Vay nóng Tinvay

Truyện:Ngược về thời Minh - Hồi 178

Ngược về thời Minh
Trọn bộ 477 hồi
Hồi 178: Nàng vốn là người tốt
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-477)

Siêu sale Lazada

Hoàng đế là vua một nước. Vua chúa dựng nên các triều đại có ai mà không cả đời chinh chiến, chém giết nơi chiến trường? Để Chính Đức chứng kiến qua sự thảm khốc ở chiến trường, thấu hiểu được một phần nỗi khổ của bá tánh sẽ còn tác dụng nhiều hơn đọc vạn câu di huấn của các bậc thánh hiền.

Những lý lẽ này đương nhiên Dương Lăng hiểu rõ. Hế nhưng vừa nghĩ đến việc dẫn Hoàng đế ra biên tái, còn phải để hắn ta âm thầm lặng lẽ giữa chiến trường chém giết của hơn mười vạn quân Minh và Thát Đát mà lẻn lên núi Bạch Đăng gặp mặt thủ lĩnh của đám người Đóa Nhan Tam Vệ lúc là bạn lúc là thù thì... Càng nghĩ Dương Lăng càng thấy lo sợ.

Để cho đức vạn thặng chi tôn(*) giá lâm đến nơi hiểm địa, chỉ một chuyện này thôi đã đủ khiến bá quan dốc mạng mà hặc tội y rồi. Hơn nữa, nếu như Thát Đát hay tin đem trọng binh tập kích, hoặc là Hoa Đáng khởi dị tâm bắt Chính Đức làm con tin, lúc đó phải làm sao?

(*) nghĩa đen: bậc tôn quí giá trị bằng vạn cỗ xe. Cụm từ này thường được dùng để chỉ nhà vua.

Đang gật gù đắc ý, hoàng đế Chính Đức chợt nhìn thấy sắc mặt Dương Lăng trắng bệch, hắn không khỏi thu lại nụ cười, nghiêm túc gọi Dương Lăng:

- Dương thị độc...

- Có thần!

Dương Lăng khổ sở đáp.

Chính Đức nghiêm mặt nói:

- Người trong thiên hạ thường nói thiên hạ của trẫm rộng lớn, thế nhưng thiên hạ của trẫm chẳng lẽ chỉ là một mảng đất trời trong Tử Cấm Thành này đây sao? Trẫm muốn ra ngoài nhìn ngắm giang sơn vạn dặm thì có gì là không tốt? Huống hồ, hiện tại đi gặp mặt Hoa Đáng chính là làm một việc lớn cho Đại Minh. Quân đội của trẫm sẽ có thể bớt đổ máu, bớt hy sinh; con dân của trẫm sẽ bớt chịu khổ đau. Thân là quân vương, trẫm... không nên đi hay sao?

Thoáng ngưng lại, hắn nhẹ giọng nói tiếp:

- Trẫm biết khanh đang lo lắng cho an nguy của trẫm, cũng lo lắng sẽ vì vậy mà bị bá quan chỉ trích.

Rồi hắn cười nhạt một tiếng, giọng khinh miệt:

- Cứ để mặc bọn chúng nói cho sướng miệng. Bọn chúng chỉ muốn coi trẫm là một con chim bị nhốt trong cái lồng này, chỉ cần trẫm giữ khuôn phép đúng mực một chút, kính trọng sĩ tử một chút, lắng nghe lời ngay thẳng của bọn chúng một chút, yên tâm ngồi đây làm một vị thần bằng đất sét thì sẽ là hoàng đế tốt trong mắt bọn chúng.

Nhưng mà, trẫm không muốn làm loại vua như vậy! Đại Minh là thiên hạ của trẫm, trẫm phải làm tròn trách nhiệm thiên tử!

Dương Lăng ngẩn ngơ đứng nhìn Chính Đức, khuôn mặt non trẻ của hắn đầy sự nghiêm túc hiếm có. Ánh mắt sáng ngời, hắn nhìn chằm chằm Dương Lăng nói tiếp:

- Còn nhớ lúc khanh mới vào kinh thành, từng kể cho trẫm nghe rất nhiều chuyện về vạn quốc ở hải ngoại hay không? Vị quân vương anh minh trong đó, khi không làm tròn trách nhiệm bản thân, lại lo sợ rúc mình trong cung điện, tự hào nói với kẻ khác rằng bảo vệ tốt cái mạng của hắn chính là làm tròn bổn phận với con dân. Khanh mong muốn trẫm là một hoàng đế như vậy sao?

Chính Đức nhếch cặp mày tuấn tú, buông từng chữ:

- Trẫm là thiên tử, hiện tại trẫm muốn đi làm một việc cần làm cho Đại Minh! Khanh là bầy tôi yêu mến của trẫm, khanh có thể phò tá trẫm hoàn thành tốt việc này hay không?

Trong lòng Dương Lăng dậy sóng: ai bảo tiểu hoàng đế trước mặt này trẻ người non dạ, trong mắt chỉ có vui chơi đùa nghịch? Là do hắn chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm làm vua hay là vì hiện thực cay đắng khiến hắn chỉ có thể đắm chìm vào trong đủ loại trò chơi để giết thời gian?

Không nói lời nào, Dương Lăng lui lại hai bước, lần đầu y mang lòng kính trọng vái Chính Đức một cái thật sâu:

- Vi thần tuân chỉ! Thần nguyện phò tá đức vua, chấn hưng Đại Minh, hoàn thành bá nghiệp lẫy lừng!

Chính Đức mừng rơn nắm chặt lấy tay Dương Lăng lắc lia lịa, vừa định mở miệng thì chợt nghe có tiếng 'rột rột' phát ra. Hắn thoáng ngẩn người, rồi không nín được bật cười lớn:

- Cùng khanh trò chuyện say sưa nên quên mất đã đến bữa rồi. Lại đây, Dương khanh hãy dùng bữa cùng trẫm! Chuyến đi đến Đại Đồng của trẫm sẽ nhờ vào khanh cả đấy.

Lúc còn kèm thái tử đọc sách ở Xuân Phường, đã không ít lần Dương Lăng dùng bữa chung với hắn, nhưng sau khi Chính Đức đăng cơ lên ngôi đế thì đây mới là lần đầu. Được dùng bữa cùng với Hoàng đế là đãi ngộ trọng hậu vô cùng, trên Khởi Cư Chú(2) và công báo triều đình đều phải ghi rõ.

Dương Lăng không muốn bị rêu rao nên đang tính lựa lời cự tuyệt thì Chính Đức đã quay ra ngoài cửa gọi to:

- Người đâu, truyền đưa cơm vào! Trẫm muốn dùng bữa chung với Dương khanh. Gọi Giải Ngữ và Tu Hoa đến cùng luôn đi.

Dương Lăng cuống quýt thưa:

- Hoàng thượng, làm vậy không thích hợp lắm đâu. Giải Ngữ, Tu Hoa tuy không phải là phi tần trong cung, nhưng dẫu gì cũng là người hầu hạ cho Hoàng thượng, thần sao dám cùng bọn họ...

Chính Đức không đồng ý, khoát tay ngăn y, rồi hào hứng bàn tiếp cách rời khỏi kinh sư. Trong lúc hai người đang bàn bạc thì tiểu thái giám của Ngự Thiện phòng đã đưa các món ăn thịnh soạn trong cung lên thoăn thoắt như thoi đưa, bọn họ bèn dừng trò chuyện.

Trên chiếc bàn lớn thếp vàng chạm trổ hình con rồng cuộn mình bày đầy các thức ăn, bốn chiếc ghế gấm đặt ở bốn cạnh bàn. Tiểu thái giám nhanh nhẹn dùng đũa bạc thử qua từng món ăn, lại nếm thử từng món một, sau đó quay sang vái Chính Đức một lạy rồi lặng lẽ lui ra, chỉ để lại bốn tiểu thái giám đứng hầu.

Giải Ngữ và Tu Hoa bước vào trong điện, tha thướt như một đám mây, mùi thơm của son phấn tức thời ùa vào trong cánh mũi. Chính Đức bảo hai người con gái xinh đẹp yêu kiều đó dùng tách ngọc, còn hắn và Dương Lăng thì ngồi đối diện với nhau, cả hai đều dùng chén rượu ba chân(3).

Mới uống một chén mà Dương Lăng đã thấy hơi ngà ngà. Trong lòng lo nghĩ đến chuyện năm sau hoàng thượng sẽ xuất kinh nên mặc cho Chính Đức năm lần bảy lượt thúc giục y cũng không dám uống thêm, chỉ gắp vài món ăn nhẹ cho vào miệng.

Chính Đức thì lại cao hứng vô cùng, ăn đến non nửa mới cười nói với Dương Lăng:

- Dương thị độc, hai vị cô nương này đều biết hát dân ca đấy. Giải Ngữ, Tu Hoa, hai nàng hãy hát một khúc trợ hứng cho trẫm đi.

Giải Ngữ nhoẻn miệng cười, sóng mắt đong đưa liếc Dương Lăng, thuận tay nhón lấy chiếc đũa ngà gõ nhè nhẹ lên cốc vàng bát ngọc. Trong tiếng nhạc trong vắt vui tai, cô nàng cất tiếng ngân nga một điệu hát dân gian. Tiếng ca dịu dàng mà da diết, Chính Đức nhịp đùi đắc ý, nghe rất say sưa.

Cố gắng đợi đến khi tiệc tàn rượu cạn, nhân lúc Chính Đức đang rửa tay trong thau vàng, Dương Lăng mới thấp giọng thưa với hắn:

- Hoàng thượng! Nếu ngài muốn xuất cung thì đó là việc quan trọng vô cùng. Khi nãy thần đã suy tính kỹ lưỡng rồi, muốn bá quan gật đầu đồng ý thì thật là điều không thể, xem ra chỉ có thể theo ý của Hoàng thượng là lặng lẽ rời kinh mà thôi.

Nhưng mà, cho dù có thể giấu được bá quan văn võ thì dù sao trong kinh cũng phải có người chủ trì, cho nên không thể giấu giếm ba đại học sĩ. Tiêu đại học sĩ lão luyện thành thục lại rất quan tâm đến thánh ý, thần muốn mật nghị với ông ta trước đã.

Chính Đức cười hì hà bảo:

- Được, khanh đi đi! Việc này là ý tưởng của trẫm, Dương khanh chỉ là bị ép buộc phải tuân lệnh vua, theo vua làm việc mà thôi, không ai dám làm gì khanh đâu.

Đại Minh tuy nhiều tệ chính, nhưng đương thời vẫn là quốc gia có quốc lực lớn mạnh nhất, lúc có chiến tranh, lương thảo và quân bị đều hơn xa những nước bé chung quanh, thế nhưng chiến sự lại thường luôn ở thế hạ phong, nguyên do lớn nhất là vì "trọng văn khinh võ".

Bản thân không thể trải nghiệm qua sát phạt, thì sao rèn thành một Chính Đức văn hay, trị giỏi, võ công cao? Sau khi nghe xong lời tâm sự chân thành của Chính Đức, Dương Lăng đã quyết định mặc kệ được mất cá nhân, cho dù núi đao biển lửa y cũng sẽ cùng hắn đi một chuyến. Y nghe Chính Đức ôm hết trách nhiệm về mình, không muốn y bị bá quan thừa cơ chỉ trích thì cảm kích mỉm cười rồi cung tay thưa:

- Tạ ơn Hoàng thượng quan tâm che chở, thần xin cáo lui.

Chính Đức lấy chiếc khăn lụa trắng mịn như tuyết lau tay xong, hai người con gái xinh đẹp liền vây lại, mỗi người ôm lấy một cánh tay y. Giải Ngữ cười duyên dáng hỏi:

- Hôm nay sao Hoàng thượng vui vẻ quá vậy? Đầu mày cuối mặt ngài đều rất tươi tỉnh.

Từ khi lớn đến giờ Chính Đức mới có cơ hội được ra khỏi "nhà" lần đầu, hơn nữa lại được đi đến chốn sa trường xa xôi, cho nên hắn thực sự không kiềm nén được sự hưng phấn trong lòng. Vả lại Giải Ngữ và Tu Hoa đều là những mỹ nữ vô cùng đáng yêu; hơn nữa Giải Ngữ vui vẻ rạng ngời, nghênh đón người ta bằng sự ngọt ngào mềm mại, rất hợp với tính khí của hắn.

Không kiềm được sự hào hứng trong lòng, hắn vuốt nhẹ khuôn mặt mịn màng của Giải Ngữ, hăm hở:

- Trẫm nói cho nàng hay, nhưng nàng nhất định không được để cho người khác biết đó.

Đoạn y hạ thấp giọng, nói nhỏ:

- Đợi sang năm, trẫm sẽ trốn khỏi kinh đi tuần rồi, ha ha ha! Biển rộng sóng dâng cá vẫy vùng, trời cao gió lộng chim tung cánh.

Giải Ngữ và Tu Hoa chợt ngẩn người, bốn mắt của hai cô vừa chạm vào nhau, trong mắt Tu Hoa liền không nén được sự vui mừng. Cô nàng cũng khoác lên một bộ dáng tươi cười ngọt lịm, kéo tay Chính Đức cạ vào bộ ngực đầy đặn cao vút của mình, thỏ thẻ:

- Hoàng thượng! Ngài nói rõ hơn được không, nô gia có thể đi cùng ngài không?

Chính Đức vội lắc đầu, đáp:

- Không được không được! Nếu dẫn phụ nữ theo thì nhất định Dương thị độc sẽ không cho, trẫm thực không muốn tự làm mất mặt mình.

Tu Hoa giậm chân làm nũng:

- Trời ơi! Vậy ngài nói cho nô gia biết sẽ đi đâu đi! Hoàng hậu nương nương không ưa gì chị em nô gia, nếu như ngài không ở trong kinh nữa... , - vừa nói cô nàng vừa làm ra vẻ chực khóc.

Chính Đức thấy vậy thì trở nên mềm lòng, liền vội kéo lấy tay cô nàng cười nói:

- Yên tâm đi, trẫm sẽ thu xếp cho các nàng đến Báo phòng, bảo Lưu Cẩn hết sức chăm sóc cho hai nàng là được rồi. Muốn biết trẫm sẽ đi đâu hả? Hắc hắc, thơm trẫm một cái đi rồi sẽ nói!

***

Giờ đây, trong ba đại học sĩ thì Tiêu Phương xếp thứ hai. Được quyền cao chức trọng, thân phận tôn quý, lại không phải chịu sự ghẻ lạnh như lúc còn ở bộ Lễ và bộ Lại năm xưa, sau lưng có Dương Lăng chống đỡ, tiền đồ như thuyền xuôi gió, thế nên mặt mày của lão luôn luôn tươi rói.

Lão đang ngồi trong điện phê duyệt tấu chương, thu xếp các bộ tính toán quân lương, chuẩn bị phu dịch, vận chuyển lương thảo, khí giới, vỗ về giúp đỡ những binh sĩ thương vong, điều động thầy lang, thu gom dược liệu, ... Cả đống công việc nên lão bận đến túi bụi. Chợt nghe báo Dương Lăng đến thăm, ông già Tiêu Phương liền vội bước xuống giường lò, tươi cười ra đón.

Dương Lăng là thống lĩnh thân quân của Hoàng đế, là võ tướng Chánh tam phẩm. Nội xưởng là nha môn Hoàng đế tự lập ra, không hạn chế bởi phẩm hàm trong triều, không có cấp bậc, nhưng Dương Lăng thân mang tước vị (Bá tước – ND), mặc áo bào thêu hình mãng xà bốn vuốt do vua ban thưởng, quyền lực thực tế lại không ai sánh được.

Tiêu Phương tự coi mình là người cùng phe cánh với Dương Lăng, mỗi khi gặp y vẫn đều tôn kính gọi là đại nhân, tự nhún nhường xưng là môn hạ. Lúc này tuy đang ở trong cung nhưng lão vẫn rất cung kính giữ lễ. Nghênh đón Dương Lăng vào trong thư các xong, lão đích thân dâng chén trà ngon rồi mỉm cười mở lời:

- Đại nhân vào cung lúc nào vậy? Mấy ngày nay môn hạ cần phải xử lý tấu chương rất nhiều, mãi chưa đến quý phủ thăm viếng được. Môn hạ đang tính năm mới sẽ dẫn khuyển tử đến nhà thăm viếng ngài đây.

Dương Lăng cười đáp:

- Lão Tiêu chớ nên khách sáo. Trong triều còn có những quan viên mượn việc công trả thù riêng, các nha môn bất tuân chính lệnh, tiền phương đang có chiến tranh; những việc mà hậu phương phải làm cũng quan trọng không thua kém gì. Thực đã làm khó cho ông rồi.

Gương mặt già nua của Tiêu Phương thoáng đỏ lên, lão xúc động:

- Đa tạ đại nhân đã quan tâm, môn hạ cảm kích vô cùng. Lưu công công biết được những chuyện này đã nổi cơn thịnh nộ, mấy ngày nay đang ra lệnh cho bá quan lập tức trở về nha môn xử lý chính vụ, bận rộn thêm dăm bữa nữa thì sẽ thoải mái hơn.

Dương Lăng gật đầu, ngồi xuống bên mép giường. Nhìn thấy tên tiểu thái giám đang đứng chầu chực ngoài cửa, y bèn bảo:

- Lui xuống đi! Ở đây không cần ngươi hầu hạ nữa.

Đợi tấm rèm dạ nhung buông xuống sau lưng tên tiểu thái giám, Tiêu Phương mới sáp lại gần, nhỏ giọng hỏi:

- Đại nhân! Có phải là có chuyện quan trọng không?

Dương Lăng gật đầu đáp:

- Ừm! Quả là có chuyện muốn thương nghị cùng ông một chút, - đoạn y đem chuyện Chính Đức muốn đến Đại Đồng kể cho Tiêu Phương nghe.

Tiêu Phương vừa nghe liền nhảy dựng lên, vội vã xua hai tay phản đối:

- Vạn lần không thể được! Đúng ra đại nhân nên khuyên can Hoàng thượng, chỗ binh đao há lại có thể để cho Hoàng thượng dễ dàng mạo hiểm? Việc này không thể được, vạn lần không thể được.

Dương Lăng im lặng nhìn lão, đợi lão bình tĩnh trở lại rồi y mới nhẹ nhàng bảo:

- Thánh ý đã quyết! Tôi tới tìm lão Tiêu ông là muốn thương nghị cùng ông làm sao để thu xếp cho Hoàng thượng đi được đến Đại Đồng, việc trong kinh phải xử lý thế nào. Chuyện khuyên can sẽ không bàn tới nữa.

Lúc này Tiêu Phương mới định thần lại. Lão ngồi xuống cạnh bàn, vuốt râu, đôi mày bạc phơ cau tít, một lúc lâu sau mới khổ sở lắc đầu:

- Văn võ bá quan quyết sẽ không đồng ý.

Dương Lăng gật đầu đồng tình:

- Ừm! Việc này tôi cũng đã nghĩ đến, cho nên... Hoàng thượng chỉ có thể cải trang vi hành.

Y trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:

- Vốn để bí mật gặp gỡ thủ lĩnh Đoá Nhan Tam Vệ, Hoàng thượng vẫn phải bí mật mà đi; cho dù không có bá quan ngăn cản thì hành trang cũng vẫn phải gọn nhẹ.

Nhưng..., tuy nói là cải trang vi hành nhưng số người bảo vệ cũng không thể ít được, cho nên tôi muốn rút lực lượng tinh nhuệ nhất từ Cấm quân, Kinh doanh, Nội xưởng và Đông xưởng để đi cùng Hoàng thượng. Ít nhất cũng phải... năm nghìn người, toàn bộ nhân mã sẽ cải trang thành quân binh tăng viện cho biên ải. Như vậy, năm nghìn nhân mã cũng không đáng kể, ít nhất cũng sẽ không khiến cho quan phủ địa phương và mật thám của phe giặc chú ý.

Dương Lăng thuật lại tình hình tỉ mỉ cho Tiêu Phương rõ. Nghe xong, Tiêu Phương suy nghĩ một hồi rồi hỏi:

- Đại nhân có đi cùng không?

Dương Lăng cười khổ sở đáp:

- Nếu tôi không ở cạnh trông coi Hoàng thượng thì sao yên tâm cho được? Chỉ sợ lúc đó muốn ăn ăn không nổi, muốn ngủ ngủ không yên, đương nhiên tôi phải chăm sóc bên cạnh Hoàng thượng rồi. Tôi sẽ mượn cớ thị sát để có thể đồng hành cùng Hoàng thượng đến biên ải.

Sắc mặt của Tiêu Phương lập tức hoà hoãn trở lại, lão hơi trầm ngâm:

- Vậy thì... kế này có thể thực hiện được. Nhưng để cẩn thận, đến Đại Đồng rồi, đại nhân nên bí mật thông báo cho tuần phủ Đại Đồng là Hồ Toán biết. Hắn là quan viên quân chính (kiêm quân sự lẫn chính trị - ND) cao nhất của Đại Đồng. Hiện tại tuy Dương Nhất Thanh thống lĩnh binh sĩ tiền tuyến, Miêu Quỳ đốc quân song trong tay hắn có thể điều động ít nhất hai vạn nhân mã. Có hắn âm thầm phối hợp mới bảo đảm không gặp phải sơ hở gì.

Sau thoáng trầm ngâm, Dương Lăng gật đầu đồng ý:

- Tốt lắm! Ngoài ra, chuyện này sẽ không thể giấu được mấy vị đại học sĩ Nội các. Đến khi đó Hoàng thượng sẽ mượn cớ long thể suy bệnh để lần lữa mấy ngày, áng chừng đợi bọn tôi đến Tuyên Phủ rồi, mới sẽ nhờ lão Tiêu ông thông báo cho hai vị đại học sĩ Lý, Dương.

Khi đó ván đã đóng thuyền, bọn họ cũng chỉ đành phải giúp giấu giếm cho. Có ba vị tọa trấn kinh sư thì tôi yên tâm rồi, còn về những quan viên khác... Ba đại học sĩ Nội các cứ hiểu dụ(4) Lục Bộ Cửu Khanh, tuyên bố với toàn bộ quan viên bên dưới rằng Hoàng thượng long thể bất an, tạm thời không thể thăng triều là được.

Tưởng tượng đến lúc Lý Đông Dương và Dương Đình Hoà phát hiện Hoàng thượng mất tích sẽ nổi trận lôi đình như thế nào, Tiêu Phương không khỏi cảm thấy nhức đầu. Lão đành thở dài:

- Thôi được, phải xin Hoàng thượng hạ mật chỉ vậy! Bằng không môn hạ sẽ không kiềm nổi hai vị đại học sĩ đâu.

Lão suy nghĩ một chút rồi lại hỏi:

- Ngoài ra, việc lập trữ vương trấn thủ(*) sẽ được thu xếp thế nào?

(*) nguyên văn là "kiến trữ cư thủ", trữ vương: người được chỉ định kế nhiệm ngôi vua.

Dương Lăng trố mắt hỏi:

- Lập trữ vương săn thú(*)? Lập trữ vương săn thú gì?

(*) nguyên văn 'kiến trữ thu thú', do hai chữ 'cư thủ' (jū shǒu, nghĩa canh giữ) và 'thu thú' (qiū shòu, nghĩa đi săn) đọc na ná nhau, nên Dương Lăng mới hiểu lầm

Dương Lăng đã lộ dốt. Y chỉ từng nghe nói hoàng đế triều Thanh hằng năm vào mùa thu thường đến Mộc Lan săn bắn, nên việc rời cung săn bắn gọi là "thu thú". Chẳng lẽ rời kinh còn được gọi là săn thú, sao thời Minh cũng có cái thú đi săn này này?

Tiêu Phương cũng ngẩn người. Lão chợt sực nhớ vị đại nhân này chỉ đậu tú tài, vào kinh một bước lên trời mới trở thành bầy tôi quyền cao chức trọng, cho nên y không hiểu lắm về chế độ triều đình cũng là lẽ thường. Lão bèn thư thái cười đáp:

- Lập trữ vương trấn thủ là pháp lệnh mà các đời triều đình bắt buộc phải tuân theo. Đã gần trăm năm Hoàng thượng Đại Minh chưa từng rời kinh, bình thường không ai nhắc đến thể chế cũ này, chẳng trách đại nhân không nhớ.

Tiêu Phương hớp một ngụm trà, giải thích tiếp:

- Hoàng đế thân chinh ra trận hoặc giả tuần du thiên hạ, đều phải ra lệnh cho thái tử ở lại canh giữ kinh thành, gọi là "giám quốc". Nếu như Hoàng thượng chưa có con nối dõi, hoặc thái tử tuổi còn nhỏ không thể trông nom quốc sự, thì phái hoàng đệ làm giám quốc cho, cũng có thể châm chế được.

Năm xưa khi Anh Tông bắc chinh, ngài đã phái hoàng đệ là Thành Vương ở lại trông giữ. Đương kim Hoàng thượng chưa có con nối dõi, cũng không có anh em ruột thịt, vậy chỉ có thể tạm thời tìm một vị thế tử(5) lập làm người kế vị, có người kế vị rồi mới bàn đến trấn thủ vậy.

Dương Lăng nhíu mày hỏi:

- Hoàng thượng tuổi xuân đang thịnh, hiện mới chỉ mười sáu, có cần phải lập trữ vương này nọ to chuyện như vậy không?

Tiêu Phương vội vàng giải thích:

- Đại nhân! Đây chỉ là một quy định phải có, lo trước khỏi họa sau mà thôi. Nếu như Hoàng thượng đã bí mật rời kinh thì đương nhiên việc phong lập này cũng chỉ là soạn mật chỉ. Đến lúc đó cũng chỉ có Lục Bộ Cửu Khanh và ba đại học sĩ biết được chuyện này, cho dù là thế tử phiên vương được lập cũng không hề biết đến việc ấy. Hoàng thượng hồi kinh lại hủy đi ý chỉ đó là xong.

Dương Lăng nghe xong mới cảm thấy yên tâm, nhưng việc lập người kế vị chính là chuyện của Hoàng thượng, xem ra chuyện này vẫn phải do Chính Đức quyết định. Dương Lăng đang do dự không biết có nên quay lại cung Càn Thanh gặp Chính Đức hay không thì chợt nghe có tiếng tiểu thái giám bên ngoài kêu:

- Đại học sĩ đang thương nghị quốc sự với Dương Lăng Dương đại nhân. Ngài cứ để công văn ở đó, chốc nữa sẽ quay lại lấy.

Dương Lăng cất giọng hỏi:

- Chuyện gì vậy? Ai đưa công văn đến?

Tên tiểu thái giám đứng gác bên ngoài cung kính đáp:

- Hồi bẩm đại nhân! Là lang trung Nghiêm Tung của bộ Hộ, nói có tấu chương về việc chuẩn bị lương thảo và điều động phu dịch cần trình cho đại học sĩ.

Nghiêm Tung không phải là người ngoài. Phẩm quan của hắn thấp kém cho nên hắn rất biết điều, hiếm khi đến nhà Dương Lăng mà chỉ thông qua phu nhân làm công tác ngoại giao, thủy chung vẫn bảo trì quan hệ mật thiết với nhà họ Dương.

Dương Lăng sai phái ba tỉnh Giang Nam, Hồ Nam, và Thiểm Tây, mỗi nơi cắt cử một vùng, một huyện, một tỉnh trồng thử những giống cây lương thực mới. Tuy lúc này giống lương thực và những người nông dân được đào tạo vẫn chưa được phái đi, nhưng y đã sớm ra lệnh cho ba tỉnh đo đạc và tính toán ruộng đất, nắm rõ tình hình đất đai trồng trọt nơi đó, chuẩn bị nông cụ và thuyết phục tá điền. Tất cả những việc này đều thông qua bộ Hộ ban bố thành mệnh lệnh hành chính.

Đối với việc chưa trồng thử nghiệm mà đã cho trồng trọt thí nghiệm khắp cả một tỉnh, Hàn Văn vẫn giữ vững ý kiến phản đối. Mặc dù Tuần phủ Thiểm Tây là người cùng phe cánh được Lưu Cẩn bổ nhiệm, tận hết sức lực chấp hành mệnh lệnh này, song phản ứng của Hàn Văn đối với tin tức truyền đạt từ trên xuống lại hết sức tiêu cực. Nếu không nhờ có Nghiêm Tung, là một Lang trung nho nhỏ của bộ Hộ, đứng giữa điều đình và liên lạc giữa hai bên thì không biết Dương Lăng sẽ còn lao tâm khổ trí biết bao nhiêu mà kể, tuyệt sẽ không an nhàn như hiện tại.

Dần dà hình tượng vốn có về Nghiêm Tung là một đại gian thần trong lòng Dương Lăng đã tiêu tan. Người này tuy đam mê quyền lực nhưng lại không háo sắc, không tham tiền tài, đơn giản chỉ là một kẻ cuồng sự nghiệp. Dương Lăng có cảm nhận rất tốt về hắn, đã coi hắn như tâm phúc đắc lực của mình, cho nên nghe vậy liền bảo:

- Gọi hắn vào đi!

Nghiêm Tung ôm một chồng tấu chương bước vào, đưa mắt nhìn Dương Lăng song vẫn dựa theo quy củ phẩm hàm mà thi lễ với Tiêu Phương trước, sau đó mới quay sang thi lễ với Dương Lăng. Hắn nhũn nhặn cười nói:

- Hạ quan không biết đại nhân đang cùng đại học sĩ thương nghị quốc sự, đến thực mạo muội rồi. Những tấu chương này chỉ báo cáo tình hình lương thảo và quân dịch, quan phủ các địa phương cũng không dám qua loa với việc lớn như dụng binh, họ không dám trì hoãn giấu giếm gì cho nên cũng không có gì hệ trọng.

Dương Lăng cười nói:

- Việc này các vị biết phải làm thế nào rồi. Nếu có gì thật sự khó xử thì cứ đi tìm Lưu công công, ông ấy đang rất háo hức được vẫy vùng, đang lo lắng không có chỗ để ra tay đấy. Bản quan sẽ không xen vào đâu.

Tiêu Phương và Nghiêm Tung nghe xong đều bật cười. Dương Lăng mỉm cười nói tiếp:

- Đừng khách sáo nữa, ngươi cũng ngồi xuống đi, bản quan đang có một việc lớn thương nghị cùng lão Tiêu. Ngươi cũng không phải là người ngoài, cùng nghe luôn đi.

Nghiêm Tung dạ một tiếng, ngồi khép nép xuống chiếc ghế dựa mũ quan cạnh giường, mỉm cười nói:

- Lúc hạ quan còn ở Hàn Lâm viện thì cả ngày chỉ chơi đùa với bút, viết lách ít văn chương thơ cú. Từ khi chuyển sang bộ Hộ suốt ngày tiếp xúc với lương thảo gạo tiền, mới cảm thấy tài học nông cạn, sức không bằng người. Thật như đại nhân có chuyện quan trọng, hạ quan đành xin ngóng cả hai tai, trái nghe phải đoán vậy.

Dương Lăng bực mình cười đáp:

- Chuyện này vô cùng quan trọng. Bản quan vốn biết ngươi tính tình nghiêm cẩn, hành sự ổn thỏa nên mới muốn ngươi cùng tham nghị, nếu chỉ nghe thôi thì không được.

Dương Lăng phải đi cùng Chính Đức đến Đại Đồng mà việc trồng thử lương thực mới lại không thể gác lại, rất nhiều việc lớn đều cần phải bàn giao cho gã tâm phúc này. Vốn y cũng không muốn giấu giếm hắn nên bèn thuật lại sự tình một lần nữa.

Nghiêm Tung lắng nghe, khoé miệng mang nụ cười nhẹ. Nghe nói Hoàng đế muốn cải trang rời kinh đi tuần, sắc mặt hắn cũng không hề có vẻ gì là kinh sợ, nghe đến việc an bài của Dương Lăng và Tiêu Phương, hắn cũng liên tục gật đầu, mãi đến khi nghe việc lập trữ vương trấn thủ, đôi mày rậm của hắn mới thoáng nhíu lại. Hắn trầm ngâm một lúc lâu mới lo sợ nói:

- Hạ quan cho rằng... việc này không ổn.

Dương Lăng và Tiêu Phương kinh ngạc nhìn nhau, Tiêu Phương vuốt râu bảo:

- Ừm! Duy Trung có kiến giải gì thì đừng ngại, cứ nói ra nghe thử.

Nghiêm Tung chần chừ một chút rồi đáp:

- Hạ quan cho rằng việc Hoàng thượng đi tuần phương bắc, hai vị đại nhân sớm đã tính toán sẵn trong lòng, hẳn cho rằng sẽ không có gì hung hiểm, vậy cớ gì phải rập theo cái lệ cũ là lập trữ quân trấn thủ?

Năm xưa Lưu Bang nhà Hán từng bị bốn mươi vạn thiết kỵ Hung Nô vây hãm trên Bạch Đăng sơn, nhưng thời thế xưa nay đã khác. Mảnh đất trải dài phía bắc và tây Đại Đồng đều đã nằm trong tay Đại Minh ta. Giặc Thát tuy đang tập kích quấy nhiễu, Đoá Nhan Tam Vệ tuy chưa hẳn đã trung thành, nhưng về binh mã thì Đại Minh ta lại chiếm ưu thế.

Hoàng thượng có thể đến Đại Đồng trước, sau đó mới báo tin cho Đoá Nhan Tam Vệ. Trong thời gian đó sẽ thu xếp điều binh khiển tướng, an bài ổn thỏa, chiếm hết thiên thời, địa lợi, nhân hoà, thì cho dù là Thát Đát hay Đoá Nhan Tam Vệ cũng sẽ không thể thừa cơ tấn kích. Nhưng nếu lập trữ vương trấn thủ thì ngược lại sẽ mang đến nhiều mối nguy hiểm và hậu họa vô cùng.

Dương Lăng lo lắng hỏi:

- Nghĩa là thế nào? Ngươi hãy nói rõ hơn đi!

Nghiêm Tung cưa quậy thân thể gầy như cây sậy, liếm môi đáp:

- Đại nhân! Họa không nằm ở bên ngoài mà là ở bên trong. Đại nhân thử nghĩ xem: Hoàng thượng ở bên ngoài, nếu như gặp chuyện khốn khó như bị vây hãm, những người đi theo bảo vệ đương nhiên sẽ tận lực hộ giá, còn trong triều như rắn mất đầu, bá quan văn võ tất sẽ trên dưới một lòng, hy vọng quân vương sớm ngày trở lại.

Việc Hoàng thượng không ở trong cung chưa hẳn sẽ thật sự che giấu được bá quan văn võ, cùng lắm là bọn họ e ngại lòng người hoang mang nên vờ như không biết. Nhưng giả như Hoàng thượng đã lập người kế vị... , khó dám đảm bảo sẽ không có kẻ mang dị tâm.

Hoàng thượng lâm triều chưa trọn một năm, căn cơ chưa ổn, Lục Bộ Cửu Khanh há sẽ đều trung thành? Giả như có người mang ý niệm ủng hộ vua mới, kiến công lập nghiệp thì cho dù Hoàng thượng vốn không có gì nguy hiểm, sợ rằng cũng sẽ có kẻ tiết lộ tin tức cho giặc Thát. Còn nếu như Hoàng thượng đang bị vây hãm, vậy sẽ càng...

Dương Lăng vừa nghe liền bừng tỉnh. Người kế nghiệp chưa được quyết định, bá quan văn võ tất sẽ tận tâm cống hiến và ra sức tranh giành sự yêu mến của Hoàng đế. Còn nếu người kế nghiệp đã được xác định, Hoàng đế lại ở nơi nguy hiểm mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị kẻ khác thay thế, vậy thực sẽ rất nguy. Bá quan văn võ tất sẽ có mưu tính riêng cho mình, ngáng chân cấu xé lẫn nhau, vậy sẽ lỡ hết đại sự.

Thêm nữa, sau khi Chính Đức kế vị, triều chính đổi thay, đầu tiên là một nửa số thượng thư Lục Bộ bị cho bãi chức, tiếp đó ba đại học sĩ lại mất đi hai, bá quan văn võ bị liên lụy nhiều vô số kể. Một số lão thần sớm đã sinh lòng oán hận với Hoàng thượng, cho dù là họ có ý định lập một vị vua mới có ích cho giang sơn hay là có tư tâm, muốn ủng hộ lập nên một vì vua mới, kiếm công phò tá quân vương cũng vậy, e rằng bọn họ sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn, thậm chí có thể còn ném đá xuống giếng nữa.

Như vậy, việc lập trữ vương trấn thủ sẽ trở thành chuyện không đề phòng chưa hẳn đã có họa, mà có đề phòng thì nhất định sẽ có họa lớn. Tiêu Phương lăn lộn lâu năm chốn quan trường, vừa nghe liền thông suốt điểm kỳ diệu trong đó ngay.

Dương Lăng bỗng vỗ đùi đánh đét nói:

- Phải à! Nếu đã như vậy, kiến nghị lập trữ vương trái lại sẽ khiến Hoàng thượng sa vào hiểm địa. Ngươi suy nghĩ rất phải, việc lập trữ vương trấn thủ tuyệt không thể làm, là ta suy xét chưa chu toàn rồi.

Nghiêm Tung khom người khẽ cười đáp:

- Không dám! Hoàng thượng bản tính thượng võ, đại nhân có phần lo lắng cũng là để Hoàng thượng không phải lo âu về việc cung đình, mới có thể như cá gặp nước mà thản nhiên đi tuần du bên ngoài.

Tiêu Phương vuốt râu đưa mắt nhìn Nghiêm Tung, khẽ thở dài:

- Đến cửu biên tái ngoại, mạo muội dấn thân nơi đầu giáo mũi kiếm, nguy hiểm khôn lường, quả nên suy xét mọi mặt như ngươi. Ừm! Đúng là hậu sinh khả úy, hậu sinh khả úy!

Tiêu Phương thuộc làu các điển chương và quy định, Nghiêm Tung lại thông thạo thế sự nhân tình. Có hai người một già một trẻ rất có tiềm năng trở thành "gian thần lộng quyền" này xem xét cặn kẽ, Dương Lăng đứng giữa cân nhắc chọn lựa, việc Chính Đức cải trang rời khỏi kinh sư được an bài hết sức cẩn thận. Chuyện trò đến lúc trời gần nhá nhem, ba người mới vui vẻ chia tay.

Lòng như tấu nhạc, Dương Lăng vui sướng rời khỏi cổng cung, chui vào trong chiếc kiệu quan, đám người hầu nâng chiếc kiệu lớn lên. Ngũ Hán Siêu đang ngồi tĩnh tọa, thấy y trở về bèn thu thế lại nhường chỗ cho y chui vào. Dương Lăng vào trong kiệu, vừa ngồi xuống liền áy náy:

- Đã làm phiền Hán Siêu rồi! Với tài học của mình, huynh vốn có nhiều chỗ để dùng, giờ lại bảo huynh bảo vệ che chở cho ta, ha ha! Đợi mấy ngày nữa đi, chờ yên ổn rồi, ta sẽ bổ nhiệm cho huynh một chức quan.

Ngũ Hán Siêu cười đáp:

- Đại nhân không cần phải khách sáo, kẻ hèn thương thế chưa khỏi, nghỉ ngơi thêm mấy ngày cũng tốt. Khi còn ở trên núi, thông thường mỗi lần tĩnh tọa là suốt một ngày, cho nên quả thực cũng không cảm thấy buồn tẻ.

Trong lúc hai người chuyện trò, chiếc kiệu đã được nhấc lên, lắc lư di chuyển trên đường.

Chiếc kiệu rời khỏi sân rồng lát đá xanh, rẽ vào một phố lớn phồn hoa. Ngũ Hán Siêu đang quay đầu giảng giải tâm pháp nội công cho Dương Lăng thì bất chợt ngừng lại, thân dưới thoáng nhích, cả thân trên đột nhiên dịch sang ngang nửa thước, một thanh kiếm bén ngót lạnh lẽo từ ngoài rèm kiệu đâm vào. Một kiếm đâm hụt, kẻ ra tay cũng phát hiện được, "xoạt" một tiếng trường kiếm bèn được rút về.

Lúc này ngoài kiệu hỗn loạn, một loạt những âm thanh huyên náo vọng vào. Ngũ Hán Siêu mắng khẽ:

- Quả nhiên có thích khách!

Dứt lời chàng quơ lấy thanh trường kiếm bên cạnh, búng người phóng ra ngoài.

Nhát kiếm vừa nãy khiến cho Dương Lăng trông thấy mà khiếp vía vô cùng. Ngoài kiệu tiếng binh khí chạm nhau vang lên dồn dập xen lẫn với những tiếng la hét ầm ĩ của bá tánh trên đường, sau đó có tiếng con gái chửi mắng vọng lại xa dần, lại nghe Ngũ Hán Siêu quát tháo: "Bảo vệ đại nhân", rồi không còn tiếng động gì nữa.

Dương Lăng thoáng định thần lại, vén hờ rèm kiệu, thấy bốn tay thị vệ đang căng thẳng bao vây chung quanh. Gần cuối năm nên nhiều người dân ra đường mua đồ sắm tết đông đúc, nơi này lại là con đường cực kỳ phồn hoa, đám đông nhốn nháo hoảng loạn quanh đấy vẫn còn trốn chạy, trên đường vứt bừa bãi nào là đầu heo, nào là bàn thờ, vàng mã, ... ngổn ngang hỗn loạn.

Dương Lăng vén rèm bước ra ngoài quát hỏi:

- Ngũ huynh đâu?

Một tay thị vệ cầm đao, vừa căng thẳng nhìn bá tánh đang chạy tán loạn khắp nơi vừa đáp:

- Dạ đã đuổi theo nữ thích khách che mặt nọ rồi.

Dương Lăng thở phào một hơi, ra lệnh:

- Cử một người đi bảo người của Ngũ thành binh mã ty mau đến trấn áp khu vực, tình hình càng hỗn loạn thì....

Y còn chưa dứt lời, mắt đã thấy một bóng hình yêu kiều mà mau lẹ chợt xuất hiện, tay thị vệ bị kẻ đó đá văng vào trong đám người, mồm hộc máu tươi.

Kẻ vừa xuất hiện hết sức nhanh nhẹn, kiếm loé như chớp, một tay thị vệ khác vừa cảnh giác vặn người bổ một đao đã bị một kiếm đâm xuyên vai. Kiếm lui chân tới, tên thị vệ bị đá quay một vòng văng vào giữa đám đông. Dương Lăng chỉ cảm thấy hông bị siết lại, y đã bị người ta ôm chặt, bên tay vẳng lại giọng nữ khẽ quát:

- Mau đoạn hậu! Gió rát, ai nấy về chùa! (từ lóng: ý nói tình thế không tốt, mọi người rút lui)

Dương Lăng chân không chạm được đất, bị kẻ đó kẹp nhảy vào trong đám đông, rẽ quanh rẽ quẩn rồi tiến vào một con hẻm chưa chong đèn. Con hẻm không sâu, nháy mắt đã ra khỏi đầu hẻm, đã có một cỗ xe ngựa đợi sẵn. Tay kẻ đó thoáng vung lên, ném bay Dương Lăng vào trong xe, rồi co người nhún chân nhảy vọt lên xe, quát:

- Lập tức rời thành!

Dương Lăng bị ném ngã vào trong xe, đầu vàng mắt hoa, vừa mới ngẩng đầu lên liền có một người nữa xông vào, chen ngồi cạnh y. Kế đó y bị kẻ kia túm lấy cổ áo nhấc lên.

Dương Lăng hoảng hốt chống tay gượng dậy. Y cảm thấy tay vịn vào một khối thịt mềm mại nở nang, vừa phát hiện ra là một cặp đùi săn mẩy chắc nịch thì cả người y đã bị ấn về phía sau, đập vào thanh xe "bộp" một tiếng, một lưỡi kiếm sắc lẹm lạnh lẽo đã kề sát trên cổ.

Dương Lăng định thần lại, thấy trong xe treo một cây đèn bão. Dưới ánh đèn, kẻ đó gỡ khăn che mặt xuống, toàn thân mặc đồ đen, da trắng như tuyết, tôn lên một vẻ đẹp không nhiễm bụi trần.

Gương mặt xinh xắn đó thanh nhã mà thoát tục, rực rỡ rạng ngời, một cây trâm ngọc bích màu xanh lá óng ánh cài trên mái tóc đen mượt, dưới hàng mi cong cong là một đôi mắt xinh đẹp lóe lên vẻ lạnh lùng và nghiêm nghị vô cùng.

Dương Lăng thoáng sững người, bật thốt:

- Dương Khóa Hổ Hồng Nương Tử?

Người con gái xinh đẹp vận bộ đồ bó màu đen nọ thoạt tiên ngẩn ra, sau đó nhếch miệng cười, thấp thoáng hàm răng trắng đều như bắp:

- Thì ra ngươi đã biết rõ tông tích của ta. Không sai, ta chính là Thôi Oanh Nhi! Xưởng đốc đại nhân, dù bản lĩnh ngươi to như vậy mà còn không phải đã rơi vào trong tay ta đó ư?

Nàng thoáng lật mũi thanh đoản kiếm, sống kiếm ấn vào cổ Dương Lăng, khuôn mặt xinh đẹp nghiêm lại, giọng lạnh lùng quát:

- Trượng phu của ta đâu? Có phải đã trúng phải độc thủ của ngươi rồi không?

Nụ cười thoáng qua kia như "bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước", nét mặt tươi cười tựa như "mây phá, trăng ra, hoa giỡn bóng", rúng động lòng người. Trong chớp mắt vẻ đẹp rạng ngời như bóng ngựa qua khe cửa, thoáng cái đã không thấy tăm hơi, trên khuôn mặt thanh tú lạnh lùng chỉ còn lại một đôi mắt đang nhìn y chằm chằm đầy thù hận.

Chú thích:

(1) Nguyên văn "Khanh bản giai nhân".

Ngoài nghĩa là người đẹp, giai nhân cũng có nghĩa là người tốt, chỉ bực quân tử.

Hán Vũ đế trong "Thu Phong từ" có câu: "Lan hữu tú hề cúc hữu phương, huề giai nhân hề bất năng vong. " (Ý: Lan đẹp có cúc mới có hương thơm, gần người quân tử không thể mất nước).

Cụm từ "khanh bản giai nhân" được dùng với ý trách móc: "Ngươi vốn là người tốt, sao lại... "

Trong Đào Khản truyện, sách Tấn thư, có câu: "Khanh bản giai nhân, hà vi tùy chi dã?" (Ý: Ngươi là người tốt, sao lại theo làm (điều xấu)?).

(baike. baidu/view/850350. htm)

(2) "Khởi Cư" nghĩa là sinh hoạt thường ngày; đây là quyển sổ ghi chép sinh hoạt hằng ngày của vua chúa

(3) nguyên văn "tước bôi" là loại chén rót rượu cao có ba chân thời xưa, hình giống con chim sẻ (chim tước), thường thấy trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa.

(4) người trên bảo cho các người dưới đều biết gọi là hiểu dụ, cũng như hiểu thị.

(5) từ thời Chu, con vua và các chư hầu đều được gọi là thế tử.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Hồi (1-477)


<