Vay nóng Tima

Truyện:Thiết huyết Đại Minh - Hồi 310

Thiết huyết Đại Minh
Trọn bộ 335 hồi
Hồi 310: Hai mặt giáp công
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-335)

Siêu sale Lazada

Tháng sáu, năm thứ hai niên hiệu Long Vũ (năm 1645), trong lúc Nho sinh Lý học và Nho sinh Tâm học ở các tỉnh sa vào một cuộc tranh cãi để bảo vệ chính kiến của mình, Trung Ương quân lại bắt đầu một cuộc trường chinh.

Ngày xuất binh, mấy chục vạn dân chúng Nam Kinh tự phát tới Yến Tử Ki vui vẻ đưa tiễn, đây là điều chưa từng có.

Nhưng Vương Phác biết, Trung Ương quân đang càng ngày càng được dân chúng Đại Minh ủng hộ, dân chúng Nam Kinh tự phát tới vui vẻ đưa tiễn, không chỉ vì Trung Ương quân có rất nhiều con em Nam Kinh, mà là do Trung Ương quân đánh đuổi Kiến Nô và Mông Cổ, mang lại cuộc sống hạnh phúc bình yên cho dân chúng Đại Minh.

Lần này xuất binh, Trung Ương quân chia làm hai đường, Vương Phác đích thân chỉ huy một doanh bộ binh, một doanh quân nhu tiến công Liêu Đông, bốn doanh thủy quân của Hoàng Đắc Công, Thi Lang, Trương Nhan Lân và Lý Ngang hộ tống xuất chinh; Liễu Như Thị dẫn các doanh bộ binh Nhị doanh, Tam doanh, Tứ doanh, Pháo doanh và Nhị doanh, Tam doanh, Tứ doanh, Ngũ doanh, Lục doanh quân nhu tiến công Sơn Tây, Hồng Nương Tử dẫn ba doanh kỵ binh Nhất, Nhị, Tam hộ tống xuất chinh.

Vương Phác dẫn các doanh đi theo đường biển, vào tháng 7 đã tới trọng trấn Trực Cô của Bắc Trực.

Khi Vương Phác dẫn quân tới Trực Cô, Tổng đốc Bắc Trực Cù Thức Tỷ và Đề đốc Bắc Trực Đường Thắng đã đợi hơn nửa tháng, để phối hợp với Trung Ương quân chiến đấu với quân Kiến Nô. Cù Thức Tỷ triệu tập đủ ba doanh bảo an, hơn nữa ba doanh bảo an này được trang bị súng kíp kiểu cũ của Trung Ương quân loại ra.

Bến tàu Trực Cô.

Trong vòng vây các tướng lĩnh Lý Thành Đống, Hoàng Đắc Công, Trương Nhan Lân, Lý Ngang, bước xuống cầu thang mạn tàu, Cù Thức Tỷ và các quan viên Bắc Trực đã chờ sẵn trên bến tàu, vội vàng chắp tay thi lễ, Đường Thắng và các tướng lĩnh Trung Ương quân thì đồng loạt dậm chân, chào Vương Phác theo nghi thức quân đội.

Vương Phác chào đáp lễ Đường Thắng và các quan quân thuộc hạ, rồi nắm tay hàn huyên với Cù Thức Tỷ và các quan viên Bắc Trực.

Xế chiều hôm đó, Vương Phác đang cùng Cù Thức Tỷ, Đường Thắng cùng đi kiểm tra ngưu tử bắc bộ, ba doanh ngưu tử bắc bộ này đều ở tuổi thanh niên và tráng niên, Vương Phác cảm nhận nhiều người lộ ra sát khí, hiển nhiên tay những ngưu tử này đã dính máu Kiến Nô và Mông Cổ.

Càng làm Vương Phác vui mừng là ba doanh ngưu tử bắc bộ này đều là kỵ binh!

Đây là kết quả của lệnh "giết Hồ" (Hồ: tên thời xưa chỉ các dân tộc phía Bắc và phía Tây Trung Quốc). Kể từ sau khi triều đình Đại Minh ban lệnh "Giết Hồ", đông đảo dân chúng thượng võ liền từ các tỉnh phía nam di chuyển đến Bắc Trực định cư, Cù Thức Tỷ chọn lựa từ trong số đó những thanh niên và tráng niên từ mười tám đến bốn mười tuổi, thành lập các đội bảo an phủ huyện, sau đó trang bị vũ khí, để Trung Ương quân tiến hành huấn luyện cho họ.

Không như các đội bảo an các tỉnh khác, ngay từ đầu đội bảo an Bắc Trực đã được Vương Phác và triều đình giao cho sứ mệnh riêng, đội bảo an này hầu như được coi là quân dự bị của Trung Ương quân Đại Minh! Mặt khác, cũng không thể phủ nhận là, tình thế mà đội bảo an Bắc Trực gặp phải, cũng ác liệt hơn so với đội bảo an các tỉnh còn lại.

Phía đông Bắc Trực là Kiến Nô, phía bắc là Mông Cổ, phía tây là Ngô Tam Quế, bởi vậy bất kể là về huấn luyện hoặc trang bị, đội bảo an Bắc Trực đều phải tốt hơn các đội khác rất nhiều.

Chẳng hạn như súng kíp do Trung Ương quân thải ra, Vương Phác không trang bị cho Hỗn Thành doanh của Triệu Tín, Đường Thắng và Đao Ba Kiểm, mà lại trang bị cho đội bảo an Bắc Trực, riêng điều này cũng đủ cho thấy địa vị đặc thù của đội bảo an Bắc Trực rồi. Trên thực tế, Vương Phác đã coi Bắc Trực là đại bản doanh tiền tiêu để khuếch trương trên đất liền, Cù Thức Tỷ cũng dựa theo ý này mà làm.

Kiểm tra xong, Cù Thức Tỷ mời Vương Phác vào hành dinh tổng đốc tạm thời của mình, nói:

- Vương gia, kể từ khi ban lệnh "Giết Hồ", mỗi tháng có hàng nghìn, trước mắt nhân khẩu Vĩnh Bình, Thuận Thiên, Tuyên Phủ, châu Bảo An và châu Hoài Lai đã gần như bão hòa, hạ quan định bố trí số dân nhập cư đó vào phủ Bảo Định và phủ Hà Gian.

Vương Phác khẽ vuốt cằm, kết quả này nằm trong dự liệu của hắn.

Đến thời của hoàng đế Sùng Trinh, tình trạng sáp nhập đất đai ở Đại Minh đã tương đối nghiêm trọng, lúc ấy tuyệt đại bộ phận đã tập trung vào tay một số ít quý tộc, phần lớn dân chúng đã mất đất đai, mà lệnh Giết Hồ lại quy định rõ ràng bằng văn bản, chỉ cần đồng ý chuyển tới định cư ở Bắc Trực, quan phủ sẽ căn cứ vào nhân khẩu mà cấp đất cho, điều kiện hậu đãi như vậy, nếu không ai tự nguyện đến đó mới là lạ!

Trọng nông nghiệp, kìm hãm thương nghiệp là truyền thống đã kéo dài mấy ngàn năm ở Trung Hoa rộng lớn, tình cảm của người Trung Quốc đối với đất đai khá mạnh mẽ.

Thấy Vương Phác không nói gì, Cù Thức Tỷ liền nói tiếp:

- Phủ Vĩnh Bình, phủ Thuận Thiên, phủ Tuyên, châu Bảo An, châu Hoài Lai, và cả các huyện trực thuộc, toàn bộ đã tổ chức đội bảo an. Trước mắt, số đội đã đăng ký với chính phủ là hơn hai trăm đội, tổng cộng hơn bốn vạn người, số đội mới thành lập hoặc chưa đăng ký, còn nhiều hơn.

Vương Phác nghe vậy, mặt hơi biến đổi, nói như vậy, tổng số ngưu tử bắc bộ của Bắc Trực đã vượt qua mười vạn người?

Điều này khiến Vương Phác bất ngờ, hắn không ngờ lệnh Giết Hồ lại có uy lực như vậy, càng không nghĩ tới lực lượng vũ trang dân gian lại mở rộng nhanh chóng như vậy, chỉ trong hơn nửa năm, lực lượng vũ trang bán chính thức bán dân gian này đã phát triển tới hơn mười vạn người!

Lệnh Giết Hồ đã quyết định bằng văn bản, trong tình hình chưa được quan phủ cho phép, dân chúng Bắc Trực và Sơn Đông có thể tự tổ chức lực lượng vũ trang. Về tính chất, đây là "đoàn luyện" (1) của địa phương, hoặc nói cách khác là địa chủ vũ trang, điều khác nhau duy nhất là, những đội địa chủ vũ trang này không nằm trong tay một hoặc vài địa chủ, mà do đại đa số địa chủ cùng khống chế, bởi vì mỗi dân phòng trong đoàn luyện cũng là địa chủ.

Lực lượng vũ trang dân gian hùng mạnh là một con dao hai lưỡi, sử dụng tốt thì nó đội tiên phong cho việc khuếch trương ra bên ngoài, sử dụng không tốt thì sẽ uy hiếp sự thống trị của triều đình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng này chưa phải là sự uy hiếp đối với triều đình.

Cù Thức Tỷ lại nói;

- Để phối hợp với Trung Ương quân chiến đấu với Kiến Nô, hạ quan đã đặc biệt điều động tướng giỏi, binh mạnh, tạm thời thành lập ba doanh kỵ binh. Thời gian thành lập ba doanh kỵ binh đội bảo an này tương đối nhanh, trong số họ có rất nhiều người cũng từng đi sa mạc, trải qua chiến đấu với Mông Cổ, coi như là "lão binh" từng thấy máu...

Vương Phác chợt hỏi:

- Môn xạ kích huấn luyện thế nào rồi?

Cù Thức Tỷ nói:

- Coi như cũng tạm được, tuy nhiên chẳng thể sánh được với Trung Ương quân.

Vương Phác hỏi:

- Cù đại nhân, gần đây tình hình người Thát (Mông Cổ) trên thảo nguyên thế nào?

Cù Thức Tỷ nói:

- Mông Cổ và Kiến Nô đã phản bội nhau, nội bộ người Thát đang đánh lẫn nhau, cả đại thảo nguyên đang hỗn loạn, đội bảo an chúng ta thường xuyên "săn thú" trên thảo nguyên, chiến mã và trang bị của ba doanh kỵ binh là đoạt của người Khoa Nhĩ Thấm.

- Tốt, càng loạn càng tốt.

Vương Phác lại nói:

- Kiến Nô thì sao?

Cù Thức Tỷ nói:

- Kiến Nô khó đối phó, hơn nửa năm nay, đã có mười mấy đội bảo an của chúng ta đến Liêu Đông "săn thú", nhưng chưa gặp may, ngược lại còn tổn thất nhiều nhân mã!

Vương Phác lại hỏi:

- Lương thực và đồ quân nhu thế nào?

Lệnh Giết Hồ quy định rõ ràng, dân chúng Sơn Đông có thể tự tổ chức và thành lập lực lượng vũ trang, nhưng việc huấn luyện hoặc đồ quân nhu cần thiết khi xuất chinh đều do đội bảo an tự lo liệu, cho nên Vương Phác mới hỏi như vậy, hắn sợ ba doanh bảo an của Cù Thức Tỷ thiếu lương thảo, sẽ gây trở ngại cho Trung Ương quân.

(1) Đoàn luyện: đơn vị tổ chức vũ trang thời xưa.

*****

Cù Thức Tỷ nói:

- Vương gia yên tâm, đội bảo an tuyệt đối sẽ không gây trở ngại cho Trung Ương quân, tuy nhiên...

Vương Phác mỉm cười nói:

- Cù đại nhân cũng yên tâm, sau khi san bằng Liêu Đông, bổn vương sẽ nhất định dựa theo điều khoản của lệnh Giết Hồ mà làm, đất đai, nhân khẩu, gia súc, lương thực sẽ thuộc về đội bảo an.

Cù Thức Tỷ mỉm cười nói:

- Vậy thì hạ quan xin thay mặt các huynh đệ của đội bảo an tạ ơn Vương gia.

Sắc mặt Vương Phác đột nhiên trầm xuống, quát khẽ:

- Cù Thức Tỷ!

- Có hạ quan!

Cù Thức Tỷ vội ưỡn ngực hô.

Vương Phác trầm giọng nói:

- Sáng mai, dẫn ba doanh bảo an tiến về Sơn Hải Quan, sau khi qua quan ải, đi dọc theo hành lang Liêu Tây gióng trống khua chiêng tiến sát Thịnh Kinh, lôi kéo sự chú ý của quân chủ lực Kiến Nô, còn bổn vương dẫn Trung Ương quân tiến vào theo đường biển, một khi Đa Đạc dẫn quân chủ lực Kiến Nô tới đánh, lập tức vu hồi ra bên sườn Kiến Nô, hai mặt giáp công tiêu diệt chúng.

- Vâng!

Cù Thức Tỷ hô lớn.

Thịnh Kinh, phủ đệ của Đa Đạc.

Đa Đạc đang thở vắn than dài, gần đây tình hình Kiến Nô không được tốt, sau thất bại ở trận Tế Ninh, Bát Kỳ Kiến Nô chỉ còn lại Chính Bạch Kỳ với hơn một vạn người, nhưng phải nuôi sống gần hai mươi vạn người già, phụ nữ và trẻ em, hơn nữa hiện giờ không còn người Hán làm nô lệ cho bọn họ, cuộc sống vất vả là lẽ đương nhiên.

Ban đầu Triều Tiên còn cung cấp lương thực cho Kiến Nô, nhưng hồi đầu năm, Triều Tiên làm phản, trong cơn giận dữ, Đa Đạc lập tức dẫn hai ngàn kỵ binh tinh nhuệ đạp bằng bán đảo Triều Tiên. Cuộc phản loạn nàykhiến suýt nữa Triều Tiên bị diệt chủng, số nhân khẩu trước khi làm phản là hơn ba mươi vạn, đã giảm mạnh còn chưa tới ba vạn, một nước Triều Tiên văn minh tự cho là "tiểu Trung Hoa", liền bị Đa Đạc đánh giết tàn bạo, đưa về xã hội nguyên thủy.

Gót sắt của Kiến Nô lướt qua, thành thị, thôn xóm lập tức hóa thành những đống hoang tàn, trên bán đảo Triều Tiên hầu như không còn thôn xóm có người ở, người Triều Tiên bị tàn sát hầu như không còn, hai ba vạn người còn lại, phần lớn ẩn núp ở rừng sâu núi thẳm hoặc trên các đảo nhỏ không người, săn thú, đánh cá để gắng gượng duy trì cuộc sống.

Lần này, tuy Đa Đạc chém giết thoải mái, trút mọi uất giận tích tụ trong lòng lên đầu người Triều Tiên, nhưng cũng gây ra phiền phức cho Kiến Nô, từ sau khi khởi binh, toàn dân Kiến Nô chuyển sang cuộc sống của chủ nô, không làm lao động chân tay, không chăn thả gia súc, căn bản đã đánh mất kỹ năng sinh hoạt.

Nhưng dù sao hai mươi mấy vạn nhân khẩu cũng phải ăn, nhưng ăn cái gì đây?

Vượt quan ải bắt người cướp của? Kiến Nô không có đảm lượng, cũng không có thực lực để làm như vậy, số lương thực ít ỏi cướp được của Triều Tiên sắp ăn hết rồi, nếu tới lúc cùng đường, cũng đành phải đoạt của người Khoa Nhĩ Thấm! Tuy người Khoa Nhĩ Thấm là đồng minh đáng tin cậy nhất của Kiến Nô, nhưng hiện giờ tai vạ đến nơi, Đa Đạc cũng không để ý nhiều như vậy nữa rồi.

Khoa Nhĩ Thấm vốn là tộc hùng mạnh nhất trong các bộ lạc Mông Cổ, có mười vạn chiến binh, nhưng mười vạn kỵ binh này đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận Tế Ninh, mười mấy vạn người già, phụ nữ và trẻ em lập tức mất đi chỗ dựa, nhưng trong tay họ vẫn còn vài triệu gia súc, người Khoa Nhĩ Thấm không hay biết, số gia súc của mình đã khiến hàng xóm thèm thuồng.

Trong tiếng bước chân nặng nề, Tô Khắc Tát Cáp sải bước đi tới, ngang nhiên nói:

- Chủ tử, lương thực cho các Kỳ sắp hết rồi!

Đa Đạc cau mày:

- Biết rồi, bổn vương đang nghĩ cách đây.

- Chủ tử, còn cách gì để mà nghĩ nữa?

Tô Khắc Tát Cáp hỏi:

- Cho tới bây giờ, chỉ có thể đoạt của người Khoa Nhĩ Thấm.

Đa Đạc thở dài, đang định nói gì đó, chợt Qua Thập Cáp chợt tiến vào đại sảnh, quỳ xuống bẩm:

- Chủ tử, Liêu Tây cấp báo!

- Liêu Tây?

Đa Đạc biến sắc, trầm giọng nói:

- Nói mau!

Qua Thập Cáp nói;

- Thám mã hồi báo, có hơn vạn kỵ binh Đại Minh vượt qua Sơn Hải Quan, đang tới gần Thịnh Kinh.

- Hơn vạn kỵ binh?

Đa Đạc trầm giọng hỏi:

- Có phải là Trung Ương quân của Đại Minh?

Qua Thập Cáp lắc đầu:

- Đội kỵ binh này không có cờ hiệu, mà vũ khí, áo giáp cũng rất lộn xộn, không giống như Trung Ương quân của Đại Minh.

- Đó chính là đội bảo an của tổng đốc Bắc Trực Cù Thức Tỷ.

Tô Khắc Tát Cáp giận dữ nói:

- Bọn Nam Minh mọi rợ chết tiệt! Trước kia luôn luôn là chúng ta bắt người cướp của của chúng, bây giờ chúng lại dám bắt người cướp của của chúng ta, không ngờ dê lại muốn ăn thịt sói, thật đúng là loạn mà!

Đa Đạc trầm giọng nói:

- Tiếp tục thăm dò, xem phía sau đội kỵ binh này của Đại Minh, có Trung Ương quân đi theo hay không?

- Dạ!

Qua Thập Cáp đáp lời, nhận lệnh đi.

Đưa mắt nhìn Qua Thập Cáp xoay người rời đi, trong mắt Đa Đạc lóe lên một tia lạnh lẽo khiến người ta sợ hãi, nếu phía sau đội kỵ binh này không có Trung Ương quân Đại Minh đi theo, Đa Đạc quyết định tiêu diệt luôn bọn họ! Thời gian gần đây, bọn mọi rợ Nam Minh vượt quan ải đánh giết, cướp phá ngày càng nhiều, hành động càng ngày càng ngang ngược.

Cần phải cho bọn man rợ Nam Minh kiêu căng ngạo mạn này một bài học nhớ đời.

Tùng Sơn. Cù Thức Tỷ đang đứng trên tường thành đổ nát nhớ lại chuyện cũ.

Nhớ năm đó, Tùng Sơn là trọng trấn quân sự của Liêu Tây, là cứ điểm kiên cố Đại Minh dùng để ngăn cản quan kỵ binh tinh nhuệ của Kiến Nô, trong trận Tùng Sơn, mười mấy vạn đại quân của Đốc sư Kế Liêu Hồng Thừa Trù tan vỡ chỉ trong một đêm, Vương Phác cũng bộc lộ tài năng từ trận chiến này, bất ngờ tập kích Thịnh Kinh, bắt sống Hoàng Thái Cực, từ đó từng bước trưởng thành, trở thành trụ cột của triều đình Đại Minh.

Nhưng hiện nay, thành trì kiên cố đã thành một đống đổ nát từ lâu, ngoại trừ nhà cửa doanh trại đã đổ nát, Cù Thức Tỷ không tìm được bất cứ dấu vết nào của biên quân Đại Minh.

- Bẩm tổng đốc đại nhân...

Trong tiếng hô lảnh lót, một gã ngưu tử vội bước lên đầu thành, thở hổn hển nói:

- Tổng đốc đại nhân, phát hiện đội kỵ binh Kiến Nô ngoài ba mươi dặm!

- Hả?

Cù Thức Tỷ vội hỏi:

- Có bao nhiêu kỵ binh?

Ngưu tử đáp:

- Ít nhất là mười ngàn!

- Tốt!

Cù Thức Tỷ phấn khởi gõ nhịp, nói:

- Xem ra lần này Kiến Nô dốc toàn bộ lực lượng rồi. Người đâu!

Một thân binh bước tới đáp:

- Có thuộc hạ.

Cù Thức Tỷ nói:

- Truyền lệnh xuống, các đội tăng cường đề phòng Kiến Nô tập kích bất ngờ; mau sai khoái mã báo tin cho Vương gia!

...

Trên mặt biển gần Tùng Sơn, hơn trăm chiến thuyền lớn nhỏ của thủy quân Đại Minh đang thả neo.

Để đề phòng thám mã của Kiến Nô phát hiện hành tung của Trung Ương quân Đại Minh, thủy quân bỏ neo cách đường ven biển khoảng bốn năm mươi dặm. Với khoảng cách xa như vậy, chỉ bằng mắt thường thì không thể nào phát hiện là thuyền đang bỏ neo, Vương Phác dùng ống nhòm đơn để quan sát, cũng chỉ có thể nhìn thấy hình dáng mơ mờ của bờ biển mà thôi.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-335)


<