Vay nóng Homecredit

Truyện:Xuyên tâm lệnh - Hồi 04

Xuyên tâm lệnh
Trọn bộ 22 hồi
Hồi 04: Mưa Gió Đoạn Trường
4.00
(một lượt)


Hồi (1-22)

Siêu sale Shopee

Tô Siển Tuyết khẽ điểm một nụ cười gọn nhẹ:

- Biểu thợ..

Tiêu Tam phu nhân lạnh lùng:

- Ai là biểu thơ của ngươi?

Tô Siển Tuyết thở dài:

- Mười năm qua rồi! Biểu thơ vẫn chưa hiểu cho tiểu muội sao?

Bà cúi đầu, rủ buồn như liễu.

Tiêu Tam phu nhân cười nửa miệng:

- Ngươi nói ta lầm?

Đột nhiên phu nhân quay mình, quăng đại hán và ống địch đến cạnh Phương Cư Mộc.

Bà phẫn hận, không làm sao phát tiết niềm phẫn hận, đại hán và chiếc địch vô phúc thay, lại bị bà dùng làm phương tiện phát tiết.

Quăng người và vật đi để phát tiết cái hận, dù cái hận đó từ đâu đến chứ chẳng phải phát sinh nơi người và vật bà dùng sức hai tiếng kêu thất thanh vang lên.

Thì ra bà đã quăng đúng vào huyệt đạo của Phương Cự Mộc.

Phương Cự Mộc tỉnh lại, trông thất phu nhân, kinh sợ thất thần.

Hắn rung giọng ấp úng:

- Phu nhân...

Tiêu Tam phu nhân chặn lại:

- Ngươi dùng tiếng địch, thực hiện cái kế điệu hổ ly sơn dụ ta rời tiểu tử, để hạ sát hắn, ngươi nghĩ hạ sát hắn rồi, là ngươi có thể thuyết phục ta trở về, có phải vậy chăng?

Phương Cự Mộc rung rung người, không nói được tiếng nào.

Hắn đinh ninh là mình phải chết, chẳng còn dung tha được nữa.

Mặt hắn xám lại, đôi mắt thất thần.

Ngờ đâu Tiêu Tam phu nhân lạnh lùng thốt:

- Ngươi vừa rời khỏi cốc, chưa làm nên được việc gì, lại bị người điểm huyệt! Ta hết sức hổ thẹn vì người, ngươi làm mất mặt ta! Bà thốt như vậy, là không có ý giết hắn, bất quá, bá trách hắn.

Trách như thế, rất nhẹ đấy. Giá như bà trách nặng hơn, hắn cũng vui mà nghe, miễn bà tha chết là được rồi.

Phương Cự Mộc thấy niềm hy vọng bừng lên, song ngoài mặt hắn chẳng dám tỏ lộ một cảm nghĩ nào, hắn vẫn giữ trạng thái của một tử tội, cúi đầu thấp giọng:

- Tiểu nhân biết mình vô dụng, gây buồn phiền cho phu nhân, song võ công của Tô phu nhân rất cao...

Tiêu Tam phu nhân quát:

- Hèn như thế nên cút đi cho gấp, ở lại đó lí nhí thêm bẩn mắt bẩn tai ta?

Bà hừ một tiếng rồi tiếp:

- Lừa ta là đáng tội chết, ta nghĩ ngươi đã biết tội, nên tạm thời dung tha cho ngươi!

Bà dừng lại một chút rồi hằn hộc tiếp, song chẳng hướng về ai:

- Có kẻ kừa ta, biết tội lừa ta, kể ra hắn cũng còn khá! Hơn là cái thứ lừa ta chẳng những không biết tội, còn toan lừa mãi mãi nữa!

Bỗng bà quay lại nhìn Tô Siển Tuyết hỏi:

- Ngươi nói sao?

Tô Siển Tuyết có nói chi đâu?

Có lẽ bà hỏi Tô Siển Tuyết nghĩ gì về câu nói của bà vừa rồi.

Tô Siển Tuyết vẫn giữ được điềm đạm, điểm một nụ cười thốt:

- Hôm đó, biểu thơ chẳng chịu nghe ai phân trần, mang hận ra đi, tiểu muội liền sau đó, âm thầm theo dõi biểu thư, mãi đến một ngày, tiểu muội còn nhớ rõ đó là ngày mồng bảy tháng bảy, cách đây mười tám năm, biểu thơ đột nhiên thất tung tại Hoa Sơn. Tiểu muội hết sức khẩn trương, toan tự sát mấy lần. Sau đó mới hay là biểu thơ đã đến...

Tiêu Tam phu nhân thoáng biến sắc mặt, chặn lời ngay:

- Ngươi âm thầm theo dõi ta từ đó?... Bên bờ Thái Hồ dựa chân Âm Sơn trên hai nẻo đường Nam Bắc lưỡng hà, chính ngươi đã xuất thủ cứu ta những lần ngộ nạn? Có phải là ngươi chăng?

Tô Siển Tuyết khẽ nhắm mắt lại, gật đầu.

Tiêu Tam phu nhân bật cười lạnh:

- Ngươi mấy độ cứu ta! Chỉ vì ngươi hối hận? Chỉ vì lương tâm ngươi vầy vò ngươi!

Ngươi sợ người đời sẽ cho là ngươi giết ta, nếu chết bất ngờ, chết không minh bạch! Ngươi tưởng ta không biết chủ ý của ngươi à? Ngươi tưởng ta cảm kích ngươi à?

Bà cười, cũng như bà thốt giọng khắc nghiệt làm sao, niềm oán độc dâng tràn, qua ánh mắt qua giọng nói.

Triển Mộng Bạch giật mình.

Chàng nhớ lại, trong đêm trước bắt gặp Ngọc Quan Âm Trần Thanh Như cùng tình nhân âm mưu giết chồng để được tự do ân ái với nhau, chàng muốn xuất hiện trách mắng, song Tiêu Tam phu nhân ngăn cản.

Phu nhân đã nói:

- Hai người đó, tự biết là âm mưu đã bại lộ rồi, thì làm sao dám hạ thủ đoạn? Chẳng những họ không dám giết người, mà nếu có ai giết người, họ cũng tìm mọi cách ngăn chặn, họ dám hy sinh tánh mạng để bảo vệ cái người họ định giết...

Lúc đó, chàng không tin là lập luận đó vững, tuy có đúng đạo lý phần nào.

Bấy giờ, chàng mới rõ ra, bà có gặp trường hợp như vậy, và chỉ có những người trong cảnh mới hiểu rõ sự tình.

Bây giờ, chàng mới tin lập luận đó rất vững.

Vững là vì đạo lý hiển nhiên.

Nhưng chàng vẫn còn thắc mắc. Một con người, hiền dịu như Tô Siển Tuyết, lại có những toan tính đen tối sao?

Một dáng đẹp như vậy, có lẽ nào che đậy cái gì đê tiện nhất bên trong sao?

Tô Siển Tuyết thở dài.

Tiếng thở dài của bà não ruột vô cùng, không giống những tiếng thở dài của bất kỳ ai trên thế gian.

Rồi bà lại khóc.

Lệ trào my, từng hạt, từng hạt, long lanh một chút rồi lăn dài xuống má.

Tiêu Tam phu nhân ngẩng mặt nhìn trời, không hề nhìn Tô Siển Tuyết.

Phu nhân không nhìn, song lại thốt với Tô Siển Tuyết:

- Từ nhỏ, ta đã xem ngươi như thân muội, dù ngươi chỉ là biểu muội. Ngờ đâu, sau đó, ngươi lại lấy dã tâm đối xử với ta. Nếu chẳng phải là người, ta nói thật ta... ta...

Bà khích động vô cùng, ngực phập phồng, hơi thở gấp, mà bỏ lửng câu nói.

Tô Siển Tuyết đưa tay che mặt rên rỉ:

- Biểu thơ! Biểu thơ nhất định không tin tiểu muội?

Tiêu Tam phu nhân dịu niềm khích động phần nào, điểm nụ cười lạnh, tiếp:

- Tin? Ta chỉ tin được những gì chính mắt ta trông thấy. Ta chỉ biết gần hai mươi năm qua, chẳng ngày nào, chẳng phút giây nào ta quên nghĩ đến ngươi! Bây giờ, ta gặp ngươi, nhất định ta chẳng để cho ngươi sống sót trên thế gian, tiếp tục hãm hại người đời! Chỉ có ta, mỗi một mình ta, mới biết rõ trong cái ngọt dịu của người có chất tuyệt độc! Chỉ có ta mới biết ngươi có cái miệng ngọt dịu, nhưng lại mang cái xà tâm. Ngươi là một con hồ ly lấy nụ cười làm phương tiện giết người.

Tô Siển Tuyết rung bắn người lên, kêu thảm thiết:

- Biểu thơ! Biểu thơ!.... Biểu thơ định giết tiểu muội?...

Tiêu Tam phu nhân lạnh lùng:

- Phải!

Thân hình vọt tới, bàn tay chớp lên năm ngón thẳng ra, Tiêu Tam phu nhân chụp vào mặt Tô Siển Tuyết không tránh kịp cái chụp đó.

Chàng chẳng biết sự tình như thế nào giữa hai bà, song chàng cũng hiểu tấn kịch này diễn từ lâu, và mãi hai mươi năm sau, tức nhiên hôm nay, mới kết thúc thê thảm.

Chàng khỏi cần phải lo sợ cho Tô Siển Tuyết.

Tô Siển Tuyết khẽ nhít động thân hình, tránh chiêu đó, đồng thời bà nhẹ giọng:

- Biểu thơ gấp thế kia, chứng tỏ người mất hẳn bình thường, như vậy làm sao động thủ?

Tiêu Tam phu nhân không đáp, đánh tiếp ba chiêu.

Những chiêu thức đó lúc mới phát ra, nhẹ nhàng như cánh bướm vờn, song đi được nửa đà, thì trở nên mãnh liệt vô tưởng.

Chiêu thức hàm súc một nội lực cực kỳ thâm hậu, lại nhắm vào những bộ vị quan trọng trên thân thể của người Tô Siển Tuyết.

Những chiêu thức tối độc, lại có thể biến hóa trùng trùng, qua mỗi lần biến hóa là công vào một điểm mới, đối phương không thể biết mình bị đánh ở chỗ nào mà đề phòng.

Tô Siển Tuyết vừa lách mình vừa cười thốt:

- Vũ công của tiều thơ quả nhiên trong mấy năm nay có tiến bộ quan trọng!

Bỗng bà dịch lướt đi hướng về bên cạnh, xa độ bảy thước.

Bà chỉ né tránh chứ chưa phản công.

Tiêu Tam phu nhân mặt lạnh như tiền, phất cánh tay áo lướt tới.

Trong bóng sương mờ, hai thân hình đen và trắng hoặc vờn nhau dệt thoi nhau.

Tuy nhiên Tô Siển Tuyết chưa hề hoàn thủ.

Triển Mộng Bạch tập võ từ thuở ấu thơ, khi lớn lên, có bình luận về võ học với hào kiệt giang hồ, có mục kích những cuộc so tài ác liệt, song chưa từng thấy ai có thân pháp linh diệu như hai bà.

Lúc đó chàng mở mắt ra rồi, và chàng quyết định không nhắm mắt lại nữa, quyết theo dõi từng chuyển biến.

Bỗng, Tiêu Tam phu nhân dừng thân pháp, Bà trầm giọng, hỏi:

- Sao ngươi không hoàn thủ?

Tô Siển Tuyết điềm nhiên đáp:

- Tiểu muội làm sao hoàn thủ được, biểu thơ?

Tiêu Tam phu nhân lạnh lùng:

- Dù ngươi không hoàn thủ, ta vẫn quyết giết ngươi như thường!

Tô Siển Tuyết thở dài:

- Biểu thơ quyết giết tiểu muội, tùy ý biểu thơ, tiểu muội không hoàn thủ, là do cái ý của tiểu muội!

Chừng như Tiêu Tam phu nhân có cái tâm bằng gỗ đá, dù cho lời nói của Tô Siển tuyết hết sức thiết tha, bà vẫn không xúc động.

Tô Siển Tuyết tiếp:

- Chỉ mong, biểu thơ khoang hạn một ngày, đủ cho tiểu muội hoàn thành một việc, xong việc đó rồi, tiểu muội sẽ trở lại tìm biểu thơ, để đặt mình trong sự xử trí của biểu thơ.

Tiêu Tam phu nhân cười lạnh:

- Một ngày?

Tô Siển Tuyết lại tiếp:

- Biểu thơ đừng lo ngại là tiểu muội đào tẩu, chẳng bao giờ có việc đó đâu, biểu thơ.

Giả như tiểu muội có ý trốn tránh biểu thơ, thì tại sao mà đến đây để gặp biểu thơ, trong mấy phút giây này?

Tiêu Tam phu nhân trầm ngâm một lúc, rồi bà trầm giọng hỏi:

- Mười chín năm qua, chưa đủ hay sao, lại phải thêm một ngày?

Rồi bà tiếp:

- Mà thôi! Ta chờ cũng đã lâu, ta chờ được mười chín năm, thì đương nhiên ta cũng có thể chờ thêm một ngày!

Tô Siển Tuyết cười thầm, quay mình đi liền, Nhưng, bước một bước, bà ta quay đầu lại, ân cần dặn dò:

- Biểu thơ không được lao tâm, đừng mạo hiểm phong sương quá nhiều. Nơi chân núi có một ngôi tiểu khách sạn, có vẻ tinh khiết, biểu thơ hãy xuống đó, thuê phòng, tạm trọ. Sáng mai, tiểu muội trở lại tìm.

Bà nhìn sang Triển Mộng Bạch, vẫy tay, như chào biệt, rồi thoát đi, phút chốc mất dạng.

Thái độ của bà phiêu diêu quá. Lo ngại cho sức khỏe của người định giết mình, hòa dịu với người hoàn toàn xa lạ, con người đó, ai gặp mà chẳng mến?

Thế mà tại sao Tiêu Tam phu nhân quyết sát hại cho kỳ được?

Bà ấy đi rồi, Tiêu Tam phu nhân trở lại với Triển Mộng Bạch.

Phu nhân bảo:

- Chúng ta xuống núi thôi!

Mục kích những diễn tiến vừa qua, Triển Mộng Bạch cho rằng phu nhân quá tàn khốc.

Chàng lạnh lòng, không muốn đi theo bà nữa.

Chàng lắc đầu thốt:

- Hảo ý của phu nhân, vãn bối xin tâm lãnh, song chiếc thân cô độc này, từ nay một mình vãn bối để mặc cho nó lênh đênh giữa dòng đời, chẳng dám đeo đẳng bên cạnh phu nhân, gây lụy phiền cho phu nhân phải chiếu cố. Vô luận làm sao...

Phu nhân biến sắc mặt đến trắng nhợt, run run giọng:

- Ngươi... ngươi muốn đi...

Bà lảo đảo người, rồi ngã xuống.

Bà đưa tay, nắm chân của Triển Mộng Bạch, năm ngón tay gầy guộc trắng nhợt, mảnh mai, kẹp cứng chân chàng như năm gọng kềm.

Triển Mộng Bạch đau nhói.

Niềm đau cắt thịt không có thấm thía bằng niềm đau tâm tư.

Bất giác, chàng chặt mạnh tay xuống, cao giọng đáp:

- Phải! Tại hạ muốn đi! Tuy tài nghệ của tại hạ chẳng cao, song cái tâm của tại hạ chưa thấp, thấp đến độ quên đi nhân đạo. Tại hạ không thể đồng hành với một người vô tâm, một người không còn xem trọng nhân đạo!

Phu nhân chụp tay chàng, bóp mạnh.

Chàng lại nghe đau nhói lên, song mặt chẳng hề nhăn, ngực vẫn hướng tới, lưng thẳng như cán búa.

Tiêu Tam phu nhân từ từ hỏi:

- Ngươi biết gì, lại phê phán ta như thế?

Rồi bà buông tay, bật khóc.

Bà tiều tụy, phạc phờ, dáng người bịnh hoạn, trông đã thê thảm lắm.

Bà cao tuổi, trông đáng thương lắm.

Giờ bà lại khóc! Những giọt nước mắt còn lại trong lứa tuổi của hạng người cạn nguồn lệ từ lâu. Những giọt nước mắt đó bi thảm làm sao.

Toàn thân của bà, là hình thành của thê lương, giờ bà khóc, cái hình thành thê lương đó, như được rửa bằng những hạt lệ cuối cùng, hiện ra thêm rõ nét.

Nhưng, đã có chủ trương, chàng không hề dao động trước hình ảnh thê lương đó, đã hơn một lần làm chàng thất vọng. Triển Mộng Bạch vờ chẳng nghe, chẳng thấy gì.

Chàng ngẩng cao mặt, quay nhanh mình, bước đi.

Chàng đi được hai bước, đột nhiên dừng chân lại. Bởi tiếng khóc sau lưng vang lên càng lúc càng lớn, tiếng khóc xoáy mạnh vào tai chàng.

Tiếng khóc đó như biến thành một sợi dây vô hình, quấn chặt đôi chân chàng, giữ lại.

Chàng rung người, quay mình trở lại, đến cạnh phu nhân, nâng bà đứng lên.

Sương còn phủ kín đầu non, một già một trẻ lặng lẽ trong lướp sương mờ từ từ xuống.

Chàng không nói với phu nhân một tiếng nào, phu nhân cũng chẳng nói một tiếng nào.

Chàng cũng chẳng buồn nhìn sang bà, nhưng cảm thấy thân hình bà càng phút càng nặng hơn.

Thoạt đầu, bà nương theo tay chàng, bước đi, dần dần chừng như bà tựa hẳn mình vào chàng, bà trở thành cái tay nải chàng đèo xuống núi.

Nhưng, một tay nải biết thở, lại thở gấp, thở gấp, thở hổn hển tưởng chừng bà có thể đứt hơi bất cứ phút giây nào.

Xuống đến chân núi, thì Tiêu Tam phu nhân hoàn toàn bất lực đến độ nhấc bước lê theo chàng không nổi nữa.

Triển Mộng Bạch hoang mang vô cùng.

May thay, ngôi tiểu khách sạn đã hiện ra trong tầm mắt chàng.

Chàng bế xốc phu nhân lên, phi thân về phía đó.

Đến khách sạn rồi, chàng cứ chạy luôn vào, không nói năng tiếng gì với tiểu nhị, nghinh đón nơi cửa.

Giả như chàng nói qua loa cho tiểu nhị biết là chàng đưa một bịnh nhân đến đây, hẳn tiểu nhị không để cho chàng vào.

Bởi, có khách sạn nào lại thích tiếp nhận một khách hàng chờ chết? Chứa một khách hàng chờ chết, phỏng được bao nhiêu ngày tiền, ngoài ra còn bao nhiêu phiền phức khi khách hàng chết thực sự, không kể cái chết đó sẽ đem điềm xui cho công cuộc kinh doanh?

Thực ra, tiểu nhị cũng có thấy tình trạng đáng ngại của Tiêu Tam phu nhân.

Song, hắn thấy thần sắc của Triển Mộng Bạch nghiêm lạnh phi thường, gia dĩ chàng mặc tang phục, hắn ngài ngại, chẳng dám mở miệng.

Gian phòng khá rộng, chỉ vì tựa về phía hậu vào vách núi cao quanh năm suốt tháng chẳng có chút dương quang rọi vào. Do đó, khí trong gian phòng rất ấm, rất lạnh.

Và tự nhiên là phải tối.

Trà thuộc loại thường, quá đắng, dù đang khát cũng khó uống trôi một chén trọn hơi.

Triển Mộng Bạch không còn lựa chọn một nơi nào khác giữa vùng hoang vắng lạnh lùng này.

Có cái gì, người ta cung cấp, chàng phải chấp nhận cái đó. Nếu từ khước, thì chẳng khác đổi thay.

Chàng đành uống mấy ngụm trà.

Rồi chàng gọi tiểu nhị vào phòng, hỏi:

- Gần đây, có danh y nào chăng?

Tiểu nhị chưa kịp đáp, phu nhân thở dài, ngăn lại:

- Không cần phải gọi y sư. Bệnh của ta, có từ ba mươi năm nay chứ chẳng phải mắc phát một sớm một chiều. Trên đời này, chẳng có y sư nào chữa được! Có gọi cũng vô ích!

Triển Mộng Bạch khoát tay cho tiểu nhị bước ra, chàng dặng hắng mấy tiếng.

Chàng cảm thấy tâm tư chàng còn đắng hơn ngụm trà vừa nuốt.

Tiêu Tam phu nhân điểm một nụ cười, thốt:

- Ngươi không sợ hãi! Không chết đâu! Bao mươi năm nay, ta và chứng bịnh khai chiến trường kỳ, ta không khỏe, nhưng bị vẫn chưa triệt ngã ta nổi. Tuy mang chứng kinh niên này, nếu ta muốn phục thù, thì ta vẫn khổ luyện công phu. Nhưng đến ngày nay thì quá muộn rồi, chứng bịnh dần dần chiếm ưu thế, và ta sẽ bại nay mai.

Bà thở ra mấy hơi, vừa nhắm mắt lại, vừa tiếp:

- Ngươi yên trí. Ta nằm nghỉ ngơi một chút là cơn nguy sẽ qua!

Bà nằm xuống giường, hơi thở nhẹ lại vang lên đều đều, như ngủ.

Triển Mộng Bạch suy nghĩ mãi, chẳng hiểu tại sao con người tàn khốc như vậy mà lại đối xử hết sức là chân thành với chàng.

Có những sự việc, thà chết đem theo chứ chẳng khi nào tiết lộ với ai, huống chi càng không nên tiết lộ với người lạ!

Nhưng bà vẫn tiết lộ với chàng.

Chàng ngồi thừ một đống trên ghế, lâu lắm, mới đứng lên, bước ra ngoài, khép trái cửa lại.

Chàng bước từ bước một xa dần gian phòng, đến khoảng trống có ánh dương quang.

Gió núi lộng về, còn mang cái lạnh của sương mờ, gió lay động những màng lưới nhện giăng mắc đó đây.

Lưới nhện trên mái nhà, lưới nhện ngoài sân cỏ, chừng như nơi đây người ta ít quét dọn cho gọn gàng.

Bên cạnh gian phòng chàng thuê, có hai dãy nhà. Nhà cũng u ám như phòng chàng.

Chàng bước tới lui nơi thềm, bên dưới mái nhà, suy nghĩ về hoàn cảnh của mình.

Bước chân chàng vang lênh chình chịch, nặng nề quá chừng, chân bước nặng, tâm tình cũng phải nặng.

Trong hai dãy nhà đó, những người trú ngụ chừng như toàn là bịnh nhân.

Thỉnh thoảng, từ nơi đó phát ra những tiếng rên la, vọng đến tai chàng.

Chàng đi thẳng đến gian phòng ăn, dùng qua mấy món, uống mấy chén rượu giải sầu.

Chàng ngồi đó, trông thấy người ta vui vẻ, nghe người ta cười nói, lòng càng se thắt, càng ngồi đó thêm chạnh nỗi niềm.

Không thể ngồi lâu hơn nữa, chàng rời phòng ăn chầm chậm bước, trở lại phòng.

Thời gian từ từ trôi, ngày sắp hết, hoàng hôn xuống.

Tiêu Tam phu nhân vẫn còn ngủ say.

Ở bên cạnh một người bịnh, đã là một cái khổ rồi, người bịnh lại ngủ mê man. Triển Mộng Bạch hơn bao giờ hết, cảm thấy cái cô tịch quá nặng nề đối với chàng.

Huống chi, cô tịch lại đến với chàng trong lúc này, ngày tàn, đêm xuống.

Phải chi có vài tiếng chuông chiều của chùa vẳng đâu đây vang lên, chắc chắn là chàng đổ lệ cô đơn để hồi ức lại bao buồn thương tủi hận!

Chàng không muốn trở về phòng riêng của chàng, mà không trở về đó thì còn có thể đi đâu?

Nơi đây, là vùng hoang lạ đối với chàng, lại nữa, đêm sắp xuống trong phút giây, có ai nhàn tản bước phiếm vào thời gian bất hợp ở chốn lạ lùng?

Chàng còn do dự, chưa biết nên về hay nên ở, bỗng nghe có tiếng hét từ gian nhà bên cạnh vọng sang.

Rồi tiếp theo, tiếng kêu thảm rất gấp.

Cuối cùng, một tiếng bình tiếp nối, chấn động cửa sổ của gian nhà đó gãy văng tứ tán.

Một bóng người từ bên trong bay vút ra rơi xuống đất lăn trong mấy vòng, máu miệng trào ra lênh láng.

Triển Mộng Bạch kinh hãi, bước gấp đến nơi, nhận ra người đó là một thiếu niên, vận y phục màu xanh nhạt, gương mặt của hắn hiện tại đồng màu với y phục.

Hắn mở to mắt nhìn Triển Mộng Bạch, nhưng thân hình lăn lông lốc, lăn mãi đến tường, trèo qua bên tường, thoát đi ra ngoài.

Hắn còn kinh hoảng thấy rõ.

Triển Mộng Bạch sững sờ, chẳng hiểu chi cả.

Vừa lúc đó, một giọng già vang lên oang oang, đầy căm phẫn:

- Nghiệt chướng!... Ngươi chạy đi đâu chứ?...

Trong bóng tối mờ mờ chàng thấy một lão nhân, râu rối loạn, tay vịn bàn, tựa mình cạnh một chiếc giường.

Lão nhân chớp chớp đôi mắt, hung quang bắn sáng ngời, như đôi mắt một sư tử bị thương.

Lão hét xong, lại ngã xuống giường, tay bóp mạnh, mép bàn vỡ vụn.

Triển Mộng Bạch nhận ra đôi chân lão cụt đến háng. Một lượt vải bọc bên ngoài vết thương, chưa mở ra, chứng tỏ vết thương không lâu lắm. Một bằng cớ cho vết thương còn mới là máu hơi rỉ ra ngoài lớp vải.

Động lòng trắc ẩn, trước bất cứ hoạn họa của con người, bất chấp nguyên nhân của hoạn họa, Triển Mộng Bạch thở dài.

Thiếu niên kia chưa đi, hắn còn ở bên ngoài tường, hắn ló đầu lên, quát lớn:

- Lão già chưa chết kia, lão đuổi theo thiếu gia được chăng? Ha ha! Lão trúng phải Tình Nhân tiễn, liệu còn sống được bao lâu nữa mà hòng hăm dọa tôi chứ? Nếu lão không nạp mạng cho tôi, thì vô phúc cho lão đấy. Nghe lời tôi đi, tôi sẽ lo hậu sự cho! Nếu không thì xác lão không ai chôn, rất có thể làm mồi cho chó hoang lắm!

Triển Mộng Bạch cau mày, bất nhẫn vô cùng.

Lão nhân bỗng hét lên một tiếng lớn, vung mạnh bàn tay.

Một đạo ngân quang từ tay lão vút đi, xuyên qua cửa sổ, bay thẳng đến thiếu niên ở đầu tường.

Thiếu niên hấp tấp thụp đầu xuống, đúng lúc đạo ngân quang bay ngang bên trên rít gió một tiếng vù.

Ngân quang còn mạnh đà, bay luôn đi xa hơn trượng nữa, rồi một tiếng cộc vang lên, ngân quang cắm phập vào thân một cây liễu.

Triển Mộng Bạch sợ thầm.

Lão nhân đã bị tiện đôi chân, vết thương chưa lành, sức khỏe phải kém giảm, vậy mà vẫn còn công lực phi thường phóng một mũi chủy thủ rất mạnh, đi rất xa.

Chủy thủ vút đi, như một mũi tên, quả thật người phóng được một ám khí mạnh như vậy, hắn phải là tay phi phàm.

Thiếu niên lại thò đầu lên, cười lạnh:

- Lão liệu phóng trúng tôi chăng?

Bỗng, lão nhân ấn tay xuống mép giường.

Bàn tay vừa ấn xuống, thân hình lão bay vút qua cửa sổ.

Thiếu niên biến sắc, không dám nói gì nữa, phóng chân chạy đi, nhưng hắn cần gì phải chạy? Lão nhân ra đến bên ngoài, công lực gián đoạn, lão rơi xuống đất.

Lão liền miệng mắng:

- Súc sanh! Ngươi trốn... ngươi trốn...

Hai bàn tay lão sờ soạng khắp mặt đất, gặp đá chụp đá, gặp sỏi chụp sỏi, gặp vật gì, chụp vật đó, vừa chụp, vừa quăng qua tường, vừa nhoài nhoài tới, nhưng dù lão cố gắng cách nào, cũng chẳng làm sao vọt lên đầu tường nổi.

Triển Mộng Bạch dặng hắng một tiếng, gọi:

- Lão trượng...

Lão nhân cụt chân ngẩng mặt lên, đôi mắt của lão đỏ ngầu, những đường gân phồng máu nổi lên chằng chịt.

Lão có thần sắc đáng sợ.

Nhưng, Triển Mộng Bạch lại thương cảm cho lão vô cùng, buột miệng thở dài, từ từ bước tới gần lão, tiếp:

- Lão trượng nên về phòng nghỉ là hơn. Nếu cần, tại hạ sẵn sàng dìu lão trượng.

Lão nhân cụt chân hét to:

- Ngươi là ai? Đi! Đi mau đừng lại gần ta!

Lão quào hai tay xuống mặt đất, như đôi chân hổ sắp sửa vồ mồi.

Triển Mộng Bạch thở dài, cười khổ:

- Do hảo ý, tại hạ khuyên lão trượng như vậy đó, chứ chẳng làm gì thiệt hại đến lão trượng đâu!

Lão nhân cụt chân bật cười cuồng dại:

- Hảo ý! Hảo ý!... Hừ!... Chứ chẳng phải là ngươi dòm ngó cái vật của ta? Ngươi có khác gì gã súc sanh kia đâu? Ngươi định lừa ta à? Ta nói thật, nếu ngươi nhích tới một bước nữa, dù mất đôi chân, ta vẫn có thể giết ngươi như thường!

Triển Mộng Bạch nổi giận, nhướng cao đôi mày:

- Bất quá, tại hạ thấy lão trượng niên kỷ cao lại tàn phế, động lòng trắc ẩn, muốn làm một cái gì giúp lão trượng...

Chàng sôi giận cực độ, không còn nói tiếp được một tiếng nào nữa, mà chàng cũng chẳng muốn nói thêm gì, quay mình bỏ đi.

Lão nhân đấm tay xuống đất bịch bịch, hét vang:

- Ai cần ngươi thương xót? Ai mượn ngươi động lòng trắc ẩn? Cút! Cút gấp cho khỏi bẩn mắt ta!

Âm thinh của lão đượm bi thương lẫn căm hờn, lão nhìn theo bóng Triển Mộng Bạch, khi càng khuất dạng rồi, đôi mắt lão bừng sáng lên.

Không phải nhãn quang của lão, mà là màn lệ vừa giăng mắt. Chính màn lệ đó chiếu ngời...

Lão nhìn xuống đôi chân cụt.

Tâm não của lão vẫn y nguyên, dù ai muốn làm cho tâm não đó cụt như đôi chân, cũng chẳng được.

Song, ai muốn làm như thế, cũng chẳng cần phải làm, bởi tâm não của lão hiện giờ, nát bấy như ruột dưa thúi.

Lão thống khổ vô cùng.

Lão dùng tay, từ từ đưa nửa thân hình trở lại phòng.

Bỗng lão gọi:

- Người trẻ tuổi kia, trở lại đây!

Thiếu niên đã gây sự với lão, hay Triển Mộng Bạch?

Và, Triển Mộng Bạch có nghe chăng?

Chàng biết rõ, Tiêu Tam phu nhân tỉnh giấc rồi, tỉnh giấc vì bao nhiêu tiếng động vừa qua, chàng bước vào.

Phu nhân lẩm nhẩm:

- Ai thế? Ai thế?

Rồi bà hỏi chàng:

- Ai gọi ngươi?

Triển Mộng Bạch đáp:

- Một lão nhân tàn phế.

Chàng toan thuật sơ lược sự tình từ đầu đến cuối cho phu nhân nghe, song phu nhân khẽ mở nửa mắt, ánh mắt của bà lờ đờ như nhọc mệt vô cùng, bà bảo:

- Đến với lão ấy, xem sao, ta còn muốn ngủ một lúc nữa!

Bà có vẻ không hề lưu ý đến bất cứ sự việc gì, như vậy chàng còn thuật chuyện làm chi?

Chàng trầm ngâm một lúc, rồi bước sang gian nhà của lão nhân cụt chân.

Chàng đến đó, với niềm phẫn hận phi thường, song gặp lão nhân rồi, chàng thấy không nỡ đối xử cứng rắn với lão.

Chàng thở dài, hỏi:

- Lão trượng gọi tại hạ?

Lão nhân cụt chân lết đến chiếc giường, ngồi xong, nhìn Triển Mộng Bạch, chăm chú như tên đồ tể quan sát một con heo trước khi ngã giá.

Lâu lắm, lão vẫy tay:

- Lại đây!

Giờ đây, khí giận đã lắng dịu rồi, thần sắc trang nghiêm trở lại, lão nhân hầu như đã khôi phục bình thường.

Trong phòng, có một chiếc bàn, trên mặt bàn, có nhiều lọ thuốc.

Bàn đặt không xa một chiếc giường, nơi đầu giường có một chiếc bao bố màu vàng.

Trong bao có những vật gì?

Bao đặt tại đầu giường, hẳn những vật trong bao phải quý. Có quý lão nhân mới trân trọng đặt cạnh đầu nằm như thế.

Lão nhân cụt chân nhìn Triển Mộng Bạch, một lúc, hỏi:

- Ngươi có học võ?

Triển Mộng Bạch gật đầu.

Lão nhân lại hỏi:

- Ngươi có nhận ra ta chăng?

Triển Mộng Bạch lắc đầu.

Lão nhân chớp mắt. Ánh mắt của lão bừng sáng lên.

Lão thốt:

- Đã học võ, lại mang tang phục, tất thân nhân bị kẻ thù hãm hại. Có kẻ thù tất phải nghĩ đến việc báo thù. Ngươi có muốn tay truyền cho ngươi một vài tuyệt kỹ giúp ngươi phục thù chăng?

Triển Mộng Bạch nín lặng, không thốt tiếng nào.

Lão nhân bất thình lình đánh tay ra. Chiêu đó, rất bình thường nhưng cái thế đánh ra của lão làm cho Triển Mộng Bạch giật mình.

Bởi, lão đánh tay xuống, sao lại hướng lên? Lúc xuất thủ, lão nhắm bên tả, sao tay lại chuyển sang hữu?

Tay đưa ra, tay chưa tới, ý đã đổi rồi, mà tay dù nghịch chiều, tay vẫn xoay về theo cái ý.

Cho nên, nhìn theo tay mà xuất chiêu hóa giải, là cầm chắc bị hạ ngay, muốn khỏi bị, phải đoán được cái ý của lão nhân.

Cái ý của một người, có ai đoán được?

Ai dám chắc mình đoán trúng cái ý của một người? Huống chi, cái giá của cuộc ức đoán này, mang với sanh mạng một con người?

Ai dám đem sanh mạng để thực nghiệm một sự ức đoán?

Chiêu thức của lão nhân đánh ra, xem thì bình thường, song nó hàm ẩn một huyền cơ.

Đã là huyền cơ, đương nhiên phải ảo diệu vô lường.

Nhìn thần sắc Triển Mộng Bạch, lão nhân cụt chân cười nhẹ, thốt:

- Nếu ngay từ bây giờ, ngươi thu xếp cách nào, đưa ta về Hàng Châu, ta sẽ đền ơn ngươi bằng ba chiêu tuyệt học. Vô luận cừu nhân của ngươi là ai, với ba chiêu đó, ngươi đánh ngã như thường.

Triển Mộng Bạch điềm nhiên:

- Tại hạ có thể thuê cho lão trượng một cỗ xe, đưa lão trượng đến đó.

Lão nhân cụt chân lắc đầu:

- Nếu chỉ có việc thuê xe, thì ta có cần gì nhờ đến ngươi? Ta muốn chính ngươi cõng ta. Dọc đường, nếu gặp cừu nhân, dù ta đã mất đôi chân, ta vẫn đánh lui bất cứ ai ngăn chận lối đi được như thường. Nhất định không một ai làm gì thương tổn đến ngươi nổi.

Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp:

- Nếu ngươi làm được việc đó, chẳng những ta...

Triển Mộng Bạch chận lời:

- Tại hạ bận việc!

Lão nhân cụt chân biến sắc mặt.

Niềm phẫn nộ chợt hiện, lão quát:

- Ngươi đúng là một kẻ bất thức thời vụ! Ta có ý tốt với ngươi, ngươi lại từ khước cái ý tốt đó! Bình sanh, ta không hề cầu xin nơi ai, hôm nay...

Triển Mộng Bạch cũng sôi giận, nhướng cao đôi mày, đáp:

- Lão trượng bình sanh có cầu xin nơi ai hay không cầu xin, điều đó chẳng liên quan gì đến tại hạ. Hiện tại, trong phòng tại hạ có một người bịnh, tại hạ làm sao bỏ người đó lại đây để đưa lão đến Hàng Châu?

Rồi chàng thở dài, tiếp:

- Hà huống, tại hạ phát nguyện, trọn đời không hề bước chân vào nhà Tần Sấu Ông!

Lão nhân cụt chân biến sắc hơn, run run giọng hỏi:

- Tại sao ngươi biết ta đến Hàng Châu để tìm Tần Sấu Ông?

Triển Mộng Bạch điềm nhiên:

- Lão trượng trúng phải Tình Nhân tiễn, tuy đôi chân trúng tiễn đã bị cắt đứt rồi, dư độc vẫn còn trong người. Cắt đứt chân, là trừ bớt độc, sống thêm một thời gian, dư độc còn lại sẽ hại dần hại mòn lão trượng, cuối cùng rồi cũng chết vì độc. Lão trượng hẳn muốn giải trừ dư độc, và ngoài Tần Sấu Ông, còn ai làm được?

Nhắc đến Tần Sấu Ông, chàng không kềm nổi uất hận, đôi mày cau lại, ánh mắt rực đỏ lửa căm hờn.

Ngờ đâu, lão nhân bật cười cuồng dại, thốt:

- Ngươi thông minh thật, song kẻ nào thông minh đến đâu, cũng có lúc đoán sai!

Triển Mộng Bạch sững sờ.

Lão nhân ngẩng mặt nhìn lên, niềm bi phẫn hiện trong ánh mắt.

Một lúc lâu, lão gằn từng tiếng:

- Ta suốt đời tung hoành trong thiên hạ, trải qua bao nhiêu gian khổ, tạo được một chút thanh danh, kể ra sống cũng quá nhiều rồi, bây giờ lại tàn phế, như vậy ta còn luyến tiếc chi mà phải cầu sự sống nơi lão tục thúi đó?

Nghe lão nhân phê bình Tần Sấu Ông là lão tục thúi, Triển Mộng Bạch rất đồng tình.

Chàng căm hận, phụ họa:

- Con người, đúng là một phàm phu tục tử lại hung tàn, ác độc, lại quá giảo quyệt gian manh, giả như mà tại hạ có trúng phải Tình Nhân tiễn, chết thì chịu chứ chẳng hề van xin đến lão nửa lời!

Chàng là người cương trực, nghĩ sao là nói vậy, nói sao là làm vậy.

Cái cảm nghĩ vừa hiện trong tâm tư là hình thành ngay nơi mặt.

Mà lão nhân cụt chân chừng như cũng đồng một quan niệm với chàng về cái lối xử sự.

Thà gãy, chứ chẳng bao giờ chịu uốn cong.

Chàng thấy tuyệt kỹ của lão, chàng nghe lão đề nghị, kể ra cũng phải ham chứ!

Song chàng không thể bỏ rơi bịnh nhân, chạy theo cái lợi cho chàng.

Đành rằng cái lợi đó, nằm trong khuôn khổ hiếu đạo, báo thù cho cha cũng là một hình thức làm tròn hiếu đạo.

Song chàng không làm.

Dù chàng có làm, Tiêu Tam phu nhân cũng chẳng trách được chàng, mà người trong giang hồ cũng chẳng trách được chàng.

Bởi, là con người, ai không cha? Có chết ai lại bỏ cha? Cha sống, phải phụng dưỡng, cha chết tức, chết vì thù, ai lại không nuôi chí báo phụ cừu?

Không, không ai trách được chàng nếu chàng bỏ rơi Tiêu Tam phu nhân, chạy theo lão nhân cụt chân.

Lão nhân có vẻ tán thưởng thái độ của chàng.

Thần sắc của lão hòa dịu trở lại, lão tiếp:

- Ta đến Hàng Châu, không ngoài mục đích tìm một người. Bịnh nhân ở trong phòng của ngươi đó, là ai? Nếu bịnh tình mà không nặng lắm, ngươi có thể vắng săn sóc một vài ngày. Ngươi nghĩ lại đi. Ngươi đưa ta đến Hàng Châu rồi, ngươi sẽ trở lại đây.

Triển Mộng Bạch thở dài:

- Người bịnh trong phòng kia, đối với tại hạ, bất quá từ sự tương phùng bèo nước mà thành giao hữu, tuy chưa có gì đậm đà, song cũng không thể vì chỗ sơ giao, nghĩa còn đạm bạc mà bỏ đi cho đành khi người ta cần đến mình rất nhiều. Giả như tại hạ bỏ đi theo lão trượng thì... chỉ sợ...

Chàng còn lòng nào dám kết luận? Một kết luận do tưởng tượng, vẫn bi đát như thường.

Chàng nỡ nào nói lên kết luận đó?

Tuy nhiên, chàng có thể tiếp một câu:

- Bịnh đã trở thành bất trị, lão trượng...

Lão nhân cụt chân lẩm nhẩm:

- Bịnh bất trị! Hừ!... Ta đây, có khác chi người đó? Cũng bịnh bất trị! Nhưng nếu ta không làm xong cái việc ủy thác của một người thì làm sao ta yên tâm nhắm mắt?

Lão thở dài.

Rồi lão lẩm nhẩm rất nhỏ, Triển Mộng Bạch chỉ thấy môi lão mấp máy, chứ không nghe được gì.

Chàng thốt:

- Tuy hiện tại, tại hạ không làm được hữu ích cho lão trương, song tại hạ là người sanh trưởng tại Hàng Châu, lão trượng muốn tìm ai ở địa phương đó? Xin lão trượng cho tại hạ hiểu, biết đâu người đó lại chẳng ở trong vòng thân mật?

Lão nhân đáp:

- Bình sanh, ta không thân nhân, không bằng hữu. Người đó đối với ta, bất quá chỉ có cái duyên gặp gỡ trong một lần. Tuy giao tình đơn bạc như vậy, song nếu ta chết đi mà không được gặp lại người đó, thì ta ôm hận mãi mãi nơi tuyền đài!

Lão thở ra, tiếp nối:

- Chết đi, mà không thấy được mặt người đó, ta chết làm sao yên?

Triển Mộng Bạch lấy làm lạ, hỏi dồn:

- Người đó là ai, hở lão trượng?

Lão nhân buông từng tiếng, nặng nề:

- Thủ lãnh Nhân Nghĩa tứ hiệp, họ Triển, tên Hóa Vũ!

Triển Mộng Bạch như hứng sét nổ ngang đầu.

Chàng lùi nhanh một bước, thở gấp:

- Lão trượng tìm người đó để làm gì?

Lão nhân cụt chân thở dài:

- Ta muốn cho lão ấy biết độc chất của Tình Nhân tiễn, lão truy cứu căn nguyên, tìm giải dược, giúp người đời khỏi bị chết oan, đồng thời hoạch định phương sách diệt trừ một mối họa. Ta đem trọ sở học bình sanh truyền cho lão ta, nhờ lão tìm hộ ta một đệ tử, lão đem sở học của ta truyền thọ lại cho người đệ tử đó, như vậy chẳng khác nào ta gián tiếp thu nhận môn đồ, bất quá qua trung gian của lão thôi. Và như vậy, môn phong của ta không tiêu diệt. Lão ấy, tài thì chẳng cao cho lắm, song tánh khí thì dũng cảm, mãnh liệt hơn người, lão lại gìn nhân, trọng nghĩa, lão có đúng tư cách một hiệp sĩ. Trong thiên hạ võ lâm ngày nay, chỉ có một lão ta, là làm cho ta thỏa mãn mà thôi!

Lão thở ra mấy lượt, lắc đầu mấy lượt, đoạn lẩm nhẩm:

- Trong võ lâm ngày nay, sao hiếm người tốt quá chừng! Mẫu người của Triển Hóa Vũ rồi cũng tàn diệt dần dần, đến một ngày nào đó, võ lâm sẽ gồm ác quỷ hung thần, hoặc hồ ly, hoặc lang sói.

Lão nói rất nhiều, lão nói đến nửa chừng cầu chuyện, Triển Mộng Bạch đã rơi lệ rồi.

Khi lão ngừng lại, Triển Mộng Bạch ngã phịch người trên chiếc ghế, lệ nóng khích động trào mi như xối.

Chàng khóc một lúc, niềm đau lắng dịu phần nào, chàng từ từ thốt:

- Chỉ sợ... lão trượng... sẽ không còn gặp được người lão trượng muốn gặp!

Lão nhân cụt chân giương tròn đôi mắt, hét to:

- Ngươi nói gì?

Triển Mộng Bạch lại xúc động tâm tình, bật khóc:

- Ba hôm trước đây, gia phụ trúng phải Tình Nhân tiễn vĩnh viễn ly khai thế gian rồi, lão trượng ơi! Làm sao lão trượng gặp lại người cho được?

Lão nhân cụt chân run run giọng kêu lên:

- Lão... lão ấy... ngươi là... ngươi là con của lão ấy? Lão... đã trúng Tình Nhân tiễn?... Lão chết rồi?... Cao xanh ơi! Hỡi cao xanh.

Lão rung động toàn thân.

Lão dừng câu nói một lúc lâu, lão nắm tay lại, đấm vào bên cạnh tâm mạch, gương mặt vàng nhợt của lão vụt biến sắc trắng nhợt.

Đôi mắt của lão mất thần.

Triển Mộng Bạch nghe một tiếng bình, giật mình, ngẩng mặt lên, thấy lão nhân biến đổi thần sắc, kinh hãi kêu lớn:

- Tiền bối...

Lão cụt chân không ngừng tay, cứ đấm vào chỗ ngực, cách tâm mạch độ tấc.

Lão đấm bảy tám lần như vậy, vừa đấm lão vừa hỏi:

- Ngươi tên chi?... Tên chi?

Triển Mộng Bạch hấp tấp cho lão biết tên chàng.

Lão nhân dừng tay, thở mạnh một lúc, tâm tư lắng dịu rồi lão gọi chàng:

- Triển Mộng Bạch! Bước lại đây, quỳ xuống!

Triển Mộng Bạch sững sờ.

Chàng cau mày, không đáp, mà cũng chẳng bước tới.

Lão nhân nổi giận:

- Quỳ xuống mau! Ta nói gì, ngươi không nghe à?

Lão phẫn nộ, mà cũng có vẻ khẩn trương cực độ.

Tuy nhiên, Triển Mộng Bạch không vì thương cảm một người lạ mà phải hạ mình trước người lạ đó.

Chàng điềm nhiên đáp:

- Bình sanh, tại hạ không hề cam tâm khuất phục trước bất kỳ ai! Bỗng dưng, tiền bối bảo tại hạ quỳ xuống, khi nào tại hạ vâng lời?

Chừng như chàng có cảm tình đối với lão nhân, nên thái độ của chàng rất bình hòa, lời nói êm dịu, dù cái ý có phần cứng rắn.

Lão nhân cụt chân quắc mắc sáng ngời lửa hận, nhìn chàng.

Chàng không tránh né ánh mắt đó.

Cả hai nhìn nhau một lúc lâu, lão nhân cụt chân bỗng thở dài, trầm giọng thốt:

- Vừa rồi, tâm thần của ta bị khích động mãnh liệt, chân lực hộ vệ quanh tâm mạch tiêu tán, chất độc dư trong cơ thể xung phá tâm ta, ta phải vận dụng khí lực còn lại, bức dư độc tản mác nơi khác. Tuy cơn nguy đã qua, song bất quá chỉ tạm thời thôi, ta miễn cưỡng chi trì độ chừng một khắc thời gian nữa, chứ không hơn, sau đó, dư độc gom tụ trở lại, dù cho ta có gặp bậc đại la thiên tiên cũng chẳng mong gì được cứu sống.

Triển Mộng Bạch hiện lộ rõ niềm bi thương, dàu dàu nét mặt.

Chàng sắp sửa quỳ xuống, bởi không nỡ làm gì trái ý lão nhân, sợ lão lại khích động như trước rồi phải chết gấp.

Bỗng, lão nổi giận trở lại, lão quát:

- Ai mượn ngươi lo hậu sự cho ta? Con người chết là hết! Xác của ta, có làm mồi cho chó hoang, ta cũng không màng, cần gì ngươi quan tâm đến điều đó?

Triển Mộng Bạch sững sờ.

Lão dịu giọng hướng sang Triển Mộng Bạch:

- Sở dĩ ta bảo ngươi quỳ, là vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, ta thu ngươi làm môn đệ, ta truyền thụ sở học của ta cho ngươi và trao luôn cho ngươi một tín vật. Sau đó, ta có chết trong một phút giây nào, hoặc sớm, hoặc muộn hơn ức đoán, ta cũng vui mà nhắm mắt. Ngươi chẳng hiểu gì cả, dần dà, do dự, chống đối, làm mất mát bao nhiêu giây phút quý báu! Ngươi có biết không?

Triển Mộng Bạch lùi lại một bước, nghiêm giọng hỏi:

- Tiền bối mới gặp tại hạ lần đầu, sao lại biết tại hạ đảm nhận nổi trọng trách mà có ý giao phó?

Lão nhân quát:

- Câm miệng lại! Ta biết xem người, ta nhận ra ngươi có tư cách làm đệ tử của ta. Chứ nếu không thì dù ngươi có lạy ta mà cầu khẩn vị tất ta nhìn ngươi nửa mắt?

Lão hoành tay, lấy chiếc bao bố màu vàng nơi đầu giường, rồi hét:

- Quỳ xuống! Quỳ gấp!

Triển Mộng Bạch thở mạnh:

- Tuy tiền bối có nhã ý tuyển chọn tại hạ, song chấp nhận như thế này, thì tại hạ thấy hồ đồ quá chừng! Có ai nhập môn một cách vừa miễn cưỡng, vừa hấp tấp? Ít nhất tại hạ cũng phải biết cái người mình bái phục làm sư phó như thế nào chứ?

Lão nhân cụt chân giật mình, suy nghĩa một chút, rồi bật cười lớn:

- Tốt! Tốt lắm! Như vậy mới đúng là con người có chí khí! Tần Vô Triện này tuy già song con mắt còn tỏ! Mắt sáng tỏ nên không đến đỗi nhìn lầm người!

Bàn tay hữu vung ra, từ trong bao, một lá cờ mở rộng, cán nằm trong tay lão.

Cán, màu đen bằng sắt, cờ là một tấm bố trắng.

Cờ, không hình vẽ, không chữ.

Cờ rất thông thường, chẳng có một điểm nào tỏ ra là cờ có cái giá trị cỏn con.

Nhưng, Triển Mộng Bạch vừa trong thấy lá cờ, rung động toàn thân, buột miệng kêu lên:

- Bạch Bố Ma Kỳ!...

Lão nhân cụt chân gật đầu:

- Phải! Lão chính là Bạch Bố Kỳ Tần Vô Triện! Ta là Chưởng môn nhân Bố Kỳ môn, ngươi là môn hạ của Bố Kỳ môn, cũng chẳng đến đỗi nhục lắm!

Lão đang ủ rũ vì tình trạng vô vọng, bỗng thần sắc sáng rực lên, chừng như nhắc đến tên hiệu của mình, dĩ vãng vàng son hiện ra, lão tưởng chừng mình đang liệt oanh ngang dọc khắp sông hồ như ngày nào.

Triển Mộng Bạch lẩm nhẩm:

- Khiếu Vũ Huy Phong Bạch Bố Kỳ! Một lá cờ có ma lực gọi mưa, quét gió...

Chàng không ngờ, lão nhân cụt chân trước mắt, lại là một nhân vật từng gây chấn động võ lâm mấy mươi năm trước đây, từng được thiên hạ giang hồ liệt vào hàng bảy vị danh nhân trong vũ trụ! Lão nhân là người thứ năm trong số đó, có cái ngoại hiệu Bạch Bố Kỳ, có cái oai hiệu lịnh quần hùng, oai đó đưa ra là quần hùng phải cúi đầu nghe lịnh.

Lão từng làm mưa, làm gió thuở xa xưa.

Giờ đây, lão trở thành tàn phế!

Trên thế gian này, có cái gì trường cửu?

Thì anh hùng chung quy rồi cũng đi đến chỗ mạt vận, kể ra cũng là sự thường!

Luật đào thải đã tạo nên luân chuyển, để già đi qua, nhường chỗ cho trẻ vươn lên, chứ nếu không thì mảnh đất trần gian sẽ là tư hữu của một thế hệ sao?

Đành rằng, sự đào thải là lẽ công bằng.

Song, vòng luân chuyển đưa Tần Vô Triện từ ngôi vị thần tượng xuống chỗ đứng của một phế nhân, kể ra cũng có phần nào tàn nhẫn.

Tàn nhẫn hơn nữa là có chỗ đứng mà lão không đứng được! Bởi, ân oán giang hồ đã lấy mất đôi chân!

Sự tàn phế đến với lão, quả thật cay độc!

Bất giác, Triển Mộng Bạch chạnh niềm thương cảm, buột miệng thở dài:

- Tiền bối!...

Trầm ngâm một chút, chàng trầm giọng tiếp:

- Trong trường hợp nào, tiền bối trúng phải Tình Nhân tiễn?

Tần Vô Triện trầm gương mặt đáp:

- Ám khí đó, phát ra rất nhanh, chất độc ngấm nhanh, trong vòng trăm năm qua chẳng có một loại ám khí nào lợi hại bằng. Nhưng, đó chẳng phải là điều mà hào kiệt giang hồ đáng chú trọng. Các điểm cốt yếu, cần tìm hiểu, là sự tương quan giữa Tình Nhân tiễn và Xuyên Tâm lệnh. Hai vật đó, tương phối, tương hợp, cho nên, ngừa được vật này thì lại trúng phải vật kia. Mà luôn luôn hai vật hỗ trợ lẫn nhau.

Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp:

- Dù cho ai có thuật khinh công linh diệu đến đâu, trông thấy Tình Nhân tiễn rồi, có nhảy nhanh lên cao để tránh, đôi chân vẫn trúng như thường!...

Có phải đó là trường hợp của lão chăng?

Lão thở dài, mơ màng một lúc, mới tiếp nối:

- Đó là trường hợp của ta! Ta dám chắc, về thuật khinh công hiện nay trên giang hồ, chẳng có một ai sánh kịp. Rất tiếc, ta đã thọ nạn rồi, mạng sống chỉ còn tính từng giây, từng phút, ta không có thời gian nghiên cứu ma lực của Tình Nhân tiễn! Ta đem sanh mạng đổi lấy một kinh nghiệm đầu tiên, là ta phát giác ra, Tình Nhân tiễn sở dĩ được phát nhanh, chỉ vì một ma lực nào đó, chứ chẳng do một công phu căn bản. Đổi được kinh nghiệm sau? Có những kinh nghiệm sau mới thực sự giúp ích người đời. Ngươi nên nhớ những điều ta vừa giãi bày.

Triển Mộng Bạch nghiêm sắc mặt, đáp:

- Chẳng những tại hạ ghi nhớ, mà lại còn cảm kích vô cùng!

Tần Vô Triện tiếp:

- Ngươi đã chấp thuận là đệ tử Bố Kỳ môn, đương nhiên ta phải...

Triển Mộng Bạch chận lời liền:

- Tiền bối có lòng đoái tưởng, tại hạ xin tâm lãnh và cảm kích vô cùng, song, xin tiền bối thứ cho cái việc bái nhận làm môn đệ.

Tần Vô Triện dửng cao đôi mày, trợn tròng mắt, hỏi:

- Ngươi... tại sao?

Triển Mộng Bạch cúi thấp đầu một chút:

- Tiền bối dù là một nhân vật có võ công tuyệt đỉnh, song vẫn bị Tình Nhân tiễn hãm hại như thường. Tại hạ dù có học hết tuyệt kỹ của tiền bối, cũng chẳng tránh nổi loại tên độc đó. Như vậy, tại hạ còn mong gì báo phục phụ cừu? Không báo phục được phụ cừu thì còn bái nhận làm môn đệ chi nữa? Xin tiền bối xét cho và lượng thứ sự từ khước của tại hạ.

Tần Vô Triện biến sác mặt trắng nhợt.

Lão buồn tủi, hay lão căm hờn?

Lão trầm ngâm một lúc lâu, đoạn nhếch nụ cười thảm đưa ánh mắt nhìn theo chiếc bao bố vàng, và chiếc Bạch Bố kỳ, sau cùng từ từ thốt:

- Ta không ngờ, trên giang hồ, lại có người không chịu bái nhận làm môn hạ Bố Kỳ môn! Một môn phái đã được sáng lập trên trăm năm rồi kế truyền qua mấy mươi thế hệ rồi!

Không lẽ môn phái này phải bị tiêu diệt với cái chết của ta!

Thực ra, Triển Mộng Bạch cũng xót xa vô cùng.

Một con người thét khói nói lửa, từng gieo khiếp đảm trên khắp sông hồ, hôm nay lại buông những lời tuyệt vọng như thế được sao?

Lòng chàng man mác niềm bi hoài.

Lòng đối tượng tràn ngập niềm thống khổ!

Triển Mộng Bạch còn biết làm sao hơn, dù chàng thực sự cũng muốn làm một cái gì để an ủi lão nhân trước giờ lão ra đi vĩnh viễn!

Gió đêm lòn qua song cửa sổ, lùa vào, mang theo cái lạnh của vùng hoang vắng, gió lạnh làm rợn nhẹ cả hai.

Bỗng, có tiếng cười theo gió đưa vào, tiếng cười không cần cái lạnh của gió, tự nó cũng lạnh rồi.

Tần Vô Triện quát:

- Ai?

Bên ngoài, tiếng cười lạnh lại vang lên, tiếng cười dứt, một giọng lạnh tiếp theo:

- Bất công bình! Bất công bình! Ngày nay, vẫn còn có những sự bất công như vậy sao?

Lão phu thật tình không tưởng nổi!

Tiếng cười phát ra từ xa, tiếng nói cũng phát ra từ xa, khi câu nói đến gần dứt, âm thinh nghe lớn hơn.

Sự kiện đó chứng tỏ người cười nói đó đang từ xa xa tiến đến gần.

Rồi, bóng người xuất hiện bên ngoài cửa sổ.

Có đến hai người.

Hai người đó, một già một trẻ, già ốm gầy, trẻ nhỏ thấp.

Người trẻ chính là thiếu niên đã vượt qua tường trước đó, còn người già có đôi mắt rất sáng, tay vuốt vuốt chòm râu dê lưa thưa mấy sợi ngắn.

Người già vẫn giữ nụ cười lạnh nơi môi.

Tần Vô Triện thoáng biến sắc, nhưng liền theo đó, niềm phẫn nộ hiện lên gương mặt.

Lão hét to:

- Phương Tân Phương Nhất Trúc! Phương Dật Phương Trúc Linh! Hai cha con ngươi can đảm quá chừng! Dám trở lại đây tìm ta!

Trở lại tìm chính là người con, cho nên nói rằng cả hai cùng trở lại, thì không đúng lắm, bởi con đi tìm tiếp trợ nơi cha, và đưa cha đến khách sạn này.

Lão nhân gầy ốm, là một độc hành đại đạo ngày xưa tên Phương Nhất Trúc, ngoại hiệu Tuyệt Hộ, một con người có bàn tay ác điều khiển bởi con tâm độc.

Lão đánh cướp nhà nào, là nhà đó chẳng còn một con gà, một con chó, một ngọn cỏ, một lá cây, do đó lão thành danh với cái hiệu Tuyệt Hộ.

Lão tung hoành trên giang hồ suốt một thời gian khá dài, rồi bỗng một hôm cách mười năm qua lão đột nhiên mất tích.

Hôm nay bất ngờ lão xuất hiện.

Triển Mộng Bạch từng nghe nhiều người nói đến thành tích của lão.

Bây giờ chàng trông thấy lão đột ngột, chàng không khỏi giật mình.

Phương Nhất Trúc lạnh lùng thốt:

- Trên giang hồ, có ai không tưởng vọng được làm đệ tử Bố Kỳ môn! Ngươi đã tuyển chọn được vị thiếu niên đó, song hắn lại khước từ! Nếu người ngoài chứng kiến cái cảnh này, thì sao khỏi cho rằng ngươi cầu khẩn người ta gia nhập môn phái của ngươi!

Tần Vô Triện giận đến xanh mặt, cao giọng:

- Ngươi... dám nói với ta như vậy?

Hiện tại độc khí xâm nhập đến tâm của lão rồi, nếu lão vọng động là phải mất mạng ngay, cho nên lão không phát tác.

Nếu không vậy, thì với tính khí nóng như lửa, khi nào lão lại quát suông, để yên cho cha con họ Phương?

Phương Nhất Trúc ngẩng mặt lên không cười lạnh mấy tiếng:

- Con ta thấy ngươi trở thành phế nhân, nó thương tình hộ tống ngươi đến đây, cung phụng ngươi từ bát cơm từ chén trà từ chén thuốc, nó không từ lao khó làm đủ mọi việc cho ngươi. Vậy mà ngươi không đem y bát truyền cho nó, chẳng những thế, ngươi lại đánh nó trọng thương! Ngươi đã làm một việc quá bất công! Ngươi lấy oán báo ân!

Tần Vô Triện hét lớn:

- Nghiệt tử của ngươi có tâm thuật bất chánh, tư chất tầm thường, tuy vậy ta vẫn có ý truyền võ công cho hắn. Ngờ đâu, hắn thấy ta chưa chết, vừa lúc ta mê man hạ độc thủ ám toán ta. Thử hỏi một con người như vậy có xứng đáng là môn đệ của ta chăng? Ta không giết hắn, kể ra cũng may đời cho hắn lắm, người còn trách ta là trách làm sao?

Thiếu niên cười lạnh, thách:

- Lão già kia, bây giờ, lão có dám tái đấu với ta chăng?

Phương Nhất Trúc tiếp:

- Ta khuyên ngươi, nên trao lá Bạch Bố kỳ và quyển bí kíp của ngươi cho con trai ta, ta sẽ vì cái hảo ý đó của ngươi mà thu dọn thi hài cho ngươi sau khi ngươi tắt thở. Phải biết, độc khí đã vào đến tâm ngươi rồi, nếu ta đưa tay ra, là ngươi mất mạng tức khắc.

Thốt xong, để thị oai, lão đánh nhẹ ra một chưởng, về hướng cửa sổ.

Chấn song còn lại, gãy rắc rắc, bụi đất bám nơi đó từ lâu, rơi rào rào.

Dư hưởng của gió chưởng càn quét những vật trên bàn rơi xuống nền, loảng xoảng, dù chiếc bàn nằm trệch qua một bên đường gió.

Tần Vô Triện lại càng biến sắc hơn, song vẫn lắc đầu:

- Thà ta để cho Bố Kỳ môn bị tiêu diệt, chứ chẳng thể truyền y bát cho kẻ không xứng đáng.

Lão phẫn hận cực độ, âm thinh phát ra biến đổi dị thường.

Âm thinh đó, rung rung, lão phải cố gượng giữ cho nó đừng quá lệch lạ cho đối phương nghe được rõ ràng.

Phương Tân Phương Nhất Trúc cười lạnh, đột nhiên bước qua khung cửa sổ.

Lão nhìn Tần Vô Triện, gằn từng tiếng:

- Ngươi có trao ra, hay không trao?

Thốt ra một tiếng, lão bước tới một bước. Thốt trọn câu rồi, lão đã đến gần chiếc giường.

Triển Mộng Bạch không thể điềm nhiên, cấp tốc đảo bộ đến, chận ngang trước mặt Phương Tân, rồi quắc mắt, hét to:

- Đi ra ngay!

Phương Tân khi nào lưu ý đến chàng?

Lão cứ hướng về Tần Vô Triện, tiếp nối:

- Hiện tại, ngươi vọng động một chút, là chết không có kịp trối.

Bất thình lình, lão vung tay, tung một chưởng vào ngực Triển Mộng Bạch.

Bàn tay gầy guộc, làn da xám xịt, làn da đó, không do bịnh hoạn hay do tuổi già mà xám xịt.

Màu xám xịt do chân khí dồn ra, lão dồn quá nhiều chân khí, nên biến đổi sắc da, như vậy đủ biết cái chưởng đó chẳng phải tầm thường.

Hơn nữa, phàm đánh ra một chưởng, da tay biến sắc như vậy là chưởng kình ngoài chân lực, còn có một thứ độc gì khác, do mỗi môn phái chế luyện riêng, chẳng hạn như trước kia, có loại Huyết Chưởng, khi đánh ra, bàn tay đỏ chẳng khác nào nhuộm máu.

Lão đánh nhanh song Triển Mộng Bạch có đề phòng trước, vừa thấy lão chớp tay, chàng đã né qua một bên, đồng thời lùi lại một bước.

Cùng một lúc, chàng đánh trả lại một quyền.

Phương Tân cười nhạt:

- Chẳng biết lợi hại, khinh thường cái chết, ngu xuẩn như ngươi là cùng.

Lão trầm bàn tay xuống, vừa trầm vừa dựng đứng bàn tay, dùng xuống làm đao, chặt mạnh.

Nhưng, Triển Mộng Bạch không chịu rút tay về, cứ để nguyên như vậy, đánh thốc lên, nhắm vào huyệt Thái Dương bên hữu của Phương Tân.

Tuyệt Hộ Phương Tân Phương Nhất Trúc bất giác kinh hãi, vội thu thế công, lùi ba bước.

Lão không ngờ đối tượng có lối đánh quá liều như vậy, đánh như thế có khác nào đồng quy ư tận?

Mà lão thì khi nào chịu đòi đổi đòn?

Lùi lại rồi, lão trấn định tâm thần, cười lạnh, thốt:

- Ngươi với lão nhân kia, không quan hệ gì nhau, ngươi lại xưng tài gánh vác việc của lão, có chết cũng chẳng trách ai được. Bình sinh ta chưa thấy ai ngu như ngươi.

Triển Mộng Bạch cao giọng:

- Và hôm nay, các hạ đã thấy rồi đó!

Phương Tân mỉm cười:

- Tốt! Vậy là tốt!

Lão đạp chân tới, nghiêng mình, chuẩn bị đánh một chưởng. Bỗng, Tần Vô Triện hét lên:

Dừng tay!

Lúc đó, Phương Dật Phương Trúc Linh cũng đã vượt qua cửa sổ vào phòng rồi.

Hắn gọi Phương Tân:

- Gia gia! Để cái tên xuẩn ngốc đó cho con, con lãnh phần việc thu thập gã cho!

Phương Tân khoát tay:

- Đừng vội, con! Hãy nghe lão Tần nói gì đây, rồi chúng ta định liệu sau!

Tần Vô Triện trầm giọng hỏi:

- Hai cha con ngươi, một đến trước, một theo sau, một công khai, một mờ ám, có phải hai ngươi đã hoạch định kế sách chu đáo rồi từ trước lâu, mới kéo đèo nhau đi uy hiếp ta, đoạt Bạch Bố kỳ và bí kíp?

Phương Tân thoáng biến sắc, song lấy ngay bình tĩnh, điểm nụ cười lạnh, hỏi lại:

- Coi như có việc đó, thì sao? Giả như không có việc đó, thì lại sao?

Tần Vô Triện tiếp:

- Tình trạng nhiễm độc của ta, đành là hết trị rồi. Như thế, ta có màng gì đến sự sống chết nữa đâu? Nhưng, các ngươi cũng nên biết rằng, con gà cuồng cho đến chết, cái đít còn gáy. Con vật trăm chân chết rồi, vẫn còn có một số chân cử động ngo ngoe. Các ngươi dám đến đây, ngang nhiên lên mặt với ta, chắc các ngươi cho là ta không làm gì được các ngươi à?

Phương Tân giật mình.

Lão mất hẳn tự chủ, từ từ lùi lại ba bước.

Phương Dật, thảm hơn, đã lùi đến sát góc phòng. Hắn lùi lại, thấy phụ thân hắn giật mình, lùi luôn, hắn càng sợ hơn nữa, lại lùi, nhưng lưng đã chạm tường, làm sao hắn chui lọt?

Triển Mộng Bạch nhận ra, trong tình huống này, Tần Vô Triện còn cái oai thừa, đủ bức hiếp hai cha con họ Phương đến khiếp đảm. Chàng không khỏi sanh niềm cảm khái.

Đồng thời, chàng căm hận cha con họ Phương vô cùng.

Bỗng dưng từ đâu hai cha con kéo nhau tới đây, toan ỷ đông bức hiếp chàng, hành động đó kém tư cách anh hùng rõ rệt. Nếu không có Tần Vô Triện ngăn chặn, chắc chắn là chàng quyết liều một trận sống chết với cả hai.

Tần Vô Triệu bật cười lớn:

- Là con người, lại có cái gan con chuột, như vậy đúng là loại súc sanh. Cở người như các ngươi lại dám đến trước mặt ta, bày trò khỉ nữa sao?

Giọng cười cao vút, trong âm thinh đó, ẩn ước có sự gắng gượng, chứng tỏ một sự suy nhược cực độ.

Triển Mộng Bạch cau mày.

Câu nói đó, có cái công hiệu khích nộ đến cả những người nhút nhát nhất đời.

Hà huống cha con Phương Tân, Phương Dật?

Dù sao thì tự tạo được cái hiệu Tuyệt Hộ trên giang hồ Phương Tân cũng chẳng phải là tay tầm thường?

Đương nhiên, lão ta không thể tiêu hóa nổi một câu như vậy.

Giả như Tần Vô Triện không trúng độc của Tình Nhân tiễn, nói lên câu đó rồi, chưa chắc gì Phương Tân bỏ qua.

Sợ, là không đến, đến tức nhiên không sợ. Dù sợ, lắm lúc vì tự ái, vì danh dự, người ta cũng mất sợ luôn.

Câu nói đó, nghĩ ra cũng quá đáng, bởi nó dồn đối tượng vào cái thế chẳng đặng đừng.

Quả nhiên, Phương Tân bật cười cuồng dại, dứt tràng cười, lão cao giọng thốt:

- Lão thất phu! Nếu ngươi đừng cười lên, có lẽ ta còn lầm ngươi. Giọng cười của ngươi báo hiệu sự suy nhược thê thảm lắm rồi, ngươi còn khí lực nào làm thương tổn đến ta nổi?

Lão lại cười, tiếp:

- Ngươi có dám thực nghiệm lời nói của ngươi, để chứng minh là ta đoán sai chăng?

Triển Mộng Bạch lại cau mày.

Thì ra, Phương Tân đã nhận ra nhược điểm của Tần Vô Triện!

Như vậy là nguy mất cho Tần Vô Triện!

Chàng có thể điềm nhiên, để cho cha con họ Phương đắc ý sao?

Chàng cao giọng gằn từng tiếng:

- Họ Triển này còn ở tại đây phút giây nào, trong phút giây đó nhất định chẳng một ai được chạm đến chéo áo của Tần lão tiền bối!

Chàng nắm chắc đôi tay, cánh chỏ khuỳnh ra, trong tư thế sẵn sàng xuất thủ.

Tuyệt Hộ Phương Tân lại càng cười lớn, sát khí bốc bừng, trùm gương mặt.

Cười một lúc, lão gật gù, thốt:

- Được! Được lắm! Nếu ngươi tình nguyện chết theo lão ấy, cho có đôi có bạn thì ta cũng chẳng hẹp lượng gì không thanh toàn sở vọng cho ngươi.

Chân lão bắt đầu nhích động.

Triển Mộng Bạch nghe máu trong người sôi sục, vận chân khí dồn ra hai cánh tay, chỉ chờ Phương Tân bước tới một bước là chàng xuất chiêu liền.

Chàng cương quyết lắm rồi.

Chống đối với cha con họ Phương, chàng chẳng cần cân nhắc thành bại, cốt sao chàng xuất thủ được, cho hả cơn giận. Do đó, dù máu chàng có phải đổ tại đây đến giọt cuối cùng, chàng cũng không nao.

Bỗng, Tần Vô Triện quát lên một tiếng, đoạn hét:

- Ngươi dám chạm đến mình hắn à?

Cán cờ chỏi xuống, thân hình mất đôi chân vụt ngồi thẳng đứng, đôi mắt sáng rực, râu tóc dựng ngược.

Cái oai khí của kẻ chọc trời khuấy nước, lúc mạt lộ vẫn còn gieo lạnh nơi lòng người.

Đúng là anh hùng sắp chết, khí hùng mãi mãi sống với thời gian!

Tuyệt Hộ Phương Tân bình sanh nhúng tay vào máu trăm ngàn độ, tai nghe rên siết, oằn oại suốt mấy mươi năm dài, con người như vậy, có cái gì làm cho dao động nổi cả tâm tư?

Thế mà trước oai khí của Tần Vô Triện, dù biết Tần Vô Triện là ngọn đèn cạn dầu, chực tắt, lão cũng phải hãi hùng, rợn người.

Tuy nhiên, lão vẫn gượng giữ thể diện, chẳng lẽ vì mấy tiếng hét của Tần Vô Triện rồi lão lại xuôi tay?

Lão bật cười quái ác, hỏi:

- Ta giết hắn trước, ngươi làm gì được ta mà hòng hăm dọa?

Phương Dật phụ họa liền:

- Phải đó, gia gia cứ hạ sát tiểu tử đi, xem ai dám làm gì cha con ta!

Bỗng từ bên ngoài cửa, có giọng nói dịu dàng vọng vào:

- Phương lão tam lại định giết ai nữa đó?

Tuyệt Hộ Phương Tân giật mình, quay mặt lại, trông thấy một nữ nhân vận y phục đen, mặt trắng xanh, đang đứng tựa mình bên khung cửa.

Cùng một lúc với lão, Phương Dật và Triển Mộng Bạch cũng nhìn theo.

Cả ba cùng một lượt kêu lên sửng sốt:

- Tiêu Tam phu nhân!

Cả ba cùng kêu một lượt, câu nói đồng, song âm thanh bất đồng.

Âm thanh của cha con họ Phương rung mạnh, chứng tỏ cả hai quá sợ.

Còn âm thanh của Triển Mộng Bạch lại đượm niềm hoan hỉ, ẩn ước có sự lo âu.

Chàng hoan hỉ, vì bà đến đây, cha con họ Phương không còn dám vênh váo mặt nữa.

Chàng lo âu, vì phu nhân còn tiều tụy quá, gương mặt nhợt nhạt quá, chừng như chứng bịnh của bà có phần gia trọng.

Tiêu Tam phu nhân nhẹ giọng:

- Ngươi dùng bạo lực, định chiếm đoạt tài vật của người, lại còn toan giết người, không lẽ ngươi quên đi cái việc mười năm về trước bị Thiên Chùy Đạo Nhân đuổi chạy vắt chân lên cổ, không chỗ dung thân, nhào vào sơn cốc van cầu cứu mạng, phát thệ long trọng. Lời thề đó, ngươi cũng quên luôn rồi, phải chăng?

Tiếng cười quái ác của Phương Tân đã tắt. Sát khí trên gương mặt cũng tan biến.

Lão cúi đầu, thốt:

- Tại hạ nào dám quên? Ước mong Tam phu nhân trở về cốc trình...

Tiêu Tam phu nhân chận lời:

- Nếu chưa quên, tại sao ngươi còn đứng đó? Từ nay, ngươi nên cải hối những tội ác đã làm, sửa chữa tâm tánh để trở thành con người lương thiện. Nghe lời ta, thì tốt cho ngươi đó.

Ta hứa là chẳng làm chi khó dễ đến ngươi đâu!

Phương Tân cung cung kính kính nghiêng mình làm lễ, rung giọng đáp:

- Tại hạ xin vâng lời giáo huấn của Tam phu nhân! Đa tạ! Đa tạ!

Tiêu Tam phu nhân vẫy tay:

- Ngươi đi đi!

Phương Dật mở cửa phòng, Phương Tân gầm đầu bước ra.

Bỗng Tiêu Tam phu nhân lạnh lùng cất tiếng:

- Phương lão tam! Con trai ngươi cau mày, có lẽ hắn không phục?

Phương Tân sợ hãi, hấp tấp thốt:

- Cái thứ đồ chó con đó, làm gì lại dám chẳng phục phu nhân?

Bất thình lình, lão hoành tay tát mạnh hai tát vào mặt Phương Dật.

Đoạn lão thét mắng:

- Súc sanh, còn chờ gì mà không quỳ xuống trước mặt phu nhân?

Phương Dật cúi đầu quỳ liền.

Hắn quỳ nhưng ánh mắt của hắn thoáng hiện niềm oán độc.

Tự nhiên, Tiêu Tam phu nhân bắt gặp ánh mắt của hắn, tuy hắn nhìn xuống. Một tia sáng lóe lên trong mắt bà, song bà chỉ thở dài, bảo:

- Thôi, đi đi! Phương lão tam, nêu lưu ý đứa con ngươi nhé!

Phương Tân cúi đầu:

- Xin vâng lời phu nhân!

Lão co chân, tung một ngọn cước vào mình Phương Dật, bắn hắn bay ra ngoài. Đồng thời, lão mắng:

- Cũng tại ngươi tất cả! Súc sanh!

Cả hai cùng chạy đi, chạy gấp.

Cách xa ngôi khách sạn mấy mươi trượng rồi, Phương Tân mới dám chậm chân, thở dài, nói:

- Từ nay, ngươi nên nhớ cái nhục vừa rồi của cha con ta! Cố gắng luyện tập võ công, tài nghệ đạt đến mức đại thành rồi, thì chẳng còn sợ ai uy hiếp nữa!

Cha con họ Phương vừa khuất dạng, Tần Vô Triện ngả mình xuống giường.

Qua cơn khích động vừa rồi, lão bị chất độc công phạt mạnh nơi tâm, tai, mắt, mũi, miệng đều ra máu.

Triển Mộng Bạch kinh hãi thất thần, nhoài mình tới cạnh giường, gọi gấp:

- Tiền bối! Tần lão tiền bối...

Tần Vô Triện đưa bàn tay run run chỉ chiếc bao bằng bố vàng bên mình lão, phều phào:

- Tất cả... đều... giao lại cho ngươi... Ngươi vì ta, tìm hộ cho Bố Kỳ môn một truyền nhân... Ngươi... đã.. có liên quan đến... người trong Đế Vương cốc, tiền đồ mở rộng trước mặt ngươi, chắc chắn là ngươi phải đạt đến mức đại thành. Trong tương lai, ngươi sẽ chiếu cố đến truyền nhân của Bố Kỳ môn nhé! Giả như gã truyền nhân của ta có làm bại hoại thanh danh của Bố Kỳ môn, ngươi hãy vì ta, hạ sát hắn ngay! Ta rất tiếc ngươi không chịu thọ nhận y bát chân truyền của ta!

Triển Mộng Bạch xúc động tâm tình, để rơi lệ nóng, vì nghẹn ngào, chàng không nói được tiếng nào, chỉ gật đầu.

Đột nhiên, Tần Vô Triện hét to một tiếng, rồi gào lên:

- Tần Bố Kỳ này có thể chết một cách oan uổng được hay sao?

Thân trên của lão vụt dựng thẳng lên, hai tay nắm chặc lại, râu tóc dựng đứng luôn, đôi mắt trợn tròn, tròng gần lọt ngoài trủng. Vì thất khiếu ra máu, gương mặt của lão hiện tại đỏ ngời, trông hết sức khủng khiếp.

Triển Mộng Bạch xanh mặt, lùi lại mấy bước, cúi đầu, quỳ xuống.

Chàng long trọng thốt:

- Vãn bối quyết không phụ sự ủy thác của tiền bối đâu, vãn bốn sẽ tìm một thiếu niên có cái tâm chánh trực, trao lại Bạch Bố kỳ cùng bí kíp võ công của tiền bối. Ngoài ra, vãn bối xin hứa sẽ hết lòng chiếu cố vị đệ tử tương lai của tiền bối.

Tần Vô Triện điểm một nụ cười thê thảm, nhìn chàng một giây, rồi ngả mình xuống giường.

Lão ngã xuống, vĩnh viễn không hề dựng thẳng thân trên lên như trước nữa.

Cùng với cái ngã của nửa thân người, một bậc đại hiệp ra đi, không bao giờ trở lại với võ lâm Trung Nguyên!

Người hùng chết, oai danh hết, từ đây, khách giang hồ khi luận hào kiệt, có ai nhắc nhở đến những thành tích huy hoàng của lão thuở vàng son chăng?

Dấn thân trên khắp nẻo sông hồ, hành hiệp, cứu khốn phù nguy, trừ gian, diệt bạo, sống cái kiếp tung hoành ngang dọc bình sanh đã thu gặt được gì, và khi rủ áo sang bên kia thế giới, mang theo được gì?

Triển Mộng Bạch cung kính lại ba lạy.

Đoạn, chàng lấy mảnh bố trắng lót giường phủ lên mình vị lão anh hùng.

Vĩnh viễn, không còn ai nhìn thấy đôi mắt có cái oai thần từng phen làm khiếp đảm bọn gian manh.

Tiêu Tam phu nhân nhìn vào cảnh tượng bi đát của Tần Vô Triện chừng như ánh mắt của bà ươn ướt. Bà thở dài, thốt vọng đến vong hồn người vừa vĩnh viễn ra đi:

- Khiếu Vũ Huy Phong Bạch Bố kỳ! Khiếu Vũ Huy Phong Bạch Bố kỳ! Ngàn ngày oanh liệt, một phút ra đi! Oanh liệt mà được gì? Ra đi lại còn gì? Một cổ quan tài, một gò đất sạm! Ai đâu nhỏ lệ tiễn đưa người!

Triển Mộng Bạch tuôn đôi giòng lệ chân thành, tiếp nối:

- Sống, phát huy cái khí hùng! Chết, lưu lại cái danh hùng! Tần lão tiền bối! Sống có làm được việc, chết đi cũng chẳng ân hận gì! Cứ đi, yên tâm mà đi, tiền bối! Đi với niềm hoan hỉ mình không là vô dụng uổng chen một chỗ đứng giữa giòng đời!

Tiêu Tam phu nhân bỗng điểm một nụ cười:

- Sống! Chết! Sống là ở, chết là về! Miễn sao lúc ở, ở lâu, hưởng thọ nhiều, khi về, còn gì đáng ân hận?

Bà rung rung người không đứng nổi nữa. Bà tựa mình vào cửa sổ, có thể bà ngã xuống trong phút giây.

Nghe bà cười, Triển Mộng Bạch lấy làm lạ, bởi chàng nhận ra âm thinh có vẻ khác thường.

Bất giác, chàng quay nhanh đầu, nhìn về phía bà, thấy bà chấn động cực độ, chàng biến sắc mặt, vọt qua khung cửa sổ, giữ bà trong tay, nhưng nghĩ sương gió bên ngoài, không hợp với tình trạng của bà, chàng liền dìu bà đến cửa vào phòng, đặt bà ngồi trên ghế.

Bàn tay bà lúc đó lạnh như giá băng, mạch máu như không còn chảy nữa.

Bà như chiếc lá vàng lung linh trước gió, chực lìa cành.

Triển Mộng Bạch hoảng hồn gọi to:

- Phu nhân! Phu nhân...

Tiêu Tam phu nhân từ từ mở mắt.

Bà gượng điểm một nụ cười hét hắt, thốt:

- Bạch Bố kỳ đã đi, ta cũng muốn đi! Trong một ngày, ngươi chiếu cố đến cái chết của hai chúng ta, kể ra cũng là một vinh hạnh lớn lao cho ngươi!

Ngấn lệ chưa khô qua cái chết của Tần Vô Triện, đôi mắt của chàng lại nhòa lên, chàng vừa khóc vừa thốt:

- Phu nhân! Việc còn đọng lại, phu nhân chưa thanh toán xong, sao phu nhân lại nói đến ra đi? Phu nhân...Phu nhân không thể chết!

Tiêu Tam phu nhân thở dài:

- Nào ta có muốn chết gấp đâu? Ta chỉ hận trời xanh sao sớm dứt mạng ta, trong khi ta cần sống thêm mấy ngày, để lo cho tròn bao nhiêu việc! Nhưng cái chết đã đến với ta rồi!

Đến rồi...

Bà cười, nụ cười dĩ nhiên là thê thảm. Bà tiếp:

- Tuy nhiên, chết ngay bây giờ, ta mãn nguyện vô cùng. Ta hận trời xanh với một lý do, ta cảm kích trời xanh với một lý do khác. Trời xanh đã khiến ta gặp ngươi! Ngươi là một thiếu niên rất tốt...

Triển Mộng Bạch càng xúc động tâm tình, khóc lớn.

Tiêu Tam phu nhân tiếp:

- Ta chết rồi, ngươi hãy làm y theo những gi chú trên mảnh lụa trong hộp bằng ngọc đen trên mình ta. Ngươi đừng phụ lòng ta, ngươi làm đúng như vậy là ta rất mãn nguyện nơi suối vàng...

Triển Mộng Bạch nức nở:

- Tại hạ nhất định, tại hạ sẽ làm...

Tiêu Tam phu nhân gật đầu:

- Vậy là tốt lắm!

Bà dừng lại một chút, rồi tiếp:

- Ngươi đến một địa phương, tìm một người, bảo với người đó là ta rất mến ngươi, ngươi sẽ học mấy môn công của người đó, học xong rồi, ngươi sẽ được bình yên, trên đời này chẳng ai dám khinh thị ngươi nữa.

Bà nói nhiều quá, sanh mệt, phải thở gấp, thở một lúc, hơi khỏe lại rồi, bà tiếp:

- Học thành tài, ngươi không nên dấn bước giang hồ, mà cũng không tưởng nghĩ đến việc báo thù...

Triển Mộng Bạch giật mình, đưa tay quẹt nhanh qua mắt, lau lệ đoạn trầm giọng:

- Phu nhân dạy sao, tại hạ xin nghe vậy, nghe tất cả, nhưng thù cha là thù chẳng đội trời chung, dù tại hạ có nát gan, tại hạ vẫn báo thù.

Tiêu Tam phu nhân trầm ngâm một lúc lâu, bỗng thần sắc của bà biến đổi quái dị, niềm cương quyết hiện rõ rệt trong thần sắc đó, bà gằn từng tiếng:

- Ngươi không nên tưởng nghĩ đến việc báo thù, cho bận tâm bận trí, có trở ngại cho việc tập luyện. Tại sao ta đã bảo ngươi đừng tưởng đến mối thù? Chỉ vì, người sát hại phụ thân ngươi, cũng sắp chết trong phút giây!

Triển Mộng Bạch như bị sét đánh ngang đầu, rung bắn người lên:

- Ai? Ai?

Bên ngoài gió lạnh từ xa cuốn tới qua bên cửa sổ vào phòng.

Mưa bắt đầu đổ hạt, tí tách...

Tiêu Tam phu nhân nắm chặt hai tay, trầm giọng buông gọn:

- Sát hại phụ thân ngươi, chính là ta!

Triển Mộng Bạch không lạnh vì mưa vì gió, chàng rợn người trước sự thổ lộ của phu nhân, chàng lạnh rợn đến độ không còn hạt máu nào nơi mặt.

Chàng lùi lại ba bước, rồi bất thình lình hét lên một tiếng lớn, vọt mình tới.

Hai bàn tay chàng vươn cao, chụp xuống đầu Tiêu Tam phu nhân, bờ vai chỉ còn lớp da bọc xương, chẳng có chút thịt nào.

Chàng rít lên:

- Bà giết phụ thân tại hạ! Bà giết phụ thân tại hạ...

Bỗng chàng cảm thấy đôi cánh tay tê dại, bàn tay lỏng ngón liền.

Tiêu Tam phu nhân, điểm một nụ cười thê thảm, chuồi mình từ áp lực của đôi tay Triển Mộng Bạch xuống đất.

Bà tự hụp cho mình một phản động, hay cái ấn tay của Triển Mộng Bạch làm bà chuồi khỏi cái chụp của chàng, hạ thấp người xuống đất?

Phía sau lưng Triển Mộng Bạch, có một người.

Người đó xuất hiện từ lúc nào?

Người đó cất giọng lạnh lùng, gắt:

- Dừng tay! Ngươi có điên không chứ?

Triển Mộng Bạch quát lên một tiếng lớn, quay nhanh mình lại, đồng thời với cái quay mình, chàng đá thốc ra một chân.

Chân vừa chớp lên, chàng đã thấy hoa mắt liền, và chiếc chân tung ra chưa đến đích, đã bị điểm trúng, chàng nghe đau nhói ở khoảng gối.

Dĩ nhiên chàng không còn đứng vững được nữa, đành ngã xuống.

Đôi tay bị tê, chân hữu bị tê, vậy mà ngã xuống rồi, chàng dùng lưng lấy thế, bật người lên, còn chân tả, chàng vừa bay vừa đá tới.

Đôi mắt của chàng đỏ ngầu, đối diện với người nào đó, chàng vẫn không nhìn rõ mặt mày.

Lòng chàng tràn ngập niềm cừu hận, tung ngọn cước trí mạng đó, chàng vận dụng tận lực bình sanh.

Nhưng, gối vừa cao, chàng lại nghe đau nhói như lần trước, tức uất người, chàng hét lớn, hét lên để ngã xuống như lần trước, chứ có làm được gì?

Lần này, chàng đành nằm yên, không phương trở dậy nổi chứ đừng nói quật cường.

Người đối diện với chàng khẽ thở dài, hỏi:

- Tiểu tử, việc gì đã xảy ra thế? Ngươi mất cả lý trí rồi sao? Đến ta mà ngươi cũng chẳng nhận ra được sao?

Giọng nói rất ấm dịu, biểu lộ hẳn cái ý thân thiết.

Triển Mộng Bạch định thần nhìn lên, thấy một nữ nhân vận toàn trắng, bất giác chàng sững sờ.

Thì ra, nữ nhân chính là Tô Siển Tuyết!

Bà nở một nụ cười, nụ cười đó hiền dịu làm sao!

Từ lúc theo Tiêu Tam phu nhân, rời nhà ra đi trên con đường vô định, có thể Triển Mộng Bạch tin tưởng nơi Tô Siển Tuyết hơn ai hết.

Cho nên, gặp lại bà, chàng mừng hơn gặp được người thân. Chàng rung rung giọng thốt:

- Tô phu nhân! Tô phu nhân ơi! Chính bà ấy... chính bà ấy sát hại phụ thân tại hạ!

Tô Siển Tuyết cúi xuống giải khai huyệt đạo cho chàng. Bà lại thở dài mấy tiếng, rồi hỏi:

- Bà ấy làm sao giết gia gia ngươi được chứ? Ngươi có biết bà là ai chăng?

Triển Mộng Bạch giật mình, chưa kịp đáp, Tô Siển Tuyết tiếp nối:

- Cho ngươi biết! Bà ấy là mẫu thân ngươi đó!

Triển Mộng Bạch tưởng một tiếng sét nổ ngay trên đầu, tung mình lên không, nhưng không đứng vững được, chân vừa chạm đất là chàng lại ngã xuống.

Niềm khích động làm rung chuyển cả thân thể chàng.

Mẫu thân chàng!

Hai hôm nay, chàng đối xử với mẫu thân ra sao? Ngã xuống rồi, chàng thấy những diễn tiến trong hai ngày qua, hiện rõ lại nơi tâm tư chàng.

Tại sao, bà là người hoàn toàn xa lạ đối với chàng, lại quá thân thiết với chàng, ngay từ phút giây đầu gặp gỡ, bên cạnh phần mộ của phụ thân chàng?

Tại sao, bà thỉnh thoảng lại nói với chàng những câu khó hiểu?

Nhiều thắc mắc hiện lên trong tâm tư, những thắc mắc đó đêm nay có giải đáp rồi.

Sự chiếu cố của người mẹ đối với đứa con, mẹ con xa cách hơn mười mấy năm dài, mẹ không hề gần gũi con, con không thể nhận ra mẹ!

Tất cả những gì làm cho Triển Mộng Bạch thắc mắc, đều bắt đầu nơi tình mẫu tử!

Chàng quay nhìn lại Tiêu Tam phu nhân.

Bà lặng lẽ ra đi rồi, bà ra đi vĩnh viễn, với gương mặt hết sức an tường.

Bà sống, xa con, bà chết, được chết bên cạnh con.

Ngày bà ly khai nhân thế, bà được gần con, chết như vậy, bà còn hận gì nữa?

Bao nhiêu năm tháng trôi qua, bà thương nhớ giọt máu của bà.

Phải chờ đợi bao nhiêu năm tháng, mới có dịp gặp lại giọt máu của bà, gặp để vĩnh viễn ra đi, bà hân hoan biết bao? Bởi hân hoan nên bà hết sức an tường.

Giả như trong phút giây này, không có Triển Mộng Bạch bên cạnh, chắc là bà mang niềm hận to bằng trời, bằng biển mà ra đi, chắc bà ra đi, nhưng đôi mắt vẫn mở rộng, hướng vọng mãi mãi về trần thế, nơi bà còn lưu lại một giọt máu thân yêu, chỉ có bà biết đó là giọt máu của bà, chứ Triển Mộng Bạch làm sao hiểu được nguồn gốc?

Về phần Triển Mộng Bạch, mẹ ra đi rồi mà lòng chàng còn hoang mang ẩn ức.

Tại sao mẹ vừa ôn nhu, vừa tàn khốc? Vừa thiện lương lại vừa thần bí?

Gặp lại mẹ, chàng toan giết mẹ, mẹ lại ra đi! Chàng chẳng thốt được một lời nào trong vạn lời hiếu từ, phải nói với mẹ!

Bây giờ, mẹ đã ra người thiên cổ, chàng còn nói gì được nữa? Dù chàng có hàng ngàn hàng vạn lời, cũng đành giữ lại trong tâm!

Chàng sững sờ!

Nếu nói là chàng chết tại chỗ cũng không ngoa!

Con người ta, ai không muốn có dịp báo ơn sanh thành? Dịp càng nhiều, càng thích thú!

Gần hai mươi năm dài, chàng mới gặp mẹ dịp đầu tiên, chưa kịp tỏ lời tha thiết, thì dịp đó mất rồi, và vĩnh viễn chàng không được dịp nào nữa!

Chàng không chết lặng đi sao được?

Lâu lắm, chàng còn gục mình bên xác lạnh của Tiêu Tam phu nhân, cuối cùng chàng bật khóc.

Chàng không sợ chết, chàng không sợ biệt ly, song vẫn có những cái chết, cái biệt ly làm chàng yếu lòng.

Và trường hợp này là một!

Cha đã chết! Vừa biết mẹ, thì mẹ cũng chết luôn!

Trong kiếp con người, có cái gì đau buồn hơn nữa? Nếu chẳng chết đi, là chàng có nghị lực lắm rồi! Bởi từ nay trên thế gian này, còn ai là người thân của chàng?

Tô Siển Tuyết hạ thấp vành my xuống một chút, nhốt bớt những hạt lệ đang trào, từ từ thốt:

- Mười tám năm trước, mẫu thân ngươi nghi ngờ ta và phụ thân ngươi có những tiếp xúc không quanh minh chính đại, bà nuôi dưỡng thành kiến đối với ta. Bà không chịu nghe ta phân trần, giải thích, bà cương quyết ra đi. Bà bỏ lại gia đình, một đứa bé chưa tròn tuổi một.

Đứa bé đó là ngươi. Bà có tánh khí vừa quật cường, vừa cao ngạo, ra đi trên giang hồ, chẳng rõ bà đắc tội bao nhiêu người, bà gặp hiểm nguy chẳng biết bao nhiêu độ. Mãi đến sau này, vì muốn báo phục những mối thù gặt hái dọc con đường phiêu bạt, bà bắt buộc phải theo một người.

Triển Mộng Bạch hết sức thống khổ, lẳng lặng nghe, chứ chẳng nói gì.

Tô Siển Tuyết lại tiếp:

- Trong bao nhiêu năm qua, ta vì cố tránh hiềm nghi, nên chẳng đến thăm gia gia ngươi và ngươi. Cho đến một hôm, bỗng nhiên ta gặp mẫu thân ngươi trở lại giang hồ, ta mới theo bà trên khắp các nẻo đường sông núi...

Bà dừng lại một chút, đoạn tiếp:

- Ta luôn luôn bên cạnh bà, âm thầm trong bóng tối bám sát bên bà. Do đó, ta biết chắc chắn, bà không hại phụ thân ngươi. Lẽ dễ hiểu nhất, là khi ta và bà đến Hàng Châu, thì phụ thân ngươi đã nằm yên trong lòng đất lạnh.

Bà thở dài một lúc lâu, lại tiếp:

- Ta thấy, trước mộ phần của phụ thân ngươi, mẹ con ngươi được trùng phùng, lòng ta hân hoan biết bao! Ngờ đâu, bà không hề tiết lộ cho ngươi biết, bà là thân mẫu của ngươi!

Hừ! Hơn mười mấy năm qua, triền miên trong ân oán giang hồ, bà biến thành con người tàn khốc, bà lại nuôi dưỡng tử tâm không cho ngươi biết... bà là ai! Bà chỉ muốn con trai bà xem bà như người xa lạ, bà không muốn cho con trai bà phải thương tâm vì bà!

Tô Siển Tuyết nhìn sang chiếc xác lạnh của Tiêu Tam phu nhân, kêu lên:

- Biểu thơ! Biểu thơ! Dù biểu thơ có ra nông nổi đó, chung quy cũng tại cái tánh quật cường của biểu thơ làm hại biểu thơ!

Tô Siển Tuyết khóc.

Gian phòng không ánh đèn, dù đêm xuống từ lâu. Trong bóng tối đó, chỉ có tiếng khóc sụt sùi vang lên, đêm tối có tiếng khóc hòa lẫn với tiếng kêu rỉ rả ai oán bi thương, còn buồn thảm hơn cảnh tang tóc.

Mặt dù đây là một tang tóc, nhưng âm thầm, lặng lẽ, tối tăm. Chính những điểm đó tăng gia phần thê thảm.

Bởi, trên thế gian, làm gì có cảnh tang tóc không đèn? Có ánh đèn là niềm tang tóc đỡ lạnh hơn nhiều.

Triển Mộng Bạch cắn răng, gân trán hằn vồng chằng chịt, trầm giọng hỏi:

- Nhưng tại sao, trước khi... mẫu thân tại hạ trước khi chết, lại nhận là mình sát hại trượng phu?

Tô Siển Tuyết lau lệ, đáp:

- Có thể là bà nghĩ, Tình Nhân tiễn đáng sợ, không muốn ngươi báo thù, biết đâu rồi ngươi sẽ chẳng bị hại như phụ thân ngươi? Thà bà chịu khổ một mình, chứ không muốn ai thọ hại. Huống chi, ngươi lại là giọt máu của bà?

Triển Mộng Bạch chợt tỉnh ngộ.

Mẫu thân chàng, trước khi nhắm mắt, còn hy sanh để cứu chàng. Bà thấy một nhân vật như Tần Vô Triện, vẫn còn bị Tình Nhân tiễn sát hại, do đó bà lo sợ cho con trai bà, nên nhận là bà đã hạ thủ đoạn đối với phụ thân chàng, để chàng đừng nuôi mộng báo thù, bởi chàng báo thù là chàng phải chết vì Tình Nhân tiễn.

Mẫu thân chàng có mong muốn gì hơn là chàng được sống an nhàn vô sự, dù suốt đời chàng oán hận mẹ sao nỡ giết cha, bà cũng vui với sự thù hận của chàng.

Miễn sao cuộc sống của chàng không bị hăm dọa, là bà vui rồi!

Bà muốn vậy, Triển Mộng Bạch có muốn vậy hay không?

Bà thấy cái nguy, không muốn chàng dấn thân vào cảnh nguy, song chàng có thể cầu an mà quên lãng phục thù chăng?

Lắng dịu cơn xúc động trong tâm tư, chàng mở chiếc hộp bằng ngọc màu đen, lấy mảnh lụa ra đọc.

Trên mảnh lụa đã nhạt màu, bà ghi lại những niềm thống khổ của mười mấy năm trước.

Lời lẽ lâm ly, thống thiết, mỗi một chữ ghi lên, là mỗi một vết máu, mà thương tích không ở nơi da thịt bên ngoài, thương tích lại ở ngay trong tim.

Triển Mộng Bạch đọc xong chữ nào, là con tim nhói lên theo chữ đó.

Nơi phía hậu, có mấy hàng chữ, nét bút còn mới, chừng như bà vừa thêm vào đó, độ vài hôm thôi.

Những hàng chữ đó, như sau:

- "Mẹ không tròn bổn phận với con, mẹ thẹn với con lắm, con ơi! Con người sinh ra ai không có mẹ? Mẹ sanh con, mẹ lại bỏ con côi cút từ thuở ấu thơ, con thiếu vắng tình thương của mẹ nhưng biết làm sao hơn khi mẹ không thể ở lại bên cạnh con? Bao nhiêu năm qua, có hôm nào mẹ không nghĩ tưởng đến con? Mỗi ngày qua, mẹ tự hỏi, hôm nay con ra sao? Con có ăn ngon ngủ kỹ chăng? Con có vui chăng? Mẹ muốn gặp con, song gặp rồi, mẹ chẳng dám nhìn con, bởi con là người cương trực, biết đâu con chẳng lượng xét cho mẹ, rồi nặng lời phỉ báng mẹ thiếu lương tâm? Con quật cường, thành ra mẹ sợ con, con ơi! Mười mấy năm qua, sống với hình ảnh con, mẹ đau khổ vô cùng! Mẹ cũng biết, bỏ con mà đi như vậy, là mẹ có lỗi với cha con! Song cha con có lỗi trước với mẹ, mẹ không quên được cái lỗi của cha con, nên mẹ xé lòng mà xa con! Bây giờ, mẹ ra đi, vĩnh viễn ra đi, mẹ vĩnh viễn bỏ con chứ chẳng phải tạm thời như ngày nào. Con hãy vùi xác mẹ tại Mạt Can Sơn này, và đừng bao giờ tiết lộ với ai, nơi mẹ nằm yên vạn kiếp. Chôn xác mẹ xong rồi, con lập tức rời Giang Nam đến Tân Hoa Sơn, tìm cho được vị cao nhân có cái hiệu Mạt Vong Ngã. Giả như con không tìm được đến nơi đó, con cứ gọi danh hiệu của lão nhân, tự nhiên người sẽ ra mặt, và người sẽ đưa con đến một nơi thần bí sau đó..."

Từ đoạn đó cho đến đoạn cuối, chữ viết loạn, khó đọc vô cùng. Chẳng những thế, ý thơ còn dài mà giòng chữ thì dứt đoạn.

Hoặc giả bà không muốn viết tiếp. Hoặc giả vì một lý do nào đó, bà không viết tiếp được?

Đọc xong bức tâm thư, Triển Mộng Bạch đã khóc chẳng biết bao nhiêu lệ, thơ dứt rồi, mắt chàng cay và đỏ, chừng như muốn khóc nữa song lệ như cạn nguồn.

Nhìn chiếc hộp có dấu kiếm chém chằng chịt, Tô Siển Tuyết cũng khóc như chàng.

Bà khóc nhẹ nhàng, bởi tuổi già hạt lệ như sương, lệ còn đâu tràn nguồn để khóc ồ ạt như chàng thanh thiếu?

Bà vừa khóc vừa thốt:

- Chiếc hộp đó, năm xưa, gia gia ngươi tặng mẫu thân ngươi làm tín vật. Bà dù hận, hận đến độ dùng kiếm chém lên đó, để trút cái hận vào vật, xem vật thay người, nhưng bà không thể xa rời chiếp hộp.

Bà nghẹn ngào tiếp nối:

- Còn như, nửa chiếc ngọc thoi kia, tại làm sao nó chỉ là nửa chiếc, chứ không nguyên chiếc, thì... ta chưa hiểu cái ý tứ như thế nào!

Triển Mộng Bạch đứng lên.

Bên ngoài mưa chưa dứt. Gió đùa qua khung cửa sổ, mang mưa và phòng.

Gió đêm thu, gió nào không thảm, đối với những tâm hồn nặng chỉu ưu tư?

Mùa thu, mưa nào không buồn khi đêm về, có gió từng cơn thổi qua xua cành lá rào rào?

Gió thu, mưa thu trong đêm thu, tại vùng Mạt Can Sơn hoang vắng và khung cảnh hãi hùng...

Càng hãi hùng hơn nữa, trong khung cảnh đó, hai ngôi mộ vừa được đắp đất lên, đất ướt lại bị mưa làm ướt thêm. Hai nấm mộ là hai linh hồn, hòn đó có mang theo niềm oán hận chăng? Hay lâng lâng nhẹ vì đã tròn một kiếp làm người?

Hai ngôi mộ đắp lên, hai ngôi mộ đối với Triển Mộng Bạch đều khiêu động nơi chàng một niềm chua xót nhưng bản chất dị đồng.

Triển Mộng Bạch đắp mộ rồi, còn lưu luyến tại đó.

Mấy hôm qua, Tô Siển Tuyết khuyên lơn, an ủi, bảo chàng sớm dứt khoát với thực tế phũ phàng, tạm thời hạ sơn để lo liệu con đường tiến thủ, nhưng chàng chấp ý, ở lại đó, thủ mộ. Hiện tại thì chàng không thể nào ra đi vội vàng như vậy được.

Tô Siển Tuyết thở dài, hỏi:

- Ta biết, ngươi có hiếu lắm! Ngươi lưu lại đây, là vì hiếu tâm. Ta nói gì hơn khi con người biểu lộ hiếu tâm? Nhưng, giữ mộ mẹ, chưa phải là tròn bổn phận làm con. Ngươi cũng có cha, ngươi còn thù cha, ngươi bỏ đi mối huyết hải thâm thù, thì hiếu với mẹ mà bất hiếu với cha, như vậy ngươi có an tâm chăng? Mẹ ngươi không cần ngươi giữ mộ, trong khi đó cha ngươi từ suối vàng mở to mắt chờ xem ngươi báo thù. Rồi, ngươi bất động được chăng? Ngươi có thể làm như một con người thông thường, nhiễm cái nhân ái từ hòa của bọn nữ nhân được chăng?

Triển Mộng Bạch không đáp.

Chàng không muốn đáp, hay chẳng có lời gì để đáp!

Tô Siển Tuyết tiếp:

- Ngươi chấp ý như vậy, đáng lý ta nên ở đây, bầu bạn với ngươi, song...

Triển Mộng Bạch mơ màng:

- Nếu lão nhân gia có việc...

Tô Siển Tuyết lại thở dài, chận lời chàng:

- Trong mấy năm sau này, ta bận việc vô cùng. Giờ đây, ta tưởng nên nói rõ với ngươi vài điều, song ta chẳng có đủ thời gian nói năng gì với ngươi. Vậy khi nào thuận tiện, ngươi cứ đến Quân Sơn, tại Động Đình Hồ tìm ta.

Bà để lại một chiếc ngọc quyết, ân cần dặn dò Triển Mộng Bạch năm phen, bảy lượt, sau cùng bà xuống núi.

Bà đi rồi, Triển Mộng Bạch cảm thấy tĩnh mịch phi thường. Dù chàng không lưu tâm đến ngoại cảnh, song làm sao chẳng khỏi bị sự chi phối của không gian và thời gian?

Chàng không buồn nghĩ đến sự thay đổi y phục, chẳng những thế, chàng không muốn mặc áo, không mang giầy, không tắm rửa, không chải gỡ đầu cho gọn mớ tóc.

Chàng gần như không lưu ý đến thời khắc, bất quá, bóng tối lan tràn là chàng nhớ ra đêm đã xuống. Khi thái dương lên, chàng thức ngộ là ngày về.

Rồi, gió bớt lạnh, mưa bớt rơi, rồi hoa lại đua nở, cỏ mọc xanh tươi, thu qua đông đến, rồi đông đi xuân về.

Xuân trở lại trên trần gian lúc nào chàng cũng không nhớ rõ đã được bao nhiêu ngày.

Đói, chàng tìm hoa, tìm trái, thứ nào ăn được, cứ ăn, chẳng cần chọn lựa, miễn sao dạ đầy ứ để đủ sức chịu đựng sang ngày sau.

Khát, đã có suối không xa.

Con người mang nặng buồn thương, không làm sao phát tiết, lại giam mình trong tịch mịch, buồn thương càng phút càng tăng, càng dồn ứ.

Lắm lúc chàng phát cuồng, chàng chạy quanh núi, chạy cho quên sầu đau, chạy cho thoát bớt uất phiền. Thỉnh thoảng chàng lí nhí mấy câu trước đầu mộ Tần Vô Triện hoặc mộ của mẫu thân.

Có khi chàng ngồi ủ rũ ôm đầu như gục chết, rồi bất thình lình khóc rống lên.

Bi thương, thống khổ, uất hận, tịch mịch thê lương, nội tâm cùng ngoại cảnh theo ngày tháng trôi qua, un đúc cho chàng một nghị lực kiên cường, với nghị lực đó, chàng có thể phá vỡ một hòn núi, tát cạn một lòng biển.

Phía ngoài, có một vùng cỏ loạn, che cửa động như một bức bình phong ngăn cách chàng với nhân thế.

Trong động tối đen, không khí lại ẩm thấp.

Chỗ nào ẩm thấp, là có côn trùng, có mối, có kiến. Mối và kiến cắn quanh mình chàng, có chỗ sưng to, có chỗ lấm tấm đỏ.

Song chàng cũng không màng đến những cái đau xót vụn vặt đó, bởi niềm đau trong tâm...

(Thiếu hai trang, xtl 055 trang 293-294) ... có rêu xanh, mưa xuân vừa dứt lúc đầu đêm, rêu xanh còn ẩm ướt, song lão chẳng màng đến điều đó.

Lão ăn, lão uống, rồi lão ca, hát.

Chẳng rõ lão ca, lão hát những câu gì...

Lâu lắm, lão cau mày, rồi vụt đứng lên, tự thốt:

- Chẳng lẽ cái lão Đỗ đó không dám đến?

Lão ngồi, Triển Mộng Bạch không thể thấy rõ con người của lão như thế nào.

Lão đứng lên, thân hình hiện lộ vừa cao vừa to lớn phi thường, đúng là vai năm thước rộng, lưng mười thước cao.

Một con người như vậy, làm gì có cái dáng của nhà tu, không kể lão đang ăn thịt uống rượu.

Cho rằng lão là một đồ tể thì đúng hơn.

Có lẽ khẩn trương, nên lão mới lẩm nhẩm như thế, lẩm nhẩm rồi, lão nín lặng chờ.

Càng chờ, lão càng khẩn trương hơn.

Sau cùng, chừng như mất hết kiên nhẫn, lão mắng, gọi to họ Đỗ mà mắng.

Lão mắng, cứ mắng, nhai cứ nhai, nốc cứ nốc.

Chốc chốc, lão phun đốt xương gà xuống đất.

Xương gà, dù cứng, ai tốt răng, nhai cũng nát như thường. Song hòa thượng phun xuống đất chạm vào những mảnh đá, bật kêu cộp cộp, xương gà không vỡ nát, trái lại đá phải vỡ vụn.

Xương gà chạm đá, như thép chạm, điều đó chứng tỏ hòa thượng có dụng công lực chuyển vào xương, và cái công lực đó chẳng phải tầm thường.

Triển Mộng Bạch mục kích sự tình, bất giác sợ ra mặt.

Bỗng, một tràng cười sang sảng vang lên, từ xa vọng lại. Tràng cười dứt, một người thốt:

- Đã là người xuất gia, sao động mở miệng là mắng thiên hạ như vậy?

Một tràng cười nữa, nghe lớn hơn, kết thúc câu nói, để tỏ ra cái ý đùa chứ không phải trách cứ.

Từ phía sau tảng đá gần đó, một người xuất hiện, vận chiếc áo bằng gai, màu trắng, mường tượng áo tang dài chấn gót, đầu đội chiếc nón lá.

Người đó, bình thản như thường, tuy bước đi hơi gấp để sớm đến nơi, song chẳng tỏ vẻ gì dụng lực cả.

Đối diện với hòa thượng rồi, y đảo mắt nhìn quanh, đoạn bật cười ha hả, tiếp:

- Đại sư chọn chỗ này, thích hợp vô cùng! Thanh tịnh làm sao! Đỗ này, nếu có chết, thiết tưởng chẳng có phần mộ nào đẹp hơn chốn này!

Phần mộ? Chết?

Thế có nghĩa là họ đưa nhau đến đây, hay đúng hơn đến đây để tử chiến với nhau?

Lúc người đó mới đến, còn gầm đầu bước đi, Triển Mộng Bạch chưa thấy rõ mặt mày, nên không nhận ra quen hay lạ.

Bây giờ, người đó ngẩng mặt phát thoại với nhà sư, chàng mới trông rõ, và nhận ra chính là lão ngư ông tại Tây Khê, chàng thường thả thuyền đến Võ Sĩ Lâu một ngày mấy lượt, gặp mặt lão luôn luôn.

Phát giác ra chính là lão ngư ông quen thuộc, Triển Mộng Bạch sững sờ!

Một lão ngư ông, bình dị, sống cam phận với mảnh lưới, nhợ câu, lấy Tây Khê làm định sở, lại là một nhân vật võ lâm?

Với võ công vừa biểu lộ qua thuật khinh đằng, lão ngư ông hẳn phải có danh lớn trên giang hồ.

Thế mà từ bao lâu nay, chàng không hề biết đến một bậc kỳ tài, ở ngay bên đường chàng hằng qua lại!

Thế mà, lắm lúc trước mặt lão ngư ông, chàng tỏ ra mình là con nhà võ, bởi quật cường, nên cũng tỏ lộ cái vẻ cao ngạo phần nào!

Chàng thấy thẹn quá chừng.

Hòa thượng cao lớn, mập mạp lạnh lùng thốt:

- Bần tăng chờ lâu quá, chẳng thấy thí chủ đến, tưởng đâu thí chủ đã chuồn êm rồi!

Ngư ông họ Đỗ lạnh lùng:

- Tại sao tại hạ không đến chứ?

Hòa thượng mập hừ một tiếng:

- Đến chậm, có nghĩa là không muốn đến, do dự trước khi đến. Nếu do dự, nếu muốn không đến, cũng có thể chuồn êm rồi đó chứ!

Đỗ ngư ông ngẩng mặt lên không bật cười dài.

Đoạn lão thốt:

- Đại sư nghĩ, giao đấu với đại sư, đương nhiên tại hạ phải thu xếp hậu sự, bởi thu xếp hậu sự, nên đến trễ đó!

Hòa thượng mập từ trên tảng đá nhảy xuống, quăng nửa con gà, đoạn chùi tay vào áo, rồi bật cười ha hả:

- Mười năm trước, bần tăng cũng đã chuẩn bị hậu sự xong xuôi, song đến lúc lâm trận, thì Đỗ thí chủ lại chuồn.

Tràng cười của hòa thượng vang lên, chấn dội cả một vùng, âm thanh rền ầm ĩ một lúc lâu mới dứt.

Đỗ ngư ông điềm nhiên:

- Chắc đại sư cho rằng lão phu khiếp nhược? Không đâu, mười năm trước, tiểu nữ chưa trưởng thành, lão phu không nỡ bỏ rời nó, bởi giao thủ với đại sư, lão phu có cảm nghĩ là mình phải ra đi vĩnh viễn. Do đó, mới để đại sư thất vọng! Hiện tại thì, tất cả đều được thu xếp đâu vào đấy rồi, lão phu sẵn sàng dấn thân vào cuộc vĩnh du, giả như đại sư không tìm lão phu, chắc chắn lão phu cũng đi tìm đại sư dù phải bôn ba khắp bốn phương trời!

Hòa thượng mật bật cười cuồng dại:

- Đúng quá! Cái đạo lý đó rất đúng! Phàm đã mang một mối nợ bên mình, chưa thanh toán xong, dù có phải chui mình nằm yên trong quan tài, đôi mắt vẫn khó nhắm kín!

Đoạn, nhà sư trầm giọng tiếp:

- Hơn mười năm nay, bần tăng vất vả tìm thí chủ khắp mọi nẻo đường đất nước, ngờ đâu thí chủ an nhiên ở cạnh bờ sông, thung dung buông phao, thả nhợ, thực đáng buồn cho bần tăng mà cũng đáng hận cho thí chủ.

Hòa thượng cúi xuống, nhặt nửa con gà lên, cắn một miếng, nhai nhai, nuốt xong lại nghiêng hồ lô nốc mấy ngụm rượu kêu ừng ực.

Đỗ ngư ông cười nhẹ:

- Mười mấy năm qua sự vật có đổi dời, song cái tánh khí của đại sư vẫn như xưa! Chẳng rõ các vị bằng hữu kia, giờ đây ở tại phương trời nào!

Lão thở dài, tỏ vẻ bi hoài về tang thương biến chuyển, cố nhân lần lượt tan nát như mây ngàn hạc nội, ai mất ai còn, cái lẽ họp tan sao ai oán quá chừng!

Triển Mộng Bạch biết ngay, song phương có mối nợ giang hồ hơn mười năm trước, họ hẹn nhau tại đây, để thanh toán cho xong. Họ gặp nhau biết rằng trong hai, có một chết mà họ vẫn thản nhiên nhắc nhở đến những giao tình cũ, giữa họ, giữa những bằng hữu khác!

Nghĩ ra, họ có tâm hồn siêu thoát đáng ngợi vô cùng.

Hòa Thượng mập đáp:

- Thí chủ yên trí! Những vị bằng hữu đó, chưa ly khai nhân thế đâu!

Những vị đó, có phải là những viện thủ của hòa thượng chăng?

Mười năm trước, Hòa Thượng đã kêu gọi đến họp, để lập thành một lực lượng ứng phó với Đỗ ngư ông, giờ đây hòa thượng trở lại nhưng các vị kia lại vắng mặt.

Cho nên ngư ông buông lời mỉa mai?

Đến đây, đơn thân độc lực, liệu hòa thượng có làm gì nên việc chăng?

Hòa thượng mập lấy tay áo quệt ngang miệng, quét vết mỡ gà, đoạn bật cười ha hả, tiếp:

- Và, thí chủ cũng nên yên trí luôn, nếu hiện tại thí chủ chưa lo tròn hậu sự cũng chẳng sao, bởi thí chủ còn sống thêm được ba năm nữa!

Đỗ ngư ông cau mày:

- Lời nói đó ý tứ như thế nào?

Hòa thượng mập điềm nhiên:

- Mười năm trước, bần tăng chuẩn bị hậu sự xong, lại bỏ cuộc mà đi! Tuy chúng ta không phải là những người sanh oan gia, tử đối đầu, song cái hận nhục bại trong cuộc ấn chứng võ công hai mươi năm về trước vẫn còn ám ảnh chúng ta, do đó mới có cái hẹn mười năm. Hẹn thứ nhất không thành, phải có cái hẹn thứ hai. Hẹn thứ nhất, thí chủ chuồn đi, thì hẹn thứ hai phải được dời lại đến hẹn thứ ba. Có qua có lại, đó là lẽ thường!

Rồi hòa thượng cắn gà, nốc rượu, nốc xong lại cất tiếng cười vang.

Đỗ ngư ông lại cau mày:

- Đại sư nói chi, lão phu không hiểu rõ lắm!

Hòa thượng vẫn giữ tràng cười:

- Có gì khó hiểu? Bần tăng muốn sống thêm ba năm nữa, đương nhiên thí chủ cũng sống thêm được ba năm! Sau đó... nghĩa là ba năm sau, cũng ngay này, cũng nơi này, chúng ta lại gặp nhau!

Đỗ ngư ông thở dài:

- Nếu không có một biến cố lớn xảy đến cho đại sư, thì nhất định chẳng bao giờ đại sư dời hẹn. Biết nhau trong mấy mươi năm dài, lão phu còn lạ gì tình ý của đại sư?

Lão nghiêm sắc mặt hỏi:

- Tại sao đại sư phải giấu lão phu cho cái tâm thêm khổ?

Hòa thượng mập ngưng bặt tiếng cười, trầm ngâm một lúc lây bỗng bật cười, thốt:

- Cũng chẳng có việc chi! Bất quá bần tăng bận tìm Tần Vô Triện. Bằng mọi giá, bằng mọi cách, trộm, lừa, cướp, bần tăng phải đoạt cho kỳ được lá Bạch Bố kỳ của lão, cho nên cái hẹn hôm nay phải dời lại ba năm sau. Trong khoảng ba năm đình hoản, bần tăng hy vọng làm xong những việc còn đọng lại.

Triển Mộng Bạch giật mình, thầm nghĩ:

- Tần lão tiền bối giao phó cho ta cái việc bảo thủ Bạch Bố kỳ và quyển bí kíp võ công, nếu ta không làm tròn sự ủy thác đó, thì thật đáng thẹn. Tại sao lại có nhiều người định chiếm đoạt những vật đó? Hết cha con họ Phương lại đến lão hòa thượng mập này! Mà họ là những tay ghê gớm cả, ta không phải là đối thủ của họ, giả như họ biết được ta giữ gìn những vật đó, dùng uy lực bức bách ta, đoạt mất những vật đó đi, thì sao? Bằng mọi giá, ta không thể nào để những vật đó rơi vào tay kẻ khác trước khi tìm được người trao y bát của Vô Triện lão tiền bối.

Chàng lấy lá cờ và quyển bí kíp bỏ vào bao bố màu vàng.

Quyển bí kíp chắc chắn là có ghi những chiêu thức kỳ diệu, song từ lúc giữ nó đến nay, chàng đau buồn vì tang mẹ, nên không hề nghĩ đến nó, chứ đừng nói là có giở ra đọc qua.

Chàng tìm một khe đá nhét bao bố vào đó, lấy đất ướt trám bên ngoài, rồi nhặt những cỏ mục phủ kín.

Chàng làm xong công việc đó, thì bên ngoài cửa động, Đỗ ngư ông cất tiếng gọi:

- Vị bằng hữu nào bên trong động đó đã đến lúc nên xuất hiện rồi, xin bước ra đây, chúng ta hội diện đi nào?

Triển Mộng Bạch sững sờ.

Thì ra chàng quá vội vàng hành động không được nhẹ tay, gây tiếng động, Đỗ ngư ông phát giác được.

Không làm sao hơn, chàng phải vẹt bức bình phong bằng cỏ loạn bước ra.

Bên ngoài chỉ có một mình Đỗ ngư ông, còn hòa thượng mập thì đã bỏ đi từ lâu rồi.

Đỗ ngư ông trông thấy chàng, lạnh lùng hỏi:

- Lão phu đã xa lánh giang hồ hơn mười năm rồi, tưởng đâu người đã quên hẳn mình, ngờ đâu vẫn còn bằng hữu chịu khó chiếu cố tận tình như vậy! Chẳng hay bằng hữu là ai?

Triển Mộng Bạch thở dài:

- Đỗ lão trượng không nhận ra vãn bối hay sao?

- Trời! Triển công tử... Làm sao công tử ra thân thế đó?

Hiện tại, chàng có khác nào một gã hành khất, chiếc áo trên mình rách bươm, khoác lên cho có chừng, chứ nào để che ấm cho chàng? Tóc rối bù, chỗ nào không bồng lên lại se lọn như đoanh.

Đã thế, toàn thân lại vấy bùn, rồi một mùi hôi hám bốc ra nồng nặc, hôi hơn thú vật.

Khoát cái lốt ngư phủ mười năm qua, giờ trở lại giang hồ, Đỗ ngư ông không phải khó khăn để lấy cái phong độ của con người từng dọc ngang bằng võ thuật!

Lão trầm nghiêm gương mặt, lạnh giọng trách cứ Triển Mộng Bạch:

- Thi thể của lịnh tôn chưa lạnh, công tử không bảo thủ mộ phần, không chiếu cố gia vụ thay thế cho người ra đi, lại đến tận chốn núi non hoang vắng, làm công việc kẻ rình đêm, chực ngày, thế là nghĩa gì?

Triển Mộng Bạch thở dài:

- Tại hạ ở đây khá lâu, tại hạ cũng có công việc thủ mộ, nào phải nhàn hạ gì, rình nghe cuộc đàm thoại của tiền bối và vị hòa thượng. Mong tiền bối...

Đỗ ngư ông so vai trầm giọng:

- Mộ cha, không giữ lại đi giữ mộ người! Tại sao? Tại sao chứ?

Đỗ ngư ông một đời cương trực, nói thẳng, làm ngay, hơn mười năm đã ly khai giang hồ, song vẫn chưa mất cái chất hào hiệp.

Thấy sai là chỉnh, thấy bất bình là can thiệp.

Cái tánh khí ngày xưa, tưởng đâu đã lắng dịu sau mười năm ẩn tịch, trong phút giây, bừng dậy như thường.

Lão dùng lời nghiêm, trách cứ đúng đạo nghĩa, Triển Mộng Bạch còn tranh biện làm sao?

Chàng cũng không thể đem sự tình tường thuật cho lão biết.

Lão đâu phải là người thân, thì lão nghe sao được việc gia đình của chàng?

Không giữ mộ cha, chàng giữ mộ mẹ, điều đó cũng đúng với đạo hiếu chứ?

Đỗ ngư ông buông luôn:

- Lão phu thuộc giới võ lâm, đương nhiên phải có tư tưởng siêu thoát hơn đời, song chữ hiếu nhất định không bao giờ dám quên lãng, cho công tử biết như vậy!

Biết!

Làm sao Triển Mộng Bạch chẳng biết?

Chàng bực tức cho rằng Đỗ ngư ông quá thiển kiến, cố chấp. Chàng toan nói lên sự thật, nhưng nghĩ kỹ lại, chàng âm thầm chịu đựng lời trách cứ, tuy đúng lý nhưng quá hẹp hòi.

Đỗ ngư ông lại tiếp:

- Ngày thường, lão phu hết sức tán thưởng hành vi của công tử, song hôm nay bắt buộc phải giáo huấn công tử, nếu không...

Bỗng có tiếng chân người chạy rất gấp.

Hòa lẫn với tiếng chân, có tiếng một nữ nhân, vừa kêu vừa thở. Tiếng kêu vang lên liên tục, chừng như nữ nhân đó bị uy hiếp.

Đỗ ngư ông thoáng biến sắc.

Hơn mười năm rồi, lão mai danh ẩn tích, lão không muốn cho người đời gặp lại lão trong phong độ của khách giang hồ, giờ đây, có kẻ bất chợt xuất hiện, lão lại càng muốn lẩn tránh.

Cấp tốc, lão nắm tay Triển Mộng Bạch kéo nhanh vào bên trong động.

Cái nắm tay rất bình thường, song lão là con nhà võ, dù bỏ phế võ công trong bao nhiêu năm, cái thói quen vẫn còn, xuất thủ là đúng chiêu thức, hơn nữa, xuất thủ là luôn luôn chạm nhằm chỗ nhược của đối phương.

Ở đây, Triển Mộng Bạch không phải là đối phương, song lão chụp tay chàng, theo thói quen, lại trúng nhằm huyệt đạo.

Chàng nghe tê dại cả thân hình, không thể cử động được nữa, đành để mặc lão lôi kéo.

Trong khi đó, tiếng chân người chạy gấp đã nghe quá rõ rồi, chừng như nữ nhân đã đến gần, và người đang đuổi theo lại đeo sát kề bên.

Không lâu lắm, kẻ chạy, người đuổi đã đến nơi.

Kẻ chạy, như âm thanh đã tố giác là một nữ nhân, y phục hoa lệ, song tóc rối bù, thần tình hết sức khẩn trương, vẻ kinh hoàng hiện rõ nơi mặt, trong ánh mắt, qua tiếng kêu la ầm ĩ.

Người đuổi, là một đại hán, có thân hình tráng kiện, tay cầm một mủi chủy thủ, gương mặt lộ vẻ cực kỳ hung ác, đôi mắt bốc sát khí ngời ngời.

Thì ra đó là vợ chồng Kim Ngọc song hiệp.

Kim Diện Thiên Vương Lý Quan Anh lăm lăm thanh chủy thủ nơi tay, gằn từng tiếng:

- Ngươi biết không, ta với ngươi là vợ chồng, ta với ngươi lấy nhau từ lâu rồi, ngươi vẫn chẳng thai nghén chi cả. Gần đây, trong mấy tháng nay, ta không hề ngủ chung với ngươi, thế tại sao ngươi lại có mang?

Ngọc Quan Âm Trần Thanh Như rung rung giọng:

- Ngươi... ngươi nói gì?

Lý Quan Anh cười lạnh:

- Ngươi tưởng đâu ta chẳng biết? Tần Sấu Ông xem mạch cho ngươi đã tiết lộ với ta điều đó. Người cứ tưởng chính là kiệt tác của ta nên tỏ lời mừng ta được ngày này.

Y ngẩng mặt lên không đoạn cười ghê rợn tiếp:

- Lý Quan Anh là một anh hùng đương thế, thanh danh nào phải nhỏ, ngờ đâu thanh danh đó bị con tiện tỳ hủy diệt! Tiện tỳ hại ta! Tiện tỳ hại ta!

Trần Thanh Như dựa mình vào vách núi, gương mặt biến sắc trắng nhạt.

Triển Mộng Bạch thầm nghĩ:

- Đôi gian phu dâm phụ đó quả nhiên chẳng dám hạ sát Lý Quan Anh! Ngờ đâu hành vi đê tiện của họ hôm nay đã bị bại lộ rồi.

Chàng nhớ ngay đến mẫu thân, chính bà đã tiên đoán sự tình như vậy nên ngăn cản chàng lúc đó định chường mặt ngăn giáo huấn kẻ lăng loàn, người phản bạn.

Lý Quan Anh cười lên mấy tiếng, giọng cười trầm và lạnh, đoạn thốt:

- Ta với ngươi thành vợ thành chồng qua bảy năm dài, dù sao thì cũng có chút tình nghĩa, ta nỡ nào xuống tay hạ sát ngươi cho đành? Ta chỉ mong ngươi nói cho ta biết tên kẻ gian phu, ngươi cho ta biết rồi, ta hứa sẽ tha ngươi khỏi chết!

Trần Thanh Như thốt lên:

- Ngươi... ngươi...

Lý Quan Anh đưa thanh chủy thủ lên, quát:

- Ngươi chịu nói hay ương ngạnh giấu kín? Cho ngươi biết đừng tưởng ta không làm chi ngươi nổi, võ công của ngươi, chính ta truyền thọ cho. Như vậy, ta muốn giết ngươi, đâu phải là việc khó khăn?

Trần Thanh Như chớp mắt, hỏi:

- Ngươi... nhất định muốn biết?

Bỗng, nàng đưa tay che mặt, bật khóc ra rít.

Lý Quan Anh hét:

- Ai? Nói mau!

Trần Thanh Như nức nở:

- Ngươi bức bách ta chi quá độ như vậy? Được rồi, ngươi muốn biết, ta nói cho biết, kẻ đã để giọt máu trong bụng ta đây chính là Triển Mộng Bạch, con trai của lão nhân Triển Hóa Vũ đấy!

Nàng khóc to hơn trước!

Tại chỗ, có bốn người, trừ một Trần Thanh Như, còn ba là Đỗ ngư ông, Triển Mộng Bạch và Lý Quan Anh cùng giật mình.

Nhưng mỗi người giật mình một cách.

Triển Mộng Bạch mắng thầm:

- Tiện tỳ! Dám gieo họa cho ta!

Nếu không bị chế ngự nơi huyệt đạo, chắc chắn chàng đã nhảy vọt ra ngoài rồi.

Đỗ ngư ông mắng thầm:

- Không ngờ tiểu tử họ Triển xem ra thì trung hậu lắm, song thực sự lại là loài cầm thú vận y phục người! Triển Hóa Vũ một đời oanh liệt, lại sanh ra cái thứ nghiệt súc! Thanh danh của lão bị súc sanh làm tiêu tan mất! Đáng hận thật!

Lão hoàn toàn tin lời Trần Thanh Như, càng tin, lão càng hận Triển Mộng Bạch.

Lý Quan Anh kêu lên:

- Triển Mộng Bạch! Thì ra, chính hắn!

Y rung giọng, thốt:

- Tại sao... ngươi không cho ta biết sớm? Bây giờ, hắn ở đâu?

Trần Thanh Như ôm mặt, tức tưởi:

- Thoạt đầu... thì... chính hắn cưỡng bức ta, phần ai, ai cũng ngán sợ phụ thân hắn, ta nghĩ, có nói ra, cũng chẳng ai dám làm gì hắn! Sau lại...

Nàng khóc ngất, vì quá khóc nhiều, nàng không tiếp nối được nữa.

Nàng che mặt, cho rằng chưa đủ, nàng lại cúi đầu, sợ Lý Quan Anh nhìn được bộ mặt dạn dày của nàng.

Lý Quan Anh rít lên:

- Thảo nào, lúc Triển Hóa Vũ hấp hối, ngươi quan tâm như chính cha ngươi sắp chết!

Y gầm như hổ dữ, tiếp:

- Hận thật! Chẳng biết cái gã mặt người lòng thú đó hiện giờ ở đâu!

Triển Mộng Bạch sôi giận tràn lòng.

Đỗ ngư ông cũng căm hận cực điểm.

Bỗng lão hét lên:

- Gian phu ở đây!

Lão vung tay, quẳng Triển Mộng Bạch ra ngoài cửa động.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-22)


<