Vay nóng Homecredit

Truyện:Yêu truyền kiếp - Hồi 01

Yêu truyền kiếp
Trọn bộ 10 hồi
Hồi 01: Hồi 01
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-10)

Siêu sale Lazada

Người Á Đông, luôn cả người Ấn Độ, theo văn hoá cổ truyền vẫn còn tin ít nhiều vào truyền thuyết, sự luân hồi, nhờ vậy mà sống hài hoà với thiên nhiên, đồng loại. Đoá hoa xinh đẹp phải chăng có linh hồn, nên xem hoa như bạn thân, vẽ đoá hoa, cục đá, nhánh trúc tức là vẽ bóng dáng con người, hoặc vẽ chính chân dung mình. Con bướm, con khỉ có thể lần hồi tiến hoá, trở thành sinh vật hoàn chỉnh hơn. Người ăn mày phải chăng từ kiếp trước mắc tội? Những ý nghĩ ấy vẫn còn chìm lắng trong tiền thức, điều khác biệt với Tây phương. Bởi vậy truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh mãi được tán thưởng, nhân vật phần lớn là chồn mang lớp người, kiếp trước là người, nhưng bị áp bức phải đầu thai làm chồn, hư hư thực thực, có hồ ly hiền cũng có hồ ly ác. Nên kể một thể loại đặc thù là truyện thần kỳ, điển hình là Tây Du Ký đã gây dư luận tốt từ Á sang Âu. Những nhân vật nửa người nửa tiên thánh, ăn uống như người bình thường, đầy dục vọng, biết bay nhảy bất chấp qui luật về vật lý, không cần đến con tàu vũ trụ cồng kềnh hoặc dùng thuốc trụ sinh khi đau ốm. Những thể loại nói trên được chỗ đứng vững trong văn học. Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản. Tuy siêu thực nhưng rất là hiện thực. Nhữngnhân vật hồ ly, Tôn Ngộ Không, Bát Giới hãy còn có mặt chung quanh ta, thậm chí trong bản thân ta.

Đưa nhân vật trai trẻ là Trần Dũng vào Yêu truyền kiếp, tác giả mạnh dạn đặt vấn đề chung thuỷ trong tình yêu. Khi đã yêu, hẳn có nhiều động cơ sâu sắc, lắm khi lấy nhan sắc, tiền tài thế lực, sự trẻ trung ta vẫn không tài nào giả thích trọn vẹn. Trần Dũng lên đường đến tận chốn ma thiêng nước độc của miền Thượng Du Bắc Bộ để gặp chúa Ngàn, tức là nữ thần chúa rừng núi. Nữ chúa này không có tuổi, một nhân vật huyền thoại trẻ mãi không già, như ngày nay ta hình dung lại Mỵ Nương, Tây Thi, Thúy Kiều. Ông cha, tổ tiên đời trước mang món nợ gì thì thế nào đến kiếp sau, trong dòng họ cũng phải có người trả món nợ ấy. Đây không phải nợ tiền bạc, nợ máu, lường gạt cướp bóc mà là món nợ tình. Không được trọn yêu nhau trong kiếp trước thì hạn trả vào kiếp sau trong điển cố văn học gọi là "hương lửa ba sinh". Yêu để giữ lời hứa danh dự, bất chấp khó khăn, vượt thời gian. Về hình thức, đây là thể loại thần kỳ, dị thường – mà Âu Mỹ vẫn có, xem là văn học đứng đắn - với thực chất là đề cao tình người. Đã là yêu thì không phân biệt xưa nay. Con người của huyền thoại cứ trẻ mãi không già. Có lẽ ta không cường điệu nếu cho rằng "Yêu truyền kiếp" đã đề cao sự đoàn kết, với huyền thoại trăm trứng trăm con từ thời cổ sơ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số.

Tác giả đã thành công hay không? Trả lời ngay là quá sớm và ngoài sự phỏng đoán của người viết lời giới thiệu. Chỉ thấy văn của Hoàng Ly - Đỗ Hồng Linh khá hấp dẫn, lôi cuốn, từng chập đánh thức sự tò mò của bạn đọc. Xem những trang đầu, chẳng ai đoán được phần cuối sẽ ra sao. Theo tôi, đây là một trong những yếu tố cần thiết để người viết văn thành công.


Mưa phùn, gió bấc. Trời rét căm căm, mây mù sa thấp. Một đêm thượng tuần tháng chạp.

Hà Nội về khuya vắng lặng, hàng cây bên đường rủ bóng vật vờ ướt át, gió đưa xáo xạc. Bóng đèn điện kẻ từng hàng thẳng tắp, xa hun hút một phố dài võng xuống như trĩu nặng nỗi buồn đêm mưa.

Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi đen ướt loáng chạy qua, bánh xe nghiến nước tung toé hắt lên cả khách bộ hành lướt thướt đi dưới hàng hiên.

Bờ Hồ Gươm liễu rủ, mỗi cơn gió thổi, vài chiếc lá vàng bay dật dờ chao qua chao lại trong ánh đèn vàng vọt rồi đáp xuống mặt hồ trôi đi, lạc lõng.

Chợt từ trong bóng cây, một bóng người lặng lẽ đi ra gần bờ nước, hờ hững bước lên cầu Thê Húc, đứng nhìn mặt nước hồi lâu khẽ buông một tiếng thở dài, quay ra đi về hướng Hàng Khay.

Ánh đèn loang lổ soi mặt người tuổi trẻ vẻ đậm nét mang mang tư lự. Chàng ta đội mũ "phớt", mặc "Măng tô xan", ngoài khoác áo mưa, dáng cao, lẳn người, trông đầy vẻ phong lưu trí thức.

Ngang qua vũ trường Taverne Royale bước chân người tuổi trẻ chợt chậm lại. Tiếng nhạc vũ từ trong hắt ra dập dìu nhún nhảy điệu "Tăng gô".

Bỗng từ xa, phía Nhà Kèn, một chiếc xe hơi đít vịt đang phóng vùn vụt tới chợt "phanh" gấp.

Ké…ét! Tiếng thắng xe bất thần khiến chàng trai giật mình quay lại cau mày nhìn.

Một người đàn ông trạc ba mươi, khổ người cao to như lực sĩ khoác chiếc "Pa đờ xuy" màu xám nhạt đẩy cửa bước vội xuống nói như reo:

- Dũng! Ôi chao! Đêm khuya mưa phùn gió bấc, sao lại lang thang bờ hồ thế này?

- À, Đạt! Mình đi tản bộ chút! Đêm nay, tự nhiên lại thấy trống trải bâng khuâng như nhớ … dĩ vãng xa xôi tự kiếp nào!

Chàng tuổi trẻ tên Dũng nhìn bạn, cười khó hiểu.

Hai người là bạn thân, Hoàng Đạt lớn hơn chàng mấy tuổi, là võ sĩ quyền Anh, hiện làm huấn luyện viên, mở phòng tập tại Hà Nội. Ngoài môn đánh "bốc" Đạt còn dạy cả võ Trung Hoa. Một chàng trai đáng kể vào hàng "giang hồ hảo hán", chơi với bạn rất tốt!

Riêng Trần Dũng hiện còn là sinh viên. Chàng và Đạt gần nhau qua cái "duyên" võ nghệ.

Dũng là kẻ thích văn chương thơ phú, trọng văn học nhưng cũng chuộng côn quyền, say mê nghiệp võ. Tuy tính rất đa cảm, thường đuợc bằng hữu gán cho cái tên "Dũng thi sĩ".

- Mình kiếm chỗ nào ấm áp giải sầu đi, Dũng! Cậu thích Taverne Royale này hay lại đằng Bồng Lai?

Đạt ân cần ngó Dũng, vẻ cảm thông với tâm trạng người bạn đa sầu.

- Ồ! Cậu biết đó! Tớ … không hợp lắm với khung cảnh đăng xinh, vào chỉ càng thêm lạc lõng.

Dũng nhún vai bảo Đạt. Nhà võ sĩ quyền Anh khẽ gật, cười xoà, kéo bạn lên xe.

- Vậy thì trực chỉ cao lâu Hàng Buồm! Hà! Với "thi sĩ" thì chỉ có Trúc Diệp Thanh mới nguôi được nỗi sầu vạn cổ! Hà hà!

Xe qua mấy dãy phố, đến khu Hàng Buồm, Hoàng Đạt chọn một hiệu ăn khách trú quen thuộc mời bạn vào.

Hai chàng tuổi trẻ lên gác tìm một bàn sát ban công vừa trò chuyện vừa đưa mắt ngắm nhìn phố xá rét mướt, tận hưởng cái phong vị của Hà Nội đêm mưa.

Đạt luôn miệng giục bạn ăn nhưng Trần Dũng lại uống nhiều hơn, vẻ mặt càng lúc càng thêm trầm cảm, ít nói hẳn. Chừng như chàng trai lại đắm chìm vào thế giới suy tưởng của riêng mình.

Đến nỗi nhiều lúc quên cả đối đáp với bạn.

Hoàng Đạt vốn đã quen với biểu hiện nội tâm của bạn, chỉ nhún vai mỉm cười, không trách.

Từ khi trở thành bằng hữu Dũng thường kể về tâm trạng buồn vẩn vơ không căn cứ rất ghê gớm của chàng!

Đạt xem đó là một "căn bệnh" mà những kẻ có tâm hồn lãng mạn thường hay mắc phải. Có lần chàng đã bảo thẳng với Trần Dũng như vậy, nhưng Dũng lắc đầu phản đối:

- Cậu không hiểu! Chẳng phải mình giống như các tay "lãng mạn còm" ấy đâu! Nỗi buồn của mình không chỉ là một trạng thái nhất thời, mà "nó" đã đè nặng trong lòng mình từ thuở mới biết ý thức đến giờ! Càng ngày càng nặng trĩu! Khủng khiếp dày vò vô cùng! Nguyên nhân chưa rõ do đâu nhưng mình cảm thấy mơ hồ dường như "nó" có liên quan từ … tiền kiếp của mình!

Chàng sinh viên tỏ vẻ khổ sở thở dài khiến Đạt ái ngại lảng sang chuyện khác. Bụng vẫn cho rằng bạn lãng mạn, giàu tưởng tượng. Nếu chẳng ngại vì Dũng bị chạm tự ái có lẽ chàng đã khuyênbạn nên tới gặp một "đốc tờ" chuyên khoa về thần kinh!

Chính "căn bệnh" quái gở đó đã lôi Dũng ra khỏi giường đi lang thang vô định giữa kinh thành Hà Nội trong đêm nay trước khi gặp Đạt.

- Thêm một bình nữa nhé?

Đạt hỏi bạn. Trần Dũng châm điều xì gà thứ hai, gật gù:

- Tất nhiên! Đêm nay tớ phải uống say mới thôi! À! Đổi "gu" đi, thứ này hơi nhẹ! Bảo nó kiếm một chai Mạc-ten cổ lùn, hay hơn!

Hoàng Đạt gọi người hầu bàn tới, chưa kịp bảo bỗng có tiếng chân chạy rầm rập lên cầu thang. Thực khách cùng quay lại nhìn, chỉ thấy một người đàn ông trạc bốn mươi đội mũ dạ vụt nhô lên dòm nhớn nhác vẻ muốn tìm ai đó.

- Kìa! Chú Tài Lực!

Trần Dũng nhác thấy vội gọi giật. Người đàn ông nhận ra chàng hấp tấp bước lại, kêu lên:

- Cậu Ba! Trời! Tôi đi tìm cậu từ bảy giờ tối đến giờ! May quá!

Hai người tuổi trẻ cùng thoáng giật mình, Trần Dũng đứng phắt dậy hỏi dồn:

- Chuyện gì thế? Sao lại lên tìm tôi giờ này?

Tài Lực, người lái xe cho cha Trần Dũng dưới Nam Định, vừa thở vừa đáp:

- Tôi tìm cậu ba khắp Hà Nội! Cụ lớn ở nhà bỗng lên cơn đau, truyền lên đón cậu về gấp! Xem chừng … cụ khó qua nổi! cụ bảo có chuyện quan trọng cần phải gặp cậu Ba!

- Hả?

Trần Dũng lộ vẻ kinh mang, sửng sốt hỏi lại:

- Còn các anh tôi?

- Bẩm, cậu Cả, cậu Hai chắc đã về Nam Định cả rồi!

Trần Dũng quay sang nhìn Hoàng Đạt. Không đợi bạn nói, họ Hoàng khoát tay:

- Mình cùng về Nam với cậu!

Đạt vốn quí Trần Dũng, thấy bạn gặp chuyện không may bất ngờ, chàng chẳng đành rời bạn.

- Vậy ta đi thôi!

Dũng khẽ gật đầu bảo cả hai.

Ba người rời khỏi tiệm ăn. Mấy phút sau hai chiếc xe hơi xả hết tốc lực chạy trên quốc lộ như tên bắn.

Hơn hai giờ khuya xe tới Nam Định, qua cổng Hậu vào phố. Mưa phùn vẫn sụt sùi. Qua Paul Bert, vòng về phía vọng Cung, xe dừng trước cổng một toà nhà lớn.

Xe dừng sát thềm, Trần Dũng, Hoàng Đạt theo Tài Lực nhảy xuống bước vụt vào. Lính hầu, gia nhân nam nữ, họ hàng đứng đầy. Một người trạc ba mươi, dáng mập mạp từ trên gác chạy xuống, nắm tay Dũng ứa nước mắt, giọng chìm hẳn:

- Chú Ba! Chú về hơi muộn! Thầy vừa "đi" được nửa giờ!

Trần dũng đứng lặng mươi khắc, bàng hoàng. Người vừa nói đó là Trần Thường, anh cả Dũng.

Chàng trai theo mọi người lên gác. Trong căn phòng cổ kính, ông già Trần Hùng, nằm ngay ngắn trên giường, mặt phủ một tờ giấy bản trắng toát. Trần phu nhân ngồi cạnh đó khóc nghẹn.

- Mẹ!

Dũng cúi xuống lật tờ giấy bản nhìn mặt phụ thân, phu nhân gạt lệ bảo:

- Thầy bỗng lên cơn bạo bệnh lập tức cho tìm các con về! Nửa giờ trước thầy còn hỏi! Thầy có chuyện quan trọng muốn nói với con!

Dũng lấy khăn lau nước mắt nhìn mẹ thoáng ngạc nhiên:

- Thưa, chuyện gì đó mẹ? Sao không nói với hai anh con?

Trần phu nhân chợt đưa mắt ra hiệu cho mọi người lui hết, trong phòng chỉ còn ba người con trai lớn.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-10)


<