Vay nóng Tinvay

Truyện:Song Long Đại Đường - Hồi 250

Song Long Đại Đường
Trọn bộ 800 hồi
Hồi 250: Trở Lại Dương Châu
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-800)

Siêu sale Lazada

Thuyền đã cập bến Dương Châu.

Từ Tử Lăng đứng ở mạn thuyền bên tả ngắm nhìn thương cảng lớn gần bờ biển này trong màn sương sớm mờ mờ, cảm giác trong lòng giống như một kẻ lãng tử sau khi đi qua thiên sơn vạn thủy và trải qua trùng trùng kiếp nạn, cuối cùng cũng đã trở về được quê hương nơi khởi đầu của hành trình lưu lãng.

Điều kỳ quái là lần trước về Dương Châu gặp hôn quân Tùy Dạng Đế, gã hoàn toàn không có cảm nhận này.

Chính là đoạn đường oan nghiệt ấy đã khiến Tố Tố đưa ra lựa chọn sai lầm nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của nàng.

Lòng Từ Tử Lăng như quặn thắt lại.

Hạnh Dung đứng bên cạnh gã thở dài than: "Dương nhất Ích nhị, nếu như luận về buôn bán mậu dịch, thủy chung vẫn là Dương Châu của bọn ta đứng đầu toàn quốc, nếu không thì Trúc Hoa Bang của bọn ta cũng đừng hòng trở thành một đại bang ở phương Nam như ngày nay. Vì thế sau mấy lần dời đi chuyển lại, cuối cùng vẫn đặt tổng đà ở đây. Thiệu Lệnh Châu lấy lòng Lý Tử Thông như vậy, tự nhiên cũng phải có tiền nhân hậu quả chứ".

"Dương" là chỉ Dương Châu, còn "Ích" là Ích Châu, cũng tức là Tứ Xuyên Ba Thục.

Dương Châu Giang Đô cũng như Lạc Dương ở Trung Nguyên, là đầu mối giao thông thủy lục nối liền các nơi, đặc biệt là về đường thủy, đây là nơi giao hội của Vận Hà và Trường Giang, lại nằm ở nơi Trường Giang đổ ra biển, vị trí ưu việt thế nào thiết tưởng không cần phải nói cũng biết. Còn về đường bộ, thì Dương Châu phía đông giáp với Sơn Đông, phía tây tới Tứ Xuyên, phía nam kéo dài tới tận Hồ Quảng. Tổng hợp mọi yếu tố lại, khiến cho Dương Châu trở thành đầu mối giao thông đường biển, đường sông và đường bộ, và là trung tâm chuyển vận của cả thiên hạ. Từ đời Tùy, đã có một lượng lớn gạo muối, tơ lụa vải vóc đi qua nơi này để cung ứng cho Trung Nguyên và vùng Hà Bắc, Thiểm Tây, hơn nữa bản thân Dương Châu đã là thành lớn số một số hai trong toàn quốc, các loại hàng hóa chủ yếu có trân châu bảo ngọc, muối, gỗ, vải vóc lụa là, đồ đồng và nhiều thứ khác nữa.

Năm xưa sau khi phản binh do Vũ Văn Hóa Cập cầm đầu giết chết Tùy Dạng Đế, quân Giang Hoài của Vũ Văn Hóa Cập đến chậm một bước, để cho Lý Tử Thông đoạt lấy được thành lớn quan trọng ở phương Nam này, quả thật là đã đi sai một nước cờ.

Không ai có năng lực phong tỏa hoàn toàn hoặc trong thời gian dài một dòng sông lớn quy tập mọi dòng chảy trong thiên hạ như là Trường Giang, thế nên muốn vây khốn Dương Châu quả thật không phải chuyện dễ dàng gì. Đỗ Phục Uy chịu hợp tác với Trầm Pháp Hưng, tất cả đều vì muốn mượn lực lượng thủy sư dày dạn kinh nghiệm thủy chiến của họ Trầm, mà đội thủy sư này, lại chủ yếu là lấy thuyền đội hùng mạnh của Hải Sa Bang làm thành phần cốt cán.

Bang chủ của Hải Sa Bang vốn là Long Vương Hàn Cái THiên, nhưng sau trận tập kích đại bản doanh của Song Long Bang, họ Hàn đã bị Từ Tử Lăng đả thương, đến giờ vẫn chưa thể hồi phục, cuối cùng đành nhường lại ngôi vị cho Mỹ Nhân Ngư Du Thu Nhạn, để Bàng Thích Khách Long Qúy và Sấm Tướng Lăng Chí Cao làm tả hữu phó bang chủ, chỉnh đốn lại mọi sự vụ trong bang, gần đây đã có dấu hiệu phục hưng trở lại.

Giang Đô Dương Châu do Nha Thành và La Thành hợp lại, thành trì nối liền Thục Cương thượng hạ.

Nha Thành là nơi xây dựng hoàng cung, cả tổng quản phủ và các phủ quan khác cũng tập trung cả ở đây, gần giống như Hoàng Thành ở Đông Đô Lạc Dương vậy. Thành nằm phía trên Thục Cương, dễ thủ khó công. Năm đó nếu không phải Vũ Văn Hóa Cập tạo phản từ bên trong, thì Tùy Dạng Đế Dương Quảng có Độc Cô phiệt toàn lực bảo hộ cũng không dễ dàng bị giết chết đến vậy.

Bên dưới Nha Thành là La Thành, nơi tập trung dân cư và thương nghiệp, ở trong thành trì hình chữ nhật này, cư tụ gần hai mươi vạn người, là thành đông dân nhất ở phương Nam.

Nhai thùy thiên bộ liễu, hà ánh lưỡng trùng thành!

La Thành từ nam chí bắc dài mười một dặm, từ đông sang tây cũng tới bảy dặm, chu vi bốn mươi dặm. Chính tại tòa thành có phương viên chừng hơn tám chục dặm này, Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đã trải qua một tuổi thơ phấn đấu đầy gian nan vất vả, nhưng cũng vô cùng hoan lạc, giờ đây trở lại đất cũ, nhưng người vật đều đã thay đổi, trong lòng gã cũng không khỏi bồi hồi cảm xúc.

Quế Tích Lương đứng cạnh thấy nhãn thần Từ Tử Lăng thoáng hiện thần sắc kỳ dị, còn tưởng rằng gã đang thấy kỳ quái vì không thấy binh mã vây thành, liền lên tiếng giải thích: "Hơn năm nay cứ không ngừng đánh đánh dừng dừng mãi đó. Giang Đô ba mặt là sông biển, bến thuyền lại vừa rộng vừa sâu, muốn vây thành đâu phải dễ? Hơn nữa Lý Tử Thông còn bố trí trọng binh ở Chung Ly thành, liên tục tập kích địch nhân vây thành bằng đường thủy, vì thế Đỗ Phục Uy và Trầm Luân sau mỗi lần luân phiên công thành đều rút quân về chấn chỉnh đội ngũ, cho binh sĩ nghỉ ngơi hầu khôi phục nguyên khí, nếu không phải vậy thì Lý Tử Thông làm sao mà cầm cự đến được ngày hôm nay chứ?".

Từ Tử Lăng cũng thầm bội phục Khấu Trọng, Đỗ Phục Uy và Trầm Luân không chịu liên thủ công thành chính là vì hai bên đều nghi kỵ lẫn nhau, còn Khấu Trọng thì đã nắm được mâu thuẫn quan trọng này, từ đó ung dung định ra kế ly gián. Có điều gã không biết người đầu tiên nghĩ đến điều này là Hư Hành Chi chứ không phải Khấu Trọng.

Bến thuyền ngoài thành tuy không bì được cảnh tượng ngàn cánh buồm cùng sắp hàng của thuở trước, nhưng cũng có hơn trăm con thuyền lớn nhỏ, cơ hồ như muốn nhân khoảng thời gian ngắn ngủi còn hòa bình này tranh thủ mua bán.

Thuyền của bọn Từ Tử Lăng chầm chậm cập bờ, Lạc Phụng và hơn mười bang chúng khác đã chờ sẵn, ngoài ra còn có thêm mấy thủ hạ của Lý Tử Thông cũng tới đón tiếp. Chỉ nhìn kiểu đón tiếp này đã biết Lý Tử Thông và Thiệu Lệnh Châu chẳng hề coi trọng Quế Tích Lương chút nào.

Từ Tử Lăng lùi lại phía sau, tránh để người khác chú ý.

Lạc Kỳ Phi dịch người lại bên cạnh gã thấp giọng nói: "Xem ra có chút phiền phức rồi".

Từ Tử Lăng gật đầu: "Đành phải tùy cơ ứng biến thôi".

Cuối cùng thuyền buồm cũng đã ghé sát bờ, Lạc Phụng bước lên thuyền đầu tiên, ngữ khí nghe chừng có vẻ bất tắc dĩ: "Đại vương có lệnh, tất cả các thuyền đến Giang Đô đều phải kiểm tra người và hàng hoá, sau khi xác định không có gì sai sót thì mới được vào thành".

Quế Tích Lương biến sắc nói: "Cả người của Trúc Hoa Bang chúng ta cũng không ngoại lệ hay sao? Lần này ta đi làm việc cho đại vương cơ mà?".

Lạc Phụng đưa tay nắm lấy hai vai gã thở dài: "Nhẫn nại đi! Mọi người đều biết bên trong là chuyện gì thì được rồi!".

Ánh mắt y dịch sang phía bọn mười bảy người Từ Tử Lăng, rồi hỏi: "Những vị quý khách này có phải là huynh đệ trong Thiếu Soái quân hay không?".

Từ Tử Lăng giả bộ khàn khàn giọng, ôm quyền nói: "Tiểu đệ Sơn Đông Phong Đao Lăng Phong, tham kiến Lạc đường chủ, lần này phụng mệnh Thiếu Soái đến đây nghe theo sự sai khiến của Quế đường chủ".

Lạc Phụng đương nhiên chưa từng nghe qua ở Sơn Đông có một nhân vật nào như vậy, trong lòng thầm thắc mắc, nhưng bề ngoài vẫn giả bộ như hâm mộ đại danh đã lâu, sau đó lại nói: "Chuyện kiểm tra người và hàng hóa cũng là hợp tình hợp lý, có lẽ không phải là cố ý làm khó gì, mong Lăng huynh bỏ quá, nếu không chúng ta cũng khó mà hợp tác với nhau được".

Nói đoạn liền quay sang đám binh tướng thủ hạ của họ Lý trên bờ vẫy tay ra hiệu cho bọn chúng lên xét thuyền.

Từ Tử Lăng thầm thở dài, biết rằng phiền phức mới chỉ bắt đầu.

o0o Trở về Dương Châu, giống như quay trở lại một giấc mộng xa xăm nhưng mãi mãi không thể nào quên được.

Bất luận là thành nội hay thành ngoại, khắp nơi đều có thể thấy những dấu vết kinh hoàng của chiến tranh, tường thành sụp đổ tàn phá, các loại vũ khí công thành cháy đen vứt chỏng vứt chơ, xác thuyền nổi lềnh phềnh, vết máu đã thâm đen trên đường...

Nhưng người ta dường như đã quen với những cảnh tượng như vậy, ngoại trừ những dân công phụ trách tu bổ tường thành, những người khác đều vẫn sinh hoạt như thường.

Do thiếu chiến mã, nên chúng nhân đều phải đi bộ vào thành, chậm rãi bước đi trong khung cảnh tiêu điều.

Tổng đà Trúc Hoa Bang đặt ở nơi cũ, nằm sát bên dưới Thục Cương, nhưng kiến trúc thì đã hoàn toàn đổi khác, quy mô hùng vĩ hơn trước gấp bội, bao gồm bảy toà kiến trúc nối liền nhau bằng các hành lang và cửa ngách, trong đó có bốn toà là tứ đường Phong, Tinh, Vũ, Lộ.

Trước khi đến tổng đà, Lạc Phụng và Quế Tích Lương đi trước dẫn đầu, không ngừng thấp giọng trò chuyện. Từ Tử Lăng và Hạnh Dung thì đi gần sau cùng, khi đi qua con phố hoa nổi tiếng nhất Dương Châu, phố Liễu Hạng, Hạnh Dung liền ghé miệng sát tai Từ Tử Lăng thì thầm: "Ngọc Linh phu nhân mới mở lại Thiên Hương Lầu, bây giờ đã trở thành thanh lâu nổi tiếng nhất Dương Châu này rồi, ở đó có Thiên Hương Song Tuyệt là hai tài nữ nổi tiếng nhất ở phương Nam, những người tầm thường muốn gặp họ một lần cũng khó nữa. Đêm nay để ta dẫn ngươi đi kiến thức một phen!".

Phía Tây phố Liễu Hạng là con sông chảy ngang thành theo chiều Nam Bắc, có hai cầu lớn bắc ngang là cầu Như Ý và cầu Tiểu Hồng, hai bên bờ phong cảnh diễm lệ, liễu rủ sát mặt nước, cỏ hoa mơn mởn.

Xa thêm chút nữa mà một con sông lớn khác, Vấn Hà. Dọc theo Vấn Hà đi về phía Đông chính là phố Đại Nam Môn, là con đường hưng vượng nhất, tập trung nhiều thương điếm nhất ở Dương Châu.

Từ Tử Lăng lúc này tràn đầy cảm giác tức cảnh sinh tình, nào có hứng thú nghĩ đến chuyện đi tới thanh lâu, nhưng không hiểu sao trong lòng cũng dâng lên một cảm giác dị dạng, nghĩ lại năm xưa gã và Khấu Trọng chỉ có thể lén lút ngắm nhìn các vị cô nương trong Thiên Hương Lâu, bây giờ thì có thể đường đường vào đó làm đại gia hào phóng, tình cảnh thật khác xa một trời một vực. Thời gian trôi đi, hai gã đều đã trưởng thành hết cả rồi.

Đối với Khấu Trọng và Từ Tử Lăng thuở thiếu thời, Dương Châu thành là một nơi cực kỳ tốt để lẩn trốn và bỏ chạy.

Trước khi Dương Quảng phát triển Dương Châu thành Giang Đô, nhà cửa trong khu thành nội đa phần đều là xây dựng tự phát, thế nên bố cục chẳng hề theo một quy tắc nào, phố nghiêng, phố dọc, đường đi ngoắt nghoéo như mê cung, ngoại trừ mấy con phố chính ra, nơi này chẳng khác nào cửu cung bát quái mê hồn trận, đâu đâu cũng thấy lối rẽ, đây có lẽ cũng chính là một điểm đặc sắc rất riêng biệt của tòa thành lớn bên bờ Trường Giang này.

Năm xưa hai gã thích nhất là đến phố Đại Nam Môn, ngoài ra còn có phố Đoạn Tử cắt ngang với phố Đại Nam Môn, nơi này là nơi tập trung tất cả các tiệm bán tơ, lụa, đoạn, gấm, vóc ở Dương Châu, ngoài ra còn có cả tiệm may và tiệm đồ trang sức, vì vậy các nhà giàu thường rất hay lui tới. Đối với Khấu Trọng và Từ Tử Lăng lúc đó mà nói, con phố này chính là nơi tập trung nhiều dê béo nhất.

Hạnh Dung thấy Từ Tử Lăng không nói gì, còn tưởng rằng gã đã đồng ý tối nay đi thanh lâu với mình, bèn chuyển qua chủ để khác: "Lạc đường chủ đối với chúng ta xem như là tốt nhất rồi đó! Chỉ có mình y chịu lên tiếng nói giúp chúng ta một hai câu trước mặt mọi người thôi".

Từ Tử Lăng ngạc nhiên nói: "Còn Thẩm Bắc Xương thì sao?".

Hạnh Dung nhỏ giọng đáp: "Thẩm lão đầu rất âm trầm, không ai biết được lão đang nghĩ gì nữa, cả Thiệu Lệnh Châu dường như cũng phải rất e dè con người này".

Từ Tử Lăng chau mày nói: "Ngọc Linh phu nhân đối với Trúc Hoa Bang có sức ảnh hưởng gì không?".

Hạnh Dung gật đầu: "Đương nhiên là có! Ngọc Linh phu nhân luôn ủng hộ chúng ta, có điều xưa nay nàng ta chưa từng nhúng tay vào bang vụ, ở trong bang cũng không có thực quyền gì. Vì vậy ảnh hưởng của nàng chỉ là sự tôn trọng của các huynh đệ trong bang mà thôi, gặp phải chuyện gì trọng đại thì cũng không có tác dụng lớn lắm".

Lúc này cả đoàn hơn năm mươi người đã tiến vào sân viện, Thiệu Lệnh Châu và Thẩm Bắc Xương cùng nhau đi ra chặn Lạc Phụng và Quế Tích Lương lại. Bốn người liền đứng vây lại thành một vòng nhỏ nói chuyện, nhưng sự thực thì Quế Tích Lương chỉ biết cúi đầu cung kính trả lời những câu hỏi của họ Thẩm và họ Thiệu, đối thoại chân chính chỉ có Thiệu Lệnh Châu và Lạc Phụng.

Kế đó Lạc Phụng vẫy tay gọi Từ Tử Lăng ở phía sau lên, giới thiệu gã với Thẩm Bắc Xương và Thiệu Lệnh Châu, sau đó chỉ nghe Thiệu Lệnh Châu nhìn gã với ánh mắt hơi coi thường, cất giọng khệnh khạng hỏi: "Lăng huynh có thể đại biểu cho Thiếu Soái không?".

Từ Tử Lăng điềm đạm đáp: "Đương nhiên là được! Nếu không thì Thiếu Soái cũng không phải Lăng mỗ cùng Quế đường chủ về đây!".

Thiệu Lệnh Châu lộ thần sắc hoài nghi, hồi lâu sau mới gật đầu nói: "Được! Mời Lăng huynh lập tức cùng Thiệu mỗ đến tổng quản phủ gặp Đại Vương, người muốn nói chuyện với sứ giả của Thiếu Soái".

Rồi y lại quay sang nói với Quế Tích Lương và Lạc Phụng: "Hai vị đường chủ không cần đi theo, có lão phu và Thẩm lão là được rồi!".

Lúc Trần Trường Lâm cùng lão bằng hữu Hư Hành Chi vào thư trai gặp Khấu Trọng thì vị Thiếu Soái này đang ngồi nghiên cứu mật quyết Cơ Quan Học do Lỗ Diệu Tử để lại, hai hàng lông mày nhướng cao lên, xem chừng như rất tâm đắc. Thấy Trần Trường Lâm bước vào, gã lấy làm ngạc nhiên thốt lên: "Trường Lâm huynh có thể trở về nhanh như vậy sao?".

Sau khi hai người ngồi xuống, Trần Trường Lâm mới nói: "Thuyền nhẹ thuận dòng, đến Đông Hải không tốn qua nửa ngày, lúc trở về lại thuận gió, cũng chỉ mất một đêm với mấy canh giờ. Trường Lâm may mắn không phụ sự uỷ thác của Thiếu Soái, một ngàn Giang Nam tử đệ binh đêm nay sẽ đến Lương Đô, bọn họ đều đã được trang bị vũ khí đầy đủ".

Hư Hành Chi bổ sung thêm một câu: "Toàn bộ đều là do các lão tự hiệu ở Giang Nam rèn đúc, có muốn mạo xưng cũng không mạo xưng được".

Khấu Trọng gấp sách cất đi, hân hoan nói: "Như vậy thì càng tốt, lần này chúng ta chỉ cần ly gián địch nhân chứ không phải thực sự tấn công quân Giang Hoài của lão Đỗ, có cách gì có thể khiến lão Đỗ hiểu lầm và nổi cơn tam bành, mà quân chúng lại không bị tổn thất không nhỉ?".

Hư Hành Chi thong thả đáp: "Kế hoạch chi tiết cần phải đợi tin tức của Lạc Kỳ Phi mới có thể định ra được. Nhưng tốt nhất là có thể tổ chức ám sát một trong những ái tướng dưới cờ của Đỗ Phục Uy trong một tình thế nhất định nào đó, bất luận là thành công hay thất bại, cũng không lo không khơi gợi được họ Đỗ hoài nghi Trầm Luân, từ đó dẫn đến trở mặt động can qua cũng không phải là chuyện khó".

Trần Trường Lâm không hiểu hỏi: "Thế nào là tình thế nhất định?".

Hư Hành Chi liền giải thích: "Hiện giờ hai quân Đỗ, Trầm đang lần lượt tấn công Giang Đô Dương Châu, có thể tưởng tượng rằng bất luận là ai công thành, cũng đều dốc hết toàn lực, hi vọng có thể vào thành trước để húp bát canh đầu. Theo tin tức mới truyền về, lần trước là do Trầm quân công thành, hai bên công thủ đều tổn thất nặng nề, đợi đến lúc quân Giang Hoài công thành, khả năng phá được thành sẽ rất lớn, đây chính là tình thế mà chúng ta cần để tiến hành kế hoạch ly gián".

Khấu Trọng vỗ bàn thốt lên: "Kế này thật tuyệt, động cơ để tên tiểu tử Trầm Luân ấy phá hoại liên minh, chính là sợ quân Giang Hoài vào thành trước, thu hết thành quả thắng lợi".

Kế đó gã liền sai người gọi ngay Bốc Thiên Chí tới.

Hư Hành Chi nói: "Giờ đây vấn đề duy nhất cần giải quyết chính là làm sao có thể che được tai mắt của hai quân Đỗ, Trầm, thậm chí là cả Lý Tử Thông, bởi xuất động cả ngàn người một lúc thế này, hành sự muốn bảo mật thật vô cùng khó khăn".

Khấu Trọng cười cười: "Chuyện vốn không có khả năng, bây giờ lại biến thành rất có khả năng! Hà... cứu tinh của chúng ta đến rồi!".

Bốc Thiên Chí vội vàng chạy đến, sau khi nghe rõ mọi chuyện, bèn vỗ ngực tự tin nói: "Chuyện này cứ để Bốc mỗ lo liệu, ta và các long đầu đại ca ở các bến tàu ít nhiều cũng có chút giao tình, chỉ cần người của Trường Lâm giả làm thủ hạ của Bốc Thiên Chí này, chúng ta có thể lần lượt đưa họ tới một nơi bí mật nào đó gần Giang Đô, đợi thời cơ thích hợp sẽ hành động".

Hư Hành Chi mừng rỡ nói: "Vậy thì mọi chuyện đều đã xong, giờ chỉ đợi gió Đông của Kỳ Phi nữa thôi".

Khấu Trọng nói: "Chi bằng chúng ta đổi đối tượng thành thích thành bản thân lão Đỗ luôn đi, như vậy không phải một kim trúng thịt luôn hay sao? Dù sao thì căn bản chúng ta cũng không cần thành công, chỉ cần hư trương thanh thế, vứt lại mấy thứ cung tiễn binh khí của Giang Nam lão tự hiệu, dùng giọng Giang Nam hét lớn mấy tiếng là đại công cáo thành rồi".

Ba người còn lại đều gật đầu khen hay.

Trần Trường Lâm lại quan tâm đến một vấn đề khác: "Giả như Đỗ Phục Uy thật sự trúng kế phản kích Trầm Luân, vậy chúng ta phải lợi dụng chuyện này thế nào?".

Hư Hành Chi nói: "Thực lực của Đỗ Phục Uy vượt quá Trầm Luân, nhất định sẽ giáng cho Trầm Luân một đòn đả kích rất lớn, lúc ấy họ Trầm chỉ còn một con đường là theo Vận Hà trở lại Tỳ Lăng. Chúng ta có thể chặn đánh hắn trên Vận Hà, khiến cho hắn trở tay không kịp, toàn quân tan tác.

Khấu Trọng đưa mắt nhìn Bốc Thiên Chí hỏi: "Chuyện này có làm được không?".

Bốc Thiên Chí vui vẻ gật đầu: "Thủy đạo ở Giang Nam chúng ta nắm rõ như lòng bàn tay, có thể đảm bảo khi chiến thuyền của quân ta đột nhiên xuất hiện trên Vận hà, quân Giang Nam mới như kẻ vừa tỉnh mộng, không kịp ứng phó. Chỉ cần có thể cướp được soái thuyền của Trầm Luân thì Trường Lâm có thể đích thân báo thù được rồi".

Khấu Trọng cười lớn: "Chuyện không thể chậm trễ nữa, chúng ta lập tức tiến hành chuẩn bị mọi thứ, đến lúc đó ta sẽ cùng Trường Lâm huynh lên thuyền bái hội tiểu tử Trầm Luân, xem xem lão thiên gia có chịu chủ trì công đạo hay không".

Trần Trường Lâm cảm động run run giọng nói: "Kể từ ngày hôm nay, tính mạng của Trần Trường Lâm sẽ thuộc về thiếu soái".


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-800)


<