Vay nóng Homecredit

Truyện:Nhạc Phi diễn nghĩa - Hồi 66

Nhạc Phi diễn nghĩa
Trọn bộ 80 hồi
Hồi 66: Tần Cối nhờ tay Sài Vương diệt Nhạc gia - Sài Nương nương lấy ân nghĩa thay thù hận
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-80)


Sông rộng, không có thuyền bè, họa là có cánh mới qua sông được. Bảy người thất vọng đành dắt nhau đi dọc theo mé sông.

Đi hồi lâu bỗng thấy bốn năm chiếc thuyền câu cột dưới mé nước, ngoài khơi có mấy chiếc thuyền lớn quan quân thả neo cách bờ độ vài ba con sào. Bảy anh em bước đến gần, Gia Cát Cẩm cất tiếng gọi:

- Bớ chủ thuyền, bọn tôi ở Lâm An xuống đây lỡ đường không nơi tạm trú, muốn qua Kinh Khẩu, xin người làm ơn cho chúng tôi qua sồng, sẽ tạ ơn xứng đáng.

Một lão chài từ dưới thuyền nhô đầu ra nói:

- Bây giờ trời tối lắm, qua sông không tiện đâu!

Nhạc Lôi nói:

- Nhưng bây giờ chúng tôi không nơi tá túc, biết làm sao đây? Xin người làm ơn cho mấy anh em tôi xuống thuyền ngồi nhờ chờ sáng.

Lão chài lắc đầu:

- Thuyền tôi chật hẹp lắm, mấy cậu hãy ráng đi lần tới trước cách đây chừng nửa dặm, bên mé rừng có cái miếu Hồ San, đến đó nghỉ cho rộng rãi.

Mấy anh em tạ ơn, dắt nhau đi lần tới. Quả nhiên ở đây có một tòa miếu cổ, xung quanh lẻ tẻ một số nhà tranh, toàn là nhà của dân chài lưới.

Gia Cát Cẩm quay lại bảo:

- Anh em hãy đứng ngoài này để tôi vào hỏi rồi sẽ dắt nhau vào chớ nên làm rộn, sinh điều bất tiện.

Mấy anh em vâng lời đứng dưới gốc cây chờ đợi. Gia Cát Cẩm bước vào miếu gõ cửa. Bên trong có một đạo nhân già chạy ra hỏi:

- Đêm khuya, ai đến đây làm gì vậy?

Gia Cát Cẩm lễ phép vái vị đạo nhân và nói:

- Chúng tôi xuống Lâm An về, đi qua đây lỡ đường, trời tối không nơi tá túc, nên vào đây xin nghỉ đỡ một đêm, mong người làm phúc.

Đạo Nhân nói:

Việc ấy không hề chi, ngặt vì ở đây rừng núi quê mùa, e không tiện cho quí vị đó thôi!

Gia Cát Cẩm nói:

- Chúng tôi đến đây làm phiền là quá đông lắm rồi, có đâu dám đòi hỏi?

Gia Cát Cẩm quay lại vẫy mấy anh em vào miếu. Ai nấy đều làm lễ ra mắt đạo nhân.

Chào hỏi xong, bỗng thấy từ sau chánh điện có một người ra nhìn sững mấy anh em rồi chỉ Nhạc Lôi hỏi:

- Công tử này có phải là Nhạc Lôi không?

Nhạc Lôi hồi hộp nói:

- Thưa, tôi là họ Trương chứ có phải Nhạc công tử nào đâu?

Người ấy cười, nói:

- Công tử lại giấu tôi làm gì? Tôi đây chẳng phải ai đâu mà sợ, chính là gia tướng của Nhạc Nguyên soái tên là Vương Minh đây. Lúc trước chúng tôi gồm bốn người theo Nguyên soái về kinh, khi đi đến Bình Giang lại bị viên Hiệu úy chém chết Vương Hoành. Bốn anh em tôi liệu thế không xong nên mới phân nhau lánh nạn. Tôi đến miếu này, may gặp anh ruột tôi đây nên ở đây tá túc cho qua ngày. Hôm tôi xuống chợ mua nhang đèn lại nghe tên Lữ Tuần kiểm bắt được Nhị công tử, ngày mai này hắn sẽ giải đến Lâm An, nên tôi vội chạy về rủ bạn bè tôi cho đông, nấp dưới mấy chiếc thuyền câu chờ đợi khi nào chúng giải công tử qua sông sẽ đánh một trận để giải nạn. Nhưng nãy giờ tôi nhắm tướng mạo của người giống hệt như công tử Nhạc Vân, phần thì tôi xem những bức hình dán khắp nơi không sai một mảy. Nếu chẳng phải Nhị công tử thì là ai?

Nhạc Lôi nghe nói cảm động rơi nước mắt, đem hết mọi việc tỏ bày.

Vương Minh nói:

- Xin công tử chớ quá buồn rầu, vả lại nay Tần Cối đã sai Phùng Hiếu ra Thang Âm huyện tịch biên gia sản của Nguyên soái chở về đầy ắp mấy chiếc thuyền. Vậy đêm nay chúng ta phải tính trước đừng cho lũ gian thần nó hưởng được số gia sản ấy.

Mấy anh em nghe nói lửa giận xung thiên, đồng thanh nói:

Thế thì chúng ta phải đi bắt hết bọn cẩu nô này giết hết cho xong.

Gia Cát Cẩm nói:

. Anh em chớ nên nóng nảy, phải làm như vầy... , như vầy mới kết quả.

Ai nấy đều khen phải, còn Vương Minh lo đi dọn cơm mời anh em ăn uống no nê. Qua đến đầu canh hai, cả bọn dắt nhau đến mé hồ, Vương Minh khẽ gọi mấy chiếc thuyền câu thức dậy rồi đem cỏ khô cùng đồ dẫn hỏa chở xuống dưới thuyền, lén chèo đến mấy chiếc đại thuyền cắt dây dắt lần ra giữa sông, đoạn nổi lửa đốt và quăng bổi khô qua. Nhờ gió thổi mạnh nên lửa cháy rực trời; chỉ trong nháy mắt mấy chiếc đại thuyền cháy rụi.

Thương hại cho bọn quan lính trong thuyền không biết chạy đi đâu cho khỏi. Những kẻ sợ nóng nhảy xuống sông bị chết đuối, nhưng nếu ở trên thuyền lại bị cháy thiêu, cuối cùng không một tên quân nào sống sót!

Mấy anh em đứng bên thuyền câu lấy làm khoái chí, riêng Ngưu Thông vỗ tay cười ngất, nói:

- Hay quá, hay quá! Hôm nay thần hỏa bắt bọn ác ôn đem nạp cho Hà Bá hết rồi.

Mấy chiếc thuyền cháy rụi, mấy anh em chèo thuyền trở lại, ai nấy đều nói thật đáng kiếp cho tên Phùng Hiếu đã bị chết thiêu mà thây còn rớt xuống sông làm mồi cho cá, quả là trời cao có mắt trừng trị đứa gian, báo ứng rất mau vậy.

Sáng hôm sau, quan địa phương hay tin vội phát giấy truy nã khắp nơi, một mặt gửi chưởng tấu về triều. Khi mấy anh em về miếu, trống đã điểm canh năm.

Tông Lương hỏi:

- Nay đã viếng mộ rồi, Phùng Trung chết đuối, Phùng Hiếu chết thiêu, vậy nhị đệ còn tính đi đâu bây giờ?

Nhạc Lôi đáp:

- Thân mẫu của đệ và mấy đứa em lớn nhỏ cùng cả nhà bị đày ra Vân Nam, mất còn chưa biết, nên nay đệ muốn xuống Vân Nam thăm.

Ngưu Thông nói:

- Nếu nhị đệ muốn đi Vân Nam, anh em ta đây cũng cùng đi với cho có bạn.

Gia Cát Cẩm nói:

- Không nên nôn nóng, từ đây ra Vân Nam đường xa muôn dặm, mà hình bóng của nhị đệ thì dán khắp nơi, chúng đang quyết bắt cho kì được, chúng ta đi như thế này sao tiện? Lúc trước tôi có nghe đồn rằng: Hiện Ngưu thúc thúc ở tại Thái Hành sơn tụ tập mấy ngàn binh mã, quan binh không dám động tới. Vậy bây giờ chúng ta phải thẳng đến Thái Hành sơn, hỏi thúc phụ mượn binh mã kéo qua Vân Nam thăm bác mới bảo đảm tính mạng cho.

Ngưu Thông nghe qua vùng nói lớn:

- ồ thế mà lâu nay tôi không biết cha tôi lưu lạc nơi nào, ngờ đâu người lại theo nghề cũ ăn cướp. Để lên đó, tôi hỏi xem tại sao cha tôi lại không kéo binh xuống báo thù cho bác tôi.

Mấy anh em bàn luận vừa xong, Vương Minh cũng đã làm xong heo gà, nấu nướng dọn lên đầy bàn. Anh em xúm lại ăn uống no say thì trời vừa rạng sáng.

Vương Minh đem hết hành lý của mấy anh em xuống thuyền lại dọn riêng một chiếc chở con ngựa bạch ngọc cu của Nhạc Nguyên soái ngày trước và cây bảo kiếm, đều giao nốt cho Nhạc Lôi. Thế là vật báu đã về chủ cũ.

Sau đó anh em cùng xuống thuyền chèo qua Thái Hồ thẳng đến Nghi Hưng mới lên bờ.

Sau khi Vương Minh từ biệt trở lại Thái Hồ, mấy anh em tung mình lên ngựa ra roi, nhưng không dám đi ngả Kinh Khẩu mà trở qua ngả Kiến Khương nhắm Thái Hành sơn thẳng tiến.

Đến nơi, ngươi ta nghe trên chóp núi Thái Hành có tiếng thanh la gióng lên inh ỏi, rồi hai ba mươi lâu la nhảy ra đón đường nạt lớn:

- Hãy nạp tiền mãi lộ cho mau!

Ngưu Thông bước hét như sấm nổ:

- Lũ cường đạo này muốn chết hay sao? Hãy lên núi mời Ngưu lão gia của chúng bay xuống đây cho mau, bằng không ta đánh nát óc hết!

Lâu la nổi giận hét:

- Loài huỳnh mao dã tặc, dám ăn nói lỗ mãng thế sao?

Hai bên vừa muốn ra tay, Nhạc Lôi liền bước tới nói:

- Chớ nên ra tay, ta là Nhạc Lôi muốn đến ra mắt đại vương đây, xin nhờ ngươi làm ơn báo giùm.

Bọn lâu la nghe nói Nhạc Lôi liền dừng tay lại, hỏi:

- Đây là nhị công tử Nhạc Lôi thật sao? Ngày nào Đại Vương tôi cũng nhắc đến công tử và sai chúng tôi đi dò khắp nơi để tìm kiếm song không tìm thấy đâu cả, hôm nay người đến đây thật là may mắn.

Nói rồi bọn lâu la chạy ùa lên núi bẩm báo. Ngưu Cao mừng rỡ liền cùng Thi Toàn, Trương Hiển, Vương Quới, Triệu Vân, Lương Hưng, Kiết Thanh, Châu Thanh xuống núi một lượt đón tiếp Nhạc Lôi và mấy anh em. Hai bên ra mắt xong xuôi dắt nhau lên núi vào Phấn Kim đình ngồi trò chuyện.

Ngưu Cao hỏi thăm trước sau các việc. Nhạc Lôi kể lại việc cả nhà bị bắt giải xuống Lâm An, may nhờ Lương phu nhân giải cứu, nhưng bị đày hết ra Vân Nam, lại đem việc mình đi viếng mộ mấy phen bị bắt hụt, rất khổ sở.

Nghe qua Ngưu Cao xúc động bồi hồi vùng khóc rống lên. Ngưu Thông thấy cha mình khóc, bực mình nói lớn:

- Sao cha không chịu lo báo thù cho Nhạc bá phụ, lại ở đây cướp giật cho sung sướng để Nhạc nhị đệ chịu cực khổ trăm bề còn khóc lóc nỗi gì?

Ngưu Cao thấy con mình ăn nói cộc cằn, lỗ mãng, nói với Nhạc Lôi:

- Hèn chi lúc cha cháu còn sống thường hay nói với chú rằng: "Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi" quả thật đúng lắm? Thường ngày chú cũng thường hay ăn nói lỗ mãng nay con chú nó ăn nói với chú như vậy đó.

Nhạc Lôi chắp tay nói:

- Nay cháu muốn qua Vân Nam thăm mẹ cháu, nhưng vì đường sá khó đi nên muốn đến đây xin thúc phụ vài ngàn binh chẳng biết có được chăng?

Ngưu Cao nói:

-Được lắm chứ, nhưng cháu hãy ở nán lại đây ít hôm để chú sắm bạch khôi, bạch giáp rồi mới cử binh.

Nói rồi, sai quân dọn tiệc thết đãi, mọi người ăn uống đến khuya mới đi nghỉ.

Nhắc qua gia quyến của Nhạc phu nhân theo quân giải sai ra Vân Nam. Một hôm đi đến Nam Ninh (Tức Quí Châu bây giờ). Chỗ này do Sài Vương cai trị.

Từ ngày Sài Quế bị Nhạc Phi đâm chết tại Đông Kinh, người con là Sài Bài Phước nối chức cha phong hiệu là Lương Vương, trấn thủ tại Nam Ninh. Vừa rồi y tiếp được thư của Tần Cối gửi ra xúi trả thù cha bằng cách tiêu diệt cả nhà họ Nhạc trên đường giải đi Vân Nam. Vì vậy Lương Vương dẫn binh ra khỏi Thiết Lư quan đồn trú tại Bàng Long sơn đón đường, đồng thời sai người đi các nẻo thám thính tin tức gia quyến họ Nhạc.

Ngày ấy Nhạc phu nhân đi đến Bàng Long sơn thấy một khu đất bằng phẳng bèn sai đóng dinh trại đào lò nấu cơm. Quân thám tử của Lương Vương trông thấy, chạy lên núi Bàng Long phi báo.

Sài Bài Phước liền lên ngựa cầm đao dẫn binh chạy bay xuống núi, thẳng đến trước dinh hét lớn:

- Có ai trong đó hãy ra đây cho ta nói chuyện.

Gia tướng chạy vào phi báo, Nhạc phu nhân thất kinh, Trương Anh nói:

- Phu nhân chớ lo, để cháu ra đó xem ai cho biết.

Nhạc phu nhân căn dặn:

- Ngươi có đi, phải cẩn thận mới được.

Trương Anh vâng lệnh, vung thương lên ngựa xông ra khỏi dinh, trông thấy tiểu Sài Vương đầu đội song phụng kim khôi, mình mang tỏa tử kim giáp, mặc áo long bào, buộc sợi thiểm long huỳnh kim đái, cưỡi con bạch tu long mã, tay cầm kim bối đại khảm đao, trạc chừng hai mươi tuổi, tướng mạo oai phong.

Trương Anh chống cây hồng thiết côn hỏi:

- Tướng quân đến đây với mục đích gì?

Tiểu Sài Vương đáp:

- Nhạc Phi với ta vốn có cái thù giết cha, hôm nay ta gặp gia quyến hắn tại đây nhất định phải báo thù nơi võ trường lúc trước cho kỳ được. Dòng họ Nhạc hôm nay đừng mong sống nữa. Còn ngươi là gì với dòng họ Nhạc, sao dám đến đây hỏi ta?

Trương Anh nói:

- Ta là con của Hào Lương Tổng binh Trương Bảo, tên Trương Anh. Nguyên soái ta bị gian thần hãm hại, nay lại bắt hết gia quyến đày ra Vân Nam. Trong hoàn cảnh đen tối này, dẫu có thù oán chi cũng nên bỏ qua mới là quân tử. Vậy xin Vương gia làm ơn cho chúng tôi qua ải.

Sài Vương trợn mắt, quát:

- Đừng nói bậy, thù giết cha đời nào lại bỏ qua được?

- Nếu ngươi họ Trương không bà con chi họ Nhạc, hãy đem hết cả nhà họ Nhạc nạp cho ta thì ta tha mạng cho, bằng không dù có cánh cũng không thoát khỏi tay ta.

Trương Anh nổi giận mắng:

- Quân khốn kiếp, ta đã nói lời lẽ phải trái với ngươi, ngươi lại không nghe, vậy lãnh giáo vài đường côn ta đây cho biết khôn.

Vừa nói vừa vung côn đánh liền, Sài Vương cũng đưa đao ngăn đỡ hai bên đều võ nghệ cao cường, đánh thôi tối trời mịt đất, cát bay đá chạy, giao phong ngoài trăm hiệp vẫn không phân thắng bại.

Khi mặt trời sắp lặn, Sài Vương gài đao nói lớn:

- Trời đã tối rồi, ta muốn về dùng cơm, hẹn ngày mai sẽ giết ngươi.

Trương Anh cười gằn. đáp:

- Ta cũng tạm dung cho ngươi sống thêm một đêm nữa.

Sài Vương quay ngựa trở về núi, Trương Anh cũng trở về trại.

Nhạc phu nhân hỏi Trương Anh:

- Người ấy là ai mà lại đánh với ngươi cả ngày vậy?

Trương Anh đáp:

- Hắn là con của Sài Quế, chỉ vì ngày trước Nhạc lão gia giết cha hắn tại diễn võ trường nên nay hắn quyết báo thù nhưng hắn đánh với cháu suốt một ngày chưa phân thắng bại, ngày mai này cháu sẽ quyết ăn thua với nó.

Nhạc phu nhân nghe nói trong lòng đau đớn vô cùng.

Sáng hôm sau, Sài Vương dẫn binh đến trước dinh khiêu chiến thật sớm, Trương Anh cũng dẫn gia tướng tướng ra, chẳng nói chi hết, cứ việc áp tới đánh nhau. Hai bên đánh nhau hơn trăm hiệp nữa cũng không phân thắng bại. Sài Vương giơ tay ngoắc một cái, ba trăm binh mã áp vào một. lượt vây Trương Anh. Bên này bọn gia tướng cũng xáp vào ngăn đánh.

Hai bên đánh một hồi, Trương Anh đánh một côn trúng nhằm sau đít con ngựa của Sài Vương. con ngựa đau hoảng sợ nhảy chồm lên quăng Sài Vương xuống đất Trương Anh toan bồi thêm một côn may thay binh mã của Sài Vương đã lẹ tay cứu khỏi chạy thẳng về núi.

Sài Vương mệt ngồi thở dốc một hồi dặn dò quân sĩ phải hết lòng giữ ải quan để Vương về điểm thêm binh mã đến bắt cho được Trương Anh mới nghe.

Ba quân vâng lệnh giữ chặt Thiết Lư quan không dám ra đánh nữa, còn Sài Vương thì quay ngựa trở về phủ đi thẳng ra sau điện. Sài nương nương trông thấy con mình bước vào, vội hỏi:.

- Hai bữa tày con giao chiến với ai, đến bây giờ con mới về vậy?

Sài Vương thưa:

- Ngày trước phụ vương con xuống Đông Kinh tranh võ trạng, bị Nhạc Phi đâm chết vẫn chưa trả được thù ấy Ngỡ đâu lưới trời lồng lộng, Nhạc Phi đã bị triều đình xử trảm nay lại bắt hết cả nhà đày ra Vân Nam, con lại mang ơn Tần Thừa tướng gửi thư ra sai đón giết cả nhà họ Nhạc để báo thù cho cha con. Nay chúng nó đã đến ngoài ải, con chặn đánh đã hai ngày mà chưa phân thắng bại, nên phải trở về điểm thêm binh mã, ngày mai ra đó quyết bắt được chúng, con mới nghe.

Sài nương nương nói:

- Con chớ nên nghe lời đứa gian thần ấy làm gì, hãy lấy ân nghĩa đối đãi với người ta không hơn sao?

Sài Vương bất bình đáp:

- Sao mẹ lại nói vậy? Nhạc Phi đã giết cha con, thù ấy chẳng đội trời chung sao mẹ lại lấy ân nghĩa đãi chứng là đãi làm sao?

Sài nương nương nói:

- Lúc ấy con còn thơ ấu, không hiểu biết rõ căn nguyên. thử hỏi cha con là vị Phan Vương sao lại bỏ chức lớn đi tranh chức nhỏ là nghĩa gì? áy chỉ vì cha con nghe lời Vương Thiện giả ý tranh chức võ trạng, thật tình muốn thâu đoạt giang san nhà Tống. Vì vậy, sau khi cha con chết rồi, Vương Thiện khởi binh làm phản cuối cùng cả một đạo binh chết sạch.

Còn lúc thí võ nơi giáo trường, cha con lấy thế hiếp bức Nhạc Phi, Nhạc Phi không chịu nhịn mới ra nông nỗi. Phỏng như lúc ấy cha con không phải chết về tay Nhạc Phi thì cũng cùng làm phản với Vương Thiện phạm tội nặng với triều đình. Thế thì tính mạng con ắt không còn đến ngày nay, có đâu lại được nối chức cha, hưởng tước lộc như vậy? Huống chi Nhạc Phi trọn đời vì dân nước trung hiếu vẹn toàn, còn Tần Cối là đứa gian thần dối vua hại nước. Hắn đã giết hại cha con họ Nhạc rồi, nay còn gửi thư xúi con giết hết cả nhà người ta nữa, nếu con nghe theo lời, thì ngày sau sao cho khỏi miệng đời nguyền rủa con?

Sài Vương nói:

- Cha con chết vì lý do gì con không cần biết đến, con chỉ biết rằng kẻ đã giết cha con là Nhạc Phi, thì nay con phải báo thù, thế thôi!

Sài nương nương thong thả nói:

- Để mẹ kể cho con nghe một câu chuyện, con lấy đó mà suy ngẫm, rồi con muốn hành động ra thế nào tùy ý con.

Ngưng một lát bà bắt đầu kể:

- Lúc Biện Kinh sắp thất thủ, phía ngoài thành Đông Kinh có một người tên Vương Tiểu Tam chuyên nghề làm thuê làm mướn, một mình côi cút, ăn tiêu tần tiện, suốt bao năm mới để dành được trăm lượng bạc. Trọn đời Tiểu Tam kính trọng Quan âm Bồ Tát nên có làm một tượng Quan âm để thờ, hễ sớm mai đi làm mướn làm thuê, chiều về đốt hương vái lạy.

Ngày kia, nghe quân Kim tràn đến, dân trong xóm bỏ nhà chạy hết. Vương Tiểu Tam cũng thu góp tài sản chờ ngày đi lánh nạn. Qua đến canh ba, y đang ngủ mơ màng bỗng thấy phật Quan âm xuất hiện, tay cầm nhành dương liễu, mình mặc áo trắng, kêu nói:

- Vương Tiểu Tam, kiếp trước mi vẫn là đứa tiểu quân, lúc đi đánh giặc mi giết chết một tên dân vô tội, nay ngươi đầu thai lại kiếp này đây, còn tên bị ngươi giết chết ấy, kiếp này nó đầu thai qua bên Kim làm tướng, tên nó là Hắc Lợi, ngày mai đúng giờ ngọ ba khắc ngươi phải chết về tay nó, để trả mối thù kiếp trước. Dầu ngươi có trấn tránh đi đâu cũng không khỏi, nhưng ta nghĩ vì ngươi thờ ta hết lòng thành kính lại ít sát sinh nên nay ta giải tai ách cho ngươi. Vậy ngày mai đây ngươi hãy đi mua năm sáu cân thịt dê nấu nướng cho tử tế rồi mua ít bầu rượu ngon cùng cơm cá chuẩn bị cho sẵn sàng, chờ Hắc Lợi đến nó ăn một bữa no nê họa may nó sẽ tha cho.

Quan âm nói rồi lấy nhành dương liễu phất một cái biến mất, Vương Tiểu Tam giật mình thức dậy ngồi nghĩ thầm:

- Lời Bồ Tát bảo ấy là oan khiên kiếp trước, nay ta có đi cũng vô ích, chi bằng nghe theo Phật là hay hơn. Trời vừa rạng sáng, Vương Tiểu Tam phải chạy xa hơn chục dặm mới mua được thịt dê và rượu đem về nấu nướng xong xuôi, đóng cửa ngồi chờ.

Qua đầu giờ ngọ, quả nhiên nghe có tiếng gõ cửa, Vương Tiểu Tam hỏi vọng ra:

- Ai đó có phải Hắc tướng gia đó không?

Vừa nói vừa mở cửa ra, niềm nở mời:

- Xin tướng gia hãy bước vào đây.

Hắc Lợi bước vào, trông thấy trên bàn rượu thịt đầy bàn, (Nguyên vì quân Kim đi cướp giật mà dân chúng dọn nhà trốn đi hết, nên từ sớm mai đến giờ trong bụng hàn không có món chi). Lúc đang khát đói mà thấy rượu ngon, thịt béo thì quí biết chừng nào! vì vậy Hắc Lợi ngồi xuống ăn lấy ăn để. Vương Tiểu Tam lại lấy chén lớn rót rượu thêm, đứng hầu một bên, ra vẻ cung kính lắm.

Hắc Lợi ăn uống hết rượu thịt, Vương Tiểu Tam lại xới cơm nóng đem ra dâng. Hắc Lợi thấy cơm nóng lên hơi nghi ngứt lấy làm khoái chí ăn no căng bụng. ăn xong, Hắc Lợi hỏi Vương Tiểu Tam:

- Tại sao ngươi biết được tên họ của ta? Hơn nữa, trong lúc giặc giã loạn lạc, thiên hạ đều chạy trốn cả, tại sao ngươi không trốn tránh là cớ chi?

Vương Tiểu Tam đáp:

- Tôi chẳng giấu gì chi tướng gia, Chỉ vì đời tôi kính Quan âm nên khi hôm tôi chiêm bao thấy người hiện đến mách bảo tôi rằng, kiếp trước tôi là một tên quân đã giết lầm một người dân mà người dân đó hiện giờ đầu thai thành tướng gia đấy. Hôm nay là ngày tướng gia đến giết tôi để trả mối thù kiếp trước, vì vậy tôi không chạy trốn đâu cả. Vậy bây giờ tướng gia ăn uống no nê rồi, xin hãy giết chết tôi đi để tôi đền cái oan nghiệt ấy và tôi cũng đầu thai kiếp khác.

Hắc Lợi nghe nói sửng sốt đứng ngơ ngẩn hồi lâu, nghĩ thầm:

- Kiếp trước nó giết ta ư? Nếu vậy thì oan oan tương báo biết đến kiếp nào cho xong? Huống chi kiếp này ta với hắn vốn không thù không oán chi, lại ăn uống của nó một bữa no say, nỡ lòng nào giết nó sao?

Hắc Lợi nghĩ rồi nói với Tiểu Tam:

- Kiếp này chúng ta không thù không oán, còn kiếp trước đã qua rồi không nhắc đến làm chi. Hôm nay ta cảm ơn ngươi cho ta một bữa cơm no nê không biết lấy chi đền ơn ngươi xứng đáng?

Nói rồi thò tay vào túi lấy một lá cờ nhỏ trao cho Tiểu Tam và dặn.

- Ngươi hãy đem lá cờ này cắm ngay trước cửa, để quân ta trông thấy không dám vào quấy phá nhà của ngươi, hoặc ngươi lá cây cờ này đi ra ngoài đường cũng được bình yên vô sự.

Nói rồi từ giã ra đi, Vương Tiểu Tam đến trước bàn Quan âm đốt hương vái lạy tạ ơn cứu mạng. Từ đó về sau, Vương Tiểu Tam tiếp tục tu hành không bệnh tật sống trên chín mươi tuổi mới qua đời.

Kể dứt câu chuyện, bà ta nhìn thẳng vào mặt Sài Vương để dò xem suy nghĩ của con. Bà thấy Sài Vương cúi đầu làm thinh không thốt nửa lời, bà lại tiếp:

- Phàm oán thù nên cởi chớ nên buộc. Đạo Phật thì có phép hối giải oan. Về Nho giáo, Đức Khổng phu tử cũng có dạy ta rằng: "Chớ nên nghĩ đến việc đã qua, tất nhiên oán thù tự nhiên tiêu tan'. Tuy trong đời có nhiều đạo nhưng cũng cùng chung một mối.

Sài Vương nghe mẹ giảng giải đến đây thấm ý, liền đứng dậy chấp tay thưa:

- Con thừa hiểu Tần Cối là đứa gian thần, song vì con nuôi thù, kết hận trong lòng không mở ra được, nay mấy lời mẹ dạy đã làm cho con sáng mắt ra rồi. Con nguyện vâng lời mẹ.

Sài nương nương nói:

- Thế thì ngày mai con hãy đến mời phu nhân vào ải để cho mẹ ra mắt.

Sài Vương cúi đầu vâng dạ rồi từ tạ lui ra. Hôm sau Sài Vương một người một ngựa thẳng đến trước dinh kêu kẻ giữ cửa nói:

- Ta vâng lời mẹ ta là Sài nương nương đến mời Nhạc phu nhân vào ải để tương hội với mẹ ta.

Gia tướng chạy vào bẩm báo lại, phu nhân chưa biết tính sao, bọn gia tướng đã đồng thanh nói:

- Thái thái chớ nên nghe lời tên tiểu Sài Vương ấy, vì hai bữa nay hắn đánh không lại Trương Anh nên nay lập kế lừa Thái Thái đó, nếu Thái Thái nghe lời ắt lâm hại.

Phu nhân nói:

- Ta ra đi đây là liều chết cho tròn danh tiết với chồng ta bây giờ cái chết đối với ta có nghĩa gì?

Bọn gia tướng cũng nằng nặc quyết không cho Nhạc phu nhân đi. còn đang nghị luận, bỗng thấy giải quân chạy vào báo:

- Có Sài lão nương nương ngồi xe đi đến, nên tôi phải vào bẩm cho Thái Thái hay.

Nhạc phu nhân nghe nói vội vã ra ngoài, bọn gia tướng theo hầu phía sau, còn Trương Anh theo sát phu nhân bảo hộ.

Ra vừa khỏi dinh đã thấy Sài Vương đỡ Sài lão nương nương xuống xe. Nhạc phu nhân vội quỳ xuống nói:

- Tội phu là Lý thị không hay nương nương đến để nghênh tiếp, thật đáng tội.

Sài nương nương vội vàng bước đến giơ hai tay đỡ Nhạc phu nhân dậy, nói:

- Con tôi nó nghe lầm đứa gian thần xúc phạm đến phu nhân, tôi phải sai nó đi mời phu nhân về phủ để xin lỗi, nhưng lại e phu nhân nghi kỵ, nên phải đích thân đến đây, xin phu nhân chớ từ chối.

Nhạc phu nhân nói:

- Tôi đã mang ơn đức của nương nương bỏ qua mối oán thù xưa là may mắn lắm rồi, lại để cho nương nương phải nhọc công ra tận đây thật đáng tội.

Sài nương nương nói:

- Cả nhà phu nhân đều là người trung nghĩa, chớ nên nhắc lại việc cũ làm gì.

Vừa nói vừa nắm tay Nhạc phu nhân dắt lên xe, lại sai Sài Vương cùng các Công tử lớn nhỏ trong gia quyến nhổ trại dắt nhau trở về Vương Phủ.

Đến nơi, Sài Vương cùng các Công tử ở nơi điện tiền chuyện vãn với nhau, còn Sài nương nương thi mời Nhạc phu nhân, Củng thị phu nhân cùng các tì nữ đi vào hậu điện phân ngôi chủ khách mời ngồi.

Trà nước xong xuôi, Sài nương nương đem việc Tần Cối viết thư ra xúi Sài Vương trả thù, thuật lại một hồi.

Nhạc phu nhân khâm phục lòng quân tử của Sài nương nương chẳng cùng.

Sài nương nương lại hỏi:

- Nhạc Nguyên soái binh quyền nắm trong tay; tại sao lại bị gian thần hãm hại một cách dễ dàng như vậy?

Nhạc phu nhân liền đem hết các việc thuật lại đầu đuôi cho Sài nương nương nghe: Sài nương nghe xong thở dài, trong lòng cảm thấy chua xót và chán chường cho nhân tình thế thái. Kế thấy gia nhân dọn tiệc lên, Sài nương nương đứng dậy mời hết các bà mệnh phụ vào bàn tiệc, bên ngoài Sài Vương cũng mời hết vị Công tử ra nơi Bá Hoa đình dự yến.

Lúc ăn uống, Nhạc phu nhân với Sài nương nương chuyện vãn với nhau thật tâm đầu, ý hợp.

Sài nương nương thích chí nói:

- Tôi mến đức của phu nhân đã lâu, nay được gặp mặt, xin kết làm chị em, chẳng biết phu nhân nghĩ sao?

Nhạc phu nhân nói:

- Nương nương là cành vàng lá ngọc, còn tôi là kẻ tội đồ đâu dám sánh vai?

Nương nương nói:

- Sao phu nhân nói chi lời chua chát ấy?

Rồi sai tỳ nữ dọn bàn hương án, hai người đứng ra vái trời, kết nghĩa với nhau. Sài nương nương lớn tuổi hơn làm chị, Nhạc phu nhân nhỏ tuổi hơn làm em. Sài nương nương lại gọi Sài Vương vào sai lạy Nhạc phu nhân và bảo gọi bằng dì. các vị công tử cũng tiếp vào lạy nương nương. rồi tiếp tục ăn uống cho đến khuya mới đi nghỉ.

Sài nương nương sai bọn a hoàn quét dọn phòng riêng cho Nhạc phu nhân và nữ quyến nghỉ, còn bọn giải quan cùng gia tướng của Sài Vương an nghỉ nơi phòng ngoài.

Sáng hôm sau Sài Vương bẩm với Nhạc phu nhân:

- Nay dì đi ra Vân Nam phải vượt ba ải. Quan Tổng binh ải Trấn Nam tên Hắc Hổ, quan Tổng binh ải Bình Nam tên Ba Vân, quan Tổng binh ải Vân Nam tên Trạch Sơn. Cả ba tướng ấy đã được Tần Cối dặn dò và giao phó nhiệm vụ sát hại gia quyến của dì. Hơn nữa, đường sá khó khăn hiểm trở lắm, chỉ bằng dì ở lại đây, cháu sẽ xuất tiền lo lót với giải quan rồi khiến quan địa phương phê tờ chạy về kinh thì xong việc.

Nhạc phu nhân nói:

- Cám ơn hiền điệt hậu tình, ngặt vì chồng con của dì đã tận trung thì lẽ nào dì lại tham sống nghịch chỉ sao? Dẫu cho ba ải ấy có hại dì đi nữa, khi chết rồi, dì cũng được gặp mặt chồng con nơi chín suối, là thỏa nguyện lắm rồi!

Sài nương nương nói:

- Nếu hiền muội đã quyết ý muốn đi, thì chị cũng nguyện đưa hiền muội cho đến Vân Nam mới được.

Nhạc phu nhân nói:

- Em đã phạm nhằm phép nước tất nhiên phải chịu vậy, lẽ nào để cho hiền tỷ theo cho nhọc sức?

Sài nương nương dịu giọng, giải thích:

- Hiền muội chưa rõ ý chị đó thôi, chứ từ đây ra Vân Nam nếu có chị theo hộ tống thì dù có qua mấy ải cũng không ai dám động đến em. Đó là kế an toàn vậy?

Sài Vương xen vào nói:

- Nếu mẹ có đi, con cũng xin đi với. Con cuũng muốn ra đó xem dân tình, phong tục ở đó như thế nào cho biết kẻo uổng cái công được phong vương một cõi này.

Nghe con nói, Sài nương nương cả mừng, nói:

- Thế thì hay biết bao nhiêu, thôi con hãy sắp đặt việc nhà cho yên, đặng lên đường cho sớm.

Sài Vương vâng lời trở về trước điện, nhóm hết chư tướng, dặn dò các việc và phân cắt đi trấn thủ khắp nơi, giữ gìn quan ải, một mặt sắm sửa xe ngựa và binh mã đưa gia quyến Nhạc phu nhân nhắm Vân Nam tiến tới.

Ba ải kia tuy đã tiếp được thư của Tần Cối, sẵn sàng hãm hại gia quyến họ Nhạc, ngặt vì có mẹ con Sài Vương đi theo hộ tống nên chẳng dám ra tay. Vì vậy mẹ con Nhạc phu nhân vượt qua ba ải bình yên vô sự.

Chẳng mấy ngày đã đến Vân Nam, giải quan đem văn thư của Tần Cối giao cho thổ quan là Châu Trí. Châu Trí liền làm một tờ hồi văn và một tờ bẩm thiếp, phúc lại cho Tần Cối. Lại sắm sửa lễ vật và lộ phí đưa cho giải quan về kinh, rồi mới thăng đường điểm danh từng người.

Châu Trí đếm từ Nhạc phu nhân trở xuống, nhưng khi đếm đến Củng thị phu nhân thì thấy nhan sắc người trầm ngư lạc nhạn, hắn cảm thấy mê mẩn tâm thần, liền nói với quân sĩ:

- Lý Thị, Hồng Thị, Nhạc Đình, Nhạc Lân, Nhạc Chấn, Nhạc Thân, Nhạc Phủ và Trương Anh cùng nội bọn phải đem ra phía ngoài an trí, còn Củng Thị phải dắt vào tư nha để hầu hạ.

Củng Thị nghe nói mắng lớn:

- Đừng nói bậy, tuy ta là phạm tội chứ cũng bậc mệnh phụ của triều đình, vâng chỉ chịu đày ra đây chớ đâu phải đi làm nô lệ, sao ngươi dám buông lời vô lễ như vậy?

Châu Trí nói:

- Đáng ra theo thư của Tần Thái sư gửi cho ta, ta đã thẳng tay giết cho tiệt giống họ Nhạc nhưng lòng ta không nỡ. Cả nhà họ Nhạc tính mạng đều nằm trong tay ta, được ta khoan dung sao không biết ơn lại còn buông lời lỗ mãng?

Không ngờ Củng thị phu nhân nổi giận thét lên:

- Cả nhà ta đều trung, hiếu, tiết, nghĩa, há ta lại để cho mi là đứa cẩu quan làm nhục hay sao? Đến nước này, ta cũng chẳng thiết sống nữa!

Crypto.com Exchange

Hồi (1-80)


<