Vay nóng Tinvay

Truyện:Anh hùng Tiêu Sơn - Hồi 18

Anh hùng Tiêu Sơn
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 18: Vạn Thảo Thôn Trang
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Lazada

Xe đi qua cổng, vào trong trang. Tất cả mọi người đều không kềm chế được, kêu lên một tiếng ồ lớn: trên một cánh đồng cỏ xanh mướt, kéo dài tới chân núi. Ở giữa có con đường lát bằng những tảng đá xanh, mặt phẳng lỳ. Hai bên trồng toàn hoa, có khu hoa mầu trắng. Có khu hoa mầu hồng. Có khu hoa mầu vàng. Hương đưa bát ngát.

Nàng-Tía chỉ ngọn núi nói:

- Trong ngọn núi kia có động An-Tiêm, am Mỵ-Nương, suối Trương-Chi. Chủ nhân tôi ở đó.

Triệu Huy đã từng làm thị vệ trong hoàng cung nhà Tống. Vì có tài trồng hoa, y được Tống đế sủng ái đặc biệt. Sau đó y tiến cử hai sư huynh. Vì vậy khi thấy Vạn-hoa-trang, y kinh hoàng vì sao hoa ở đây từ sắc tới hương đều hơn hoa ở hoàng cung nhiều. Tuy vậy bề ngoài y phải làm ra vẻ coi thường. Xe ngưng lại, Nàng-Hồng chỉ vào mười khu trồng hoa mà giảng:

- Thưa quí khách đây là khu hoa hồng. Hoa hồng sớm được trồng trong nước tôi. Sử kể trong ngày cưới, Quốc-tổ Lạc Long-Quân, đem mười thứ hồng dâng cho nhạc gia. Vì vậy từ ngày ấy, khắp nước tôi đều dùng hoa hồng trong tình yêu. Hoa hồng còn được gọi là hoa Âu-Cơ do gốc tích đó mà ra.

Ngô Tích ngắt lời:

- Tôi tưởng hoa hồng là hoa hồng thôi. Chứ làm gì có đến mười loại?

Nàng-Hồng cười:

- Ngô tiên sinh có đùa không? Người đã đậu tiến sĩ Tống triều, không lẽ không biết gì về hồng? Được, tôi xin vì tiên sinh mà nói. Hoa hồng còn có tên nguyệt-quý hay nguyệt nguyệt hồng hay hoa trường xuân. Nguyệt để chỉ phụ nữ. Hoa hồng xinh đẹp, có hương thơm, nhưng cánh hồng dễ bị vỡ. Cho nên trong nước tôi nam nữ đều được trọng. Mà nữ được nâng niu như cánh hồng.

Nàng-Hồng ngừng lại nhìn ba chị em Thanh-Mai, rồi lại nhìn bọn Triệu Huy. Đàm An-Hòa nói:

- Ba cô này là quân trộm cắp, bản nhân bắt giải về trấn để chém đầu. Cho nên chúng không đáng gọi là hoa.

Mỹ-Linh nghe Đàm An-Hòa nhục mạ, uất khí cành hông, nhưng tay bị trói không xử dụng võ công được. Nàng chợt nhớ đến thuật đổi ngựa mà Thân Thiệu-Thái mới dạy. Nàng hít hơi vận sức vào chân vọt xéo về phía trước. Trong khi đó xe vẫn chạy từ sau tiến tới. Mỹ-Linh từ từ rơi đúng chỗ ngồi cũ. Khi chân sắp tới xe, nàng đá vào mặt An-Hòa một cái.Y ngã chúi xuống xe.

Triệu Huy sợ có truyện lôi thôi, y bảo An-Hòa:

- Hiệu úy sang xe tôi, đừng về xe cũ nữa.

Nàng-Hồng mỉm cười tiếp:

- Hoa hồng tuy đẹp, tuy thơm, cánh dễ vỡ, nhưng kẻ phàm phu tục tử không biết nâng niu, ra tay dập liễu vùi hoa, thì tay chạm phải gai hồng liền.Gai hồng cứng, nhọn, có chất độc, ai chạm phải, thì đau thấu tâm can.

Đàm An-Hòa biết Nàng-Hồng chửi xéo mình, y đổ quạu:

- Hồng với bạch. Hoa là hoa, đàn bà là đàn bà, báu gì mà ví với hoa.

Y còn định nói nữa, nhưng gặp phải cái nhìn nghiên khắc của Ngô Tích, y hoảng sợ im bặt.

Nàng-Hồng vẫy cho xe Nàng-Tía ngừng lại với xe mình:

- Bây giờ tôi xin giới thiệu Mười giống hồng hoa tiếng Hán-Việt gọi là Thập loại danh hồng hoặc Thập đại trường xuân.

Mọi người nhìn ra hai bên đường, mỗi bên đều có một khỏanh rộng, dài ước hơn dậm trồng toàn một thứ hồng mầu trắng hơi ngà ngà xanh. Tuyệt ở chỗ những khóm hồng hoa nhỏ bằng đầu ngón chân đều nằm sát đường đi. Tiếp theo lớp thứ nhì hoa lớn hơn chút nữa. Cho đến chỗ xa nhất thì hoa to bằng cái đĩa. Nàng-Hồng tiếp:

- Hồng có mười loại, mỗi loại một mùi hương riêng. Người thì thích mùi hương này, người lại ưa thích mùi hương khác. Duy chỉ có loài hồng trắng bất cứ ai cũng ưa, cũng nâng niu. Vì vậy còn có tên Trường xuân hoa niên hay nói nôm na là hoa con nít. Hoa hồng trắng tượng trưng cho con gái từ tuổi mới sinh cho đến năm lên mười, lòng dạ còn trong, chưa vẩn bụi trần. Hoa mang tên Trường-xuân hoa niên vì trẻ còn nào cũng có mùi thơm, ai cũng thích hôn, không ai ghét hương thơm con nít cả.

Nàng-Hồng dẫn mọi người đi bộ, tới khu thứ nhì. Khu này trồng toàn một loại hồng, mầu vàng nhạt. Kỳ ở chỗ những cánh ở sát trong nhụy hơi phơn phớt mấy điểm mầu hồng nhạt. Nàng-Hồng tiếp:

- Đây là loại hồng thứ nhì. Loại này tượng trưng cho cô gái đã đến tuổi biết sầu muộn vu vơ, biết mơ màng nhìn trăng khuya, biết hái những đóa hoa e ấp. Nhưng cô không hiểu tại sao. Vì vậy những cánh bên trong mới phớt vài điểm hồng là thế. Lọai hồng này có tên Hoàng-hoa khuê nữ Hoàng hoa khuê nữ đứng xa thì mùi hương thoang thoảng, đứng gần thì như không có mùi gì cả. Các thiếu nữ từ mười đến mười ba tuổi cũng thế. Các đấng quân tử thấy xinh đẹp thì xin chờ, chứ đến gần mà nói truyện yêu, thương, nàng nào hiểu gì?

Ngô Tích ghé mũi vào mấy bông Hoàng-hoa khuê-nữ, thì quả lại không thấy mùi hương thơm như y đứng nhìn, hương tự bốc lên. Y đứng thẳng người, mùi hoa lại thoảng thoảng đưa hương. Y gật đầu:

- Quả như lời cô nương nói.

Đợi cho khách ngắm hết mấy ngàn khóm Hoàng-hoa khuê-nữ. Nàng-Hồng tiếp:

- Bây giờ qúi khách theo tôi tới phía trước. Kia là hai khu vườn trồng lọai hồng thứ ba. Loại này sắc vàng tươi. Những cánh bên trong hồng nhạt, những cánh bên ngoài mầu vàng sậm. Theo thời gian, Hoàng-hoa khuê nữ lớn lên. Nàng e thẹn ấp ủ trong tim một bóng quân tử.. Đôi khi nàng yêu một trang nam nhi trong trí tưởng tượng, lòng nàng ấp ủ khôn nguôi. Nghĩa là thân thể, cũng như bề ngoài nàng vẫn còn là khuê nữ. Nhưng trong tim đã có bóng chàng. Cho nên người Việt chúng tôi đặt tên là Trường-xuân e ấp hay Trường-xuân sầu muộn.

Đinh Toàn không thích hoa, ông ngắt lời Nàng-Hồng:

- Từ nãy đến giờ cô nói nào hoa con nít, hoa con gái, sao không có hoa thiếu nữ lấy chồng?

Nàng-Hồng nhoẻn một nụ cười:

- Thưa quí khách có đấy. Thế rồi tuổi dậy thì đến. Người con gái xinh đẹp lạ thường, cơ thể có mùi hương đặc biệt. Càng tắm nhiều bao nhiêu mùi hương trong da thịt càng tiết ra nhiều bấy nhiêu. Mơ mộng chỉ để mà mơ mộng... rồi có chàng quân tử nhờ người mai mối. Cha mẹ nàng hứa gả. Sau lễ hỏi, nàng được coi như gái có chồng, nhưng cơ thể nàng vẫn còn trinh tiết. Kìa qúi khách nhìn những gốc hồng, hoa nở thực đẹp, mà mầu thì lạ lùng, nửa bông mầu trắng, nửa bông mầu đỏ. Danh sĩ đất Việt gọi loại hồng này là Sửa bước vu qui. Đó là loại thứ tư.

Miệng nói Nàng-Hồng chỉ vào vườn hoa khác. Hồng cánh nhỏ, tươi thắm, mầu hồng nhạt, mờ mờ như hoa trong sương. Trên cánh hoa gờn gợn giống giọt nước chảy.

Nàng-Hồng nói:

- Bây giờ thiếu nữ đến ngày vu qui. Tiêu biểu là loại thứ năm. Đang sống ở nhà với bố mẹ, anh chị em. Lát nữa đây phải lên đường về nhà chồng. Giã từ tất cả những gì quen biết, nhất là giã từ bố mẹ. Nàng nhớ công sinh thành, dưỡng dục, bất giác giọt lệ tuôn rơi. Thế nhưng trong phút cảm động ấy, lát nữa đây nàng lại lặn ngụp trong tình yêu, trong hạnh phúc. Nghĩ đến đó mặt nàng ửng hồng. Quí vị nhìn những gốc hồng, hoa nở mầu hồng nhạt, lăn tăn giọt lệ kia thì đủ thấy tâm trạng của thiếu nữ vu qui. Danh sĩ Việt đặt tên lọai hồng này là Thiếu nữ vu qui. Trong dân gian Việt có câu thơ, diễu các cô gái trong ngày vu qui, hạnh phúc tràn đầy mà khóc là khóc giả bộ, như anh chàng thi hỏng mỉm cười:

Cười như chàng trẻ hỏng thi, Khóc như cô gái lúc đi lấy chồng.

Đã có người dịch sang Hán-văn như sau:

Khấp như thiếu nữ vu qui nhật, Tiếu tự thư sinh lạc đệ kỳ.

Nàng-Hồng dẫn đoàn người tiến tới khu vườn thứ sáu, trồng toàn một thứ hồng nhung. Hoa nở đỏ ối.

Nàng nói:

- Bây giờ nhà trai rước dâu về nhà chồng. Bước đi vui vẻ, bước đi e thẹn. Lễ tơ hồng xong, nàng và chồng chia nhau mỗi người uống một ly rượu hợp cẩn. Say vì rượu, say vì men tình. Người nàng ngây ngất. Bởi vậy người ta gọi thứ hồng nhung này là Chung rượu hợp cẩn.

Cả bọn ngây người ra nhìn khu vườn rộng dài bát ngát hồng nhung, hương thơm ngào ngạt. Họ như ngây như dại, không muốn bước chân đi.

Qua khu vườn hồng thứ sáu, tới một căn nhà mái lợp ngói đỏ, cột mầu xám. Bốn phía không tường. Ở giữa có ba cái bàn bằng đá mầu hồng nhạt. Trên bàn đã bày đầy đủ những món Đàm An-Hòa gọi. Hai thiếu nữ khác aó mầu thiên thanh, quần lụa đen đón khách vào nhà ăn. Hai nàng pha trà sen bưng tới mời khách.

Triệu Huy cầm chung trà đưa lên miệng, hương thơm ngạt ngào, mà nước trà lại lạnh ngắt. Uống một hớp, thấy tỉnh người ra, y hỏi:

- Thưa cô nương, cách pha trà thế nào, mà nước lại lạnh như thế này?

Thiếu nữ kính cẩn đáp:

- Sơn-trang chúng tôi cũng pha trà bằng nước đun sôi, mới hai ba tăm thì đổ vào bình. Bình của chúng tôi đậy thực kín, rồi dìm xuống đáy suối, một lúc sau, nước sẽ lạnh, mà hương thơm không mất.

Ngô Tích cầm đũa ăn, mà còn thắc mắc:

- Hồng cô nương. Sau khi hợp cẩn, mới có sáu loài hoa. Còn những bốn loại nữa kia mà.

Nàng-Hồng đáp:

- Quí khách nhìn sang bên phải. Kìa toàn một thứ hồng cánh nhỏ, mầu đỏ như nhung. Thế nhưng những cánh ở trong trên đầu có vùng trắng. Đó là loại thứ bẩy diễn tả tâm trạng thiếu nữ sau đêm động phòng. Trong trắng thì có trong trắng, nhưng bây giờ nàng đã là một người đàn bà, không thể trở về đời sống khuê nữ nữa. Danh sĩ đất Việt đặt tên loại hồng này là Động phòng hoa chúc.

Nàng-Hồng lại chỉ sang bên phải:

- Kia là loại hồng thứ tám. Bông hồng có nhiều cánh kết chặt lại với nhau. Tưởng như gió bão, tưởng như sóng dậy cũng không làm vỡ được. Lọai hồng này tượng trưng cho người đàn bà có chồng, lòng dạ kiên quyết, chỉ biết có chồng. Cho chồng tất cả những gì mình có. Vì vậy được mệnh danh là Nhất kiến chung tình.

Nàng chỉ sang phía trước:

- Xin quí khách nhìn về phía trước. Trong vườn trồng toàn một loài hoa bông nở thực lớn, cánh mầu đỏ sẫm, bông nào cũng nở thực lớn đầy nhụy. Đó là loại thứ chín. Hoa được đặt cho tên là Truyền tử lưu tôn. Hoa nay nụ nở ra thực lớn, chứ không nở từ từ như lọai khác, vì vậy hoa được ví như người phụ nữ sinh con. Nhưng chữ sinh nở nghe thô tục, không hợp với nhiệm vụ quí báu của phụ nữ, cho nên được đặt thêm mỹ tự Khai hoa, nở nhụy. Sau thành ngữ này được dùng để chỉ phụ nữ lâm bồn, riết rồi người ta quên cả tên hoa.

Nàng Hồng chỉ vào luống hoa hai mầu: Hồng nhạt và trắng:

_ Thế rồi cuộc sống êm đềm trôi qua, năm mươi năm sau, bẩy mươi năm sau, người con gái ngày nào, bay giờ đầu đã bạc, nhưng tình thương con cháu vẫn rạo rực, do vậy bông hoa cánh xung quanh thì hồng, mà giữa lại trắng, đó là hoa Lão giả an vi, loại thứ 10.

Nàng-Hồng nói đến đó, rồi bước khỏi phòng ăn, lẩn bước vào các bụi hồng. Khi bọn Triệu Huy ăn xong, thì Nàng-Hồng, Nàng-Tía cùng trở lại. Ngô Tích hỏi:

- Qúi trang có tên Vạn-hoa sơn trang. Không biết còn những thứ hoa nào?

Nàng-Tía chỉ vào khu vườn rộng bao la, sát đến chân núi:

- Chỉ sợ quí khách không có thời giờ. Bằng như quí khách ưa thích, chị em chúng tôi xin đưa qúi khách xem tất cả mọi thứ hoa thơm của Đại-Việt. Hay ít ra quí khách cũng nên thưởng qua Thập đại đanh hoa tức mười thứ loại hoa danh tiếng. Mỗi lọai lại chia thành mười thứ khác biệt. Mười nhân với mười thành một trăm.

Ngô Tích thắc mắc:

- Có một điều tôi không hiểu. Từ khi sang Giao-chỉ, tôi thấy cái gì cũng đặt trên con số mười, con số một trăm. Trong khi kinh Dịch lại chú ý đến con số chín.

Nàng-Hồng lắc đầu không hiểu. Thanh-Mai cười:

- Dễ thôi, Quốc-tổ với Quốc-mẫu kết hôn, sinh ra trăm con, phong mỗi người một nứơc, thành trăm họ. Con số một trăm là con số trời đất sinh ra. Thập đại danh hoa là mười. Trong con số mười, lại nở ra mười thứ khác thành một trăm.

Ngô Tích gật đầu tán thành:

- Bên Trung-quốc chúng tôi cũng có Thập đại danh hoa không biết có khác nhau với Giao-chỉ không? Xin cô nương cho biết tên mười thứ hoa quí bên Giao-chỉ.

Nàng-Tía tính đốt ngón tay kể:

- Một là hoa Lan nở vào mùa Xuân. Hai là hoa Hồng nở vào cuối Xuân sang hạ. Ba là Kim-quế nở vào đầu Hạ. Bốn là hoa Sen nở vào mùa hạ. Năm là Đỗ-quyên, hoa chỉ nở về giữa mùa hạ. Sáu là Sơn-trà nở vào đầu thu. Bẩy là hoa cúc, nở vào toàn mùa thu. Tám là Mẫu-đơn nở vào mùa đông. Chín là Thủy-tiên nở vào dịp Tết, mười là hoa Mai trắng, nở vào mùa đông.

Ghi chú, Xin xem hình Thập đại danh hoa ở phụ lục AHTS, Q2.

Ngô Tích như say mê với hoa. Y hỏi tiếp:

- Ngoài ra trong trang còn những loại hoa gì nữa?

Nàng-Tía mỉm cười:

- Nhiều lắm, như hoa Nhài, tuy nhỏ mà thơm lạ thường. Hoa Ngọc-lan hương thơm nồng, bay đi rất xa. Hoa Dạ-hương, khi đêm về mới có mùi hương. Hoa Huệ vừa thơm, vừa tươi lâu. Hoa Thiên-lý tuy không thơm mấy nhưng nấu canh ăn được.

Nàng chỉ trên sườn núi:

- Trên sừơn núi kia trồng mười thứ hoa Sơn-trà. Tổng cộng một trăm giống hoa, mỗi giống phân ra mười loài. Mỗi loài mười thứ. Tổng cộng thành một vạn thứ hoa. Cho nên chủ nhân tôi mới đặt tên Vạn-hoa sơn-trang là do ý nghĩa đó.

Nàng-Tía mời mọi người lên xe, tiếp tục tiến đến chân núi. Núi Vạn-hoa không cao, không có đá. Trên sườn núi trồng hoa thơm, cây trái khắp sườn. Phía sau ngọn Sơn-trang có ngọn Đại-thạch dựng đứng lên như chọc trời. Giữa sườn Đại-thạch có ngọn thác rót xuống đỉnh ngọn Sơn-trang. Thành ra ngọn Sơn-trang tỏa ra năm con suối, chia núi thành sáu khu. Năm ngọn suối chảy vào cái hồ lớn dưới chân núi. Từ dưới bờ hồ, leo núi lên sườn khoảng năm mươi bậc, mỗi khu có một căn nhà làm bằng gỗ, cột kèo chạm trổ rất tinh vi. Phía trên mỗi căn nhà đều đề chữ Vọng-hoa-đài.

Ngô Tích khen:

- Người ta bảo Bồng-lai tiên cảnh đẹp không bút nào tả nổi. Không biết Bồng-lai có đẹp bằng nơi này không?

Xe dừng lại trước cây cầu đá bắc ngang qua suối. Nàng-Tía nói:

- Trên sườn núi Sơn-trang có sáu tòa nhà, gọi là Vọng-hoa-đài. Nếu quí khách muốn lên đó thưởng hoa thì xin đi bộ. Dường như bên qúi quốc có câu Đăng cao tác phú, khả vi đại phu nghĩa là lên cao làm được bài phú xứng đáng làm đại-phu.

Triệu Anh tuy bị trúng độc, song công lực vẫn còn. Y lên tiếng:

- Chúng tôi muốn thăm hết quí trang, ngặt vì tôi bị bệnh, phải tới Vạn-thảo sơn-trang chữa bệnh. Đợi khi trở về, chúng tôi sẽ ở lại quí trang ít ra một tháng để nghe cô nương giảng về hoa thơm, trái ngọt Giao-chỉ. Tuy nhiên nể lời cô nương, chúng tôi cũng lên Vọng-hoa-đài ngắm cảnh một lúc.

Đinh Toàn chợt lên tiếng:

- Quí trang rộng lớn, ít ra hàng ngàn mẫu, công phu trồng hoa tốn kém biết bao. Không biết mỗi ngày, quí trang có bao nhiêu khách tới? Như vậy làm sao đủ tiền chi phí? Chúng tôi muốn được ra mắt quí trang chủ có được không?

Nàng-Tiá nghe đến Vạn-thảo sơn-trang, thì đưa mắt nhìn Nàng-Hồng, rồi trả lời:

- Chủ nhân chúng tôi từ lâu không muốn tiếp xúc với khách. Tuy nhiên quí khách là Thiên-sứ, tôi thử vào thưa với người xem sao. Còn quí khách hỏi về chi phí trong trang này ư? Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Tất cả 1257 nhân công. Còn tiền khách trả cho trang, thì trang chủ thưởng cho chúng tôi hết. Người không lấy một đồng.

Lên Vọng-hoa-đài, Nàng-Hồng mời mọi người ngồi trước cái bàn bằng đá mầu trắng như tuyết, ghế bằng gỗ mầu gụ. Trên bàn có mười chậu hoa Lan. Một thiếu nữ áo thiên thanh, quần lụa đen bưng nước ra mời khách:

- Trời nắng, trang chủ chúng tôi mời quí khách uống bát nước dừa non lấy thảo.

Triệu Huy nói với thiếu nữ áo xanh:

- Xin cô nương cho chúng tôi uống mấy chén rượu với ít quả.

Ngô-Tích nói nhỏ với Triệu Huy:

- Tam đệ. Tôi thấy trang này có nhiều điều kỳ bí. Chúng ta mau rời khỏi nơi đây. Chẳng nên uống rựơu.

Đâu đó tiếng đàn thanh thót vọng ra, rồi có tiếng ca ngọt ngào:

Khuyến quân mạc cự bôi, Xuân phong tiếu nhân lai.

Đào lý như cựu thức, Khuynh hoa hương ngã khai.

Đàm An-Hòa không hiểu, y hỏi Ngô Tích:

- Ngô chiêu-thảo-sứ, bài hát nói gì vậy?

- Đây là bài thơ của Lý Bạch đời Đường. Bốn câu này ngụ ý:Ta khuyên người chẳng nên từ chối rượu mời. Kìa gió xuân cười với ta đang hây hẩy thổi. Hoa đào, hoa mận như quen với ta, chúng hướng về ta mà nở.

Giọng ca lẫn với tiếng đàn:

Tạc nhật chu nam tử, Kim nhật bạch phát thôi.

Cước sinh Thạch-hổ điện, Lộc tẩu Cô-tô đài, Quân nhược bất ẩm tửu, Tích nhân ai tại tai?

Ngô Tích giảng tiếp:

- Mới hôm nào mình còn là đứa trẻ tóc đỏ hoe. Hôm nay đầu đã bạc rồi. Điện Thách-hổ xưa kia nay cỏ mọc hoang. Đài Cô-tô thì hươu nai chạy chơi. Người xưa nay thì đâu mà anh không uống rượu?

Có tiếng dép lẹp kẹp đi ra. Nàng-Tía chắp tay nói:

- Trang chủ chúng tôi đã tới.

Từ bọn Triệu Huy cho đến chị em Thanh-Mai đều kêu lên tiếng ái kinh ngạc. Từ lúc vào trang, thấy tổ chức tiếp đón chu đáo. Trang rộng lớn lạ thường. Mọi người tưởng trang chủ phải là một ông lão ít ra là trên sáu mươi. Không ngờ trước mặt họ là một phụ nữ mảnh mai, dáng điệu tha thướt. Mặt che bằng tấm lụa rất mỏng. Người nàng mặc chiếc áo đỏ chói, với chiếc quần lụa mầu đen. Trên cổ quàng khăn tím.

Trang chủ lên tiếng:

- Vạn-hoa sơn-trang ở trong hốc núi xa xôi, không ngờ lại được tiếp Thiên-sứ tới viếng. Nghe Hồng thuật lại, thì ba vị đều xuất thân tiến sĩ, lại là cao thủ phái Thiếu-lâm. Thực hân hạnh.

Bọn Triệu Huy chỉ thấy lưng trang chủ thon, chân tay dài. Bàn tay búp măng, tiếng nói trong, thì biết nàng còn trẻ. Nhưng mặt nàng che bằng khăn lụa, bọn y không biết thế nào mà xưng hô.

Ngô Tích lên tiếng trước:

- Bọn tại hạ quấy quả trang chủ hôm nay, rồi phải lên đường. Xin hẹn ngày về sẽ được yết kiến lần nữa. Xin trang-chủ cho biết cao danh, quí tính.

- Một phụ nữ quê mùa làm gì có danh cao với quí tính! Xin các vị cứ gọi bằng mụ Sơn-trang là đủ. Tiện thiếp họ Đào.

Mỹ-Linh nghe tiếng nói của trang chủ, nàng thấy quen thuộc, thân ái vô cùng. Nhất là dáng đi, cùng cử chỉ. Nhất định nàng đã gặp trang chủ nhiều lần rồi. Trang chủ đưa mắt nhìn Mỹ-Linh một cái, rồi lại tiếp tục nói truyện:

- Tiện thiếp có đôi lời mạo phạm, không biết ba cô gái này bị tội gì mà Thiên-sứ lại bắt tội như vậy.

Triệu Huy chỉ Đàm An-Hòa:

- Chúng tôi theo ngài chánh sứ là Bình-nam vương sang Giao-chỉ. Đàm tuyên-vũ-sứ cử Đàm hiệu úy theo hộ tống. Không ngờ dọc đường bị trộm. Đàm hiệu úy tìm ra ba cô gái này là thủ phạm nên bắt giam. Vì dọc đường các cô nói nhiều câu phạm thượng nên phải bịt mồm lại như vậy. Đào phu nhân mới gặp, tưởng mấy cô này tầm thường đấy. Thực ra võ công các cô cao thâm ít ai bì.

Tay Mỹ-Linh bị trói, miệng bị cột dây lụa, nàng không nói được, đã vậy bọn Triệu Huy còn bịa truyện bêu xấu. Nàng liếc nhìn sang bên cạnh Huy, thấy Đàm An-Hòa đang cười chế diễu. Nàng dùng cùi chỏ hất một cái. Bát nước dừa để trước mặt nàng bay bổng về phía y. Bốp một tiếng, cái bát trúng mặt y vỡ làm năm sáu mảnh. Mặt y máu tuôn xối xả.

An-Hòa nổi máu điên, y rút kiếm hướng Mỹ-Linh:

- Dù gì ông cũng giết mày ngày hôm nay.

Y vung kiếm hướng cổ Mỹ-Linh. Mỹ-Linh vọt người lên cao. Đợi kiếm lướt dưới chân, nàng co chân đá một cước. Kiếm của An-Hòa vuột khỏi tay bay ra xa. Thuận chân Mỹ-Linh đá thêm một cước nữa trúng bụng y. Y ngã lộn đi hai vòng.

Ngô Tích quát lên:

- Này Lý cô nương. Nếu cô nương không giữ lời hứa, ta chém đầu cô ngay tại chỗ này.

Đào phu nhân lắc đầu:

- Ba cô này đã xinh đẹp, võ công lại cao cường, thực hiếm có. Này Đàm hiệu úy, theo luật bản triều, khi người ta bị tội có thể dùng tiền chuộc ra. Ba cô đây phạm tội trộm thì chỉ phải chuộc mỗi cô năm lượng vàng là đủ. Không biết hiệu-úy có thể cho tôi chuộc các cô ra không?

Đàm An-Hòa cương quyết:

- Thưa Đào phu nhân, nếu các cô phạm tội trộm thường thì chuộc được. Đây các cô trộm của Thiên-sứ. Tiểu chức phải giải đến dinh tổng-trấn để đưa các cô về triều, hầu đức hoàng đế xử tội. Tiểu chức đành vô lễ, không thể tuân lệnh phu nhân được.

Từ khi nhập Sơn-trang, chị em Thanh-Mai đã nghĩ đến kế thóat thân. Trong khi bị giam ở hầm đá, Bảo-Hòa cho Thanh-Mai biết dưới gót chân nàng có dấu một thanh Nga-mi kiếm. Chỉ cần chúng sơ ý, Thanh-Mai quay lưng lại trước mặt Bảo-Hòa, là rút được kiếm ra. Bảo-Hòa tự cọ tay vao kiếm, dây trói đứt, nàng có thể cắt dây cho Mỹ-Linh với Thanh-Mai. Tuy vậy Thanh-Mai còn lưỡng lự, vì thóat khỏi dây trói thì được, nhưng cả ba người cũng không địch lại một trong Tung-sơn tam-kiệt, thì thoát ra cũng vô ích. Ba người quan sát sơn trang, ngoài thiếu niên tên Nghĩa, còn lại toàn mỹ nhân, thì kiếm đâu ra cao thủ có thể đấu lại bọn này. Vì vậy cả ba lặng thinh chờ dịp khác.

Đào phu-nhân lại hỏi:

- Đàm hiệu úy, dường như lần đầu tiên hiệu úy tới tệ trang thì phải. Chứ các vị hiệu úy trong trấn Cửu-chân này, ít ra cũng đến đây đôi ba lần.

Đàm An-Hòa khoe khoang:

- Quả như Đào phu nhân dạy. Tại hạ mới tới đây mấy tháng. Tại hạ là em ruột của tuyên-vũ-sứ Đàm Toái-Trạng và cũng là em Đàm quí phi.

Nghe đến Đàm quí phi, mặt Đào phu nhân thoáng một vẻ khác lạ, rồi trở lại bình thường.

Triệu Huy không muốn nấn ná lại Vạn-hoa sơn-trang. Y đứng đậy chắp tay cáo từ:

- Chúng tôi lĩnh sứ mệnh thiên tử trong mình, không dám ham vui. Xin từ tạ phu nhân cùng các vị cô nương ở đây. Hẹn khi nhị sư huynh tại hạ hết bệnh, sẽ trở lại xem cảnh đào nguyên một lần nữa.

Đào phu nhân chỉ chị em Thanh-Mai:

- Đây là địa phân Vạn-hoa trang. Hoa tượng trưng cho phụ nữ. Vì vậy xin các vị nể mặt chủ nhân mà gỡ khăn bịt miệng cùng cởi trói cho ba cô bé này, được chăng?

Từ đầu, Ngô Tích không muốn trói, cũng chẳng đồng ý bịt miệng bọn Thanh-Mai. Nhưng sư-huynh, sư đệ không thuận. Bây giờ, nhân có lời Đào phu nhân, Tích rút kiếm, thấp thoáng ánh thép, bao nhiêu dây trói đứt hết. Tuyệt ở chỗ dây đứt, mà kiếm không chạm đến y phục một chút nào.

Triệu Huy chú ý quan sát sắc mặt của Đào phu nhân cùng mấy cô gái áo xanh xem có phản gì không. Mà tuyệt không thấy sắc mặt bà thay đổi, cũng như khen ngợi chiêu kiếm của sư huynh. Từ lúc vào sơn-trang đến giờ, anh em y đều thắc mắc một điều: trang chủ có biết võ công không? Thế mà nay đến lúc ra đi, y cũng không tìm ra manh mối. Chiêu kiếm tuyệt vời của sư huynh y, nếu bà biết võ hẳn đã lên tiếng khen ngợi. Còn bà không biết võ, ít ra cũng phải rú lên kinh sợ. Thế nhưng Đào phu nhân cùng với mấy nàng thanh thản nhiên như không.

Triệu Huy lấy trong bọc ra một nén vàng, kính cẩn bỏ vào đĩa, hai tay đưa cho Đào phu nhân:

- Của ít lòng nhiều, xin gửi phu nhân, để tặng các vị cô nương. Vàng tuy quí, nhưng không xứng đáng với tài dạy dỗ của mấy vị cô nương.

Đào phu nhân cầm vàng đưa cho cô gái áo xanh:

- Con cầm lấy, tạ ơn Thiên-sứ, chị em chia nhau mà dùng.

Cô gái áo xanh tiếp vàng, rồi bưng một chậu hoa thực đẹp, sắc đỏ tươi đưa cho Ngô Tích, giọng oanh vàng thỏ thẻ bằng tiếng Trung-quốc:

- Thứ hoa này tên là Quân tử hoa. Chúng có mười lọai. Nay xin tặng danh sĩ một nhánh làm duyên.

Từ Triệu Anh cho tới Quách Quỳ đều ngẩn người ra, vì người tặng vàng là Triệu Anh, mà nàng lại đem hoa cho Ngô Tích.

Ngô Tích móc trong túi ra tấm thẻ bài, kính cẩn trao cho Đào phu nhân:

- Phu nhân. Anh em tại hạ lĩnh chỉ dụ của Thiên-tử, xin gửi đến phu nhân cũng như tất cả anh hùng trong trang. Ngày rằm tháng tám sang năm, Thiên-tử mở Thiên hạ anh hùng đại hội ở Biện-kinh. Dù nam, dù nữ, dù Hán, dù Việt đều có quyền tham dự. Đại hội sẽ tuyển chọn một trạng-nguyên, hai bảng nhãn, ba thám hoa, ba mươi sáu tiến sĩ cùng bẩy mươi hai phó bảng. Kính mong phu nhân cùng anh hùng quí trang tới dự.

Đào phu nhân không chối, cũng không nhận. Hai tay bà tiếp tấm thẻ bài có khắc hình hai con rồng vàng chấu vào nhau. Bà nói:

- Đa tạ Thiên-sứ đã có lòng chiếu cố.

Trong khi Triệu Anh nói truyện với Đào phu nhân, thì thiếu nữ áo xanh trao chậu Quân-tử-hoa cho Ngô Tích. Ngô đỡ lấy chậu hoa. Thiếu nữ liếc mắt đưa tình. Bàn tay nàng chạm vào tay Ngô. Ngô cảm thấy có cái gì mềm mền dưới tay, dường như một tờ giấy. Ngô bàng hòang như đi vào mộng. Y bái từ Đào phu nhân, rồi lên xe đi.

Đâu đó văng vẳng tiếp đàn, lẫn với tiếng hát. Bảo-Hòa rút trong bọc ra ống tiêu bằng trúc mầu xanh biếc. Nàng đưa lên miệng thổi, hòa nhịp với tiếng đàn. Tiếng tiêu véo von vang đi rất xa. Ngô Tích nhận ra đó là một bài thơ của Tào-Đường:

Thụ nhập Thiên-thai thạch lộ tân, Vân hòa thảo tĩnh quýnh vô trần.

Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự, Thủy mộc không nghi mộng hậu thân.

Vãng vãng kê minh nham nguyệt hạ, Thời thời khuyển phệ động trung xuân.

Bất tri thử địa tri hà xứ, Tu tựu Đào-nguyên vấn chủ nhân.

Đinh Toàn hỏi Ngô Tích:

- Ngô chiêu-thảo-sứ, họ hát hay họ nói gì vậy?

Ngô Tích cười:

- Họ hát, dường như trong bài hát ngụ ý mời bọn mình trở lại. Đây là một bài thơ của Tào-Đường. Tác giả dùng thơ thuật truyện Lưu, Nguyễn nhập Thiên-thai. Nguyên đời Hán có Lưu Thần, Nguyễn Triệu, nhân ngày tết Đoan-ngọ đi hái thuốc ở suối Đào-nguyên, núi Thiên-thai, gặp hai nàng tiên. Hai người ăn ở với tiên được một năm rồi về. Khi về tới nhà thì cháu bẩy đời đã chết cả rồi. Hai người trở lại núi Thiên-thai, nhưng chỉ thấy mây mù không có gì nữa. Bài này là bài thứ nhất tả cảnh hai người vào núi. Còn bốn bài nữa. Tôi không đủ khả năng dịch sang tiếng Việt.

Mỹ-Linh ngâm:

Thiên-thai đường đá chen cây, Mây êm cỏ lặng, chẳng dây chút trần.

Khói mây quên bẵng phàm căn, Tưởng sau giấc mộng ra thân suối rừng.

Tiếng gà khe đá gáy trăng, Trong hang chó sủa như mừng bóng xuân.

Về đâu chốn ấy, xa gần, Tới đây ta hỏi chủ nhân vườn đào.

Thanh-Mai khen:

- Em dịch hay thực.

Nhân lúc mọi người không để ý, Ngô Tích bỏ mảnh giấy vào túi. Y đoán thiếu nữ viết riêng cho mình, thì chẳng nên cho người khác biết.

Trong khi Mỹ-Linh ngâm, tiếng tiêu Bảo-Hòa vẫn hòa điệu theo. Nhưng Mỹ-Linh ngừng ngâm, mà tiếng tiêu vẫn còn lên cao chót vót, rồi mới từ từ xuống thấp, và ngừng hẳn.

Xe tới cổng, thiếu niên tên Lý Nhân Nghiã đã đứng chờ sẵn. Y trao cương ngựa cho khách rồi chắp tay:

- Vạn-hoa sơn-trang kính biệt quý khách, chúc quý khách thượng lộ bình an.

Triệu Huy hô:

- Đi thôi!

Hai xe, một ngựa lục tục lên đường. Đi được hơn dậm, Ngô Tích hỏi Triệu Anh:

- Đại ca. Đại ca nghĩ gì về Vạn-hoa sơn-trang?

- Ta đoán chủ nhân phải là người có lai lịch rất lớn, mới dám đến thung lũng khai hoang, lập trại. Nhìn chung khu đất, ít ra đến hai nghìn mẫu. Như cô gái hướng dẫn nói, trong trang có tới 1257 người làm vườn. Lúc đầu khai khẩn, tốn kém đâu có ít? Tiếc rằng chúng ta mới qua Giao-chỉ, bằng không với loại người như thế tìm ra lý lịch đâu khó?

Đinh Toàn tiếp:

- Cứ nghe Nàng-Hồng nói, trong trang còn động An-Tiêm, am Mỵ-Nương, suối Trương-Chi... đẹp đến không thể tưởng tượng nổi. Điều chúng ta cần tìm hiểu: trong trang có người biết võ không?

Triệu Huy suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Chắc không. Đào phu nhân muốn chuộc ba con sư tử này ra. Đàm An-Hòa không thuận, bà cũng làm thinh. Nếu trong trang có người biết võ, họ đã gây sự với chúng mình rồi.

Quách Quỳ chợt kêu lên:

- Nguy quá. Khi chúng ta lên Vọng-hoa-đài không mang theo hành lý, coi chừng bị người ta lấy hết tiền bạc thì nguy tai. Hôm trước Địch Thanh đã bị anh em họ Thân làm nhục bằng cách đó.

Triệu Huy, Ngô Tích soát lại hành lý, vẫn còn y nguyên. Ngô Tích thở phào nhẹ nhõm:

- Hú vía!

Xe lại lên đèo. Con ngựa ì ạch lê bước. Khi gặp chỗ dốc quá, nó không lên nổi. Ngô Tích, Triệu Huy nhảy xuống xe đẩy phụ, xe từ bò lên. Khi xe bắt đầu đổ đèo, An-Hòa chỉ vào thung lũng bên giòng sông:

- Kia là Vạn-thảo sơn-trang, nơi Hồng-sơn quái nhân ở.

Bảo-Hòa nhìn lên trời, vẫn thấy đôi chim ưng bay là là trên đầu. Nàng mỉm cười tự tin:

- Bọn này sắp chết đến nơi rồi.

Xe đổ dốc thực nhanh, phút chốc đã xuống hết đèo. An-Hòa chỉ vào con đường mòn phía trái:

- Quẹo lối này, thì tới Vạn-thảo sơn-trang.

Từ đường cái quan, muốn vào làng, phải qua một cánh đồng bát ngát,lúa tháng ba, đang thì con gái, xanh tươi lạ lùng. Trên đồng, nhấp nhô những người tát nước, đánh kỳ, trải phân. Con hương lộ bị cắt ngang bởi cái cổng, trên cổng có chữ đề:

« Vạn-thảo xã ».

Làng Vạn-thảo cũng như muôn nghìn làng khác vào thời Lý, gồm có hai khu. Khu đồng ruộng mênh mông, trồng lúa. Khu dân chúng cư ngụ. Khu cư ngụ được tổ chức như một thành trì. Từ đồng ruộng vào là cái sách, tức một con lạch nhỏ. Sách rộng ít ra từ năm tới mười bước. Dưới sách cắm chông, hoặc những cành tre có gai. Vượt qua sách, tới một hàng rào thiên nhiên trồng tre. Những bụi tre lâu ngày trở nên dày đặc, đến con chuột con mèo chui qua cũng khó. Từ ngoài, du khách muốn vào trong làng phải qua một cái cổng. Có làng một cổng, có làng năm sáu cổng. Mỗi cổng một toán hoàng-nam canh gác.

Khi thấy người lạ mặt vào làng, hoàng-nam hỏi xem khách muốn tới thăm ai, rồi thân dẫn tới nhà. Trước cổng xã, thường trồng cây đa họặc đề. Cũng có khi lại là cây gạo họăc cây chay. Dưới gốc cây, là hàng ghế cho du khách ngồi chờ.

Cổng làng Vạn-thảo gồm nhiều viên đá chồng lên nhau. Hai bên cổng tọa lạc căn nhà gỗ nhỏ dùng làm điếm canh. Trong điếm, năm hoàng-nam, quần chẽn, áo nâu, dáng điệu khỏe mạnh. Ngay trước điếm, treo cái mõ bằng gỗ, tạc hình con cá chép. Một hoàng nam thấy xe người lạ, bước ra lễ phép hỏi:

- Qúi khách tới làng chúng tôi có việc gì?

Đàm An-Hòa hách dịch, móc trong túi ra đạo công-văn:

- Ta là hiệu-úy, lĩnh mệnh của tuyên-vũ-sứ trấn Thanh-hóa theo hộ tống Thiên-sứ. Người mau gọi lý-dịch ra đây ta bảo.

Hoàng-nam tiếp giấy đọc lướt qua, rồi y cầm dùi đánh ba tiếng mõ lớn,ba tiếng nhỏ:

- Xin hiệu úy chờ một lát. Lý-dịch sẽ ra tiếp ngài.

Triệu Huy đưa con mắt nhìn vào trong làng: con đường trải bằng những tảng đá xanh rộng, dài ước hơn bước. Hai bên đường là hàng dậu trúc nhỏ, cắt tỉa bằng phẳng. Cứ một quãng dài, lại có nột con đường khác cắt ngang, thường được gọi là ngõ. Mỗi ngõ gồm nhiều ngách dẫn vào cái cổng. Trong cổng là nơi cư trú của một gia đình, một giòng họ.

Cổng kiến trúc giống nhau, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói, cánh cổng bằng gỗ. Trên hai cột cổng, đặt hai con chó đá. Trên mặt trước của cổng có đôi câu đối. Hai bên cạnh tường tiếp giáp với hàng dậu.Sau cổng, dân chúng cất nhà ở. Nhà nhà đều có ao cá, vườn hoa, vườn rau. Những ngôi nhà cách nhau bằng hàng dậu tre, dậu dâm bụt khá cao.

Triệu Huy nghĩ thầm:

- Khó đấy! Ta đánh nhau với Kim, Liêu, chỉ cần chiếm được kinh đô, cùng những thành lớn, thì coi như xong. Còn đất Giao-chỉ này lại khác. Nếu một triều đình được lòng dân, thì dù nhà đại Tống mình có chiếm được Thăng-long cũng vô ích. Cứ mỗi xã như kiểu này, lập thành một nước, một thành trì, thì đánh đến bao giờ mới chiếm cho được. Hèn chi, thời Đông-Hán, Mã Viện anh hùng là thế, mang đến mấy chục vạn quân, mà phải đánh trong năm năm mới thắng được. Thắng rồi còn phải trải qua bẩy năm nữa, mới bình định xong.

Một ông lão, tóc hoa râm, mặc quần áo nâu từ trong đi ra. Hoàng-nam chỉ ông lão giới thiệu với bọn Đàm An-Hòa:

- Ông cụ này là lý dịch của xã Vạn-thảo chúng tôi.

Y quay lại, đưa tờ công văn cho lý dịch:

- Cụ lý ơi. Có ông quan hiệu úy dẫn mấy ông thiên-sứ tới xã mình.

Thông thường khi phủ Thanh-hóa cử quan về thăm hoặc kinh lý xã, thì sức giấy cho huyện. Huyện đạt giấy về xã chuẩn bị trước. Lần này Đàm An-Hòa đến bất thình lình. Vì vậy ông lý dịch tuy cầm lệnh của An-phủ-sứ trong tay, mà lòng nghi hoặc. Ông trao trả giấy cho Đàm, rồi thi lễ:

- Chẳng hay hiệu úy quang lâm xã tôi có điều chi dạy bảo?

Đàm chỉ vào Triệu Anh:

- Tôi lĩnh mệnh hộ tống Thiên-sứ, chẳng may Thiên-sứ bị ốm. Chúng tôi đưa ngài đi tìm Hồng-sơn lão nhân trị bệnh.

Ông lý à lên một tiếng:

- Thì ra thế. Nhưng tiếc rằng Hồng-sơn lão nhân không phải là người trong làng Vạn-thảo. Trang trại của người ở phía nam làng chúng tôi. Đây là cửa đông. Nếu hiệu úy muốn đến Vạn-thảo sơn trang phải băng qua làng, xuất cổng nam. Từ cổng nam men theo đường núi, xa xa có ngọn thác Băng-sơn chảy xuống. Đó là nơi cư ngụ của người.

Đàm An-Hòa hỏi:

- Ông có thể cho người dẫn chúng tôi tới sơn-trang không?

Ông lý gật đầu:

- Được chứ. Được chứ. Tôi xin cho một hoàng-nam dẫn hiệu-úy đi.

Triệu Huy thắc mắc:

- Tại sao tráng đinh làng này lại gọi là hoàng-nam?

Đàm An-Hòa lắc đầu, tỏ vẻ không biết. Ông lý trả lời:

- Không phải trong làng tôi, mà trên toàn đất Việt, các thiếu niên từ mười sáu tuổi trở lên đến bốn mươi tuổi, đều gọi là hoàng-nam. Nguyên từ khi đức Thuận-thiên hoàng đế thuận mệnh trời cai trị dân Việt. Ngài ban chiếu chỉ rằng tất cả con trai đến tuổi mười sáu đều gọi là hoàng-nam, tức con của đức vua.

Ông ngưng lại một lúc, quan sát sắc mặt Đàm An-Hòa, rồi tiếp:

- Khi con trai đến mười sáu tuổi. Trong xã phải chép tên vào sổ gáy vàng, cử hành lễ trình tổ thực long trọng trước đền thờ vua Hùng. Kể từ đấy, con trai có quyền lấy vợ. Trong xã cấp cho mỗi hoàng nam một mẫu ruộng. Mẫu ruộng này không phải nộp thuế. Trong năm, những tháng làm ruộng, cấy lúa, làm mùa thì hoàng nam được ở nhà làm ruộng của mình, và giúp người khác. Những tháng còn lại, thì luyện tập võ nghệ, xung phong, hãm trận. Khi nhà nước có sự, tùy theo nhân đinh từng xã, gọi hoàng nam nhập ngũ. Thời gian hoàng nam vắng nhà, thì ruộng của họ, xã phải chia người ra cầy cấy dùm.

Luật lệ, cùng tổ chức binh bị triều Lý, con trai đến tuổi mười sáu am hiểu cả. Duy Đàm An-Hòa cậy thế chị gái, cậy thế anh, không khai báo. Y lại cũng chẳng chú ý đọc sách, vì vậy y đặt câu hỏi, làm ông lý nghi ngờ:

- Thiếu niên này trình giấy của An-phủ-sứ ra, nói rằng dẫn Thiên-sứ đi... đã là hiệu úy thì phải làm hoàng-nam trước, mà y không biết hoàng nam là gì thì thực lạ lùng. Ta phải cẩn thận, bằng không sẽ mắc vào tai nạn lớn.

Ông chỉ một hoàng nam:

- Cháu này họ Lê tên Phụng-Hiểu, cháu sẽ dẫn các vị qua cổng phía nam xã.

Lê Phụng-Hiểu là một thanh niên cao lớn hùng vĩ, tuổi khoảng ba mươi. Lưng y đeo thanh đỏan đao. Nghe ông lý ra lệnh, y chắp tay tỏ ý tuân phục.

Triệu Huy móc trong bọc ra bốn nén bạc. Y nhảy xuống xe đưa cho bốn hoàng nam:

- Tôi là Thiên-sứ đức hoàng đế Đại-tống. Đại -tống giầu có, vàng bạc chất như núi. Tôi tặng mấy chú em chút ít tiêu vặt.

Cũng như cậu bé Nghĩa ở Vạn-hoa sơn-trang. Đám hoàng nam thấy Huy cho bạc nhiều quá, họ tiếp bạc, mà còn tưởng trong giấc mơ. Huy lấy trong bọc ra một lượng vàng, đưa cho ông lý:

- Xin tặng ông, để mua rượu uống.

Từ ông Lý cho đến đám hoàng-nam, suốt đời sống nơi thôn dã, chỉ biết ruộng vườn. Họ có học, song chỉ đủ để đọc thông văn tự. Trong khi học, họăc nghe phụ huynh kể nhiều truyện về Trung-quốc, nhưng bằng danh tự bình dân Nước Tầu. Nào Tầu đem quân đánh ta, nào Tầu sai sứ sang, ta cử người đối phó, nào Tầu sang tìm vàng, giết con gái chôn theo làm thần giữ của. Trong lòng họ nghĩ rằng người Tầu là cái gì kinh khiếp. Nay Triệu Huy tặng vàng, bạc cho họ. Một tia lửa lóe lên: Tầu giầu có ức vạn.

Triệu Huy, không chờ ông lý cùng đám hoàng nam cảm ơn, y dắt tay Lê Phụng-Hiểu lên xe cùng ngồi, rồi đánh ngựa chạy vào trong xã.

Xe đi theo con đường đá. Triệu Huy thấy những viên đá lát đường có ba lọai. Một loại đài ước hai bước, rộng ước một bước. Một loại dài rộng bằng nhau, ước một bước. Còn một loại vuông vức hơn gang tay. Y thắc mắc:

- Này Lê huynh đệ. Tại sao đá lát đường lại có ba loại khác nhau?

Lê Phụng-Hiểu đang thắc mắc trong lòng rằng, tại sao các bạn y đều được thưởng bạc. Còn y dẫn đường Thiên-sứ mà lại không được? Nghe Triệu Huy hỏi, y trở về với thực tại:

- Đó là lệ làng. Trong nước có luật vua, thì trong làng có lệ. Lệ làng tôi định rằng, con gái đến tuổi đi lấy chồng phải nộp treo. Trước kia treo đồng đều, mỗi đầu người năm quan tiền. Từ mười năm nay, xã trở nên giầu có, mà khi mưa xuống, nước trong núi tràn ra lầy lội khó chịu vô cùng. Cho nên các quan viên xã họp lại, đặt ra lệ: mỗi người đi lấy chồng phải nộp treo thêm một viên đá, kích thước đồng nhất. Sở dĩ có ba lọai đá, cũng do lệ làng cả. Con gái nhà giầu, phải nộp viên lớn. Con gái chức sắc phải nộp viên nhỡ. Con gái bạch đinh phải nộp viên nhỏ. Còn khi con gái lấy chồng làng khác phải nộp mỗi thứ ba viên.

Chuyến đi này của bọn Triệu Huy là tìm hiểu mọi chi tiết đời sống xã hội Đại-việt, vì vậy y hỏi tiếp:

- Còn trường hợp con gái lấy chồng làm quan, hay làm vua thì sao?

- Tùy theo địa vị. Nếu chồng làm quan võ, có huân công thì được miễn. Còn quan, mỗi cấp nộp một khác. Trong xã tôi, có cô lấy một ông đội trưởng. Ông này theo đức vua Lê đánh Tống bị cụt một tay, mù một mắt. Làng đã không bắt nộp treo, còn cấp thêm cho hai mẫu ruộng. Người thứ nhì là ông tiên chỉ trong làng. Hồi còn trẻ, ông chỉ là đứa bé chăn trâu, mồ côi, không tiền cưới vợ, cũng chẳng ai gả con gái cho. Khi được chiếu chỉ gọi hoàng nam ra trận, ông được cử đi. Ông lập nhiều công trạng. Cách đây năm năm, trong trận đánh Như-hồng với người Tầu, ông bị mất một tay. Thiên tử phong cho ông tước hầu, ăn lộc nghìn hộ. Ông trở về, cả tổng đánh trống, đem kiệu rước ông. Ông cưới một cô gái đẹp nhất làng. Cả làng xây dinh cho ông.

Ngô Tích vỗ vai Phụng-Hiểu:

- Tỷ như con gái lấy chồng ngoại quốc, chắc phải nộp treo nhiều lắm Lê Phụng-Hiểu đang thắc mắc trong lòng rằng, tại sao các bạn y đều được thưởng bạc. Còn y dẫn đường Thiên-sứ mà lại không được? Nghe Triệu Huy hỏi, y trở về với thực tại:

- Đó là lệ làng. Trong nước có luật vua, thì trong làng có lệ. Lệ làng tôi định rằng, con gái đến tuổi đi lấy chồng phải nộp treo. Trước kia treo đồng đều, mỗi đầu người năm quan tiền. Từ mười năm nay, xã trở nên giầu có, mà khi mưa xuống, nước trong núi tràn ra lầy lội khó chịu vô cùng. Cho nên các quan viên xã họp lại, đặt ra lệ: mỗi người đi lấy chồng phải nộp treo thêm một viên đá, kích thước đồng nhất. Sở dĩ có ba lọai đá, cũng do lệ làng cả. Con gái nhà giầu, phải nộp viên lớn. Con gái chức sắc phải nộp viên nhỡ. Con gái bạch đinh phải nộp viên nhỏ. Còn khi con gái lấy chồng làng khác phải nộp mỗi thứ ba viên.

Chuyến đi này của bọn Triệu Huy là tìm hiểu mọi chi tiết đời sống xã hội Đại-việt, vì vậy y hỏi tiếp:

- Còn trường hợp con gái lấy chồng làm quan, hay làm vua thì sao?

- Tùy theo địa vị. Nếu chồng làm quan võ, có huân công thì được miễn. Còn quan, mỗi cấp nộp một khác. Trong xã tôi, có cô lấy một ông đội trưởng. Ông này theo đức vua Lê đánh Tống bị cụt một tay, mù một mắt. Làng đã không bắt nộp treo, còn cấp thêm cho hai mẫu ruộng. Người thứ nhì là ông tiên chỉ trong làng. Hồi còn trẻ, ông chỉ là đứa bé chăn trâu, mồ côi, không tiền cưới vợ, cũng chẳng ai gả con gái cho. Khi được chiếu chỉ gọi hoàng nam ra trận, ông được cử đi. Ông lập nhiều công trạng. Cách đây năm năm, trong trận đánh Như-hồng với người Tầu, ông bị mất một tay. Thiên tử phong cho ông tước hầu, ăn lộc nghìn hộ. Ông trở về, cả tổng đánh trống, đem kiệu rước ông. Ông cưới một cô gái đẹp nhất làng. Cả làng xây dinh cho ông.

Ngô Tích vỗ vai Phụng-Hiểu:

- Tỷ như con gái lấy chồng ngoại quốc, chắc phải nộp treo nhiều lắm.

Lê Phụng-Hiểu bật cười:

- Con gái làng tôi vốn xinh đẹp, lại giỏi tề gia nội trợ, làm gì có người phí... phí... thân xác đi lấy chồng ngoại quốc.

Đúng ra trong xã Vạn-thảo, thường truyền tụng con gái phí l. cũng không lấy thằng Ngô. Ngô để chỉ người Tầu. Phụng-Hiểu quen miệng định phun ra. Nhưng nghĩ lại như vậy quá vô phép với khách. Y mới đổi thành phí thân xác.

Từ khi gặp Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, rồi mấy cô gái trong Vạn-hoa sơn trang, Ngô Tích tự nhiên có cảm tình với con gái Việt. Năm mười chín tuổi đậu tiến-sĩ, lại có võ công cao, y sớm được bổ ra làm quan. Tính y trung trực, không khéo lấy lòng tể-thần, vì vậy bị đưa xuống vùng Lưỡng-Quảng. Trong cái may, có cái rủi. Ra biên giới, y có dịp thi thố tài năng.Y lập được nhiều công trạng. Năm nay y mới hai mươi ba, mà đã lên tới Chiêu-thảo-sứ. Chức này cao hơn thiên-tướng, thần-tướng hai bậc. Thế nhưng y vẫn chưa lấy vợ. Y có tính lãng mạn, trong lần đột nhập vào các khê động Đại-việt, y được thấy những cô gái Việt thực kỳ lạ. Nhu mì, đoan trang, thì cũng như con gái Trung-quốc. Song trong họ ẩn tàng tính tình cương trực, bất khuất như nam tử. Y ước ao, sau khi hết nhiệm vụ, trở về Thăng-long sẽ xin hoàng đế nhà Lý cho cưới một cô gái Việt. Bây giờ nghe Lê Phụng-Hiểu nói, y như bị rơi xuống hồ nước lạnh. Y cãi:

- Lệ làng này khắt khe quá. Trong lịch sử Đại-việt, công-chúa Gia-hưng Trần Quốc, chả từng lấy chồng Trung-quốc đó sao? Có ai trách bà đâu?

Phụng-Hiểu cười:

- Trường hợp ấy khác. Tiên sinh chẳng từng nghe nói con gái Việt yêu nước hơn yêu chồng đó sao?. Công-chúa Gia-hưng lấy Trấn-nam vương Vương Phúc, bởi ngài vì Lĩnh-nam xông pha trận tiền. Thời Lĩnh-nam vua Trưng đã từng chọn mỹ nhân đẹp nhất gả cho quốc-công Minh-Giang, Đô-Thiên. Nay dân chúng thờ cúng cả quốc công lẫn phu nhân. Nếu bây giờ có chàng trai Chiêm-quốc, Trung-nguyên, Lão-qua ra sức khuông phò Đại-Việt, tôi e những cô xinh đẹp nhất sẽ tranh nhau cưới làm chồng.

Câu nói của Phụng-Hiểu đưa Ngô Tích về thực tại. Y sờ vào túi, nơi cất bức thư Nàng-Thanh đưa cho y tại Vạn-hoa sơn-trang.

Qua câu truyện đối đáp giữa Ngô Tích với Lê Phụng-Hiểu, Thanh-Mai, Quách Quỳ đưa mắt nhìn nhau. Nguyên ngày nọ, tại đền thờ Tương-liệt đại vương Quách Quỳ bị Tự-Mai thẩm vấn về nguyên do bọn y sang Đại-việt. Y có nhắc đến trận đánh Như-hồng rằng: quân Tống sang cướp phá đất Việt, bị quan quân Việt truy kích. Võ lâm Trung-nguyên bênh quân Tống, võ lâm Đại-Việt bênh quân Việt. Cao thủ bên phía Trung-quốc chết nhiều. Từ nguyên do ấy vua tôi nhà Tống mới nghĩ đến việc gửi sứ đoàn sang tìm di thư. Không ngờ hôm nay họ lại được nghe truyện một phế binh Đại- việt của làng Vạn-thảo đã từng dự trận đó.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-30)


<