Vay nóng Tima

Truyện:Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm - Hồi 20

Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm
Trọn bộ 30 hồi
Hồi 20: Tâm Hư khích tướng Dương vương - Bảo Thư xiêu lòng Quận chúa
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-30)

Siêu sale Shopee

Kiến Nghiệp đại sư và Tâm Hư sư thái kịch chiến với Dương Tiêu đã trên ngàn chiêu. Dương vương giở thức thứ bốn của Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, đẩy đường roi của Sư thái đánh vào Kiến Nghiệp đại sư. Cả hai không lạ gì võ công của Dương vương, nhưng không ngờ công lực của y ngày nay lại cao thâm đến thế. Kiến Nghiệp không dám chần chừ, ông vận dụng Bối Diệp thần công và Hiên Viên thập bát giải chưởng pháp, hai môn công phu mà ông ít khi dùng đến. Đó là hai môn võ học tuyệt vời của Phật gia.

Năm xưa, ông được một dị nhân, sống trong một hang động trong dãy Thiên Sơn, cách đây hàng mấy trăm năm, cách thế truyền cho. Hiên Viên thập bát giải là một loại võ công rất cổ, cực kỳ quái dị nhưng biến hóa khôn cùng.

Tâm Hư sư thái vận dụng Cửu Âm chân kinh đối kháng lại Hàn Ngọc âm chướng, đường roi của bà như một trời mây mù, phủ xuống, Dương vương phải luôn vận Điêu Phong thân pháp và Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp đến mức cao nhất, mới giữ được thê quân bình. Trận kịch chiến trời sầu đất thảm.

Kiến Nghiệp đã mang hết tuyệt học để khống chế các công phu của Dương vương, nhưng chỉ ép được y không thể phát huy đến chỗ tinh diệu nhất của Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp. Nhớ đến mối thù năm xưa của Diệt Tuyệt sư thái đối với Dương Tiêu, người đã làm cho uy danh của Nga Mi bị sứt mẻ, trong nỗi đau đớn của Kỷ Hiểu Phù, sư tỷ của bà ngày nào, Tâm Hư dồn toàn bộ tuyệt học mà bấy lâu nay đã luyện thành trong Cửu Âm chân kinh ra đối địch. Nói về nội gia chân lực, bà có thua sút Dương Tiêu và Kiến Nghiệp, nhưng công phu của Cửu Âm chân kinh thì vô cùng âm độc quái dị, đến nỗi năm xưa, Quách Tỉnh đã nhất định không chịu luyện, dù Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông có ép buộc đến thế nào cũng mặc.

Nhờ vào tâm pháp Càn Khôn Đại Na Di, Dương vương đẩy bớt sức tấn công về phía đối phương, hai địch thủ của y phải luôn hoán chuyển để tránh tự gây thương tổn cho nhau, trận chiến vì thế, người ngoài nhìn vào không khác gì một trận hỗn đấu, chứ không phải là hai đang tấn công một nữa; vì vậy cho nên thế quân bình của trận đấu trông thật kỳ dị. Kiến Nghiệp đại sư biết rõ tình trạng đó, bởi khi truyền lại lớp thứ ba của Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp cho ông, cả hai vị Dương, Trương giáo chủ đã nói rõ cái linh diệu của môn công phu này do ba chữ "Đại Na Di" mà ra. Ông biết trận đấu có kéo dài cũng không ích gì, và cả Dương Tiêu công nhận thấy như vậy.

Với hai cao thủ tuyệt đại này, bao nhiêu lớp binh triều và các võ sĩ thuộc hạ của y dẫu có bao vây cũng chẳng thể thay đổi được cuộc diện. Tâm Hư sư thái cũng đã nhận ra tình trạng ấy, nên khi Kiến Nghiệp đại sư quát lớn:

- Ngừng tay đã!

Thì cả ba đều tung người vọt ra phía sau giải tỏa kình lực. Kiến Nghiệp đại sư nhìn Dương Tiêu, y vẫn ung dung, không tỏ ra hao kiệt công lực trong hai lần giao đấu, trong lòng ông thầm nể phục.

- Người anh em cũ, mạnh khỏe chứ?

Dương Tiêu hỏi Kiến Nghiệp bằng giọng dịu dàng, Tâm Hư sư thái hắng giọng, nói:

- Dương Tiêu, ngươi khách khí làm chi. Võ công ngươi ngày nay cao thâm, đáng phục đấy, nhưng ngươi phải biết, ngoài tầng trời này còn có tầng trời khác.

Dương vương cười ha hả, đáp:

- Chu nương nương, bà vẫn như ngày nào? Tâm muốn tiến đến chỗ hư, không phải là điều dễ. Ta xin hỏi, hôm nay nhị vị ghé vào Vương phủ ta có điều chi dạy bảo. Sao lại đến giữa đêm hôm khuya khoắt, lén lút như kẻ trộm vậy? Dương Tiêu này có quên bạn cũ bao giờ!

Kiến Nghiệp đại sư nói:

- Dương vương, bọn ta giao đấu trực diện với ngài, cớ sao gọi là kẻ trộm. Đã trên ba mươi năm nay ngài chẳng có gì thay đổi cả! Ta rất tiếc, hai lần ngài lãnh đạo Minh giáo, đều đưa Minh giáo đi vào chỗ tối tăm, tà mị. Ta đến gặp ngài hôm nay không để chỉ nói có bấy nhiêu, điều ấy ngài hẳn biết; và cũng không phải để ấn chứng võ công với ngài, mà có nhiều điều muốn tỏ cùng ngài. Ta chẳng giấu diếm ngài làm gì, đêm nay, cũng như mấy đêm trước, ta đã theo dõi để trợ thủ cho vị tiểu thí chủ mà ngài vừa đánh bại, ta rất tiếc đã đến chậm mất một bước. Sự hiện diện của Tâm Hư sư thái tại đây cũng là sự tình cờ.

Dương Tiêu cười nhạt:

- Hừ! Túc hạ nói mình không phải là kẻ trộm, vậy mà đi hỗ trợ cho một tên ăn trộm, chẳng hóa ra cũng cùng một cuộc đó sao!

Tâm Hư sư thái quát:

- Dương lão tà, sao ngươi hồ đồ thế? Bọn ta đến đây thu hồi báu vật, sao lại gọi là kẻ trộm được?

Dương Tiêu cười gằn hỏi:

- Báu vật nào của Nga Mi lại ở nơi đây?

Tâm Hư sư thái đáp:

- Ngươi không nhớ hay cố ý tảng lờ? Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm không phải do Quách đại hiệp năm xưa đúc nên sao? Quách Tổ sư của bản phái không phải là hậu duệ của Quách, Hoàng nhị hiệp là gì?

- Kẻ hồ đồ không phải là ta, mà là ngươi. Nơi đây không tàng trữ hai món binh khí đó!

- Dương Tiêu, nếu không có Vũ Mục di thư trong Đồ Long đao, ngày xưa Trương giáo chủ trao cho Từ Đạt, thì làm gì có nhà Minh ngày nay, và ngươi vẫn chỉ là một tên già vô lại làm nhơ bẩn Minh giáo, một tệ hại cho võ lâm; ngày nay ngươi trở thành Dương vương, trở thành tên ác quỷ của trăm họ. Ta cùng vị thiếu hiệp ấy thu hồi lại Di thư của Nhạc nguyên soái, sao ngươi dám bảo là phường trộm cắp?

- Ta không hề biết Vũ Mục di thư ở đâu, và cũng chẳng hề quan tâm đến thứ vô dụng ấy!

- Thật đúng là ngươi. Ta không thèm đối thoại với một tên già vô lại như ngươi làm chi nữa!

Dương Tiêu cả giận quát:

- Chu Chỉ Nhược! Ngươi thóa mạ ta đó chăng?

- Chẳng nhẽ ngươi muốn ta nhắc lại?

Kiến Nghiệp đại sư chen vào:

- Vai vế của túc hạ không cho phép túc hạ nói những lời vô ơn ấy. Cái mà túc hạ gọi là đồ vô dụng kia, cộng với xương máu của trăm họ mới tạo dựng nên triều đại này. Ta không muốn tranh luận với túc hạ điều ấy, ta chỉ muốn hỏi túc hạ điều này...

- Phạm quân, suốt trên ba mươi năm nay, giữa ta và Phạm quân không có sự hiềm thù; vậy Phạm quân muốn hỏi ta điều chi?

Kiến Nghiệp đại sư hỏi:

- Dương vương, trong tim của ngài không có chút nào lửa hồng yêu thương, vốn là thiên thần của Minh giáo; ngày nay, ngài đã đạt được điều ngài muốn, cớ sao vẫn còn mặc y phục của giáo đồ Minh giáo, để làm gì?

Dương Tiêu nổi nóng:

- Phạm Dao! Sao ngươi lại nói ta không còn là giáo đồ Minh giáo. Chính ngươi, tên phản giáo kia, ngươi mới không còn là giáo đồ của Minh giáo với bộ đồ tăng bào trên người!

- Dương thí chủ, bất cứ ai, trong người có ngọn lửa hồng ấm áp đều là tín đồ của Minh giáo cả. Chính thí chủ là kẻ đã dập tắt nó, đã biến nó thành Ma giáo. Chẳng nhẽ thí chủ còn chối cãi nữa hay sao?

- Các ngươi tự rời bỏ Minh giáo, các ngươi không có quyền hạn gì thẩm vấn ta cả. Ta điều khiển, lãnh đạo Minh giáo thế nào là quyền của ta!

- Không! Ngươi không có quyền biến Minh giáo thành một lũ sát nhân!

- Ngươi làm gì được ta? Ta muốn giết ai là việc của ta, cả đến sinh mạng của ngươi, ta muốn lấy lúc nào chẳng được!

- Dương Tiêu, ta sợ chết đã chẳng đến đây. Ngươi tưởng rằng bọn quan quân, bọn thuộc hạ vô lại của ngươi có thể gây khó dễ được với ta sao? Kể cả ngươi, tuy võ công của ngươi cao diệu thật, nhưng muốn giữ ta ở đây, chẳng phải ngươi muốn là được! Nếu ngươi muốn phân tài cao thấp, chúng ta còn có dịp, ngươi có dám chăng?

Tâm Hư sư thái nói:

- Phạm hữu sứ đừng trông chờ gì ở tên vô lại này, một kẻ ném đá giấu tay hèn mạt, y làm gì còn khí cốt võ lâm giang hồ; y chui rút trong hang ổ, ỷ đông hiếp cô, chẳng nhẽ Hữu sứ không biết hay sao. Đời nào y dám nhận lời Hữu sứ!

Dương Tiêu cười nhạt đáp:

- Chẳng nhẽ ta lại sợ hạng tép riu như lũ chúng bay sao? Trong thiên hạ, còn ai đáng là tay đối thủ với ta. Phạm Dao, người phải tự hiểu như thế chứ! Nhưng dẫu sao, ta nhận lời ngươi thách thức, không chỉ với ngươi, mà cùng khắp anh hùng thiên hạ!

- Dương pháp vương quả là khẩu khí đầy trời, ta thay mặt anh hùng thiên hạ, một ngày không xa, gửi thiếp mời đích danh Dương tả sứ hội kiến, với chỉ cá nhân ngài mà thôi, ngài thấy thế nào?

- Ta nhận, bây giờ các vị hãy rời khỏi nơi đây, cứ đường hoàng mà đi!

Rời khỏi Hoàng thành, Tâm Hư sư thái nghĩ đến tính mạng Nguyên Huân, lòng đầy lo lắng, không biết an nguy ra sao, nên cất tiếng hỏi Đại sư Kiến Nghiệp:

- Đại sư! Không rõ tình trạng của Nguyên Huân thế nào?

Kiến Nghiệp trầm ngâm, một lúc sau lên tiếng:

- Dương Tiêu quả là lợi hại, bần tăng đến trễ một chút. Thật đáng lo ngại, công phu Hàn Ngọc âm chưởng của y kịch độc, trên thiên hạ ngày nay, ngoài Trương giáo chủ ra, e không còn ai xứng tay đối phó. Hiện giờ chúng ta không làm cách nào khác được. Võ công của Trần thí chủ không phải tầm thường, bị trúng một chưởng vẫn tung người tẩu thoát được, thật là một điều kỳ lạ. Bất cứ một người nào khác chỉ đi được dăm bước, máu huyết và cơ bắp bị âm hàn độc khí phát tác, tức khắc sẽ đông lại. Nhưng bần tăng vẫn tin rằng mỗi một con người đều có số mạng cả, muốn sống, muốn chết, chẳng phải là điều dễ; mặc dù giữa sống và chết, cách nhau mong manh như sợi tóc!

- Bạch Đại sư, nội tạng của Trần thí chủ đặc biệt lắm, kinh mạch nghịch đảo, lục phủ, ngũ tạng đều thay đổi bộ vị, có lẽ vì thế mà việc nhiễm độc khí âm hàn chậm hơn mọi người khác chăng?!

Kiến Nghiệp đại sư đưa mắt nhìn trời:

- Thượng đế sinh ra con người quả thật là kỳ diệu, sức chịu đựng của con người so với muôn loài, tuy mong manh, yếu ớt nhưng có lúc lại hết sức lớn lao, diệu kỳ; chúng ta không thể lấy cái bình thường mà xét được. Chỉ mong Trần thí chủ có mạng lớn...

- Đại sư bây giờ ta tính sao?

- Chúng ta chưa thể tính gì được vào lúc này. Biến cố vừa gây ra có tầm mức lớn, Hoàng thành và Tử Cấm thành chắc chắn đang được canh phòng cẩn mật, chẳng thể vào do thám; dù muốn, chúng ta cũng phải chờ đợi thôi!

Tâm Hư sư thái buồn bực:

- Trần Nguyên Huân có ơn rất lớn với bản phái, bần ni không thể không đáp đền được; dù có phải vào chốn chông gai, tử lộ, bần ni cũng cam đành, chứ không thể bỏ mặc mà không cứu, xin Đại sư hiểu cho!

- Bần tăng cảm thông tấm lòng của Sư thái, nhưng không thể khinh xuất được. Chúng ta kín đáo dò la tin tức xem thế nào, rồi mới có thể vạch kế hoạch giải cứa. Bần tăng tin chắc rằng, dù không đến nỗi mất mạng, nhưng tình trạng của Trần thí chủ cực kỳ khó khăn. Kẻ trúng phải Hàn Ngọc âm chưởng, nặng thì mất mạng tức khắc, nhẹ thì võ công bị phế hủy, đưa đến cái chết lần mòn. Trong thiên hạ chỉ duy nhất một người có khả năng khu trừ độc khí âm hàn này, và phục hồi võ công cho Trần thí chủ.

Tâm Hư sư thái động tâm, nói:

- Tiểu ni cũng rõ điều đó, người ấy chính là Trương giáo chủ của quý giáo. Cửu Dương thần công của Trương giáo chủ mới cứu được tính mạng Trần thiếu hiệp; nhưng từ trên ba mươi năm nay, ông ta đã giang hồ tuyệt tích, biết tìm thế nào được...

Kiến Nghiệp đại sư vô tình đáp nhanh:

- Sư thái đừng lo lắng, bần tăng đã gặp được người...

Tâm Hư sư thái mừng rõ không nói nên lời nhưng trong giây phút mừng rỡ ấy, một niềm xót xa vừa chợt đến. Noi xót xa, cay đắng và buồn phiền trộn lẫn. Trên ba mươi năm qua, quá khứ như đã chết trong lòng, bỗng dưng sống lại. Hình ảnh ngày xưa, hai lần người đàn ông ấy đã mang cái chết ra tặng bà, đã giao sinh mạng của chính mình cho bà. Hai lần, Ỷ Thiên kiếm đã đẫm máu ông và biết bao những đau xót, hờn ghen, những chán chường và tuyệt vọng. Bà đã phạm rất nhiều lầm lỗi trong tình yêu, đã thù hận, gây nên cái chết cho đứa con trai của Tống Viễn Kiều, người đại đệ tử của Trương chân nhân. Bà đã vô ơn, nếu không có Trương chân nhân, bà sẽ chỉ vĩnh viễn là một đứa con mồ côi của một giáo đồ Minh giáo.

Chính Trương chân nhân đã đem bà lên Nga Mi sơn, và trở thành đệ tử của Diệt Tuyệt sư thái. Bà đã quên đi cội nguồn của chính bà, đã quên cả ơn sâu chỉ vì lòng hờn ghen, từ ngày người đàn ông ấy, giữa lúc làm lễ tơ hồng, đã bỏ mặc bà, chạy theo nàng Quận chúa của Nguyên triều. Lòng thù hận kia đã giết chết con người dịu hiền trong bà, và đến nỗi Trương chân nhân đã phải tự tay giết chết đứa nghịch tôn của người.

Cái chết của Tống Thanh Thư ngày ấy, đối với bà như một sự trả thù; cũng vì bà, mà Tống Thanh Thư đã làm ô danh Võ Đang sơn; vì yêu bà mà y giết chết thất hiệp Mạc Thanh Cốc, người sư đệ thứ bảy của cha y. Hỡi ơi, tình yêu thật là đáng sợ! Mặt trái của tình yêu là lòng thù hận. Mối hờn ghen đã khiến bà ra tay rạch nát gương mặt của Hân Ly, đã đổ lên đầu Triệu Minh bao nhiêu hàm oan, hòng ly gián Quận chúa và Vô Kỵ. Dĩ nhiên, một phần, bà cũng vì nhiệm vụ do Sư phụ bà trao phó, là cướp đoạt lại Cửu Âm chân kinh, được giấu trong thanh kiếm Ỷ Thiên.

Bao nhiêu việc làm ấy, trong suốt ba chục năm dư, bà thầm ăn năn khôn dứt. Và chính vì thế, bà cố quên hết, quên mọi ân oán trong cuộc tình xót xa, để tìm lại cho chính bà, trái tim yên tĩnh của hư không. Ôi khó là dường nào! Dương Tiêu đã giễu cợt bà, làm cho lòng bà tan nát. Làm sao còn có được Tâm Hư!

Trên ba chục năm trường, công lao tu hành sám hối, một thoắt chốc, nghe tin người đàn ông ấy còn sống, bỗng tiêu tan như bọt nước Trường Giang. Bà muốn hỏi thăm người một thuở của dấu yêu, với muôn ngàn lòng tưởng nhơ, mà chẳng dám. Bà thẫn thờ hỏi:

- Trương giáo chủ bình an chăng?

Nhìn vẻ thờ thẫn của Tâm Hư sư thái, Kiến Nghiệp đại sư chợt hiểu.

- Trương phu nhân đã qua đời từ hai mươi năm trước!

Một thoáng, bà tự trách bà ích kỷ bởi một niềm vui vừa dâng nhẹ trong lòng... Suốt hai mươi năm nay, ông ta sống lẻ loi và hiu quạnh. Tự đáy lòng, bà bùi ngùi thương cảm. Và những giọt lệ của phiền muộn, của xót xa, thống khổ, suốt ba mươi năm cố cầm nén, cố lãng quên, bây giờ như không giữ được, đã chan chan dòng lệ:

- Tội nghiệp!

Bà tội nghiệp cho Triệu Minh, cho chàng, hay cho chính đời bà. Bây giờ chỉ còn lại những ngày bóng xế, chỉ còn lại nỗi già nua, sự cô quạnh. Ôi Nga Mi, Nga Mi! Tổ sư Quách Tường, ngày xưa cũng vì thất tình với Dương Qua, mà sáng lập ra Nga Mi phái. Sư phụ bà cũng vì mối hận tình với Ngân tiên sinh và Kim Hoa bà bà, tức Tía Sam Long Vương Đại Tỷ Ti, mà trở thành nộ danh Diệt tuyệt; và ngày nay tới phiên bà... Và mai này, mai này nữa, những vị Chưởng môn của Nga Mi bất hạnh kia, còn những ai?!

Kiến Nghiệp đại sư nói, như nói với chính mình:

- Hạnh phúc, khổ đau cõi hồng trần, chẳng biết thế nào mà nói được. Họa với phúc, phúc với họa, oan nghiệt vô thường của cõi phù sinh. Mọi cái đều là không, mà mọi nỗi đau thương, thống khổ lại dường như từ cái không kia mà có; hạnh phúc dường như có mà lại không. Nếu chúng sinh lấy cái bất hạnh làm nên cái hạnh phúc, thì hạnh phúc vô vàn...

Tâm Hư tự nhủ, chẳng còn bao lâu nữa cho một đời người. Một đời thoắt chốc mà dài lê thê.

Đời như lá, thoắt xanh rồi thoắt úa Ta như rêu mọc giữa lối đi này Cơn gió nổi một đêm nào nghiệt ngã Sớm mai đây còn lại chút hương phai Ta tự nhủ, mai đây đời sẽ hết Cửa trăm năm khép nhẹ cánh không dưng Dẫu cay đắng, xót xa, ngậm ngùi, hối tiếc Dẫu đau buồn, dẫu có cũng là không Bởi vội vã mới nên đời ngắn bước Bởi trông chờ nên mới có trăm năm.

Lòng kẻ tu hành bỗng dưng dịu lại, bà mỉm cười trong hàng nước mắt rưng rưng. Tâm Hư quay lại, vòng tay thưa:

- Đa tạ Đại sư đã điểm hóa cho đệ tử!

Buổi sáng hôm sau, Dương vương quay lại Bách Hoa cung. Bảo Thư đang luyện kiếm, thấy Ngoại tổ đến, khuôn mặt biểu hiện nhiều lo lắng, suy nghĩ, Bảo Thư đình bộ, bước ra lạy chào. Dương vương nói:

- Bảo Thư, ông có chuyện muốn nói với con?

Bảo Thư nhìn ông ngạc nhiên. Dương vương ngồi xuống một phiến đá, ra hiệu cho Bảo Thư đến bên. Dương vương xoa đầu cháu:

- Bảo Thư, đêm qua Hoàng thành và Tử Cấm thành có gian tế xâm nhập, như cháu đã biết lúc hồi đêm ông đến gặp cháu. Chúng đốt cháy rụi Võ Hiển điện, mười bảy cao thủ và gần ba trăm Cẩm Y thị vệ thương vong. Gian tế gồm ba người, một là Phạm Dao Quang Minh hữu sứ của Minh giáo; ngày ấy, ông và lão ta hợp thành Quang Minh tả, hữu sứ của Quang Minh đỉnh. Người thứ hai là Chưởng môn của phái Nga Mi, Chu Chỉ Nhược, pháp danh là Tâm Hư, vốn cùng với Ngoại tổ mẫu của con là Kỷ Hiểu Phù có tình tỷ muội đồng môn. Võ công của họ không hổ danh là nhân vật số một của võ lâm. Người thứ ba, là người chủ chốt, cứ theo âm thanh giọng nói, thì tuổi y còn rất trẻ, y che khăn ngang mặt nên ông không nhận ra là ai...

Bảo Thư ngắt lời:

- Ngoại tổ, căn cứ theo chiêu số thì ngoại tổ có thể đoán được xuất xứ chứ!

Dương vương trầm ngâm, một lúc sau nói:

- Y còn trẻ tuổi, võ công lại cực cao. Ngày bằng tuổi y, đi lại trên giang hồ, ông nổi danh là Ngọc Diện Lang Quân, vậy mà công lực, võ học ngày ấy, so với y bây giờ, ông còn kém xa lắm. Võ công, nội lực của y cao thâm, không đoán xuất xứ của y được. Y xử dụng võ học của các danh gia một cách hết sức viên thành: Tiên Thiên công của phái Toàn Chân, Nhất Dương chỉ của Đoàn nam đế, Cửu Dương công của Võ Đang, Nhật Nguyệt Tam Hóa thần công của người thứ hai trong nhóm Bát đại danh gia, Hỏa Vân công của Tiêu Đại Hùng nước Đại Lý, và nhất là Điêu Phong thân pháp của nhà họ Dương nơi Tuyệt Tình đàm, làm ông không thể đoán được sư môn chính thức của y. Y còn xử dụng cả Đạn Chỉ thần công, một môn ám khí của Hoàng đảo chúa Đào Hoa đảo. Bằng đó tuổi dù có được từng người của bằng ấy môn phái truyền thụ cho, thì dẫu y có luyện võ công từ ngay trong bụng mẹ, cũng chẳng thể nào có công lực ấy được. Ta đã phải vận đến tuyệt mức sở học, và tuyệt chiêu, mới đánh y trọng thương.

- Cháu phải biết là, trúng Âm hàn Ngọc chướng, thì không ai tránh được cái chết, dẫu công lực thâm hậu thế nào mặc dù, thế nhưng y vẫn đào thoát được. Ta đã cho người lục soát khắp nơi trong Vương phủ mà chẳng thể tìm ra, lạ thật?

Dương Tiêu liếc nhìn khuôn mặt trắng bệch của cô cháu gái, và hai bàn tay run rẩy của Bảo Thư, ông xoay người, nhìn vào mắt nàng, nghi ngờ, hỏi:

- Cháu biết y là ai chăng?

Bảo Thư nhanh trí, đáp:

- Có lẽ là y ông ạ! Ngày cháu ở Ứng Thiên phủ, bị bọn Thất Sát đoàn dùng mê hồn hương trói bắt, toan làm hỗn, cháu được một thanh niên tuổi chừng hai hai, hai ba giải cứa Y có võ công và công lực cao diệu không lường; nhờ y mà cháu không bị làm nhục. Y giải cứu rồi tất tả ra đi, không cho cháu tạ ơn và hỏi tên tuổi...

- Bảo Thư! Có việc ấy à? Sao cháu không cho ông biết. Ông sẽ ra lệnh giết sạch bọn Ứng Thiên phủ Phân đoàn, không chừa một đứa!

- Ông ạ! Y đã giết chết bảy tên, và một tên đầu đảng, vốn là một nhà sư Tây Vực!

- Hừ! Bọn này không thể dung thứ được!

- Này Bảo Thư, con có biết Gia gia con và Dư sư bá, có thâu nhận người đệ tử nào như thế không?

Bảo Thư làm ra vẻ ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Bọn đệ tử đời thứ ba của Võ Đang, công lực tuy có thể liệt vào hàng cao thủ, gọi là Võ Đang thất kiếm, có bảy người: Thanh Phong, Minh Nguyệt, Tạ Chí Dương, Liễu Thọ Cương, Tăng Duy Hạ, Tăng Thế Phương và Quách Miêu Nghi, thì võ công cũng ngang với anh em cháu thôi, chứ không có ai trẻ bằng gã thiếu niên ấy cả!

- Thôi được, cháu đừng lo, dù bản lãnh gã tiểu tử ấy có cao tuyệt đến mấy, mạng sống nhất thời không quá mười ngày, dẫu y có đào thoát được!

Nói xong Dương vương bỏ đi. Bảo Thư đoán chắc người trai trẻ ấy chẳng ai khác hơn là chàng. Lòng Bảo Thư rối bời, đau đớn. Nàng oán hận cả trời xanh, cả ông ngoại của nàng, cả Thánh Thần, Tiên, Phật. Bảo Thư chạy vào phòng khóc nức nở. Bảo Thư tự trách mình, sao nàng lại có thế không đoán ngay được, người xâm nhập vào nơi hổ huyệt chính là chàng, là Nguyên Huân của nàng. Những ngày còn ở Võ Đang sơn, nàng đã mong manh biết được đôi điều...

Bây giờ chàng bị thương nặng, không hiểu tính mạng ra sao, đang ẩn trú nơi nào? Cứ theo như lời của Ngoại tổ nàng, thì Nguyên Huân không thể nào tránh khỏi cái chết đang chờ chàng; lòng dạ Bảo Thư quặn thắt.

Từ mấy tháng nay, Bảo Thư đã cố gắng xóa đi một hình ảnh... Nhưng càng cố quên, nàng lại càng nhớ thương chàng khôn nguôi. Nỗi nhớ nhung, lòng khao khát được nhìn lại chàng càng thiêu đốt tâm can của nàng. Nàng phải tìm bằng được Nguyên Huân, dẫu còn sống hay đã chết. Trong lòng nàng phát sinh một niềm an ủi, nếu Nguyên Huân, một ngày nào còn trên cõi đời này thì dẫu chỉ là sống trong đau khổ tuyệt vọng, nàng sẽ sống để giữ lấy hình bóng chàng; nếu Nguyên Huân đã chết, nàng sẽ theo chàng về đất lạnh, được gần chàng phía bên kia thế giới. Nàng cương quyết tìm bằng được Nguyên Huân.

Từ hôm ấy, mọi người trong Vương phủ thấy cô cháu gái của Dương vương, với đôi mắt buồn chứa chan, tha thẩn đi cùng khắp trong phủ, nhưng chẳng hỏi, chẳng nói với một ai. Qua ngày thứ ba, thầm kín tìm kiếm vô vọng, Bảo Thư ghé thăm Hoài Nam.

Kể từ hôm có sự biến động trong Hoàng thành, cũng không thấy Hoài Nam đến Bách Hoa cung để luyện võ cùng nàng. Vừa đến Vân Trang cung, từ xa, Bảo Thư nhìn thấy Hoài Nam tất tả đi ra, nàng có vẽ vội vàng, hấp tấp làm Bảo Thư chú ý. Giáp mặt Bảo Thư bất ngờ, Hoài Nam bối rối, nhưng nàng trấn tĩnh lại ngay. Tuy vậy, nàng không qua được mắt Bảo Thư:

- A di, A di đi đâu mà vội vả thế?

Hoài Nam như lúng túng, nàng đáp vội:

- Hoài Nam sang thăm mẹ!

A di, Ngoại tổ mẫu làm sao thế!

- Bà không được khỏe đã ba hôm nay!

- Sao A di không bảo cho Bảo Thư biết!

Nói xong, Bảo Thư khoác tay Hoài Nam, cùng đi sang Bích Thảo cung. Gặp Vương phi, Bảo Thư sụp lạy chào, và nàng vô cùng ngạc nhiên. Chỉ mới ba ngày không gặp, mà tướng sắc Vương phi thay đổi ghê gớm. Mái tóc óng mượt của bà đã điểm bạc, khuôn mặt xanh xao, và đôi mắt buồn của bà giờ dường như buồn hơn, như trĩu nặng u uẩn.

- Ngoại tổ mẫu đau ốm sao không cho hài nhi biết để hài nhi hầu hạ Tổ mẫu?

Vừa nói nàng vừa ươm rướm nước mắt.

- Ngoại tổ mẫu bệnh tình thế nào? Ngoại tổ đã biết chưa. Hài nhi phải trách cứ Ngoại tổ mới được!

Nói xong nàng định quay đi, Vương phi vội gọi lại:

- Bảo Thư, con lại đây ta nói đã?

Bảo Thư quay lại, nàng ngồi xuống ôm lấy chân bà:

- Ngoại tổ mẫu, con nghe đây!

- Bảo Thư ạ! Con đừng làm phiền đến Vương gia, ta không có bệnh hoạn gì đâu!

- Không có bệnh hoạn gì, cớ sao tóc Tổ mẫu lại bạc nhanh vậy thần sắc suy nhược võ vàng thấy rõ!

- Ta có chuyện buồn con ạ! Bảo Thư, con đừng hỏi ta buồn chuyện gì? Nỗi khổ tâm của ta không thể nói cùng ai, ngay cả với Hoài Nam. Con thương ta, hãy để cho ta được yên, con nhé!

- Có phải Ngoại tổ mẫu buồn Ngoại tổ phụ? Con cũng buồn lắm, cha mẹ con cũng buồn lắm; nhưng biết làm thế nào được!

Vương phi im lặng không nói, bà vuốt tóc nàng, nước mắt Bảo Thư chứa chan.

- Bảo Thư! Con đừng vì thương ta mà phiền lụy như thế, lòng ta chẳng yên. Hãy để ta tĩnh dưỡng vài ngày là trở lại bình thường thôi con ạ!

Bà nhìn ra ngoài trời, đôi mắt xa xăm. Chỉ còn mười ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, thời tiết càng ngày càng lạnh. Bảo Thư và Hoài Nam trớ về Vân Trang cung. Nhìn thấy vẻ bồn chồn trên gương mặt Hoài Nam, Bảo Thư hỏi:

- Hoài Nam, có chuyện gì mà Hoài Nam giấu Bảo Thư vậy?

Hoài Nam bối rối:

- Hoài Nam có giấu Bảo Thư cái gì đâu!

Nhưng hai gò má ửng đỏ của nàng chẳng qua được một Bảo Thư tinh ý, Bảo Thư thở dài, đứng dậy:

- Nếu A di chẳng tin ở điệt nữ, điệt nữ xin cáo từ!

Nói xong nàng ứa nước mắt bước đi. Hoài Nam bối rối sợ hãi, chạy theo níu lấy áo Bảo Thư, khóc nói:

Bảo Thư, Bảo Thư, ta nói, ta nói...

Bảo Thư quay lại, ôm lấy Hoài Nam:

- Nếu đó là nỗi khổ tâm không thể tỏ bày với người ngoài, xin A di đừng nói ra...

- Không đâu Bảo Thư ơi, Hoài Nam, ngoài má má và Bảo Thư ra, thì còn ai là người thân yêu, tín cẩn nữa. Sở dĩ Hoài Nam giấu Bảo Thư, chỉ vì không muốn để Bảo Thư liên lụy đó thôi!

- Sao Hoài Nam lại nói thế, Hoài Nam coi Bảo Thư này là hạng người nào!

Vẻ giận hờn của Bảo Thư làm Hoài Nam luống cuống; nàng kéo Bảo Thư vào tận phòng riêng, đóng cửa lại, nói:.

- Việc này có liên quan đến vụ biến động ba đêm trước. Gian tế một chàng trẻ tuổi, bị Gia gia đả thương trí mạng, chạy đến đây thì bất tỉnh, Hoài Nam không thể không cứu...

Chưa dứt lời, Hoài Nam ngơ ngác và sợ hãi khi thấy Bảo Thư quỳ sụp xuống lạy mình vừa nức nở:

- Ôi đội ơn A di, đội ơn A di, đội ơn Hoài Nam muôn vàn!

Hoài Nam đỡ Bảo Thư dậy, không hết ngơ ngác:

- Bảo Thư làm sao thế?

- Người mà Hoài Nam cứu được, chính là người bạn, không... là người em kết nghĩa của Bảo Thư đó. Ôi, tạ ơn Trời Phật!

Hoài Nam tròn xoe mắt, kinh ngạc:

- Kỳ dị thật!

- Sao lại kỳ dị?

- Thật là một sự tình cờ kỳ dị, nhờ cứu được y, má má nhận ra y là cháu bà, nhờ vào bức Hổ phù xâm trên ngực, và tín bài của Bát đại danh gia mà y giữ trong người. Hoài Nam phải gọi y là huynh trưởng, y lại là tiểu đệ của Bảo Thư, không kỳ dị là gì nữa?

Bảo Thư hỏi nhanh:

- Tình trạng của Nguyên Huân hiện giờ thế nào?

- Đã tưởng chết rồi, đêm ấy Hoài Nam sợ và hồi hộp muốn chết. Bây giờ Huân ca đã đỡ hơn, nhưng còn phải luyện công trị thương chín, mười ngày nữa, và rồi sau đó...

- Huân đệ giờ ở chỗ nào?

- Trong thạch thất.

Bảo Thư ngạc nhiên:

- Trong thạch thất? Huân đệ đã được đưa ra ngoại thành rồi sao?

- Không, Huân ca còn ở đây.

- Ở đây? Trong thạch thất? Tại Vương phủ?

- Phải, trong thạch thất của hòn non bộ bên Bích Thảo cung, Má má đã tình cờ tìm ra từ lâu; đó là nơi dùng làm hầm bí mật của một Thân vương đời nhà Tống khi xưa, khi bị quân Kim vây hãm Yên Kinh!

- Hoài Nam đưa Bảo Thư tới nhé!

- Bảo Thư này, nghe Má má nói, trong thời gian luyện công trị thương, rất nguy hiểm nếu bị phân tâm, có thể cái gì ma mà chết, nên cấm không được xúc động; cơm nước hàng ngày, đích thân má má đem vào. Bảo Thư chờ vài ngày nữa đi, Hoài Nam cũng muốn vào thăm mà chưa được!

- Hoài Nam có nghe Huân đệ nhắc đến hai người trong bọn đêm ấy không?

- Không thấy Huân ca nói gì về hai người này cả, có điều má má lo lắng, là cứ theo lời của Huân ca, luyện công trị thương chỉ là nhất thời, không được Cửu... cái gì công khu trừ được khí hàn âm, thì không tránh khỏi cái chết!

- Cửu Dương thần công phải không?

- Đúng rồi, Cửu Dương thần công, phải đó!

Bảo Thư nghĩ: "Trên đời này, Cửu Dương thần công đã tuyệt tích cùng với Trương giáo chủ, tức Trương ca ca của nàng, biết làm sao mà tìm kiếm". Bảo Thư chợt nhớ đến Tâm Hư sư thái tức Chu Chỉ Nhược, và Kiến Nghiệp đại sư, là những người quen thân, là thuộc hạ của Trương giáo chủ. Phải làm thế nào gặp được họ, vì nàng tin rằng, giữa Nguyên Huân và hai vị này có liên hệ với nhau. Ngoài ra Tâm Hư sư thái còn là Chưởng môn nhân của Nga Mi phái, là sư muội của Ngoại tổ mẫu của nàng; phải báo cho bà biết tình trạng của Nguyên Huân mới được.

Ngay chiều hôm đó, mặc cho trời mưa tuyết, giá lạnh, nàng ra phố, đi quẩn quanh khắp chỗ, mong cầu tìm kiếm được bà, vì nàng tin rằng nếu quả thật Sư thái liên hệ gần gũi với Nguyên Huân, chắc chắn Sư thái vẫn quẩn quanh trong khu vực này, thế nào nàng cũng gặp được bà.

Qua ngày thứ hai, Bảo Thư bước vào một tửu lầu ngồi nghỉ chân. Một tửu bảo đến bên nàng, không phải chờ nàng gọi thức uống, mà lại hỏi nàng:

- Bẩm Công nương, xin hỏi Công nương có phải là người họ Hân chăng?

Bảo Thư nhìn tên tửu bảo, khẽ gật đầu:

- Ngươi hỏi làm chi vậy, ta là Hân Bảo Thư!

Tên tửu bảo mừng rỡ nói:

- Có một người họ Chu, ở Sơn Quang tự, dặn tiểu nhân là nếu Công nương có ra, thì đến thăm vị họ Chu này ở Cổ tự. Sở dĩ tiểu nhân biết mặt Công nương, vì thấy Công nương và Quận chúa tháp tùng theo Vương phi mấy lần. Người họ Chu là một vị nữ tu, tiểu nhân chỉ biết có thế!

- Sơn Quang tự ở đâu?

- Không xa lắm, về hướng Đông bắc trong nội thành!

Bảo Thư đứng dậy, thưởng cho tên tửu bảo một đĩnh bạc lớn, không kịp chờ y lạy tạ, nàng vội vã ra đi.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-30)


<