Vay nóng Homecredit

Truyện:Tuyệt kiếm Đoạn trường nhai - Hồi 05

Tuyệt kiếm Đoạn trường nhai
Trọn bộ 14 hồi
Hồi 05: Già Đương Tự Giáo Tông
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-14)

Siêu sale Lazada

Dị Cư Hồ không đáp, lạng người đến bên vách đá, dựa lưng vào vách cất người lên, thoáng chốc đã lên đến nóc lầu, đưa tay chõi vào vách đá, người liền lập tức nhẹ nhàng lướt ngang đi, trông hết sức ngoạn mục.

Trên nóc lầu vốn có rất nhiều lỗ nhỏ để cho người bị giam trong lầu thông hơi, Dị Cư Hồ tay phải vươn ra, ngón giữa móc vào lỗ nhỏ, nhưng chưa kịp kề mắt vào xem tình hình bên ngoài, đã nghe tiếng binh khí xé gió vang lên.

Dị Cư Hồ biết ngay có người ở trên nóc lầu dùng binh khí chém ngón tay mình, vội rụt tay về, tay trái vung lên, "bộp" một tiếng, bám chặt vào đá, người treo lơ lửng trên nóc lầu.

Dị Cư Hồ vừa rụt tay phải về, đã nghe "choang" một tiếng, quả là binh khí chạm mạnh vào đá, nếu chậm một chút là ngón tay đã bị tiện lìa rồi.

Chỉ nghe phía trên có người quát:

- Dị tiên sinh thanh danh trong võ lâm không được tốt, chúng tôi làm vậy cũng là bất đắc dĩ, xin hãy lượng thứ cho.

Dị Cư Hồ cười khẩy:

- Các ngươi tưởng là ngôi lầu đá này có thể giam hãm Dị mỗ vĩnh viễn sao?

Lúc này các cao thủ nhà họ Thương thảy đều ở trên nóc lầu, nghe tiếng nói của Dị Cư Hồ không phải là từ dưới vọng lên, thảy đều kinh ngạc, chả lẽ lão bay được hay sao? Bằng không sao lại có thể ở trên không trung?

Đâu biết công lực của Dị Cư Hồ đã đến mức tuyệt đỉnh, chân khí nội gia thuận nghịch vận hành theo ý muốn, nên có thể dùng chưởng lực hút vào vách đá treo mình trên không trung.

Sau đó lại nghe có người nói:

- Đại muội hà tất nói nhiều với lão làm gì? Lão đã buông lời khoác lác, để xem lão sẽ ra khỏi ngôi lầu này bằng cách nào.

Dị Cư Hồ cười khẩy liên hồi, di chuyển bàn tay, đến một lỗ nhỏ khác, nhìn ra ngoài nói:

- Khi nào Dị mỗ ra khỏi đây, các ngươi sẽ biết tay.

Một đại hán tính nóng nảy, vừa thấy gương mặt Dị Cư Hồ xuất hiện, liền rút ra một ngọn đoản đao, đâm thẳng vào lỗ.

Theo ý nghĩ, Dị Cư Hồ nhất định không sao chống đỡ nổi, cho dù không đâm chết được lão thì cũng có thể khiến mặt lão mang thương tích.

Ngờ đâu mũi đao vừa xuyên qua lỗ, Dị Cư Hồ nghiêng đầu, tay trái chớp nhoáng hai ngón trỏ và ngón giữa kẹp chặt vào mũi đao.

Rồi thì đại hán ấy rú lên thảm thiết, xen lẫn trong tiếng kinh hoàng của mọi người, lại nghe "phịch" một tiếng, đại hán ấy đã ngã ra trên nóc lầu.

Dị Cư Hồ buông tiếng cười khẩy nói:

- Đã biết lợi hại chưa?

Thì ra khi Dị Cư Hồ kẹp chặt vào mũi đao, liền lập tức nhả nội lực ra truyền qua thân đao. Đại hán ấy là đường huynh của Thương Linh, có bối phận khá cao trong Thương Gia Bình, nhưng trong thoáng chốc chỉ cảm thấy một luồng sức mạnh như bài sơn đảo hải truyền qua cán đao, xông thẳng vào huyệt Lao Cung nơi lòng bàn tay, tức khắc phun máu ra và chết ngay.

Thế là, những người trên nóc lầu thảy đều khiếp hãi, đồng thanh quát:

- Đi mau! Đằng nào lão cũng bị giam trong lầu đá, sớm muộn gì cũng chết đói thôi.

Mọi người đổ xô nhau xuống lầu, chẳng ai đếm xỉa đến Dị Cư Hồ nữa.

Dị Cư Hồ đoạt lấy đoản đao, đưa lên miệng ngậm, tay trái thò vào lòng, rồi thò ra ngoài lỗ nhỏ, vung sang tả hữu, tiếng rít gió vang lên, đã phóng ra một chòm ngân châm, chỉ nghe tiếng rú thảm thiết cùng tiếng vật nặng rơi vang lên liên hồi. Sau đó, Dị Cư Hồ mới buông tay, nhẹ nhàng rơi xuống đất.

Khi Dị Cư Hồ chạm chân trên mặt đất, hãy còn nghe hai người rơi phịch xuống đất.

Diêm Phùng Hiểu thở dài nói:

- Các hạ quả là thần nhân.

Dị Cư Hồ nhếch môi cười:

- Nắm ám khí của tại hạ đã đả thương bao nhiêu người, Diêm bằng hữu có đếm được không?

Diêm Phùng Hiểu cười đáp:

- Có đến chín người từ trên lầu rơi xuống, có lẽ còn có người đã chết trên nóc lầu.

Dị Cư Hồ trong lòng đắc ý, vỗ tay cười vang.

Diêm Phùng Hiểu chú mắt nói:

- Các hạ uy thế thế này, vừa rồi người nhà họ Thương lại gọi các hạ là Dị tiên sinh, hay các hạ chính là Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ?

Dị Cư Hồ gật đầu:

- Không sai, Diêm bằng hữu không ngờ gặp Dị mỗ tại đây phải không?

Diêm Phùng Hiểu cười ảo não:

- Quả là không thể ngờ được.

Bởi Diêm Phùng Hiểu là người chính phái trong giới hiệp nghĩa, mà Dị Cư Hồ lại là một đại ma đầu giết người như rạ, hai người vốn khó thể thuận hòa, vậy mà trời xui đất khiến lại cùng bị giam hãm trong ngôi lầu đá này.

Dị Cư Hồ bỗng hỏi:

- Diêm bằng hữu, vợ chồng Lý Viễn đã bị người điểm huyệt ra sao? Thương Hào thật ra đã chết như thế nào? Xin Diêm bằng hữu hãy cho biết tường tận.

Diêm Phùng Hiểu gật đầu nói:

- Được!

Đoạn lão bèn kể lại tường tận hai sự việc ấy.

Dị Cư Hồ vốn đã nghe nói, giờ nghe Diêm Phùng Hiểu thuật lại cũng chẳng có gì khác. Nghe xong, Dị Cư Hồ ngẫm nghĩ chốc lát, đoạn nói:

- Vậy là lão Thương đã bị chết khiếp bởi người điểm huyệt hai vợ chồng Lý Viễn ư?

- Tại hạ cũng nghĩ như vậy. Hôm nọ, khi Thương Sở Chi vừa trông thấy vợ chồng Lý Viễn bị điểm huyệt là lập tức mặt mày thất sắc, nhưng đó có lẽ vì môn điểm huyệt của nhà họ Thương thiên hạ vô song, vậy mà y lại không biết vợ chồng Lý Viễn đã bị điểm vào huyệt gì, chứ chưa chắc đã biết ai điểm huyệt họ, có đúng vậy không?

Dị Cư Hồ gật đầu:

- Đúng, nhưng lão Thương lại nhận ra được ai đã hạ thủ, nên mới bị chết khiếp, người ấy quả cũng rất đáng tự hào. Để Dị mỗ xem thử, chẳng rõ sẽ nối gót theo lão Thương hay không?

Đoạn lão mỉm cười cúi xuống xem xét Lý Viễn, nụ cười trên mặt lão vốn hết sức tự nhiên và tự phụ, nhưng vừa nhìn Lý Viễn, nụ cười trên môi liền đờ ra, trông khôi hài như đang cười mà bị điểm huyệt vậy.

Diêm Phùng Hiểu thấy vậy không khỏi rúng động cõi lòng, ông hộ tống vợ chồng Lý Viễn đến đây hoàn toàn là do hảo ý, bởi ông cũng không biết người nào đã điểm huyệt họ.

Khi đến Thương Gia Bình, Bạch Đầu Ông Thương Hào bị chết khiếp, người nhà họ Thương lập tức động thủ với ông. Diêm Phùng Hiểu quả bất địch chúng, đã thọ trọng thương và bị giam tại đây, ông vốn đã hết sức lấy làm lạ, vì lẽ gì một người có chân tài thực học, và lừng danh trong võ lâm như Bạch Đầu Ông Thương Hào vừa nhìn vợ chồng Lý Viễn đã chết khiếp ngay thế này.

Giờ đây thấy Dị Cư Hồ như vậy, lòng càng thêm kinh ngạc, biết Dị Cư Hồ nhất định nhận ra người điểm huyệt vợ chồng Lý Viễn, mà người đó lại có thể khiến một đại ma đầu như Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ cũng phải thất sắc, vậy thì người đó là ai?

Diêm Phùng Hiểu cực kỳ thắc mắc nhưng lại không sao hiểu nổi nguyên do, chỉ thấy Dị Cư Hồ thừ ra một hồi, nụ cười trên môi mới sống lại, song hết sức miễn cưỡng, chấp hai tay sau lưng đi qua đi lại trong lầu đá, như đang suy ngẫm một vấn đề vô cùng nan giải.

Một hồi thật lâu, vẫn chưa nghe Dị Cư Hồ lên tiếng, Diêm Phùng Hiểu không nén được, nói:

- Dị tiên sinh có nhận ra người đã điểm huyệt họ không?

Dị Cư Hồ chỉ buộc miệng nói:

- Vâng!

Diêm Phùng Hiểu lại hỏi:

- Vậy thì Dị tiên sinh có thể giải huyệt cho họ được không?

Dị Cư Hồ bỗng chững bước, hai mắt sắc lạnh và ẩn chứa sát cơ chằm chặp nhìn Diêm Phùng Hiểu.

Diêm Phùng Hiểu bất giác rùng mình, chỉ nghe Dị Cư Hồ nói:

- Diêm bằng hữu ở trong ngôi lầu đá này đằng nào cũng chẳng thể nào ra khỏi được, hà tất phải sợ chết?

Diêm Phùng Hiểu nghe nói vậy biết ngay là mình khó có thể thoát chết, nhưng trong lòng hết sức thắc mắc, vì sao Dị Cư Hồ bỗng dưng lại có hung niệm với mình thế này? Bởi mới rồi hãy còn nghe lời nói hết sức khách sáo, không hề có ý hãm hại, nên lão cười thảm não nói:

- Diêm mỗ cũng chẳng tiếc gì kiếp sống thừa này, nhưng Dị tiên sinh vì sao bỗng lại nổi sát cơ, tại hạ rất muốn được biết.

Dị Cư Hồ cười:

- Tôn giá quả không hổ là một nam nhân đại trượng phu. Chẳng giấu gì tôn giá, Dị mỗ này không sao giải được huyệt đạo của họ, song lại không muốn có người biết là Dị mỗ hãy còn có chỗ kém cõi trong võ học, cho nên cần phải giết người diệt khẩu.

Diêm Phùng Hiểu kinh hãi, thầm nghĩ đối phương có tiếng tăm rất độc ác xấu xa trong võ lâm, hẳn không phải hư truyền, chỉ vì một nguyên nhân như vậy mà đã có thể ra tay giết người.

Diêm Phùng Hiểu thừ ra một hồi, cười ảo não nói:

- Vậy thì xin các hạ cứ ra tay.

Dị Cư Hồ vụt lướt tới, tay áo phất ra, một luồng tụ phong liền nhắm ngay huyệt Hoa Cái trước ngực Diêm Phùng Hiểu phóng tới.

Diêm Phùng Hiểu biết mình đang thọ trọng thương, có tránh cũng không khỏi, đành nhắm mắt lại, chưa kịp nói lên tiếng nào thì huyệt Hoa Cái đã bị phất trúng, chết ngay tức khắc.

Dị Cư Hồ buông tiếng cười sắc lạnh, lại chậm rãi đi về phía Lý Viễn và Lâm Tịnh Nhân.

Đào Lâm từ khi bước chân vào trong ngôi lầu đá này, chỉ kêu lên một tiếng thảng thốt khi phát hiện cửa lầu bị đóng, tự nãy giờ không nói một tiếng nào nữa, lúc này thấy Dị Cư Hồ đi về phía Lý Viễn và Lâm Tịnh Nhân, không khỏi rúng động cõi lòng, hai người ấy chính là song thân của Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như hiện chẳng rõ ở đâu, cuộc đời này mình cũng không muốn gặp lại chàng, nhưng song thân chàng gặp nạn, mình đâu có thể bàng quang không cứu, nên buột miệng nói:

- Phu quân, hãy khoan.

Dị Cư Hồ ngoảnh mặt lại, lạnh lùng nói:

- Phu nhân định cầu xin cho hai người này phải không?

Đào Lâm tiến tới một bước:

- Họ đã bị điểm trúng kỳ huyệt, phu quân còn giết họ làm gì?

Dị Cư Hồ cười phá lên:

- Phu nhân có điều chưa rõ, kẻ ra tay điểm huyệt họ, thủ đoạn độc ác hơn Dị mỗ xa, lúc này trong lòng họ chỉ ước được chết ngay, nên Dị mỗ sát hại họ, đó quả là sự giải thoát, dưới chín suối nhất định họ hết sức cảm kích đại ân của Dị Mỗ.

- Vâng.

Đào Lâm nhất thời không biết nói sao, Dị Cư Hồ lại nói tiếp:

- Thế nhưng, Dị mỗ còn phải khai giải huyệt đạo của họ, để họ còn nói vài lời trước đã.

Đào Lâm kinh ngạc:

- Ủa, phu quân... vừa mới bảo không giải được huyệt đạo của họ, và chính vì vậy phu quân đã...

Dị Cư Hồ cười ngắt lời:

- Quả đúng là Dị mỗ không giải được huyệt đạo của họ, nhưng Dị mỗ có cách khiến cho kỳ kinh bát mạch và chân khí toàn thân họ cùng lúc vỡ nứt và tản mác, bất luận huyệt đạo nào bị phong tỏa cũng sẽ tự khai giải.

Đào Lâm vốn thông minh, liền nói:

- Vậy là họ chết ngay còn gì?

- Đúng vậy, lẽ ra là chết ngay tức khắc, nhưng Dị mỗ lại có thể dùng nội lực tuyệt đỉnh của mình kéo dài thêm sự sống của họ một chút, hầu trả lời những gì Dị mỗ muốn hỏi.

Đào Lâm ngẫm nghĩ hồi lâu, lại nói:

- Phu quân có thể vị tình thiếp tạm khoan hạ độc thủ được chăng?

Dị Cư Hồ cười khẩy:

- Phu nhân không muốn họ chết phải chăng là vì Lý Thuần Như?

Đào Lâm nghe Dị Cư Hồ nói đúng tâm sự mình, không khỏi giật mình kinh hãi, vội nói:

- Không... không phải.

Dị Cư Hồ không màng đến nàng, nói tiếp:

- Nhưng nếu họ không chịu tiết lộ thân phận thật sự của Lý Thuần Như, con người Dị mỗ hết sức đa nghi, thà giết lầm mười người chứ không muốn tha lầm một kẻ địch.

Lý Thuần Như quả đúng là do họ sinh ra thì hắn còn có hy vọng sống.

Đào Lâm nghe Dị Cư Hồ nói vậy không khỏi cứng họng, đưa mắt nhìn Lý Viễn và Thương Linh, thấy hai người mặt mày trắng bệch và gầy quắt queo, rõ ràng chẳng còn sống được bao lâu nữa, so ra dĩ nhiên không quan trọng bằng sinh mạng của Lý Thuần Như, bèn thở dài nói:

- Thôi thì tùy ý phu quân.

Dị Cư Hồ cười, đi đến cạnh Lý Viễn và Lâm Tịnh Nhân, trước hết đỡ Lý Viễn lên, ngón giữa nhẹ búng vào huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu Lý Viễn.

Huyệt Bách Hội chính là trung tâm điều khiển kỳ kinh bát mạch của cơ thể con người, vừa bị điểm trúng Lý Viễn liền tức thời toàn thân run lên lẩy bẩy.

Tiếp theo, "bốp" một tiếng, Dị Cư Hồ lại vỗ vào huyệt Linh Đài nơi sau lưng Lý Viễn, chỉ thấy sắc mặt Lý Viễn đột nhiên ửng hồng lên, "ồ" một tiếng, miệng phún máu xối xả.

Dị Cư Hồ tay vẫn đặt trên huyệt Linh Đài quát:

- Lý bằng hữu, tôn giá đằng nào cũng chết, Lý Thuần Như có phải là con thân sinh của tôn giá hay không? Nói mau!

Lý Viễn sắc mặt từ đỏ nhạt dần dần, buông tiếng thở dài hỏi:

- Các hạ là ai?

Dị Cư Hồ không chút lấy làm lạ, bởi vì vợ chồng Lý Viễn chẳng những huyệt đạo bị phong tỏa, mà toàn thân đều đầy thương thế, không hề hay biết những gì xảy ra xung quanh, bèn truyền chân lực liên tục vào người Lý Viễn để duy trì sự sống cho đối phương và nói:

- Tôn giá không cần biết kẻ này là ai, kẻ này rất có quan hệ với Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu, Lý Thuần Như có phải là ấu tử của Khúc Cầm Phu hay không? Nói mau!

Lý Viễn mặt bỗng lộ vẻ quái dị:

- Ấu tử... của Hắc Thủy đảo chủ... Khúc Cầm Phu ư? Các hạ bảo...

Lý Viễn nói đến đó, Dị Cư Hồ và Đào Lâm đều hồi hộp cực độ, song tâm trạng hai người khác hẳn nhau, nếu Lý Viễn trả lời "phải", Dị Cư Hồ sẽ vui mừng và Đào Lâm lại đau khổ, bởi Lý Thuần Như nhất định sẽ chết và Dị Cư Hồ sẽ trừ khử được hậu hoạn.

Thế nhưng, Lý Viễn lại bỏ dở câu nói. Dị Cư Hồ nóng lòng giục:

- Nói mau, phải hay không?

Lý Viễn trợn trừng mắt, cổ họng kêu rồn rột, như cố gắng muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng không nói thêm được tiếng nào nữa, mắt trợn ngược chết ngay.

Dị Cư Hồ thấy uổng phí không ít nội lực mà chẳng đạt được chút kết quả nào, không khỏi tức giận, nhả nội lực đẩy bắn thi thể Lý Viễn ra xa. Đoạn lão quay người, nhìn Đào Lâm buông tiếng cười khẩy. Đào Lâm rùng mình, Dị Cư Hồ lại đỡ Lâm Tịnh Nhân lên, cũng như đối với Lý Viễn vừa rồi, khẽ búng vào huyệt Bách Hội của Lâm Tịnh Nhân.

Lâm Tịnh Nhân cũng "ồ" lên một tiếng, khóe môi rỉ máu tươi, mở bừng mắt nhìn quanh hỏi:

- Tôi... đang ở đâu đây?

Dị Cư Hồ cố nén lửa giận, dịu giọng nói:

- Lý phu nhân, tôn phu đã chết, phu nhân cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, có gì cần trăn trối hãy nói mau.

Lâm Tịnh Nhân tình trạng xem ra khá hơn Lý Viễn nhiều, buông tiếng thở dài nói:

- Chẳng còn gì trăn trối cả.

Dị Cư Hồ vội nói:

- Hai con trai của phu nhân, một đã chết tại Đông Xuyên, còn một người nữa, chả lẽ không còn điều chi dặn bảo nữa sao?

Lâm Tịnh Nhân uể oải đảo mắt nhìn quanh hỏi:

- Y... y... hiện đang ở đâu?

- Y hiện đang bình an vô sự, nhưng có điều không muốn gặp hai vợ chồng phu nhân thôi.

Lâm Tịnh Nhân mặt lộ vẻ đau khổ:

- Vì sao?

Dị Cư Hồ đăm mắt nhìn Lâm Tịnh Nhân:

- Y bảo hai người không phải là cha mẹ thân sinh ra của y, mà trước nay hai người lại dấu diếm, nên y không muốn gặp hai người nữa.

Lâm Tịnh Nhân ngẩn người, như muốn gắng gượng đứng lên, nhưng vì quá suy nhược, không sao đứng lên được, đỏ bừng mặt nói:

- Tại sao... y lại thốt ra những lời như vậy?

Dị Cư Hồ vội nói:

- Phu nhân hãy nói mau, điều y nói có đúng hay không, để tại hạ còn bảo lại với y, hai người tuy chết, nhưng không nên để cho con mình phải thắc mắc về thân thế của mình suốt đời.

Dị Cư Hồ ra chiều rất quan tâm đến tương lai của Lý Thuần Như, khiến Lâm Tịnh Nhân bùi ngùi thở dài nói:

- Việc này kể ra... rất dông dài...

Dị Cư Hồ đang đặt tay lên huyệt Linh Đài của Lâm Tịnh Nhân, cảm thấy tâm mạch của bà lúc này đã yếu dần, có thể chết trong tức khắc, bèn vội nói:

- Phu nhân khỏi nói dông dài, chỉ cần trả lời phải hay không là đủ.

Lâm Tịnh Nhân đầu dần rũ xuống, tiếng nói vô cùng yếu ớt, nhưng trong lầu đá rất thinh lặng, nên tiếng nói của Lâm Tịnh Nhân tuy khẽ, song Dị Cư Hồ và Đào Lâm vẫn nghe rõ ràng.

Lâm Tịnh Nhân lại buông tiếng thở dài, mới nói:

- Y... quả thật... không phải... con thân sinh... của chúng tôi.

Dị Cư Hồ buông tiếng cười dài, buông tay nói:

- Kẻ này sớm đã biết rồi.

Lâm Tịnh Nhân vốn chỉ sống nhờ vào nội lực của Dị Cư Hồ, bây giờ Dị Cư Hồ buông tay ra, bà chết ngay tức khắc.

Đào Lâm vội lao tới hỏi:

- Vậy Lý Thuần Như có phải là con của Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu hay không?

Song Lâm Tịnh Nhân đã chết, đâu thể trả lời câu hỏi của nàng được nữa.

Đào Lâm thờ thẫn đứng lên, trước mắt như hiện lên hình ảnh bơ vơ của Lý Thuần Như và bàn tay máu của Dị Cư Hồ đang chộp xuống chàng.

Nàng nghe lòng đau nhói, hai gối nhũn ra, quì sụp xuống trước mặt Dị Cư Hồ nói:

- Phu quân, lời nói trước khi chết của Lâm Tịnh Nhân chưa chắc đã đúng, chả lẽ phu quân quả muốn hạ độc thủ với Lý Thuần Như thật sao?

Giọng nói của Đào Lâm thật não nùng bi thiết, song Dị Cư Hồ chẳng chút động lòng, sầm mặt nói:

- Phu nhân, hai ta đã trở thành phu thê, phu nhân hẳn không muốn Dị mỗ mai sau bị hại chứ?

Đào Lâm vội nói:

- Phu quân tài ba thông thiên triệt địa, còn ai hại được phu quân nữa chứ?

Dị Cư Hồ lạnh lùng:

- Cũng chưa chắc, Dị mỗ đã tìm kiếm y gần hai mươi năm dài, đến nay mới có tin tức, diệt cỏ phải nhổ tận gốc thôi, phu nhân đừng nói nữa.

Đào Lâm biết nói nhiều cũng vô ích, đành đứng lên. Dị Cư Hồ chỉ đi loanh quanh trong lầu đá, nhất thời trong lầu yên lặng như tờ.

Đào Lâm thì đứng thừ ra, lòng hết sức rối rắm và trống trải, niềm suy tư như lạc lỏng chơi vơi. Hồi lâu, bỗng nghe tiếng vật nặng rơi bình bịch xuống đất liên hồi.

Dị Cư Hồ vừa nghe tiếng động ấy, lập tức đến bên vách đá ngưng thần lắng nghe, chỉ thấy vẻ mặt lão mỗi lúc càng thêm kỳ quặc và đầy tức giận, buông tiếng cười gằn rồi đi đến cạnh cửa, ra sức lay mạnh mấy cái.

Nhưng cánh cửa đá dầy gần hai thước, nặng không dưới mười vạn cân, Dị Cư Hồ tuy công lực cái thế vô song, nhưng cũng chẳng thể nào lay chuyển được.

Vẻ tức giận trên mặt Dị Cư Hồ càng gia tăng, lão không ngừng đi qua đi lại, bước chân nặng nề, bước đến đâu là dấu chân in trên mặt đất tới đó.

Lát sau, bên ngoài lại vang lên tiếng lách cách và tiếng phừng phực, Đào Lâm vốn không hề biết vì sao Dị Cư Hồ lại tức giận khi nghe tiếng vật nặng rơi, giờ mới biết bên ngoài đang chất củi đốt ngôi lầu đá này.

Vách lầu đá tuy dầy, nhưng nếu đốt ngày đêm, có lẽ chỉ ba ngày là ngôi lầu đá này sẽ bị nung đỏ, người bên trong nhất định phải chết.

Nghĩ vậy Đào Lâm vô vàn đau xót, song cũng cảm thấy hết sức an ủi, nụ cười từ lâu vắng bẳng bất giác lại hé nở trên môi, bởi chẳng phải mình nàng sẽ chết trong ngôi lầu này, mà còn có cả Dị Cư Hồ.

Nàng vốn chẳng có chút tình cảm nào với Dị Cư Hồ, niềm vui của nàng dĩ nhiên không phải của hai kẻ yêu nhau được chết chung, mà là một khi Dị Cư Hồ chết đi, thì Lý Thuần Như sẽ được an toàn.

Lý Thuần Như là người nàng yêu tha thiết, có thể khiến Lý Thuần Như được an toàn, cho dù nàng bị cháy thành tro than trong ngôi lầu đá này thì vui lòng hả dạ, không một lời than oán.

Trước mắt nàng lại hiện lên hình bóng của Lý Thuần Như, lần này bên cạnh Lý Thuần Như không còn bàn tay máu của Dị Cư Hồ đe dọa tính mạng chàng nữa.

Đào Lâm cười vui sướng, mặc dù nàng sắp chết, nhưng cõi lòng nàng ngập đầy hân hoan. Nàng cảm thấy Dị Cư Hồ không còn đáng sợ nữa, bởi tối đa chỉ ba ngày là Dị Cư Hồ cũng sẽ trở thành tro bụi như mình mà thôi, nàng thậm chí cười ra thành tiếng.

Dị Cư Hồ lạnh lùng nhìn nàng, trên mặt cũng có vẻ cười, nhưng vẻ cười đầy tức giận và tàn bạo, hồi lâu mới lạnh lùng nói:

- Phu nhân tưởng Dị mỗ không bao giờ ra khỏi được ngôi lầu đá này chứ gì?

Đào Lâm ngẩng đầu lên, như không hề nghe thấy lời nói của Dị Cư Hồ.

Dị Cư Hồ buông tiếng cười ghê rợn, nói tiếp:

- Phu nhân đã lầm rồi, Dị mỗ chắc chắn sẽ ra khỏi được đây, nhà họ Thương chắc chắn sẽ bị mỗ giết sạch và Lý Thuần Như cũng chắc chắn sẽ táng mạng dưới huyết chưởng của Dị mỗ.

Lão đã lặp lại ba lần tiếng "chắc chắn", giọng nói hết sức rắn rỏi. Song Đào Lâm chỉ lắc đầu, ra chiều không tin lời nói của lão.

Dị Cư Hồ ngửa mặt cười vang, lúc này có lẽ lão quả thật nghĩ là mình có thể thoát thân ra khỏi đây, bởi lão chưa trông thấy cảnh tượng bên ngoài.

Bên ngoài ngôi lầu đá, từng khúc gỗ to đã được gác lên thành một cái giá cao hơn ba trượng, vây phủ hoàn toàn ngôi lầu đá. Những khúc gỗ ấy đều là cây tùng chứa rất nhiều chất dầu, mỗi khúc cây đều có thể đốt rất lâu và đã bắt đầu đốt cháy.

Thương Linh và những người nhà họ Thương đứng cách đó rất xa, vậy mà tiếng cười của Dị Cư Hồ cũng vọng đến tai họ, mặc dù Dị Cư Hồ bị giam hãm trong lầu đá, song vẫn khiến họ không khỏi tái mặt.

Có mấy người đồng thanh hỏi:

- Đại muội, tuy hiện giờ chúng ta đã giam hãm lão trong lầu đá, nhưng nếu đốt lão không chết thì Thương Gia Bình e sẽ trở thành bình địa mất.

Thương Linh không đáp ngay, thật ra chính bà cũng lo sợ như vậy, nhưng sau khi Bạch Đầu Ông Thương Hào qua đời, vô hình trung bà đã trở thành người lãnh đạo trong Thương Gia Bình. Bà biết rõ Dị Cư Hồ không thể nào thoát ra khỏi ngôi lầu đá được, nhưng chẳng qua vì võ công của Dị Cư Hồ quá cao nên mình và mọi người mới lo sợ vậy thôi.

Thương Linh bèn thản nhiên nói:

- Mọi người hãy cứ yên tâm.

Thế là mọi người lẳng lặng đứng xem, lửa cháy mỗi lúc một to thêm, chưa đầy một giờ, cả ngôi lầu đá hoàn toàn chìm trong biển lửa.

Đến tối, mọi người lại chêm thêm củi mới vào, lửa đỏ bốc cao tận mây xanh.

Mặc dù biển lửa đã phủ trùm cả ngôi lầu đá, lưới lửa táp vào vách đá nghe xèo xèo, song những người trong Thương Gia Bình vẫn không dám đi nghỉ ngơi.

Mọi người phải chính mắt trông thấy Dị Cư Hồ đúng thật là không thoát ra được thì mới có thể yên tâm, ánh lửa soi trên mặt mấy mươi người, ai nấy đều lộ vẻ bồn chồn lo lắng. Nếu Dị Cư Hồ chết đi, thanh danh nhà họ Thương từ nay sẽ vang lừng khắp thiên hạ võ lâm.

Nhưng nếu Dị Cư Hồ không chết thì sao? Thế thì tất cả đều kết thúc từ đây.

Mọi người chờ đợi, một ngày đã qua đi, trong ngôi lầu đá không một chút động tĩnh, ngay khi họ vừa cảm thấy nhẹ người, đột nhiên, trong ngôi lầu đá lại vọng ra tiếng cười vang dội của Dị Cư Hồ.

Mọi người cùng đưa mắt nhìn nhau, lại thêm củi vào, lửa lại tiếp tục rực cháy...

Trận lửa này có thiêu chết được Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ hay không?

Xin tạm gác lại hồi sau.

o O o Giờ hãy nói về Dị Ngọc Phụng, con gái của Dị Cư Hồ, bất luận thế nào, nàng cũng không chịu quì xuống gọi Đào Lâm bằng mẹ, thậm chí sau khi gãy hai chân, chấp nhận đoạn tuyệt tình cha con với Dị Cư Hồ, dùng đơn đao chõi đất, cố nén đau bỏ đi.

Nàng gắng gượng đi được chừng bốn dặm đường, nỗi đau đớn đã khiến nàng mồ hôi nhễ nhại, không còn chịu đựng được nữa.

Nàng ngoái lại nhìn, bốn bề đều tĩnh lặng, chứng tỏ phụ thân không hề đuổi theo.

Nàng nhếch môi cười, ra chiều hết sức kiêu ngạo và bất khuất.

Nàng ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng ra, thận trọng nối lại chỗ xương gãy, xé lấy áo ngoài băng lại, nghỉ ngơi một lúc mới tiếp tục dùng đao chõi đất đi tới.

Lúc trời sẩm tối, nàng đến bên bờ một hồ nhỏ, xung quanh hồ có rất nhiều cây cối, nàng nằm xuống trên thảm cỏ non hồi lâu, mùi cỏ thơm đã khiến tinh thần nàng phấn chấn. Ngửa mặt nhìn trời, trăng đã mọc lên, mặt hồ phẳng lặng như gương.

Nàng đến bên bờ hồ, nước hồ trong vắt, nàng vốc lấy uống thoải mái. Sau đó, nàng vung roi cuốn lên vài con cá to, gom cành khô và đánh đá lấy lửa, nướng cá ăn tạm, liên tiếp năm hôm đều như vậy.

Qua ngày thứ sáu, nàng thấy thương thế nơi chân đã lành, đã có thể rời khỏi đây được rồi.

Nàng thơ thẩn nhìn nước hồ, lòng hết sức bâng khuâng. Bỗng nhiên, nàng thấy nước hồ dao động, sau lưng mình như có một người đang chậm chạp đi đến.

Lúc đầu Dị Ngọc Phụng tưởng đâu đó là một nông dân ở quanh vùng, song dưới ánh mặt trời, bên mình người đó bỗng lóa sáng, thì ra là một thanh trường kiếm.

Dị Ngọc Phụng vội quay lại, người ấy chỉ còn cách nàng chừng hai trượng. Dị Ngọc Phụng nhìn kỹ, đó là một thanh niên mặt châu mày ủ, thì ra lại là Đào Hành Khản.

Dị Ngọc Phụng vừa thấy Đào Hành Khản đột nhiên xuất hiện, bất giác rúng động cõi lòng, cảnh tượng hôm trước Đào Hành Khản cầm kiếm đâm nàng nhưng lại chững lại giữa chừng lập tức hiện lên trước mặt nàng, song việc Đào Lâm kết làm phu thê với phụ thân nàng cũng lập tức dâng lên cõi lòng.

Trong năm ngày tại đây, Dị Ngọc Phụng đã thề độc biết bao lần, nhất định sẽ băm vằm Đào Lâm ra muôn mảnh, giờ đây gặp Đào Hành Khản, nàng bỗng thấy căm hận lạ thường.

Đào Hành Khản cũng không ngờ lại gặp Dị Ngọc Phụng tại đây, bất giác ngẩn người nói:

- Dị cô nương... thì ra... cô nương ở đây.

Dị Ngọc Phụng mỉm cười lặng thinh. Đối với Đào Hành Khản, trời xanh mây trắng, nước hồ phẳng lặng, và bên bờ hồ lại có thiếu nữ áo trắng xinh đẹp thế kia, đó là một bức tranh đẹp tuyệt vời, song chàng đâu biết trong lòng Dị Ngọc Phụng lúc này đang nghĩ gì?

Chàng đi đến gần hơn trượng, nói tiếp:

- Dị cô nương... không trách tại hạ chứ?

Dị Ngọc Phụng hé môi cười:

- Tôi trách công tử làm gì chứ?

Đào Hành Khản cười cười, từ trong lòng lấy ra một chiếc túi da nói:

- Lý Thuần Như thương thế chưa lành, hiện đang ở gần đây, tại hạ lấy chút nước cho y.

Dị Ngọc Phụng buông tiếng cười lảnh lót:

- Hồ này đâu phải của tôi, Đào công tử lấy nước, hà tất hỏi tôi làm gì?

Đào Hành Khản đỏ mặt, đến bên hồ cúi xuống lấy nước. Dị Ngọc Phụng đứng cách chàng chừng hai thước, tay trái cầm đơn đao, tay phải cầm ngân tiên.

Dị Ngọc Phụng biết là Đào Hành Khản không bao giờ ngờ mình lại có ý định sát hại chàng, nàng chỉ cần vung đao, Đào Hành Khản nhất định sẽ máu long bờ hồ, đó là việc hết sức dễ dàng.

Thế nhưng, Dị Ngọc Phụng với nụ cười quyến rũ vẫn treo trên môi, và cánh tay cầm đơn đao vẫn bất động, đó chẳng phải nàng không muốn hạ sát Đào Hành Khản, mà là không muốn Đào Hành Khản chết một cách nhẹ nhàng, chẳng chút đau khổ, khiến nàng không thể nguôi hả niềm căm hận trong lòng.

Vả lại, trong lòng nàng hãy còn nhiều nghi vấn, chính người thanh niên trước mắt đã là một bí mật, sư phụ của chàng ta là ai? Vì sao y lại cướp lấy Lý Thuần Như mang đi?

Trước khi Đào Hành Khản đựng đầy nước vào túi da, nàng đã quyết định phải từ từ hành hạ Đào Hành Khản và làm sáng tỏ điều thần bí khó hiểu kia.

Chờ đến khi Đào Hành Khản đứng lên, nàng bèn tủm tỉm cười, đến gần nói:

- Đào công tử, sư phụ của công tử đâu?

Đào Hành Khản thoáng giật mình:

- Ồ, sư phụ tại hạ đã đi gặp các tăng nhân Tây Tạng Giáo rồi, nhưng chẳng rõ ở đâu.

Dị Ngọc Phụng nhoẽn miệng cười:

- Đào công tử, lệnh muội đã có chồng, công tử biết chưa vậy?

Đào Hành Khản ngẩn người:

- Xá muội đã có chồng ư? Nàng ta lấy ai vậy?

- Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ.

Đào Hành Khản sửng sốt:

- Xá muội đã lấy lệnh tôn ư?

Dị Ngọc Phụng mặt lộ vẻ giận:

- Sao công tử lại xưng hô Dị Cư Hồ như vậy với tôi? Tôi với ông ta đã đoạn tình cha con, xưng hô như vậy đừng trách tôi nổi giận đấy.

Đào Hành Khản lại ngẩn người, cười gượng nói:

- Tại hạ quả tình không biết, xin cô nương chớ trách, thật ra sự việc thế nào, cô nương có thể cho biết chăng?

Dị Ngọc Phụng nghe Đào Hành Khản nói năng nhã nhặn, nhoẽn cười nói:

- Dị Cư Hồ đánh gãy hai chân tôi, đương nhiên tôi không nhìn nhận ông ta là phụ thân nữa. Đào công tử bảo Lý Thuần Như đang ở đâu? Chúng ta cùng đến thăm y được chăng?

Đào Hành Khản vội nói:

- Được, được!

Thế là hai người cùng bước đi, được chừng hơn dặm đường, thấy có hai con ngựa trên một đồi cao. Khi đến gần, Đào Hành Khản bỗng kinh ngạc kêu lên:

- Ủa!

Dị Ngọc Phụng ngạc nhiên hỏi:

- Gì vậy?

Đào Hành Khản chỉ tay lên đồi:

- Lý Thuần Như... mới vừa rồi còn nằm ngủ trên đồi kia, không chút động đậy được, bây giờ lại đi đâu mất nhỉ?

Dị Ngọc Phụng nhếch môi cười:

- Y thật đã trở thành báu vật rồi, hết kẻ này giành lại đến người kia giật, phen này có lẽ lại bị cướp đi mất rồi.

Dị Ngọc Phụng vốn chỉ buột miệng nói đùa, song Đào Hành Khản nghe vậy lại tái mặt nói:

- Dị cô nương bảo là Lý Thuần Như đã bị cướp đi phải không?

Dị Ngọc Phụng ngạc nhiên:

- Phải thì sao nào?

Đào Hành Khản không đáp, tung mình lên đồi. Dị Ngọc Phụng vung roi, "vút" một tiếng, đầu roi quất xuống mặt đất, mượn sức vọt người lên không, liên tiếp tung mình ba lượt đã vượt qua Đào Hành Khản lên đến đỉnh đồi trước.

Hai người vừa lên đến đỉnh đồi, liền quét mắt nhìn quanh, chỉ thấy phía tây nam, cách chừng hai dặm, cát bụi mịt mù, rõ ràng có người giục ngựa phóng đi rất nhanh.

Đào Hành Khản vội nói:

- Dị cô nương, tại hạ phải đuổi theo họ ngay!

Dị Ngọc Phụng đang khi không biết đi đâu, và đã hạ quyết tâm dày vò Đào Hành Khản để báo thù Đào Lâm đã chia rẽ hai cha con nàng, liền nói:

- Tôi đi cùng với!

Hai người lập tức xuống đồi, đuổi theo về hướng tây nam. Hai người võ công đều đã đạt đến mức đăng đường nhập thất, thuộc hàng cao thủ bậc nhất trong võ lâm, một trước một sau phóng đi như sao băng, thoáng chốc đã vược qua mười mấy dặm đường.

Thế nhưng, lúc hai người bắt đầu đuổi theo, cát bụi phía trước vẫn còn trông thấy, khi đuổi theo mười mấy dặm thì lại mỗi lúc càng cách xa hơn, và rồi hoàn toàn mất dạng.

Dị Ngọc Phụng nói:

- Đào công tử, e không đuổi kịp đâu.

Đào Hành Khản cương đến đỏ mặt, nói:

- Không được, đuổi không kịp thì cũng phải cố sức đuổi.

Dị Ngọc Phụng thắc mắc hỏi:

- Đào công tử có quan hệ thế nào với Lý Thuần Như mà lại quan tâm đến như vậy?

Đào Hành Khản thở dài:

- Tại hạ cũng không rõ, nhưng nếu mà tại hạ đánh mất Lý Thuần Như thì sư phụ sẽ không bao giờ buông tha cho tại hạ. Tại hạ chết chẳng đáng sợ, nhưng lại liên lụy đến gia phụ và gia mẫu bị thảm họa, như vậy... như vậy biết làm sao đây?

Dị Ngọc Phụng thấy Đào Hành Khản lo đến mồ hôi nhễ nhại, lòng cũng hết sức lấy làm lạ, đành bám theo chàng tiếp tục đuổi theo.

Lại vượt qua bảy tám dặm đường, đất cát đã hết, trước mặt là một bãi đất bùn ẩm ướt.

Hai người vừa đặt chân lên, Dị Ngọc Phụng bỗng ngạc nhiên kêu lên:

- Ủa, Đào công tử, chúng ta không nên hoài công nữa!

Dị Ngọc Phụng trong khi nói đã dừng bước. Đào Hành Khản thì vẫn phóng đi hơn trượng, mới dùng chân hỏi:

- Sao vậy?

- Khi nãy chúng ta ở trên đồi chỉ trông thấy cát bụi tung bay, có nghe tiếng vó ngựa gì hay không?

Đào Hành Khản ngớ người, nghĩ quả đúng là không hề nghe có động tịnh gì, bèn nói:

- Hay là kẻ nào đó khinh công tuyệt đỉnh nên chúng ta đã không đuổi kịp?

- Nếu là người có khinh công tuyệt đỉnh lẽ nào lại gây ra bụi cát mù mịt? Công tử hãy xem, dấu chân này có phải là của người hay không?

Đào Hành Khản cúi xuống nhìn, chỉ thấy một hàng dấu chân quái dị in trên mặt đất bùn và tiến tới trước, dấu chân ấy tuy chẳng khác với người là bao, nhưng dài đến cả thước và năm ngón tách bạch, in xuống rất sâu.

Đào Hành Khản sửng sờ, bởi cho dù con người cao lớn đến mấy thì bàn chân cũng chẳng thể to đến vậy, và hơn nữa chẳng thể nào lại không mang giày thế này?

Sau một thoáng ngớ người, Đào Hành Khản nói:

- Dị cô nương biết nhiều hiểu rộng, có biết đây là dấu chân của loài vật gì không?

Dị Ngọc Phụng cười:

- Đào công tử nói gì lạ vậy, tôi đâu dám đón nhận bốn tiếng biết nhiều hiểu rộng chứ?

Đào Hành Khản tuy lúc này hết sức nóng lòng lo lắng, song nụ cười Dị Ngọc Phụng tươi như hoa nở, không khỏi khiến chàng ngây ngất trong thoáng chốc, đoạn thở dài nói:

- Dị cô nương, nếu tại hạ mà đuổi không được Lý Thuần Như, bắt buộc phải tự tận mà thôi.

Đoạn chàng lại tung mình phóng đi. Dị Ngọc Phụng vội theo sau, thoáng chốc lại vượt qua bốn dặm đường, bãi bùn lầy đã hết, phía trước lại là đất cát rắn, và dấu chân kia đến đây cũng biết mất.

Đào Hành Khản chỉ thoáng ngẩn người, rồi vẫn tiếp tục phóng đi, lại vượt qua hơn mười dặm nữa, chỉ thấy trước mặt nước chảy cuồn cuộn, một con sông lớn đã ngăn cản lối đi.

Con sông này rộng đến bảy tám trượng, Đào Hành Khản đứng bên bờ thừ ra hồi lâu, bỗng huýt lên một tiếng ngập đầy bi thiết, rút kiếm đưa ngang toan tự cứa vào cổ mình.

Dị Ngọc Phụng đứng bên bờ đã sớm trông thấy mặt mày chàng xám ngắt, ra chiều thất vọng tột cùng, nên vừa thấy chàng đưa tay lên, ngọn roi bạc đã quét ra, chỉ nghe "choang" một tiếng, đã quấn vào thanh trường kiếm, kéo ngược ra sau nói:

- Đào công tử tuổi còn trẻ, hà tất tự tìm cái chết thế này?

Đào Hành Khản thở dài:

- Dị cô nương... không cứu tại hạ được đâu, hãy để mặc tại hạ chết đi cho rồi.

Dị Ngọc Phụng nhoẽn miệng cười:

- Đào công tử biết đó, tôi cả thân phụ cũng ruồng bỏ, vậy mà tôi vẫn tiếp tục sống, còn công tử thì đầy đủ song thân, sao lại chẳng thể sống tiếp được?

Đào Hành Khản thừ ra hồi lâu, lắc đầu buông tiếng thở dài, buông tay ra, thanh trường kiếm "keng" một tiếng rơi xuống đất.

Dị Ngọc Phụng cúi xuống nhặt lấy, đi đến bên cạnh chàng, tra trường kiếm vào bao.

Đào Hành Khản ngơ ngẩn nói:

- Cô nương sao lại đối xử tốt với tôi như vậy...

Dị Ngọc Phụng nói:

- Đào công tử đối với tôi cũng đâu có xấu, hôm trước lệnh sư bảo công tử dùng kiếm đâm tôi, công tử đâu chịu vâng lời.

Đào Hành Khản đỏ mặt:

- Nhưng tại hạ... tại hạ...

- Công tử khỏi nói nhiều, hiện giờ chưa chắc là không đuổi kịp kẻ đã bắt Lý Thuần Như mang đi, chúng ta mau đuổi theo là hơn.

Đào Hành Khản lưỡng lự:

- Nhưng làm sao biết được qua bên bờ sông, đối phương đã rẽ sang phải hay sang trái, chúng ta biết đuổi theo hướng nào?

Dị Ngọc Phụng mỉm cười:

- Vậy thì chúng ta đành đuổi bừa để xem may rủi thôi.

Đào Hành Khản cười áo não:

- Vậy có nghĩa là tính mạng hai chúng ta ba phần đã mất hai, tại hạ thì đã đành, còn cô nương thì hà tất phải mạo hiểm làm gì?

Dị Ngọc Phụng nghe chàng nói một cách thành khẩn như vậy cũng không khỏi động lòng, thầm nghĩ Đào Hành Khản quả là một chính nhân quân tử, song nàng chẳng qua cũng chỉ động lòng một chút mà thôi.

Dị Ngọc Phụng chú mắt nhìn Đào Hành Khản nói:

- Đào công tử, cảnh ngộ của công tử, cả võ lâm đều hay biết, và công tử cũng đã trở thành một nhân vật thần bí nhất võ lâm hiện nay, nhưng hôm trước tại nhà Diêm Phùng Hiểu, vì sao công tử lại giết chết Lý Bảo? Sư phụ công tử là ai? Công tử có thể cho biết chăng?

Đào Hành Khản thừ ra một hồi mới nói:

- Nếu tại hạ mà không gặp cô nương thì bây giờ đã tự tuyệt chết rồi... Ôi, lẽ ra tại hạ không nên giấu giếm cô nương điều gì cả mới phải.

Dị Ngọc Phụng vội nói:

- Đúng rồi, chúng ta đã quen biết nhau thì nên đối xử chí thành với nhau mới phải.

Đào Hành Khản gật đầu:

- Nhưng việc này nói ra chỉ sợ cô nương cũng chẳng tin.

Dị Ngọc Phụng mỉm cười:

- Tuy là tôi chẳng dễ tin người, nhưng lời nói của công tử thì tôi nhất định tin.

Đào Hành Khản lộ vẻ cảm kích, quay đầu nhìn quanh.

Dị Ngọc Phụng cười nói:

- Đào công tử sợ có người nghe được phải không? Xung quanh đây mấy dặm không có kẻ thứ ba đâu.

Đào Hành Khản giọng thành khẩn:

- Dị cô nương, nếu không đuổi tìm được Lý Thuần Như, gia sư nhất định sẽ tìm gặp chúng ta, bấy giờ khó mà thoát khỏi bàn tay vô tình của ông, cô nương... cô nương tốt hơn nên...

Dị Ngọc Phụng thoáng lộ vẻ giận:

- Đào công tử khỏi nói nhiều, tôi không bao giờ bỏ công tử đâu.

Đào Hành Khản lộ vẻ vô cùng cảm kích, nắm lấy tay Dị Ngọc Phụng nói:

- Dị cô nương, nếu một ngày nào đó tại hạ có thể tự quyết, nhất định sẽ không quên ân đức của cô nương.

Dị Ngọc Phụng nghe chàng nói vậy, biết là ắt có liên quan đến cảnh ngộ ly kỳ của chàng, bây giờ chàng đã tự nguyện tỏ bày, mình cũng chẳng cần gạn hỏi nữa, bèn cười nói:

- Đào công tử sao lại nói vậy?

Ngẩng đầu lên, chỉ thấy Đào Hành Khản đang nhìn mình với ánh mắt đầy thâm tình, Dị Ngọc Phụng bất giác nghe tim đập rộn rạo, mặt hoa ửng đỏ, một cảm giác kỳ lạ len nhẹ vào lòng.

Hai người ngây ngẫn hồi lâu, Đào Hành Khản mới buông tay Dị Ngọc Phụng nói:

- Dị cô nương, chúng ta nên đi theo hướng nào bây giờ?

Dị Ngọc Phụng ngước lên nhìn, nước chảy cuồn cuộn, mặt sông lại rộng và không có thuyền bè, xem ra dù khinh công tuyệt đỉnh và giỏi bơi lội đến mấy cũng chẳng dễ vượt qua, có lẽ đối phương đã không qua sông, bèn nói:

- Đào công tử đã nói một cách nghiêm trọng như vậy, chúng ta đành phó thác cho số trời thôi.

Nói đoạn nàng chỉ tay sang phải, nói tiếp:

- Chúng ta hãy đi theo hướng phải vậy!

Đào Hành Khản gật đầu:

- Vâng!

Thế là hai người liền theo bờ sông thẳng tiến về hướng phải.

Hai người vừa đi khỏi không lâu, bỗng bờ sông vang lên "ầm" một tiếng rền rĩ, rồi thì một cột nước phun lên cao từ dưới sông đã nhô lên hai người.

Hai người ấy, một có vóc dáng rất cao to, thoạt nhìn giống như người, nhưng nhìn kỹ lại thì không phải, mà là một quái thú nửa người nửa vượn, toàn thân lông đen xoắn xít, mũi hếch cao, miệng to và đỏ lòm, trông hết sức ghê rợn.

Người cõng trên lưng quái thú chính là Lý Thuần Như, còn người kia mặc áo cà sa màu vàng, thì ra là một tăng nhân.

Hai người một thú nhô lên khỏi mặt nước, tăng nhân buông tiếng cười ha hả, đưa tay vỗ vỗ lên đùi quái thú, quái thú cũng toét miệng kêu "hô hô" như cười, nghe thật rùng rợn.

Tăng nhân đưa tay xách Lý Thuần Như từ trên lưng quái thú xuống, đoạn vỗ nhẹ một cái vào lưng Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như "uạ" một tiếng, phún ra một ngụm to nước, hé mở mắt ra, sửng sốt nói:

- Tôn giá... là ai? Mang tại hạ đến đây để làm gì?

Tăng nhân áo vàng cười:

- Các hạ khỏi cần biết bần tăng là ai, nếu bần tăng mà không mang các hạ đi, e rằng tính mạng các hạ khó mà bảo toàn.

Thì ra Lý Thuần Như đang nằm trên chiếc giường vạn niên bằng băng dưỡng thương, Tây Môn Thất vừa ra khỏi thạch thất, chàng bỗng nghe từ nơi cửa vang lên một tiếng "kẹt" rất khẽ.

Bấy giờ Lý Thuần Như đang nhắm mắt dưỡng thần, tuy nghe tiếng động, nhưng lại nghĩ là Tây Môn Thất quay vào nên không bận tâm đến, vẫn tiếp tục vận khí điều tức, lát sau lại nghe tiếng chân vang lên và đi về phía chàng.

Lý Thuần Như cảm thấy đối phương đã đến trước mặt mình, bèn mới hé mở mắt ra nhìn, liền tức khí huyết sôi sục, sửng sốt kêu lên:

- Ồ!

Thì ra người đứng trước mặt chính là Đào Hành Khản, người đã hạ sát Lý Bảo huynh trưởng chàng tại nhà Diêm Phùng Hiểu hôm trước.

Chỉ thấy Đào Hành Khản một tay đặt trên chuôi kiếm, hai mắt sáng quắc nhìn mình.

Lý Thuần Như bất giác rùng mình, gắng gượng hỏi:

- Tôn giá... muốn gì?

Đào Hành Khản cười vẻ như áy náy nói:

- Lý bằng hữu, tại hạ phụng mệnh sư phụ, mời Lý bằng hữu đến gặp lão nhân gia ấy một phen.

- Lệnh sư là ai? Vì sao lại cần gặp tại hạ?

Đào Hành Khản không đáp, vung chỉ điểm vào huyệt Kiên Tỉnh của Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như vốn đã mất hết công lực, giờ đây bị Đào Hành Khản phong bế huyệt đạo, đương nhiên đâu còn sức kháng cự.

Đào Hành Khản "choang" một tiếng, tuốt trường kiếm ra, cắp lấy Lý Thuần Như dưới nách, tung mình phóng ra ngoài.

Vừa ra đến bên ngoài thì gặp Dị Ngọc Phụng. Đào Hành Khản ác chiến với Dị Ngọc Phụng, Lý Thuần Như vẫn bị cắp dưới nách. Đến khi Đào Hành Khản thoát thân, Lý Thuần Như chỉ cảm thấy đã bị người mang vào trong rừng và bỏ xuống đất, chẳng rõ trải qua bao lâu, mới nghe bên cạnh có người nói chuyện.

Tiếng nói của hai người cách chàng rất gần, song bởi Lý Thuần Như chẳng thể động đậy nên không trông thấy được họ.

Chỉ nghe một người giọng rổn rảng nói:

- Đồ nhi, chúng ta phải vất vả lắm mới có được ba con Thông Thiên Bửu Long trong Ngân Hoa Cốc, sao ngươi lại dùng làm ám khí, nếu ta mà không đến kịp lúc, để rơi vào tay Tát Thị Tam Ma hoặc Linh Xà tiên sinh thì sẽ gây ra sóng gió còn gì?

Rồi nghe tiếng Đào Hành Khản nói:

- Sư phụ, bấy giờ tình thế khẩn cấp, nếu đồ nhi mà không ném ra ba con Thông Thiên Bửu Long, e rằng tính mạng khó thể bảo toàn và cũng đâu mang y về gặp sư phụ được.

Lý Thuần Như nghe đề cập đến cái tên Thông Thiên Bửu Long, không khỏi thoáng động tâm, dường như đã từng nghe ai nói đến thì phải.

Song ấn tượng hết sức mờ nhạt, như là ngoại hiệu của một người, mà cũng lại như tên gọi của một loại ám khí, không sao khẳng định được một cách chính xác đó là gì.

Sau đó lại nghe người kia nói:

- Ba con đó đã lấy từ trên mình cha mẹ ngươi và quả nhiên ta đã lấy được một con ở trên mình Lý Bảo, cả thảy đã có được bốn con, chỉ còn thiếu ba con nữa thôi. Ha ha!

- Vâng!

- Còn ba con kia chính là ở trên mình tiểu tử này, hãy cẩn thận canh chừng hắn, ta có việc đi khỏi, ngươi không được để cho hắn tẩu thoát đấy!

- Xin sư phụ yên tâm!

Lý Thuần Như nghe vậy vô cùng thắc mắc, bởi chàng biết tiểu tử mà người kia đã nói chính là chỉ mình và định tìm ra ba con Thông Thiên Bửu Long gì đó ở trên người mình. Nhưng Thông Thiên Bửu Long là gì vậy?

Song Lý Thuần Như cũng khá thông minh, tuy không biết Thông Thiên Bửu Long là gì, nhưng nhất định là có liên quan đến cái chết của Lý Bảo ca ca chàng.

Lát sau, người kia lại nói:

- Phen này ra đi khó định được thời gian, ngươi có thể giải khai huyệt đạo cho hắn, nhưng tuyệt đối không được để hắn đào tẩu và cũng không được để hắn chết.

- Vâng!

Lý Thuần Như không còn nghe tiếng gì nữa, bỗng cảm thấy có người vỗ nhẹ lên vai, huyệt đạo đã được giải khai.

Lý Thuần Như vội quay người, chỉ thấy ở ngoài mấy trượng có một người vóc dáng rất cao gầy, đang im lìm như hồn ma lướt đi, người giải huyệt cho chàng chính là Đào Hành Khản.

Lý Thuần Như tuy được giải huyệt, song vẫn không đủ sức đối kháng với Đào Hành Khản, đành tức giận nói:

- Ngươi... mang ta đến đây để làm gì?

Đào Hành Khản cười gượng:

- Lý huynh đệ, tại hạ không bao giờ có ý hại huynh đệ, huynh đệ hãy yên tâm.

- Hừ, vậy chứ tại sao ngươi lại sát hại ca ca ta?

Đào Hành Khản buông tiếng thở dài, ngoảnh mặt đi nơi khác, không nói gì nữa.

Lý Thuần Như thấy mình đang ở trên một ngọn đồi cao, cạnh đó có hai con ngựa đang cúi đầu ăn cỏ, nghĩ nếu như mình thừa lúc đối phương không đề phòng, cướp lấy một con ngựa đào tẩu thì cũng được, nhưng mình biết chạy đi đâu? Nghĩ vậy lòng không khỏi buồn chán vô cùng.

Lý Thuần Như vốn có một gia đình rất đàng hoàng, song thân cũng là người có tiếng tăm trong giới võ lâm, nhưng kể từ khi Đào Hành Khản hạ độc thủ giết chết Lý Bảo, gia đình chàng đã ly tán mỗi người mỗi ngã.

Lý Thuần Như đưa mắt nhìn dáng sau lưng Đào Hành Khản, lửa giận ngùn ngụt, nhưng bỗng nhiên lại nghĩ đến Đào Lâm.

Chàng nghĩ đến tình ý của Đào Lâm đã dành cho mình, lòng nghe chua xót khôn cùng, đành buông tiếng thở dài thậm thượt.

Thế là chàng đã cùng Đào Hành Khản ở trên ngọn đồi ấy suốt hai đêm, hai người chẳng ai nói với ai một lời. Qua ngày thứ ba, Đào Hành Khản biết rõ Lý Thuần Như đang thọ trọng thương, không thể đào tẩu được, bèn một mình đi lấy nước và đã gặp Dị Ngọc Phụng bên bờ hồ.

Lúc Đào Hành Khản rời khỏi, Lý Thuần Như lập tức đứng lên định thừa cơ đào tẩu, nhưng người chàng quá suy nhược, khó khăn lắm mới đứng lên được, chỉ cảm thấy đầu choáng mắt hoa, ngay cả đứng cũng chẳng vững, vừa định cố gắng bước tới để vịn vào một ngọn cây nhỏ, bỗng thấy bên kia đồi có hai người xuất hiện.

Lý Thuần Như định thần nhìn kỹ, lập tức giật nẩy mình, thì ra đó là một người một thú, và con thú ấy hình dạng rất quái dị, thật chưa từng gặp bao giờ, trông hết sức khủng khiếp.

Lý Thuần Như vốn định cất tiếng hô hoán, song tăng nhân áo vàng kia đã im lìm lướt đến, vung chỉ điểm vào mạng sườn chàng.

Lý Thuần Như lập tức bị khống chế, và con quái thú lẹ làng thụp xuống, đã cõng chàng lên lưng và phóng đi nhanh như gió, đến bên bờ sông, con quái thú liền nhảy ngay xuống.

Lý Thuần Như ở dưới sông cố gắng nín thở, đang lúc không còn chịu đựng được nữa, con quái thú lại nhô lên khỏi mặt nước.

Lý Thuần Như thở hồng hộc, mặt mày đỏ bừng.

Song tăng nhân áo vàng lại cười hề hề nói:

- Các hạ không chết quả là may cho bần tăng.

Lý Thuần Như tức giận cười gằn:

- Hừ, ta mà chết thật càng tốt.

Tăng nhân áo vàng lắc đầu:

- Ồ, các hạ tuyệt đối không thể chết được.

Lý Thuần Như lúc này quả là rất muốn chết đi, song vì giữa chàng với Đào Lâm hãy còn chút tình ý chân thật, do đó chàng mới còn sống trên cõi đời, nếu lúc này mà chàng hay tin Đào Lâm đã trở thành vợ của đại ma đầu Dị Cư Hồ, nhất định chàng sẽ tự sát ngay.

Vì vậy khi nghe tăng nhân áo vàng nói xong, Lý Thuần Như cười chua chát nói:

- Vì sao tại hạ lại không được chết?

Tăng nhân áo vàng vẻ rất nghiêm túc nói:

- Các hạ rất có thể là giáo tông của chúng tôi, nếu các hạ mà chết đi, mấy ngàn giáo chúng lấy ai thống lĩnh?

Lý Thuần Như kinh ngạc:

- Tôn giá nói sao?

Tăng nhân áo vàng đột nhiên vung tay "bốp bốp" hai tiếng, đã tự xáng cho mình hai cái tát tai, đoạn lẩm bẩm:

- Việc trọng đại thế này, sao mình lại có thể tiết lộ bí mật trước?

Đoạn lão cười giả lả nói:

- Những gì bần tăng vừa nói, các hạ cứ xem như không hề nghe vậy.

Lý Thuần Như cười dở khóc dở, thầm nghĩ tăng nhân áo vàng này hẳn là một kẻ điên khùng, nên chẳng bận tâm đến nữa, chỉ hỏi:

- Bây giờ tôn giá định mang kẻ này đi đâu?

- Một vị trưởng lão và hai vị Chuyển Luân Vương của bổn giáo đang chờ các hạ, bần tăng phải đưa các hạ đến gặp họ.

Lý Thuần Như càng thêm thắc mắc, nghĩ mình đang nằm trong tay kẻ khác, ngoại trừ phó phác cho số trời, biết còn cách nào hơn? Bèn không nói gì nữa.

Tăng nhân áo vàng ra lệnh cho quái thú lại cõng lấy Lý Thuần Như phóng đi về hướng tây, trái ngược hẳn với hướng đi của Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng.

Lý Thuần Như nằm mọp trên lưng rộng của quái thú, cảm thấy hết sức thoải mái.

Con quái thú phóng đi như bay, nhưng rất êm ái. Tăng nhân áo vàng khinh công rất cao, phóng đi suốt mấy ngày đêm mà không thấy có chút vẻ mệt mỏi, chứng tỏ nội lực cũng rất là thâm hậu.

Lý Thuần Như ước tính thời gian, đã đi được mười tám ngày, ngày nào cũng chỉ ăn lương khô và đi toàn đường núi gập ghềnh, không một bóng người.

Đến ngày thứ mười chín, vượt qua một ngọn núi, Lý Thuần Như bỗng nghe tiếng nước chảy, mở mắt ra nhìn, thì thấy đã đến bên bờ một con sông lớn, nước chảy rất xiết, sóng cao hơn trượng, trông hết sức hùng vĩ.

Lý Thuần Như lớn tiếng hỏi:

- Đây là sông gì vậy?

Tăng nhân áo vàng hướng ra sông cung kính vái lạy, xong mới đáp:

- Đây chính là sông Nhã Lỗ Tạng Bố!

Lý Thuần Như giật mình kinh hãi, chàng từng nghe nói ngoài Tây Tạng, có một con sông lớn tên là Nhã Lỗ Tạng Bố, chả lẽ mình đã đến Tây Tạng rồi ư?

Đang khi hoang mang, bỗng nghe gần đó vang lên một tiếng tù và inh ỏi, và tăng nhân áo vàng liền vội cất tiếng hú đáp lại.

Lát sau, những thấy bốn người phóng nhanh đến, khi đến gần, Lý Thuần Như định thần nhìn, thì ra cũng là bốn tăng nhân thảy đều mặc áo cà sa màu vàng, nhưng bên lề áo có viền kim tuyến.

Bốn người vừa đến nơi đã hỏi ngay:

- Có đón được không?

Tăng nhân áo vàng gật đầu:

- Được rồi!

Bốn tăng nhân mới hiện thân lập tức cùng từ trong lòng lấy ra một mảnh lụa vàng, kết nhau lại thành một chiếc võng, đặt Lý Thuần Như nằm lên, sau đó mỗi người cầm lấy một góc phóng đi như bay.

Lý Thuần Như chẳng hiểu các tăng nhân áo vàng này giở trò trống gì, song thấy họ như không có ác ý, nên chàng cũng lặng thinh. Họ phóng đi hơn dặm đường, đều là dọc theo bờ sông.

Chừng nửa giờ sau, bốn tăng nhân mới dừng chân lại.

Lý Thuần Như ngước lên nhìn, chỉ thấy bên sông có một chiếc bè gỗ rất to, trên bè có mấy túp lều vải.

Bốn tăng nhân đến bờ sông, cùng tung mình lên, cách nhau gần ba trượng đã hết sức vững vàng hạ chân xuống bè.

Từ trong lều vải, hai bên cũng có mấy tăng nhân áo vàng bước ra, cùng hỏi:

- Đã đón được rồi ư?

Bốn tăng nhân áo vàng gật đầu.

Lý Thuần Như lòng càng thêm thắc mắc, chỉ thấy bốn người đi thẳng về phía túp lều to nằm giữa, đến trước cửa lều mới nhẹ nhàng đặt Lý Thuần Như xuống, cùng khom mình nói:

- Kính bẩm trưởng lão cùng nhị vị Chuyển Luân Vương, người cần tìm đã đón đến rồi.

Vừa dứt lời, đã nghe trong lều có người nói:

- Hãy mời vào đây!

Bốn người đưa mắt nhìn Lý Thuần Như, đoạn lắc đầu nói:

- Kính bẩm trưởng lão, y đang thọ trọng thương, huyết khí rất suy nhược, không thể đi đứng được.

Trong lều im lặng một hồi, mới nói:

- Vậy thì hãy dìu vào đây.

- Thưa vâng!

Bốn người liền xúm nhau đỡ Lý Thuần Như lên, vén lều dìu chàng đi vào.

Lý Thuần Như biết đã sắp đến lúc màn bí mật được vén mở, vừa vào đến trong lều đã ngẩng lên nhìn quanh.

Nhưng thấy trong lều bài trí rất đơn sơ, chính giữa là một bàn thờ, trên bàn là mấy pho tượng Phật cao chừng ba thước, vàng lấp lánh. Trong khói nhang nghi ngút và ánh nến lập lòe, bầu không khí hết sức thần bí.

Trước bàn thờ có ba chiếc ghế nhựa, trên mỗi ghế là một tăng nhân, người ngồi giữa đã già đến mức khó nhận định được tuổi tác, hai người ngồi bên tuổi cũng khá cao.

Lý Thuần Như thầm nghĩ, những tăng nhân này xem ra người nào cũng võ công cao cường, ba lão hòa thượng kia có lẽ chính là lãnh đạo của họ, trông cao tuổi thế kia, võ công hẳn là cao thâm khôn lường.

Chàng vừa vào đến, ba lão hòa thượng liền mở bừng mắt, trong lều như vụt sáng lên. Lý Thuần Như kinh hãi thầm nhủ:

- Nội công tinh thâm quá!

Đã nghe lão hòa thượng ngồi giữa chậm rãi nói:

- Khúc thí chủ đường xa vất vả quá, xin mời ngồi!

Lập tức có người bưng ghế đến. Lý Thuần Như ngồi xuống, thật ra thì chàng gần như là ngã xuống, lòng càng thêm kinh ngạc, sao lão hòa thượng này cũng bảo mình họ Khúc giống như Tây Môn Thất thế nhỉ?

Lý Thuần Như cười gượng nói:

- Đại sư đã lầm rồi, tại hạ không phải là họ Khúc mà là họ Lý.

Lão hòa thượng như kinh ngạc, vội đưa mắt nhìn bốn tăng nhân kia. Bốn tăng nhân đó vội vàng ra khỏi lều, lát sau đã cùng vị tăng nhân đi với quái thú cõng Lý Thuần Như đến đây đi vào, nói:

- Chính do Xa Ma đã đón đến đây, chúng đệ tử vốn không rõ sự tình.

Tăng nhân tên Xa Ma vội nói:

- Xin trưởng lão hãy xem đây!

Thò tay vào lòng lấy ra một cuộn da dê, kéo mở ra đưa đến trước mặt lão hòa thượng ngồi giữa.

Lý Thuần Như liếc mắc nhìn, bất giác giật mình kinh hãi, thì ra đó là một bức chân dung, mà chân dung ấy chính là chàng.

Lý Thuần Như kinh hãi chẳng phải là không có lý do, thử nghĩ chàng không hề quen biết với những tăng nhân áo vàng này, và thậm chí ngay cả lai lịch của họ cũng chẳng rõ, vậy mà họ lại có chân dung của chàng, chàng không kinh hãi sao được?

Lão hòa thượng ngồi giữa đón lấy bức chân dung, khoát tay ra hiệu cho năm người lui ra, đoạn lão đưa mắt nhìn Lý Thuần Như rồi lại nhìn bức chân dung một hồi lâu. Sau đó lại trao cho hai tăng nhân ngồi hai bên.

Ngắm nhìn Lý Thuần Như suốt hơn nửa giờ, đoạn lão hòa thượng mới lên tiếng nói:

- Khúc thí chủ, bọn lão tăng mời thí thủ đến đây không hề có ác ý, thí chủ hà tất không thừa nhận?

Lý Thuần Như cười héo hắt:

- Tại hạ quả thật không phải họ Khúc, các vị lại nhất quyết bảo tại hạ họ Khúc, tại hạ đương nhiên không nhìn nhận rồi.

Lão hòa thượng nhếch môi cười, trao bức chân dung cho chàng và nói:

- Khúc thí thủ hãy xem đây là ai?

Lý Thuần Như đón lấy bức chân dung xem thật kỹ, đoạn cười thiểu não nói:

- Đây chính là tại hạ.

Lão hòa thượng nhẹ gật đầu:

- Vậy là đúng rồi! Bức chân dung này thật ra không phải là thí chủ, mà là Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu khi xưa, nếu thí chủ không phải hậu duệ của Khúc đảo chủ thì sao lại giống nhau thế này?

Lý Thuần Như bỗng nhớ lại lời nói của Tây Môn Thất, giờ đây vị hòa thượng này cũng nói giống như vậy, sự việc này chính chàng cũng không rõ, phải hỏi cha mẹ mình mới biết được, bèn nói:

- Việc người giống người là thường, song thân tại hạ đều còn đủ, lẽ nào lại là con của Khúc đảo chủ?

Lão hòa thượng thoáng nhướng đôi mày dài:

- Có lẽ thí chủ đã ngộ nạn từ thuở bé, được song thân nuôi dưỡng mà không hề nói cho thí chủ biết.

Lý Thuần Như nghĩ việc này quá rắc rối, có tranh cãi cũng chẳng ra lẽ, hà tất nói nhiều làm gì, nên bèn nói:

- Bất kể phải hay không, đại sư mang tại hạ đến đây có gì chỉ giáo vậy?

Lão hòa thượng cười:

- Lão tăng năm nay đã một trăm mười hai tuổi, lẽ nào lại nhận lầm người? Khúc thí chủ có biết mình chính là giáo tông của bổn giáo, do Phật sống Đan Châu Nhĩ đã chuyển thế không?

Lý Thuần Như thầm reo lên, hay nhỉ! Mình lại trở thành Phật sống tái thế ư? Họ đã tin vậy, nhưng mình đâu thể thừa nhận bừa, vội nói:

- Đại sư nói thật khó tin, tại hạ sao lại có thể là Phật sống chuyển thế được chứ?

Lão hòa thượng cười, nghiêm túc nói:

- Già Đương Tự Hoàng Giáo kể từ khi được A Đê Sa tôn giả sáng lập đến Phật sống Đan Châu Nhĩ đã được chín đời. A Đê Sa tôn giả lúc lâm chung đã bảo là ngài sẽ sống mãi muôn đời, phàm đứa bé nào sinh ra đời cùng với lúc Phật sống tạ thế, đó chính là Phật sống đã chuyển thế. Mọi người trong giáo không bao giờ dám quên, lẽ nào lại lầm được?

Lý Thuần Như nực cười:

- Thì ra các vị là tăng nhân Hoàng Giáo ở Tây Tạng, vậy là càng không thông rồi!

- Không thông như thế nào?

- Các vị ở xa tận Tây Tạng, cho dù tại hạ đúng là con trai của Hắc Thủy đảo chủ Khúc Cầm Phu thì Phật sống chuyển thế cũng đâu có đi xa đến vậy?

Lão hòa thượng vẻ mặt trang nghiêm:

- Phật sống lúc sinh tiền tài năng đã thông thiên quán địa, khi đầu sinh chuyển thế hẳn vươn xa ngàn dặm trong khoảng khắc, Tây Tạng tuy cách xa Hắc Thủy đảo cũng đâu có gì trở ngại.

Lý Thuần Như thấy đối phương quá tín ngưỡng, biết dù biện giải thế nào lão hòa thượng này cũng không chịu đổi ý, đang định tìm lời thối thác, lại nghe lão hòa thượng nói tiếp:

- Hồi mười tám năm trước, lúc Phật sống Đan Châu Nhĩ sắp qua đời đã chỉ tay về hướng bắc, lão tăng nhân là trưởng lão, lập tức xuất lĩnh hai Chuyển Luân Vương đi về hướng bắc tìm kiếm đứa bé do Phật sống chuyển thế, song vượt qua vạn dặm gian truân vẫn không gặp ai cả, đó là điều xưa nay chưa từng có.

Lý Thuần Như cũng cảm thấy lý thú hỏi:

- Về sau thế nào?

- Lão tăng ba người cảm thấy hết sức hoang mang, bèn quỳ xuống đất cầu Phật, xin Phật sống hiển linh.

Lý Thuần Như cười:

- Phật sống có chỉ điểm gì không?

- Dĩ nhiên là có! Khi lão tăng ba người khấn vái xong, liền có bạch hạc dẫn đường đến đảo Hắc Thủy, và đảo chủ vừa sinh được một con trai, ngày giờ sinh đúng là vào lúc Phật sống Đan Châu Nhĩ tạ thế.

Lý Thuần Như thấy sự việc này tuy có vẻ thần bí, nhưng thật ra đó cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi miền bắc vốn có rất nhiều bạch hạc, người Tây Tạng chưa từng trông thấy cho nên mới lấy làm lạ. Mà cõi đời bao la, lúc nào cũng có trẻ con sinh ra, trùng hợp với giờ tạ thế của Phật sống Đan Châu Nhĩ cũng đâu có đáng kỳ lạ.

Lại nghe lão hòa thượng nói tiếp:

- Lúc bấy giờ đứa bé mới sinh được hai mươi ba hôm, bọn lão tăng đã bày tỏ ý định muốn đem đứa bé đi, nhưng hai vợ chồng đảo chủ đã không chấp thuận.

Lý Thuần Như thầm nhủ:

- Nếu Hắc Thủy đảo chủ mà chấp thuận thì đó mới đáng lấy làm lạ.

Lão hòa thượng lại nói tiếp:

- Bởi hai vợ chồng đảo chủ có công cưu mang Phật sống, bọn lão tăng cũng chẳng tiện cưỡng bức, đành họa lấy chân dung đảo chủ mang về, định sau một thời gian sẽ với đại lễ nghênh đón. Nào ngờ bọn lão tăng chưa về đến Tây Tạng đã nghe tin toàn gia Hắc Thủy đảo chủ ngộ nạn, duy có ấu tử bởi đi khỏi đảo nên mới may mắn thoát nạn.

Lý Thuần Như phì cười:

- Vậy thì Phật sống quả là hiển linh nên ấu tử của Khúc đảo chủ mới thoát khỏi đại nạn.

- Đương nhiên là vậy, khi bọn lão tăng hay tin liền lập tức tìm kiếm khắp nơi, nhưng suốt một năm dài vẫn chỉ hoài công. Bọn lão tăng đành quay về Tây Tạng, phái người tiếp tục tìm kiếm. Mãi đến năm rồi mới có nghe người về báo là đã gặp một thanh niên tại Hồ Nam, giống hệt như Hắc Thủy đảo chủ khi xưa. Thế là bọn lão tăng ba người mới trở lại Trung Nguyên.

Lý Thuần Như nhớ lại, đúng là năm rồi mình có đến Hồ Nam, hẳn đã bị tăng nhân áo vàng trông thấy, nên bèn nói:

- Câu chuyện đại sư đã nói quả là ly kỳ, nhưng tại hạ từ khi hiểu sự đến nay, quả tình chỉ biết gia phụ họ Lý thôi.

Lão hòa thượng cười:

- Điều ấy rất dễ dàng, mỗi đời Phật sống chuyển thế đều có cách thử nghiệm để tránh khỏi sự lầm lẫn, hiện lão tăng vẫn chưa quả quyết thí chủ chính là Phật sống chuyển thế, thí chủ hãy chịu khó theo bọn lão tăng trở về Già Đương Tự rồi hẵng liệu, được chăng?

Lập tức chàng nghĩ đằng nào mình cũng đang ở Tây Tạng, không bằng lòng cũng chẳng thể được, thôi thì theo họ cũng chẳng sao.

Nhưng nghĩ lại, người mình suy nhược thế này, chẳng rõ sẽ còn sống được bao lâu, bất giác buông tiếng thở dài nói:

- Đi đến tự viện của các vị một phen vốn không thành vấn đề, nhưng hiện tại, tại hạ đang thọ trọng thương, võ công mất hết, chỉ sợ khó thể đi xa.

Lão hòa thượng chú mắt nhìn Lý Thuần Như một hồi, đoạn cười nói:

- Việc ấy hết sức dễ dàng.

Nói đoạn lão chậm rãi đứng lên. Xem lão hòa thượng gầy bé và già nua thế kia, nhưng khi đứng lên, khí thế hào hùng khôn tả, cất một bước đã đến cạnh Lý Thuần Như, hai cánh tay gầy guộc cùng vươn tới, một đặt vào trước và một đặt vào sau vùng tim Lý Thuần Như.

Lập tức, Lý Thuần Như kêu "ồ" lên một tiếng, thì ra đôi tay lão hòa thượng nóng rực như sắc nung.

Lý Thuần Như tuy kêu lên một tiếng, song biết là lão hòa thượng này đang với nội công thuần chính điều thương cho mình, vội nhắm mắt tĩnh tọa, cố gắng chịu đựng cảm giác nóng rực kia.

Lát sau, sức nóng từ bàn tay lão hòa thượng đã giảm dần, bắt đầu có một luồng sức êm dịu truyền vào cơ thể, dẫn dắt chân khí vốn đã không sao vận chuyển của Lý Thuần Như xuyên qua các huyệt đạo.

Chừng hai giờ sau, chân khí trong người Lý Thuần Như đã có thể tự vận chuyển được, song luồng sức mạnh từ hai tay lão hòa thượng truyền qua vẫn tiếp tục chuyển động.

Lý Thuần Như cảm thấy toàn thân hết sức sảng khoái, chẳng những công lực đã hoàn toàn hồi phục mà còn tăng tiến không ít.

Nếu là kẻ khác, biết đối phương nội lực thâm hậu, nếu không lên tiếng thì sẽ càng có nhiều ích lợi hơn, song Lý Thuần Như không phải là người như vậy, chàng biết đối phương đã truyền nội lực vào trong cơ thể mình, sự tiêu hao rất lớn lao, không muốn lợi mình thiệt người như vậy, nên mở mắt ra nói:

- Đa tạ đại sư đã cứu giúp, tại hạ đã phục hồi công lực rồi.

Lão hòa thượng mỉm cười, rụt tay về, lui ra sau một bước.

Lý Thuần Như đứng bật dậy, bước đi vài bước, cảm thấy nội lực dạt dào, chỉ trong một thời gian ngắn mà công lực đã tăng trưởng rất nhiều hơn xưa, lòng hết sức bội phục công lực thâm hậu của lão hòa thượng.

Theo lễ phép giữa vãn bối đối với tiền bối trong võ lâm, Lý Thuần Như toan quì xuống bái lạy, nhưng chàng vừa co chân, một luồng sức mạnh rất dịu dàng đã ập đến trước ngực, ngăn chàng lại.

Chàng đưa mắt nhìn, thấy lão hòa thượng chỉ nhẹ nhàng lật tay, Lý Thuần Như càng thêm bội phục, thừ ra nhìn lão hòa thượng, hồi lâu mới nói:

- Đại sư, nếu tại hạ quả thật là Phật sống chuyển thế của quý giáo, chả lẽ các vị thảy đều nghe theo sự chỉ huy của tại hạ sao?

Lão hòa thượng mỉm cười:

- Đương nhiên, chưởng giáo giáo tông có uy lực vô thượng trong bổn giáo, mọi giáo chúng tuyệt đối không được trái lệnh.

Lý Thuần Như chợt động tâm, thầm nghĩ nếu mình mà trở thành giáo tông của họ, vậy thì dưới tay mình có biết bao là cao thủ. Giáo tông bao đời của họ có lẽ chưa từng bước chân vào Trung Nguyên, nên nhân vật võ lâm Trung Nguyên mới không biết đến, nếu mình mà trở thành giáo tông, cho dù công lực bản thân không chút tiến triển, thì cũng có thể trở thành một nhân vật đứng đầu trong giới võ lâm.

Lý Thuần Như thừ ra suy nghĩ, nhưng nghĩ đến đây chàng cũng cảm thấy nực cười, bởi vừa rồi chàng đã hoàn toàn không tin có Phật sống chuyển thế, vậy mà bây giờ lại suy nghĩ đến vấn đề ấy, chàng vội thu hồi niềm suy tư, hỏi:

- Đại sư vừa rồi đã nói là còn phải thử nghiệm, chẳng hay thử nghiệm bằng cách nào?

- Bọn lão tăng rất tin là Phật sống chuyển thế đương nhiên đã quên hết mọi sự của kiếp trước, tuy nhiên vẫn còn một chút linh tri chưa tiêu tan, còn nhận ra vật ưa thích nhất của mình kiếp trước. Khi Phật sống chưa chuyển thế, ưa thích nhất là một bộ kinh thư, sớm tối không rời. Hiện nay trong Già Đương Tự đã chuẩn bị sẵn hai mươi bộ kinh thư trông bề ngoài giống hệt nhau, thí chủ chỉ cần nhất cử chọn ra được bộ kinh thư thật thì sẽ được toàn thể tăng nhân trong tự sùng bái.

Lý Thuần Như nghe xong không khỏi héo hắt, thầm nghĩ việc nhất cử chọn ra được quyển kinh thư thật trong số hai mươi quyển giống nhau, quả chẳng phải dễ dàng.

Đành từ bỏ ý niệm ấy lại thôi, mình đã được lão hòa thượng giúp cho tăng tiến công lực, lẽ nào lại còn tham lam đứng núi này trông núi nọ nữa? Vả lại, nếu như mình thật sự trở thành giáo tông của họ, nhất định sẽ phải thế phát làm hòa thượng, vậy thì Đào Lâm sẽ ra sao?

Do đó chàng chỉ "à" một tiếng rồi không nói gì nữa.

Lão hòa thượng quay ra ngoài lều khoát tay, liền thấy mấy mươi tăng nhân lăng xăng làm việc, lát sau đã thu dọn xong lều bạt.

Lý Thuần Như thấy những tăng nhân kia người nào cũng võ công cao cường, nhớ lại vừa rồi lão hòa thượng đã bảo là Phật sống Đan Châu Nhĩ hồi sinh tiền, vật ngày đêm không rời là một bộ kinh thư. Theo lẽ Phật sống là tông chủ của một giáo, đương nhiên là phải có thành tựu siêu việt về Phật lý, do đó một bộ kinh thư không thể nào đủ để khiến giáo chúng kính phục, nhưng Phật sống Đan Châu Nhĩ lại chỉ xem có mỗi bộ kinh thư ấy, hay bộ kinh thư này chính là một bửu điển võ học của Phật môn? Bởi vậy trong Già Đương Tự người nào cũng có võ công cao cường?

Lý Thuần Như chẳng qua cũng chỉ tùy tiện nghĩ vậy thôi, bởi bộ kinh thư kia cho dù là bửu điển võ học thì chàng cũng chẳng thể nào lấy được.

Đương nhiên nếu chàng mà nhất cử chọn ra được bộ kinh thư thật trong hai mươi bộ giống nhau, chẳng những bộ kinh thư ấy thuộc quyền sở hữu của chàng, mà chàng còn có thể trở thành giáo tông của Già Đương Tự.

Thế nhưng, niềm hy vọng ấy thật là quá mong manh.

Thu dọn xong tất cả lều bạt, mọi người bắt đầu lên đường, Lý Thuần Như đi cùng lão hòa thượng và hai Chuyển Luân Vương. Vượt đèo qua núi, đường đi rất gập ghềnh, tốc độ tiến tới khá chậm, có vài nơi vách đá cheo leo, Lý Thuần Như nếu không nhờ sự giúp đỡ của lão hòa thượng, công lực tăng tiến, e rằng chẳng tài nào vượt qua được.

Đi suốt ba ngày liền. Qua ngày thứ tư, mặt trời lên chưa lâu, bọn người đã lên đến một đỉnh núi, từ trên cao nhìn xuống, Lý Thuần Như bất giác kinh ngạc reo lên.

Thì ra bên dưới là một sơn cốc rộng thênh thang, cửa sơn cốc là một hồ nước trong xanh, đồi núi xung quanh thảy đều phản ánh trong nước, cộng thêm trời xanh mây trắng và những cánh chim ung dung bay liệng trên mặt nước, gây cảm giác tột cùng thanh tĩnh thoát tục.

Bên bờ hồ mọc đầy các loài hoa dại đua nhau khoe sắc, vài chú nai bông thảnh thơi đi dạo, thật chẳng khác Bồng Lai tiên cảnh. Và cách hồ nước không xa, một ngôi tự viện nguy nga hùng vĩ nằm dựa vách núi, chỉ nhìn bề ngoài cũng đủ thấy trang nghiêm thanh thoát rồi.

Lý Thuần Như xem một hồi, thầm nghĩ cho dù làm một tăng nhân bình thường sống thanh thản trọn đời trong ngôi chùa này, còn hơn ngồi trên chiếc ghế đệ nhất võ lâm, luôn tranh giành chém giết trong chốn giang hồ.

Lý Thuần Như cảm thấy hết sức hâm mộ, bèn hỏi:

- Đại sư, đây chính là Già Đương Tự?

Lão hòa thượng gật đầu, chỉ thấy trong tự vang lên tiếng niệm kinh, rồi thì hai hàng tăng nhân từ trong bước ra, theo hình cánh nhạn đứng trước cửa chùa, tất cả đều ngẩng đâàu lên nhìn.

Lão hòa thượng giọng cảm thán nói:

- Bổn giáo không có giáo tông đã mười tám năm rồi, lòng trông đợi giáo tông của mọi người thật như nắng hạn trông mưa.

Lý Thuần Như bỗng hỏi:

- Đại sư đức cao trọng vọng, nội lực cao thâm hiếm có trên đời, tại sao không tiếp nhiệm giáo tông?

Lão hòa thượng trố to mắt:

- Khúc đàn việt sao lại nói vậy? Không phải Phật sống chuyển thế, ai có thể sung nhiệm giáo tông? Vả lại, lão tăng khởi thủy bất quá chỉ là một tiểu tăng, được Phật sống Đan Châu Nhĩ đoái thương mới có được ngày nay, lẽ nào lại loạn nhiệm giáo tông?

Lý Thuần Như nghe vậy, lại động tâm hỏi:

- Vậy là đại sư sở dĩ võ công tinh thâm chính do Phật sống Đan Châu Nhĩ đã truyền cho ư?

Lão hòa thượng gật đầu:

- Đúng vậy! Xưa kia, bổn giáo không hề biết phương pháp luyện khí tập võ, nên thường bị người hà hiếp, đến tự viện cũng phải xây cất tại nơi hẻo lánh này. Nhưng từ đời Phật sống Đan Châu Nhĩ trở về sau thì tình hình khác hẳn.

Lý Thuần Như nghe vậy lại càng tin bộ kinh thư sớm tối không rời của Phật sống Đan Châu Nhĩ chính là một pho bửu điển võ học. Hai người vừa trò chuyện vừa đi xuống núi, lát sau đã đến bên bờ hồ.

Tiếng niệm Phật hiệu của hai hàng tăng nhân càng to vang, Lý Thuần Như chẳng hiểu họ đang niệm gì, nhưng qua vẻ mặt trang nghiêm lẫn vui mừng của họ, cũng có thể biết là họ đang hoan nghênh mình.

Chàng theo lão hòa thượng đi vào chùa, chỉ thấy trên vách hai bên đại điên cao khoảng bốn trượng, vẽ đầy các bức tranh về sự tích trong kinh Phật, và những tượng Phật Tam Bảo lại càng trang nghiêm lộng lẫy đến tột bậc.

Lý Thuần Như không phải là người trong Phật môn, song đứng trước cảnh thế này cũng không khỏi sinh lòng tôn kính.

Lão hòa thượng đưa chàng vào trong một gian tĩnh thất nơi hậu viện rồi rời khỏi ngay.

Trong tự có người phục vụ việc tắm rửa và ăn uống cho chàng. Liên tiếp ba hôm, Lý Thuần Như đều sống trong hoàn cảnh hết sức yên tĩnh, vị lão hòa thượng kia cũng không hề đến lần nào.

Sáng ngày thứ tư, bỗng nghe khắp chùa ngân vang tiếng khuông la, tiếng trống chiêng và tiếng gõ mõ liên hồi, khói nhang nghi ngút, lão hòa thượng và hai tả hữu Chuyển Luân Vương cùng đến đón Lý Thuần Như ra đại điện.

Lý Thuần Như quét mắt nhìn, trong đại điện đông nghịt người, ít ra cũng có đến bốn năm trăm tăng nhân, tất cả đều quì và cúi đầu tụng kinh, và trước tượng Phật Tam Bảo có đặt một chiếc ghế dài, bên trên là hai mươi chiếc hộp bằng gỗ đàn tía, hình dạng và kích cỡ giống như nhau.

Lão hòa thượng và hai Chuyển Luân Vương dẫn Lý Thuần Như đi đến trước chiếc ghế dài, cũng quì xuống đất.

Cả đại điện chỉ có một mình Lý Thuần Như là đứng, chàng biết lúc này là giờ khắc vô cùng trọng đại đối với tất cả tăng nhân hiện diện trong đại điện này.

Lão hòa thượng quì xuống chốc lát, chầm chậm giơ tay lên, lập tức mọi tiếng động đều ngưng bặt, cả đại điện im phăng phắc.

Chỉ nghe lão hòa thượng với giọng rất trầm thấp khẩn cáo, chừng nửa giờ sau, tất cả tăng nhân mới cùng đứng lên.

Lão hòa thượng đi đến trước mặt Lý Thuần Như nói:

- Xin Khúc đàn việt hãy ra tay!

Lý Thuần Như vốn nhận thấy hoàn cảnh trước mắt gần như là trò đùa, tuy chàng cũng rất muốn hiểu rõ bộ kinh thư của Phật sống Đan Châu Nhĩ thật ra ghi chép những gì, nhưng chàng không hề nghĩ là mình có thể trở thành giáo tông của Già Đương Tự, chỉ mong sớm xong việc hầu trở về Trung Nguyên tìm gặp Đào Lâm, cùng sống những tháng ngày nên sống của mình, hơn làm làm giáo tông nhiều.

Do đó, khi lão hòa thượng dứt lời, chàng liền tiến tới một bước, đưa tay ra lấy bừa một chiếc hộp trên ghế. Nhưng khi ngón tay chàng sắp chạm vào chiếc hộp ấy, đột nhiên cảm thấy huyệt Xích Trạch nơi khuỷu tay thoáng tê dại, khiến cánh tay chàng không tự chủ được cất lên năm sáu tấc, chộp vào khoảng không.

Lý Thuần Như sửng sốt vô cùng, liền ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy hàng trăm con mắt đang nhìn vào mình, lão hòa thượng và hai Chuyển Luân Vương đều đang chấp tay trước ngực, cúi đầu lẩm nhẩm khấn nguyện, thật chẳng thể nhận ra được người nào đã ra tay phá bĩnh?

Nhưng Lý Thuần Như nhận thấy rất rõ ràng, nếu vừa rồi mà huyệt Xích Trạch của mình không bị tê dại, thì chiếc hộp kia hiện đã cầm trong tay rồi.

Nên sau khi nhìn quanh, chàng quay trở lại ngay, suy nghĩ thật nhanh, nhận thấy chỉ có một khả năng, đó là trong ba người lão hòa thượng và hai Chuyển Luân Vương nhất định là biết rõ bộ kinh thật đã được đặt trong chiếc hộp nào, và chính một trong ba người ấy vừa rồi đã ra tay điểm vào huyệt Xích Trạch của mình.

Người ấy vì lẽ gì lại ra tay như vậy?

Có hai khả năng, một là không muốn mình trở thành giáo tông của Già Đương Tự Hoàng Giáo, có nghĩa là vừa rồi mình đã chọn đúng chiếc hộp có bộ kinh thư thật.

Khả năng thứ hai là người ấy muốn mình trở thành giáo tông, nên khi thấy mình không chọn đúng chiếc hộp có kinh thư thật, liền ra tay ngăn cản.

Lý Thuần Như nghĩ đến đó, bỗng nhớ lại những lời nói của lão hòa thượng mấy hôm trước, đó là lòng trông đợi giáo tông của mọi người thật như nắng hạn trông mưa, nên rất có thể đó chính là kiệt tác của lão hòa thượng.

Mặc dù lão thời gian đang chắp tay cúi đầu khấn nguyện, lão nội công thâm hậu, biết môn cách không điểm huyệt chẳng có gì là lạ. Hơn nữa, lão hòa thượng lại cách mình gần nhất, lão ra tay thì cũng có thể qua mắt tất cả tăng nhân hiện diện dễ dàng.

Lý Thuần Như không suy nghĩ lâu lắm, lại đưa tay chộp lấy chiếc hộp bên cạnh.

Song lần này cũng như lần trước, ngay khi ngón tay sắp chạm vào hộp, lại cảm thấy nơi huyệt Xích Trạch tê dại, cánh tay lại cất lên cao.

Sự việc xảy ra đương nhiên chỉ có Lý Thuần Như và người ra tay mới biết, còn những người khác chỉ thấy Lý Thuần Như như đang đắn đo cân nhắc, định lấy mà rồi lại không lấy vậy.

Do đó, mấy trăm tăng nhân hiện diện càng hồi hộp đến tột độ, tuy trong đại điện có đến bốn năm trăm người, song yên ắng đến độ không một tiếng động khẽ.

Lý Thuần Như bị ngăn cản lần thứ hai, đã biết người ra tay là muốn chàng trở thành giáo tông, bởi kinh thư thật chỉ có một bộ, nếu đối phương không muốn chàng trở thành giáo tông, chắc chắn không bao giờ ra tay ngăn cản đến hai lần.

Lý Thuần Như hết sức thắc mắc lẫn kinh ngạc, đồng thời cũng có chút vui mừng, bởi qua tình hình hiện tại, chắc chắn chàng sẽ trở thành giáo chủ Già Đương Tự.

Lý Thuần Như hít sâu vào một hơi, lại đưa tay chộp vào một chiếc hộp khác, lần nào cũng như nhau, cho đến chiếc hộp thứ mười hai, mới thuận lợi cầm được trong tay.

Lão hòa thượng lập tức đón lấy chiếc hộp ấy, mở nắp lấy ra một quyển kinh thư giơ cao cho mọi người xem.

Lý Thuần Như liếc mắt nhìn, thấy bộ kinh thư chỉ có hai quyển rất mỏng, ngoài bìa là bốn chữ Linh Tàng Bửu Lục.

Lý Thuần Như vừa thấy bốn chữ ấy, bất giác thất thanh kêu lên "ồ" một tiếng, song chẳng một ai nghe thấy, đó không phải là tiếng kêu của chàng không to, mà là lúc bấy giờ tất cả tăng nhân trong đại điện đã reo mừng như sấm động, hoàn toàn át đi tiếng kêu của chàng.

Sự reo mừng của tăng chúng vốn đã nằm trong tiên liệu của Lý Thuần Như, song chàng không ngờ trong hộp lại là Linh Tàng Bửu Lục.

Lý Thuần Như hồi năm rồi mới nghe song thân đề cập đến, theo lời đồn đại trên giang hồ, phái Ngũ Đài trong hơn hai trăm năm qua sở dĩ ngày một suy yếu chính vì bộ bửu lục võ học tuyệt đỉnh có thể luyện thành thân thể kim cang bất hoại gồm bốn quyển của phái này đã đột nhiên biến mất.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự đồn đại chưa được chứng thực, và phái Ngũ Đài tuy hơn trăm năm qua thanh danh ngày một suy yếu, song đương kim chưởng môn Vô Không Thiền Sư vẫn là một cao thủ bậc nhất. Vả lại, người trong phái Ngũ Đài không một ai chịu thừa nhận sự kiện ấy. Do đó, đồn đại vẫn cứ đồn đại, người nào cũng chỉ bán tín bán nghi, và thậm chí có kẻ đã hoàn toàn không tin.

Nhưng giờ đây, Lý Thuần Như đã trông thấy rất rõ ràng, hai quyển kinh thư trong tay lão hòa thượng chính là Linh Tàng Bửu Lục, vậy chứng tỏ lời đồn quả không ngoa, bộ kỳ thư võ học này đúng là không còn ở Ngũ Đài Son, mà đã đến Già Đương Tự ở Tây Tạng rồi.

Qua lời lão hòa thượng này, Phật sống Đan Châu Nhĩ lúc tạ thế tuổi đã khá cao, chứng tỏ bộ kỳ thư này trôi giạt đến đây đã rất nhiều năm. Nhưng nghe nói bộ Linh Tàng Bửu Lục này gồm có bốn quyển, sao trong hộp chỉ có hai quyển thế này?

Vấn đề ấy trong nhất thời dĩ nhiên Lý Thuần Như khó có thể hiểu ra, chỉ nghe tiếng hoan hô của mấy trămg tăng nhân kéo dài suốt hơn nửa giờ mới lục tục quì xuống và tiến tới bằng đầu gôi, tranh nhau vái lạy Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như bị họ làm cho dở khóc dở cười, mỗi tăng nhân khi đến trước mặt Lý Thuần Như đều nắm lấy tay chàng đặt lên đầu mình. Lý Thuần Như chẳng hiểu đó nghĩa là sao, đành để mặc cho họ muốn làm gì thì làm, và cứ thế kéo dài đến gần trưa.

Lão hòa thượng và hai Chuyển Luân Vương đương nhiên cũng không ngoại lệ, cho đến khi lần lượt sờ lên đầu hết tất cả tăng nhân, lão hòa thượng mới nói:

- Phật sống tái hiện, thật là phúc đức cho bổn giáo.

Mọi tăng nhân liền cùng lặp lại câu nói ấy. Lão hòa thượng giơ cao tay, liền có hai tăng nhân cung kính bưng đến một chiếc hộp, trong hộp là một chiếc cà sa lấp lánh ánh vàng, chẳng rõ được dệt bằng gì. Lão hòa thượng lấy ra, khoác lên mình Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như cảm thấy chiếc cà sa nhẹ đến mức như không hề có. Lão hòa thượng lại từ trong hộp lấy ra một ngọn đao bao vàng, hình trăng lưỡi liềm và dài cỡ hai thước, vừa ra khỏi bao, Lý Thuần Như đã cảm thấy hai mắt chói lòa, thầm kêu lên:

- Thật là một ngọn đao quý.

Chỉ thấy lão hòa thượng đưa ngọn đao qua khỏi đầu, đột nhiên nhắm đỉnh đầu Lý Thuần Như phạt tới.

Lý Thuần Như biết đối phương toan xuống tóc cho mình, kinh hãi la lên:

- Đại sư, tại hạ không muốn làm hòa...

Tiếng "thượng" chưa kịp thốt ra khỏi miệng, lưỡi đao lướt qua, tóc đã bị phạt mất một mảng to. Tiếp theo, lão hòa thượng vung đao nhanh như chớp, liên tiếp ba nhát, đã cạo sạch tóc trên đầu Lý Thuần Như.

Lý Thuần Như thật cười dở khóc dở, thầm nghĩ đằng nào thì tóc bị cạo cũng sẽ mọc lại, nhưng mình không thể nào cam chịu để kẻ khác sắp đặt ở lại đây làm hòa thượng, bèn không nói gì nữa.

Lão hòa thượng cắt tóc Lý Thuần Như xong, tra đao trở vào vỏ và trao cho Lý Thuần Như. Lý Thuần Như đón lấy, cảm thấy ngọn đao này xem nhẹ như không, hẳn là một kỳ trân thượng cổ.

Lý Thuần Như đã đoán không sai, ngọn đao này có tên là Càn Thiên Nhất Nguyên, Phích Lịch Thần Đao, là một món binh khí xuất sắc thời thượng cổ.

Sau đó, lão hòa thượng lại đưa tay đặt lên đỉnh đầu Lý Thuần Như và nói:

- Giáo tông đã trở về, linh nghiệm bất diệt, nhớ!

Lý Thuần Như thầm nực cười, lão hòa thượng này rõ khéo làm bộ làm tịch, chả lẽ tiếng nói của lão lại có thể khiến mình nhớ lại những chuyện kiếp trước hay sao?

Đột nhiên, chàng thấy một luồng sức rất lạnh từ nơi huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu truyền xuống. Thoáng chốc, toàn thân Lý Thuần Như biến động ba lượt, luồng sức ấy mạnh và nhanh khôn tả, lại từ nơi yếu hại nhất dồn xuống, thật chẳng thể nào đề phòng được. Sau khi chấn động ba lần, Lý Thuần Như lại nghe xương cốt toàn thân kêu răng rắc, nội công đã khổ luyện mười mấy năm dài trong thoáng chốc đã hoàn toàn tiêu tan.

Lý Thuần Như nằm mơ cũng chẳng ngờ như vậy. Chàng bị Tát Thị Tam Ma đánh trọng thương, sau khi may mắn thoát chết, người tuy vô cùng suy nhược, song chân khí lúc đoạn lúc tục, vẫn còn có thể cứu chữa, giờ đây nội công đã tiêu tan, giống như một người chưa từng luyện võ bao giờ, cho dù khổ luyện mười mấy năm nữa cũng chưa chắc đã phục hồi lại được công lực như trước đây.

Lý Thuần Như quá kinh hãi, nhất thời chẳng thốt nên lời, thừ ra một hồi lâu mới nói:

- Đại sư... tại sao lại hãm hại tại hạ thế này?

Lão hòa thượng như không nghe thấy.

Lý Thuần Như biết là bây giờ mình nói cũng khó có thể rõ ràng được, chỉ thấy có người nhét hai quyển kinh vào tay, mơ mơ màng màng đến khi trời tối mới hoàn tất nghi lễ. Sau đó chàng bị xô đẩy vào trong một gian phòng, các tăng nhân lui ra, chỉ còn lại lão hòa thượng và Lý Thuần Như ở trong phòng.

Nếu là trước đây, dù bận rộn suốt ba ngày đêm thì Lý Thuần Như cũng chẳng mệt mỏi, song lúc này nội lực đã tan, chàng cảm thấy lưng đau ê ẩm, nhức đầu hoa mắt, uể oải nằm ngã xuống giường, mắt nhìn lên trần nhà, hồi lâu mới buông tiếng thở dài, cũng chẳng nhìn lão hòa thượng, cất tiếng hỏi:

- Đại sư, tất cả mọi sự đều do đại sư tạo ra phải không?

Lão hòa thượng giọng vẫn dịu dàng nói:

- Khúc đàn việt là người thông minh, hẳn là đã đoán ra được.

Lý Thuần Như tức giận, ngồi bật dậy nói:

- Tại hạ với đại sư không thù không oán, tại sao đại sư lại hãm hại tại hạ như thế này?

- Khúc đàn việt nói sai rồi, hiện tại nội lực của đàn việt tuy đã hoàn toàn tiêu tan, nhưng có thể trọn đời sống an nhàn trong Già Đương Tự, vậy chẳng tốt sao?

Lý Thuần Như buông tiếng thở dài:

- Việc đã thế này rồi, tại hạ cũng chẳng muốn nói nhiều, chỉ muốn biết vì sao lại làm như vậy?

- Khúc đàn việt, sau khi Phật sống Đan Châu Nhĩ tạ thế, lão tăng cùng hai vị Chuyển Luân Vương đã đi tìm đứa bé chuyển thế của ông, tìm mãi đến Hắc Thủy Đảo mới gặp được Khúc đàn việt...

- Vậy là sai rồi, tại hạ quả thật là họ Lý, sao cứ gán ép tại hạ họ Khúc thế này?

Lão hòa thượng cười nói:

- Khoan hãy nói đến vấn đề ấy, đằng nào tôn giá cũng giống hệt Hắc Thủy đảo chủ, cho dù tôn giá đúng thật là không phải ấu tử của Khúc đảo chủ thì bây giờ ai còn truy cứu làm gì?

Lý Thuần Như nghĩ lão hòa thượng này mọi mặt xem ra đều như một vị cao tăng đắc đạo, chẳng ngờ lòng dạ lão lại bỉ ổi thế này. Mình chẳng may bị rơi vào tay lão, e kiếp này sẽ không còn có ngày rạng danh được nữa. Lý Thuần Như nghe lòng vô vàn chua xót, bất giác lại buông tiếng thở dài, lại nằm trở xuống giường.

Chỉ nghe lão hòa thượng nói tiếp:

- Thế nhưng, tôn giá lại không phải người Tây Tạng, nếu thật sự trở thành giáo tông của bổn giáo, thì sẽ gặp rất nhiều trở ngại, song bổn giáo không co giáo tông thì cũng khó thể duy trì lâu dài, do đó mới đón tôn giá đến Già Đương Tự, giáo tông vẫn là tôn giá...

Lý Thuần Như cười hăng hắc ngắt lời:

- Giáo tông trên danh nghĩa là kẻ này, nhưng trên thực tế lại là đại sư, đúng vậy không?

Lão hòa thượng lớn tiếng tuyên tiếng phật hiệu:

- A Di Đà Phật! Khúc đàn việt đã nghĩ đúng, làm vậy tuy không hợp ý tôn giá, nhưng dù sao Già Đương Tự cũng đã có chủ.

Lý Thuần Như khoát tay:

- Thôi, đại sư hãy lui ra đi!

Lão hòa thượng cười:

- Nơi đây chẳng khác nào thế ngoại đào nguyên, Khúc đàn việt cứ ở đây mà an cư trọn đời.

- Vì sao? Chả lẽ sau khi đại sư chết, kẻ này cũng tiếp tục ở lại đây hay sao?

Lão hòa thượng gật đầu:

- Tất nhiên, khi nào lão tăng chết, sẽ khắc có người tiếp nhận chức trưởng lão, lúc bấy giờ lão tăng có thể tỏ bày sự thật với người ấy, sau đó cũng sẽ giống như lão tăng vậy thôi, khuyên tôn giá không nên sinh lòng khác là hơn.

Lý Thuần Như vô cùng tức tối, buông tiếng cười gằn rồi không nói gì nữa, lão hòa thượng bèn rút lui ra khỏi phòng. Lý Thuần Như một mình ở trong phòng, buồn bực suốt nửa ngày trời, nghĩ số phận mình quả là lắm truân chuyên, giờ đây lại trở thành tăng nhân Hoàng Giáo, phải ở đây đến suốt đời trọn kiếp.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-14)


<