Vay nóng Tinvay

Truyện:Thuận thiên di sử - Hồi 21

Thuận thiên di sử
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 21: Mưu Sâu, Chí Cả
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Shopee

Nguyên Vũ Nhất-Trụ đấu chưởng với Thiệu-Thái. Y dồn độc công hại chàng. Nhưng thiền công của chàng quá cao, thành ra chất độc chạy ngược trở lại người y. Nhật-Hồ lão nhân dùng tâm pháp trong Hồng-thiết kinh tạm giải cái đau cho y. Nhưng lão chỉ biết hoá giải chất độc do Hồng-thiết công, chứ không biết hoá giải chất độc do Thiền-công truyền sang. Vì vậy sau đó mấy khắc cơn bệnh tái phát. Thiệu-Thái đã điểm vào mấy huyệt bằng Thiền-công tạm phong bế cho y khỏi đau.

Bây giờ y bị Tự-Mai khai huyệt, cái đau đớn trở lại. Chịu được một lát, mồ hôi vã ra như tắm, y bật lên tiếng rên. Nhưng y vẫn ngậm miệng. Một lát chịu không nỗi, y lăn lộn mấy vòng rồi kêu lên:

- Tôi... xin... nói..ói...ói.

- Mi giam vương phi Khai-thiên vương cùng phu nhân Thiên-trường đại hiệp ở đâu?

- Ở Ngọc-thụy. Lầu Ngọc-lan.

Mỹ-Linh run lên:

- Ngọc-thụy ở đâu?

- Trên bãi sông Hồng, trụ sở của Hồng-thiết giáo Thăng-long.

Câu trả lời của Vũ Nhất-Trụ làm Tạ-Sơn suy nghĩ về những biến cố trước đây. Nếu đúng như lời Nhất-Trụ khai, Hồng-thiết giáo quả có nhiều cơ sở mật ngay trong lòng Thăng-long. Bởi chủ nhân lầu Ngọc-lan cũng kiêm chủ nhân của tửu lầu Động-đình, nơi ăn chơi bậc nhất đế đô Đại-Việt.

Ngọc-thụy nằm trên một mỏm sông, nơi giao hội sông Hồng và sông Đuống. Giữa bãi Ngọc-thụy có một ngôi dinh thự kiến trúc từ thời vua Đinh. Chủ nhân là thân vương tên Đinh Điền. Khi Lê Hoàn tư thông với thái hậu Dương Vân-Nga. Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc đem quân đánh. Giữa lúc trận chiến nghiêng về phía Đinh, Nguyễn thì hai người bị thái hậu giả gọi vào cung tưởng thưởng, rồi thình lình sai võ sĩ giết chết. Sau đó con cháu Đinh Điền bán dinh thự lại cho một phú gia. Phú gia trồng trong vườn toàn thứ Ngọc-lan, nên đổi thành Ngọc-lan đình. Chủ Ngọc-lan đình hiện thời làm chủ cả tửu lầu Động-đình.

Thời Lý kinh thành Thăng-long có bốn đại tửu lầu. Một tên Lạc-viên lâu ở phía Bắc hồ Tây, nay thuộc xã Phú-thượng. Một ở phía Nam hồ tên Nguyệt-quang lầu, nay thuộc xã Đông-thái. Một tên Long-biên anh hùng quán ở bờ sông Hồng nay thuộc xã Thanh-lương. Tử lầu thứ tư đặt trên con thuyền cực kỳ lớn, mang tên Động-đình tửu lâu. Thuyền có ba tầng. Tầng trên cùng có năm mươi bàn. Ở giữa đặt một cái đài bằng gỗ cao hơn trượng, để cho ca nhi lên đó đứng hát. Xung quanh đài, một cái quầy, bầy rượu, cây trái. Tầng dưới một nửa dùng làm nhà bếp, một nửa chia thành nhiều phòng để du khách mua hoa thưởng lãm. Tầng dưới cùng, dùng làm nhà kho, nơi lọc nước, chứa nứơc. Thông thường Tửu-lầu đậu ở bãi Ngọc-thụy. Nhưng cũng có khi di chuyển dọc theo sông. Cả hai cơ sở, do một văn nhân tên Trịnh Hồ làm chủ. Năm nay Trịnh Hồ, tuổi đã trên bẩy mươi lăm. Dáng người lão hơi mập, tóc chỉ mới đốm bạc. Lão không biết võ công, nhưng lại giao du với tất cả các võ phái. Chính phái như Tiêu-sơn, Đông-a, Mê-linh, Sài-sơn, Tản-viên, Tây-vu tuy có chỗ không đồng ý với nhau. Nhưng cùng giống nhau ở chỗ, họ đều là khách của tửu lầu Động-đình. Ngay cả những bang hội, phái võ nhỏ, hay bọn đầu trộm đuôi cướp, lão cũng thân quen hết. Lão lại rất hào phóng. Võ lâm anh hùng hắc bạch, thiếu tiền, ghé thăm lão, thế nào lão cũng tặng cho số bạc lớn. Vì vậy tiếng tăm lão lừng lẫy.

Đối với các thân vương, quan lại trong triều, gần như lão quen biết hết. Lão nuôi một lúc hơn trăm con gái thực xinh đẹp. Lão cho các cô mang tên Lan. Lan Thanh, Lan Hồng, Lan Phương, Lan Thúy... Vì vậy khách tiêu dao đặt cho các cô mỹ danh bách lan. Các nàng Lan rất kiêu kỳ. Không phải ai cũng được tiếp. Các nàng chỉ tiếp ba loại người. Thứ nhất phải có chức tước. Văn từ chức thiếu bảo. Võ từ chức thần tướng. Thứ nhì, phải thuộc giới tao nhân mặc khách, hào hoa phong nhã. Thứ ba phải có điạ vị trong võ lâm. Hễ không được tiếp thì thôi. Còn được tiếp, lại không phải trả tiền. Kể cả tiền cơm rượu.

Nhất-Trụ quay lại nói với Khai-quốc vương:

- Vương gia! Nếu vương gia không tưởng đến công lao của lão phu cũng tưởng đến Tây-cung quí phi... Ối... Ối...

Khai-quốc vương biết nếu mình can thiệp, khoan thứ cho Vũ Nhất-Trụ hôm nay, e không bao giờ Tạ Sơn dám thẳng tay với bọn phản nghịch. Vương nói với Nhất-Trụ:

- Cô gia muốn khoan miễn cho tiên sinh. Nhưng ngặt vì đây thuộc thẩm quyền của Tạ chỉ huy sứ.

Tạ Sơn là sư đệ của Khai-quốc vương, chàng hiểu sư huynh hơn ai hết. Sư huynh nói vậy như muốn bảo chàng đừng có nể vì. Chàng đưa mắt nhìn sư phụ, chỉ thấy người lơ đãng nhìn mây trắng trôi trên bầu trời xanh ngắt.

Vương nói với Mỹ-Linh:

- Phàm làm việc nước, không được vị tình riêng. Con gái nhớ không? Chú cho con câu này:

Thương anh tôi để trong lòng, Việc quan tôi cứ phép công tôi làm.

Mỹ-Linh được chú cho thêm uy quyền, nàng cương quyết hơn:

- Quốc cữu còn giam ai nữa không?

- Còn, nhiều lắm, thần không nhớ rõ hết tên. Xin cứ đến Ngọc-lan đình mà tìm.

Tạ Sơn đứng dậy, tháo một cái gông bên phải cho Nhất-Trụ.

Mỹ-Linh tiếp:

- Quốc cữu vẽ bản đồ Ngọc-lan đình cho Khu-mật-viện. Tôi hứa sẽ tâu lên ông nội giảm khinh cho quốc cữu. Xin quốc cữu vẽ thực đúng cho.

Nhất-Trụ biết sự thể không đừng được, y cầm bút vẽ chi tiết bản đồ, cùng ghi chú mật hiệu của giáo chúng Hồng-thiết giáo Thăng-long.

Tự-Mai vận khí điểm vào huyệt Đại-trùy của Nhất-Trụ. Y bớt run rẩy. Nó hỏi tiếp:

- Tại trụ sở này, thường trực có bao nhiêu giáo chúng?

Nhất-Trụ rên lên mấy tiếng vì đau đớn, y run run:

- Xin cứu cho tôi khỏi đau, tôi mới nói.

Tạ Sơn vận khí điểm vào huyệt Bách-hội của y rồi hỏi:

- Hiện ai coi thành bộ Thăng-long?

- Cửu sư đệ Phạm Hổ.

- Trưởng lão Phạm Hổ à? Có phải y là Trịnh Hồ không?

- Đúng! Y giữ nhiệm vụ rất quan trọng, làm Chấp-pháp vương trong bản giáo.

Tạ Sơn thẩm vấn thực tỷ mỉ, từng đường, từng ngõ ngách, cùng mật khẩu của giáo chúng Hồng-thiết giáo vùng Thăng-long. Chàng kinh ngạc vô cùng, vì trụ sở của bọn gian, nằm ngay vùng Ngọc-thụy sát kinh thành Thăng-long, mà Khu-mật-viện không biết thì còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa?

Khi mới lên ngôi vua, Thuận-thiên hoàng đế cho thành lập Khu-mật-viện, đặt trực thuộc hoàng đế. Nhưng trên thực tế do quan Thái-úy, tổng đốc binh mã toàn quốc điều khiển. Khu-mật-viện có ba cơ quan lớn. Một coi về phương lược huấn luyện, hành quân. Cơ quan nay do binh bộ thượng thư đảm trách. Một coi về ngoại giao, nghiên cứu tình hình nước ngoài do lễ bộ thượng thư phụ trách. Một coi về tình báo quốc gia, do quản lĩnh Khu-mật-viện trông coi.

Trước đây phò mã Đào Cam-Mộc làm thái úy, tổng đốc binh mã toàn quốc. Vũ Nhất-Trụ quân hàm phó tiết-độ-sứ giữ chức vụ quản lĩnh Khu-mật-viện. Sau khi con gái Đàm Can tức Vũ Nhất-Trụ tên Đàm Thụy-Châu được tuyển làm quí phi. Y được đặc cách thăng làm thực thụ tiết độ sứ, quân hàm cao bậc nhì trong hàng võ quan. Đào Cam-Mộc với tư cách phò mã, khai quốc công thần. Quân hàm ông cao hơn Vũ Nhất-Trụ. Trong khi Nhất-Trụ có con gái làm quí phi, thành ra vai vế y cao hơn Đào Cam-Mộc đến hai bậc. Y thường hành sự coi thường lệnh của phò mã. Phò mã Đào Cam-Mộc tâu xin Thuận-Thiên hoàng đế cách chức y. Nhưng hoàng đế chỉ giảng hòa rồi bỏ qua.

Cho đến khi Khai-quốc vương thay thế phò mã Đào Cam-Mộc. Vương vốn nhiều mưu trí, nghĩ ra cách tâu xin thăng cấp cho Đàm Can. Quả nhiên Thuận-Thiên hoàng đế thăng y lên làm Đô nguyên soái, tức cấp bậc cao nhất của quan võ thời Lý. Sau đó vương tâu rằng y có tài văn võ kiêm toàn, đề bạt cho y kiêm chức quan văn. Y được phong làm thái phó. Đến đó, vương tâu rằng với tài của y, cấp bậc cao nhất trong quân, văn hàm bậc ba, xin giao cho chức vụ quan trọng hơn. Thuận-Thiên hoàng đế phong y làm tổng trấn thành Thăng-long. Tổng trấn Thăng-long thời bấy giờ, coi như chức vụ béo bở, nhiều bổng lộc nhất. Thuận-Thiên hoàng đế nghĩ tình y phò trợ lúc đầu, không nghi ngờ, chấp thuận ngay. Ngài tưởng như vậy để tỏ lòng biết ơn y.

Người ngoài nhìn vào cho rằng y được thăng cấp liên tiếp, nhưng trong lòng y không vui. Vì chức tổng trấn Thăng-long, sao bằng chức quản lĩnh Khu-mật-viện, kiêm điện tiền chỉ huy sứ? Nhưng y tuyệt không ngờ Khai-quốc vương đẩy y ra. Khai-quốc vương lập tức cử tướng chỉ huy đạo quân Ngự-long tên Tạ Sơn, sư đệ của vương làm quản lĩnh Khu-mật-viện.

Tạ Sơn xuất thân đệ tử phái Tiêu-Sơn, nơi phát xuất của hoàng đế. Sơn học nghiệp với đại sư Huệ-Sinh, tức sư điệt của hoàng đế. Sư đệ của Khai-quốc vương. Nhờ thế lực sư môn, dù quân hàm của Tạ Sơn tuy nhỏ, nhưng chàng dám làm tất cả mọi truyện, vì chàng tự tin vào lòng trung thành của mình với Đại-Việt. Từ lúc ngồi vào chức vụ quản lĩnh Khu-mật viện, điện tiền chỉ huy sứ, chàng cùng Khai-quốc vương thay đổi hoàn toàn hệ thống tình báo. Có thể nói, nhất cử, nhất động của triều Tống, Chiêm, Lào, Xiêm, Đại-lý, Chân-lạp, chàng biết hết. Tuy nhiên vẫn còn một mớ luộm thuộm, chàng chưa kịp chỉnh lại là vấn đề Hồng-thiết giáo.

Trong Khu-mật-viện, tàng trữ tài liêu của Hồng-thiết giáo, do... Vũ Nhất-Trụ soạn thảo. Tài liệu đều nói rằng giáo phái này đã cải tà qui chính, không tranh dành quyền với triều đình. Nào Nhật-Hồ lão nhân qua đời rồi mà dân chúng còn thờ kính, thì Hồng-thiết giáo được lòng dân, chẳng nên truy lùng giáo chúng.

Bây giờ nảy ra, y chính là đại đệ tử của Nhật-Hồ lão nhân, thống lĩnh giáo chúng. Vì vậy những tài liệu của Khu-mật viện về Hồng-thiết giáo không thể có một nét nào tin được.

Tạ Sơn đã biết trụ sở này rồi. Chàng nói với Khai-quốc vương:

- Sư huynh, xin sư huynh quyết định.

Ý Tạ Sơn muốn Khai-quốc vương ban lệnh, vì hiện thời Nhất-Trụ vẫn còn giữ chức tổng trấn Thăng-long. Chàng không thể điều động quân mã trong thành này được. Khai-quốc vương hô:

- Tất cả quì gối nghe chiếu chỉ.

Ngoại trừ Huệ-Sinh, sư huynh của hoàng đế. Ông được miễn hết lễ nghi triều đình, mọi người đều quì gối nghe chiếu chỉ. Khai-quốc vương lấy trong bọc ra một trục giấy, vương đọc:

Thừa thiên hưng vận, Đại-Việt hoàng đế chiếu rằng:

Điện-tiền chỉ huy sứ Tạ Sơn trong năm qua lập được nhiều công trạng chống tế tác ngoại bang. Mới đây lại lập đại công chống phỉ tặc, khám phá ra âm mưu tạo phản. Công ấy thực đáng lao tưởng. Nay đặc cách thăng lên làm Tiết độ sứ, chưởng quản Khu-mật-viện, kiêm tổng trấn Thăng-long.

Thuận-thiên năm thứ mười bẩy, tháng tám, ngày mồng năm.

Khâm thử.

Tạ Sơn hướng về điện Càn-nguyên lạy tạ. Mọi người đều chúc mừng chàng. Chàng nghĩ thầm:

- Ta tuy có công thực, nhưng sở dĩ được trao chức vụ tín cẩn vì ta học nghiệp với sư huynh hoàng đế. Ta lại là sư đệ của Khai-quốc vương. Tất cả những gì ta có do sư phụ.

Chàng đến trước sư phụ quì gối:

- Sư phụ, đệ tử muôn vàn cảm tạ công đức giáo hoá của sư phụ.

Huệ-Sinh phất tay, không cho chàng quì:

- Con đang hưởng quả đẹp, hãy cố gieo nhân tốt hơn nữa đi.

- Đa tạ sư phụ dạy dỗ.

Vũ Nhất-Trụ nhìn Khai-quốc vương, nghĩ thầm:

- Hồng-thiết giáo của ta nổi tiếng mưu mẹo, xảo trá, thế mà cũng không qua mặt tên Lý Long-Bồ này. Ta mới bị bắt đây, mà y đã thủ sẵn chiếu chỉ thăng cấp cho Tạ Sơn, lại đề bạt y kiêm tổng trấn Thăng-long, như vậy hoàng đế ắt biết tội ta rồi. Làm sao bây giờ?

Tôn Đản hỏi Khai-quốc vương:

- Sư huynh! Sư huynh cũng phong cho bọn em mỗi người một chức đi.

Khai-quốc vương cười. Ông vỗ vai Tôn Đản:

- Đản ơi sao dại vậy? Nếu phong chức, bất quá em làm đội trưởng là cùng. Sao bằng để vậy, anh là em. Em là anh, có phải oai không?

Tôn Đản cười gật đầu.

Vương tiếp:

- Bây giờ bàn kế cứu người. Các em tính sao?

Tạ Sơn phất tay, một viên đô thống ra khỏi phòng họp, lát sau y mang vào mấy cuốn trục. Tạ Sơn vẫy các sư đệ lại bên chàng, rồi mở cuốn trục ra. Trong cuốn trục vẽ bản đồ khu Bắc hồ Tây. Chàng chỉ lên bản đồ:

- Đây chúng ta đang ở chỗ này. Ra khỏi thành, chúng ta đi về phía bờ sông Hồng. Qua bến Tiềm-long tới bến Ngoạ-long rồi rẽ vào phường hàng hoa. Qua phường hàng hoa tới phường hàng bát. Phường hàng bát nằm cạnh bờ hồ. Men theo hồ Tây đến bến đò Tứ-liên. Bên kia Tứ-liên thuộc Ngọc-thụy. Tửu lầu Động-đình hiện đậu ở bãi Ngọc-thụy.

Chàng chỉ lên bờ hồ phía Đông:

- Hiện phía Bằc hồ do chư vị đệ tử phái Sài-sơn về dự lễ, đang đóng ở đây. Chúng ta mang giáp sĩ đến trụ sở của Hồng-thiết giáo thành bộ Thăng-long phải qua bờ phía Đông, nơi phái Sài-sơn cắm trại. Ta sợ, phái này thấy giáp sĩ, lại cho rằng chúng ta đến tấn công họ, e có sự hiểu lầm. Còn đi vòng theo phía Tây, ắt gặp chỗ cắm trại của đám họ Nùng. Làm sao bây giờ? Ta muốn mọi việc âm thầm, kín đáo, hơn rầm rộ.

Hà Thiện-Lãm dơ tay xin nói:

- Từ khi đức kim thượng ban luật đại xá. Hồng-thiết giáo công khai hoạt động. Bên trong chúng làm bậy. Bên ngoài chúng giả tôn trọng luật pháp. Bây giờ đem quân vây trụ sở của chúng. Chúng sẽ đặt vấn đề, lôi thôi lắm. Thứ nhì Ngọc-lan, Động-đình được quản trị bới Trịnh Hồ. Bấy lâu nay y giao dịch ban ơn rộng rãi khắp triều đình, võ lâm, danh sĩ. Ta đem quân vây, cứu được người tù đương nhiên không ai nói gì. Vạn nhất, không cứu được ai, thực rắc rối to. Phải có kế sách nào vẹn toàn hơn dùng giáp sĩ.

Lê Thuận-Tông bàn:

- Đem quân vây Ngọc-lan, Động-đình, làm cỏ bọn chúng, không có gì khó. Em đề nghị: Anh hai để bọn em làm. Bọn em âm thầm đột nhập dò thám. Lỡ ra chúng khiếu nại, anh bảo việc này do đám trẻ nít phá phách, Khu-mật viện vô trách nhiệm. Nếu cứu được người ra càng tốt. Bằng không cứ để vậy. Đợi đúng lúc bọn Hồng-thiết giáo kéo đại lực lượng dự lễ Bắc-bình vương. Trụ sở không còn cao thủ. Ta cho người đột nhập cứu ra. Bấy giờ có đủ bằng cớ, ta đem quân vây bắt, không ai nói gì được nữa.

Viên đô thống đề nghị:

- Theo tiểu tướng, chúng ta nên khẩn cấp tâu lên thiên tử, Khai-thiên vương, báo cho phái Đông-a, Sài-sơn biết, để tất cả cùng ra tay diệt trừ bọn chúng.

Mỹ-Linh lắc đầu. Nàng đã thấy Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga, thân tàn, ma dại, chắc chắn vương mẫu cũng như mẹ của Tự-Mai cũng không hơn. Bây giờ tâu lên ông nội, đương nhiên việc giải cứu dễ dàng. Nhưng trước mặt mọi người, vương mẫu nàng thân thể ra thế ấy, e phụ vương nàng khó giữ nổi cái địa vị thái tử. Anh em nàng cũng mất hết địa vị công chúa, thế tử, quận chúa. Hai vị Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm Tự-An, Hồng-Sơn chắc gì đã vui lòng khi thấy vợ họ bị làm xấu như vậy?

Tạ Sơn hiểu ý Mỹ-Linh. Chàng gật đầu:

- Chúng ta cần làm cho bí mật. Bây giờ đã giờ Dậu, trời tối rồi. Chúng ta phải hành sự cho mau. Nếu trễ, e chúng di chuyển tù nhân đi chỗ khác mất. Bọn Tống cũng như bọn Nhật-Hồ đang mưu quấy phá trong ngày giỗ Bắc-bình vương. Ta cứu hai vị này ra, làm nhân chứng quan trọng. Sư huynh phải ứng trực, vậy công chúa với Tự-Mai đi được rồi. Nhưng còn vấn đề giáp sĩ?

Tôn Đản cười khúc khích:

- Em có kế, nhưng phải cho em đi, em mới nói.

Mỹ-Linh cốc vào đầu Tôn Đản:

- Em với chị tuy hai, mà một. Bất cứ em muốn gì, chị cũng ừ hết. Kế của em ra sao?

- Này nhé, chúng ta đã có bà Lâm Huệ-Phương cầm ô che nắng che mưa ở phái Sài-Sơn. Bà lại thương yêu chị Mỹ-Linh. Bây giờ chị Mỹ-Linh sắm sửa một lễ tới thăm bà. Việc một công chúa ngàn vàng, có trăm giáp sĩ hộ tống không ai ngạc nhiên gì cả. Sau khi thăm bà, ta dẫn giáp sĩ vượt sông bao vây Ngọc-thụy, ắt không ai nghi ngờ. Ngoài ra ta cho thủy quân tuần tiễu trên sông, thình lình bao vây tửu lầu Động-đình. Trong khi đó cho một đoàn thị vệ giả làm thực khách lên lầu ăn uống.

Nghe Tôn Đản hiến kế, Mỹ-Linh mừng lắm, đưa mắt nhìn Khai-quốc vương. Vương vẫy Tôn Đản:

- Em có nhiều mưu kế hay đấy. Sư huynh đã chuẩn bị hai mâm lễ vật tạ ơn đại phu cứu cháu, mà chưa mang đi. Các em cứ hành sự. Ta ngồi xem.

Tạ Sơn viết lệnh, sai người đem đi, chỉ lát sau ba viên võ quan đến trình diện. Viên chỉ huy đội thị vệ tên Hà Việt. Viên chỉ huy thủy đội thị vệ tên Chu Hải. Viên chỉ huy thiết kị tên Nguyễn Duệ.

Tạ Sơn ra lệnh:

- Hai vị đội trưởng đem quân theo công chúa thi hành một mật lệnh. Hai vị phải dặn dò binh sĩ trong khi đi đường cũng như sau khi chấm dứt nhiệm vụ. Bất cứ ai hở môi tiết lộ ra, tất cả đều bị xử tử, không cần biết ai oan ai không.

Những viên thị vệ Hoàng-cung, đều có võ công cao cường, được huấn luyện cực kỳ chu đáo về tác chiến, trinh sát. Theo quan chế nhà Lý, thì thị vệ lĩnh lương bổng như đội trưởng. Khi về hưu, họ được ngồi ngang với lý trưởng.

Vua Lý Thái-tổ xuất thân giữ chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ của triều Lê, tức trực tiếp thống lĩnh thị vệ, cấm quân. Chính nhà vua huấn luyện ra đám thị vệ này. Từ ngày Khai-quốc vương giữ chức thái-úy, vương chú tâm đặc biệt đến họ. Hàng ngày cứ một nửa làm việc, một nửa phải luyện võ, cùng học thêm về trinh sát. Họ tự biết, vị vương gia này rất thương yêu họ, nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc khi họ phạm lỗi. Nay họ nhận lệnh mật khẩn cấp, nên tự biết việc không thể chểnh mảng.

Tạ Sơn tiếp:

- Chu Hải dẫn thủy đội xuôi giòng, làm như tuần tiễu, rồi thình lình bao vây tửu lầu Động-đình. Tuyệt đối không được khai chiến. Bất cứ ai đến, hay ra khỏi, phải theo dõi. Sau đó cho thuyền tuần tiễu dọc sông. Nhớ coi chừng, đừng ngộ nhận với người của công chúa. Tôi sẽ sai hai chim ưng trên trời tuần tiễu. Nếu có biến cố gì, chúng báo cho. Nhất nhất tuân lệnh công chúa.

Tạ Sơn ra lệnh cho Hà Việt:

- Anh dẫn trăm thị vệ, giả làm dân chúng, qua sông Hồng, tiến về Ngọc-thụy bao vây mỏm sông, sẵn sàng chờ lệnh công chúa. Mỗi hành động cần cẩn thận, tránh ngộ nhận với võ lâm.

Chu Hải hỏi:

- Hôm nay là ngày tám, sắp đại hội võ lâm, ắt tửu lầu đông khách lắm. Tôi sợ theo dõi không hết.

- Tướng quân chỉ theo dõi ở tửu lầu, cùng trên mặt sông thôi. Những thuyền đưa khách từ bờ bên này sang Ngọc-thụy đều là người của ta, không cần theo dõi.

Tạ Sơn lấy ra một hộp nhỏ, chàng trao cho Hà Việt:

- Trong hộp này có hơn trăm sợi dây đỏ. Mỗi thị vệ phải thắt một cái dây vào cúc áo cổ, để dễ nhận nhau.

Chàng bảo Nguyễn Duệ:

- Người mang đội thiết kị theo hầu công chúa.

Lý Long ban chỉ thị:

- Ba vị tướng quân cần án binh bất động, để mặc cho công chúa Bình-dương hành động. Nhất thiết tránh đổ máu, tránh ồn ào. Càng bí mật càng tốt.

Chàng bảo Mỹ-Linh:

- Lần đầu tiên chú cho cháu hành sự một mình. Khi cháu lên đường, chú đã báo cho Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái rồi. Nếu ba người có thời giờ, sẽ đến tiếp ứng. Thôi chú chúc cháu may mắn. Nhớ đừng để thua công chúa Gia-hưng Trần Quốc.

Cháng gọi Tự-Mai đến bên cạnh dặn dò nó một lúc lâu. Tự-Mai vỗ ngực:

- Anh cả yên tâm. Em sẽ làm tròn bổn phận.

Mỹ-Linh dẫn Tự-An, Tôn Đản đem theo hai mâm bánh, trái, dẫn trăm thiết kị, xuất ra cửa Tường-phù, men theo bờ sông Hồng mà đi. Đi một lát, trước mặt hiện ra khu trại đóng dọc bờ sông. Ngoài cửa trại canh gác nghiêm mật. Mỹ-Linh lệnh thiết kị dừng lại, rồi sai một cung nữ tới nói với người canh cửa:

- Xin nhân huynh vào trình với phu nhân Hồng-Sơn đại phu rằng có công chúa Bình-dương đến dâng lễ tạ.

Đối với võ lâm địa vị Hồng-Sơn đại phu cao hơn Mỹ-Linh nhiều. Còn đối với quan quyền, Hồng-Sơn đại phu chỉ là một thầy thuốc dân gian. Thầy thuốc trị bệnh cho công chúa, sau đó được ban thưởng thực hân hạnh lắm rồi. Thế mà cô cung nữ nói Công chúa dâng lễ tạ như thế tỏ ra coi trọng Hồng-Sơn đại phu cực kỳ.

Một lát Lâm Huệ-Phương cùng Lê Văn, Thiếu-Mai ra cửa. Mỹ-Linh xuống ngựa nói lớn:

- Đa tạ đại phu cứu mạng cho sư tỷ Thanh-Mai cùng thế tử Thiệu-Thái. Khai-quốc vương cử tôi tới đây dâng lễ tạ.

Huệ-Phương tuy thân với Mỹ-Linh, vì nàng suýt trở thành vương phi Khai-Quốc vương. Vương nuôi Mỹ-Linh làm con. Trong thâm tâm nàng coi Mỹ-Linh như người dưới vai. Nhưng bây giờ giữa chốn ba quân, nàng phải giữ lễ:

- Đa tạ vương gia. Y đạo Đại-Việt dạy cứu người không đòi thù lao. Thực không dám phiền ngọc thể công chúa điện hạ. Kính mời công chúa giá lâm.

Mỹ-Linh ra lệnh cho Nguyễn-Duệ:

- Người cùng anh em ở ngoài này.

Nàng vẫy Tự-Mai, Tôn Đản theo Huệ-Phương vào trong trại. Tới căn lều lớn, Huệ-Phương mời Mỹ-Linh vào. Mỹ-Linh truyền để hai mâm lễ lên bàn, rồi cho cung nữ ra ngoài. Huệ-Phương sai đóng cửa lều lại. Nàng nắm tay Mỹ-Linh:

- Công chúa! Có việc gì đây?

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

- Chú hai thường nói, Huệ-Phương đáng mặt tri kỷ của chú hai. Bất cứ chú hai làm việc gì, nàng cũng hiểu hết. Vì vậy, nàng không khách sáo, hỏi ngay vào vấn đề.

Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Khu-mật-viện vừa tìm được tung tích bọn Hồng-thiết giáo, vì vậy chú hai sai tôi đi bắt về. Ngặt vì trên đường đi, phải qua khu đóng trại của quý phái. Xin phu nhân giúp cho.

Huệ-Phương cảm động:

- Đúng ra, triều đình muốn mang quân đi đâu, chúng tôi phải tránh đường. Khu-mật-viện hành động như thế này, thực quá tế nhị. Công chúa cứ việc đem thiết kỵ đi qua, tôi hứa không có gì hiểu lầm xẩy ra.

Tự-Mai hỏi Lê Văn:

- Sư huynh! Sư bá đâu?

Lê Văn thấy một thiếu niên tuổi ngang mình, lại gọi mình là sư huynh. Nó bỡ ngỡ hỏi Mỹ-Linh:

- Bà chị xinh đẹp. Anh này có phải phe đảng bọn phá trời như em không?

Mỹ-Linh nhoẻn miệng cười, hàm răng nàng trắng đều, ánh mắt long lanh:

- Cũng con giòng cháu giống như em. Cũng mất mẹ, rồi gặp bà dì ghẻ vừa ngu vừa đần, vừa ác độc. Bây giờ cũng mới gặp bà kế mẫu đẹp như tiên nga.

Lê Văn bật cười:

- À anh tên Tự-Mai đấy hả? Đệ nghe chị Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh nói đến anh hoài. Hôm nay mới được thấy dung nhan.

Lê Văn nắm tay Tự-Mai. Hai thiếu niên ngang tuổi nhau, vốn nghe tiếng nhau, bây giờ mới gặp nhau. Họ thân với nhau ngay.

Tự-Mai nghĩ đến việc đi cứu mẹ mình, không biết sống chết ra sao. Còn Lê Văn, mẹ đang ở trong phủ Khai-quốc vương. Nó nhớ đến lúc sắp ra đi, Khai-quốc vương dặn nó một điều quan trọng, nó nói với Lê Văn:

- Sư huynh! Tôi mới học được thuật cải tử hoàn sinh. Tôi có thể cải tử hoàn sinh cho bất cứ người nào, dù chết lâu hay mới chết. Trong buổi diện kiến, nếu sư huynh muốn tôi hoàn sinh cho ai, tôi sẽ làm.

Có tiếng trầm trầm:

- Nếu cháu làm được việc đó thì cháu là phật bà Quan-âm rồi.

Hồng-Sơn đại phu vào lều. Mọi người hành lễ. Huệ-Phương chỉ lễ vật:

- Khai-quốc vương sai công chúa Bình-dương đến tạ đại phu đấy!

Hồng-Sơn đại phu vuốt râu cười khoan hoà:

- Lý Công-Uẩn tài đến đâu ta không biết, nhưng ít ra cũng sinh đươc ba người con đại quí. Một là vợ Đào Cam-Mộc, hai là vợ Thân Thừa-Quí ba là Khai-quốc vương. Người ta thường ca tụng rằng: « Ai chưa gặp Khai-Quốc vương đừng vội xưng anh hùng. » Cứ xét vụ này thì thấy. Y quả khôn ngoan có thừa. Bất đắc dĩ, ta phải chống đối y thực đáng buồn.

Đại phu chỉ Tự-Mai:

- Cháu học được thuật cải tử hoàn sinh ở đâu?

Tự-Mai nhìn Mỹ-Linh:

- Chị cháu có thể cải tử hoàn sinh cho người chết oan. Còn người chết già, cũng bó tay. Khổ một điều, trong đời người chỉ cải tử hoàn sinh cho một hồn. Cháu cũng thế.

Hồng-Sơn đại phu là người cực kỳ thông minh. Ông thấy lời nói của Tự-Mai như bao hàm những điều bí ẩn gì. Trong khi Tự-Mai nói, Mỹ-Linh ngơ ngác như không hiểu. Ông hỏi thẳng Mỹ-Linh:

- Công chúa! Ai dạy công chúa với Tự-Mai thuật đó?

Quả nhiên Mỹ-Linh luống cuống. Tự-Mai đáp thay:

- Sư phụ chúng cháu ẩn trên núi Tản-viên. Lão nhân gia chưa từng xuất hiện. Vì vậy sư bá không biết đâu.

Hồng-Sơn đại phu hiểu ngay. Ông nghĩ thầm:

- Lý Long-Bồ biết ta còn phẫn uất vụ vợ ta chết, ta bó tay. Nay dường như y nhờ Tự-Mai nhắn với ta rằng y có thể giải cái uất hận ấy. Nên Mỹ-Linh ngơ ngác quả không sai. Được! Ta thử dò xem.

Ông hỏi Tự-Mai:

- Ta muốn đánh cuộc với sư huynh cháu. Ta nghĩ, cháu với công chúa không đủ bản lĩnh làm việc đó. Nếu hai cháu làm được, ta chịu tuân theo ba điều do Lý-Long đưa ra. Còn hai cháu không làm nổi, Ly-Long cũng phải làm ba điều do ta đưa ra.

Tự-Mai cười:

- Vâng, cháu sẽ nói với sư huynh.

Hồng-Sơn đại phu tiếp:

- Nếu đúng như lời Tự-Mai nói. Hai cháu hoàn sinh cho mẹ Lê Văn, cháu muốn ta phải làm gì?

Mỹ-Linh vốn đọc sách nhiều, nàng nắm lấy cơ hội:

- Tiểu nữ xin tiên sinh làm cho ba điều, miễn ba điều đó không phạm luật, không hại nước, không trái đạo lý.

Hồng-Sơn đại phu chỉ tay lên trời:

- Nếu đúng như thế, lão phu nguyện tuân mệnh lệnh công chúa.

Tay ông móc trong túi ra ba tượng Phù-Đổng Thiên-vương nhỏ bằng vàng trao cho Mỹ-Linh:

- Công chúa cầm lấy, coi như tín vật. Bao giờ công chúa cho ta gặp vợ cũ của ta?

Mỹ-Linh đáp:

- Nội trong hai ngày.

Hồng-Sơn đứng lên tiễn khách.

Mỹ-Linh, Tự-Mai, Tôn Đản vẫy tay cho Nguyễn Duệ đem thiết kị lên đường. Tới Nhật-tân, Nguyễn Duệ cho quân dàn ra bên bờ sông. Còn Mỹ-Linh giả trai, cùng Tự-Mai, Tôn Đản đến bến đò Tứ-liên sang sông. Đứng bên bờ sông Hồng nhìn sang bên kia nơi con thuyền dùng làm tửu lầu Động-đình đậu. Mỹ-Linh, Tự-Mai rộn lên trong lòng. Hai người cùng nghĩ như nhau:

- Không biết mẹ ta bị giam ở tửu lầu Động-đình hay Ngọc-lan đình?

Thấy người chèo đò rước khách, trên cúc áo có sợi dây đỏ, biết họ làm việc cho Khu-mật-viện. Mỹ-Linh an tâm.

Thiếu nữ chèo đò nói bâng quơ:

- Ai đi đò, phải trả tiền bằng hoa lan. Muốn trả mấy bông?

Tự-Mai nghe mật khẩu, nó biết người đưa đò muốn biết đẳng cấp của ba chị em nó. Nó đáp:

- Chỉ có ba bông mận mà thôi.

Mận tiếng Hán-Việt là Lý. Tự-Mai muốn cho họ biết Mỹ-Linh thuộc hoàng thân, quốc thích, so với hoàng đế thuộc đời thứ ba. Cô lái đò mỉm cười, cất tiếng hát véo von. Thuyền ra giữa sông, cô lái đò nói sẽ:

- Bọn chúng đang ăn uống ở tửu lầu Động-đình, sau đó về Ngọc-lan đình. Phải cẩn thận đấy.

Thay vì đưa ba người đến tửu lầu Động-đình, cô đưa đến bãi lau sậy cách đó mấy dặm. Cô cất tiếng ngâm sa mạc:

Hỡi anh đi đường cái quan, Dừng chân đứng lại, em than đôi lời.

Lập tức trong bụi lau có tiếng hú như cú kêu, rồi một người dơ tay vẫy. Cô lái đò nói:

- Lên bờ đi thôi.

Mỹ-Linh nhún chân vọt người lên bờ. Tự-Mai, Tôn Đản tung mình theo. Ba người đáp xuống nhẹ nhàng. Người dẫn đường là một thiếu nữ. Cô đưa ra ba bộ quần áo mầu hồng:

- Ba vị thay quần áo đi, phải giả làm giáo chúng Hồng-thiết giáo mới vào Ngọc-lan đình được. Không biết các vị có công tác gì?

Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Chúng tôi phải cứu tất cả những người bị giam tại Ngọc-lan đình. Trong đó có bao nhiêu người bị tù?

- Nhiều lắm, nay thêm người tới, mai đem người đi. Ba vị cứu bằng cách nào? Tôi e không dễ đâu. Hiện các đại ma đầu tụ về đây cả. Bản lĩnh chúng cao thâm khôn lường. Tôi không được phép nói truyện với tù nhân, vì phải có lệnh của Vũ Nhất-Trụ mới được tiếp xúc với những người đó.

Ba người vào bụi lau thay quần áo. Thiếu nữ dẫn đường cười:

- Bây giờ các vị tự nhiên vào Ngọc-lan đình. Hồi chiều giáo chúng ở đây bị đưa đi nơi khác, thay thế bằng giáo chúng ở nhiều nơi đến. Nhân lúc hỗn độn, không ai nhận được ai, chúng ta tha hồ tung hoành.

Thiếu nữ nói:

- Tôi tên Lan-Hương. Còn ba vị tên Ngọc-Phúc, Ngọc-Đức, Ngọc-Hiền. Nhớ lấy.

Bốn người khoan thai theo cổng sau vào trong dình Ngọc-lan. Đình Ngọc-lan nằm giữa khu vườn rộng hơn ba mẫu. Trong vườn trồng toàn một thứ lan. Đình chia làm hai ngôi nhà vuông vức, cao ba tầng. Giữa hai ngôi nhà nối với nhau bằng một cây cầu gỗ, trên có lợp ngói xanh. Tường quét vôi trắng. Bốn bên đều có bậc thang lên lầu. Xung quanh lầu chính, có bốn dẫy nhà phụ, mỗi dẫy dài đến mười gian.

Tên giáo đồ gác cổng thấy Lan-Hương đi với ba người, y hỏi:

- Lan-Hương! Ba vị này từ đâu tới?

- Từ Tây-hồ đến thay thế hầu hạ buổi tiệc đêm nay.

Lan-Hương dẫn ba người vào một căn phòng thuộc dẫy nhà ngang, rồi đóng cửa lại:

- Hôm nay mồng tám, giáo chúng kéo nhau ra tửu lầu Động-đình ăn uống. Còn bọn đại ma đầu sẽ họp ở ngôi nhà bên cạnh đây. Ngôi nhà này có hai đường đi tới. Một đường từ bờ sông vào. Đường này các vị không đi được, vì chúng canh gác rất cẩn thận. Còn đường thứ nhì đi bằng đường hầm từ góc Đông căn đình. Ba vị cần thuộc hết đường đất trong trang mới được.

Nàng lấy trong ngăn tủ ra tấm bản đồ:

- Ngọc-lan đình có ba tầng. Tầng dưới gồm phòng họp rất lớn, và tám phòng nhỏ. Trên lầu nhất, chỉ có một phòng họp lớn. Trên lầu hai chia thành nhiều phòng để cho khách quí tới hành lạc với các Lan nữ. Còn những bí mật đều ở sâu dưới dất. Trong tám phòng dưới nhà, đếu có cửa thông với tám đường hầm, đi tám ngả. Các ngả khác tôi cũng không biết rõ. Tôi chỉ biết có ngả Đông, thông sang mật thất, nơi họ luyện công. Khu mật thất này gồm một căn nhà bằng gỗ trắc rất đẹp. Phía trước có cái hồ. Trên hồ tọa lạc căn thủy tạ.

Mỹ-Linh hỏi:

- Hiện trong các lầu có ai canh gác không?

- Không, trụ sở này mật mà lại hở. Mật vì chứa biết bao trọng yếu của Hồng-thiết giáo. Còn hở lại dùng vào việc ăn chơi, trác táng. Quan quân ít để ý tới.

Tự-Mai dặn Lan-Hương:

- Chị nhớ nhé, lỡ chúng tôi bại lộ, chị chối biến, coi như không biết chúng tôi. Như vậy an ninh cho chị hơn. Thôi chị ở lại.

Ba người ra khỏi phòng Lan-Hương, nhìn trước, nhìn sau không có ai, Tự-Mai lao mình vào ngôi nhà thứ nhất. Nó vận sức đẩy cửa. Cánh cửa mở ra. Bên trong, một phòng khá lớn. Giữa phòng lấp lánh cái hồ nước rộng đến hơn ba trượng (6m ngày nay). Trong hồ, một ngọn giả sơn cao hơn đầu người. Trên giả sơn có năm sáu con chim đủ loại, phơi khô, trông giống như chim sống.

Sau cái hồ đến bức bình phong bằng gỗ sơn mài khảm xà cừ mai, lan, cúc, trúc. Ngay phía cửa trước, hai tấm da hổ khô, nhồi bông, đặt trong tư thế mằm giống hệt hổ thực.

Trên tường treo rất nhiều bức danh họa Hoa-Việt. Từ phòng khách lớn, có tám cái cửa bằng gỗ lim không biết thông ra đâu..

Tôn Đản bàn:

- Chúng ta cùng mở cửa Đông đi vào. Như Lan-Hương nói, sau cửa có đường hầm.

Tự-Mai mở cửa phía Đông. Trong cửa, một căn phòng, trên tường treo đèn sáng trưng. Giữa phòng, kê chiếc dường. Cạnh dường để chiếc bàn lớn, và cái tủ.

Mỹ-Linh chỉ vào tủ:

- Có thể sau cánh tủ thông với đường hầm.

Nàng mở tủ. Trong tủ chỉ có mấy bộ quần áo đàn bà, hương thơm bốc ra ngào ngạt. Thất vọng, Mỹ-Linh đóng cửa tủ hỏi Tự-Mai:

- Em đoán xem hầm ở chỗ nào?

Tự-Mai qua sát một vòng, bỗng nó chỉ vào gầm giường:

- Đây rồi!

Tay nó lôi tấm thảm dưới gầm giường, để lộ ra một cánh cửa gỗ. Nó cầm khoen cửa kéo lên, dưới khoen lộ ra một đường hầm tối om.

Rất can đảm, Tôn Đản nói:

- Để em xuống trước.

Nói rồi nó chui vào gầm giường. Sau cửa gỗ, có những bậc thang bằng gạch. Đản xuống đến bậc thứ hai mươi, trước mặt nó hiện ra đường hầm vừa một người đi, xây gạch. Mùi ẩm thấp xông lên. Nó lấy trong bọc ra cây bổi, đánh lửa châm vào. Nó lần theo đường hẫm đi về trước khoảng hai mươi trượng, có ngách quẹo sang trái. Nó tiếp tục đi theo đường hầm dài nữa gặp một cái cửa gỗ. Dùng tay kéo mạnh, cửa không mở, nó rút trong bọc ra con dao trủy thủ, cho vào khe cửa nạy mấy cái. Then từ từ lui sang một bên. Nó nẩy ba bốn cái nữa, cánh cửa mở ra. Sau cửa có cầu thang đi lên. Cuối cầu thang,lại một cánh cửa nữa. Nó sẽ đẩy một cái, cánh cửa từ từ mở, ánh sáng lờ mờ chiếu vào.

Nghe ngóng, không có động tĩnh, nó tắt bổi, chui ra khỏi hầm. Cửa hầm thông với một căn phòng. Trong phòng treo một ngọn đèn dầu nhỏ. Nó đóng cửa hầm rồi lần tới cửa phòng.

Bên ngoài, ánh trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Nó lắng tai, dường như có tiếng thở mạnh, như người ta đang luyện công. Nó ra khỏi căn nhà, núp vào bụi hoa phía trước, nhìn lại: Căn nhà nó vừa ra khỏi, bằng gỗ trắc, mái lợp ngói. Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng kiến trúc rất đẹp. Trong vườn trồng nhiều hoa, hương bốc lên ngào ngạt. Nó nhìn lại hướng cửa đường hầm vừa chui ra, cách đó không xa, chính thị Ngọc-lan đình, đứng sừng sững dưới trăng.

Nó nhủ thầm:

- Mới nhìn, Ngọc-lan đình với căn nhà cách nhau bằng hàng rào. Ai cũng tưởng Ngọc-lan đình với căn nhà gỗ thuộc hai chủ khác nhau. Nào ngờ có đường hầm thông sang.

Lần theo nơi có tiếng thở, nó đi tới. Không mất công, trước mặt nó một cái bàn bằng đá, nằm ngay cạnh bờ ao. Trên bàn, một người đàn bà nằm ngửa, tóc xõa, hai tay nắm lấy cạnh bàn. Người đàn bà gương mặt còn rất trẻ, dưới ánh trăng, nó nhận ra người này đẹp không kém gì Thanh-Mai. Người đàn bà mặc chiếc áo cánh ngắn trắng, quần lụa đen. Ngực nàng nhô lên thụp xuống theo điệu thở.

Cạnh bàn, một người đàn ông tóc lốm đốm bạc, quần áo hồng nhạt, ngồi trên ghế nhắm mắt thở hít. Dường như lão đang luyện công. Hơi thở của lão dài vô cùng.

Ký ức giúp Tôn Đản nhớ lại lời Mỹ-Linh thuật rằng bọn Hồng-thiết giáo có lối luyện công rất đặc biệt. Võ lâm luyện công thường ngồi dưới ánh sáng mặt trời như phái Tản-viên. Luyện dưới nước như phái Cửu-chân. Luyện trước bàn thờ, dưới gốc cây như phái Tiêu-sơn. Luyện trong đêm như phái Mê-linh. Còn Hồng-thiết giáo luyện công thường ở trong chỗ tối, hoặc dưới ánh trăng.

Võ phái khác dùng thuốc, để trợ công. Hồng-thiết giáo hấp tinh khí đàn bà luyện công. Thông thường họ dùng phụ nữ tuổi từ mười lăm tới bốn mươi. Phụ nữ phải xinh đẹp, khoẻ mạnh. Người phụ nữ ấy có thể là vợ, là tình nhân, là nàng hầu. Khi họ không thể kiếm ra vợ, tình nhân xinh đẹp, họ đi bắt cóc về. Vì vậy Vũ Thiếu-Nhung, Chu Vân-Nga đã bị bắt cho Nhật-Hồ, Nguyễn Chí luyện công. Ngoài lúc họ luyện công, đêm nằm họ ôm người đàn bà ấy mà ngủ, để hấp lấy khí. Người thường, ôm vợ cùng chiều. Bọn Hồng-thiết lại ôm gái nằm ngược chiều mà hấp lấy khí.

Nó im lặng theo dõi, quên mất cả Mỹ-Linh, Tự-Mai đang chờ nó. Lão già thở hít mỗi lúc một mau, rồi thình lình y đưa hai tay về trước, vận kình lực ra, khiến các ngón tay run run. Bất thình lình tay trái y úp lên nhũ hoa phải người con gái. Tay phải y để vào âm hộ nàng. Người con gái run lên bần bật, đầu lắc lư, mặt nhăn nhó, rên lên hừ hừ, miệng nói những âm thanh nho nhỏ, nó nghe không rõ. Thỉnh thoảng nàng uốn cong người lên, dường như không đau đớn gì.

Cứ như vậy kéo dài khoảng ăn một bữa cơm, lão già, vung tay trái giật mạnh rút quần người con gái, rồi y ghé miệng vài âm hoa nàng mà mút. Người con gái lại bật lên những tiếng rên nho nhỏ. Nó nhìn rõ lão già nuốt ừng ực, giống như lão đang uống nước. Tôn Đản chợt hiểu lời Mỹ-Linh thuật: Bọn Hồng-thiết thường hút tinh dịch, hoặc tinh huyết hoặc uống nước tiểu con gái mà luyện công.

Một lát sau lão ngừng lại, hỏi người con gái:

- Sao? Hôm nay em tiểu nhiều đấy chứ?

Người con gái nhoẻn một nủ cười, ngồi dậy, thỏ thẻ:

- Thì em phải nhịn tiểu từ trưa đến giờ, dành cho lão gia đấy.

Lão già ôm nàng vào lòng.

Tôn Đản còn niên thiếu, truyện tình ái tuyệt chưa có ý niệm gì. Nó nghĩ:

- Không biết cô gái kia thuộc giới nào? Chắc cô là nàng hầu lão này, chứ không phải lão bắt về, vì coi bộ cô thoả mãn với việc gần gũi lão.

Thình lình lão già quát lớn:

- Ai đó?

Tôn Đản kinh hoàng, tưởng lão khám phá ra nó đang rình rập. Nó định bỏ chạy, thì từ phía trước một người đáp xuống nhẹ nhàng. Người chưa tới y phóng chưởng tấn công lão già. Chưởng của y cực kỳ hùng hậu, làm Tôn Đản muốn nghẹt thở. Lão già đẩy thiếu nữ sang bên cạnh. Y vọt người lên cao tránh thế chưởng ác liệt. Người kia chuyển chưởng hướng lên trời, đuổi theo lão. Từ trên cao, lão phóng một chưởng vào giữa chưởng của ngừơi kia. Bình một tiếng, người lão bay ra xa. Lão đáp trên ngọn một cây bưởi. Lão cười nhạt:

- Bát đệ. Đang đêm bát đệ tới đây có việc gì vậy?

Người kia cười:

- Đệ đến gặp sư huynh vì một vài truyện khẩn cấp. Nguy lắm rồi thất sư huynh ơi.

Tôn Đản tỉnh ngộ:

- Thì ra lão già này là đệ tử thứ bẩy của Nhật-Hồ lão nhân tên Phạm Trạch. Còn người mới tới kia chắc tên Lê Đức. Vũ Nhất-Trụ khai rằng Phạm Trạch vốn gốc con nhà quan thời Ngô, có học thức. Còn Lê Đức nói rất giỏi. Y lại xảo quyệt, thủ đoạn vô cùng.

Nó tính thầm:

- Nhật-Hồ có mười đại đệ tử. Nhất-Trụ đứng đầu.Y tức Đàm Can, tàng ẩn giữa triều đình. Đặng Trường thứ nhì, ẩn ở phái Đông-a. Cả hai đã bị bắt. Còn người thứ ba tên Lê Ba tức Dương Ẩn của phái Sài-sơn. Hoàng Văn đứng thứ tư làm người quản gia phủ Khai-thiên vương. Nguyễn Chí đứng thứ năm, hiện bị Khu-mật-viện giữ. Đỗ Xích-Thập đứng thứ sáu, ẩn trong phái Tản-viên. Thứ chín Phạm Hổ, chủ nhân tửu lầu Động-đình, thứ mười Hoàng-Liên ẩn trong phái Mê-linh, lập ra bang Hoàng-liên-sơn. Bây giờ hai người chót xuất hiện hẳn Phạm Trạch với Lê Đức. Im xem chúng làm gì?

Lê Đức chỉ người con gái hỏi Phạm Trạch:

- Chúng ta bàn truyện cơ mật, có nên cho nàng nghe không?

Phạm Trạch nói với người con gái:

- Em vào nhà nghỉ, để anh nói chuyện với bát đệ một lát.

Người con gái mỉm cười, lui vào trong nhà. Khi nàng đi qua, Tôn Đản mới nhìn rõ. Nó ước lượng nàng khoảng hơn hai mươi. Nó tự hỏi: Không biết có phải thân mẫu Tự-Mai hay Mỹ-Linh không? Nó suýt bật cười vì tính lẩm cẩm của mình. Vì người con gái này giỏi lắm hai mươi ba tuổi sao có thể đẻ ra Mỹ-Linh với Tự-Mai?

Lê Đức đợi cho người con gái vào hẳn nhà, rồi y mới nói:

- Sư phụ thu mười anh em chúng ta làm đồ đệ, mưu chiếm giang sơn Đại-Việt, lập ra một nước Hồng-thiết giáo. Không may ngũ sư huynh sớm qua đời, rồi tiếp đến sư phụ qui tiên. Trong di chúc sư phụ không dặn ai sẽ kế sư phụ làm giáo chủ, thành ra anh em mình không ai phục ai, chia rẽ mỗi người một phương.

Tôn Đản cười thầm:

- Thì ra Nguyễn Chí bị bắt giam, hai tên này cũng không biết. Nhật-Hồ bị giam cầm, chúng cũng không hay.

Phạm Trạch cười khành khạch, bây giờ lão mới quay mặt lại phía Tôn Đản. Tôn Đản suýt bật thành tiếng kêu, vì trên đời, nó chưa từng thấy ai xấu xa như vậy. Mặt Phạm Trạch vừa nhỏ, vừa đài. Răng nhô ra. Hai mắt hõm vào, khiến người nhìn có cảm tưởng như hai cái hang cua. Da mặt lão dăn deo như một cúi túi vải, xếp với nhau thành nhiều nếp. Môi lão vều như hai quả chuối mắn gắn vào miệng:

- Sư phụ qui tiên, đại ca sẽ đương nhiên thay người đứng đầu.

- Sư huynh có biết sắp tới ngày anh hùng võ lâm đại hội không? Năm nay người đứng ra tổ chức là sư thái Tịnh-Tuệ, chưởng môn phái Mê-linh. Sư thái Tịnh-Tuệ vốn người nhà Phật, nên không kỳ thị, viết thư mời tất cả mọi võ phái, bang hội, về dự. Bản giáo cũng được thư mời. Không biết đại sư huynh định cử ai đi?

Phạm Trạch cười, hai môi y như hai quả chuối rung động mạnh:

- Trước đây tuân chỉ dụ của sư phụ, chúng ta mỗi người tiềm ẩn vào một môn phái, thừa thời cơ cướp quyền. Nếu như chúng ta nắm được các môn phái, sẽ có giang sơn nằm trong tay. Bây giờ được thơ mời, thì chỉ những người không tiềm ẩn mới xuất hiện được.

Lê Đức thở dài:

- Từ sau Thập nhị sứ quân, bản giáo lui vào tiềm ẩn, bí mật kết nạp giáo chúng. Đệ nghĩ, anh em chúng ta mau họp nhau, nhân dịp này đồng xuất hiện làm bá chủ võ lâm cho rồi. Trong anh em chúng ta, chỉ có sư huynh với đệ vốn không tiềm ẩn, chúng ta có thể ra mắt thiên hạ.

Trạch cười, tiếng cười y ư ứ trong cổ:

- Đời nào sư huynh để cho chúng ta đại điện bản giáo, như vậy chẳng hoá ra chúng ta thay sư phụ sao? Đợi lát nữa đây, tất cả anh em đều tụ họp, rồi sẽ quyết định.

- Họp ở đây hay ở bên Ngọc-lan đình?

Phạm Trạch chỉ ra căn nhà thủy tạ bên bờ ao:

- Ở căn nhà kia. Ta đã chuẩn bị chu đáo. Bên kia bờ sông Hồng, sông Đuống đều có giáo chúng canh gác. Trên sông, cứ một quãng lại có một con thuyền chài đánh cá làm tai mắt. Còn về phía Ngọc-lâm, Thượng-cát, mười nhà có đến chín của giáo chúng. Cho nên trong khu vực này không cần lực lượng phòng thủ.

Tôn Đản ớn da gà:

- Cứ như lời tên này nói, chúng canh phòng cẩn mật đến ba lớp. Vậy không biết ban nãy mình vào chúng có biết không? À, phải rồi, chị Lan-Hương chính người của bọn chúng. Nhưng làm việc cho Khu-mật-viện, thành ra đưa bọn mình vào lọt. Còn đám thị vệ, với thủy quân, không biết Khu-mật-viện có cách nào cho họ khỏi bị chúng nghi ngờ?

Tôn Đản thấy hai lão Hồng-thiết giáo bàn truyện, nó nghĩ đến Mỹ-Linh, Tự-Mai, vội lẻn vào trong nhà. Trong lúc vội vàng, nó quên mất thiếu nữ, người tình của Phạm-Trạch. Nó vừa định chui xuống hầm, chợt nhìn thấy thiếu nữ nằm trên giừơng. Nhớ lời dặn của Lan-Hương, nó vội chắp tay nhắm mắt, cúi đầu hành lễ.

Thiếu nữ hỏi:

- Chú nhỏ kia, lão gia đã ra lệnh cấm không cho bất cứ người nào ở phía Ngọc-lan đình sang đây. Tại sao chú lại sang? À ta hiểu rồi, chú định trốn phải không?

Tôn Đản nhảy vèo đến, dí dao vào cổ thiếu nữ:

- Cô im ngay. Nếu cô la một tiếng, chúng ta cùng chết cả.

Thiếu nữ run run hỏi:

- Chú muốn gì? Muốn trốn cứ vòng ra phía đầu nhà mà đi. Nhưng liệu chú có đủ tài bơi qua sông, vượt lưới canh phòng của mấy chục con thuyền không?

Thiếu nữ ôn tồn hạ giọng bảo Tôn-Đản:

- Đóng cửa lại, ta chỉ cho chú đường trốn.

Tôn Đản đóng cửa lại. Thiếu nữ chỉ xuống đường hầm:

- Chú theo ta, ta chỉ đường cho mà đi.

Thiếu nữ cầm cái khoen trên cánh cửa đường hầm kéo lên. Tôn Đản cười:

- Tưởng gì chứ con đường này tôi biết rồi.

Thiếu nữ vẫn mở cửa đường hầm, tay cầm cây đèn đi trước. Tôn Đản theo sau. Xuống dưới hầm rồi, thiếu nữ bảo Tôn Đản:

- Tôi biết chú định trốn, ngặt trốn không được. Tôi cũng thế, tôi trốn nhiều lần mà không xong. Vậy tôi giúp chú trốn, nhưng chú phải giúp tôi một việc.

- Được, tôi sẵn sàng, việc chị nhờ là việc gì?

Thiếu nữ tháo chiếc vòng ngọc trên tay đeo vào tay Tôn Đản:

- Nếu chú trốn thoát, chú đến tìm quan đại tướng quân Đinh Thịnh, tổng đốc quân mã phủ Đại-Thông trao cho người, và kể cho người biết tình cảnh của ta.

- Chị tên gì? Chị liên quan gì với đại tướng? Chị bị bắt vào đây lâu chưa?

- Không, ta là em gái đại tướng. Ta tên Đinh Mỹ-An. Ta bị giam hai năm rồi.

- Tôi không phải giáo đồ muốn trốn đi, mà từ ngoài vào tìm cứu hai người đàn bà.

- Ai thế?

- Một người tên Triệu liên-Phương, một người tên Cao Huyền-Nga. Chị có biết họ bị giam ở đâu không?

- Trong này có nhiều đàn bà con gái bị giam. Nhưng trong đường hầm chỉ có mình ta. Bọn con gái ở đây ít được gặp nhau lắm. Có gặp cũng không được nói truyện. Hôm nay các đại lão trong hội đồng giáo vụ trung ương họp. Sau khi họp, họ đều luyện công. Vì vậy mỗi người dẫn theo một thiếu nữ. Cậu cứ núp trong phòng ta, sẽ gặp hết. Vậy cậu lên đi, ta sẽ nói với lão gia rằng cậu mới được lão Trịnh Hồ sai sang hầu hạ ta. Vì hàng ngày ta đều có hai nam đồng, một tỳ nữ theo hầu. Hôm nay thay người. Người cũ đi rồi mà sao người mới chưa tới.

Chợt Tôn Đản nghe có tiếng chân người đi, nó ra hiệu im lặng. Một lát tiếng chân hai người tới gần.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-30)


<