Vay nóng Tinvay

Truyện:Tam Quốc diễn nghĩa - Hồi 057

Tam Quốc diễn nghĩa
Trọn bộ 119 hồi
Hồi 057: Gia Cát Lượng khóc viếng Châu Du Bàng Sĩ Nguyên chung lo việc nước
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-119)

Siêu sale Lazada

Gia Cát Lượng khóc viếng Châu Du

Bàng Sĩ Nguyên chung lo việc nước

Châu Du được vực xuống thuyền, tả hữu lại trình:

- Lưu Bị đang uống rượu ở trên núi với Khổng Minh.

Châu Du càng bực tức, bỗng có tin Tôn Du vâng lịnh Ngô Hầu đã đem ba vạn binh ròng tới tiếp ứng.

Châu Du liền quyết tâm đánh lấy Tây Xuyên.

Thuyền đi tới Ba Khẩu bỗng gặp chiến thuyền Lưu Phong, Quan Bình xuất hiện.

Châu Du ra lịnh tiến đánh, chợt nghe báo có thư của Khổng Minh gởi tới.

" Thơ từ dạo xa nhau ở Sài Tang lúc nào tôi cũng mong nhớ Ðô Ðốc, nay nghe tin Ðô Ðốc định đi đánh Tây Xuyên. nghĩ rằng Lưu Chương không phải dễ đánh vì Ích Châu hiểm trở dân mạnh, lại e rằng Tào Tháo nhơn dịp đó mà đánh Giang Nam báo thù trong lúc Ðô Ðốc vắng mặt nên tôi không nỡ ngồi xem cảnh đó, dám mong túc hạ nghĩ lại."

Châu Du xem rồi, nghe trong mình mệt mỏi liền truyền tả hữu giấy mực viết gởi Ngô Hầu một bức thơ, xong gọi hết chư tướng lại gần nói, tôi không phải không hết mình vì nước để bảo ơn Ngô Chúa, ngặt vì tôi đây e mệnh tôi sắp dứt, đành nhờ các ông phải hết sức khuông phò Ngô Chúa cho nên nghiệp cả. Dặn rồi ngất đi hồi lâu. Các tướng xúm lại lay gọi, Châu Du chợt tỉnh hét vang một tiếng:

- Trời sanh Du, sao còn sanh Lượng? Rồi thở hơi cuối cùng.

Thương thay Công Cẩn một lòng vì nước, vì Chúa, nay thác đi mới được ba mươi sáu tuổi.

Các tướng cho phát tang tại Ba Khẩu, rồi cho người mang thơ của Châu Du về dâng Tôn Quyền.

Ngô Hầu khóc lóc thảm thiết, bèn cử Lỗ Túc làm Ðô Ðốc, mặt khác cho đem linh cữu Châu Du về kinh mai táng.

Ðêm ấy Khổng Minh đang xem thiên văn, thấy một ngôi sao tướng mệnh sa xuống đất, nói rằng:

- Châu Du chết rồi!

Sáng hôm sau, quả thiệt có tin đưa tới.

Huyền Ðức hỏi:

- Bây giờ ai thế Châu Du?

Khổng Minh đáp:

- Chắc Lỗ Tử Kính.

Sau đó Khổng Minh lại thưa:

- Xin cho tôi qua bên Ðông Ngô điếu tang. May ra lại tìm được người hiền để về giúp Chúa công.

Huyền Ðức tỏ lo ngại, Khổng Minh nhứt định xin đi. Huyền Ðức phải chấp thuận và cho Triệu Vân cùng năm trăm binh đi theo.

Khổng Minh đi thẳng tới Ba Khẩu, nghe linh cữu Châu Du đã đưa về Sài Tang.

Khổng Minh liền đi sang Sài Tang, dọc đường hay Lỗ Túc đã được cử làm Ðô Ðốc thay thế Châu Du.

Lỗ Túc thiết lễ tiếp đón Khổng Minh, còn các tướng Ðông Ngô ai nấy hăm hở muốn giết Khổng Minh để báo thù cho Châu Du, nhưng thấy có Triệu Vân nên chưa dám.

Sau khi bầy lễ vật, đốt hương đàn, Khổng Minh quì xuống trước linh sàng Châu Du đọc bài tế điếu như sau:

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,

Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót

Lượng tôi tới đây, kính dâng ly rượu

Anh Có linh thiêng xin về chứng giám

Nhớ xưa đi học, chơi với Bá Phù

Nhường cơm sẽ áo, một lòng thương nhau

Nhớ anh còn trẻ, chí cả ngàn trùng

Vẫy vùng một cõi, độc lập Giang Ðông

Quyền cao chức trọng, trấn giử Ba Khẩu

Khiếp oai Lưu Biểu, đẹp dạ Ngô Hầu

Diện mạo như ngọc, Tiểu Kiều đẹp đôi

Rể tôi nhà Hớn, hỏi được mấy người?

Anh hùng cái thế, chẳng khứng qui Tào

Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao

Phong tư cốt cách, Tương Cán ngở ngàng

Hết đường thuyết khách, nói cười như không

Thương anh lừng lẩy, văn võ kiêm toàn

Hỏa công một trận, Xích Bích lừng vang

Làm sao sớm khuất, ai hởi Chu Lang

Lượng tôi đau xót, huyết lệ hai hàng

Sống đũ trung nghĩa, mất được thảnh thơi

Tuổi thọ ba chục, danh lưu muôn đời

Lòng tôi bối rối, vạn mối tơ vò

Tâm nầy lửa đốt, ruột héo gan khô

Giang Ðông tang tóc, ba quân bàng hoàng

Chúa thời tuôn lệ, bạn thời khóc than

Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau

Giúp Lưu phò Hớn, cùng Ngô phá Tào

Gây thế ỷ dốc, sớm hôm bàn mưu

Lượng tôi kém cỏi, mong trông cậy nhiều

Nào ngờ Công Cẩn!, sớm khuất từ đây

Mênh mang chánh khí, trời thẳm đất dầy

Anh linh chứng dám, rủ thương lòng nầy

Từ nay tri kỷ, biết ngỏ cùng ai?

Thương ôi, có thiêng, xin về thượng hưởng....

Khổng Minh nghẹn ngào mãi mới đọc hết, đọc xong gục mặt xuống đất khóc lóc như mưa, thảm thương vô cùng, đầu tóc rủ rượi, muốn cho các tướng đang tức giận muốn ăn tươi nuốt sống Khổng Minh cũng phải nói với nhau:

- Người ta cứ nói Công Cẩn với Khổng Minh bất hòa, nhưng nay xem như vậy, thì có lẻ là thiên hạ xét sai.

Lỗ Túc cũng nghĩ trong bụng:

- Khổng Minh bi thiết như vậy, lòng dạ chắc tốt, chẳng qua Công cẩn hẹp lượng nên mình hại mình đấy thôi!

Phúng điếu xong xuôi. Khổng Minh được bên Ðông Ngô thết đãi tử tế.

Mãn tiệc Khổng Minh xin về, tới bờ sông, chợt có người ở sau vỗ vai nói:

- Ngươi chọc Công Cẩn tức mà chết, lại còn sang điếu tang, dể khinh Ðông Ngô không có người biết hay sao?

Khổng Minh thất kinh, nhìn lại là Phụng Sồ tiên sanh bèn dắt nhau xuống thuyền trò chuyện. Sau đó Khổng Minh dặn Bàng Thống khi nào không ở với Ðông Ngô nữa, xin sang Kinh Châu cùng phò Huyền Ðức.

Bàng Thống gật đầu, hai người chia tay.

Một hôm Lỗ Túc vào trình với Tôn Quyền:

- Tôi xin tiến cử người khả dĩ giúp chúa công gây dựng nên nghiệp lớn xin chúa công cho thĩnh về.

Tôn Quyền hỏi ai.

Lỗ Túc thưa:

- Người ấy họ Bàng tên Thống tự Sĩ Nguyên tức Phụng Sồ tiên sanh.

Tôn Quyền lập tức cho Lỗ Túc mời Bàng Thống tới.

Làm lễ ra mắt xong, Tôn Quyền thấy Bàng Thống hình dung xấu xí có ý chẳng vừa lòng.

Sau một hồi đàm luận Tôn Quyền hỏi tài của tiên sanh so với Công Cẩn thế nào?

Bàng Thống đáp:

- Cái học của tôi so với Công Cẩn khác nhau xa.

Ngô Hầu xưa nay quí mến Châu Du cái gì cũng cho Châu Du là nhất, nay nghe Bàng Thống khinh tài Châu Du như vậy trong lòng không đẹp, nói rằng:

- Tiên sanh hãy tạm lui khi nào cần tôi sẽ triệu thỉnh.

Bàng Thống thở dài lui ra. Sau đó Bàng Thống lặng lẻ qua Kinh Châu tìm sang Huyền Ðức.

Huyền Ðức nghe Phụng Sồ tiên sanh tới, cả mừng, mời vào lập tức. Nào ngờ Huyền Ðức cũng như Tôn Quyền thấy Bàng Thống trán vồ, mũi hệch, tướng mạo không đẹp có vẽ không vui. Trước kia, Khổng Minh đã viết sẳn một bức thư tiến cử Bàng Thống cho Huyền Ðức. Bàng Thống mang theo, nhưng không đưa ra để xem Huyền Ðức là người thế nào.

Ðàm luận một hồi Huyền Ðức nói:

- Huyện Lôi Dương cách đây trăm dặm chức tri huyện còn khuyết, cảm phiền tiên sanh lãnh chức dùm cho, sau này sẽ hay.

Bàng Thống thấy Huyền Ðức đối xử nhạt nhẻo như vậy, lúc đó Khổng Minh lại đi vắng, nên cũng cứ tới huyện Lôi Dương xem sao.

Tới huyện, nhìn qua công việc, rồi Bàng Thống không làm gì hết, cả ngày uống rưọu rồi ngủ.

Sự việc tới tai Huyền Ðức. Huyền Ðức giận lắm, cho Tôn Càng, Trương Phi đi tra xét các huyện và tới Lôi Dương trước.

Tới nơi, nha lại đều ra đón tiếp, Trương Phi hỏi:

-Quan huyện sao lại vắng mặt?

Mọi người thưa:

- Quan bỏ phế mọi việc, suốt ngày uống rượu ngủ vùi. Hiện đang say nên không biết có thượng quan tới.

Hôm sau, Trương Phi cho kêu Bàng Thống tới.

Bàng Thống ăn mặc xốc xếch đi tới.

Trương Phi nạt:

- Sao huynh trưởng ta đi giao huyện cho một người bê bối thế này!

Bàng Thống cười nhạt:

- Huyện nhỏ như lổ mũi, tướng quân cứ ở lại xem tôi làm việc.

Nói rồi khiến nha lại ôm tới hồ sơ chất đống cả hàng trăm ngày, tay phê, mắt liếc đọc, miệng phân xử, mọi việc chỉ nháy mắt đã xong, đâu đó phân minh, mọi người có mặt đều bái phục.

Xong việc, Bàng Thống nói:

- Nào tôi có gì bê trễ, Tào Tháo Tôn Quyền tôi còn xem như trong lòng bàn tay, sá gì việc một huyện như thế nầy.

Trương Phi thấy thế, biết Bàng Thống là bậc kỳ tài, lật đật tạ lỗi. Thì Bàng Thống mới đưa thư tiến cử của Khổng Minh ra.

Trương Phi xin về trước rồi đưa thư cho Huyền Ðức xem.

Lúc đó Khổng Minh cũng vừa về tới, lật đật nói:

- Phụng Sồ còn hơn tôi gấp bội, xin Chúa công mau trọng dụng.

Huyền Ðức liền thỉnh Bàng Thống về, phong chức phó quân sư, lòng mừng rỡ nói:

- Ta có đủ cả Phục Long, Phụng Sồ, nhà Hớn ắt hưng lại được?

Nói về Tào Tháo ở Hứa đô ban ngày lo thao luyện binh mã, được tin Huyền Ðức đang có Phục Long, Phụng Sồ giúp sức, mưu liên kết với Ðông Ngô, đánh lên phía Bắc.

Tào Tháo bàn với các tướng nên đánh đâu trước?

Tuân Du nói:

- Nhân Châu Du mới thác, nên đánh Tôn Quyền trước.

Tào Tháo nói:

- Ta hãy lo việc gần là bọn Mã Ðằng đã.

Tuân Du hiến kế:

- Thừa Tướng nên phong Mã Ðằng làm Chinh Nam tướng quân, khiến y đi đánh Tôn Quyền, xong dụ y về đây trừ đi là xong. Tào Tháo y kế thi hành.

Nguyên Mã Ðằng dòng dõi Mã Viện, có nhiều công lao, lại kết nghĩa với Hàng Toại, ngày ấy bỗng nhận được chiếu, gọi con lớn Mã Siêu tới bàn:

- Xưa cha đã muốn hiệp với Huyền Ðức trừ Tào Tháo, nhưng Huyền Ðức bại luôn, ở tít tận Kinh Châu, nên chưa kết liên được. Nay Tào Tháo lại cho người tới phong chức cho cha, vậy liệu làm sao?

Mã Siêu thưa:

- Bề gì Tào Tháo cũng lấy lịnh của thiên tử, không nghe thì mang tiếng nghịch trào đình. Chi bằng cứ về đó xem rồi tùy cơ liệu định.

Mã Ðằng liền cho Mã Siêu ở lại lo bảo thủ Tây Lương, chỉ đem Mã Hưu, Mã Thiệt và Mã Ðại theo về Hứa đô.

Gần tới Hoa Ở, Mã Ðằng đồn binh lại.

Tào Tháo hay tin dặn Huỳnh Khê rằng:

- Ngươi tới khao quân Mã Ðằng rồi bảo mai bệ kiến, ta sẽ cấp thêm binh mã cho đi đánh phương Nam. Huỳnh Khê lãnh mạng đến nơi, Mã Ðằng mời vào dự tiệc.

Tiệc nửa chừng, Huỳnh Khê bỗng khóc rống lên rằng:

- Cha tôi chết vì nạn Lý Thôi, Quách Dĩ nay lại gặp tên Tào tặc này nữa.

Mã Ðằng cho là Tào Tháo sai người thử mình, vội nói:

- Sao ông lại loạn ngôn như vậy?

Huỳnh Khê hỏi:

- Ông quên đái chiếu thiên tử rồi sao?

Mã Ðằng thay Huỳnh Khê tỏ thiệt tình, cũng tỏ tâm sự cho bạn rõ. Hai người uốg rượu mừng đến tối Huỳnh Khê về say rượu, nói hết cho tiểu thiếp Lý Xuân Hương nghe.

Xuân Hương vốn ngoại tình với Miêu Trạch, mà Miêu Trạch chỉ mong có cơ hội trừ khử Huỳnh Khê nên vội báo cáo với Tào Tháo.

Tào Tháo kêu Hứa Chữ và Tào Hồng dặn làm như vậy, như vậy.

Huỳnh Khê lập tức bị bắt. Còn Mã Ðằng kéo tới bên thành, thấy một đạo cờ đỏ huy hiệu Thừa Tướng, định bất ngờ xông lên giết Tào Tháo, nào ngờ Tào Hồng, Hứa Chữ, Hạ Hầu Huyên xông ra vây đánh.

Mã Thiệt bị tên thác, Mã Hưu và Mã Ðằng đều bị bắt.

Tào Tháo cho Huỳnh Khê, Miêu Trạch cùng vào đối chúng với Mã Ðằng, rồi đem chém hết.

Miêu Trạch kêu oan, Tào Tháo bảo:

- Ngươi vì một con đàn bà mà làm liên lụy nhiều người, tội thật đáng chém!

Chỉ có Mã Ðại ở ngoài thành, chạy thoát về Tây Lương báo tin cho Mã Siêu.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-119)


<