Vay nóng Tima

Truyện:Thiên kiếm tuyệt đao - Hồi 01

Thiên kiếm tuyệt đao
Trọn bộ 64 hồi
Hồi 01: Sao Lắm Kẻ Thù
4.75
(4 lượt)


Hồi (1-64)

Siêu sale Lazada

Gió lộng, mưa bụi bay mịt mù, cả đất trời đắm chìm trong cảnh ảm đạm thê lương, đường lầy lội bùn đất dính nham nháp đi lại cực khổ vô cùng. Năm thớt ngựa thật khỏe, giống thiên lý mã giỏi chạy đường trường đạp bừa lên bùn đất xông xáo trong màn mưa đìu hiu.

Người cỡi ngựa đi đầu là một thiếu niên tuổi chừng mười bốn mười lăm, quần áo chẽn màu xanh, chân đi giày bó, trên yên có treo thanh bảo kiếm.

Kỵ sĩ đi thứ nhì là một thiếu nữ mười tám tuổi mười chín tuổi, nhan sắc diễm lệ, nhưng vẻ mặt mệt mỏi bơ phờ, tóc tai rối bời, chiếc thoa cài xộc xệch, toàn thân nàng dính đầy bùn đất, cánh tay trái nàng có quấn một vuông lụa trắng hoen ố những máu lại thêm nước mưa tạt vào cùng bùn đất văng lên biến bết khiến không thể nào phân biệt được màu sắc.

Kỵ sĩ đi thứ ba là một thiếu niên tuổi chừng hăm hai hăm ba, toàn thân như tắm trong bùn, không còn nhìn ra được màu sắc của y phục chàng mặc.

Người cưỡi ngựa đi đằng sau thiếu niên này là một người đàn bà trung niên vẻ mặt buồn thiu, hàng mi dài sụp xuống vẫn không giấu nổi một nhan sắc mặn mà. Thiếu phụ bị quấn một băng lụa trắng ở cổ, máu thấm đỏ tươi, rõ ràng thiếu phụ mới bị thương không lâu.

Trên lưng con ngựa cao lớn đi đằng sau chót là một ông già tuổi ngoại ngũ tuần. Ông già cũng vận quần áo chẽn theo lối con nhà võ, lưng dắt đao, chòm râu trắng dài rậm buông thõng xuống trước ngực, đôi mắt tinh anh oai dũng dơm dớm hai dòng lệ, bộ mặt vuông chữ điền còn rành rành bốn vết đao chém, hai vết rạch một đường khá sâu còn mới, hiển nhiên ông lão mới bị thương đây.

Cả năm người kỵ sĩ người nào người nấy đều lầm lũi giục ngựa, vẻ mặt buồn thiu, dáng điệu hấp tấp như những kẻ đang chạy trốn.

Mây đen mỗi lúc một thêm dày đặc, cảnh trời lại càng thêm ảm đạm trong khi cơn mưa cũng quái ác mỗi lúc một nặng hạt. Ông lão râu dài đưa mắt âu lo nhìn quanh quất một hồi rồi thúc mạnh ngựa. Con ngựa quá mệt mỏi cũng ráng hết sức tàn đột nhiên lao mình vút đi thật nhanh. Ông lão đuổi kịp thiếu phụ trung niên thở dài nói:

- Chúng ta hãy nghỉ ngơi một chốc rồi hãy đi tiếp, thương thế của nàng không nhẹ...

Mới nói đến đây, hai hàng lệ đã ứa trào ra lăn dài trên má ông lão kiêu hùng hòa lẫn với nước mưa khiến không còn thấy đâu là lệ đâu là nước.

Xem thế ai bảo kẻ trượng phu không khóc? Có chăng chỉ là chưa gặp lúc thương tâm! Thiếu phụ trung niên cố nén cơn sầu khổ vật vã trong lòng, làm bộ vui vẻ, mỉm cười nói:

- Đâu có gì, vết thương xoàng này thiếp còn có thể chịu được, ôi chỉ sợ Quyên Nhi con nó...

- Má, con còn khỏe lắm!

Thiếu nữ tuy đã cố dằn thống khổ trong tâm, nàng cố gượng cười thật tươi nhưng vẫn không sao ngăn được hai giọt lệ lóng lánh như kim cương trào ra từ hai con mắt to tròn.

Ông lão râu dài buồn bã thở dài não ruột nói:

- Quyên Nhi, con đừng có giấu ta làm gì...

Thiếu nữ vội nói:

- Gia gia, con khỏe thật mà!

Nói đến đây, nàng sẽ nghiến răng ngà, giơ cánh tay trái lên quơ quơ mấy cái rồi nói:

- Gia gia, coi này, con không đau một chút xíu nào hết.

Nàng nói xong câu nói, vì vừa rồi cử động quá mạnh, động đến vết thương nên nàng đau điếng, mồ hôi toát ra đầy người. Nàng vội vàng ngoảnh đi nơi khác, ngầm vận kình lực vào bắp chân thúc mạnh hông ngựa vọt lên trước.

Ông lão đâu phải người tầm thường, mắt ông nhanh như cắt, chỉ cần thoáng nhìn ông cũng biết ngay thương thế của thiếu nữ vô cùng nặng, nếu như không mau tìm cách cứu chữa cho nàng thì cả một cánh tay trái của nàng đến thành tàn phế mất. Biết vậy nên lòng đau như dao cắt, ông lão ngửa mặt nhìn trời, thở dài nói bằng một giọng bi thương.

- Không ngờ, đâu có ngờ được một kẻ như ta, Tả Giám Bạch này, ngửa mặt lên không sợ hổ với trời, cúi mình nhìn xuống không thẹn với người, thế mà ngày hôm nay lại đến nông nổi này, làm liên lụy cả đến vợ con cũng không yên thân, phải theo cùng khắp góc biển chân trời.

Thiếu phụ trung niên kìm cương cho ngựa chậm lại để bà được gần Tả Giám Bạch rồi nhẹ nhàng, thiếu phụ đưa tay ra nắm lấy tay trái ông lão, dịu dàng nói:

- Phu quân chớ buồn khổ như thế, người hiền thế nào cũng gặp lành, sự việc hiểu lầm, mối trầm oan kia thể nào cũng có một ngày sáng tỏ, gội sạch được, đến ngày ấy thì rồi bao nhiêu nhân vật trong võ lâm tự khắc sẽ hổ thẹn vì những hành động thiếu suy nghĩ của họ.

Tả Giám Bạch khẽ lắc đầu thở dài bi phẫn nói:

- Tám năm rồi, tám năm chứ đâu phải ít, gia đình vợ chồng con cái chúng ta phải chạy trốn khắp thâm sơn cùng cố, qua cả những sa mạc hoang vu, thế mà có nơi nào chúng ta có thể an cư để lạc nghiệp đâu? Hừ, tám năm trời chạy trốn thục mạng, trầm oan mênh mông như biển cả không có ngày giải tỏ, điều sái quấy có lẽ đã gây ra tích tụ quá nhiều chăng mà đến nỗi khắp mặt cao thủ trong võ lâm thiên hạ cứ hầm hầm muốn giết sạch toàn gia chúng ta mới nguôi cơn giận. Hừ, ta dẫu cho có miệng lưỡi ăn nói như Tô Tần cũng khó lòng biện bạch cho rõ trắng đen, cho tỏ nỗi oan.

Thiếu phụ trung niên khẽ giọng khuyên lơn:

- Phu quân chớ có khổ não, chúng ta còn nhiều ngày giờ, chẳng cần phải nhọc lòng lo lắng trong nhất thời.

Tả Giám Bạch nhìn người vợ yêu quí, thấy băng lụa quấn quanh cổ ái thê đã đỏ dọc màu máu, liên tưởng tới việc hiện giờ chỗ miệng vết thương máu đang ri rỉ chảy ra, bất giác lòng ông quặn thắt, quá xấu hổ muốn chết ngay cho đỡ nhục. Bồi hồi giây lâu, ông trầm giọng nói:

- Chúng ta đã chạy miết suốt một đêm và nửa ngày, nhẩm tính đường đất thì Sanh Tử kiều còn cách đây không đầy một trăm dặm đường, vậy chúng ta nghỉ ngơi giây lát rồi hãy đi tiếp.

Thiếu phụ trung niên chậm rãi gật đầu nói:

- Cũng được, thương thế của Quyên Nhi cũng cần phải xem xét lại, chà, khá thương cho mấy đứa trẻ vô tội cũng phải khổ lây vì chúng ta, tám năm nay không có được một ngày yên ổn.

Tả Giám Bạch ứa nước mắt nói:

- Đường đường là kẻ trượng phu, sức dài vai rộng mà lại không che chở được cho vợ con, nghĩ lại thực đau xót...

Thiếu phụ trung niên đỡ lời chồng:

- Phu quân không nên tự trách mình như thế, việc này xét kỹ ra hoàn toàn là tại tiện thiếp.

Tả Giám Bạch thở dài nói:

- Ở đằng kia hình như có một tòa cổ miếu, chúng ta hãy tới đó để trú mưa đi.

Vừa nói dứt lời, Tả Giám Bạch liền thúc ngựa xông đi trước, năm con ngựa lấy hết sức thừa phi về hướng Tây bắc.

Lúc bấy giờ trời đổ mưa càng nặng hạt, bầu trời càng thêm vần vũ âm u, phía xa núi như bốc khói như thể tiếp cận với mây trời.

Lộ trình tuy không lấy gì làm dài nhưng năm con tuấn mã đã như dây cung giương hết cỡ, chúng không còn đủ sức chạy cho nên gắng gỏi lắm và mất hết một khoảng thời gian ăn xong bữa cơm tối mới tới được trước cái miếu nhỏ.

Đây là một cái miếu thờ sơn thần hoang vắng, bề rộng không đầy một gian phòng, có điều tường quét vôi trắng, cửa và ngói còn mới, tựa hồ như mới được sửa sang lại không lâu.

Tả Giám Bạch nhảy xuống ngựa trước, đang định đưa tay ra đỡ ái thê thì thiếu phụ trung niên đã nhanh nhẹn tung mình xuống gọn ghẽ, khẽ giọng nói:

- Khỏi cần để ý tới tiện thiếp, mau xem Quyên Nhi ra sao.

Thiếu phụ nói vậy nhưng thực ra lúc song thân nhảy xuống ngựa thiếu nữ cũng đã đồng thời buông mình xuống rồi. Nàng chậm rãi bước đến bên chú bé, dịu dàng nói:

- Đệ đệ, xuống ngựa nghỉ ngơi đi em.

Thiếu niên đang ngước mắt nhìn ra chân trời xa, cặp lông mày cau lại, như thể đang suy nghĩ ghê gớm về một chuyện gì trọng đại. Tám năm trời chỉ toàn chạy trốn theo cha mẹ và các anh chị đi khắp thâm sơn cùng cốc, những vùng đất hoang vu mênh mông, thiếu niên đã tỏ ra sành sõi lão luyện lắm rồi, tuy là đứa trẻ mười lăm tuổi nhưng chàng đã không còn cái ngây thơ trong trắng của tuổi hoa niên.

Thiếu nữ chậm rãi đưa tay phải ra sẽ nắm lấy cổ tay phải thiếu niên ngọt ngào nói:

- Thiếu Bạch, em nghĩ gì thế?

Nghe hỏi, Tả Thiếu Bạch giật nẩy mình vội vàng nhảy xuống ngựa mỉm cười nói:

- Em có nghĩ gì đâu, thư thư lại nghỉ đấy à?

Thiếu nữ cười buồn nói:

- Chúng ta đã chạy ròng rã một đêm với nửa ngày, ôi đến ngựa cũng không nhúc nhích được thân mình nữa.

Nói rồi thiếu nữ đưa tay phải lên cao để ước lượng tầm cao của chú bé, hai hàng nước mắt từ từ lăn dài trên gò má trắng hồng của nàng. Nàng nhớ lại cái ngày gia đình nàng phải bỏ nhà đào vong thì thằng em nàng hãy còn là đứa trẻ không hiểu việc đời thế mà ngày nay nó đã cao hơn nàng rồi.

Tả Thiếu Bạch nhìn chị một cái nói:

- Em cao hơn thư thư!

Thiếu nữ gượng cười nói:

- Ừ, cao rồi em thật đã lớn.

Tám năm trời phải sống trong cảnh đào vong, hoạn nạn cùng chịu nên vợ chồng anh em con cái nhà họ Tả đã học thương yêu nhau, bất luận trong lòng buồn khổ thế nào mỗi người họ cũng cố sức che giấu không để cho những người thân yêu của mình phải lo lắng.

Lúc bấy giờ thanh niên người đầy bùn đất đột nhiên tiến lại cầm lấy dây cương trong tay em gái và người em trai rồi cười nói:

- Các em vào trong miếu nghỉ ngơi với gia gia và gia nương đi.

Thiếu nữ dịu dàng nói:

- Đại ca là người vất vả nhất!

Thanh niên người đầy bùn đất chỉ khẽ phác một nụ cười không đáp mà dắt năm con tuấn mã đi vòng ra đám cỏ ở một bên miếu. Năm con tuấn mã phải chạy miết một đêm với nửa ngày, giờ đây được trông thấy cỏ mà lại là thứ cỏ non mướt nên lập tức gục đầu xuống gặm lấy gặm để.

Tả Giám Bạch rủ những giọt mưa trên người rồi nói:

- Kế Bạch, thả ngựa ra mặc cho chúng ăn cỏ, con cũng phải vào trong miếu nghỉ ngơi một lúc.

Tả Kế Bạch nghe cha gọi liền nói:

- Gia gia hãy coi xem thương thế của má và Quyên muội muội, khỏi phải lo lắng cho con. Tả Giám Bạch vuốt chòm râu dài trước ngực lặng lẽ quay người đi vào trong miếu. Ông thừa biết tính con. Tả Kế Bạch thì vẫn vậy, mỗi khi mà gia đình dừng chân nghỉ ngơi, chàng đều tranh phần săn sóc cho năm con ngựa, đợi cho chúng ăn no xong rồi chàng mới chịu đi nghỉ. Tám năm rồi, tám năm như một ngày không khi nào chàng để gián đoạn.

Bốn người ngồi vây quanh trong tòa cổ miếu. Tả Giám Bạch cởi cái đẫy đeo ở lưng xuống lấy lương khô ra nói:

- Hài tử, ăn một chút cho đỡ đói đi, chúng ta còn đoạn đường chót, từ đấy trở đi đại khái không còn có ai đuổi theo chúng ta nữa?

Nói đến đây, ông nhẹ nhàng để lương thực xuống đất rồi lấy ra một cái bình ngọc trắng, mở nút đưa mắt nhìn ái thê, gượng cười nói:

- Đây cũng là bình cuối cùng... rồi...

Nói đến đây, ông lại quay sang nói với thiếu nữ:

- Quyên nhi, lại đây để gia gia xem xét vết thương trên cánh tay trái của con xem sao nào.

Tả Văn Quyên nói:

- Thương thế của nữ nhi không nặng, xin gia gia hãy coi thương thế của mẹ trước đi.

Thiếu phụ trung niên gượng cười nói:

- Nương nương đã già rồi, vết thương ở trên cổ này dẫu cho không săn sóc tới thì bất quá nó cũng chỉ để lại một vết sẹo nhỏ mà thôi, trong khi tuổi con còn nhỏ nếu như bị hỏng một cánh tay thì là điều ân hận suốt đời.

Tả Giám Bạch nói:

- Bình thuốc này đủ dùng cho hai mẹ con.

Nói rồi ông nhanh nhẹn cởi vuông lụa trắng bó lấy vết thương của thiếu phụ, chỉ thấy một đường đao dài rạch vòng đến nửa cổ và sâu đến hơn một tấc, miệng vết thương máu vẫn ri rỉ chảy ra. thấy vậy, ông già hoảng hồn nghĩ bụng.

- Nhát đao lợi hại quá, nhưng chưa chạm tới gân cốt kể ra cũng là một điều đại hạnh trong cái bất hạnh đây.

Nghĩ rồi ông hết sức cẩn thận, nhẹ tay đổ trong bình ra một thứ bột sắc trắng bôi lên chỗ vết thương của thiếu phụ, xong đâu đó ông lại nhẹ nhàng băng lại rồi nói:

- Quyên nhi, con lại đây.

Tả Văn Quyên gỡ lần vải băng trắng đi lại. Vết thương của nàng đã mấy ngày rồi không được bôi thuốc chữa chạy lại thêm bị mưa gió xâm nhập vào cho nên nó đã sưng vù lên.

Tả Giám Bạch cau mày thở dài nói:

- Quyên nhi, nếu mà để chậm hai ngày nữa, vết thương của con vỡ ra thì cánh tay trái của con không khỏi tàn phế.

Nói rồi ông bùi ngùi, rầu rầu nét mặt đổ dốc hết thứ thuốc bột trắng trong bình ngọc ra bôi lên miệng vết thương của thiếu nữ. Xong đâu đấy ông vung mạnh tay ném chiếc bình ngọc đi rồi lẳng lặng tiếp lời:

- Chỉ mong sao đoạn đường cuối cùng này chúng ta không bị cường địch đuổi kịp...

Tả Thiếu Bạch từ nãy giờ ngồi im đột nhiên chen lời nói:

- Gia gia, hài nhi có một điều không hiểu để ở trong lòng bấy lâu nay, không hiểu có nên đem ra hỏi hay không?

- Được, con hỏi đi, cha kể ra, nếu các con không lên tiếng hỏi, chính cha cũng phải cho các con biết.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Hài tử nhớ cái ngày cả gia đình chúng ta đào vong...

Thiếu phụ trung niên không ngăn được dòng lệ thảm nói:

- Hài tử, cái năm gia đình ta đào vong thì con chẳng qua mới vừa đầy bảy tuổi.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Năm nay hài nhi bao nhiêu tuổi?

Tả Giám Bạch đỡ lời:

- Con mười lăm tuổi rồi.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Hài nhi bảy tuổi dời khỏi quê hương, năm nay tuổi đã mười lăm, thế là đào vong tám năm trời, tám năm vượt núi băng ngàn, chạy khắp nam bắc, ra cả những miền tuyết phủ ở biên ải, vào cả trong sa mạc mênh mông, gió cát tơi bời, thế mà không có một nơi nào gia đình ta có thể lấy làm chỗ dừng chân, nơi nào cũng có gót sắt của kẻ địch truy sát, gia gia, thật sự gia gia đã làm nên chuyện gì sái quấy mà đến nỗi toàn thể nhân vật trong võ lâm trở thành kẻ đối đầu với gia đình ta?

Mối nghi vấn ấp ủ trong lòng bao nhiêu năm trường giờ đây mới có dịp nói ra cho nên thiếu niên vô cùng kích động, giọng nói của chàng cũng chợt cất lên cao:

- Hài nhi thấy mỗi lần những kẻ giao đấu sinh tử với gia nương, ca ca và thư thư đều không giống nhau, chẳng lẽ những kẻ ấy đều có mối thù bất cộng đái thiên với gia gia hay sao? Những kẻ có phải toàn là những hạng hung ác, xấu xa?

Thiếu phụ đột nhiên xẵng giọng quát lớn:

- Câm miệng, nói chuyện với gia gia mà không giữ mồm giữ miệng như thế hở?

Tả Thiếu Bạch bị mẫu thân lên tiếng mắng, tâm tình đang kích động của chàng lắng dịu xuống rất nhiều, chàng đưa mắt nhìn phụ thân, mếu máo nói:

- Con xin nhận lỗi!

Nói xong, chàng sụp ngay xuống vái lạy. Tả Giám Bạch quay nhìn ái thê than:

- Nàng đừng trách mắng con như thế, hừ, Tả mỗ bất tài để liên lụy cả đến thê tử nhi nữ cũng phải lặn lội chạy trốn cùng ta khắp góc biển chân trời...

Nói đến đây ông ngừng lại giây lâu đưa tay vuốt mái tóc rối bồng của Tả Thiếu Bạch rồi nói bằng giọng thống khổ:

- Hài tử, con không có lỗi gì hết, chỉ bởi vì cha không có tài biện bạch mối trầm oan, giải tỏ điều hiểu lầm của thiên hạ khiến cho những người thân yêu của mình cũng phải mang lấy danh nhơ nhuốc.

Tả Thiếu Bạch từ từ ngẩng đầu lên nói:

- Gia gia thân mang nỗi trầm oan có thể nào nói cho các con biết.

- Giờ phút này có thể nói là cơ hội cuối cùng. Nếu phụ thân không nhân cơ hội này mà nói cho các con biết thì chỉ sợ rằng ngày sau không còn dịp nào nữa, dẫu cho con không hỏi đến thì ta cũng nói.

Tả Văn Quyền nghe cha nói cũng phải mũi lòng, nàng chớp chớp cặp mắt to đen mạnh dạn xen vào nói:

- Gia gia, gia gia không việc gì phải nói lời đứt ruột ấy, tám năm trời nay chúng ta còn có thể tránh được, không bị địch nhân hãm hại, thì tại sao bây giờ đây không chạy trốn thêm được nữa, nhất là hiện tại con thấy võ công của đại ca càng ngày càng cao cường, riêng nữ nhi cũng cảm thấy kiếm thuật tinh tấn rất nhiều, khi nữ nhi khỏi cánh tay này rồi có thể dư sức giao đấu một lúc với ba địch nhân, ôi, nữ nhi có một điều không hiểu, ấy là tại sao gia gia lại thà đành để bị vết thương dưới đao kiếm của đối phương chứ không chịu ra tay hạ độc thủ đánh cho kẻ địch phơi thây?

Nét mặt khô héo vì sầu khổ của Tả Giám Bạch tươi lên một nụ cười mãn nguyện, giây lâu ông nói:

- Cha không thể nào đã lầm lỗi một lần mà lần sau còn vấp phải nữa, tuổi cha đã quá nữa trăm rồi, cái việc sống chết chả lấy làm gì tiếc, lẽ nào cha lại còn trồng thêm cừu địch cho các con?

Tả Văn Quyên sụt sùi đáp:

- Gia gia tuy có lòng từ biết như thế, nhưng bọn cường địch theo sát gót chân gia đình ta lại không chịu buông tha chúng ta, không để cho chúng ta rảnh rang một bước, trong vòng tám năm nay mà gia với má đã trải qua trăm chận chiến, thân bị trọng thương mấy lần, thương nhẹ thì không kể, thế mà vẫn không có cách gì làm cho bọn cừu nhân cảm động, con xem hào khí của gia gia đến vậy là cùng.

Tả Giám Bạch đỡ lời:

- Không phải là hào khí của gia gia đã không còn, có điều cảnh ngộ quá khắc khe tàn khốc, không phải là việc cha con chúng ta có thể hiệp lực mà giải cứu được. Hừ, chín đại môn phái trong võ lâm đã gửi thiếp truyền rao khắp trong thiên hạ nói rằng hể kẻ nào bắt sống được phụ thân là kẻ đó được tùy ý lựa chọn học ba loại tuyệt kỹ trong võ học của chín đại môn phái. Còn kẻ nào lấy được thủ cấp của phụ thân thì có thể chọn học một loại tuyệt kỹ, trọng thưởng như vậy thực là một điều chưa từng có trong võ lâm, vì đối với nhân vật trong võ lâm mà nói có một tuyệt kỹ còn có giá trị hơn bao nhiêu thành quách, bất luận người nào chỉ cần học được ba môn tuyệt kỹ trong chín đại môn phái hiện nay, ba lần chín vị chi là hai mươi bảy, với hai mươi bảy tuyệt kỹ này thì dư sức vùng vẫy làm mưa gió trên giang hồ chiếm ngôi bá chủ trong võ lâm hiện tại.

Tả Văn Quyên nói:

- Nữ nhi đã hiểu ra rồi, nhiều người vì muốn học được tuyệt kỹ của chín đại môn phái cho nên dẫu chẳng quen biết thù oán gì họ cũng quyết chí khổ sở đuổi theo chúng ta không chịu rời bỏ.

Tả Giám Bạch nói:

- Đúng thế, cho nên bao nhiêu nhân vật võ lâm trong thiên hạ đều trở thành đối đầu với gia đình ta, với thanh thế mạnh mẽ như triều dâng này mà cha con ta đủ sức kháng cự lại...

Nói đến đây ông buông một tiếng thở dài, mặt nghiêm lại nói tiếp:

- Do đấy, gia đình ta chỉ còn mỗi một con đường chạy trốn mà thôi, cha vốn tưởng thiên hạ rộng rãi mênh mông, làm gì chẳng tìm được một chỗ đặt chân, nhưng trải qua tám năm trường, cha mới thấy ước vọng đó khó mà thực hiện được, cho nên chỉ còn cách lăn vào chỗ chết để tìm sinh lộ, thử liều xem đoạn đường cuối cùng xem ra sao.

Tả Văn Quyên nghe cha nói xong nàng định hỏi lại cha xem thế nào là đoạn đường cuối lăn vào chỗ chết để tìm cái sống thì Tả Thiếu Bạch đã nhanh nhẹn cướp lời hỏi:

- Thật sự gia gia đã làm chuyện gì để cho chín đại môn phái phải đứng chung tên viết thiếp truyền rao khắp nơi không dung tha?

Tả Giám Bạch liếc nhìn về ái thê rồi cười buồn bã nói:

- Lần ra đi này sống chết họa phước khó bề liệu trước, nếu như không nói rõ cho các con biết thì sợ vĩnh viễn không còn ngày nói cho chúng biết được nữa chăng?

Thiếu phụ nói:

- Xin phu quân toàn quyền định liệu!

Tả Giám Bạch ngước mặt nhìn lên thở dài nói:

- Hài tử! Chuyến đi này là một chuyện hiểu lầm rất khó giải thích, ngay đến hiện giờ mà cha vẫn không nghĩ ra, không biết rằng trong việc này là do có kẻ rắp tâm gây họa hay là chuyện ngẫu nhiên có sự trùng hợp tình cờ. Có điều, nếu như người của chín đại môn phái không hợp lực nhau để cùng truy sát cha thì cha tin rằng trong thời gian tám năm trường cha đã lùng tìm ra được kẻ chủ mưu chính.

Nói đến đây, ông lão tựa hồ thấy rằng có nói hết câu chuyện ra cũng không thể nào khiến cho hai con tin được, nên ông thở dài đột nhiên làm thinh không nói nữa.

Tả Thiếu Bạch lấy làm lạ hỏi:

- Gia gia mắc nỗi trầm oan ghê gớm như thế nào mà không nói ra cho hài nhi được nghe?

Tả Giám Bạch nói:

- Phụ thân có nói ra chỉ sợ các con không tin...

Ông bỏ dở câu nói, đột nhiên cao giọng gọi:

- Kế Bạch, con vào trong này cha có chuyện muốn nói với các con.

Tả Kế Bạch dạ lớn, chạy như bay vào trong miếu, phủi mưa trên người hỏi lại:

- Gia gia chỉ dạy điều chi ạ?

Tả Giám Bạch từ từ đứng thẳng người dậy nói:

- Kế Bạch, con có hiểu tại sao chín đại môn phái lại hợp lực nhau viết thiếp truyền đi khắp giang hồ để đưa cả nhà ta vào tử địa không?

Tả Kế Bạch thở dài đáp:

- Hài nhi biết gia gia thân vướng trầm oan.

Tả Giám Bạch dồn hỏi:

- Con có biết nguyên nhân nằm chỗ nào không?

Tả Kế Bạch cung kính thưa:

- Nguyên nhân thoạt đầu có bốn vị Chưởng môn nhân của chín đại môn phái bị người nào đó ám toán chết, chín đại môn phái liền nghi cho là gia gia đã ra tay, họ không hỏi cho biết trắng đen cũng không để cho gia gia được dịp giải thích, họ liền phái ngay những đệ tử lỗi lạc nhất đang đêm tới vây khốn Bạch Hạc bảo, huyết tẩy Bạch Hạc môn khiến chúng ta phải bỏ nhà đào vong...

Tả Thiếu Bạch nhìn ca ca rồi chợt xen vào nói:

- Ca ca, tại sao họ lại ngờ cho gia gia mình?

Tả Kế Bạch bối rối nói:

- Điều này ngu huynh không được rõ lắm!

Nói đến đây chàng liếc mắt nhìn sang phụ thân rồi mới tiếp lời:

- Hình như sau lúc bốn Chưởng môn nhân của tứ đại môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Không Động bị hại thì gia gia cũng vừa lên tới ngọn Yên Vũ phong trên Bạch Mã sơn.

Mấy câu nói này vốn ra Kế Bạch nói cho Thiếu Bạch nghe nhưng ngụ ý lại chẳng khác gì chàng quay ra chất vấn phụ thân vậy. Hiển nhiên Tả Kế Bạch cũng đầy bụng hồ nghi.

Tả Giám Bạch vuốt chòm râu dài, gượng cười rồi nhìn ái thê nói:

- Cũng chẳng trách gì chín đại môn phái đã đứng chung tên truyền vang đi khắp giang hồ quyết bắt cho được ta mới hả lòng hả dạ, chính ngay cả con chúng ta cũng không tin tưởng hẳn ở cha chúng nó còn nói chi ai.

Tả Thiếu Bạch vội vàng quì ngay xuống, khóc lóc nói:

- Dạ không phải hài nhi có lòng nghi ngờ phụ thân, hài nhi chỉ xin phụ thân cho hài nhi được biết rõ nội tình, để có ngày hài nhi điều tra cho sự việc được sáng tỏ hòng rửa sạch mối trầm oan của phụ thân.

Tả Giám Bạch nghe con nói sắc mặt biến đổi đột ngột, toàn thân run lên, hiển nhiên ông bị kích động nhiều trong nội tâm, nhưng thật lâu ông vẫn không nói ra được.

Thiếu phụ trung niên bỗng chen lời nói:

- Phụ thân nói cho các con chúng nghe đi, đã đến nước này phu quân cũng không cần phải giữ thể diện cho tiện thiếp làm gì nữa.

Tả Giám Bạch khẽ thở dài nói:

- Các con có biết cuộc đi này của chúng ta về đâu không?

Tả Văn Quyên từ nãy giờ vẫn đứng yên một bên, chen vào nói:

- Thưa gia gia, đến Sanh Tử kiều.

Tả Thiếu Bạch vẫn thắc mắc trong lòng, chàng còn chực định lên tiếng hỏi tiếp nhưng rồi thấy khóe mắt mẫu thân lệ tuôn ra dòng dòng, chàng đành câm nín không dám hỏi han thêm.

Tả Giám Bạch nói tiếp:

- Các con có biết tại sao chỗ đó lại có tên là Sanh Tử kiều không?

Tả Văn Quyên đáp:

- Nữ nhi không được biết.

Tả Giám Bạch nói:

- Đó là nơi hiểm ác nhất, nhưng trong võ lâm người ta cứ đồn đại mãi nguyên do thì chính cha cũng không hoàn toàn hiểu, chỉ biết rằng đã có hàng trăm người võ lâm đồng đạo đã bỏ mạng ở đó...

Tả Văn Quyên nói:

- Nếu đấy là nơi hiểm ác nhất thì chúng ta còn định tới đó làm gì? Chẳng lẽ khắp trong gầm trời của cả thế giới rộng lớn mênh mông này mà gia đình ta quả thật không tìm được chỗ nào nương thân sao?

Tả Giám Bạch đáp:

- Không có chỗ nào cả, thâm sơn cùng cốc, sa mạc biên ải, bất cứ chỗ nào mà chúng ta tới được tức khắc gót sắt truy sát của kẻ địch cũng theo tới ngay. Chỉ có Sanh Tử kiều, nơi hiểm ác tột cùng ở chốn nhân gian này may ra chúng ta mới tìm được con đường sống thôi.

Tả Văn Quyên nhanh nhẩu hỏi:

- Gia gia thứ lỗi cho nữ nhi lắm lời, nhưng tại sao nơi đó lại kêu là Sanh Tử kiều?

Tả Giám Bạch mắt nhìn nơi xa vắng kể:

- Cứ theo truyền thuyết thì đấy là một cây cầu đá quanh năm sương mù bao phủ dày đặc, âm u, một khi đặt chân lên trên cầu đó thì sống chết không do cá nhân mình định đoạt, đã mấy chục năm nay chỉ có hai người, vỏn vẹn hai người qua được cây cầu ấy, nhưng hai người này sống chết ra sao không ai được biết, rồi từ đấy về sau không biết có bao nhiêu nhân vật võ lâm cũng hy vọng vượt qua cây cầu tàn khốc ấy mà rồi chẳng có một người nào được toại nguyện.

Tả Văn Quyên nói:

- Gia gia à, chúng ta có thể qua được cây cầu ấy không?

Tả Giám Bạch lắc đầu cười nói:

- Cha cũng không rõ nữa, có điều đã có hai vị tiền bối cao nhân đi qua được rồi thì thấy rằng trong cái chết cũng có đường sống, tình thế thúc bách, cha chỉ còn nước liều dẫn các con mạo hiểm một phen...

Nói đến đây vẻ mặt ông đổi sang nghiêm trọng, chậm rãi tiếp lời:

- Chỉ cần một người trong các con qua được duy trì phần hương hỏa cho cả gia đình khỏi dứt tuyệt là đủ rồi...

Tả Giám Bạch vừa nói đến đây chợt phía xa có tiếng ngựa hí. Tả Giám Bạch hấp tấp nói:

- Lại có cường địch đuổi tới?

Thiếu phụ trung niên nhanh nhẹn lao vút mình ra ngoài vừa nói với lại:

- Phu quân kể tiếp đi...

Tả Kế Bạch nói:

- Làm gì để mệt đến mẫu thân...

Chàng định chạy ra thì đã bị Tả Giám Bạch nắm lại bảo:

- Để mẫu thân con đi...

Nói đến đây ông hạ thấp giọng nói tiếp:

- Nếu như cha con toàn gia chúng ta mà bị chết dưới Sanh Tử kiều thì cũng đành vậy thôi, nhưng nếu trời phật run rủi một trong các con có một người sống sót thì ngày sau hãy đến cửa nam thành Lạc Dương nơi Du Thọ Loan, tìm một người mù họ Lưu, hỏi ông ta rằng món vật mà người bạn cũ trong phái Bạch Hạc môn gửi có còn hay không, nếu như người ấy hỏi lại các con bây giờ là giờ gì thì có thể đáp rằng "Nhật mộ hoàng hôn tịch dương hồng" (ngày tận chiều buông trời nhạt tím). Người ấy lại nói "Hoàng tuyền lộ tự vô túc xứ" (sông nước trên đường không nơi nghỉ) thì là đúng rồi, các con sẽ nói thêm một câu "Khách tòng Tây Vực Phật tâm lai" (khách về Tây Vực lòng hướng Phật) là có thể lấy ngay món vật phụ thân gửi...

Tả Giám Bạch vừa nói đến đây thì từ xa vọng lại một tiếng quát lớn, Tả Giám Bạch không còn lòng dạ nào nói hết câu, ông vội vàng phóng mình ra ngoài.

Tả Kế Bạch nắm chặt cổ tay Tả Thiếu Bạch, trầm giọng nói:

- Đệ đệ, tám năm nay em không hề bị thương lần nào, giờ đây đã gần tới Sanh Tử kiều em phải hết sức bảo toàn cái thân hữu dụng để tẩy sạch mối trầm oan cho phụ thân, hãy nghe lời đại ca mau lên ngựa chạy trước đi.

Nói rồi, Tả Kế Bạch bước chéo sang đứng trước mặt em đi ra khỏi miếu.

Tả Văn Quyên cũng nhanh nhẹn không kém, nàng lay động thân hình sử dụng ngay một thức "Sảo Yến Xuyên Liêm" vút đi bên người Tả Kế Bạch, hóa ra nàng lại xông ra ngoài trước anh nàng.

Lúc bấy giờ thiếu phụ trung niên đã đang giao đấu với một hòa thượng thân hình cao lớn. Hòa thượng này tay cầm một cây phương tiện sản, đầu sản to như một vầng trăng tròn, lấp lánh ánh sáng trong mưa gió, hòa thượng vung binh khí loang loáng rít lên thành tiếng vây chặt lấy thiếu phụ trung niên trong vòng ánh sáng của cây phương tiện sản.

Tả Giám Bạch quát to lên một tiếng, rút phắt Khai sơn đao đeo ở lưng bằng tay phải, trong khi tay trái nhanh nhẹn lấy trong người ra một ngọn chủy thủ dài chừng một tấc, làm bằng một thứ thép ròng, ánh sáng loang loáng, rồi tung mình nhanh nhẹn cực cùng vút đi gần hai trượng, vung mạnh ngọn Khai sơn đao trong tay phải đón đỡ ngay cây phương tiện sản dài chín thước tám tấc của hòa thượng.

Chỉ nghe thấy một tiếng choang chát chúa, lửa bắn tứ phía, cây Nguyệt nha sản nặng nề của hòa thượng đã bị đánh vẹt sang một bên. Tả Giám Bạch thừa thế chiếm lấy thượng phong sử dụng ngay ngọn chủy thủ theo chiêu "Tham Ly Thủ Chấu" dồn hòa thượng hoảng hốt lùi nhanh về một bước.

Tả Thiếu Bạch rút soạt trường kiếm ra khỏi vỏ, lớn tiếng nói:

- Đại ca tránh ra, bọn chúng tàn ác không cho gia đình ta một chỗ trú chân, đuổi chúng ta khắp góc biển chân trời, chúng ta phiêu linh khắp xứ, chi bằng chết ở sa trường, liều mạng với địch nhân một phen cho rồi.

Tả Văn Quyên lảnh lót giọng nói đầy vẻ kiêu hùng:

- Đại ca, đệ đệ, mau lên ngựa ra đi, tiểu muội trợ giúp gia nương kháng cự cường địch.

Trong khi anh em họ nói chuyện với nhau thì loáng một cái đã có mười bóng người xuất hiện, xông cả vào vòng chiến, nhưng đều bị vợ chồng Tả Giám Bạch kìm lại bằng những chiêu thức siêu tuyệt. Tả Giám Bạch tay đao tay chủy thủ múa tít lên một màn ánh sáng lạnh người đón đánh địch nhân hợp cùng hai thanh trường kiếm trên tay thiếu phụ đã ngang nhiên khóa chặt được một đoạn đường trên tám thước. Mười mấy người bên kia đối phương với các loại binh khí lợi hại tiến đánh thật kịch liệt mà vẫn không làm cho họ lui một bước.

Vợ chồng Tả Giám Bạch trong tám năm trời liền chạy trốn không trốn thoát được gót sắt theo dấu của địch nhân, họ đã đấu trên dưới mấy trăm trận, bị thương mười mấy lần, nhưng càng ngày võ công của hai người tiến bộ vượt bực, hai người trong những lúc đấu sanh tử đã sáng nghĩ ra một pho võ học cho hai người cũng có thể nói đó là kiệt tác trong võ công của họ.

Cùng chiêu số với nhau, đường đao lưỡi kiếm giăng kín mít không để một khe hở, bên đối phương tuy đông người nhưng là thứ đông ô hợp người nọ vướng víu người kia không thể nào thi triển được hết tuyệt nghệ.

Tả Kế Bạch dùng tay phải tháo cây nhuyễn tiên ở lưng ra, còn tay trái lấy ở trong ống giầy ở dưới chân ra một cây Kim kiếm dài độ một thước, xẵng giọng quát:

- Quyên muội, đứng lại!

Tả Văn Quyên đã buông dây cương ra để rút trường kiếm cầm lăm lăm trong tay chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng cho phụ mẫu cùng sống chết với cường địch, nàng nghe thấy Tả Kế Bạch xẵng giọng quát thì giật nẩy mình vội dừng bước, chậm rãi quay đầu lại nhìn Tả Kế Bạch hỏi:

- Ca ca, có chuyện gì thế?

Nàng ngạc nhiên là phải bởi trí óc nàng còn nhớ rõ rành rành chưa khi nào anh nàng lại nói với nàng bằng một giọng gay gắt như vậy.

Tả Kế Bạch quắc mắt nhìn thẳng vào mặt Tả Văn Quyên lạnh lùng nói:

- Với thân phận làm anh tự thuở giờ ta chưa từng nói nặng nửa lời với các em, nhưng giờ phút này đứa nào không nghe lời anh thì ta không nhận nó làm em nữa...

Nói đến đây chàng ngừng lại giây lâu rồi mới lại run giọng nói tiếp:

- Muội muội, em dẫn đệ đệ đi trước đi.

Tả Văn Quyên tấm tức khóc, hai giòng lệ chảy dài, nở nụ cười khô héo nói:

- Ca ca, đệ đệ trên vai gánh vác nặng nề, phải giải mối trầm oan cho phụ thân, trọng trách ấy nặng nề xiết bao, em là một đứa con gái, dẫu cho có sống sót thì cũng không ích lợi đâu, ca ca xin người thứ lỗi cho muội muội nói lời chống đối, ca ca dẫn đệ chạy đi.

Tả Kế Bạch giận dữ nói:

- Quyên muội câm miệng, em tự xét võ công của em so với ta ra sao?

Tả Văn Quyên cung kính đáp:

- Tiểu muội tự biết khó bằng ca ca.

Tả Kế Bạch dịu giọng nói:

- Có thế chứ, em phải biết bọn người cường địch theo dấu kia toàn là những cao thủ trong chín đại môn phái, em dẫu có lòng hy sinh hương ngọc cũng không giúp được gì mấy cho phụ mẫu, vậy em ngoan ngoãn nghe lời anh, hãy dẫn đệ đệ lên ngựa cho mau đi trước đi.

Nói xong câu nói, vẻ mặt Tả Kế Bạch cũng bùi ngùi, giòng lệ cứ chực trào ra hai khóe mắt. Tả Văn Quyên thút thít khóc:

- Đại ca không thể...

Tả Kế Bạch hào khí ngùn ngụt xẵng giọng nói:

- Không nói năng gì nữa, thế nào muội muội có nghe lời anh không thì bảo?

Tả Văn Quyên trông thấy mắt anh bốc lửa mí mắt muốn rách ra trong khi những giòng lệ cứ tuôn chảy trên má anh, nàng đành phải từ từ thõng tay cầm trường kiếm xuống, cúi đầu nuốt lệ nói vẻ buồn thương.

- Tiểu muội... tiểu muội xin tuân mạng vậy.

Tả Kế Bạch gượng cười nói:

- Vậy mới xứng đáng là em gái ngoan của anh, em hãy hết sức lo cho đệ đệ, đừng lo lắng gì cho gia nương và anh nữa, em hãy đi ngay đi. Xin hoàng thiên rủ lòng thương che chở cho em con qua được Sanh Tử kiều...

Đến đây, chàng chậm rãi quay đầu lại giật lấy trường kiếm trên tay Tả Thiếu Bạch rồi đưa cây Kim kiếm của mình cho đứa em rồi nói tiếp lời:

- Cây Kim kiếm này là biểu hiệu của Bạch Hạc môn chúng ta, năm xưa ngoại tổ phụ đã nhờ vào thanh kiếm này để sáng lập nên Bạch Hạc môn, tranh được một chiếu ngồi ở trong võ lâm cho nên Bạch Hạc môn chúng ta còn có tên gọi khác là Kim Kiếm môn. Ngoại tổ phụ trao cây kiếm này cho gia gia, gia gia đã phát triển cho Bạch Hạc môn trở nên lừng lẩy lớn lao, nào hay đại nghiệp sắp kiến thành thì gặp ngay việc chín đại môn phái liên lạc với Tứ môn Nhị hội Tam đại bang trong võ lâm, kể có gần một trăm cao thủ đang đêm kéo đến tập kích Bạch Hạc bảo, hủy diệt ngay trong một chiều cái cơ nghiệp mà hai đời Chưởng môn nhân Bạch Hạc môn đã mất bao nhiêu tâm huyết xây dựng lên, cũng may gia gia là người có thần dõng, mẫu thân thiện chiến mới mang được anh em chúng ta chạy trốn khắp chân trời góc biển trong khoảng tám năm trời nay, cực khổ nhọc nhằn trải qua bao trường ác đấu, bao lần thoát chết. Các em cũng biết đấy, gia gia trao cây kiếm này cho anh, ngày hôm nay anh xin trao lại cho đệ đệ, mong rằng đệ giữ gìn cây kiếm này để ngày sau trùng chấn lại môn phái Bạch Hạc với hùng phong xưa kia.

Tả Thiếu Bạch đỡ lấy thanh kiếm nói:

- Đại ca, em...

Tả Kế Bạch xua tay nói:

- Một đời gia gia là người quang minh lỗi lạc, quyết không khi nào gia gia lại đi làm chuyện xấu xa đê tiện làm hại Chưởng môn nhân của bốn đại môn phái đâu, trong việc này tất còn có duyên cớ, em lên ngựa đi đi!

Tả Kế Bạch vừa dứt lời, đã nghe cha chàng lên giọng gay gắt nói:

- Cái lối đuổi đến kỳ cùng và giết sạch toàn gia thật là quá lắm. Tả Giám Bạch ta ngày hôm nay phải đại khai sát giới.

Tiếng quát vừa dứt thì đã nghe một tiếng rú khủng khiếp vang lên, một đại hán vận kình trang đã bị ngay cây Khai sơn đao chặt làm đôi.

Tức thời những tiếng quát tháo lại vang lên inh ỏi, đối phương càng ra sức vây đánh, đơn đao, thiết tiên, hoa thương, lượng ngân côn, Nguyệt nha sản... mười mấy món binh khí sầm sập ào ạt như mưa rào nhất tề đánh tới người vợ chồng Tả Giám Bạch.

Hiển nhiên Tả Giám Bạch chém chết một kẻ cường địch đã kích động đến lòng quyết tâm liều mạng của bên đối phương.

Biết tình thế đã đến bước ngặt nghèo, Tả Kế Bạch vội vàng bồng xốc Tả Thiếu Bạch ném lên lưng ngựa, trầm giọng bảo Tả Văn Quyên:

- Mau dẫn đệ đệ chạy đi.

Tả Văn Quyên vén vạt áo, lau nước mắt rồi giơ tay vỗ mạnh vào lưng ngựa. Con tuấn mã đau quá, hí dài lên một tiếng, lấy hết sức lao mình phóng vút đi. Tả Văn Quyên cầm kiếm cho ngựa chạy liền theo sau để che chở cho đệ đệ của mình.

Đợi hai con tuấn mã chạy xa ngoài mười mấy trượng, Tả Kế Bạch mới quát lớn một tiếng hùng dũng sang sảng.

- Xin mẫu thân lui về nghỉ ngơi, để hài nhi quyết chiến với cường địch một trận.

Nói rồi chàng vung mạnh nhuyễn tiên nhanh nhẹn xông lên.

Hãy nói Tả Văn Quyên, Tả Thiếu Bạch giục ngựa chạy một hơi được mười mấy dặm. Hai con tuấn mã đang chạy đường trường đột ngột khẽ hự một tiếng, quỵ ngay ra đất, hai con ngựa này tuy được chọn trong đám từ ngàn thứ ngựa hay nhưng qua hơn một tháng trời chạy bất kể ngày đêm nên khí lực đã sớm kiệt quệ, chúng chưa phục hồi được sức lực thì giờ dậy lại phải chạy như giông như bão thì không thể nào chống chỏi được nữa.

Tả Văn Quyên đã đứng thẳng người quay sang dịu dàng hỏi em:

- Đệ đệ có sao không?

Tả Thiếu Bạch đáp:

- Em không sao.

Tả Văn Quyên ngước mắt nhìn, ở ngoài xa một dặm, núi cao sừng sững đứng như muốn chọc thủng trời. Nàng nghĩ dẫu cho tuấn mã còn sức cũng không thể nào cưỡi ngựa kên núi được. Nàng nhẹ thở dài cỡi lấy yên cương rồi nhẹ vỗ lên mình ngựa hai cái nỏ giọng nói:

- Ngựa ơi, ngựa ơi, các ngươi đi một mình nhé.

Nói rồi nàng kéo tay phải Tả Thiếu Bạch đi về trước. Tả Thiếu Bạch bỗng thở dài đánh tiếng:

- Tỷ tỷ, theo chị thấy gia nương và đại ca có đẩy lui được cường địch không?

Tả Văn Quyên nói:

- Kẻ địch thế đông mà người nào người nấy võ công cũng đều cao cười, đẩy lui được họ chỉ sợ là việc không dễ gì. Có điều gia gia thần dõng vô địch, mẫu thân kiếm pháp tinh thuần, người đã học được chỗ ảo diệu của bảy mươi hai thức Bạch Hạc mà võ công của đại ca mấy lúc gần đây đã tiến bộ phi thường, vậy hợp sức của ba người gia nương và đại ca lại thì việc thoát thân không phải chuyện quá khó, đệ đệ đừng có lo.

Trong lòng tuy đã buồn đứt ruột về chuyện sinh lấy tử biệt nhưng bề ngoài nàng cũng phải cố gượng trấn tĩnh để an ủi đệ đệ.

Tả Thiếu Bạch ngửng đầu nhìn mấy kéo dầy đặc trên nền trời lẩm bẩm nói:

- Gia gia chắc có nỗi khổ tâm khó nói, mà gia gia không nói ra cho chúng ta biết tại sao lại đến bị thiên hạ vây đánh, không hiểu vì cớ gì mà người không chịu nói ra.

Tả Thiếu Bạch nghĩ chị mình biết nhiều chuyện hơn nên định hỏi gợi chuyện chẳng dè Tả Văn Quyên cố ý lảng sang chuyện khác không trả lời vào ngay điều chàng muốn biết, Văn Quyên nói:

- Đệ đệ, trèo qua ngọn núi cao ngất phía trước là thấy được Sanh Tử kiều, như vậy thật là dễ sợ, mấy chục năm nay có không biết bao nhiêu hào kiệt võ lâm táng mạng ở đó, kể số thì không dưới mấy trăm, nhưng nguyện hoàng thiên phù hộ cho đệ đệ bình an vượt qua được cây cầu đó.

Nói đến đây, nàng cố ý tránh né con mắt dò xét của Tả Thiếu Bạch nên ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác.

Tả Thiếu Bạch vùng vằng giật khỏi tay chị, làm bộ giận dỗi nói:

- Chị đừng có dối em, tại sao chị lại không cho em hay thật sự gia gia đã làm chuyện gì sái quấy? Chín đại môn phái trong võ lâm xưa nay vốn có tiếng tốt tại sao giờ đây lại cùng loạt đối đầu với Bạch Hạc môn chúng ta?

Nói đến đây, chàng dừng lại giây lát thở dài sườn sượt tiếp lời:

- Tỷ tỷ à, em biết chị hiểu rõ nội tình, thế tại sao chị lại không nói cho em biết với? Nếu chị không nói, em sẽ không nhận chị làm chị của em nữa.

Tả Văn Quyên nghe em nói thì ngỡ ngàng, chị em nàng xưa nay một mực yêu thương, kính trọng nhau, nàng chưa bao giờ thấy Tả Thiếu Bạch phát cáu giận, nàng chua xót trong lòng, nước mắt tuôn đổ như mưa.

Tả Thiếu Bạch bỗng ngửa mặt lên trời cười sằng sặc rồi một mình chạy như bay về phía trước. Chàng dùng hết sức như điên như cuồng lên núi, bao nhiêu uất ức trong lòng chàng không sao đè nén được, chàng cần phải làm nên những động tác để vơi bớt dằn vặt.

Núi ngút ngàn, mây âm u, đường trơn trượt. Tả Văn Quyên nhìn em chạy thục mạng như thế thì hoảng kinh, toát mồ hôi vội gọi lớn:

- Đệ đệ mau đứng lại, tỷ tỷ nói cho em nghe đây.

Dứt tiếng gọi, nàng liền tung mình đuổi theo thật gấp. Tả Thiếu Bạch thấy chị kêu gọi thảm thiết như vậy bất giác động lòng đứng sững lại ngay.

Tả Văn Quyên nhảy chạy như bay, một loáng bắt kịp Tả Thiếu Bạch, nàng nắm chặt lấy tay em lay lay nói:

- Đệ đệ, trong nhà anh em chúng ta thì đệ đệ là người có cốt cách tốt nhất. Thường ngày gia gia vẫn nói, ngày sau Tả gia có thể tẩy sạch được mối trầm oan toàn trông vào một mình em. Tại sao em lại coi thường thân mình như thế, em phải quý trọng mạng sống của em mới phải chứ.

Tả Thiếu Bạch vén vạt áo chùi nước mắt, bùi ngùi nói:

- Tỷ tỷ, nếu như gia gia quả thật có làm chuyện hổ thẹn không dám ngửa mặt nhìn trời thì bổn phận chúng ta là con phải gánh tội cho cha bằng cái chết cho tròn đạo hiếu, còn nếu như gia gia không làm chuyện gì xấu xa thì sao lại không nói đầu đuôi chuyện vướng phải mối trầm oan như thế nào?

Tả Văn Quyên nói:

- Gia gia là người tâm địa hiệp nghĩa, lỗi lạc quang minh, đâu có lẽ nào lại đi làm một chuyện ngửa mặt lên không dám nhìn trời cho được, đệ đệ chớ nghĩ bậy bạ khinh miệt gia gia?

Tả Thiếu Bạch nói:

- Thế tại sao người lại không chịu nói rõ nội tình?

Tả Văn Quyên nói:

- Gia gia người có điều khổ tâm, chúng ta không nên lại đi dồn hỏi người?

Tả Thiếu Bạch ngẩng đầu nghĩ ngợi giây lát rồi hỏi:

- Phải chăng là vì mẫu thân?

Tả Văn Quyên bối rối nói:

- Chị... chị không biết?

Tả Thiếu Bạch nói:

- Không, chị biết, chị biết nhưng chị không muốn nói em nghe...

Chàng ngừng lại giây lâu rồi mới nghiêm giọng nói:

- Tỷ tỷ, chị là con của cha mẹ, chẳng lẽ em không phải là con của các người sao? Chị và đại ca đều hay biết cả chỉ duy có em là không, vì lẽ gì chị không nói cho em biết?

Tả Văn Quyên bối rối xót xa trong lòng, nàng không nói thành lời, nắm chặt cổ tay em, những giọt nước mắt như châu ngọc lóng lánh cứ thi nhau tuôn chảy.

Tả Thiếu Bạch thấy chị cứ khóc miết trong lòng lại càng hồ nghi, biết rằng nếu không dồn chị vào ngõ bí thì không khi nào chị lại chịu nói ra cả. Biết vậy, chàng bỗng giật mạnh tay vùng ra khỏi nắm tay chị, nghiêm mặt nói:

- Tỷ tỷ, nếu như gia nương có làm chuyện xấu xa không dám ngước mắt nhìn những nhân vật trong võ lâm thì chúng ta chịu tội thay cho các người, chúng ta giơ cổ ra chịu chém, chết đâu có tiếc hãi gì, còn nếu như thiên hạ cố ý cố tình thêu dệt tội trạng đổ lên đầu gia nương thì chúng ta cần phải bảo trọng mạng sống để tẩy sạch mối trầm oan cho phụ mẫu.

Tả Văn Quyên nói qua màn lệ:

- Đệ đệ nói phải lắm, nhất định em phải ghi tạc trong lòng.

Tả Thiếu Bạch cao giọng nói như hét:

- Nếu tỷ tỷ không chịu nói cho em biết thì em sẽ chết ngay cho chị coi!

Nói xong, Tả Thiếu Bạch nhanh như cắt tung mình vút đi thật nhanh về phía vách đá cheo leo.

Vách đá dựng đứng rêu mọc đầy, lại thêm trời đổ mưa trơn trợt không chỗ đặt chân, thêm nữa chỗ Tả Thiếu Bạch trèo lên nhằm chỗ trông xuống vực sâu, nếu như xẩy chân tuột rơi xuống tất tan xương nát thịt chứ không sai.

Tả Văn Quyên thấy vậy thất kinh hồn vía, hớt hơ hớt hải gọi em:

- Đệ đệ, em trèo xuống mau đi, tỷ tỷ nói cho em nghe!

Tả Thiếu Bạch tung mình nhảy xuống, lúc gần tới chỗ Tả Văn Quyên chàng co hai chân lại hạ xuống một tảng đá. Trong số mấy anh em, Tả Thiếu Bạch hiện tại là người có võ công hèn kém nhất. Cha chàng vì thấy chàng là người có căn cốt đẹp nhất, chỉ sợ truyền thọ cho chàng võ công của bản thân đến làm hỏng tiền trình của chàng nên không dám coi thường mang ra truyền thọ, mà chỉ dạy cho chàng cách ngồi thở là căn bản của môn nội công và mấy chiêu kiếm pháp thật tinh vi dùng để hộ thân trong khi đào vong thế thôi, còn về thuật đề tung khinh công thì chưa hề chỉ điểm cho chàng chút nào. Vừa rồi chàng chỉ bằng vào bao nỗi tấm tức giấu trong lòng và một nội lực sung mãn cho nên liều lĩnh trèo vùn vụt lên núi, giờ đây phi thân nhảy xuống không biết sử dụng kình đạo, một chân chàng đạp lên đám rêu bên sườn núi, hụt mất trọng tâm vuột mình trượt xuống dưới núi.

Tả Văn Quyên thốt lên một tiếng thảng thốt, nhanh nhẹn cực cùng đưa hữu thủ ra chụp lấy cổ tay phải của Tả Thiếu Bạch.

Nhưng đà rơi của Tả Thiếu Bạch quá mạnh, Tả Văn Quyên cũng bị kéo băng theo. Trong cơn nguy biến, Tả Văn Quyên vội tung chân ngà móc vào một cành cây mọc cách chỗ nàng mấy thước mới kìm được thế tuột, nàng lấy sức rút người lên kéo theo Tả Thiếu Bạch.

Hai chị em trải qua một phen hú hồn, tuy không hề hấn gì cả nhưng mặt mày Tả Văn Quyên xanh mét như tàu lá, mồ hôi ra đầy người, hai tay nắm chặt lấy cổ tay phải Tả Thiếu Bạch run lên bần bật, không nói ra lời.

Tả Thiếu Bạch thấy chị hoảng hốt chưa định thần được liền cao giọng nói:

- Tỷ tỷ, chị có nói không?

Tả Văn Quyên chùi mồ hôi trán, đáp:

- Chị nói, để chị nói, có điều chị cũng chỉ biết việc làm và lời nói của gia gia trong mấy năm nay tổng hợp lại, chỉ sợ sự hiểu biết của chị chỉ có giới hạn...

Tả Thiếu Bạch nói:

- Được, chị biết bao nhiêu nói hết bấy nhiêu.

Tả Văn Quyên nói:

- Chuyện dính dáng tới danh tiết của mẫu thân nên gia gia không muốn đem ra nói trước mặt chúng ta.

Tả Thiếu Bạch hơi biến sắc mặt, trợn tròn mắt nói:

- Tại sao lại dính dáng tới danh tiết mẫu thân? Chị nói mau cho em nghe đi.

Tả Văn Quyên nói:

- Em đừng hối chứ, để chầm chậm chị nói cho nghe, hình như là mẫu thân nhận được một phong mật thư, người lặng lẽ bỏ ra đi, gia gia đi tìm mẫu thân nên người đi tới ngọn Yên Vân phong trên Bạch Mã sơn thì vừa hay gặp phải bốn vị Chưởng môn nhân trong chín đại môn phái trên võ lâm bị giết, thế là gia gia chúng ta vướng phải mối trầm oan.

Tả Thiếu Bạch thở dài nói:

- Về sau ra sao?

Tả Văn Quyên nói:

- Gia gia được ngoại tổ bồi dục, giáo dưỡng, ân tình như núi như biển, ngoại tổ không những đã đem hết một thân tuyệt nghệ truyền dạy cho gia gia mà lại còn mang người con gái duy nhất của người đem gả cho gia gia, rồi lại còn để cho gia gia tiếp nhận chức Chưởng môn nhân của phái Bạch Hạc kế thừa y bát của ngoại tổ Tả Thiếu Bạch nói:

- Em hiểu rồi, gia gia cảm ơn sâu của ngoại tổ nên không nói việc mẫu thân, tuy người mang mối trầm oan bị thiên hạ vây đánh nhưng cũng không chịu công bố chân tướng sự việc vì liên quan tới danh tiết của mẫu thân.

Tả Văn Quyên thoạt tiên gật đầu nhưng rồi sau nàng lại lắc đầu nói:

- Không không, gia nương thương yêu nhau thắm thiết, không thấy các người to tiếng tranh chấp với nhau bao giờ khi mà mẫu thân để lại thư rồi bỏ ra đi chỉ sợ người cũng có nỗi khổ tâm riêng.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Tại sao mẫu thân để lại thư bỏ ra đi? Trước đó có thấy sự việc gì khác lạ không?

Tả Văn Quyên nói:

- Khi ấy tỷ tỷ niên kỷ còn nhỏ, bất quá chỉ mới hơi hiểu biết việc đời, tuy nhiên với ký ức của chị thì chị thấy mấy ngày trước đó không có chuyện gì khác lạ cả, điều thắc mắc này của chị cũng đã lén hỏi đại ca xin đại ca ráng nhớ xem sao.

Nói tới đây, nàng chợt ngừng bặt.

Tả Thiếu Bạch hỏi:

- Đại ca nói sao?

Tả Văn Quyên đáp:

- Đại ca nói, người... người thấy một người lạ toàn thân mặc đồ vàng cầm một phong mật giản trao cho một tỳ nữ vẫn hầu hạ bên mình mẫu thân, ngay tối hôm đó mẫu thân để thư lại để ra đi.

Tả Thiếu Bạch ngửa mặt nhìn trời, lẳng lặng nhìn trời không nói gì cả. Tả Văn Quyên liếc nhìn em rồi tiếp lời:

- Đệ đệ, em không nên nghi ngờ gia nương, gia gia là người chính đại lỗi lạc, đầu đội trời, chân đạp đất, quyết không khi nào lại đi ám toán. Bốn vị Chưởng môn nhân ấy lại đều là nhưng nhân vật lợi hại cực cùng, một mình gia gia quyết không phải địch thủ.

Tả Thiếu Bạch nhìn trừng trừng vào mặt tỷ tỷ không nói một lời. Tả Văn Quyên nhẹ thở dài nói:

- Mẫu thân dịu dàng hiền thục, một lòng kính yêu phụ thân quyết không khi nào làm chuyện gì xấu hổ đối với gia gia.

Tả Thiếu Bạch lừ lừ nói:

- Ấy là hành động lầm lẫn của chín đại môn phái.

Tả Văn Quyên nói:

- Trước khi chân tướng chưa rõ ra chị không dám nói điều cả quyết, có điều gia gia đã kể lại đầu mối, ngày sau chúng ta cứ theo đó phăng lần ra, không khó cho việc tra ra chân tướng.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Em muốn hỏi vì lẽ gì mẫu thân lại phải để thư lại mà ra đi?

Tả Văn Quyên đưa mắt lườm em nói:

- Đệ đệ không được lỗ mãng, gia gia không chịu nói rõ nội tình chỉ sợ bên trong có điều cố kỵ. Chà, tình thế giờ đây cực kỳ nghiêm trọng, em phải trân trọng tấm thân, gia nương đặt rất nhiều hy vọng ở em, các người thường nói em thiên tư thông tuệ, ngày sau công việc rửa sạch mối trầm oan cho gia nương và khôi phục lại hùng phong của Bạch Hạc môn toàn cậy vào một mình em đấy.

Tả Thiếu Bạch cười buồn nói:

- Võ lâm thiên hạ đều là cừu nhân của chúng ta, mối thù ấy làm sao mà trả được?

Tả Văn Quyên nghiêm nét mặt nói:

- Đệ đệ, phận làm con mà khinh thường phụ mẫu như thế không được!

Tả Thiếu Bạch bẽn lẽn nói:

- Em biết, trên đời không có cha mẹ nào không phải cả.

Nói đến đây không ngăn được xúc động, chàng òa lên khóc. Tả Văn Quyên dịu dàng nói:

- Đệ đệ, tỷ tỷ lớn hơn em mấy tuổi, tám năm trời nay bôn tẩu giang hồ đã khiến chị hiểu được rất nhiều chuyện. Gia gia là người chính trực, mẫu thân hiền thục đoan trang, quyết không khi nào mà người lén tính hại người khác...

Nàng vừa mới nói được đến đây thì từ xa đã vẳng lại tiếng thét giận dữ tiếp theo là một giọng nói như kêu gào:

- Quyên muội à, em không dẫn đệ đệ lên đường cho mau còn đứng đó làm gì?

Tả Văn Quyên không cần phải ngửng đầu nhìn cũng nhận ngay được giọng nói ấy là của Tả Kế Bạch, nàng khẽ giọng bảo:

- Đệ đệ, chúng ta đi thôi!

Nói rồi, nàng dắt Tả Thiếu Bạch trèo lên núi.

Đi được một hồi, Tả Thiếu Bạch không dằn được lòng sầu khổ nói:

- Tỷ tỷ, chúng ta ngoái đầu nhìn một hồi rồi hãy đi tiếp!

Đâu phải không lo lắng cho song thân và đại ca, nhưng Tả Văn Quyên cảm thấy việc che chở cho đệ đệ thoát hiểm là trách nhiệm vô cùng nặng nề cho nên nàng cố đè nén mối khích động trong tâm khảm, giờ đây thấy Tả Thiếu Bạch nhắc nhở, nàng không còn nhẫn nại được nữa, dừng ngay gót quay đầu lại.

Trong màn mưa gió chỉ thấy bóng đao kiếm loang loáng, còn đại ca đứng bên tay trái, đơn đao, trường kiếm, nhuyễn tiên làm thành một màn ánh sáng dầy đặt kín mít, vừa đánh vừa lui.

Mấy chục cao thủ võ lâm bám sát không rời nửa bước, đi đầu là một hòa thượng cao lớn, tay múa cây Nguyệt nha sản, đứng ngay chính giữa tấn công ráo riết, thanh thế dũng mãnh khó bề đương cự.

Ở về bên tay trái hòa thượng là một con người tầm thước, tay trái cầm một khối thiết bài, tay phải cầm một ngọn đoản đao. Người này thoắt nhảy lùi lại hơn trượng, thoắt sấn tới tấn công nhanh nhẹn cực cùng chẳng khác chim yến lướt sóng. Y nhảy đi nhảy lại thoăn thoắt trên đường núi tiến đánh cực kỳ lợi hại.

Ở bên tay mặt hòa thượng là một đạo trưởng trung niên, trong tay thi triển một thanh trường kiếm, kiếm chiêu kỳ quái dị thường.

Ba người đó lãnh đạo quần hùng xông lên đầu tấn công tới tấp. Tả Thiếu Bạch nhìn một hồi rồi hỏi:

- Tỷ tỷ, hòa thượng ấy có phải môn hạ Thiếu Lâm không?

Tả Văn Quyên đáp:

- Năm trước chị và đại ca hợp lực đánh một mình lão, thế mà chị suýt táng mạng dưới lưỡi Nguyệt nha sản của lão, hòa thượng ấy dũng mãnh vô tả, lão là một cao thủ tăm tiếng lẫy lừng trong hàng môn hạ Thiếu Lâm đấy.

Tả Thiếu Bạch nói:

- Đạo nhân đứng phía tay mặt và cái người nhỏ thó tung nhảy như bay, tỷ tỷ có biết không?

Tả Văn Quyên nói:

- Sao lại không biết, mấy người ấy đều đã có động thủ với gia nương mình, đạo nhân pháp hiệu Kim Chung là cao thủ của Võ Đang, kiếm thuật tinh thâm tuyệt đỉnh, đã từng vang danh một thời. người nhỏ thó là cao thủ trong Bát Quái môn tên là Phi Tẩu Hồ Mai. Chà, những người ấy quây quần lại một chỗ tiến đánh thì cuộc chiến ngày hôm nay chỉ sợ gia nương và đại ca khó bề đương cự.

Trong khi ấy dưới trường ác đấu, ba người phe Tả Giám Bạch thối lui được chừng ba trượng.

Tả Văn Quyên chợt giật nẩy mình sửng sốt, vội vàng kéo tay Tả Thiếu Bạch nói:

- Đệ đệ, chúng ta mau chạy đi!

Lại nghe một giọng nói ậm ọe quát tháo:

- Tả Giám Bạch, ngươi chưa ném binh khí, bó tay chịu trói, bộ muốn đánh đến lúc phơi thây ở chốn hoang sơn này chắc?

Tả Văn Quyên, Tả Thiếu Bạch tuy đang chạy về phía trước nhưng vẫn nghe rõ mồn một giọng quát tháo đáng giận ấy.

Tả Giám Bạch vung mạnh kim đao chận lấy cây Nguyệt nha sản của hòa thượng, dõng dạc hỏi lại:

- Vợ chồng, cha con ta tất cả năm người đã bị gót sắt của các hạ đuổi sát, chúng ta đã phải đào vong tám năm trời liền, chẳng lẽ chư vị không dời cho một bước được sao?

Hòa thượng thân hình cao lớn cười nhạt nói:

- Chưởng môn Phương trượng của tuyệt phái bị các hạ hãm hại, mối thù oán này chẳng lẽ lại không nên trả sao?

Có nhiều tiếng xì xào, sau rốt có người lên tiếng nói:

- Đại sư phí lời với hắn làm gì cho mệt, tên này gian ngoan quỷ quyệt, đã gây nên nhiều tội ác tày trời có lẽ nào cúi đầu nhận tội.

Một người khác tiếp lời:

- Nếu đánh chết y bằng một chiêu thì sướng cho y quá.

Liền theo đó có một giọng nói oang oang như chuông đồng:

- Nếu đánh chết tên Tả Giám Bạch thì cái việc bốn đại Chưởng môn bị hại sẽ vĩnh viễn thành một nghi án? Khó bề tra ra manh mối, vậy dẫu cho thế nào cũng chớ đánh y chết tốt.

Những lời lẽ quát tháo lỗ mãng ấy như ngọn dao đâm thẳng vào tim Tả Thiếu Bạch, chàng thấy máu huyết hừng hực dồn lên không biết quá đau khổ hay quá giận.

Tả Văn Quyên cảm thấy cổ tay Tả Thiếu Bạch run lên bần bật thì cũng ngầm hoảng kinh vội vận toàn chân lực kéo tay em chạy nhanh về phía trước.

Một hơi hai người vượt qua được hai ngọn núi, Tả Văn Quyên đã nhễ nhại mồ hôi, hơi thở hổn hển, nàng lắng tai không còn nghe thấy tiếng binh khí ở đàng sau vọng lại nữa.

Nàng quay sang nhìn em thấy vẻ mặt Tả Thiếu Bạch cau có, nơi hàng mi đầy phẫn khích, toàn thân vẫn rung lên bần bật, hiển nhiên mối khích động trong lòng chàng không những không hạ xuống mà còn tăng thêm mỗi lúc một nhiều.

Tả Văn Quyên thấy thế thì hoảng sợ, cố lấy lời dịu ngọt nói:

- Đệ đệ, em làm sao thế?

Tả Thiếu Bạch nói:

- Nếu như em không biết rõ nội tình thì chết không yên lòng nhắm mắt...

Chàng há miệng phun ra một búng máu tươi, lăn vào lòng Tả Văn Quyên òa khóc thất thanh.

Trong lòng Tả Văn Quyên đã sớm chất chứa sung mãn những ưu uất, bi khổ trong cảnh sống phiêu linh nay đây mai đó, nàng đã học được đức tính nhẫn nại, giờ phút này Tả Thiếu Bạch khóc lóc thảm thiết, bao nhiêu bi khổ ưu uất chất chứa trong lòng nàng bấy lâu nay tức thời bùng ra, nàng không còn chế ngự được nữa, thế là hai chị em ôm lấy nhau mà khóc.

Không biết bao lâu thời gian qua đi, cuối cùng Tả Thiếu Bạch cảm thấy có một bàn tay mạnh mẽ kéo chàng dậy, bên tai chàng vang lên giọng nói hiền hòa đầy thương yêu như tiếng gió nồm ngày hạ:

- Hài tử, đại trượng phu sao mau nước mắt thế kia, đừng có khóc nữa, xấu lắm!

Tả Thiếu Bạch ngước mắt nhìn lên, bất giác chàng sửng sốt.

Chàng thấy cha mình bê bết máu, ở má trái máu đỏ dòng dòng cả một phía trên thân người, y phục thấm ướt những máu tươi.

Mẫu thân tựa hồ như bị thương không nhẹ, lần áo ở vai bên trái máu đỏ tươi cùng nước mưa thấm ướt y phục.

Tả Kế Bạch bị một vết đao dài rạch cánh tay phải thịt lòi ra, cánh tay trái anh cũng bị thương máu vẫn ri rỉ chảy...

Đối với Tả Thiếu Bạch đấy là một bức họa quá lẽ đau thương làm chàng rụng rời hồn vía.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Hồi (1-64)


<