Vay nóng Homecredit

Truyện:Cô gái Mãn Châu - Hồi 42

Cô gái Mãn Châu
Trọn bộ 92 hồi
Hồi 42: Viên Thái Giám Họ Tào
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-92)

Siêu sale Shopee

Tâm sự của Lý Đức Uy bây giờ thật như treo đá.

Bên cạnh nỗi khó khăn của đại cuộc, tuy chưa đến nỗi nguy hiểm rõ ràng nhưng bằng vào cảm giác, bằng vào uy thế của triều đình, bằng vào sự rối loạn nhân tâm, hắn thấy thật là mệt nhọc, thêm vào đó những khó khăn của tâm tình, những tâm tình dính liếu vào chuyện nước, chuyện thù, những tâm tình dễ sanh, khó chết mà lại rất mong manh!

Suốt dọc đường không thấy bóng Mẫn Tuệ, lòng hắn lại càng bấn loạn, mãi cho đến khi tới cửa Đô đốc phủ hỏi ra biết nàng đã về rồi, hắn mới tạm yên lòng.

Nói "tạm" là vì chuyện khó khăn hắn thấy khó mà chấm dứt, vì hắn nhìn rõ sự bực tức của Mẫn Tuệ và hắn đã biết rõ tính nàng, càng biết rõ tính nàng Đức Uy càng thấy thật là khó xử.

Đến trước thơ phòng của Dương đô đốc, thơ phòng đèn sáng nhưng không nghe động tịnh.

Hắn đưa tay gõ nhẹ.

Tiếng Dương đô đốc hỏi:

- Ai?

Cửa mở, hắn thấy Mẫn Tuệ có mặt trong đó, thấy hắn, nàng hơi cúi mặt.

Hắn làm như không thấy cử chỉ đó, hắn bước tới vòng tay thi lễ và Dương đô đốc mỉm cười:

- Ngồi đi, hiền điệt!

Đức Uy ngồi xuống và Dương đô đốc nói tiếp:

- Lão phu đã cho sắp xếp chỗ cho Tổ cô nương ở hậu dinh để cho Mẫn Tuệ có dịp gần gũi tâm tình. Thật khó được một người con gái vừa hiếu thuận vừa cương trực như nàng.

Đức Uy thở ra:

- Rất mong sự hy sinh của nàng được đổi lại bằng một tương lai sáng lạng...

Dương đô đốc nói:

- Như Mẫn Tuệ thuật chuyện xung đột giữa Nam Cung Nguyệt và Tổ Tài Thần, bây giờ Tổ cô nương lại ở trong tay mình, chắc chắn Tổ Tài Thần cũng không dám đi mạnh với Mãn Châu đâu, như vậy kể cũng như nàng đã thu được kết quả tốt quá rồi...

Ngưng một giây, ông ta lại nói:

- Bây giờ thì Tổ Tài Thần và Nam Cung Nguyệt rất khó lòng tiến hành chuyện kết minh với Mãn Châu, chỉ còn lại Cúc Hoa đảo và Mông Bất Danh, nhưng cũng chưa có gì rõ ràng cho lắm. Bây giờ, nếu được thêm hậu nhân của "Tử Kim Đao" với mình thời Tây ngũ tỉnh này coi như tạm yên tịnh. Mãn Châu cũng được, Lý Tụ Thành cũng được, cứ binh đến thì tướng ngăn, nước tràn đất chận. Đáng ngại là các tỉnh bắc phương, mấy lúc nay nơi đó dụng binh có nhiều thất lợi, cuộc diện có phần yếu thế, chỉ hy vọng vào các hiểm ải dọc trường thành để ngăn chặn địch quân...

Ông ta lắc đầu thở ra và không nói nữa.

Đức Uy trầm ngâm:

- Có thể chống được không cho binh lực Mãn Châu tràn nơi quan ngoại, binh ổn cuộc năm tỉnh miền tây thì triều đình tạm thời coi như không có gì nguy hiểm.

Dương đô đốc thở ra:

- Cũng mong như thế ấy...

Tuyệt nhiên, ông ta không hề đá động đến chuyện hội kiến giữa Thất Cách Cách và Lý Đức Uy.

Không lẽ Mẫn Tuệ không nói lại?

Mà cho dầu Mẫn Tuệ không nói nhưng biết tại "Cùng Gia bang" có chuyện thì ông ta cũng phải hỏi chớ? Vậy mà Dương đô đốc vẫn ngậm miệng làm thinh.

Ông ta có thể làm thinh, nhưng Đức Uy thì không thể.

Trong khi Dương đô đốc trầm ngâm thì Đức Uy lên tiếng:

- Thưa lão bá, có một chuyện tiểu điệt cần báo cáo, nhưng trước khi báo cáo, tiểu điệt xin lão bá thứ lỗi cho...

Dương đô đốc cười:

- Hiền điệt không cần phải nói, ta đã biết rồi, Mẫn Tuệ tánh tình buông lung, nếu có trách là trách nó chớ hiền điệt có lỗi gì. Lập trường của hiền điệt và lập trường của ta không hoàn toàn giống nhau được, ta là một kẻ nắm trọn binh phù của Tây ngũ tỉnh, chức trách của ta là điều binh dụng tướng bảo vệ từng tấc đất cho Đại Minh triều, bảo vệ sanh mạng và tài sản bá tánh phải làm sao từng tấc đất, từng con người không bị mất mát không bị xâm chiếm. Còn hiền điệt thì không phải thế, hiền điệt trong tư thế của một nhân vật giang hồ, đánh những cú thật nặng, thật bất ngờ vào kẻ địch, đeo dính họ về sức cũng như về trí, ta đứng ngoài sáng, hiền điệt đứng trong tối, sáng có cách hành động của sáng, tối có cách hành động của tối, vì thế lập trường tuy giống nhau về mục đích, nhưng không thể giống nhanh về hành động. Trong công việc của iền điệt không thể không có bạn, có những người bạn cùng chí hướng, cùng hành động, những người bạn không như thế họ chỉ giúp một vài khía cạnh nào đó mà thôi, thậm chí còn có những người bạn ngay trong lòng địch, trong hàng ngũ địch. Ngoài sự lợi dụng những người có thể, còn cần có những tư giao có tánh cách thành thật, điều đó chuyện tự nhiên Thất Cách Cách cũng thế, hiền điệt cần phải nhờ vả, cần phải giúp đỡ.

Đức Uy cảm động:

- Đa tạ, lão bá rộng dung...

Dương đô đốc lắc đầu:

- Đâu có gì, vừa rồi ta đã nói mỗi người có mỗi nhiệm vụ và hành động khác nhau, nó là chuyện vô cùng phức tạp, vi diệu, đôi khi, phá thành giết tướng vẫn là hạ sách.

Nhưng tiêu diệt tận gốc những âm mưu, bóp nghẹt hành động của địch nhân trong trứng nước, đó là thượng sách, huống chi, nắm "Ngân Bài lệnh" trong tay, hiền điệt mặc nhiên đã có Thánh chỉ, ta còn phải nghe theo Hiền điệt chớ.

Đức Uy nói:

- Đô đốc lão bá quá lời làm cho tiểu điệt bất an.

Dương đô đốc vụt khoát tay:

- Thôi, chuyện đó bỏ qua đi, bây giờ nói chuyện về vị Thất Cách Cách Mãn Châu xem có phải nàng muốn được Tổ cô nương lại không?

Không hiểu rõ ý của Dương đô đốc, Đức Uy chỉ gật đầu:

- Vâng, quả có như thế.

Dương đô đốc nói:

- Ta có nghe nói vị Thất Cách Cách Mãn Châu là con người đường hoàn lắm phải không?

Đức Uy ấp úng:

- Điều đó... vâng, quả có như thế.

Dương đô đốc gật đầu:

- Cao xanh hình như quá bất công, hình như cố làm khốn đốn những bậc tài hoa.

Ta là con người từ trước luôn ái mộ những kẻ có tài, cho dầu đó là kẻ địch. Cho dầu họ là người thế nào, nếu họ có tài, ta cũng đều thương tiếc. Nghe nói chuyện tư giao giữa Thất Cách Cách và hiền điệt làm ta cũng ái mộ và cũng cảm thương, giả như nàng vì chuyện tư giao ấy mà bị liên luỵ, bằng vào tình thật bằng vào nghĩa cử, hiền điệt cũng không thể tọa thị điềm nhiên...

Đức Uy nghe thấy tim mình đập mạnh, hắn có vẻ bất an...

Dương đô đốc cười:

- Bây giờ ta có thể cho hiền điệt biết, Mẫn Tuệ không có ác ý gì đâu, nó thử Thất Cách Cách đó, chính sau cuộc gă? gỡ này, Mẫn Tuệ cũng đâm ra thương xót con người ấy vô cùng, ta muốn nói với hiền điệt là ta và Mẫn Tuệ cùng một ý như nhau.

Đức Uy sửng sốt, bất giác hắn đưa mắt nhìn quanh về phía Mẫn Tuệ...

Mẫn Tuệ cười:

- Thử một cú mà may không đã hại Lý đại ca rồi.

Đức Uy nóng mặt:

- Sao muội muội không nói trước?

Mẫn Tuệ cười:

- Nói trước cho Lý ca biết thì làm sao thử được? Nếu Lý ca không liều mạng cản ngăn như thế thì làm sao tiểu muội thấy được cái nát lòng của người đẹp Mãn Châu?

Đức Uy ửng mặt:

- Dương muội, họ với mình là địch...

Dương đô đốc cười:

- Trong sử sách thiếu gì chuyện xảy ra như thế, nó là vấn đề ngang trái mà đời nào cũng có, Thất Cách Cách là một kỳ nữ tử, ta rất thương tiếc cho nàng, thương xót hoàn cảnh của nàng, giá như hiền điệt có thể lôi kéo được nàng, chẳng những nó đẹp cho cuộc ban giao giữa hai dân tộc Mãn hán, mà trong lịch sử chiến tranh giữa hai nước, sau này se còn được một trang huy hoàng nhứt từ trước đến nay...

Mẫn Tuệ nhìn Đức Uy, nàng cười, cười đến mức Đức Uy không dám ngẩng mặt lên...

Hắn nghe lòng hắn rộn ràng, một ước vọng không hiển hiện nhưng sâu đậm, hắn nghĩ một ngày mai nào đó, nhưng rồi hắn lại thở dài...

Hắn biết rõ lòng hắn, cũng như hắn biết rõ lòng người con gái Mãn Châu...

Tương lai thật là mờ mịt y như khói lửa chốn biên thùy.

*****

Bất cứ một nha phủ nào, nhứt là những nơi trọng yếu, những nơi có tánh chất quân binh, như Đô đốc phủ, những nơi ấy không khi nào có thể nghe thấy tiếng vó ngựa.

Vì phạm vi canh phòng rộng lớn, bất cứ ai muốn đến cũng đều phải dừng ngựa ngoài xa với một giới hạn có định trước.

Nhưng bây giờ thì ngồi trong thư phòng của Dương đô đốc lại nghe vó ngựa nện từ xa dẫn tới rộn ràng Đó cũng không phải là chuyện không có xảy ra, nhưng nó là điểm đặc biệt.

Vì bất cứ nơi cấm ngặt nào, cũng có trường hợp ngoại lệ, vì có những con người ngoại lệ.

Đức Uy đang xốn xan áy náy vì đôi mắt xói mói, vì cái cười chọc ghẹo của Mẫn Tuệ, được dịp "giải thoát", hắn vội đứng lên:

- Lão bá, tiểu điệt ra ngoài xem...

Nhưng hắn chưa bước ra thì bên ngoài có tiếng:

- Thuộc hạ Lý Hóa Nghĩa xin báo cáo đại nhân.

Dương đô đốc cau mày:

- Cứ vào.

Một tên hộ vệ bước vào cúi đầu thật thấp:

- Bẩm Đô đốc đại nhân, có một vị khách họ Tào ở Kinh sư cầu kiến.

Dương đô đốc cau mày:

- Khách họ Tào ở Kinh sư? Ai thế? Và một người hay nhiều người?

Lý Hóa Nghĩa bẩm:

- Bẩm, có nhiều hộ vệ.

Đức Uy nói:

- Để tiểu điệt ra ngoài...

Dương đô đốc đưa tay cản lại:

- Không, cứ để họ vào.

Lý Hóa Nghĩa trở ra có tiếng bước chân vào tới cửa.

Dương đô đốc đứng lên.

Dẫn đầu là một người hơn bốn mươi tuổi, mày thưa mắt híp, hai má "miếng bầu" trịu mỡ, nước da trắng đến phát xanh, cách ăn vận cực kỳ quan trọng.

Theo sau bốn tên lực lưỡng, bộ pháp nhanh nhẹn, mắt sáng như sao, chỉ nhìn qua là biết những tay võ dõng không phải tầm thường.

Dương đô đốc sửng sốt kêu lên:

- Tào công công.

Đức Uy hiểu ngay đó là một viên Thái giám.

Tào thái giám bước lên, hai tay vòng lại, đầu hắn cúi thật thấp.

Bốn tên đại hán đi sau cũng cúi đầu theo.

Tự nhiên, Mẫn Tuệ và Đức Uy đều biết đó là Nội thị Hoàng cung và bốn tên đại hán là "Cẩm Y Thị Vệ" nhưng có điều khá lạ không hiểu họ đến Trường An làm chi, lại cầu kiến Đô đốc phủ đang đêm như thế?

Nhứt định là đại sự, thường thường phải là mang chiếu của nhà vua.

Sau khi vái chào Đô đốc, Tào Thái ngẩng nhìn Mẫn Tuệ và cười:

- Dương tiểu thơ cũng có nơi đây, lâu quá rồi không gặp, tiểu thơ vạn an.

Mẫn Tuệ lạnh lùng:

- Cám ơn, không dám, xin thỉnh an Tào công công.

Như vậy là trong khi vào cung với Công chúa Trường Bình, Mẫn Tuệ đã từng gặp vị thái giám này rồi.

Tào thái giám cười cười:

- Từ ngày tiểu thơ trở lại Trường An, Công chúa ngày nào cũng tư niệm. Thật là lạ, trong cung cũng có nhiều vị tiểu thơ, nhưng đặc biệt chỉ mỗi mình Dương tiểu thơ là Công chúa quý mến, ngoài ra không bầu bạn ai nữa cả.

Cứ nghĩ Đức Uy là tên hộ vệ của Dương đô đốc, nên Tào thái giám không hề để ý, lão ngồi xuống chiếc ghế bên trái của Dương đô đốc, bốn tên "Cẩm Y Thị Vệ" đứng sát bên sau lưng ông ta.

Dương đô đốc nói một câu khách sáo:

- Tào công công đường xa mệt nhọc...

Tào thái giám cười:

- Không dám, làm sao bằng vào sự lao tâm lao lực như Dương đại nhân, trong cơn binh hoang mã loạn này, chính chư vị trọng trấn mới là tân khổ.

Đôi bên nói vài câu tách cách đưa đẩy, chứng tỏ tuy quen biết nhau nhiều nhưng không hề thân mật.

Tào thái giám chớp mắt:

- Đô đốc đại nhân, Tây ngũ tỉnh bình yên lắm chớ? Bao nhiêu lâu nay Hoàng thượng có vẻ nhẹ lo, vì biết chắc Tây ngũ tỉnh đã có đại nhân thì nhất định là yên lành.

Dương đô đốc nói:

- Nhờ hồng phúc Thánh thượng, Tây ngũ tỉnh đến nay vẫn cố gắng được bình yên.

Tào thái giám nói:

- Như vậy thì hay biết bao nhiêu. Chắc đại nhân biết có chuyện quan trọng từ Kinh sư rồi chớ.

Dương đô đốc nói:

- Chính bản chức đang muốn thỉnh giáo.

Tào thái giám thấp giọng:

- Tôi có mang Thánh chỉ.

Dương đô đốc nhốm mình lên:

- Sao Công công không cho biết để bản chức lo hương án...

Tào thái giám đưa tay ngăn lại:

- Không, Đô đốc đại nhân, đây là mật chỉ, xin đại nhân cho lui tả hữu.

Dương đô đốc nói:

- Xin Công công yên lòng, thơ phòng đều không có người ngoài.

Tào thái giám liếc nhẹ Lý Đức Uy, nhưng ông ta không nói gì chỉ chầm chậm lấy ra một cuốn lụa trao cho Dương đô đốc.

Bằng tất cả dáng cách trang trọng, Dương đô đốc đứng lên hai tay tiếp lấy mở ra xem lướt qua và biến sắc.

- Tào công công, Thánh thượng triệu bản chức hồi kinh.

Mẫn Tuệ rúng động, nàng buột miệng kêu lên:

- Cha...

Dương đô đốc đưa tay nhưng ông ta vẫn không quay lại.

Tào thái giám nói:

- Vâng, đại nhân gần đây chiến cuộc phía Bắc quá khẩn trương, có nhiều thất lợi.

Hồng Thừa Trù bị bắt, Ngô Tam Quế bỏ quân trốn đi, Hoàng thượng phẫn nộ phát tháo chưa từng thấy tại Ngự thơ phòng và sau đó là quyết định triệu đại nhân hồi kinh, muốn nhờ vào uy hổ của đại nhân để cứu vãn miền biên bắc.

Dương đô đốc nói:

- Thánh chỉ đã đến, tự nhiên bản chức phải tuân mạng, chỉ có điều quân vụ của Tây ngũ tỉnh.

Tào thái giám vội nói:

- Kinh sư đã an bày, đem quân vụ về cho Chỉ huy sứ các tỉnh đãm niệm họ sẽ trực tiếp theo chỉ thị của dinh bộ.

Dương đô đốc nói:

- Công sự an nguy của Tây ngũ tỉnh quan trọng lắm...

Tào thái giám nói:

- Chuyện đó chắc Kinh sư đều biết, nhưng Kinh sư lại nằm về phía bắc, tiếp cận Trường An, nếu một mai Trường An thất thủ, địch quân hãm nhập Kinh sư thì Tây ngũ tỉnh dầu có quan trọng đến mấy cũng trở thành vô ích.

Dương đô đốc cau mày:

- Công công muốn bản chức đi ngay bây giờ?

Tào thái giám đáp:

- Đó là Hoàng thượng cần gấp và thánh chỉ cũng có nói rõ rồi.

Dương đô đốc mím mội một hồi lâu rồi gật đầu:

- Được rồi.

Đức Uy bước tới đưa tay, mặt hắn hơi đanh lại:

- Khoan đại nhân... Tây ngũ tỉnh quan hệ khá lớn, quân ngũ không thể một ngày vắng chủ, tướng sĩ không thể đi như thế ấy.

Tào thái giám xạm mặt:

- Ngươi là cái gì? Tại sao không biết quy củ như thế?

Dương đô đốc vội nói:

- Công công, đây là nghĩa tử của "Ngân Bài lệnh chủ" Bố Y Hầu...

Tào thái giám sửng sốt:

- Nghĩa tử Bố Y Hầu...

Nhưng rồi ông ta lại cười lạt:

- Đô đốc đại nhân hãy đề phòng bọn giang hồ thảo khấu mượn danh, Thánh thượng quả có tuyện triệu Bố Y Hầu, nhưng người đã cáo lão không ra, chính Thánh thượng cũng đã không vui, làm gì có chuyện này? Bay đâu!

Hai tên "Cẩm Y Thị Vệ" ứng tiếng xông lên..

Mẫn Tuệ quắc mắt bước lên và hai tên "Cẩm Y Thị Vệ" đã bị Dương đô đốc đưa tay cản lại:

- Công công đã hiểu lầm, đây quả là "y bát truyền nhân" của Bố Y Hầu...

Và ông ta quay lại bảo Đức Uy:

- Hiền điệt hãy trao "Ngân Bài lệnh".

Thật tình không muốn chút nào, nhưng không thể không tuân theo Dương đô đốc, Đức Uy đành miễn cưỡng lấy "Ngân Bài lệnh" trao ra.

Vừa thấy tấm thẻ bài có chạm con rồng năm móng là thái độ Tào thái giám đổi ngay, ông ta quay phắt lại nạt hai tên thị vệ và quay qua cúi rạp mình:

- Thấy lịnh như thấy Lão hầu gia, nô tài xin đanh lễ!

Ông ta thi lễ xong rồi ngẩng mặt lên cười nói với Đức Uy:

- Không biết Tiểu hầu gia có mặt, nô tài vô lễ thật tội đáng chết, đáng chết!

Đức Uy cất ngân bài và điềm đạm:

- Không dám, nghĩa phụ tuy có ban lịnh bài, nhưng tại hạ vốn là giang hồ thảo dân, tại hạ không dám.

Mẫn Tuệ cười lạt:

- Công công, lần sau có muốn bắt người, xin nói cho một tiếng, ở đây tại Đô đốc phủ chúng tôi tuy bất tài, nhưng cũng không đến nỗi phải đến đại giá của "Cẩm Y Thị Vệ".

Tào thái giám đỏ mặt, lão lại cúi rạp mình:

- Không dám, không dám, có câu "thất trị giả bất tội" lại có câu "đại nhân bất kể tiểu nhân chi quá"... thật ra trong lúc binh hoang mã loạn này, nô tài không thể không cẩn thận...

Đã định làm thinh, nhưng câu nói của viên thái giám họ Tào bỗng làm cho Mẫn Tuệ nổi xung, nàng cười khẩy:

- Công công luôn cẩn thận cũng phải, nhưng chắc một người chức phận Hữu Quân Đô Đốc, lãnh binh phù năm tỉnh miền Tây như cha tôi chắc cũng không dám cẩu thả đâu.

Biết càng nói càng bất lợi, Tào thái giám cúi đầu vâng dạ chớ không dám nhích môi.

Bắt đầu xảy chuyện, Dương đô đốc bực dọc không muốn nói, bây giờ ông ta mới lên tiếng:

- Đêm đã quá khuya, Công công cũng quá mệt, xin thỉnh vào nội phủ nghỉ ngơi, sáng mai bản chức sẽ cùng với Công công trở về kinh.

Tào thái giám ứng thanh lui bước rời phòng cùng đám đại thị vệ.

Mẫn Tuệ nói ngay:

- Cha, không thể bỏ quân vụ Tây ngũ tỉnh này được.

Dương đô đốc nói:

- Cha cũng biết sự quan trọng của Tây ngũ tỉnh, nhưng bắc thành quân sự khẩn cấp, sát cận Kinh sư, vả lại đây là thánh chỉ...

Mẫn Tuệ nói:

- Tướng ở ngoài, đôi khi không thể theo chỉ vua...

Đức Uy ngồi xuống và hắn hỏi ngay:

- Lão bá, vị Thái giám họ Tào này, tiểu điệt chưa từng gặp...

Dương đô đốc nói:

- Tào Hóa thuần, dẫn đầu những kẻ hư đốn nhất là hắn đó.

Đức Uy cắn môi à nho nhỏ:

- Như vậy là Tào Háo Thuần, thật nghe danh không bằng thấy mặt...

Dương đô đốc cười:

- Sao? Đức Uy, cháu cũng thấy nhìn không vô được con người ấy phải không?

Đức Uy nói:

- Chỉ mới gặp lần đầu, tiểu điệt kh6ng có gì ác ý, cũng không phải vì chuyện hống hách vừa rồi, nhưng thật tình thì con người đó có một bộ mặt gian ác quá, Mẫn Tuệ cười:

- Còn hơn nữa chớ.

Dương đô đốc cau mặt:

- Mẫn Tuệ...

Mẫn Tuệ mím môi:

- Con nói không phải sao cha?

Dương đô đốc nói:

- Biết trong lòng như thế là đủ rồi, nói ra bằng lời đâu có ích chi.

Mẫn Tuệ muốn nói thêm, nhưng thấy cha không bằng lòng nên nàng mấp máy làm thinh.

Dương đô đốc cũng không muốn con buồn, nên ông ta cười:

- Thôi, thì giờ ít lám để cha nói chuyện với Lý đại ca của con.

Mẫn Tuệ đáp:

- Thì cha nói đi, con ngồi đây nghe chớ con không có xía vô đâu.

Dương đô đốc cười và quay qua Đức Uy:

- Đức Uy, sáng sớm ta phải đi rồi, trước khi đi, ta có hai việc nhờ hiền điệt.

Đức Uy nói:

- Xin lão bá cứ dạy.

Dương đô đốc nói:

- Có hai việc một công một tư, nhưng công hay tư gì ta cũng chỉ nhờ nơi cháu.

Ngưng một chút, giọng ông ta có hơi trầm:

- Trước hết là việc công, sau khi ta đi rồi, xin cháu cố sức giúp cho Chỉ huy sứ Thiểm Tây, bây giờ tạm thời ta trao binh quyền Tây ngũ tỉnh cho người ấy, ta cũng sẽ dặn dò để ông ta nghe theo lời cháu nhiều hơn.

Đức Uy nói:

- Xin lão bá yên lòng, tiểu điệt sẽ nguyện hết sức mình.

Dương đô đốc cười:

- Đối với hiền điệt thì ta đâu có gì không yên lòng, không yên lòng là về phần vị Chỉ huy sứ Thiểm Tây đó thôi.

Đức Uy nói:

- Chỉ huy sứ Thiểm Tây nguyên là một tướng tài, đã từng là Chỉ huy sứ một tỉnh trọng yếu, chắc chắn người sẽ làm tròn nhiệm vụ...

Dương đô đốc gật đầu:

- Ta cũng cầu mong như thế...

Ngưng lại một giây, ông ta thấp giọng thêm chút nữa:

- Thứ hai, là chuyện tư, Đức Uy, cho dầu công hay tư, ta cũng xin nhờ vả cháu....

Ta định về Kinh một mình thôi.

Mẫn Tuệ sững sờ và Đức Uy vội nói:

- Lão bá một mình...

Dương đô đốc gật đầu:

- Ta không định cho Mẫn Tuệ theo, Đức Uy cháu nên biết, trong khi chỉ huy chiến đấu, không được để phân tâm, mà muốn thế, Mẫn Tuệ cần phải có nơi nương tựa vững vàng...

Mẫn Tuệ nhăn mặt:

- Cha...

Dương đô đốc khoát tay:

- Con hãy để cho cha nói chuyện với Lý đại ca...

Ông mím miệng thở ra, sắc mặt có nhiều tư lự.

Đức Uy biết vấn đề quan trọng, hắn ngồi yên không dám ngỏ lời...


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-92)


<