểu ngay nhưng còn câu thứ ba, Nam Môn Vệ lại bảo: "Tây Thi Thiệt tức lưỡi Tây Thi rất đáng sợ" chẳng hay vật đó là vật gì mà đến nỗi vị kỳ nhân ấy nói đáng sợ như thế? Chàng nghĩ thầm.

"Những thứ lợi hại và tuyệt độc thì chỉ có ám khí, khí giới độc đáo hay là loài rắn rết gì đó thôi, chứ sao lưỡi của một mỹ nhân lại có chất độc mà phải đáng sợ?".

Câu thứ tư càng khiến Độc Cô Sách kinh hãi thêm, vì chàng biết vị Nam Môn sư thúc này rất giỏi về bói toán, một quẻ bói của ông ta có thể làm cho quỷ thần thất kinh, đủ thấy quẻ bói của ông ta thiêng liêng như thế nào. Từ nãy đến giờ, trước sau hai lần, ông ta đều báo động ánh trăng trên núi Điểm Thương khiến chàng phải nghĩ tiếp:

"Chả lẽ phen này ta đi núi Điểm Thương gặp sự gì hiểm nghèo hay là bị tai kiếp chăng?".

Đáng lẽ chàng đã đoán ra như vậy thì không nên đi núi Điểm Thương nữa mới phải, nhưng nghĩ đến Ngọc Mỹ Nhân Ôn Băng muốn trả thù cho mẹ, đã khổ tâm xếp đặt mưu kế để dụ Bạch Phát Quỷ Mẫu vào tròng ngờ đâu lại bì mình phá đám, khiến diệu kế của nàng hỏng hết, không còn hy vọng trả thù, và bản thân nàng còn bị thương nặng, nên chàng lại phấn chấn ngay, quên bẵng cả lời báo động của Nam Môn Vệ, mà cứ tiến thẳng về phía núi Điểm Thương để tìm kiếm và bắt cho được Bạch Phát Quỷ Mẫu.

Chàng không những coi thường lời cảnh báo của Nam Môn sư thúc trái lại chàng còn sửa đổi vài chữ, rồi dùng bài kệ đó làm thành bài ca vừa đi vừa nghêu ngao ca hát hoài. Bài ca mà chàng đã sửa lại như sau:

"Độc Cô! Độc Cô! a thị cường!

Muốn kiếm Quỷ Mẫu, Lục Y nương Tây Thi thiệt là vật quái quỷ gì?

Tranh hùng! Tranh hùng núi Điểm Thương".

Chàng một thân một mình vừa đi vừa ca hát không bao lâu đã tới núi Điểm Thương.

Lúc ấy trời đã tối lại là đêm thu. Đêm thu ở núi Điểm Thương khác đêm thu ở trên Lư Sơn. Khi ở trên ngọn núi Hán Dương tại dãy Lư Sơn, Độc Cô Sách gặp Ngọc Mỹ Nhân Ôn Băng, thì vừa lúc trăng mọc lên như lưỡi liềm. Đêm nay chàng tới lưng núi Quần Ngọc ở dãy núi Điểm Thương thì cũng vừa gặp lúc trăng mới lên và trông như nửa miếng gương tròn. Chỉ xem hình trăng, người ta cũng biết đêm đó vào đêm mười một, mười hai, chỉ còn hai ba ngày nữa là tới Tết Trung Thu.

Độc Cô Sách thấy cảnh thu rầu rĩ, liền cao hứng ngâm nga vài câu. Chàng ngâm tới câu "Tiết thu mát mẻ biết bao, nhưng nay ta mới biết mùi của chữ sầu...".

Bỗng thấy phía bên phải có giọng thánh thót đỡ lời:

-Phải, tiết thu rất mát mẻ. Tuy lúc này đang thời tiết ấy, nhưng huynh đài không giống những vị tao nhân mặc khách đã quen biết mùi vị của chữ sầu, mà chỉ giống một vị anh hùng hiệp sĩ không biết sầu mà thôi.

Nghe mấy lời đó, Độc Cô Sách cảm thấy người này không phải là người thường và chàng nhận thấy tiếng nói đó hình như ở trên cao hơn hai trượng vọng xuống.

Chàng tới đây đã nhìn chung quanh một lượt rồi, sao lại không trông thấy người ở trên ấy?

Chàng đang kinh ngạc, lại thấy chỗ mình vừa đứng về phía Đông nơi mặt trời mọc, tên chàng kinh ngạc thêm, lời cảnh báo của Nam Môn Vệ lại hiện ra trước mắt chàng. Vì vậy chàng vội ngấm ngầm vận tuyệt học của sư môn ra để đề phòng và đối phó với bất cứ một sự tai biến gì, chàng mới trấn tĩnh ngửng đầu nhìn phía có tiếng người nói.

Trông thấy rõ người đó rồi, chàng hơi yên tâm, vì biết người đó đã tới trước mình đang ngồi uống rượu thưởng trăng, chứ không phải đột nhiên xuất hiện mà mình không hay biết gì hết. Nhưng chàng cũng kinh hãi vì thấy người đó mặc một cái áo dài màu lục.

Thì ra ở phía bên trái chàng, cách hai ba trượng, có một tảng đá lớn nhô ra giữa vách núi. Trên tảng đá ấy có một thiếu niên áo xanh đang cầm chén rượu nhìn trăng.

Xung quanh tảng đá lớn ấy mọc đầy rêu, áo của thiếu niên ấy lại là màu xanh lá cây, vì chàng ta lại ngồi tựa vách. Hồi nãy chàng ta chưa giơ tay nâng chén, và Độc Cô Sách cũng chưa nhìn kỹ lắm, thì làm sao mà phát giác được?

Bây giờ chàng thấy đối phương đã lên tiếng và chàng ta mặc áo màu lục hợp với câu kệ ngữ của Nam Môn Vệ, nhưng Độc Cô Sách không những không sợ hãi, trái lại còn rất hào hứng, chắp tay chào, mỉm cười hỏi:

-Các hạ ngồi ở tảng đá nguy hiểm ấy một mình thưởng trăng đủ thấy các hạ tao nhã biết bao? Tại hạ rất muốn được bái thức không? Biết các hạ có vui lòng tặng cho tại hạ một ly rượu để được cùng thưởng thức trăng đẹp này không?

Thiếu niên áo lục cười đáp:

-Tại hạ đang buồn vì độc ẩm, nay gặp huynh đài tới thì còn gì sung sướng bằng, nếu các hạ cũng có cao hứng như đệ thì xin mời lên trên này cùng say sưa với đệ một phen?

Độc Cô Sách khẽ phất tay áo một cái, phi thân lên trên tảng đá. Chàng ngắm nhìn thiếu niên nọ một hồi, sự kinh hãi vừa rồi đã tiêu tán ngay.

Vì trong kệ ngữ của Nam Môn Vệ chỉ bảo chàng đề phòng Lục Y nương, chứ không bảo chàng lánh xa lục y lang.

Thoạt tiên chàng vẫn tin tưởng tài bói toán cảu Nam Môn Vệ nên chàng đoán thiếu niên này là gái giả trai. Nhưng sau khi nhìn kỹ lại, chàng chỉ thấy đối phương rất đẹp trai, chứ không có vẻ gì đàn bà cả. Nhất là đôi mắt của chàng nọ sắc như nước biếc. Độc Cô Sách đã nổi tiếng là đẹp trai mà so sánh với thiếu niên này chàng phải nhận là đối phương còn đẹp trai hơn mình nhiều. Nếu thiếu niên này là thiếu nữ thì so với Ôn Băng vẫn không thua kém chút nào. Có thể nói, hai người là xuân lan với thu cúc, mỗi người có một vẻ đẹp riêng biệt, thực khó phân biệt ai hơn ai kém.

Vì vậy, Độc Cô Sách liền nghĩ bụng:

"Có lẽ phen này cái nhãn hiệu bói toán của Nam Môn Vệ sư thúc đến phải dẹp mới được. Cứ xem đôi mắt của chàng này cũng đủ thấy y là người rất chính trực.

Dù chàng ta có là thiếu nữ đi chăng nữa, chàng cũng không có bụng dạ độc ác ám hại ta đâu? Vì nàng đâu phải là hạng hung tà?".

Thiếu niên áo lục thấy Độc Cô Sách cứ ngắm mình hoài, liền trợn ngược đôi lông mày lên, cười hỏi:

-Tiểu đệ chỉ tưởng huynh đài là một anh hùng hiệp sĩ khác thường, không ngờ huynh lại còn là người giỏi xem tướng nữa?

Độc Cô Sách ngạc nhiên đáp:

-Nhân huynh đoán sai rồi, tiểu đệ không biết...

-Nếu huynh đài không biết xem tướng, sao lại cứ nhìn bộ mặt đệ kỹ lưỡng như thế làm chi?

Độc Cô Sách mặt đỏ bừng, vội vái một vái xin lỗi và đáp:

-Vì thấy huynh đài phong lưu tuấn tú, khí phách hơn người không khác gì là một vị thần tiên ở trên trời giáng xuống, đệ ngưỡng mộ quá nên mới thất lễ như thế, xin huynh đài lượng thứ cho Độc Cô Sách tôi.

Thiếu niên áo xanh nghe thấy đối phương khen ngợi mình như vậy mặt đỏ bừng ngay cũng vội đáp lễ:

-Xin Độc Cô huynh không nên đa lễ như thế, tiểu đệ là Mộ Dung Bích.

Độc Cô Sách thấy tảng đá khá lớn, dư chỗ cho hai người ngồi. Ngồi ở đó nhìn xuống dưới có thể trông thấy vách núi sâu hàng trăm trượng, nhìn lên sẽ thấy đỉnh núi cao chọc trời, cảnh sắc ở chung quanh thực là tuyệt đẹp. Nhất là trên vách núi lại có những sợi mây, dây hoa tua xuống và có những cây thông mọc chồi ra, càng làm cho cảnh sắc tươi đẹp ấy thêm huy hoàng. Chàng mỉm cười khen:

-Mộ Dung huynh biết thưởng thức lắm, lựa được chốn đẹp như tiên cảnh này để nâng chén nhắp rượu thưởng trăng. Với tính tình cao nhã, nhân phẩm cao siêu của huynh, thực khiến Hằng Nga đang ở trên nguyệt điện cũng phải ghen tỵ với huynh...

-Xin Độc Cô huynh chớ có quá khen ngợi đệ như vậy, lại đây cùng đệ xơi tạm một chén rượu nhạt, rồi chúng ta thưởng thức phong cảnh trăng đẹp đêm nay.

Mộ Dung Bích vừa nói xong liền cầm ấm lên định rót một chén cho Độc Cô Sách, nhưng chàng ta vừa giơ tay ra mặt đã lộ vẻ thẹn thùng. Thì ra chàng một mình ngồi ở trên đó uống rượu, ấm rượu tuy khá lớn và trong đựng rất nhiều rượu, nhưng lại chỉ có một cái chén thôi.

Độc Cô Sách thấy vậy vội bẻ một tảng đá ở bên vách to bằng quả đấm, dùng chỉ lực khoét sâu hòn đá ấy thành hình một cái chén, rồi chàng đưa chén đá đó cho Mộ Dung Bích và nói:

-Mộ Dung huynh, tiểu đệ lấy đá làm chén để kính lãnh mỹ ý của huynh. Chẳng hay như thế có được không?

Mộ Dung Bích liền rót rượu vào chén đá rồi cười đáp:

-Tiểu đệ ở trên núi này một mình đã lâu không ngờ đêm nay lại được gặp gỡ một giai khách như Độc Cô huynh. Trước hết xin huynh phải thứ lỗi cho đệ là kém lịch sự nhé.

Độc Cô Sách thấy rượu xanh biếc thơm tho vô cùng liền nhắp luôn một hớp thấy vị rất đậm liền khen ngợi:

-Rượu ngon lắm! Rượu ngon lắm...

Chàng vừa nói vừa nhìn Mộ Dung Bích mặc cái áo dài màu xanh lá cây nói tiếp:

-Mộ Dung huynh không những mặc áo màu xanh biếc và lại còn lấy tên là Bích (biếc).

Không đợi Độc Cô Sách nói xong, Mộ Dung Bích đã vội đỡ lời:

-Màu xanh lá cây này là thứ màu mà đệ rất ưa thích...

Chàng ta vừa nói tới đó, sau ngọn núi ở phía Đông Nam, bỗng có một luồng ánh sáng xanh nhợt toả lên, nhưng chỉ thoáng cái lại biến mất liền. Độc Cô Sách thấy thế ngạc nhiên hỏi:

-Mộ Dung huynh, vật gì vừa toả ra ánh sáng ở phía đàng kia thế?

Mộ Dung Bích không trả lời ngay, nhưng hỏi lại Độc Cô Sách rằng:

-Có lẽ Độc Cô huynh đã biết rồi mà lại còn cố ý hỏi như vậy đấy thôi. Chả lẽ huynh không biết vật đó là cái gì hay sao?

Độc Cô Sách thấy chàng ta hỏi như vậy liền hỏi lại:

-Có phải là kiếm khí của Thanh Bình kiếm đấy không?

-Trong Tây Thi cốc tuy thỉnh thoảng vẫn có kiếm khí bốc lên, nhưng những nhân vật muốn chiếm được thanh bảo kiếm ấy đi tới đó rất nhiều người nào cũng đều thất vọng quay trở về hết, thậm chí còn có người bị toi mạng ở đó nữa. Vì thần vật thông linh, nếu không quen thuộc tính chất của thanh bảo kiếm ấy, thì không lấy được kiếm, trái lại còn bị toi mạng là khác.

Độc Cô Sách nghe nói liền nhìn về phía kiếm khí bốc lên, đôi lông mày chàng hơi cau lại. Mộ Dung Bích thấy thế lại nói tiếp:

-Nếu huynh tới đây quả thực là vì thanh bảo kiếm Thanh Bình thì may ra tiểu đệ có thể giúp cho huynh được một phần nào.

Độc Cô Sách lắc đầu vừa cười vừa đáp:

-Tiểu đệ đến đây mục đích không phải là muốn chiếm được Thanh Bình cổ kiếm đâu, nhưng có một việc này muốn nhờ Bích huynh chỉ giáo cho.

-Tuy chúng ta mới quen biết nhau lần đầu, nhưng ý khí của chúng ta tâm đầu.

Chẳng hay Độc Cô huynh muốn hỏi việc gì thế? Nếu việc đó mà đệ hay biết, thì đệ xin thưa cùng ngay.

-Có phải vừa rồi huynh nói Thanh Bình kiếm khí ở Tây Thi cốc bốc lên phải không?

-Phải!

-Đó là việc mà đệ muốn thỉnh giáo Mộ Dung huynh. Tại sao sơn cốc ấy lại được đặt tên là Tây Thi?

Đưa chén rượu lên nhắp một hớp, Mộ Dung Bích mỉm cười đáp:

-Vì trong sơn cốc ấy lại được đặc biệt sinh sản một vật kỳ độc...

-Vật kỳ độc ấy có phải tên Tây Thi Thiệt (lưỡi Tây Thi) không?

Mộ Dung Bích ngạc nhiên:

-Cái tên Tây Thi Thiệt này rất ít người biết tới. Sao Độc Cô huynh...

-Tiểu đệ chỉ nghe thấy người ta nói ba chữ "Tây Thi Thiệt" ấy thôi, còn nó là cái gì thì đệ không hay biết gì hết. Xin Mộ Dung huynh chỉ giáo cho?

Thấy vẻ mặt của Độc Cô Sách rất nghiêm chỉnh. Mộ Dung Bích biết chàng ta nói thực, liền mỉm cười đáp:

-Nếu quả thực Độc Cô huynh chưa biết rõ nó là vật gì, thì chắc khi nghe nói xong, thể nào huynh cũng phải kinh ngạc. Vì trong Tây Thi cốc có ba thứ Tây Thi Thiệt.

Độc Cô Sách càng ngạc nhiên thêm.

-Ba thứ Tây Thi Thiệt ư?

-Phải, trong Tây Thi cốc có tất cả ba thứ Tây Thi Thiệt, như sau: Mỹ vị Tây Thi Thiệt, Kỳ Độc Tây Thi Thiệt và Tiêu Hồn Đăng Phách Tây Thi Thiệt. Nhưng không hiểu huynh nghe người ta nói đó là thuộc thứ Tây Thi Thiệt nào?

Quả thực chưa hề nghe ai nói như thế bao giờ Độc Cô Sách lắc đầu đáp:

-Đệ chỉ nghe thấy người ta nói đến Tây Thi Thiệt thôi, chứ không hề biết lại có ba thứ như thế. Xin Mộ Dung huynh chỉ giáo cho?

-Mỹ vị Tây Thi Thiệt chỉ là một loài cá đặc sản ở trong suối của Tây Thi cốc, trông nó như một cái lưỡi của người vậy, nhưng khi ăn thì ngon tuyệt. Kỳ Độc Tây Thi Thiệt là một thứ rắn đặc sản ở trong sơn cốc đó, dài không đầy ba thước mình trắng như tuyết, lưỡi đỏ như lửa, nhưng khác thứ rắn thường ở chỗ mình nó như lưỡi người và lại độc địa không thể tưởng tượng được, nếu bị nó cắn phải thực không có thứ thuốc gì có thể cứu chữa được cả. Tiêu Hồn Đăng Phách Tây Thi Thiệt cũng là một thứ côn trùng đặc biệt của Tây Thi cốc, hình nó như muỗi, to như ong, nếu bị nó đốt phải và thấy có máu rỉ ra, thì người đó liền cảm thấy khoan khoái đến nỗi tiêu hồn lãng phách, rồi như điên như khùng cho đến lúc chết mới thôi.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-53)


<