← Hồi 27 | Hồi 29 (c) → |
Thời gian thấm thoắt trôi.
Nửa năm đã trôi qua mà Cừu Thạch, Đoàn Khuê Văn, Khả Mỹ Dung dù đã sục tìm kỹ khắp nơi bất kể là thâm sơn cùng cốc vẫn không tìm được tông tích gì của Từ Kinh Nhân - Thạch Kiện Toàn.
Không nản lòng, Cừu Thạch bảo với hai nàng:
- Văn tỷ tỷ, Dung muội muội. Hai người đã chán ngán kiếp sống giang hồ chưa?
Khả Mỹ Dung từ sau lần bị nội thương, sau đó hội diện lại với Cừu Thạch đâm ra ít nói hẳn. Nàng điềm đạm hơn, trầm tĩnh hơn, do đó thường ý nghĩ nàng nói ra đều đã được nàng suy nghĩ kỹ lưỡng. Vấn đề mà Cừu Thạch vừa nêu ra xem chừng Khả Mỹ Dung đã nghĩ đến từ lâu nên nàng đáp lại ngay:
- Đúng là chán ngán thật. Không hiểu tại sao lại có nhiều người suốt đời thích sông phiêu bạt, bôn tẩu giang hồ đến thế nhỉ? Văn tỷ tỉ nhận thấy thế nào?
Đoàn Khuê Văn tuy cũng rất vui khi được đồng hành cùng Cừu Thạch và Khả Mỹ Dung, nhưng nàng cũng không thể không chán ngán. Đoàn Khuê Văn đáp:
- Xem ra Thạch đệ tuy niên kỷ không là bao, nhưng lại có cái nhìn viễn kiến. Thảm nào đệ lại không ham thích gì ngôi vị Minh chủ. Làm Minh chủ để làm gì khi không bao giờ được nghĩ đến việc riêng của ta? Chuyện bất bình ở đâu mà lại không có? Có Minh chủ hay không có Minh chủ thì chuyện bất bình cũng không ít hơn hay nhiều hơn là bao. Phải thế không? Thạch đệ?
Được có đến hai người đồng tâm đồng điệu. Cừu Thạch thích chí cười vang lên, sau đó chàng mới nói nhận định của chàng:
- Văn tỷ tỉ nói không sai! Do là Minh chủ nên khi ta đi đến đâu cũng thấy xốn mắt trước những bất bình, và đã xốn mắt thì không thể chỉ lấy mắt mà ngó. Yên tâm đi. Xong việc này chúng ta sẽ an nhàn thảnh thơi nếu không là Thúy Diệp cốc thì cũng là Khô Lâu cốc.
Cừu Thạch nói thế là đã quá rõ, khiến cho hai nàng dù là hung dữ hay trầm tĩnh gì thì cũng phải sung sướng đến đỏ mặt.
Đoàn Khuê Văn có phần nào nôn nóng, nên đã hỏi:
- Khi nào sẽ xong?
Cừu Thạch lộ vẻ suy tư đáp:
- Chờ xong chuyến đi này đệ mới biết chắc được.
- Đi đâu?
Đến lượt Khả Mỹ Dung không nhịn được đã phải hỏi gặng, Cừu Thạch bèn đáp với vẻ cả quyết:
- Thạch Cúc đảo!
- Sao lại là Thạch Cúc đảo!
Cả hai nàng cùng kinh ngạc khi hỏi thế, Cừu Thạch lập lại lần nữa, sau đó mới giải thích cho hai nàng nghe:
- Không sai! Đúng là Thạch Cúc đảo. Vì hai nàng có thấy lạ không, khi đã lâu, chúng ta không bắt gặp một tung tích gì về gã tặc Từ, vẫn không thấy một môn nhân nào của Lam Y môn cả. Vậy thì Thạch Cúc đảo không là nơi đáng để chúng ta nghĩ đến sao?
Ngẫm nghĩ những lời Cừu Thạch vừa mới nói, hai nàng Đoàn, Khả đồng cảm nhận mười phần đúng hết bảy tám phần, do đó Đoàn Khuê Văn liền nói:
- Ngươi biết đường đi đến Thạch Cúc đảo không?
Cừu Thạch thấy cả hai hầu như tán đồng với chàng, chàng ra vẻ phấn khích nói nhanh:
- Cứ hướng đông mà đi thì lo gì không tìm được chứ? Đi thôi!
*****
Phàm đã là cư dân sống ven biển, thì ai lại không biết danh tự Thạch Cúc đảo? Do đó Cừu Thạch và hai nàng Đoàn, Khả chỉ gặp đôi chút khó khăn khi nghe thuyền phu trước khi cập biến hỏi:
- Tam vị định cập đảo nào?
Do có dung mạo đẹp đẽ, lại là nữ nhân nên Đoàn Khuê Văn giành phần đối đáp:
- Thì còn đảo nào nữa, Thạch Cúc đảo đó.
Nếu không vì Đoàn Khuê Văn là giai nhân tuyệt sắc, lại có mang kiếm bên lưng, thì có lẽ tên thuyền phu đã mắng té tát vào mặt nàng rồi. Đằng này hắn chỉ tươi cười, đoạn dài dòng giải thích:
- Cô nương à! Tiếng là Thạch Cúc đảo, nhưng lại là một quần thể gồm năm đảo lận. Cô nương phải biết rõ đảo nào trong năm đảo mà cô nương muốn đến thì tiểu nhân mới cập bờ chính xác được, chứ...
Hắn còn muốn nói nữa, nhưng Đoàn Khuê Văn đã cắt ngang, nàng hỏi hắn:
- Có đến năm đảo ư? Là những đảo gì?
- Tọa đảo và Tiền, Hậu, Tả. Hữu bồn đảo nữa là năm, cô nương muốn...
- Ngươi có biết ghềnh Giải Oan ở đảo nào hay không?
Cừu Thạch do không rõ đích xác nên đã phải hỏi hắn như thế. Phần thì chàng còn biết đến danh tự này ngoài Thạch Cúc đảo mà mẫu thân đã nói cho chàng nghe.
Tên thuyền phu trợn mắt nhìn cả ba người, sau đó hắn làm ra vẻ đã hiểu, bèn nói:
- Là ở Hậu đảo. Té ra là chư vị đây muốn tìm đến ghềnh Giải Oan ư? Là muốn tự tuyệt hay là đến cúng vái vong linh ai?
Suýt nữa thì Đoàn Khuê Văn đã đập cho tên thuyền phu một chưởng khi hắn bảo bọn nàng đến đó tự tuyệt. Nhưng Cừu Thạch đã kịp ngăn lại bằng mắt. Đoạn chàng đáp:
- Không tự tuyệt, cũng không cúng bái gì hết. Là bọn ta muốn tìm đến động Khốc Biệt. Ngươi biết chốn này chứ?
Tên thuyền phu một lần nữa tỏ ra hiểu khi hắn nói:
- Thì ra chư vị đến đây tiễn biệt người thân. Tiểu nhân sao lại không biết chứ?
Đoàn Khuê Văn liền trừng mắt hối thúc hắn:
- Biết thì chèo đến ngay đi, trời sắp tối rồi.
- Đi ngay! Tiểu nhân trèo ngay đây.
Thế là tên thuyền phu vừa chèo vừa lầm bầm:
"Xúi quẩy, chở ai lại không chở, nhè bọn người đi tiễn biệt người sắp từ giã cõi đời. Đúng là xúi quẩy.".
Được chừng một lúc, Cừu Thạch lại hỏi:
- Ngươi liệu có thể đưa bọn ta đến thẳng ghềnh Giải Oan không?
Tên thuyền phu lắc đầu đáp:
- Đó là nơi bọn kình ngư thường hay tụ tập, tiểu nhân thực tình không dám.
Cừu Thạch nghe gã nói thế bèn không ép buộc gã nữa, nhưng chàng lại nhìn Đoàn, Khả hai người ý muốn nói:
"Chỗ đó vốn là thế, vậy mà mẫu thân chàng lúc đó võ công không còn là bao, lại còn mang vết thương trí mạng thế mà vẫn còn sống. Đủ biết mẫu thân chàng đã phải khốn đốn biết là bao nhiêu với chí cầu sinh. Cầu sinh để được rửa thù.".
Câu chuyện bi thảm này hai nàng đã từng nghe Cừu Thạch kể qua, do đó hai nàng đã từng nghe Cừu Thạch kể qua, do đó hai nàng rưng rưng nước mắt nhìn lại chàng và gật đầu, tỏ ý đã hiểu nỗi thống hận của chàng còn cao hơn núi Thái nhiều là sự thật.
Với lòng thống hận đó, khi cả ba người đặt được chân lên Hậu đảo, thì Cừu Thạch đã lẳng lặng dùng khinh thân lượn quanh đảo một vòng. Đêm đã về khuya từ lâu, nên hai nàng Đoàn, Khả không khó khăn lắm trong việc chạy theo Cừu Thạch.
Đúng như mẫu thân đã nói, trú sở của người Lam Y môn rất bí ẩn, ít người biết đến. Cừu Thạch trước sau đã dò hỏi ba cư dân bản địa, họ chỉ lắc đầu không biết gì hết.
Đoàn Khuê Văn thấy thế bèn hỏi:
- Lệnh tiên mẫu không chỉ rõ nơi nào sao?
Cừu Thạch lắc đầu:
- Những gì liên quan đến sư môn tiên mẫu không bao giờ đề cập đến cả.
- Vậy thì... nếu không tìm được thì đêm nay chúng ta biết ngụ ở đâu đây?
Cừu Thạch lặng lẽ trầm tư dáng suy nghĩ, sau mới gượng hỏi:
- Hai người dám đến động Khốc Biệt không? Có sợ oan hồn uổng tử không?
Khả Mỹ Dung liền đáp thay cho Đoàn Khuê Văn vì cả hai bây giờ là một, vốn là một:
- Việc gì phải sợ! Cứ xem như chúng ta đến để tưởng niệm lệnh tiên mẫu vậy.
Cảm động trước mối chân tình, Cừu Thạch gật đầu nói:
- Đa tạ! Thay mặt tiên mẫu, Cừu Thạch này xin khắc cốt ghi tâm.
Hai nàng thấy thế suýt nữa đã bật khóc, cũng may là Cừu Thạch đã nói tiếp:
- Thôi! Có đi thì đi cho sớm vậy.
Dù chưa biết ghềnh Giải Oan và động Khốc Biệt ở đâu, nhưng cứ dựa vào địa thế của Hậu đảo Cừu Thạch cứ lựa chỗ nào có dốc cao là đi.
Quả nhiên, khi đến được chỗ xa hẳn dân cư, Cừu Thạch đã nhìn thấy mờ mờ phía dưới ánh sáo đêm một hang động. Và từ phái đó, tiếng sóng hung hãn vỗ vào ghềnh đá nghe rõ mồn một. Biết đã đến không lầm chỗ, Cừu Thạch cứ hướng đó mà đi tiếp.
Và khi còn cách động Khốc Biệt độ mười trượng, thì Cừu Thạch đột ngột dừng lại khiến hai nàng phải kinh ngạc. Nhưng hai nàng chưa kịp lên tiếng hỏi, thì Cừu Thạch đã đặt một ngón tay lên môi. Rồi hạ giọng thấp xuống, chàng nói:
- Suỵt! Trong động Khốc Biệt dường như có người.
Sinh nghi, hai nàng bèn ngưng thần lắng tai nghe ngóng một lúc. Nhưng ngoài tiếng sóng vỗ ầm ầm, hai nàng nào nghe được gì. Nhưng do đã biết thính lực của Cừu Thạch, nên hai nàng không thể không tin. Và ngay lúc đó Cừu Thạch lại bảo:
- Dường như người đó đang lảm nhảm gì một mình, hai người cứ đứng ở đây, để ta đến đó xem thử nha.
Không chờ hai nàng tỏ ý tán đồng, Cừu Thạch đã lăng không vượt đến thật êm thầm không cả tiếng giũ y phục. Thế mà từ trong lòng động đã có tiếng người quát hỏi:
- Là ai? Ta đã nghiêm lệnh rồi kia mà? Sao lại còn dám tới đây?
Hai nàng Đoàn Khả hốt nhiên giật mình kinh sợ cho công phu của người trong động. Chính như hai nàng đây còn không sao nghe được bất kỳ tiếng động nào do Cừu Thạch phát ra, thế mà người đó lại...
- Hai người sao còn đứng đó, dám bất tuân thượng lệnh từ Lam Chủy lệnh sao?
- Thạch Kiện Toàn!
- Từ Kinh Nhân!
Hai nàng phần vì vỡ lẽ ra rằng người đó vốn quát lên như thế là muốn quát với hai nàng, chứ không phải là do đã phát hiện được Cừu Thạch mà quát. Và rồi hai nàng đã không kiềm được sự kinh ngạc, sự vui mừng, sự phấn khởi khi qua ngữ điệu của người đó đã tốt giác hắn chính là kẻ họ đang tìm kiếm, là kẻ vốn đang cầm giữ Lam Chủy lệnh, nên hai nàng nhất thời đã hô hoán lên. Một nàng thì gọi hắn bằng tên hiện thời, còn một thì gọi đúng bằng danh tánh của hắn.
Vừa nghe được hai tiếng hô hoán lạ tai và trịnh thượng này, tên trong động Khốc Biệt lại quát:
- Là ai? Sao dám gọi đích danh Môn chủ?
Đến lúc đó Cừu Thạch mới ỡm ờ lên tiếng:
- Thạch Kiện Toàn! Mi đang khóc ai thế? Hay là mi khóc cho chính mi vậy? Mi thần cơ diệu toán đã tính được ngày tàn của mi sao?
Âm thanh của Cừu Thạch làm sao Từ Kinh Nhân quên được? Vốn đang sợ Cừu Thạch từ trong thâm tâm, nên hắn đã kêu lên:
- Cừu Thạch! Ngươi đến tận đây ư? Làm sao ngươi biết ta đang ở đây? Thôi ta hiểu rồi. Ra là oan hồn của con tiện nhân đã đưa đường ngươi đến đây. Ha ha ha... vừa khéo, vừa khéo lắm... vậy là đỡ công cho ta biết mấy. Ha ha ha...
Ngữ điệu lúc đầu của Từ Kinh Nhân thì Cừu Thạch và hai nàng còn hiểu được, nhưng càng về sau thì tất cả còn ngơ ngác, không hiểu Từ Kinh Nhân có cái gì sở cậy mà hắn đã nói thế.
Không vội, Cừu Thạch lẳng lặng từ một bên động tiến hẳn ra ngay động khẩu. Sau đó Cừu Thạch mới hướng vào lòng động mà nói:
- Để mi khỏi cực công, thì ta đây này. Thạch Kiện Toàn, đêm nay là đêm cuối cùng của mi ở trên đời. Mi còn muốn nói gì không?
Đoàn Khuê Văn, Khả Mỹ Dung cũng khoa chân bước lần đến và hai nàng đã nhìn thấy Từ Kinh Nhân đang ung dung từ trong lòng động tiến ra, và trên tay hắn là thanh Lam Chủy lệnh.
Hắn nhìn chằm chằm vào Cừu Thạch, đoạn bảo với vẻ cuồng ngạo:
- Còn chưa biết là đêm cuối cùng của ai đâu, tiểu tử chưa ráo máu đầu kia. Thế nào? Muốn đấu chưởng hay kiếm, chọn đi!
Xoa hai tay vào nhau, Cừu Thạch nhởn nhơ đáp:
- Ta biết mi vốn sở trường về kiếm, vậy thì tùy mi vậy. Ta sẽ cho mi tâm phục khẩu phục ngậm người nơi chín suối. Đoàn Khuê Văn, đưa ta thanh kiếm của nàng đây.
Đây là giờ phút cuối, nên Đoàn Khuê Văn rất đỗi vui mừng khi nghe Cừu Thạch gọi nàng theo lối đó, chứ còn cách nào khác, nếu sau khi diệt được ác nhân này, nàng và Khả Mỹ Dung không là thê tử của Cừu Thạch sao? Do đó, cúc cung Đoàn Khuê Văn nâng trường kiếm trên hai tay dâng lên cho chàng. Đoạn hai nàng bước lùi lại, chuẩn bị xem một trường huyết chiến ngắn ngủi mà kẻ thắng chắc chắn phải là Cừu Thạch.
Tay hững hờ giữ kiếm. Cừu Thạch trầm giọng xuống bảo đối phương:
- Xuất thủ đi!
Trước khi ra chiêu, Từ Kinh Nhân còn đủ đởm lược để cười lên và nói:
- Ha ha ha... ngươi đừng quên câu: quân tử cách nhau ba ngày đã thấy khác nhau. Cừu Thạch xem đây!
Chưa cần hắn quát hai câu cuối, Cừu Thạch đã cảm nhận là chàng đang đương đầu với một người khác, khác hoàn toàn chứ không còn là Thạch Kiện Toàn lúc trước nữa. Nhưng biết là biết vậy, thế từ đối đầu này vô phương biến đổi được. Cừu Thạch bèn tận lực bình sinh với thập thành công lực phổ vào Cửu Chuyển Âm Nguyệt kiếm pháp chiếm thế thượng phong, còn vấn đề đoạt được mạng hắn hay không thì chàng còn chưa dám nghĩ đến.
Còn nhìn thấy kiếm pháp thượng thặng này với Cửu Chuyển Thần Long bộ vào một đêm không trăng như đêm nay mới biết thế nào là Âm Nguyệt kiếm. Thanh kiếm tầm thường là thế, mà vào tay của Cừu Thạch khi chàng sử dụng kiếm pháp Cửu Chuyển âm nguyệt lại biến thành một quầng sáng bạc to như vầng nguyệt đang từ trên không nhào xuống đất, rồi lại bay vọt lên cao, và cứ nhằm đầu Thạch Kiện Toàn mà đánh vào.
Không phải đánh xuống vì Thạch Kiện Toàn đâu có nguyên vị dưới đất. Hắn cũng nhào lên, sa xuống, lạng trái ngoặc hữu với Lam Chủy lệnh trên tay, đánh áp vào Cừu Thạch không chút nao núng.
Thoạt nhìn qua, hai nàng Đoàn Khả có cảm giác bất an. Hai nàng bây giờ mới thật sự kinh hãi và lo sợ cho sinh mạng của ý trung nhân. Đúng là Thạch Kiện Toàn bây giờ không còn là Thạch Kiện Toàn ngày trước nữa rồi. Sao lạ vậy? Không lẽ hắn đã gặp kỳ tích gì gần đây sao? Như thế thì khác nào thêm vây cho rồng, thêm can cho hổ?
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, và hai nàng đã nhận ra Cừu Thạch lần lần núng thế. Chàng đang bị hắn áp đảo liên tục Và nghiệt ngã thay, Cừu Thạch lại không dám cùng hắn chạm kiếm vì Lam Chủy lệnh vốn là thần vật, là lợi khí cơ mà.
Bên ngoài thì nhìn thấy thế, còn Cừu Thạch là người đương cuộc thì ngay ở chiêu đầu, Cừu Thạch đã biết là không xong rồi. Mọi sự biến hóa của Cửu Chuyển Âm Nguyệt kiếm đều như gặp phải khắc tinh khi đụng phải loại kiếm pháp cực kỳ lợi hại của Thạch Kiện Toàn. Nhưng bảo là khắc tinh mà lại cho rằng Cửu Chuyển Âm Nguyệt kiếm pháp kém thế hơn thì Cừu Thạch không cam lòng.
Đến lúc này chàng mới nhận thấy là do chàng đã quá chủ quan, đã quá xem thường Thạch Kiện Toàn. Cừu Thạch hối tiếc vì bao nhiêu ngày kề cận với Đoàn Khuê Văn mà không hỏi nàng về đoạn kinh văn do ân sư lưu lại mà Thạch Kiện Toàn đã hủy đi. Bằng không bây giờ kiếm pháp của chàng đâu có sút kém kiếm pháp của Thạch Kiện Toàn.
Nước xa không cứu được lửa gần, Cừu Thạch liền dồn tất cả sức lực vào chiêu kiếm cuối cùng, quyết diệt cho bằng được thù nhân dẫu cho động qui ư tận cũng được.
Cừu Thạch hét lớn:
- Đỡ này!
Dường như đoán biết được ý định của chàng lúc lâm thế bí này, Thạch Kiện Toàn chợt vùi lên đanh ác, hắn cất giọng âm hiểm nạt lên:
- Định liều hả tiểu tử? Xem Lam nhận kiếm pháp của ta đây!
Cừu Thạch nghiến chặt răng, vung trường kiếm như Thần long xuất động, đâm bổ vào vầng chủy quang màu lam của địch nhân Choang!
Đúng với dự tính, sau khi trường kiếm bị Lam Chủy lệnh chém gãy, Cừu Thạch do đã dồn sẵn khí lực vào tả chưởng bên cứ sẽ nguyên tư thế đang lao vào bóng chùy của địch nhân mà xuất kình...
- Ha ha ha...
- Hự! Phịch!
Đã đoán được ý đồ của Cừu Thạch, Thạch Kiện Toàn vừa thấy chàng xuất chưởng thì hắn vùng cười lên đầy mãn nguyện, hắn vụt thu Lam Chủy lệnh về, lạng thân bay vụt sang mé tả, nhượng cho kình lực từ tả chưởng của chàng quật vào quảng không, đoạn hắn thích nhẹ mũi Lam Chủy lệnh vào Kiên Tĩnh huyệt của chàng, khiến cho Cừu Thạch như bị thoát lực phải té ngã xuống nền đất ngang trước động Khốc Biệt.
Vừa khoa chân bước tới chỗ Cừu Thạch đang nằm chưa gượng dậy nổi, Thạch Kiện Toàn vừa âm độc nói:
- Ta đã bảo trước kia mà! Quân tử cách biệt ba ngày ngươi phải kể là ba năm chứ. Bây giờ ta tạm lưu lại mạng cho sống ngươi, chỉ phế bỏ võ công thôi. Đợi đến ngày ta tế cờ xuất phát tiến nhập Trung Nguyên sẽ lấy máu ngươi để tế.
Nghe đến đây, trông thấy hiện trạng này, hai nàng dù biết rằng liên tay lại cũng là lấy trứng chọi đá so với hắn, nhưng không lẽ đứng nhìn hắn muốn làm gì Cừu Thạch thì làm sao? Do đó cả hai nàng đồng một lúc nhảy lên án ngữ trước mặt Cừu Thạch và hét lên lanh lảnh:
- Ác tặc, đền mạng cho gia gia ta đây!
- Đừng hại mạng Cừu lang!
Tên ác tặc Thạch Kiện Toàn trông thấy thế bèn cất giọng cười khả ố và nói:
- Hố... hố... hố... Hằng Nga hay Dạ xoa gì cũng có. Hố... hố... hố! Rất tiếc, rất tiếc! Ta còn nhiều việc phải làm, nếu không... Ha... ha... ha... mà cũng không sao, hai nàng hãy đợi đến ngày đó vậy. Còn bây giờ thì đừng có mà hung hăng. Hai nàng đừng có dại dột làm chuyện châu chấu đá xe chứ! Ha ha ha... Tạm thời ta hãy phế võ công của cả hai, cùng lưu hai nàng ở lại đây vậy. Hừ! Đừng vọng tưởng mà chống lại công phu võ học của Lam y khách này!
Không cần hắn nói ra, Đoàn Khuê Văn và Khả Mỹ Dung cũng biết là vô vọng rồi. Nhưng con giun kia, khi bị xéo cũng phải oằn lên mà kháng cự thì hỏi làm sao hai nàng lại không?
Không ai trước ai sau, hai nàng Đoàn Khả cùng lúc tiến lên, tận lực mọi sở trường quyết sống chết với tên ác tặc!
Nhưng đúng là hành vi của châu chấu đá xe, Thạch Kiện Toàn đã bằng thân pháp như ma muội, xuyên qua giữa bóng chưởng của hai nàng đang ngợp trời và kết thúc chóng vánh cuộc giao đấu không cân tài cân sức.
Hự! Hự!
Hai tiếng kêu uất nghẹn vang lên và hai nàng đành chịu chung số phận với Cừu Thạch. Cừu Thạch trước khi thiếp đi còn kịp nghe tên họ Thạch cất giọng căm phẫn mà nói:
- Hừ! Ngươi đúng là kẻ đối đầu của ta đó Cừu Thạch. Kể từ khi ngươi còn nằm trong bụng mẹ ngươi đã luôn là kẻ gây rối cho Thạch Kiện Toàn ta. Để lần này ta có diệt trừ hẳn mối hậu hoạn này không biết. Vận may của ngươi thế là hết rồi... Ha ha ha...
*****
Không biết Cừu Thạch thiếp đi được bao lâu, thế nhưng khi chàng từ vô thức trở về với thực tại thì bên tai chàng đã nghe những tiếng khóc vang lên ầm ĩ.
Hơi thở của Cừu Thạch đang nhẹ nhàng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với khí lực đang dần dần được phục hồi. Cừu Thạch vừa cố lắng nghe xem là tiếng ai đang khóc, vừa khe khẽ mở mắt xem đây là đâu.
Cùng với khí lực đang trở về cùng với Cừu Thạch, thì thị lực và thính lực cũng lần lần tỏ tường hơn. Và đủ hai bên chứ không phải là một, hai giọng khóc đó đã khàn khàn nhưng với đôi tai tường thì Cừu Thạch đã mừng đến vô tưởng. Còn ai nữa nếu không phải là hai nàng Đoàn Khả đang khóc? Và Cừu Thạch cũng thừa biết nguyên nhân nào khiến hai nàng phải khóc. Đó là do họ ngỡ Cừu Thạch đã chết. Vì thế họ đã khóc than, khóc tiếc cho chàng.
Đúng lý ra thì Cừu Thạch đã lên tiếng báo cho họ biết rằng là Cừu Thạch của họ không chết, chàng vẫn còn sống sờ sờ ra đây để hai nàng đừng khóc nữa. Nhưng Cừu Thạch đã không làm được điều này, chỉ vì qua thính lực tinh tường, Cừu Thạch thừa năng lực nhìn trong bóng tối, mà chàng đã nhìn thấy có tận hai nàng Đoàn Khuê Văn đang khóc. Hai nàng Đoàn Khuê Văn này chia nhau ngồi hai bên thân chàng. Và cả hai nàng Đoàn Khuê Văn cùng nhắm mắt để tấm tức khóc nuối tiếc khóc, bi thương khóc. Cả hai nàng Đoàn Khuê Văn đều không nghe được tiếng hô hấp của chàng, đều không nhìn thấy đôi mắt của chàng đang mở to ra, đến nỗi không nhận ra là chàng vẫn đang sống như mọi người đang sống.
Cừu Thạch cảm nhận như đầu óc đang quay cuồng. Nhất là khi Cừu Thạch không nhìn thấy Khả Mỹ Dung đâu cả. Cừu Thạch từ từ khép lại đôi mắt, chàng nửa mơ hồ hiểu, nửa không. Rồi như người lòa bỗng được sáng mắt, Cừu Thạch bỗng thấy tâm linh sáng ra khi chàng đã hiểu ngọn ngành. Làm gì có Khả Mỹ Dung ở đây, là nói Khả Mỹ Dung có dung mạo xấu xí. Nhưng thật ra Khả Mỹ Dung đang hiện diện ngay kế bên chàng đây cũng như từ bao giờ Khả Mỹ Dung vẫn ở bên chàng. Làm gì có một Khả Mỹ Dung xú diện. Thảo nào Bạch Phát bà bà có diện mạo khác hẳn lời đồn đại. Thảo nào Bạch Phát bà bà đã không sửng sốt khi kêu lên:
- Sao mà giống quá!
Khi vừa thoạt nhìn thấy Đoàn Khuê Văn. Đoàn Khuê Văn còn giống ai được nếu không giống như Khả Mỹ Dung? Chứ làm sao có một nữ nhân có diện mạo giống với một nam nhân khác, khi cả hai không cùng chung huyết thống được.
Nhưng dẫu sao, Cừu Thạch vẫn còn một điều chàng chưa hiểu, đó là Đoàn Khả hai nàng sao lại giống nhau như tạc thế này? Hay đây là tỷ muội song sinh.
Cùng với vấn nạn này trong tâm trí, Cừu Thạch đã lại mở mắt ra, ngắm nhìn vóc dáng cả hai, và không cầm được, Cừu Thạch đã phải kêu lên nho nhỏ:
- Giống quá!
Tiếng kêu dù nhỏ nhưng cũng xóa ta không khí đau thương lúc bấy giờ của hai nàng Đoàn Khả. Thay vào tiếng khóc là tiếng kêu khác lớn hơn đầy vẻ kinh ngạc sửng sốt:
- Cừu lang!
- Có phải tiếng Cừu lang không? Hay là âm hồn của Cừu lang hiện về?
Cừu Thạch nhìn thấy rất rõ hai nàng Đoàn Khuê Văn đang nhìn ngay vào đôi mắt đang mở to của chàng nhưng hình như cả hai không nhìn thấy gì hết. Thoạt tiên Cừu Thạch kinh nghi, ngỡ hai nàng do quá đỗi bi thương, khóc quá nhiều nhưng đến nỗi hai mắt phải lòa đi, nhưng sau đó chàng nhớ lại mới biết rằng hai nàng lúc này đã bị mất hết võ công, hai nàng hiện giờ đâu khác gì thường nhân? Chẳng trách hai nàng không sao nhận ra rằng Cừu Thạch vẫn đang sống.
Cừu Thạch sợ làm cho hai nàng phải giật mình bèn khe khẽ thật khẽ để thốt lên:
- Ta còn sống đây! An tâm đi! Đừng có la to kẻo làm cho tặc nhân nghe được thì khốn.
Để cho hai nàng vững tin hơn, Cừu Thạch lại nói tiếp:
- Ta còn chưa được phân biệt được nàng nào là Khả Mỹ Dung, nàng nào là Đoàn Khuê Văn? Ta không sao nhận diện được? Hai nàng có phải là tỷ muội song sinh không vậy? Sao lại giấu ta? Ta đã có lỗi gì sao? Nói đi chứ! Dung muội, muội hãy lên tiếng để ta nghe nào. Hay là Văn tỷ... mà không, ta phải gọi là Văn muội mới đúng. Phải thế không Văn muội?
Dù rằng Cừu Thạch đã có lời ngăn dặn, nhưng cả hai nàng Đoàn Khả không làm sao trấn áp được nỗi vui mừng quá lớn như thế này. Do đó cả hai đồng một lúc lại kêu lên:
- Cừu lang còn sống! Cừu lang nói thật ư? Muội là Văn tỷ... à... là Văn muội của Cừu lang đây!
- Tạ ơn Trời Phật đã để cho Cừu lang được sống. Cừu lang hãy lượng thứ cho muội muội không thể cãi lời bà bà được. Đừng giận muội nghe Cừu lang.
Bằng vào hai câu nói đó, Cừu Thạch đã biết ai là Khả Mỹ Dung rồi, do đó, Cừu Thạch vụt ngồi dậy xoay mặt vào nhìn chằm chằm Khả Mỹ Dung, đoạn nói:
- Nếu là lịnh của bà bà, thì ta không trách muội, bằng không thì... Mà thôi, chuyện đó hãy để sau này hẵng nói. Bây giờ hai nàng hãy nói cho ta nghe nào. Đây là đâu? Và ta đã thiếp đi bao lâu rồi?
Điều mà Cừu Thạch vừa hỏi cũng chính là nghi vấn lớn nhất của hai nàng. Hai nàng đáp:
- Muội không rõ!
- Muội cũng không biết.
Cừu Thạch bèn đưa tay ngăn cả hai lại và bảo:
- Một người nói thôi, đừng tranh nhau như thế. Bây giờ thì do Văn muội là tỷ tỉ của Dung muội, vậy Văn muội nói trước đi. Đây là đâu?
Theo sự phân chia của Cừu Thạch, Đoàn Khuê Văn liền đáp:
- Đây là một động thất, nằm sát mặt biển, vậy thì chắc chắn chúng ta bị giam tại một nơi nào đó cũng nằm trong Thạch Cúc đảo.
Cừu Thạch gật đầu, hỏi Khả Mỹ Dung:
- Dung muội...
Khả Mỹ Dung hiểu ngay ý định của chàng bèn đáp:
- Muội và Văn tỷ do cũng bị hôn mê nên không rõ Cừu lang thiếp bao lâu, nhưng theo muội ức đoán thì không đến hai ngày, vì đến lúc này muội đang cảm thấy đói đây.
Khả Mỹ Dung đoán không sai bao nhiêu vì ngay lúc đó, từ bên ngách phía trên có tiếng nói vọng xuống:
- Tiến lên phía trước mà nhận thức ăn đi. Ta để trong chiếc giỏ mây đó. Môn chủ còn hỏi tiểu tử đó đã chết chưa? Nếu muốn chôn hắn thì đem thi thể của hắn bỏ vào giỏ mây. Ta sẽ kéo lên và thủy táng cho hắn. Thế nào?
Cừu Thạch kẽ đụng tay vào Đoàn Khuê Văn, nàng lên tiếng, cố nói thật to cho tên môn nhân nào đó của Lam Y môn nghe:
- Hắn chết rồi nhưng bọn ta chưa muốn xa lìa hắn vội, vì hắn là phu quân của bọn ta. Bọn ta còn muốn lưu lại bên mình thêm ít ngày nữa. Ngươi hãy báo...
- Được rồi! Muốn ôm ấp thi thể rữa nát của hắn thì mặc xác bọn ngươi. Hừ! Đồ ngốc! Ra lấy thức ăn đi!
Cừu Thạch bỗng nghiêng người, phụ nhĩ với Khả Mỹ Dung:
- Hãy hỏi hắn đây là đâu? Và chúng ta đã bị...
Khả Mỹ Dung không chờ chàng nói hết câu đã lên tiếng ngay:
- Đây là đâu? Sao bọn ngươi lại giam chúng ta? Và hôm nay là ngày nào rồi vậy?
Gã ở trên kia sau khi kéo cái giỏ mây lên, đã bật cười khinh khỉnh đáp:
- Hỏi chi vậy cô nương? Xem đã đủ ngày mãn tang lang quân chưa à? Hố hố hố... đừng nôn nóng thế. Mới hôm nay là ngày thứ hai cô nương bị giam thôi mà. Cồn đây không là Hậu đảo thì còn ở đâu nữa? Này, thức ăn là dành cho ba người đấy nhá. Đừng có ăn lẫn vào phần người khác đó. Hố... hố... hố...
Cả ba người đều kinh hồn vía khi nghe gã bảo thế, tuồng như gã không tin Cừu Thạch đã chết vậy, hay là gã đã từ phía nào nhìn vào và thấy Cừu Thạch đang ngồi sờ sờ ra đó?
Dựa vào thị lực và sự nghi ngờ, Cừu Thạch đứng lên tìm kiếm chỗ hở đó. Chỗ hở thì không thấy, nhưng Cừu Thạch lại nhìn thấy trên một tảng đá khá cao có một bóng người ngồi thu lu trên đó.
Vừa giật mình đánh thót một cái, Cừu Thạch đã kịp nghĩ có lẽ bóng người đó cũng là phạm nhân như bọn chàng, nên chàng đã điềm nhiên cất giọng hỏi bóng người đó:
- Tôn giá là ai? Sao lại bị giam giữ ở đây?
Nghe Cừu Thạch bỗng dưng lại phát thoại như vậy, Đoàn, Khả hai nàng hoảng hồn nhìn theo hướng nhìn của Cừu Thạch, nhưng hai nàng nào nhìn thấy gì ngoài bóng tối âm u.
Bóng người đó có lẽ cũng giống tình trạng của hai nàng, khi bóng đó lên tiếng hỏi:
- Ngươi nhìn được ta? Ngươi không bị phế võ công sao? Thạch Kiện Toàn lại sơ suất đến thế sao?
"Người này lại biết ác tặc, vậy là người Lam Y môn. Nhưng người này không nhận ra âm thanh của ta, vậy thì là ai mới được?".
Nghĩ thế Cừu Thạch lại hỏi:
- Tôn giá nói đúng, nhưng không đúng hoàn toàn, nhưng tại hạ không thể trình bày được nếu tôn giá không nói rõ tôn giá là ai? Sao lại bị giam ở đây?
Bóng người đó không đáp chỉ bảo:
- Ngươi họ Cừu? Là ta nghe hai con bé kia khóc gọi, vậy thì ngươi hẳn là Cừu Thạch, mà ta đã có lần nghe tên nghiệt đồ Thạch Kiện Toàn nói qua. Có đúng thế không? Sao lại là Cừu Thạch?
Cừu Thạch vừa nghe xong đã thấy chấn động tâm linh, thân hình rúng động mấy lượt, rồi ngay lúc đó, Cừu Thạch liền quỳ thụp xuống, bái lạy cửu lễ, đoạn tâu:
- Ra là sư tổ, hài nhi đúng là Cừu Thạch. Tiên mẫu là Hà Thạch Cúc, ắt sư tổ còn nhớ? Sao sư tổ lại ra nông nỗi này? Là phản đồ khi sư diệt tổ Thạch Kiện Toàn đã tạo ra ư?
Đến lượt bóng người kia rung động. Nhưng Cừu Thạch không nghe bóng người đó lên tiếng. Biết là sư tổ còn giận mẫu thân, vả lại mẫu thân đã không chết đúng với mạng lệnh của sư tổ lúc trước tại ghềnh Giải Oan, bằng chứng là có sự hiện diện của Cừu Thạch trên cõi đời này. Do đó, Cừu Thạch bèn đem hết mọi chuyện xưa phân tỏ cho sư tổ nghe qua. Sau đó chàng lại nói:
- Tuy bị oan, nhưng tiên mẫu không bao giờ dám oán hận sư tổ. Tiên mẫu hằng dạy dỗ hài nhi phải biết tôn kính sư tổ. Có hận chăng là hận tên ác tặc Thạch Kiện Toàn, hôm nay hài nhi ra tận đây định diệt trừ hắn, không ngờ võ công của hắn tinh tiến bất ngờ, khiến hài nhi phải bị giam ở đây. Và nhờ Hoàng thiên hữu nhãn, hài nhi được bái kiến sư tổ, xin sư tổ rộng lượng hải hà dung thứ tội bất tuân lệnh dụ trước đây của tiên mẫu. Hài nhi xin cắn cỏ ngậm vành khấu lạy sư tổ.
Nói xong Cừu Thạch lại dập dầu xuống nền động liền mấy cái, khiến cho hai nàng Đoàn Khả cũng quỳ phía sau Cừu Thạch cũng vừa khóc vừa khấu đầu theo.
Bóng đó thở dài sườn sượt, không ra vẻ gia ân hay kết tội, chỉ lẩm bẩm một mình:
- Lại có việc này sao? Hóa ra là Môn chủ như ta lại thiếu sáng suốt đến thế sao? Tất cả đều do tên nghiệt súc đó à? Hà nhi bị oan uổng mà lại không dám kêu nài, không thống hận ta. Ta có đáng mặt sư phụ không? Ta có còn đáng sống không? Ha ha ha... ác giả ác báo, nghịch cảnh này sao ông tạo khéo sắp đặt. Ta biết làm sao đây? Liệu có nghịch thiên vô luân không? Không... việc này chỉ có ta biết, trời biết và đất biết. Hắn đáng phải bị quả báo, trách nhiệm này, tội lỗi này ta chịu, ta hoàn toàn gánh chịu. Vả lại đó không là ý muốn của Hà nhi sao?
Bóng đó lẩm bẩm duy bóng đó hiểu. Cừu Thạch và Đoàn Khả hai nàng đang trong tâm trạng phập phồng lo sợ dù có những lời này cũng không sao hiểu ý tứ của bóng đó. Cả ba người còn đang quỳ mọp xuống sát nền động.
Bóng đó bỗng lên tiếng hỏi Cừu Thạch:
- Là Hà nhi bảo ngươi phải báo thù, phải giết cho bằng được Thạch Kiện Toàn ư?
Nghe sư tổ gọi mẫu thân là Hà nhi, Cừu Thạch tràn ngập niềm vui mừng, chàng gật đầu và nhân đó đã vạch rõ mọi tội ác của Thạch Kiện Toàn đã gây ra: nào là mẫu thân chàng, gia gia Đoàn Khuê Văn, La Thái, Võ Đang Tiên Kiếm, Cừu Dĩ Đào. Nào là có mưu đồ bất chính với dã tâm làm bá chủ quần hùng, gây cảnh náo loạn trên giang hồ. Nào là mấy lần ám hại Cừu Thạch, Loạn Pháp Đả Cẩu, Thánh tăng, Đoàn Khuê Văn, và mới đây là Khả Mỹ Dung và sư tổ của chàng nữa.
Nghe Cừu Thạch thuật lại xong, bóng đó gật gù mấy cái, đoạn nói:
- Thiên võng khôi khôi, tuy thưa mà khó lọt, quả là thiên định mà. Được! Cừu nhi và nhị vị tiểu điệt nữ hãy đứng lên đi. Nghe ta hỏi đây, tại sao võ công Cừu nhi vẫn còn? Ta không tin tên nghiệt đồ lại có lòng nhân như vậy.
Hai nàng Đoàn Khả tuy đã đứng dậy, nhưng thay vì đứng bên Cừu Thạch lại lấp xấp chạy đến đứng dưới chân tảng đá cạnh chỗ vị sư tổ của Lam Y môn đang ngồi vắt vẻo trên cao, tròn mắt nhìn Cừu Thạch khi nghe chàng giải thích rõ:
- Võ công của tặc nhân tinh tiến bất thường đến độ hài nhi định cùng chết với hắn cũng không thành công. Nhưng dù sao hài nhi vẫn có điều bất phục đó là công phu Cửu Chuyển không thể nào thua kém bất kỳ loại công phu nào, chỉ do hài nhi còn thiếu một đoạn kinh văn nữa nên mới phải chuốc lấy nhục bại. Lúc hài nhi tưởng hắn sẽ hạ thủ giết hài nhi thì hài nhi đã chuẩn bị sẵn cho hắn một đòn sát thủ sau cùng. Nhưng khi nghe hắn bảo là sẽ lưu mạng cho hài nhi để lấy máu tế cờ, hài nhi biết ngay là hài nhi còn cơ hội, miễn sao hài nhi được cùng Văn muội giam chung một chỗ. Nguyên là đoạn kinh văn mà hài nhi chưa biết đó, Văn muội đây biết rõ. Thế là hài nhi đành phải giả chết. Muốn qua mắt tên ác tặc hài nhi phải dùng đến Qui Tức công, thâu liễm toàn bộ kinh mạch giống y như người chết vậy, khiến cho ác tặc dù muốn phế bỏ võ công của hài nhi cũng không thể nào làm được.
Nghe thế, tất cả mọi người đồng thời "à" lên một tiếng, thầm phục cho công phu Qui Tức và sự mẫn tiệp nhanh trí của Cừu Thạch. Đoàn Khuê Văn liền lên tiếng:
- Thảo nào muội cứ mãi nghi ngờ, không hiểu sao Cừu lang lại thất thủ nhanh như thế? Biết rằng trước sau gì Cừu lang cũng bại trận nhưng không thể nhanh thế, mà phải là trường long tranh hổ đấu đến kinh thiên động địa kia. Hóa ra là Cừu lang đã có mưu sẵn.
Khả Mỹ Dung cũng nói:
- Báo hại muội và Văn tỷ nóng lòng, những muốn chết đi cho rồi, và cả tên ác nhân cũng thế, hắn kinh ngạc kêu lên lại còn châm chọc...
- Hắn bảo sao, Dung muội?
- Hắn bảo... cái này muội thuật lại lời hắn à nha... chứ muội thì biết là không phải vậy. Hắn nói "tiểu tử thật giống ta, chắc là đam mê tửu sắc quá nên yếu hèn thế này. Hừ! Vưu vật ngay bên mình những hai đóa bảo sao lại không..." đấy, hắn nói như vậy đó, nhưng lúc đó muội và Văn tỷ không sao cải chính được.
Cừu Thạch tức giận đáp:
- Hừ! Hắn tưởng cứ ai cũng như hắn sao? Cừu Thạch này bình sinh ghét nhất loại dâm tà. Phen này thì đố hắn thoát khỏi báo ứng.
Sư tổ của Cừu Thạch thoạt nghe đã hiểu ngay Thạch Kiện Toàn muốn nói gì khi bảo thế, nhưng lão ta không dám nói ra e có chuyện xấu xảy ra không lường được. Vị sư tổ cứ giữ kín trong lòng điều bí ẩn này, và lên tiếng:
- Thôi! Không nói đến chuyện đó nữa. Bây giờ thì Cừu nhi nói đi, liệu Cừu nhi luyện thêm công phu mất bao lâu? Chứ theo ta biết thì công phu của Lam y khách nguyên là sư tổ Lam Y môn không sao bằng được Cửu Chuyển quái khách rồi đó, ta chỉ e hỏa hầu của Cừu nhi còn kém hơn hắn thôi.
Cừu Thạch định lên tiếng hỏi xem Lam y khách là ai? Và tai sao sư tổ lai biết rằng công phu của Lam y khách không thể so bì với Cửu Chuyển quái khách, thì Đoàn Khuê Văn đã nhanh miệng khoe rằng:
- Sư tổ an tâm, thế sư tổ sẽ nói gì khi biết nội lực của Cừu lang đã đạt đến mức tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên?
Nghe Đoàn Khuê Văn nói thế không riêng gì vị sư tổ và Khả Mỹ Dung bàng hoàng sững sờ ra vẻ không tin, mà đến Cừu Thạch cũng phải giật mình cho là Đoàn Khuê Văn nói quá lời.
Thấy vậy Đoàn Khuê Văn liền thuật lại hiện tượng mà chính nàng chứ không phải ai khác đã tận mục sở thị úc Cừu Thạch vận công trục độc tại cánh rừng gần Định Quân sơn, ngay lúc lửa đỏ bao quanh tình thế đã nguy ngập như chỉ manh treo chuông cho tất cả cùng nghe. Thuật xong nàng lại hỏi:
- Đó không phải là tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều thiên thì còn là cái gì nữa phải không sư tổ?
Cừu Thạch còn đang bán tính bán nghi, thì vị sư tổ nói với vẻ mãn nguyện:
- Hay lắm! Vậy thì chúng ta không việc gì phải lo. Tên nghiệt súc đúng là hết số rồi. Bây giờ nghe ta nói đây, để Cừu nhi tự tin ở chính bản thân, thì Cừu nhi hãy thử khôi phục võ công cho ta xem nào. Nguyên chúng ta không bị tên nghiệt súc đó phế hẳn đâu, mà đây là độc môn công phu của Lam y tổ sư lưu truyền. Nếu quá mười lăm ngày mà không được giải khai, thì công phu mới hoàn toàn bị phế bỏ. Cừu nhi, con không được chần chừ nữa, ta bị hắn cấm chế đến nay là đúng ngày thứ mười lăm rồi. Hãy lắng nghe khẩu quyết giải cấm chế đây.
Thế là do tình thế khẩn trương, Cừu Thạch chỉ còn nước vâng lời mà thôi. Chàng vận toàn bộ nội kình lên đầu ngón tay chỉ sau đó cứ nghe sư tổ bảo điểm vào đâu thì Cừu Thạch cứ thế mà thi hành.
Không đầy một tuần trà, vị sư tổ đã xạ hai tia hàn quang lấp lánh nhìn Cừu Thạch và bảo:
- Khá lắm, đúng là Cừu Thạch đã đạt mức tối thượng trong võ học rồi. Quả là kỳ tài trăm năm khó gặp. Được rồi. Mọi điều Cừu nhi muốn hỏi thì hãy để sau. Bây giờ thì Cừu nhi lo tiếp thu kinh văn khẩu quyết Cửu Chuyển đi, sau đó hãy khôi phục võ công cho hai tiểu điệt nữ này sau. Dù Cừu nhi có muốn hành động ngay bây giờ cũng không sao có đủ năng lực đâu. Đừng có vội vàng, có khi bất lợi cập hại đó. Cứ nghe theo lời ta đi. Ta không nói sai đâu.
Để tránh mọi tổn thất ắt sẽ xảy ra, nếu Cừu Thạch làm càn, trái lời của sư tổ, Đoàn Khuê Văn bèn cất giọng đọc lại những đoạn kinh văn mà tên ác nhân đã hủy bỏ cho Cừu Thạch nghe.
Nghe qua một lượt, Cừu Thạch bèn đi qua đi lại để ngẫm nghĩ thấu triệt toàn bộ công phu Cửu Chuyển của ân sư.
Được một lúc, Cừu Thạch lại giải khai cấm chế cho Đoàn Khuê Văn, xong lại ngẫm nghĩ.
Kế đó, giải cấm chế cho Khả Mỹ Dung rồi tiếp tục ngẫm nghĩ.
Mãi đến khi tên môn nhân Lam Y môn đưa đến một lần thức ăn nữa thì Cừu Thạch xem như đã thành toàn, đại công cáo thành.
← Hồi 27 | Hồi 29 (c) → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác