Vay nóng Homecredit

Truyện:Thần kiếm Kim Thoa - Hồi 22

Thần kiếm Kim Thoa
Trọn bộ 78 hồi
Hồi 22: Kim Tuyến Đào Hoa
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-78)

Siêu sale Lazada

Thôi Huệ và Thượng Quan Yến thấy Mai Quân Bích đấu với đối phương lâu như vậy tất phải là cường địch, huống chi trong kiếm ảnh rợp trời đâu nhìn rõ là ai?

Tử y thiếu nữ thấy đối thủ có thêm người đến giúp, đặc biệt đó là nữ nhân thì càng tức giận.

Ngạo khí nổi lên, cô ta dừng tay chỉ kiếm vào mặt Mai Quân Bích quát:

- Đồng bọn của ngươi đến chi viện đấy! Sao không bảo chúng xông vào cả đi?

Thực ra cô ta cũng biết mình không thắng nổi Mai Quân Bích, nhưng nói vậy chẳng qua cho bõ tức mà thôi!

Bấy giờ Thượng Quan Yến mới thấy rõ người giao thủ với Mai Quân Bích chính là tử y thiếu nữ đã từng giải cứu cho mình và Huệ thư thư hôm trước ở Ca Lạc sơn trang, trong lòng vừa kinh vừa mừng liền gọi:

- Tử y thư thư! Xin hãy dừng tay!

Tử y thiếu nữ nghe gọi ngạc nhiên nhìn sang Thôi Huệ và Thượng Quan Yến.

Cô ta cũng nhận ra hai thiếu nữ a lên một tiếng, sau đó quay sang Mai Quân Bích hừ một tiếng nói:

- Thì ra ngươi không phải là tặc đồ của Huyền Nữ giáo... Tại sao không chịu nói rõ từ trước?

Mai Quân Bích nghĩ thầm:

- "Thiếu nữ này quả là một người kỳ quặc hết sức! Đã không thèm tìm hiểu nguyên do, cũng không để người ta kịp giải thích cứ nghiến răng đánh bừa bây giờ lại còn trách..."

Nghĩ vậy nhưng chỉ trả lời:

- Tiểu sinh căn bản không phải là người của Huyền Nữ giáo...

Tử y thiếu nữ vẫn lạnh lùng:

- Dù sao thì ngươi cũng không phải là người tốt lành gì. Nếu không nể mặt hai vị cô nương này, tối nay ta nhất định còn đấu với ngươi đến khi nào phân thắng bại mới thôi!

Dứt lời liếc xéo Mai Quân Bích lần nữa với ánh mắt hằn học rồi bất thần nhún mình lao vút đi.

Chỉ chớp mắt, dáng mảnh mai kiều diễm của cô ta đã khuất sau một khúc đường cong.

Thôi Huệ nhìn theo một lúc cho đến khi bóng tử y thiếu nữ khuất hẳn mới quay sang Mai Quân Bích hỏi:

- Mai ca ca! Tại sao lại động thủ với cô ta thế?

Mai Quân Bích tra kiếm vào bao, buông tiếng thở dài rồi đem chuyện vừa rồi kể lại cho hai thiếu nữ nghe.

Thôi Huệ tỏ ý không vừa lòng nói:

- Mai đại ca ở đâu cũng hạ thủ lưu tình với người khác, nhưng người ta có thèm nhận ân tình đó cho đâu? Chỉ sợ sau này còn gặp phiền phức không ít đâu!

Mai Quân Bích chỉ lắc đầu không nói gì.

Thượng Quan Yến liền lên tiếng hòa giải.

- Bích ca! Huệ thư thư! Dù sao tử y thư thư cũng đã đi, chuyện hiểu lầm coi như chấm dứt. Chúng ta về thôi! Trời sắp sáng rồi!

Nói xong kéo tay Thôi Huệ bước ra đường.

Mai Quân Bích không nói gì lẳng lặng đi theo.

Ngày hôm sau, Cầm Nhi và Kiếm Nhi sau khi đưa mười mấy thiếu nữ ra khỏi Ca Lạc sơn trang an toàn đã chia vàng bạc cho họ rồi để từng người tự về nhà, vội vàng đến Kiềm Dương gặp Mai Tam công tử.

Ba người cùng Cầm Nhi và Kiếm Nhi vẫn tiếp tục ở lại Kiềm Dương, dò hỏi khắp nơi nhưng không có tin tức gì về Thôi Mẫn.

Bảy tám ngày trôi qua nhưng Thôi Mẫn vẫn bặt vô âm tín.

Thôi Huệ rất sốt ruột muốn đi tìm, nhưng Mai Quân Bích bàn rằng:

- Nếu đã có hẹn gặp ở đây thì cứ chờ là hơn, lỡ ra chúng ta vừa đi khỏi, lệnh huynh lại tới đây thì càng khó.

Thế là họ đành kiên tâm ở lại vừa chờ đợi vừa chia nhau tản đi các tửu lâu, quán trọ tìm kiếm.

Thời gian rảnh rỗi, Mai Quân Bích sáng tạo ra một pho chưởng pháp gọi là Chuẩn Đề chưởng trên cơ sở Chuẩn Đề kiếm pháp chàng đã biến đổi để đối phó với tử y thiếu nữ đêm trước đem truyền thụ cho bốn người.

Vừa khéo là Chuẩn Đề chưởng này đem sử dụng với Đại La kiếm pháp của Thôi Huệ thì rất phù hợp, phát huy được uy lực hơn trước nhiều.

Nàng cũng đưa Đại La kiếm pháp truyền thụ cho Thượng Quan Yến.

Sau nửa tháng, Thượng Quan Yến luyện được hai pho chưởng pháp và kiếm pháp thặng thừa.

Nàng đã có võ học cơ bản do ngoại công là Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng truyền thụ, lại thông minh chịu khó khổ luyện nên võ công tiến triển rất nhanh, sau nửa tháng trình độ đã khác hẳn trước đây một trời một vực.

Cầm Nhi và Kiếm Nhi tuy không được Thôi Huệ truyền thụ Đại La kiếm pháp nhưng vì chúng là người thân tính của Mai Quân Bích nên chàng không cấm việc Thượng Quan Yến cùng luyện Đại La kiếm pháp với chúng.

Cả ba người cùng chăm chỉ luyện tập bất kể sớm khuya nên cùng tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu đã có thể sử dụng thành thạo Đại La kiếm pháp thặng thừa bí truyền của phái Hoành Sơn.

Thời gian càng lâu, Thôi Huệ càng sốt ruột.

Nàng lo rằng Mẫn tỷ đã gặp phải biến cố bất ngờ gì cho nên suốt trong nửa tháng, nàng giục Mai Quân Bích lên đường không biết bao nhiêu lần.

Mai Quân Bích thấy rằng cứ ở hoài Kiềm Dương chờ đợi cũng không phải là biện pháp tốt, đành theo lời Thôi Huệ chuẩn bị lên đường.

Trước khi đi, chàng dặn điếm gia khi nào thấy Thôi Mẫn đến thì bảo cứ ở đây chờ, còn miêu tả nhân dạng kỹ càng, thanh toán xong còn thưởng cho rất hậu.

Sáng hôm đó, năm người mua thêm hai con ngựa tốt, mỗi người cưỡi trên lưng một con tuấn mã theo đường giáp giới hai tỉnh Quảng Tây và Quý Châu nhằm hướng tây tiến phát.

Quan đạo càng đi càng hoang vu hiểm trở, nhiều lúc đi cả trăm dặm không gặp thôn xóm làng mạc gì.

May rằng khi còn ở Kiềm Dương họ đã chuẩn bị chu đáo đồ dùng vật phẩm chở theo nên dù có ngủ lại giữa rừng cũng không đáng ngại lắm.

Sáng ngày thứ ba thì sơn đạo lọt vào giữa núi cao rừng thẳm, có khi phải xuống ngựa dắt bộ.

Lúc đó đã sang hạ tuần tháng chín nhưng trên núi đá cao vẫn còn rất nóng, ai nấy ướt đẫm mồ hôi.

Ngày hôm đó hành trình từ sáng đến trưa không gặp một khe nước nào, ai nấy khát khô cả cổ.

Mai Quân Bích võ công thâm hậu nên còn chịu được, nhưng bốn người kia thì khát cuồng lên tưởng chừng như sắp hóa điên.

Quá ngọ mới xuống tới chân núi, mọi người đã sắp lã đi thì chợt Mai Quân Bích chỉ tay về phía trước phấn khởi nói:

- Dưới chân núi có một xóm nhỏ. Tin rằng chẳng những có nước mà đến thức ăn tươi cũng có!

Bốn người khác không ai bảo ai quên cả khát cũng chạy ào đến nhìn.

Quả nhiên ở chân núi thấp thoáng một tiểu thôn chỉ có mấy nóc nhà tranh vách đất, có vẻ như là một xóm thợ săn.

Đoàn người mừng rơn liền thi triển khinh công chạy xuống.

Họ rẽ vào ngôi nhà gần nhất ven đường mới biết đó là một quán trà dựng tạm sơ sài, có hai bộ bàn, mấy chiếc ghế mộc.

Một tiểu hài nữ ngồi bó gối trên một chiếc ghế lơ đãng nhìn khách, thái độ hết sức dửng dưng.

Quán trà tuy sơ sài nhưng có cả bánh trái, mấy tảng thịt rừng nướng treo lủng lẳng trên bếp than hồng.

Năm người đi mấy ngày không gặp nhà dân nào, lúc này vừa đói vừa khát, gặp được quán trà này còn hơn gặp lại người thân, nào để ý gì đến thái độ ghẻ lạnh của tiểu hài nữ?

Cầm Nhi gọi ngay một bình trà, mấy chiếc bánh và một tảng thịt nướng, bắt đầu ăn uống.

Tiểu hài nữ cũng khéo vô tình, mặc dù bếp than hồng còn đỏ rực mà không thèm hâm lại bình trà để khách uống nước nguội ngắt.

Mặc dù vậy, mọi người cũng cảm thấy hết sức ngon miệng chẳng khác gì được ăn uống những món sơn hào hải vị.

Mai Quân Bích để ý thấy rằng tiểu hài nữ dáng thanh mảnh, nước da trắng trẻo không giống như con nhà thợ săn hoặc dân vùng sơn cước.

Ăn uống xong nghỉ ngơi một lúc, Cầm Nhi gọi hài nữ đến trả tiền, đưa luôn cả một đỉnh bạc tới năm, sáu lạng.

Hài nữ nhận tiền, chỉ đưa mắt lạnh lùng nhìn Cầm Nhi và mọi người mà không thèm cảm ơn lấy một tiếng!

Cứ theo giá trị bữa tà thì chỉ đáng vài chục trinh thôi, còn đĩnh bạc Cầm Nhi trả đủ làm vốn buôn bán trong vài tháng, thế mà hài nữ chẳng có vẻ gì là vui mừng cả, thật là sự lạ.

Tuy thế mọi người chẳng quan tâm gì lắm đến chi tiết này đứng lên rời quán tiếp tục hành trình.

Từ đây sơn lộ đã bằng phẳng rộng rãi hơn, hai bên đường cũng không đến nỗi hoang vắng như trước.

Vùng này dân cư hỗn tạp, người hán ở lẫn với người các sắc tộc nên phục sức đa dạng nhìn rất vui mắt.

Hôm đó trước khi trời tối thì đoàn người đến Tư Ân là một thị trấn tương đối lớn ở nơi hoang dã này.

Dân cư trong trấn cũng hỗn hợp các sắc tộc nhưng đông nhất vẫn là người hán.

Nhu cầu thiết yếu nhất lúc này là ăn uống nghỉ ngơi, vì thế năm người chọn một ngôi khách điếm khá lớn và sạch sẽ yên tĩnh dừng ngựa nhảy xuống.

Điếm gia thấy một đoàn công tử và tiểu thơ cưỡi toàn ngựa quý dừng lại trước cửa liền vội vàng chạy ra nghênh đón.

Nào hay bọn tiểu nhị vừa định cầm lấy cương ngựa, tên chưởng quầy nhìn Mai Quân Bích một lúc, mặt chợt biến sắc lùi lại một bước cúi mình gượng cười nói:

- Công tử gia! Tệ điếm đã đầy khách rồi, xin năm vị cảm phiền đến tìm nơi khác!

Nói xong chắp tay cung kính thi lễ rồi ra hiệu cho bọn tiểu nhị lui vào.

Mai Quân Bích nghe nói đầy khách, nghĩ rằng đó là cuộc bình thường chẳng để ý nghĩ ngợi gì nhiều.

Chàng phất tay nói với tên chưởng quầy:

- Không sao! Chúng ta đi tìm nơi khác cũng được!

Tên chưởng quầy chắp tay vâng dạ rối rít.

Năm người lên ngựa quay ra cho đi bước một dọc theo phố.

Dừng lại trước khách điếm thứ hai, tình hình vẫn lặp lại y như lần trước, điếm gia vừa ra đón nhưng sau khi nhìn kỹ năm người, nhất là Mai Quân Bích thì thay đổi thái độ, nói rằng đã đầy khách không nhận nữa.

Đến ngôi khách điếm thứ ba tình thế vẫn không thay đổi.

Mai Quân Bích nghĩ bụng:

- Xem ra có việc gì khác thường đây!

Chàng liền quát bảo tên tiểu nhị:

- Ngươi mau vào gọi điếm chủ ra đây!

Tên tiểu nhị cúi mình dạ một tiếng rồi lật đật chạy vào.

Lát sau lão điếm chủ chạy ra đến trước Mai Quân Bích chắp tay nói:

- Chư vị đến thật là không may! Tiểu điếm hôm nay khách nhân đã thuê hết chỗ rồi, xin công tử gia vui lòng tìm nơi khác!

Không biết làm gì hơn, Mai Quân Bích đành cùng mọi người quay ngựa ra phố tiếp tục ruổi đi.

Trong lòng ai nấy đều băn khoăn với một ý nghĩ:

- "Làm sao lại có chuyện ngẫu hợp đến thế? Đến cả ba ngôi khách điếm mà không còn lấy hai phòng trống..."

Đến ngôi khách điếm thứ tư vẫn y như trước!

Một thị trấn vùng sơn cước hẻo lánh thế này chỉ có ba bốn khách điếm mà thôi, thế mà hỏi cả bốn nơi, đều được trả lời đầy khách, há chẳng phải là sự khác thường?

Hơn nữa nhìn thái độ của điếm gia có vẻ lúng túng giống như giấu giếm điều gì, tất lý do đầy khách chỉ là cái cớ mà thôi.

Thế thì tại sao các khách điếm đều từ chối?

Mai Quân Bích trong lòng rất đỗi hoài nghi buồn bực.

Thôi Huệ nhìn chàng nói:

- Mấy ngôi khách điếm nọ không chừng đều do người của Huyền Nữ giáo lập nên cả. Căn cứ vào dáng vẻ gian giảo của chúng, chắc đã biết chúng ta đến Lục Thiệu sơn nên tìm cách gây khó khăn. Hừ! Tại sao phải vào khách điếm mới tìm được chỗ trọ chứ?

Thượng Quan Yến tiếp lời:

- Theo tiểu muội thì cả bốn ngôi khách điếm không phải đều do Huyền Nữ giáo lập nên cả đâu. Chắc rằng có sự việc gì bên trong. Chúng ta cứ đi tìm một ngôi hoang miếu nào đó trú tạm cũng được!

Năm người tiếp tục tìm kiếm nhưng quả nhiên không tìm được ngôi khách điếm nào khác.

Không những thế, nhiều khi họ gặp một số người túm tụm bàn tán chuyện gì, nhưng khi nhìn thấy họ đều im bặt, đưa mắt lấm lét nhìn với vẻ sợ hãi.

Mai Quân Bích càng buồn bực.

Đang đi, chợt thấy hai kỵ mã phi tới rất nhanh, đến trước mặt năm người thì ghìm cương dừng lại.

Mai Quân Bích nhìn tới, thấy kỵ sĩ đi trước là một thanh niên rất anh tuấn chừng ba mươi tuổi, trang thúc theo kiểu thư sinh, lưng đeo trường kiếm, dáng ngươi rất phong lưu thanh nhã nhưng có vẻ thâm trầm.

Kỵ sĩ đi sau là một thư đồng chừng mười lăm mười sáu tuổi.

Mai Quân Bích thấy hai chủ tớ trông quen quen nhưng nhất thời không nhớ ra ngay được.

Chỉ thấy trung niên thư sinh gật đầu cười nói:

- Ha ha! Quả nhiên là Mai huynh!

Lời chư dứt đã rời lưng ngựa nhảy xuống.

Mai Quân Bích nhìn kỹ, bấy giờ mới nhận ra.

Thì ra người này là Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong hôm trước đã đấu với chàng ở Ca Lạc sơn trang.

Chỉ là hôm trước y mặc trang phục đạo nhân, cả tên tiểu nô lúc ấy cũng trang phục theo kiểu đạo đồng.

Theo lời người trong võ lâm thì nhân vật này hết sức huyền bí, nhiều năm không xuất hiện trên giang hồ.

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong võ công cao thâm mạc trắc, tuổi tác ít nhất đã quá năm sáu mươi nhưng nhìn vẻ ngoài thì chưa tới ba mươi tuổi.

Chàng cũng xuống ngựa ôm quyền nói:

- Thì ra là Ôn huynh... Vì huynh thay đổi trang phục nên tiểu sinh không nhận ra ngay được.

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong hơi đỏ mặt đáp:

- Huynh đệ mộ đạo từ nhỏ nên thỉnh thoảng có mặc đạo trang, nhưng kỳ thực không phải người của Huyền môn.

Mai Quân Bích chỉ à một tiếng.

Ôn Như Phong hỏi:

- Bây giờ đã sắp tối sao Mai huynh còn chưa tìm khách điếm trú lại? Chẳng lẽ có việc gì khẩn cấp lắm hay sao?

Mai Quân Bích do dự một lát rồi kể lại việc mình đã tìm đến cả bốn khách điếm trong trấn nhưng đều bị từ chối.

Ôn Như Phong kinh ngạc hỏi:

- Có lý đâu lại như vậy? Hay đó là âm mưu của một thế lực nào đó định gây khó khăn cho các vị.

Y đưa mắt nhìn lại năm người một lúc như muốn dò xét, sau đó mặt bỗng biến sắc, a lên một tiếng, thấp giọng nói nhanh:

- Đây không phải là nơi có thể đàm luận. Xin Mai huynh hãy đi theo huynh đệ đến nơi khác!

Dứt lời nhảy ngay lên ngựa quay lại phóng đi.

Mai Quân Bích thấy đối phương tỏ ra sốt sắng với mình như vậy, đồng thời xem thái độ thì hình như Văn Phương Giáo chủ Ôn Như Phong biết được bí mật gì nên đành phải gật đầu ra hiệu cho mọi người rồi phóng ngựa đuổi theo.

Trời tối dần.

Bảy kỵ mã ra khỏi thành cứ tiếp tục phi theo hướng tây.

Dân cư đèn lửa hai bên đường thưa thớt dần.

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong tỏ ra rất thành thạo dẫn mọi người rời quan lộ rẽ qua con đường mòn tới trước một ngôi miếu cổ thì dừng lại nhảy xuống ngựa trao dây cương cho tên thư đồng.

Bọn Mai Quân Bích năm người đưa mắt nhìn y vẻ dò hỏi.

Ôn Như Phong quay lại cười nói:

- Trong ngôi miếu này chỉ có một lão tử điếc lo hương hỏa mà thôi. Lúc này chắc lão đang ngủ say, chúng ta có thể nói chuyện mà không phải lo lắng gì.

Dứt lời dẫn đầu đoàn người đi thẳng vào miếu.

Bọn Mai Quân Bích chờ Cầm Nhi và Kiếm Nhi buộc ngựa xong mới lẳng lặng bước theo.

Vừa vào tới điện, Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong đã nhìn Mai Quân Bích nói:

- Mai huynh đi đường có gặp chuyện gì đặc biệt không?

Mai Quân Bích chưa thật hiểu ý Ôn Như Phong, hỏi lại:

- Gặp chuyện gì?

Thôi Huệ thấy dọc đường Ôn Như Phong cứ lẳng lặng mà đi làm ra bộ huyền bí trong lòng đã sinh ác cảm.

Nay nghe hỏi thế liền xẵng giọng hỏi:

- Tôn giá đưa chúng tôi đến đây với mục đích gì xin cứ nói thẳng ra!

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong xua tay cười đáp:

- Cô nương xin chớ hiểu lầm! Huynh đệ rất khâm phục nhân phẩm và võ công của Mai huynh nên không muốn giấu giếm... Căn cứ vào suy đoán của huynh đệ thì dọc đường các vị đã bị địch nhân dùng độc vật ám toán. Tuy lúc này còn chưa phát tác nhưng nếu không tìm cách đối phó thì chỉ e rất khó chữa trị. Vì việc này mà huynh đệ dẫn các vị đến đây để hỏi rõ tình cảnh, sau đó chúng ta sẽ cố nghĩ ra biện pháp.

Thôi Huệ hừ một tiếng nói:

- Thôi đừng có bịa đặt chuyện để huyền hoặc người khách nữa! Chúng ta đều thấy bình thường có triệu chứng gì đâu?

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong vẫn bình thản nói:

- Nếu cô nương không tin thì cứ thử đề khí Đan Điền xem sao?

Mai Quân Bích nhớ lại vừa rồi đã bốn lần bị điếm gia cự tuyệt không cho vào trú lại, có lẽ Ôn Như Phong nói thế chẳng phải là không có căn cứ.

Bởi thế chàng đề khí Đan Điền lên kiểm tra, quà nhiên thấy khí huyết lưu thông không được bình thường.

Chàng thử lại lần nữa vẫn thế, kinh hãi nghĩ thầm:

- "Mình luyện thần công Phật môn hơn mười năm, lẽ ra có thể chống được mọi tà công mới đúng, chẳng lẽ bị kẻ nào đó ám toán thật?"

Chợt nghe Thôi Huệ lo lắng hỏi:

- Mai đại ca có cảm thấy gì không?

Mai Quân Bích chưa kịp trả lời thì Thượng Quan Yến đã nói:

- Huệ thư thư, tiểu muội thấy trong người buồn nôn rất khó chịu.

Mai Quân Bích nhìn Ôn Như Phong hỏi:

- Tiểu sinh cũng thấy trong người không được thoải mái, nhưng xin hỏi Ôn huynh làm sao biết được?

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong chừng như đã lường trước đối phương sẽ hỏi câu đó, chậm rãi trả lời:

- Ở vùng Quảng Tây này có nhiều bộ tộc, một số nơi còn nuôi sâu độc hại người. Tuy nhiên nếu không phạm vào cấm kỵ nào đó của họ thì người ta rất ít khi hạ thủ. Vừa rồi khi nghe Mai huynh kể lại đã từng vào bốn khách điếm đều bị từ chối, đương nhiên phải có nguyên nhân, vì thế huynh đệ đã quan sát kỹ. Người nào bị trúng độc thì ở mi tâm xuất hiện một nốt màu hồng. Vì điếm gia sợ đắc tội với người dụng độc mới không dám chứa năm vị để tránh phiền phức. Chính huynh đệ đã phát hiện ra năm vị bị trúng phải một thứ sâu độc vô cùng lợi hại của người Miêu Cương...

Văn Hương giáo chủ Ôn Như Phong vừa nói tới đó chợt nghe Mai Quân Bích nhíu mày thấp giọng hỏi:

- Mọi người nghe xem có tiếng gì vậy?


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-78)


<