Vay nóng Tima

Truyện:Võ lâm thư sinh - Hồi 06

Võ lâm thư sinh
Trọn bộ 40 hồi
Hồi 06: Hồi 06
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-40)

Siêu sale Shopee

Thuyền nhỏ cặp bờ, Liễu Hồng Ba từ dưới khoang lấy ra một vật, chính là chiếc gậy gỗ đằng của Độc Cước Thần Khất, khiến Tiết Cừu hết sức ngạc nhiên.

Liễu Hồng Ba cười nói:

- Đây là Tiểu Thạch Đầu giao cho tiểu muội, Tiết huynh làm gì mà ngớ ra vậy?

Tiết Cừu cười ngượng:

- Cô nương luôn miệng gọi y là Tiểu Thạch Đầu, chả lẽ y không có danh tánh hay sao?

Liễu Hồng Ba mỉm cười:

- À! Tiết huynh muốn tiểu muội nói cho biết chứ gì? Mai này Tiết huynh hãy tự hỏi y thì hơn!

Dứt lời, nàng khanh khách cười to, ra chiều hết sức khoái trá.

Liễu Hồng Ba cùng Tiết Cừu vào tiểu trấn ăn uống xong, hai người đi một vòng trong trấn, không thấy bóng dáng của Tiểu Thạch Đầu, nhưng lại có hai lão khiếu hóa bám theo sau.

Hai lão khiếu hóa ấy lẽo đẽo theo sau, không hề giấu diếm hành tung, Tiết Cừu biết đó hẳn là vì chiếc gậy cổ đằng trong tay Liễu Hồng Ba, chàng định giải thích rõ với hai lão khiếu hóa ấy.

Nhưng thấy Liễu Hồng Ba giả vờ không hay biết, chẳng rõ là nàng vô tình hay hữu ý, chẳng thèm màng đến hai lão khiếu hóa bám theo sau, nên chàng cũng chẳng tiện giải thích.

Về đến bờ sông, hai người lên thuyền, hai lão khiếu hóa mới dừng bước trên bờ sông, Tiết Cừu thật không sao hiểu nổi nguyên nhân, chỉ nghe Liễu Hồng Ba cười nói:

- Tiết huynh, đừng nhìn nữa! Chiếc gậy này là bảo vật của Cái bang, bất cứ đến đâu, chỉ cần có đệ tử Cái bang là phải bảo vệ an toàn cho chiếc gậy này, cho đến khi rời khỏi nơi ấy mới thôi. Sau đó, họ lại liên lạc với trạm kế tiếp, bắt đầu từ đây, chúng ta không cần phải lo đến chuyện ăn ngủ nữa, Tiết huynh tin không?

Tiết Cừu thấy nàng nói quá nghiêm túc, sao thể không tin?

Thuyền đi mấy ngày, quả nhiên dọc bờ đều có đệ tử Cái bang tiếp ứng, việc ăn ngủ đều được tiếp đãi hết sức chu đáo, chỉ có một điều, hỏi về Tiểu Thạch Đầu, chẳng ai biết cả!

Trong mấy ngày cùng thuyền, Tiết Cừu với Liễu Hồng Ba đã thân thiết, cả xưng hô cũng thay đổi, người gọi Cừu ca, người gọi Ba muội.

Đồng thời, Tiết Cừu cũng đã học biết chèo lái thuyền, hai người không còn lên bờ nữa, ban ngày Tiết Cừu chèo thuyền, ban đêm đến lượt Liễu Hồng Ba, hai người thay phiên nhau ngày đêm lên đường.

Hôm ấy, thuyền đã đến huyện Đông An tỉnh Sơn Tây, nơi đây cách Thái Sơn không còn bao xa nữa, hai người bèn bỏ thuyền lên bờ, theo đường tắt thẳng đến Thái Sơn.

Trên đường, mọi việc đều do Liễu Hồng Ba quyết định, nàng quả cũng hiểu biết hơn Tiết Cừu rất nhiều, kinh nghiệm giang hồ già dặn, Tiết Cừu khâm phục sát đất.

Mãi đến khi đi vào Thái Sơn, Tiết Cừu vẫn tưởng là Liễu Hồng Ba biết rõ địa điểm Động Đê động, nào ngờ đi suốt mấy ngày trời cũng chẳng thấy, bèn hỏi Liễu Hồng Ba, thì ra nàng ngay cả phương hướng cũng không biết.

Tiết Cừu nghe vậy, chau mày nói:

- Ngu huynh cứ tưởng là Ba muội quen đường thuộc lối, ai ngờ Ba muội cũng là lần đầu tiên đến Thái Sơn, nơi đây núi non trùng điệp, chúng ta đi bừa thế này, biết đến bao giờ mới tìm ra?

Liễu Hồng Ba bị trách, hết sức không vui nói:

- Ai nói là tiểu muội không biết? Đó là tại Tiểu Thạch Đầu nói với tiểu muội là sư phụ của y đến trước chúng ta, tiểu muội tìm kiếm ký hiệu của lão nhân gia, nào ngờ lão nhân gia cũng chưa đến!

- À! Thì ra Ba muội toàn là trông cậy vào kẻ khác!

Liễu Hồng Ba đỏ mặt dằn dỗi:

- Bất kể thế nào tiểu muội cũng đã đưa Cừu ca đến Thái Sơn một cách bình yên, nếu Cừu ca ghét tiểu muội, tiểu muội bỏ đi vậy!

Liễu Hồng Ba nói đi là đi, dứt lời liền tức tung mình, ra xa gần ba trượng.

Tiết Cừu nghe nói là đã đưa chàng đến Thái Sơn một cách bình yên, chàng liền hiểu lầm, thầm nhủ:

- Mình một thân võ công tuyệt thế, chả lẽ lại cần nàng bảo vệ hay sao? Thật là chuyện nực cười? Nàng kể công ư? Ta chẳng thèm đếm xỉa đến nàng nữa, muốn đi thì cứ đi!

Nào ngờ chàng hiểu làm như vậy, suýt nữa đã gây ra bi kịch sinh ly tử biệt.

Ngay trong khoảnh khắc Liễu Hồng Ba vừa khuất dạng, bỗng nghe một tiếng thét kinh hoàng từ ngoài mấy mươi trượng vang lên, chẳng những ngay hướng đi của Liễu Hồng Ba, mà tiếng thét kinh hoàng cũng giống như của nàng.

Tiết Cừu giật mình cả kinh, vội đề khí tung mình, toàn lực thi triển Phi Long Đằng Không, chỉ hai lượt tung mình đã trông thấy những dấu chân hỗn loạn trên đường núi, nhưng chẳng thấy Liễu Hồng Ba đâu cả.

Tiết Cừu bàng hoàng kinh hãi, bỗng cất tiếng hú dài, lớn tiếng gọi:

- Ba muội! Ba muội!

Chỉ nghe tiếng vang từ tứ phía vọng lại, chẳng hề có chút động tĩnh của Liễu Hồng Ba.

Tiết Cừu biết đã đi vào đến phạm vi thế lực của Động Đê động, địch trong tối, ta ngoài sáng, nguy cơ trùng trùng, chẳng thể không hết sức cảnh giác, thầm nhủ:

- Như chơi trò trốn tìm thế này, nếu kẻ địch không hiện thân, mình dù bản lĩnh thông thiên cũng vô dụng, chi bằng mình gọi đối phương ra mặt thì hơn!

Thế là, chàng bèn vận khí lớn tiếng nói:

- Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên trong Động Đê động hãy nghe đây, bổn nhân đến đây là để đòi lại Tị Độc Bảo Cảnh, hãy mau phái người hiện thân, mọi sự bỏ qua hết, nếu không thì...

Bỗng một tiếng nói lạnh lùng từ phía sau vang lên:

- Thì sao nào?

Tiết Cừu quay phắt lại, ngoài năm trượng là một thiếu nữ xinh đẹp, lưng giắt trường kiếm, bên hông đeo túi da, toàn thân võ phục màu lục, ôm gọn một thân hình mảnh mai cân đối, tuổi cũng chừng mười sáu mười bảy, chỉ đáng tiếc, trên gương mặt trái xoan tuyệt đẹp của nàng ta phủ đầy sát khí, nhìn là phát khiếp ngay.

Nhưng Tiết Cừu vừa nhìn thấy nàng ta, bất giác lòng rúng động mạnh, đó chẳng phải là Vân muội là gì? Gương mặt thật giống biết bao.

Nếu đây không phải là vùng đất của Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên, Tiết Cừu hẳn đã lên tiếng nhận nhau, nhưng lúc này chàng không dám nhận bừa, không khéo sa vào cạm bẫy thì khốn, bèn nói:

- Xin hỏi cô nương tôn tánh phương danh?

Thiếu nữ áo lục vẻ khinh bỉ nói:

- Việc gì đến ngươi?

Tiết Cừu thoáng ngẩn người:

- Tại hạ Đồng bảo Tiết Cừu!

Chàng nhấn mạnh danh tánh của mình, như muốn khiến đối phương nhận ra, bởi chàng khẳng định, ngoại trừ Thường Tiểu Vân, không ai có ấn tượng sâu đậm trong trí não chàng đến vậy.

Quả nhiên, thiếu nữ áo lục vừa nghe Tiết Cừu báo danh, liền tức toàn thân rúng động nhẹ, tuy cách xa năm trượng, nhưng vẫn không thoát khỏi đôi thần nhãn của Tiết Cừu.

Thế là, Tiết Cừu mừng rỡ reo lên:

- Vân muội, thật không ngờ quả là Vân muội!

Thiếu nữ áo lục lạnh lùng quát:

- Ai là Vân muội của ngươi? Hãy nhân sớm rời khỏi đây, nếu còn kêu la om sòm, chớ trách bổn cô nương thủ đoạn tàn ác!

Tiết Cừu xót xa:

- Vân muội không nhận ra Cừu ca này nữa sao? Tội nghiệp Thường bá phụ đã vì ngu ca táng mạng trên Trường Bạch sơn, chết dưới tay yêu đạo Nhất Dương của phái Võ Đang, lão nhân gia...

Thiếu nữ áo lục toàn thân rúng động, đột nhiên rút kiếm ra, sấn tới giận dữ quát:

- Ngươi nói điên khùng gì vậy hả? Còn chưa mau cút khỏi đây?

Tiết Cừu giật mình, lùi sau hai bước, mắt thấy thiếu nữ áo lục sắc mặt thoạt trắng thoạt xanh, nước mắt lưng tròng, tuy nói năng hung tợn, nhưng trăm phần chắc chắn nàng chính là Thường Tiểu Vân.

Tiết Cừu lòng đau như cắt, lại nói:

- Ngu ca biết Vân muội căm hận ngu ca, Thường lão bá đã vì Đồng bảo Tiết Cừu nhà tan cửa nát, vợ chết con lìa, ơn đức ấy ngu ca không bao giờ quên, nếu Vân muội căm hận ngu ca thì hãy lấy mạng ngu ca đi, ngu ca chỉ cần một ngày còn sống, quyết sẽ báo thù cho Thường lão bá và gia đình ngu ca, vậy là đủ mãn nguyện rồi!

Thiếu nữ áo lục mắt ngập lệ, chỉ thiếu điều chưa chảy dài xuống má, bỗng quay mặt đi khinh bỉ nói:

- Nghe ngươi luôn miệng nói đáp đền ơn đức, đã biết chỗ ở của kẻ thù, sao không lên núi Võ Đang báo thù cho Thường bá phụ của ngươi trước, lại đến Thái Sơn làm gì? Tìm kiếm tình nhân phải không?

Tiết Cừu rúng động cõi lòng, quả đúng là chàng đã quên mất điều ấy. Không! Không phải quên, chàng vốn nuôi chí lần lượt diệt sạch bảy đại môn phái, nhưng khi đến Thiếu Lâm tự, chàng đã đột nhiên tỉnh ngộ, quên mất là phải lên núi Võ Đang trước, bởi ân công Bạch Vân Tẩu Thường Diệu Tiên lúc lâm chung đã gọi tên lão đạo Nhất Dương, chàng vĩnh viễn không thể quên, và cũng không bao giờ tha thứ cho kẻ thù ấy, trừ phi chàng chết trước.

Giờ nghe vậy, chàng sao không thể kinh tâm, bất kể thiếu nữ áo lục này có phải Thường Tiểu Vân hay không, người ta đã trách rất đúng, chàng đến đây tuy là với mục đích đòi lại Tị Độc Bảo Cảnh, nhưng ai có biết trong lòng người có muốn gặp Cổ Tranh cô nương hay không?

Tiết Cừu thoáng chốc thẹn đến mặt đỏ bừng, ngượng ngùng nói:

- Đúng, Tiết Cừu đi đây, phải đến Võ Đang báo thù cho ân công trước!

Rồi liền tung mình, chớp mắt đã ra xa mười mấy trượng.

Tiết Cừu sau ba lượt tung mình, lại không cầm lòng được dừng chân quay đầu lại nhìn, ngoài mấy mươi trượng, thiếu nữ áo lục đang đứng ngây ngẩn, hai dòng nước mắt chảy dài trên má.

Tiết Cừu thật muốn quay lại hàn huyên tâm sự với nàng, bởi chính nàng biểu hiện rất rõ ràng, nàng chính là Thường Tiểu Vân.

Nhưng chàng đứng yên, Vân muội đã lạnh nhạt với mình thế này, gặp nhau lại không chịu nhận, đủ biết trong lòng nàng căm hận mình dường nào?

Thế nhưng, Vân muội sao lại có mặt tại đây? Sao lại được Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên thu nhận? Ai đã đưa nàng đến đây? Sao nàng lại có thể yên tâm ở lại một nơi như thế này?

Lòng ngập đầy nghi vấn, Tiết Cừu phóng đi suốt hai ngày trong núi, sau cùng chàng đã lạc đường.

Thời tiết cuối thu, trên Thái Sơn gió núi lồng lộng, sương mù phủ đầy, nếu không quen đường thuộc lối, ngay cả phương hướng cũng khó thể phân biệt.

Trong mấy ngày qua đều cậy vào Liễu Hồng Ba đưa đường dẫn lối, giờ bị lạc đường, chàng lại bất giác nghĩ đến Liễu Hồng Ba.

Thế là, Tiết Cừu bàng hoàng dừng lại, hai ngày nay chàng đã quên mất Liễu Hồng Ba, lúc đến hai người, sao thể một mình rời khỏi, đó đâu phải hành vi của người trong giới hiệp nghĩa?

Nghĩ vậy, chàng không định bỏ đi nữa, thầm nhủ:

- Bất luận thế nào, mình cũng phải tìm cho ra Động Đê động, sào huyệt của Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên, cứu Liễu cô nương ra, mới có thể rời khỏi đây!

Hễ nghĩ đến Liễu Hồng Ba, bao hình ảnh trong những ngày cùng thuyền lại lần lượt hiện ra trong đầu, lúc bấy giờ không cảm thấy gì, giờ nhớ lại thật vô vàn tình ý.

Đột nhiên, tiếng khóc thút thít vang lên bên tai, Tiết Cừu sửng sốt ngưng thần, tiếng khóc lại vọng từ xa đến, liền đưa mắt nhìn về phía ấy, phát giác tiếng khóc chính là từ trong một thạch động nhỏ vọng ra.

Tiết Cừu lập tức tung mình, im lìm đến trước cửa động, đưa mắt nhìn vào, chỉ thấy trong động có một đống cỏ khô, một thiếu nữ đang nằm mọp trên cỏ ôm mặt khóc thút thít, tuy rất khẽ nhưng hết sức bi thiết.

Tiết Cừu thấy thiếu nữ ấy toàn thân y phục xanh, giống như Liễu Hồng Ba, có điều là trên tóc không có trâm vàng và bên lưng có thêm một chiếc túi da, biết không phải Liễu Hồng Ba, xong vẫn khẽ đằng hắng một tiếng.

Thiếu nữ trong động giật mình đứng phắt dậy, mặt mày tái mét, nước mắt ràn rụa, thì ra là Cổ Tranh cô nương, Tiết Cừu bất giác sững sờ, hai người cùng đứng thừ ra tại chỗ.

Chẳng rõ bao lâu trôi qua, Cổ Tranh bỗng lại nằm mọp xuống trên đống cỏ khô, bật khóc sướt mướt.

Tiết Cừu sửng sốt, rồi liền cười hăng hắc nói:

- Chớ có giả vờ, trả Tị Độc Bảo Cảnh cho Tiết mỗ mau!

Cổ Tranh ngẩng đầu lên, giọng căm hờn nói:

- Thì ra các hạ là người vô tình bạc nghĩa như vậy!

Tiết Cừu cười khẩy:

- Tiết mỗ mà có tình nghĩa, e rằng tính mạng cũng đã mất trong tay cô nương rồi!

Cổ Tranh biến sắc mặt, ngưng khóc nói:

- Không chút thông cảm cho Cổ Tranh thật ư?

- Ai thông cảm cho Tiết mỗ kia chứ?

- Thôi được, kể như Cổ Tranh đui mù, nếu các hạ có gan đi theo Cổ Tranh, khắc sẽ trả lại Tị Độc Bảo Cảnh!

- Nếu Tiết mỗ sợ thì không đến đây, đã đến đây là không sợ!

Cổ Tranh cười khảy:

- Các hạ đừng hối hận đấy!

Tiết Cừu ngạo nghễ:

- Tiết mỗ chưa từng biết hai tiếng hối hận bao giờ!

Cổ Tranh nghe vậy giận tái mặt, không nói nữa, đứng lên đi ra động.

Tiết Cừu nghiêng người tránh đường và nói:

- Mong là cô nương đừng giở trò, Tiết mỗ chẳng thương hoa tiếc ngọc đâu!

Cổ Tranh vừa đi ngang qua bên cạnh Tiết Cừu, nghe vậy cả giận, vụt quay người vung tay, một làn sương đỏ như máu phủ chụp xuống mặt Tiết Cừu.

Tiết Cừu đã có kinh nghiệm đối với Cổ Tranh, sớm đã đề phòng, nàng hôm trước phụng mệnh hành sự, thân bất do kỷ, gạt lấy Tị Độc Bảo Cảnh, hôm nay ai dám đảm bảo không phải như lần trước?

Tuy rằng hai người từng ôm hôn nhau, nhưng đó là Cổ Tranh có mưu đồ, khiến tình cảm nồng nhiệt trở thành thủ đoạn bẩn thỉu, gây nên thù hận trong lòng.

Đương nhiên, Cổ Tranh không nhất thiết phải dùng mỹ sắc cám dỗ Tiết Cừu, nàng có thể dùng thủ đoạn khác, nếu nàng không thật sự động tình, sao thể biểu lộ một cách xác thực khiến Tiết Cừu thần hồn điên đảo thế kia?

Đó là điều Tiết Cừu không sao lý giải được, lúc chưa gặp Cổ Tranh, chàng cũng thật sự thông cảm cho nàng, nhưng khi gặp Cổ Tranh, chàng lại bất giác căm hận ngập lòng, đồng thời con tim đau xót khôn tả.

Tiết Cừu sớm đã giới bị nên nào sợ hương độc, liền đề khí há miệng thổi ra một làn hơi trắng, đẩy sương đỏ lên không, thoáng chốc đã tiêu tan.

Nhưng Cổ Tranh không bỏ đi, nàng sắc mặt trắng bệch, trừng mắt giận dữ nhìn Tiết Cừu nói:

- Kẻ này thừa nhận có lỗi, và cũng đã xin lỗi các hạ, muốn giết muốn xẻo tùy ý, còn như muốn sỉ nhục bổn cô nương, bổn cô nương sẽ căm hận các hạ suốt đời.

Tiết Cừu buông tiếng cười khảy, định nói mấy câu trêu tức Cổ Tranh, báo phục mối hận bị dối gạt hôm trước, nhưng sực nhớ đến Thường Tiểu Vân đã gặp hôm kia, nàng ăn mặc giống hệt Cổ Tranh, hiển nhiên hai người là đồng bọn, và hẳn cũng quen biết nhau, sao mình không hỏi dò Cổ Tranh về Thường Tiểu Vân?

Thế là, chàng bèn cười nói:

- Thôi được rồi, đừng nói nữa! Chỉ cần thu hồi Tị Độc Bảo Cảnh, tại hạ sẽ không trách cô nương nữa!

Cổ Tranh cũng liền dịu giọng nói:

- Cừu ca, nếu Cừu ca chịu nghe lời tiểu muội thì đừng đi nữa. Tị Độc Bảo Cảnh đối với Cừu ca cũng không mấy cần thiết, đợi sau này hẵng...

Tiết Cừu thắc mắc hỏi:

- Vì sao vậy?

- Vì tất cả đồ chúng trong tệ môn ngoại trừ một thân võ công, thảy đều có mang theo ám khí kịch độc, có thể nói là ám khí còn ghê gớm hơn võ công, nên Tị Độc Bảo Cảnh đã trở thành khắc tinh duy nhất của bổn môn, sao thể để ở trên đời, nếu bị Cừu ca lấy lại, hẳn vẫn với trăm phương ngàn kế cướp đoạt, Cừu ca sẽ lại gặp vô vàn phiền phức, tiểu muội đây là một tấm lòng tốt, nhất là đi đến Động Đê động vô cùng nguy hiểm, Cừu ca hãy...

Tiết Cừu vờ không thiết ngắt lời:

- Vậy thì bỏ đi thôi, tại hạ cũng chẳng phải muốn giành lấy làm sở hữu riêng, mà là định tặng cho người khác, đã vậy thì bỏ đi cũng chẳng sao! Tranh cô nương, tại hạ muốn hỏi về một người...

- Cừu ca muốn hỏi về vị cô nương áo xanh của Cái bang phải không?

- Cái bang ư?

Tiết Cừu tuy biết Cổ Tranh muốn nói đến Liễu Hồng Ba, nhưng chàng không biết Liễu Hồng Ba là người trong Cái bang, nên ngạc nhiên nói tiếp:

- Không, không phải nàng ấy!

- Vậy chứ Cừu ca định hỏi ai?

- Vị cô nương áo lục mà tại hạ đã gặp hai hôm trước!

- Ồ! Thì ra là Cổ Quỳnh!

- Cổ Quỳnh ư?

Tiết Cừu thật không dám tin vào tai mình, vì rõ ràng là Thường Tiểu Vân, sao lại biến thành Cổ Quỳnh thế này?

Cổ Tranh nhoẻn cười:

- Thì ra Cừu ca thích nàng ta, nên mới đối xử với tiểu muội thế này!

Tiết Cừu ngẩn người:

- Nàng ấy là tỷ tỷ thân sinh của cô nương ư?

Cổ Tranh lắc đầu:

- Không phải!

- Nàng ấy họ Cổ thật ư?

- Ai mà biết họ thật của nàng ta là gì?

- Vậy thì cô nương vốn cũng không phải họ Cổ ư?

- Các tỷ muội thảy đều họ Cổ cả, đó là theo họ của nghĩa phụ Khôi (xám) Ưng Cổ Bàn, ai mà biết họ thật của mình, đó thật là hạnh phúc, tiểu muội ngay cả họ thật của mình là gì cũng không biết.

Cổ Tranh lúc nói vẻ mặt đầy vẻ bi thiết, nước mắt rân rấn, Tiết Cừu bất giác sinh lòng thương hại, đồng thời nghĩ đến một kế sách, bèn nói:

- Tranh cô nương có thể tìm cách cho tại hạ được gặp mặt Cổ Quỳnh một lần không?

- Gặp mặt một lần ư?

- Vâng, chỉ một lần thôi!

Cổ Tranh hai mắt ngập đầy vẻ ghen tức, Tiết Cừu vội nói:

- Đó không phải là tình riêng, mà là để báo ân, xin hãy tin tại hạ, tại hạ sẽ mãi mãi cảm kích cô nương.

Cổ Tranh cắn răng:

- Thôi được, ai bảo tiểu muội yêu Cừu ca, cho dù vì vậy đánh mất Cừu ca, tiểu muội cũng phải thành toàn cho Cừu ca!

Tiết Cừu cảm động:

- Tiết Cừu sẽ mãi mãi không quên Tranh muội!

Cổ Tranh cười não nề:

- Dưới chân núi phía trước có một sơn động, Cừu ca bây giờ khoan đến, để phòng bị người theo dõi, đợi sau canh ba đêm nay hẵng đến, tiểu muội sẽ bảo Cổ Quỳnh đến gặp Cừu ca. Hãy nhớ, sau canh ba!

Dứt lời, Cổ Tranh quay nhìn tứ phía, sau đó tung mình phóng đi.

Đã có lời hứa chắc chắn như vậy của Cổ Tranh, Tiết Cừu sao có thể không vui mừng, dõi mắt nhìn theo bóng dáng Cổ Tranh mất hút, vừa định tìm thức ăn lót dạ...

Bỗng nghe một tiếng cười sắc lạnh vang lên phía sau, Tiết Cừu giật mình kinh hãi, tiếng cười rõ ràng có ý mai mỉa chàng nằm mơ giữa ban ngày.

Nói cách khác, cuộc đối thoại vừa rồi thảy đều lọt vào tai người này, Tiết Cừu biết đó hẳn là người trong Động Đê động, nếu để thoát khỏi đây hẳn sẽ rắc rối to.

Thế là, chàng lập tức tung mình, quay người trên không, lao nhanh ra sau, cùng lúc thi triển Huyền Qua thần công và Khúc Dương chỉ tấn công.

Tiết Cừu định tâm không để đối phương thoát khỏi tay, phạm vi năm trượng hoàn toàn nằm trong uy lực chưởng chỉ của chàng.

Nào ngờ chàng vừa quay người trên không, chưa kịp lao xuống, đã thấy một bóng xám ở khoảng cách bảy tám trượng vọt lên, chỉ hai lượt tung mình đã chui vào một khu rừng rậm.

Tiết Cừu vừa kinh vừa giận, toàn lực thi triển khinh công tuyệt đỉnh Phi Long Đằng Không, chỉ cách nhau trong khoảnh khắc, cũng theo sau lao vào rừng.

Nhưng trong rừng lặng ngắt, ngoại trừ lúc lúc tiếng chim kêu, chẳng thấy bóng dáng người áo xám đâu cả.

Tiết Cừu lòng hết sức lo lắng, nếu đó đúng là người trong Động Đê động thì nguy cho Cổ Tranh và Vân muội, đành thầm cầu khấn:

- Cầu mong người áo xám ấy không nghe cuộc đối thoại giữa mình với Cổ Tranh cô nương!

Trời canh ba, trăng thu treo cao, bàng bạc khắp trời đất.

Tiết Cừu theo lời dặn của Cổ Tranh ẩn nấp trong rừng, nóng lòng đến mức quên cả ăn uống, mãi đến khi qua canh ba mới dám ra khỏi rừng, hết sức thận trọng đi đến dưới chân núi ấy.

Quả nhiên, dưới chân núi có một sơn động và có ánh sáng yếu ớt từ trong động phát ra, Tiết Cừu lòng mừng khôn xiết, thì ra Vân muội đã đến sớm hơn mình.

Tiết Cừu đến gần cửa động nhìn vào, chỉ thấy trong động có một đống lửa, cạnh đó là một thiếu nữ áo lục, lưng giắt trường kiếm, hông đeo túi da, dáng người mảnh mai, gương mặt trái xoan đẹp tuyệt trần, chính là Cổ Quỳnh mà Cổ Tranh đã nói, còn chàng thì khẳng định là người bạn mai trúc Thường Tiểu Vân.

Tiết Cừu trong lúc cả mừng, buột miệng reo lên:

- Vân muội...

Cổ Quỳnh đầu không ngẩng lên, người cũng không động đậy, nhưng trên mặt ràn rụa nước mắt.

Tiết Cừu lòng đau như cắt, đi vào động nói:

- Vân muội không nên hận ngu huynh, chúng ta phải hợp sức tìm kiếm và đối phó với kẻ thù, mặc dù ngu huynh đã liên lụy cả nhà Vân muội, đã liên lụy...

Tiết Cừu vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh Cổ Quỳnh, chưa dứt lời, bỗng cảm thấy bốn bề tĩnh lặng đến ghê rợn, và Cổ Quỳnh như thể người gỗ. Cả hơi thở cũng chẳng còn.

Chàng vội đặt tay lên vai Cổ Quỳnh, liền tức giật mình kinh hãi, thì ra Cổ Quỳnh đã bị người điểm huyệt.

Ngay tức khắc, Tiết Cừu biết mình đã bị mắc bẫy, liền bồng Cổ Quỳnh lên, định thoát ra khỏi động rồi hẵng tính.

Nào ngờ, chưa kịp cất bước đã nghe một tiếng cười to, tiếp theo là "ầm" một tiếng rền rĩ, mặt đất rung chuyển, bụi cát tung bay mù mịt.

Tiết Cừu không cần nhìn cũng biết là cửa động đã bị đá to bít lại, song chàng vẫn không chút sợ hãi, bằng vào Huyền Qua thần công của chàng, dù là đá nặng vạn cân chàng cũng có thể đánh vỡ nát.

Thế nhưng, ngay khi sơn động lung lay, trên nóc động đã rơi xuống một vật, lại rơi ngay vào đống lửa, Tiết Cừu ngỡ là đá vụn cũng không lưu ý.

Nào ngờ, vật ấy vừa rơi vào trong lửa, lập tức bùng nổ, chỉ thoáng chốc, một làn khói đen hôi thối kinh khủng đã tỏa khắp sơn động.

Tiết Cừu dù bản lĩnh cái thế cũng không sao xua tan khói độc ấy, chỉ một thoáng phân thần, khói độc đã chui vào mũi miệng, chàng liền tức cảm thấy buồn nôn, hai mắt tối sầm, bất tỉnh nhân sự ngay.

Chẳng rõ bao lâu trôi qua, Tiết Cừu dần dần hồi tỉnh, chỉ cảm thấy toàn thân bải hoải, đầu nhức ghê gớm, khó khăn lắm mới ngồi dậy được, nhưng trước mắt tối mịt, không biết đang ở đâu.

Chàng nhẹ cắn lưỡi, hãy còn cảm giác đau, biết là mình chưa chết, vội tụ khí ngưng thần, cố gắng vận công điều tức.

Nhưng vừa đề khí vận công, liền cảm thấy toàn thân như có ngàn vạn sâu kiến bò cắn trong xương thịt, vừa đau nhức lại vừa nhột nhạt, hết sức khó chịu.

Thế là, chàng không dám vận công nữa, nhớ lại chuyện trúng độc hôn mê, lòng hết sức hối hận, và vô cùng căm hận Cổ Tranh, nghĩ đó hẳn là độc kế của nàng ta.

Nhưng lúc này hận thì cũng đã muộn, giờ thì mình đã bị độc thương, trong túi da tuy có thuốc trị thương, nhưng không phải linh dược giải độc, trừ phi có Tị Độc Bảo Cảnh, chàng chỉ cần ngậm một viên kim cương trên ấy, độc khí trong người thoáng chốc là tiêu tan hết, nhưng Tị Độc Bảo Cảnh ở đâu?

Nghĩ đến Tị Độc Bảo Cảnh, chàng càng căm hận Cổ Tranh hơn.

Bỗng nghe một tiếng rên đau đớn vang lên từ chỗ không xa, dường như là ở gian phòng kế cận, từ khe vách vọng sang.

Tiết Cừu sửng sốt, liền đưa mắt nhìn quanh, lúc này chàng đã quen với bóng tối, phát hiện mình bị giam trong một gian thạch thất, chỉ có một cánh cửa sắt, trên cửa sắt có một lỗ vuông cỡ nửa thước, tiếng rên chính là từ đó vọng sang.

Tiết Cừu cố gom hết sức lực đứng lên, vịn vách đi đến bên lỗ cửa sắt, đưa mắt nhìn, thì ra bên ngoài là một đại sảnh.

Nhưng Tiết Cừu chỉ nhìn thấy một khoảng vuông nhỏ, vì cách cửa sắt dày đến thước rưỡi, dù có thần công cái thế cũng không phá nổi.

Chỉ thấy trong sảnh rất âm u, ánh đèn lờ mờ, lúc này tiếng rên lại vang lên, Tiết Cừu chỉ có thể phân biệt là nữ nhân, nhưng không rõ là ai.

Bỗng, trong sảnh vang lên một tiếng cười sắc lạnh và nói:

- Tiện nha đầu, đây là ngươi tự chuốc lấy, không oán trách ai được!

Tiếng nói ấy chàng chưa từng nghe, nhưng nhận ra tiếng cười sắc lạnh chính là của người áo xám mà chàng đã đuổi theo lúc ban ngày.

Bỗng nghe một tiếng yếu ớt nói:

- Nghĩa phụ, xin hãy ban cho nữ nhi cái chết!

Tiết Cừu bàng hoàng kinh hãi, thì ra tiếng rên rỉ là của Cổ Tranh, vậy mà chàng oán hận Cổ Tranh, chẳng ngờ nàng cũng bị chàng làm liên lụy, và có lẽ còn bị hành hạ một cách tàn bạo.

Tiết Cừu lòng đau như cắt, bất giác gào to:

- Tranh cô nương! Tranh muội không được chết, tuyệt đối đừng chết, ngu huynh nhất định sẽ tìm cách cứu muội!

Một tiếng cười đinh tai nhức óc, hồi âm vang dội, rất lâu chưa dứt.

Sau đó, một giọng lạnh lùng nói:

- Thật nực cười, ngươi ngay chính bản thân mình còn khó giữ nổi, vậy mà còn đòi cứu người, ngươi có muốn ngắm xem không? Nào, đẩy sang đó cho hắn thương hương tiếc ngọc!

Nghe Cổ Tranh xưng hô, Tiết Cừu đã biết người này là Khôi Ưng Cổ Bàn, nghe đối phương cười, mới nghĩ đến mình thật là ấu trĩ. Đúng vậy, ngay chính bản thân mình còn khó giữ nổi, nói gì đến chuyện cứu người?

Bỗng, tiếng kèn kẹt vang lên, một chiếc giá gỗ to lớn tiến lên, trên giá trói chặt một người toàn thân bê bết máu và đầy những vết roi bầm tím, nhưng gương mặt vẫn còn nguyên vẹn, như cố tình giữ lại gương mặt xinh đẹp ấy.

Tiết Cừu vừa nhìn thấy, lòng càng đau đớn vạn phần, chàng thật không ngờ Cổ Tranh lại bị hành hạ thảm thiết đến vậy, đây hoàn toàn là do chàng gây ra cả.

Trong tiếng kèn kẹt khô khan, bỗng một con mãng xà to lớn xuất hiện trước mắt, nó ngẩng chiếc đầu tam giác lên, chiếc lưỡi đỏ lòm thấp thó liên hồi, khi toàn thân hiện ra hết, dài đến những trượng bảy trượng tám, thật là khủng khiếp.

Lại nghe hai tiếng huýt khẽ, mãng xà đã bò đến dưới giá gỗ, đưa lưỡi liếm vào chỗ vết thương rỉ máu trên mình Cổ Tranh.

Tiết Cừu trừng to đôi mắt đỏ quạch giận dữ nhìn thảm cảnh ấy, chàng thật không dám tin đó là sự thật, mà ngỡ chỉ là trong mơ.

Lúc này, mãng xà đã quấn lấy thân người Cổ Tranh, chiếc lưỡi đỏ thấp thó, máu tươi từ chỗ vết thương tuôn ra xối xả.

Cổ Tranh rú lên một tiếng thảm thiết, lập tức ngất xỉu.

Tiết Cừu giá mà chưa bị trúng độc, chàng chỉ cần một hạt cát nhỏ cũng có thể giết chết con mãng xà ở cách sáu bảy trượng, giờ khoảng cách chỉ chừng hai trượng, vậy mà chàng không làm gì được.

Bỗng nghe một tiếng nói:

- Sư phụ, đồ nhi chưa muốn nàng ta chết.

Chỉ nghe Khôi Ưng Cổ Bàn cười khằng khặc nói:

- Được, ngươi hãy mang đi, mượn xuân dược tha hồ mà hưởng thụ!

Liền sau đó, một thanh niên tuổi ngoài hai mươi từ bên giá gỗ đi ra, một tiếng huýt khẽ, mãng xà liền lui đi.

Thanh niên ấy cười dâm tà, vung chỉ điểm ra, Cổ Tranh lập tức tỉnh lại.

Y sàm sỡ hôn lên mặt Cổ Tranh, nói:

- Tranh muội phen này không thoát được nữa rồi, sư phụ đã ban Tranh muội cho ta hưởng thụ, mượn xuân dược tha hồ hưởng thụ, ha ha ha...

Cổ Tranh bỗng "phụt" một tiếng, phún một ngụm đờm máu vào mặt thanh niên ấy, quát:

- Vạn Âm Đốn, bổn cô nương chết rồi làm ma quỷ cũng không buông tha cho tên dâm tặc ngươi!

Tiết Cừu cũng biết thanh niên này, người đi với Tường Vy phu nhân hôm trước chính là hắn, chàng vốn không hiểu sự hưởng thụ mà Vạn Âm Đốn đã nói là gì, giờ nghe thấy tiếng cười và cử chỉ dâm dật của hắn, chàng đã hiểu ra, Cổ Tranh đã vì chàng chẳng những bị hành hạ thảm thiết, mà còn đánh mất hạnh phúc cả đời.

Bao bi phẫn, bao thù hận dâng lên ngập lòng, Tiết Cừu hét to một tiếng, lại bất tỉnh ngã lăn ra đất.

Khi tỉnh lại lần thứ hai, trong thạch thất vẫn tối mịt, Tiết Cừu trước tiên nghĩ đến độc thương của mình, liền thử vạn khí, tình trạng vẫn như trước.

Tiếp đến, chàng nghĩ đến Cổ Tranh, những hình ảnh từ lúc đầu tiên gặp nàng đến nay, lần lượt hiện lên trong đầu chàng.

Tiếp theo, hình bóng của Cổ Quỳnh lại hiện rõ trước mắt chàng, hoàn toàn không sai, nàng chính là Thường Tiểu Vân, lúc chàng bị trúng độc, nàng đã bị người chế ngự huyệt đạo, giờ chẳng rõ phải chăng nàng cũng bị hành hạ thảm thiết?

Sau đó, hình bóng thứ ba lại xuất hiện, đó là Liễu Hồng Ba, nửa tháng trời gần gũi nhau, hai người sớm đã nảy sinh tình yêu, lúc ở bên nhau không hề hay biết, khi xa nhau mới nhận ra hoa tình đã nở, lần đầu tiên Tiết Cừu đã nếm trải mùi đau khổ tương tư.

Hiện ngay cả nàng cũng không biết ở đâu, lẽ đương nhiên, khả năng cao nhất là đã bị bọn yêu ma trong Động Đê động bắt giữ, có điều là chẳng rõ đã thoát hiểm hay cũng đang nếm mùi khổ sở của độc thương như chàng?

Khi những hình ảnh ấy không còn hiện rõ trong ký ức nữa, nỗi lo sợ thực tại lại bắt đầu đe dọa chàng, khiến chàng lại gắng sức đứng lên, từ lỗ cửa nhìn ra ngoài.

Chỉ thấy trong sảnh hết sức âm u ghê rợn, ngoài ánh đèn lờ mờ, hoàn toàn tĩnh lặng, không còn thấy Cổ Tranh đâu nữa.

Tiết Cừu chán chường tựa vào cửa sắt nhưng đầu óc chàng vẫn không ngừng suy tư tri thức và kinh nghiệm ứng biến lúc lâm nguy do ân công Bạch Vân Tẩu Thường Diệu Tiên đã dạy chàng, chàng phải nhờ vào đó mà tìm cơ hội sống, làm thế nào mới có thể thoát khỏi gian tử ngục này?

Bỗng, tiếng nói sắc lạnh lại vang lên:

- Kẻ nào dám vào lao phòng?

Tiết Cừu giật mình, thì ra Khôi Ưng Cổ Bàn đã ngầm canh chừng trong sảnh, nếu công lực mình chưa hồi phục, dù có người đến cứu cũng khó có thể thoát khỏi đây được.

Chỉ nghe tiếng một người nói:

- Bẩm tổng giám, Động chủ phi tiễn truyền thư, trưa mai sẽ về đến!

- Biết rồi!

Tiết Cừu nghe vậy, cả kinh thất sắc, thì ra giam mình tại đây là vì Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên đã đi khỏi, khi mụ ta về đến, tính mạng mình hẳn khó thể bảo toàn.

Lại nghe tiếng cười sắc lạnh nói:

- Sợ rồi phải không? Động chủ ngày mai sẽ về đến, nói cách khác, mạng chó của ngươi chỉ còn mười hai giờ nữa thôi. Động chủ ra đi chuyến này chính là tìm cách đối phó Đồng bảo Tiết Cừu ngươi chỉ trong mấy ngày đã danh chấn võ lâm, Động chủ sao thể ngờ là chỉ đi khỏi nửa tháng, ngươi đã trở thành tù nhân trong Động Đê động này, ha ha ha...

Tiết Cừu kinh hoàng tột độ, chàng không nhìn thấy người ta, thậm chí người ta ở đâu cũng không nhận ra, vậy mà người ta ngay cả vẻ mặt chàng cũng nhìn rõ mồn một, chàng không kinh hoàng sao được?

Thông thường, ở bất kỳ góc độ nào, đối phương đã nhìn thấy mắt mình, thì mắt của đối phương cũng không tránh khỏi tầm nhìn của mình, cho dù là nhìn bằng kính phản quang.

Nhưng chàng nào biết là mình đã trúng phải độc khói Nhất Ty Vạn Lâu cực kỳ bá đạo và nhờ đó thành danh của Quỷ Bà Ấn Thiền Quyên, khói độc ấy chỉ cần một tí là có thể khiến vạn người táng mạng, giới võ lâm mà nghe đến tên khói độc Nhất Ty Vạn Lâu là hồn phi phách tán, chứ đừng nói là gặp phải.

Tiết Cừu nếu không nhờ được kỳ duyên trong Thiên Trì, luyện thành một thân võ công kỳ dị kinh người, lúc trong thạch động là đã táng mạng rồi.

Tuy nhiên, tuy chàng giữ được tính mạng, nhưng công lực đã mất hơn nữa, tai mắt không còn linh mẫn như trước, nên mới không nhìn thấy trên bức vách đối diện với lỗ cửa sắt có treo một chiếc gương nhỏ, trong gương có một lão nhân áo xám, mắt tròn mũi quặp đang nhìn chốt vào chàng, trên mặt đầy vẻ cười lạnh lùng và nham hiểm.

Trong cơn kinh hoàng, Tiết Cừu nghĩ đến thời gian mười hai giờ, tuy không dài nhưng cũng chẳng ngắn, nếu có thuốc chữa thì không cần nhiều thời gian như vậy, còn như không có thuốc chữa thì dù thời gian gấp đôi cũng chẳng ích gì.

Vì mười hai giờ quý báu ấy, Tiết Cừu không suy nghĩ vẩn vơ nữa, vội ngồi xếp bằng trên đất, lần lượt nhớ lại năm năm sở học trong Thiên Trì, xem có tuyệt học gì có thể giải trừ kịch độc trong người hay không.

Năm năm sở học tuy nhiều, nhớ lại cũng rất dễ dàng, nhưng không môn nào có thể giải trừ kịch độc trong người, Tiết Cừu hết sức nóng lòng lo.

Thế là, tính cao ngạo bất giác bừng dậy, chàng chẳng tin Huyền Qua thần công không chống lại nổi kịch độc trong người, bèn đề khí hành công, liền cảm thấy ngàn vạn sâu kiến bò cắn khắp người như trước.

Chàng rú lên một tiếng thảm thiết, cũng may lần này không ngất xỉu, nhưng khiến chàng đau khổ hơn, bởi ngàn vạn sâu kiến vẫn tiếp tục bò cắn khắp người.

Vạn bất đắc dĩ, Tiết Cừu đành từ bỏ mọi phương cách, bởi vì bất kỳ phương cách gì cũng chẳng thể không vận khí hành công như trước.

Tiết Cừu tuyệt vọng nằm xuống đất, cố sức thư giãn gân cốt bắp thịt khắp người, chàng biết như vậy sẽ có thể giảm bớt sự đau khổ trong lúc này.

Ngay khi sự đau khổ thuyên giảm, Tiết Cừu bỗng nhớ đến một môn Tán Hại kỳ công, đó là một môn võ công quái lạ mà chàng chưa luyện thành lúc ở trong Thiên Trì.

Môn Tán Hại kỳ công này trước hết là thư giãn đến mức tối đa gân cốt và bắp thịt toàn thân, chủ trị nội thương nghiêm trọng trong tình huống không có dược vật, dù nội thương nghiêm trọng đến mấy, chỉ cần tâm mạch chưa đứt, sau bốn mươi chín giờ là hoàn toàn bình phục.

Trước kia, Tiết Cừu vì một lòng báo thù mà khổ luyện võ công, đâu nghĩ đến chuyện thọ thương, nên đã không phí thời gian mà luyện tập môn kỳ công ấy, chỉ học thuộc và luyện chừng một tháng thôi.

Nay trong lúc thư giãn gân cốt bắp thịt, chàng bỗng nghĩ đến môn Tán Hại kỳ công, thầm nhủ:

- Môn Tán Hại kỳ công vốn chủ trị nội thương, chẳng rõ có thể giải trừ kịch độc trong mình hay không?

Con người trong lúc tuyệt vọng, cho dù là một tia hy vọng cũng không chịu dễ dàng bỏ qua, Tiết Cừu cũng vậy, chàng liền nắm chặt tia hy vọng mong manh ấy, liền theo phương thức Tán Hại kỳ công điều trị trước, đến khi chân khí điều hòa, ngưng tụ trong Đan điền, rồi từ từ thi triển Tán Hại kỳ công.

Tán Hại kỳ công chẳng những có thể chữa trị nội thương, mà còn có thể giải trừ mọi kịch độc, vốn là một trong bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, và đã thất truyền từ lâu.

Không đầy một giờ sau, Tiết Cừu đã toàn thân đầm đìa mồ hôi thối khủng khiếp, thối đến mức khiến người mấy ngày nuốt không trôi.

Bỗng, tiếng chìa khóa kèn kẹt xoay trong ổ khóa, rồi thì "két" một tiếng, cửa sắt mở ra, một lão nhân áo xám, mắt tròn mũi quặp xuất hiện, theo sau là con mãng xà to lớn nọ.

Đương nhiên, lão nhân áo xám này chính là Khôi Ưng Cổ Bàn, chỉ thấy lão mặt đầy vẻ kinh ngạc và mắt rực hung quang, dường như đã biết Tiết Cừu đang làm gì.

Nhưng khi thấy Tiết Cừu quằn quại trên đất ra chiều hết sức đau khổ, vẻ kinh ngạc trên mặt liền tiêu tan, hung quang trong mắt cũng lịm tắt, lão cười hăng hắc nói:

- Để cho ngươi biết, mùi vị Nhất Ty Vạn Lâu của Quỷ Bà như thế nào?

"Ầm" một tiếng, cửa sắt đóng lại, nhưng Tiết Cừu vẫn quằn quại, nhưng miệng rên rỉ càng lúc càng dữ dội, tuy nhiên, trên mặt chàng lại nở nụ cười đắc ý.

Vì sao vậy? Thì ra sau một hồi mồ hôi thối thoát ra, Tiết Cừu đã cảm thấy dễ chịu, nhưng bỗng nghe tiếng cửa động, khiến chàng hết sức kinh hãi, biết đó là do mồ hôi thối gây nên, may nhờ chàng nhanh trí, lập tức giả vờ làm ra vẻ đau khổ.

Thế là, chàng đã đánh lừa được Khôi Ưng Cổ Bàn, song vì thận trọng, chàng không dám ngưng ngay, tuy không ai nhìn thấy, chàng vẫn tiếp diễn cho chắc ăn.

Giờ chàng tuy vẫn còn rên rỉ, nhưng không che giấu nổi niềm vui trong lòng, bởi chàng đã chứng thực là Tán Hại kỳ công có thể giải trừ kịch độc trong người, nên bất giác nở nụ cười đắc ý.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-40)


<