Vay nóng Tima

Truyện:Nhất kiếm động giang hồ - Hồi 73

Nhất kiếm động giang hồ
Trọn bộ 78 hồi
Hồi 73: Dò Hư Thực
4.00
(một lượt)


Hồi (1-78)

Siêu sale Lazada

Đường Tam Cô kinh mang lên tiếng:

- Sống đến từng tuổi này, đêm nay ta mới được mở rộng tầm mắt...

Lỗ Thiếu Hoa cũng bàng hoàng nghi hoặc:

- Cái đó là pháp thuật gì mà gần như tiên đằng vân giá võ thế nhĩ?

Văn Nhân Tuấn giải thích:

- Ấy là một loại dị thuật Tây Thiên Trúc, mệnh danh "Ngự phong thuật", so với thân pháp khinh công của chúng ta thì nhanh hơn nhiều, nhưng không đi được lâu và xa như khinh công.

Lỗ Thiếu Hoa hỏi:

- Thế thì dị thuật Tây Thiên Trúc ắt còn lắm thứ quái gở, ly kỳ khác nữa?

Văn Nhân Tuấn gật đầu:

- Đúng vậy, trong "Thiên Trúc bí kíp" có đến cả trăm loại dị thuật.

Đường Tam Cô hỏi:

- Văn đại hiệp, chúng ta tính sao?

Vưu Nguyệt Cầm lên tiếng:

- Cô cô, vừa rồi cô cô không nghe Văn đại hiệp nói là chuẩn bị phó ước đó sao?

Đường Tam Cô nói:

- Nghe thì ta nghe rõ lắm rồi, nhưng điểm ta muốn thỉnh ý Văn đại hiệp là bọn họ tự dưng đưa ra ước hẹn tại chân núi Ma Vân Lãnh, nếu bọn họ đặt ngầm những bẫy rập gì đó, chúng ta khinh xuất tiến vào thì có phải là...

Văn Nhân Tuấn mỉm cười:

- Đường tiền bối cảnh giác dè dặt như thế là chí lý. Tuy nhiên, xin Đường tiền bối cùng chư vị an tâm. Vị trụ trì A Tu La viện vốn rất cuồng ngạo tự đại, chắc sẽ không đặt mai phục đâu, tuy nhiên tại hạ vẫn có sẵn dự định đề phòng.

Đường Tam Cô lại hỏi:

- Đại hiệp biết rõ vị trụ trì A Tu La viện ấy sao?

Văn Nhân Tuấn còn chưa kịp trả lời, thì Nam Cung Thu Lãnh đã khai khẩu; y đem những điều Văn Nhân Tuấn cho biết trước đó mà thuật cho mọi người nghe.

Nghe qua, cả Đường Tam Cô lẫn Lỗ Thiếu Hoa đều chấn động tâm thần, biến sắc. Lỗ Thiếu Hoa kêu lên:

- Ôi chao! Nói vậy vị trụ trì ấy nguyên là sư đệ của A Nan Hoạt Phật! Ai thì tại hạ không biết chứ về vị A Nan Hoạt Phật thì tại hạ từng nghe gia phụ nhắc đến luôn, rằng đó đúng là một vị Hoạt Phật, chẳng những xứng danh cao tăng, lại có một bản lãnh võ công quán cổ tuyệt kim, luyện đến thành tấm thân kim cương bất hoại, đạt tới mức cao tột mọi tuyệt học tuyệt kỹ... Vị trụ trì A Tu La viện đã là sư đệ của A Nan Hoạt Phật, tất nhiên bản lãnh đâu kém A Nan Hoạt Phật bao nhiêu, thảo nào y dám ngang nhiên tiến phạm võ lâm Trung Nguyên!

Đường Tam Cô đã trấn tĩnh, nói:

- Tuy thế chớ chẳng hề chi, Thiếu chủ chẳng vừa nghe Nam Cung Bá Đao nói đó sao, về võ công đã có Văn đại hiệp đối phó, về dị thuật thì Hạnh cô nương sẽ thừa sức trấn áp y. Như vậy, chúng ta không đến nỗi phải kinh mang nữa.

Lỗ Thiếu Hoa xua tay, tươi cười:

- Đường tiền bối hiểu lầm ý của vãn bối rồi! Chẳng phải vãn bối sợ y mà muốn nói rằng y tính chuyện quét sạch võ lâm chúng ta là một sự thật rất hiển nhiên, vì quả nhiên y đủ tài làm được chuyện đó, cho nên chúng ta càng cần phải hợp quần hợp lực, đem toàn năng toàn tâm đối phó.

Tư Mã Thường bỗng tỏ vẻ hăm hở, ngó Văn Nhân Tuấn, hỏi:

- Hay là nếu cần thì cho tại hạ đến chân núi Ma Vân Lãnh trước, để do thám hư thực xem sao?

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Tình hình hư thực của đối phương thì rất cần dò biết, nhưng huynh khỏi đi.

Tư Mã Thường lại hỏi:

- Sao không cho tại hạ đi?

Nam Cung Thu Lãnh hỏi lại:

- Cái đó còn phải hỏi, luận về võ công, ngươi liệu có đáng là đối thủ của vị Kiệt Ma ấy hay không; còn nói về dị thuật Tây Thiên Trúc, ngươi càng mù tịt; đã thế, để ngươi đi là đi tìm cái chết sao?

Tư Mã Thường hết cãi, đành ngắt ngư hỏi:

- Vậy thì... ai... ai đi?

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Hạnh cô nương với tại hạ đi.

Mọi người nghe nói đều xôn xao hẳn lên.

Đường Tam Cô nói:

- Mới nghe qua thì chẳng ai tán thành, vì nhị vị vốn là đầu não cuộc chiến đấu sinh tử này mà lại đi như thế, rũi có bề nào thì sao. Nhưng gẫm kỹ, chính nhị vị đi thì mới hoàn toàn không ngại sơ thất gì hết.

Lỗ Thiếu Hoa bỗng đặt nghi vấn:

- Hãy khoan! Có một điểm, Văn huynh có nghĩ tới không: nếu họ dùng kế điệu hổ ly sơn, để cho Văn huynh với Hạnh cô nương đi dò hư thực, rồi họ sẽ ập đến đây...

Hạnh Bội Thi hiểu ngay ý của Lỗ Thiếu Hoa, liền mỉm cười nói:

- Điều đó thì xin chư vị an tâm, trước khi đi, tại hạ sẽ bố trí một thuật cầm chế kẻ địch, dù họ có đến đây đông đảo đến mấy, cũng chẳng tìm thấy chư vị đâu hết. Từ bây giờ đến sáng không còn bao lâu nữa, xin chư vị an tâm nghỉ ngơi, dưỡng thần, chung quanh chỗ chư vị nghỉ ngơi sẽ có một bức màn kỳ diệu bảo vệ. Chúng tôi đi mau và sẽ về lẹ.

Theo đề nghị của Hạnh Bội Thi, mọi người lại kéo vào khoảng trống trong bìa rừng, tập trung ngồi nghỉ. Nàng liền vung đôi cánh tay ngọc, xoa xoa vào không gian một lúc, lập tức cảnh trí biến đổi hẳn và toàn trường trông như một khu đá cát trống trơn, chẳng thể thấy ra một người nào cả.

Văn Nhân Tuấn ca ngợi:

- Cô nương cao minh thật!

Hạnh Bội Thi mỉm cười:

- Đây chẳng qua là một chút tiểu kỹ, chỉ tổ múa rìu trước cửa Lỗ Ban đối với Văn đại hiệp mà thôi! Nào chúng ta đi, kẻo muộn.

Nàng giăng hai tay ra, chớp động hai lần, tự dưng cả nàng lẫn Văn Nhân Tuấn liền biến dạng.

Văn Nhân Tuấn chỉ cảm thấy có một luồng gió nhẹ nhẹ nổi lên, cho đến khi gió ngừng, thì hai người đã đến một vùng lạ rồi.

Ngước mắt nhìn, thấy cách trước mặt không xa, là một ngọn núi vừa to, vừa cao chọc trời. Dưới chân núi mờ mịt bao phủ một màn sương mù dày đặc, chẳng thể nhìn thấy được gì cả.

Văn Nhân Tuấn nói:

- Thì ra, chính bọn họ cũng dùng dị thuật tạo sương mù để phòng bị.

Hạnh Bội Thi gật đầu:

- Không sai! Người bọn họ hiện ở trong phiến sương mù dày nhứt, cách trước mặt chúng ta chừng trăm trượng, nếu người ngoài tiến vào thì không thể thấy họ, nhưng bị họ phát giác liền.

Văn Nhân Tuấn nói:

- Họ cũng cậy vào dị thuật đấy chứ!

Hạnh Bội Thi hỏi:

- Chúng ta có cần tiến gần vào họ để xem không?

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Nếu được thế thì còn gì bằng!

Hạnh Bội Thi bảo:

- Vậy thì mời Văn đại hiệp cứ đi theo sau lưng Bội Thi.

Nàng liền tiến thẳng tới.

Như vậy, đủ biết nàng đã có thuật gì đó, khả dĩ tiến sâu vào vùng sương mù của đối phương mà không bị lộ hình tích... Văn Nhân Tuấn tin tưởng hoàn toàn, lẹ làng bước theo này.

Hai người, một trước một sau, cứ tự nhiên sấn sâu mãi vào phiến sương mù. Thì ra đây là một bãi cỏ bằng phẳng, thật rộng, đạp cỏ đi một hồi, bỗng Hạnh Bội Thi đứng lại và khẽ dặn:

- Văn đại hiệp ngàn vạn lần đừng đi cách xa Bội Thi quá năm bước nhé.

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Vâng, cô nương an tâm, tại hạ nhớ rồi.

Nàng tiếp tục cất bước, rẽ sang mé tả.

Đi chừng vài chục trượng nữa, thì nàng lại đình bộ và ngoảnh lại, khẽ bảo:

- Văn đại hiệp, xin mời xem thử...

Văn Nhân Tuấn liền phóng nhãn tuyến vào chòm sương mù dễ dàng, như trông cảnh vật giữa ban ngày vậy.

Chàng thấy hằng mấy chục con người ngồi thành nhiều lớp vòng tròn, chân xếp bằng, mặt hướng ra ngoài, mắt đều nhắm.

Vòng ngoài hết là mười Tử Y Tôn giả.

Vòng thứ nhì là tám Hắc Y Tôn giả.

Vòng thứ ba là sáu Bạch Y Tôn giả.

Vòng thứ tư là Hồng Y Tôn giả.

Ngồi riêng một mình ở trung tâm điểm là một nhân vật hình dáng nhỏ bé, mình khoát cẩm y sắc nâu.

Cộng cả thảy ba mươi mốt người.

Bỗng nghe Hạnh Bội Thi hỏi:

- Nhân vật ngồi giữa có phải là vị sư đệ của A Nan Hoạt Phật mà Văn đại hiệp đã nói?

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Có thể lắm, vì theo đẳng cấp thì Hồng Y Tôn giả là cao nhứt ở A Tu La viện, thế mà nhân vật ngồi giữa lại tôn cao hơn nữa, tức là vị Trụ trì vậy.

Hạnh Bội Thi khẽ thở dài:

- Phen này A Tu La viện đem toàn lực viễn chinh, nếu chẳng có Văn đại hiệp sớm lo liệu đề kháng, e rằng võ lâm Trung Nguyên sẽ bị quét sạch thật chớ chẳng phải chuyện thường.

Văn Nhân Tuấn nói:

- Cô nương đề cao tại hạ, chớ thực ra, cô nương mới giữ phần chánh yếu trong cuộc vãn cứu bạo kiếp này vậy.

Hạnh Bội Thi lắc đầu:

- Nhưng Bội Thi xuất lực có điều kiện, làm sao bì nổi Văn đại hiệp...

Văn Nhân Tuấn nói:

- Bất luận có hay không có điều kiện, cô nương vẫn là người vãn cứu bạo kiếp như thường.

Hạnh Bội Thi lại lắc đầu:

- Một mình Bội Thi chẳng tài nào cứu nổi cả đại cuộc đâu.

Văn Nhân Tuấn gật đầu:

- Tại hạ cũng đâu có thể chỉ một mình mà vãn hồi nổi bạo kiếp.

Hạnh Bội Thi mỉm cười, nụ cười tuyệt diễm, khiến rung động lòng người, đến nổi Văn Nhân Tuấn không khỏi sững sờ.

Lại nghe Hạnh Bội Thi hỏi:

- Nhận thấy dường như chả có mai phục gì hết, Văn đại hiệp xem thế nào?

Văn Nhân Tuấn lắc đầu, đáp:

- Tại hạ cũng không thấy gì là mai phục cả.

Hạnh Bội Thi lại hỏi:

- Vậy thì chúng ta đi nhé? Nhưng, trước khi đi, có nên lưu lại vết tích gì cho họ biết là chúng ta có đến đây, để cảnh cáo họ chăng?

Văn Nhân Tuấn hỏi lại:

- Ý cô nương là muốn lưu lại cái gì đây?

Hạnh Bội Thi đề nghị:

- Nếu đồng ý thì xin phiền Văn đại hiệp, dùng chỉ lực thay cho bút, cứ viết ngay trên phiến đá bên cạnh mấy chữ.

Văn Nhân Tuấn không đợi nhắc lần thứ hai, lập tức vận chỉ lực, viết rành rành lên phiến đá mười ba chữ:

"Văn Nhân Tuấn, Hạnh Bội Thi đã một lần dạo bước đến đây."

Hạnh Bội Thi tươi cười:

- Tuyệt diệu! Nếu lão Kiệt Ma là người thức thời vụ thì tự ý rút lui, sẽ đỡ biết bao nhiêu. Nào, chúng ta đi, xin cũng theo sau tại hạ, đừng xa quá năm bước.

Nàng rão bước, Văn Nhân Tuấn cũng tiến lẹ theo.

Hai người lại một trước một sau, thoát ra khỏi màn sương mù, đến chỗ mới tới lúc đầu.

Hạnh Bội Thi bỗng vung ngọc thủ, lại một cơn gió thoảng dậy, cả hai đều biến dạng.

Gió tắt, hai người đã trở về tới cốc khẩu bên kia, Hạnh Bội Thi liền triệt giải âm trận, đám đông nhìn thấy hai người đã về, vội vây quanh hỏi han.

Hạnh Bội Thi nhứt nhứt thuật rõ mọi chi tiết. Mọi người không khỏi le lưỡi lắc đầu khi nghe nói toàn lực A Tu La viện đã xuất chinh. Đến lúc nghe kể chuyện Văn Nhân Tuấn lưu lại mấy chữ, mọi người đồng cao hứng cười rầm lên.

Lại nghe Hạnh Bội Thi nói:

- Còn một thời biểu nữa thì trời hừng đông, xin chư vị dưỡng thần cho thật tinh minh trước khi cùng nhau đi phó ước.

Mọi người đều làm theo lời nàng ngay.

Thời khắc trôi qua...

Phương Đông ửng hồng...

Mọi người có vẻ phấn chấn tinh thần, lần lượt đứng dậy.

Các vị cô nương với Hạnh mẫu và cả Đường Tam Cô thì ngồi lên hai cỗ xe; còn nam nhân đi bộ, hăm hở đăng trình.

Chẳng bao lâu, mọi người đã vượt qua ba dặm, đến dưới chân ngọn núi Ma Vân Lãnh chọc trời.

Không có sương mù, từng ngọn cây khóm cỏ đều hiện rõ.

Từ đằng xa, mọi người đã thấy những người của A Tu La viện. Họ vẫn ngồi xếp bằng y nguyên chỗ cũ.

Hạnh Bội Thi nói:

- Không ngờ cái lão Kiệt Ma vẫn chưa chịu thức tỉnh!

Nam Cung Thu Lãnh góp ý:

- Có lẽ lão cậy vào võ công, tự tin sẽ thủ thắng.

Tư Mã Thường "hừ" lạnh lùng:

- Với ngần này nhân số của phía chúng ta, e rằng họ muốn thắng còn khó hơn lên trời!

Đường Tam Cô lên tiếng:

- Văn đại hiệp, có cần sử dụng độc chất của Đường môn không?

Văn Nhân Tuấn đáp:

- Hiện giờ thì chưa cần, đến chừng nào quả nhiên quá cần thì vãn bối sẽ cho tiền bối hay để động thủ.

Đường Tam Cô gật đầu:

- Hay lắm, cứ như thế, ta cũng nên chuẩn bị sẵn cái đã.

Mọi người đã đến gần, Văn Nhân Tuấn đưa tay ra hiệu cho ai nấy đều dừng lại, chỉ còn cách đối phương chừng hai trượng. Những chữ của Văn Nhân Tuấn viết trên phiến đá, mọi người đều đọc thấy rõ ràng.

Văn Nhân Tuấn hướng vào nhân vật nhỏ bé khô cằn đang ngồi giữa, ôm quyền thi lễ, ứng tiếng:

- Đại sư! Văn Nhân Tuấn cùng bạn hữu đã đến phó ước y hẹn.

Nhân vật nhỏ thó khô cằn bỗng bắn tia nhãn tuyến như hai luồng điện, xạ qua phía Văn Nhân Tuấn rồi cất giọng tợ băng giá:

- Các hạ là Văn Nhân Tuấn?

Văn Nhân Tuấn khẽ gật đầu:

- Không sai!

Nhân vật khô cằn lại hỏi:

- Còn ai là Hạnh Bội Thi?

Hiển nhiên lão đã đọc qua rồi, mười ba chữ trên phiến đá, nên mới biết mà hỏi như vậy.

Hạnh Bội Thi tươi cười đáp:

- Thưa đại sư, chính là tiểu nữ đây.

Nhân vật khô cằn quét hai luồng nhãn điện về phía Hạnh Bội Thi, khẽ "hừ" một tiếng lạnh lùng nói:

- Thì ra, đều là một lũ hậu sinh tiểu tử, miệng còn hôi sữa cả!

Văn Nhân Tuấn hỏi:

- Đại sư, cái đạo lý "lớp sóng sau đè lớp sóng trước" và "anh hùng hào kiệt xuất hiện từ thiếu niên" chẳng lẽ đại sư không biết?

Nhân vật khô cằn vẫn ngồi bất động, nhưng chiếc cẩm bào bỗng phình to ra và hai luồng mục quang lãnh điện càng sáng rực, trầm giọng quát:

- Lẽo mép! Bọn ngươi chỉ biết chút ít Thiên Trúc thần thuật mà đáng gì?

Văn Nhân Tuấn mỉm cười, hỏi lại:

- Còn trình độ dị thuật Thiên Trúc của đại sư cao thâm tới đâu?

Nhân vật khô cằn đang ngồi, thình lình rời khỏi mặt đất, bay vọt lên, nhưng rồi lại hạ xuống, cất giọng mai mỉa:

- Được! Được! Hãy tại cho phép các ngươi khua môi múa mõ một chốc lát cũng chẳng sao. Nghe ta hỏi đây, bọn ngươi đã học được Thiên Trúc thần thuật ở đâu?

Văn Nhân Tuấn nói:

- Đúng ra là phải hỏi Hạnh cô nương chớ không nên hỏi tại hạ.

Nhân vật khô cằn ngó Hạnh Bội Thi, hỏi:

- Sao? Ngươi biết Thiên Trúc thần thuật?

Hạnh Bội Thi khẽ gật đầu:

- Không sai! Đại sư không ngờ?

Nhân vật khô cằn lớn tiếng:

- Ta không tin! Chỉ có chuyện là ta từng nghe môn hạ cho hay ở Tiêu Dao cốc...

Văn Nhân Tuấn ngắt lời:

- Vụ đại náo Tiêu Dao cốc là do tại hạ. Mặc dầu cũng có biết Thiên Trúc dị thuật, nhưng sự thật tại hạ chỉ biết chút ít thôi. Còn Hạnh cô nương mới đáng kể là một đại gia, có thể xưng là Đệ nhứt hảo thủ Thiên Trúc dị thuật mà không ngại ai tranh nổi.

Nhân vật khô cằn chầm chậm nhìn Hạnh Bội Thi, hỏi:

- Nói vậy ngươi biết Thiên Trúc thần thuật thật chứ?

Hạnh Bội Thi đáp:

- Đương nhiên là thật.

Nhân vật khô cằn lại hỏi:

- Ngươi đã học Thiên Trúc thần thuật của ai, ở đâu?

Hạnh Bội Thi đáp:

- Nói cho Đại sư biết cũng chẳng hại gì, tiểu nữ đã học từ trong một quyển sách.

Nhân vật khô cằn hỏi tiếp:

- Một quyển sách ư? Đó là sách gì?

Hạnh Bội Thi vừa trả lời, vừa hỏi lại:

- Thiên Trúc bí kíp, Đại sư từng nghe nói chưa?

Nhân vật khô cằn liền biến sắc, hỏi gấp:

- Nói sao? Ngươi có Thiên Trúc bí kíp ư?

Hạnh Bội Thi đáp:

- Không sai!

Nhân vật khô cằn cười lạt:

- Ta biết là có một quyển Thiên Trúc bí kíp và chính ta đã từng kiếm tìm bí kíp ấy trên mười năm rồi mà chưa thấy, thì kẻ hậu sinh như ngươi làm sao có được?


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-78)


<