← Hồi 250 | Hồi 252 → |
Sau khi đến ngoại đường của phủ tổng quản, tên đội trưởng canh phòng bảo ba người ở ngoài đợi: "Đại vương đang tiếp khách, xin ba vị ở đây đợi trong giây lát".
Sau khi ngồi xuống, Từ Tử Lăng nhàn rỗi vô sự, bèn vận công vào song nhĩ, thử nghe xem bên trong nội đường Lý Tử Thông đang tiếp kiến ai, vừa hay nghe được một thanh âm của người ngoại quốc hết sức quen thuộc: "Trong vòng mười ngày chiến mã sẽ được chuyển tới Giang Đô để đại vương kịp chấn chỉnh lại đội kỵ binh, đổi lại ta chỉ cần cái đầu trên cổ Khấu Trọng thôi".
Thanh âm tuy rất nhỏ, nhưng về cơ bản gã vẫn nghe không sót một chữ nào.
Từ Tử Lăng giật mình đánh thót, nhận ra đó là giọng nói của Quật Ca.
Lý Tử Thông cười khan hai tiếng, đắc ý nói: "Chiến mã Khiết Đan lừng danh thiên hạ, đội kỵ binh của ta sẽ như hổ thêm cánh. Vương tử cứ yên tâm, năm trăm con chiến mã hạng ưu ấy ta tuyệt đối không nhận không đâu. Chỉ cần Khấu Trọng chịu dẫn quân nam hạ, đến lúc thích hợp, quả nhân sẽ mời vương tử đích thân suất lĩnh kỵ binh, phối hợp với quân đội của ta, giáng cho tên tiểu tặc ấy một đòn nặng nề, khiến hắn mãi mãi cũng không thể siêu sinh".
Một thanh âm sin sít khó nghe khác cất lên: "Hai tên tiểu tử Khấu Trọng và Từ Tử Lăng không được oai phong bao lâu nữa đâu! Hừ! Cừu gia của chúng đâu đâu cũng có, hôm qua Lương Vương đã cho người thông tri với huynh đệ chúng tôi, nghe nói đã phái ba đại cao thủ là Đại Lực Thần Bao Nhượng, Ác Khuyển Khuất Vô Cụ và Vong Mệnh Đồ Tô trác đến hiệp trợ chúng ta đối phó hai bọn chúng, đến lúc đó phối hợp với cao thủ dưới trướng của Ngô Vương, cho dù hai tên đó có ba đầu sáu tay, cũng khó mà thoát khỏi kiếp nạn này".
Lý Tử Thông cười cười: "Có Đại Giang Hội trượng nghĩa giúp đỡ, lo gì đại sự không thành chứ".
Từ Tử Lăng giờ mới biết giọng nói khó nghe đó nếu không phải là của Long Quân Bùi Nhạc thì cũng là của Hổ Quân Bùi Viêm, trong lòng không khỏi cảm thấy buồn cười, thầm nhủ nếu Lý Tử Thông mà biết gã có thể dùng linh nhĩ nghe trộm được cuộc đối thoại này, hẳn là sẽ hối hận lắm.
Lý Tử Thông lại nói: "Hiện giờ người của Khấu Trọng phái tới đang bên ngoài, đợt lát nữa ta tìm hiểu rõ về tình hình của hắn rồi sẽ thương nghị với các vị thêm. Tên tiểu tặc đó rất háo công, lúc nào cũng tưởng rằng mình không gì là không làm được, không coi ai ra gì, ta sẽ lợi dụng điểm này của hắn, cho nếm chút lợi lộc để dụ hắn sập bẫy".
Kế đó là tiếng bọn Quật Ca lục tục rời khỏi hậu đường.
Từ Tử Lăng thầm nhủ giờ đã đến lượt mình lên diễn đài diễn kịch rồi.
o0o Khấu Trọng kéo Trần Trường Lâm ra hoa viên phủ tổng quản tản bộ, thân thiết nói: "Tính mạng của Trường Lâm huynh là của huynh, không cần cho ta, càng không cần cho bất cứ người nào khác. Mọi người ở cùng nhau, quan trọng nhất chính là lý tưởng và lợi ích nhất trí, vậy thì ta có thể vì huynh mà chết, huynh cũng có thể vì ta mà mất mạng, nhưng phân ra thì vẫn là hai người khác nhau, một khi có chia rẽ, thì ai đi đường nấy, hà! Thế mới lý tưởng chứ!".
Trần Trường Lâm cười khổ: "Thiếu Soái và Vương Thế Sung tuyệt đối là hai loại người khác nhau, điều y muốn chỉ là sự trung thành mù quáng, bỏ qua hết mọi lợi ích cá nhân, chỉ lấy lợi ích của y làm trọng".
Khấu Trọng mỉm cười: "Đó là yêu cầu của tất cả đế vương trong lịch sử với thần tử của mình. Ta làm sao giống được! Đối với tiểu đệ, phân biệt trên dưới chỉ là để thuận tiện thôi, tốt nhất là mọi người có thể như huynh đệ cùng nhau phấn đấu vươn lên một mục tiêu vĩ đại, làm được một số chuyện tốt cho bách tính, khiêu chiến các thế lực xấu xa hà hiếp bóc lột nhân dân".
Trần Trường Lâm nói: "Cách nghĩ của Thiếu Soái vô cùng vĩ đại và đặc biệt, khiến người ta thật cảm động".
Khấu Trọng chợt dừng bước, chắp tay sau lưng chăm chú quan sát một cây hoa bên vệ đường, trầm ngâm hồi lâu rồi nói: "Hiện giờ Thiếu Soái quân của chúng ta đã sơ bộ hình thành, việc huấn luyện binh sĩ đã cóTuyên Vĩnh và Tiêu Hồng Tiến chủ trì, chính quyền quản trị thì giao cho Hư Hành Chi, trinh sát thông tin có Lạc Kỳ Phi phụ trách, tiền bạc lương thảo có Nhậm Mi Mi, thủy chiến có Bốc Thiên Chí, nếu như có Trường Lâm huynh giúp ta về việc buôn bán trên biển và đóng chiến thuyền thì Thiếu Soái quân đúng là như hổ thêm cánh".
Trần Trường Lâm tâm phục khẩu phục nói: "Thiếu Soái quả nhiên là người có con mắt nhìn xa trông rộng, không giống như Trầm Pháp Hưng, sau khi đắc thế thì chỉ lo củng cố quyền lực, vơ vét của bách tích, cướp đoạt tiền tài lương thảo, tầm nhìn đã thấp lại vô tri. Thiếu Soái yên tâm, Trường Lâm nhất định sẽ không phụ sự kỳ vọng của người!".
Khấu Trọng nói: "Có Trường Lâm huynh thì ta yên tâm rồi! Nhưng vấn đề lớn nhất của chúng ta chính là thời gian không nhiều, một khi để Lý tiểu tử bình định được Quan Tây, y sẽ xuất binh Đông hạ, vì vậy chúng ta phải tranh thủ trước ngày đó, xây dựng được một đội thủy sư hùng mạnh trợ giúp cho quân đội lấy kỵ binh làm chủ lực, chỉ thế mới có thể quyết chiến với quân Quan Trung nơi sa trường. Về việc đóng tàu, đóng bè Trường Lâm huynh có đề nghị gì không?".
Trần Trường Lâm gật đầu nói: "Trang bị của thủy chiến chủ yếu là chiến thuyền. Chiến thuyền có thể nói là hỗn hợp thể của thành quách, quân doanh, xa mã trên bộ. Chiến thuyền tốt khi chiến đấu thì phải dũng mãnh, khi thủ thì phải chắc, khi truy đuổi thì phải nhanh, khi xung phong thì phải kiên cố, có thể đạt được cả bốn điều dũng mãnh, chắc chắn, tốc độ và kiên cố thì mới có thể gọi là chiến thuyền được. Có điều trong thủy chiến, chiến thuyền rất dễ bị hư tổn, vì thế không chỉ cần số lượng, mà còn phải có thêm nhiều tính năng hoàn bị khác để ứng phó vói muôn ngàn biến cố trong chiến trận".
Khấu Trọng quay người lại hân hoan nói: "Trường Lâm huynh đối với thủy chiến quả thật rất có tâm đắc, xưa nay ta chưa từng nghĩ đến những vấn đề thế này. Hồi nhỏ nghe người ta kể chuyện, có cái gì mà "thanh long hơn trăm thuyền, hoàng long mấy ngàn thuyền" còn cứ tưởng là khoa trương nữa chứ".
Trần Trường Lâm cười cười: "Nói chuyện với Thiếu Soái quả thật vừa thoải mái lại vừa hứng thú. Có lẽ đây chính là đàm tiếu dụng binh mà người ta hay nói. Có điều trong thủy chiến động dụng cả ngàn chiến thuyền là sự thật, tỷ như Mã Viện thời Đông Hán đã dẫn theo đội thủy sư hơn hai ngàn chiến thuyền đi chinh phạt Giao Chỉ, rồi khi Lương triều và Bắc Tề giao chiến, đã thiêu cháy gần ba ngàn chiến thuyền của quân Tề ở Hợp Phì".
Khấu Trọng giật mình: "Lương triều có phải là Lương triều tổ tiên của Tiêu Tiễn không?".
Trần Trường Lâm gật đầu.
Khấu Trọng ồ lên một tiếng: "Chẳng trách Tiêu Tiễn lại coi trọng việc Bốc Thiên Chí bội phản đến vậy, bởi vì chuyện gì hắn cũng học theo tiền nhân, nên hiểu rất rõ tầm quan trọng của thủy quân. Hừ! Vì vậy muốn công hạ Ba Lăng, ngoại trừ việc phong tỏa mạng lưới tin tức của tên tiểu tử Hương Ngọc Sơn ra, còn phải phá thủy sư của hắn nữa, hai việc này thiếu một cũng không được".
Trần Trường Lâm chỉ biết cung kính lắng nghe, thầm cảm thấy suy nghĩ của Khấu Trọng như thiên mã hành không, khó mà ước đoán được.
Khấu Trọng nghĩ ngợi giây lát rồi lại hỏi: "Với nhân lực vật lực hiện nay của chúng ta, muốn xây dựng một đội thủy sư chừng năm trăm chiến thuyền thì cần bao nhiêu thời gian?".
Trần Trường Lâm sảng khoái đáp ngay: "Nếu tất cả đều bắt đầu từ khởi điểm, ít nhất cũng cần mười lăm năm".
Khấu Trọng ngạc nhiên: "Vậy làm sao được?".
Trần Trường Lâm vỗ ngực tự tin nói: "Thiếu Soái yên tâm, kỳ thực đa phần chiến thuyền và thuyền hàng hóa bình thường không khác nhau nhiều lắm về mặt kết cấu, bất luận là mái chèo, sào chống, buồm, dây xích hay trầm thạch đều là loại giống như nhau. Chỉ cần thêm các phòng vệ cần thiết và vũ khí trang bị cho thuyền hàng là có thể chuyển thành chiến thuyền được rồi, nếu như có thêm các binh sĩ tinh thông thủy chiến được huấn luyện đầy đủ thì sẽ hoàn toàn không thua kém gì những đội thủy sư hùng mạnh nhất đương thời. Vì vậy không cần một năm, Trường Lâm cũng có thể xây dựng cho Thiếu Soái một đội thủy sư có quy mô tương đối như vậy".
Khấu Trọng mừng rỡ lộ ra mặt: "Không ngờ lại có chuyện tốt như vậy. Trường Lâm huynh còn có cách nào khiến người ta không nhìn ra chúng là chiến thuyền, đến khi chiến đấu mới lộ ra chân diện mục hay không? Như vậy thì đội thuyền của chúng ta có thể trở thành kỳ binh trên mặt nước rồi!".
Trần Trường Lâm nói: "Để ta thử nghĩ cách coi sao".
Khấu Trọng vỗ vai y, đi về phía đại sảnh đường, nhỏ giọng nói: "Chuyện này cần lượng sức mà làm, đồng thời không được quấy nhiễu dân chúng, đợi ta đào được Dương Công Bảo Khố lên, sẽ có một lượng lớn kim ngân tài bảo để thu mua thuyền hàng. Hiện giờ cứ dùng tạm các thuyền cũ của Lạc Mã Bang và Bành Lương Hội cũng được, thế nào cũng được khoảng hai trăm chiếc. Thêm vào mấy chục chiến thuyền lớn nhỏ của Cự Kình Bang mới gia nhập, chắc đại khái cũng đủ rồi!".
o0o Lý Tử Thông ngồi ở long tọa trên cao, liếc nhìn Từ Tử Lăng đang cùng Thiệu Lệnh Châu và Thẩm Bắc Xương đi vào, cơ hồ như muốn nhìn thấu tâm can gã vậy.
Trong sảnh đường tổng cộng có mười tám chiếc thái sư ỷ xếp đều hai bên, lúc này ba ghế đầu bên trái đều đã có người ngồi, tất cả đều là thủ hạ tâm phúc của Lý Tử Thông, sau hai hàng ghế là đám thị vệ khôi giáp sáng ngời, uy vũ lẫm liệt.
Khí phái thế này nếu ở trong hoàng cung thì vô cùng thích hợp, nhưng bày ra ở trong đại sảnh đường của phủ tổng quản thì thật hơi có chút hư trương, có điều Lý Tử Thông cũng hơi có chút bất tắc dĩ, phải bỏ hoàng cung đã bị thiêu cháy gần hết để dọn ra phủ tổng quản, hơn nữa y cũng muốn biểu thị mình khác với hôn quân, nên càng không dám ở trong hành cung mà Dương Quảng xây dựng để hưởng lạc thú.
Sau khi quan gác cửa xướng tên, Thiệu Lệnh Châu và Thẩm Bắc Xương cũng chỉ y theo quy củ giang hồ thi lễ, Từ Tử Lăng thấy vậy cũng học theo, bớt được rất nhiều phiền phức.
Lý Tử Thông bảo mấy người ngồi xuống, sau đó lạnh lùng hỏi: "Lăng tiên sinh có chức phận gì trong Thiếu Soái quân, có lệnh phù tín vật gì mà có thể đại biểu Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nói chuyện tới ta?".
Ba tướng lĩnh ngồi bên dưới đều liếc mắt nhìn Từ Tử Lăng chằm chằm, xem gã ứng đối thế nào.
Dung mạo Lý Tử Thông lúc này so với lần gặp mặt trước đã tiều tụy đi rõ rệt, hai bên tóc mai đã lấm tấm điểm bạc, có thể thấy đây chính là cái giá y phải trả ra để theo đuổi con đường tranh bá thiên hạ.
Từ Tử Lăng thản nhiên đáp: "Thiếu Soái vừa mới thành lập lại chinh chiến liên miên, rất nhiều mặt còn chưa chuẩn bị chu toàn, lệnh phù văn thư, nhất loạt đều chưa có. Mong Ngô Vương hiểu cho!".
Lý Tử Thông nhíu mày: "Vậy Lăng tiên sinh làm sao chứng minh được rằng mình có thể đại biểu hai người đó nói chuyện?".
Thiệu Lệnh Châu liền lên tiếng: "Đại vương minh giám, Quế Tích Lương của bản bang đã chính miệng chứng thực với lão phu, Lăng tiên sinh có khả năng đại biểu cho Khấu thiếu soái quyết định mọi chuyện".
Lý Tử Thông "hừm" một tiếng, rồi dựa lưng vào thái sư ỷ, thần thái nhàn nhã giới thiệu ba tướng lĩnh bên dưới cho Từ Tử Lăng quen biết, lần lượt là Tả Hiếu Hữu, Bạch Tính và Tần Văn Siêu.
Từ Tử Lăng thầm dâng lên một cảm giác kỳ dị, từ khi còn lăn lộn ở Dương Châu, gã và Khấu Trọng đã nghe qua tên tuổi ba người này, hồi đó còn rất ngưỡng mộ nữa.
Đặc biệt là Tả Hiếu Hữu, y đã từng là lãnh tụ của một cánh nghĩa quân, khởi nghĩ ở Đôn Cẩu Sơn vào năm Đại Nghiệp thứ mười, uy chấn bát phương, về sau mới quy hàng kẻ quật khởi sau y một năm là Lý Tử Thông. Trong ba tướng lĩnh của họ Lý, y là người nhiều tuổi nhất, áng chừng khoảng ngoài tứ tuần, tướng tá cao gầy, mặt mũi phong sương.
Bạch Tín và Tần Văn Siêu đều là mãnh tướng trẻ tuổi, thể hình cao lớn điển hình của hán tử Sơn Đông, thái độ với Từ Tử Lăng cơ hồ ẩn hàm địch ý, chỉ khẽ gật đầu trả lễ, lãnh đạm và không khách khí.
"Bốp!".
Lý Tử Thông vỗ mạnh lên tay vịn ghế, quát lớn: "Nếu đã có thể đại biểu cho Khấu Trọng và Từ Tử Lăng, vậy Lăng tướng quân hãy trả lời ta, tại sao các người lại tấn công Đông Hải, giết chết thân đệ, làm dao động căn cơ của Lý mỗ?".
Từ Tử Lăng chăng hề nhân nhượng, nhìn thẳng vào ánh mắt rực lửa của y, thản nhiên đáp: "Ngô Vương là người hiểu biết, chắc cũng tự biết đây là thời đại thiên hạ quần hùng quật khởi, không phải bạn tức là thù. Bản quân đã tiên lễ hậu binh, từng phái Nhậm nhị đương gia của Bành Lương hội đến Giang Đô yết kiến đại vương bàn chuyện kết minh, nhưng đã bị đại vương cự tuyệt, thế nên đã từ bạn thành địch, trách nhiệm lẽ nào lại thuộc về Thiếu Soái quân chúng ta chứ? Thêm nữa lại phát hiện Lý Tinh Nguyên ở Mục Dương đến trá hàng, nên Thiếu Soái mới quyết định tương kế tựu kế, tiên phát chế nhân mà thôi".
Lời còn chưa dứt, Lý Tử Thông đã đứng vụt dậy, chỉ tay quát lớn: "To gan! Người đâu! Bắt tên này đi xử trảm cho quả nhân!".
Hai hàng cận vệ lập tức tràn lên.
Từ Tử Lăng đặt tay lên cán đao, Thiệu Lệnh Châu và Thẩm Bắc Xương còn chưa biết làm gì thì Tả Hiếu Hữu đã đứng dậy nói lớn: "Chậm đã!".
Đám cận vệ lập tức dừng bước.
Tả Hiếu Hữu quay sang nói với Lý Tử Thông: "Hợp thì hai bên cùng lợi, chia rẽ thì cả hai cùng bại vong, đại vương xin bớt giận!".
Lý Tử Thông tức giận lừ mắt nhìn Từ Tử Lăng, rồi ngồi xuống trở lại long toạ.
Đám vệ sĩ cũng rút trở về sau hai hàng ghế.
Tả Hiếu Hữu ngồi xuống, nói với Từ Tử Lăng: "Thiếu Soái lần này phái Lăng tướng quân tới đây, rốt cuộc là có đề nghị gì?".
Từ Tử Lăng vừa nghe trộm được cuộc đối thoại của Lý Tử Thông và bọn Quật Ca, biết rõ đối phương định dùng phương pháp một cứng một mềm để tạo áp lực hòng chiếm được tiện nghi trong đàm phán, nên trong lòng thầm cảm thấy buồn cười, thái độ vẫn hết sức bình tĩnh thong dong: "Tả tướng quân nói hay lắm, hợp lại thì song phương cùng có lợi, chia rẽ thì cùng bại vong. Đỗ Phục Uy và Trầm Luân kết minh, Thiếu Soái quân chúng ta cũng cùng các vị liên thủ. Nếu đại vương thấy chuyện này có thể thực hiện được, chúng ta sẽ tiếp tục bàn luận, còn không thì bản nhân chỉ đành lập tức rời khỏi Dương Châu, trở về bẩm báo với tệ thượng".
Lý Tử Thông cười lạnh lùng: "Khấu Trọng khoác lác có thể giải nguy được cho Dương Châu, đây có phải sự thực không?".
Ánh mắt chúng nhân đều tập trung cả lên người Từ Tử Lăng.
Từ Tử Lăng cười ung dung: "Đúng là có chuyện này".
Tần Văn Siêu cười dài nói: " Lúc Đỗ Phục Uy xưng bá Giang Hoài, Ngô Vương hùng cứ Sơn Đông, Khấu Trọng và Từ Tử Lăng vẫn chỉ là hai tên tiểu tử vắt mũi chưa sạch ở Dương Châu, ở Trúc Hoa Bang cũng chỉ có tư cách là đệ tử đeo một lá trúc. Hiện giờ tuy có hơi đắc thế, nhưng hai kẻ ấy dựa vào cái gì để đánh lùi liên quân Giang Hoài, Giang Nam chứ?".
Từ Tử Lăng phì cười nói: "So với Lý Mật tung hoành khắp Trung Nguyên, Đỗ Phục Uy là cái gì chứ? Vấn đề là đại vương có thể giống như Vương Thế Sung hay không? Ít nhất là trước khi đại phá Đỗ Phục Uy và Trầm Luân, mọi người vẫn có thể chân thành hợp tác là được rồi! Hà... đại vương có thể làm được không?".
Lý Tử Thông thoáng biến sắc, bởi vì ý của Từ Tử Lăng chính là Khấu Trọng đã có thể đại phá Lý Mật, tự nhiên cũng không coi Đỗ Phục Uy và Lý Tử Thông vào đâu, việc hợp tác với y, cũng chỉ hạn chế trong việc giải nguy cho Giang Đô, sau đó thì song phương sẽ lại cùng phân cao hạ.
Bạch Tính sợ Lý Tử Thông không kềm được nộ hoả, liền lên tiếng xen vào: "Nhưng chúng ta làm sao biết được quý thượng có thành ý hợp tác chứ?".
Từ Tử Lăng cười ha hả: "Tệ thượng Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đều là người nhất ngôn cửu đỉnh. Các vị đã bao giờ nghe qua chuyện họ trở mặt nuốt lời bao giờ chưa?".
Đại sảnh đường im phăng phắc không một tiếng động.
Lý Tử Thông khẽ gõ nhẹ ngón tay lên thành ghế, trầm giọng nói: "Chỉ nói không thì có tác dụng gì? Khấu Trọng rốt cuộc có diệu kế gì có thể giải nguy cho Giang Đô?".
Từ Tử Lăng mỉm cười: "Chỉ cần đại vương giải trừ phong tỏa trên Vận Hà, bổ sung lương thảo cho Thiếu Soái quân ở Chung Ly, sau đó cung cấp các tin tức chính xác về tình hình địch nhân, chúng ta sẽ đem quân tập kích doanh trại của quân địch, khiến bọn chúng rơi vào cảnh lưỡng đầu thọ địch. Năm xưa chính Lý Mật cũng dùng cách này để đại phá mười vạn tinh binh của Vũ Văn Hóa Cập, huống hồ Đỗ Phục Uy chỉ có vài vạn quân?".
Tả Hiếu Hữu nói: "Lúc đó Lý Mật chiến tướng như mây, binh lực hùng hậu, hiện giờ Thiếu Soái chỉ mới quật khởi, làm sao có thể so sánh như vậy được?".
Từ Tử Lăng liền đáp: "Thì thực lực của quân Giang Hoài hiện nay cũng đâu thể so sánh với tinh binh của Vũ Văn Hóa Cập, hơn nữa tại hạ còn nghe nói Đỗ Phục Uy và Phụ Công Hựu vốn bất hòa, chuyện này không biết có thật hay không?".
Chúng nhân giờ mới biết đối phương là một thuyết khách hùng tài đại lược, nhất thời không nói được gì.
Lý Tử Thông liền đi thẳng vào vấn đề: "Khấu Trọng có thể phái bao nhiêu nhân mã đến giúp ta?".
Từ Tử Lăng quả quyết nói: "Hai vạn, đại vương thấy thế nào?".
Lý Tử Thông liền nói ngay: "Vậy hãy nói cho quả nhân biết, các người định xử lý tộc nhân họ Lý ở Đông Hải thế nào?".
Từ Tử Lăng mỉm cười: "Đại vương là người hiểu chuyện, chắc cũng biết nếu hợp tác không có vấn đề thì tộc nhân của đại vương tự nhiên có thể tùy ý rời khỏi Đông hải mà".
Lý Tử Thông liền cười lớn nói: "Được! Vậy cứ quyết định thế đi!".
Từ Tử Lăng sớm đã biết kết quả sẽ như vậy, một đề nghị đối trăm lợi mà vô hại như thế, Lý Tử Thông làm sao có thể từ chối được?
← Hồi 250 | Hồi 252 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác