Vay nóng Homecredit

Truyện:Mai Hoa quái kiệt - Hồi 19

Mai Hoa quái kiệt
Trọn bộ 40 hồi
Hồi 19: Bạch Y Nữ Lang
5.00
(một lượt)


Hồi (1-40)

Siêu sale Lazada

Triệu Vô Sương chớp chớp mắt, hai giọt lệ long lanh lăn xuống má, thong thả đưa tay ôm lấy mỹ diễm thiếu nữ.

Nguyên thiếu phụ cảm thấy nội tạng đã có biến hóa, tiềm năng được dược lực kích thích nay đã tận, như ngọn đèn cạn dầu.

Giờ phút này thiếu phụ có ngàn lời muốn nói với nữ nhi, thiên ngôn vạn ngữ đồng thời dâng lên, nhưng lại chưa biết nói điều gì trước.

− Phong nhi, sau khi ta nhắm mắt, ngươi phải nghe lời Ngụy bá bá, Ngụy bá bá đối với mẫu nữ hai ta tình sâu như biển, ân đức như thái sơn, ngươi chớ để bá bá buồn phiền.

Đột nhiên thiếu phụ nấc lên, người lảo đảo.

Vương Thông Huệ vội nắm lấy mạch huyệt của thiếu phụ nói:

− Lão tiền bối...

Nàng ngầm vận nội kình, truyền nhiệt lực cho thiếu phụ.

Triệu Vô Sương mấp máy môi:

− Vương cô nương... chiếu cố... hài nhi của lão thân... nó còn khờ dại lắm.

Đoạn nhắm mắt tắt thở.

Mỹ diễm thiếu nữ rú lên:

− Nương mẫu...

Rồi ôm lấy thiếu phụ mà khóc.

Vương Thông Huệ từ từ buông tay, nói:

− Triệu lão tiền bối đi rồi.

Ngụy Tái Cường nghiêm trang nói:

− Bệnh tình kéo dài mười tám năm, tiềm lực sống đã tận, được hôm nay kể cũng lạ.

Vẻ mặt lão nhân vô cùng mệt mỏi, độc nhãn không rớt một giọt nước mắt nhưng thần thái để lộ vẻ thống khổ tột cùng.

Lúc này mỹ diễm thiếu nữ đã khóc như mưa như gió, nghe thật thương tâm.

Vương Thông Huệ nói:

− Người chết không thể hồi sinh, Ngụy lão tiền bối hãy khuyên nhủ Phong cô nương.

Ngụy Tái Cường bỗng đưa tay điểm huyệt đạo của mỹ diễm thiếu nữ, hạ giọng nói:

− Vương cô nương đã là Giáo chủ, tang sự này ắt thỉnh Giáo chủ chủ trương, lão phu không nỡ nhìn Triệu muội thảm tử, tạm đem Phong cô nương tránh đi ba ngày, sau đó lão phu sẽ trở lại đây phục mệnh, hiệp trợ cho cô nương ba năm...

Dừng một chút, mới nói tiếp:

− Bất quá lão phu muốn nói rõ trước điều này, suốt một đời lão phu phiêu bạt, chu du bốn bể, không ngờ lúc vãn niên lại sở lụy vì tình đến nông nỗi này. Ba năm sắp tới, lão phu chỉ thực hiện chống địch, không thể lo sự vụ của bổn giáo.

Vương Thông Huệ đáp:

− Nếu là tiểu sự, ắt không dám phiền đến lão tiền bối.

Ngụy Tái Cường nói:

− Tang sự đã có cô nương chủ trương, lão phu đi trước.

Nói xong Ngụy Tái Cường nắm tay mỹ diễm thiếu nữ phóng vút đi.

Hứa Sĩ Công cau mày nói:

− Lão phu đi lo lễ vật khâm liệm thi thể rồi bàn sau.

Vương Thông Huệ nói:

− Tiểu nữ đoán rằng việc ấy đã có chuẩn bị từ sớm.

Đoạn nàng đi vào góc sảnh, bên trong tấm vải che nội thất bố trí giản đơn, ngoại trừ một chiếc giường gỗ, chỉ có một án thư.

Vương Thông Huệ vội mở nắp thiết hạp, quả nhiên ngay trên cùng có một mảnh giấy, trong đó viết:

«Dưới giường có một cổ thạch quan, bên trong có hai viên «Thiên niên hàn ngọc», chỉ cần đóng kín nắp áo quan, có thể giữ thi thể không hoại. Tuyệt đối không nên để lộ tin ta đã chết ra ngoài.» Bên dưới tờ giấy có một quyển sách, trên bìa có mấy hàng chữ như long phi phong vũ:

«Giang Mộc Phong quyền phổ kiếm quyết.» Dưới bảy chữ lớn là hai hàng chữ nhỏ hơn:

Giang sơn đại hữu kỳ sĩ xuất (Giang sơn mỗi thời có kỳ sĩ lạ xuất hiện) Võ lâm vĩnh vô đệ nhất nhân. (Võ lâm vĩnh viễn không có ai là đệ nhất) Dưới quyển sách có một phong bì dày, ngoài đề bốn chữ lớn:

«Huyền Hoàng thần thư». Tiếp đến hai hàng nhỏ:

«Thư bất quá bình thế tứ mục, pháp bất năng đồng truyền lục nhỉ.

Hữu phản thử cấm, tất ly thảm họa, thận chi, thận chi.» (Thư không được xem chung, phép tắc không lộ cho quá hai người biết.

Chống lại điều cấm này, tất sẽ mắc họa, cẩn thận, cẩn thận).

Vương Thông Huệ thở dài nhè nhẹ, đậy nắp hộp, kê dịch chiếc giường, quả nhiên bên dưới có một cỗ quan tài bằng đá, mở nắp áo quan, đích thực bên trong có một luồng hàn khí bốc lên. Nàng bèn bước ra, mang thi thể của Triệu Vô Sương đặt vào quan tài, đậy nắp xuống, kê lại chiếc giường như cũ, cúi đầu nói:

− Lão tiền bối an nghĩ. Vãn bối quyết tận sức hoàn thành tâm nguyện của lão tiền bối, đưa thế lực tà ác Huyền Hoàng Giáo theo đường chính đạo, sau khi thành công sẽ giải tán giáo phái, hủy bỏ Huyền Hoàng thần thư, trừ đi hại cho võ lâm.

Mặc niệm xong, nàng thong thả bước ra. Hứa Sĩ Công thở dài nói:

− Lão hủ lại vừa mục kích xong một thảm sự của võ lâm, những chuyện ân oán thị phi giang hồ thật không biết bao giờ mới chấm dứt.

Vương Thông Huệ nhìn mọi người một lượt, nói:

− Nay tiểu nữ đã được các vị huynh đài cử thiếp nhiệm Huyền Hoàng Giáo chủ, di ngôn của Giang phu nhân trước khi chết các vị đã nghe rõ. Thế lực tà ác của Huyền Hoàng Giáo cũng tương đương với chín đại môn phái, giang hồ sắp tới xem chừng loạn to, nếu có thể dựa vào thế lực này mà mưu phúc cho muôn dân, thì mấy người chúng ta đều nên gắng sức.

Hứa Sĩ Công nói:

− Trong đương kim võ lâm, có mấy vị đệ nhất cao nhân, thì lão phu cho rằng Thập Phương Lão Nhân Ngụy Tái Cường là tối thượng, có Ngụy lão tương trợ, thêm tài trí tuyệt thế vô song của Vương cô nương, có thể trở thành đại thụ, chủ mạch trong chín môn phái.

Vương Thông Huệ nhìn Lãnh Như Băng bằng ánh mắt kỳ lạ, nói:

− «Giang sơn đại hữu kỳ sĩ xuất. Võ lâm vĩnh vô đệ nhất nhân.» Ôi, tiểu nữ chỉ là một nữ hài nhi, há có thể vĩnh viễn in dấu ấn trên giang hồ, nhưng sau khi hoàn thành tâm nguyện của Giang phu nhân, tiểu nữ cũng muốn ẩn cư chốn sơn lâm, không bao giờ tái xuất giang hồ.

Hứa Sĩ Công lẩm bẩm:

− Võ lâm vĩnh vô đệ nhất nhân...

Vương Phi Dương tiếp:

− Đúng, bao đời nay cao nhân kỳ sĩ võ lâm có tới hàng vạn, mấy ai được tôn là đệ nhất võ lâm, được hết thảy anh hùng trong thiên hạ bái phục và được chết một cách yên lành?

Lãnh Như Băng từ nãy ngồi lặng lẽ không nói, lúc này chợt đứng dậy lên tiếng:

− Cung hỉ Vương cô nương chấp chưởng Huyền Hoàng Giáo chủ...

Vương Thông Huệ hừ một tiếng, đáp:

− Không cần phải thế.

Lãnh Như Băng cảm thấy thần thái ngôn từ của nàng đối với chàng đều có ý căm ghét, bất giác ngẩn người nói:

− Tại hạ vốn định lưu lại vài ngày ở đây chờ nghe cô nương phân phó, nhưng trong lòng đang lo lắng cho sự an nguy của sư đệ, nên sớm phải khởi trình vậy xin cáo biệt.

Đoạn cung tay hành lễ, rảo bước đi ra khỏi sảnh.

Vương Thông Huệ biến sắc, định nói lại thôi.

Hứa Sĩ Công vội nói:

− Lãnh đệ hãy chờ một chút. Lãnh đệ chưa có kinh nghiệm duyệt lịch giang hồ, để lão phu đồng hành với lão đệ.

Lãnh Như Băng đáp:

− Không cần, thỉnh lão tiền bối ở lại đây hiệp trợ Vương cô nương. Nàng mới tiếp nhiệm chức vị Giáo chủ, trăm công ngàn việc phải làm, rất cần đến lão tiền bối.

Vương Thông Huệ lạnh lùng nói:

− Đại sự của Huyền Hoàng Giáo chẳng dám phiền Lãnh công tử lo lắng.

Lúc này, chẳng riêng Vương Phi Dương, ngay cả Hứa Sĩ Công cũng cảm thấy Vương Thông Huệ có thành kiến với Lãnh Như Băng, luôn luôn làm cho chàng khó xử, nhưng lão Hứa nghĩ đi nghĩ lại vẫn chưa hiểu vì nguyên nhân gì, nhớ đến lời lão nói ban nãy nguyện tuân theo hiệu lệnh của Huyền Hoàng Giáo, tuy chưa phải chính thức gia nhập giáo phái, nhưng đại trượng phu một lời như dao chém đá, không thể rút lại, thân này từ nay không còn tự chủ, bèn im lặng, lui ra một bên.

Chỉ nghe Vương Thông Huệ nói tiếp:

− Mấy ngày tới Huyền Hoàng Giáo chủ yếu giải quyết tang sự Giáo chủ, có hành động gì cũng phải sau đây một tháng, lão tiền bối cứ an tâm đồng hành với Lãnh công tử.

Hứa Sĩ Công cung tay đáp:

− Bất luận có tìm thấy vị tiểu huynh đệ kia hay không, nội trong ba tháng Hứa Sĩ Công nhất định sẽ về đây phục mệnh.

Vương Thông Huệ nói:

− Không cần, ba tháng nữa tiểu nữ không biết sẽ ở đâu, còn sống hay đã chết, nếu có việc cần sự hiệp trợ, tiểu nữ sẽ phái người đi thỉnh.

Hứa Sĩ Công đáp:

− Nếu cô nương có lệnh, lão phu dù chết cũng không từ nan.

Đoạn cung tay một lễ, bước ra khỏi sảnh.

Vương Thông Huệ mỉm cười, cúi mình nói:

− Lão tiền bối bảo trọng.

Đoạn đưa mắt nhìn Lãnh Như Băng, nụ cười tắt luôn. Đối với mọi người, nàng đều rất tươi cười dịu dàng, ngôn từ khiêm nhường, duy với một mình Lãnh Như Băng là nàng lạnh lùng như với địch nhân không đội trời chung.

Vương Phi Dương cau mày, vội rảo bước đuổi theo hai người để tiễn.

Ba người thong thả đồng hành, mặc nhiên không nói. Thái độ của Vương Thông Huệ khiến cho quan hệ giữa Vương Phi Dương và Lãnh Như Băng tựa hồ như có một trở ngại.

Lúc này đã sang canh ba, gió đêm lạnh lẽo, tinh quang nhấp nháy, thiên sắc âm thầm, bóng đêm càng âm u. Lãnh Như Băng dừng chân, ngoảnh đầu lại nói:

− Thỉnh Vương huynh trở lại thôi. Đệ xin cáo biệt ở đây.

Vương Phi Dương bỗng tiến lại, nắm lấy tay của Lãnh Như Băng nói:

− Lãnh huynh, xá muội tuy tài trí hơn người, nhưng nàng vẫn còn là một nữ hài tử, khí độ không thể hào sảng được như nam tử hán chúng ta, khó tránh khỏi tính nhỏ mọn, nếu có gì khiếm khuyết với Lãnh huynh, những mong Lãnh huynh vì đệ mà dừng chấp nhặt với nàng.

Lãnh Như Băng mỉm cười:

− Vương huynh đừng để tâm, chỉ tại đệ không tốt, chưa biết đệ có chỗ nào đắc tội với lệnh muội?

Vương Phi Dương thở dài:

− Đệ rất muốn đồng hành với hai vị tìm lệnh sư đệ, nhưng xá muội vừa tiếp nhiệm chức Giáo chủ, mọi thứ đều chưa quen thuộc, rất nhiều bất tiện, đệ không thể không ở lại để hiệp trợ nàng, khi nàng vượt qua hai giai đoạn khó khăn ban đầu, đệ sẽ lập tức đi theo các vị để tìm lệnh đệ.

Lãnh Như Băng nói:

− Đã được Hứa lão tiền bối đồng hành chiếu cố, không dám phiền thêm Vương huynh đại giá.

Hứa Sĩ Công cười ha hả:

− Thỉnh Vương thế huynh trở lại, lão phu võ công tuy kém cỏi, nhưng gian mưu quỉ kế trên giang hồ khó bề che mắt được lão phu này. Chúng ta hậu hội hữu kỳ.

Đoạn cung tay một lễ, rồi cùng Lãnh Như Băng rảo bước mà đi, thoáng chốc đã mất hút trong bóng đêm.

Hai người đi liền một mạch sáu, bảy dặm mới chậm lại, Hứa Sĩ Công hít một hơi dài, hỏi:

− Lãnh đệ, Vương cô nương dường như có thành kiến sâu đậm với Lãnh đệ, không biết vì cớ gì?

Lãnh Như Băng cười nhạt, đáp:

− Tại hạ không hề đắc tội với nàng, còn vì sao thì chính tại hạ cũng không minh bạch.

Hứa Sĩ Công nói:

− Lòng dạ nữ nhân sâu tựa biển, lão phu chịu không hiểu nổi tâm sự của họ.

Đoạn ngẩng mặt thở dài như có cảm khái vô hạn.

Lãnh Như Băng thở dài nói:

− Chưa trải qua làm sao biết được. Có ai ngờ ở một thảo thất giữa chốn hoang lương hẻo lánh lại là nơi ẩn cư của một vị đại kỳ hiệp là Ngụy Tái Cường, đồng thời trân tàng một sự kiện lớn của võ lâm kéo dài liên miên hàng chục năm trời. Cũng chẳng ai ngờ một vị Huyền Hoàng Giáo chủ âm trầm tàn độc cuối cùng lại vốn là một mỹ nhân sáng chói năm xưa.

Hứa Sĩ Công tựa hồ nhớ ra điều gì trọng đại, vội dừng lại nói:

− Hỏng to rồi. Lão phu quá lú lẫn mất rồi.

Lãnh Như Băng hỏi:

− Chuyện gì vậy?

Hứa Sĩ Công đáp:

− Mấy năm nay trong võ lâm thường xuất hiện các gian thư (thư tín viết trên thẻ tre), cứ theo lời đồn, thì các gian thư ấy đều do Ngụy Tái Cường thủ bút, dụ ngôn rằng sẽ có đại biến trong giang hồ. Sự việc này lão phu vốn nghi hoặc nhiều năm nay, vậy mà vừa rồi lại quên hỏi Ngụy lão.

Lãnh Như Băng nói:

− Sau này còn gặp lại, bí mật ấy sẽ lộ rõ thôi.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện, mấy hôm sau họ đã tới phủ Từ Châu.

Hứa Sĩ Công nhiều năm bôn tẩu giang hồ, biết rằng muốn đi tìm người, ắt phải liên lạc với các căn cứ võ lâm ở các nơi, nếu chỉ dựa vào sức lực của hai người thì chẳng khác gì mò kim đáy biển.

Lúc này họ đi rất chậm. Có Hứa Sĩ Công giao du rộng, quen biết nhiều đồng hành, Lãnh Như Băng quả thực thêm thuận lợi. Dọc đường Hứa Sĩ Công luôn dò hỏi, nhưng vẫn chưa biết tin tức gì của Lý Tiểu Hổ.

Trưa hôm ấy, họ tiến vào huyện thành Từ Châu.

Hứa Sĩ Công cảm thấy tình thế có điều không bình thường, thấy rất nhiều nhân vật võ lâm tập trung ở Từ Châu, trong số đó có nhiều người y phục kỳ dị, tựa hồ họ đến từ những miền biên viễn hẻo lánh, lão bèn nói nhỏ với Lãnh Như Băng:

− Lãnh đệ, đã thấy gì khả nghi chưa?

Lãnh Như Băng đáp:

− Có phải là việc rất nhiều nhân vật võ lâm tập trung ở đây?

Hứa Sĩ Công nói:

− Từ Châu là một cửa ải quan trọng tỏa đi nhiều nơi. Ở đây có Thần Võ Tiêu Cục lừng danh thiên hạ. Mấy chục năm nay nơi đây thường phát sinh biến cố, người trong võ lâm vẫn lấy Từ Châu làm nơi hội diện, điều này cũng dễ hiểu.

Kỳ quái là lần này thấy không ít người từ vùng biên viễn đến, trang phục kỳ dị, không phải nhân sĩ Trung Nguyên, xem chừng chúng ta khó có thể ở đây được hai ngày.

Lãnh Như Băng canh cánh lo cho sự an nguy của Lý Tiểu Hổ, chau mày không nói.

Hứa Sĩ Công bỗng cười ha hả:

− Lãnh đệ, đây chính là cơ hội giúp chúng ta dễ tìm được nơi hạ lạc của lệnh đệ.

Lãnh Như Băng ngạc nhiên:

− Lão tiền bối nói vậy nghĩa làm sao?

Hứa Sĩ Công đáp:

− Các nhân vật võ lâm, dù là hắc đạo hay bạch đạo đều giao du quảng bác, quen biết nhiều người, nhất là Tổng tiêu đầu của Thần Võ Tiêu Cục Thiết Kỳ Kim Hoàn Tần Phi Hổ. Lão phu hữu duyên gặp gỡ y mấy lần, tuy không thể bảo là thân giao, nhưng cũng có chút giao tình.

Lãnh Như Băng hỏi:

− Có phải lão tiền bối muốn nhờ Tần Tổng tiêu đầu dò xét giùm nơi hạ lạc của Hổ đệ?

Hứa Sĩ Công đáp:

− Đúng thế. Trước hết chúng ta hãy tìm một tửu lâu ăn uống chút đã, buổi chiều lão phu sẽ đến Thần Võ Tiêu Cục gặp Tần Phi Hổ. Người này rất nhiệt tâm, một lời như dao chém đá, điều hành cả trăm người, trong tiêu cục lúc nào cũng có tối thiểu hơn hai mươi tiêu sư, tiêu cục có nhiều chi điếm trải khắp địa giang Nam Bắc, huống hồ lại tập trung biết bao nhiêu nhân vật võ lâm ở Từ Châu. Chỉ cần Tần Phi Hổ đáp ứng, há chẳng là cơ hội quá tốt để tìm ra lệnh đệ?

Lãnh Như Băng nói:

− Lão tiền bối thật cao kiến.

Hứa Sĩ Công đáp:

− Lãnh đệ lại còn khách khí với lão phu làm gì? Ngoài việc lão phu hơn Lãnh đệ về tuổi tác và chút ít kinh nghiệm giang hồ, còn võ công thì lão phu thua xa Lãnh đệ.

Lời lão Hứa đều thành thực. Lãnh Như Băng mỉm cười im lặng.

Hứa Sĩ Công ưa náo nhiệt, Từ Châu là chốn lão rất thông thuộc, liền đưa Lãnh Như Băng tới «Quần Anh Lâu» là tửu điếm lớn nhất ở đây.

Lúc này «Quần Anh Lâu» đầy khách, tiếng cười nói chúc rượu râm ran.

Hứa Sĩ Công phát hiện trên lầu khách nhân phần lớn là các nhân vật võ lâm, liền hạ giọng nói với tiểu nhị:

− Có chỗ nào yên tĩnh chăng?

Gã tiểu nhị chau mày, chưa kịp lên tiếng, Hứa Sĩ Công đã dúi cho hắn một chút bạc lẻ, hắn liền đáp:

− Thỉnh nhị vị đi theo tiểu nhân.

Hắn dẫn hai người xuyên qua một đình viện, vào một phòng khách thanh nhã. Hứa Sĩ Công mỉm cười, gọi bốn món ăn, một vò rượu ngon, nhìn tiểu nhị đã ra khỏi cửa, lão nói nhỏ với Lãnh Như Băng:

− Xe, thuyền, khách điếm, tiêu cục, nha môn là năm nơi phiền phức nhất, lão phu thường phải dùng bạc đấm mõm bọn chúng...

Lời chưa dứt, gã tiểu nhị đã chạy vội trở lại nói:

− Nhị vị thấp giọng một chút, tốt nhất là đừng chúc rượu, phòng bên cạnh có nữ quyến.

Đoạn hắn lập tức chạy đi.

Hứa Sĩ Công vọt ra phía cửa sau, thò đầu nhìn ra ngoài, chỉ thấy hai thanh y tì nữ đang dìu một bạch y thiếu nữ thong thả đi ngang qua. Bạch y thiếu nữ tựa hồ thụ bệnh, mặt che mạng đen, trông bước thấp cước cao biết ngay là thể lực quá hư nhược, còn hai tỳ nữ thì khỏe mạnh, lưng đeo đoản kiếm.

Hứa Sĩ Công nghĩ thầm:

"Hai tỳ nữ kia rõ ràng là a hoàn của Bạch y nữ.

Bạch y nữ thì đang thụ trọng bệnh.".

Lát sau tiểu nhị mang rượu và thức ăn tới, Hứa Sĩ Công hỏi nhỏ:

− Người ở phòng bên là ai vậy?

Tiểu nhị do dự một lát rồi đáp:

− Là nữ nhân tạm trú.

Hứa Sĩ Công lập tức hỏi tiếp:

− Là nhân vật như thế nào? Gồm mấy người đồng hành, từ đâu đến? Đến được mấy ngày rồi?

Tiểu nhị giơ ba ngón tay, đáp:

− Ba cô nương, đã ở đây bốn ngày.

Hứa Sĩ Công hỏi:

− Họ hay ra bên ngoài lắm ư?

Tiểu nhị đáp:

− Không, hôm nay mới ra ngoài lần đầu.

Hứa Sĩ Công hỏi:

− Ngươi đã thấy mặt Bạch y cô nương chưa?

Tiểu nhị đáp:

− Chưa hề, vị tiểu thư ấy thân thể ra hồ quá hư nhược, toàn thấy nằm trên giường có hai a hoàn phục dịch.

Hứa Sĩ Công khoát tay:

− Có việc gì ta sẽ gọi ngươi.

Tiểu nhị bước đi. Hứa Sĩ Công nói nhỏ với Lãnh Như Băng:

− Lãnh đệ, trong giang hồ, đối phó với các thiếu nữ là cực nhất. Bọn họ nếu không phải là thân hoài tuyệt kỹ, thì lại có ám khí tuyệt độc, họ hiểm độc rất khó đề phòng. Đại trượng phu không tiện hạ độc thủ trước, bọn họ lợi dụng ngay nhược điểm này của nam nhân, chiếm không ít tiện nghi. Sau này khi nào Lãnh đệ gặp nữ nhân, nhất thiết phải cẩn thận đó.

Lãnh Như Băng đáp:

− Không sai, tại hạ bị nạn ở Đào Hoa Trang cũng là do nữ nhân cả thôi.

Đang nói bỗng có tiếng bước chân, rồi mành trúc che cửa được vén ra, một võ trang đại hán xộc vào phòng.

Hứa Sĩ Công cau mày:

− Các hạ tìm ai vậy?

Đại hán nhìn soi mói Hứa Sĩ Công và Lãnh Như Băng, đoạn thong thả bước ra, nói:

− Thứ lỗi, tại hạ nhận lầm người.

Hứa Sĩ Công quắc mắt quát:

− Đứng lại!

Tay lão ấn xuống mặt bàn, người đã vọt ra như tia chớp, tay hữu dùng chiêu «Kim báo lộ trảo» chộp lấy vai tả của gã đại hán.

Đại hán vội né vai tránh, hữu thủ vòng lại chộp lấy cổ tay hữu của Hứa Sĩ Công cực nhanh.

Lão Hứa lập tức trầm cổ tay hữu để tránh chưởng thế, trong bụng thầm ngạc nhiên:

"Tiểu tử này võ công chẳng tầm thường.".

Gã đại hán đã quay đầu lại cười khẩy nói:

− Huynh đài đánh lén từ phía sau là có dụng ý gì?

Hứa Sĩ Công đáp:

− Quang minh chính đại thì đừng bỏ chạy, Hứa mỗ này mấy chục năm bôn tẩu giang hồ há lại không đuổi kịp.

Đại hán nói:

− Không hiểu...

Hứa Sĩ Công ngẩn ra:

− Không hiểu? Không hiểu cái gì?

Đại hán thừa lúc đối phương ngẩn ra trong giây lát, lập tức công liền mấy chiêu.

Hứa Sĩ Công không ngờ hắn triển khai công kích mau lẹ như vậy, bị mất thế thượng phong.

Gã đại hán thì vừa đánh vừa nói:

− Ai không quang minh chính đại. Ai bỏ chạy?

Gã liên tiếp công kích thêm mấy chiêu, võ công cao cường, vượt hẳn dự liệu của Hứa Sĩ Công.

Lãnh Như Băng lao ra, nói nhỏ:

− Lão tiền bối, để tại hạ đối phó với y.

Chàng phi thân qua màn chưởng ảnh giữa hai người, năm ngón tay chộp tới mạch huyệt ở cổ tay hữu của đại hán.

Đại hán không ngờ thủ pháp của chàng thần tốc đến mức ấy, chỉ cảm thấy cánh tay tê dại, mất hết kình lực.

Hứa Sĩ Công tức thời điểm ngay huyệt mệnh môn của hắn, nói:

− Tại hạ tuy không định đả thương người, nhưng nếu tình thế bức bách, có giết một vài kẻ cũng không sao.

Đại hán định hô cứu, nhưng nghe vậy quả nhiên bậm môi lại ngay.

Hứa Sĩ Công lôi đại hán vào trong phòng, điểm bốn huyệt đạo trên tứ chi, ấn hắn ngồi xuống ghế, cười nói:

− Lão phu chỉ hỏi vài câu, nếu các hạ thực thà hồi đáp, lão phu sẽ lập tức thả ra ngay.

Đại hán lạnh lùng đáp:

− Còn tùy hỏi câu gì, nếu không thể hồi đáp, thì dù đầu rơi máu chảy, tại hạ cũng chẳng thể làm cho các hạ như ý.

Hứa Sĩ Công thầm tán thưởng, hỏi:

− Lão phu tự tin sẽ không gây khó dễ... Các hạ bám theo chúng ta, có phải là để dò xét nội tình?

Đại hán đáp:

− Tại hạ phụng mệnh giám sát «Quần Anh Lầu» này, không riêng nhị vị, mà phàm là ai vào Quần Anh Quán, tại hạ đều phải dò xét xem họ từ đâu tới, diện mạo, tuổi tác thế nào.

Hứa Sĩ Công nói:

− Nghĩa là huynh đài làm theo lệnh của người khác?

Đại hán nói:

− Chẳng lẽ tại hạ dám lừa đối các vị?

Hứa Sĩ Công cười ha hả nói:

− Không biết huynh đài có thể đưa chủ nhân tới đây để lão phu kiến cáo?

Đại hán đáp:

− Điều này thứ cho tại hạ khó vâng mệnh.

Lãnh Như Băng tự biết mình chưa duyệt lãm giang hồ nên không nói một lời.

Hứa Sĩ Công giải huyệt cho gã đại hán, nói:

− Huynh đài có thể đi.

Đại hán đứng dậy, định bước ra, bỗng Hứa Sĩ Công cầm chén rượu dưới bàn lên, nói:

− Vừa rồi lão phu đắc tội, xin được phụng kính chung rượu này.

Đại hán do dự một chút, đoạn nhận chung rượu uống cạn rồi quay người bước ra.

Hứa Sĩ Công cung tay, nói:

− Thứ cho lão phu không tiễn.

Đại hán đã tới cửa, bỗng quay đầu lại, nói:

− Tại hạ có lời khuyến cáo, nhị vị tốt nhất nên sớm rời khỏi chốn này.

Cũng không đợi Hứa Sĩ Công hồi đáp, đại hán đã chạy ngay ra khỏi phòng.

Hứa Sĩ Công bỗng nói:

− Lãnh đệ hãy chờ ở đây. Lão hủ đến Thần Võ Tiêu Cục tìm Tần Phi Hổ. Ở đất Tô Châu này lão ta là nhân vật chủ chốt, có tai mắt khắp nơi. Trong vòng mấy trăm dặm, khó có động tĩnh nào qua được mặt lão ta. Đến dò hỏi lão ta về tin sư đệ là tiện nhất. Lâu thì một giờ, mau thì nửa giờ lão phu sẽ trở lại đây.

Lão Hứa nôn nóng, nói đi là đi, lập tức đứng dậy, quay mình vọt đi luôn.

Lãnh Như Băng lo cho sự an nguy của Lý Tiểu Hổ, chẳng thiết ăn uống, liền ngồi tỉnh tọa điều tức.

Vừa vận hành chân khí, tĩnh tâm gạt bỏ mọi phức niệm, bỗng có một tiếng kêu rất nhỏ vọng lại. Tiếng kêu lộ rõ vẻ kinh sợ. Lãnh Như Băng trong lòng máy động, nghĩ đến hai thanh y tỳ nữ vừa rồi dìu bạch y thiếu nữ đi ngang qua, chàng bèn đứng dậy chạy ra ngoài.

Chỉ thấy ngoài sân vắng lặng, tiếng cười nói là từ phía tiền diện vọng vào ồn ào. Lắng tai nghe, không có thanh âm gì khả nghi.

Phòng bên cạnh ở xa một chút, rất yên tĩnh, ngoài cửa có mấy chậu hoa, gió lay động nhẹ hai cánh cửa phòng, khiến cánh cửa cứ liên tục mở ra đóng vào.

Chàng sinh nghi, liền bước tới đó, bụng nghĩ thầm:

"Nếu trong phòng không có người thì thôi, nếu có nữ nhân, mình vào đó liệu có tiện chăng...".

Chàng đã tới bên cửa, lập tức giật mình.

Cách cửa ba thước, ở bên trong, hai tì nữ bị điểm huyệt nằm nghiêng, một tấm rèm vải che cảnh vật bên trong, không biết tình hình nội thất thế nào.

Lãnh Như Băng bước vào, thong thả vén tấm rèm vải, ngầm vận kình lực toàn thân vào hữu thủ, chuẩn bị giáng một đòn phá thạch thiên kinh.

Bên trong, trần thiết vẫn nguyên vẹn, không hề bị xáo trộn, một mùi thanh hương thoang thoảng.

Trên giường buông mùng, tựa hồ có một thiếu nữ trùm chăn nằm đó, tấm chăn màu hồng, khiến không thể xác định có đúng là người nằm trong chăn hay chăng.

Mọi thứ đều ngăn nắp, nếu không thấy hai tỳ nữ nằm kia, thì chẳng ai ngờ ở đây vừa phát sinh sự tình.

Lãnh Như Băng hắng giọng hỏi:

− Có ai không?

Tấm chăn hơi động đậy, nhưng không có tiếng hồi đáp.

Lãnh Như Băng nghĩ:

"Rõ ràng là nữ nhân nằm kia. Mình đường đường trượng phu, há có thể bước vào." Bèn buông rèm đang định thoái lui, bỗng nghĩ:

"Hai tỳ nữ đã bị điểm huyệt, trong này rõ ràng phát sinh sự biến, nếu ta giữ lễ nam nữ, không cứu người, chẳng phạm đại tội hay sao?" Đang nghĩ thế, bỗng nghe có tiếng bước chân đằng sau. Chàng chỉ còn cách nấp vào sau cánh cửa, ngưng thần nín thở.

Một bóng người gầy gò, y phục màu xám, tiến vào, tiến thẳng đến chỗ chiếc giường, đưa tay vén màn, lật tấm chăn màu hồng ra. Nằm trên giường là Bạch y thiếu nữ, tóc lõa xõa che mặt, không nhìn rõ diện mạo.

Người vừa vào có vẻ đắc ý mỉm cười, dĩ nhiên không phát giác Lãnh Như Băng nấp sau cánh cửa. Hắn đứng xéo góc với chàng, chỉ cần quay mặt một chút, sẽ nhìn thấy chàng ngay, nhưng hắn đang đắc ý, chỉ chằm chằm nhìn bạch y thiếu nữ.

Lãnh Như Băng ngầm chuẩn bị, chỉ cần gã kia có hành động phi lễ với thiếu nữ chàng sẽ lập tức động thủ.

Chỉ thấy gã kia lấy mặt nạ đeo lên mặt, rồi đưa tay về phía sau lưng thiếu nữ.

Lãnh Như Băng đang định xuất thủ, nhưng thấy thủ pháp của gã kia tựa hồ là để giải huyệt, bèn ngừng lại, nghĩ:

"Lỡ ta giết lầm người thì phiền, thôi cứ chờ xem, không để cho hắn có hành động phi lễ là được.".

Chỉ thấy hai tay gã kia không ngừng xoa bóp sau lưng thiếu nữ một hồi, mới thấy thiếu nữ thở một hơi dài và động đậy chân tay. Gã kia hắng giọng nói:

− Cô nương đừng sợ, chỉ cần ngươi vâng lời ta, ta quyết không sát hại ngươi.

Bạch y nữ bỗng ngồi nhỏm dậy, kinh hãi kêu lên:

− Ngươi là ai?

Gã kia xua tay nói:

− Đừng nói lớn, hai tỳ nữ của ngươi đã bị điểm huyệt, chớ mong chúng cứu ngươi.

Bạch y nữ hỏi:

− Ngươi muốn gì?

Gã kia đáp:

− Tại hạ chỉ thỉnh giáo một điều, nếu cô nương chịu nói thực, tại hạ quyết không sát hại cô nương, còn nếu không đáp ứng, thì đừng trách tại hạ dùng độc thủ.

Lãnh Như Băng rất lấy làm kỳ quái, nghĩ thầm:

"Thiếu nữ đã được giải huyệt mà không hề kháng cự, điều này chứng tỏ là nàng không biết võ công, hoặc tự biết không thể địch nổi nên chẳng dám vọng động. Gã kia thỉnh giáo nàng chuyện gì đây?".

Gã kia lấy chăn khoác lên người thiếu nữ, nói:

− Cô nương thân thể hư nhược, không cần làm gì cả.

Bạch y nữ nói:

− Người muốn hỏi gì?

Gã kia đáp:

− «Tu La Tam Thức» và «Thiên Long Bát Kiếm».

Lãnh Như Băng giật mình, nghĩ:

"Kỳ quái. Cứ theo lời giảng của Trần đại hiệp, chỉ có Trần đại hiệp và Nam Cương Nhất Kiếm biết «Thiên Long Bát Kiếm», làm sao gã kia lại hỏi bạch y nữ?".

Chỉ nghe gã kia nói tiếp:

− Cô nương chớ lừa dối tại hạ, vì như vậy sẽ chỉ bất lợi cho cả hai chúng ta.

Bạch y nữ trầm ngâm một hồi rồi đáp:

− «Tu La Tam Thức» và «Thiên Long Bát Kiếm» là những tuyệt kỹ không phải ai cũng có thể học thành. Nếu ngươi không có thiên phú tuyệt hảo thì dù tiểu nữ có nói cho biết khẩu quyết, cũng vô ích...

Gã kia nói:

− Chuyện đó khỏi cần cô nương lo hộ. Chỉ cần cô nương nói ra khẩu quyết là đủ rồi.

Bạch y nữ thở dài nói:

− Tiểu nữ khuyên người đừng có học.

Gã kia hỏi:

− Vì sao?

Bạch y nữ đáp:

− Vì tiểu nữ dù có truyền cho ngươi «Tu La Tam Thức» và «Thiên Long Bát Kiếm» thì bản thân cũng chẳng bảo toàn được tính mạng, ngươi một khi đã thuộc khẩu quyết rồi tất sẽ giết ngay tiểu nữ.

Gã kia cười hiểm độc:

− Cô nương thật thông minh, đoán đúng ngay ý định của tại hạ. Kỳ thực cô nương dung mỹ như hoa, tại hạ rất thương cảm. Một kẻ dù tâm địa độc ác cũng chẳng nỡ giết hại cô nương. Nhưng tại hạ làm thế này cũng chỉ vì bất đắc dĩ.

Bạch y nữ nói:

− Chẳng qua người sợ tiểu nữ đem «Tu La Tam Thức» và «Thiên Long Bát Kiếm» tái truyền cho kẻ khác.

Gã kia nói:

− Không sai. Nếu ai cũng biết yếu quyết, thì còn gì là võ lâm tuyệt học nữa.

Bạch y nữ nói:

− Đáng tiếc người chỉ phí tâm cơ.

Gã kia nổi giận:

− Nếu ngươi còn khi dễ ta một lời, ngươi sẽ phải nếm thống khổ đó.

Bạch y nữ tiếp:

− Tuy người đeo mặt nạ khiến tiểu nữ không nhìn thấy diện mạo, nhưng tiểu nữ thấy thân thế, cốt cách của người quyết chẳng thể nào phối luyện thành công «Tu La Tam Thức» và «Thiên Long Bát Kiếm».

Gã kia hừ một tiếng, định cất tiếng đả kích thì bạch y nữ đã nói tiếp:

− Võ công tuy ai cũng có thể học, nhưng không phải người nào cũng luyện thành tuyệt kỹ. Sư thừa cố nhiên là trọng yếu, song yếu tố quyết định là thiên tính bẩm sinh. Trông thân thể cốt cách của người, tuy cũng bình thường, nhưng không tài gì luyện thành võ công tuyệt thế được đâu.

Giọng nói của nàng tuy yếu ớt, nhưng rất thành thực và kiên quyết. Nàng hít một hơi dài, nói tiếp:

− Huống hồ ngươi đã lớn tuổi, nếu tiểu nữ đoán không sai, tối thiểu cũng ngoại tứ tuần, muốn luyện «Tu La Tam Thức», hiển nhiên đã muộn.

Gã kia tựa hồ chịu lời nàng nói là đúng, trầm tư hồi lâu, mới nói:

− Vậy ta có thể luyện «Thiên Long Bát Kiếm» được chăng?

Bạch y nữ đáp:

− Không được...

Lời nàng chưa dứt, gã kia đã giận dữ ngắt lời.

− Ngươi nói vậy, hóa ra lão phu chẳng làm nên trò gì hay sao?

Bạch y nữ đáp:

− Toàn bộ tinh hoa của «Thiên Long Bát Kiếm» là ở chiêu cuối cùng. dùng khí sử kiếm, đả thương địch nhân trong vòng một trăm bước. Lãnh lão tiền bối năm xưa sáng lập «Thiên Long Bát Kiếm» mà đến lúc tạ thế cũng chưa luyện thành toàn bộ tám chiêu. Tài năng của Lãnh lão tiền bối cao gấp người hàng trăm lần còn chưa luyện thành tinh hoa của «Thiên Long Bát Kiếm», chứ đâu phải tiểu nữ khi dể gì người.

Gã kia nghe bạch y nữ kể lại chuyện ngày xưa đầy sức thuyết phục, chờ nàng dừng lời mới hỏi:

− Chẳng lẽ lão phu học bảy chiêu cũng không được hay sao?

Lãnh Như Băng tự nhủ:

"Thì ra người sáng lập «Thiên Long Bát Kiếm» là một lão tiền bối họ Lãnh.".

Bạch y nữ trầm ngâm hồi lâu, mới đáp:

− Không được bảy chiêu cũng học chẳng nỗi.

Gã kia nói:

− Lão phu không tin như vậy. Ngươi cứ nói thử chiêu thứ nhất xem nào?

Bạch y nữ nói:

− Được! Ngươi chưa tin thì cứ thử mà coi. «Thiên Long Bát Kiếm», chiêu thứ nhất là «Tiềm long thăng thiên» phải biết phối hợp Bát Quái với Cửu Cung, kiếm giơ chéo, người theo kiếm búng mình lên cao tối thiểu một trượng, mới chúc kiếm đáp xuống, biến hóa sang chiêu «Long du đại hải». Thử hỏi khinh công của người có đạt tới cảnh giới tay không rời kiếm, thân không tạo thế, dồn lực vào kiếm mà theo kiếm bay lên, đó người tự xác định xem có làm nổi chăng?

Lãnh Như Băng nghe bạch y nữ kể đúng tên và động tác của hai chiêu «Thiên Long Bát Kiếm», thì vô cùng kinh ngạc, nghĩ thầm:

"Nàng không hề hoang ngôn!".

Chỉ nghe gã kia nói:

− Lão phu tự thấy khinh công đủ để tập luyện. Ngươi nói rõ chiêu thuật đi.

Bạch y nữ hỏi:

− Người thực sự muốn học ư?

Gã kia đáp:

− Hai loại võ công tuyệt thế như vậy, ai mà chẳng quyết tâm dốc lòng luyện tập?

Bạch y nữ suy nghĩ một lát, nói:

− Người đã liệu định tiểu nữ sẽ truyền võ công, thiết nghĩ rằng đã sớm có chuẩn bị.

Người kia đáp:

− Cô nương có gì phân phó, xin cứ nói hết ra.

Bạch y nữ hỏi:

− Người có đem theo bảo kiếm chăng? «Thiên Long Bát Kiếm» vô cùng kỳ ảo, há có thể chỉ tay không mà luyện?

Gã kia hỏi:

− Nghĩa là thế nào?

Bạch y nữ đáp:

− Người cầm bảo kiếm đứng ở giữa phòng, nghe tiểu nữ nói chiêu nào thì luyện tập theo cho đúng.

Gã kia rút ra một cây chủy thủ dài chừng một thước, nói:

− Tại hạ không đem theo bảo kiếm, dùng tạm thứ này được chăng?

Bạch y nữ đáp:

− Cũng tạm được! Ngươi hãy ra giữa phòng mà đứng, nghe tiểu nữ nói khẩu quyết.

Gã kia bỗng cười khẩy nói:

− Đêm nay quyết chẳng một ai tới đây, nếu cô nương tính giở quỉ kế gì thì chỉ là tự chuốc lấy khổ não.

Bạch y nữ nói:

− Người tin lời tiểu nữ hay không thì tùy. Dù sao tiểu nữ cũng chẳng đủ sức kháng cự, người muốn giết tiểu nữ thì chỉ cần vung tay một cái là xong.

Gã kia bỗng thoái lui ba bước, giơ chùy cao lên, hỏi:

− Chiêu thứ nhất gọi là «Tiềm long thăng thiên» phải không?

Hắn vừa thoái lui, Lãnh Như Băng định lẻn từ sau cánh cửa để ra ngoài, nhưng không thể kịp, Bạch y nữ đã nhìn thấy chàng.

Lãnh Như Băng giật mình:

"Dường như ta đã gặp cô nương này trên Liên Vân Lư thì phải?" Sợ nàng cất tiếng gọi, chàng ngầm để tụ chân khí, chuẩn bị xuất thủ.

Nào ngờ chỉ thấy Bạch y nữ vô cùng điềm tĩnh, thong thả nói:

− Không sai! Chiêu thứ nhất là «Tiềm long thăng thiên», có điều phương vị cước bộ của ngươi chưa đúng.

Gã kia hỏi:

− Tư thế này người tập võ đều sử dụng khi khởi thủ, không đúng ở chỗ nào?

Bạch y nữ cười:

− Ngươi cần nghe cho kỹ, đây là cơ hội hiếm có đó.

Lãnh Như Băng trong lòng máy động nghĩ:

"Nghe lời nàng tựa hồ như nói với ta vậy.".

Gã kia đáp:

− Hừ, cô nương đã rơi vào tay ta, không nói mà được với ta ư?

Bạch y nữ nói:

− Nếu võ công thiên hạ tương tự như «Thiên Long Bát Kiếm» thì chẳng cần gọi nó là tuyệt học.

Gã kia nói:

− Được, ngươi mau nói chỗ sai của ta coi.

Bạch y nữ hỏi:

− Minh điệp bát quái, ám hàm cửu cung, người có hiểu là gì không?

Gã kia hỏi:

− Là phương pháp đặt chân chứ gì?

Bạch y nữ đáp:

− Người chậm hiểu như vậy thì bao nhiêu lâu mới dạy xong cho ngưởi?

Gã kia lạnh lùng nói:

− Ngươi bận bịu lắm sao? Một tháng không xong thì hai tháng, hai tháng không chưa được thì nửa năm.

Bạch y nữ nói:

− Chỉ e ngươi không sống được nửa năm nữa, thế chẳng tiếc lắm sao?

Gã kia nổi giận:

− Ngươi có truyền thụ hay không thì bảo?

Bạch y nữ đáp:

− Truyền thì truyền. Tả cước đặt ở kiều vị, hữu cước ở trung cung.

Gã kia y lời đặt chân, hỏi:

− Đúng chưa?

Bạch y nữ đáp:

− Đúng rồi! Nghe đây mà di động phương vị của cước bộ.

Đoạn nàng thong thả nói cách đặt chân phối hợp bát quái cửu cung.

Gã kia đi được mấy bước đầu đúng phương vị, nhưng sau đó thì cước bộ rối loạn, đầu óc căng thẳng vã cả mồ hôi mặt.

Hắn dừng chân, đưa tay lau mồ hôi, chưa kịp cất tiếng, bạch y nữ đã quát:

− Sao lại đứng bất động như vậy?

Gã kia đáp:

− Cước bộ chưa ổn thì bất động chứ sao.

Bạch y nữ nói:

− Được, hiện tại muốn tập chính thức, thì hãy đặt kiếm ngang ngực hình chữ nhất, chính ý thành tâm.

Gã kia quả nhiên làm theo, nhắm mắt, để tụ chân khí ở đan điền, chuẩn bị.

Tuy hắn đeo mặt nạ, nhưng nhìn tư thế, cử chỉ có thể thấy hắn rất thành tâm.

Bạch y nữ nói:

− Tả thủ lệnh động kiếm quyết, hữu thủ đưa kiếm chéo lên một góc lệch phân nửa so với thân mình.

Lãnh Như Băng thầm kinh ngạc:

"Không sai! Đúng là biến hóa khởi thủ của «Thiên Long Bát Kiếm», làm sao nàng lại biết?".

Bạch y nữ dạy xong một chiêu, người đã mệt, mồ hôi đầm đìa.

Gã kia tuy chiếu theo khẩu thuật của Bạch y nữ mà luyện, nhưng phương vị cước bộ vẫn chưa biết phối hợp. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì «Thiên Long Bát Kiếm» là tuyệt học phức tạp, biến hóa kỳ ảo, ngay tài hoa như Thần Phán Trần Hải còn phải khổ luyện mấy năm mới thành, mà cũng chưa ngộ hết sự biến hóa của kiếm thế nữa là gã kia. Gã kia tựa hồ tự biết không thể nhớ được yếu quyết chỉ qua lời nói của người khác, mà dù có nhớ, thì trong thời gian ngắn cũng khó bề luyện tập thành công, bèn cất chủy thủ vào bao, nói:

− Ta những tưởng chỉ ba ngày sẽ tập xong «Thiên Long Bát Kiếm», bốn ngày sau đó sẽ tập «Tu La Tam Thức», là sẽ trở thành vô địch trong đại hội Từ Châu lần này, nhưng xem ra năm bảy ngày chẳng xong nổi.

Bạch y nữ nói:

− Điều đó chỉ tại ngươi kém cỏi.

Gã kia cười nhạt nói:

− Ta tính lầm thời gian, nhưng không thay đổi phương sách, hiện tại ta đi chuẩn bị một cỗ xe ngựa để mang ngươi rời khỏi nơi này, đến một nơi vắng vẻ, tập cho kỳ được hai tuyệt kỹ kia.

Bạch y nữ nói:

− Có năng lực thì làm gì cũng được, ngươi đã không tập được thì vĩnh viễn cũng chẳng thành, dù có biết cũng khó ngộ đến tinh hoa thâm thúy.

Gã kia nổi giận:

− Dù chỉ học được sơ sơ, ta cũng phải biết hết yếu quyết đã.

Đoạn hắn điểm huyệt đạo của bạch y nữ, rồi bước nhanh ra khỏi phòng.

Lãnh Như Băng nghe hắn nói đi chuẩn bị xe ngựa, vội nép mình vào sau cửa, chờ gã kia đi một lát mới thong thả bước ra.

Lúc này bạch y nữ nằm ngửa bất động trên giường, giương tròn mắt nhìn Lãnh Như Băng. Nàng đã bị điểm ma huyệt, muốn nói chẳng được.

Lãnh Như Băng ngắm nhìn bạch y nữ, thấy nàng mỹ lệ tột cùng, toàn thân không có một khiếm khuyết gì, ngoại trừ nước da hơi xanh và người hơi gầy một chút. Chàng đưa tay giải huyệt cho nàng thật chuẩn.

Bạch y nữ đảo mắt qua lại, từ từ ngồi dậy.

Lãnh Như Băng nhìn nàng vất vả ngồi dậy, mặt lấm tấm mồ hôi, dường như vận dụng khí lực toàn thân, thì thầm nghĩ:

"Người này thân thể quá hư nhược, không biết làm sao làm sao lại nhớ kỹ đến chiêu thế kỳ ảo của «Thiên Long Bát Kiếm»?".

Bạch y nữ mỉm cười:

− Công tử chẳng giữ qui củ gì cả.

Lãnh Như Băng kinh hãi nghĩ:

"Mình đứng đây nhìn nàng quả có chút vô lễ.".

Bèn thoái lui hai bước, nói:

− Tại hạ, tại hạ...

Bạch y nữ lau mồ hôi mặt, nói:

− Kẻ kia sắp trở lại, công tử không đi sẽ bị hắn phát giác đó.

Lãnh Như Băng nghiêm trang đáp:

− Cô nương đừng ngộ nhận, tại hạ hoàn toàn không có ý lưu lại ở đây lâu...

Cô nương sắp bị nguy hiểm, không biết tại hạ có thể giúp gì được chăng?

Bạch y nữ nói:

− Vì sao công tử muốn cứu tiểu nữ? Tiểu nữ được cứu phải cảm tạ như thế nào đây?

Lãnh Như Băng đáp:

− Gặp chuyện bất bình, rút đao tương trợ là việc bình thường, đâu phải để người cảm tạ.

Bạch y nữ nói:

− Tiểu nữ bình sinh không muốn chịu ơn ai, nếu công tử không chịu nhận cảm tạ, tiểu nữ chẳng dám phiền công tử tương trợ.

Lãnh Như Băng nghĩ:

"Người này tính cách cao ngạo, thật tương phản với thân thể hư nhược của nàng nhưng ta đã gặp cảnh này, đâu có thể bỏ mặc nàng lâm nguy." Trong nhất thời, chàng chưa biết nên làm thế nào mới phải.

Chàng đang do dự, bỗng cảm thấy một luồng ám lực vô thanh vô tức nhưng cường mãnh dị thường đã ập tới ngay sau lưng chàng.

Luận về võ công của Lãnh Như Băng, tuy tình huống đột biến, chàng vẫn có thể vọt mình né tránh, nhưng chàng chợt nghĩ, như vậy ắt ám kình kia sẽ giáng thẳng vào bạch y nữ. Trong khoảnh khắc ấy, chàng liền vận khí quét ngang một chưởng.

Nhưng chưởng pháp của chàng đã chậm hơn một bước. Ám kình kia thanh thế cực trọng, Lãnh Như Băng cảm thấy mắt nổ đom đóm, người chuối về phía trước, miệng ộc ra một bụm máu bắn thẳng vào người bạch y nữ.

Kẻ vừa rồi đã giáng một chưởng vào yếu huyệt «Mệnh môn» sau lưng Lãnh Như Băng. Còn Lãnh Như Băng thì tả thủ tựa xuống giường, hữu thủ quét một chưởng về phía sau.

«Bình» một tiếng, song chưởng tương tiếp, Lãnh Như Băng lảo đảo hai bước mới bình ổn cước bộ. Kẻ kia một chưởng toàn lực đẩy lui ba bước. Song phương vừa rồi đều dùng toàn lực phát chưởng, trong nhất thời đều không còn khí lực để tái công kích, mà đứng đối diện nhìn nhau.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-40)


<