Vay nóng Tima

Truyện:Danh môn - Hồi 094

Danh môn
Trọn bộ 340 hồi
Hồi 094: Bản sắc kiêu hùng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-340)

Siêu sale Lazada

Thôi Viên đã cáo từ ra về, ván cờ dang dở vẫn chưa được thu lại. Bùi Tuấn chắp tay sau lưng lặng lẽ nhìn bàn cờ. Bùi Minh Viễn khoanh tay đứng ở sau lưng. Hắn không dám quấy rầy sự suy nghĩ của phụ thân. Một lúc lâu sau Bùi Tuấn nhặt năm quân cờ trắng chiếm giữ vị trí chính giữa. Bây giờ Thái Nguyên vẫn nằm trong tay Trương gia, ba vạn quân Hà Đông vẫn chưa giải quyết xong. Bây giờ nói gì cũng hãy còn quá sớm.

Năm ngày trước Trương Phá Thiên đã rời khỏi Trường An lao về Hà Đông thế nhưng vì Đồng Quan đóng cửa nên đành bất đắc dĩ quay lại Trường An. Lúc này Thái Nguyên như cá nằm trên thớt. Bùi Tuấn khẽ cau mày: " Quân Hà Đông là quân thực sự tinh nhuệ, chẳng lẽ giao hết vào tay Thôi Viên sao?"

Bùi Tuấn liếc nhìn Bùi Minh Viễn, thấy ánh mắt không hiểu của hắn mình, ông ta cười nhạt nói: " Con thử nói xem, chúng ta nên đi nước cờ này thế nào?"

Bùi Minh Viễn gật đầu, hắn lấy tờ giấy đỏ, xé một góc sau đó vo viên lại rồi chậm rãi đặt xuống chỗ trống đó: " Quân cờ này không phải là trắng, là đen. Phụ thân đã một lòng muốn chức thượng thư bộ lễ vậy tốt nhất chúng ta không nên nhúng tay vào Thái Nguyên. Chúng ta sẽ không đi nước cờ này".

Mắt Bùi Tuấn thoáng loé lên một tia sáng rất khó hiểu. Ông ta cười nói: " Có lẽ đây cũng là một nước cờ hay, thế nhưng ta lại nghĩ ra một nước cờ khác". Trên quan đạo cách thành Thái Nguyên ước chừng ba mươi dặm đường, một đội Thiên Kỵ doanh đang vội vã từ phía nam chạy tới. Lộ trình vốn năm, sáu ngày đường nhưng vì để né tránh quân Sơn Đông của Thôi Viên nên quân Thiên Kỵ doanh đã đi đường vòng. Sau khi đi được mười ngày đường, đại đội nhân mã đóng quân cách Thái Nguyên một trăm dặm đường. Trương Hoán chỉ huy ba trăm thân binh đi tới chỗ hẹn với Lý Bí, trang viên Miêu gia.

Trong đội ngũ ba trăm kỵ binh khí thế dũng mãnh đó có một chiếc xe ngựa. Chiếc xe ngựa này hiển nhiên là giành Bùi tiểu thư nhưng giây phút này vị Bùi tiểu thư một lòng muốn đầu quân này không ở trong xe ngựa mà mặc quân phục, dáng người nhỏ nhắn của nàng cưỡi một chiến mã Đại Uyển vô cùng cao to, nhìn có vẻ vô cùng tương phản.

" Bùi tiểu thư, hay tiểu thư hãy quay về nhà. Đợi khi nào tại hạ chiếm được Hà Tây, tiểu thư hãy tới".

Suốt đường đi Trương Hoán giống như một hoà thượng đang trong lúc tụng kinh niệm phật, lặp đi lặp lại câu nói đó mà không hề nhàm chán.

Dù Bùi Oánh nghe câu nói đó đã sớm chai sạn lỗ tai thế nhưng nàng vẫn thấy không nhàm chán, nàng vẫn chỉ cười như thường lệ nói: " Ta không thích kết quả. Ta thích quá trình trải nghiệm của bản thân. Ta muốn tận mắt nhìn xem tướng quân làm thế nào mà chiếm lại Hà Tây. Nói không chừng sau này ta còn viết hai bài thơ quay về lưu truyền ở Trường An".

Từ lúc vượt sông Hoàng Hà, viên minh châu của Bùi gia này đã hoàn toàn trái ngược với vẻ ngượng ngùng, kín đáo trước đó, đột nhiên trở nên hiên ngang oai hùng, làm việc rất quyết đoán, không ướt át uỷ mị. Biểu hiện bề ngoài này chủ yếu ở hai vấn đề. Một là vấn đề quay về của nàng. Theo như đã ước hẹn, trước khi vượt Hoàng Hà, nàng và Trương Hoán sẽ chia tay ở quận Thiểm, quay về Trường An, không ngờ khi Trương Hoán nhắc tới vấn đề này, nàng liền phớt lạnh, không để ý tới Trương Hoán, cũng không giải thích lý do, khăng khăng cố chấp theo hắn lên phía bắc. Vấn đề còn lại là xưng hô với Trương Hoán. Sau khi vượt qua Hoàng Hà, nàng không còn gọi Trương Hoán là Trương tướng quân nữa, nàng tự mình cho phép gọi hắn là Khứ Bệnh huynh, dáng điệu như là lấy chồng theo chồng, gả cho chó thì theo chó.

Suốt đoạn đường đồng hành, Trương Hoán cũng dần dần hiểu rõ tính cách cứng cỏi của vị tiểu thư xinh đẹp này. Nàng tuy là nữ nhi của tả Tướng quốc nhưng có thể cưỡi ngựa cùng nam nhân hành quân đêm ngày. Gương mặt gầy sọm, hai mắt đỏ ngầu nhưng vẫn không oán thán một tiếng khổ sở. Lúc nào trên gương mặt nàng cũng xuất hiện nụ cười khiến cho các tướng sĩ Thiên Kỵ doanh có một cái nhìn mới mẻ đối với nàng. Một tiểu thư dáng người nhỏ nhắn xinh đẹp nhưng có ý chí vô cùng kiên cường.

Trương Hoán nín cười nói: " Nhưng mà tiểu thư đi theo ta như vậy, ta chỉ sợ ở Trường An người ta đồn đại làm xấu thanh danh của tiểu thư. Tương lai sau này có một đại anh hùng muốn kết hôn với tiểu thư. Hắn sẽ nghe ngóng. Ồ, thì ra Bùi tiểu thư này từng bỏ trốn với cái người Trương Hoán đó. Nữ tử này không được. Như vậy không phải là làm hại tiểu thư sao?"

Đôi mày liễu xinh đẹp của Bùi Oánh dựng ngược: " Sợ gì đồn đãi. Ta chỉ đầu quân đền nợ nước. Sợ gì lời đồn đãi. Chẳng lẽ trong lòng ngươi có ý đồ xấu sao?"

" Cũng có một chút".

" Huynh!" Bùi Oánh vung tay đấm mấy quyền vào lưng Trương Hoán. Đám thân binh phía sau cười vang. Chúng nhìn tướng quân của mình vẻ ngưỡng mộ.

Một khi đã đi xa ngàn dặm, Trương Hoán sẽ không có cách nào bắt nàng quay trở lại được nữa. Cũng may Bùi Oánh là người rất thông minh, nàng không làm cho hắn khó xử. Những khi Trương Hoán xử lý việc quân, trách cứ thuộc hạ làm việc không tốt, nàng liền biến mất. Nhưng khi Trương Hoán xử lý xong việc quân hay những khi hành quân trong đêm tối, Bùi Oánh lại lặng lẽ xuất hiện. Nàng dùng sự dịu dàng thuỳ mị vô cùng nữ tính của mình an ủi nam tử trẻ tuổi cô độc này.

Đi thêm được hai dặm, Bùi Oánh chỉ tay vào trang viện ở xa xa phía trước có tường cao vút hỏi: " Khứ Bệnh huynh, chỗ đó có phải là Miêu gia trang không?"

" Đúng!" Trương Hoán gật đầu. Mới có mấy tháng, bức tường vây xung quanh trang viện Miêu gia đã cao và dày hơn nhiều. Xung quanh đào hào rất sâu. Xem ra lần hỗn chiến ban đêm đó đã làm bọn họ sợ hãi.

Lúc này, cánh cổng chính trang viện đang mở. Mười mấy thớt ngựa vọt ra khỏi cổng chính. Bùi Oánh nhìn thấy thì cười nói: " Cưỡi ngựa chạy một ngày trời quả thực rất mệt. ta phải vào trong xe nghỉ một lát" Nói xong Bùi Oánh nhẹ nhàng nhảy xuống ngựa, trốn vào trong xe ngựa.

Mấy thớt ngựa nhanh chóng chạy tới gần. Người đi đầu tiên chính là Hàn Dũ, người Trương Hoán đã giao cho quản lý công văn giấy tờ. Gần một tháng trước hắn đã theo Lý Bí đi trước tới Thái Nguyên. Sáng sớm hôm nay khi thám báo của Trương Hoán tới thông báo, hắn đã đích thân tới Miêu gia trang chờ.

" Lý tiên sinh đâu? Chẳng lẽ vẫn chưa quay về sao?' Trương Hoán thấy không có Lý Bí ở sau tức thì trong lòng hắn cảm thấy bất an.

Lý Bí tới Hà Đông trước có hai nhiệm vụ. Một là thu thập tin tức tình báo. Hai là đi Lũng Hữu bàn bạc chuyện mượn đường. Nhất là nhiệm vụ thứ hai, có liên quan trực tiếp tới sự thành bại của chuyến đi này của Trương Hoán. Năm đó Lý Hệ lên ngôi ở Linh Vũ đã dựa rất nhiều vào sự ủng hộ của tập đoàn quan lại Lũng Hữu. Lý Bí đã từng làm phụ tá cao cấp của Lý Hệ nên Lý Bí có rất nhiều người quen cũ ở vùng Lũng Hữu.

" Lý tiên sinh đã đi Sóc Phương. Đáng nhẽ phải có tin báo về mấy ngày nay rồi" Hàn Dũ tiến tới gần Trương Hoán, hắn nói nhỏ: " Xin mời tướng quân theo thuộc hạ vào trang. Thuộc hạ có chuyện quan trọng cần bẩm báo".

Trương Hoán gật đầu, hắn vung ta ra sau nói: " Mọi người hãy vào gia trang nghỉ tạm".

Vì đã hành quân mười ngày liên tục nên đám binh lính sớm đã vô cùng mệt mỏi. Khi nghe xong lệnh, tất cả đều giục ngựa chạy nhanh về hướng trang viện.

Ngay khi vào trong trang viện, Trương Hoán không kịp nghỉ ngơi, lập tức hắn triệu tập Hàn Dũ tới. Bây giờ tình hình nguy cấp. Hắn chỉ còn cách nhân dịp hai nhà Thôi, Bùi chậm ra tay với Thái Nguyên, mà tranh thủ giành lấy lợi ích cho chính mình.

" Trước tiên ta hỏi người. Gần đây Trương gia có dấu hiệu di chuyển tiền, tài sản ra ngoài không?" Đây chính là vấn đề Trương Hoán quan tâm nhất. Hắn biết trong hầm ngầm ở trướng phòng Trương gia có vàng bạc cùng châu báu trọ giá trăm vạn quan tiền. Để lại thì quá lợi cho Thôi, Bùi gia, không bằng chính mình đi lấy để làm nền tảng.

" Không có! Bọn thuộc hạ giám sát rất chặt chẽ Trương gia. Trương gia không chuyển tiền bạc hay tài sản từ hầm ngầm ra ngoài. Chỉ có người của Trương gia tan đàn xẻ nghé, bỏ trốn khắp nơi.

Trương Hoán gật đầu: " Vậy ngươi nói đi. Ngươi có chuyện gì quan trọng muốn bẩm báo ta?"

Hàn Dũ thoáng chấn động, hắn lập tức nói nhỏ: " Trưởng tử của Trương Phá Thiên đã tới Thái Nguyên đêm qua. Tướng quân không ngờ phải không?"

" Không ngờ?" Trương Hoán hừ một tiếng, hắn cười nhạt nói: " Ta sao có thể không nghĩ tới việc Bùi Tuấn nhất định sẽ không để Trương Phá Thiên quay về Hà Đông nhưng Trương Phá Thiên đó có thể ngồi yên chờ chết sao? Với tính tình của ông ta, ông ta nhất định sẽ không giao quân Hà Đông cho Trương Xán. Tất nhiên ông ta sẽ cho con mình tới quân Hà Đông".

Trương Hoán chắp tay sau lưng bước đi hai bước, hắn ngẩng đầu lẩm bẩm: " Ta tuyệt đối không tin hai người Thôi, Bùi không có chuẩn bị gì cho chuyện này". Ngưng lại một lát rồi Trương Hoán hỏi tiếp: " Người tới đây là Trương Vân hay Trương Nghị? Bây giờ hắn đang ở đâu?"

" Bẩm tướng quân, người tới là Trương Nghị. Ngay khi hắn tới đêm hôm qua đã đi thẳng tới Trương phủ. Khi thuộc hạ tới đây, hắn vẫn còn chưa đi ra".

" Đi tới Trương Phủ?" Trương Hoán sửng sốt. Tại sao Trương Nghị không tới quân doanh? Nhưng ngay lập tức suy nghĩ trong đầu Trương Hoán thay đổi. Trương Nghị tới Trương phủ lấy binh phù. Sau khi Trương Phá Thiên được nhường chức Thượng thư bộ Lễ vì để tỏ thành ý với Trương Nhược Hạo, ông ta đã chia binh phù điều động quân Hà Đông ra làm ba. Ông ta giữ một phần, một phần để ở Trương phủ, một phần để ở quân doanh. Trừ khi đích thân Trương Phá Thiên tới, muốn điều động quân đội, ba phần binh phù phải ăn khớp với nhau.

Nghĩ vậy Trương Hoán quyết định rất nhanh.

Trương Hoán lập tức ra lệnh: " Hãy thông báo các huynh đệ lập tức lên ngựa, theo ta xuất binh".

Ba trăm kỵ binh nhằm hướng Đông binh doanh ở ngoại ô phía đông Thái Nguyên là đi như chớp giật. Chiến mã lao nhanh qua những cán đồng trơ trụi, băng qua những khe nước nông, nước bùn bắn tung toé, đục ngầu. Trong nháy mắt đã tiến gần tới rừng cây màu vàng ở xa xa. Chỉ trong chốc lát bóng dáng của ba trăm kỵ binh đã biến mất trong khu rừng tùng âm u.

Trương Phá Thiên có năm con trai. Trong đó trưởng tử Trương Vân và thứ tử Trương Nghị là do chính thê sinh ra. Có lẽ do nguyên nhân là Trương Phá Thiên xuất thân từ quân nhân nên ông ta hy vọng con mình có thể bỏ võ theo văn, thi đỗ tiến sĩ. Trưởng tử Trương Vân ngay từ nhỏ đã được Trương Phá Thiên kỳ vọng rất nhiều. Ông ta đã mời danh sư tới dậy Trương Vân. Trương Vân cũng không phụ sự kỳ vọng của phụ thân mình. Vào năm Khánh Trị thứ mười, hắn đã thi đỗ tiến sĩ sau đó hắn được cử tới địa phương làm quan. Bây giờ hắn đã làm tới chức quận tư mã.

Thứ tử Trương Nghị chưa tới ba mươi tuổi. Trời sinh không thích đọc sách. Ngay từ nhỏ Trương Nghị chỉ thích đao kiếm, khi lớn lên cũng mạnh mẽ như Hạng Vũ. Trương Phá Thiên liền cho rằng đây chính là an bài của ông trời. Ông ta đã mời tới nhà những võ sư nổi tiếng dạy võ nghệ cho Trương Nghị để sau này hắn có thể kế thừa sự nghiệp của ông ta. Trương Nghị được danh sư chỉ dạy đã luyện tập được bản lĩnh võ nghệ cao cường.

Lần này Hà Đông đại loạn, Trương Phá Thiên hiểu rằng cơ nghiệp của Trương gia đã hết nhưng ông ta lại không thể ra khỏi Đồng Quan. Trong tình thế cấp bách, Trương Phá Thiên đã phái thứ tử Trương Nghị khẩn cấp đi về Thái Nguyên với ý đồ nắm lấy quân đội, bảo tồn thực lực của mình.

Đúng như Trương Hoán đã nghĩ. Vì Trương Phá Thiên không đích thân tới nên Trương Nghị phải lấy được binh phù ở Trương phủ thì mới có quyền điều động quân đội nhưng có một điều Trương Hoán không ngờ tới, Trương Nghị ngoài việc muốn lấy phần binh phù đó, hắn còn muốn lấy của Trương gia năm mươi vạn quan tiền và trăm vạn thạch lương thực, chuyển tài sản sang cho quân Hà Đông. Âm thanh cãi nhau từ sáng sớm đã vang lên trong đại sảnh của gia chủ Trương gia từ sáng sớm.

" Ngươi đã muốn lên phía bắc chống lại quân đội Hà Bắc thì ta sẽ cung cấp tiền lương cho ngươi, sẽ liên tục cung cấp cho quân đội nhưng ngươi lại muốn một số lượng tiền lương lớn khiến ta không thể tin là ngươi sẽ đi phía bắc tác chiến".

Giọng nói nghiêm khắc đó chính là của Trương Xán, gia chủ mới chậm chức của Trương gia. Hắn làm người thừa kế gia chủ chưa được hai tháng đã chính thức trở thành gia chủ. Cho dù là sự từng trải hay uy danh đều không đủ làm mọi người thuần phục. Vấn đề quan trọng hơn là tuổi của hắn còn rất trẻ, lại không có kinh nghiệm làm quan. Trước tiên là mấy lão già Tông Nhân đường đã không coi hắn ra gì. Tất cả mọi chuyện đều vượt quyền, tự tiện xử lý. Tiếp đó chính là nhóm người vẫn ủng hộ Trương Nhược Cẩm. Sau khi Trương Nhược Hạo chết, nhóm người này lại bắt đầu ngóc đầu dậy. Bọn chúng nắm được một sai lầm của Trương Xán đã đi rêu rao khiến của uy tín gia chủ của Trương Xán giảm sút nghiêm trọng.

Trên thực tế ngoại trừ tiền tài vẫn còn nằm trong sự quản lý của Trương Xán, Trương gia đã bị chia rẽ. Ai nấy đều có tính toán riêng của mình, đều muốn đạt được lợi ích cá nhân lớn nhất cho mình.

Giống như 'Căn phòng dột bị mưa suốt đêm', Trương Xán bị cuộc đấu tranh tranh giành trong gia tộc hành hạ tới mức thân thể suy kiệt, tiều tuỵ. Khi tin tức Hoàng thượng băng hà truyền tới, lập tức hai nhà Thôi, Bùi tấn công Hà Đông. Người của Trương gia làm quan ở các nơi đều bỏ trốn về Thái Nguyên. Tình thế vô cùng nguy cấp. Trương Xán đã ba lần tới quân doanh cầu cứu nhưng lại bị Lô Thiên Lý và Dương Liệt lấy lý do không có binh phù nên lạnh lùng từ chối.

Khi biết Trương Xán không điều được quân. Tất cả các trưởng bối của Trương gia đều chĩa mùi dùi vào hắn, lên án mạnh mẽ hắn là bất tài vô dụng. Trương Xán cũng rất chán nản, hắn muốn buông xuôi tất cả nhưng người của Trương gia không vì thế mà buông tha cho hắn. Bọn họ suốt ngày bức bách hắn phân chia tài sản, đòi khế đất. Khi tin tức quân của Thôi, Bùi liên tiếp công thành truyền về, có nhiều người của Trương gia không chịu được nữa đã thu thập tư trang cá nhân, dẫn theo người nhà bỏ trốn.

Ngay khi Trương gia vô cùng hỗn loạn. Trương Xán cực kỳ mong đợi Trương Phá Thiên. cuối cùng thì Trương Phá Thiên cũng phái người tới. Ông ta đã viết một phong thư. Trong thư Trương Phá Thiên thề rằng sẽ tồn vong cùng với Hà Đông. Vì đã tới bước đường cùng nên Trương Xán không chút do dự giao ngay phần binh phù cho Trương Nghị. nhưng khi Trương Nghị có được phần binh phù rồi thì hắn như phát bệnh yêu cầu một lượng tiền lương rất lớn khiến cho Trương Xán nghi ngờ.

Cho dù Trương Xán có nghi ngờ, Trương Nghị cũng chẳng thèm đoái hoài tới. Binh phù đã vào tay hắn. Nếu Trương Xán đã không chịu thì phải nhẫn tâm. Trương Xán vừa nói xong thì " binh!" Trương Nghị vung tay tát gia chủ ngã xuống đất. Trương Nghị bước tới giẫm lên lưng Trương Xán. Tay hắn nắm tóc Trương Xán, hung tợn nói: " Lão tử nói thẳng cho ngươi biết. Quân đội ta cũng mang đi. Tiền lương của Trương gia ta cũng mang đi. Bây giờ ngươi không giao ra, buổi tối lão tử sẽ dẫn quân đội tới đoạt lấy, cướp cả nữ nhân của ngươi. Ngươi có tin không?"

Máu tươi từ khoé miệng Trương Xán chậm rãi chảy ra. Khi bị kẻ ác uy hiếp lại khiến hắn con người vốn nhu nhược nảy sinh dũng khí. Trương Xán ngang ngạnh nói: " Có bản lãnh thì ngươi cứ giết ta đi. Nếu không thì ngay cả một văn tiền, một hạt gạo ngươi cũng không chiếm được".

" Ngươi cho rằng ta không dám giết ngươi sao?" Mắt Trương Nghị hiện lên sự tàn độc. Hắn rút đoản đao ra định cắt đứt yết hầu Trương Xán nhưng hắn do dự một lát rồi nắm tóc Trương Xán kéo nhanh ra ngoài." Người đâu! Mang hắn đi cho ta. Lão tử muốn xem đêm nay hắn có cấp ra hay không?'

Mấy tên tuỳ tùng của Trương Nghị nhét Trương Xán vào trong một cái túi, vắt lên ngang lưng ngựa. Hơn mười người cưỡi chiến mã phi như gió lốc ra vùng ngoại thành phía đông. Ngay khi chúng vừa mới đi qua cầu của Trương phủ, từ trong ngõ nhỏ đối diện với Trương phủ có ba chú chim bồ câu bay lên. Tiếp đó ở cách đó hai dặm cũng có ba chu chim bồ câu bay lên. Tin tức nhanh chóng được truyền đi xa.

Ngay lúc đó cách cửa đông thành Thái Nguyên năm dặm là một khu rừng tùng. Trong khu rừng tùng có một dãy đồi thấp kéo dài mấy dặm.

Nơi này nguyên là một quan ải ở Thái Nguyên. Trong loạn An Sử, quan ải này đã bị Sử Tử Minh san bằng. Dần dần nơi này biến thành khu đồi thấp. Đường quan đạo chạy xuyên qua khu đồi thấp này.

Ngay lúc đó ở trong khu rừng tùng hai bên khu đồi thấp, hai trăm binh lính Thiên Kỵ doanh đã dàn trận địa sẵn sàng đón đánh. Lúc trước cách đây hai dặm, mấy chú chim bồ câu đã bay lên. Điều này cũng có nghĩa là mục tiêu đang đi tới nơi này.

Trên đường quan đạo vô cùng yên tĩnh. Thỉnh thoảng có xe ngựa chạy qua hay là có những người bán hàng rong gõ trống dừng chân ở khu đồi rồi lại chậm rãi như rùa bò đi xuống đồi.

Sau khoảng thời gian ước chừng uống một chung trè, từ xa xa đã mơ hồ vang lên tiếng võ ngựa. Trương Hoán khẽ vung tay, binh lính tất cả đều giương cung lắp tên, hơn mười dây cản ngựa chôn dưới đất cũng đã sẵn sàng. Tiếng võ ngựa ngày càng tới gần, đã tiến tới dưới khu đồi. từ khe hở trong rừng Trương Hoán đã nhìn thấy bóng người. Tất cả chúng đều mặc hắc y, ước chừng có hơn bốn mươi tên. Trương Hoán chậm rãi lấy ra một mũi tên, đầu mũi tên hình thoi, vô cùng sắc bén, loé lên ánh sáng trong ánh sáng mờ mờ của rừng cây.

Trương Hoán lắp tên vào cung. Cùng với bóng dáng của tên hắc y ngày càng tới gần, dây cung của Trương Hoán cũng kéo căng ra. Đầu mũi tên nhắm ngay vào đầu Trương Nghị.

Tiếng vó ngựa vang lên ầm ầm, chúng nối đuôi nhau xông lên đồi. Ngay trong khoảnh khắc chúng chuẩn bị xuống đồi, bụi đất bay mù mịt. Mười mấy dây gạt ngựa đồng loạt hất tung lên. Tiếng ngựa kêu thảm thiết. bảy, tám chiến mã phía trước đều bị gạt chân ngã, thậm chí có con ngựa còn bị hất lộn vòng lên trước lăn xuống đồi. Trương Nghị cũng bị hất ngã xuống đất. Không đợi Trương Nghị bò dậy, Trương Hoán kéo căng dây cung rồi buông tay ra. Một mũi tên sắc bén lao nhanh tới chỗ Trương Nghị, cắm phập vào giữa lưng Trương Nghị. Trương Nghị gào lên đau đớn rồi hắn ngã xuống một cái khe bên đường.

Cùng lúc đó một cơn mưa tên từ trong rừng tùng bay ra. Tên bay mạnh mẽ mà chính xác. Mấy chục tên hắc y trên quan đạo trúng tên, người ngã ngựa đổ. Tiếng kêu gào thảm thiết, rên la vang lên bốn phía. Chỉ trong chốc lát, chỉ trừ mấy con ngựa không người cưỡi chạy xuống đồi, còn lại trên quan đạo không còn người nào, ngựa nào có thể đứng thẳng được. Đột nhiên ngay lúc đó Trương Nghị bị trúng tên sau lưng bò ra từ cái khe. Hắn ấn tay vào một cái túi trên mặt đất, rút đoản đao chích mũi vào cái túi gào lên: " Trương Hoán, các ngươi không muốn mạng sống của gia chủ các ngươi sao?"

Trương Nghị đã đoán ra. Rất có thể là do Trương Hoán, người đã ra khỏi Đồng Quan trước hắn làm. Khi nghe thấy hai tiếng gia chủ, tất cả binh lính đều ngừng bắn tên. Lúc này Trương Nghị có cảm giác binh lính đã ngừng bắn tên, trong lòng hắn vui mừng như điên cuồng, hắn lại tiếp tục gào lên: " Trương Hoán, ta giao binh phù và quân lệnh cho ngươi. Ngươi hãy để lại mạng sống cho ta. Nếu không ta và Trương Xán đồng quy ư tận".

*****

Nhưng Trương Hoán lại cười lạnh lùng. Hắn lại lắp tên, giương cung. Mũi tên sắc bén nhằm ngay chính mặt Trương Nghị. Trương Hoán buông tay, mũi tên nhanh chóng bay tới. Trương Nghị thấy một mũi tên nhắm đầu mình bay tới, chỉ trong nháy mắt đã thấy bay tới trước mặt. Lúc này toàn bộ sức lực của Trương Nghị đều đặt trên tay phải, theo bản năng Trương Nghị số sức nghiêng người sang bên trái nhưng hắn không ngờ mũi tên lại vẫn cắm vào miệng hắn, xuyên qua gáy. Hai mắt Trương Nghị trợn trừng, hắn không tin nhìn phía trước rồi từ từ ngã ngửa xuống đất.

Binh lính từ hai bên lao nhanh ra, chúng nhanh chóng thu thập chiến trường. Mấy tên lính bước tới, dùng đao mở chiếc túi, kéo Trương Xán ra ngoài, đưa vào trong rừng tùng. Trên người Trương Xán cũng trúng hai mũi tên nhưng không vào chỗ hiểm.

Trương Xán nằm trên mặt đất, hắn thở hổn hên, cười gượng nói với Trương Hoán: " Ta nghĩ ngươi muốn nhân cơ hội này giết ta".

Trương Hoán ngồi xổm, cầm tay Trương Xán cười nói: " Ngươi tốt xấu gì cũng là người được đẩy lên chức gia chủ. Ta sao có thể giết ngươi?"

" Vậy ngươi quay về cứu Trương gia sao?"

Trương Hoán lắc đầu, hắn thản nhiên nói: " Trương gia không giữ được nữa. Ngươi hãy theo ta đi Hà Tây. Một ngày nào đó ta sẽ để người quay về Hà Đông, xây dựng lai Trương gia của chúng ta".

Vào buổi tối muộn, một đội quân khoảng hai trăm người chạy tới đông binh doanh. Quân Hà Đông, ngoại trừ một số binh lực nhỏ lẻ trú đóng bên ngoài, quân chủ lực có hai vạn bốn ngàn người đóng ở đại doanh. Đông binh doanh đóng cách đông thành Thái Nguyên mười dặm, một vạn năm nghìn quân do phó Tiết độ sứ Hà Đông là Dương Liệt chỉ huy. Dương Liệt cũng chính là chỉ huy trực tiếp của Trương Hoán trước kia. Một đội quân khác đóng ở bắc binh doanh có ước chừng hơn sáu ngàn quân do Quân binh mã Đại Đồng là Lô Thiên Lý chỉ huy. Theo chức vụ Lô Thiên Lý là cấp dưới của Dương Liệt. Thế nhưng trên thực tế hai đơn vị quân đội này đều độc lập với nhau. Dương Liệt không chỉ huy được Lô Thiên Lý.

Những ngày này, tình thế Hà Đông nguy hiểm nhưng hai đơn vị quân đội này vẫn vững như Thái Sơn, hoàn toàn không bị tác động của cục diện. Trương gia nhiều lần tới cầu cứu nhưng bọn họ bỏ mặc không thèm đếm xỉa. Không có binh phù thì theo lý mà nói không một ai có thể điều động hai đơn vị quân đội này.

Sau khi Dương Liệt được bẩm báo, ông ta đi nhanh ra cửa quân doanh, cười từ xa nói: " Hiền chất, đã lâu không gặp".

Dương Liệt năm nay ước chừng năm mươi tuổi, mắt báo, trán hổ, làm việc quyết đoán nhanh nhẹn. Người cũng như tên, cả người Dương Liệt giống như một ngọn lửa đang hừng hực thiêu đốt. Trương Hoán bước tới mấy bước, hắn quỳ xuống, chắp tay nói: " Mạt tướng tham kiến Đại tướng quân'.

" Miễn lễ! Miễn lễ!" Dương Liệt vội vàng đỡ Trương Hoán đứng dậy: " Ngươi không còn là thuộc hạ của ta. Ngươi không cần khách khí như vậy". Nói xong Dương Liệt vung nắm tay đấm vào vai Trương Hoán: " Ngươi, tiểu tử này, rất có tiền đồ".

Trương Hoán cười nói: " Lần trước ta phái người đưa ba nghìn chiến mã tới, Đại tướng quân đã nhận được chưa?"

" Nhận được rồi. Không ngờ ngươi còn nhớ tới ta" Dương Liệt cảm kích vỗ vỗ vai Trương Hoán rồi ông ta quay đầu nhìn sau, kinh ngạc hỏi: " Sao vậy? Ba nghìn người không mang tới đây sao?"

Trương Hoán khẽ thở dài nói: " Lúc này Trường An rối ren, quân đội phải lưu lại bản vệ Đại soái".

Nói tới đâu Trương Hoán lấy từ trong người ra một lệnh tiễn màu vàng, giơ cao trước mặt Dương Liệt, nói to: " Dương tướng quân nghe lệnh".

Dương Liệt ngẩn người rồi ông ta lập tức quỳ xuống nói: " Mạt tướng Dương Liệt nghe theo quân lệnh của Đại soái".

" Truyền khẩu lệnh của Đại soái, quân Hà Đông lập tức nghe theo sự chỉ huy của Trung lang tướng Trương Hoán. Ai trái lệnh, chém!".

" Mạt tướng tuân lệnh!".

Trong mắt Dương Liệt hiện lên vẻ phức tạp nhưng rồi ngay lập tức biến mất. Ông ta đứng dậy hỏi: " Không biết Trương tướng quân có mang binh phù không?"

" Binh phù trên người ta".

Dương Liệt gật đầu và nói với Trương Hoán: " Xin Trương tướng quân hãy chờ một chút, ta phái người đi thông báo cho Lô tướng quân lại đây".

Sau nửa canh giờ, năm trăm kỵ binh hộ tống Lô Thiên Lý chạy tới như cuồng phong. Lô Thiên Lý có nước da ngăm đen, dáng người thon gày, thân hình khô rắn chắc. Từ việc giày ủng sạch sẽ, dải dây buộc nón trụ dài ngắn là biết người này làm việc rất cẩn thận.

Lô Thiên Lý vừa bước vào trướng đã hỏi ngay: " Trương công tử ở nơi nào?" Thế nhưng khi nhìn thấy Trương Hoán, Lô Thiên Lý không khỏi sửng sốt rồi hắn nhìn Dương Liệt vẻ kinh ngạc.

Trương Hoán cũng thoáng ngẩn người. Tại sao Lô Thiên Lý lại gọi hắn là Trương công tử? Rồi ngay trong nháy mắt hắn đột nhiên nhìn thấy ánh mắt của Dương Liệt nhìn Lô Thiên Lý, Lô Thiên Lý lập tức không nói nữa. Trương Hoán thầm cười nhạt trong lòng. Cây trong núi không đứng thẳng, trên đời không có người ngay thẳng. Xem ra chuyện hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Trương Hoán không nói nhiều, hắn rút từ trong người ra hai miếng binh phù. Binh phù đầy đủ là là hình hổ hạ sơn. Binh phù chia làm ba, đúc bằng vàng. Bên trên mặt binh phù có khắc bốn chữ: " Hà Đông tiết độ" Trương Hoán đang cầm trong tay đầu hổ và thân hổ. Quân doanh đang cầm đuôi hổ.

Một lát sau phán quan trong quân mang binh phù tới, hắn cẩn thận cầm mấy miếng binh phù lắp lại với nhau." cạch" một tiếng, ba miếng binh phù khít lại với nhau thành hình một con hổ xuống núi, giương nanh múa vuốt, trông rất sống động. Trương Hoán cầm lệnh tiến giao cho Dương Liệt, cười nói: " Dương tướng quân có thể tin lệnh tiễn này không?"

Dương Liệt lùi lại sau từng bước một. Ông ta liếc nhìn Lô Thiên Lý, thấy Lô Thiên Lý chần chừ nói: " Chúng ta nhận được tin bồ câu đưa thư của Đại soái xác nhận nhị công tử tới đây tiếp nhận binh quyền. Tại sao bây giờ lại là Thập bát lang?"

Quả nhiên đây chính là điều Dương Liệt lúc nãy không nói bây giờ để cho Lô Thiên Lý ra mặt gây khó dễ. Lão hồ ly này quả thật rất giảo hoạt, lão muốn làm gì đây?" Trương Hoán sa sầm mặt, hắn nói to với hai người: " Theo quân quy Hà Đông khi Đại soái không có mặt ở đây lấy binh phù và lệnh tiễn làm chuẩn mực. Ta chỉ hỏi các ngươi, lệnh tiễn và binh phù này có phải là thật không?"

" Đó chỉ là lúc bình thường. Bây giờ là lúc cực kỳ bất thường. Hơn nữa lại không giống với tin của Đại soái báo tới nên chúng ta đương nhiên phải làm việc thận trọng".

Lô Thiên Lý không khoan nhượng chút nào, hắn nhìn chằm chằm vào Trương Hoán, lạnh lùng nói: " Sự việc trọng đại, xin mời công tử chờ trong hai ngày. Chúng ta sẽ gửi bồ câu đưa thư cho Đại soái xin chỉ thị".

" Thế Thôi Viên có chờ ngươi không? Bùi Tuấn có chờ ngươi không? Chỉ trong vòng một, hai ngày quân Sơn Đông và quân Hà Bắc sẽ đánh tới Thái Nguyên. Ngươi có thời gian để chờ không?"

Dương Liệt thấy không ai nhường nhịn ai, ông ta liền đứng ra giản hoà: " Không bằng như này, chúng ta hãy đợi một ngày nữa. Nếu như nhị công tử không tới, chúng ta sẽ tuân theo binh phù điều lệnh. Như vậy cũng công bằng cho Đại soái. Nhị vị thấy có được không?"

" Được" Trương Hoán trả lời." Vậy còn ngươi?" Dương Liệt liếc nhìn Lô Thiên Lý hỏi.

Lô Thiên Lý hừ một tiếng nặng nề nói: " Đương nhiên như vậy cũng được" Nói xong hắn quay người đi ra khỏi soái trướng.

Dương Liệt nhìn chằm chằm vào bóng lưng Lô Thiên Lý, ánh mắt ông ta vô cùng lạnh lùng sau đó Dương Liệt quay đầu cười nói với Trương Hoán: " Trương tưóng quân, ngươi có biết vì sao mới rồi ta không nói việc Đại soái gửi tin bồ câu không?"

" Ta cũng đang muốn hỏi Đại tướng quân vì sao lúc nãy không nói?" Trương Hoán cười nhạt nhìn vẻ mặt chính nghĩa của Đại tướng quân này. Không biết ông ta sẽ giải thích thế nào đây?

" Ồi!" Dương Liệt thở dài một tiếng rất nặng nề, ông ta nói vẻ đau lòng: " Ta đã sớm mật báo rồi. Một tháng trước Thôi Viên đã nhiều lần phái người tới tiếp xúc với Lô Thiên Lý. Vấn đề là ta không có chứng cứ nên mới thử dò xét hắn. Ngươi cũng đã thấy biểu hiện mới rồi của hắn. Nói thẳng ra là hắn không muốn giao quân quyền cho tướng quân. Hắn muốn dùng tin bồ câu làm cớ trì hoãn thời gian. Bây giờ ta dám khẳng định người này nhất định đã bị Thôi Viên mua chuộc".

" Vậy vì sao hắn không xuôi nam đầu quân cho Thôi Viên?" Trương Hoán nghi ngờ hỏi.

" Ngay cả điều này ngươi cũng phải hỏi ta chăng?" Dương Liệt bất mãn nhìn Trương Hoán, hình như ông ta trách cứ hắn không chịu suy nghĩ sâu xa: " Rất đơn giản. Sở dĩ Lô Thiên Lý không chịu xuôi nam là bởi vì hắn gánh vác trách nhiệm của Sơn Đông cướp lấy Thái Nguyên. Nếu không vì kiêng kỵ ta, hắn đã sớm công khai chiếm thành Thái Nguyên rồi"." Thì ra là như vậy. Thảo nào khi ta nhắc tới việc giao quân quyền hắn lại căng thẳng như vậy" Trương Hoán cười lạnh lùng nói: " Nếu chỉ có thời gian một ngày, nhất định tối nay hắn sẽ ra tay".

" Đúng vậy. Nhất định đêm nay hắn sẽ cướp Thái Nguyên. Thế nhưng lão phu đã biết, há có thể để cho hắn làm điều đó sao?"

Ánh mắt Dương Liệt rực lửa nhìn Trương Hoán nói: " Thế nào? Trương tướng quân có chịu phối hợp với ta đêm nay, nhổ cỏ tận gốc không?"

Nói tới đây Dương Liệt liếc nhìn binh phù, chờ Trương Hoán bày tỏ thái độ." Đương nhiên".

Trương Hoán cầm binh phù và lệnh tiễn giao cho Dương Liệt, hắn thành khẩn nói: " Trương Hoán không thể gánh nổi trách nhiệm này. Trước đây ta là nha tướng của Đại tướng quân. Bây giờ ta vẫn muốn là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy của Đại tướng quân".

Dương Liệt cười ha hả, ông ta vỗ vỗ vai Trương Hoán, thân mật nói: " Thật sự ta không nhìn lầm người. Nào, chúng ta hãy thương lượng một chút".

Trời tối, một đội kỵ binh phóng như bay trong bóng đêm về hướng nam. Sau nửa canh giờ đội kỵ binh tới trang viên Miêu gia. Lúc này ba nghìn quân của Trương Hoán đã lén lút vào trong Miêu gia khiến cho gia trang vốn rộng lớn cũng trở nên chật chội.

Trương Hoán bước vào điền trang, Hàn Dũ nghênh đón nói: " Tướng quân về rất đúng lúc. Lý tiên sinh đã quay lại, còn dẫn theo đặc sứ của Vi Ngạc".

" Ta biết rồi. Trước tiên hãy bảo Lý tiên sinh tới gặp ta".

Trương Hoán quay lại phòng mình, hắn viết một lá thư, giao cho một tên thân binh và nói: " Ngươi hãy cấp tốc chạy tới bắc binh doanh, giao trực tiếp thư này cho Lô Thiên Lý'.

Tên thân binh nhận thư, hắn lập tức lên ngựa phóng đi. Lúc này Lý Bí vội vàng đi tới. Ông ta vừa vào cửa đã nói ngay: " Sợ rằng chuyện không ổn".

" Đừng nóng vội. Ngồi xuống chậm rãi nói".

Trương Hoán rót cho Lý Bí một chén nước. Lý Bí cầm chén nước uống một ngụm rồi thở dài nói: " Ta đã gặp Vi Ngạc, ông ta rất nhiệt tình mời tướng quân vào Lũng Hữu. Ông ta còn phái sứ giả tới bàn bạc điều kiện với tướng quân".

Trương Hoán cười nhạt. Khi hắn rời khỏi Trường An, Vi Ngạc cũng ở Trường An. Khi hắn chạy tới Thái Nguyên, ông ta liền phái đặc sứ từ Lũng Hữu tới. Quả nhiên là cực kỳ " sốt sắng".

" Điều kiện của ông ta là gì?" Trương Hoán vẫn bình tĩnh hỏi.

" Ông ta ... có hai điều kiện. Nếu như tướng quân đồng ý ở lại Lũng Hữu phụ thuộc vào ông ta, ông ta sẽ xuất tiền lương và Ninh Quận cho tướng quân trú quân. Nếu như tướng quân muốn đi tới Hà Tây, ông ta phải nhận được hai mươi vạn quan tiền và mười vạn thạch lương làm lộ phí".

Trương Hoán trầm ngâm một lát rồi đột nhiên hắn hỏi: " Vậy tình hình Hà Tây như thế nào?"

Lý Bí cười gượng nói: " Đây cũng chính là nguyên nhân ta nói tình hình không ổn. Ngươi có biết bây giờ ai cai quản Hà Tây không?"

" Không phải là Tân Vân Kinh sao?" Trương Hoán thoáng kinh ngạc. Lang Ninh nói như vậy thì nhất định Hà Tây đã xảy ra biến cố.

" Trên danh nghĩa Hà Tây tiết độ sứ vẫn là Tân Vân Kinh" Lý Bí khẽ lắc đầu nói: " Một tháng trước Tân Vân Kinh đã quay về quận Kim Thành dưỡng bệnh. Một vạn quân Hà Tây đã nằm trong tay phó sứ Lộ Tự Cung".

Sau loạn An Sử, Hà Tây bị người Hồi Hột chiếm hơn một nửa, chỉ còn lại vùng đất Hội Quận ở đông Hoàng Hà và quận Vũ Uy ở tây Hoàng Hà. Bởi vì Đại tướng Cố Hoài Ân đã phòng thủ vững chắc thành Vũ Uy nên quân Thổ Phiên không thể đánh chiếm thành. Sau này Phó Cố Hoài Ân được triều đình phong làm Hà Tây tiết độ sứ. Sau đó Cố Hoài Ân phản lại Đại Đường. Triều đình điều Thái Nguyên doãn Tân Vân Kinh làm Hà Tây tiết độ sứ. Dưới sự cố gắng của Tân Vân Kinh, cuối cùng cũng dần dần đoạt được quận Vũ Uy và vùng đất phía đông. Quận Vũ Uy cuối cùng cũng quay về lãnh thổ Đại Đường. Một vạn quân đội của ông ta chính là đội quân Hà Tây duy nhất không chịu sự khống chế của Vi gia.

Thế nhưng Vi gia vẫn chậm rãi vươn bàn tay mình về Hà Tây. Bởi vì mấy năm nay Hà Tây thiên tai liên miên, Tân Vân Kinh gặp nhiều khó khăn trong cung cấp lương thảo, chỉ còn cách dựa vào Lũng Hữu. Từ năm Khánh Trì thứ mười ba, Tân Vân Kinh và Vi Ngạc có thoả thuận, chức vụ Hà Tây phó tiết độ sứ do Vi Ngạc bổ nhiệm.

Trương Hoán chắp tay đi lại trong phòng. Tân Vân Kinh đã từng là Thái Nguyên doãn, có quan hệ rất tốt với Trương gia. Hắn vốn định tới đầu quân cho Tân Vân Kinh rồi chậm rãi phát triển thế lực về phía tây. Thế nhưng bây giờ Hà Tây cũng rơi vào tay Vi Ngạc. Quả thực rất phiền toái.

Lúc này Hàn Dũ ở bên cạnh không nhịn được nói chen vào: " Không bằng trước tiên tướng quân hãy đồng ý với điều kiện thứ hai của Vi Ngạc rồi đi tới Hà Tây đã".

Trương Hoán lắc đầu nói: " Lộ phí chỉ là kế dụ địch của Vi Ngạc. Nếu ta đoán không lầm, Vi Ngạc đã chuẩn bị một bồn máu lớn chờ chúng ta".

Trương Hoán đi lại được mấy bước, đột nhiên hắn nhận ra Lý Bí vẫn không nói gì. Trương Hoán vội vàng quay đầu lại, thấy Lý Bí vân đang nhìn mình mỉm cười. Trương Hoán hiểu ra, hắn cười hỏi: " Có phải ý của Lý tiên sinh là muốn ta vẫn tiếp tục đi Hà Tây phải không?"

Lý Bí gật đầu, ông ta cười giảo hoạt nói: " Vi Ngạc ở đường phía trước chờ ngươi, ngươi hãy đi đường vòng. Huống chi không chừng trong triều còn có người muốn giúp đỡ ngươi".

Trương Hoán phá lên cười. Một khi ông trời đã khiến Tân Vân Kinh mắc bệnh thì đó chính là muốn đem Hà Tây giao cho Trương Hoán hắn. Ý trời như vậy, sao có thể sợ điều gì?"

Lập tức Trương Hoán gạt chuyện Hà Tây sang một bên. Hắn để cho Lý Bí đi gặp sứ giả của Lũng Hữu còn hắn tậo trung sức lực đối phó với tình hình trước mắt. Việc cấp bách hiện nay chính là làm thế nào giành được lợi ích lớn nhất.

" Đi gọi Hạ Lâu Vô Kỵ và Lý Hoành Thu tới đây".

Ban ngày Trương Hoán đã nhận ra hai người Lô Thiên Lý và Dương Liệt không ưa nhau, cả hai đều có suy tính riêng. Dương Liệt luôn mạnh mồm nói Lô Thiên Lý đã bị Thôi Viên mua chuộc nhưng chỉ ra trong lòng Dương Liệt cũng có tư tâm. Rất có thể Dương Liệt đã quy thuận Bùi Tuấn. Nhất định ông ta không đặt tiền đồ của mình vào một Trương gia đã mất đi thế lớn. Chỉ sợ Lô Thiên Lý kia cũng không phải là người tốt đẹp gì. Lần này nhất định hai người, một hàng bắc, một hàng nam, ai cũng có suy tính vì chủ của mình. Chính hắn sẽ kích động mâu thuẫn của hai người này.

Từ ngoài cửa vang lên tiếng bước chân. Hạ Lâu Vô Kỵ và Lý Hoành Thu nối đuôi nhau đi vào: " Tướng quân, có chuyện tìm bọn thuộc hạ?"

" Đương nhiên".

Trương Hoán cầm mấy quyển sách làm thành một hình vuông, giống như thành Thái Nguyên. Hắn chỉ vào hai quân doanh, cười nói: " Đêm nay hai đội quân này sẽ diễn trò. Chúng ta ở bên cạnh xem. Khi cần thiết sẽ cho bọn chúng một ít lửa khiến cho chúng diễn trò càng náo nhiệt hơn. Các ngươi có hiểu không?"

Hai người nhìn nhau cười, lập tức Hạ Lâu Vô Kỵ khom người nói: " Xin tướng quân hãy ra lệnh".

" Không vội" Trương Hoán nhìn bóng đêm bên ngoài cửa sổ, hắn mỉm cười nói: " Các ngươi hãy đi chuẩn bị cho các huynh đệ ăn uống no đủ. Sau đó sẽ chuẩn bị xuất phát. Sau khi làm xong chuyện đó, chúng ta sẽ chuồn".

Hai người nhận lệnh đi ra, Trương Hoán vẫy tay với thủ lĩnh thân binh Lý Song Ngư. Lý Song Ngư bước lên trước nói: " Xin tướng quân hãy căn dặn".

Trương Hoán để nghiên mực vào phía nam thành và nói với Lý Song Ngư: " Nơi này chính là Trương gia, ngươi hãy dẫn năm trăm huynh đệ vào trong hầm ngầm của Trương gia, lấy tất cả vàng bạc, khế ước mang đi. Nhanh lên. Ngươi phải xưng là thuộc hạ của Dương Liệt, hiểu chưa?"

" Mạt tướng tuân lệnh".

Lý Song Ngư đang định rời đi thì đột nhiên hắn nhớ ra điều gì đó, hắn chần chừ một lát rồi hỏi: " Nếu như người của Trương gia ngăn cản thì sao?"

Trương Hoán lạnh lùng nhìn Lý Song Ngư không nói câu nào. Đột nhiên Lý Song Ngư hiểu ra, hắn nuốt nước bọt khan rồi thi lễ với Trương Hoán và hấp tấp rời đi. Vùng ngoại ô Thái Nguyên đã bị phủ kín một tầng sương mù màu xám, vô cùng giá lạnh. Một đội kỵ binh hai nghìn người đang phóng nhanh về phía bắc. Bọn họ nhanh chóng lướt qua vùng đất tối om. gió thổi vù vù bên tai. Lộ trình ba mươi dặm thoáng cái đã qua. Đột nhiên Trương Hoán giơ tay lên. Đại đội kỵ binh lập tức chạy giạt vào cánh rừng rậm khiến chim chóc trong rừng hoảng sợ bay nháo nhác. Một loạt tên bay vút lên không trung. Trong rừng rậm lập tức lại trở nên yên tĩnh.

Nơi này là huyện Thái Cốc, cách quân doanh của Dương Liệt ước chừng mười dặm. Một dãy đồi núi thấp chạy vắt ngang qua khu vực này. Trương Hoán ở trong rừng rậm đơi một lát thì có một tên thám báo giục ngựa chạy tới bẩm báo.

" Khởi bẩm tướng quân, Dương Liệt chia quân làm hai đường. Một đường ước chừng năm nghìn quân tiến về hướng cửa đông thành Thái Nguyên. Một đường khác ước chừng tám ngàn người đi về hướng bắc, không rõ đi đâu. Trong quân doanh phia trước chỉ còn chưa tới ba nghìn người".

" Biết rồi, tiếp tục dò xét!".

Chuyện xảy ra đúng như dự đoán của Trương Hoán. Dương Liệt muốn đánh lén quân đội của Lô Thiên Lý, mặt khác hắn cũng muốn chiếm thành Thái Nguyên. Trương Hoán mỉm cười. Xem ra Dương Liệt không hoàn toàn tin tưởng hắn nên mới để lại ba nghìn người để đề phòng.

" Tướng quân, nếu Dương Liệt đã xuất binh. Chúng ta hãy xông lên đi" Lý Hoành Thu có vẻ rất kích động, vô cùng hưng phấn. Hắn là con người của chiến trận. Hơn nửa năm nay không đánh trận khiến cho hắn cảm thấy vô cùng bức bối.

" Không nên nóng vội. Hãy chờ một lát đi".

Tuy Trương Hoán nói ba nghìn người của mình đã giao cho Trương Phá Thiên nhưng Dương Liệt là một lão tướng cầm quân nhiều năm. Với sự thận trọng của hắn, rất có thể hắn đã phái thám báo tìm hiểu thông tin. Thậm chí rất có thể Dương Liệt đã sớm biết quân đội của hắn đã tới Thái Nguyên. Trương Hoán hắn chỉ có ba nghìn kỵ binh này làm tiền vốn. Nếu hắn không thận trọng, trúng mai phục của Dương Liệt, cái được sẽ không đủ bù đắp cái mất.

Sau thời gian uống cạn một chung trà, một tên thám báo khác lại phi ngựa tới. Nhưng đây lại là tên thân binh hai canh giờ trước Trương Hoán đã sai tới báo tin cho Lô Thiên Lý. Trong thư Trương Hoán nhắc nhở Lô Thiên Lý phải chú ý Dương Liệt đánh lén.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-340)


<