Vay nóng Tinvay

Truyện:Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm - Hồi 07

Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 07: Xuôi Trường Giang, Phạm hữu sứ thổ lộ chân tình - Nhập Cấm thành, Trần Nguyên Huân truy tầm bí kiếp
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Lazada

Suốt ba tháng trời ròng rã, một hôm thuyền đến Ứng Thiên phủ (Kim Lăng). Ứng Thiên phủ là kinh đô cũ của nhà Minh, kể từ khi Chu Nguyên Chương cùng Quách Trí Hưng khởi binh ở Hào Châu, đem quân vượt Trường Giang chiếm cứ Tập Khánh, từ đó thu được thiên hạ, nên khi lên ngôi Hoàng đế, đã chọn Tập Khánh làm kinh đô gọi là Kim Lăng, còn gọi là Ứng Thiên phủ, do đó, thành quách, đền đài cung điện vô cùng nguy nga lộng lẫy, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc, việc buôn bán rất tấp nập, phồn thịnh.

Ngày ấy, tuy nhà Nguyên đã bại vong, Nguyên Thuận đế Hậu phi và Thái tử đã phải vượt Trường Thành bôn tẩu, nhưng lực lượng của Mông Cổ không phải đã hoàn toàn tan rã, thường liên tục nổi lên quấy nhiễu, hòng mưu đồ lấy lại nghiệp đế. Bởi vậy, Minh Thành Tổ, do lo họa Mông Cổ, nên đã dời đô, lấy đất Khai Phong làm kinh đô mới, gọi là Bắc Kinh để đề phòng con cháu của Nguyên Thuận đế và Khoách Quách Thiết Mộc Nhỉ. Việc dời đô này làm cho Trần Nguyên Huân vô cùng phân vân.

Thường lệ, việc dời đô mang tính chất quân sự, chỉ có nghĩa là dời toàn bộ đầu não của Vương triều đến một nơi mới, hòng sẵn sàng đương đầu kịp thời với những biến loạn, do đó, cố đô vẫn được giữ nguyên và trở thành một kinh đô thứ hai. Việc dời đô này hoàn toàn khác với việc Đổng Trác thời Tam Quốc, ép Hiến Đế bỏ Lạc Dương về Trường An năm xưa. Bới vậy, Nguyên Huân vẫn còn một chút hy vọng, những văn hóa phẩm tịch thu từ Đại Việt vẫn còn được tàng trữ ở Thư khố trong Hành cung Kim Lăng. Điều hy vọng ấy thực ra rất mỏng manh, vì Vạn Kiếp bí truyền không phải chỉ là một tác phẩm văn hóa, mà còn là một bí kíp võ công, biết đâu nó chẳng nằm trong tay một kẻ khác. Việc tìm kiếm hết sức khó khăn, vô cùng diệu vợi.

Nguyên Huân buồn bã ngày đêm, nhưng không phải vì vậy mà tiêu tan ý chí. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Muốn truy tìm được bí láp, phải tìm cho ra kẻ tử thù, mà kẻ tử thù này, Nguyên Huân đã mơ hồ đoán ra.

Trong suốt gần ba năm ở Võ Đang, Nguyên Huân thường lợi dụng những lúc cùng anh em của Vân Hạc đàm đạo mà để tâm đò la manh mối. Cứ theo lời của Đoàn lục thúc, võ công của thân phụ chàng chẳng phải tầm thường, số người trong toàn cõi võ lâm Trung Việt đả bại được ông thật hiếm; vậy mà, ông cùng Lục đệ của ông đã phải chiến đấu hết sức vất vả với một kẻ thù chỉ có hai bàn tay không, đã đủ sức đánh bại hai địch thủ của mình. Người có công lực ấy, trong thiên hạ chỉ có một. Và chàng thường được nghe về võ công của Quang Minh vương Dương Tiêu, hiện giờ đang là cố vấn của Minh Thành Tổ, cực kỳ cao siêu ảo diệu, không biết thế nào mà lường; người mà một thời danh trấn võ lâm, và cũng là thân phụ của Hân phu nhân, tức Ngoại tổ của anh em Vân Hạc, Bảo Thư, và là Quang Minh tả sứ của Hỏa giáo. Hỏa giáo còn được gọi là Yêu giáo, là Quốc giáo của Ba Tư do Tô Lỗ Chi sáng lập, đã đem đến cho đời một cuộc chiến đấu giữa Thiện Thần và Ác Thần. Quang Minh đại biểu Thiện Thần, Hắc Ám đại biểu Ác Thần. Do đó, thờ lửa và mặt trời.

Hỏa giáo truyền vào Trung Nguyên dưới thời Nam Bắc triều Hỏa giáo được các Vua chúa Bắc triều như Thái Võ đế, Đạo Võ đế nhà Ngụy, Văn Tuyên đ, và nhất là Đế Vĩ nhà Bắc Tề và Tĩnh Đế nhà Bắc Chu tin theo. Đến đời Đường, Ba Tư bị nước Đại Thục xâm chiếm, tín đồ Hỏa giáo bị ngược đãi nên phải trốn sang Trung Thổ.

Ma Ni giáo cũng do từ Hỏa giáo mà ra, do người Ba Tỉ Luân là Ma Ni sáng lập, và người Ba Tư cũng tin sùng. Đến năm Giáp Tuất đời Võ hậu Võ Tắc Thiên, người Ba Tư là Phật Đa Đàn đem kinh điển vào chầu Võ hậu và được Võ Hậu sùng tín. Nhưng đến năm Nhâm Tý đời Đường Huyền Tôn, giáo phái này bị cấm, sang đến đời Đường Túc Tôn lại được thịnh. Sự suy thịnh của Ma Ni giáo có từng giai đoạn thăng trầm, đến đời Nam Tống, Ma Ni giáo lại hoạt động, tự xưng là Minh giáo. Tín đồ không ăn thịt, sùng nhượng, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó trở nên giàu có. Đến cuối đời Nguyên, trở nên buông tuồng, giáo chúng làm nhiều điều xằng bậy, do đó, võ lâm Trung Nguyên đã có lần hợp sức lại tiêu diệt.

Chức Tả sứ trong Minh giáo là nhân vật thứ hai. Ngày ấy Dương Tiêu, tuổi còn trẻ mà đã là Tả sứ, võ công đã lên đến hàng siêu tuyệt. Chu Nguyên Chương vốn là một giáo chúng của Minh giáo, nhưng đội lết nhà sư của Phật giáo để nương bóng thiền môn mà kiếm ăn cho qua ngày đói khổ. Vì vậy khi gồm thâu thiên hạ, lên ngôi Hoàng đế, trọng dụng những người trong Minh giáo. Khi Trương giáo chủ Vô Kỵ, vì chán nản lòng người gian trá, bỏ đi quy ẩn, Hữu sứ Phạm Dao cũng tuyệt tích giang hồ, Tứ đại hộ pháp vương về bọn Ngũ tảng nhân bất phục Dương Tiêu nên tản mát hết. Dương Tiêu điều hành Minh giáo, nên được Thành Tổ phong làm Pháp vương hay còn gọi là Quang Minh vương, do chữ Quang Minh đại biểu Thiện Thần mà ra. Khi nắm Minh giáo trong tay, Dương Tiêu đã trở thành Ác Thần.

Đến năm Hồng Võ thứ mười ba, đời Minh Thái Tổ, Tể tướng Trung Thư Tỉnh là Hồ Truy Dung làm phản, Thái Tổ bãi chức Tể tướng và dặn con cháu không được đặt ra chức này nữa, do đó, quyền hành nằm trọn trong tay nhà vua, dùng Pháp vương làm cố vấn. Bởi thế Dương Tiêu ở vào một địa vị cực cao, quyền hành thực lớn, điều hành Minh giáo làm nhiều điều tàn ác, xằng bậy. Minh Thành Tổ cai trị trăm họ rất nghiêm bạo, gây cuộc chiến tranh làm nhân dân đồ thán cũng do Quang Minh Dương vương (gọi tắt là Dương Minh vương) mà ra cả.

Trên đường đi, Nguyên Huân đã gặp lại Kiến Nghiệp đại sư nguyên là Quang Minh hữu sứ Phạm Dao của Minh giáo thuở trước. Chàng đã làn quen được cùng nhân vật tiếng tăm này, và Phạm Dao quý mến chàng, rủ chàng xuôi thuyền theo Trường Giang mà về Kim Lăng. Suốt thời gian trên thuyền, Nguyên Huân đã được ông tin cẩn, thổ lộ rất nhiều mật sự của giang hồ, ông nói:

- Chủ đích của Minh giáo, lấy cái thiện mà trừ cái ác, lấy cái sáng mà thay cái tối. Thế mà từ cái ngày Dương Phá Thiên giáo chủ tuyệt tích, Dương Tiêu điều hành Minh giáo, để đến nội bộ chia rẽ, dung túng bọn giáo chúng, khiến cho võ lâm có thời đã gọi là Ma giáo, gây nên vụ thảm sát Quang Minh đỉnh năm xưa. Những tưởng Trương Vô Kỵ giáo chủ đã phục hồi được Minh giáo, lấy lại uy tín giang hồ, dựa theo tôn chỉ của Đức Tổ sư mà hành đạo. Ai ngờ, lần thứ hai, Dương Tiêu lại một lần nữa làm sa đọa Minh giáo. Việc tuyệt diệt Dương Tiêu không phải là dễ, nhưng cũng có thể làm được. Nhưng giết Dương Tiêu một cách âm thầm phỏng có ích chi. Hạ sát Dương Tiêu phải đi cùng với việc chấn hưng Minh giáo mới là điều tâm nguyện, bởi thế cho nên bao năm nay, ta ẩn thân, bôn tẩu giang hồ cũng vì lẽ ấy!

Nguyên Huân rụt rè hỏi:

- Đại sư nếu vãn bối không lầm thì Kình Dương đại hội có liên quan đến việc này?

Kiến Nghiệp đại sư trầm ngâm, một lúc lâu mới ngần ngừ nói:

- Việc này, việc này chưa thể tiết lộ ra được!

- Xin Đại sư thứ lỗi vì sự tò mò của vãn bối!

- Thiếu thí chủ, thật ra, ta rất quý mến thí chủ, có nói ra cũng chẳng ngại gì!

Ông im lặng, dáng vẽ suy nghĩ, một lúc rất lâu, ông hỏi:

- Tiểu thí chủ, thí chủ có nghe dư luận võ lâm về Đại hội Kình Dương chăng?

- Vãn bối cũng được biết qua đôi chút, nhưng chẳng hiểu ra sao cả!

Kiến Nghiệp mỉm cười nói:

- Gần gũi thí chủ ít lâu nay, ta biết thí chủ là một người rất thông tuệ, chẳng nhẽ thí chủ không có chủ kiến gì sao?

Nguyên Huân thưa:

- Bạch Đại sư, cứ theo dư luận võ lâm suy đoán thì có nhiều giả thuyết: Có người cho rằng Kình Dương đại hội do người họ Dương ở núi Chung Nam, nhằm dương uy trên chốn giang hồ. Có người cho rằng tổ chức do Dương Tiêu lập nên, có liên quan tông tộc với họ Dương ở Chung Nam, nhằm mưa đồ điều gì đó!

- Điều này ta có nghe, nhưng theo thí chủ thì thế nào?

- Theo ngu ý của vãn bối, Kình Dương là một ngôi sao hung hãn, một hung tinh trong tử vi, do Từ Dương Nhận, mộ ttên cùng hung cực ác của giang hồ thuở trước. Kình Dương là điềm xấu, vậy cả hai cách suy luận trên đều sai. Theo thiển ý thì có phải chăng việc này có bàn tay của Minh giáo? Đại sư hỏi đến, nên vãn bối mới dám lạm bàn!

- Không sao! Thí chủ thật là thông minh, sỡ dĩ sự hình thành Kình Dương đại hội không lộ rõ chủ đích vì một lẽ đặc biệt. Nhưng Dương Tiêu là một nhân vật cực kỳ thông minh, thí chủ đoán ra được, thì Dương Tiêu cũng đoán ra được. Ta đã biết không thể giấu y!

Nguyên Huân hỏi:

- Bạch Đại sư, thế còn các vụ thảm sát và việc xảy ra ở Võ Đang sơn mà vãn bối đã trình bày cùng Đại sư, việc này thế nào?

Kiến Nghiệp cau đôi mày bạc, âm trầm nói:

- Chắc chắn thí chủ cũng đoán ra kẻ chủ mưa là ai rồi nên mới hỏi như thế. Việc tấn công Võ Đang càng làm cho ta thấy rõ điều ấy. Tất cả bọn cao thủ đều không động tới Vân Hạc và Bảo Thư, tránh né không giao đấu, và khuê phòng của Hân phu nhân không hề bị xâm phạm!

- Chẳng nhẽ là Dương Tiêu?

- Còn ai vào đó nữa!

- Nhưng y làm vậy với mục đích gì?

Kiến Nghiệp đại sư cười, nói:

- Đó là phản ứng của y, nhằm đổ tất cả lên đầu của tổ chức Kình Dương những việc làm tàn bạo, khiến võ lâm tẩy chay Kình Dương đại hội. Ấy là chưa kể võ lâm còn liên kết lại mà đối địch với Kình Dương đại hội nữa là khác, một mũi tên bắn hai con nhạn. Việc này ta không thể coi thường được y là người chuyên ném đá giấu tay như việc Vi Nhất Tiếu năm xưa!

- Chính y đã ám hại Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu?

- Việc này Trương giáo chủ có nói cho ta biết, người phải dùng Cửu Dương thần công để hóa giải khí âm hàn cho Bức Vương.

Trần Nguyên Huân hồi hộp hỏi:

- Bạch Đại sư, trong giang hồ, người xử dụng Hàn Âm độc chưởng có những ai?

- Ngày xưa Trương giáo chủ trúng Huyền Minh thần chưởng của Huyền Minh nhị lão nhưng hoàn toàn khác hẳn với loại âm hàn mà Vi Nhất Tiếu trúng phải. Vi Nhất Tiếu trúng Hàn âm Ngọc chưởng khiến máu đông lại nên y phải hút máu người hoặc động vật mà bảo toàn sự sống. Người trúng nhẹ thì tuy âm hàn không đủ làm đông máu, nhưng tích tụ tại các huyệt đạo cũng làm phế võ công, thân thể suy nhược xanh xao, cái chết đến từ từ. Vi Nhất Tiếu nội công cao, nhưng phải dùng Huyết Sinh mà hóa giải thường ngày, y trở thành con dơi hút máu, khiến cho võ lâm kinh hoàng, và Minh giáo trở thành Ma giáo là vì vậy!

Nguyên Huân nghĩ đến Lục thúc và cái chết của thân phụ chàng, nên hỏi:

- Võ lâm Trung thổ, người biết được môn công phu này là những ai vậy?

- Ta đi lại giang hồ đã trên năm mươi năm nay, nhưng chưa hề biết ai có công phu tà độc ấy. Hình như môn công phu này do một vị lão nhân gọi là Hy Mã Thượng Nhân, đã ở trên vùng tuyết vạn niên Hy Mã Lạp Sơn luyện thành. Ta chỉ được nghe thế thôi, không hiểu vì sao Dương Tiêu có được công phu ấy!

Nguyên Huân ngậm ngùi nói:

- Phụ thân của vãn bối bị công phu ấy đánh trúng mà qua đời!

Chàng tóm tắt kể cho Kiến Nghiệp đại sư nghe toàn bộ câu chuyện liên quan đến cái chết của cha chàng. Kiến Nghiệp trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu, gật đầu nói:

- Cứ như những sự kiện ấy, thì mười phần hết chín, thủ phạm chính là Dương Tiêu. Tuy nhiên, còn phải xem xét lại cho thật kỹ mới được. Bần tăng xem mục quang của thí chủ, biết được nội công thí chủ đã có tám, chín thành hỏa hầu, nhưng nếu thù nhân chính là y thì việc trả thù cho Tôn phụ không phải là dễ, vì võ công y, ngay cả bần tăng cũng khó lòng địch lại. Trong khi đó, thí chủ có một thân, một mình, còn y thì kẻ làm tai mắt đông như kiến, phải thật thận trọng và che giấu tung tích đi mới được. Nhưng thí chủ cũng đừng vì thế mà tuyệt vọng, bần tăng cũng có thể vì thí chủ mả giúp được đôi chút!

Nguyên Huân hỏi:

- Bạch Đại sư, theo ý của Đại sư, nếu hung thủ đích thực là Dương Tiêu, thì Bí phổ chắc chắn y không giao nạp vào Thư khố mà giữ làm của riêng. Việc đến Kim Lăng chắc hẳn không có kết quả gì?

Kiến Nghiệp đại sư nói:

- Điều này cũng có thể. Tuy nhiên Dương Tiêu là người giảo hoạt khôn lường. Khi biết bí kíp vô dụng đối với hắn, hắn chẳng giữ riêng làm gì? Cũng có thể hắn sao thành bản khác mà giữ lấy, còn bản chính hắn đem nộp cho Minh đế để tỏ dạ trung thành. Bởi vậy, biết đâu chẳng cất giấu trong Thư khố ở Kim Lăng!

Nguyên Huân nghĩ ngợi, chàng biết là mình đang đứng trước một công việc hết sức khó khăn, tựa như đáy bể mò kim. Thư khố nhất định có người coi giữ, vả lại nếu lén lút mà tự tìm kiếm, thì trong khu rừng sách kia biết làm sao tìm cho được; mà tra khảo viên Thủ thư thì chẳng khác chi bứt dây động rừng. Nhưng dù thế nào chăng nữa, dẫu nguy hiểm đến tính mạng, chàng cũng phải tìm kiếm bằng được. Chiều hôm ấy, Kiến Nghiệp đại sư và Nguyên Huân rời thuyền lên bờ. Đại sư đã hóa trang để che giấu khuôn mặt đặc biệt của ông. Thuật dị dung của Đại sư khiến Nguyên Huân thán phục, đến chàng cũng chẳng nhận ra ông. Ông bảo:

- Kim Lăng không thiếu gì người của Quang Minh vương và cả những thuộc hạ cũ trong Minh giáo năm xưa. Giáo chúng Minh giáo không phải hoàn toàn là người của Dương Tiêu, tuy nhiên phần lớn tham danh lợi, đã phục vụ Dương Tiêu một cách đắc lực. Ta không nên lộ diện.

Hai người thuê một căn phòng trong khách điếm, nằm trên một khu vực tên tỉnh, cách Hoàng thành cũ một đoạn ngắn. Năm đêm liên tiếp, Nguyên Huân đã tìm cách vượt vào Hoàng thành. Khinh công của chàng đã đến mức tuyệt kỹ. Với Hoán Ảnh Thân pháp, và bộ quần áo dạ hành, chàng vượt qua những vọng gác, những toán lính tuần hành mà không bị chúng phát giác.

Thực ra, sự canh gác có phần chiếu lệ. Tử Cấm thành gần như bỏ trống. Cung điện, đền đài san sát và lộng lẫy. Nào là Trung Cực điện, Kiến Cực điện, Văn Hoa điện, Võ Anh điện, Đông Các điện, Văn Uyên các. Trong suất đêm đầu chàng đã mất hẳn cả đêm để tìm kiếm Thư khố. Gần sáng, Nguyên Huân mới tìm ra Văn Uyên các; và trong dãy nhà mênh mông này là nơi cất giữ, lưu tàng văn khố, thư mục của Minh triều.

Qua đêm sau, chàng ra đi vào đầu giờ Tuất với cây bạch lạp lớn. Khu điện Văn Uyên hoàn toàn yên tĩnh, nhưng không phải hoang phế, cây cảnh vẫn tốt tươi, rõ ràng vẫn được chăm sóc và quét dọn hàng ngày. Nguyên Huân lọt vào Thư khố một cách vất vả, không để lại dấu tích, vì chàng biết rằng, mỗi sáng, những người có bổn phận coi sóc vẫn thường xuyên có mặt, chúng sẽ phát giác ra những dấu vết bất thường.

Từng kệ sách cao đến tận xà ngang, hết dãy này đến dãy khác cơ man toàn là sách, đúng là một rừng những sách là sách, tuy vậy, chúng được sắp xếp thứ tự, chia thành từng loại Từ Văn học, Y dược, Pháp chế... mỗi loại một khu vực riêng. Chàng đã tìm kiếm từ đêm đến sáng. ở đây, Nguyên Huân nhận ra một số văn hóa phẩm của Đại Việt bị thu ngày trước nằm im lìm trên giá sách, rải rác đó đây, từng khu vực một. Phẫn uất, đau lòng, căm giận, nhưng dù khao khát được mang về cho Tổ quốc tất cả những di sản tinh thần quý báu này, chàng biết là chưa thể thực hiện được, hơn nữa, số lượng sách không phải nhỏ.

Đêm thứ tư, Nguyên Huân đã tìm kiếm một cách tuyệt vọng. Không bỏ sót từng kẻ, từng xó, từng khu vực, nhưng vẫn không hề thấy được dấu tích của Vạn Kiếp Bí Truyền. Đêm thứ năm, lần này, chàng tìm thấy được cuốn Thư mục dày cộm, liệt kê toàn bộ số sách trong Thư khố, và chàng đã thấy trong danh mục, Vạn Kiếp Bí Truyền và Binh Thư Yếu Lược, nhưng cả hai đã được gạch bỏ. Như vậy dù không tìm được sách, nhưng vết tích đã có, Nguyên Huân mừng rỡ vô cùng.

Hai quyển này, và một số sách khác nữa đã từng lưu trữ ở đây nhưng đã được di chuyển đi nơi khác. Ai có quyền làm việc này? Hoàng đế nhà Minh chắc chắn không để ý đến chuyện vặt vảnh ấy, chắc hẳn là đo các bộ liên hệ đến từng loại thư mục chuyển đi. Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu: Biết đâu chẳng có bàn tay của Dương Minh vương trong việc này.

Chàng trở về khách điếm trong đêm ấy và suy nghĩ rất lung. Và Nguyên Huân đã đi đến một kết luận chắc chắn: Vạn Kiếp Bí Truyền nằm đâu đó trong Ngự Thư phòng, trong Thư Khố ở Yên Kinh, hoặc là trong Thư phòng của Dương Minh vương. Nghĩ đến điều ấy, Nguyên Huân cảm thấy trong lòng thanh thản, dù rằng việc xâm nhập vào những nơi mà Hoàng đế đang ngự là việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm; nhưng dù sao chàng cũng thấy được cái đích mà đến.

Những đêm chàng bỏ đi xâm nhập Hoàng thành, Kiến Nghiệp đại sư cũng không rảnh rỗi. Nhiều đêm, Đại sư vắng mặt đến tận sáng, sau lúc trở về, cả ngày ông trầm lặng, khuôn mặt biểu hiện những lo nghĩ rất lung, dường như ông đang gặp những khó khăn mà chưa thể giải quyết được.

Buổi chiều ngày thứ sáu, Kiến Nghiệp đại sư dưới lốt một lão nhân cùng chàng dùng cơm chiều trong khách điếm. Ông không chấp nê chay, mặn, nhưng có điều chàng thấy ông không bao giờ ăn thịt heo. Nguyên Huân có biết đâu rằng, dưới lốt áo một nhà sư của Phật gia, ông vẫn là tín đồ của Minh giáo, nhưng tận cùng trong lòng ông, trong tâm hồn ông, Phật pháp cũng đã xâm nhập, hòa hợp với chủ trương cái "Thiện" của Minh giáo, trở thành lòng yêu thương và từ bỏ ông không hoàn toàn rời bỏ cuộc thế, vì chỉ chính cuộc thế mới biểu hiện được cái thiện và phân định được cái ác; nhưng đôi khi giữa thiện và ác, đúng và sai, khó lòng mà phân định được. Thiện ác được phân định bởi chính cái tâm mà sáng tỏ. Và bởi thế ông lấy cái tâm mà xét, nên không câu nệ, chấp nê, Nguyên Huân thật quý mến ông.

Giữa lúc ấy hai lão già và một đại hán bước vào quán. Cả ba ăn mặc theo lối thường dân, nhưng thoáng nhìn qua, chàng biết ngay họ chẳng phải là người tầm thường. Lát sau, lại một bọn sáu, bảy người ồn ào nghênh ngang tràn vào khách điếm, đi đầu là một thư sinh ăn mặc có vẻ diêm dúa, ra dáng một công tử con nhà quyền thế, bọn theo hầu lách cách vũ khí của quan quân, chiếm hai bàn ngay cạnh cửa ra vào. Một tên trong bọn cất tiếng gọi tửu bảo. Chủ quán đã thấy bọn này liền chạy ra xum xoe, có vẻ nể vì, xen lẫn sợ hãi:

- Tiểu vương gia! Đã lâu không thấy Vương gia ghé lại?

Gã thiếu niên công tử trợn mắt nhìn chủ quán:

- Quản Ninh, mẹ con Khương thị còn ở đây không?

Người chủ quán khom mình, vòng tay lễ phép thưa:

- Khải bẩm Vương gia, Khương Tú Hoa đã dọn đi từ hai ngày nay rồi!

Gương mặt gã công tử sa sầm lại, gã mím môi, rồi hỏi:

- Thế việc ta nhờ ngươi, thế nào?

- Bẩm, tiện dân có chuyển lại ý muốn của Vương gia, nhưng y thị nhất quyết không chịu, nhất là Miêu Tú khóc lóc đòi quyên sinh. Tiện dân đã phân trần, khuyên bảo đủ mọi lẽ nhưng cũng không lay chuyển được!

- Hừ! Không chịu, vì lẽ gì không chịu, khinh ta chăng?

Quản Ninh lắp bắp:

- Dạ bẩm.. Dạ bẩm Tiểu vương gia, Khương Tú Hoa nói là đã hứa gã con gái cho Lưu Đại Chu nên không thể... không thể bội ước được.

- Lưu Đại Chu là thằng chó nào mà xem trọng hơn ta?

- Ngươi có nói cho mụ Khương biết, cho Miêu Tú vào Vương phủ hầu hạ ta sẽ được sung sướng cả đời, chứ có phải làm nô tì đâu mà sợ!

- Bẩm, tiện dân đã nằn nì hết lời, còn nói Vương gia là người rộng lượng, hào phóng, san sàng đền bù cho nhà họ Lưu!

- Vậy, chúng nói sao?

- Bẩm Tiểu vương gia, Miêu Tú nhất quyết không chịu, nói là không thể tham phú phụ bần được, dẫu có làm Hoàng hậu cô ta cũng không màng!

Gã công tử bị chạm tự ái, mặt đỏ bừng, tím lại, quát lớn:

- Con mẹ nó, tại sao mi không bẩm báo ngay cho ta biết?

- Dạ, tiểu nhân làm sao ra vào Vương phủ được!

Ngọn roi cuộn trong tay gã công tử bay vút ra nhắm vào bả vai người chủ quán đánh "chách" một cái trong khi y vẫn ngồi yên trên ghế, không thấy cánh tay vung lên, chỉ động cổ tay, ngọn roi như một con rắn phóng ra một cách bất ngờ. Người chủ quán cố nhịn đau, lồm cồm quỳ lạy như tế sao.

- Ngươi đừng già họng! Ngươi đến Vương phủ, chỉ cần nói với lính gác có chuyện cơ mật bẩm định với ta thì đứa nào dám không cho ngươi vào. Hôm nay không trừng trị ngươi một phen thì ngươi còn coi ta ra gì nữa. Nghe ta hỏi, Khương thị mang con gái đi đâu? Lưu Đại Chu là tên chó chết nào, hiện ở đâu, ngươi có biết không?

- Bẩm, tiểu nhân làm sao biết được!

Gã thiếu niên đứng phắt dậy, chiếc roi da cuộn trong tay, bước lại gần Quản Ninh, gằn giọng:

- Ngươi phải biết! Ba ngày nữa mà ngươi không tìm được Miêu Tú, thì đừng trách ta!

Ngay lúc đó, hai điểm sáng loang loáng từ một góc khuất, như sao xẹt, nhắm ngực gã thiếu niên công tử vút đến. Hầu như cùng một lúc, hai đôi đũa đang cầm trong tay Kiến Nghiệp đại sư và Nguyên Huân nhất loạt phóng ra, vút như một vệt khói; chỉ nghe tiếng "keng keng", bốn chiếc đũa đã đánh trúng hai vệt sáng, bật tung lên, cắm phập vào thân cột Hai lưỡi Liễu Điệp phi đao và bốn chiếc đũa cắm chụm vào với nhau.

Sự việc xảy ra quá nhanh, đến nỗi gã công tử đang định vung roi xuống người chủ quán để dằn mặt, chưa kịp tung ra. Từ lúc gã Tiểu vương gia bắt đầu tra hỏi chủ quán, mọi người ngừng ăn và chăm chú theo dõi. Quán lại khá đông khách, nên khi hai ngọn Liễu Điệp phi đao phóng ra chớp nhoáng, mục tiêu là gã công tử, mọi người chẳng kịp nhìn rõ là ai. Gã thiếu niên công tử, đã lui lại một bước, kinh ngạc đưa mắt nhìn hai ngọn phi đao và bốn chiếc đũa cắm lạnh lùng trên thân cột, hiểu ra rằng y vừa thoát chết trong gang tấc giữa lúc bất phòng, và y cũng hiểu rằng y đã được một người nào đó cứu thoát, người này phải là một cao thủ có công lực thượng thừa với kình lực thực khủng khiếp. Bốn chiếc đũa tre, cắm vào thân cột gỗ thuộc loại danh mộc. Gã liếc nhìn sang bàn bên trái, và phát hiện ai là người vừa cứu mình, trên tay Nguyên Huân không còn đôi đũa đang dùng giở bữa. Gã khẽ gật đầu ra hiệu cảm ơn, cùng lúc, thoáng thấy một bóng người vừa lách ra lối cửa hông bên phải với thân pháp rất nhanh, gã chỉ kịp hô thủ hạ:

- Đuổi theo!

Bọn thuộc hạ phóng theo chủ ra khỏi quán, tiếng hò hét, tiếng binh khí, tiếng xô đẩy mọi người trên đường, như gặp lửa bỏng khiến ai ai cũng kinh hãi. Trong thoắt chốc, quán vắng ngắt, chỉ còn lại năm người, Kiến Nghiệp và Nguyên Huân, hai lão già và vị trung niên đại hán. Quản Ninh vẫn ôm bả vai, đau đớn, gương mặt tái xanh, run rẩy nói:

- Các vị không nên ở lại đây. Đại họa, đại họa rồi!

Vị trung niên hán tử rời bàn bước đến trước mặt Kiến Nghiệp đại sư, nghiêng mình thi lễ:

- Tại hạ tham kiến nhị vị cao nhân!

Kiến Nghiệp đại sư nói nhỏ:

- Đường đại gia không nhận ra bần tăng sao?

Vị trung niên đại hán ngẩn người ra, một lúc sau khẽ reo:

- Đại sư! Chuyến này may mắn thực. Ở đây không tiện, thế nào cũng có chuyện không hay xảy đến, mong đại sư và thiếu hiệp nên rời khỏi nơi này. Tại hạ có việc nên ghé xuống Kim Lăng, hiện đang ngụ tại một nơi an toàn, tại hạ mong nhị vị cùng đến.

Nguyên Huân thanh toán tiền cho chủ quán, rồi cùng theo đại hán họ Đường đến một dinh cơ cách Hoàng thành khá xa, nơi đây, phong cảnh u tịch, hữu tình. Qua chiếc cổng đá có đôi Thạch sư trấn phía ngoài, một trong hai con đầu bị bể nát, dường như có ai dùng búa tạ đánh cho vỡ ra vậy. Qua khỏi viên môn, đại hán dẫn mọi người vào một khu nhà khuất sau hàng trúc, phía trước mặt nhà là một hồ sen đang mùa nở rộ, hương sen thơm ngát thoảng trong gió chiều cho mọi người một cảm giác nhẹ nhàng, thanh khiết.

Gian phòng được bài trí hết sức trang nhả, mọi sinh hoạt trong dinh cơ rộng lớn này dường như không có, chỉ có tiếng gió làm xôn xao lá trúc. Mùi hương của sen, của bao nhiêu loại hoa quý càng làm tăng thêm cái mênh mông, trầm lắng của buổi chiều xuống muộn. Năm người chia nhau ngồi quanh chiếc bàn đá kê dưới gốc lão mai và hàng nguyệt quế. Đường đại hán mở lời:

- Đã lâu lắm không gặp Đại sư, tại hạ thường mong có ngày tái kiến. Vị thiếu hiệp này là ai vậy?

Kiến Nghiệp đại sư nói:

- Đây là một người bạn trẻ thân thiết của bần tăng, họ Trần tên Nguyên Huân. Còn đây là Đại gia họ Đường, tên là Trại Nhi ở Triết Giang mà ta đã được quen biết!

Nguyên Huân đứng dậy nghiêng mình thi lễ:

- Danh tiếng Đường đại gia như sấm dậy bên tai, tại hạ thường ngưỡng mộ, đến nay mới được diện kiến, thật là hạnh ngộ!

Đường Trại Nhi mỉm cười:

- Thiếu hiệp đừng khách khí như vậy, Đường mỗ chỉ là gã nông phu nơi thôn dã, nào có gì đáng được thiếu hiệp yêu mến như vậy. Lúc nãy, Đường mỗ được chứng kiến thủ pháp của thiếu hiệp, trong lòng rất khâm phục. Thiếu hiệp tuổi còn trẻ mà đã có công lực như vậy, quả là trên đời ít thấy!

Nguyên Huân nói vài lời khiêm tốn và đưa mắt nhìn hai vị lão nhân, hiểu ý, Đường Trại Nhi nói:

- Xin Đại sư và thiếu hiệp thứ lỗi, Đường mỗ vì mãi chào hỏi nhị vị nên chậm giới thiệu hai vị lão tiền bối này!

Đường Trại Nhi ngửa bàn tay hướng vào vị lão nhân có chòm râu trắng bạc, mặt đài, tuổi chừng bảy mươi, nói:

- Vị này họ Quan, tên Thiên Sách, Trưởng lão của Cái bang, vốn cùng với Đường mỗ là chỗ giao tình thân thiết!

Đường Trại Nhi quay sang người ngồi bên phải, ân cần giới thiệu:

- Còn đây, Bạch đại hiệp, nổi danh là Nhất Chưởng Trấn Giang Tây Bạch Khởi Phùng, vốn là dòng dõi của thi hào Bạch Cư Dị!

Người vừa được giới thiệu, râu năm chòm còn đen nhánh, đôi lông mày bạc, gương mặt hồng hào, đôi mắt long lanh những ánh tinh quang, cùng với họ Quan đứng lên thi lễ,

Bạch Khởi Phùng nói:

- Xin Đại sư và thiếu hiệp chớ nghe lời của Đường gia, vì yêu mến lão phu mà quá khen đấy thôi!

Kiến Nghiệp đại sư cùng Nguyên Huân đứng dậy đáp lễ, Đại sư mừng rỡ hỏi:

- Đây có phải là Bạch anh hùng, năm trước, với hai tay không đã hạ sát bảy tên cướp lừng danh trên Trường Giang chăng? Chúng có tiếng trên giang hồ sông nước là Thất Sát Trường Giang Quỷ. Thật là hạnh ngộ, hạnh ngộ!

Đường Trại Nhi quay sang Đại sư, đưa tay nói:

- Và đây Đường mỗ hân hạnh với Quan, Bạch nhị vị lão huynh. Đại sư đây pháp hiệu Kiến Nghiệp, năm xưa từng là Quang Minh hữu sứ của Minh giáo dưới thời Dương, Trương giáo chủ!

Quan Thiên Sách, Trưởng lão Cái bang mừng rỡ nói:

- Bốn mươi năm trước, ngày ấy lão hủ còn trai trẻ, đã nghe được uy danh của Hữu sứ, bây giờ bèo mây gặp gỡ thế, này chẳng uổng lòng mong ước!

Bạch Khởi Phùng vòng tay thành quyền chen lời:

- Ngày trước Hữu sứ nổi danh thiên hạ về võ công và anh tuấn sao gương mặt đổi thay nhiều đến vậy?

Kiến Nghiệp lấy tay gỡ chiếc mặt nạ làm bằng một loại da cực mềm, để lộ khuôn mặt thật với những vết sẹo ngang dọc; còn đâu dung mạo tuấn tú của chàng thanh niên nổi tiếng một thời cùng với một thân võ học giang hồ danh trấn.

Đại sư mỉm cười nói:

- Xin tam vị anh hùng tha lỗi cho, vì có công việc nên không tiện để lộ hình tích được!

Đường Trại Nhi nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:

- Đại sư và thiếu hiệp lúc ra tay giải cứu cho gã công tử ở khách điếm, nhị vị có biết hắn là ai không?

Nguyên Huân đáp:

- Thật ra vãn bối không biết y là ai, nhưng theo cách xưng hô của người chủ quán, thì hắn là con của một vị Vương gia nào đó. Thái độ và hành động hống hách của y quả là đáng chết, nhưng ta giết y nào có ích gì chỉ đem lại vạ gió tai bay cho chủ quán và lương dân Kim Lăng, xin Đường đại gia cho vãn bối biết y là ai vậy?

Bạch Khởi Phùng lên tiếng:

- Thiếu hiệp còn trẻ., công lực và thủ pháp đã cao siêu mà tấm lòng cũng thật đáng quý. Đúng ra giết hạng người như y lúc nào chẳng được, nhưng bọn nhũng nhiễu dân đen đâu phải chỉ có một mình y, giết làm sao hết được, chỉ gây di họa cho dân lành mà thôi. Y là Chu Ngoạn Thanh, con trai của Sở Vương Chu Tần Hoán. Sở Vương Hoán là con của bà Thứ phi họ Vương dưới triều Thái Tổ. Hoán vốn là tên tham tàn, hiểm ác, được giao trấn giữ khu vực phía Nam Trường Giang. Mấy tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam đều nằm trong quyền sinh sát của y, y tha hồ ra tay bóc lột, khắc chế lương dân. Chu Ngoạn Thanh là con trai út, thường gây nên biết bao vụ động trời mà Sở Vương chẳng hề răn dạy, còn tỏ ra dung túng nuông chìu, bởi thế y càng ngang ngược ngông cuồng quá lắm, giết y đi cũng là phải!

Đường đại gia nối lời họ Bạch:

- Dân đen đã khổ trăm chiều dưới sự cai trị hà khắc của Thành Tổ, mà bọn quan lại càng ra sức sách nhiễu, nhất là ở hai vùng Sơn Tây và Thiểm Tây. Dân ở đó có một số chỉ là gia thuộc của những kẻ phản đối việc "Tĩnh Nạn" năm xưa chứ có tội tình gì. Nhân dân ba vùng Giang Tây, Triết Giang, Phúc Kiến còn khổ ải trăm bề. Nào là bọn cướp bể, bọn giặc lùn, nào là vua chúa, quan quyền sách nhiễu. Thật là thảm cảnh, cơm không còn mà ăn, áo không có mà mặc, lại cộng thêm thiên tai hạn hán, dân chúng tứ xứ phiêu bạt, bọn ăn xin nơi nào chẳng có. Năm xưa dưới thời Nguyên Mông dị tộc, những tưởng cởi được cái ách lầm than, nào ngờ!

Nguyên Huân hỏi:

- Vãn bối không hiểu thế nào là "Tĩnh Nạn"?

Quan Thiên Sách nhìn Nguyên Huân rồi chậm rãi nói:

- Việc này xảy ra đã lâu. Năm Kỷ Mão, Thái Tổ băng hà, Thái tử Tiêu đã mất. Hoàng Thái Tôn là con lớn của Thái tử Tiêu còn nhỏ, lên ngôi tức Huệ đế. Tuy còn nhỏ nhưng biết lo cái họa Phiên Vương!

Bạch Khởi Phùng thở dài:

- Bọn Trương, Mộc, Mã, Lý, Hoàng vốn là bọn tham tàn, đồng chủng còn bị đày ải, áp bức, bóc lột, huống chi dân Đại Việt nên lão phu cảm thông với những thống khổ của lương dân quý quốc. Chẳng hay thiếu hiệp họ Trần, có liên quan gì đến Trần Hoàng gia của cái thuở Nguyên phong ngày trước không?

Kiến Nghiệp đại sư đỡ lời:

- Thí chủ họ Trần đây vốn là hậu duệ năm đời của vị anh hùng Đại Việt năm xưa từng làm bạc đầu những quân binh nhà Nguyên thuở cũ, và cũng là con trai duy nhất của Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm Trần Nguyên Lữ, người thứ ba trong Bát đại danh gia đấy!

Quan Thiên Sách mừng rỡ nói:

- Ba mươi năm trước, lão phu có được gặp lệnh thân phụ một lần ở Hàng Châu, một lần ở Động Đình hồ, còn gọi là Vân Mộng hồ. Ngày ấy lão phu là đệ tử bảy túi của Cái bang, Trần tam gia nổi danh không những về võ công, mà còn về tính tình khoáng đạt, hòa nhã, hào phóng và uyên bác nữa. Chẳng hay hiện giờ người qui ẩn nơi nào. Ngày xưa Trần tam gia giao tình rất rộng!

Trần Nguyên Huân bùi ngùi nói:

- Gia nghiêm đã mất từ lâu!

Nói xong, chàng kể lại chuyện đời mình mà nước mắt khôn cầm. Bốn anh hùng chia xẻ nỗi đau của Nguyên Huân bằng sự im lặng.

Đường Trại Nhi thở dài, u uất nói:

- Bạo lực trùng trùng đến ngày nào mới hết. Tại hạ từ Triết Giang sang đây, đêm nay có công việc không thể thù tiếp nhị vị được, thật đáng tiếc, xin nhị vị cho chúng tại hạ kiếu từ, vì đã đến giờ hẹn. Sáng mai mong được nối tiếp buổi giao tình này, nhị vị cứ coi nơi này là chỗ thân tình. Sẽ có người săn sóc việc nghĩ ngơi, cần gì nhị vị cứ việc sai bảo.

Đêm hôm đó, Kiến Nghiệp đại sư và Nguyên Huân được phục dịch một cách hết sức ân cần và chu đáo bởi một lão bộc. Suốt năm ngày đêm liên tiếp, chàng mới có được một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh...


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-30)


<