Vay nóng Tima

Truyện:Võ lâm thư sinh - Hồi 02

Võ lâm thư sinh
Trọn bộ 40 hồi
Hồi 02: Hồi 2
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-40)

Siêu sale Lazada

Tiết Cừu vừa nghe đề cập đến Hoa Sơn, lòng liền bừng lửa giận, ánh vàng trên mặt càng đậm hơn, sát khí càng nồng hơn, buông tiếng cười dài, nói:

- Cẩu đạo sĩ, ngươi có biết tiểu súc sanh này là ai không?

Từ chân nhân biết rõ đối phương võ công cao cường nên mới đưa chiêu bài phái Hoa Sơn ra, vì phái Hoa Sơn cũng là một đại phái võ lâm, môn đồ đông đảo, khắp Trung Nguyên đâu đâu cũng có, thế lực rất hùng mạnh.

Thế nhưng, Tiết Cừu nghe xong lại cười to, Từ chân nhân bất giác toát mồ hôi lạnh, lùi sau một bước, cố ra vẻ thản nhiên nói:

- Đã thừa nhận là súc sanh, cùng lắm cũng chỉ là heo, ngựa, trâu, bò, dê, chó...

Tiếng "chó" chưa dứt, bỗng thấy trên mặt Tiết Cừu ánh vàng lấp lánh, sực nhớ đến mấy vụ huyết án đã xảy ra gần đây trên giang hồ, liền cả kinh thất sắc, liên tiếp lùi sau ba bước, run giọng nói:

- Ngươi... ngươi là... là Đồng bảo... Tiết...

Tiếng "Cừu" chưa thốt ra, Tiết Cừu đã ngửa mặt gầm vang:

- Ngươi chết rồi hẵng đến Diêm Vương điện mà tố cáo!

Từ chân nhân rùng mình, quay người bỏ chạy, nhưng đâu còn kịp nữa, Tiết Cừu chỉ xoải một bước đã đến sau lưng Từ chân nhân, một chưởng tung ra, Từ chân nhân liền bị đánh văng bay ra xa hơn ba trượng, ngã xuống đất chết ngay.

Bảy người đi cùng Từ chân nhân thảy đều kinh hoàng đến mức đứng thừ ra như phỗng đá, quên cả đào tẩu, hẳn là hồn vía đã bay mất hết rồi.

Tiết Cừu quét mắt nhìn bảy người, cười lạnh lùng nói:

- Niệm tình các ngươi tuổi còn trẻ, Đồng bảo Tiết Cừu này rộng lòng tha cho các ngươi một con đường sống, trở về Hoa Sơn, gửi lời cho Chưởng môn quý phái, trăng tròn tháng sau ta sẽ lên Liên Hoa phong lấy thủ cấp của y. Còn chưa cút khỏi đây mau?

Một tiếng quát, bảy người giật mình hoàn hồn lại, chẳng dám nói nửa lời, khiêng thi thể của Từ chân nhân lên, vội vã bỏ đi.

Tiết Cừu chờ người của phái Hoa Sơn bỏ đi xa, quay người định báo danh và xin lỗi lão bà tóc bạc, nhưng thấy lão bà mắt đỏ như lửa, giận dữ nhìn mình, bất giác sửng sốt thầm nhủ:

- Chả lẽ sự trợ giúp của mình là sai ư? Nếu không vì tìm kiếm Vân muội, ai mà thèm nhìn bộ mặt như thế này của bà...

Chỉ nghe bà lão Lam Niệm Mẫn cười khảy nói:

- Đồng bảo Tiết Cừu, ngươi đến đây làm gì?

Tiết Cừu cố nén lửa giận nói:

- Lúc ban ngày tại hạ đã nói rồi, tại hạ cần gặp Tiểu Vân muội, chỉ gặp rồi là đi ngay!

Lam Niệm Mẫn vẫn mặt đầy vẻ giận dữ nói:

- Lúc ban ngày lão thân cũng đã cho ngươi biết. Hạnh gia trang không có người đó!

Tiết Cừu bàng hoàng, giờ mình đã bộc lộ thân phận và giải trừ nguy nan cho họ, vậy mà họ vẫn không nói thật với mình, thế này thì thật thiếu tình người.

Nhưng rồi nghĩ lại, không chừng họ có uẩn khúc gì đó cũng nên!

Bỗng, trong đầu Tiết Cừu lóe lên một ý nghĩ khủng khiếp, phải chăng Vân muội đã gặp bất hạnh, lìa khỏi nhân gian rồi?

Tiết Cừu lẩm bẩm:

- Không thể nào! Không thể nào! Tuyệt đối không thể nào!

Lam Niệm Mẫn lạnh lùng nói:

- Gì mà có thể với không có thể, đã nói không có là không có...

Tiết Cừu nhớ lại những lời lúc ban ngày, bèn phản bác:

- Lúc ban ngày cũng nói là Hạnh lão trang chủ đã đi Giang Nam, đó là giả dối!

Lam Niệm Mẫn bỗng nước mắt chảy dài:

- Được rồi, để cho ngươi lục soát, và cũng để cho ngươi thấy, xem ngươi làm sao ngẩng đầu mà đi ra khỏi Hạnh gia trang.

Đoạn liền quay người, chẳng màng đến những người khác, một mình đi vào trang.

Tiết Cừu chẳng hiểu bà nói gì, bất giác đứng ngây ra tại chỗ.

"Làm sao ngẩng đầu mà ra khỏi Hạnh gia trang?".

Bỗng nghe có người kề tai khẽ nói:

- Tiết huynh, xin hãy vào trong xem linh đường, không cần lục soát, tiểu đệ sẽ kể rõ với huynh. Gia mẫu tuổi già quá khích, mong huynh bỏ quá cho!

Tiết Cừu quay phắt lại, bên cạnh là thiếu niên đã thọ thương và được mình cứu khi nãy, lúc này tinh thần rất khỏe khoắn, hẳn là thương thế đã bình phục.

Thiếu niên ấy nói tiếp:

- Tiểu đệ tên là Khắc Thằng, xin mời Tiết huynh theo tiểu đệ vào đây!

Tiết Cừu lần thứ hai đi vào đại sảnh, lúc này trong sảnh cũng đèn đóm sáng rực, lão bà Lam Niệm Mẫn đang quỳ mọp trước quan tài thổn thức.

Vừa thấy Tiết Cừu đi vào, Lam Niệm Mẫn lập tức vung chưởng, "bùng" một tiếng vang rền, nắp quan tài đã bật lên.

Tiết Cừu kinh ngạc đưa mắt nhìn, bất giác sững sờ, thì ra trong quan tài không hề có hài cốt, chỉ có một nhúm tóc trắng, nhưng trên linh vị rõ ràng là danh úy của Hạnh trang chủ.

Chỉ nghe Hạnh Khắc Thằng ở phía sau bi thiết nói:

- Sau khi gia phụ chết, chỉ còn lại một nhúm tóc trắng và một vũng máu...

Vậy nghĩa là tan xương nát thịt, Tiết Cừu lửa giận xung thiên, gầm to:

- Kẻ nào đã hạ độc thủ như vậy?

Trong sảnh chỉ có tiếng khóc, không ai trả lời câu hỏi của chàng.

Tiết Cừu biết việc này hẳn có vấn đề, bèn không hỏi nữa, quỳ lạy tám lạy, định lát nữa hẵng hỏi Hạnh Khắc Thằng.

Nào ngờ vừa quỳ xuống lạy, bỗng một niềm bi thương dâng lên ngập lòng, chàng vốn là người giàu tình cảm, một khi lòng bi thương, không phát tiết không được, và càng khóc càng thương tâm, càng khóc càng thống thiết.

Thì ra chàng đã nhớ lại bảy mươi mấy tử thi của Đồng bảo, phụ mẫu thân tuổi già chỉ có một người con trai duy nhất là chàng, sau khi chết chẳng có người bái tế, chàng không thương tâm sao được?

Chẳng rõ bao lâu qua đi, khi chàng ngưng khóc ngẩng lên, đèn đóm trong đại sảnh đã tắt hết, người cũng đã đi cả, chỉ còn lại một mình Hạnh Khắc Thằng, vẫn quỳ bên cạnh.

Hạnh Khắc Thằng nói:

- Tiết huynh, mỗi người có chuyện thương tâm riêng, khó khỏi xúc cảnh sinh tình. Giờ không còn sớm nữa, xin Tiết huynh hãy đến phòng khách tạm nghỉ, tiểu đệ đã bảo người chuẩn bị cơm rượu, Tiết huynh đã vất vả cả đêm, hẳn cũng đói rồi!

Hai người đi đến một gian phòng khách ở phía đông tây, thức ăn đã được bày sẵn.

Dưới sự mời mọc khẩn khoản của Hạnh Khắc Thằng, Tiết Cừu đã ngồi xuống.

Trong lúc ăn uống, Hạnh Khắc Thằng đã kể lại...

Vào một hôm hồi năm năm trước, trong Hạnh gia trang bỗng có thêm một tiểu cô nương hết sức xinh đẹp hồn nhiên, linh lợi khả ái.

Nhưng không ai biết cô bé từ đâu đến, họ là gì, chỉ biết tên là Tiểu Vân, gia mẫu nhiều lần gạn hỏi gia phụ, nhưng cũng không có kết quả.

Nửa năm sau, một hôm gia phụ đến Thái Nguyên phủ thăm bạn trở về, liền tức tốc khởi công xây một bức tường thành. Gia phụ đã tốn biết bao trí lực, bức tường thành được xây cất hết sức hoàn mỹ, khó ai có thể vượt qua tường thành mà không bị lính canh phát giác, và chỗ canh gác, người ngoài không thể nào biết được.

Đồng thời, phòng ốc trong trang cũng được sửa chữa lại, xây thêm mật thất và có đường hầm bí mật thông ra ngoài trang.

Kể từ lúc ấy, gia phụ suốt ngày tư lự âu lo. Bỗng một đêm, tiếng lạc báo động khua vang, một người áo đen bịt mặt xuất hiện, y võ công rất cao cường, vừa vào trang đã đánh chết hai gia nhân, gia phụ với trường kiếm đối địch, chưa đầy mười chiêu đã bị người ấy tay không đánh văng trường kiếm. Lần ấy gia phụ chỉ thọ thương. Lát sau đã bình phục, người ấy gạn hỏi gia phụ, trước tiên đề cập đến danh tánh của huynh đài, gia phụ nhất mực nói là không biết...

Mấy hôm sau, lại có người vào trang, lần này không có động thủ, chỉ hỏi gia phụ vài câu rồi bỏ đi. Nhưng đêm hôm sau, người ấy trở lại cùng một thiếu phụ áo đỏ đến, y hết sức cung kính đối với thiếu phụ áo đỏ.

Thiếu phụ áo đỏ ấy vừa mở miệng đã hỏi Tiết huynh ở đâu, rồi lại hỏi về Thường thúc thúc và con gái của lão nhân gia ấy...

Lúc ấy mọi người mới biết Tiểu Vân là con gái của Thường thúc thúc, nhưng sau khi sửa sang lại phòng ốc, Tiểu Vân đã được giấu trong mật thất, và sự có mặt của Tiểu Vân ở trong trang cũng chỉ có vài người biết mà thôi.

Dưới những lời mỉa mai khinh khi của thiếu phụ áo đỏ, gia phụ vẫn một mực lắc đầu trả lời không biết.

Sau đó lại bình yên được nửa tháng. Bỗng một hôm, Bằng thúc ở Thái Nguyên phủ đến, Bằng thúc họ Trương tên Bằng, ngoại hiệu là Cửu Đầu Điểu.

Bằng thúc với gia phụ đã quen nhau mấy mươi năm, tình như thủ túc, hôm ấy đột nhiên giá lâm, hai người vào trong mật thất nói chuyện suốt nửa giờ, Bằng thúc mới vội vã rời khỏi.

Từ khi xây tường thành, đó là lần đầu tiên Bằng thúc đến nhà tiểu đệ. Bằng thúc xem qua mật thất, đã hết lời khen gia phụ thiết kế tinh vi, nhưng lúc chuyện trò vẫn không khỏi lộ vẻ lo âu.

Nào ngờ ngay đêm hôm ấy trong trang đã xảy ra một chuyện lạ kinh người, nhưng không hề gây ra một tiếng động, mãi đến sáng hôm sau gia nhân mới phát giác.

Lúc phát giác, gia phụ người đã biến mất, chỉ để lại một vũng máu hôi tanh trên giường và một nhúm tóc bạc trên gối.

Cùng lúc ấy, tiểu cô nương Thường Tiểu Vân cũng đột nhiên biến mất, nhưng lối ra của đường hầm bí mật vẫn nguyên vẹn, vì đó là một khoảng đất cỏ, nếu phá đi thoát ra, không thể nào khôi phục lại như trước, và những người canh gác trên tường thành cũng không có phát hiện gì, trừ phi đối phương biết ẩn thân hay độn thổ, không ai nghĩ ra được y đã ra vào theo lối nào.

Đã năm năm rồi, vụ kỳ án ấy và vụ mất tích của Thường Tiểu Vân luôn hiển hiện trong mỗi người trong trang, mặc dù trong năm năm qua vẫn không ngớt có người vào trang quấy nhiễu, nhưng vừa nhìn thấy nhúm tóc của gia phụ, thảy đều kinh hoàng bỏ đi ngay, hệt như là gặp rắn độc vậy.

Đêm nay bọn đạo sĩ phái Hoa Sơn vì chút chuyện nhỏ hôm trước đã kéo đến đây gây hấn, may nhờ Tiết huynh kịp thời xuất hiện, tiểu đệ mới thoát chết, ơn cứu mạng ấy...

Tiết Cừu ngắt lời:

- Hạnh huynh, vì một mình tiểu đệ, làm hại lệnh tôn thi cốt không còn, cả nhà đau khổ, tội của tiểu đệ đã khó dung thứ, chuyện nhỏ nhặt này tuyệt đối không nên để tâm, còn về vụ huyết án của lệnh tôn hồi năm năm trước, tiểu đệ đã có chút manh mối rồi.

Hạnh Khắc Thằng sửng sốt:

- Tiết huynh...

- Tiểu đệ chẳng phải cũng xuất hiện trong trang là gì? Đó là vì tiểu đệ đã đi cùng con đường với người hồi năm năm trước!

Thế là, Tiết Cừu kể lại chuyện dưới suối, và từ trong lòng lấy chiếc bao trủy thủ ra, đưa cho Hạnh Khắc Thằng và nói:

- Hạnh huynh có biết chiếc bao này không?

Hạnh Khắc Thằng đón lấy, xem một hồi, lắc đầu nói:

- Tiểu đệ chưa từng trông thấy chiếc bao này... Khoan đã! Tiết huynh, tiểu đệ thấy bao này không phải bằng sắt mà chẳng phải bằng da, hẳn là có lai lịch, để tiểu đệ đi hỏi gia mẫu thử xem, không chừng lão nhân gia biết cũng nên!

Vừa dứt lời, bỗng nghe tiếng gió ập đến, Hạnh Khắc Thằng giật mình kinh hãi, nhưng Tiết Cừu chẳng những không kinh ngạc, mà còn cung kính đứng lên thi lễ nói:

- Bá mẫu!

Thì ra đó là lão bà Lam Niệm Mẫn, và chiếc bao trủy thủ trong tay Hạnh Khắc Thằng đã lọt vào tay bà.

Lam Niệm Mẫn vẫn không đếm xỉa đến Tiết Cừu, tay cầm chiếc bao lật qua lật lại xem dưới ánh nến, chỉ thấy chiếc bao sáng như lân tinh, dưới ánh nến càng thêm rực rỡ.

Bỗng Lam Niệm Mẫn dùng tay áo chà mạnh một hồi, nhìn lại chiếc bao càng thêm sáng rực, hơn trước một trời một vực.

Chỉ nghe Lam Niệm Mẫn nói:

- Thằng nhi, cho ngươi biết, trủy thủ này có tên là Táng Môn kiếm, do một vị rèn kiếm sư hồi mấy trăm năm trước đã rèn bằng hàn thiết pha cát, cực kỳ sắc bén, chém sắt như bùn. Táng Môn kiếm tổng cộng có ba thanh, trăm năm trước lọt vào trong ba đại phái võ lâm, một ở Thiếu Lâm tự Tung Sơn, một ở Tam Thanh quán Võ Đang và một ở phái Điểm Thương. Bảy mươi năm trước, sau khi phái Điểm Thương nội bộ xung đột tan rã, thanh kiếm ấy đã lọt vào phái Côn Lôn, đây chính là bao của Táng Môn kiếm.

Nói xong, Lam Niệm Mẫn ném bao kiếm xuống, chẳng thèm nhìn Tiết Cừu, quay người bước ra khỏi phòng.

Nhưng Tiết Cừu cũng không dám giận, hơn nữa cũng chẳng dám ngồi xuống, từng lời nói của Lam Niệm Mẫn, chàng thảy đều ghi vào lòng.

Hạnh Khắc Thằng chờ mẫu thân ra khỏi phòng mới nói:

- Thì ra là Táng Môn kiếm, nghe đâu trên giang hồ có bốn hung kiếm một dài ba ngắn, mọi người đều rắp tâm tranh đoạt, thì ra đây là một trong ba thanh kiếm ngắn, đáng tiếc chỉ là bao kiếm.

Tiết Cừu thắc mắc hỏi:

- Sao gọi là hung kiếm? Còn thanh dài là kiếm gì?

- Đã có tên "Táng Môn", sao lại không hung? Còn thanh dài tiểu đệ cũng chưa từng trông thấy, nghe đâu tên là Phi Hồn kiếm, còn dài đến mức nào thì tiểu đệ không biết.

Tiết Cừu cũng không hỏi, bỏ bao kiếm vào trong túi da, lái sang chuyện khác nói:

- Vị Bằng thúc của Hạnh huynh ở đâu trong phủ Thái Nguyên vậy?

Hạnh Khắc Thằng cũng không phải kẻ ngu ngốc, nghe Tiết Cừu hỏi về Trương Bằng, bất giác cả kinh hỏi:

- Bằng thúc sao?

- Sự việc trước khi sáng tỏ, không ai có thể khẳng định ai ra sao? Tuy nhiên, chúng ta hỏi thăm vị Bằng thúc của Hạnh huynh, rất có thể tìm ra manh mối, vì chỉ ông ấy mới biết hung thủ đã sát hại lệnh tôn, ngoại trừ ông ấy...

- Lúc bấy giờ tiểu đệ cũng nghĩ như vậy, nhưng khi tiểu đệ đến nhà Bằng thúc thì ông ấy đã bỏ đi mất, ngay từ lúc rời khỏi nhà tiểu đệ, chẳng rõ đi đâu, theo lời một lão gia nhân thì Bằng thúc cũng là sợ bị người sát hại mới bỏ trốn.

Tiết Cừu vốn định nhắm vào Cửu Đầu Điểu Trương Bằng điều tra manh mối, nghe vậy liền từ bỏ ý định ấy, nhưng qua lời kể của Hạnh Khắc Thằng, chàng hết sức hoài nghi Cửu Đầu Điểu Trương Bằng, ông ta hẳn là có vấn đề.

Lúc này trời đã sáng tỏ, Tiết Cừu đứng lên cáo từ. Hạnh Khắc Thằng giữ lại ở chơi vài hôm, Tiết Cừu cười ảo não nói:

- Tiết Cừu một thân tội nghiệt, đâu thể nhàn rỗi được, giờ tiểu đệ phải đến Thiếu Lâm tự, ngoài việc báo thù còn phải bảo họ trao ra Táng Môn kiếm, qua bao kiếm này hẳn có thể tìm ra hung thủ sát hại lệnh tôn và tung tích của Vân muội.

Nghĩ đến Vân muội, thuở bé đã mất nơi nương tựa, rồi lại gặp thảm biến, đều là do chàng mà ra, lòng sao thể không đau không hận, bất giác xót xa ngập lòng, nước mắt lại trào dâng, vội cúi đầu ra khỏi phòng.

Đi đến cửa, chàng bỗng dừng bước, ngoảnh lại nhìn Hạnh Khắc Thằng một hồi, bỗng hỏi:

- Hạnh huynh cũng học kiếm phải không?

Hạnh Khắc Thằng thở dài:

- Chỉ đáng hận gia phụ đột nhiên thọ nạn, chưa giữ lại được pho kiếm pháp của lão nhân gia, nếu không, đâu để cho người hiếp đáp lăng nhục thế này!

Tiết Cừu lòng chợt đau xót, bất giác đỏ mặt, lại hỏi:

- Người trung niên với người thiếu niên lúc ban ngày là ai? Sao không thấy vậy?

Hạnh Khắc Thằng lắc đầu:

- Thú thật với Tiết huynh, tiểu đệ vốn có hai vị ca ca, đã ra đi tìm kiếm kẻ thù, chẳng rõ có tìm gặp hay không, đã lần lượt thọ nạn, tin tức đưa về, cả nhà hết sức đau buồn, có thể nói là căm hận Tiết huynh đến tận xương tủy, tiểu đệ vì Tiết huynh có ơn cứu mạng mới kể rõ với Tiết huynh, nếu không, cho dù Tiết huynh giết hết mọi người trong trang, chắc chắn cũng không ai tiết lộ mảy may... Còn về người trung niên và thiếu niên ấy, họ là cựu phụ (cậu) Lam Chi Dân và biểu ca Lam Nhân Bội của tiểu đệ, họ cũng hết sức căm hận Tiết huynh. Tiết huynh không nên gặp họ thì hơn.

Tiết Cừu lòng thật đau khổ tột cùng, vì một mình chàng, đã liên lụy bao người vô tội phải táng mạng, chàng phải lấy gì báo đáp cho người ta? Thù ấy, hận ấy, chàng phải đòi lại bằng cách nào?

Giết! Chỉ có giết mới có thể tiêu trừ mối hận thù trong lòng chàng.

Tiết Cừu quay trở vào phòng, ngồi xuống nói:

- Hạnh huynh, tiểu đệ có một pho kiếm pháp, định thọ giáo với Hạnh huynh!

Hạnh Khắc Thằng nghe vậy, biết là Tiết Cừu định truyền kiếm pháp cho mình, vui mừng khôn xiết.

Tiết Cừu ở lại trong Hạnh gia trang ba ngày, đã truyền cho Hạnh Khắc Thằng một pho Thất Tuyệt kiếm pháp và một pho Thất Tuyệt Du Thân Bộ, kiếm pháp gồm bảy chiêu, nhưng có đến hai mươi mốt thức, uy mãnh và ảo diệu khôn lường.

Còn Thất Tuyệt Du Thân Bộ chỉ có bảy bước, tuy nhiên, trong hàm chứa cửu cung bát quái, tinh diệu tuyệt luân, dù là cao thủ tuyệt thế, nếu không hiểu biết bộ pháp ấy, thật chẳng dễ dàng đả thương chàng.

Đêm thứ ba, chàng thấy kiếm pháp và bộ pháp của Hạnh Khắc Thằng đã hoàn toàn thuần thục, bèn viết thư để lại, âm thầm ra đi, đến khi Hạnh Khắc Thằng được báo đuổi theo ra trang thì chàng đã mất dạng.

Tiết Cừu nhân lúc đêm khuya thi triển khinh công phóng về phía Tung Sơn, vừa rời khỏi Hạnh gia trang đã phát giác có người đuổi theo, ngỡ là Hạnh Khắc Thằng, bèn đứng lại chờ, nhưng người đuổi theo cũng cùng lúc mất dạng.

Tiết Cừu biết không phải Hạnh Khắc Thằng, chàng buông tiếng cười khảy, lại phóng đi tiếp.

Lúc trời sáng, bỗng thấy một hòa thượng ở phía trước mấy mươi trượng, chậm rãi bước đi trên quan đạo, vì ở phía sau nên không nhìn thấy diện mạo và tuổi tác của hòa thượng ấy, chỉ thấy dáng người thấp bé và chiếc đầu bóng loáng mà thôi.

Người của phái Thiếu Lâm đã ký tên trên Sinh Tử Bộ năm xưa gồm có Tứ tôn giả, Thập bát La Hán, Tiểu Di Lặc, và Hành Cước Tăng Thạch Đầu Đà... tổng cộng hơn ba mươi người, nhân số nhiều nhất so với các môn phái khác.

Theo lời ân công Bạch Vân Tẩu Thường Diệu Tiên, phái Thiếu Lâm sở dĩ đông người đến Đồng bảo là vì có việc đi ngang qua, ngẫu nhiên gặp lúc Đồng bảo tổ chức thịnh hội, nhưng cũng không nên chẳng màng đạo nghĩa giang hồ, ngay sau hôm xảy ra huyết án đã điềm nhiên rời khỏi.

Thiếu Lâm là môn phái đứng đầu võ lâm, lại có đông cao thủ hiện diện, vậy mà không điều tra nguyên nhân, không chủ trì chính nghĩa, thật không khỏi khiến người hoài nghi.

Thế nên, Tiết Cừu cũng đặc biệt căm hận người của phái Thiếu Lâm, giờ vừa thấy hòa thượng, lòng liền bừng lửa giận, lập tức gia tăng khinh công đuổi theo, mắt thấy chỉ cách mấy mươi trượng, chàng chỉ cần hai ba lượt tung mình là đuổi kịp, nào ngờ một hơi đuổi theo mười mấy dặm, cũng vẫn cách mấy mươi trượng, không hề rút ngắn được khoảng cách.

Càng tức mình hơn nữa là hòa thượng không hề tung mình, cũng không gia tăng cước bộ, vẫn chỉ thư thả bước đi, vậy mà Tiết Cừu lại không đuổi kịp, chàng không kinh ngạc sao được?

Nhưng Tiết Cừu tính rất ương ngạnh và giàu nghị lực, chàng không tin hòa thượng này là thần tiên hạ phàm để trêu cợt mình, bèn vận đề chân khí, thi triển khinh công tuyệt thế Phi Long Đằng Không tiếp tục đuổi theo.

Lại đuổi được ba mươi mấy dặm, bóng dáng hòa thượng bỗng biến mất.

Tiết Cừu sửng sốt đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy bên trái là núi non chập chùng, thầm nhủ:

- Chả lẽ hòa thượng ấy đã lên trên núi ư?

Chàng đứng chờ một hồi, vẫn không thấy bóng dáng của hòa thượng, bỗng rợn người nghĩ:

- Chả lẽ là Thạch Đầu Đà oan hồn bất tán, đến đây đòi mạng? Nhưng dáng người thì lại không giống, chả lẽ trên cõi đời này có ma quỷ thật ư?

Liên tiếp phóng đi suốt một quãng đường, lúc này chàng đã thoáng cảm thấy mỏi mệt, bèn phóng đi đến chân núi, ngồi xuống dưới một gốc cây xếp bằng điều tức.

Trong lúc tĩnh tọa thời gian đi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc mặt trời đã lên đến giữa trời.

Bỗng nghe có tiếng tiêu thánh thót du dương theo gió vọng đến, Tiết Cừu mở mắt ra. Dưới ánh nắng chói chang chỉ thấy bóng cây ngang dọc, không một bóng người.

Chàng bỗng cảm thấy tiếng tiêu hết sức dịu dàng quyến rũ, lòng thoáng ngạc nhiên, chả lẽ trên núi cao có cao nhân ẩn sĩ gì đó hay sao?

Đột nhiên, tiếng tiêu trở nên dồn dập, cao vút tận mây xanh, thoáng như có tiếng sát phạt.

Tiết Cừu hết sức lấy làm lạ, không tự chủ được đứng lên, phóng đi về phía tiếng tiêu vọng đến.

Tiếng tiêu phát ra từ phía thung lũng. Tiết Cừu sang đến bên kia núi, vẫn nhận thấy tiếng tiêu còn xa, bất giác lòng rúng động. Xem ra người thổi tiêu này nội công cũng chẳng kém.

Tiếng tiêu càng lôi cuốn, càng thúc đẩy lòng hiếu kỳ của Tiết Cừu, chàng quyết xem cho rõ người ấy là ai.

Vừa vượt qua hai ngọn núi, tiếng tiêu bỗng ngưng bặt, thanh điệu chưa kết thúc, sao lại gián đoạn thế nhỉ?

Tiết Cừu đang kinh ngạc, bỗng nghe một tiếng thét kinh hoàng vang lên, Tiết Cừu giật mình vội phóng đi về phía ấy.

Đến gần xem, chỉ thấy dưới bóng cây nơi lưng núi, một con rắn to cỡ miệng chén đang quấn chặt một thư sinh yếu đuối, và hai tay thư sinh ấy đang nắm chặt lấy chỗ bảy tấc của rắn, nhưng mặt người với đầu rắn cách nhau chỉ chừng hai thước.

Rắn tuy bị bóp ngay chỗ trí mạng, nhưng chiếc miệng đỏ lòm há ra, to cỡ chiếc chậu, chiếc lưỡi dài không ngừng thập thò, trông thật kinh khiếp.

Tiết Cừu vừa trông thấy con rắn to thế kia, lòng cũng bất giác ớn lạnh, mắt thấy thư sinh mặt mày tái xanh, hai tay run run, như đã sắp kiệt sức, Tiết Cừu đâu dám chậm trễ, liền từ trong lòng lấy Kim Liên Hoa ra, tiện tay vung ra.

Chỉ thấy ánh vàng chớp chóa, Kim Liên Hoa dài ra ba thước bảy tám, Tiết Cừu hét to:

- Huynh đài chớ sợ, có tại hạ đến giúp đây!

Rồi thì ánh vàng lấp loáng, "bốp" một tiếng, máu đỏ tung tóe, rắn và người cùng lúc ngã xuống đất, thư sinh ấy bị máu rắn văng đầy mặt, nằm dài trên đất, không còn sức đứng lên nữa.

Tiết Cừu cất lấy Kim Liên Hoa, đỡ thư sinh dậy nói:

- Tại hạ nhất thời cấp bách, không lo được cho huynh đài, để khiến huynh đài đầu mặt bị dính máu rắn, vậy biết tính sao đây?

Thư sinh hoàn hồn lại, thở hổn hển nói:

- Tính mạng tiểu đệ là do huynh đài cứu, chút máu bẩn thì có đáng kể gì. Tiểu đệ có mang theo y phục, lát nữa rửa sạch thay vào là xong!

Quả nhiên dưới gốc cây có một tay nải, nhưng thư sinh không đi về phía ấy mà đi đến lùm cỏ bên cạnh, nhặt lên một vật, thì ra là một cây tiêu bạc dài hơn hai thước.

Tiết Cừu sửng sốt, thì ra chính thư sinh này đã thổi tiêu, qua tiếng tiêu khi nãy, rõ ràng người thổi tiêu là nhân vật võ lâm, thế sao lại bị rắn quấn nhỉ?

Chỉ nghe thư sinh ấy nói:

- Tiểu đệ tên là Cổ Tranh, tính rất sợ rắn, tuy cũng có luyện vài năm võ công, nhưng chẳng chút tiến bộ, hễ gặp rắn là nhũn người ra, không còn sức chống cự, nếu không nhờ huynh đài đến kịp lúc thì tiểu đệ nguy mất rồi.

Nói xong, y hé môi cười, sự kinh hoàng vừa rồi đã tiêu tan, nhưng mặt lốm đốm máu tươi, khiến gương mặt tuấn tú của y trở thành thật khôi hài, hệt như một tên hề.

Tiết Cừu trông thật muốn phì cười, nhưng không cười ra tiếng, chỉ cười thầm trong lòng, cười Cổ Tranh đã sợ rắn mà lại còn thổi tiêu, vì tiếng tiêu chính là âm thanh lôi cuốn rắn.

Lại nghe Cổ Tranh nói tiếp:

- Xin hỏi huynh đài quý tánh đại danh?

Tiết Cừu báo ra danh tánh, Cổ Tranh chẳng chút kinh ngạc, như không hề biết những chuyện xảy ra trên giang hồ gần đây, y nói:

- Nơi đây hôi tanh quá, hãy tìm một con suối, chờ tiểu đệ thay áo xong hẵng nói chuyện!

Tiết Cừu đương nhiên tán đồng, chàng thuở bé cả nhà bị sát hại, một mình theo ân công Bạch Vân Tẩu bôn ba giang hồ mười một năm, tuy có Vân muội bầu bạn, song vẫn cảm thấy cô đơn.

Sau khi luyện thành võ công rời khỏi Thiên Trì, liên tiếp toàn là giết chóc, suốt ngày hiếm khi nói chuyện với ai, ở lại ba ngày trong Hạnh gia trang với Hạnh Khắc Thằng, song vì mọi người đều nhìn chàng với ánh mắt thù địch, khiến chàng hết sức khổ sở, muốn trò chuyện với Hạnh Khắc Thằng. Hạnh Khắc Thằng lại một lòng chuyên tâm luyện võ.

Nay được gặp một thư sinh trang lứa, và xem ra cũng là người chính trực, Tiết Cừu lẽ nào không vui mừng kết giao?

Đi một hồi, cảnh vật trước mắt bỗng đổi khác, tai chỉ nghe tiếng nước chảy ầm ì, cúi nhìn xuống, trước mắt là một hạp cốc, rộng hơn năm trượng, một dòng thác từ vách núi chảy ra, cuồn cuộn đổ xuống hạp cốc, trông thật kinh người.

Cổ Tranh nghiêng mặt cười nói:

- Tiết huynh hãy ở đây chờ chốc lát, tiểu đệ sẽ trở lại ngay!

Rồi liền tung mình xuống hạp cốc, thân pháp nhanh như tia chớp, Tiết Cừu lại hết sức kinh ngạc.

Bỗng nghe tiếng gió rít lướt nhanh qua trước ngực, đưa mắt nhìn, thì ra là một chiếc lá tùng, lá tùng rất bé và nhẹ, vậy mà lại có thể bay ngang và gây ra tiếng gió rít, công lực quả thật kinh người.

Nhưng kinh người không chỉ có vậy, hướng đi của chiếc lá tùng là một cây to cỡ hai vòng tay ôm, theo Tiết Cừu suy đoán, chiếc lá tùng này hẳn có thể cắm vào thân cây vài tấc.

Nào ngờ, chiếc lá tùng chỉ chạm nhẹ vào vỏ cây, rồi liền là đà rơi xuống, bỗng thấy một đốm đen nhỏ theo sau lá tùng rơi xuống.

Chú mắt nhìn, chỉ thấy đốm đen động đậy, lộn hai vòng trên đất liền tức thì bò dậy, thì ra là một chú kiến rừng.

Ngay sau đó, từng chiếc lá tùng nối tiếp nhau bay nhanh qua, chiếc lá tùng nào cũng gây ra tiếng gió rít, và mỗi chiếc lá tùng đều đánh rơi một con kiến, lạ lùng thay, những chú kiến bị đánh rơi đều không chết, lộn hai vòng trên đất rồi bò dậy, bỏ chạy tứ tán.

Cảnh tượng ấy đã khiến Tiết Cừu kinh hãi đến thuỗn mặt ra, khổ luyện năm năm trong Thiên Trì, với niềm căm hận ngập lòng xuống núi báo thù, những ngỡ bằng vào tuyệt học Thiên Trì hẳn có thể giết sạch những kẻ không có đạo nghĩa giang hồ trong Sinh Tử Bộ, vang danh thiên hạ, nào ngờ chỉ mới gạch được hai dòng trong Sinh Tử Bộ thì đã gặp chuyện quái lạ thế này.

Chàng quay phắt lại nhìn, chỉ thấy một cây cổ tùng cách mười mấy trượng, từng chiếc lá tùng từ trên bay xuống, khi còn cách mặt đất chừng sáu bảy thước, đột nhiên nhanh như tia chớp bay về phía cây tùng cỡ hai vòng tay ôm.

Lá tùng không phải trực tiếp phát ra, càng không phải vô ý rơi xuống. Tiết Cừu nhìn qua cũng biết là có người dùng Huyền Qua thần công hút xuống, rồi với Khúc Dương chỉ bắn đi.

Huyền Qua thần công và Khúc Dương chỉ đều có ghi chép trong Thiên Trì, Tiết Cừu khổ luyện năm năm, cũng đã đăng đường nhập thất, khi xuống núi Trường Bạch, môn võ công mà Tiết Cừu đã dùng đối phó với nữ lang bịt mặt áo đen định cướp Tị Độc Bảo Cảnh của chàng chính là Khúc Dương chỉ, một môn tuyệt học thượng cổ.

Lúc ở bên ngoài Hạnh gia trang, môn tuyệt học chàng đã dùng thu hết ám khí của nhóm Lam Niệm Mẫn bốn người, đó chính là Huyền Qua thần công, và hai môn tuyệt học ấy chàng những ngỡ đã đạt đến cảnh giới hư hỏa thuần thanh, chẳng ngờ tại chốn hoang sơn này lại có một người ẩn thân công lực đã đạt đến cảnh giới xuất thần nhập hóa, cao hơn chàng một bậc.

Nhất là lá tùng do Khúc Dương chỉ bắn đi hết sức đúng mức, đánh rơi kiến mà không chết, thật là chuyện không thể tưởng tượng nổi.

Lúc này lá tùng đã ngưng, Tiết Cừu vội hướng về ngọn cổ tùng vòng tay thi lễ nói:

- Đồng bảo Tiết Cừu lỡ bước đến đây, không biết là nơi ẩn tụ của tiền bối, xin thứ cho tội đã kinh nhiễu, tiền bối có thể cho phép bái kiến chăng?

Đoạn ngưng thần chờ đợi, hồi lâu không nghe tiếng trả lời, lại nói:

- Tiết Cừu đã không có duyên bái kiến tôn nhan của tiền bối, tiền bối có thể cho biết quý tánh tôn danh chăng?

Tiết Cừu từ khi rời khỏi Trường Bạch sơn, đây là lần đầu tiên cung kính lễ phép với người, tin chắc đối phương phải trả lời, nào ngờ chờ đợi hồi lâu vẫn chẳng có động tĩnh gì, Tiết Cừu hết sức bực tức, thầm nhủ:

- Cho dù ngươi võ công cái thế, Tiết Cừu này cũng đâu cần làm quen... Không! Ta đâu đến nỗi vô dụng như vậy, ngươi không đếm xỉa đến ta, tưởng ta sợ ngươi hay sao? Ngươi biểu lộ tuyệt kỹ trước mặt ta, ta phải đấu với ngươi một phen mới được. Cho dù Huyền Qua thần công và Khúc Dương chỉ không bằng ngươi, nhưng ngươi cũng chưa chắc tiếp nổi Kim Liên thập bát thiểm và Tồi Khô Lạp Ô chưởng đã luyện đến bảy thành của ta.

Nghĩ vậy, Tiết Cừu liền bừng dậy hào khí, đề khí tung mình, nhanh như chớp phóng đến phía sau ngọn cổ tùng.

Nhưng đưa mắt nhìn, sau ngọn cổ tùng chẳng có bóng người nào, bất giác sững sờ, quét mắt nhìn quanh.

Bỗng thấy một bóng trắng xuất hiện trên lưng núi đối diện, chú mắt nhìn, thì ra lại là hòa thượng lúc sáng, hết sức kinh ngạc thầm nhủ:

- Hòa thượng ấy thật là người hay ma quỷ thế này?

- Tiết huynh nhìn gì vậy?

Tiết Cừu nghe tiếng quay đầu lại, Cổ Tranh chẳng rõ từ lúc nào đã đứng ở phía sau chàng hơn trượng, bất giác giật mình, thính lực của chàng đã mất linh mẫn, Cổ Tranh đã lên lúc nào mà không hay.

Cổ Tranh đã rửa sạch rắn và thay vào một chiếc áo dài màu sắc gần giống như Tiết Cừu, song có điều Cổ Tranh gầy yếu hơn, và cũng có vẻ tao nhã hơn Tiết Cừu.

Tiết Cừu cười gượng nói:

- Tại hạ trông thấy một vị hòa thượng...

Cổ Tranh khẽ cười ngắt lời:

- Bọn trọc đầu ấy đâu đâu cũng có, có gì đáng xem?

Tiết Cừu lắc đầu:

- Không phải vậy, hòa thượng ấy thần xuất quỷ mạt, võ công tuyệt thế, tại hạ tự tin võ công cao cường, nhưng so với hòa thượng ấy hãy còn kém xa, và hơn nữa, trong một ngày tại hạ đã bị hòa thượng ấy trêu cợt hai lần...

Cổ Tranh khi nghe Tiết Cừu báo danh tánh không chút kinh ngạc, vậy mà vừa nghe có vị hòa thượng võ công cao hơn Tiết Cừu thì lại cả kinh thất sắc, nhưng chỉ trong một thoáng vẻ kinh ngạc đã tan biến, trở lại bình thường, Tiết Cừu không chú ý, và cũng không nhận thấy.

Chỉ nghe Cổ Tranh khẽ cười nói:

- Tiết huynh, chúng ta mới gặp gỡ nhau, không nên vì kẻ trọc ấy làm mất nhã hứng, đi nào!

Đoạn liền nắm tay Tiết Cừu kéo đi, ngược với hướng đi của hòa thượng.

Khi xuống đến chân núi đã là giờ Mùi, Cổ Tranh và Tiết Cừu cùng săn bắt vài con thú rừng nhỏ, nổi lửa lên nướng ăn.

Trong lúc ăn, hai người nói chuyện thiên nam địa bắc, Cổ Tranh mỗi lần nói đều thao thao bất tuyệt, nghe hết sức hấp dẫn, và thỉnh thoảng y lại khua tay múa chân, ra chiều hết sức thích thú.

Tiết Cừu nhận thấy sở học của Cổ Tranh rất phức tạp, hiểu biết rất nhiều, nhất là về mặt kiến văn càng thêm kinh người.

Tiết Cừu bất giác sinh lòng khâm phục, thầm nhủ:

- Nếu có được một người bạn như Cổ Tranh đi cùng, trên đường hẳn có thể giảm đi rất nhiều buồn tẻ.

Nghĩ vậy, chàng bèn hỏi:

- Cổ huynh định đi đâu vậy?

- Tiểu đệ đến Lạc Dương thăm bằng hữu, còn Tiết huynh?

Tiết Cừu mừng rỡ:

- Tại hạ đến Tung Sơn! May quá, vậy là chúng ta cùng đường rồi!

Cổ Tranh cũng hết sức phấn khởi nói:

- Ồ! Thật là quá trùng hợp!

Thế là, hai người lập tức lên đường. Trên đường, Cổ Tranh nói liên tu bất tận, thật chẳng tương xứng với dáng vẻ thư sinh yếu đuối của y chút nào.

Tiết Cừu cười nói:

- Cổ huynh thật giống một vị tiểu muội của tại hạ!

Cổ Tranh trố mắt, nghiêng đầu hỏi:

- Đó là ai vậy?

Vừa nghĩ đến Thường Tiểu Vân, Tiết Cừu liền nghe lòng đau nhói, nụ cười trên mặt tan biến, thầm nhủ:

- Phải chi Cổ Tranh đổi lại là Vân muội thì tốt biết mấy!

- Đó là ai? Không thể cho tiểu đệ biết sao?

Tiết Cừu khẽ thở dài:

- Đó là con gái của một vị ân công, tên là Thường Tiểu Vân!

Cổ Tranh "ồ" lên một tiếng, như kinh ngạc và thần kỳ, và như nói:

- Thì ra là nàng ta!

Tiết Cừu ngạc nhiên hỏi:

- Cổ huynh quen biết Vân muội ư?

Cổ Tranh cười bí ẩn:

- Tiểu đệ mà quen biết nàng ta, nhất định sẽ cướp lấy trong tay Tiết huynh, cưới nàng ta làm vợ!

Tiết Cừu ha hả cười to:

- Nếu Vân muội mà được làm vợ Cổ huynh, đó thật là hạnh phúc cho Vân muội, tại hạ xin chúc mừng hai người trước!

Cổ Tranh ngạc nhiên:

- Sao? Tiết huynh không ghen, không thương nàng ta ư?

- Ai nói không thương? Tại hạ với Vân muội như là huynh muội thân sinh vậy!

- Vậy sao Tiết huynh không ghen, không muốn cưới nàng ta làm vợ?

- Chuyện ấy... rất khó nói, vì hai người đã cách xa năm năm dài, dĩ vãng chỉ là tình huynh muội, tình thủ túc, hoàn toàn không nghĩ gì khác. Vả lại, Vân muội giờ ở nơi nào, tại hạ còn chưa biết!

- Nếu hai người gặp lại nhau thì sao?

- Đó thì tùy ở Vân muội, vì tại hạ quá có lỗi với nàng, không dám vọng tưởng, thậm chí còn sợ nàng giết chết tại hạ, vì tại hạ, đã khiến cả nhà nàng ly tán, song thân đều bị sát hại.

Tiết Cừu nói đến đó, niềm bi thương lại dâng lên ngập lòng.

Lúc này trời đã tối, hai người đang đi đến trước một ngôi cổ tự, trong tự mạng nhện giăng đầy, như đã hoang phế từ lâu.

Hai người bèn đi vào trong tự, quét sạch một góc, ngồi xuống xếp bằng, Cổ Tranh lại hỏi:

- Tiết huynh, Vân muội của huynh có xấu xí, có ngu ngốc không?

- Rất thông minh lanh lợi, đẹp tựa thiên tiên!

- Năm năm không gặp, Tiết huynh sao dám quả quyết như vậy?

- Trong lòng tại hạ vĩnh viễn là như vậy!

Cổ Tranh cười:

- Mai kia gặp lại nhau, nếu nàng ta không thích Tiết huynh thì sao?

- Tại hạ cũng khiến Vân muội trở thành một vị phu nhân cao quý nhất thiên hạ!

Cổ Tranh sửng sốt:

- Tiết huynh có phải nói mơ không vậy?

Tiết Cừu cười to:

- Để cho Cổ huynh mở rộng tầm mắt, hẳn là Cổ huynh cũng chưa từng trông thấy.

Liền thì, trước mặt bừng sáng, trong tay Tiết Cừu đã cầm Tị Độc Bảo Cảnh tỏa sáng chói lòa.

Cổ Tranh sửng sốt kêu lên:

- Ồ! Tị Độc Bảo Cảnh!

Tiết Cừu vốn tin chắc Cổ Tranh không biết, nào ngờ y vừa trông thấy đã buột miệng nói ra, khiến chàng bất giác sững sờ, nhất thời chẳng thốt nên lời.

Cổ Tranh cười nói:

- Sao? Tiếc không muốn cho tiểu đệ xem phải không?

Tiết Cừu cười ngượng:

- Đâu có! Đáng tiếc vật này là của phụ nữ, nếu không...

Cổ Tranh nhoẻn cười:

- Tiết huynh sao biết kẻ này không phải là gái?


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-40)


<