Vay nóng Tinvay

Truyện:Thư kiếm ân cừu lục - Hồi 01



Thư kiếm ân cừu lục
Trọn bộ 50 hồi
Hồi 01: Phù Dung châm năng giáo Lý Mộng Ngọc - Bạch Long kiếm hạ sát Tiêu Văn Kỳ
4.33
(6 lượt)


Hồi (1-50)

Siêu sale Shopee

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liên mong tiến bệ rồng, Thước gươm thề quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao...

Mấy câu thơ này mở đầu cuốn "Chinh Phụ Ngâm Khúc" của Đặng-Trần- Côn, bản dịch của Đoàn-thị-Điểm làm nổi bật lên cái chí khí của khách nam nhi coi thường cái chết nơi chốn sa trường để trả nợ núi sông. Thanh gươm yên ngựa là phận sự của đấng mày râu đáp lời sông núi...

Một cụ già đã 60, tinh thần quắc thước, khí vũ hiên ngang ngồi trên lưng ngựa cảm khái ngâm nga. Tiếng cụ vang dội lên sang sảng, không ai ngờ đó là thanh âm của một cụ già râu tóc bạc phơ giữa một buổi chiều tà bóng xế.

Mải nhìn xem bốn phía, cụ bỗng giựt mình sực nhớ ra bóng chiều đã phủ trên ngọn cỏ, tàn cây.

Con đường ra quan ải còn xa biền biệt. Ngoại trừ đại đội quân mã và gia nhân quyến thuộc của cụ ra, lâu lâu mới thấy có vài ba bầy quạ lạnh lùng kéo đàn bay về ổ cũ kêu lên những tiếng thê lương.

Lắng tai không còn nghe tiếng vó ngựa nhịp nhàng vang trên đường gồ ghề khúc khuỷu, cụ già vội vã giơ roi quất nhẹ vào hông con chiến mã. Con vật sãi bốn vó đều đặn như bay rút lẹ khoảng đường trước mặt để bắt theo cho kịp mé trước tách xa rời. Cụ già bận lo nghĩ việc nước rối beng đến nỗi quên nhớ rằng mình tuổi hạt đã cao, sức lực đã kém. Bóng chiều đã dần đưa con đường tranh đấu củ cụ đến lúc gối mỏi, chân chồn... Nên cụ rơi bị lại đàng sau một mình mà không hay biết.

Lúc ấy, bên Trung-Hoa thuộc nhà Thanh, vào đời vua Càn-Long thứ 23. Bên Việt-Nam nhằm triều Tây-Sơn Quang-Trung Nguyễn Huệ. Trời vào giữa tiết thu lạnh lẽo. Cụ già vừa kể trên chính là Lý-Khả-Tú vừa được phong chức An-Biên Tướng-Quân. Lý tướng-quân mang trong mình hai giòng máu, cha Trung-Hoa, mẹ Việt-Nam, nên khác hẳn với các danh-nhân thời ấy. Ông có hai tổ-quốc phải phụng thờ. Phong-tục của người Trung-Hoa chỉ xem trọng bên nội mà khinh bên ngoại. Nhưng Lý-Khả-Tú không nghĩ vậy. Ông cho rằng bổn phận làm người phải xem trọng cả hai bên nội, ngoại như nhau. Vả lại, Lý tướng-quân có ở Việt-Nam mấy năm nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng Việt-Nam được vài phần. Ông thích văn-chương Việt-Nam nên những áng văn-chương tuyệt tác của Việt-Nam đều thuộc lòng. Nhờ công lao giữ vững được biên cương lại hòa hiếu được với vua Quang Trung ở Việt-Nam nên Lý-Khả-Tú được Thanh-Đế Càn-Long phong cho hầu-tước, đổi ra trấn nhiệm tỉnh Triết-Giang.

Lý-Khả-Tú không xa lạ gì với việc xông pha trận mạc. Sau lần đánh dẹp được bộ-lạc Hồi nổi dậy, ông ta vang danh, dội như cồn. Khi được lệnh đổi đi Triết-Giang, Lý-Khả-Tú cho gia quyến đi sau, có quân, có tướng đi tiền hô hậu ủng, còn ông ta thì chọn một toán quân khinh kỵ đi trưóc.

Công danh lừng lẫy. Tiền bạc đầy kho... Châu báu ngọc ngà tích trữ không biết bao nhiêu mà kể! Chỉ hiềm một nỗi là Lý-Khả-Tú hiếm hoi, không có con trai mà chỉ sinh được một mụn con gái duy nhất. Ông đặt cho nàng một cái tên rất đẹp là Lý-Mộng-Ngọc. Nàng sinh ở Cương-Tây. Lúc ấy, cha nàng chỉ mới làm Phó Tướng-Quân. Mẹ nàng nằm chiêm bao thấy nuốt vào bụng một viên ngọc, cho là điềm tốt nên mới lấy đó để đặt tên cho con gái.

Lý-Khả-Tú hết lòng thương yêu, nâng niu, quý con gái mình có thể nói là hơn tất cả các thứ trân châu bảo ngọc trên trần gian này.

Lý-Mộng-Ngọc năm ấy vừa được mười chín cái xuân xanh. Nàng xinh đẹp chẳng khác gì một Tố-Nữ trong tranh, duyên dáng như một đóa hoa Tường-Vi mới nở, có phong-độ gần tiên khác tục. Là con một võ tướng nhưng trông nàng chẳng chút nào gọi là võ-biền cả.

Thấy con gái càng lớn càng xinh đẹp. Lý-Khả-Tú lại càng cưng chiều, thậm chí chẳng bao giờ la rầy quở trách điều gì bao giờ, luôn luôn chiều theo ý muốn của nàng.

Nói về dung mạo, Lý-Mộng-Ngọc giống mẹ như khuôn đúc, nhưng nói về tính tình thì lại giống cha như rập in. Bất cứ lúc nào cha nàng ra giáo-trường cỡi ngựa bắn cung, thao luyện võ nghệ là luôn luôn có nàng theo sát một bên. Thấy con ưa thích cõ nghệ, đôi khi Lý-Khả-Tú cũng cao hứng chỉ dạy cho ít đường đao, mấy ngón thương gia-truyền, đồng thời còn bảo các tùy-tướng dưới trước ông ta chỉ dạy cho nàng bất cứ ngón nào nàng thích học hay muốn học.

Được chủ-soái ban cho hân hạnh đó, các bộ-tướng và đám tùy-tùng dĩ nhiên ai lại chẳng không hết lòng? Ai nấy đều đem hết tuyệt-kỹ của mình ra tận tình chỉ bảo con gái chủ tướng mình. Nhờ vậy, đến năm 13 tuổi, Lý- Mộng-Ngọc đã tinh thông võ-nghệ. Một thân gái nàng địch nổi cả chục người trai tráng là chuyện thường, không có gì cho ai phải ngạc-nhiên cả.

Tại võ-trường, Lý-Khả-Tú đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần con gái mình khi tỉ thí đánh rớt kiếm, đao, thương của các thuộc tướng. Mỗi lần thế, ông ta chỉ làm bộ rầy la các tướng kém cỏi, nhưng trong thâm tâm lại hết sức vui mừng là họ đã tận tâm tận lực chỉ dạy cho con gái mình đến nơi đến chốn để đến nỗi chính bản thân họ phải bại dưới tay một thiếu-nữ bé nhỏ, con của chủ tướng mình. Lý-Khả-Tú thường rất lấy làm đắc ý, nhưng lại nghĩ thầm rằng:

-"Có một đứa con gái tài giỏi như thế này thật là phúc đức ông bà để lại. Chỉ tiếc là nó không phải con trai!"

Bắt đầu năm Lý-Mộng-Ngọc được 14 tuổi, bỗng nhiên không ai còn thấy Lý-Mộng-Ngọc thức dậy sớm ra võ trường luyện tập như thường khi nữa. Lý-Khả-Tú cho là con gái đã lớn rồi nên chẳng còn muốn nàng trà trộn trong hàng tướng sĩ của mình nữa. Nhưng Lý Mộng Ngọc cũng không lấy thế làm buồn.

Trong mấy năm khổ luyện, Lý Mộng Ngọc đã có được công phu thượng thừa. Sư-phụ của nàng là Lục-Phỉ-Thanh, một bậc tiền-bối trong phái Võ-Đang, tài nghệ nhất nhì trong chốn võ-lâm. Sở dĩ Lý-Mộng-Ngọc được Lục- Phỉ-Thanh nhận làm đệ-tử và truyền cho những môn võ tuyệt-kỹ là do một sự tình cờ rất lạ lùng...

Năm Càn-Long thứ 18, Lý-Khả-Tú có rước được một vị đồ-nho với mục đích dạy con gái mình ít chữ nghĩa vì từ nhỏ cô nàng chỉ ham côn-quyền mà chẳng chút màng gì đến bút-nghiên. Vị đồ-nho này tài cao học rộng, tên là Lục-Phỉ-Thanh. Ngày thường, Lục-Phỉ-Thanh và Lý-Mộng-Ngọc sư-đệ tương kính, thầy trò rất tương đắc, quý mến thương yêu nhau lắm.

Một hôm vào mùa hè nóng bức oi ả, Lý-Mộng-Ngọc đang ngủ trưa bỗng giật mình tỉnh giấc liền qua thư phòng Lục-Phỉ-Thanh để nghe giảng, học ít kinh-điển. Nàng lắng tai nghe thì thấy bên trong rất im lìm, không có lấy một tiếng động nhỏ. Sợ thầy còn đang ngủ trưa nên Lý-Mộng-Ngọc không dám vào thẳng thư phòng, e có điều bất tiện. Nàng đến gần cửa sổ, lấy cây trâm bằng vàng trên đầu chọc thủng một lỗ nhìn vào. Chẳng ngờ sau khi nhìn rõ được bên trong, nàng vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ vô cùng.

Lục-Phỉ-Thanh ngồi thiền trên ghế, miệng mỉm cười, tay đưa lên giữa thinh không khẽ búng một cái. Trên tấm bảng treo sát vào tường có tiếng vo ve nho nhỏ từ đâu đưa lại. Lý-Mộng-Ngọc cứ theo tiếng kêu đó mà trố mắt chăm chỉ nhìn thật kỹ thì thấy trên tấm bảng đối diện với cái ghế của Lục lão sư đương ngồi có mấy chục con ruồi sắp hàng chỉnh tề. Nàng rất lấy làm lạ vì mấy chục con ruồi ấy một khi bay đậu vào tấm bảng ấy thì như bị dính liền vào đó, không động đậy gì được cả. Kỳ lạ hơn nữa là chúng như xếp hàng ngay ngắn giống như lúc nàng trông thấy quân sĩ bày trận thế hay duyệt binh tại võ trường. Mà hình như trên lưng mỗi con ruồi đều có găm một cọng kim châm nhỏ như sợi tóc vậy. Loại kim châm nhỏ bé này nếu đứng xa hơn một chút ắt không thể nào trông thấy được. Chỉ vì lúc ấy vào giờ Mùi giữa trưa, nhờ ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa sổ rọi ngay vào tấm bảng ấy nên những kim châm mới lấp lóe phản chiếu lại, và nhờ vậy cho nên Lý-Mộng-Ngọc mới nhìn thấy được.

Bầy ruồi vẫn cất tiếng o o trên bảng. Lại thấy Lục-Phỉ-Thanh búng tay thêm một cái, một con ruồi khác đang bay lập tức dính liền vào bảng, nhập bọn và chịu chung số phận như những con kia.

Tánh trẻ con của Lý-Mộng-Ngọc bừng dậy mãnh liệt. Nàng cho trò chơi này thích thú cô cùng. Không còn nhẫn nại đứng rình lén bên song cửa sổ nữa, Lý-Mộng-Ngọc xô mạnh cánh cửa, bước vào trong nói lớn:

-Lục lão sư! Thầy hãy dạy cho con phép đó nhé!

Lục-Phỉ-Thanh ẩn tánh mai danh ở Hiệp-Tây mấy năm nay không muốn ai phát giác hành tung bí mật của mình. Chỉ vì bầy ruồi ác ôn quá đông tác quái trong thư phòng làm cho ông không sao nghỉ trưa được nên bất đắc dĩ phải dùng ngón "Phù Dung Kim Châm Tuyệt Kỹ" để trừ hết đám ruồi. Tưởng công việc ấy thần không hay quỷ không biết, cho rằng hôm sau ông sẽ được an nhàn trong giấc trưa mà không bị một con ruồi nào quấy rầy nữa. Ngờ đâu đứa nữ đệ-tử ranh mãnh của ông ta vô tình đến rình ngoài cửa thành thử bí mật bị lộ ra. Tuy vậy, Lục-Phỉ-Thanh vẫn giữ nét mặt tự nhiên, nói lảng sang chuyện khác.

-Con đã thức dậy rồi đó à? Bữa nay thầy sẽ giảng cho con nghe chuyện Tín-Lăng-Quân trong Sử-Ký Tư-mã-Thiên.

Lý-Mộng-Ngọc nũng nịu thưa:

-Không! Thầy dạy trò chơi đó cho con trước đi rồi hãy dạy sách vở sau. Con thích cái trò chơi ấy lắm.

Lục-Phỉ-Thanh giả ngơ ngẩn nói:

-Nào có trò chơi gì đâu!

Lý-Mộng-Ngọc mới nói:

-Cái phép bắt ruồi của thầy ấy mà.

Nàng vừa nói vừa xách một cái ghế đẩu đem lại đặt sát chỗ vách có tấm bảng rồi tung mình nhảy lên đứng trên đó xem xét hết sức tỉ mỉ. Sau đó, nàng lấy tay rút từng cọng kim châm trên lưng mỗi con ruồi đem xuống, dùng giấy trắng lau sạch sẽ hết mấy cọng kim châm đó kỹ-lưỡng rồi mới trả lại cho Lục-Phỉ-Thanh. Nàng làm thế cũng giống như trưng bằng cớ rõ rệt để sư-phụ không còn chối cãi được nữa, tất phải dạy cho nàng thôi.

Tuổi của Lý-Mộng-Ngọc thì chắc chắn chưa phải là lớn. Nhưng nàng cũng không phải là nhỏ. Dù học được võ-nghệ cao-siêu, văn-chương uyên-bác, nhưng vẫn giữ được tính trẻ con hồn nhiên. Hễ thấy có gì vui, hay hay thì trước sau phải muốn học cho kỳ được.

Trước sự vòi vĩnh của Mộng-Ngọc, Lục-Phỉ-Thanh cảm thấy bằng lòng thì không được mà từ chối thì không xong nên chỉ còn im lặng làm thinh ra chiều đắn đo suy nghĩ. Lục-Phỉ-Thanh là người cơ mưu. Xưa nay dù gặp việc khó khăn thế nào cũng giải quyết được hết.

Suốt 15 năm trời, cuộc đời của ông ta trải qua không biết bao nhiêu là sóng to gió lớn nhưng ông đều vượt qua được hết. Thế mà hôm nay, đứng trước lời yêu cầu tầm thường của đứa học trò mến yêu ranh mãnh, ông ta lại đành chịu bó tay!

Trầm ngâm giây lát, Lục-Phỉ-Thanh bảo:

-Con muốn học phép ấy lắm sao? Tốt, sáng sớm ngày mai thầy sẽ dạy cho. Con cứ ra ngoài chơi để thầy nghỉ mệt một lát vì thầy thấy trong mình khó thở. Có điều là thầy phải dặn trước với con là không được đem chuyện thầy bắt ruồi ra nói với bất cứ một ai. Nếu có thêm một người nữa biết thì thầy không dạy đâu đó nghe!

Lý-Mộng-Ngọc vui mừng hớn hở nên hứa với Lục-Phỉ-Thanh ngay, không do dự.

Nguyên Lục-Phỉ-Thanh vốn là một tay đại-hiệp của phái Võ-Đang. Buổi tráng-niên, ông thường đi làm việc nghĩa-hiệp khắp mấy tỉnh tại vùng Giang-Nam và Giang-Bắc, tên tuổi lừng lẫy trong giới giang-hồ. Trước đây, Lục-Phỉ-Thanh là một nhân vật trung-kiên cự-phách của đảng Đồ-Long, một tổ-chức bí-mật chống đối lại triều-đình Mãn-Thanh. Vào thời vua Ung-Chính, thanh-thế của đảng Đồ-Long rất lớn mạnh, triều-đình tưởng là không thể nào diệt trừ nổi. Sau thời Ung-Chính đến thời Càn-Long. Nhờ thi-hành chính-sách đàn áp thẳng tay gọi là "Thiết Uyển Trấn Yểm", đảng Đồ-Long dần dần tan rã.

Các nhân-vật lãnh-tụ đầu não của đảng thì lớp chết, lớp bị bắt, lớp chạy trốn lánh nạn tản mác đi khắp nơi. Lục-Phỉ-Thanh may mắn chạy thoát được cạm bẫy của vua Càn-Long bủa giăng chặt chẽ ra tận ngoài biên cương.

Quan binh Mãn-Thanh biết họ Lục là một thủ-lãnh nguy hiểm không thể bỏ lơ được nên phái người truy-nã Lục-Phỉ-Thanh gắt gao cùng nơi khắp chốn. Lục-Phỉ-Thanh là người hết sức cẩn thận lại nhiều cơ mưu, và thêm vào đó lại có võ công tuyệt đỉnh nên mới tránh được đại nạn. Tuy vậy, triều-đình Mãn-Thanh chẳng lúc nào không lưu tâm đến con người này. Lục-Phỉ-Thanh cho rằng người đi lánh nạn có ba chỗ tạm gọi là an thân hơn cả.

Chỗ an thân hơn hết là trốn trong triều. Chỗ an thân kế đến là trốn trong chợ. Và sau cùng, chỗ an thân thứ ba là trốn trong làng mạc, đồng quê. (#1) Với ý định như vậy, Lục-Phỉ-Thanh lần hồi trở về nộ địa tìm đến dinh Lý-Khả-Tú là một vị quan có uy tín, có thế lực vào bậc nhất của triều đình đẻ giả làm một vị đồ-nho dạy thi-văn từ-phú cho ái-nữ của Lý tướng-quân là Lý-Mộng-Ngọc, lại ăn ở ngay trong công-phủ, tư dinh của một vị đại tướng-quân nên chẳng sợ ai nghi ngờ dọ dẫm chi cả.

Những người của triểu-đình phái đi truy tầm tróc nã Lục-Phỉ-Thanh luôn luôn chia nhau tìm kiếm ông ta trong những đám lục-lâm, trong các chùa chiền, trong các tiêu-cục, trong các võ-trường và luôn cả trong chốn võ-lâm.

Chẳng ai ngờ rằng con người lợi hại ấy lại là một cụ đồ-nho áo dài, khăn đen, móng tay lượt-thượt, đôi mắt leo heo, miệng ngâm vẽ nhịp, có vẻ yếu ớt như trói gà không chặt, đang sống một cuộc đời bình thản trong phủ của một vị tướng-quân được triều-đình sủng-ái!

Người khâm-phạm có một bản-lãnh võ-nghệ trác-tuyệt như thế chẳng cần trốn lánh đâu xa, hàng ngay ra vào ngay trước mặt quan quyền, và suốt mấy năm nay qua mặt hết được bọn tay sai đắc lực của vua Càn-Long.

Lục-Phỉ-Thanh còn hai người anh em đồng-môn là đại sư-huynh Mã-Chân và tam sư-đệ Trương-Siêu-Trọng. Lục-Phỉ-Thanh đứng hàng thứ hai.

Mã-Chân là chưởng-môn nhân phái Võ-Đang, thích cảnh thiên-nhiên mây ngàn hạc nội nên không mấy chú ý đến thế sự, luôn cả việc của môn phái.

Trương-Siêu-Trọng tuổi trẻ, đầy nghị-lực nên lúc thọ-giáo được sư-phụ tâng tiu, mến chuộng hơn cả hai sư-huynh. Bao nhiêu tuyệt-kỹ của phái Võ-Đang, sư-phụ đều đem truyền hết lại cho người đệ-tử thứ ba này.

Còn Lục-Phỉ-Thanh thì chẳng những học được tất cả những thế võ bí truyền của môn phái để trở thành một nhân vật siêu-quần, lại còn là một tay văn-chương xuất chúng, ngâm thơ Liễu-Như, vịnh phú Đào-Yêu, học-lực và kiến-thức uyên-bác vô cùng. Ngoài ra, con người của ông ta còn hết sức lịch-lãm về mọi mặt. Có lẽ đó là nhờ vào kinh-nghiệm xông xáo trên giang-hồ suốt mấy chục năm trời.

Trong thời-gian hành-hiệp, Lục-Phỉ-Thanh còn thâu thập được không biết bao nhiêu là tuyệt-kỹ võ-công của những môn phái khác: "Vô Cực Huyền Công Quyền", "Phù Dung Châm Pháp" và "Nhu Vân Kiếm". Ba môn này khét tiếng, được gọi là "Giang Hồ Tam Tuyệt Kỹ" (#2).

Còn nói bề ba cao-đồ của phái Võ-Đang thì chí hướng họ khác hẳn nhau. Mã-Chân chỉ thích tiêu dao mây nước, kết bạn hạt tùng. Lục-Phỉ-Thanh thích hành hiệp trượng nghĩa, đem tài sức giúp đời, giúp người cô thế chống lại bạo tàn. Còn Trương-Siêu-Trọng thì nặng nợ công-danh, ràng buộc phú-quý, đành đem tấm thân bảy thước ngang tàng luồn cúi quyền uy, được phong quan tam-phẩm.

Năm trước, Lục-Phỉ-Thanh với Trương-Siêu-Trọng đã dùng gươm vạch đất tuyệt giao với nhau. Hai người ân nghĩa đều cắt đứt hết, chẳng ai nhìn ai nữa, trái lại còn xem nhau như thù địch, không đội trời chung...

Nhắc lại Lý-Mộng-Ngọc, hôm ấy được Lục lão sư hứa dạy cho trò chơi ấy thì rất hân hoan, kín miệng không nói cho ai biết cả.

Sáng hôm sau, Lý-mộng-Ngọc thức dậy thật sớm đến thư phòng của sư-phụ. Đẩy cửa vào trong thì thấy vắng tênh, không có một ai, chỉ thấy trên bàn viết của thầy có dán một tờ giấy. Đó là một bức thư. Mộng-Ngọc cầm lên đọc:

Mộng Ngọc con, Thầy vẫn biết con là một đứa học trò giỏi sử đao gươm, bút múa như phụng, nghe tiếng đàn hiểu được đường tơ. Tâm con thật linh, tánh con thật mẫn, thật là người hiếm có vậy. Thầy có được một đứa học trò như con tưởng không có gì vui mừng và hãnh-diện hơn. Chỉ tiếc là con có chí lớn mà thầy thì tài mọn nên suốt ba năm lãnh nhận trách-nhiệm dạy dỗ con, thầy rất lấy làm xấu hổ vì không đem đến được cho con những điều học nào hữu ích được cả.

Tình thầy trò chúng ta đến đây đã hết. Mong rằng sau này còn có cơ hội tái ngộ. Trước khi từ giã con, thầy lấy tình sư-đệ bấy lâu nay có mấy lời khuyên, và mong con ghi nhớ lấy. Theo sự nhận xét của thầy thì về mặt võ-nghệ con có thừa, nhưng còn về phần đoan-nghi thì con chưa đủ. Lời xưa có nói: "Sự thông-minh không đủ đem đến hạnh-phúc cho mình. Người được thân an mạng toàn phải trau giồi đức hạnh. Thôi, thầy chỉ có bấy nhiêu hàng đó muốn nói.

Thầy, Lục-Cao-Chỉ Lục-Cao-Chỉ là tên giả mà Lục-Phỉ-Thanh dùng để ẩn tích mai danh. Đang lúc Lý-Mộng-Ngọc bùi ngùi đọc mấy hàng chữ của sư-phụ để lại, còn phân-vân chưa hiểu thế nào thì thình-lình nghe có tiếng cửa phòng mở một cái rột. Một người hớt ha hớt hãi chạy vào. Mà người ấy chẳng phải ai xa lạ khác hơn mà chính là Lục-Phỉ-Thanh, thầy đồ dạy học nàng.

Lý-Mộng-Ngọc nhìn thấy sư phụ mình mặt mày xanh lét, máu nhuộm đầy mình vừa chạy vào đã sụm chân ngã xỉu xuống đất.

Mộng-Ngọc vội vàng chạy đến dìu Lục-Phỉ-Thanh ngồi lên ghế.

-Thầy ơi thầy! Sao vậy thầy?

Lục-Phỉ-Thanh ngưng thần định trí một hồi lâu rồi mới thều thào:

-Con đừng làm kinh động. Đừng nói chi hết, cứ để yên cho thầy.

Dứt lời, Lục-Phỉ-Thanh nhắm nghiền đôi mắt lại, không nói thêm nửa lời. Lý-Mộng-Ngọc tuy là con nhà võ quen múa đao múa kiếm thế mà trước cảnh tượng này cũng không khỏi kinh hãi. Nành tuân theo lời thầy đóng kín cửa phòng, im lặng đứng bên Lục-Phỉ-Thanh mà không dám gọi. Được một lúc khá lâu, Lục-Phỉ-Thanh lên tiếng nói với Lý-Mộng-Ngọc:

-Mộng-Ngọc! Ta với con tình nghĩa sư-đồ trong ba năm thật là thâm-trọng. Hôm nay, thầy nghĩ duyên phần đã hết nên định từ biệt con để ra đi. Không ngờ sự cớ đưa đẩy làm thầy phải quay về đây lại. Thầy có một vấn-đề nguy-hiểm đến tánh mạng. Chẳng hay con có thể vì thầy mà dấu kín đừng cho ai biết việc này không?

Nói xong, Lục-Phỉ-Thanh mở to đôi mắt sáng quắc ra nhìn thẳng vào mặt Lý-Mộng-Ngọc như có ý dò hỏi. Lý-Mộng-Ngọc khảng khái đáp:

-Thưa thầy, có việc gì xin thầy cứ bảo. Con xin hứa chắc chắn là không trái ý thầy.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Con thưa với lệnh trên là thầy đang có bệnh, cho thầy được tĩnh dưỡng trong vòng nửa tháng.

Mộng-Ngọc bằng lòng ngay.

Ngưng một giây lát, Lục-Phỉ-Thanh giục nàng:

-Thôi, con đi đi!

Chờ Mộng-Ngọc đi rồi, Lục-Phỉ-Thanh mới thò tay vào lưng móc gói thuốc ra rịt lên vết thương nơi cánh tay trái mình rồi dùng vải trắng băng lại. Ông ta khạc một cái, nhổ ra một cục máu bầm.

Số là chiều hôm trước khi bị Lý-Mộng-Ngọc nhìn trộm ông ta dùng Phù Dung Kim Châm bắt ruồi và yêu cầu được học phép ấy, Lục-Phỉ-Thanh thấy tung tích đã bại lộ nên cảm thấy không thể nấn ná ở địa-phương này được nữa. Vì vậy, ông ta bèn viết thư cáo biệt để lại cho Mộng-Ngọc trước khi đi. Lục-Phỉ-Thanh là người lịch duyệt nhiều, thấy trong dinh Lý-Khả-Tú đông người mà đứa nữ đệ-tử lại là một kẻ thông-minh tuyệt đỉnh. Mà xưa nay, những người thông-minh lại hay bị chính cái thông-minh đó làm hỏng nhiều việc. Do đó, trong thư ông mới dặn dò Mông-Ngọc nên rèn đức hạnh mà đừng ỷ y quá vào sự thông-minh. Lục-Phỉ-Thanh chẳng có gì quý báu ngoài mấy bộ quần áo và một thanh Bach-Long kiếm dấu bên hông cùng với một gói hành lý mang trên vai, chuẩn bị đến canh hai thì lẻn đi thẳng một nước. Dù sau đó ai có biết ông ta là ai đi nữa bóng chim tăm cá, mây nước mịt mù, biết đâu mà tìm cho ra.

Sắp đặt xong xuôi, ông ngồi bằng trên ghế mắt nhắm nghiền lại dưỡng thần. Xa xa, tiếng trống điểm canh khoan nhạt đưa lọt vào tai. Lục-Phỉ-Thanh biết thời khắc đã qua giờ Tỵ liền khêu sáng ngọn đền lên thì thình lình ngoài cửa sổ một giọng cười quái gở vang lên, theo gió bay vào.

Đề-phòng bất trắc, Lục-Phỉ-Thanh đưa tay quạt tắt ngọn đèn, mang khăn gói lên vai, rút Bạch-Long kiếm ra cầm sẵn.

Bên ngoài cửa sổ, một giọng nói rổn rảng phá tan bầu không khí yên lặng của đêm khuya:

-Lão già họ Lục ơi! Lão đừng tưởng trốn vào cửa tướng đóng tuồng gõ đầu trẻ mà không ai biết đâu nhé! Thôi, đừng hòng trốn tránh nữa! Nếu khôn hồn thì hãy đưa tay chịu trói để ta giải về kinh mà chịu tội với triều-đình!

Lục-Phỉ-Thanh biết đã gặp cường địch, chỉ còn cách tìm đường đối phó thôi chứ không mong gì được hắn bỏ qua. Kẻ đó dĩ-nhiên không phải kẻ võ-nghệ tầm thường, mà cũng không phải chỉ có một mình hắn thôi. Chắc chắn kẻ đó cùng mấy tên đồng đảng đang phục sẵn bên ngoài, lấy khỏi đợi mệt, lấy đông lấn ít. Nếu ở mãi trong phòng thì mười phần nguy cả mười. Nếu cứ xông bừa ra mà quyết chiến thì khó lòng thoát thân được. Phải đợi lúc xuất kỳ bất ý vọt ra ngoài cửa sổ đánh trí mạng một mất một còn thì may ra còn thủ thắng được.

Cố dè dặt hết sức không gây nên một tiếng động nho nhỏ nào, Lục-Phỉ-Thanh bất thình lình dùng thế Bích Hổ Du Tường đánh vào song cửa sổ thật mạnh. Chỉ nghe rắc rắ mấy tiếng, song cửa sổ bị gẫy tiện, Lục-Phỉ-Thanh vận khí tung mình ră khỏi cửa sổ, bay bổng lên nóc nhà như một con chim én.

Kẻ địch ẩn núp bên ngoài như đang chờ sẵn nên từ đâu phi thân lại tung một quyền đánh vào mặt Lục-Phỉ-Thanh, miệng quát lớn:

-Tài thật! Giỏi thật!

Lục-Phỉ-Thanh nghiêng mình tránh khỏi, nói lớn:

-Người anh em đừng vội! Để ta xuống cho mà đánh.

Lục-Phỉ-Thanh lại dùng khinh công nhắm hướng ngoài thành vụt bay như tên. Phía sau, ba cái bóng đen vùn vụt đuổi theo. Lục-Phỉ-Thanh chạy một hơi thật xa, có đến sáu, bảy dặm đường. Ba cái bóng đen đuổi theo thục mạng, miệng không ngớt kêu la:

-Lão già họ Lục sao hèn nhát đến thế? Một người có tên tuổi trên giang-hồ mà phải tháo thân chạy trối chết thế hả?

Lục-Phỉ-Thanh biết ba bóng đen đó toàn là những nhân-vật hữn danh trên giang-hồ nên chẳng dám khinh thường. Nhưng thật ra, ông ta cũng không đến độ phải khiếp sợ mà chạy dài. Ông ta biết dù chạy đến đâu, cường địch cũng không chịu bỏ qua. Trước sau cũng phải giải quyết một cách sống chết mà thôi. Chẳng qua là thấy giải quyết trong thành thật bất tiện vì nơi đây quan quân triều-đình rất đông, và chắc chắn ba người này cùng phe với họ. Cho nên Lục-Phỉ-Thanh mới cố dẫn dụ địch ra khỏi thành đến một chỗ hoang vắng để phân cao hạ thì tiện bề hơn nhiều.

Dẫn dụ đám người ấy đuổi theo có ba điều lợi cho Lục-Phỉ-Thanh. Thứ nhất là đến một điểm lạ thì địch-nhân khó lòng mà có được viện-binh đến kịp thời. Thứ hai, nếu đường đường chính chính đương đầu thì mới có thể rõ được võ-nghệ của họ đến trình-độ nào; nếu nhắm đánh thắng được thì quyết chiến, bằng không sẽ tìm cách trốn thoát. Thứ ba, nếu phe đối nghịch có bao nhiêu vây cánh ở chung quanh đây tất nhiên sẽ xuất đầu lộ diện ra tất cả thì càng tiện cho mình lo liệu mà tính kế.

Hơn nữa, ra một chỗ vằng vẻ rộng rãi thì không còn phải sợ bị đánh lén trong bóng tối cũng như không phải lo bị trúng ám-khí bất tử.

Tha hồ cho kẻ địch mắng chửi khích bác, ông ta tiếp tục dùng thuật phi-hành mà chạy thêm mười dặm nữa. Đến một đỉnh đồi, Lục-Phỉ-Thanh bèn dừng gót lại, nhìn trước xem sau, quan-sát tỉ mỉ.

Đám người phía sau cũng đã đuổi đến nơi. Lục-Phỉ-Thanh đã đứng đợi sẵn, chuẩn bị tinh-thần, biến từ thế bị động sang thế chủ động. Bình tĩng và tự tin, ông ta tra thanh Bach-Long kiếm vào vỏ.

Ba bóng đen thấy Lụ-Phỉ-Thanh dừng lại, uy vũ hiên ngang thì sinh lòng ngờ vực chưa dám liều lĩnh xông lại gần. Họ chia nhau ra đứng ba phía, một trước, hai sau, theo hình chữ Đinh.

Dưói ánh trăng tỏa rạng, Lục-Phỉ-Thanh cố nhìn cho rõ xem những nguời đang đứng trước mặt mình là ai. Ngưòi đứng đầu là một hán-tử tuổi độ chừng trên dưới 50, thân hình vừa lùn vừa ốm; lông mày đen rậm như một đường mực gạch ngang qua; râu hoách lên như đuôi chim én dài không quá một tấc, nhưng dũng khí có vẻ rất là mạnh bạo. Hai người đứng sau thì một người cao ngỏng cao nghều như cây tre, còn người kia thì vừa mập lại vừa tròn. Người đứng phía trước bỗng phá lên cười một tràng rồi buông lên những lời có vẻ như chua chát.

-Lục anh-hùng! Từ dạo cách xa không có gì lạ chứ? Chẳng hay ngươi còn nhận ra kẻ hèn hạ từng bị bại dưới tay ngươi chăng? Ngươi chưa quên Tiêu-Văn-Kỳ đấy chứ?

Lục-Phỉ-Thanh nghe nói chợt nhớ lại. Thì ra hắn là nhân vật thứ ba trong nhóm Quảng-Đông Lục Ma.

Cách đây hơn mười năm, có một lần Lục-Phỉ-Thanh và Tiêu-Văn-Kỳ chỉ vì xích mích với nhau vài câu nói mà sinh ra ẩu-đả tại Trực-Lệ. Lục-Phỉ-Thanh vì không nỡ giết hắn nên chỉ đánh cảnh cáo một quyền rất nhẹ chứ nếu thẳng tay thì có đến mười cái mạng hắn cũng chẳng còn.

Tiêu-Văn-Kỳ không biết ơn thì chớ còn đem lòng thù oán, cho là bị Lục-Phỉ-Thanh làm nhục nên bao năm qua nằm gai nếm mật để chờ có cơ-hội trả thù. Bao nhiêu năm không tìm được tung tích Lục-Phỉ-Thanh nên hắn vẫn ân hận mãi.

Lần này, Tiêu-Văn-Kỳ vâng lệnh quan phủ đi Thiên-Sơn Bắc-Lộ để thi-hành một mệnh-lệnh tối cần. Chẳng dè trong cuộc hành-trình, hắn nghe được rõ được tung tích bí mật của Lục-Phỉ-Thanh. Hắn bèn đến dinh tổng-đốc Hiệp-Cam (#3) xin mượn hai cao-thủ để giúp hắn bắt kẻ khâm-phạm triều-đình. Ỷ thế quan tổng-đốc nên Tiêu-Văn-Kỳ không cần thông-tri với quan phủ sở tại nhờ đưa thư đến tư-dinh của Lý-Khả-Tú để bắt Lục-Phỉ-Thanh. Với hai trợ thủ cộng vào với tài-nghệ của hắn, Tiêu-Văn-Kỳ tin tưởng sẽ làm được một công hai chuyện: vừa lập công được với triều-đình và vừa trả được tư-thù.

Tiêu-Văn-Kỳ ngày đêm khổ công rèn luyện võ-nghệ đến mức mà hắn cho là tuyệt đỉnh công-phu. Nhất là hắn lại ỷ vào một môn vũ-khí gọi là Thiết Cầm Sát mà hắn luyện đến mức lô hỏa tuyệt thanh. Tiêu-Văn-Kỳ có thể sử dụng Thiết Cầm Sát như ý muốn, có thể phóng trúng địch-thủ rồi thu gọn lại trong vòng bàn tay dễ dàng...

Nghe mấy câu chua chát của Tiêu-Văn-Kỳ, Lục-Phỉ-Thanh vẫn điềm tĩnh, nghĩ thầm:

-Thì ra con quỷ Tiêu-Văn-Kỳ muốn trở lại báo ta!

Nhưng ông ta vẫn vòng tay, cúi đầu thi lễ đáp:

-Thì ra là Tiêu-Văn-Kỳ tam ca đây mà! Hơn mười năm không gặp nên thờ ơ chẳng nhận ngay ra được, dám mong tam ca thứ lỗi cho. Còn hai vị kia cao danh quý tánh là gì, mong tam ca giới-thiệu cho biết với.

Tiêu-Văn-Kỳ phá lên cười nghe rất tự đắc, chỉ người lùn mập bảo:

-Người này là nghĩa-đệ của tôi tên La-Tín mà người ta thường gọi là Thiết-Bối La-Hán. Chính là y đó!

Quay qua người cao lểnh khểnh, Tiêu-Văn-Kỳ lại nói:

-Còn vị này là hào kiệt nức danh hai tỉnh Hồ-Bắc và Hồ-Nam thường xưng là Ngọc-Phán-Quan Hạ-Nhân-Long đó. Ba anh em chúng tôi thân với nhau chẳng khác gì Lưu, Quan, Trương (#4) thuở trước.

Cả La-Tín và Hạ-Nhân-Long đều day sang phía Lục-Phỉ-Thanh vòng tay cúi đầu nói:

-Lâu nay vẫn thường hâm mộ đại danh của lão anh-hùng. Nay được gặp thật là hân hạnh!

Lục-Phỉ-Thanh cũng từ tốn đáp lễ lại mà nói:

-Kẻ già nua này lánh mình trong chỗ tối tăm vắng vẻ có ngờ đâu lại được ba vị hạ cố đến tìm. Thật là ngoài sự ước vọng của tôi. Chẳng hay hôm nay gặp nhau đây quý vị có lời nào dạy bảo?

Tiêu-Văn-Kỳ lạnh lùng đáp:

-Lục lão anh-hùng à! Mười lăm năm trước đây kẻ hèn mọn này may mắn được người thưởng cho một đấm nên mang ơn, nhớ mãi không dám quên. Đáng ra, tự xét tài-nghệ của mình còn non nớt thì nên nuốt hận mà bỏ đi là hơn. Chỉ vì trời sinh ra Tiêu-Văn-Kỳ này lại sinh luông cho một cái đầu cường ngạnh và một bộ óc cố chấp nên một khi nếm phải cái mùi chua cay nào thì lại quyết phải trả cho xong chứ không thể xóa nhòa được. Ngày đó mạng tôi chưa tuyệt nên tôi mới có cơ-hội gặp lại Lục lão anh-hùng hôm nay. Âu cũng là trời muốn tôi đáp lại cái đấm của Lục lão anh-hùng khi còn tại thế-gian này để khỏi phải giải quyết khi gặp ngài dưới âm-phủ! Từ hôm được biết tài-nghệ thua kém ngài quá nhiều để đến nỗi phải chịu một quyền ở Trực-Lệ thì tôi khổ công luyện tập mao quyền ngày đêm không dám lơ đãng nên có thể nói là đến mức tuyệt đỉnh công-phu, tam chiêu lưỡng thức rồi. Tự nghĩ có được cái bản lãnh ấy họa chăng mới liều lĩnh khi khắp ngũ nhạc tam sơn để tìm ngài. Chim trời cá nước tưởng không biết tìm nhau ở nơi hải giác thiên nhai (#5) nào cho gặp đặng thỏa lòng mong đợi. May mắn sao đêm nay không hẹn mà lại gặp nên dám mong ngài dạy cho phen nữa. Đó là việc riêng của tôi đối với ngài.

Thưa Lục lão anh-hùng! Tên tuổi ngài vang rền trong thiên-hạ, mà lại là người khâm-phạm trọng yếu nhất của triều-đình. Bản án của ngài được chu tri khắp nước, bất luận người nào có hưởng lộc triều-đình, có trong thuỷ thổ quốc vương cũng đều có trách-nhiệm thi-hành bản án ấy. Đêm nay gặp ngài ở đây, ba anh em chúng tôi có bổ phận mời ngài đến dinh quan Tổng-Đốc Hiệp-Cam. Nếu ngài không đi, chúng tôi buộc lòng phải bắt sống hoặc giết chết chứ không thể để cho ngài thoát thân. Đó là việc công.

Những lời trên đây tôi thành thật thưa để Lục lão anh-hùng biết đặng tự liệu.

Lục-Phỉ-Thanh cũng đã biết trước là đêm nay chỉ còn cách dùng võ lực quyết sống chết để giải quyết chứ không còn đường nào hơn.

Tiêu-Văn-Kỳ tự phụ tài nghệ hắn giờ cao siêu đủ sức hạ được Lục-Phỉ-Thanh lại còn thêm hai cao thủ ủng hộ hắn nữa nên câu nói của hắn bề ngoài nghe có vẻ khiêm tốn lễ phép mà bên trong lại khiêu khích bắt buộc Lục-Phỉ-Thanh phải giao thủ với hắn chớ không cho tẩu thoát.

Suốt mười năm qua, Lục-Phỉ-Thanh chỉ dành thì giờ vào việc dưỡng khí luyện thần nên tâm đã tịnh, và bản tính háo thắng cũng không còn như lúc còn thanh-niên. Vì vậy, Lục-Phỉ-Thanh hướng về phía Tiêu-Văn-Kỳ vòng tay nói:

-Thưa Tiêu tam gia. Tôi với các-hạ không còn ở cái tuổi tranh đua hơn kém như hồi trẻ nữa. Ngày ấy, tôi quả có đắc tội với tam gia ở Trực-Lệ. Vậy hôm nay ở đây tôi xin quỳ gối nhận tội với các-hạ. Nếu được tam gia bỏ qua thì thật là hân hạnh cho già này lắm.

Dứt lời, Lục-Phỉ-Thanh vòng tay vái dài Tiêu-Văn-Kỳ một cái. Chẳng dè gã cao lểnh khểnh Ngọc-Phán-Quan Hạ-Nhân-Long thét lên một tiếng mắng xối xả vào mặt Lục-Phỉ-Thanh rằng:

-Đừng mong khỏi chết mà hòng toan hạ mình làm chuyện hèn hạ như thế! Thế mà cũng tự nhận là khách giang-hồ!

Lục-Phỉ-Thanh không ngờ củ-chỉ hòa giải của mình lại bị Hạ-Nhân-Long hiểu lầm, cho là ông sợ chết lạy lục xin xỏ. Lục-Phỉ-Thanh nhảy dội ra sau nghiêm nét mặt chỉ vào Hạ-Nhân-Long quát lớn:

-Ta là Lục-Phỉ-Thanh! Tên tuổi của ta trong giới giang-hồ chẳng mấy ai không biết! Suốt mấy mươi năm hành hiệp ta đã gặp không biết bao nhiêu là cao thủ có bản lãnh cao cường mà nào đã chịu thua ai, và chưa hề bị ai khinh khi nửa tiếng. Thế mà hôm nay ta không tưởng có kẻ dám chạm đến danh-dự của ta.

Day qua Tiêu-Văn-Kỳ, Lục-Phỉ-Thanh vẫn giữ thái độ ôn hòa nói:

-Tiêu tam gia! Vừa rồi các-hạ đem việc tư của các-hạ và việc công của triều-đình ra nói rõ cho tôi nghe, dạy tôi lo liệu lấy. Tôi sẵn sàng theo ý ngài mà nói rõ ra đây. Chuyện mười mấy năm trước sở dĩ xảy ra như thế là do ở cái tuổi thanh-niên háo thắng mà ra. Giờ các-hạ nhắc lại tôi không khỏi cười thầm, hổ thẹn. Nhưng nếu các-hạ muốn nhắc lại chuyện con nít để trả cái mà các-hạ cho là nhục, là thù thì tôi cũng sẵn sàng đáp lễ chứ chẳng dám khước từ. Còn cái việc mà ngài gọi là công đó thì tôi đây Lục-Phỉ-Thanh chẳng thể vâng theo lời dạy của ngài được. Tôi làm thủ-lãnh một đảng phái chống lại triều-đình Mãn-Thanh là vì tôi không thể ngồi im nhìn thấy giang-san Trung-Quốc bị dày đạp dưới gót giày của kẻ xâm lăng, giống nòi Hán tộc bị làm tôi đòi lầm than trong bàn tay ác nghiệt của kẻ thống trị. Việc của chúng tôi làm, nhân dân Trung-Quốc đều cho là chính nghĩa. Chỉ trừ những tên chim mồi chó săn cho triều-đình Mã-Thanh mới gọi tôi là khâm-phạm, mới âm mưu tìm bắt tôi mà dâng nạp cho kẻ thù chung ấy thôi. Các-hạ và hai tên tháp tùng đó nếu giỏi thì cứ bắt sống hay giết chết tôi đi đặng đem nộp cho quan trên mà lãnh thưởng nhưng đừng mong tôi tự ý đến nạp mình hay đưa tay chịu trói!

Lời nói như búa bổ vài đầu của Lục-Phỉ-Thanh làm cho bọn Tiêu-Văn-Kỳ đang tự đắc cũng phải chột dạ. Cách đây không lâu, ba người bọn họ cứ tưởng Lục-Phỉ-Thanh kinh khiếp trước bản lãnh của ba người.

Tiêu-Văn-Kỳ chưa biết trả lời thế nào thì Lục-Phỉ-Thanh lạu nói tiếp:

-Có khó gì đâu mà phải do dự cho mất hết ngày giờ? Muốn giải quyết bằng vũ-lực thì cứ việc bắt đầu đi thôi. Một trong ba người ra đây đấu với tôi, hoặc cả ba hợp sức cùng xông ra một lượt cũng được vậy! Có lẽ người hăng hái nhất trong ba vị là Hạ-Nhân-Long. Tôi rất muốn được thấy rõ tài nghệ và đảm lược của Ngọc-Phán-Quan.

Gã lùn mập là La-Tín thấy vậy nói lớn:

-Đừng cậy tài làm phách! Bộ ngươi tưởng ai cũng sợ ngươi sao?

Rồi xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị, y từ phía sau lưng Tiêu-Văn-Kỳ nhảy bổ tới như một con cóc đánh một quyền chớp nhoáng nghe vù một tiếng vào ngay giữa mặt Lục-Phỉ-Thanh.

Trước một đòn hung ác đánh bất ngờ, Lục-Phỉ-Thanh chẳng chút nao núng. Ông chờ cho nắm tay của La-Tín vừa đến ngay giữa mặt liền lách sơ qua làm cho hắn hụt đòn. Sau đó Lục-Phỉ-Thanh lẹ làng như điện xẹt tay trái đánh một cái trúng ngay mạch môn nha của gã lùn mập khiến hắn phải lùi ra sau ba bước.

Lục-Phỉ-Thanh không thèm tiến lên, chỉ đứng yên một chỗ. La-Tín định thần lại được liền dùng Ngũ-Hành-Quyền là võ bí truyền của hắn ra để tấn công Lục-Phỉ-Thanh. Đường quyền của La-Tín thật mạnh như vũ bão chứ không phải tầm thường.

Trong khi đó, Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long đứng lui ra một bên để nhìn xem cuộc tranh phong vô cùng quyết liệt của hai đại cao-thủ. Tiêu-Văn-Kỳ để ý và quan-sát tuyệt kỹ của Lục-Phỉ-Thanh rất tỉ mỉ để rút tỉa ưu-khuyết-điểm, rất có lợi cho hắn một khi cùng Lục-Phỉ-Thanh so tài. Năm xưa, Tiêu-Văn-Kỳ bị trúng phải Vô Cực Huyền Công của Lục-Phỉ-Thanh chỉ bản lãnh của hắn chưa luyện đến mức tuyệt diệu công phu.

Giờ đây, bản lãnh của Tiêu-Văn-Kỳ đã khác hẳn. Nếu so với ngày trước thì thật là khác nhau quá xa. Thêm vào đó, ngón diệu thủ Thiết Cầm Sát của hắn cũng đã luyện đến mức tột đỉnh chứ không còn tập tễnh như thuở trước.

Tiêu-Văn-Kỳ tính toán rất sâu xa. Y định bụng dùng La-Tín và Hạ-Nhân Long để tiêu hao bớt công-lực của Lục-Phỉ-Thanh rồi sau cùng hắn sẽ dùng tuyệt kỹ công phu của môn Thiết Cầm Sát ra chấm dứt trận đấu bằng cái chết của kẻ thù hoặc làm cho kẻ thù bị trọng thương theo ý của hắn. Còn hạ-Nhân-Long thì nghĩ rằng Lục-Phỉ-Thanh là một tên khâm-phạm triều-đình. Nếu bắt sống được hay giết chết cắt lấy thủ cấp đem về nạp lên quan Tổng-Đốc Hiệp-Cam thì đường công danh sẽ mở ra cho hắn nhiều bước tiến đến đường tham vọng.

Trong khi Lục-Phỉ-Thanh và La-Tín giao phong với nhau vô cùng sôi nổi, thì Tiêu-Văn-Kỳ cùng Hạ-Nhân-Long vẫn tụ thế bàng quang đứng nhìn. Mỗi người ôm một hoài bão riêng tư trong lòng.

La-Tín dùng Ngũ-Hành-Quyền đánh toàn những thế công, quyền tung ra tới tấp. Một ngón vừa tung ra thì một ngón khác tiếp theo liền, không để một sơ hở nào cho địch thủ khai-thác. La-Tín đánh theo Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với ngũ hành tương sinh tương khắc đâu đó chặt chẽ vững vàng.

Ngũ-Hành-Quyền là một môn võ rất lợi hại của ngoại-gia công-phu, nếu đối-phương bị đánh trúng thì vô phương bảo toàn tánh mạng.

Nhưng mặc cho La-Tín muốn đánh cách nào thì đánh, Lục-Phỉ-Thanh vẫn giữ vững được thế thủ. Không quyền nào của La-Tín chạm được vào người ông ta. La-Tín hết sức nóng ruột bèn dùng đường quyền lợi hại nhất trong Ngũ-Hành-Quyền là Tý Quyền, thuộc mạn Kim, quyết hạ cho bằng được Lục-Phỉ-Thanh. Tý Quyền vừa buông ra, La-Tín lại bồi tiếp thêm một ngọn Tỏa Quyền. Tỏa Quyền thuộc mạng Thủy, còn gọi là Trường Quyền hay Xung-Thiên-Bào, tức là đánh lên đỉnh đầu địch thủ. Lục-Phỉ-Thanh vẫn bình tĩnh chống đỡ chứ chưa phản công. Trong nháy mắt, hai bên đã trao đổi hơn 10 hiệp.

La-Tín bỗng cố nhử dùng ngón Bàng Quyền làm hư chiêu đánh sang bên trái, nhưng chuẩn bị chiêu Hoành Quyền đánh bên mặt, nhưng bóng Lục-Phỉ-Thanh chợt như biến mất ở nơi đâu! La-Tín vừa xoay người lại thì vửa vặn một quyền trong tay Lục-Phỉ-Thanh đang đánh tới. La Tín toan bắt lấy cườm tay của Lục-Phỉ-Thanh vì hắn tin tưởng vào sức mạnh của hắn dư sức áp đảo được sức già của đối phương. Nhưng Lục-Phỉ-Thanh chỉ hươi tay áo, khẽ phất một cái, nắm tay của La-Tín bị đẩy lùi ra sau.

Trong lúc gấp rút, La-Tín liền dùng cả hai tay chộp tới, nắm cứng lấy tay của Lục-Phỉ-Thanh lại. Lục-Phỉ-Thanh để yên cho La-Tín nắm rồi bất thình lình giựt về một cái khiến y một phen kinh hãi thiếu chút nữa là chúi nhủi. La Tín sợ quá, buông tay Lục-Phỉ-Thanh ra, nhưng bất ngờ tung ra một quyền từ tay trái đánh thẳng vào người ông ta. La-Tín tin chắc Lục-Phỉ-Thanh sẽ dùng tay mặt để gạt quyền, và sau đó gã sẽ dùng một chiêu Cầm Nã-Thủ bóp cứng vai trái Lục-Phỉ-Thanh.

Mọi chuyện xảy ra đúng như sự tiên liệu của La-Tín. Khi Lục-Phỉ-Thanh đưa tay mặt lên gạt hư quyền, La-Tín hí hửng đưa tay chộp ngay lấy bả vai của Lục-Phỉ-Thanh. Chẳng ngờ khi vừa chộp trúng bả vai của Lục-Phỉ-Thanh thì chẳng hiểu sao, cả một khối thịt tròn của La-Tín như bị một sức mạnh phi-thường từ đâu dồn tới. Chỉ nghe bùng một tiếng, La-Tín bị văng ra xa ngoài ba trượng, tá hỏa tam tinh nằm hôn mê dưới đất.

Thì ra Lục-Phỉ-Thanh đã luyện được tuyệt-kỹ nội-gia công-phu là Chiêm Y Thập Bát Trật. Một khi đã luyện được môn này đến mức tinh thông thì cả thân thể gần như được một kình-lực nội công trong người bảo vệ. Địch thủ nếu đụng đến người, hay cho dù là chỉ trạm phớt qua y phục thôi thì cũng sẽ lập tức bị đánh vằng trở lại. Nếu nhẹ thì phải té nhủi xuống bị thương, mà nặng ắt phải lăn xuống mà chết ngay.

Tuyệt-Kỹ này Lục-Phỉ-Thanh được một đại danh cao-thủ trong giới võ-lâm là Thiên-Trật-Trương truyền lại cho. Cái hay của ngón nghề này là mượn sức người để đánh người. Địch thủ nếu dùng sức ít thì chỉ bị thương nhẹ, nhưng nếu dùng sức nhiều thì sẽ bị thương nặng và có thể bị nguy hiểm đến tánh mạng nữa.

La-Tín vì dùng sức nhiều nên bị sức phản-kình dội lại cũng dữ. Cũng may y là một cao-thủ với nội công khá cao nên dù bị ngã nhưng không đến nỗi bị thương nặng. Tuy vậy y cũng tởn thần, và hoang mang không hiểu tại sao. Tiêu-Văn-Kỳ tức quá, lông mày dựng ngược lên, hét lớn:

-La hiền-đệ mau đứng dậy đi!

La-Tín lồm cồm ngồi dậy, vừa đau đớn, vừa xấu hổ. Hạ-Nhân-Long chẳng nói chẳng rằng, dùng thế Song Long Thương Châu nhắm Lục-Phỉ-Thanh đánh tới. Nhưng y chợt cảm thấy quyền của y như đánh vào khoảng không, mà bóng Lục-Phỉ-Thanh không thấy đâu cả. Rồi Hạ-Nhân-Long thấy trên cánh tay hắn như bị ai đánh xuống một cái nhẹ và sau lưng có tiếng ai nói:

-Ngươi hãy chịu khó về mà luyện võ-công thêm mười năm nữa!

Hạ-Nhân-Long giật mình quay lại, nhưng vẫn không thấy Lục-Phỉ-Thanh đâu cả. Đang định trở mình thì bỗng nhiên chát chát hai tiếng, y cảm thấy hai bên má đau nhức vô cùng, và trước mắt rõ ràng là một bầy đom đóm đang bay ngang qua. Tiếng Lục-Phỉ-Thanh nói như chọc vào ráy tai của t:

-Mày là thằng con nít vô lễ! Hôm nay ta dạy cho một bài học để ráng mà nhớ cho kỹ trong lòng.

Luận về tài-nghệ thì võ-công của Hạ-Nhân-Long còn cao hơn La-Tín một bậc. Nhưng chẳng qua là vì hắn giở thái-độ trịch-thượng, ăn nói ngạo nghễ cho nên Lục-Phỉ-Thanh chẳng chút nhân nhượng, cố tình hạ nhục hắn cho bõ ghét.

Thấy Hạ-Nhân-Long bị hạ nhục, Tiêu-Văn-Kỳ vừa kinh hãi vừa tức giận. Y phóng một cái như tên bắn đến trước mặt Lục-Phỉ-Thanh. Thân hắn chưa tới nơi thì hơi gió từ quyền của hắn đã đánh tới trước rồi.

Lục-Phỉ-Thanh thừa hiểu Tiêu-Văn-Kỳ là nhân vật đứng hàng thứ ba trong Quảng-Đông Lục-Ma, võ-nghệ cao cường, bản lãnh tuyệt vời không phải như La-Tín với Hạ-Nhân-Long nên không dám coi thường, vội dùng ngay thế Vô Cực Huyền Công Quyền để ứng phó lại.

Hạ-Nhân-Long trông thấy hai cao-thủ giao đấu với nhau vô cùng ác liệt thì tự lượng sức mình, biết không thể giúp gì cho Tiêu-Văn-Kỳ được đành đứng ngoài xem, chờ có cơ hội tốt mới có thể ra tay được.

Tiêu-Văn-Kỳ bắt đầu đem Thiết Cầm Sát ra sử dụng. Hắn đánh ra rồi thâu vào lẹ như chớp nhoáng, chỉ mong trúng vào được người Lục-Phỉ-Thanh thì dù cho không chết cũng phải biến thành tàn phế.

Ngón Thiết-Cầm-Sát này Tiêu-Văn-Kỳ được chân truyền từ họ Hàn ở Lạc-Dương cho nên tất cả những chiêu thức bí hiểm đều thu thập được hết. Tiêu-Văn-Kỳ phóng ra một chiêu gọi là Mao Huy Ngũ Huyền nhắm Lục-Phỉ-Thanh quét vụt một cái. Đòn của hắn trông nhẹ hều như một luồn gió không có chút sức mạnh nào, nhưng chính vì đó mới thật là lợi hại, hư hư thật thật, cương ẩn trong nhu. Quyền này là ngón sở trường của hai phái võ Thiết Sa Chưởng và Ưng Trảo Công hợp lại chế biến ra.

Lục-Phỉ-Thanh thấy công phu của Tiêu-Văn-Kỳ quả đã đến mức cao thâm tuyệt đình thì cũng phải khen thầm, rồi buột miệng kêu lên:

-Hay lắm!

Dứt lời, Lục-Phỉ-Thanh dùng thế Hổ Tung Bộ, nhẹ nhàng tiến lên một bước đến sát bên cánh tay phải của Tiêu-Văn-Kỳ. Một quyền lợi hại từ tay mặt Lục-Phỉ-Thanh phóng ra, Tiêu-Văn-Kỳ vừa né mình tránh khỏi, vừa dùng Thiết Cầm Sát che chở cho phía trên mặt. Sau đó y dùng hai ngón tay điểm một thế Đao Thương Tề Minh vào người Lục-Phỉ-Thanh.

Lục-Phỉ-Thanh rùn mình xuống, dùng Ấn Chưởng Quyền đánh mạnh một cái trúng Tiêu-Văn-Kỳ làm rách toẹt vạt áo của hắn trước bụng.

Nhưng Lục-Phỉ-Thanh vốn lòng lành, thấy không nỡ hủy hoại mười mấy năm luyện tập công-phu của hắn, lại càng không nỡ hủy hoại cuộc đời hắn trong một trận đánh nên đòn ấy ông ta chỉ dùng có năm thành công lực mà thôi.

Lục-Phỉ-Thanh tưởng như thế cũng đủ cho Tiêu-Văn-Kỳ tự thẹn mà kéo đồng đảng đi khỏi để ông ta được thong thả tìm nơi yên ổn mai danh ẩn tích. Không ngờ lòng nhân từ của Lục-Phỉ-Thanh lại là cái họa sát thân!

Tiêu-Văn-Kỳ thừa hiểu đối phương tha mạng hắn, nhưng đã không mang ơn thì thôi, hắn còn thừa thế dùng thế đánh thẳng tới trong lúc Lục-Phỉ-Thanh thu quyền về, để hở các chỗ yếu trên thân. Lục-Phỉ-Thanh không ngờ hắn lấy oán trả ân, cả kinh vừa định né tránh thì thình lình, Tiêu-Văn-Kỳ tay kia dùng thế Lưu Truyền Hạ Sơn, chĩa năm ngón tay như năm lưỡi dao đâm mạnh vào mặt Lục-Phỉ-Thanh.

Vì không kịp đề phòng, Lục-Phỉ-Thanh bị độc thủ của Thiết-Cầm-Sát đánh trúng hai cái vào chỗ nhược. Tuy nhiên, Lục-Phỉ-Thanh là cao thủ bậc nhất của Võ-Đang phái nên dù thất thế nhưng tinh-thần không bấn loạn. Hai tay ông chắp lại, dùng để hộ vệ các huyệt đạo trên người, và tránh được ba chiêu kế tiếp của Tiêu-Văn-Kỳ.

Lục-Phỉ-Thanh thối lui ba bước, không nói một tiếng nào, điều thần vận khí ngầm điều trị. Ông ta biết là khi bị trọng thương thì nếu để hỉ nộ ái ố phát ra ắt nguy đến tánh mạng.

Tiêu-Văn-Kỳ được nước nên thừa thắng xông lên, không để cho Lục-Phỉ-Thanh có cơ-hội nghỉ ngơi dưỡng sức. Hắn giở hết những độc chiêu của Thiết Cầm Sát ra quyết giết cho bằng được đối phương.

Lục-Phỉ-Thanh nín thở, nhịn đau, rút Bạch-Long kiếm ra chém nhầu ba nhát. Tiêu-Văn-Kỳ kinh hãi, lách mình ra sau, miện la lớn:

-Anh em mau xông cả vào! Đừng để chậm trễ, không thì tôi chết mất!

Hạ-Nhân-Long lẳng lặng rút thanh Ngô-Câu kiếm phân ra trên dưới hai đường hươi lên vùn vụt, một nhát đâm ngay yết hầu, còn một nhát móc ngay sườn Lục-Phỉ-Thanh, khí thế mạnh bạo, mười phần hiểm ác.

Tuy gọi là kiếm nhưng kỳ thực Ngô-Câu kiếm là một cặp song-câu, vừa sử dụng được như kiếm, vừa sử dụng được như câu; đâm chém thì theo kiếm-pháp, còn móc, giật, nghéo, mổ thì theo câu-pháp, tiện lợi cả hai bề. Tóm lại, Ngô-Câu kiếm có thể sử dụng được như song kiếm, song câu, hay một kiếm một câu.

Song-câu không được liệt vào hàng 18 món binh-khí chánh-tông. Nhưng nó là một món vũ-khí giết người lọi hại, lại khó luyện nên người làm tướng ít dùng. Chỉ có những tay giang-hồ hành hiệp bản-lãnh cao-siêu mới có thể rèn luyện và sử dụng nó đúng mức mà thôi. Song-câu vừa công được, vừa thủ được. Nhưng người sử dụng nó nếu không luyện đến mức tinh-vi rất có thể bị nó phản lại làm nguy hiểm đến tánh mạng. Lúc luyện tập nếu sơ ý cũng có thể bị thương như không. Khi song câu tung ra thì phải lập tức thu lại ngay, vì nếu chậm tay bị đối thủ phản công lại thì có nước chết không kịp ngáp!

Lục-Phỉ-Thanh thấy Hạ-Nhân-Long hai tay sử dụng song-câu, mà mình lại đang bị trọng thương thì không dám khinh địch liền dùng ngay thế Hạnh Hoa Xuân Vũ trong Nhu-Vân-Kiếm-Thuật, là một lối kiếm-pháp có thể vừa công vừa thủ.

Hạ-Nhân-Long vừa đỡ được chiêu Hạnh Hoa Xuân Vũ thì Lục-Phỉ-Thanh lại đánh tiếp một đòn Tam Hoàn Âm Nguyệt làm cho y rối loạn tâm-thầm. Cặp Ngô-Câu kiếm của hắn bị lép vế hẳn, không còn lợi hại như lúc đầu nữa. Từ thế công, Hạ-Nhân-Long bị dồn vào thế thủ.

La-Tín đứng ngoài biết Hạ-Nhân-Long không phải là đối thủ của Lục-Phỉ-Thanh bèn rút cây Thất Thiết Cương Tiên to lớn nhảy vào trợ lực.

Lục-Phỉ-Thanh biết mình trong thế mệt đấu khoẻ nên không muốn dùng sức đối chọi với La-Tín. Thay vì dùng Bạch-Long kiếm chọi thẳng với cây roi sắt to lớn, ông ta xoay lưỡi kiếm, nhắm mấy ngón tay của La-Tín mà chém. La-Tín la lên một tiếng "Ối!" rồi buông cây Thất Thiết Cương Tiên xuống đất rồi nhảy ra khỏi vòng chiến.

Tiêu-Văn-Kỳ thừa cơ bất ý lanh lẹ đánh ra một đòn mạnh mẽ sau lưng nơi bả vai của Lục-Phỉ-Thanh.

Năm trước, Tiêu-Văn-Kỳ đến Lạc-Dương thụ-giáo với họ Hàn. Ngoài chưởng-pháp, họ Hàn còn dùng một thứ gang rất tinh khiết gọi là tinh-cương chế tại ra một món vũ khí gọi là Thiết Cầm Sát.

Hàn gia vốn nổi tiếng về môn Thiết Cầm Sát, truyền đến người con gái thứ năm là Hàn-Ngũ-Nương thì không còn ở chốn phồn hoa đô hội nữa mà lên chốn thâm-sơn để cố luyện cho tuyệt-kỹ mình ngày môt thêm tinh-vi.

Thứ vũ-khí này hai đầu thì nhọn, hai bên thì sắc; khi công thì chẳng khác gì cây khai sơn đại phủ (#6), khi thủ thì giống như một cái khiên. (#7) Trong ruột, Thiết Cầm Sát trống rỗng như như lòng một ống đồng chứa được 12 cây đinh nhọn y hệt như mũi tên gõi là Cầm Sát đinh. Một vũ-khí có đến ba cái lợi hại như vậy thì đủ hiểu nguy cơ thế nào cho người phải đối phó cùng nó.

Tiêu-Văn-Kỳ được họ Hàn truyền dạy cho cả chưởng-pháp lẫn Thiết Cầm Sát. Cây Thiết Cầm Sát của hắn là vật mà con gái nhà họ Hàn chỉ dùng để tập luyện nên y thường bị giới giang-hồ chê bai ố ngạo. Tiêu-Văn-Kỳ rất lấy làm khó chịu. Do đó, y mới dùng tinh-cương đập thành một cây thiết bài để cầm tay cho oai. So với Thiết Cầm Sát của họ Hàn thì có khác đôi chút, nhưng cách sử dụng thì không sai biệt tí nào.

Lục-Phỉ-Thanh nghe sau lưng có tiếng gió liền nhảy qua một bên. Thế là Thiết Bài của Tiêu-Văn-Kỳ đã đánh trật. Lục-Phỉ-Thanh kế đến xoay mình hớt cho Tiêu-Văn-Kỳ một nhát kiếm lẹ như sao xẹt.

Tiêu-Văn-Kỳ lấy Thiết-bài ra chống đỡ, nhưng bị Nhu-Vân-Kiếm của Lục-Phỉ-Thanh chém tơi bời như mưa tuôn, lá rụng. Theo định luật thường thì bất luận là sử dụng quyền hay vũ-khí, hễ một khi đánh ra một chiêu thì tay hoặc khí-giới phải thu về rồi mới có thể đánh tiếp chiêu thứ hai được. Nhưng Nhu-Vân-Kiếm là một môn tuyệt kỹ hiếm có. Một khi đã rèn luyện tinh thông thì sau khi xuất chiêu, mặc cho đối phương né tránh hay đón đỡ cách nào, vẫn có thể chém tiếp nhiều nhát kế tiếp nữa. Lối đánh đó thường làm hoa mắt đối phương. Nội lo mà chống đỡ cũng đã mệt rồi chứ đừng nói là phản công.

Hạ-Nhân-Long và La-Tín thấy Tiêu-Văn-Kỳ bị Lục-Phỉ-Thanh dùng Bạch-Long kiếm đàn áp liên miên, tay chân luống cuống hết cả, tình trạng hết sức khốn đốn. Hai người láy mắt bảo nhau rồi chia hai phía tả hữu xông vào trợ chiến, đánh rất hăng.

Một cây Thiết-bài, Một cây Thất Tiết Cương Tiên và một cặp Ngô-câu kiếm vây chặt Lục-Phỉ-Thanh vào giữa.

Lục-Phỉ-Thanh sau khi bất cẩn trúng phải độc thủ của Tiêu-Văn-Kỳ, giờ lại phải luôn tay chống đỡ với ba người nên sức lực có kém đi, và vết thương bắt đầu hành hạ thật khó chịu.

Lục-Phỉ-Thanh biết nội thương đã bắt đầu bộc phát. Nếu kéo dài cuộc đấu thì rất có thể đưa tánh mạng mình đến chỗ hiểm nghèo. Nhu-Vân-Kiếm tuy lợi hại nhưng thật khó một lúc mà hạ được cả ba tên cường địch. Còn như đánh vẹt một mạng để dùng thuật phi hành mà tẩu thoát thì không phải là thượng sách. Ông ta đang bị thương, chân khí suy giảm rất nhiều. Do đó thuật phi hành sẽ chậm đi nhiều. Nếu bị hai tên đuồi theo thì thật khó lòng mà thoát khỏi.

Thật sự lúc này ba người chỉ cần cầm cự ngang ngửa với Lục-Phỉ-Thanh mà thôi vì chúng biết trận đấu càng kéo dài thì phần thắng sẽ về chúng. Lục-Phỉ-Thanh vừa đánh cầm chừng, vừa than thầm:

-Không ngờ Lục-Phỉ-Thanh hôm nay phải chết dưới tay ba con chuột như thế nào, hỡi ôi!

Nhưng rồi ông ta lại nghĩ:

-Quân-tử phục thù, mười năm chưa muộn. Việc gì mà ta phải liều lĩnh với chúng chứ! Hãy tìm kế thoát thân rồi sau này sẽ tìm đám Quảng-Đông Lục Ma thanh toán món nợ này sau có hơn không.

Nghĩ đoạn, lòng Lục-Phỉ-Thanh lắng dịu lại, không còn nghĩ đến chuyện đấu trí mạng nữa. Ông ta định thần lại để vết thương không vì xúc động mà phát ra. Thanh Bạch-Long kiếm bỗng từ thế công xoay sang thế thủ, dùng để hộ thân chứ không còn đâm chém loạn xạ nữa.

Thấy thế, bọn Tiêu-Văn-Kỳ mừng thầm vì tưởng lầm là Lục-Phỉ-Thanh đã kiệt sức, chỉ còn sức thủ mà không còn sức công nữa.

La-Tín la lớn:

-Hắn kiệt lực rồi! Tiêu tam ca, đừng cho hắn nghỉ tay. Cứ dồn hắn vào giữa mà đánh thì không giết được hắn cũng có thể bắt sống được.

Tiêu-Văn-Kỳ đáp:

-La hiền-đệ! Anh nhường cái đầu hắn cho em đó. Hãy chặt lấy đem về cho triều-đình mà lập công. Mạng hắn sắp tận rồi!

Ha-Nhân-Long cũng xen lời, nói:

-Kiếm-thuật hắn còn lợi hại lắm, chưa thể giết hắn ngay được. Chúng ta hợp nhau lại làm nhục hắn một phen cho hả giận đã. Kìa, hai tay hắn bủn rủn cả rồi!

Cả ba vui mừng reo hò rồi cùng tiếp tục hợp sức tấn công Lục-Phỉ-Thanh tới tấp, tưởng như cá đã vào rọ, chỉ cần tháo gỡ đem về nhà mà làm thịt thôi.

Lục-Phỉ-Thanh không chút giận dữ trước những lời của bọn Tiêu-Văn-Kỳ. Ông bình tĩnh sử dụng Bạch-Long kiếm, đem những đường gươm tuyệt diệu trong Nhu-Vân kiếm-thuật ra ứng phó. Lục-Phỉ-Thanh quát lên một tiếng, nhắm La-Tín chém liền hai nhát ngang phía cổ. La-Tín hoảng hốt lùi ra sau mấy bước, để hở ra một khoảng trống giữa vòng vây.

Lục-Phỉ-Thanh không bỏ lỡ cơ-hội, liền dùng ngay thế Mãn Thiên Hoa Vũ. Kiếm quang xẹt qua xẹt lại, tả hữu, trên dưới, trước sau, như bão táp mưa sa. Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long cả kinh tránh né liên hồi. Lục-Phỉ-Thanh liền tung người một cái đã ra được khỏi vòng vây.

La-Tín thất thanh kêu lên:

-Không xong! Tên giặc già này toan chạy trốn. Đừng cho nó trốn thoát!

Dứt lời, y bèn rượt theo Lục-Phỉ-Thanh. Mé sau, Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long cũng nhập bọn. Thấy dùng khinh công khó theo kịp nổi Lục-Phỉ-Thanh, Tiêu-Văn-Kỳ liền cầm Thiết-bài nhắm về phía Lục-Phỉ-Thanh bắn ra ba mũi Cầm-sát đinh.

Lục-Phỉ-Thanh vốn đã đề-phòng ám toán nên chỉ nghe tiếng gió là đã biết ngay. Ông ta dùng kiếm gạt được hai mũi đinh đồng thời tung mình lên để tránh mũi thứ ba. Tiêu-Văn-Kỳ lại phóng thêm ba mũi Cầm-sát đinh ra ba phía, mục-đích không để cho Lục-Phỉ-Thanh dùng khinh công tẩu thoát được nữa.

Thấy cả ba mặt đếu có ám-khí phóng tới, Lục-Phỉ-Thanh liền đứng nguyên tại chỗ lấy tay bắt từng cái một.

Lục-Phỉ-Thanh biết ám-khí Cầm-sát đinh này của Tiêu-Văn-Kỳ rất lợi hại, không thể để cho nó ghim vào thân thể được. Vì người trúng phải Cầm-sát đinh rồi thì có rút được ra thì da thịt mình cũng bị dính vào đó mà theo ra. Nhưng nếu cứ để yên như vậy thì chỉ sau một thời gian ngắn ngủi là phải chết.

Những môn phái chính tông như Thiếu-Lâm và Võ-Đang không bao giờ dùng ám-khí để đánh với bất cứ ai, và gần như cấm hẳn môn-đồ không được học hay sử dụng nó. Vì bôn tẩu giang-hồ đã nhiều nên kiến-thức Lục-Phỉ-Thanh rất rộng, biết rõ từng loại ám-khí cũng như sự lợi hại của nó. Chính ông ta cũng biết sử dụng một số ám-khí, nhưng không bao giờ thèm dùng đến, vì cho rằng dùng ám-khí là do ở sự khiếp nhược đối phương, không dám tự tin vào võ công để quyết đấu. Vì vậy, dù lâm vào đường cùng, Lục-Phỉ-Thanh vẫn không nghi đến việc dùng ám-khí để trả đũa.

Đứng bắt ám-khí một hồi, Lục-Phỉ-Thanh thấy không có lợi nên bèn đợi lúc thuận tiện, dùng khinh công mà tẩu thoát.

Xuống được dưới chân đồi, Lục-Phỉ-Thanh mới hơi yên tâm vì biết bọn Tiêu-Văn-Kỳ không dễ gì theo kịp được mình. Nhưng rủi thay, chưa kịp nghỉ chân được bao lâu thì nội thương của ông ta lại tái phát.

Lục-Phỉ-Thanh cảm thấy hết sức đau đớn từ trong bụng mà ra, mắt thì hoa cả lên, mặt mày xay xẩm.

Bọn Tiêu-Văn-Kỳ lúc đó đã đuổi đến nơi. Thấy Lục-Phỉ-Thanh đứng không muốn vững thì biết ngay ông ta đang bị nội thương hoành hành. Cả ba cùng vui mừng hớn hở, lại vây chặt lấy Lục-Phỉ-Thanh mà tấn công ồ ạt, mạnh bạo hơn nữa.

Lục-Phỉ-Thanh gắng gượng, chống cự với ba người hơn mười hiệp nữa. Vì dùng sức quá nhiều ở cánh tay mặt nên bên hông mặt chợt đau nhói lên, Lục-Phỉ-Thanh liền chuyển kiếm sang tay trái nhắm Tiêu-Văn-Kỳ tấn công mãnh-liệt.

Tiêu-Văn-Kỳ bị kiếm-thuật lạ lùng của Lục-Phỉ-Thanh tấn công bất thình lình thì hoảng hốt thối lui ra sau mấy bước. Thừa cơ hội tốt đó, Lục-Phỉ-Thanh dùng tay mặt phóng ra một chiêu Bạch Hồng Quán Nhật nhắm ngay Hạ-Nhân-Long chém bổ xuống.

Hạ-Nhân-Long vội vã tránh sang bên trái, lại bị ngọn kiếm của Lục-Phỉ-Thanh chém phớt qua một thế rất hiểm ác. Hạ-Nhân-Long lại né sang bên phải thì mặt chạm phải những tia hào quang của bảo kiếm làm chói mắt.

Ngọc-Phán-Quan cả sợ, không còn cách nào tránh đòn cho dịp được nữa. Tánh mạng y chẳng khác nào như sợi chỉ treo chuông, mười phần nguy hiểm cả mười. Nhưng y trí óc y cũng khá linh mẫn. Trong lúc cấp bách, y chợt nghĩ ra được một cách là nằm dài trên mặt đất loan song câu đón đỡ.

Lục-Phỉ-Thanh toan đánh bạt song-câu của Hạ-Nhân-Long thì nghe hơi gió phớt qua đàng sau gáy. Thì ra La-Tín dùng cây Cương-tiên sử dụng thế Thái Sơn Yểm Đinh đánh sả xuống vai Lục-Phỉ-Thanh một cái hết sức mạnh mẽ. Lục-Phỉ-Thanh hai gót chân trụ vững, rùn mình nhảy vọt tới như một lằn tên, thuận tay điểm trúng vào Huyết Môn Huyệt của La-Tín.

Cây Cương-tiên của La-Tín đã lỡ đà, tuy hắn biết là không thể nào đánh trúng được Lục-Phỉ-Thanh được nữa nhưng không cách nào thu về kịp. Chát một tiếng, cây Cương-tiên đập đúng ngay tảng đá phía dưới đến tóe lửa. Rồi ối một tiếng, cả thân thể La-Tín sau đó mềm nhũn ra, không còn cử động được nữa vì huyệt-đạo của hắn đã bị Lục-Phỉ-Thanh điểm trúng.

Tiêu-Văn-Kỳ dốc toàn lực, phóng ra thêm ba cây Thiế-Cầm đinh bay vù tới sau lưng Lục-Phỉ-Thanh. Thấy không thể tránh né kịp, Lục-Phỉ-Thanh chụp ngay La-Tín làm bia đỡ. Một tiếng rú phát lên rùng rợn, cả ba cây ám-khí đã ghim sâu vào bụng La-Tín chết không kịp ngáp.

Thấy ám-khí của mình không hại được kẻ địch mà lại giết oan đồng bọn, Tiêu-Văn-Kỳ lửa giận phừng phừng, cầm cây Thiết-bài đánh đông chém tây, khí thế vô cùng hiểm ác.

Lúc ấy Hạ-Nhân-Long cũng vừa mới vùng dậy được. Lục-Phỉ-Thanh nghĩ rằng trừ khử được tên nào càng sớm càng hay nên tay trái hươi thanh Bạch-Long kiếm chém vụt một đường.

Hạ-Nhân-Long hoảng sợ, lùi lại một bước. Tiêu-Văn-Kỳ xông tới dùng Thiết-bài bổ vào Lục-Phỉ-Thanh, buộc ông ta phải quay mình tránh né. Nhờ vậy, Hạ-Nhân-Long mới thoát được nguy hiểm. Y bèn nhảy vào trợ chiến với Tiêu-Văn-Kỳ.

Mặc dù tránh được Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ, nhưng vết thương trong người Lục-Phỉ-Thanh lại bị động, càng lúc càng đau đớn nên tiềm-lực chiến đấu của ông ta vì thế mà giảm đi, không còn được hăng như trước nữa.

Tiêu-Văn-Kỳ thấy vậy mừng rỡ, nỗ lực đánh rấn lên, giở hết những đòn tuyệt-kỹ ra quyết hạ địch. Cây Thiết-bài trên dưới, tả hữu, liên tiếp tấn công Lục-Phỉ-Thanh không ngừng.

Đột nhiên, Tiêu-Văn-Kỳ từ đâu nhìn thấy thanh Bạch-Long kiếm của Lục-Phỉ-Thanh như một lằn sét trên cao chém xuống. Thấy Tiêu-Văn-Kỳ thất thế, Hạ-Nhân-Long bèn đưa cây Ngô-Câu kiếm ra đỡ cản lại. Chằng ngờ sau đó Lục-Phỉ-Thanh bất ngờ dùng trọng-thủ pháp-túc công-lực, một chân đá và một tay đánh rớt cả cặp Ngô-Câu kiếm của Ngọc-Phán-Quan xuống đất. Còn thanh Bạch-Long kiếm vì không bị ngăn trở nữa nên cứ thế mà nhắm ngay bụng Hạ-Nhân-Long đâm tới. Hết đường tránh né, Hạ-Nhân-Long bị đâm một nhát từ bụng xuyên qua lưng, ngã lăn ra chết trên vũng máu.

Hạ sát xong Hạ-Nhân-Long, Lục-Phỉ-Thanh quay mình lại đối phó luôn với Tiêu-Văn-Kỳ. Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ đánh ra chưa kịp thâu lại thì hắn nghe khắp người đau đớn nhức nhối không làm sao chịu nổi. Đôi mắt Tiêu-Văn-Kỳ hoa lên, trông thấy phía trước đen thui như mực, chẳng còn phân biệt được gì nữa...

Có thể nói là Lục-Phỉ-Thanh đã đến đường cùng nên đâm ra liều lĩnh và bất chấp hậu quả. Đang lúc đánh với Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long thì bị vết thương hành hạ đau đớn khôn tả. Biết không thể kéo dài thêm được nữa, Lục-Phỉ-Thanh nghiến răng, vận nội công chịu đựng một Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ đánh vào bả vai mình để có thì giờ phóng kiếm giết Hạ-Nhân-Long trước. Kết liễu tánh mạng Hạ-Nhân-Long xong, Lục-Phỉ-Thanh liền dùng năm ngọn Phù-Dung châm nhắm thẳng Tiêu-Văn-Kỳ bắn ra một lượt. Vốn dĩ Tiêu-Văn-kỳ đứng cách Lục-Phỉ-Thanh không xa mà kỹ-thuật dụng châm của Lục-Phỉ-Thanh lại nhanh như chớp, đồng thời kim châm lại nhỏ như sợi tóc thì làm sao Tiêu-Văn-Kỳ tránh cho khỏi! Vừa hí hửng đánh trúng được Lục-Phỉ-Thanh một Thiết-bài chưa kịp thâu về thì đôi mắt Tiêu-Văn-Kỳ bị năm ngọn Phù-Dung châm ghim vào. Lục-Phỉ-Thanh giận Tiêu-Văn-Kỳ lòng dạ độc ác nên mới hạ độc-thủ đến mức đó, chứ xưa nay, ông chưa hề sử dụng ám-khí với bất cứ ai, dù là kẻ thù.

Tiêu-Văn-Kỳ sau khi trúng châm mù cả đôi mắt thì đau đớn, đứng trơ ra như một thây ma chết. Lục-Phỉ-Thanh sấn tới, hai tay dùng một thế Câu Tiên Quyền kết liễu mạng sống của y để trừ hậu hoạn.

Sau bao năm ẩn-tích, Lục-Phỉ-Thanh chỉ trong một đêm vì phải hạ sát ba kẻ tử thù đã phải thi triển hết tất cả bình-sinh tuyệt kỹ, từ quyền cước nội công, phép điểm huyệt cho đến kiếm-pháp, thậm chí cả ám-khí nữa!

Vẫn biết là hạ sát Tiêu-Văn-Kỳ thì mối thâm thù với Quảng-Đông Lục Ma sẽ càng ngày càng kết chặt thêm. Nhưng nếu không hạ độc thủ thì không cách nào được toàn tánh mạng đêm nay được. Đó là một sự bất đắc dĩ mà thôi!

Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ, nếu để xác Tiêu-Văn-Kỳ lại sẽ có nhiều bất tiện nên phải cố làm sao tìm cách nào để phi tang...

Rừng khuya vắng vẻ. Gió thổi lành lạnh... Ánh trăng mờ trong vầng mây đen lố dạng rọi vào ba tử thi đẫm máu trên ngọn cỏ điểm sương. Tiếng chim kêu về đêm nghe càng buồn thảm. Lục-Phỉ-Thanh tuy là một người có bản lãnh cao siêu, khí khái can trường, nhưng không hiểu sao vẫn cảm thấy ghê rợn thế nào!

Lục-Phỉ-Thanh cởi chiếc áo trong người ra, lấy tay xoa nhẹ trên vết thương ở bả vai bên trái rồi đứng thẳn người lên, dùng phép hô-hấp hít thở không khí để bồi nguyên lực trở lại. Sau đó, ông ta mới lau sạch thanh Bạch-Long kiếm rồi tra lại vào vỏ. Vốn là người tinh tế, Lục-Phỉ-Thanh thu hồi năm ngọn Phù-Dung kim-châm trong đôi mắt của Tiêu-Văn-Kỳ cất kỹ rồi mới đào lỗ chôn ba tử thi kỹ-lưỡng xuống dưới chân gò hoang rồi sau đó mới khỏa bằng. (#8) Làm xong từng ấy việc, Lục-Phỉ-Thanh nghe trong người mệt mỏi yếu đuối vô cùng. Khắp mình mẩy ông ta lại vấy đầy máu me tanh tưởi, hôi hám.

Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ nếu cứ như vậy mà đi ngoài đường sá thì không cách nào khỏi bị tình nghi, và bắt buộc nhà chức trách sẽ phải theo dõi. Suy nghĩ thật chín chắn, Lục-Phỉ-Thanh thấy không còn cách nào hơn là trở về lại tư dinh của Lý-Khả-Tú để tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo thì mới có thể đi đâu thì đi.

Ý định của Lục-Phỉ-Thanh là vậy. Chẳng ngờ hôm ấy Lý-Mộng-Ngọc dậy sớm hơn thường ngày và đến thư phòng của Lục-Phỉ-Thanh nên thành thử mọi chuyện đều bại lộ, không còn theo như dự tính được nữa...

Sau khi Lý-Mộng-Ngọc vâng lời ra khỏi thư phòng, Lục-Phỉ-Thanh nằm trên giường nghe vết thương đau nhức không chịu nổi, nằm hôn mê đi lúc nào không biết...

Lục-Phỉ-Thanh đang mơ mơ màng màng thì thấy có bóng người đứng sát bên giường mình rồi tai nghe như có tiếng ai gọi nhỏ:

-Lão sư! Lão sư mau tỉnh lại!

Lục-Phỉ-Thanh cố gắng mở hai mi mắt nặng nề ra thì thấy người đó không phải ai xa lạ mà chính là đứa nữ đệ-tử yêu quý bấy lâu nay là Lý-Mộng-Ngọc...

Trong hai tháng trời kế tiếp được nghỉ dạy, chỉ nằm yên một chỗ mà dưỡng bệnh lại nhờ có nội công phi phàm nên Lục-Phi-Thanh lần hồi bình phục lại được rất nhiều. Thêm vào đó, nhờ có Lý-Mộng-Ngọc xin với cha tìm thầy giỏi đến săn sóc, mua đủ các loại thuốc tốt để điều-trị nên nội thương của Lục-Phỉ-Thanh không còn điều gì phải lo ngại nữa.

Suốt hai tháng trời, giờ khắc nào Lý-Mộng-Ngọc cũng đều có mặt ngay bên cạnh Lục-Phỉ-Thanh săn sóc tận tình, chăm lo hết dạ.

Người bình thường sẽ cho đó là cái tình thầy trò gắn bó nên Lý-Mộng-Ngọc ân cần lo cho trọn đạo, nhưng nào biết trong thâm tâm Lý-Mộng-Ngọc còn có những ý nghĩ khác hơn.

Từ hôm chính mắt được trông thấy ngón tuyệt-kỹ của Lục-Phỉ-Thanh dùng Phù-Dung châm bắn chết những con ruồi trên bảng, Lý-Mộng-Ngọc bắt đầu để ý. Qua ngày thứ hai, nàng lại càng thắc mắc thêm về hành tung kỳ bí của sư-phụ nàng hơn nữa. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng thông-minh vốn sẵn tính trời nên Lý-Mộng-Ngọc có được kiến-thức để suy luận.

Nàng tin chắc Lục-Phỉ-Thanh không phải chỉ là một cụ đồ già ngâm thơ vịnh phú mà là một nhân vật có nhiều bản lãnh phi thường. Nghĩ như vậy cho nên Lý-Mộng-Ngọc mới hết lòng săn sóc cho Lục-Phỉ-Thanh trong những ngày bệnh hoạn với hy-vọng học được nơi ông ta bản-lãnh chân truyền sau này.

Sau khi lành vết thương, bình-phục lại sức khỏe, Lục-Phỉ-Thanh nhớ ơn và cảm kích thịnh tình của Lý-Mộng-Ngọc đã tận tình chăm sóc cho mình trong cơn hoạn nạn. Lý-Mộng-Ngọc cũng giữ kín những điều mắt thấy tai nghe về Lục-Phỉ-Thanh mà chẳng bao giờ rỉ hơi ra cho một ai để ý.

Một hôm, thấy Lục-Phỉ-Thanh hoàn toàn khỏe khoắn lại, Lý-Mộng-Ngọc gợi ý hỏi:

-Thưa thầy, chẳng hay bao giờ thầy bắt đầu dạy dỗ con lại? Thầy sẽ tiếp tục giảng về Sử-Ký cho con hay giảng về điều gì khác hơn?

Lục-Phỉ-Thanh trầm ngâm một lúc rồi đáp:

-Sáng sớm ngày mai thầy sẽ bắt đầu.

Sáng sớm hôm sau, khi bình-minh vừa ló dạng, Lục-Phỉ-Thanh đã gọi đứa thư-đồng (#9) dậy, sai ra phố mua mua giấy mực cần dùng. Đứa thư-đồng đi rồi, Lục-Phỉ-Thanh mới gọi Lý-Mộng-Ngọc đến gần mình mà nói rằng:

-Mộng-Ngọc! Con là một đứa trẻ rất thông-minh nên mới đoán được thầy là một nhân-vật thế nào. Tuy vậy, hành tung của thầy ra sao con cũng không làm sao hoàn toàn hiểu biết được đâu. Lần này thầy gắp đại nạn được con hết lòng chăm lo săn sóc, thật đến người thân thích thuộc cũng không làm sao hơn được. Thầy thật cảm động vô cùng. Lần đầu khi để thư lại, thầy quyết ra đi không còn trở lại đây nữa. Và khi quay về lần thứ hai, trong thâm tâm thầy cũng định sẽ lại ra đi tiếp. Thế nhưng bây giờ thì thầy không thể bỏ con mà đi được nữa. Như vậy con đủ hiểu lòng thầy đối với con, trìu mến con đến thế nào rồi. Cho dù thầy không nói, chắc con cũng tự tìm hiểu được. Thầy cũng chẳng giấu diếm con nữa. Hôm nay thầy đem ngón tuyệt kỹ về kim châm ra truyền lại cho con. Con có bằng lòng không?

Được nghe những lời chân thật tha thiết thốt ra từ đáy lòng của vị sư-phụ, Lý-Mộng-Ngọc vui mừng không biết tả sao cho xiết. Nàng quỳ xuống trước mặt Lục-Phỉ-Thanh lạy thầy ba lạy, làm lễ nhập môn.

Lục-Phỉ-Thanh nhìn đứa học-trò cưng nở một nụ cười sung sướng. Sau đó ông ta nghiêm sắc mặt nói với Mộng-Ngọc:

-Thầy biết rõ tính tình con cứng rắn lắm. Nếu đem võ công của môn phái thầy mà dạy cho con e có điều bất lợi. Do đó mà suốt bao lâu nay dạy con học đạo-lý văn-chương chẳng lúc nào thầy tỏ cho con biết là thầy có bản lãnh cả. Không tỏ cho con biết là không có ý định truyền võ-nghệ của môn phái thầy lại cho con. Đến giờ phút này, cảm lòng thành khẩn của con, lại nhận xét thêm về tư chất của con, thầy vẫn còn phân vân chưa quyết. Có vài lần thầy định gọi con đến để truyền dạy nhưng rồi lại thôi! Chỉ vì...

Nói đến đây, Lục-Phỉ-Thanh trầm ngâm suy nghĩ giây lâu mà không tiếp tục được lời nào. Lý-Mộng-Ngọc thấy vậy càng hồi hộp trong lòng nên đánh bạo thưa rằng:

-Thưa thầy. Con nhất định tuân theo lời thầy dạy bảo, quyết chẳng bao giờ làm sai.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Việc của lệnh trên làm thật thầy không tán thành tí nào cả! Một ngày nào, khi con khôn lớn, biết phân-biệt phải trái, chánh tà, thầy sẽ chỉ bảo sau. Hôm nay con đã đã lạy thầy làm lễ bái sư chịu làm đệ-tử thì trước nhất con phải nghiêm giữ những giới điều trong môn phái của thầy. Con có bằng lòng như vậy chăng?

Lý-Mộng-Ngọc thưa:

-Những lời của lão sư dạy bảo, con xin ghi lòng tạc dạ, không bao giờ dám làm tái ý, nghĩa là không dám vi bội lời thầy.

Lục-Phỉ-Thanh gật đầu, nói:

-Trước hết thầy cho con biết là nếu sau này con dùng võ công tuyệt đỉnh của thầy truyền dạy mà giúp Kiệt làm dữ (#10) thì tình thầy trò của chúng ta không còn nữa. Và khi đó, chính thầy sẽ phải đi lấy đầu của con đó.

Lời nói Lục-Phỉ-Thanh hết sức nghiêm-nghị, Lý-Mộng-Ngọc sợ sệt, chẳng dám hó hé, chỉ biết cúi đầu vâng dạ.

Sau đó, Lục-Phỉ-Thanh tỉ mỉ từng ly từng tí ân cần chỉ dạy cho Lý-Mộng-Ngọc cách điều thần luyện khí, dạy cách thức để làm sao luyện cho được cơ bản của 10 ngón tuyệt-kỹ là Thập Hà Cẩm, 37 thế trường quyền. Trưóc tiên dạy cách luyện sức, sau dạy cách luyện quyền để khi tuôn ra có sức mạnh như ngăn sông đóa núi (#11) được.

Kế tiếp, Lục-Phỉ-Thanh lại dạy ngón Vô Cực Huyền Công khi xuất chiêu tựa như phun lửa. Ngoài ra, ông còn dạy Lý-Mộng-Ngọc các phương-pháp luyện mắt, luyện tai, phóng đạn buông tên bằn hai tay cùng những cơ-bản dùng ám-khí lợi hại.

Chỉ trong hai năm, một phần nhờ vào sự thông-minh của Lý-Mộng-Ngọc; một phần nhờ Lục-Phỉ-Thanh tận tình chỉ dạy có phương-pháp; sự tiến bộ thật là phi thường, nhanh chóng trông thấy rõ rệt, chẳng khác gì một con thiên-lý mã ngày đi ngàn dặm, học một biết thêm mười.

Lục-Phỉ-Thanh thấy Lý-Mộng-Ngọc đã thông-minh lại chăm chỉ luyện tập nên tiếp tục đem sở học bình-sinh của mình mà truyền dạy mà không tiếc.

Hai năm nữa trôi qua, Lục-Phỉ-Thanh mới đem Nhu-Vân kiếm thuật và Phù-Dung Kim Châm ra dạy cho Lý-Mộng-Ngọc.

Sau 5 năm khổ luyện, Lý-Mộng-Ngọc đã rành hết mọi thứ, từ Kim-châm cho đến Kiếm-thuật; Khinh-công, Quyền-cước..., môn nào cũng đến mức cao siêu huyền diệu, chỉ có một điều là chưa đạt được đến mức Lôi-hỏa của tuyệt-kỹ công-phu mà thôi.

Và cũng vì lẽ chỉ học trong nhà, chưa có dịp ra ngoài thi thố võ công nên kinh-nghiệm chiến-trường Lý-Mộng-Ngọc chưa có được. Bản tính nàng lại cẩn-thận và kín đáo nên không để những điều dạy dỗ của Lục-Phỉ-Thanh lọt ra ngoài.

Cứ mỗi ngày vào giờ ấn-định, Lý-Mộng-Ngọc một mình ra vườn hoa sau tập luyện võ-nghệ. Từ nhỏ Lý-Mộng-Ngọc đã ham đánh quyền múa kiếm nên khi thấy nàng tập luyện, không một ai để ý hay nghi ngờ điều gì.

Và sau 5 năm trời đó, cha nàng là Lý-Khả-Tú được tiếp tục thăng quan đều đặn, và giờ đây được triều-đình gia phong chức Đại-Tướng-Quân An-Biên-Hầu, danh tiếng vang dội khắp gần xa.

Năm Càn-Long thứ 23, nhờ lập được nhiều chiến công hiển hách, Lý-Khả-Tú được bổ-nhiệm trấn-thủ tỉnh Triết-Giang. Ngày lâm hành, tự lãnh đám khinh-kỵ đi trước đến nhiệm-lý. Tất cả gia-quyến cùng gia-sản, Lý-Khả-Tú cho quân-sĩ đi hộ vệ ở đàng sau. Lý-Mộng-Ngọc vốn sinh trưởng tại vùng biên-ải. Đây là lần đầu tiên được dịp ra ngoài chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh núi xanh sông biếc, cả một giải giang-san cẩm tú của vùng Giang-Nam nên lòng rất lấy làm thích thú.

Còn Lục-Phỉ-Thanh vì lánh nạn nên phải xa lìa nội địa lâu ngày. Giờ đây có dịp trở lại chốn làng cũ quê xưa sau bao năm cách biệt nên lòng cảm thấy khoan khoái vô ngần. Nhưng nghĩ đến cảnh sơn hà đổi chủ (#12), trong lòng Lục-Phỉ-Thanh cũng không khỏi bùi ngùi. Ngựa ông ta cỡi lọt lại đàng sau lúc nào mà cũng không hay.

Lục-Phỉ-Thanh cùng với bọn gia-đinh chở đồ tế nhuyễn của Lý-Khả-Tú trên mấy chục cỗ xe ngựa ì-ạch trên lộ trường.

Lý thái-thái, mẹ của Lý-Khả-Tú ngồi trong một chiếc kiệu có bốn người khiêng, còn Lý-Mộng-Ngọc thì lại cỡi ngựa sải bay dặm thỏ.

Đáng lý ra các cô khuê-nữ phải ngồi trong kiệu mới phải chứ lẽ nào lại đi cỡi ngựa rong cương? Chỉ vì Lý-Mộng-Ngọc từ nhỏ đã háo võ nên lúc nào nàng cũng dạn dĩ, hăng say hoạt động như các đấng mày râu. Lần này nàng lại mặc y-phục cải nam trang nên chỉ trừ người thân, không ai biết nàng là một thiên kim tiểu-thư, con của một vị tướng-quân quyền uy dang vọng.

Tính tình Lý-Mộng-Ngọc lại giống hệt như thanh-niên, từ cách đi đứng, nói cười tự-nhiên nên khi khoác vào y-phục của phái nam thì trông chẳng khác gì một trang phong-lưu anh tuấn.

Lý thái-thái ngồi trong kiệu nhìn thấy đứa cháu nội gái lầm lẫm uy-nghi khẽ nhếch một nụ cười đắc ý, để mặc cho y thị tự-do không cần câu thúc.

Lý-Khả-Tú chọn một vài tên lính tâm phúc giao cho một viên tham-tướng để hộ-vệ gia-quyến. Viên tham-tướng này tên là Tăng-Đồ-Nam, tuổi ngoài 40, môi son, mày nhỏ, râu ngắn, mặt vuông hình chữ điền, tinh-thần tráng vượng, thể cách hùng-vĩ, chuyên sử dụng một cây thương gọi là Lục Hợp Thương. Tăng-Đồ-Nam võ-nghệ cao cường, đa mưu túc trí, lại cẩn-thận tinh-tế nên Lý-Khả-Tú rất tín-dụng trong những công việc khó khăn nặng nhọc. Có thể nói, Tăng-Đồ-Nam luôn làm tròn bổn phận được giao phó, ít khi nào lầm lẫn hay thất bại.

Khi đoàn xe đến một hòn núi cao thì trời cũng đã sẫm tối. Bọn xa-phu biết độ chừng 10 dặm nữa thì đến sông Tháp-Bảo. Bên cạnh đó là một thị-trấn lớn ở ngoại biên. Đến đó, đoàn xe sẽ tạm nghỉ lại qua đêm.

Mọi người đang bàn tán thì Lục-Phỉ-Thanh bỗng nghe như phía trước có tiếng chân ngựa phi như bay. Để ý trông ra xa thì quả thấy có cát bụi tung mịt mù. Chỉ trong khoảnh khắc, hai con bạch mã, tám vó dong duổi như tên bay tới.

Vừa liếc mắt lên thì hai con ngựa ấy như bay vụt qua trước mặt. Trên lưng ngựa, một kỵ-mạ nằm mọp xuống yên, ra roi quất nhẹ, rời xa dần đoàn xe của Lý-Khả-Tú.

Lục-Phỉ-Thanh nép vào bên đường, mắt thoáng nhận ra hai kỵ-mã là một người cao và một người lùn. Người cao mày dài, mũi to, sắc diện trắng nõn như thoa phấn. Còn người lùn thì khí vũ rất hiên-ngang. Cả hai người cỡi ngựa rất tài tình, có thể liệt được vào hạng đệ nhất!

Lục-Phỉ-Thanh từ đàng sau ra roi giục ngựa chồm tới phía trước để rược cho kịp Lý-Mộng-Ngọc và lớn tiếng gọi nàng:

-Mộng Ngọc! Con có nhìn rõ được hình dung hai kỵ-mã mới đi ngang qua không?

Lý-Mộng-Ngọc đáp:

-Thưa thầy, con trông không được rõ lắm. Phải chăng họ là người trong giới lục lâm?

Sự nhận xét của Lý-Mộng-Ngọc không đúng vì nàng chưa từng đi lại trên chốn giang-hồ. Cứ căn cứ vào cách cỡi ngựa của hai người cũng có thể biết được họ là khổ công luyện tập đến cỡ nào. Bọn cường đồ đạo tặc tất không làm như thế được.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Thầy không thể nói rõ họ là hạng người nào được, nhưng cứ xem vào biểu-nghi của họ thì chắc chắn đó là những giang-hồ cao-thủ, võ công đầy mình chứ không phải là phường lục lâm thảo khấu hướng mã tầm thường đâu!

Lý-Mộng-Ngọc ngạc-nhiên hỏi:

-Sao thầy biết được võ công của hai người ấy?

Lục-Phỉ-Thanh đáp:

-Chỉ cần xem thuật cỡi ngựa của họ là hiểu ngay võ công họ không phải tầm thường. Có khó gì đâu?

Đoàn xe của gia-quyến Lý-Khả-Tú gần đến sông Tháp-Bảo thình lình nghe tiếng vó ngựa dấy lên. Rồi lại thêm hai con tuấn mã nữa từ xa bay vụt tới lẹ như tên bắn. Lục-Phỉ-Thanh càng lúc càng lấy làm lạ, nói thầm:

-"Lạ quá! Họ đi đâu thế này? Thật kỳ lạ hết sức!"

Trời nắng gắt cả ngày, không một đám mây râm. Đoàn xa mã đi trên con đường hoang vu vắng vẻ, hai bên là rừng rậm, không một bóng nhà.

Nhìn ra trước mặt là sông Tháp-Bảo thấy có bóng người từ thị-trấn đi ra. Lục-Phỉ-Thanh lại nghĩ thầm:

-"Nếu không có việc gì gấp rút thì không ai đi đâu giờ này vì như thế tất nhiên phải về ban đêm."

Đi thêm một quãng nữa thì tới ngả vào sông Tháp-Bảo. Người trong các quán, các tửu lâu đua nhau cho người ra đón khách rước vào.

Tham-tướng Tăng-Đồ-Nam lãnh trách-nhiệm lo lắng cho đoàn xa-kiệu của gia-quyến Lý-Khả-Tú, chọn một quán tọ rất rộng rãi khoảng khoát ghé vào.

Lục-Phỉ-Thanh và Lý-Mộng-Ngọc cũng vừa tới nơi, gò cương hạ mã. Quán trọ thật là bề thế, cửa vào thật là lớn, có treo một tấm bảng viết bốn đại tự: "An-Thông Khách-Sạn".

Trong quán trọ có ba bốn tiểu-nhị vui vẻ chạy ra phụ giúp đem hành-lý của khách vào bên trong. Vì đoàn người là gia-quyến của quan quyền nên từ chủ quán sấp xuống, ai nấy đều sốt sắng lo tiếp đón thật chu đáo, còn hơn cả thượng-khách lúc bình thường.

Lục-Phỉ-Thanh chỉ có một thân một mình nên chiếm riêng một phòng nhỏ cho tiện. Đối diện là gian phòng lớn của Lý-Mộng-Ngọc cùng với bà nộ là Lý-thái-thái và mẹ là Lý phu-nhân. Lục-Phỉ-Thanh gọi cơm ăn qua loa thì trời đã nhá nhem tối. Người giúp việc trong lữ-quán bèn đốt đèn lên cho sáng.

Đi đường xa mệt mỏi, Lục-Phỉ-Thanh chỉ muốn nằm xuống đánh một giấc cho khỏe. Vừa định đi nghỉ dưỡng sức thì tai lại thấy tiếng vó ngựa lộp cộp từ xa phi tới nghe rõ mồn một giữa đêm thanh vắng. Lục-Phỉ-Thanh thấy vậy tự nói thầm:

-"Giờ này mà có người phi ngựa đến hẳn là có việc gì khẩn cấp chứ không phải chơi!"

Ông nhớ lại lúc đi đường liên tiếp gặp bốn nhân-vật với kỵ-thuật (#13) tài tình giục ngựa phi nước đại, mà ông chắc rằng người nào người nấy đều có bản lãnh cao-siêu. Lúc đó ông đã lấy làm lạ. Giờ đây lại còn cảm thấy lạ hơn nữa. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, đến trước lữ-quán thì ngừng hẳn. Kế đến là tiếng mở cửa và tiếng của người giúp việc trong lữ-quán.

-Quý-vị đi đường xa thật nhọc nhằn. Chúng tôi đã chuẩn-bị sẵn sàng trà ngon, rượu thơm đâu ra đó. Xin mời quý-vị cứ việc ăn uống thật no say.

Một giọng nói ồ ồ đáp lại:

-Ngươi lấy lúa cỏ cho ngựa ta ăn đầy đủ nhé. Ta ăn cơm xong lập-tức phải lên đường ngay!

Lục-Phỉ-Thanh trong bụng lo lắng nghĩ rằng:

-Vì lẽ gì mà cứ từng tốp hai người một nhắm hướng An-Tây mà đến. Chỉ nhìn lối cỡi ngựa của họ ta cũng biết toàn là những cao-thủ có bản-lãnh hơn người. Ta từng ở quan-ải nhiều năm thật nhưng chưa lần nào thấy việc lạ như hôm nay.

Lục-Phỉ-Thanh bèn nhẹ gót bước ra khỏi phòng, lần qua ba gian phòng khác thì thấy có một gian phòng phía sau lữ-quán. Đột nhiên, một giọng nói ồ ồ vang lên, nghe cho kỹ thì đúng của người lúc nãy dặn người giúp việc của lữ-quán cho ngựa ăn cỏ lúa.

-Triệu tam ca! Thiếu-Đà-Chủ tuổi còn trẻ măng như vậy thì không biết trong đám anh em có chịu phục mà tuân theo mệnh lệnh của người không?

Lục-Phỉ-Thanh nghe qua câu này vội vã nín hơi, rón rén lại gần cửa sổ hé mắt nhìn vào bên trong. Xưa nay, ông vốn không có thói đi rình trộm, nghe chuyện của người khác, việc gì ông ta cũng đường đường chính chính minh bạch, rất ghét điều ám muội. Nhưng lần này gặp nhiều việc quái lạ làm cho ông ta phải hồ nghi. Hiện Lục-Phỉ-Thanh đang mang một cái án nặng nề. Kẻ thù thì luôn rình rập tứ phía chờ cơ hội bắt sống hoặc giết chết ông để lập công. Vì thế nên Lục-Phỉ-Thanh không thể nằm yên trong phòng mình được. Ông phải đi dọ thám đặng biết rõ tình hình để liệu mà đề phòng. Nép mình sau cánh cửa sổ, Lục-Phỉ-Thanh nghe có tiếng người đáp lại người có giọng ồ ồ ban nãy.

-Không khuất phục rồi cũng phải khuất phục! Lão nhân gia đã đã di mệnh như thế thì bất kể Thiếu-Đà-Chủ là ai, có ra làm sao đi chăng nữa, anh em chúng ta cũng phải đem hết lòng dạ sắt son ra phò trợ, bảo-vệ người ấy.

Giọng nói người này rõ ràng và quả quyết, chứa đựng một ý chí can trường. Chỉ nghe qua giọng nói, Lục-Phỉ-Thanh biết đây là một người có nội công thâm tuyệt.

Biết hai người bên trong đang nói chuyện toàn là những nhân vật cừ khôi nên Lục-Phỉ-Thanh không dám xé giấy dán ngoài cửa sổ mà lẻn vào, chỉ kiên-nhẫn tiếp tục lắng tai nghe trộm. Giọng nói ồ ồ khi nãy lại vang lên.

-Hãy khoan nói đến việc anh em có chịu khuất phục hay không. Chỉ nội việc Thiếu-Đà-Chủ có chịu xuất sơn đảm nhận trách-nhiệm hay không cũng đã khó khăn lắm rồi!

Tiếng người kia trả lời:

-Lần này toàn thể các vị chánh phó hương-chủ gồm Nội-Tam-Đường, Ngoại-Tam-Đường đều cỡi ngựa đến tiếp rước thì dầu muốn dầu không, Thiếu-Đà-Chủ khó mà từ chối được!

Lục-Phỉ-Thanh bỗng rùng mình, tim đập mạnh, vì giọng nói người này nghe rất quen thuộc với ông ta. Nếu ông ta không lầm thì người này là một người bạn cũ tên gọi Triệu-Bán-Sơn, trước kia cùng ở trong Đồ-Long-Bang với Lục-Phỉ-Thanh. Về niên-kỷ, Triệu-Bán-Sơn kém Lục-Phỉ-Thanh 10 tuổi, nhưng nếu so về võ-nghệ thì tài sức tương-đương, chưa biết ai hơn ai kém. Lục-Phỉ-Thanh là nhị cao-đồ của phái Võ-Đang, còn Triệu-Bán-Sơn là đệ nhất cao-đồ của phái Thái-Cực ở Ôn-Châu, sư-phụ họ Vương, là bậc tiền-bối trong giới võ-lâm cao thủ.

Lúc còn ở Đồ-Long-Bang, cả hai đã từng thi thố võ-nghệ với nhau và đều khâm phục công-phu tuyệt đỉnh của nhau.

Từ lúc xa nhau cho đến nay cũng đã gần 20 năm. Tính ra, Triệu-Bán-Sơn cũng đã gần 50 rồi. Sau khi Đồ-Long-Bang tan rã, kẻ ngược người xuôi, kẻ còn người mất, Lục-Phỉ-Thanh không hay tin-tức Triệu-Bán-Sơn ra làm sao. Bầt ngờ hôm nay gặp lại cố-nhân nơi quan-ải, và chỉ còn cách nhau có một cái cửa sổ mà thôi.

Gặp lại bạn cũ, Lục-Phỉ-Thanh vui mừng hớn hở, định bụng lên tiếng cho Triệu-Bán-Sơn biết đẻ họp mặt đàm tâm, phỉ tình hoài vọng.

Thình lình trong phòng của Triệu-Bán-Sơn đèn đuốc vụt tắt tối mò rồi một mũi phi-tiêu từ tay áo của Triệu-Bán-Sơn bay ra ngoài song cửa sổ lẹ không tưởng tượng được.

Mũi phi-tiêu ấy không nhắm vào Lục-Phỉ-Thanh. Một bóng người từ đâu lách mình sang một bên, thuận tay bắt gọn mũi phi-tiêu. Người này toan la lớn nhưng Lục-Phỉ-Thanh đã phóng đến bên cạnh lấy tay bịt miệng, khẽ rỉ vào tai rằng:

-Đừng con! Đừng lên tiếng! Có thầy đến đây, không sao!

Người bắt mũi phi-tiêu ấy không ai khác hơn, chính là Lý-Mộng-Ngọc. Lục-Phỉ-Thanh nắm tay người nữ đệ-tử, dùng thuật Xà Hành Hổ Phục (#14), lẹ làng lách ra xa cánh cửa nơi vừa xảy ra tấn kịch vừa rồi.

Đưa Lý-Mộng-Ngọc về thẳng phòng riêng, Lục-Phỉ-Thanh dưới ánh sáng của ngọn đèn trông rõ Lý-Mộng-Ngọc mặ y-phục dạ hành (#15) của đàn ông. Lục-Phỉ-Thanh không biết Lý-Mộng-Ngọc đã sắm đồ này từ bao giờ mà đêm nay lại đem ra dùng. Lục-Phỉ-Thanh toan răn trách vài lời nhưng khi nhìn vào lớp y-phục dạ hành kia của đứa đồ đệ cưng thì không khỏi phì cười và nói:

-Mộng-Ngọc! Sao con dám đương đầu với người trong phòng kia? Con có biết người ấy là nhân vật thế nào không?

Bị thầy chất vấn, Lý-Mộng-Ngọc đành cúi đầu ngậm miệng mà không biết trả lời làm sao. Ngơ ngẩn một hồi, Mộng-Ngọc mới miễn cưỡng lên tiếng:

-Không hiểu vì sao mà người ấy lại vô cớ phóng lén phi-tiêu định hại con như thế?

Đến phòng riêng của người ta rình rập là điều đại kỵ trong giới giang-hồ. Lý-Mộng-Ngọc không biết tự trách mình điều này lại còn lên tiếng trách người. Lục-Phỉ-Thanh biết nàng chưa đủ kinh-nghiệm giang-hồ nên tìm lời khuyên bảo:

-Hai người ấy không phải là người tầm thường, hay là người trong giới lục-lâm đâu nhé! Cả hai đều là hào kiệt của một bang-hội nào đó. Trong hai người đó, thầy biết được một. Luận về võ công thì người này không thua kém thầy chút nào. Bọn họ có việc gấp rút nên đi cả ngày lẫn đem mà không nghỉ. Nói cho con biết, người ấy không có ý hại con đâu, mà chỉ cảnh cáo con đấy thôi. Giả sử ông ta mà có ác ý thì làm sao con còn có cơ hội đứng đây với thầy bây giờ? Nhớ lần sau đừng bao giờ rình rập hay xen vào chuyện của người ta nhé. Thôi, con đi nghỉ đi!

Lục-Phỉ-Thanh chợt nghe có tiếng mở cửa rồi tiếng vó ngựa chứng tỏ hai người quá gấp rút, đã lên đường đi mất rồi. Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ nếu lúc ấy mà tìm cách nhìn lại bạn cũ e rằng không khỏi bị bạn đem lòng ngờ vực. Sau khi đắn đo hơn thiệt, Lục-Phỉ-Thanh quyết định không nen đuổi theo mà gọi lại làm gì.

Sáng hôm sau, đoàn kiệu xa lại tiếp tục lên đường. Ra khỏi Tháp-Bảo độ chừng 30 dặm, Lý-Mộng-Ngọc nói với Lục-Phỉ-Thanh:

-Thưa lão sư! Trước mặt chúng ta dường như lại có người đi tới nữa.

Quả nhiên lúc đó có một cặp ngựa hồng đi song song, phi như bay tới. Vì hôm qua xảy ra quá nhiều việc lạ nên Lục-Phỉ-Thanh và Lý-Mộng-Ngọc không hẹn mà rằng, người nào cũng chú ý đến những người cỡi ngựa phi qua. Cặp ngựa này giống nhau như đúc, con nào trông cũng cao lớn mạnh mẽ, phi phàm. Càng lẹ hơn nữa là hai người ngồi trên ngựa. Cả hai người cũng giống nhau hệt như khuôn đúc, như hai giọt nước. Cả hai ở vào khoảng 40 tuổi trở lại. Người nào cũng cao nhòng và ốm nhom. mặt vàng khè, mắt sâu hoẵm. Hiển nhiên là một cặp song sinh, là hai anh em sinh đôi.

Khi đi ngang qua đoàn xe kiệu, cả hai người đều quắc mắt nhìn Lý-Mộng-Ngọc với ánh mắt kỳ dị. Lý-Mộng-Ngọc không chút sợ hãi, nhìn thẳng đăm đăm vào mặt họ. Cả hai người cũng chẳng thèm đếm xỉa gì tới, thúc vào hông ngựa, phi về hướng Tây.

Lý-Mộng-Ngọc cười nói:

-Tạo vật thật trớ trêu, sinh ra hai con quỷ giống nhau y như đúc!

Nghe Lý-Mộng-Ngọc nói, Lục-Phỉ-Thanh sinh lòng ngờ vực nhìn theo bóng hai người trên ngựa, giống hệt như hai cần câu cắm trên lưng ngựa. Tự-nhiên Lục-Phỉ-Thanh nhớ ra điều gì nói với Lý-Mộng-Ngọc:

-Hai người ấy chắc chắn là Tây-Xuyên Song Hiệp chứ chẳng là ai khác hơn. Trong giới giang-hồ gọi là Hắc-Vô-Thường và Bạch-Vô-Thường vì đó là hai anh em song sinh họ Thường.

Lý-Mộng-Ngọc cả cười nói:

-Họ cũng tếu, biệt-danh cũng ngộ! Có lẽ người ta muốn đem hai anh em ấy mà so sánh với quỷ vô-thường chăng?

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Con không được thố tháp, nói càn nói bướng như vậy! Hai người ấy không phải hạng tầm thường đâu. Bản lãnh của họ rất cao-siêu. Họ với thầy từng quen biết nhau. Thầy thường nghe thiên-hạ nói rằng anh em họ Thường lúc nào cũng khắng khít như cặp bài trùng không khác gì Mạnh-Lương với Tiêu-Tăng. Hai anh em nhà ấy không người nào chịu cưới vợ, đi đến đâu cũng làm điều nghĩa-hiệp, trượng-nghĩa khinh tài có sức mạnh muôn người khôn địch, lại có võ-nghệ tuyệt luân, rất được người đời kính phục gọi là "Tây Xuyên Song Hiệp". Để phân-biệt anh với em, một người lấy danh hiệu là Hắc-Vô-Thường, còn một người là Bạch-Vô-Thường.

Lý-Mộng-Ngọc hỏi:

-Hai anh em giống nhau như đúc sao lại gọi là Hắc với Bạch?

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Theo thầy được biết thì hai anh em họ Thường giống nhau gần như hoản toàn, chỉ có một điểm khác nhau duy nhất là người anh có một nốt ruồi đen trong tròng mắt, còn người em thì không. Do đó, tên người anh được đặt là Thường-Hích-Chi, còn người em là Thường-Bá-Chi. Cả hai là đệ-tử của Huệ-Lữ Đạo-Nhân thuộc phái Thanh Thành. Huệ-Lữ chết rồi thì trong giang-hồ không còn ai hơn được anh em họ Thường về môn Hắc-Sa-Chưởng. Anh em họ Thường được chân truyền ngón ấy và luyện đến mức tuyệt kỹ, và cả hai nổi danh là Xuyên Giang Hiệp Đạo (#16). Tuy mang tiếng là trộm nhưng cả hai nổi tiếng là giúp người hiền diệt kẻ ác thành thử mới được biệt-danh là Tây Xuyên Song Hiệp.

Lý-Mộng-Ngọc lại thắc mắc:

-Cả hai người ấy cùng ra quan ải lần này chắc là có công việc gì tối quan-trọng phải không thầy?

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Thầy chưa biết rõ được, nhưng chắc là phải như vậy rồi vì khi nào cả hai người ấy đi đến đâu thì nơi đó chắc chắn phải có chuyện kinh thiên động địa thôi!

Lý-Mộng-Ngọc nói:

-Nếu anh em họ Thường mà tìm chúng ta quấy rối thì chắc cây Bạch-Long kiếm của thầy không thể nhường họ được!

Tuy Lý-Mộng-Ngọc nói ngoài miệng là Tây-Xuyên Song Hiệp sẽ được nếm mùi Bạch-Long kiếm của sư-phụ Lục-Phỉ-Thanh nàng, nhưng trong thâm tâm lại đắc ý, muốn nói rằng anh em họ Thường sẽ được thưởng-thức đường kiếm tuyệt-luân của nàng vậy.

Lục-Phỉ-Thanh nói:

-Hai anh em ấy chẳng bao giờ tách giao đấu riêng rẽ cả, luôn luôn đoàn kết làm một khối, hợp sức cùng đánh. Dù là đánh với một người hay một chục người đi chăng nữa, họ vẫn chỉ làm như vậy.

Lý-Mộng-Người cười khan một hồi nói:

-Chắc sư-phụ của hai anh em họ Thường lúc truyền võ-nghệ cũng truyền bằng phương-pháp đặc-biệt là hai người phải đánh làm sao cho an rập bốn tay tung ra một lượt. Được xem họ đánh quyền chắc vui mắt lắm, tưởng tượn như giá gạo chày tư, hai người mà bốn chày, lên xuống nhịp nhàng rùm rụp!

Thầy trò đang nói chuyện vui vẻ thì phía trước vó ngựa lại vang lên nữa. Lần này cũng lại hai người ngồi trên lưng hai con tuấn mã, một ngưòi là đại-sĩ, còn một là người phàm trần.

Vĩ đạo-sĩ đeo một thanh kiếm dài ở sau lưng, da mặt xanh xao, trông như người bệnh lâu ngày, hơn nữa chỉ có một cánh tay mặt mà thôi. Cánh tay trái của đạo-sĩ có lẽ bị đứt nên chỉ trông thấy có tay áo phủ kín từ vai trở xuống, giắt kín vào sợi giây lưng dưới rốn để khỏi bị gió thổi phất phơ như tàu lá chuối.

Người thứ hai là một chàng có bướu trên cổ, giống hệt con lạc-đà. Người thì tướng mạo xấu xí không còn chỗ nào nói được nhưng y-phục thì đẹp đẽ hết chỗ chê, không thể nào tả được.

Thấy thế, tánh trẻ thơ của Lý-Mộng-Ngọc lại nổi dậy. Rồi không cần đắn đo suy nghĩ lợi hại, nàng cười rộ lên, còn nói lớn tiếng:

-Sư-phụ à! Thầy trông thử anh chàng có bướu kia mới thật buồn cười làm sao ấy!

Lục-Phỉ-Thanh đang định cản lại nhưng không còn kịp nữa, lời của Lý-Mộng-Ngọc đã thốt ra khỏi miệng rồi!

Người có bướu nghe được câu nói của Lý-Mộng-Ngọc thì mặt sa sầm lại, tức giận hầm hầm, hai mắt sáng quắc nhìn thẳng vào mặt Lý-Mộng-Ngọc. Ngựa của hắn vừa phi ngang qua, hắn liền đưa cánh tay dài định nắm đuôi con ngựa của Lý-Mộng-Ngọc giật một cái.

Hình như vị đạo-sĩ đã liệu biết trước được ý định của ngưòi có bướu khi sắc giận hiện ra trên nét mặt của y nên đã có chủ ý. Ông ta liền dùng roi ngựa gạt phăng đuôi ngựa của Lý-Mộng-Ngọc tránh khỏi bàn tay của người có bướu nói:

-Chương thập đệ! Anh khuyên em đừng sinh sự với ai làm gì! Cứ bỏ qua đi là hơn!

Trong khoảnh khắc bàn tay người có bướu nắm hụt đuôi ngựa của Lý-Mộng-Ngọc thì hai con tuấn mã chở họ cũng đã phi qua mặt Lý-Mộng-Ngọc như tên bay ra xa.

Khi Lục-Phỉ-Thanh và Lý-Mộng-Ngọc quay đầu ngó theo thì bóng hai người kia đã mờ dần trong cát bụi. Rồi chẳng hiểu vì sao hai con tuấn mã của họ quay đầu trở lại phi nước đại như điện xẹt, chớp giăng.

Người có bướu cỡi ngựa phi trước, Lục-Phỉ-Thanh ngó thấy thân pháp của y lanh lẹ vô cùng. Dùng ngón kỵ-thuật Đảo Tải Kim Chung, người có bướu nghiêng vai tung mình lên một cái theo thế Tôn-Ngộ-Không Cân Đấu Vân, y đã trân trân đứng vững trên mặt đất. Gót vừa chấm lộ, người có bướu gật đầu ba cái đã đến sát mình ngựa Lý-Mộng-Ngọc.

Lý-Mộng-Ngọc thúc ngựa chạy như bay, đồng thời rút thanh bảo kiếm ra sẵn sàng nghênh chiến. Nhưng người có bướu không tấn công Lý-Mộng-Ngọc mà chỉ thò tay trái ra chụp mạnh vào đuôi con ngựa Lý-Mộng-Ngọc mà thôi. Con vật đang sải bốn vó phi như giông thình lình bị nắm đuôi giật ngược lại thì hoảng sợ hí vang lên.

Người có bướu vẫn đứng nguyên chỗ cũ không hề nhúc nhích. Sức mạnh của hắn như thần, không hề bị sức lôi kéo của con ngựa Lý-Mộng-Ngọc làm cho xê dịch đi tí nào. Hắn đưa tay phải ra chặt nhẹ vào mông ngựa, cái đưôi của con vật bị tiện đứt chẳng khác nào như bị ai dùng dao sắc mà xén đi vậy.

Lý-Mộng-Ngọc bị người có bướu phá cho một vố tức muốn khóc òa lên được vì từ xưa đến nay nàng chưa bị ai khinh khi, làm nhục đến như vậy! Nàng vốn tự đắc, cho rằng võ-nghệ của mình chỉ trừ sư-phụ ra, trong thiên-hạ không ai sánh kịp.

Lý-Mộng-Ngọc ức quá mà không biết làm gì bèn la lớn lên:

-Thầy ơi! Con làm sao bây giờ!

Lụ-Phỉ-Thanh chứng kiến tất cả tấn kịch vừa xảy ra, mặt buồn dàu dàu, nghĩ mà giận Lý-Mộng-Ngọc cậy tài sinh sự để chuốc lấy nhục nhã vào thân. Ông định bụng sẽ mắng cho đứa học-trò cứng đầu của mình một phen đích đÂ�áng nhưng khi nhìn thấy mắt Lý-Mộng-Ngọc ngấn lệ, nét hoa ủ dột u sầu mày liễu thì lòng lại thấy thương xót, không nỡ, và cũng không còn giận nàng nữa. Lục-Phỉ-Thanh nói vài lời an ủi, rồi chỉ dùng lời nhỏ nhẹ, ngọt ngào mà răn dạy.

Đang khi ấy, bỗng dưng từ phía trước vọng lại những tiếng reo hò ầm ĩ không ngừng, tương tự như những câu truyền rao.

-Bọn ta phái võ Duy Dương! Phái võ Duy Dương!

Âm-thanh vang lại mỗi lúc mỗi gần...

Chú thích:

(1-) Đại ẩn, ẩn ư triều; trung ẩn, ẩn ư thị; tiểu ẩn, ẩn ư dã.

(2-) Ba tuyệt-kỹ của giang-hồ (3-) Hiệp-Tây và Cam-Túc (4-) Tức Lưu-Bị, Quan-Công, Trương-Phi đời Tam-Quốc. Ba người kết nghĩa với nhau tại vườn đào. Tuy là anh em kết nghĩa nhưng ba người đối với nhau còn hơn anh em ruột thịt rất nhiều. Vì vậy, người đời sau khi nhắc đến tình anh em, dù là ruột thịt hay kết nghĩa, đều đề-cập đến ba chữ Lưu, Quan, Trương.

(5-) Hải giác thiên nhai: góc biển chân trời.

(6-) Khai sơn đại phủ: búa lớn; một món vũ-khí trong Bát Bửu.

(7-) Khiên: còn gọi là thuẫn.

(8-) Khỏa bằng: lấp lại cho bằng phẳng.

(9-) Thư đồng: đứa đầy tớ (trẻ) để sai bảo trong thư phòng.

(10-) Giúp Kiệt làm dữ: một cách nói khác là "trợ Trụ vi ác", nghĩa là giúp kẻ dữ làm điều ác.

(11-) Đóa núi: chẻ núi (12-) Nhà Minh thuộc Hán-tộc, bị nhà Thanh (gốc Mãn-Châu) xâm chiếm.

(13-) Kỵ-thuật: cách cỡi ngựa.

(14-) Xà Hành Hổ Phục: đi như rắn bò, nép mình như cọp rình.

(15-) Y phục dạ hành: đồ toàn một màu đen, che cả đầu lẫn mặt (chỉ hở hai mắt) để không ai nhận diện ra, thường được giới giang-hồ ngày xưa dùng rất nhiều để đi dọ thám hay lén lút làm chuyện gì vào ban đêm.

(16-) Xuyên Giang Hiệp Đạo: tên trộm hào hiệp trên khắp các sông ngòi.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-50)


<