Vay nóng Tinvay

Truyện:Thất lão kiếm - Hồi 41

Thất lão kiếm
Trọn bộ 58 hồi
Hồi 41: Ma Quỷ Đảo
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-58)

Siêu sale Lazada

Nhuế Vĩ mỉm cười:

- Thì ra Sử Bất Cựu đây mà! Chả trách các vị biết chỗ ở của Dược Vương Gia!

Sử Bất Cựu nghênh mặt hỏi:

- Sư thúc ta đâu?

Nhuế Vĩ đáp:

- Một ngày cách đây nửa năm, Dược Vương Gia ra đi, lúc ly khai, lão nhân gia không nói định hướng.

Sử Bất Cựu hừ lạnh:

- Ngươi nói láo! Nhất định sư thúc ta có mặt tại đây.

Nhuế Vĩ bình tĩnh đáp:

- Tại hạ lừa các hạ làm gì? Thật sự Dược Vương Gia vắng mặt từ lâu rồi.

Sử Bất Cựu hỏi:

- Ngươi còn nhớ chúng ta cách biệt bao lâu rồi chăng?

Nhuế Vĩ điềm nhiên:

- Hơn hai năm rồi!

Sử Bất Cựu bật cười hắc hắc:

- Đúng vậy! Hai năm đã qua, ngươi vẫn còn sống, nếu không có sư thúc ta, làm gì có việc đó? Như vậy là sư thúc ta không hề vắng mặt!

Y quay mặt hướng về chiếc kiệu, tiếp:

- Bịnh của tiểu thơ, chỉ có một mình sư thúc lão phu chữa được lành mà thôi, tiểu tử này khoác lác hoang đường, giấu quanh giấu quẩn, tiểu thơ cứ bảo Câu Hồn Sứ Giả giáo huấn hắn một phen cho hắn biết khổ, có vậy hắn mới nói thật!

Biết mình không là đối thủ của Nhuế Vĩ, Sử Bất Cựu kêu gọi đến hai lão nhân, chứ tự y không dám ra tay.

Lão nhân áo gai, là Câu Hồn Sứ Giả, lão nhân áo bố, là Đoạt Phách Sứ Giả.

Bệnh nhân từ trong kiệu cất giọng nhu nhược thốt vọng ra:

- Thật sự, sư phụ của công tử vắng mặt?

Nhuế Vĩ gật đầu.

Bệnh nhân tiếp:

- Lịnh sư vắng mắt, vậy phiền công tử chữa trị cho tôi...

Sử Bất Cựu vội thốt:

- Đừng, tiểu thơ! Hắn chẳng biết chi đâu! Hắn nói nhảm đấy! Chỉ có sư thức lão phu mới hóa giải độc chứng của tiểu thơ được thôi. Chính hắn suýt chết vì độc dược của bổn môn, làm gì biết cách chữa trị?

Người bịnh cười lạnh:

- Họ Sử ơi! Ngươi biết ta mang chứng bịnh chi chăng?

Sử Bất Cựu đáp:

- Chứng bịnh của tiểu thơ kỳ quái lắm, y thuật của lão phu không được tinh thông, nên mới đến đây cầu cứu nơi sư thúc, lão phu không biết thì còn có sư thúc, lão nhân gia đương nhiên phải biết.

Người bịnh lại cười lạnh, nói:

- Ngươi nói y không biết y thuật, song y vừa nói trúng tên bịnh chứng đó như vậy là nghĩa làm sao, hả? Hay là ngươi cố ý nói rằng không biết?

Sử Bất Cựu lộ vẻ kinh hãi:

- Lão phu làm sao dám cố ý phỉnh lừa tiểu thơ? Đích xác là lão phu không biết mà! Nếu đã biết chứng, thì lão phu đã có thể phối chế dược liệu rồi, cần gì phải đưa nhau đến đây?

Người bịnh cau mày:

- Ngươi không biết thì hãy cố đứng qua một bên, xem người ta làm công việc, còn léo nhéo cái chi hả?

Sử Bất Cựu ngoan ngoãn lui ra ngoài xa, không dám hó hé gì nữa.

Nhuế Vĩ hết sức kỳ quái, thầm nghĩ:

- "Sử Bất Cựu đã phát thệ không cứu người, tại sao lại sợ người bịnh cực độ như vậy? Người bịnh là ai, khiến lão ta sợ đến hủy diệt lời thề? Lại còn cất công đưa đi tìm Dược Vương Gia trải qua năm địa phương?"

Người bịnh hướng về Nhuế Vĩ, điểm một nụ cười, thốt:

- Tôi từ nhỏ, thể chất bất nhược, gia phụ thường cho uống sâm, có lẽ uống quá nhiều sâm, nên sanh ra độc, như công tử đoán chứng bịnh. Chắc công tử có phương pháp chữa chứ?

Nhuế Vĩ đáp:

- Nhân sâm là loại thánh dược, đại bổ dưỡng, nhưng trong các loại sâm, có thứ sâm gọi là "Hồng Diệp Sâm", uống vào không bổ dưỡng chi cả, mà lại còn bị hại. Vì loại "Hồng Diệp Sâm" rất hiếm, nên người đời ít ai biết đến nó. Ai ăn phải thứ sâm này, thoạt đầu thân thể suy nhược, dần dần biến đỏ toàn bộ. Khi màu đỏ lan rộng khắp thân mình, thì độc chứng cực mạnh, không còn cách gì chữa trị được.

Đoạt Phách Sứ Giả lộ vẻ lo lắng:

- Thế thì làm sao? Chẳng lẽ tiểu thơ phải chịu chết? Các hạ có cách chi chăng?

Nhuế Vĩ mỉm cười:

- Cũng may, tiểu thơ đến kịp lúc này, nếu chậm một vài hôm thì tại hạ đành bó tay, hiện tại đôi mắt mới bắt đầu đỏ, màu đỏ chưa lan rộng đầy đủ, chỉ cần uống một thứ thuốc là khỏi bịnh ngay.

Câu Hồn Sứ Giả kêu lên:

- Thế thì các hạ phối chế gấp đi. Còn đứng đó làm chi cho phí thì giờ?

Người bịnh cười thốt:

- Tam thúc ơi, người ta sẵn sàng trị bịnh cho tôi, tam thúc nên nói năng dịu dàng một chút.

Câu Hồn Sứ Giả hầm hừ:

- Hắn dám từ chối sao chứ! Bằng mọi giá, lão phu phải bức hắn chữa trị.

Chẳng cần dịu tiếng nhẹ lời gì hết. Hắn từ chối là lão phu giết chết hắn ngay.

Đoạt Phách Sứ Giả gắt:

- Tam đệ lỗ mãng quá.

Lão day qua Nhuế Vĩ, cười vuốt, tiếp:

- Tam đệ của lão phu tánh tình tàn bạo lắm, các hạ đừng để tâm làm chi.

Nhuế Vĩ thản nhiên:

- Chẳng sao! Y đạo chuyên cứu người, không vì một vài lời thô lỗ mà tại hạ không chữa trị cho bịnh nhân. Lão trượng hãy cho mang tiểu thơ vào nhà đi, để tại hạ có thì giờ góp nhặt dược liệu, chuẩn bị phối chế giải dược.

Câu Hồn Sứ Giả biết lỗi, cười mơn, giả lả:

- Tiểu tử có tâm địa tốt quá, vừa rồi lão phu ăn nói bậy bạ quá chừng.

Một tiếng "bốp" vang lên, lão tự đưa tay tát vào mặt mình, tự trừng phạt.

Nhuế Vĩ thầm nghĩ:

- "Những con người này trông thì hung ác, song tâm tính cũng khá lắm, chẳng đến nỗi quá bạo tàn".

Chàng không còn chán ghét như trước nữa.

Bọn kiệu phu sắp sửa đưa tiểu thơ vào nhà, Sử Bất Cựu vụt chặn lại:

- Hãy khoan! Này tiểu tử họ Nhuế, lão phu muốn hỏi ngươi.

Nhuế Vĩ quay mình lại:

- Các hạ muốn hỏi gì?

Sử Bất Cựu lạnh lùng nói:

- Tại sao ngươi biết là trên đời chẳng mấy ai hiểu loại "Hồng Diệp Sâm"?

Có phải là ngươi xem trong quyển "Biển Thước thần thơ" chăng?

Bất quá, Sử Bất Cựu chỉ nghe sư phụ nói đến một loại sâm độc, mang tên "Hồng Diệp Sâm" thôi, chứ chẳng hiểu chứng trạng và cách giải độc, bây giờ nghe Nhuế Vĩ giải thích, y bắt đầu nghi.

Nhuế Vĩ cười lớn:

- Phải đấy! Tại hạ tham khảo trong quyển sách đó.

Sử Bất Cựu trố mắt:

- Sư thúc cho ngươi xem?

Nhuế Vĩ cao giọng:

- Cho xem suông còn nói làm gì? Người tặng luôn nữa đấy.

Sử Bất Cựu biến sắc, mắng:

- Câm miệng! Đừng nói nhảm. Làm gì sư thúc ta tặng ngươi một quyển sách quý như vậy?

Nhuế Vĩ định chọc tức y, để trả thù y lừa chàng uống hoàn độc dược ngày trước, bèn lấy quyển sách trong mình ra, cho y xem, rồi hỏi:

- Các hạ thấy chưa?

Sử Bất Cựu nhận ra vậy, vội hét:

- Trao đây cho ta!

Như mũi tên, y lao vút mình tới Nhuế Vĩ, toan đoạt quyển sách.

Nhuế Vĩ đã có chuẩn bị, lách mình qua một bên.

Chụp hụt, Sử Bất Cựu quay mình lại, vươn mười ngón tay vồ tới.

Nhuế Vĩ thấy lão làm bạo quá, biết là lão ham muốn quyển sách cực độ, chàng không thể xem thường nữa.

Bất ngờ lúc đó một tiếng nổ kinh hồn vang lên, hai tai Nhuế Vĩ nghe kêu bùng bùng. Sử Bất Cựu thì ngã nhào dưới đất. Chàng quay người lại, thấy Câu Hồn Sứ Giả đang cầm đôi bạt, lão bật cười ha hả thốt:

- Lão quái vật! Tự ngươi tìm khổ đấy, chứ chẳng phải ai mang đến cho ngươi đâu nhé!

Đôi bạt lại chập vào nhau một lần nữa, một tiếng nổ nữa lại vang lên.

Sử Bất Cựu lăn tròn trên mặt đất, đồng thời tru tréo:

- Dừng tay! Dừng tay!

Đôi bạt vang liên tiếp ba tiếng nữa. Câu Hồn Sứ Giả đắc ý thốt oang oang:

- Muốn ta dừng tay à? Có gì dễ bằng...

Lần này, lão chập hai chiếc bạt, gây tiếng vang liên hồi.

Sử Bất Cựu la hét hết sức thảm thiết, y nhào lộn trên mặt đất, rách áo sờn da, rướm máu.

Đoạt Phách Sứ Giả và bệnh nhân im lặng nhìn, không hề giao động tâm tư.

Nhuế Vĩ dù hận Sử Bất Cựu, song không nở điềm nhiên, vội can thiệp:

- Dừng tay!

Lúc đó, Câu Hồn Sứ Giả cao hứng quá, bất chấp lời kêu gọi của Nhuế Vĩ, cứ chập hai chiếc bạt mãi. Lão vừa chập, vừa cười ha hả.

Nhuế Vĩ vọt mình tới, vươn tay đoạt hai chiếc bạt dễ dàng rồi quăng đi xa.

Câu Hồn Sứ Giả sững sờ, một phút sau kêu lên:

- Làm cái gì vậy? Lão phu giúp các hạ sửa trị lão ta mà? Tại sao các hạ ngăn cản?

Người bệnh mỉm cười, thốt:

- Tam thúc đừng quên, họ là đồng môn sư huynh đệ với nhau, tự nhiên người ta phải thương xót cho nhau chứ!

Nàng hướng qua Nhuế Vĩ cười tiếp:

- Võ công của công tử cao quá, lão quái vật còn kém công tử xa! Công phu do công tử vừa phát xuất đó, tên là chi vậy?

Nhuế Vĩ không đáp, lại hỏi ngược lại:

- Có phải các vị cho y uống mê hồn độc dược chăng?

Câu Hồn Sứ Giả hét:

- Hay cho tiểu tử, ngươi đoạt đôi bạt của lão phu quăng đi, lão phu không nói gì, sao tiểu thơ lão phu hỏi, ngươi không đáp? Hay ngươi cũng muốn nếm khổ như lão quái vật?

Nhuế Vĩ cười lạnh:

- Tại hạ nghĩ, các hạ có tánh lỗ mãng, nên không nở trừng trị nặng! Nếu các hạ là con người xảo trá, thì đừng hòng tại hạ tha thứ cho!

Câu Hồn Sứ Giả hét lớn:

- Thế ra, quăng đôi bạt của lão phu, là một cách trừng phạt nhẹ?

Nhuế Vĩ gật đầu:

- Tại hạ rất ghét những ai dùng mê hồn độc dược hãm hại người. Nếu sau này, các hạ còn dùng đôi bạt mà uy hiếp người, tại hạ sẽ bẻ gãy đôi tay luôn đấy!

Người bệnh cười nhẹ:

- Lớn lối quá!

Nhuế Vĩ lạnh lùng:

- Tiểu thơ không tin?

Bịnh nhân thốt dịu như ru:

- Sao công tử hằn học thế? Công tử nên nhớ, tôi là một bịnh nhân mà! Ý!

Công tử đừng vì việc nhỏ mọn đó mà không chữa trị cho tôi nhé!

Nhuế Vĩ khẳng khái:

- Đại trượng phu nói ra làm sao là làm vậy! Nhưng tiểu thơ hãy cho biết các vị đã cho Sử Bất Cựu uống loại thuốc mê hồn nào?

Bịnh nhân đáp:

- Dược vật gia truyền của tôi đấy! Nếu công tử không hối tiếc chữa trị cho tôi, thì tôi sẽ cho y uống giải dược. Chúng ta làm một cuộc trao đổi.

Nàng lấy một chiếc bình màu trắng, đoạn gọi:

- Nhị thúc! Cho lão quái vật uống đi!

Đoạt Phách sứ giả cho Sử Bất Cựu uống loại thuốc mê hồn đó?

Bịnh nhân mỉm cười:

- Tôi sử dụng dược vật mê hồn, chẳng lẽ công tử không thông cảm?

Nhuế Vĩ đáp:

- Miễn là từ nay về sau tiểu thơ đừng sử dụng nữa, là tại hạ không làm gì phiền phức đến tiểu thơ.

Bịnh nhân tiếp lời:

- Sư huynh công tử là một quái vật hữu danh trên giang hồ, tôi đến tìm y, nhờ chữa trị, không thể không trước hết tìm biện pháp chế ngự y. Có vậy, y mới chịu đưa tôi đến đây, thỉnh cầu nơi lịnh sư!

Nhuế Vĩ bằng vào kinh nghiệm, đại khái có biết là như vậy, cho nên khi Câu Hồn Sứ Giả đập hai chiếc bạt vào nhau, tiếng vang làm chấn động Sử Bất Cựu, độc dược phát tác liền. Nếu không bị hạ độc, thì làm gì y lại chịu không nổi tiếng bạt? Dù sao thì y cũng là con nhà võ, ít nhất cũng có phần nào căn cơ. Một con người dù quật cường đến đâu, nếu cần phải sống để hoàn thành một ước vọng, tất phải ủy khúc, tuân phục, như Sử Bất Cựu, cho nên chàng thấy Sử Bất Cựu không đáng trách lắm.

Tuy nhiên, chàng nhận ra, mê hồn độc dược rất đáng sợ. Chàng thốt:

- Tại hạ chữa trị cho tiểu thơ rồi, mong tiểu thơ đừng dùng phương tiện đó, hãm hại người đời nữa.

Bịnh nhân mỉm cười:

- Công tử chống lại việc sử dụng độc à?

Nhuế Vĩ gật đầu:

- Muốn tranh thủ một cái gì, con người nên dùng phương tiện chân chánh, hành động quang minh. Tuyệt đối không nên ỷ trượng vào tà thuật. Có thế mới đáng mặt anh hùng.

Bịnh nhân mỉm cười:

- Thì tôi xin đáp ứng công tử đó!

Uống thuốc giải độc rồi, Sử Bất Cựu cố gượng đứng lên.

Câu Hồn Sứ Giả quát:

- Ngươi cút đi ngay, bọn ta không muốn trông thấy mặt ngươi nữa!

Sử Bất Cựu không đi, trái lại còn bước tới hét:

- Trao quyển "Biển Thước thần thơ" cho ta!

Nhuế Vĩ hỏi:

- Sách này do Dược Vương Gia truyền lại cho tại hạ, tại sao lại phải trao cho các hạ?

Sử Bất Cựu đáp:

- Nó là di vật của sư phụ ta, lão nhân gia truyền cho sư thúc để nghiên cứu.

Sư thúc muốn truyền lại cho người lớp sau, thì chỉ có ta là kẻ đủ tư cách. Ngươi là cái gì mà tiếp nhận?

Nhuế Vĩ "hừ" một tiếng:

- Sư bá truyền cho gia sư. Thì vật đó thuộc quyền sở hữu của gia sư, gia sư muốn truyền lại cho ai thì truyền, tùy ý thích chọn lựa mà truyền. Tại hạ giữ nó, để nghiên cứu mà cứu đời, các hạ không cứu đời thì đòi chiếm mà làm gì?

Sử Bất Cựu nổi giận:

- Sao ngươi biết ta không cứu người?

Nhuế Vĩ cười lạnh:

- Nếu các hạ chuyên cứu đời, thì làm gì lại có cái hiệu là Sử Bất Cựu?

Sử Bất Cựu quát:

- Ngươi biết ta là ai không?

Nhớ lại ngày trước tại Tiểu Ngũ Đài sơn, chàng có đề cập đến cái chết của mẫu thân, Nhuế Vĩ biến sắc mặt hỏi gấp:

- Các hạ là ai?

Sử Bất Cựu chợt cười ha hả, nói:

- Ngươi không cho rằng ta và ngươi là đồng môn sư huynh đệ à? Ta không phải sư huynh của ngươi à! Buồn cười ghê...

Nhuế Vĩ hét:

- Buồn cười cái gì?

Ngưng cười, quắc mắt tóe lửa, nhìn Nhuế Vĩ, Sử Bất Cựu nói:

- Ta cười vì ngươi không hiểu thân thế của ngươi, ngươi chẳng biết mẫu thân là ai, cứ bảo bà ấy đã chết rồi!

Nhuế Vĩ kinh hãi:

- Chẳng lẽ mẫu thân tại hạ còn sống?

Sử Bất Cựu bĩu môi:

- Chết thế nào được!

Nhuế Vĩ lắc đầu:

- Tại hạ không tin! Tiên phụ đã nói rõ ràng, quyết không có việc đó!

Sử Bất Cựu mắng:

- Phụ thân của ngươi là một tên khốn kiếp, trù rủa mẫu thân ngươi. Đáng tiếc là lão ta đã rũ xương rồi, nếu không thì lão cũng phải nát sát với ta!

Nhuế Vĩ nổi giận, tung ngay một chiêu "Hóa Thần chưởng pháp".

Chưởng pháp này chuyên tạt vào mặt đối phương, Sử Bất Cựu không tài nào tránh kịp. Một tiếng "bốp" vang lên, Sử Bất Cựu tá hỏa tam tinh, ba mươi sáu ngọn đèn chớp chớp trước mắt.

Y thầm nghĩ:

- "Võ công của hắn ngày nay tiến triển hơn lúc ở tại Tiểu Ngũ Đài sơn nhiều. Nếu mình còn muốn đoạt quyển "Biển Thước thần thơ" nơi tay hắn, thì thực là nuôi mộng!"

Đánh y một tát tay rồi, Nhuế Vĩ cảm thấy hối hận, dù sau thì y cũng có tuổi tác, đáng bậc trưởng thượng. Chàng dịu giọng thốt:

- Tiên phụ vốn là một đại hiệp khách trên giang hồ, nếu các hạ đừng nặng lời xỉ mắng, thì tại hạ đâu có bạo tay với các hạ như vậy!

Sử Bất Cựu bật cười ha hả:

- Phụ thân ngươi là một hiệp khách? Một đại hiệp khách! Con mẹ nó! Y chỉ là một kẻ thô bỉ, vô sỉ nhất trần đời!

Nhuế Vĩ phẫn nộ, toan đánh chết y, song thấy y không phòng bị, đánh như vậy là hèn, chàng cố dằn tâm, hét:

- Các hạ cút đi! Đi ngay! Nếu không, sẽ mất mạng!

Sử Bất Cựu không sợ, tiếp luôn:

- Ngươi có biết tại sao người đời gọi ta là Sử Bất Cựu không? Không phải là tại một kẻ đáng chết như phụ thân ngươi à? Y là một kẻ vong ân bội nghĩa, ta uổng công cứu tánh mạng y, ta vì cứu y mà mang tiếng mang tăm, cho nên ta lạnh lùng, chẳng lẽ ta phải suốt đời làm ơn để lấy lại một sự oán hờn của mọi người? Như thế, cứu cánh của việc cứu đời còn có nghĩa gì nữa?

Nhuế Vĩ giật mình, niềm giận tiêu tan, buông thõng đôi tay, hỏi:

- Các hạ có thật sự cứu tiên phụ?

Sử Bất Cựu mường tượng không nghe Nhuế Vĩ hỏi gì, cứ tiếp:

- Thử hỏi, Sử Bất Cựu này còn lòng dạ nào cứu ai nữa? Mặc cho ai mắng ta là Sử Bất Cựu, là lão quái vật, ta cũng chẳng màng. Ta phát thệ không cứu người nữa, vĩnh viễn không cứu!

Nhuế Vĩ thở dài. Chàng thầm nghĩ:

- "Nếu quả thật tiên phụ vong ân bội nghĩa, làm sao cho y phát thệ không cứu người nữa, thì lỗi về gia đình họ Nhuế của ta không sai!"

Sử Bất Cựu lại tiếp:

- Dù cho quyển "Biển Thước thần thơ" về tay, ta cũng chẳng chịu cứu đời.

Bất quá, ta bất bình vì quyển sách quý đó về họ Nhuế, có vậy thôi! Ngày nay, về vũ công, ta kém ngươi, không thể đoạt quyển sách trên tay ngươi. Nhưng, phải có một ngày nào đó, ta sẽ được mãn nguyện!

Thốt xong, y quay mình bước đi.

Nhuế Vĩ thấy y đi đã xa, vội gọi to:

- Một ngày nào đó, nếu các hạ chịu cứu đời, thì Nhuế Vĩ này sẽ hai tay dâng quyển sách cho các hạ.

Sử Bất Cựu nghe, song không quay đầu lại. Thái độ đó chứng tỏ rõ rệt ý chí của y, dù có quyển "Biển Thước thần thơ" trong tay, y cũng chẳng chịu cứu đời.

Nhuế Vĩ thừ người tại chỗ, thầm nghĩ:

- "Tiên phụ đã làm gì đắc tội với y?"

Bốn tên kiệu phu khiêng kiệu đi ngang qua Nhuế Vĩ.

Người bịnh gọi:

- Nhuế công tử!

Nhuế Vĩ quay mình qua:

- Việc chi, tiểu thơ?

Chàng trực nhớ thực tại, vội bảo kiệu phu:

- Khiêng vào nhà gấp!

Kiệu vào trong, có Lâm Quỳnh Cúc đón tiếp. Nàng hỏi:

- Việc gì xảy ra ở ngoài đó, đại ca?

Nhuế Vĩ mỉm cười:

- Bệnh nhân đến tìm Dược Vương Gia, nhờ chữa trị.

Chợt thấy Câu Hồn, Đoạt Phách nhị sứ giả, nàng kinh hãi kêu lên:

- Ai thế, đại ca?

Đoạt Phách Sứ Giả cười ha hả:

- Bọn tại hạ có vẻ đáng sợ lắm sao?

Nhuế Vĩ cười, thốt:

- Xem vậy mà các vị đó lương thiện lắm, Cúc muội yên tâm!

Câu Hồn Sứ Giả cười vang:

- Lương thiện? Nhuế công tử quá khen!

Lâm Quỳnh Cúc hỏi:

- Dược Vương Gia vắng mặt, ai chữa trị đây?

Nhuế Vĩ đáp:

- Ngu huynh! Thử chữa bịnh một lần xem sao!

Lâm Quỳnh Cúc cau mày:

- Làm được hay không đó?

Nhuế Vĩ cười:

- Muốn thành công, ngu huynh phải nhờ Cúc muội giúp.

Lâm Quỳnh Cúc trố mắt:

- Tiểu muội giúp cách nào?

Người bịnh xuống kiệu, song không bước nổi, Lâm Quỳnh Cúc phải dìu nàng, đưa vào phòng.

Giản Hoài Quyên ngồi trên giường, mường tượng chẳng thấy ai cả, đôi mắt lơ lơ láo láo.

Bệnh nhân hỏi:

- Cô nương đó là ai?

Lâm Quỳnh Cúc đáp:

- Tiểu muội của ca ca tôi đó.

Bịnh nhân lại hỏi:

- Nàng thọ bịnh?

Nhuế Vĩ giật mình hỏi:

- Tiểu thơ biết bệnh chứng của nàng chứ?

Bịnh nhân mỉm cười:

- Công tử là môn đệ của danh y, không biết thì còn ai biết?

Đoạn nàng tiếp luôn:

- Đừng có gọi tôi là đại thơ, tiểu thơ nữa, nghe kỳ quá! Tôi tên là Diệp Thanh, người nhà quen gọi là Thanh nhi, vậy công tử cứ gọi Thanh nhi cho tiện.

Đoạt Phách và Câu Hồn hai sứ giả không rời Diệp Thanh nửa bước, nàng vào phòng thì cả hai đứng tại cửa, sẵn sàng can thiệp nếu có gì bất trắc xảy đến cho nàng. Tuy là thúc thúc, họ bảo vệ nàng như hai tên nô lệ.

Lâm Quỳnh Cúc nắm tay Giản Hoài Quyên, đưa nàng vào phòng trong.

Không lâu lắm, đêm xuống, bóng tối bao trùm vạn vật. Đến lúc đó, Nhuế Vĩ mới phối chế xong giải dược tiêu trừ chất độc của "Hồng Diệp Sâm".

Lâm Quỳnh Cúc mang đến cho Diệp Thanh uống.

Nhuế Vĩ trấn an Diệp Thanh:

- Diệp tiểu thơ yên trí, uống loại giải dược này rồi, qua đêm nay, sáng ra là tiểu thơ mạnh lại như cũ.

Diệp Thanh hỏi:

- Còn màu đỏ? Nếu không tan biến?

Nhuế Vĩ không dám quả quyết, song vẫn phải gượng đáp:

- Tiểu thơ đừng lo, thế nào cũng khỏi!

Nhưng, qua một đêm, sáng ra Lâm Quỳnh Cúc gọi Nhuế Vĩ, thốt:

- Màu đỏ vẫn còn, đại ca ơi!

Nhuế Vĩ cau mày:

- Thế thì phiền phức rồi.

Lâm Quỳnh Cúc hỏi:

- Phiền phức như thế nào?

Nhuế Vĩ giải thích:

- Vị tiểu thơ đó trúng độc nhiều, lại để lâu ngày, thành ra thuốc giải không công phạt nổi, bây giờ phải dùng "Kim Châm Quá Huyệt Pháp" hỗ trợ, thuốc mới có công hiệu!

Lâm Quỳnh Cúc thốt:

- Vậy thì đại ca hãy dùng pháp đó chữa trị cho nàng. Cứu người thì phải cứu đến nơi đến chốn mới phải chứ!

Nhuế Vĩ nói:

- Phương pháp đó rất khó khăn, vả lại... vả lại...

Lâm Quỳnh Cúc hỏi:

- Vả lại làm sao?

Nhuế Vĩ đáp:

- Nam nữ, thọ thọ bất tương thân, ngu huynh thấy bất tiện quá...

Nhớ lại việc mình, Lâm Quỳnh Cúc thẹn đỏ mặt. Nàng thầm nghĩ:

- "Quả khó thật!"

Nhuế Vĩ tiếp:

- Hôm nay, thêm nhiều thuốc hơn, xem hiệu lực như thế nào đã rồi tính.

Lâm Quỳnh Cúc hỏi:

- Bịnh chứng của nàng nặng lắm sao?

Nhuế Vĩ gật đầu:

- Nếu hôm nay bịnh không dứt, ngu huynh sợ có nguy đến sanh mạng nàng!

Lâm Quỳnh Cúc thốt:

- Dù sao đại ca cũng phải cứu nàng, tỵ hiềm một tiểu tiết, để nguy hại cho một mạng người, thì không nên đó, đại ca ạ!

Nhuế Vĩ gật đầu:

- Được rồi! Cúc muội tiếp tay với ngu huynh!

Trong phòng, Diệp Thanh nằm trên giường, bình tịnh.

Giản Hoài Quyên ngồi nơi mép giường, bình tịnh không một âm thinh nào, ngoài hơi thở nhẹ của hai nàng.

Lâm Quỳnh Cúc kéo Giãn Hoài Quyên qua một bên, cho Nhuế Vĩ đến gần.

Diệp Thanh cười, thốt:

- Xem ra, công tử không trị nổi chứng bệnh của tôi rồi đó!

Trong trường hợp đó, nàng còn cười nói được, Nhuế Vĩ phải thầm phục nàng trầm tĩnh phi thường. Chàng xem mạch nàng một lúc, rồi ngẩng đầu lên, thốt:

- Bịnh chưa nhập đến Cao Hoan, "Kim Châm Quá Huyệt Pháp" có thể dùng được.

Diệp Thanh hỏi:

- Công tử áp dụng khoa châm chích, chữa trị cho tôi?

Nhuế Vĩ đáp:

- "Kim Châm Quá Huyệt Pháp" có phần nguy hiểm hơn các pháp châm chích khác. Nếu không khéo tay, là làm nguy đến tánh mạng.

Diệp Thanh mỉm cười:

- Công tử là truyền nhân của Dược Vương Gia, tôi tin là công tử tinh thông thuật đó, nên không sợ có nguy hại gì. Công tử cứ chiếu theo phương pháp, chữa trị cho tôi.

Nhuế Vĩ chính sắc:

- Nói là tinh thông, thì không đúng, bất quá tại hạ chỉ am tường phần lý thuyết, chứ chưa thực hành lần nào. Cho nên, tại hạ chưa rút kinh nghiệm, sợ không thu hoạch kết quả mong muốn.

Diệp Thanh đáp:

- Sanh tử do mạng, còn phương pháp nào cũng phải dùng phương pháp đó, chứ chẳng lẽ tôi phải nằm giường chờ chết sao? Công tử đừng do dự!

Nhuế Vĩ vào phòng riêng, lấy chiếc rương do Dược Vương Gia để lại, rương đó chứa đựng các dụng cụ và vật liệu cần thiết cho việc cứu cấp. Chàng lại bảo Lâm Quỳnh Cúc cởi áo Diệp Thanh.

Nhuế Vĩ bắt đầu chích huyệt.

Chàng cần phải chích vào đủ ba mươi sáu huyệt ở đầu, ở lưng, ở tay, ở ngực, và hạ bộ. Đến các huyệt tại ngực và dạ dưới của Diệp Thanh, chàng có dừng tay do dự một lúc lâu. Sau cùng, chàng không thể cố chấp một tiểu tiết, bởi y thuật là nhân đạo, mạng sống của con người là trọng, chàng chích luôn vào các huyệt còn lại.

Hôm đó, màu đỏ trên làn da của Diệp Thanh từ từ tan biến.

Nhuế Vĩ cho nàng uống luôn một thứ thuốc bổ, nàng khôi phục thể lực nguyên vẹn. Độc tánh trong người chàng cũng không phát tác nữa. Như vậy là chàng thành công trong việc tự cứu.

Tự nhiên, chàng phải vui mừng và định bụng trong vài hôm nữa sẽ lên đường tìm Tam Nhãn Tú Sĩ, nhờ chữa trị cho Giản Hoài Quyên.

Một hôm, chàng gọi Đoạt Phách Sứ Giả, thốt:

- Tiểu thơ của các vị đã lành mạnh rồi. Các vị có thể ly khai nơi đây.

Câu Hồn Sứ Giả cười ha hả:

- Đệ tử Dược Vương Gia quả là tay đại tài! Đảo chúa của tại hạ nhất định là sẽ báo đáp công đức xứng đáng!

Nhuế Vĩ khiêm tốn:

- Việc nhỏ mọn, có công lao gì, các hạ đừng nói đến sự thù tạ.

Đoạt Phách Sứ Giả cười, tiếp nối:

- Ngoài công tử ra, trên thế gian này còn ai cứu được tiểu thơ! Công tử không nên quá khiêm! Nhất định là phải có sự thù tạ!

Câu Hồn Sứ Giả hỏi:

- Mình đáp tạ bằng cách nào đây, nhị ca?

Đoạt Phách Sứ Giả lấy trong tay áo một chiếc địch hình thức kỳ quái, đưa lên miệng thổi nhẹ. Âm thinh như tiếng chim lạ kêu nhẹ nhàng.

Nhuế Vĩ trông chiếc địch, mường tượng đã thấy qua, song không nhớ là thấy ở đâu, trong trường hợp nào.

Không lâu lắm, bốn bóng người xuất hiện. Đó là bốn nữ nhân, vận y phục trắng, tóc xõa chấm vai, tay đeo kim hoàn. Thân pháp của chúng cực nhanh, mấy hôm nay, không ai phát hiện chúng quanh vùng, chắc hẳn là chúng ẩn nấp khá xa vùng đó, thế mà tiếng địch vang lên, chúng đến ngay. Nàng nào cũng bưng một chiếc mâm, phủ khăn trắng.

Cả bốn nàng cung cung kính kính đến cạnh Đoạt Phách Sứ Giả.

Đoạt Phách Sứ Giả bảo:

- Lấy khăn xuống!

Trên bốn mâm, toàn là châu ngọc.

Đoạt Phách Sứ Giả cười thốt:

- Xin công tử thu nhận!

Nhuế Vĩ biến sắc, hướng về bốn nàng, khoát tay:

- Các cô nương mang đi đi!

Câu Hồn Sứ Giả chớp mắt:

- Công tử hiềm ít?

Nhuế Vĩ nghiêm sắc mặt:

- Tại hạ không thuộc hạng tham tiền tài, nếu các vị không bảo họ mang đi, tại hạ bắt buộc phải đuổi khách.

Đoạt Phách Sứ Giả cười nhẹ:

- Nhất định công tử phải thu nhận! Chẳng những bốn mâm châu ngọc, mà cả bốn nàng đó nữa, công tử cũng nhận luôn!

Nhuế Vĩ biến sắc, hét:

- Các vị cho tại hạ thuộc hạng người nào?

Đoạt Phách Sứ Giả cười vuốt:

- Nếu công tử không nhận, thì bọn tại hạ sẽ bị tiểu thơ quở mắng. Vô luận làm sao, công tử cũng phải niệm tình bọn tại hạ.

Nhuế Vĩ cười lạnh:

- Nếu tại hạ cương quyết khước từ?

Câu Hồn Sứ Giả đáp:

- Đã cứu người, công tử phải tiếp nhận sự thù tạ của người. Không được khước từ!

Nhuế Vĩ cười lớn:

- Trong thiên hạ lại có việc cưỡng bách người ta thu lễ vật nữa sao? Cái đạo lý đó khó tiêu vô cùng! Hôm nay, tại hạ chờ xem các vị sẽ làm gì cho tại hạ phải thu nhận lẽ vật đó!

Đoạt Phách Sứ Giả quay sang bốn nữ nhân, bảo:

- Mang luôn vào nhà trong!

Bốn nàng nhích chân, toan bước.

Nhuế Vĩ hét:

- Đứng nguyên tại đó!

Bốn nàng áo trắng không dám cãi lịnh Đoạt Phách Sứ Giả, cứ bước tới.

Nhuế Vĩ phải tiến tới, ngăn chận.

Vừa lúc đó, Diệp Thanh bước ra, cười thốt:

- Nhuế công tử không thu nhận, thì thôi vậy!

Câu Hồn Sứ Giả bất mãn, nói:

- Y không thu nhận, là có ý xem thường chúng ta đó.

Diệp Thanh khoát tay về bọn nữ nhân:

- Các ngươi lui ra!

Bốn nàng nghiêng mình lãnh lịnh lui ra.

Câu Hồn Sứ Giả hỏi:

- Công tử không nhận tài vật thì bọn tại hạ phải thù tạ bằng cách nào đây?

Diệp Thanh cười, thốt:

- Đại ân, bất cầu báo, chúng ta cứ ghi nhớ là đủ.

Câu Hồn Sứ Giả hỏi:

- Hôm nay, mình trở về chứ, tiểu thơ? Chúng ta xuất ngoại hơn nửa năm rồi, hẳn là Đảo chúa trông ngóng ngày đêm.

Diệp Thanh gật đầu.

Câu Hồn Sứ Giả tiếp:

- Nếu thế, lão phu bảo bọn chúng chuẩn bị khởi hành.

Lão bước đi liền.

Nhuế Vĩ mấy hôm nay hết sức lấy làm lạ về thái độ của hai lão nhân, là bậc thúc bá của Diệp Thanh, thế mà tuân phục nàng như nô lệ tuân phục chủ nhân.

Diệp Thanh nhìn chàng, điểm một nụ cười, thốt:

- Đa tạ công tử tận tình tiếp đãi trong mấy hôm qua.

Nhuế Vĩ lắc đầu:

- Việc nhỏ mọn, không đáng cho tiểu thơ quan tâm, xin đừng nhắc đến nữa.

Diệp Thanh hỏi:

- Dược Vương Gia là sư phụ của công tử?

Nhuế Vĩ đáp:

- Lão nhân gia truyền y thuật cho tại hạ, song chưa nhận lễ bái sư!

Diệp Thanh trầm ngâm một lúc, rồi tiếp:

- Công tử không nhận lễ vật, thì tôi xin giúp công tử một việc.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Tiểu thơ định giúp chi?

Diệp Thanh đáp:

- Hôm đó, chúng ta có đề cập đến bịnh tình của lịnh muội. Công tử cho rằng tôi biết bịnh chứng của nàng. Giờ đây, tôi xin cho công tử rõ, bịnh đó rất ít người biết.

Nhuế Vĩ thốt:

- Ít người biết, nghĩa là cũng có người biết, chính tại hạ cũng biết tên, song không biết cách chữa trị. Bịnh đó, do một môn tà thuật gây nên, và môn tà thuật đó là "Ma Tâm Nhãn"!

Diệp Thanh thoáng giật mình.

Nhuế Vĩ tiếp:

- Tà thuật đó, chỉ có "Tam Nhãn Tú Sĩ" biết thi thố mà thôi!

Diệp Thanh hỏi:

- Người chữa trị phải chính là người thi thố. Thế công tử có hy vọng gặp Tam Nhãn Tú Sĩ để nhờ chữa trị cho lịnh muội chăng?

Nhuế Vĩ gật đầu:

- Tại hạ định sau khi tiểu thơ ly khai, tại hạ đi tìm ngay Tam Nhãn Tú Sĩ.

Diệp Thanh hỏi:

- Công tử có biết Tam Nhãn Tú Sĩ ở đâu chăng?

Nhuế Vĩ đáp:

- Hiện tại thì chưa biết, song tìm mãi thì cũng có một ngày biết được.

Diệp Thanh nói:

- Công tử khỏi phải dọ hỏi, Tam Nhãn Tú Sĩ ở tại Ma Quỷ đảo.

Nhuế Vĩ giật mình:

- Ma Quỷ đảo! Ở đâu?

Diệp Thanh thốt:

- Tôi chỉ ra, công tử không dễ gì tìm. Vậy để tôi đưa đi.

Đoạt Phách sứ giả kêu lên:

- Không được đâu, tiểu thơ! Tiểu thơ không thể đưa y đi...

Diệp Thanh chận lại:

- Nhị thúc! Không quan hệ gì đâu!

Đoạt Phách sứ giả thấy nàng có vẻ kiên trì, nên không nói nữa.

Nhuế Vĩ hỏi:

- Tiểu thơ giúp tại hạ, là chỉ hòn đảo đó cho tại hạ biết, phải vậy không?

Diệp Thanh gật đầu:

- Phải!

Rồi nàng nói tiếp:

- Nếu tôi không đưa công tử đi, thì dù công tử lê gót khắp chân trời góc biển, cũng không tìm được. Vả lại, dù công tử gặp được người, đã chắc gì người chịu chữa trị cho lịnh muội?

Nhuế Vĩ lộ vẻ không vui, thốt:

- Tiểu muội với Tam Nhãn Tú Sĩ vốn không cừu oán chi với nhau. Tam Nhãn Tú Sĩ lại nỡ xuống tay độc hại nàng ra thân thể đó, thì có lý do gì lại không giải nạn cho nàng? Nếu có hận thù với nhau, thì chẳng nói làm chi!

Diệp Thanh thở dài:

- Tôi chẳng hiểu tại sao gia phụ lại hành động như vậy! Nếu thật sự chẳng có cừu hận gì, thì tôi xin thay mặt gia phụ, chịu lỗi với công tử!

Nhuế Vĩ kinh hãi:

- Lịnh tôn là Tam Nhãn Tú Sĩ?

Diệp Thanh gật đầu:

- Tôi sẽ yêu cầu gia phụ chữa trị cho lịnh muội!

Nhuế Vĩ hỏi:

- Tiểu thơ biết cái thuật đó chăng?

Diệp Thanh lắc đầu:

- Trong thiên hạ, chỉ có mỗi một mình gia phụ biết thuật Ma Tâm Nhãn mà thôi. Nếu tôi biết, thì cần gì tôi phải bắt công tử vượt dặm dài đến Ma Quỷ đảo?

Lúc đó Câu Hồn Sứ Giả trở vào, nhìn Diệp Thanh nói:

- Xong rồi! Tiểu thơ có thể đi ngay bây giờ.

Nhuế Vĩ vội thốt:

- Xin chờ một chút. Tại hạ thu thập hành trang.

Diệp Thanh mỉm cười:

- Công tử đi luôn, theo bọn tôi?

Nhuế Vĩ buông gọn:

- Tại hạ xin nhận sự tiếp trợ này, và thay xá muội, đa tạ tiểu thơ trước.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-58)


<