Vay nóng Tinvay

Truyện:Võ lâm ngũ bá - Hồi 72

Võ lâm ngũ bá
Trọn bộ 86 hồi
Hồi 72: Theo Thầy Vân Du
5.00
(một lượt)


Hồi (1-86)

Siêu sale Shopee

Bắt đầu từ ngày ấy Ngọc Động chân nhân lưu lại Đại Lý thành để dưỡng thương, ba tháng sau mới phục hồi công lực như cũ.

Một hôm Đoàn hoàng gia bèn hỏi Chân nhân:

- Con tôi từ lúc được đạo tăng đào luyện võ nghệ thấm thoắt đã mười năm dư, chẳng hay bản lãnh của tiểu vương như thế nào?

Ngọc Động chân nhân lắc đầu nói:

- Võ thuật thật là vô biên bất cùng. Sống đến già, học đến già cũng chưa biết đâu là đủ, điều tối cần phải tăng gia lịch lãm, vi hành đến mọi nơi để thu thập kinh nghiệm, mới có thể cùng người so kém hơn thua, hầu rút tỉa tinh hoa của võ thuật. Nếu bệ hạ muốn cho điện hạ thành kẻ địch vạn nhân, ít nhất phải cùng bần đạo xông xáo giang hồ du lịch đôi ba năm mới được. Chẳng hay Lão hoàng gia có thuận tình chăng?

Đoàn lão hoàng gia nghe xong mấy lời của Ngọc Động chân nhân, không khỏi lộ vẻ khó nghĩ, vì như đã nói trước, quy chế của vương triều họ Đoàn, từ Quốc vương cho đến quý tộc không được ra khỏi khu vực Đại Lý thành ngoài trăm dặm, cho nên lời đề nghị của Ngọc Động chân nhân khiến Đoàn lão hoàng gia ậm ừ cho qua chuyện chứ không đáp lời.

Ngọc Động chân nhân cũng hiểu rõ sự khổ tâm của ông ta nên không đề cập thêm nữa.

Nhưng bất ngờ đêm ấy, trong khi Chân nhân dạy Đoàn Cẩm phương thức thổ nạp công phu.

Đoàn Cẩm thình lình tỏ ý với thầy:

- Bạch sư phụ, khi sáng sư phụ có xin với phụ hoàng định đưa con đi ngao du khắp nơi, để thu thập kinh nghiệm võ thuật trên giang hồ phải không?

Ngọc Động chân nhân buồn rầu gật đầu.

Đoàn Cẩm lại nói tiếp:

- Sư phụ cũng hiểu rõ quy chế khắt khe của vương tộc họ Đoàn chẳng cho người trong tộc rời khỏi đế kinh quá bảy ngày, dù rằng cha đệ tử làm Hoàng đế trên ngôi chí tôn, cũng không sao phá lệ được. Dầu cho Phụ vương con thuận lời đi nữa các đại thần trong triều cũng lên tiếng phản đối ngay.

Ngọc Động chân nhân trầm ngâm giây lát rồi đáp:

- Nếu như lời đồ đệ nói, thì dù cho con học thêm hai mươi năm công phu nữa, thành quả cũng là bao.

Đoàn Cẩm nhìn quanh bốn phía khắp lượt đoạn kề miệng vào tai Ngọc Động nói nhỏ:

- Nếu vậy, con có thể lén trốn khỏi hoàng thành để cùng đi với sư phụ.

Ngọc Động chân nhân ngạc nhiên, nói:

- Con định cùng sư phụ trốn đi ư? làm sao được, Phụ hoàng con chẳng trách phiền con sao?

Đoàn Cẩm cười nói:

- Sao lại không được? Phụ vương con chỉ có mình con là con duy nhất chẳng lẽ lại giết con sao. Vương chế triều đình không cho rời thành Đại Lý một cách minh bạch, chớ đâu có qui định chẳng cho đi lén bao giờ?

Ngọc Động chân nhân không khỏi tức cười trước lời nói cưỡng lý trở trái làm mặt của tên đồ đệ mẩn tiệp thông minh.

Hai thầy trò phụ nhĩ xầm xì một lúc khá lâu, Đoàn Cẩm cứ gật đầu vâng dạ lia lịa.

Đoạn cả hai thầy trò Ngọc Động chân nhân mất tích một cách bí mật.

Rạng hôm sau, Đoàn lão hoàng gia sau buổi lâm triều trở về nội điện, bỗng một thị thần hơ hãi chạy đến vập đầu tâu lia:

- Tâu bệ hạ, không xong rồi! Thế tử đã tự ý trốn đi, chúng tôi tìm khắp hoàng cung cũng chẳng thấy.

Lão hoàng gia nghe con mất tích kinh hãi cực cùng, vội chạy vào tẩm điện, thì con mình đã đâu mất mà Ngọc Động chân nhân cũng biệt tăm, trong cung mọi vật niêm phong bất động, chỉ thiếu một số quần áo tùy thân cùng chút ít bạc vàng tế nhuyễn.

Đoàn lão hoàng gia dậm chân than:

- Khổ thật! Vương nhi muốn cùng sư phụ con dấn bước giang hồ để luyện thêm tài nghệ cũng được đi, sao lại phải trốn. Thật là thiển kiến của con nít!

Một tên thị vệ quỳ xuống tâu:

- Muôn tâu thánh thượng, Điện hạ có để lại một bức thư nơi ngọc án.

Đoàn lão hoàng gia vội bóc ra xem, nội dung như sau:

Phụ vương thọ giám!

Thần nhi theo sư phụ chen chân hải hồ, bốn biển là nhà, giường đất, màn sương, kỳ hạn trở lại cố hương đúng ba mươi sáu lượt trăng tròn, đi không thỉnh cáo, thần nhi tự biết tội nghiệt, chỉ vì vương chế khắc khe, buộc lòng làm thế, cúi lạy Phụ vương bảo trọng mình rồng.

Thần nhi Đoàn Cẩm phục bút!

Đoàn lão hoàng gia đọc xong, nước mắt rưng rưng, thở dài một tràng ảo não và lẩm bẩm như nói với mình:

- Con ơi! Dại sao là dại, nếu muốn đi du lịch viễn phương hà tất phải làm thế, con cứ theo chí hướng bẩm rõ với cha, tất nhiên cha có cách an bài cho con, tội vạ gì phải lén lút trốn đi như thế!

Nói đoạn quay sang dặn dò thị vệ tả hữu:

- Các người không được đem chuyện Thế tử tự ý trốn đi khỏi hoàng thành, lộ ra người ngoài mà cứ nói là Thế tử mắc chứng bệnh lạ, cần phải ở riêng biệt cung ba năm, không cho ai vào thăm viếng cả. Nghe rõ chưa? Nếu như tên nào thổ lộ ra ngoài xem chừng chiếc đầu trên cổ.

Nhưng lần ra đi này thời gian tuy kỳ hạn trong thư là ba năm, song vì Đoàn Cẩm mãi vui say theo chân thầy trên bước đường lữ thứ sông hồ, thấm thoắt xuân đi thu lại, sáu năm dài dằng dặc nhẹ như lá rơi song cửa.

Sau đó Đoàn Cẩm khắc khoải nhớ quê Nam, mới từ biệt thầy một mình một bóng trở về đất Tổ.

Cương giới của Nam Chiến Quốc gần như bao quát gần hết tây hộ Vân Nam, luôn cả một góc phía Nam tỉnh Tứ Xuyên nên khi Đoàn Cẩm vào biên cảnh quê nhà, còn cách thành Đại Lý ba, bốn ngày đường, vì nóng lòng muốn biết tình hình vua cha sau thời gian cách biệt hơn sáu năm trời, liền tìm một lương dân hỏi thăm.

Đoàn Cẩm vì bình thường ít khi rời khỏi kinh thành, hơn nữa lại xa quê hương quá lâu, dung mạo đã biến đổi đi phần nào, đừng nói chi bình dân bá tánh mà cho đến cận thần trong triều đình cũng chưa chắc đã nhận ra chàng.

Do đấy gã dân quê ấy không làm sao nhận biết kẻ đối thoại trước mặt là Thế tử đương triều, bèn đem mọi tình hình biến cố trong Đại Lý thành thuật sơ lược cho chàng nghe.

Chẳng ngờ Đoàn Cẩm sau khi nghe xong, giật nẩy mình kinh sợ đến tay chân rụng rời, mồ hôi toát ra như tắm.

Thì ra Đoàn Cẩm từ khi trốn theo Ngọc Động chân nhân rời khỏi hoàng cung, Đoàn lão hoàng gia bưng bít tin tức không cho các đại thần biết, chỉ phao tin con mình bị bịnh, không dè qua năm sau, tin Thái tử trốn đi bị thấu ra ngoài triều.

Các đại thần hội nhau vào cung thất chất vấn sự kiện Thái tử Đoàn Cẩm tự ý rời cung, yêu cầu Đoàn lão hoàng gia phải gấp chiếu thị toàn quốc phế trừ Thái tử để lập người khác.

Vua họ Đoàn hết sức khổ lòng, cùng đại thần tranh luận một buổi, mới tạm thời gác lại chuyện phế lập đợi ba năm sau, nếu Đoàn Cẩm trở về vẫn còn thân phận chức vị Đông Cung, nhược bằng quá ba năm mà không về thì lúc ấy sẽ lập Thế tử khác.

Đoàn lão hoàng gia hết sức khó khăn khuyên lơn sự phẫn uất của các đại thần, dùng kế hoãn binh, hy vọng ba năm sau thế nào con mình cũng sẽ trở về, bao nhiêu việc rắc rối xảy ra sẽ giải quyết một cách êm đẹp.

Những buồn thay, ngày tháng thoi đưa ba năm thời gian loáng cái mắt đã qua rồi mà Đoàn Cẩm vẫn biệt vô âm tín, một số đại thần xôn xao bàn tán không ngớt, phần đông đều tưởng Thái tử không trở về theo thơ kỳ hẹn, có lẽ đã chết dọc đường. Chức vị Thế tử không thể để trống vì Đoàn lão hoàng gia tuổi hạc đã cao, vạn nhất giá băng về trời, thì ngôi lớn lấy ai kế tiếp! Và Nam Chiến Quốc sẽ sa vào cảnh nổi loạn còn gì?

Đoàn lão hoàng gia không thể cưỡng lại ý kiến của triều thần, đành phải hạ chỉ phế bỏ Đoàn Cẩm, nhưng lại gặp phải một sự khó khăn khác vì Đoàn lão hoàng gia trừ Đoàn Cẩm ra là con, không có hoàng tử nào khác thì lập ai làm kẻ thừa hành ngôi báu đây?

Suốt ba tháng trời cân phân triều nghị, Đoàn lão hoàng gia mới quyết định chọn con trai của em mình là Đoàn Chiêu làm Thái tử.

Cha của Đoàn Chiêu là Đoàn Tấn với Đoàn lão hoàng gia là anh em ruột một cha khác mẹ, sớm đã có tham vọng cho con mình kế vị ngôi vua, giờ đây được Lão hoàng gia chọn con trai làm Thế tử, thật là cơ hội tốt cho y biết mấy.

Đoàn Tấn là một người có dã tâm tham tàn lăm le lũng đoạn triều chính, thu tóm quyền hành vào một tay để đạt đến chức vụ Thái thượng hoàng mà từ bao lâu nay y khao khát.

Cho nên một năm sau, một năm con y được lập làm Thế tử, Đoàn Tấn mượn danh can dự chánh sự.

Lần lượt tìm cách phế thải các vị đại thần trong triều, cất nhắc tâm phúc mình lên.

Ban đầu dùng kế hoạch thanh trừng từng người một, sau đấy sẽ tiến hành đến mưu lược soán vị kế ngôi.

Qua năm thứ hai, Đoàn Tấn chẳng biết từ đâu chiêu dụ được một gã tăng nhân cùng một tên đạo sĩ đến thành Đại Lý, rồi chẳng cần sự đồng ý của Đoàn lão hoàng gia hay chăng tùy tiện phong cho gã hòa thượng chức Hộ Quốc thiền sư và tên đạo sĩ là Tử Quang chân nhân.

Gã hòa thượng ấy pháp danh là Ngộ Ứng là một tay khí công có hạng, thịt cứng như sắt đao thương chẳng phạm vào người, tự mình đặt cho cái hoa hiệu là Thạch La Hán.

Còn gã đạo sĩ tục tánh là Tốt, đạo hiệu là Diệu Chân, thiện dụng một cây phất trần bằng sắt, giang hồ quen gọi y là Thiết Phất đạo nhân.

Đoàn Tấn được thêm hai tên kiện tướng ấy như hổ thêm vây, triều thần còn vị nào dám chỉ trích hay dèm siểm Hoàng thúc Đoàn Tấn vài lời thì không tới ba ngày sau nhất định là chiếc sọ dừa trên cổ họ bị cắt mất một cách bí mật.

Một số người đồn đại là Thạch La hán và Thiết Phất đạo nhân, hai gã yêu đạo tay chân đắc lực của Đoàn Tấn kia đều có biệt tài phi thiềm tẩu bích lúc đến lúc đi không một tiếng động, cứ đến mỗi đêm là thi hành công phu dạ hành đến các tư dinh của triều thần lớn nhỏ để thám thính, hành thích, về phúc trình lại với hoàng thúc Đoàn Tấn.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-86)


<