Vay nóng Tima

Truyện:Nam Thiên đại hiệp - Hồi 06

Nam Thiên đại hiệp
Trọn bộ 73 hồi
Hồi 06: Chương 6
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-73)

Siêu sale Lazada

Nhìn lén võ công, Chính Tâm bị phạt

Thương người mẫn tiệp, Trường Phong thu nhận môn đồ.

Hai ngày sau, sáng hôm đó, Thùy Trang và Thùy Vân chạy sang, sau khi vái chào Đoàn phu nhân, hai cô bé ngỏ ý muốn đưa Chính Tâm xuống võ trường cho biết. Đoàn phu nhân bằng lòng, thế là ba đứa bé vui sướng cầm tay nhau ra đi. Trên đường đi Thùy Trang bảo Chính Tâm:

- Liên tiếp nhiều ngày ta và Thùy Vân chưa gặp Thanh Ngưu, chúng ta đến lò đúc kiếm tìm Thanh Ngân rủ Thanh Ngân rong chơi với chúng ta, ngươi có bằng lòng không?

- Dĩ nhiên bằng lòng. Ta cũng muốn gặp con người mà các ngươi khen là thông minh nhất nam tử như thế nào. Nếu ta thuyết phục được Thanh Ngân vái phụ thân ngươi làm sư phụ, thì các ngươi có thêm một sư huynh cũng tốt vậy.

- Thanh Ngân phải là sư đệ mà không phải là sư huynh của chúng ta. Chúng ta đã làm lễ nhập nôm mấy năm rồi.

Thùy Vân:

- Nếu Thanh Ngân chịu học võ và làm sư đệ chúng ta thì vui thích biết bao. Phùng sư ca, Trần sư ca, Nguyễn sư ca đều lớn tuổi, ai nấy cũng bắt chước gia gia ta, lúc nào cũng trịnh trọng. Có Thanh Ngân chúng ta nói chuyện và cùng luyện tập võ công thì thích thú biết bao.!

Lò đúc kiếm nằm trong một khu đất rộng, nằm tận phía bắc của võ trường, mấy ống bễ to lớn dưới bàn tay gân guốc của những lực sĩ thân thể trần trụi thi nhau thổi hì hục. Những lực sĩ khác thi nhau đập sắt thép chan chát, ánh lửa léo ra tung tóe. Trong cảnh ồn ào đó, một cụ già tướng mạo phương phi chống gậy qua lại chỉ bảo hết người này đến người khác. Thùy Trang chỉ ông già nói với Chính Tâm:

- Ông đó là Lê lão bá, tên ông ta là Lê Thành Nhân, mọi người gọi ông là Tạo Kim Thiên Thủ, có thuật luyện kim nổi tiếng nước ta. Thái sư phụ và phụ thân ta rất quý trọng ông. Gặp ông ngươi cũng phải lễ phép với ông ta đấy.

- Ông ta là người lớn, lễ phép với ông ta là điều dĩ nhiên. Ngươi không cần phải dặn dò ta như vậy.

Đến trước lò rèn đúc đao kiếm, Thùy Trang và Thùy Vân không vào, đứng bên ngoài lên tiếng:

- Điệt nữ Thùy Trang và Thùy Vân xin vấn an Lê bá bá.

Thùy Trang và Thùy Vân lên tiếng vấn an, nhưng người được gọi là Lê lão bá vẫn tiếp tục đi tới đi lui trong lò chỉ bảo người làm, hình như đối với ông Thùy Trang và Thùy Vân không quan trọng gì. Điều này làm Chính Tâm bất bình, khó chịu ra mặt. Thùy Trang và Thùy Vân nhìn thấy phản ứng của Chính Tâm nhưng không tiện lên tiếng khuyên nhủ, tiếp tục cúi đầu đứng yên. Một thời gian khá lâu, ông già được gọi là Lê lão bá mới bước ra sân:

- Hai điệt nữ muốn gặp Thanh Ngân hay gặp ta có điều gì?

- Hai cháu đến vấn an Lê bá bá, luôn tiện xin phép Lê bá bá cho Thanh Ngân đi chơi với điệt nữ, giới thiệu cho Thanh Ngân người bạn mới.

Chỉ Chính Tâm, Tạo Kim Thiên Thủ hỏi:

- Chú bé này phải không? Con ai vậy?

- Thưa Lê bá bá, đây là tiểu thúc thúc của điệt nữ, con của Đoàn thần y, Đoàn Minh thái sư phụ.

Nghe Chính Tâm là con của Đoàn Minh, Tạo Kim Thiên Thủ Lê Thành Nhân không dấu vẻ ngạc nhiên, vui mừng:

- Đoàn thần y cũng đến đây sao? Ta nghe tên tuổi, tài năng của ông đã lâu. Ông có mặt trên thạch thất không? Ta phải đi bái kiến ông ta mới được. Hừ! Có Đoàn thần y đến đây mà phụ thân ngươi chẳng nói gì với ta cả!

- Thưa bá bá, Đoàn Thần Y đã bị gia hại mười năm về trước. Thái bá mẫu và Đoàn thúc thúc mới đến đây mấy ngày với Lý thái sư phụ.

Nghe Đoàn thần y đã mất, Tạo Kim Thiên Thủ không dấu nổi thất vọng:

- Tội thay! tội thay! ta đã văn kỳ thanh kiến thức uyên bác của ông ta, ước muốn được gặp một lần thì không còn cơ hội. Quay sang Chính Tâm, ông ta hỏi:

- Gia gia ngươi mất trong trường hợp nào? Đứng đây không tiện, công việc ở đây ta đã sắp đặc xong rồi, ngươi theo ta ra gốc cây cổ thụ đàng kia kể rõ việc gia gia ngươi cho ta nghe. Vừa nói Tạo Kim Thiên Thủ vừa đặt tay lên vai Chính Tâm đưa đi, không cần đợi Chính Tâm có tỏ ý bằng lòng hay không.

Thấy Tạo Kim Thiên Thủ kính trọng và quan tâm đến phụ thân mình, ác cảm hóa ra hảo cảm. Chính Tâm vừa đi vừa kể chuyện mình cho ông ta nghe. Càng nghe Tạo Kim Thiên Thủ càng thở dài nối tiếc, tỏ lời khuyên nhủ Chính Tâm cố học thành tài để nối chí phụ thân.

Thấy trời đã trưa, Tạo Kim Thiên Thủ bảo Thùy Trang và Thùy Vân về nhà ông ta dùng cơm với Thanh Ngân. Sáng nay Thanh Ngân ở nhà học sách Liễn Hoa Uyên Nhàn Lục và sách của Thích Hựu Nhiên. Ông ta thở dài:

- Thời thế loạn lạc, thằng con bất hiếu của lão học những sách làm thơ, là thi đó không hiểu để làm gì? Lão sanh con, trời sanh tánh, thật làm cho lão buồn phiền không ít.

Có cảm tình với Tạo Kim Thiên Thủ, Chính Tâm cũng tự nhiên có cảm tình với Thanh Ngân, bào chữa cho Thanh Ngân và an ủi ông ta:

- Thưa bá bá, học thi thơ không phải là việc xấu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, biết bao thi nhân còn lưu danh thiên cổ. Ngân huynh biết đâu rồi cũng sẽ trở nên một đại thi nhân, bá bá không nên vì thế mà buồn phiền.

- Thiên tài và nhân tài cách nhau một trời một vực, lão chỉ hy vọng Thanh Ngân trở nên một nhân tài, lão tự thấy mình không đủ phước đức để có một người con thiên tài. Nhưng cũng cảm ơn tiểu điệt đã an ủi lão và bênh vực cho Thanh Ngân. Thôi! các cháu đi gặp thằng con bất tiếu của lão và vui chơi với Thanh Ngân, lão phải trở lại coi thợ rèn làm việc.

Giã từ Tạo Kim Thiên Thủ, Thùy Trang và Thùy Vân đưa Chính Tâm lên nhà gặp Thanh Ngân. Nhà của Tạo Kim Thiên Thủ ở riêng biệt, xây mặt ra một hồ nước nhỏ. Thùy Trang cho biết chính Thanh Ngân đã chọn khu này và đã yêu cầu phụ thân nàng cất nhà ở đây. Hàng ngày ngoài việc đọc sách, làm thơ, Thanh Ngân ra hồ câu cá. Còn nhỏ, nhưng Thanh Ngân muốn sống như một người ẩn cư. Sự ca tụng của Thùy Trang và Thùy Vân đối với Thanh Ngân cũng làm cho Chính Tâm tò mò và trong lòng cũng cảm thấy nôn nóng được gặp.

Đến gần nhà, Thùy Trang và Thùy Vân ra dấu cho Chính Tâm im lặng. Hai chị em rón rén, núp sau những bụi cây mà đi, như muốn rình mò điều gì. Chính Tâm thấy lạ, nhưng chiều ý hai cô bé cũng làm theo. Cảnh mà hai cô bé muốn rình thấy hiện ra trước mắt Chính Tâm là Thanh Ngân, một cậu bé bằng hay lớn mình một hai tuổi, nhưng khôi ngô tuấn tú không khác tiên đồng, đặc biệt là có đôi mắt rất to, rất sáng, cầm quyển sách đi qua đi lại trước bờ hồ, miệng có khi lẩm bẩm, có khi lớn tiếng khen ngợi kinh nghĩa trong sách. Những tiếng nói lớn của Thanh Ngân mà Chính Tâm nghe được là:

Khí thế nhân huân, do thâm ư thể khí. (Sâu về thể khí, thì khí thế dào dạt)

Ý độ bàng bạc, do thâm ư tác dụng (Sâu về tác dụng thì ý độ rộng rãi)

Dụng bút bất trệ do thâm ư thanh đối (Sâu về âm thanh, thì lời lưu loát)

Dụng sự bất trực do thâm ư nghĩa loại (Sâu về nghĩa loại, thì dụng việc không quá thẳng)....

Hay lắm, hay lắm làm thơ được như vậy mới là ý tứ thâm sâu. Hà! bài thơ nào đã đạt được cái tứ thâm của nhà sư Thích Hựu Nhiên nêu ra đây? Bài nào của Lý Bạch? bài nào của Đỗ Phủ?..

Thùy Trang nghe Thanh Ngân tự nói như vậy, cô bé đứng lên cười, nói lớn:

- Chưa có bài nào cả, đừng tìm tòi mất công, chỉ có bài của Thanh Ngưu thi sĩ mới đủ "tứ thâm", nhưng bài thơ đó lại chưa làm.

Nghe tiếng Thùy Trang, Thanh Ngân quay mặt lại,chắp hai tay vào nhau, nhắm mắt, nói lớn:

- Theo người xưa, hồ ly tinh thường hiện ra để chọc nghẹo các hàn sĩ đang dùi mài kinh sử. Hồ ly tinh núi Mai Sơn lại hiện ra trêu ghẹo hàn sĩ Thanh Ngân rồi đấy. Xin Phật tổ phù hộ cho kẻ hèn này thoát qua kiếp nạn.

Thấy điệu bộ của Thanh Ngân, Thùy Trang phì cười nhưng làm bộ giận dữ:

- Ngươi dám gọi các bản cô nương là Hồ ly tinh! Được lắm! Ta sẽ xẻo ngươi ra làm trăm mảnh, để coi phật tổ có phù hộ cho nhà ngươi hay không?

Dứt lời, Thùy Trang rút kiếm, phi thân đến Thanh Ngân tấn công tới tấp. Thanh Ngân mỉm cười, nhắm mắt đứng yên, miệng tiếp tục niệm nam mô A Di Đà Phật. Những đường kiếm của Thùy Trang, đường nào cũng nguy hiểm. Nếu lỡ tay, Thanh Ngân sẽ bị thương hay toi mạng ngay. Dù là trò chơi giỡn nhau, nhưng nhìn sự điềm tĩnh của Thanh Ngân, Chính Tâm cũng tự nhiên kính phục sự gan dạ của anh ta. Tấn công một hồi, đánh đến thì phải biến chiêu, điểm đến thì phải rút tay, những đường kiếm mát mặt, chạm nhẹ vào thân thể cũng không làm Thanh Ngân tỏ vẻ sợ hãi. Thùy Trang vứt kiếm xuống đất:

- Tên lì lợm này! Nhà ngươi đúng là một con trâu lì lợm. Bản cô nương chịu thua sự lì lợm của ngươi. Chúng cô nương đang đói bụng đây. Ngươi hãy mở mắt ra và mau mau kiếm thứ gì cho chúng cô nương ăn mới được!

Thanh Ngân vẫn đứng yên, nhắm mắt:

- Hồ ly tinh cũng đói bụng sao? Chuyện lạ! chuyện lạ! ngày sau tiểu sinh phải viết sách, nói lên điều kinh nghiệm này với hậu thế mới được. Sắc, theo người xưa mà mầm mống của mọi si mê, sa đọa. Hồ ly tinh hiện thân, lấy nhan sắc mà trêu nghẹo người đời, tiểu sinh mà mở mắt thì thật là tai họa khôn lường. Tội nghiệp! Tội nghiệp!

Thùy Trang:

- Mỗi lần gặp ngươi, cái miệng ngươi làm cho ta tức điên lên được. Ta không đối đáp nổi với cái miệng của ngươi. Đàng hoàng một chút! Hôm nay ngươi có thêm một người khách nữa đấy!

- Hồ ly tinh chị như đóa hoa hồng, hồ ly tinh em cũng là đóa hoa.. hồng có gai. Tiểu sinh dù chết cũng không dám mở mắt. Thật là không dám mở mắt. Mở mắt ra là bao nhiêu chữ nghĩa học hành sáng nay sẽ quên đi mất.

- Hừ! Hết Hồ ly tinh rồi hoa hồng có gai...ngươi thật đáng xẻo ra làm trăm mảnh! Ngươi xem có phải chỉ có hai chúng ta đến hôm nay hay không. Giữ mồm giữ mép nếu không... ta...cắt cái lưỡi của ngươi ném xuống hồ cho cá ăn.

Thùy Vân lên tiếng.

- Nếu có ai nữa ở đây thì các ngươi nhu mì lễ phép, ngôn hạnh đoan trang có đâu hùng hùng hổ hổ, hăm he đâm chém, cắt tai cắt lưỡi ta như vậy! Ta phải tiếp tục nhắm mắt định tâm kẻo bị tiều hồ ly tinh các ngươi..

Thùy Trang và Thùy Vân đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng tiến tới, mỗi cô nắm một tai Thanh Ngân xách lên:

- Ngươi có mở mắt ra hay không thì bảo!

Thanh Ngân la ơi ới:

- Lỗ tai ơi lỗ tai! Không biết bao nhiêu lần ngươi phải chịu đau khổ. Hôm nay ta phải dùng chiêu song chỉ điểm giai nhân giúp ngươi mới được.

La xong, hai tay Thanh Ngân đưa lên cù vào hông hai cô bé. Đòn nhẹ nhàng không cần dùng sức của Thanh Ngân làm hai cô bé giẫy nẩy. Không hẹn, cùng nhau bỏ tai Thanh Ngân nhảy ra xa, mặt mày đỏ gấc, tâm tình khó đoán.

Thấy hai cô bé và Thanh Ngân thân mật giỡn cợt nhau, Chính Tâm cũng cảm thấy vui vẻ, cười lớn:

- Chiêu song chỉ điểm giai nhân của Thanh Ngân huynh thật là chiêu pháp vi diệu, nhưng..

Nghe tiếng có người lạ, Thanh Ngân vội mở mắt, nhìn Chính Tâm xá dài, như anh ta đã là người lớn và Chính Tâm cũng là người lớn:

- Không ngờ có huynh đài ở đây, sự bỡn cợt của chúng tôi đã thất lễ với huynh đài, xin huynh đài đại xá.

Chính Tâm cũng chắp tay xá Thanh Ngân, nói lời khách sáo:

- Đến thăm không báo trước với huynh đài, tiểu đệ cũng thật là có lỗi, xin huynh đài miễn chấp.

Những câu khách sáo của Thanh Ngân và Chính Tâm làm Thùy Trang ngứa mắt:

- Các ngươi đúng là những tên hủ nho, nào là huynh đài, tiểu đệ, đại xá, miễn chấp. Coi bộ phái Mai Sơn lại có thêm một cậu hủ nho nữa rồi!

Thanh Ngân cười lớn:

- Nếu vậy thì hay quá, ta có thêm một người bạn mới, san sẻ bớt những bức hiếp đe dọa, nay xẻo, mai cắt của hai vị tiểu tiên tử phái Mai Sơn. Thật là hay quá! Thật là hay quá!

Thùy Vân:

- Ngươi đừng mừng vội, Đoàn Chính Tâm là tiểu sư thúc của chúng ta, chúng ta bị tiểu sư thúc bắt nạt, thì sẽ tìm ngươi để trút bớt những bực bội của mình.

- Bạn của sư thúc thì cũng hàng thúc thúc, như vậy ta phải giao bái kết bạn với vị Chính Tâm này và kêu hai con nhỏ nhà ngươi là tiểu điệt mới được.

Quay sang Chính Tâm, Thanh Ngân nói:

- Hân hạnh gặp huynh đài, chẳng hay huynh đài đồng ý giao bái làm huynh đệ với tại hạ không?

Bị hỏi đột ngột, Chính Tâm không biết phải làm sao, đành phải trả lời:

- Được làm bạn với một người theo đòi kinh sử như huynh đài, dĩ nhiên rất hân hạnh cho tiểu đệ.

- Huynh đài nói quá lời. Tiểu đệ thích đọc sách, làm thơ, nhưng chí muốn sống cuộc đời tiêu sái, thoát khỏi những nghi lễ rườm rà. Tiểu đệ không phải là người dùi mài kinh sử, mang chí thi đậu làm quan, tiến thì quỳ gối, đi thì cúi đầu. Nói tiểu đệ dùi mài kinh sử thì thật là quá đề cao tiểu đệ.

- Tiểu đệ thành thật xin lỗi huynh đài, được giao kết với một người có chí tiêu dao như huynh đài lại càng hân hạnh cho tiểu đệ hơn nữa.

Thùy Trang:

- Ngươi có làm bạn với Đoàn tiểu sư thúc, thì ta cũng không bao giờ coi ngươi là thúc thúc. Sao ngươi ham làm lớn lắm thế? Ta đem Đoàn tiểu sư thúc đến làm quen với ngươi, nhưng cấm ngươi nói cái gì gọi là giao bái kết nghĩa huynh đệ với nhau. Nghe không ổn lỗ tai chút nào. Hứ! cái gì là tiêu dao, tiêu sái. Hủ nho muôn đời vẫn là kẻ nhủ nho.

- Nhất định ngươi nghe không ổn lỗ tai, ta giao bái kết nghĩa đệ huynh với Đoàn huynh đệ, thì kêu gia gia ngươi là đại ca, kêu ngươi là tiểu điệt. Nhất định ngươi không muốn ta kêu ngươi là tiểu điệt, mà vẫn là bạn của ngươi có phải vậy không? Nhưng muốn như vậy thì hà..hà.. ngươi phải kêu ta là đại ca, từ nay giữ phận tiểu muội, lễ phép, nhu mì, không kéo tai, vặt tóc, phá phách ta mới được. Ngươi bằng lòng điều kiện này chứ?

- Hừ! Ta chẳng bằng lòng điều kiện gì của ngươi cả. Nhưng nhất định không để ngươi trở thành huynh đệ với Đoàn tiểu sư thúc.

- Người ta nói con gái ngang như cua, Đoàn huynh có thấy như vậy không?

Dĩ nhiên Chính Tâm không thể tán đồng, để Thùy Trang và Thùy Vân tức giận mình. Mỉm cười:

- Tiểu đệ từ trước đến nay chưa quen với cô gái nào, nên thật khó trả lời nhận xét của Lê huynh.

- Chỉ nhìn hai cô bé này thì biết liền, cần gì phải biết nhiều cô. Ồ! thúc điệt bênh nhau thì Lê mỗ này đành phải lép vế, tiếp tục bị hiếp đáp.

Nghe Thanh Ngân than như vậy, Thùy Vân đắc ý:

- Có ai mà về hùa với cái miệng của ngươi chứ. Ngươi chọc phá các bản cô nương như thế là quá lắm rồi.

Ta nghe lão bá nói ngươi đang có đồ ăn ngon. Mời khách và các cô nương đây đi chứ. Chẳng lẽ tiếc của hay sao?

- Thùy Trang và nhà ngươi nhất quyết ngăn cản không cho ta kết nghĩa huynh đệ với Đoàn tiểu sư thúc các ngươi, thì ta nhất quyết sẽ đợi vài năm nữa giao bái kết nghĩa.. với hai ngươi.

Thanh Ngân tính đốt ngón tay, lẩm bẩm:

- Năm nay Nhâm Dần, Thùy Trang tuổi con cọp, ngươi tuổi con mèo, một bé mười bốn, một bé mười ba. Hai năm nữa bé chị trăng tròn lẻ, bé em tuổi trăng tròn, lúc đó ta nhất định kết bái với hai ngươi. Này..này.. nhứt bái thiên địa, nhị bái tổ tiên, tam bái phụ mẫu...cái gì.., phu thê giao bái. Hà! bây giờ các ngươi nên tập vào nhà lấy đồ ăn ra đây mời Đoàn sư thúc cho phải đạo.

Nghe Thanh Ngân nói vậy, Thùy Trang và Thùy Vân cùng đỏ mặt, Thùy Trang tức giận:

- Ngươi! Ngươi! Càng ngày ngươi càng lộng ngôn quá mức. Ta không thèm chơi với ngươi nữa. Muội muội chúng ta đến lò rèn mét với Lê lão bá rồi đi về. Không thèm ở đây nữa.

Nói xong Thùy Trang kéo tay Thùy Vân đứng dậy bỏ đi và nói với Chính Tâm:

- Sư thúc! Chúng ta đi thôi. Đừng thèm ở đây với tên tiểu quỷ này nữa.

Thấy Thùy Trang và Thùy Vân giận dữ bỏ đi, Thanh Ngân không ngăn trở, lại mỉm cười đắc ý, nhưng Chính Tâm lại không biết phải làm sao, nên đi theo hay ở lại.

Thanh Ngân nheo mắt nhìn hai cô bé ra đi, rồi trở lại thái độ khách sáo, chững chạc nói với Chính Tâm:

- Xin lỗi Đoàn huynh, đã thất lễ với huynh, mời huynh ngồi chơi, tiểu đệ pha nước, chúng ta đàm đạo một lúc. Hai cô nhất định sẽ trở lại. Đoàn huynh cứ yên tâm tin tiểu đệ là hai cô bé sẽ trở lại.

Nghe Thanh Ngân nói, nhìn thái độ của Thùy Trang, Thùy Vân và Thanh Ngân, Chính Tâm cũng thấy sự gần gũi và thân mật của họ. Nhưng mới đi với Thùy Trang và Thùy Vân lần đầu, thấy để mặc hai cô không tiện. Chính Tâm từ chối:

- Cảm ơn Lê huynh, tiểu đệ mới đến đây không lâu, và hôm nay lần đầu tiên đi chơi với họ, nên ở đây không tiện. Vậy xin phép Lê Huynh.

- Nếu vậy thật là thất lễ với Đoàn huynh. Mời huynh cứ tự nhiên. Tôi có bắt được mấy con đái mạo ngư (cá trê), đã làm sẵn, tôi sẽ nướng với lâu diệp (lá lốt), nấu canh úng thái (rau muống) chờ Đoàn huynh và hai cô tiểu tiên tử phái Mai Sơn dùng bữa cơm đạm bạc.

- Nghe Lê huynh nói tôi lại càng đói bụng thêm, nhưng phải đi tìm hai cô bé. Mong Lê huynh thứ lỗi.

- Chào Đoàn huynh.

Từ giã Thanh Ngân, Chính Tâm tất tả đuổi theo Thùy Trang và Thùy Vân. Vừa đi Chính Tâm phân vân không hiểu Thanh Ngân là loại người gì. Đứng đắn hay phi lễ. Có nên làm bạn với Thanh Ngân hay không? Nếu Thùy Trang và Thùy Vân giận thiệt, đi về mất rồi, thì hôm nay làm sao xem người luyện kiếm? Chân hấp tấp bước, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ, Chính Tâm đi mãi mà chẳng thấy bóng dáng hai chị em Thùy Trang, mà cũng chẳng thấy lò rèn của phụ thân Thanh Ngân ở đâu. Đến một ngã tư, Chính Tâm không biết phải đi về hướng nào, thấy con đường đất rộng rãi hơn, Chính Tâm đi theo hướng đó. Đi chẳng bao lâu, Chính Tâm thấy những láng nhà lợp tranh bốn bên, to lớn, to hơn tòa thạch thất của Kỳ Tửu rất nhiều. Tiếng đao kiếm, côn quyền từ những căn nhà ấy vang ra.

Dù chưa đi khắp võ trường lần nào, Chính Tâm biết đây là khu tập võ và biết mình đã đi lạc.

Chính Tâm dừng bước, phân vân không hiểu nên quay ngược lại tìm Thùy Trang và Thùy Vân hay nên tìm hiểu xem những nơi đây đang dạy thứ võ công nào.

Tính hiếu kỳ thúc đẩy tThanh Ngâng thế, Chính Tâm tiến đến những dãy nhà to rộng vạch lá nhìn xem. Căn thứ nhất, Chính Tâm nhìn thấy võ sinh đang luyện đao. Mấy chục người, với sự hướng dẫn của một vị sư phụ đang luyện từng thức một. Mỗi thế đao, vị sư phụ đi lại sửa tay chân, bộ vị của từng khóa sinh. Không hứng thú với những thanh đao to bản nặng nề, Chính Tâm tiến đến căn

nhà khác. Mỗi căn nhà cách nhau vài chục thước, nằm dưới những tàng cây rậm rạp, che rợp bóng nắng. Vạch xem căn nhà thứ hai, Chính Tâm cũng thấy khóa sinh đang luyện đao, Chính Tâm bỏ đi. Căn thứ ba cũng thế. Đến căn nhà thứ tư thì Chính Tâm cảm thấy rất hứng khởi. Trước mắt, một ông già lưng gù, mặt mày đen đuổi, râu rậm đang thao giảng kiếm quyết cho kiếm sinh. Chính Tâm im lặng lắng nghe. Sau khi nói hết phần kiếm quyết, cụ già, Chính Tâm đoán là Đặng Dương sư phụ của phái Bắc Sơn múa kiếm biểu diễn. Đầu tiên ông ta chậm chạp biểu diễn từng thế kiếm một. Chính Tâm giương mắt cố nhìn để ghi nhớ vào lòng. Sau khi đi từng đường một một cách chậm chạp, thân pháp của Đặng Dương sư phụ chớp động, cây kiếm trong tay ông ta vũ động nhanh như sao sa, thân hình và kiếm hóa làm một. Chính Tâm cố nhìn nhưng chỉ thấy được luồng kiếm quang như không bao giờ dứt bao trùm thân thể người múa kiếm.

Sau khi đi xong bài kiếm, Đặng Dương dừng tay, đón nhận xong tràng vỗ tay của khóa sinh. Ông ta xoay mặt ra hướng Chính Tâm đang nhìn trộm, hét lớn:

- Ngươi là ai, hãy bước ra đây ngay.

Tiếng của ông ta tưởng chừng làm cho căn nhà rung rinh theo. Biết Đặng Dương đã phát hiện ra mình, không có Thùy Trang và Thùy Vân đi theo, Chính Tâm thầm kêu khổ, nhưng chẳng lẽ bỏ chạy và có thể chạy thoát đối với một người có võ công cao như vị Đặng Dương sư phụ hay không. Chính Tâm thẹn thùng, đưa tay vạch tranh để chui vào.

- Không được vạch vách tranh, làm trống chỗ đó. Đi tới đàng trước. Nhà có cửa. Tiếng nói uy nghi của Đặng Dương sư phụ ra lệnh cho Chính Tâm.

Riu ríu vâng lời, Chính Tâm đi quanh tìm cửa để vào gặp vị sư phụ mà đã được Thùy Trang và Thùy Vân diễn tả là kiếm pháp rất cao thâm, nhưng cũng vô cùng khó tánh này.

Chính Tâm bước vô cửa, hình như cũng gây sự ngạc nhiên cho Đặng Dương. Ông cứ tưởng một khóa sinh nào đó đang rình xem để học thêm kiếm pháp, không ngờ lại là một cậu bé lạ mặt. Thấy Chính Tâm là một cậu bé, sự giận dữ của Đặng Dương cũng bớt đi, tiếng nói của ông hòa hoãn hơn, nhưng không kém phần uy hiếp:

- Ngươi là ai? Sao lại dám nhìn lén ta dạy kiếm?

Chính Tâm chắp tay xá Đặng Dương, bình tĩnh trả lời ông:

- Tiểu điệt là Đoàn Chính Tâm, đang đi tìm hai chị em Thùy Trang và Thùy Vân con của Phạm đại ca, tình cờ đi ngang qua đây, thấy lão gia đang dạy kiếm, tò mò đúng xem. Xin lão gia tha lỗi.

Nghe Chính Tâm nói, Đặng Dương lại râu ria dựng ngược, giận dữ:

- Thằng nhãi nhà ngươi dám kêu Phạm hiền đệ của ta là đại ca. Thật là xấc láo. Không biết ngươi là ai điều này cũng thấy ngươi là đứa bé tráo trở, xách mé, dám đặt ta ngang hàng với ngươi. Không biết ngươi là con ai, ta phải phạt ngươi trước rồi nói với cha mẹ ngươi phải dạy dỗ ngươi sau.

Ông ta hét lớn:

- Quỳ quay mặt vào vách cho ta.

Chính Tâm định lên tiếng phân trần, còn ngần ngừ, Đặng Dương phát nhẹ tay, hai đầu gối của Chính Tâm tự động quỳ xuống đất.

Thái độ không cần hỏi rõ ngọn ngành phải trái, đã bắt mình quỳ của Đặng Dương làm Chính Tâm bất phục, muốn đứng dậy phản đối, nhưng hai chân đã bị Đặng Dương điểm vào huyệt đạo, không còn tuân theo sự điều khiển. Chính Tâm giận đến rơi lệ.

Sau khi điểm huyệt Chính Tâm, Đặng Dương ra lệnh cho kiếm sinh tập luyện bài kiếm của mình. Họ diễn từng động tác. Đặng Dương đi tối đi lui, chỉ điểm cho kiếm sinh. Họ chăm chú vào việc luyện tập, không còn ai quan tâm đến Chính Tâm.

Những kiếm sinh đã biết Chính Tâm hôm xây cầu qua thạch nhai, hình như họ đang học kiếm ở một căn khác, hay đi làm công tác ở đâu đó, không có ai hiện diện để nói với Đặng Dương về thân thế của mình.

Quỳ khá lâu, đôi chân nhức mỏi, không thấy Thùy Trang và Thùy Vân tới. Chính Tâm cũng đâm ra tức bực hai cô bé đã không đi tìm mình. Trong lúc Chính Tâm bực tức hai cô bé, thì trước cửa, có tiếng nói của một thanh niên:

- Phùng Đạt Thành đệ tử xin bái kiến Đặng thúc thúc.

Chính Tâm nghe Đặng Dương hỏi:

- Phùng nhi, ngươi đến đây có việc gì?

- Bẩm thúc thúc, sư phụ đang đưa Lý thái sư phụ đến gặp thúc thúc và các huynh đệ ở đây. Phùng nhi xin thông báo cho thúc thúc.

Biết Thi Kiếm và Phạm Minh sắp đến, Chính Tâm nghe khô đắng cổ họng. Thẹn thùng, lo sợ, xấu hổ, và cảm thấy thật khó giãi bày cho sự hiện diện trong tình trạng của mình hiện giờ.

Nghe Thi Kiếm Lý Trường Phong đến viếng, Đặng Dương ra hiệu cho khóa sinh ngưng luyện tập, chuẩn bị làm lễ tương kiến:

- Các con chuẩn bị tiếp đón Lý thái sư phụ. Sự hiện diện của ông ta ở đây hôm nay là một cơ hội rất quý báu cho các con.

Ra lệnh cho khóa sinh xong, Đặng Dương ra cửa chờ đón Thi Kiếm Lý Trường Phong và Phạm Minh.

Thấy Đặng Dương ra cửa, Chính Tâm muốn vạch tranh lủi ra ngoài chạy trốn, khổ nỗi huyệt đạo đã bị điểm không làm sao xê dịch. Một lúc sau Chính Tâm đã nghe được những câu chào hỏi, và khi Đặng Dương đưa những người đến viếng lớp học vào cửa, khóa sinh đệ tử trong võ đường đồng loạt quỳ gối, đón chào:

- Chúng đệ tử kính chào Lý thái sư phụ, và Phạm sư phụ.

Như luật lệ đã định sẵn, sau khi quỳ gối tung hô lời chào mừng, khóa sinh lại đồng loạt đổi từ thế quỳ sang thế ngồi kiết già và cùng cất tiếng:

- Chúng đệ tử sẵn sàng đón nghe lời giáo huấn của thái sư phụ và các vị sư phụ.

Lúc khóa sinh ngồi xuống, sự hiện diện của Chính Tâm trở nên nổi bật, Phạm Minh và Thi kiếm đều lấy làm ngạc nhiên, nhưng chưa tiện hỏi han vì Bắc minh nhất kiếm Đặng Dương đang giới thiệu Thi kiếm với khóa sinh, và sau đó phải huấn từ đôi lời với họ. Những vị sư phụ trong võ trường luôn luôn gặp nhau, chương trình luyện tập đều có sự nghiên cứu và đồng ý chung nên khi ngỏ lời, Thi Kiếm không đề cập đến chương trình huấn luyện. Ông ta chỉ khen ngợi khóa sinh là những thanh niên ưu tú, có tinh thần vì đại nghĩa, có dạ trung trinh. Liệt tổ nhà Lý đang kỳ vọng ở họ. Ông cũng khuyên họ cố gắng luyện tập. Thời gian học tập có giới hạn, nhưng với sự cố gắng và những đường kiếm trong tương lai do sự nghiên cứu bồi bổ của Bắc minh nhất kiếm, Vô địch thần quyền, các vị sư phụ sẽ làm cho họ trở thành những kiếm thủ xuất sắc. Riêng phần ông, là một người say mê kiếm thuật, ông cũng sẽ góp phần giúp họ trong việc luyện tập.

Sau khi Thi kiếm nói hết lời huấn dụ, khóa sinh lại đồng loạt:

- Đa tạ nhị thái sư phụ.

Đặng Dương nói với khóa sinh:

- Các con tiếp tục luyện tập những kiếm chiêu học tập sáng nay, sư phụ tháp tùng Lý thái sư phụ và Phạm sư phụ đến các võ đường khác. Phùng nhi sẽ ở lại đây giúp đỡ các con.

Khóa sinh lại trở lại thế quỳ gối:

- Đa tạ thái sư phụ, các vị sư phụ. Các con xin kính tiễn.

Thấy họ sắp đi, Chính Tâm không hiểu nên lên tiếng phân trần việc mình bị Đặng Dương bắt quỳ hay không, thì Phạm Minh đã chỉ Chính Tâm hỏi Đặng Dương:

- Đặng đại ca! Đoàn tiểu đệ đã đắc tội với đại ca?

Nghe Phạm Minh gọi Chính Tâm là tiểu đệ, Đặng Dương đôi mắt tròn xoe:

- Cái gì? Hiền đệ gọi chú bé này là tiểu đệ?

- Vâng, Chú còn bé, nhưng là con trai của Đoàn thần y, cố hữu của gia sư và Lý nhị thúc.

- Trời đất! Đại ca đã nóng nảy và hồ đồ mất rồi! Nghe Thanh Ngân gọi hiền đệ là đại ca, ta đã nổi giận và bắt Thanh Ngân quỳ ngay ở đây.

Đặng Dương đưa tay vỗ đầu mình:

- Tính nóng nảy của ta chẳng bớt được chút nào!. Hà! Thế thì lỗi là ở ta mà không phải là Thanh Ngân.

Đặng Dương phất tay giải huyệt, nâng Chính Tâm dậy, tròn xoe đôi mắt:

- Ta tưởng ngươi vô phép, phạt ngươi. Xin lỗi! xin lỗi! Đừng mét với gia gia ngươi nhé!

Đặng Dương lại quay sang Phạm Minh:

- Đoàn thần y đến đây sao hiền đệ chẳng nói gì với ta cả?

Phạm Minh chỉ tay ra cửa:

- Anh em chúng ta đưa Lý nhị thúc ra ngoài rồi nói chuyện sau. Anh em khóa sinh đang trong tư thế quỳ gối đưa tiễn chúng ta.

Nghe nói, Đặng Dương mời Thi kiếm:

- Mời Lý nhị thúc.

Thi kiếm và Phạm Minh cất bước, Đặng Dương sẵn tay dắt Chính Tâm đi theo. Khi mọi người ra khỏi cửa, khóa sinh trong võ đường lại hô:

- Kính tiễn Lý thái sư phụ và nhị vị sư phụ.

Hô xong họ cùng đứng dậy và bắt đầu lại lớp học.

Vừa bước ra khỏi cửa, Đặng Dương đã lập lại câu hỏi với Phạm Minh tại sao Đoàn thần y đến Mai sơn mà không cho ông ta biết.

Phạm Minh vừa đi vừa giải thích với ông ta là Đoàn thần y đã mất, chỉ có quả phụ và cô nhi của ông ta là Đoàn phu nhân và Chính Tâm đến Mai sơn cùng thời gian với Thi kiếm, và vì thế mà trong các phiên họp Phạm Minh đã không đề cập đến sự hiện diện của họ.

Đặng Dương:

- Ta nghe chú bé này gọi hiền đệ là đại ca thì liền phẫn nộ, vì tưởng Thanh Ngân láo xược, không ngờ Thanh Ngân là con cố nhân của Kỳ Tửu gia. Dù sao hiền đệ cũng có lỗi đã không cho ta biết việc này.

Xoay qua Chính Tâm:

- Ta nóng nảy đã khuất tất ngươi. Ngươi đừng giận ta nữa nhé. Dù sao ngươi cũng có lỗi là đã xem ta biểu diễn kiếm pháp. Có phải vậy không?

Thấy Bắc minh nhất kiếm là người nóng nảy, nhưng phục thiện, nên sự tức giận trong lòng Chính Tâm cũng nguôi ngoai, ấp úng:

- Vâng, tiểu điệt có lỗi là đã xem lão bá biểu diễn kiếm pháp.

Đặng Dương cười ha hả:

- Ta có lỗi, ngươi cũng có lỗi thì huề nhau. Ngươi nhất định không được để tâm vào lòng sự hồ đồ của ta vừa qua vậy. Ngươi kêu Phạm hiền đệ là đại ca thì cứ gọi ta là lão ca. Gọi Bắc minh ta lão ca là tốt số cho ngươi lắm đấy.

Phạm Minh:

- Hiền đệ tạ ơn Đặng đại ca đi.

Được Đặng đại ca xem là huynh đệ là phần phước và giúp ích rất lớn cho tiền đồ của hiền đệ sau này. À, sao hiền đệ lại đến đây?

Chính Tâm tỏ lời cảm ơn Bắc minh nhất kiếm Đặng Dương, và thuật sơ lại sự việc. Chính Tâm cũng nói thêm mình rất muốn học kiếm thuật nên đã phạm tội lén xem kiếm pháp và xin tha thứ.

Thi kiếm từ lúc vào võ đường đến khi ra đi không hỏi gì đến Chính Tâm. Khi nghe Chính Tâm nói vì muốn học kiếm thuật mà tò mò xem lén kiếm pháp của Đặng Dương, ông hỏi Chính Tâm:

- Nhai nhi! ngươi đã xem và đã nhớ được những gì có thể cho ta và hai vị ca ca của ngươi xem lại được không?

- Điệt nhi không nhớ được nhiều lắm, nhưng thúc thúc muốn biết thì điệt nhi sẽ cố nhớ lại và trình thúc thúc cùng hai vị. Thi kiếm búng tay, một luồng kình khí tung ra cắt đứt một nhánh cây bên đàng và chỉ cho Chính Tâm:

- Lấy nó làm kiếm biểu diễn lại cho ta xem?

Chính Tâm nhặt nhánh cây lên tuốt lá, bắt đầu biểu diễn bài kiếm của Đặng Dương. Bộ vị không đúng lắm và tay chân không linh hoạt, nhưng Chính Tâm cũng đã nhớ được sáu bảy phần chiêu thức của bài kiếm.

Nhìn Chính Tâm biểu diễn lại bài kiếm của mình, Đặng Dương không ngớt lời khen ngợi:

- Mới nhìn qua một lần mà nhớ được như thế thật là thông minh xuất chúng.

Phạm Minh thầm khen ngợi Chính Tâm, ông cũng thầm so sánh giữa Chính Tâm và Thanh Ngân, và cảm thấy buồn bực, vì với ông Thanh Ngân còn thông minh và có căn cơ hơn Chính Tâm gấp bội, nhưng ông đã không thể thu nhận cậu bé làm môn đồ, phát huy võ nghiệp của Mai sơn phái.

Còn Thi kiếm nhìn Chính Tâm biểu diễn, không nói gì, chỉ vuốt râu trầm ngâm. Biểu diễn xong bài kiếm, Chính Tâm quỳ gối xuống đất:

- Tiểu điệt ngu muội không nhớ bao nhiêu. Nhìn lén kiếm pháp của người là điều không nên không phải, tiểu điệt sẽ không bao giờ dụng công luyện tập. Mong thúc thúc và hai vị ca ca tha lỗi. Đặng Dương là người khó tính, nhưng cũng trực tính và lân tài nên ông ta nói:

- Bài Minh nghĩa kiếm không phải là độc môn kiếm pháp của võ phái nào, mà là bài kiếm được nghiên cứu và đúc kết của nhiều vị sư phụ để truyền dạy cho mọi thanh niên có lòng vì nước. Ngươi thích học cứ luyện tập và có cần thì ta không nề hà công phu chỉ điểm thêm cho ngươi.

- Đa tạ lão ca có lòng thương mến. Nếu thúc thúc và hai vị có lòng rộng lượng thì nhờ chỉ điểm thêm cho.

Sau khi trầm ngâm một lúc lâu, Thi kiếm nhìn Chính Tâm:

- Nhai nhi! Ngươi nóng lòng muốn luyện tập võ công đến như vậy sao?

Chính Tâm òa khóc:

- Điệt nhi nôn nóng học được võ công để trả thù gia phụ.

Thi kiếm nâng Chính Tâm dậy xoa đầu:

- Ngươi về thưa với mẫu thân và ngày mai đưa người đến gặp ta tại thạch thất.

Nghe Thi kiếm nói, Phạm Minh tươi cười nhìn Chính Tâm:

- Chúc mừng cho hiền đệ.

Không hiểu Phạm Minh chúc mừng mình điều gì, Chính Tâm ngơ ngác thì Đặng Dương lớn tiếng:

- Sao thông minh mà chậm hiểu thế! Không cúi đầu bái sư còn chờ đợi gì nữa?

Lời nhắc nhở của Đặng Dương làm Chính Tâm chợt hiểu, mừng rỡ đến run rẩy, Chính Tâm quỳ gối hướng về Thi kiếm dập đầu liền liền dưới đất, miệng lắp bắp:

- Sư phụ, sư phụ, sư phụ...

Thi kiếm đưa ra luồng kình lực nâng Chính Tâm dậy, xoa đầu:

- Nhai nhi! Ta thu nhận ngươi làm đệ tử. Trước khi làm lễ nhập môn, ta cần phải tỏ bày điều này với mẫu thân ngươi. Ta không tiện đến nhà ngươi. Ngày mai, ngươi đưa mẫu thân ngươi đến thạch thất để ta thưa chuyện với người.

Chính Tâm lắp bắp:

- Thưa sư phụ, xin vâng lời sư phụ, xin vâng lời sư phụ..

Sự mừng rỡ cũng đã làm cho Thi kiếm cảm thấy vui thích, ông mỉm cười, nụ cười lần đầu tiên, trong mười mấy năm qua đã vắng bóng trên khuôn mặt.

Ông nói:

- Sư phụ hy vọng con sẽ làm rạng rỡ cho kiếm pháp của ta. Thôi, con đi tìm hai đứa nhai nhi của đại ca con và đi chơi với chúng. Sư phụ và hai đại ca của con còn nhiều việc phải làm.

- Xin vâng lời sư phụ. Đa tạ sư phụ và hai vị lão ca.

Nói xong, Thi kiếm cất bước. Phạm Minh và Đặng Dương cùng vỗ vai Chính Tâm lập lại lời chúc mừng đối với cậu và rảo bước theo. Dù chỉ chia tay trong chốc lác, Chính Tâm cũng cảm thấy quyến luyến, cậu đứng nhìn theo ông ta hồi lâu, rồi lại quỳ xuống đất, lạy theo mấy lạy rồi mới đứng dậy chạy đi. Là những đại gia cao thủ, dù đang ở sau lưng mình, cử chỉ của Chính Tâm như thế nào, Thi kiếm, Đặng Dương, Phạm Minh đều nghe biết. Phạm Minh và Đặng Dương mừng cho Thi kiếm có được một đồ đệ có lòng với sư phụ và Thi Kiếm thì lại mỉm cười vui thích thêm lần nữa.

Mừng rỡ được Thi kiếm thu nhận làm đệ tử, Chính Tâm quên mất Thùy Trang và Thùy Vân, cậu không tìm đến chỗ ở của Thanh Ngân để xem hai cô bé có ở đó hay không, nhắm hướng chạy lên núi, về nhà để đem tin mừng cho mẹ.

Nghe Chính Tâm cho biết Thi kiếm đã nhận mình làm đệ tử truyền dạy võ học, Đoàn phu nhân cũng mừng cho con và sáng hôm sau đã đưa Chính Tâm lên thạch thất gặp Thi kiếm theo lời yêu cầu. Sau khi tỏ lời xin phép Đoàn phu nhân cho mình dạy dỗ Chính Tâm, Thi kiếm cũng thưa với bà là dù cách nhau không xa, Chính Tâm phải được ở luôn trên thạch thất để liên tục luyện võ, thỉnh thoảng mới được về nhà thăm mẹ.

Phải xa Chính Tâm, Đoàn phu nhân cũng cảm thấy buồn, nhưng biết con được Thi kiếm là một người văn võ toàn tài thu nhận và giáo huấn phu nhân cũng cảm thấy an ủi.

Sau khi đưa mẹ lên thạch thất gặp Thi kiếm, Chính Tâm bắt đầu những ngày tháng khắc khổ luyện tập. Ban đêm, Thi kiếm hay Lý Đại thay phiên nhau chỉ dẫn và theo dõi Chính Tâm luyện nội công tâm pháp, ban ngày thì luyện tập kiếm pháp và khinh công. Trong thời gian Chính Tâm giam mình trên thạch thất luyện tập võ nghệ, thì Thùy Trang và Thùy Vân cũng bị Thùy Dung và Phạm Minh kiềm thúc việc rèn luyện. Tuy bị kiềm thúc gắt gao, thỉnh thoảng có dịp là hai cô bé tìm Thanh Ngân trò chuyện. Qua Thùy Trang và Thùy Vân, Thanh Ngân biết Đoàn phu nhân thông hiểu y dược, cầm, kỳ, thi, họa. Tò mò, Thanh Ngân đã nhờ hai cô bé đưa mình lên gặp bà ta.

Không có Chính Tâm bên cạnh, gặp được Thanh Ngân một cậu bé trạc con mình, thông minh, dĩnh ngộ, thích học những môn sở trường và yêu thích của mình, phu nhân rất thích và thương mến Thanh Ngân, tận tình chỉ bảo. Vốn là đứa trẻ thiếu tình mẫu tử, gặp Đoàn phu nhân, một người đàn bà học thức uyên thâm, từ ái, Thanh Ngân đã như tìm thấy ở bà tình mẫu tử mà cậu ta bị thiếu vắng từ lúc chào đời. Có lẽ vì thế, một hai ngày là Thanh Ngân lặn lội lên gặp Đoàn phu nhân, quanh quẩn một bên, giúp bà ta thái thuốc, trồng hoa, nhờ chỉ điểm thi từ, mãi đến chiều mới về nhà.

Nghe theo lời khuyên của Đoàn phu nhân, Thanh Ngân cũng đã luyện thêm nội công để sự đi đứng, lên xuống đường núi ít mệt nhọc hơn. Đoàn phu nhân đã khẩu truyền Nhất dương thần công cho Thanh Ngân. Dù không bái Đoàn phu nhân làm sư phụ, Đoàn phu nhân đã trở nên một người thầy, người mẹ của Thanh Ngân. Trong khi con của bà ta là Chính Tâm lại say mê võ công, quấn quít bên Thi kiếm, có khi Thi kiếm phải nhắc nhở mới vội vàng chạy về thăm mẹ.

Mai sơn bình yên những ngày tháng như thế đối với Đoàn phu nhân, Chính Tâm, Thanh Ngân và..những khóa sinh đang luyện tập võ nghệ. Nhưng đối với Thi kiếm, Thần quyền Phạm Minh, và các vị sư phụ huấn luyện cho khóa sinh, thì hình như họ đang có những âu lo do những tin tức từ bên ngoài thông tin về.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-73)


<