Vay nóng Tima

Truyện:Tố thủ kiếp - Hồi 49

Tố thủ kiếp
Trọn bộ 60 hồi
Hồi 49: Cờ Thua Một Nước
4.00
(một lượt)


Hồi (1-60)

Siêu sale Shopee

Xe ngựa đi chừng nửa giờ, bàn tay Bách Duy luôn luôn đưa đi đưa lại trên mình "Huyền Chân", mắt vẫn liếc nhìn cử chỉ của Vô Tâm. Nhưng mặc dù hắn làm đủ mọi cách, vẫn không sao giải nổi huyệt đạo cho "Huyền Chân".

Bách Duy thở dài lẩm bẩm: "Không ngờ Vô Tâm lại có thủ pháp điểm huyệt độc môn thế này! Không biết làm thế nào giải được bây giờ?" Giữa lúc ấy chợt nghe "Huyền Chân" cũng thở dài một tiếng. Bách Duy hỏi:

- Ngươi có biết cách giải huyệt không? Có biết thì nói mau lên!

Hắn nói tới đấy mới chợt nhớ ra "Huyền Chân" đã bị điểm huyệt, còn nói thế nào được? Hắn lại tuyệt vọng thở dài, ruột gan nóng như lửa đốt, kỳ thật thì trong bụng "Huyền Chân" lúc ấy có lẽ còn bồn chồn hơn cả Bách Duy.

Ngày đi đêm nghỉ, không biết trải qua bao nhiêu lâu, Bách Duy đã thử nhiều lần, vẫn không sao giải được huyệt cho "Huyền Chân" mà vết thương của hắn tuy đã gần khỏi, nhưng còn một cánh tay vẫn không vận chuyển được như ý.

Anh em Diệu Pháp thì vì tuổi trẻ, sinh lực đang bồng bột, nên chưa biết lo, họ cho là họ có thể làm được hết mọi sự và ở trên đời không có việc gì là khó cả!

Vô Tâm được nghỉ ngơi mấy ngày, sắc diện đã bớt tiều tuỵ, nhưng thần trí vẫn còn lúc mê lúc tỉnh, có khi chàng ngồi ngây ra tới bốn năm giờ, đôi mắt đăm đăm nhìn qua cửa sổ, chẳng nói chẳng rằng.

Hôm ấy đã đi tới địa phận Dự Châu, Diệu Quả chợt trỏ tay về phía trước, cười nói:

- Lạ chưa kìa, ban ngày ban mặt, mà sao lại có người đi đường phải thắp đèn?

Diệu Không cười nói:

- Mỗi nơi có một phong tục lạ, mình không biết lại còn cười người ta!

Diệu Quả nói:

- Chiếc đèn ngũ sắc đẹp quá, trông như đồ chơi của trẻ con.

Bách Duy thấy nói là đèn ngũ sắc, bất giác giật bắn người lên, hắn vừa chợt nhớ tới trên chiếc cẩm nang thứ hai có đề rằng: "Lúc nào trông thấy chiếc đèn lồng bằng giấy ngũ sắc thì mở ra xem. Nhưng nếu dưới chiếc đèn không có xác người, thì phải đốt ngay cẩm nang đi."

Bách Duy tuy đã thuộc lòng mấy câu ấy, nhưng vẫn yên trí rằng gặp đèn lồng tất phải vào lúc đêm tối, nên khi nghe thấy Diệu Quả nói có người xách đèn lồng, hắn cũng không để ý. Lúc này hắn mới hốt hoảng, thò đầu ra cửa sổ hỏi:

- Đâu? Chiếc đèn lồng ngũ sắc đâu?

Diệu Quả ngoảnh lại cười nói:

- Vừa rồi có hai người xách đèn lồng, nhưng họ đã rẽ vào con đường nhỏ từ nãy rồi.

Bách Duy kinh sợ buột miệng hỏi:

- Dưới chiếc đèn lồng có cái xác chết nào không?

Diệu Quả ngơ ngác hỏi:

- Xác chết? Dưới đèn lồng thì phải có xác chết à?

Bách Duy tự biết lỡ lời, vội cười gượng lấp:

- Ta hỏi đùa đó thôi. Nhưng người xách đèn lồng hình dạng thế nào? Trạc độ bao nhiêu tuổi?

Bọn Diệu Pháp thấy hắn hỏi tỉ mỉ như vậy, đều lấy làm kinh ngạc. Diệu Quả sẽ đáp:

- Họ đứng xa quá nên trông không rõ, nhưng hình như tuổi cũng còn trẻ, quần áo đều màu đen, mặt mũi trông không rõ lắm.

Bách Duy cau mày nghĩ thầm: "Có lẽ đúng là người phía ta rồi!"

Diệu Vũ chợt hỏi:

- Tiền bối hỏi kỹ thế, hẳn đã nhận thấy sự gì lạ chăng?

Bách Duy chột dạ, gượng cười nói:

- Có gì lạ đâu? Ta cũng giống tính Diệu Quả hiền khế, hay tò mò, nên hỏi cho biết thế thôi!

Nói xong lại rụt đầu vào trong xe, nghĩ thầm: "Dưới ngọn đèn lồng không có xác người, theo lời dặn ta phải huỷ chiếc cẩm nang này đi. Nhưng hãy để thong thả đã, đừng hấp tấp mà lỡ việc."

Giữa lúc ấy, chợt nghe có tiếng vó ngựa rầm rập từ phía sau đưa lại, chốc lát đã vượt qua cỗ xe. Bách Duy trông theo chỉ kịp nhân thấy ba con ngựa, người ngồi trên ngựa đều mặc võ phục đen, và mỗi đầu ngựa đều treo một chiếc đèn lồng bằng giấy ngũ sắc.

Bách Duy còn đang ngẩn người suy nghĩ, đã nghe tiếng Diệu Quả kêu lên:

- Kìa kìa, lại thêm ba chiếc đèn lồng ngũ sắc nữa kìa!

Bọn Diệu Pháp lúc này đều đã linh cảm thấy những chiếc đèn lồng kia tất phải có ẩn ý gì, nhưng không hiểu những ẩn ý ấy có liên quan gì tới bọn mình không?

Diệu Vũ trầm ngâm một lát rồi nói:

- Ba người này với hai người ban nãy nhất định là đồng bọn. Không hiểu họ đi đâu mà cùng tỏ ra vội vã hấp tấp thế không biết?

Diệu Quả nói:

- Sư huynh có đoán ra bọn này là ai không?

Diệu Vũ đáp:

- Năm người này có nhiều chỗ giống nhau, xem thế đủ hiểu chắc họ đều là người của một môn phái bí mật nào, và môn phái ấy tất đang hội họp ở đâu, nên mới truyền lệnh cho đệ tử dùng đèn lồng làm biểu ký cầm tới dự hội.

Diệu Pháp nói:

- Nhưng từ khi xuất sơn đến giờ, ta chưa từng thấy nói trong giang hồ có môn phái nào dùng đèn lồng ngũ sắc làm biểu ký. Không khéo lại là đảng phái Nam Cung thế gia cũng nên?

Diệu Vũ lắc đầu:

- Không phải, theo sự nhận xét của tiểu đệ thì phái này chắc là mới thành lập, nhưng thế lực cũng lớn lắm. Vì thế mà bọn đệ tử đi đường không cần phải tránh tai mắt mọi người.

Diệu Không nói:

- Môn phái ấy đã không quan hệ gì tới mình, thì mặc người ta, hơi đâu mà xét đoán cho mệt?

Mọi người cười cười nói nói một hồi, không câu nào lọt ra khỏi ta Bách Duy. Hắn nghĩ thầm:

- Bọn đó nhất định là môn hạ của Nam Cung thế gia, không biết họ hội họp ở phía trước có việc gì? Hoặc giả cũng là vì việc Nhâm Vô Tâm chăng? Nếu không thì sao Ngũ phu nhân lại phải trao cẩm nang cho mình?

Cỗ xe vẫn tiếp tục đi lên, ước chừng thổi chín nồi cơm. Vô Tâm chợt gọi to:

- Quay về bên trái!

Diệu Pháp sẽ gò dây cương, chú ý nhìn về phía trước, chỉ thấy trên đường cái vết xe ngựa chi chít ngổn ngang, người đi đường cũng đông vui tấp nập, rõ ràng là đã sắp tới một thị trấn.

Bên trái có con đường nhỏ, cỏ tốt ngập đầu, che kín cả lối đi. Nếu không chú ý, tất không mấy ai biết. Diệu Pháp tuy đánh xe rẽ vào đó, nhưng bụng vẫn nghi hoặc, buột miệng hỏi:

- Phải con đường này không?

Vô Tâm gật đầu:

- Đúng rồi, ngươi sợ ta thần trí mê man, trỏ lầm đường chăng?

Diệu Pháp đỏ mặt nói:

- Không dám giấu tướng công, tại hạ sợ con đường vắng vẻ thế này, rất có thể chỉ là đường cụt?

Vô Tâm cười nói:

- Đường này ta nhớ rõ lắm, không thể sai được, đừng sợ!

Chợt chàng hạ thấp giọng, nói nhỏ:

- Ngươi có biết con đường này ăn thông tới đâu không?

Diệu Pháp lắc đầu:

- Xin tướng công chỉ rõ cho!

Vô Tâm nói:

- Hồi nọ tại hạ vì muốn đối phó với Nam Cung thế gia nên mới đón một số cao nhân về đây tương tụ. Bọn họ tuy phần đông không phải là người có võ nghệ, nhưng mỗi người đều có một sở trường riêng. Vì muốn tránh tai mắt Nam Cung thế gia, nên tại hạ mới phải chọn chỗ bí mật này cho họ trú ngụ. Con đường này chỉ là một trong những lối đi vào đó.

Diệu Pháp nghe chàng nói năng có đầu đuôi rành mạch, trong bụng cũng mừng thầm, liền nói:

- Tướng công lo xa nghĩ sâu, bọn vãn bối thật không sao theo kịp.

Xe ngựa càng vào sâu bên trong, đường đi càng khúc khuỷu gập ghềnh, bánh xe thỉnh thoảng lại bị cỏ dài quấn vào. Diệu Vũ, Diệu Quả đành phải xuống xe đi theo phía sau để gỡ cỏ.

Đang đi chợt nghe đánh "sầm" một tiếng, hình như xe đụng phải cái gì. Vô Tâm vội hỏi:

- Xem có phải bên đường có nửa cái bia đá không?

Diệu Pháp dừng xe lại. Diệu Vũ rảo bước đi lên, chợt giẫm chân nói:

- Bia đá đây rồi!

Vô Tâm lại hỏi:

- Mé bên trái có cái gò phải không?

Diệu Pháp đảo mắt nhìn quanh, rồi đáp:

- Có cái gò thật!

Vô Tâm mở cửa xe nhảy xuống, rồi nói với Bách Duy:

- Đại sư đi lại bất tiện, chi bằng hãy nằm trên xe mà nghỉ!

Bách Duy vội nói:

- Không sao! Bần tăng thương thế đã bớt, có thể đi theo tướng công được mà!

Nói xong cũng nhảy xuống xe. Diệu Không tình nguyện ở lại coi xe, còn tất cả mọi người đều theo Nhâm Vô Tâm đi về phía gò bên trái.

Đứng xa trông cái gò chỉ nhỏ bằng tí, nhưng lúc tới gần mới thấy sừng sững một toà, không kém gì trái núi nhỏ, trên gò chỉ toàn những thứ cây lăng nhăng đủ các loại, không có đường lên. Vô Tâm nói:

- Chúng ta đi vòng qua hết cái đồi này, tức là tới cửa bí mật vào động.

Diệu Quả nói:

- Đệ tử xin đi mở đường.

Nói xong xăm xăm đi lên trước, nhưng vừa qua chỗ đường vòng, thốt nhiên kêu lên một tiếng khủng khiếp, rồi bước lùi lại mấy bước. Bọn Vô Tâm đều sợ tái mặt, vội quát hỏi:

- Cái gì thế?

Diệu Quả mặt nhợt như tờ giấy, giơ tay chỉ về phía trước không nói được nên lời. Mọi người đều rảo bước tiến lên, bất giác cũng đều rú lên một tiếng, đứng dừng cả lại.

Thì ra họ vừa trông thấy trong bóng tối có hai câu sào dài, trên đầu sào treo hai chiếc đèn ngũ sắc, và bên cạnh hai chiếc đèn còn buộc lủng lẳng bốn năm chiếc đầu lâu, máu tươi hãy còn nhỏ giọt.

Dưới bãi cỏ, thẳng chỗ treo đầu người xuống, còn có bốn năm cái xác không đầu, nằm thành một dãy. Đủ hiểu là những người này chết chưa được bao lâu, có thể chỉ trước khi bọn này tới đó một lát.

Diệu Vũ chỉ tay lên một chiếc đầu lâu treo trên sào, run run nói:

- Cái... cái đầu kia chính là người ban nãy cưỡi ngựa vượt qua xe chúng mình.

- Diệu Vũ đạo huynh thử khám mấy cái xác xem họ chết về bị thương ở đâu? Và có thấy vật gì khả nghi không? Diệu Quả đạo huynh thì đi xét quanh đây xem quân địch đã đi xa chưa?

Chỉ trong phút chốc, có lẽ vì bị kích thích quá độ, nên tâm trí Vô Tâm đã trở lại bình tĩnh như thường. Chàng điều khiển công việc thật đâu ra đấy. Diệu Vũ tinh mắt nên sai đi khám thây. Diệu Quả nhanh chân nên phái đi dò địch. Hai người vâng lệnh đi rồi, chàng bảo Diệu Pháp:

- Còn đạo huynh nên ở lại đây, sách ứng cho các mặt. Nếu thấy gì lạ thì hú lên báo hiệu, tại hạ sẽ chạy đến ngay.

Diệu Pháp hỏi:

- Tướng công định đi đâu?

Vô Tâm buồn rầu đáp:

- Trong bí huyệt lúc này, quang cảnh không biết đã biến chuyển đến thế nào, tại hạ thử đi điều tra xem sao.

Diệu Pháp nói:

- Tướng công không nên mạo hiểm, xin cho đệ tử cùng theo để tiện tiếp ứng.

Vô Tâm chợt quay lại nhìn Bách Duy. Bách Duy hiểu ý nói:

- Tướng công cứ yên tâm đi đi. Bần tăng tuy tàn phế nhưng còn đủ sức đương nổi trọng trách.

Vô Tâm nói:

- Nếu thế tại hạ đành phải bái phiền đại sư vậy.

Nói xong lập tức cùng Diệu Pháp quay đi. Bách Duy thấy Diệu Quả đi đã lâu rồi, còn Diệu Vũ đường đang lúi húi khám xét tử thi, không để ý gì đến mình, bèn vội lẩn vào chỗ khuất mở cẩm nang ra xem. Chỉ thấy trong cẩm nang có một mảnh giấy biên đặc chi chít những chữ. Thì ra đó là một tờ mật thư.

Trong thư đại ý nói rằng: "Nơi đây chính là một trong những sào huyệt của Vô Tâm, còn mấy tên xách đèn lồng làm ám hiệu lúc nãy bị giết ở dưới cây đèn kia toàn là phe đảng của Nhâm Vô Tâm bị người nhà Nam Cung thế gia mua chuộc làm nội ứng, và dẫn bọn môn hạ Nam Cung thế gia về bí huyệt giết đồng bọn.

Nhưng sau khi đã quét sạch sào huyệt của Nhâm Vô Tâm rồi, bọn môn hạ Nam Cung thế gia lại giết luôn cả mấy tên nội ứng nữa, vì sợ để chúng có ngày mang hoạ. Trong thư còn dặn Bách Duy kiếm cớ hạ cây đèn xuống, trong đèn có một cái ống ngang, ruột ống có mảnh giấy dặn dò kế hoạch, bảo Bách Duy chiếu theo kế đó mà làm. Còn Huyền Chân thì phải đi về phía đông cách đó ba dặm, tức khắc có người chờ liên lạc."

Bách Duy xem xong cẩm nang, thở phào một tiếng như vừa trút được gánh nặng. Thế là bao nhiêu sự nghi hoặc đã tháo gỡ được tất cả. Nhưng yên tâm một lúc, hắn lại lo không biết "Huyền Chân" bị điểm huyệt thế kia thì làm sao mà đi tới chỗ hẹn được? Hay để mình đi thay vậy?

Kế đó hắn thủng thỉnh bước tới bên Diệu Vũ, hỏi:

- Đạo huynh đã tìm thấy gì chưa?

Diệu Vũ chỉ vào mấy đồ vật để ngổn ngang dưới đất nói:

- Mấy vật này đều tìm được ở trong tử thi, toàn là vật dụng thường, không có gì lạ. Tiền bối coi thử xem.

Bách Duy cúi xuống xem chỉ thấy mấy mũi chuỷ, một ít tiền lẻ, mấy cái chìa khoá, mấy chiếc khăn tay nhỏ, ngoài ra không còn vật gì đáng để ý thật.

Hắn lại hỏi Diệu Vũ:

- Những vết thương chí mạng của họ ở đâu? Đạo huynh có tìm thấy không?

Diệu Vũ nói:

- Những cái xác này mới trông thì tưởng bọn họ bị một đao chém bay đầu, nhưng nếu để ý nhìn kỹ mới thấy là họ đều chết trước khi bị cắt đầu. Cứ xem chỗ vết thương kia máu chảy ít như vậy thì đủ rõ.

Bách Duy gật đầu khen phải. Diệu Vũ trầm ngâm một lát rồi lại nói:

- Việc này lạ lắm, đệ tử nói ra, chỉ sợ tiền bối lại buồn.

Bách Duy tái mặt, trống ngực đập thình thịch vội hỏi:

- Sao? Sao? Việc này có liên quan đến bần tăng à?

Diệu Vũ cúi xuống vạch vạt áo của một tử thi lên, nói:

- Tiền bối xem đây sẽ biết.

Bách Duy chú ý nhìn kỹ, chỉ thấy phía ngực bên trái, chỗ gần quả tim nạn nhân có dấu bàn tay tím đen, năm ngón tay in rõ rành rành, hình như đây là một công phu ngoại gia rất lợi hại.

Diệu Vũ đăm đăm nhìn Bách Duy, hỏi:

- Chưởng lực này là công phu của phái nào? Tiền bối có nhận ra không?

Bách Duy ngẩn người ra một lát rồi lẩm bẩm:

- Thiếu Lâm...

Diệu Vũ cau mày:

- Nếu tiền bối đã nhận ra, tất không phải đệ tử trông lầm. Đệ tử không ngờ chưởng lực "Phục ma kim cương" lại có cái uy lực khủng khiếp đến thế!

Bách Duy lẳng lặng một lúc rồi nói:

- Kim cương chưởng lực tuy lợi hại, nhưng không phải ai cũng luyện được tới trình độ này. Cứ xem những cái vết tím đen trên ngực nạn nhân đây đủ biết là hoả hầu của người này còn ở trên bần tăng.

Diệu Vũ kinh sợ hỏi:

- Ở trên đại sư? Hay là... hay là...

Bách Duy thở dài:

- Ngươi hà tất phải rụt rè... Trên đời này người luyện Phục ma kim cương chưởng tinh thuần hơn bần tăng chỉ có vài ba người. Bần tăng không nói ra, người khác cũng biết.

Diệu Vũ cúi đầu nói:

- Đệ tử không tin rằng Bách Nhẫn hoặc Bách Đại đại sư lại có thể bị nhà Nam Cung thế gia mua chuộc.

Bách Duy tỏ vẻ buồn bã nói:

- Bần tăng tuy không muốn tin, nhưng cũng không thể không tin được.

Diệu Vũ lẳng lặng giây lâu rồi nói:

- Nhưng chỗ kỳ quái, không những chỉ có thế. Đây đại sư trông!

Vừa nói vừa cúi xuống lật vạt áo của một nạn nhân khác ra, chỉ cho Bách Duy coi. Thì ra chỗ gần quả tim trên ngực người này cũng có một vết đen lớn bằng ngón tay, nhìn kỹ mới biết vết đen ấy chỉ là một lỗ thủng nhỏ, thịt bên trong đã thối nát, nhưng không thấy có máu.

Bách Duy tuy lịch duyệt giang hồ đã lâu, các môn võ công được trông đã nhiều mà lúc này thấy vết thương đó, cũng không khỏi sửng sốt bàng hoàng.

Giữa lúc ấy chợt nghe phía sau có một tiếng gọi nhỏ. Bách Duy quay lại, đã thấy Vô Tâm đi tới. Diệu Vũ hỏi:

- Tướng công có biết lai lịch môn võ công này không?

Vô Tâm cúi xuống nhìn kỹ một lúc rồi lắc đầu. Bách Duy nói:

- Vết thương này mới thoạt trông thì giống vết ám khí tẩm độc, nhưng bần tăng không dám quyết đoán là ám khí loại nào.

Diệu Vũ thở dài nói:

- Nếu là vết thương do ám khí gây nên, thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Bách Duy vội hỏi:

- Có lẽ đạo huynh đã nhân ra không phải là ám khí ư?

Diệu Vũ lại mở vạt áo nạn nhân ra, nói:

- Xin các vị trông đây. Mảnh áo này tuy đầy những máu nhưng không có lỗ thủng. Nếu là ám khí, tất phải xuyên qua áo chứ?

Bách Duy gật đầu khen:

- Đạo huynh nhận xét tinh tế lắm, đây chắc là chỉ lực mà chỉ lực của người này tất đã luyện tới trình độ cách sơn đả ngưu, trích diệp thương nhân rồi. Người ấy ngoài Nam Cung phu nhân ra thì còn ai nữa?

Vô Tâm lắc đầu nói:

- Nam Cung phu nhân không khi nào lại thân hành tới chỗ này. Theo ý tại hạ thì rất có thể đám này do Tố Thủ Lan Cô cầm đầu!

Mọi người bất giác đều rùng mình yên lặng, không khí khủng khiếp như đang bao trùm lên đầu họ. Một lúc lâu, Bách Duy mới hỏi Vô Tâm:

- Tình cảnh trong bí huyệt ra sao, tướng công có tìm thấy dấu vết quân địch không?

Vô Tâm cau mày nói:

- Tình trạng trong động, tại hạ thật không muốn nhắc lại, nếu đại sư muốn biết, thì xin cứ vào hẳn trong đó mà xem. Diệu Pháp đạo huynh hiện còn đang liệu lý hậu sự, tại hạ không sao đứng nán lại được một phút nào nữa.

Diệu Vũ thấy chàng sắc mặt đã tái xanh, ngơ ngác như người mất vía, thì sợ quá, vội nắm lấy tay chàng, cười gượng nói:

- Đệ tử với tướng công thử dạo quanh khu này xem có thấy gì lạ không, đi!

Nói xong không cần đợi chàng trả lời, cứ cầm tay lôi đi xềnh xệch. Vô Tâm lúc này hình như không còn biết gì nữa, cứ để mặc cho Diệu Vũ muốn lôi đi đâu thì lôi.

Bách Duy chờ hai người đi khỏi, mới đưa mắt nhìn quanh bốn phía, sau khi đã yên trí là không có ai nhìn trộm, bèn đẩy đổ cây sào xuống, xé chiếc đèn lồng ra, quả nhiên thấy bên trong có cái ống nứa nằm ngang, hắn tháo cái ống, vừa định chẻ ra xem bên trong có chỉ thị gì, thì chợt nghe tiếng quần áo bay phần phật từ xa đi tới.

Bách Duy hốt hoảng, vội giấu cái ống vào tay áo, rồi quay lại nhìn, thì ra là Diệu Quả. Hắn cố lấy giọng bình tĩnh hỏi:

- Đạo huynh có tìm thấy gì lạ không?

Diệu Quả mồ hôi đầm đìa trên trán, vừa thở vừa nói:

- Chẳng thấy gì cả, thật là phí công!

Bách Duy nói:

- Sao đạo huynh không chịu khó tìm kỹ xem, biết đâu chúng không nấp vào một chỗ kín đáo nào đó, đạo huynh chỉ đi lướt qua, làm sao mà thấy được?

Hắn biết tính Diệu Quả nóng nảy hấp tấp, nên mới nói như vậy. Quả nhiên Diệu Quả đứng ngẩn người ra, cười gượng:

- Tiền bối nói đúng, đệ tử quả chỉ xem qua thật.

Bách Duy nói:

- Vậy thì đạo huynh ở đây coi, để bần tăng đi tra lại một lượt xem sao.

Diệu Quả nói:

- Ai lại thế. Thôi để đệ tử đi xem lại vậy.

Miệng nói chưa dứt, thân hình đã bay xa tới mấy trượng. Bách Duy nhìn theo thấy hắn đi về phía đông, chợt nhớ lời dặn trong cẩm nang, bất giác sợ cuống lên, vội gọi:

- Đạo huynh đừng đi về phía đó, không có quân địch nấp ở đó đâu!

Diệu Quả dừng chân, ngạc nhiên hỏi:

- Sao tiền bối biết?

Bách Duy ngẩn người, ấp úng:

- Ừ, ta biết... biết chứ!

Hắn lúng túng không biết tìm câu gì nói cho xuôi, lại thấy Diệu Quả đôi mắt cứ nhìn vào mặt hắn chòng chọc, lại càng sợ toát mồ hôi, mãi một lúc mới lắp bắp:

- Chỉ vì... chỉ vì lão tăng thấy ba mặt kia đều có... có tiếng chim ráo rác, duy có mặt ấy thì không... nên đoán thế!

Diệu Quả chớp chớp mắt mấy cái, rồi nói:

- Thôi được! Để đệ tử đi sang lối khác vậy.

Nói xong quả nhiên thay đổi phương hướng, lập tức đi ngay.

Bách Duy trông thấy sắc diện của hắn, biết hắn đối với những lời giải thích của mình, hình như vẫn có vẻ bất mãn, thì sợ nửa chừng hắn lại hối mà quay về.

Lúc này bốn bề đã vắng vẻ không người. Bách Duy lại lấy chiếc ống nứa đập vỡ ra, bên trong quả có một mảnh giấy xanh cuộn tròn lại, bèn mở ra đọc.

Trong thư đại ý dặn Bách Duy và "Huyền Chân" phải liên thủ với nhau, luôn luôn theo sát bên cạnh Vô Tâm. Nếu có sự gì cần phải báo cáo, thì mỗi lần gặp miếu Thổ địa, sẽ viết thư gói vào một mảnh giấy trắng nhét xuống đáy bát hương. Nếu thấy trong bát hãy còn nén hương cháy dở thì dưới đĩa đèn tất có chỉ thị để sẵn ở trong cái ống đèn xanh, dặn hai người nhớ lấy ra mà xem v.v...

Bách Duy đọc một hơi hết bức thư, nghĩ thầm: "Hiện giờ "Huyền Chân" đã bị điểm huyệt nằm một chỗ, ta phải liên lạc với ai bây giờ?"

Điều làm cho hắn lo ngại hơn hết là Ngũ phu nhân đã giao mật giản cho hắn, sao lại còn bảo "Huyền Chân" đi một mình tới gặp người kia? Hay là Ngũ phu nhân còn có điều gì muốn giấu hắn, hoặc giả phu nhân lại sai "Huyền Chân" ngầm hại hắn chăng?

Nghĩ tới đây, hắn lại lạnh toát cả xương sống. Nói của đáng tội, hắn tuy là người của Nam Cung thế gia mà đối với những thủ đoạn tàn khốc của Nam Cung thế gia hắn vẫn phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không dám lơ là.

Lúc này hắn không còn thì giờ suy nghĩ lâu nữa, bèn lập tức đề khí tung mình chạy như bay.

Ra khỏi đấy chừng ba bốn trượng, chỉ thấy bốn bề toàn là giống cỏ dại, cao tới ngang thắt lưng, hắn liền nằm rạp xuống bò dần đi.

Bò trong ruộng cỏ một lúc khá lâu, chợt nghe đâu đây có tiếng sột soạt như rắn bò lướt trên mặt cỏ. Bách Duy mừng lắm, liền dừng lại lắng tai nghe, thấy cái tiếng ấy mỗi lúc một gần. Hắn liền dồn tụ chân lực vào cánh tay phải, đề phòng.

Nhưng cũng ngay lúc ấy lại nghe tiếng quần áo bay phần phật từ xa đưa tới. Bách Duy nghĩ thầm: "Người này khinh công khá lắm, chắc Diệu Quả. Hắn đi do thám mà cứ lộ liễu như vậy, thì còn dò xét được gì nữa?"

Kế lại nghe đánh "vụt" một tiếng, một bóng người đã lướt qua đầu hắn mà đi, mỗi lúc một xa dần, còn cái tiếng rắn bò sột soạt vừa rồi, cũng dừng lại cách đó vài trượng.

Cách một lúc lâu, cái tiếng áo bay phần phật lúc nãy lại vùn vụt trở lại, và lướt qua đầu hắn một lần nữa, nhưng vẫn không biết là hắn ở trong đồng cỏ. Môn khinh công "thảo thượng phi" của người này thật đã cao hơn người một bực, mà cái tính vô ý vô tứ của y trên đời chắc cũng chỉ có một không hai.

Bách Duy lắc đầu than thầm: "Chẳng trách hắn tìm đi tìm lại mãi vẫn chẳng thấy gì, thì ra hắn tìm bằng cái lối đó."

Lúc này cái tiếng sột soạt lại nổi lên, thanh âm mỗi lúc một nhẹ, một chậm hơn, mà hình như không phải chỉ có một người.

Bách Duy nhìn quanh, thấy về mé tay trái có một vũng nước nhỏ bằng cái chậu tắm, hắn bèn mon men bò tới, lăn xuống vũng nấp. Cũng may cái vũng ấy tuy nhỏ nhưng cũng sâu tới gần hai thước, nên cũng đủ cho hắn dung thân.

Hắn vừa dìm mình xuống nước xong, thì cái tiếng sột soạt ban nãy đã tiến lại gần, Bách Duy sẽ liếc mắt trông quả thấy hai cái bóng mặc võ phục đen đang bò dần tới, mặt mũi bị cỏ che khuất nên trông không được rõ.

Lúc này Bách Duy đã nhận ra hai người đó chính là môn hạ Nam Cung thế gia, đáng lý hắn không cần phải ẩn náu, nhưng vì hắn vẫn có một chút tư tâm, nên không muốn cho ai trông thấy.

Hai người bò tới cách vũng nước còn ba bốn thước thì dừng lại, đưa mắt nhìn quanh bốn phía ra ý tìm tòi, khi đã chắc chắn không có ai rồi, người đi trước mới giơ tay ra hiệu cho người đi sau. Người đi sau bèn lập tức bò lại gần, rồi cả hai cùng sóng vai nằm phục xuống bãi cỏ. Một người thì thầm nói:

- Thằng bé ấy ở trong động làm gì mà lâu thế? Báo hại chúng mình cứ phải nằm đây canh mãi.

Người kia nói:

- Chúng mình không những chỉ ở đây canh chừng bọn chúng, mà còn phải chờ một người...

Người nọ lại thì thào đáp lại:

- Tôi chỉ sợ là Bách Duy tiết lộ ra, nếu tên kia biết mình ở đây thì nguy lắm.

Người kia cười nói:

- Theo ý tiểu đệ thì Bách Duy mật lớn tày trời cũng không dám liều đến thế.

Người nọ cười nhạt:

- Nếu hắn không lớn mật sao dám lẻn vào Thiếu Lâm nằm vùng?

Người kia gật đầu:

- Huynh đài nói cũng có lý, nhưng Bách Duy từ trước vẫn một dạ trung thành với Nam Cung thế gia, nay sao bỗng dưng lại giở quẻ?

Gã nọ cười nhạt:

- Tin gì cái thằng lão tặc đó!

Gã kia lại nói:

- Nếu vậy thì sao Ngũ phu nhân còn tín nhiệm hắn?

Gã nọ lạnh lùng nói:

- Sao huynh đài biết là Ngũ phu nhân vẫn tin hắn? Hôm nay phu nhân sai chúng ta đến đây liên lạc với "Huyền Chân" là vì cớ gì? Chẳng lẽ huynh đài lại không biết hay sao?

Người kia lắc đầu, gã lại nói:

- Để tiểu đệ nói cho huynh đài nghe. Ngũ phu nhân bảo ta dặn "Huyền Chân" phải lưu ý tới hành động của Bách Duy. Khi nào xét thấy cần thiết thì phải dùng ngay "Mê tâm tán" của bản môn đổ cho hắn uống.

Bách Duy nghe tới đấy, tưởng chừng như bị một thùng nước lạnh dội suốt từ đỉnh đầu xuống, khắp người như nổi da gà. Hắn thật không ngờ mấy chục năm trời cúc cung tận tuỵ phục vụ cho Nam Cung thế gia để đổi lấy cái kết quả cay đắng như ngày nay.

Hắn tự vấn lương tâm thật chư làm điều gì đắc tội với nhà Nam Cung thế gia, không hiểu tại sao họ lại đối xử với mình như vậy?

Hắn còn băn khoăn chưa tìm được giải đáp, thì may sao gã áo đen cao lớn đã lên tiếng hỏi hộ hắn:

- Bách Duy tính tình dẫu xảo quyệt nhưng mấy năm nay hắn đối với Nam Cung thế gia nhà ta, thật đã hết lòng hết sức, tại sao Ngũ phu nhân vẫn còn ngờ?

Gã thấp bé lạnh lùng đáp:

- Hắn cùng bọn Nhâm Vô Tâm từ Điền gia thôn tới đây, dọc đường chỉ chúi vào một xó, không dám thò mặt ra ngoài. Vô Tâm thì đã đành rồi, nhưng còn Bách Duy thì vì cớ gì mà cũng dám ra mặt liên lạc với bọn ta? Trong đó tất phải có nguyên cớ!

Gã kia gật đầu, hắn lại tiếp:

- Bách Duy không ra mặt, cũng chẳng nói làm gì, nhưng còn "Huyền Chân" đã giả điên giả dại, sao cũng cả ngày núp ở trong xe? Có thể hắn đã bị Vô Tâm điểm huyệt, nhưng tại sao Bách Duy không giải huyệt cho hắn, và tìm cách cho hắn hoạt động? Xem đó đủ thấy việc này có nhiều bí ẩn đáng ngờ.

Gã cao lớn lẳng lặng một lúc rồi lại nói:

- Biết đâu không phải là do anh chàng đóng vai "Huyền Chân"...

Gã thấp bé vội ngắt lời:

- Không phải đâu, người ấy là kẻ thân tín của Thái phu nhân, đến Ngũ phu nhân còn phải kiêng nể, ta không nên phê bình. Riêng về phần Bách Duy còn hai điểm đáng ngờ nữa, ấy là ba gã Bách Hộ, Bách Phù, Bách Vệ từ hôm ở Điền gia thôn đến giờ bỗng dưng biết mất, vậy thì họ đi đâu?

Gã kia nói:

- Ừ nhỉ! Điều ấy tiểu đệ cũng đã nghĩ tới, mà không sao đoán ra được!

Gã nọ cười nhạt:

- Ba người ấy đều là tâm phúc của Bách Duy, tất nhiên họ được Bách Duy phái đi đâu vì việc cơ mật gì đó. Bách Duy đã không dám đem việc ấy trình với Ngũ phu nhân, thì đủ hiểu là hắn có gian ý.

Gã kia hình như lúc ấy mới tỉnh ngộ, bèn nói:

- À ra thế! Vậy thì Ngũ phu nhân định đối xử với hắn làm sao?

Gã nọ đáp:

- Cho tới hôm nay, phu nhân vẫn lờ như không biết gì hết, chỉ vì hắn tuy bội phản nhưng chưa có chứng cớ xác thực. Vả lại lúc này vẫn còn có nhiều việc cần phải lợi dụng hắn.

Bách Duy nghe tới đấy mới hiểu hết đầu đuôi, trong bụng vừa sợ vừa giận, nghĩ thầm: "Hừ, đã thế ta cần gì phải tận trung với họ, bất nhược ta giúp Nhâm Vô Tâm phản lại Nam Cung thế gia cho mà coi!"

Chợt lại nghe gã áo đen nói:

- Tuy nhiên ta cũng chẳng sợ gì hắn, vì hắn tuy gian hoạt, nhưng cũng không đến nỗi mù quáng. Cuộc chiến đấu lần này Nhâm Vô Tâm tất đã nắm chắc phần thua, hắn dù bội phản ta theo phe kia, cũng chẳng qua chỉ được một thời gian, rồi cũng chết. Hay nói một cách khác, dù Nhâm Vô Tâm có thắng đi nữa,nhưng hắn đã hãm hại Bách Nhẫn, bội phản sư môn, đó là một tội rất lớn. Chùa Thiếu Lâm môn quy xưa nay vốn đã rất nghiêm, dù hắn có công to đến đâu cũng không thể chuộc được hết tội. Lúc ấy Vô Tâm dẫu có thế lực tày trời cũng không cứu nổi hắn.

Bách Duy nghe hắn nói tới đấy, mồ hôi lại toát ra như tắm. Gã áo đen nói thực không sai, lúc này tình thế của hắn đã như cưỡi trên lưng hổ, tiếng cũng dở mà thoái cũng không xong.

Giữa lúc ấy chợt lại nghe tiếng quần áo bay phần phật từ xa đưa lại. Bách Duy chợt nảy ác ý, nắm lấy một nắm bùn, viên thành từng viên nhỏ.

Hắn ngẩng mặt trông lên đã thấy một cái bóng xám bay tới bên mình. Hắn cong ngón giữa và ngón tay cái thành vòng tròn, nhè nhẹ búng một cái... chỉ nghe "vút" một tiếng, viên bùn xé luồng không khí bay ra. Hắn vì không muốn lộ hình tích, lưng bàn tay để áp xuống mặt đất, nên viên bùn ném không trúng đích, nhưng cũng đủ làm cho người ta phải để ý.

Hai cái bóng đen giật mình vội nhỏm người lên trông ra bốn phía để dò xét, đồng thời cái bóng xám đang bay cũng dừng lại, rơi xuống ruộng cỏ. Người ấy chính là Diệu Quả.

Hai gã áo đen đã trông rõ bóng địch, vội nhảy lùi ra hơn một trượng, đứng thành thế ỷ giốc. Diệu Quả cũng vội rút thanh trường kiếm ra, cầm sẵn ở trong tay.

Ba người đứng trong ruộng cỏ gườm gườm nhìn nhau, chẳng khác gì ba con thú dữ rình mồi.

Một lúc không lâu, Diệu Quả đã sốt ruột, không sao dằn nổi, đã nắm chặt lấy đốc kiếm, tiến lên. Bách Duy thở dài than thầm: "Diệu Quả dại dột khinh địch như thế chỉ tự mua lấy cái chết."

Hắn lại quay mặt nhìn về phía kia, thấy người áo đen phía sau đã đứng cách vũng nước hắn nấp chỉ còn xa độ bốn thước, hai tay duỗi thẳng về phía trước, lưng cúi lom khom, năm ngón tay cong lên như móng ưng, nhỡn quang lóng lánh, thần tính cực kỳ hung ác. Người phía trước cũng đã đứng lên, lấy tấn để đợi nghênh địch.

Diệu Quả tay cầm trường kiếm, đôi mắt luôn luôn đưa đi đưa lại, hai chân hình như nặng tới ngàn cân, nên cứ bước dần từng bước một cách rất chậm chạp. Có lẽ hắn cũng còn e dè vì chưa biết rõ lực lượng của địch thủ.

Hai gã áo đen cũng bắt đầu di động thân hình, nhưng lúc nào cũng giữ một mực độ cách nhau như trước, đó chính là một bộ pháp đặc biệt, làm cho đối phương xuất thủ khó lòng trúng đích.

Diệu Quả chợt hú lên một tiếng, tức thì một luồng ánh sáng xanh lè phóng ra như một chiếc cầu vồng vắt ngang nền trời, nhằm thẳng người cao lớn đánh tới.

Thanh trường kiếm xé luồng không khí rít lên thành tiếng, kiếm phong tinh nhuệ, tấn tốc dị thường.

Gã áo đen không ngờ đối phương tuổi còn nhỏ mà kiếm pháp đã ghê gớm như vậy, trước hắn đã định dùng chiêu thức tay không bắt binh khí, nhưng lúc này lại không dám chỉ vội vàng lùi lại mấy bước, tránh thoát thế kiếm.

Diệu Quả đã định hạ đối phương ngay tức khắc, nên thanh kiếm trên tay luôn luôn rung động, luồng kiếm quang xanh biếc loang loáng tuôn ra, liên tiếp điểm vào mấy huyệt lớn ở hai bên cạnh sườn và sau lưng gã nọ.

Chỉ trong nháy mắt đó gã áo đen bé nhỏ đã lẻn đến phía sau lưng Diệu Quả. Hắn thấy đồng bạn bị nguy, nhưng vẫn chưa ra tay vội, hai cánh tay nửa co nửa duỗi, mười ngón tay xoè ra vây chặt lấy phía sau Diệu Quả.

Lúc này Bách Duy cũng đã len lén bò ra khỏi vũng nước giơ cánh tay lên tác thế, chuẩn bị xông vào.

Hắn thấy Diệu Quả sắp nguy đến nơi, nhưng lại không chịu ra tay ngay, hình như cố ý chờ cho Diệu Quả bị thương đã, rồi mới tiếp cứu thì phải?

Diệu Quả chỉ mải giết cho kỳ được người áo đen trước mặt, bao nhiêu tinh thần chuyên chú vào mũi kiếm, nên không đề phòng có kẻ rình đánh lén sau lưng.

Mà gã áo đen thấp bé cũng tuyệt đối không ngờ là trong bụi cỏ còn có một người nữa, cũng đang lăm lăm định đánh trộm mình.

Tình thế lúc này giống hệt như cái cảnh bọ ngựa bắt ve sầu, mà không dè rằng phía sau còn có con hoàng tước đang chờ sẵn.

Gã cao lớn gắng gượng chống đỡ được năm chiêu, vừa toan cất tiếng gọi đồng bạn tiếp cứu, thốt nhiên một luồng sáng xanh loé lên, rồi máu đỏ phun ra như mưa, gã chỉ kịp rú lên một tiếng, cả cái thân hình đồ sộ đã ngã ngửa xuống ruộng cỏ, tắt thở lập tức.

Nhưng cũng ngay lúc ấy, gã áo đen nấp sau lưng Diệu Quả vội giơ chưởng lên, mười đầu ngón tay của gã đã cắm vào hậu hối và bên sườn Diệu Quả, lực lượng ma chảo kinh hồn đó so với mười thanh đoản kiếm có lẽ còn bá đạo hơn.

Và đồng thời cánh tay của Bách Duy cũng ráng sức vung lên đập vào thiên linh cái của gã.

Gã áo đen chưa kịp rút tay về, vừa ngửa cổ lên cười được một tiếng, đã nghe phía sau có luồng kình phong ập tới. Trong lúc hốt hoảng, không kịp tránh né, chỉ gắng gượng quay lại, nhưng một chưởng của Bách Duy đã đập lên vai hắn đồng thời còn co một chân lên, đá hắn bắn xa ra mấy thước, luôn cả Diệu Quả cũng bị cuốn theo.

Bách Duy tuy bị thương mới khỏi, nhưng nội lực tu dưỡng mấy chục năm đâu phải tầm thường? Huống hồ hắn lại xúc thế từ lâu, nên một cái đá với một chưởng ấy sức mạnh đến thế nào đủ hiểu, gã áo đen có mình đồng da sắt cũng cũng không chịu nổi. Gã chỉ kịp kêu một tiếng, rồi thân hình cũng theo đà chân của Bách Duy bay tung lên, rồi rơi xuống đất, chết thẳng.

Từ lúc Diệu Quả rút kiếm ra cho tới lúc đó, thời gian bất quá chỉ trong khoảnh khắc, mà ba tay cao thủ võ lâm đã lần lượt gục ngã.

Bách Duy trống ngực đập thình thình đủ hiểu tâm hồn hắn đang kích thích tới cực điểm. Hắn biết hắn vừa làm một việc quá ư mạo hiểm, nếu chẳng may gã áo đen không chết, thì chuyến này không hiểu nhà Nam Cung thế gia sẽ hành tội hắn đến thế nào?

Hắn thở phào một tiếng đưa mắt nhìn khắp xung quanh, khi đã chắc chắn không ai, mới lấy ra một chiếc khăn tay, buộc chặt bàn tay lại, rồi kéo ba cái xác đặt ra ba góc, hình như tam giác.

Hắn nắm bàn tay cầm kiếm của Diệu Quả đâm vào gã thấp bé mấy nhát, che giấu vết thương bị chưởng lực của hắn đánh trúng, dàn thành một cảnh ác chiến giữa ba người và cùng đâm chết lẫn nhau.

Mọi việc vừa xong, hắn lại thò tay vào túi hai người áo đen khám kỹ một lượt, thấy trong mình người cao lớn có vài món đồ dùng lặt vặt và một hạt đào nhỏ bằng vàng đúc rất khéo, y như món đồ chơi của những nhà phú quý.

Bách Duy cũng không xem kỹ chỉ bỏ luôn vào túi, rồi lại khám tới người bé nhỏ. Trong mình người này ngoại trừ mấy món đồ vặt, còn có cái ngân bài mặt chính khắc một chữa "lệnh" bốn bên khắc ba mươi sáu ngôi sao, mặt trái cũng có hai chữ "Địa Sát" theo lối cổ triện. Xung quanh cũng khắc toàn ngôi sao, nhưng còn thêm một mảnh trăng lưỡi liềm nữa. Bách Duy nghĩ thầm: "À, thì ra tên này là người trong bảy mươi hai chức địa sát, thảo nào mà hắn hống hách như vậy. Nhưng không biết tên hắn là gì?"

Hắn lại cúi xuống xem kỹ lần nữa, thấy trong mình gã bé nhỏ còn có một chiếc bình ngọc, có lẽ là bình thuốc mê mà gã dự định sai "Huyền Chân" lén cho Bách Duy uống.

Cái làm cho Bách Duy chú ý nhứt là một phong thư rất dầy dán kín, trên không đề tên ai, chỉ đóng một cái dấu có chữ "lệnh" giống hệt cái dấu trên ngân bài.

Bách Duy ngần ngừ một lát rồi ghé răng cắn dấu phong bì định lôi phong thư ra xem. Chợt nghe phía xa có tiếng người gọi:

- Tứ sư đệ! Bách Duy đại sư!

Bách Duy giật mình, biết là Diệu Vũ đang đi tìm mình và Diệu Quả, bèn vội giấu phong thư vào trong bít tất. Tiếng gọi mỗi lúc một gần, đó chính là chỗ tinh tế của Diệu Vũ, nếu hắn cứ ngậm miệng mà đi thì dù có quân địch nấp trong bụi cỏ, cũng không sao dò ra được. Và nếu trong ruộng cỏ quả có quân địch thì chắc chắn Bách Duy và Diệu Quả đã bị hại rồi, dù hắn có im hơi lặng tiếng cũng khó lòng tránh khỏi con mắt đối phương và như thế thì chỉ làm cho đối phương có thì giờ chuẩn bị, nấp trong bóng tối đánh kẻ ngoài sáng thật dễ như trở bàn tay.

Đằng này hắn cứ vừa đi vừa gọi réo lên như thế, tuy rằng đả thảo kinh xà, nhưng cũng đủ làm cho đối phương kinh sợ, và nếu hai người kia chưa bị hại, thì nghe tiếng gọi tất phải thưa lên, thế là đỡ mất công tìm kiếm.

Nhưng Diệu Vũ có ngờ đâu sự khôn ngoan của mình lại dùng không đúng chỗ. Vừa rồi Bách Duy đã lấy phong mật thư ra đọc, nếu hắn cứ len lén đi tới, thì thế nào cũng bắt đúng quả tang, Bách Duy hết đường chối cãi, đằng này chẳng những hắn đã đủ thì giờ giấu bức thư đi, lại còn kịp bố trí để che đậy tội lỗi. Hắn lại lăn mình xuống nước, nhưng có ý tỳ cánh tay cụt xuống trước cho vết thương vỡ ra, rồi nhắm mắt lại vờ ngất đi.

Tiếng gọi vừa dứt, lại nghe tiếng rẽ cỏ lào xào, rồi tiếp theo là một tiếng rú khủng khiếp của Diệu Vũ, thì ra hắn đã trông thấy xác sư đệ.

Hắn đứng lặng người như chôn xuống đất, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Mãi một lúc sau, hắn mới cố gắng định thần, bước tới bên gã áo đen cao lớn, vạch mấy vết thương của gã ra xem một cách rất tỉ mỉ.

Hắn cầm thanh kiếm trong tay Diệu Quả lên, lấy vạt áo chùi một chút máu dính trên mũi kiếm, đem so với máu gã áo đen, rồi gật gù nói một mình:

- Tên này quả bị lão Tứ giết thật, kể cũng không đến nỗi lỗ vốn!

Hắn lại cúi xuống xem kỹ thi thể của Diệu Quả, thấy trên xương sống của nạn nhân bị người dùng công phu "Ma chảo lực" đánh bầm tím nhiều chỗ, hắn cầm bàn tay người bé nhỏ lên coi, chỉ thấy bàn tay khô quắt, đen thui thủi trông giống bàn tay ma, mười đầu ngón tay dính đầy những máu, rõ ràng là Diệu Quả đã chết bởi những cái móng tay ấy.

Diệu Vũ oán hận đầy lòng, cặp mắt quắc lên như nảy lửa. Hắn chợt thét to một tiếng, co một chân lên đá phốc cái xác của gã thấp bé bắn xa mấy thước. Bách Duy từ nãy vẫn hé mắt trông trộm, thấy Diệu Vũ khám mấy cái thi thể kỹ quá, trong bụng đã hơi run, chỉ lo khi hắn thử tới máu gã thấp bé, thấy không có ở trên thanh kiếm của Diệu Quả, thì gian mưu của hắn bị bại lộ mất.

Nhưng may làm sao, Diệu Vũ chẳng những đã không xét xác gã cẩn thận như mấy cái xác kia,lại còn đá hắt đi chỗ khác, hắn mới thở phào một hơi, như vừa trút được gánh nặng. Đoạn lại rụt đầu chui vào vũng nước, chẳng quản mắt mũi, mồm miệng đều dính đầy bùn.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-60)


<