Vay nóng Homecredit

Truyện:Nữ chúa hồ Ba Bể - Hồi 3

Nữ chúa hồ Ba Bể
Trọn bộ 7 hồi
Hồi 3: Nghe chuyện xưa, nữ chúa rơi châu
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-7)

Siêu sale Shopee

Xế chiều, tuần phủ Trần Hùng dẫn đoàn quân dưới quyền mình tới Tổng Hoá. Sau một lúc nghỉ ngơi, ông ta đem theo mấy tuỳ tùng thân tín lên ngựa đi dò xét tình hình. Lát sau, mặt trời ngả sát rặng núi Tây, cả bọn tới một cây cầu sắt sơn hắc ín bắc qua suối.

Quản Đô gò cương bảo chủ:

- Đây có đường tắt đi hồ Ba Bể!

Trần Hùng dừng ngựa trên cầu, đưa mắt nhìn quanh, chợt bộ mặt quắc thước tối sầm lại, hiện rõ vẻ thê lương.

Quản Đô nhìn chủ, khẽ hỏi:

- Quan lớn có điều nghĩ ngợi?

Họ Trần khẽ thở dài, chép miệng:

- Xưa, khi ta còn lưu lạc giang hồ, một hôm qua đây, đã chứng kiến một cảnh thảm thương. Ngót 20 năm rồi, hình ảnh thê thảm đó vẫn còn in rõ trong trí ta, nay thấy cảnh cũ, lại chạnh lòng nhớ chuyện xưa … Quản Đô cùng bọn tòng nhân biết ông ta có điều buồn trong lòng, nên tất cả đều gò cương yên lặng, chợt Trần Hùng thở phào, bảo:

- Ta đi ngả này!

Cả bọn rẽ vào rừng, theo đường mòn đi miết.

Lát sau, mặt trời gác núi, sương bắt đầu dâng, mấy thầy trò tới một cánh rừng đẹp, có con đường mòn chạy vắt qua.

Bỗng nghe tiếng vó ngựa lóc cóc, cả bọn dạt vội sau bụi cây, trông về hướng Bắc, thấy ba thớt ngựa phóng tới. Trong ánh hoàng hôn rừng, đó là ba người đàn bà đều mặc quần áo khách đen, đeo võ khí, cỡi ba con ngựa khoẻ. Cả ba đều mặt mày dữ tợn, nhưng nhất là mụ đi đầu, thân hình mập mạp như cối xay, mắt ốc nhồi, sườn đeo hai khẩu pạc hoọc lớn, sau hông giắt một cây đao, nhác trông thấy con nít phải khóc thét!

Tới gần ngã tư, bỗng mụ đàn bà vụt giơ tay, cả ba cũng dạt ngược sau thân cây, mụ khách hét the thé:

- Tỉu nà! Lũ mi là ai? Phải tụi giặc Ba Bể ra đòi tiền mãi lộ?

Tiếng mụ như sấm. Quản Đô thì thào:

- Có lẽ tụi giặc cái hồ Ba Bể?

Tuần phủ Trần Hùng giơ tay làm hiệu, đoạn ứng tiếng đáp:

- Bọn tôi là lái buôn, đem hàng hoá đi hồ Ba Bể để bán! Mấy bà đi đâu đó?

Mụ mập cười ré:

- A! Có hàng tốt bán cho mụ một ít! Có bán đầu lâu không?

Viên quan đáp:

- Muốn mua đầu lâu, phải hỏi mấy ông giặc hồ Ba Bể! Bọn tôi chỉ bán … - Nếu đúng lái buôn, mau đi ra, còn núp làm gì?

Bỗng có tiếng Quảng Tây quát gai trầm phía sau, mấy thầy trò dòm lại, đã thấy hai mụ mập đứng lù lù sau lưng, chĩa súng, nhe răng cười.

Trần Hùng ra hiệu cho cả bọn rời chỗ nấp.

Mụ mập dữ nhất tiến lại, dòm họ chòng chọc, cười bảo:

- Không phải lái buôn! Coi giống như quan Nam đầu tỉnh Cao Bằng?

Mụ tuy ở bên Tàu, nhưng hay sang chơi bên Nam, không giấu được mụ. Tuần phủ Trần Hùng nhìn đăm đăm, bỗng nhận ra vẻ quen quen như đã gặp ở đâu, ông ta vụt hỏi:

- Còn bà … Mười tám năm xưa, hình như bà có đi vùng này thì phải?

Mụ mập cười lớn:

- Ha ha! Quan Nam sao biết? Phải rồi! Hôm đó loạn rừng, thú dữ ra như rươi!

Viên tuần phủ Trần Hùng mừng rỡ, kêu lên:

- Đúng rồi! Chiều hôm đó, trời bỗng nổi phong ba, loạn rừng, thú dữ kéo ra từng đàn, có bầy đười ươi quái từ vùng hồ Ba Bể chạy ra đường Tổng Hoá - Chợ Rã đuổi bắt người đàn bà tuyệt sắc có đứa con thơ … Như được khơi dậy kỷ niệm xưa, mụ mập dữ tợn vùng cười the thé:

- Ôi chao! Quan Nam Cao Bằng nói đúng! Bữa đó có con đười ươi chúa biết nói tiếng người, đuổi bắt người đàn bà mặc áo trắng. Súng bắn không chết đó, mụ đi tới, chém búa như sấm sét cũng chẳng ăn thua, lại bị nó lật đổ xe, mấy lần ném xuống suối, ném vào bờ bụi suýt dập xương. Ôi chao! Mười tám năm rồi, mụ còn nhớ nguyên cảnh đó!

Viên quan họ Trần lại kêu:

- Vậy bà la Mẫu Dạ Xoa bữa đó đi với ông Trại Hứa Chử? Ôi! Mười tám năm rồi, trông bà vẫn không thay đổi bao nhiêu!

Nghe kể, mụ mập lộ vẻ vui thích, cười khanh khách:

- À à! Tụi lục lâm có gọi mụ là "mẹ con Dạ Xoa", nó đặt là "Pạc Họoc phu nhân", còn lão Trại Hứa Chử là chồng mụ, nó gọi là "Thần pháo tiên sinh", vì lão bắn "pháo" giỏi dữ a! Cách mấy cây số có thể rót trúng con chim sẻ. Hé hé! Mà sao ông quan Nam lại biết?

Chép miệng, họ Trần đáp:

- Hôm đó mỗ đây cũng có mặt trong cỗ xe "Ba Đen"! Mỗ đã dùng hết cách, không cứu nổi, lại bị nó quăng xuống gầm cầu suýt mất mạng!

Mụ mập có hiệu Mẫu Dạ Xoa giục lại gần hỏi:

- Giờ ông quan Nam đi đâu mà lại giả dạng lái buôn? Phải đi dò tụi giặc?

Biết mụ xấu người dữ tướng mà tâm địa không xấu, họ Trần chẳng giấu, đáp:

- Mỗ cùng giám binh Cao Bằng Bắc Cạn đem binh tới tiễu trừ giặc hồ Ba Bể, nhân dịp cứu đứa con trai bị chúng bắt! Còn bà?

Mẫu Dạ Xoa đấm gió trợn mắt mắng:

- Tỉu nà! Tụi chó đú đó cũng bắt mất chồng, con mụ đi vãn cảnh hồ Ba Bể! Hầy à! Mụ đi tìm gặp nó! Hình như chúng là mấy con giặc cái? Tỉu nà! Chúng ỷ đông, bắt cả ông Trại Hứa Chử và con gái yêu của mụ!

Đã được biết qua bản lãnh hai vợ chồng tướng phỉ Quảng Tây, họ Trần bảo:

- Vậy ta đồng cảnh ngộ! Nay mỗ đi thám sát, xem xét tình hình giặc, bà có vui lòng cùng đi, tới đó, ta tuỳ cơ ứng biến?

Mẫu Dạ Xoa gật:

- Mụ vừa tới Cao Bằng, được tin dữ, lại thấy lính nhà nước kéo đi, chỉ sợ làm vỡ chuyện, mụ phải đi lối tắt định tới thăm dò sào huyệt giặc, tìm cách cứu chồng con. Quan Nam có võ, ta cùng đi, hay dữ à! Còn lính đâu?

- Các cơ đội tiến chiếm các điểm chiến lược quanh vùng, đợi lệnh!

- Vậy là hay! Nào! Ta đi! Hai mụ này cũng là Dạ Xoa em mục trong bọn "Quảng Tây Tam Mẫu", ba con mẹ đất Quảng Tây à!

Mụ trỏ hai mụ kia, giới thiệu xong, cả hai đám nhập một, mải miết theo lối mòn xuyên sơn, nhắm hồ Ba Bể, đi như gió cuốn.

Đến khi mặt trời vừa lặn, cả bọn đã tới vùng hồ nước kỳ quan.

Quản Đô đi trước dẫn đường, giơ tay ra hiệu dừng lại.

Ánh trăng thượng tuần treo lơ lửng trên núi như lười hái tử thần, chảy xuống sơn lâm một thứ ánh sáng vàng lờ như sữa, vì miệt sơn cước đêm mùa hạ cũng có sương lạnh khí đá như thu đông.

Ngay bên đường có một tấm biển đen chữ trắng, phía sau tấm biển có cắm một cây giáo nhọn, treo một chuỗi đầu lâu, râu tóc xoã sợi, coi phát gớm.

- Chuỗi đầu kia là những kẻ không chịu mua đầu! Đây còn cách hồ năm bảy trăm thước!

Mẫu Dạ Xoa nói nhỏ:

- Biển cắm kia, chắc có đứa núp quanh đây! Phải tìm nó!

Bà ta lừ mắt một cái, hai mụ Dạ Xoa em phóng người đi hai ngả lẹ như hai con chim cú bay đêm. Viên quan Nam cùng mọi người tiến vào chỗ khuất. Chừng mười lăm phút, bỗng thấy hai mụ Dạ Xoa từ trên cây buông mình xuống, bảo:

- Không có tên nào! Cả khu cửa rừng vắng ngắt!

Quản Đô bàn:

- Có lẽ ban đêm chúng bỏ về sào huyệt hết?

Viên quan Nam trầm ngâm:

- Chúng chiếm lĩnh hồ Ba Bể bắt người, tất phải biết lính nhà nước tới, chắc phải để kẻ thám sát! Giờ phải lần tới sào huyệt của chúng, nhưng chỉ đi ít cho đỡ lộ. Có gì sẽ bắn hiệu báo tin liên lạc!

- Phải đó! Nên bỏ ngựa, dùng phép dạ hành là hơn! Còn bao nhiêu hãy nấp kín đợi, nhưng nấp gần hồ tiện hơn!

Cả bọn lại tiến vào, ít phút sau hồ Ba Bể đã hiện ra.

Cả bọn đến khu núi rậm giấu ngựa, đoạn viên quan Nam, quản Đô, ba mụ Dạ Xoa nương bóng cây, bóng núi đồi, sương mờ lướt về hướng Tây hồ.

Trong năm người, chỉ có quản Đô kém thuật dạ hành chút, nhưng y làm hướng đạp nên mọi người phải đi chậm lại đợi y.

Nhưng đường xuyên lâm cứ tới con suối lại mất, cả bọn phải vừa đi vừa phỏng đoán, tìm tòi.

Rừng núi trùng trùng hoang vắng, trăng lạnh, sương mờ, cảnh vật huyền bí thê lương.

Viên tuần phủ họ Trần chợt để ý cả ba mụ Mẫu Dạ Xoa cứ thỉnh thoảng lại cúi nhìn xuống đất hoặc vọt lên ghềnh núi, lại gần thân cây, chăm chú xem xét. Ông ta lấy làm lạ vội quay hỏi:

- Bà tìm chi đó?

Nhất Dạ Xoa đáp:

- Hầy à! Mụ tìm sào huyệt tụi giặc cái!

Nhưng đi quanh quẩn mãi bỗng đường tiều lại đứt, cả bọn đành men dọc suối kiếm lối đi. Bất thần Nhất Dạ Xoa bật kêu nhỏ:

- Hầy à! Thấy sào huyệt nó rồi! Tỉu nà! Vỏ quýt dày, móng tay nhọn, mày bắt cha con ông Hứa Chử mày giấu sao nổi?

Họ Trần ngạc nhiên hỏi. Nhất Dạ Xoa trỏ sang bên suối, bảo:

- Sào huyệt kia! Thấy chứ?

Hai thầy trò cùng chú mục dòm, chợt nghiêng đầu, thấy nhiều đốm trắng cát bờ biển lấp lánh dạ quang, chạy thẳng tắp vào tít chân núi xa.

- À! Mỗ hiểu rồi! Mẹo lông ngỗng Mỵ Châu công chúa trỏ đường cho Trọng Thuỷ đuổi theo tới tận vùng Mộ Dạ!

- Quan Nam thông minh dữ à! Đấy là cái mẹo hay nhất của bọn giang hồ lục lâm, đi đâu cũng tìm thấy!

Mẫu Dạ Xoa vọt qua suối, dẫn cả bọn theo các đốm lấp lánh, đi miết thì ra đó một loại cát tẩm ngân nhũ, dạ quang, luôn luôn họ Woòng mang trong người, khi cần, sẽ rắc trên đường đi. Hồi sáng, cha con họ Woòng bị điệu đi, đã bí mật mở túi cho cát rơi theo vó ngựa, làm dấu cho người nhà biết đường.

Băng rừng, vượt núi, chỉ ít phút sau, bỗng tới một cửa cốc thâm u, có một bóng đồn canh bên ghềnh.

Mẫu Dạ Xoa thì thào:

- Để mụ tới quét dọn cái đồn kia cho!

Viên quan Nam nói nhỏ:

- Coi chừng kế không thành!

- Hầy à! Cái vụ đó, mụ làm như cơm bữa!

Một cái lắc mình, thân hình mập mạp của Nhất Dạ Xoa đã vọt đi êm như một cái bóng mất dạng gần cửa cốc.

Phút sau, Mẫu Dạ Xoa đã đứng bên này ghềnh đá, dòm sang đồn bên kia, cách đó hai thước hẻm.

Đồn canh bằng đá, nhỏ hơn một cái điểm canh dưới xuôi. Trong đồn nhựa trám cháy vật vờ, chỉ có một bóng cao lênh khên đứng bên khung cửa, nhìn ra hẻm.

- Nó núp quanh đồn để một đứa làm mồi nhử! Tỉu nà! Định lừa cả mẹ già mi!

Mẫu Dạ Xoa đảo vòng quanh đồn canh.

Viên quan Nm đứng xa đợi chỉ độ mười phút, đã thấy mụ trùm thổ phỉ vọt ra.

- Hầy à! Có bảy thằng, sáu thằng núp quanh đồn, một thằng tựa cửa! Mụ cho nó làm bù nhìn coi dưa rồi! Đi thôi!

Năm người tiến vào cốc. Lối đá quanh co, gập ghềnh, cát sáng dẫn cả bọn đi qua hai đợt núi, cốc nữa, bỗng trước mặt hiện ra một vùng đồi thung lũng trập trùng, hiểm trở, trại quân, nhà cửa san sát như bát úp khắp nơi, ánh lửa lập loè trong đêm trăng sương, mới nhìn, không khác một vùng sơn động bản dân trù mật, nhưng đây nhà cửa dựng cả trên sườn núi đá.

- Sào huyệt giặc Ba Bể đây rồi!

Vùng núi im lặng lâu lâu mới thấy vài bóng giặc đi tuần phòng chập chờn như bóng ma, vài tiếng kẻng cầm canh vang trong trăng sương.

Dấu cát sáng rải rác ven chân núi xa tít phía tây trại giặc thưa dần, tới lưng chừng một rặng núi hiểm nằm lọt giữa khu nhà cửa, dấu cát bỗng mất hẳn, ngay chỗ có hai con đường lên núi, xuống thung.

- Tỉu nà! Mất dấu! Hai cha con lão râu xồm này xài phí dữ, rắc bừa bãi hết cát nửa chừng!

- Không sao! Ta cứ đảo một vòng thế nào cũng tìm thấy! Coi chừng cạm bẫy!

Viên quan Nam cùng Mẫu Dạ Xoa nhìn lên núi không thấy nhà cửa bèn theo đường xuống núi. Quanh quẩn qua nhiều khu trại vẫn chẳng thấy trại giam đâu.

Cả bọn đang đứng trên lối đá lưng chừng núi, bỗng nghe tiếng chân người, trên đá dăm, cả bọn vội nấp kín sau ghềnh.

Một toán bảy, tám tên dẫn một người mặc xường xám đi tới.

Ánh nhựa trám vật vờ, vừa thấy mặt người kia, Mẫu Dạ Xoa mừng rỡ, thì thào:

- Hầy à! Hứa Chử! Hứa Chử nhà mụ!

Viên tuần phủ Cao Bằng núp sau ghềnh bụi nhìn ra, mặt thoáng tia vui buồn lẫn lộn, thì thào:

- Đúng Thần pháo tiên sinh rồi! Mười tám năm qua, coi vẫn không thay đổi bao nhiêu, nhưng... cơn ác mộng năm xưa, chiều giông tố loạn rừng vẫn còn đầy dấu tích tang thương!

Mẫu Dạ Xoa khô giọng:

- Đập chết mấy thằng giặc rừng kai, cứu Hứa Chử nhà mụ!

Viên quan Nam giơ tay cản:

- Khoan! Chưa cần vội! Ta thử xem nó dẫn đi đâu! Lạ thật! Coi vẻ chúng lễ phép khác thường, xếnh xáng lại không bị trói!

Bọn giặc đi ngang qua, ánh đuốc soi rõ, quả nhiên Hứa Chử không bị trói xiềng chi cả, tay lại cầm ống thuốc lá bào vừa đi vừa hút phì phèo.

- Tỉu nà! Lão Hứa Chử nhà mụ hay dữ à! Bị giặc bắt còn hút thuốc như đi chơi mát.

Viên quan Nam ra hiệu đi theo quanh co vượt qua hai đợt núi đồi, xa hẳn khu dinh trại, bọn dẫn Hứa Chử ra sau trại về hướng Tây Bắc.

Bỗng tới một con thác ba đầu tít trên ngọn núi đổ xuống như ba giải lụa bạch vắt chếch gặp nhau lưng chừng núi và đổ xuống một vụng nước đầy mỏm ghềnh thạch bàn dị hình, phát ra một thứ âm như tiếng kèn trống, ngang vụng là một con suối sâu rộng, có một cái cầu mây dập dềnh bắc qua suối, trong thật hùng vĩ, nên thơ, bí hiểm.

Hai bên bờ suối thác, cây cỏ thưa thớt, dưới trăng, coi càng giống bức tranh thủy mạc vẽ nét đan thanh!

Leo ra giữa cầu mây, Hứa Chử họ Woòng chợt quay bảo viên bộ tướng sau lưng:

- Hầy à! Nữ chúa các chú chọn khu thác ba đầu này coi đẹp dữ à? Hỏi tao chuyện gì lại dẫn tận đây? Sắp tới chưa?

Gã kia lắc đầu:

- Nữ chúa bảo sao làm vậy? Không ai biết việc gì? Bọn tôi chỉ được lệnh đem ông thổ phỉ râu xồm tới, không biết chuyện gì khác!

Vượt qua cầu mây, bọn giặc dẫn lão tướng thổ phỉ Quảng Tây men vòng qua núi thác ba đầu, sang bên kia hẻm, bỗng dưới trăng, hiện ra một vùng sơn kỳ thuỷ tú, đồi núi trập trùng, suối khe róc rách, nhà cửa nằm san sát sườn đồi, bốn bề đầy hoa thơm cỏ lạ.

Bọn kia dẫn lão tướng phỉ Quảng Tây tới một tòa dinh sảnh đồ sộ lưng chừng núi. Dinh chiếm một khoảng bằng phẳng, giữa cây cao bóng mát, chung quanh đầy khe nước róc rách, quanh dinh đều có điếu kiều cong vút liên lạc với các toà ngang dãy dọc, trông như dinh Chúa Mèo Woòng Chí Sình Hoàng Su Phì.

Chừng đã có lệnh trước, chẳng thấy một bóng quân canh nào xuất hiện. Mãi tới khi cả bọn lên tới cổng dinh mới nghe có tiếng tù và linh dương nổi lên âm u, lập tức trong dinh có tiếng khánh khua một tràng lanh lảnh.

Trên vọng lâu, có tiếng đàn bà nói vọng xuống:

- Chú Khiên La! Lệnh Chúa truyền đưa Woòng sếnh sáng vào khách sảnh!

Viên tướng Mán ra hiệu, cả bọn băng qua điếu kiều, vào tận thềm dinh.

Đã thấy hàng chục gái hầu xiêm y rực rỡ ra mời vào phòng khách an toạ. Woòng vuốt râu cười bảo:

- Hầy à! Cô chúa giặc tiếp ngộ lịch sự dữ à!

Gái hầu đem trà nước ra mời lão khách Woòng cùng bọn Khiên La.

Được vài tuần, bỗng có một nàng trạc 17, 18 tuổi vẻ trưởng tỳ tướng ra bảo:

- Soái nương truyền Khiên La cứ về trại, để Woòng sếnh sáng lại! Soái dặn: Đêm nay có người đột nhập trại trung, không trại nào được ngăn trở, cứ để vào! Sáng mai có lính Nhà nước tiễu phạt hồ Ba Bể, mọi sự sẽ có chúa Hai, chúa Ba định đoạt, ba quân phải sẵn sàng!

Khiên La lĩnh lệnh, chào họ Woòng, lui ra.

Lão khách Quảng Tây nghĩ thầm:

- Bọn nào đột nhập sào huyệt giặc? Hay mụ Dạ Xoa? Ôi chao! Ả chúa này lợi hại dữ! Nói như ma xó!

Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng trưởng tỳ tướng lại ra, kính cẩn bảo:

- Soái nương tôi mời sếnh sáng quá bộ vào trong kia! Sếnh sáng theo tôi!

Lão khách đứng lên, theo nàng ta đi qua mấy dãy hành lang, tới một căn phòng mỹ lệ, đèn nến lung linh.

Màn che trướng rủ toàn bằng thổ cẩm quý, vách, ghế căng bọc da hổ báo, trên vách treo đầy tranh ảnh, các thứ khí giới xưa nay, giữa phòng có một chùm đèn lồng toả sáng xanh dịu.

Nàng trưởng tỳ tướng mời lão tướng họ Woòng ngồi xuống một cái ghế rộng bọc da báo, đoạn đưa tay quay nhẹ chùm đèn, ánh sáng đổi nhiều màu, huyền ảo lung linh. Nàng này bước sang phòng bên, chỉ một phút, đã có bốn nàng nữa bưng trà rượu, hoa quả ra.

Một nàng cầm hai con dao lá lan hất tung lên một trái cây, và cứ thế múa tít hai lưỡi dao lan loang loáng dưới đèn.

Lão tướng lạc thảo tò mò ngồi dòm thấy trái cây cứ quay tít thò lò trên cao, vỏ rớt lả tả, chỉ nháy mắt đã thấy nàng kẹp trái cây đã gọt vỏ nhẵn thín giữa hai dao lá lan đặt xuống dĩa.

Họ Woòng cúi dòm sàn, chẳng thấy mảng vỏ nào, chừng ngó hai tay nàng ta, thấy rõ, mới hay nàng vừa tung gọt vừa đỡ lấy vỏ, "ngọt" như làm xiếc.

Một nàng khác cũng cầm dao hất tung trái cây lên, nhưng nàng này lại chỉ dùng một lưỡi dao múa gọt xoèn xoẹt, thoắt đã đầy một dĩa.

Lão Woòng bất giác buột miệng kêu:

- Hầy à! Mấy cô gọt cái kiểu này còn hay hơn gái Hồng Kông gọt lê táo tại xóm Thạch Sùng gấp trăm lần! Ý à! Cái vùng hồ Ba Bể bên Nam lắm nhân tài dữ a!

Nàng trưởng tỳ tướng cắt trái cây rót rượu mời lão Woòng:

- Rước sếnh sáng dùng chút rượu khai vị cho ấm bụng, soái nương chúng tôi cũng sắp về!

Lão tướng thổ phỉ không làm khách, vuốt râu, cầm ly rượu uống liền, nhắm trái cây. Mấy nàng thi nhau rót rượu, dâng trái.

Bỗng một hồi khánh gióng, nàng trưởng tỳ tướng chạy vào, thoắt đi ra, lễ phép bảo:

- Soái nương đã về!

Họ Woòng nhìn vào, thấy rèm hoa lay động, một bóng mắc "phá" lãnh, áo đen viền chần kim tuyến thuỷ ba, uyển chuyển bước ra, trên vai còn khoác áo choàng đỏ chót, lót đen, đẹp lộng lẫy huyền bí oai nghiêm dưới ánh đèn lồng nhiều màu: Nữ chúa hồ Ba Bể!

- Chào Tiên sinh Thần pháo!

Lão tướng phỉ đứng lên thủ lễ. Nàng chúa hồn giơ tay ra hiệu cho khách ngồi xuống, và nàng cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện.

Họ Woòng vốn tay ngang dọc làm nghề lạc thảo đã lâu, tính ngược ngạo đã quen, không biết sợ là gì, giờ lại thấy nàng chúa hồ, tự nhiên lão sinh lòng nể vì, vuốt râu bảo:

- Cô chúa hồ Ba Bể đối với ngộ hậu dữ à! Ngộ không phải Thần Pháo, ngộ là Tắc Lềnh!

Nàng nữ chúa cười bảo:

- Tiên sinh là Thần Pháo, bà Mẫu Dạ Xoa cũng đã tới đây!

Lão tướng thổ phỉ giật mình, cố giữ vẻ điềm nhiên, hỏi:

- Hầy à! Mẫu Dạ Xoa cũng tới đây? Đó là chị dâu ngộ, vợ ông anh Thần Pháo, cô soái gặp bà chị ngộ?

Nàng chúa hồ cười đáp:

- Mẫu Dạ Xoa tới đây nhưng chưa ra mặt, nhưng sớm muộn sếnh sáng sẽ gặp! Tôi mời sếnh sáng đến tư dinh đầy hảo ý, mong Tiên sinh chớ ngại! Tôi muốn nói chuyện với Thần pháo tiên sinh Trại Hứa Chử!

Họ Woòng nhìn nàng, trên khuôn mặt đẹp tuyệt trần, chỉ lộ rõ sắc nghiêm nghị, phảng phất nét khắc khoải thầm kín, tuyệt không hiện vẻ chi xảo trá, họ Woòng gãi râu hỏi:

- Chuyện gì?

Nàng chúa hồ tự tay rót rượu cho Woòng, chờ Woòng uống xong nàng rót nữa, ngồi trầm ngâm mươi lăm khắc, chợt đứng lên, quay bảo gái hầu, tỳ tướng:

- Các em ra ngoài, nếu thấy khách lạ tới, hãy mời ngồi chơi chờ ta!

Dứt lời, nàng vẫy lão tướng phỉ, dẫn vào một căn buồng trong có ngọn đèn lồng xanh dịu. Nàng thắp lên một cây sáp lớn, đưa Woòng lại bên vách, trỏ vào một bức tranh hỏi:

- Sếnh sáng có biết cảnh gì đây không?

Woòng chăm chú nhìn, thấy đó là một bức tranh vẽ cảnh hồ nước mênh mông, có hai bóng cỡi ngựa bị một bầy đười ươi vây bắt, cây cối ngả nghiêng, rõ cảnh phong ba!

Woòng lẩm bẩm:

- Hầy à! Trông giống hồ Ba Bể dữ à! Hình như đười ươi bắt đàn bà!

Nàng chúa hồ gật đầu, lại dẫn lão bước sang bên, trỏ một bức tranh khác to hơn vẽ cảnh một cỗ xe song mã đang chạy, giữa vùng sơn lâm u ám phong ba, bốn bề đầy thú dữ, phía sau xe có một cỗ xe khác đuổi theo, trên xe lố nhố đười ươi.

Nàng lại trỏ sang cạnh, cũng cảnh tương tự, nhưng có thêm một cỗ xe đi ngược, tới giữa cầu, gặp xe đười ươi trên cỗ xe đi ngược lại có hai bóng mặc quần áo Tàu đứng nóc xe bắn, chém đười ươi.

Vừa nhìn bức tranh này, lão tướng phỉ Quảng Tây vùng kêu lớn:

- Hầy à! Lạ dữ chưa? Sao bức tranh này lại giống cái cảnh ngộ đã gặp mười tám năm xưa dữ à? Cỗ xe đười ươi đuổi theo xe hành khách, cỗ xe ngược đường có hai cái bóng đánh nhau với đười ươi, coi đúng cảnh vợ chồng Thần Pháo, Dạ Xoa, nhưng ai vẽ đẹp mà chưa được đúng!

Mắt vụt sáng, nàng chúa hồ hỏi dồn:

- Sao sếnh sáng biết rõ... sai chỗ nào?

Gãi râu, Woòng đáp:

- Con đười ươi chúa nó đứng trên mui, lão xà ích ngồi đánh xe, trong cỗ xe trước có một ông già Thổ xách cái ô và có người đàn bà áo trắng bồng con ngồi trong đó! Con đười ươi chúa biết nói tiếng người, nó đuổi theo thiếu phụ từ trong vùng hồ Ba Bể. Nó đòi lấy bà ta làm vợ! Tỉu nà! Con đười ươi giữ ống cũng biết mê gái đẹp!

Chụp lấy vai Woòng, nàng chúa hồ run giọng:

- Sếnh sáng biết rõ, đây chính vẽ cảnh mười tám năm xưa đó! Sếnh sáng thấy người đàn bà? Sếnh sáng đứng trên xe?

Dĩ vãng hiện về, lão họ Woòng buột miệng, vò râu:

- Tỉu nà! Con đười ươi quái! Lúc đó vợ chồng ngộ đứng trên mui xe mà! Hầy! Tội nghiệp bà ta phải trao đứa con cho ông già Thổ, nhảy xuống nộp mình cho con quái!

Chợt nàng chúa hồ dẫn họ Woòng lại cuối phòng, trỏ vào một bức tranh lớn khác, hỏi:

- Sếnh sáng biết cảnh này không?

Woòng chăm chú nhìn.

Đó là một bức tranh vẽ cảnh hoàng hôn sơn lâm, một bầy chó sói lố nhố tha một người đàn bà và một đứa con nít chạy vào rừng. Cạnh bức này, còn bức khác vẽ một bà già khăn đỏ phi ngựa vào giữa đàn sói, cứu được người đàn bà chạy đi.

Cảnh bên là bà khăn đỏ đặt nạn nhân vào hốc, cảnh nữa vẽ bà ta phi vào đàn sói, cứu được đứa nhỏ, chạy về hốc, chỉ thấy hốc trống trơn, rải rác mấy cái xác đười ươi, chó sói! Cảnh cuối là bà khăn đỏ bồng đứa con nhỏ đi giữa rừng hoang trăng lạnh sương mờ về miền xa xôi. Bên cạnh đó là bức hình một cô gái bịt khăn đỏ phi ngựa chồm lên một mỏm ghềnh dài, đưa mắt nhìn tứ phía, vẻ mặt u uẩn buồn mang mang như muốn tìm một hình bóng chi giữa cõi đời mịt mùng mà không thấy!

Cũng như những bức tranh vẽ cảnh nạn đười ươi, những bức tranh vẽ nạn chó sói này được vẽ thứ tự từng cảnh như trên màn ảnh, đặc biệt là nét vẽ rất đẹp, hết sức linh động, trông thấy phảng phất như thật, phải là kẻ có tài mới vẽ được!

- Sếnh sáng có biết những cảnh này không?

Lão tướng phỉ họ Woòng gãi râu:

- Hầy à! Vẽ coi đẹp dữ! Nhưng ngộ không biết mấy cái cảnh này! Ngộ có biết mấy cái cảnh khác không vẽ trong tranh này.

Nàng chúa hồ hỏi:

- Cảnh nào? Sếnh sáng...

- Cũng cảnh chó sói đười ươi! Trời còn mưa nhỏ, xe ngựa đổ gãy lung tung, người đàn bà bị con đười ươi chúa lôi lên cầu, sắp "làm dữ" thì đàn chó sói, chó núi trong rừng đổ ra, ào ào kéo lên vây kín mấy con đười ươi, người đàn bà! Đười ươi chỉ có chín mười con mà chó sói đông như rươi. Đười ươi tài giỏi hơn, cuộc ác chiến diễn ra trong nháy mắt, cuối cùng...

- Đàn chó sói bắt được người đàn bà đem đi?

- Không phải! Hầy à! Chó đông như rươi, đười ươi lại giỏi, súng bắn không chết, nó xé xác chó như xé con ngoé, cuối cùng con đười ươi chúa bồng người đàn bà quý phái chạy vào rừng sâu, hướng hồ Ba Bể mất hút!

Vừa nghe tới đó, nàng chúa hồ nắm vội lấy vai họ Woòng, nóng nảy hỏi:

- Sao? Sếnh sáng bảo con đười ươi chúa bắt cóc người đàn bà đem di?

Gật đầu Woòng đáp:

- Chính thế!

- Sao sếnh sáng biết rõ khi đã bị nó ném xuống vực bên đường?

Nhe răng cười, Woòng gật:

- Hầy à! Nó ném ngộ và mụ lỗ phồ xuống vực, nhưng lại ném đúng mớ dây leo chằng chịt trên suối, nên hai đứa lại mò được lên, đuổi theo xe, tới cây cầu sắt thì gặp. Lại đánh nhau một trận, lại bị nó ném xuống suối đi chầu Hà Bá! Ngộ ngóc đầu lên, thấy rõ mà!

Trầm mặc suy tư, nàng chúa hồ dịu dàng hỏi:

- Nếu đười ươi chúa bắt, sao lại còn người đàn bà và đứa nhỏ bị đàn sói kia tha vào rừng?

Woòng gãi râu:

- Hầy! Cái đó ngộ không biết, ngộ chỉ biết lúc lũ quái vật giành nhau những mồi ngon, con đười ươi chiếm được, chạy mất!

Chợt lão chú mục dòm dãy tranh vẽ sặc sỡ, hỏi:

- Tranh này ai vẽ đúng màu sắc! Mà ai vẽ?

- Vẽ đúng màu! Và chính tôi vẽ bộ đười ươi, còn bộ chó sói, sư mầu vẽ, nhưng cũng vẽ đúng màu!

Woòng gật đầu:

- Vậy cô soái không thấy bà bị đười ươi bắt mặc áo trắng, còn bà bị sói tha mặc áo xanh? Không lẽ bà ta lúc đó còn thay áo?

Nàng bật giọng:

- À, nếu vậy là có hai người bị nạn cùng đứa nhỏ? Nhưng đứa nhỏ đã trao cho ông già Thổ, sao lại bị tha với người áo xanh?

- À, đoạn đó tụi ngộ đang nằm ở dưới suối, đau gần chết, dậy không nổi!

Im mươi khắc, chợt nàng chúa hồ gọi tỳ nữ đem bàn ghế, trà rượu vào, bảo khách:

- Xin sếnh sáng kể lại cho nghe chuyện năm xưa về buổi loạn rừng!

Tò mò, Woòng hỏi:

- Cô chúa có họ với nạn nhân?

Viên tướng phỉ Quảng Tây ngồi nhìn nàng chúa hồ, dưới ánh đèn sáp, trên khuôn mặt đẹp lúc này hiện rõ nét u uẩn mênh mang như tích ẩn cả nỗi hờn đau trên trần thế.

Bỗng một vài nét thoáng qua trong trí nhớ, họ Woòng vụt nghĩ thầm:

- Hầy à! Ta tối dạ dữ! Bộ mặt cô chúa hồ này có nhiều nét phảng phất giống mặt người đàn bà áo trắng năm xưa gặp nạn trên đường Tổng Hóa - Chợ Rã? Họ hàng? Không phải! Hầy! Chắc cô chúa này là đứa nhỏ năm xưa con bà gặp nạn! Phải rồi!

Họ Woòng nhìn thoi lửa sáp nhớ lại dĩ vãng. Thời gian mười tám năm dài dặc tưởng phai chìm trong lớp cát bụi thời gian, bỗng từ từ hiện lên trong trí nhớ lão tướng lạc thảo, như những hình bóng trên màn ảnh rõ dần rõ dần...

Tự nhiên lão Woòng thấy lòng cuộn lên một nỗi đắng cay kỳ lạ, cái cay đắng xót xa của một kẻ ngang tàng quen sống với súng gươm bất chấp cả pháp luật Tây Tàu, nhưng lại không chịu được cảnh kẻ cô thế yếu bị kẻ bạo lực hiếp. Và lần đó lão phải bó tay, thấy mình bất lực, nhìn người bị nạn nhỡn tiền, cứu không nổi. Trong cảnh im lặng bao trùm căn buồng kín đầy tranh vẽ tang thương, giọng lão tướng thổ phỉ nổi lên chìm chìm, cao dần, nghe bỗng trở nên xa xăm như tiếng dĩ vãng bên tai nàng...

- Lâu rồi! Mới hơn mười tám năm qua, nhưng tưởng chừng đã lâu hàng mấy chục năm rồi... Vì ngày đó, cái đầu hắn chưa bị thời gian nhuộm bạc, bộ râu xồm chưa lốm đốm hoa râm... Hầy à! Vợ chồng hắn đang hồi sung sức, ngang dọc tung hoành bên đất Quảng Tây, nhà nước Tàu phải nể mặt, còn nhà nước Nam không hề sinh sự vì vợ chồng hắn ưa du ngoạn bên Nam, không hề ăn cướp.

Hắn là Woòng Tắc Mềnh có hiệu Thần Pháo Tiên sinh Trại Hứa Chử vì bắn "pháo" giỏi không cần làm con toán lôi thôi và có bộ râu xồm Hứa Chử. Vợ hắn là Pạc hoọc phu nhân Mẫu Dạ Xoa vì mụ bắn "Pạc hoọc" giỏi nhất Quảng Tây và cái mặt còn là mặt mẹ con Dạ Xoa, nhưng cái bụng lại tốt lắm!

Ngày ấy, hai vợ chồng hắn sang Nam du ngoạn, đi xem cảnh hồ Ba Bể. Một buổi chiều, hai vợ chồng đáp xe song mã chở hàng từ chợ Rã về Cao Bằng, giữa đường, bỗng trời nổi phong ba, khắp vùng hồ Ba Bể chợt xảy ra trận loạn rừng, ác thú chạy tứ tung, kéo cả ra đường cái.

Vợ chồng hắn ngồi trên mui xe ngựa ngắm cảnh phong ba ầm ầm, dậy khắp vùng sơn lâm Phi Mã. Giữa đường chợ Rã - Tổng Hoá, đến gần một cây cầu sắt bỗng trong gió, vợ chồng hắn nghe vẳng có nhiều tiếng tru hú kêu la vang động, hai người dòm lên, thấy cỗ xe ngựa chạy như bay.

Lúc đó, trời đất tối sầm vì phong vũ, nhưng vẫn rõ mọi vật, cỗ xe ngựa cứ chạy bon bon. Nhìn cỗ xe sau, ai nấy kinh ngạc sợ khi thấy một bầy đười ươi to lớn đứng ngồi lố nhố trên mui, dưới xe.

Con đười ươi chúa đang dậm chân hét giục xà ích phóng xe đuổi dữ, còn cỗ xe trước, đầy hành khách nam nữ giơ tay, kêu la ầm ĩ hét "đười ươi quái bắt người"!...

Rồi cuộc đấu ác liệt diễn ra giữa đám đười ươi, lão Thổ và vợ chồng hắn! Bọn đười ươi thắng thê! Người đàn bà áo trắng buộc phải gạt nước mắt trao đứa con cho lão Thổ, nhờ nuôi dưỡng rồi nộp mình cho đười ươi chúa. Vợ chồng hắn dùng khí giới, quyền cước ra sức đánh nhau với đười ươi chúa nhưng đều vô ích, cả hai bị con quái tóm quăng xuống vực như ném hai con ngoé.

Nhưng may gặp dây leo đỡ, cả hai người thoát chết, bèn mò lên đường tìm võ khí, quyết hạ con quái cứu người lâm nạn. Lúc đó chỉ thấy xe bị lật chỏng chơ, hành khách chạy đâu hết, vợ chồng hắn bèn cắm đầu chạy ngược về hướng chợ Rã...

- Có thể là sau khi nhận đứa nhỏ, ông già Thổ kia chạy vào rừng, tình cờ lại gặp em gái bà áo trắng kia, trao đứa nhỏ rồi lộn ra đường cái. Và khi bầy chó sói đuổi theo đười ươi đã bắt gặp hai dì cháu và chúng bắt tha đi!

Woòng vò râu kêu:

- Hầy à! Chắc vậy đó! Cứ xem hai người màu áo khác nhau, đủ biết người bị sói tha với với đứa nhỏ là cô em còn cô chị bị đười ươi chúa bắt đi!

Nàng chúa hồ đứng nhìn dãy cảnh trên vách, mặt hoa hiện rõ vẻ thê lương vô cùng.

Lão tướng phỉ Quảng Tây đứng lên, bước lại gần nàng ta, đưa mắt nhìn. Dưới ánh đèn sáp lung linh, lão thấy đôi mắt phượng của nàng rơi châu âm thầm tầm tã.

Non phút sau, không ngoảnh lại, nàng hỏi lão Woòng:

- Nếu vậy người chị bị đười ươi chúa bắt, người em bị sói bắt, con quái đười ươi biết nói tiếng người, súng bắn không chết... là giống chi? Có thể là quái vật thành tinh được không? Còn ông già Thổ làm sao gặp được ông? Còn người xà ích chắc cũng biết nhiều chuyện chiều hôm đó?

Lão Woòng không đáp, hỏi lại:

- Cô chúa à? Ngộ coi cô chúa không vui khi nghe chuyện loạn rừng năm xưa. Cô chúa đừng giận, phải cô chúa là con gái bà áo trắng bị quái vật đười ươi Phi Mã Ác bắt đem đi?

Nàng chúa hồ quay mặt lại, má đào loang đầy nước mắt, nàng không lau, không đáp câu lão hỏi, lại cất giọng chìm chìm như nói để mình nghe.

- Cô em bị chó sói bắt đem di... Sao người con trai tuần phủ Cao Bằng lại có khuôn mặt hao hao giống tôi? Sếnh sáng có nhận thấy điều đó không?

Woòng gật lia:

- Hầy à! Chính ngộ hồi nãy cũng có để ý điều đó! Mà không riêng ngộ, cả tụi đều thấy thế!

Nàng chúa hồ vụt sáng hẳn mắt, cao giọng:

- Sếnh sáng có nghĩ cô em người đàn bà thoát nạn dữ hiện nay còn sống? Tôi thấy vợ viên tuần phủ Cao Bằng có gương mặt quen quen!

Họ Woòng chưa kịp đáp, bỗng có nàng trưởng tỳ tướng tiến vào, đứng giữa khung cửa thông, kính cẩn nói vọng:

- Bẩm soái nương, Nùng Kham đi đường 36 đã về, muốn vào trình!

Nàng chúa hồ khoát tay:

- Dẫn y vào đây!

- Dạ!

Trưởng tỳ tướng lui ra, thoắt đã dẫn vào một người to lơ"nàng, trán to, mặt mày dữ tợn, gan lỳ. Vừa thấy nữ chúa hồ, y vội cúi rạp đầu chào kính cẩn. Không đợi y nói, nàng hỏi luôn:

- Họ đâu? Nùng Kham!

Người Mán có tên là Nùng Kham đáp:

- Bẩm soái nương họ còn đợi ngoài kia!

- Dẫn vào đây! Chú không làm họ sợ đấy chứ?

Y nhe răng cười khô:

- Dạ... bị đem về núi họ đều sợ nhưng tôi có bảo cho họ yên lòng!

Y quay ra, giây phút dẫn vào một bọn đàn ông khoảng vài chục người, kẻ mặc quần áo chàm, kẻ mặc quần áo đen, nâu, tất cả đều trạc bốn mươi tuổi trở lên. Ai nấy đều lộ vẻ sợ sệt, có lẽ đều biết đã bị điệu vào "hang cọp"!

Tự động cả đám đông đều chắp tay chào kính cẩn, nhiều kẻ khúm núm coi rất bi hài!

Họ Woòng chưa hiểu quân hồ Ba Bể bắt đám người này về làm gì, đã thấy nàng nữ chúa hồ dịu dàng nhìn họ, hỏi:

- Phải các chú đều làm nghề xà ích chạy xe ngựa đường Cao Bằng, Bắc Cạn, chợ Rã, hồ Ba Bể không?

Cả đám gật đầu dạ lia. Nàng lại hỏi:

- Ngót hai mười năm rồi?

Cả đám lại gật. Nàng nữ chúa hỏi:

- Ta có chút việc muốn hỏi, vậy chú nào đã bị cảnh loạn rừng giữa đường, cách nay khoảng mười tám năm?

Hơn chục người nhao nhao lên tiếng. Nàng lại hỏi:

- Ai bị trên đường Tổng Hoá - Chợ Rã?

Sáu bảy người gật đầu, nàng vẫy Nùng Kham lại bảo dẫn bọn kia ra ngoài đợi, đoạn ra hiệu bảo mấy người này lại bên vách trỏ lên những bức tranh trầm lời:

- Mấy chú nhìn xem, có thấy gì lạ không?

Bọn xà ích cùng dòm tranh, khen đẹp, bỗng một kẻ kêu lớn:

- Ôi chao! Sao cái cảnh này giống hệt cái cảnh con đã thấy hôm loạn rừng năm xưa!

Lại một kẻ nữa kêu:

- Ô! Đười ươi đuổi người! Ơ! Cái anh đánh xe ngồi dưới chân đười ươi giống quá! Giống anh "Hai chai bố"!

Nàng nữ chúa sáng hẳn mắt, gọi hai người đó lại gần. Đó là hai kẻ trạc năm, sáu chục tuổi, nhưng coi còn khoẻ. Một người già hơn chút mặt nặng hơi men, hai con mắt còn đỏ.

Lão tướng phỉ nhìn hai người kia chợt nheo mắt, gãi râu, lẩm bẩm:

- Hầy! Coi mặt hai chú quen dữ à!

Nàng nữ chúa trỏ tranh hỏi:

- Hai chú đã thấy cảnh kia?

Hai người gật. Nàng ta lại sai dẫn hết mấy kẻ kia ra, chỉ giữa lại hai người hỏi:

- Hai chú tên chi?

Gã mắt đỏ như mắt sáo mẹ cất giọng nhè nhè:

- Bẩm bà chúa, con là "Hai chai bố", còn anh này là "Ba Đen"! Bẩm, chúng con đã thấy cảnh đười ươi bắt người! Bẩm, nó túm tóc con bắt cầm cương... giờ nhớ lại còn ghê!

Nàng chúa hồ sai đem rượu, mồi nhắm cho hai chú xà ích dùng, và bảo:

- Hai chú này, hãy kể lại chuyện loạn rừng năm xưa! Sẽ có thưởng!

"Hai chai bố" thấy rượu thèm rỏ dãi, vớ lấy uống như trâu, Ba Đen cũng làm một ly đầy.

Rượu vào lời ra, "Hai chai bố" cao hứng quên cả sợ, cầm cả bầu rượu bước lại gần vách trỏ bức tranh nói lè nhè:

- Cái tranh này vẽ đẹp ghê! Nhưng còn chưa đúng cảnh thực! Cái thằng xà ích này là "Hai chai bố". Trong cảnh thực, con đười ươi chúa nó đứng sừng sững ngay sau lưng xà ích! Ối! Nó to như người, nó mình đồng da sắt, nói đủ tiếng Kinh, tiếng Thổ, giọng nó như sấm, nghe muốn vỡ màng tang! Bẩm... "Hai chai bố" là con đây!

- Tôi! - Nàng chúa hồ nhắc y.

- Dạ... Tôi! Tôi xuôi Tổng Hoá, gặp chú Ba Đen đang chạy như ma đuổi về hướng chợ Rã, tiếng gọi inh ỏi, tôi đang say rượu nghe báo có đười ươi, lại tưởng họ giễu mình giống con đười ươi nên cứ phóng bừa, bị con quái nó túm được, bắt lộn xe lại đuổi Ba Đen!

Ba Đen tiếp:

- Dạ lúc đó trong xe con... à tôi... Có bà áo trắng đẹp như tiên bồng một cô nhỏ chạy ngựa trong vùng hồ Ba Bể ra, ngựa ngã chết, bà ngất, được ông cụ Thổ đỡ lên xe, chạy đi. Con đười ươi chúa xông ra đuổi theo, đòi bắt. Ông lão Thổ và mấy người lính dõng bắn liền mấy phát, nó không chết!

Nàng chúa hồ gọi tỳ nữ đem rượu ra nữa. Hai người xà ích vừa uống vừa kể lại chuyện mười tám năm xưa loạn rừng hồ Ba Bể, bầy đười ươi đuổi bắt người đàn bà áo trắng bồng con. Từng chi tiết, hai người xà ích già nhớ đâu kể đấy. Đến chồ con đười ươi chúa nổi hung lật xe, "Hai chai bố" bị ném vào bụi chết ngất, riêng Ba Đen được chứng kiến đoạn sau, y kể tiếp từ lúc chui vào bụi rậm bên đường, đến chồ thấy ông già Thổ chạy ra, đười ươi chúa vồ bà áo trắng, ép làm vợ trên cầu sắt, hai vợ chồng tướng thổ phỉ Tàu hiện ra bắn nó. Đến đoạn đười ươi ném hết mấy người xuống suối, ác chiến với chúa sói, cắp bà áo trắng chạy vào rừng v.v... Nhất nhất không thiếu đoạn nào!

Kể xong, Ba Đen nốc luôn một ly rượu đầy, chợt để ý dòm lão họ Woòng ngồi gần đấy, vùng kêu:

- Ô! Tôi nhớ ra rồi! Ông cụ râu xồm này giống mặt ông tướng phỉ có bà vợ to lớn hôm đó! Giống như đúc! Ô, cả hai rất giỏi, mà con đười ươi chúa còn giỏi hơn nên hai người bị nó quăng xuống suối!

Họ Woòng gãi râu, trỏ Ba Đen, "Hai chai bố" nói vang vang:

- Tao nhớ ra rồi! Hai chú mày là hai chú xà ích hôm đó! Trông chỉ già đi ít thôi!

"Hai chai bố", Ba Đen cũng bật reo:

- Hứa Chử! Ông cụ Hứa Chử!

Họ Woòng đứng dậy vỗ đốp vai hai chú xà ích. Cả ba trông lại: nàng nữ chúa hồ Ba Bể nước mắt đã chảy ròng ròng từ lúc nào!

Cả ba cùng im lặng nhìn nhau không ai nói tiếng nào.

Vẫn đứng nhìn tranh, nàng chúa hồ hỏi:

- Ba Đen! Chú ngồi đánh xe nghe bà áo trắng nói gì với ông già Thổ?

Lão xà ích gãi cằm, vẻ bâng khuâng:

- Dạ tôi ngồi đằng trước, lúc đó tâm thần hoảng hốt, gió thổi ào ào, nghe tiếng được tiếng không, nhưng lúc bị nó quăng dây móc xe dừng lại, tôi nghe bà ta nghẹn ngào bảo "... Thân tôi dẫu thác cũng chẳng quản chi... Chỉ mong con thơ thoát tay quái vật... Một giọt máu này xin cụ cứu cho... Mai sau còn có ngày rửa nhục...!" Ông già Thổ mấy lần khuyên giải, cố chống con quái vật, nhưng nó như ma quỷ, súng bắng không chết. Ông già phải ôm cô nhỏ nhảy xuống chạy vào rừng!

Nàng chúa hồ run giọng:

- Sau chú nấp trong bụi, lại thấy ông già vọt mình chạy ra đường cái?

Ba Đen gật. Nàng trầm mặt:

- Nếu vậy khi chạy vào rừng, ông già đó đã gặp người em bà áo trắng, trao đứa nhỏ, rồi lại chạy ra định cứu bà, nhưng vẫn bị thua, và khi bầy sói đuổi đười ươi, đã bắt gặp hai dì cháu núp trong rừng nên bắt tha đi!

Họ Woòng gật lia. Nàng chúa hồ lên tiếng gọi:

- Khiên Mây đâu? Đem đồ vẽ vào!

Nàng trưởng tỳ tướng cùng hai nàng nữa mang giá vẽ, thuốc vẽ, bút lông... vào.

Nàng chúa hồ pha thuốc, vén tay áo cầm bút vẽ lia trên mặt lụa căng. Tay bút như rồng bay phượng múa. Chỉ lát sau nàng đã vẽ xong năm, bảy bức, diễn tả lại đúng như lời Hứa Chử Woòng Tắc Mềnh, xà ích Ba Đen, "Hai chai bố" đã kể. Nước mắt nàng nhỏ xuống sơn màu như mưa. Chỉ nhìn qua nét vẽ cũng hiểu nàng đã hoà cả tâm hồn vào tay bút.

Lão Woòng Tắc Mềnh bất giác vò râu khen:

- Hầy à! Cô soái hồ Ba Bể có hoa tay dữ, vẽ như cảnh thực! Hà! Ngộ còn nhớ chú "Hai chai bố" ngồi dưới chân con đười ươi chúa, mắt trợn ngược, mặt xanh như tàu lá chuối coi giống hệt bức tranh này!

Nàng nữ chúa lau nước mắt, gọi bọn nữ tỳ tướng Khiên Mây vào treo tranh lên, đoạn quay bảo Mây đi mời "cậu họ Trần tới".

Nừ tỳ tướng Khiên Mây vừa ra tới khung cửa thông phòng khách bỗng giật nảy mình thấy một pho tượng mập như chum vại đứng lù lù ngay bên pho tượng "cô Then" bằng gỗ mun đặt gần cửa ra ngoài.

- Quái! Tượng mụ béo bằng đồng hun này ai mới đặt đây? Vừa rồi đâu có?

Khiên Mây lẩm bẩm bước lại gần. Tượng mụ béo buông thõng tay, hai con mắt ốc nhồi trợn ngược nhìn... không khí!

Sinh nghi, Mây trố mắt dòm. Đúng tượng đồng hun, Mây kêu:

- Ôi chao! Ai đúc khéo dữ! Coi hệt mụ quỷ Dạ Xoa dưới âm ty!

Dứt lời, vì bận việc Mây đi thẳng ra cửa ngoài. Nhưng tới cửa Mây ngoái dòm lại, đúng lúc pho tượng mụ béo quay người, thò một tay như chực túm gáy nàng ta.

Giật thót mình Mây bật kêu:

- Tượng thịt!

Tượng mụ béo lại đứng đờ, nhưng vừa nghe Mây kêu, tượng vùng trợn mắt mắng:

- Tỉu nà, con ranh con hỗn! Sao dám gọi bà nội mi là tượng thịt?

Khiên Mây hỏi lớn:

- Mụ béo vào đây làm chi?

Nhe răng cười, mụ đáp:

- Tao đi xem nó đem lão Hứa Chử đến đây làm gì?

Mây thở phào, đổi sắc mặt, lễ phép:

- Vậy mời bà ngồi chơi đợi soái nương!

Thì ra mụ béo này không ai khác chính là mụ "Mẫu Dạ Xoa Pạc hoọc phu nhân". Nguyên nãy vẫn cùng thầy trò viên tuần phủ Cao Bằng nấp phía ngoài nghe ngóng, thấy bọn quân Ba Bể dẫn Hứa Chử Woòng vào rồi trở ra, lát sau lại tên khác dẫn một lũ xà ích vào, ai nấy đều lạ, muốn vào coi xem hung cát thế nào, nhưng tỳ nữ lố nhố ra vào nên chưa tiện. Chợt thấy chúng tản đâu hết, Mẫu Dạ Xoa liền vọt luôn vào khách sảnh. Nào ngờ vừa đến bên pho tượng, bỗng thấy Khiên Mây xồng xộc đi ra. Túng thế, mụ Dạ Xoa bèn đứng sững giả vờ làm pho tượng, vì mụ cũng đen như đồng hun!

Giờ thì lộ, nghe Mây mời, Dạ Xoa trợn mắt, nhe răng cười rè:

- Mời ngồi chơi? Tỉu nà, lịch sự dữ! Cô em chọc tao hả?

- Thưa, soái nương có dặn hồi nãy!

- Hầy! Soái nhà côn em biết có khách?

- Dạ biết chứ! Chính soái ra lệnh, nên không ai ngăn chặn bà!

- Lão Hứa Chử đâu? - Dạ Xoa nheo mắt hất hàm hỏi.

- Dạ, đang ở trong phòng soái nương!

Dạ Xoa trợn mắt hét như sấm lệnh:

- Tỉu nà, tao đập mụ trước, vặt râu lão chó đú sau!

Khiên Mây kinh ngạc kêu:

- Kìa bà mập! Sao bà làm dữ...

- Đem lão râu xồm vào phòng riêng làm gì? Tao đập chủ tớ mày, vặt râu lão xồm!

Lời dứt, mụ vọt tới vung trảo móc họng Khiên Mây. Nàng tỳ tướng vội nhảy sang bên tránh. Nhanh như chớp, mụ xoay luôn người thò tay kia vồ. Bịch! Cả bàn tay hộ pháp vồ trúng một bàn tay nhỏ nhắn, Mẫu Dạ Xoa thích chí cười ré lên:

- Nhãi con! Tao vặn họng mày! Muốn sống mau dẫn tao vào gặp con chủ mày!

Bỗng nghe tiếng quát líu lô "mụ béo vào đây làm gì", Mẫu Dạ Xoa trợn mắt ốc nhồi dòm kỹ, mới hay không phải túm được Khiên Mây, mà là một nàng mặc áo chàm, tua ngũ sắc, bịt khăn đỏ, chân quấn xà cạp đỏ, mặt đẹp tuyệt, hai mắt hơi xếch long lanh sáng quắc rất oai vệ. Nàng này chính là nàng chúa Hai, Mẫu Dạ Xoa vung mạnh tay, định vật nàng chúa Hai xuống nhưng nàng này bản lãnh cao cường, vụt xoay người dùng một thế võ đặc biệt quẳng mụ đến "huỵch" xuống sàn. Dạ Xoa chồm dậy ôm lấy nàng nhưng lại bị quật "rầm" xuống lần nữa.

Ngay lúc đó, nàng chúa Ba cũng vừa xịch tới, bỗng từ ngoài có hai bóng to lớn phục phịch nhảy vọt vào, vung chuỳ, búa tấn công cả hai nàng chúa hồ. Cả ba mụ Dạ Xoa toàn tay giỏi, ngờ đâu hai nàng lại giỏi hơn, chỉ qua lại vài đường đã đá tung hai mụ lộn ra thềm ngoài. Mẫu Dạ Xoa hét "không xong rồi", mụ rút cây nhuyễn sách phủ ra chém lia lịa, định mở đường thoát ra thềm, nhưng vẫn bị vây chặt không qua nổi. Hai mụ kia lại nhảy vào đánh loạn.

Lúc đó viên tuần phủ cùng quản Đô nấp ngoài, thấy ba mụ Dạ Xoa bị vây, vùng bảo:

- Ôi chao! Mẫu Dạ Xoa nóng nảy để lộ tung tích rồi! Chú đợi đây, ta vào giải cứu!

Dứt lời, viên tuần phủ quẳng người vèo vào thềm như con chim cắt. Cách mười tám năm, tài nghệ ông ta giờ đã vượt cao hơn mấy bậc, vừa hạ chân đã xông vào đánh hai nàng chúa hồ.

- Lão là ai?

- Rút thôi, mấy bà Dạ Xoa!

Liền mấy đường quyền cước tung ra, cả bọn nhảy vọt ra ngoài. Hai nàng chúa hồ chực đuổi theo bỗng nghe một hồi khánh gióng lên, lập tức dừng lại, tiến thẳng vào khu phòng riêng của nàng chúa Cả. Nàng chúa Hai nói luôn:

- Bọn gian tế dám vào tận soái sinh do thám, sao đại tỷ không cho bắt?

Nàng chúa Cả ra hiệu cho hai cô em vào buồng trong, nói chuyện dặn dò chi. Ít phút sau, cả ba cùng ra, nàng chúa Cả bảo lão Woòng:

- Pạc hoọc phu nhân vừa cùng một người tính vào sảnh, hình như là ông tuần phủ Cao Bằng. Rất tiếc họ bỏ đi rồi! Cám ơn chuyện sếnh sáng và hai chú xà ích đã kể, giờ sếnh sáng có thể cùng Cẩm Tiên rời trại nhưng mai có lẽ tôi còn muốn nói chuyện nữa, vậy hãy xin về nghỉ cho mạnh, mai sẽ gặp lại!

Lão Woòng nghe tin vợ vào trại có vẻ áy náy:

- Hầy! Mẫu Dạ Xoa tính nóng như lửa, sợ mụ nổi hung làm chết oan nhiều người!

- Sếnh sáng chớ ngại! Tôi đã cho lệnh để họ vào ra tự do! Giờ chắc đang đi tìm nhà giam, nhưng... không gặp đâu! Sếnh sáng cứ yên lòng về ngủ!

Woòng chào, theo mấy nàng quân hầu ra khỏi soái dinh, đầu óc chập chờn nhiều ý nghĩ, chẳng còn dám quyết việc hung hay cát trước thái độ khó hiểu của nàng nữ chúa hồ Ba Bể nữa!


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-7)


<