Vay nóng Tima

Truyện:Sư phụ - Hồi 4

Sư phụ
Trọn bộ 6 hồi
Hồi 4: Món Đồ Cổ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-6)

Siêu sale Shopee

Đã mấy ngày qua, mỗi sáng, khi ra trước sân tưới nước cho mấy chậu kiểng, ông Lê đều thấy một ông già đứng ngoài cổng.

Hai ngày dầu, ông Lê có để ý chuyện đó nhưng không bận tâm suy nghĩ tới. Sáng nay, vừa bước xuống bậc thềm ông Lê đã thấy ngay ông già đứng ngoài đó tự lúc nào. Lần này, ông Lê không thể thản nhiên như mấy ngày trước, ông phải tìm hiểu cho ra lý do.

Ông già đứng ngoài cổng cùng một chỗ, cùng một tư thế, và bất động. Ông ấy mặc quần áo thật đặc biệt. Cả đời ông Lê, năm nay đã chín mươi tuổi, chưa bao giờ ông thấy ai mặc trang phục kỳ lạ như vậy. Áo ông già không phải may bằng vải mà là một thứ bố dày, giống như kết lại từ nhiều sợi dây gai trong rừng sâu hoang dã. Quần ông già cũng vậy. Nó không phải là quần, mà tựa như cái khố của người dân tộc thiểu số trên rừng. Áo ông già bỏ trong quần, được cột ngang thắt lưng bằng một sợi dây mây nhỏ và dài, quấn đến hai vòng, cột thành cái gút trước bụng.

Ông già cao vừa tầm, đứng ngang với ông Lê. Hai người đứng cách nhau qua cánh cửa cổng bằng sắt, vừa dày vừa nặng.

Ông Lê chưa có dịp kề vai với ông già để biết ai cao, ai thấp. Chẳng qua ông Lê thấy mái tóc bạc trắng của ông già ngang với chốt cửa phía trên nên ông đoán chiều cao của ông già như vậy.

Ông già đứng nghiêng, mái tóc và bộ râu trắng bay lất phất theo gió.

Ông Lê chỉ nhìn ngang ông già, không thấy rõ được mặt. Ông không biết mặt mũi ông già ra sao nhưng trong lòng, ông cứ lo âu nơm nớp. Ông Lê không hiểu tại sao ông có cảm giác khác thường như vậy.

Ông già không làm gì khác hơn là đứng im bất động nhưng ông ta lộ ra một vẻ gì đó mà ông Lê nghĩ là cao sang, thanh thoát, lại có uy lực khuất phục người đối diện.

Vốn là người sành đồ cổ, ông Lê có linh cảm một điều khác thường nơi ông già kia. Điều linh cảm ấy không phải tự nhiên mà có. Cái cảm giác lao chao trong trí ông Lê với tim đập nhanh bất thường, theo kinh nghiệm gần bảy mươi năm. Ông Lê nghĩ đến một điều gì đó rất lạ lùng. Ông Lê tin vào cảm giác của mình. Nhất là ở tuổi chín mươi, ông Lê biết rất rõ. Khi cảm giác của ông đã nhập vào kinh nghiệm. Nó đã trở thành một thứ kinh nghiệm không thể truyền đạt cho ai. Một khi nó đã báo hiệu thì tự khắc chuyện lạ sẽ xảy đến.

Thông thường, hầu hết mọi chuyện lạ xảy ra trong đời ông đều liên quan đến đồ cổ. Ông Lê mê say và sành đồ cổ. Tuy không thuộc dòng quí tộc giàu sang nhưng vì đam mê mà ông Lê đã sưu tầm đồ cổ từ thời còn trẽ. Ông Lê góp nhặt đồ cổ từ mọi nơi, có món, ông phải bán mọi thứ trong nhà để mua hoặc trao đổi những món khác với người quen và bạn bè.

Ông Lê vốn người hào sảng, quen biết rộng, lại có thiên tư đặc biệt về đồ cổ, do đó mà tài sản của ông tích lũy nhiều đến độ không thể đếm nổi, và đáng giá không biết bao nhiêu mà kể.

Mặc dù đã chín mươi tuổi, ông Lê vẫn còn khỏe mạnh. Thân thể ông tráng kiện và tinh thần còn minh mẫn. Hàng ngày ông Lê tự nấu ăn và chăm sóc các cây kiểng quanh nhà. Vợ Ông qua đời từ lâu ông không có con. Vì thế ông Lê sống một mình trong căn nhà rộng với thằng Củng, một đứa đầy tớ trai.

Sáng nay, lần thứ ba trông thấy ông già, ông Lê không thể chần chờ được nữa. Ông vội bước ra, mở cổng.

Ông già thấy ông Lê đi ra liền quay người lại.

Bấy giờ, ông Lê mới thật sự đối diện với ông già.

Râu tóc của ông già bạc trắng. Tóc lòa xòa xuống vai như chưa bao giờ được chải gỡ. Râu ông ta cũng bạc trắng, dài xuống ngang ngực. Khuôn mặt ông già thon dài. Da mặt trắng hồng, phẳng phiu như một đứa trẻ. Toàn khuôn mặt ông già không có một nếp nhăn nào. Đôi mắt ông sâu, sáng rực. Hai chân mày cũng bạc. Hai đuôi chân mày dài chấm gò má. Ông già không cao, đứng ngang với ông Lê.

Phần ông Lê cũng già. Râu tóc ông đều trắng nhưng lưa thưa.

Tóc ông trắng nhưng bị sói và còi cọc. Râu ông ông trắng nhưng không dài, lại mọc le hoe mấy sợi dưới cằm. Răng ông Lê bị rụng gần hết nên miệng móm. Khuôn mặt ông Lê ốm, mũi cao, do đó, trông dài hằn ra. Da mặt ông Lê nhăn nhúm. xếp nếp từ trán qua chân mày, xuống toàn khuôn mặt. Mỗi khi ông Lê cười, cái miệng móm co rúm và các nếp da đồng loạt xếp hàng, co kéo lẫn nhau.

Chính vì thế mà nụ cười của ông Lê trông thật hiền lành.

Ông Lê bước ra ngoài, cúi đầu chào:

- Thưa cụ. Không biết cụ có chuyện gì dạy bảo.

Ông già nhìn ông Lê, ánh mắt lấp loáng, sáng ngời.

Ông Lê vừa chạm phải ánh mắt ông già, ông cảm thấy lo sợ. Cái cảm giác lao đao không còn nữa, bây giờ, ông Lê cảm thấy sợ hãi. Ông cảm thấy như cả tâm não ông vừa bị một cơn chấn động thật mạnh.

Ông già điềm nhiên hỏi:

- Ngươi là lão Lê, người thích sưu tầm đồ cổ ở đất Sài, nước Việt.

Vừa nghe ông già hỏi, ông Lê cảm thấy khó chịu. Cách nói của ông già thẳng thừng và trịch thượng quá. Ai ở đất Việt này mà không biết ông Lê là người cao tuổi. Ông đã chín mươi. Có lẽ không có người nào thọ như vậy mà còn khỏe mạnh, sáng suốt như ông. Bất cứ ai gặp ông, đều cúi đầu thưa bẩm rất kính cẩn.

Thế mà ông già gọi ngay ông là lão Lê với giọng điệu của một kẻ bề trên. Chẳng lẽ ông già thọ quá một trăm.

Tuy suy nghĩ như vậy nhưng ông Lê cũng lễ độ đáp:

- Dạ, tôi họ Lê ở đất Sài, vốn say mê đồ cổ từ thuở nhỏ.

Ông già lại hỏi:

- Ngươi họ Lệ Đây là đất Sài, nước Việt, có phải không?

Ông Lê nhíu mày nhìn ông già. Ông bắt đầu hoài nghi về trí não của ông tạ Ông già nói tiếng Việt thật rành, giọng có ảnh hưởng Trung Hoa nhưng không thể là người mới cư ngụ trong nước. Nói được như vậy, ít nhất, ông già phải sống tại nước Việt khoảng hai mươi năm.

Thấy ông Lê im lặng, ông già thản nhiên nói:

- Ta chỉ hỏi ngươi cho qua chuyện vậy thôi. Trước khi đến đây ta đã biết ngươi là lão Lê ở đất Sài, nước Việt rồi. Ta còn biết ngươi rất sành đồ cổ và tìm được vô số các thứ gọi là cổ và được cho là quí.

Kiểu nói của ông già càng lúc càng có vẻ thiếu tôn trọng. Chữ dùng của ông ta lại trịch thượng và như thiếu học thức. Chưa có ai trong nước Việt dám gọi ông Lê là ngươi và xưng ta như ông già này. Ông lại hoài nghi về giá trị đồ cổ của ông Lệ Điều này xâm phạm quá nặng đến niềm tự hào của ông.

Tuy bực bội nhưng ông Lê cố giữ bình tĩnh, nhẹ giọng nói:

- Tôi vốn thích đồ cổ nhưng không dám nhận hai chữ sành sỏi. Vốn cổ của tôi sưu tập được, tuy không nhiều, nhưng ít có người sánh được.

Ông già gật đầu:

- Ngươi nói đúng. Ngươi thích đồ cổ nhưng không sành. Trong nước Việt này, không ai tìm được nhiều thứ gọi là cổ và quí như ngươi đã có.

Ông già nói đến đây thì ông Lê cảm thấy bất mãn. Tuy tuổi đã quá già, giỏi khiêm nhượng, ông Lê biết khó lòng mà nhịn nổi nếu ông già tiếp tục nói những lời lẽ hách dịch như vậy.

Biết ông Lê nghĩ gì, ông già mỉm cười:

- Ta vốn cổ hủ và sinh sống nơi hoang dã. Cách ta nói không êm tai ngươi. Nhưng ngươi nhớ rằng, lời êm ái thì không thật, lời thật thì không êm ái. Người cho ngươi đường mật chưa hẳn là kẻ tốt. Người cho ngươi đắng cay chưa hẳn là kẻ xấu.

Ở tuổi chín mươi, ông Lê không còn lạ gì những lời dạy đó. Ông gượng cười, chưa biết phải trả lời ra sao thì ông già nói tiếp:

- Ta biết ngươi thọ được chút ít tuổi. Con người ở đời sống đến tuổi như ngươi cũng hiếm, nhưng chẳng gọi là thọ được.

Ông Lê nghe ông già nói những điều xưa cũ, cảm thấy nản, bèn dã lã nói:

- Nếu cụ đến đây chỉ để nói những điều như vậy thì tôi xin cám ơn.

Ông già vui vẻ nói:

- Ngươi không cần nói những điều như vậy. Con người đã dạy ngươi những điều không thật, đến tuổi này ngươi không sửa được cũng không phải lỗi tại ngươi. Nếu ngươi không muốn tiếp tục nói chuyện với ta thì cứ cho biết, đừng bày đặt cám ơn để đuổi khéo ta.

Ông già vừa nói vừa cười cợt. Vẻ mặt ông ta thật vui tươi và hồn nhiên. Còn ông Lê, càng nói càng thêm bực, sắc mặt càng lúc càng sạm xuống.

Ông già biết như vậy nên tiếp tục nói:

- Chẳng qua ngươi tự cho ngươi là lớn nên có kẻ nhỏ. Ngươi tự cho ngươi là cao nên có kẻ thấp. Ngươi tự cho ngươi là già nên có kẻ trẻ. Người đời cũng đồng ý với ngươi như vậy. Ngươi đã quen nghe những lời kính cẩn và xưng tụng. Vì thế mà ngươi không chịu nổi những lời ta nói.

Nghe ông già nói đến đây, ông Lê có vẻ nao núng. Ông bắt đầu kính nể, không dám xem thường ông già nữa.

Ông già mỉm cười nói:

- Ngươi bắt đầu hoang mang cũng phải. Ta biết ngươi là người có thể học được nên ta mới tìm gặp ngươi.

Ông Lê bắt đầu lo sợ. Ông không hiểu tại sao ông già biết được từng ý nghĩ trong đầu ông. Ông suy nghĩ đến đâu thì ông già đọc được đến đó.

Ông Lê đang bần thần nghĩ ngợi thì ông già nói tiếp:

- Ngươi đừng ngạc nhiên, tại sao ta biết được ngươi đang nghĩ gì. Rất dễ, nếu ngươi nhắm mắt mà nghĩ ngợi thì ta không biết được. Nhưng ngươi mở mắt ra thì ta biết hết chuyện xảy ra trong đầu ngươi.

Ông Lê cảm thấy lo sợ và bắt đầu lạnh dần từ ngoài đầu ngón chân và tay.

Ông già bật cười:

- Ngươi sợ lắm phải không?

Ông già càng nói thì ông Lê càng sợ thêm. Hai bàn tay và đầu gối của ông Lê run lẩy bẩy. Càng sợ, ông Lê càng bực bội. Cả đời ông Lê chưa hề sợ ai. Trước kia, ông đã diện kiến hoàng đế, ông chẳng sợ hãi chút nào. Không đồng ý với vua điều gì, ông cứ thẳng thắn bàn luận. Nhưng ông Lê không biết tại sao, hôm nay, đứng trước mặt ông già có vẻ quê mùa này, ông lại sợ hãi một cách thậm tệ như vậy.

Ông già thản nhiên nói:

- Ngươi ngạc nhiên cũng phải, ngươi chưa từng biết sợ ai trên đời, kể cả kẻ được gọi là vuạ Nhưng hôm nay, ngươi lại sợ.

Ông Lê nắm chặt hai bàn tay, cố gìm chân, đứng cho vững. Ông cảm thấy giá lạnh toàn thân.

Ông già ôn tồn nói:

- Ngươi cố giữ tâm cho ổn, tinh thần cho vững. Nếu ngươi biết ta là ai, có lẽ ngươi không sợ ta đâu. Tại vì ngươi là con người. Loài người đã không chịu nghe lời ta, cố đem mưu trí và tinh xảo thay cho hồn nhiên và đơn giản, cố giữ kín tâm địa nhỏ nhen của mình, vì thế khi bị người khác biết được, mới cảm thấy sơ hãi như vậy.

Nghe ông già nói tới đây, đột nhiên, ông Lê cảm thấy tỉnh táo ông không còn sợ Ông già như lúc ban đầu nữa. Trái lại, ông Lê cảm thấy hoang mang, tâm hồn tựa như phiêu bồng vào khoảng không vô tận. Hai chân ông Lê không còn run nữa nhưng hai đầu gối như muốn gập lại. Hai bàn tay ông đang nắm chặt, như muốn đưa lên ngực.

Ông già thong thả nói - Ngươi lại học thói xấu của người đời rồi, chuyện vái lạy là điều không nên làm. Sự thần phục sẽ làm mờ tâm trí ngươi. Lòng thương yêu sẽ làm suy kiệt trí phán đoán của ngươi.

Ông Lê gật đầu. lắp bắp nói:

- Xin mời cụ vào trong.

Ông già gật đầu, thản nhiên bước tới.

Ông Lê còn đang bàng hoàng thì ông già đã bước qua cửa cổng. Rõ ràng, ông Lê đứng phía trong, gần cửa sắt, còn ông già đứng bên ngoài. Ông Lê đứng áng gần hết cửa cổng. Muốn vào trong, ông già không thể làm gì khác được nếu không đẩy ông Lê qua một bên. Thế mà một bên vai của ông già đã lướt qua người ông Lê mà ông không hề cảm thấy một sự đựng chạm nào.

Ông Lê bước vội theo, nói vói:

- Xin mời cụ vào nhà.

Ông già đi nhanh qua sân, bước lên thềm. Ông ta đi nhanh quá tựa như baỵ Ông Lê cố sức chạy theo, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Mời cụ.

Ông Lê vừa giơ tay mời thì ông già đã đi khuất vào trong nhà.

Bên trong nhà tối lờ mờ, ánh sáng ban mai từ ngoài sân, hắt qua hàng hiên không đủ soi sáng bên trong.

Phần trước nhà của ông Lê là phòng khách. Giữa phòng có kê bộ trường kỷ bằng gỗ trắc bóng ngời. Chính giữa là cái bàn thấp vuông vắn chừng một thước. Bên phải, là cái ghế dài chừng hai thước, có tay gác. Bên trái và trước sau là ba cái ghế chiếc, cho một người ngồi, cách kiến trúc cũng giống y như vậy. Toàn bộ bàn ghế đều có khảm xa cừ óng ánh.

Trên bàn có để một bộ trà cũ kỹ, gồm một cái khay bằng gỗ mun, một bình có quai, một chén tống, và bốn chén chung. Bên cạnh có để thẩu chứa nước dự Tất cả các bình và chén đều làm bằng đất nung có tráng men xanh thật láng. Miệng bình và chén đều có viền một thứ kim loại vàng sậm.

Bên cạnh bàn và mấy cái ghế có để mấy cái đôn bằng đá cẩm thạch màu vỏ trứng gà. Trên nền đá ánh lên những vầng mây vừa hồng vừa xám.

Chung quanh, sát vách. có nhiều tủ gỗ đen có khảm xa cừ. Các bề mặt của tủ đều gắn kính. Bên trong tủ, chứa không biết bao nhiêu là bình, chén, tượng,... Có cái nhỏ xíu cỡ lóng tay có cái cao vừa một tấc, có cái cao đến hai hay ba tấc. Dưới đất, cạnh mấy cái tủ là những tượng người hình thù quái dị. Có cái nhỏ chừng vài tấc nhưng cũng có cái cao bằng người. Những bức tượng này làm bằng đá hoặc gỗ. Chúng đều có màu đen hay xám, ánh sáng từ ngoài chiếu vào lờ mờ, nên những bức tượng trở nên linh động và chập chờn ma quái.

Ông Lê có gắn hệ thống đèn chiếu trên trần để soi vào các thứ đồ cổ, nhưng không mấy khi ông bật chúng lên. Những dịp có khách quí viếng thám, ông mới bật đèn.

Phía cuối phòng có một khung cửa phủ rèm trúc. Bức rèm treo từ phía trên, rủ xuống tận dưới đất. Đó là khung cửa ngăn cách phòng khách với các phòng khác trong nhà ông Lê.

Ông già bước qua cửa rồi đứng im lặng. Trong tư thế bất động, ông già giống y như một bức tượng của ông Lê.

Thấy ông già đứng yên, ông Lê cũng dừng bước. Cả hai người đều đứng im như vậy một hồi lâu.

Ông già đảo mắt nhìn quanh.

Ông Lê bước tới định bật đèn lên nhưng ông già đã lên tiếng:

- Ngươi cứ để căn phòng tối như vậy.

Ông già nói như ra lệnh, hình như ông quên bẵng ông Lê là chủ nhà. Ông Lê biết vậy nhưng không xem chuyện đó là quan trọng. Ông gật đầu vâng lệnh ông già rồi đưa tay mời:

- Mời cụ ngồi, để tôi kêu thằng Củng pha trà.

Ông già khoác tay:

- Không cần, ta chỉ đứng đây, không ngồi và không uống trà.

Ông Lê khẩn khoản:

- Không mấy khi cụ đến thăm, xin ngồi một lát cho tôi hầu chuyện và học hỏi.

Ông già lẳng lặng nhìn mọi vật trong phòng làm như không nghe đến lời mời mọc của ông Lê. Một lát sau, ông già từ tốn hỏi:

- Tất cả đồ cổ của ngươi để hết ở đây phải không?

Ông Lê kính cẩn đáp:

- Thưa không, ở đây chỉ có phần thôi, số còn lại. tôi để trong kho.

Ông già lại hỏi:

- Những thứ được ngươi cho là quí nên ngươi trưng bày chúng ở đây cốt để khoe khoang và buôn bán chứ gì?

Ông Lê nghe ông già nói như vậy cảm thấy khó chịu, nhưng điều ấy đúng nên ông phải nói dã lã:

- Tôi trưng những món đồ cổ ưng ý ở đây để cùng người khác bàn luận hơn là buôn bán.

Ông già gật đầu, ôn tồn nói:

- Ta cũng nghĩ như vậy, ở tuổi ngươi, nếu so với người khác đã quá già và nhiều của cải. Ngươi có buôn bán cũng không thể đem xuống mồ mà xài được.

Ông Lê gật đầu:

- Thưa cụ phải.

- Đâu có ai chê đồ cổ của ngươi chưa?

- Trong những năm gần đây không có ai dám chê những món đồ cổ này. Không biết cụ có ý kiến gì không?

- Ý kiến của ta chỉ làm ngươi khó chịu mà thôi. Tất cả các thứ mà ngươi có chẳng phải cổ và không đáng quí.

Ông Lê bắt đầu quen cách nói thẳng thừng của ông già nhưng khi nghe những lời phũ phàng như vậy, ông không sao tránh khỏi buồn bực trong lòng. Nhưng đồng thời, ông Lê cũng cảm thấy có những điều lạ lùng nơi ông già kỳ quặc này. Do đó ông Lê kính cẩn hỏi:

- Xin cụ cho biết ý kiến được không?

Ông già gật đầu, nhưng không nói mà hỏi lại:

- Tại sao ngươi gọi các thứ đó là đồ cổ?

Ông Lê mỉm cười đáp:

- Những món xưa cũ được gọi là đồ cổ.

- Thế thì càng xưa thì càng cổ, có phải không?

Ông Lê gật đầu.

Ông già hỏi tiếp:

- Lý do nào ngươi cho đồ cổ là quí?

- Món đồ cổ vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa hiếm.

- Vậy thì, thứ nào do con người tạo ra vừa tinh xảo, vừa xưa, vừa hiếm là quí, có phải không?

- Có thể đúng như vậy.

Ông già lại gằn hỏi:

- Ngươi không dám chắc điều ngươi nói hay sao?

Ông Lê lắc đầu:

- Không phải như vậy, vì đồ cổ cũng là một bộ môn nghệ thuật. Tôi không dám đặt ra một qui luật bất di bất dịch nào.

Ông già gật gù nói:

- Ngươi nói vậy tạm được. Nhưng trong số những thứ của ngươi, chẳng có món nào đáng là cổ.

Nghe ông già nói đến đây, ông Lê giận đến tái mặt, nhưng ông cố giữ bình tĩnh, ấp úng hỏi:

- Cụ nói như vậy là sao?

Ông già điềm nhiên nói:

- Suốt đời ngươi chỉ quanh quẩn trong thứ nghệ thuật của con người. Ngươi không biết đến nghệ thuật của tạo hóa.

Ông Lê cúi đầu nói:

- Xin cụ nói tiếp.

- Những thứ mà ngươi có, người ta cho là cổ, chẳng qua là nhờ tác động của tạo hóa qua thời gian và không gian. Tạo hóa đã đóng dấu ấn vào món đồ của ngươi, cho nên nó được cho là cổ. Về tuổi tác, những thứ ngươi có đều quá trẻ.

Ông Lê không nhịn nổi nữa, liền hỏi:

- Chẳng hay cụ được bao nhiêu niên kỷ?

Ông già bật cười:

- Tốt, đến bây giờ ta mới thấy ngươi có chút thẳng thắn. Không có món nào gọi là cổ của ngươi mà già bằng ta.

Ông Lê nhìn ông già, hoài nghi hỏi lại:

- Cụ nói chắc hay không?

Ông già đưa mắt nhìn bức tượng Phật để trên đầu tủ, mỉm cười đáp:

- Người ấy vẫn trẻ hơn ta.

Ông Lê nhìn kỹ lại ông già rồi quay lại phía tượng Phật. Ông thể tin những lời ông già nói được.

Ông già quay lại nhìn ông Lê, thản nhiên nói:

- Ngươi có tin hay không mặc ngươi. Lần này ta đến đây cốt để tặng ngươi một món đồ cổ.

Ông Lê vui vẻ nói:

- Tôi cũng tặng lại cụ một món tương xứng.

Ông già lắc đầu:

- Ta không nhận.

Ông Lê cũng lắc đầu:

- Nếu cụ không nhận thì tôi cũng xin khước từ. Đã là người chơi đồ cổ, tôi không bao giờ nhận của ai vật gì mà không trả lại vật khác Ông già cười hiền hậu:

- Ta đã bảo, đối với ta, ngươi không có món gì quí cả. Do đó không có món gì của ngươi có thể trao đổi với vật quí của ta.

Ông Lê khẳng khái nói:

- Thế thì tôi càng không thể nhận quà tặng của cụ.

Ông già điềm nhiên nói:

- Ta không bao giờ ép buộc ai. Ngươi không nhận quà tặng, thì ta cho ngươi mượn.

Ông Lê một mực lắc đầu:

- Mượn không như vậy, không có thế chân, không lời, tức nhiên tôi cũng thọ Ơn cụ.

Ông già ngửa mặt lên trời:

- Quả nhiên, nhà ngươi đã ngụp lặn trong vũng đời quá nặng. Bây giờ ta không tặng ngươi gì cả. Món đồ này, ta mang theo đã nặng, đem về không tiện vì ta còn đi đến nơi khác nữa. Vậy ta nhờ ngươi giữ nó giùm ta vậy.

Ông Lê gật đầu:

- Nếu cụ tin tưởng tôi thì tôi xin nhận. Vậy để tôi lấy bút mực làm giấy cho cụ.

Ông già lắc đầu, than thở:

- Người đời bày đặt lễ nghi vì không giữ được đạo. Người đời bày đặt ra luật pháp vì đã sinh ra quá nhiều tội ác. Ngươi định lấy một tờ giấy với vài chữ viết để làm tin cho lời nói của ngươi. Làm như thế mà ngươi không biết nhục sao? Mảnh giấy với chữ viết có gì hơn ngươi đâu? Tại sao ngươi phải nhờ cậy đến chúng? Ngươi làm vậy, có phải vì người đời đã sinh ra phản trắc quá nhiều?

Ông Lê cúi đầu, chậm rãi nói:

- Xin cụ dạy bảo cho.

Ông già từ tốn nói:

- Đối với người có đức ta đem đức ra trả. Đối với người thành tín ta đem thành tín ra đối xử. Đối với người thất đức ta cũng đem đức ra trả. Đối với người bất tín ta cũng đem thành tín ra đối xử.

Ông Lê gật đầu, nói:

- Cụ nói đúng nhưng không áp dụng được cho người đời.

Ông già thản nhiên nói:

- Vấn đề không phải ở chỗ không áp dụng được, mà do ngươi không có can đảm xử dụng. Nếu ngươi không bị đau khổ và bệnh tật thì ngươi không thông cảm và không cứu được người đời. Ngươi đem đức ra đọ với oán của người đời, ngươi cảm thấy khổ sở lắm. Ngươi đem thành tín ra đối xử với sự bất tín của người đời, ngươi cảm thấy đau đớn lắm.

Ông Lê gục gặc đầu:

- Cụ nói đúng.

Ông già ôn tồn hỏi:

- Ngươi có biết vì sao ta đến gặp ngươi không?

Ông Lê lắc đầu:

- Tôi không biết.

Ông già mỉm cười nói:

- Ngươi là kẻ có lòng thương người. Ngươi biết kính trọng đạo và đức.

Ông Lê cúi đầu nói:

- Cám ơn cụ đã dạy bảo.

Ông già lắc đầu:

- Ta không dạy được ai cả. Ta chỉ gợi ý như thế, chính ngươi là người dạy cho ngươi.

Ông Lê càng suy nghĩ càng kính phục ông già. Trong lòng ông Lê đã muốn sụp lạy nhưng không đám hành động.

Thoạt nhiên, ông già nói liền:

- Ngươi nhớ, sự thần phục và thờ phượng làm mờ tâm trí, sự thương yêu làm suy mòn khả năng phán xét của con người. Bây giờ, ngươi còn gì để hỏi nữa không?

Ông Lê nhìn thẳng vào ông già, khẳng khái hỏi:

- Cụ là ai?

Ông già không đáp mà hỏi lại:

- Ta đã nói với ngươi khá nhiều mà ngươi vẫn chưa biết ta là ai sao?

Ông Lê lắc đầu. Bấy giờ, ông cảm thấy hoang mang và phiêu bồng, tựa như chân ông không còn chạm đất nữa và như, ông vừa đánh mất điểm tựa mà chín mươi năm qua ông đã bám víu.

Ông già thản nhiên nói:

- Ngươi suy nghĩ rồi sẽ hiểu. Bây giờ, ta gởi vật này, nhờ ngươi giữ hộ.

Ông già moi trong cái bọc vải ra một hòn đá cỡ bằng bàn tay nắm, trơn láng, phẳng phiu. Hòn đá màu xanh xám như đá hoa cương. Trên hòn đá có những lằn nứt nẻ, chia cắt mặt đá giống như một họa đồ. Giữa máu xám của đá, mấy lằn nứt có màu khác nhau. Có lằn màu đỏ huyết, có lằn màu đen lọ chảo, có lằn màu xanh biêng biếc da trời, có lằn màu nâu sậm, và có lằn màu xám bùn.

Ông Lê ngắm hòn đá trên bàn tay ông già. Hòn đá tròn, bằng một trái cam lớn, trông thật đẹp.

Thấy ông Lê chăm chú nhìn, ông già đưa hòn đá lên cao.

Ông Lê bước lại gần quan sát. Ông chợt nhận ra một điều lạ.

Ông già đưa bàn tay lên xuống, nghiêng qua lại nhưng hòn đá không rơi ra theo sức hút trọng lực.

Ông già mỉm cười:

- Ngươi cứ cầm lấy hòn đá này. Ta nhờ ngươi giữ nó giùm ta mà.

Ông Lê gật đầu, cầm hòn đá lên. Hòn đá lạnh buốt và nặng chình chích. Ông Lê ngạc nhiên quá. Hòn đá quá nặng, tỉ trọng còn hơn cả chì. Suốt đời, đến chín mươi tuổi, ông Lê chưa hề thấy một loại đá nào kỳ hoặc như vậy. Ông Lê nắm chặc hòn đá trong hai bàn taỵ Lạ thay, khi hòn đá nằm trong tay ông Lê, nó bớt lạnh rồi từ từ ấm dần. Ông Lê biết rất rõ, không phải thân nhiệt ông truyền qua đá mà chính đá, tự nó phát nhiệt.

Thấy ông Lê nhìn hòn đá mà thẫn thờ, ông già từ tốn nói:

- Đây là một loại đá không có trên thế gian, loài người chưa tìm được nó. Một triệu năm trước, dung nham từ lòng trái đất phun lên, nguội lại thành một hòn núi. Hòn núi ấy qua một cơn địa chấn ghê gớm, bị vở tan và nghiền thành bụi, chỉ sót lại một khối đá thô nhám bằng cái nhà. Khối đá ấy bị gió. nước vùi dập và bào mòn. Bị bao cơn địa chấn dày vò, lửa thiêu đốt, và bị chôn vùi theo cây cỏ, cuối cùng, trở thành hòn đá này.

Ông Lê im lặng lắng nghe. Hơi ấm từ hòn đá tỏa dần khắp người ông Lê, khiến ông cảm thấy thứ thái dễ chịu. Ông Lê đứng như thế rất lâu, chợt nhớ ra ông già đang chờ đợi, ông bèn hỏi:

- Chừng nào cụ trở lại lấy hòn đá này?

Ông già điềm đạm nói:

- Ta không trở lại nữa.

Ông Lê ngạc nhiên hỏi tiếp:

- Như vậy, làm sao tôi trả lại hòn đá này cho cụ?

Ông già gục gặc đầu:

- Ta không trở lại vì ngươi sẽ tìm đến ta để trả hòn đá.

Ông Lê trố mắt hỏi:

- Tôi không hiểu cụ nói gì?

Ông già quay lưng bước trở ra ngoài. Ông nói vói lại:

- Đến lúc đó, ngươi sẽ hiểu.

Ông Lê lật đật bước theo nhưng ông già đi nhanh quá, tựa như baỵ Thoắt một cái, ông già đã ra tới giữa sân.

Đột nhiên, trên trời sa xuống một tiểu đồng và một con trâu. Ông già liền bước lên lưng trâu. Cả ba vụt bay lên trời, mất hút trong mây.

Ông Lê đứng bàng hoàng trên thềm. Theo gió, từ trên trời, bỗng nhiên có tiếng trâu rống rền rền vọng lại.

- Cụ lớn, cụ lớn,...

Tiếng thằng Củng gọi giật giọng. Nó vừa gọi vừa lay chân tay ông Lê.

Một hồi lâu, ông Lê cựa mình tỉnh dậy. Trước mặt ông Lê có một khuôn mặt mờ nhạt. Ông nhận ra mặt thằng Củng, đứa tớ trai từng săn sóc ông bấy lâu nay.

Mọi khi ông Lê không bao giờ để ý đến thằng Củng. Ông chỉ biết, thời gian qua, thằng Củng lớn lắm. Kể từ ngày ông nhặt được nó trước cửa cổng, đã mười lăm năm rồi còn gì. Hàng ngày, nó phụ giúp mọi việc lặt vặt trong nhà, lau chùi bàn ghế, nấu nước cho ông pha trà.

Hôm nay, ông Lê mới có dịp nhìn mặt thằng Củng. Ông không ngờ nó xấu xí đến như vậy. Khuôn mặt nó đã ốm lại dài, tóc rối bù. Con mắt bên trái bị hư, hình như chỉ có tròng trắng mà không có tròng đen. Con mắt bên phải lem nhem, mở ra ti hí. Ông nhớ lại năm xưa, thằng Củng bị ai bỏ ngoài cổng nhà ông, nó bị kiến bu hai mắt, có lẽ, vì thế mà nó bị mù mắt bên trái. Miệng nó không lớn nhưng ngậm lại không khít vì môi trên bị sứt, để hở ra cái nước đỏ hỏn và mấy cái răng xiêu vẹo, cáu bẩn. Lưỡi nó to nên giọng nói như bị ngọng.

Mặt thằng Củng đã xấu mà thân hình nó cũng tệ hại, cả hai hợp lại thành một tổng thể có khả năng gây thương tổn cảm quan người đối diện thật nặng nề. Lưng có vừa còng vừa vẹo qua một bên. Nhìn thằng Củng, ông Lê mới nhớ lại cái giỏ mây năm xưa. Không biết ai đã bó nó quá chặc rồi nhét nó trong giỏ, vì thế mà xương sống nó bị tật. Hai chân thằng Củng lại không đều. Chân phải nó nhỏ hơn chân trái, do đó nó đi khập khiễng.

Khi ông Lê nhặt nó, chẳng biết vì sao ông đặt tên cho nó là Củng. Cái tên không mang một ý nghĩa nào. Ông tự nghĩ, nó xấu xí thì có cái tên như vậy cũng được.

Nhìn thằng Củng một hồi, ông Lê chợt nhớ đến ông già, liền thảng thốt hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Thằng Củng mừng rỡ, la lên:

- Cụ lớn tỉnh rồi, cụ lớn tỉnh rồi.

Ông Lê ngồi dậy, nạt:

- Mày làm gì mà ồn ào vậy!

Thằng Củng lại la:

- Cụ lớn tỉnh rồi.

Ông Lê nạt tiếp:

- Mày có im hay không!

- Dạ?

Ông Lê nhìn quanh. Lúc đó ông mới biết ông đang ngủ gục trên chiếc ghế trường kỷ. Còn thằng Củng đứng lom khom một bên.

Ông Lê nhìn lại thằng Củng. Mặt nó hớn hở, con mắt bên phải đong đầy nước mắt. Ông cảm thấy tội nghiệp cho nó, liền hạ thấp giọng:

- Tao đang ngủ mà.

Thằng Củng ấp úng nói:

- Con tưởng cụ lớn... chết rồi.

Ông Lê liền nạt:

- Tao chết hồi nào.

Thằng Củng cố nói:

- Lúc nãy kìa, con tưởng cụ lớn chết. Cụ lớn nằm im, không nhúc nhích.

Ông Lê chợt nhớ đến giấc mơ vừa qua, ông vội hỏi:

- Mày thấy chuyện gì?

Thằng Củng nhanh nhầu đáp:

- Sáng nay, con nấu nước sôi rồi đi cho cụ lớn biết để pha trà. Con không thấy cụ lớn ngoài sân. Con đi tìm khắp nhà mà không thấy cụ lớn. Đến lúc con lên nhà trên, thấy cụ lớn nằm xuôi xị, mặt tái xanh, hết thở. Trên tay cụ lớn cầm... cục đá này.

Thằng Củng vừa nói vừa chỉ xuống bàn tay ông Lê. Nhìn lại, ông Lê kinh hãi, la lớn:

- Hòn đá này ở đâu vậy?

Thằng Củng hoảng sợ, sụp lạy:

- Cụ lớn bớt giận.

Ông Lê vừa sợ vừa bực, hổn hển hỏi:

- Trả lời mau, hòn đá này ở đâu đến?

Thằng Củng quì móp trên nền gạch, lải nhải nói:

- Xin cụ lớn tha tội, xin cụ lớn tha tội.

Ông Lê càng bực bội thêm, quát lớn:

- Tao hỏi, hòn đá này ở đâu đến?

Thằng Củng quá sợ, vừa khóc vừa van xin:

- Con biết tội rồi. Con biết tội rồi. Cụ lớn bớt giận.

Ông Lê thấy thằng Củng khóc thê thảm quá, nghĩ lại, ông mới biết chính ông đã mất bình tĩnh làm cho thằng Củng hoảng sợ. Từ xưa cho tới bây giờ, ông Lê chưa hề có thái độ giận dữ và lớn tiếng. Hôm nay, ông quát mắng như vậy, bảo sao tháng Củng không sợ điếng hồn.

Ông Lê cố giữ bình tĩnh, dịu giọng, vỗ về:

- Này, cụ lớn không la mày nữa. Nói mau, hòn đá này ở đâu?

Thằng Củng bớt sợ, ấp úng đáp:

- Hôm qua trời mưa lớn. Con ra sau vườn thấy nước chảy trôi hết mấy luống đất. Con cuốc đất lại, thấy cục đá này lòi lên. Con thấy đẹp, nên đem nó vào, giấu sau cánh cửa, định khoe với cụ lớn.

Ông Lê vẫn nghi ngờ trí não của thằng Củng, ông gằn hỏi:

- Mày có chắc là cục đá này hay không?

Thằng Củng ngước đầu lên, quả quyết nói:

- Đúng nó mà, cụ lớn. Con rửa nó cho sạch sẽ rồi cất nó sau cánh cửa. Mà...

Thằng Củng ngập ngừng không dám nói tiếp.

Ông Lê thúc giục:

- Mày nói gì thì nói lẹ lên.

Thằng Củng ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao cụ lớn biết con giấu cục đá này sau cánh cửa?

Ông Lê cũng không hiểu tại sao ông cầm hòn đá này và ngủ gục trên ghế, nhưng cố an ủi thằng Củng, ông nói:

- Tao thấy nó lăn ra ngoài cửa.

Thằng Củng vẫn quì dưới gạch, ấp úng nói:

- Con không biết mới đem nó vô nhà, nếu cụ lớn không thích, để con bỏ nó trở lại sau vườn.

Ông Lê lắc đầu:

- Hòn đá này đẹp lắm, cứ giữ nó lại. Mày đứng dậy đi.

Thằng Củng mừng rỡ, hớn hở hỏi:

- Nó đẹp bằng mấy thứ kia phải không? Cụ lớn.

Thằng Củng vừa hỏi vừa chỉ mấy món đồ cổ để trong tủ kính.

Ông Lê gật gù nói:

- Mày biết nó đẹp là được rồi, đừng hỏi nữa.

Thằng Củng lồm cồm ngồi dậy, hăng hái nói:

- Để con lấy nước sôi cho cụ lớn.

Ông Lê gật đầu:

- Ờ!

Bên ngoài trời sáng tỏ. Mặt trời lên cao gần đứng bóng. Bên trong nhà ông Lê vẫn tối lờ mờ. Ánh sáng chỉ lan qua khoảng thềm không soi rõ được bên trong Thằng Củng đi khập khiễng, khuất dần qua khung cửa. Bóng tối phía trong nuốt mất thằng Củng.

Ông Lê lặng lẽ nhìn hòn đá nằm yên trong bàn tay ông.

Suốt hai năm cuối đời, ông Lê không sưu tầm thêm món đồ cổ nào nữa. Ông cũng không tiếp xúc với mọi người. Chỉ còn một người quanh quẩn và săn sóc cho ông là thằng Củng Ngày qua, thằng Củng không hiểu tại sao ông Lê cứ ngồi trầm ngâm nhìn hòn đá. Ông không còn tha thiết với biết bao món đồ cổ mà cả đời ông đã gom góp.

Một buổi chiều mùa đông giá lạnh, mưa nhỏ hạt nhưng gió rít từng cơn, thằng Củng thấy ông Lê nằm dài trên ghế tràng kỷ, để hòn đá trên bụng. Ông nằm bất động và không thở nữa.

Thằng Củng yên lặng nhìn ông. Con mắt phải còn lại của nó đỏ chạch. Nó khóc không thành tiếng.

Theo di chúc, ông Lê đã hiến toàn bộ tài sản đồ cổ cho nhà nước, còn ngôi nhà để lại cho thằng Củng. Nhưng chính quyền quản thu tất cả, luôn cả ngôi nhà.

Ngày đám tang của ông Lê có rất nhiều đến dự. Tất cả những người quyền thế, giàu có, và tiếng tăm đều có mặt. Chính quyền tổ chức tang lễ cho ông Lê rất lớn. Giàn đạo tỳ thật đông, có nhiều kinh nghiệm trong nghề.

Đến lúc người ta làm lễ động quan, mang hòm ông Lê ra nghĩa địa. Giàn đạo tỳ đến tám người đàn ông lực lưỡng mà không nhấc nổi cái hòm của ông Lệ Họ hì hục từ sáng đến trưa, tìm đủ mọi cách vẫn không làm sao nâng được cái hòm lên. Người ta đốt nhang đèn, cầu khẩn, van vái cũng không lay chuyển được cái hòm.

Trong khi mọi người đang hoang mang, không biết làm sao thì có một người xấu xí, khập khiễng len trong đám đông, đi vào. Người đó là thằng Củng. Mọi người đang ngạc nhiên, không biết thằng Củng làm gì. Từ mấy ngày nay, họ thấy nó lẩn quẩn trong nhà nhưng không ai để ý đến nó.

Thằng Củng đi lại gần, đặt một hòn đá lên nắp hòm. Lạ thay cái hòm nhẹ nhõm rời khỏi mặt đất và những người đạo tỳ không cần phải dùng sức nữa.

Lúc đó từ trên không, bỗng nhiên, thằng Củng nghe tiếng trâu rống vọng về, trầm trầm và thống thiết.

Tang lễ xong, chính phủ quản thu hết tài sản và niêm phong ngôi nhà của ông Lê.

Từ đó, không còn ai thấy thằng Củng nữa.

Thằng Cũng đến với cuộc đời, không ai biết. Nó ra khỏi cuộc đời cũng không ai biết.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-6)


<