Vay nóng Homecredit

Truyện:Cô gái Mãn Châu - Hồi 49

Cô gái Mãn Châu
Trọn bộ 92 hồi
Hồi 49: Binh Dậy Lửa Trường An
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-92)

Siêu sale Shopee

Vừa ngồi lên, Đức Uy bỗng nghe xương sống mình lành lạnh, hắn ngạc nhiên, đưa tay mò ra sau, quần áo phía trước đã khô nhưng dưới lưng hãy còn âm ẩm...

Nhìn xuống giường chỗ hắn vừa ngồi dậy, nơi đó vạt giường còn ướt nhiều hơn.

Đức Uy hiểu rất nhanh.

Hắn đã được người vớt lên từ dưới nước, nhưng không được người thay y phục, vì thế, thân trước nhờ hơi ẩm trong nhà, nhờ gió nên khô, còn bên dưới thì vẫn ướt.

Hắn hiểu như thế và chính cái hiểu đó làm cho hắn giật mình.

Có thể nằm trên giường này cho đến khô quần áo, nhất định phải trải qua một ngày, vì khi hắn rơi xuống nước thì đã quá ngọ rồi, người vớt hắn lên mà không thay dùm quần áo thì trong buổi chiều đến giờ không thể khô quần áo được.

Như thế hắn đã nằm ở đây suốt một ngày nữa rồi sao.

Cây đèn trong gian nhà tranh này phải có người đốt, vậy người đốt đèn đó ở đâu?

Hắn định thần và kêu nho nhỏ:

- Có ai đây không?

Bốn phía lạnh như tờ. Hắn gọi lớn hơn:

- Có ai ở đây không?

Chỉ có tiếng của hắn dội lại.

Bốn phía vẫn im rơ.

Người đi vì bận việc, hay là vì cứu không được hắn, thấy hắn chết nên sợ bỏ đi?

Cho dầu thế nào, trong nhà không người phải là chuyện mà cây đèn được đốt lên.

Đức Uy bước xuống giường, người hắn nhẹ, đầu hắn nặng, nhưng vẫn còn đi được.

Hắn vừa xuống giường thì ngọn đèn trên bàn nhỏ lại. Càng lúc càng nhỏ lại. Có thể đã cạn dầu.

Đèn cạn dầu là tắt, khoảng thời gian chợt thấy lu và đến tắt rất nhanh.

Đức Uy chưa bước lại gần bàn thì ngọn đèn tắt ngấm. Cách tắt của ngọn đèn quả đã hết dầu, hết lần rồi tắt.

Bây giờ thì bóng tối đã bao trùm.

Gian nhà tranh tuy nhỏ, nhưng vẫn có "tiền đường", chỗ Đức Uy nằm là gian buồng nhỏ, bước ra cửa là đụng "tiền đường", cũng có thể gọi là "khách thính" vì gian nhà nhỏ quá và trước nữa là đụng sân.

Trời tối, trong buồng càng tối, nhưng bước qua "khách thính" nhờ sát cửa sân nên bóng tối loãng dần và chính vì bóng tối loãng ra nên Đứa Uy mới thấy bên ngoài tương đối rõ, hắn giật mình khựng lại.

Vầng trăng đầu tháng mập mờ rọi vào cửa trước, ánh sáng ngoài sân tràn vào, hắn thấy có một người nằm dưới đất. Nằm ngay trước cửa.

Người đó là người đàn ông trạc bốn mươi, mình mặc áo vải, tay xoắn vào trong, một vết dao từ đầu vai xả xéo vào tận ngực, toàn thân người đàn ông đầy máu, máu đọng vũng dưới đất.

Đức Uy đứng lại, định thần và bước tới.

Nhờ vào ánh sáng lờ mờ của vầng trăng, Đức Uy thấy màu da của người đàn ông xạm đen, hai bàn tay kịch cợm, chứng tỏ con người lao lực phong sương, một con người mưu sống bằng tay chân, bằng sức mạnh.

Vết thương khá nặng, đó là vết của một thanh đao, từ chót và chạy xéo một đường thật ngon vào giữa ngực, chứng tỏ hung thủ cầm cây đao vừa bén vừa nặng, sức mạnh cũng không phải tầm thường.

Người chết mắt vẫn trợn trừng, cách chết hãi hùng.

Căn cứ vào vết thương, căn cứa vào xác diện người chết, Đức Uy đoán ra người chết trong trường hợp bất phòng, trong khi nhận được nguy thì không còn thời gian tránh đỡ.

Người chết đó là ai?

Phải chăng là chủ nhân căn nhà này, phải chăng là người đã cứu mạng Đức Uy?

Căn cứ cách ăn mặc, người chết tương chứng là chủ nhân căn nhà nhỏ hẹp này, mà đã là người chủ gian nhà thì chín phần mười đúng là người đã cứu mạng hắn.

Người cứu mạng chưa kịp nghe kẻ được cứu nói tiếng tạ ơn thì đã chết rồi. Lý Đức Uy bỗng nghe lòng mình chua xót.

Bằng vào dáng sắc, bằng vào cách ăn mặc đó, người chết đúng là một bá tánh thiện lương, hàng ngày sống vào sự lao lực của mình không tranh phân thiên hạ, thế nhưng vẫn chết một cách thê thảm, y như người trong giang hồ đã kết thù gây oán!

Không, người ấy chết vì đã cứu Lý Đức Uy.

Nhưng tại sao mình không chết?

Lý Đức Uy chỉ thắc mắc thoáng qua thôi, chính ra hắn đã chết rồi, hắn chỉ là một cái thây ma thì còn ai dư công đâu để?cho thêm một đao cho mất thì giờ.

Thế nhưng hắn lại không chết, sức hắn, công lực của hắn không thể chết vào một tai nạn tầm thường như thế.

Đức Uy bước tới ngồi cạnh thây người đàn ông, da ông ta đã xám, máu đã đen và đông cứng.

Bằng vào sự lão luyện giang hồ, Đức Uy biết ngay lão này chết ít nhất cũng phải quá một ngày rồi.

Đúng, Đức Uy bị rơi xuống nước vào xế chiều, bây giờ là tối, hắn đã phải ở đây một đêm một ngày và cho tới đêm nay.

Như vậy có thể người này chết từ tối hôm qua.

Đúng rồi, bây giờ mới tối, ngọn đèn lại cạn dầu, nhất định ngọn đèn đã được đốt lên từ tối hôm qua.

Và như vậy, cái chòi tranh này ở trái ngõ đường, đã suốt một ngày rồi không có khách đi qua.

Đức Uy phải tự biết về công lực, về thời gian học võ của mình, nhưng đến bây giờ hắn mới chứng minh: sức nổ phá núi không làm hắn chết, bị đuối dưới sông không làm hắn chết.

Nhưng giá như con người "sát nhân" này cẩn thận, cho hắn một đao trong lúc hắn hôn mê, có phải thật là oan uổng không?

Lý Đức Uy nhìn ngược về phía xa xa, hắn nhận ra nơi quen thuộc: Bến Phong Lăng.

Như vậy tiếng nước chảy mà hắn nghe khi nãy không phải do dòng thác trong núi mà là tiếng nước sông Hoàng Hà.

Như vậy thì vị ân nhân này đã vớt hắn lên từ con sông Hoàng Hà tại Đồng Quan.

Tính ra từ khi rời Trường An đến bây giờ là đã quá ba ngày.

Lý Hóa Nghĩa đã về đến báo tin chưa?

Bọn Lý Tự Thành đã có thừa cơ công chiếm Trường An?

Đám Đào đường chủ và anh em Phân đường Trường An và Dương Mẫn Tuệ, Tổ Thiên Hương có vì nóng lòng mà liều chết đi tới vùng núi mà hắn lâm nạn hay không?

Bao nhiêu nỗi lo dồn dập làm cho sức mạnh của Đức Uy trở về thật lẹ, hắn không nghe mệt mỏi, ê ẩm gì nữa cả, hắn đã có thể phi thân...

*****

Sau khi mai táng vị ân nhân ngay trước sân nhà của ông ta, Đức Uy đi nhanh về hướng bến đò.

Đồng Quan bây giờ thật là yên tịnh, cũng có thể còn cách thành hơi xa, vả lại giờ này thì trên đường làm gì có người đi?

Nhưng khi gần đến cửa thành, một việc đã làm cho Đức Uy khựng lại.

Tập tục của Đồng Quan, mà cũng là nghiêm luật của thành này, cứ đỏ đèn là các cửa thành đều đóng kín, mãi đến gà gáy mới mở ra, nhưng bây giờ, bây giờ mới tối chưa bao lâu, bây giờ có lẽ khoảng chừng canh một, thế mà cửa thành mở hoát.

Quả là một biến cố cực kỳ quan trọng.

Nhà không đóng cửa, có thể có nhiều lý do, nếu có thể để cửa suốt đêm cũng không phải là điều quan trọng, có thể nhà đó có cái đám ma, đám cưới, nhưng cửa thành thì quả là điều to tát.

Mang theo cả một tâm tình nóng như lửa đốt, Lý Đức Uy lao mình một mạch là tới cửa thành.

Tuy vẫn còn có ánh lửa, ánh đèn, nhưng khác hơn cửa thành, dân chúng nhà nhà đều đóng cửa.

Thành thì mở hoát, mà nhà thì cửa đóng im lìm, đúng là chuyện bất thường.

Tất cả dân chúng thành Đồng Quan rút cả trong nhà.

Mỗi nhà, cửa đóng kín và cài then cẩn thận.

Tại làm sao? Tại làm sao lại có chuyện dị kỳ như thế?

Trong óc Lý Đức Uy xoáy vần câu hỏi, nhưng làm sao có được sự giải đáp, nếu không có kẻ trả lời.

Thình lình tia mắt Đức Uy dán đứng vào một chỗ.

Ngay một ngã ba, gần ngoài đầu đường có một bóng đen đen.

Bằng tia mắt giang hồ, Đức Uy nhận ra ngay đó là một lão già tóc bạc phơ phơ, dáng sắc thật tiều tuỵ đang ngồi bó gối bên đường.

Ông ta khoảng ngoài sáu mươi, cách ăn mặc không tệ lắm, nhưng bây giờ thì từ đâu đến chân bụi cát đã phủ đầy, ông ta đang ngồi dáng như ngủ gật.

Một lão già ăn mặc tử tế như thế, tại sao lại có vẻ phong trần, tại sao không về nhà mà ngồi ngủ gật ngoài đường như người hành khất?

Bằng vào cách ăn vận đó, không những lão già này không đến đỗi không nhà, mà lão phải còn có nhà thật khang trang, dáng lão là hạng phú ông chớ không phải là dân ngủ đường ngủ sá.

Lý Đức Uy đằng hắng và lên tiếng:

- Lão trượng.

Lão già giật mình ngước mặt lên mở mắt, đôi mắt thất thần, đôi mắt kinh hoàng mỏi mệt.

Dáng cách của lão thật là kỳ cục, trông nét mặt lão hình như giá mà chân tường có lổ chui vào là lão cũng sẽ chui vào ngay.

Lý Đức Uy dịu giọng:

- Lão trượng đừng sợ, tôi chỉ là kẻ qua đường.

Lão già nhìn vào mặt Lý Đức Uy, đôi mắt của lão chuyển sang vẻ ngạc nhiên, lão ấp úng:

- Tôi... tôi chạy nạn.

Đức Uy cau mặt:

- Lão trượng từ đâu tới?

Lão già đáp:

- Trường An.

Như tiếng sét đánh bưng tai, Lý Đức Uy hỏi lại:

- Lão trượng, Trường An đã... làm sao?

Lão già bây giờ đã hơi vững lại, lão nói:

- Trường An đã khởi binh đao, nghe nói là người của Sấm Vương tràn đến, Chết nhiều lắm, nhà tôi mười mấy người chạy thoát chỉ một mình tôi, đã hai ba ngày trời không ăn không uống...

Lão vùng ôm mặt khóc rống, nhưng giọng khóc của lão bây giờ cũng không còn đủ hơi, thứ khóc tức tưởi đứt quảng nghe càng đứt ruột.

Lý Đức Uy toàn thân lạnh toát, hắn run giọng hỏi:

- Lão trượng, còn... binh của triều đình?

Cũng may hai lần thọ nạn, thắt lưng của Đức Uy vẫn còn nguyên trong người, hắn móc ra một đính bạc ném nhẹ xuống chân lão già và tung mình ra cửa ải...

Lão già sửng sốt nhìn theo, cho đến khi lão giật mình phát hiện Đức Uy nhắm về hướng Trường An, lão mới vụt kêu lên:

- Không được... tráng sĩ... Trường An không đến được...

Nhưng bây giờ thì Đức Uy còn tâm tình đâu nữa để mà nghe thấy...

Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn biết rằng Trường An binh lửa đã dấy lên, quân của "Sấm Vương" Lý Tự Thành đã tràn vào tàn sát bá tánh, binh triều đã đại bại... Và Trường An mà mất năm tỉnh miền Tây, phân nửa giang sơn sẽ không còn.

Bây giờ thì cái gì hắn cũng đã rõ rồi, bây giờ thì chuyện của thành Đồng Quan bỏ trống, bá tánh đóng kín cửa rút ở trong nhà...

Tất cả đều vì Trường An đã mất.

Hắn không còn màng gì nữa cả, hắn phải có mặt tại Trường An.

Hy vọng mà nghĩa phụ hắn đã ký thác trong tay hắn bây giờ coi như mất hết!

Lão già đã kêu khan giọng, nhưng hắn không còn nghe nữa.

Lão già lại co mình run rẩy vào chân tường, lão đưa bàn tay lật bật ra cầm lấy nén bạc miệng lão lầm thầm:

- Trời cao, xin hãy phù hộ cho những kẻ có lòng... Xin trời phù hộ kẻ có lòng...

*****

Đã là một người bằng xương bằng thịt, cho dầu công lực cao thâm cách mấy cũng vẫn phải sống nhờ ăn nhờ uống.

Ngót hai ngày rồi không một miếng gì vô bụng, lúc tại Đồng Quan khi hay tin dữ, Lý Đức Uy không còn nhớ gì hơn là nhớ chuyện Trường An thất thủ, nhưng bây giờ, sau một lúc tận dụng sức lực để phi thân, hắn bỗng nghe thấy tay chân bải hoải.

Khát, đói, mệt nhọc, càng đói khát sự mệt nhọc càng lại đến thật mau, trong bao tử đã trống không thì lộ đồ càng dao viễn.

Khi ra đi, hắn cũng định sẽ tìm ăn ở dọc đường, nhưng trải qua Hoa Âm, Hoa Huyện, Vị Nam, rồi Lâm Đồng, từ những tửu điếm lớn, cho đến những quán ăn nho nhỏ, không một nơi nào mở cửa, cho đến những quán cóc cũng hầu như đã dẹp luôn.

Không qua một chuyện là không biết thêm một điều hay, giữa lúc binh hoang mã loạn, giữa lúc khói lửa tung hoành này, trong mình có vàng thoi bạc nén cũng kể như sỏi đá.

Trong cơn đao kiếm rộn ràng, lo cho thân mình còn không thể, làm sao nghĩ đến chuyện bán buôn cho người khác. Một thoi vàng bình thường có thể tạo được nhà cao cửa rộng, nhưng trong thời khói lửa cất cao này, đổi lấy một bát cơm thiu chưa chắc đã ra.

Mới ngày nào "Bá Kiều" rộn ràng tài tử giai nhân, bây giờ giữa ban ngày đứng cả buổi không thấy bóng người qua lại, không khí trông đến lạnh người.

Đức Uy đã từng ngồi uống rượu tại cái quán đồ sộ là "Lều cỏ" ở đầu cầu, từng tại nơi đây giết bọn "Hán gian", từng tại nơi đây chứng kiến cảnh "ngựa xe như nước", thế nhưng bây giờ gần như một bãi đất hoang vu những mấy trăm năm, không một dấu chân người.

"Lều" hãy còn đây, nhưng mái đã sụp nghiêng, bàn ghế còn đây, nhưng mặt trầy chân gẫy nằm xiêu vẹo, bếp bồi, chén bát hãy còn đây, nhưng mỗi thứ một nơi sứt mẻ lăn lóc, bụi đất bám đầy...

Nhìn xa xa về cửa thành Trường An, lá cờ vàng trên vọng lâu bay phất phới, Trường An đã mất màu cờ, lòng của Đức Uy như vạn mũi kim châm.

Người trong thành của Trường An đã ra sao? Những ức vạn sanh linh của Tây ngũ tỉnh đã ra sao?

Giữ trong mình "Ngân Bài lệnh" với nhiệm vụ bảo vệ Trường An, bảo vệ Tây ngũ tỉnh không cho rơi vào tay bọn Mãn Châu, ngày nay Mãn Châu chưa thấy mà Trường An đã mất vào tay bọn phản loạn Lý Tự Thành.

Làm sao nhìn lại "Ngân Bài lệnh", làm sao đối với phân nửa giang sơn, làm sao đối với hàng ức vạn bá tánh Tây ngũ tỉnh?

Lòng Lý Đức Uy chợt nghe như lửa đốt, mồ hôi đổ dầm mình...

- Lý gia!

Tiếng kêu thảng thốt vang lên làm cho Đức Uy giật mình quay lại, bên kia "Bá Kiều" dưới lùm cây rậm, một gã thiếu niên ăn mày đưa tay vẫy vẫy: "Tam Tuấn" Lăng Phong.

Chỉ hai cái nhún chân là Đức Uy đã đến sát bên, hắn chụp lấy tay người thiếu niên khất cái và dồn dập hỏi:

- Làm sao? Lăng huynh đệ? Làm sao bọn Lý Tự Thành lại lấy được Trường An? Làm sao? Binh mã Tây ngũ tỉnh ở đâu? Tại sao?

Lăng Phong vụt nghẹn ngào:

- Lý gia, nơi này không thể nói chuyện lâu, chúng ta hãy tìm chỗ khác.

Đức Uy hỏi:

- Ở đâu?

Lăng Phong nói:

- Lý gia hãy theo tôi.

Vừa nói hắn vừa quay mình đi vòng theo những bụi um tùm, ven theo dòng sông đổ xuống hướng Tây.

Đức Uy bám sát theo sau.

Đi như thế gần trăm trượng, Lăng Phong vạch lau lên khỏi bìa sông và đi vào một đám rừng chồi.

Trong một bụi cây, hắn lôi ra một chiếu rách trải lên một lớp rơm khô.

Đúng là "chỗ ở" của Lăng Phong.

Vừa ngồi xuống là Lý Đức Uy đã hỏi:

- Đào đường chủ và anh em ở đâu?

Lăng Phong đáp:

- Khoan hỏi, Lý gia, hãy nghỉ một chút đã.

Quả thật, Lăng Phong nhìn đã rõ rồi, Lý Đức Uy quả đã mệt lắm rồi.

Hắn ngồi dựa vào gốc cây thở dốc.

Lăng Phong lôi trong bọc ra một mớ lương khô, bánh khô, hắn nói:

- Lý gia, có sẵn thức ăn, bây giờ xin Lý gia hãy bớt nóng lòng, công việc thong thả rồi mới tính được.

Đức Uy gật đầu:

- Lăng huynh đệ cứ để đó đi, tôi chưa ăn vội bây giờ đâu.

Lăng Phong nói:

- Sự tình đã đến mức mà mình có muốn gấp cũng không làm gì hơn được, nó đã trở thành chuyện lâu dài. Phải thật tình mà nói, trong hoàn cảnh của tôi còn gấp hơn Lý gia nhiều lắm, mỗi ngày cứ ra bên ngoài đầu cầu đứng trông Lý gia, một phút trong tình trạng này bằng một năm ở những lúc bình thường, có nhiều lúc tưởng mình sẽ điên lên được...

Đức Uy thở ra:

- Tôi về thật trễ...

Lăng Phong lặng đi một lúc để trấn ép cơn xúc động rồi mới hỏi:

- Tại sao mãi đến hôm nay Lý gia mới về?

Đức Uy nói:

- Tự nhiên là phải nói cho Lăng huynh đệ biết, nhưng Lăng huynh đệ hãy nói cho tôi biết tình hình, Đào đường chủ và anh em ở Phân đường Trường An...

Lăng Phong nhếch môi, hắn cười như gom cả sự đau thương vào câu nói:

- Chỉ còn một mình tôi, mà chính vì cần phải có người đủ khả năng báo cáo tình hình cho Lý gia, nên Đào đường chủ buộc tôi phải rời Trường An trước, chớ nếu không thì cũng không thể còn lại...

Hắn nghẹn ngang như nấc cục...

Đức Uy cũng không cần phải nghe thêm. Hắn biết cả rồi và hắn cảm nghe lồng ngực như chực nổ tung, hắn hỏi:

- Toàn do đám Lý Tự Thành phải không?

- Khi Trường An bị mất thì tôi đã đi khỏi thành rồi, sau khi mất, tôi mới tìm cách trở về, thì tất cả, Đào đường chủ và anh em nằm trước Đô đốc phủ, không còn một người nào toàn vẹn thi hài...

Đức Uy nghiến răng:

- Thật là ác, thật là độc!

- Trong thành bây giờ phòng thủ khá nghiêm mật, tôi tìm hết cách vẫn không làm sao đưa được chư vị ra ngoài, đành phải trơ mắt nhìn và để y nơi đó! Đó là chuyện của ba hôm trước, còn bây giờ không biết đã ra sao.

Lý Đức Uy chắc lưỡi:

- Chỉ tại vì tôi, tại vì một con người của tôi mà hư tất cả, tại vì tôi mà Trường An bị mất, Tây ngũ tỉnh không còn, tại vì tôi mà sanh linh trong phân nửa giang sơn này đồ thán...

Lăng Phong lắc đầu:

- Không phải như thế và cũng đừng nên nói như thế, Lý gia, đó là số kiếp, đó là mạng vận, giữ nhà, giữ nước, không phải chuyện của một cá nhân, nếu cần quy trách nhiệm thì phải nói thẳng rằng triều đình bất lực, từ chuyện này nối tiếp chuyện kia, chớ không phải vì một vấn đề. Chúng ta cố lo phòng bọn Mãn Châu, thế mà không ngờ bọn Lý Tự Thành lại thừa cơ nổi loạn.

Lý Đức Uy chắc lưỡi:

- Xin Lăng huynh đệ cho tôi hỏi về Dương tiểu thơ và nhị vị cô nương họ Tổ, họ Trần?

Lăng Phong lắc đầu:

- Chỉ tìm thấy đủ thi hài của Đào đường chủ và anh em Phân đường Trường An, ba cô nương không thấy mà cũng không nghe tin tức.

Đức Uy cau mặt:

- Ba người ấy đi đâu...

Lăng Phong lắc đầu:

- Không thể biết được, vì khi thành mất thì tôi không có mặt, nhưng Dương tiểu thơ là người cơ trí, có thể ba vị đã bình yên thoát đi sớm rồi...

Đức Uy làm thinh như chết lặng, một lúc sau hắn mới thở dài:

- Cũng mong như thế... Dương tiểu thơ là người duy nhất còn lại của một vị lão thần, Tổ Thiên Hương và Trần Ngọc Hà trung trinh lưu giữ Đô đốc phủ, hai người được xem là ký thác vào một tay tôi, tôi không thể bảo vệ được Đô đốc phủ là một tội không sao đền đáp được...

Lăng Phong nói:

- Người lành trời giúp, tôi tin rằng ba vị cô nương ấy đã bình yên thoát nạn.

Đức Uy hỏi:

- Còn đám Mãn Châu và vây cánh của hai thế lực của nhà họ Tổ, họ Nam Cung có thấy động tịnh gì không?

Lăng Phong lắc đầu:

- Lúc thành loạn, không thấy chúng lộ diện, thành bị mất trong mấy ngày nay cũng không thấy chúng động tịnh. Sự thật thì trong những ngày nay, trong thành người vắng đến mức thấy mà đau lòng, có thể nói trừ tôi vá Lý gia thì không có bóng người lai vãng.

Đức Uy cau mặt:

- Lý Tự Thành là con người ra sao, làm sao hắn có được lực lượng hùng hậu như thế ấy?

Lăng Phong đáp:

- Điều đó thì tôi đã điều tra tương đối rõ ràng, Lý Tự Thành là người ở Mễ Dương, tên chữ là Hoàng Lai, sau cải là Hồng Cơ, sau này tự xưng là Lý Tự Thành còn Hồng Cơ lấy làm hiệu. Trong cơn loạn binh Mãn Châu từ biên cương hắn theo làm đội trưởng dưới trướng của Tổng binh Cam Châu, sau đó hắn thông đồng với Tổng binh Vương Tu đoạt lấy Kim Huyện, lại liên kết với Cao Ngang Tường chiêu binh mã, thanh thế ngày một lớn lên, những ngày gần đây, hắn vung vàng bạc mua chuộc đám thủ hạ của Đông chỉ huy sứ Thiểm Tây, bọn thuộc hạ lại tâng nịnh Đô chỉ huy sứ Trần Kỳ Du, có lẽ vì Dương đô đốc hồi kinh làm cho Trần Kỳ Du đâm sợ nên bằng lòng liên kết để cho bọn áo vàng Lý Tự Thành được tự do đi lại trong Trường An, vì thế chỉ trong một đêm, chúng làm thế nội ứng ngoại hiệp lấy thành trong nháy mắt...

Đức Uy chắc lưỡi:

- Trần Kỳ Du thật hồ đồ, nhưng không lẽ chuyện như thế hắn lại không tham khảo ý kiến Dương tiểu muội?

Lăng Phong lắc đầu:

- Chuyện cấu kết với Lý Tự Thành, cho chúng tự do đi lại trong Trường An nhất định Dương tiểu thơ không biết, vì Trần Thừa Du thừa hiểu Dương tiểu thơ nhất định không khi nào bằng lòng cho nên hắn đâu lại đem ra bàn bạc. Nhất là khi mà ngọc vàng châu báo được bọn Lý Tự Thành dâng đến tay rồi, chúng tự nhiên phải ngậm miệng làm thinh, chỉ tội một điều là những kẻ ấy mất thành rồi cũng không còn sống sót.

Đức Uy nghiến răng:

- Đúng là triều đình tin dùng bọn tham ô cho nên nước loạn...

Lăng Phong gật đầu:

- Thêm vào đó lại trùng hợp chuyện Đô đốc đại nhân thọ nạn, Lý gia thì về trễ...

Đức Uy sực nhớ hỏi:

- Thế còn hộ vệ Lý Hóa Nghĩa? Tôi đã cho về trước phi báo...

Lăng Phong lắc đầu:

- Không thấy Lý Hóa Nghĩa, nếu có tin thì cũng chưa chắc đến nỗi này.

Đức Uy thở ra:

- Như vậy Lý Hóa Nghĩa chắc chắn không thoát khỏi độc thủ của Lý Tự Thành ở dọc đường...

Lăng Phong e dè hỏi:

- Lý gia, nếu như thế thì chắc Đô đốc đại nhân...

Đức Uy run giọng:

- Tôi không dám đoán định,nhưng nếu vạn nhất mà Đô đốc đại nhân có mệnh hệ nào, Lý Tự Thành phải được phân thây vạn đoạn...

Lăng Phong lắc đầu:

- Hắn đâu biết tội là gì, nếu không thế thì hắn đâu tạo phản.

Đức Uy nghiến răng:

- Nhưng kẻ đáng giết trước hết là Tào Hóa Thuần. Tuy bọn Lý Tự Thành cố tìm cách che đậy, nhưng tôi biết không phải chúng giả mà là do Tào Hóa Thuần thông đồng và chúng tôi đã thấy Tào Hóa Thuần tại Đô đốc phủ hắn là con người thật chớ không phải người khác giả trang.

Lăng Phong nói:

- Thế nhưng từ trong Kinh lại không có tin cho biết hắn đến Trường An.

Đức Uy nói:

- Tào Hóa Thuần mới có thể lén đóng Ngọc Tỷ để mạo mật chiếu, chỉ có hắn mới làm được chuyện ấy, hắn đã đem phân nửa giang sơn này mà dâng cho Lý Tự Thành.

Ta phải giết hắn trước.

Lăng Phong cau mặt:

- Lý gia định hồi Kinh?

Đức Uy nói:

- Trường An mất, phân nửa giang sơn miền Tây kể như không giữ được, phải trừ Tào Hóa Thuần để tránh thêm những tai hại mà hắn có thể tiếp tục diễn ra, thứ hai là phải phòng Lý Tự Thành thừa cơ hội đánh phá Kinh sư, trong khi lực lượng triều đình còn phải chống đỡ Mãn Châu về mạn Bắc.

Lăng Phong nói:

- Bọn Lý Tự Thành không thể khuấy nhiễu Kinh sư sớm được đâu!

Đức Uy hỏi:

- Làm sao có thể đoán quyết?

Lăng Phong nói:

- Hiện tại Lý Tự Thành đang "lập quốc" tại Trường An, nghe đâu hắn lấy niên hiệu khai nguyên bằng chữ "Thuận", hắn đang lo thiết lập cung điện, sửa soạn khoa cử để mưu chọn kẻ tài năng trục lợi, hắn đang có trong tay tất cả kho tàng của Trường An, nên cố rãi ra để chiêu binh, để chọn tướng, bao nhiêu công việc như thế, chắc chắn hắn chưa thể tính chuyện đánh lên Bắc Kinh.

Lý Đức Uy hỏi:

- Lý Tự Thành hiện có mặt tại Trường An không?

Lăng Phong lắc đầu:

- Điều đó thì không thể biết, chỉ nghe nói đến binh lực chớ chưa ai nghe thấy tận mặt Lý Tự Thành...

Đức Uy cau mặt trầm ngâm không nói...


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-92)


<