Vay nóng Tinvay

Truyện:Liên thành quyết - Hồi 20



Liên thành quyết
Trọn bộ 49 hồi
Hồi 20: Bảy Người Vây Đánh Một Ông Già
4.67
(3 lượt)


Hồi (1-49)

Siêu sale Lazada

Tiếp theo lại nghe tiếng chân bước bì bẹp trên đất bùn lầy. Bảo Tượng đã ra tới bờ ao.

Địch Vân khi nào còn dám ló mặt lên. Chàng bịt mũi dầm mình xuống đáy ao. May mà trong ao lâu ngày đã mọc đầy rêu xanh nên đứng trên không nhìn thấy gì.

Nhưng Địch Vân lặn dưới nước không thở được. Chàng nhịn thở hồi lâu sau không thể nín thêm đành phải thò đầu lên, định thở một hơi rồi lại hụp xuống.

Dè đâu chàng vừa thò mặt lên đã nghe đánh "Bốp" một tiếng. Một bàn tay to tướng chụp lấy sau gáy chàng.

Lại nghe Bảo Tượng lớn tiếng quát mắng:

– Lão gia mà không chặt ngươi thành từng khúc thì không phải là người.

Ngươi dám lớn mật toan chạy trốn.

Địch Vân xoay tay ôm lấy cánh tay lão lôi xuống nước.

Bảo Tượng không ngờ chàng dám liều mạng phản kháng. Bờ ao trơn tuột, lão trượt chân té bõm xuống ao.

Địch Vân cả mừng nghĩ bụng:

– Ta đã lôi được lão xuống là có hy vọng cả hai cùng chết.

Chàng liền vận kình đè lưng lão xuống.

Nước ao nông quá mà người Bảo Tượng vừa cao vừa lớn, nước không ngập đầu lão được.

Bảo Tượng chân trái đạp xuống lòng ao, xoay tay nắm lấy cổ tay Địch Vân, rồi dùng tay trái ấn đầu chàng xuống nước.

Địch Vân đã gác ra ngoài sự sống chết. Người chàng ở dưới nước mà vẫn giữ rịt lấy Bảo Tượng, nhất định không buông tay.

Bảo Tượng trong lúc nhất thời chưa thoát ra được, tức quá, ngoác miệng ra thóa mạ. Lão vô tình để nước tràn vào miệng phải nuốt luôn mấy miếng nước dơ dáy. Lão phẫn nộ đến cực điểm, vung quyền lên nện xuống lưng Địch Vân.

Địch Vân thấy lão ác tăng vung quyền đánh xuống tuy bị nước cản trở một phần, lực đạo không mãnh liệt bằng ở trên cạn mà cũng đau đớn cơ hồ không chịu nổi. Chỉ mấy quyền nữa là chàng phải ngất xỉu.

Lúc này chàng làm gì còn lực lượng để phản kích, đành húc đầu vào trước ngực Bảo Tượng.

Hai bên đang giằng co thì đột nhiên Bảo Tượng rú lên một tiếng:

– Úi chao!

Tay lão đang nắm Địch Vân từ từ buông ra. Thoi quyền giơ lên rồi chưa kịp đánh đã từ từ buông rũ. Tiếp theo người lão té nhào chìm xuống lòng ao.

Địch Vân rất lấy làm kỳ vội đứng ngay lên thì thấy Bảo Tượng nằm yên không nhúc nhích. Hiển nhiên lão chết rồi.

Địch Vân hãy còn hoảng sợ không dám đụng vào người lão, chỉ đứng xa xa coi chừng.

Bảo Tượng nằm thẳng cẳng dưới lòng ao hồi lâu vẫn không cử động, xem chừng lão chết thật rồi.

Địch Vân vẫn chưa yên dạ, ôm một tảng đá lớn liệng vào người lão, lão vẫn không nhúc nhích. Quả nhiên chẳng phải lão trá tử.

Địch Vân lồm cồm lên bờ, không sao đoán ra được vì lẽ gì tên ác tăng này lại chết một cách đột ngột.

Lòng chàng bỗng thoáng qua một ý niệm, tự hỏi:

– Chẳng lẽ môn Thần chiếu công của ta đã có uy lực mà ta không biết? Ta chỉ húc đầu vào ngực lão mấy cái mà làm lão chết được ư?

Chàng thử vận khí, cảm thấy nội tức đi từ Túc thiếu dương đảm kinh tới huyệt Ngũ lý ở đùi rồi không lên được nữa. Còn Thủ thiếu dương tam tiêu kinh thì nội tức ra đến cánh tay lại gặp trở ngại ở huyệt Thanh lãnh uyên. Thế là so với ngày ở trong ngục chàng đã thoái bộ chứ không phải tiến.

Chàng cho là tại mình mấy bữa nay tâm thần hoảng hốt bỏ không rèn luyện mà ra. Hiển nhiên chàng còn thiếu nhiều hỏa hầu để luyện thành môn Thần chiếu công.

Địch Vân ngơ ngẩn đứng trên bờ ao nhìn tình cảnh trước mắt thủy chung không dám tin là sự thực. Nhưng chàng thấy những giọt mưa rớt xuống mặt ao làm cho nước gợn sóng, thi thể Bảo Tượng nằm dưới lòng ao tuyệt không còn chút sinh khí là những sự thực rõ ràng.

Chàng ngơ ngác một chút rồi trở về điện thì thấy củi lửa dưới gầm chảo gang đã tắt ngấm. Bên chảo lại có hai con chuột chết, ngửa bụng lên trời. Tai và chân sau chúng còn hơi rung động.

Địch Vân lẩm bẩm:

– Ồ! Té ra Bảo Tượng đã bắt được hai con chuột nữa mà chưa hưởng thụ, nhưng chúng đã bị lão đánh chết rồi.

Chàng lại thấy trong chảo còn đến một bát thang chuột Bảo Tượng ăn chưa hết. Chàng đang bụng đói, bưng chảo lên há miệng toan đổ thang chuột vào thì đột nhiên mũi ngửi thấy mùi vị khác thường.

Địch Vân ngơ ngác đặt chảo xuống, không ăn nữa. Chàng tự hỏi:

– Mùi vị gì thế này? Dường như ta đã có lần ngửi thấy mà quyết không phải là mùi vị ngon lành.

Chàng ngửi lại kỳ hương trong nước thang chuột, lập tức tỉnh ngộ, la lên một tiếng:

– May quá!

Hai tay chàng bưng cái chảo liệng ra ngoài.

Đoạn chàng quay vào nhìn thi thể Đinh Điển sa lệ nói:

– Đinh đại ca! Đại ca chết rồi mà còn cứu được mạng sống cho tiểu đệ.

Té ra giữa lúc tính mạng chàng tựa thể ngàn cân treo đầu sợi tóc, mới phát giác nguyên nhân cái chết của Bảo Tượng.

Nguyên Đinh Điển trúng phải chất độc của Phật tòa kim liên, huyết nhục y cũng thấm chất kỳ độc.

Bảo Tượng chém vào xác Đinh Điển. Chuột do vết thương gặm thịt ăn rồi trúng độc mà chết.

Bảo Tượng nấu chín thịt chuột ăn rồi cũng trúng độc. Hai người quần ở dưới ao một hồi, Bảo Tượng đột nhiên bị chất độc phát tác nên phải uổng mạng.

Hai con chuột ở bên chảo gang cũng vì ăn độc thang ở trong chảo mà lăn ra chết.

Địch Vân bụng bảo dạ:

– Giả tỷ ta cảnh giác chậm một chút thì cũng nuốt độc thang vào bụng rồi.

Thật là một phen hú vía!

Chàng đã mấy phen chán nản sự đời không muốn sống nữa. Nhưng hiện giờ chàng thoát chết lại cho là một sự may mắn vô cùng.

Vòm trời vẫn mây kéo đen nghịt, mưa như trút nước. Địch Vân đứng giữa cảnh âm u thảm đạm tựa hồ nhìn thấy tia sáng. Chàng nghĩ tới mình còn sống sót là một điều rất hoan lạc, rất phong quang.

Địch Vân định thần lại. Việc đầu tiên là đem thi thể Đinh Điển đặt ngay ngắn vào trong góc điện. Đoạn chàng lại đội mưa ra ngoài xuống ao lôi thi thể Bảo Tượng lên, khoét lỗ chôn ở bờ ao.

Chàng trở về điện thấy quần áo Bảo Tượng phơi bên bàn thờ. Trên bàn thờ còn bỏ một gói vải dầu và mười mấy lạng bạc vụn.

Địch Vân động tính hiếu kỳ cầm lấy cái bọc vải dầu mở ra coi thấy bên trong còn một lớp giấy dầu. Trong gói giấy dầu là một cuốn sách nhỏ bằng giấy vàng. Ngoài bìa sách viết mấy hàng chữ ngoằn ngoèo. Thực ra những hàng này chữ chẳng ra chữ, hình chẳng ra hình, không hiểu là cái gì.

Chàng lật sách ra coi thì trang đầu vẽ hình một hán tử khỏa thân gầy nhom, một tay trỏ lên trời, một tay trỏ xuống đất, diện mục rất quái dị.

Cạnh hình người chua đầy những chữ giống hình nòng nọc. Đây là lối khoa đẩu văn tự lại viết chỗ xanh chỗ đỏ.

Địch Vân ngó lại đồ hình thấy người đàn ông này mũi khoằm, mắt sâu hoắm, tóc quăn, lưỡng quyền cao, không giống người ở Trung Nguyên.

Chàng càng ngắm tướng mạo càng thấy cổ quái, nhưng trong vẻ quái gị dường như ẩn dấu sức hấp dẫn, khiến người nhìn vào không tự chủ được, phải dao động tâm thần. Sau chàng mất bình tĩnh rồi không dám coi nữa.

Địch Vân lật qua trang hai thì trang này cũng vẽ hình nam tử khỏa thân. Có điều tư thế khác với trang đầu. Hình người đứng một chân trái theo kiểu Kim kê độc lập. Chân phải đưa ngang ra. Hai tay xoay về phía sau. Tay trái nắm lấy tai bên phải, tay phải nắm tai bên trái.

Chàng tiếp tục mở xuống dưới thì tư thế hình người càng quái dị và biến ảo vô cùng! Có hình hai tay chống đất. Có hình người nhảy lên không gian, lại có hình đầu chúc xuống dưới, chân chỏng lên trên mà có đến sáu chân chứ không phải hai.

Đồ hình càng phức tạp thì những chữ chua lại càng ít đi.

Địch Vân mở lại trang đầu, nhìn kỹ hình người thấy ngọn lưỡi đưa ra ngoài khóe môi về mé tả, đồng thời mắt bên phải dương lên, mắt bên trái hé mở. Do đó mà thành vẻ mặt kỳ dị.

Chàng động tính hiếu kỳ, liền bắt chước tư thế người trên đồ hình, tức là cũng thè lưỡi, cũng mở mắt bên phải, nheo mắt bên trái. Giữ tư thế này, chàng cảm thấy rất thư thái.

Chàng nhìn lại hình vẽ thì thấy những giây nhỏ màu xám xịt, lờ mờ. Đây là những đường kinh mạch.

Địch Vân bụng bảo dạ:

– Phải rồi! Té ra hình vẽ người ngay không mặc áo là để lộ kinh mạch toàn thân.

Hồi ở trong ngục, Đinh Điển truyền thụ Thần chiếu công cho Địch Vân, những phương vị và kinh mạch lưu thông đã được giải thích rất tường tận, dường như việc luyện công phu thượng thừa này mấu chốt là ở chỗ đó, nên chàng đã thuộc lòng.

Bây giờ chàng coi những đường kinh mạch trên mình người trong đồ hình, bất giác không tự chủ được, liền điều vận nội tức. Một luồng chân khí nhỏ bé chuyển vận theo kinh mạch trên đồ hình.

Bất giác chàng lẩm bẩm:

– Việc vận hành những đường kinh mạch theo phương vị trên đồ hình phản lại những điều chỉ điểm của Đinh đại ca, e rằng cái này không đúng.

Nhưng rồi chàng lại nghĩ:

– Ta hãy cứ thử xem cũng chẳng hề gì.

Chàng liền vận động nội tức cho chạy theo đường trên đồ hình.

Chỉ trong khoảnh khắc, chàng cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, trong người khoan khoái nói không xiết được!

Khi chàng luyện Thần chiếu công phải để hết tinh thần vào việc điều động chân khí. Nội tức mới tiến được một hai tấc đã thấy gian nan vô cùng! Nhưng lúc này chàng vận khí theo phương vị đồ hình thì chỉ trong khoảnh khắc chân khí đã dào dạt như nước sông Đại Giang chảy cuồn cuộn mà chẳng cần tốn hơi sức, nội tức tự nhiên vận chuyển.

Chàng vừa kinh ngạc vừa mừng thầm tự hỏi:

– Tại sao những đường kinh mạch trong mình ta lại thế này? Chẳng lẽ Đinh đại ca lại không biết?

Tiếp theo chàng tự nghĩ:

– Cuốn sách này là của một tên ác tăng, những đồ hình cùng văn tự đều có vẻ tà khí, chứ chẳng phải đồ chính kinh. Ta đừng dây vào là hơn.

Nhưng lúc này nội tức đang vận hành trong mình rất khoan khoái, chàng không muốn dừng lại, liền tự nhủ:

– Được rồi! Ta chỉ thử chơi một lần mà thôi, rồi đây không trở lại nữa.

Dần dần chàng cảm thấy tâm thần cởi mở, huyết dịch toàn thân trở nên ấm áp.

Sau một lúc chàng thấy trong người rạo rực tựa hồ đã uống rượu mạnh, bất giác hoa chân múa tay. Miệng phát ra những tiếng ú ớ. Đầu óc chàng hôn mê, người chàng té xuống không biết gì nữa.

Qua một thời gian khá lâu, Địch Vân dần dần tỉnh lại, từ từ mở mắt ra nhìn thấy ánh mặt trời rực rỡ. Trời đã tạnh mưa từ lâu rồi. Ánh dương quang tràn trề chiếu vào điện.

Địch Vân đứng phắt dậy, cảm thấy tinh thần bồng bột, khí lực đầy rẫy. Tuy suốt ngày chàng chưa ăn uống gì mà trong bụng cũng không đói.

Chàng tự hỏi:

– Chẳng lẽ công phu trong cuốn sách này lại có chỗ tuyệt diệu?

Rồi chàng tự hỏi:

– Không phải! Không phải! Ta nên theo công phu của Đinh đại ca đã truyền thụ mà gia công rèn luyện. Những thứ tà ma ngoại đạo này mình dính vào biết đâu chẳng đưa đến những hậu quả tai hại vô cùng!

Chàng cầm cuốn sách lên toan xé nát ra, nhưng lại nghĩ:

– Dù sao trong sách này cũng chứa đầy bí ẩn, không nên phá hủy.

Địch Vân nhìn đến áo quần thấy rách nát quá chừng, khó bề che kín. Chàng lại ngó áo tăng bào và quần của Bảo Tượng phơi bên bàn thờ còn lành lặn, liền lấy xuống mặc vào mình.

Chàng phải mặc tăng bào của ác tăng, trong lòng không khỏi hổ thẹn, nhưng cũng còn hơn là mặc quần áo thủng hàng mấy chục chỗ, thậm chí không che kín đít.

Địch Vân chuồn cuốn sách, và mười mấy lạng bạc vụn vào bọc rồi ra gốc cây lớn đào cái bọc nhỏ trong có ít tiền lấy lên. Đoạn chàng ôm thi thể Đinh Điển dời khỏi miếu thổ địa lên đường.

Địch Vân đi chừng hơn trăm trượng thì gặp một nông phu đi tới.

Nông phu thấy chàng ôm ngang xác chết, không khỏi giật mình kinh hãi, trượt chân ngã xuống ruộng.

Sau trận mưa lớn, trong ruộng đầy nước. Nông phu toàn thân bùn lấm bê bết, lồm cồm bò dậy, chân cao chân thấp hốt hoảng chạy trốn.

Địch Vân biết cứ thế này mà đi tất không khỏi gặp chuyện rắc rối, nhưng chàng cũng không nở hủy bỏ thi thể Đinh Điển.

May mà giải đất này rất đỗi hoang lương. Dọc đường chàng không gặp người thứ hai nào nữa. Chàng cắp ngang thi thể Đinh Điển, miệng lẩm bẩm:

– Đinh đại ca! Đinh đại ca! Tiểu đệ không thể chia tay đại ca được.

Đột nhiên chàng nghe tiếng hát khúc sơn ca. Bảy, tám nông phu vác cày vác cuốc từ đằng xa đi tới.

Địch Vân vội bước mau ẩn vào trong vùng cỏ rậm bên sườn núi. Chàng chờ cho bọn nông phu đi qua rồi, nghiến răng tự nhủ:

– Nếu không siêu hóa di thể của đại ca thì khó mà hoàn thành tâm nguyện của y trong việc hợp táng với Lăng tiểu thư.

Chàng liền chạy xuống vùng thung lũng ở mé hữu, lượm cành củi khô chất thành đống, đặt thi thể Đinh Điển xuống rồi chàng châm lửa đốt củi.

Lửa cháy đến đầu tóc cùng áo quần Đinh Điển khiến Địch Vân đau đớn tưởng chừng ngọn lửa hồng đang đốt da thịt mình. Chàng quỳ xuống đất, nước mắt như mưa chảy xuống đống cỏ rồi chảy cả vào miệng chàng nữa.

Địch Vân lấy giấy dầu trịnh trọng gói cốt hôi của Đinh Điển lại, bên ngoài bọc thêm lần vải dầu. Giấy dầu cùng vải dầu này nguyên trước Bảo Tượng dùng để gói cuốn sách giấy vàng.

Chàng gói cẩn thận lại lấy dây chằng chịt thật kỹ rồi mới buộc vào sau lưng.

Chàng khoét lỗ gạt hết tro than xuống chôn vùi.

Địch Vân lấp huyệt xong lạy hai lạy rồi mới lên đường. Bất giác chàng tự hỏi:

– Bây giờ ta đi đâu? Nếu sư phụ ta chưa chết thì trên cõi đời này một mình lão nhân gia là thân nhân của ta mà thôi.

Chàng nghĩ tới vụ sư phụ đâm thương sư bá Vạn Chấn Sơn rồi trốn đi chắc lão không quay về căn nhà cũ ở Nguyên Lăng, mà đã xa chạy cao bay tìm chốn mai danh ẩn tích.

Nhưng hiện giờ ngoài cách trở về Nguyên Lăng thử coi, chàng không còn biết đến địa phương nào?

Địch Vân trở gót đi về phía đường lớn. Chàng gặp người trong làng liền hỏi thăm thì địa phương này kêu bằng Trình Gia Tập, ở phía bắc huyện Giám Lợi tỉnh Hồ Bắc. Vậy muốn đến Hồ Nam, phải qua sông Trường Giang.

Địch Vân đến thị tập dùng bạc vụn mua mỳ ăn rồi ra bến mướn thuyền qua sông.

Chàng hồi tưởng lại hôm qua ở trên sông này chàng phải trốn lánh Bảo Tượng rất đỗi hoang mang, mà bữa nay chàng được ung dung nhàn nhã qua sông.

Mới cách một ngày mà hoàn cảnh khác nhau đặc biệt.

Thuyền áp vào bờ mé nam, Địch Vân vừa lên bộ bỗng nghe tiếng người dứt lác rất huyên náo, đầu người lố nhố. Tiếng gây lộn náo lộn náo loạn cả một vùng, tiếp theo là những tiếng binh binh vang lên. Bốn người kia đã khai diễn cuộc ẩu đả.

Địch Vân động tính hiếu kỳ, liền lại gần coi.

Chàng thấy trong đám đông có bảy, tám đại hán đang vây đánh một lão già.

Lão già này mình mặc áo xanh, đầu đội mũ vải, ăn mặc theo kiểu một gia nhân. Bảy, tám đại hán kia đều mặc áo ngắn, đi chân không. Bên cạnh còn bỏ những câu và giỏ cá. Hiển nhiên đều là những tay chài lưới.

Địch Vân cho đây là cuộc gây lộn tầm thường, chẳng có gì đáng coi. Chàng đã toan trở gót thì thấy lão già vung chân đá một đại hán lăn long lóc. Té ra lão này là một nhân vật hiểu võ công.

Địch Vân thấy vậy liền đứng lại để coi cứu cánh.

Lão gia nhân kia một mình địch nổi số đông. Chỉ trong khoảnh khắc lão đã đánh ngã ba người đánh cá.

Số ngư nhân đứng gần đó tuy rất đông mà chẳng ai dám xông vào.

Bỗng nghe chúng reo lên:

– Đầu lĩnh đã tới! Đầu lĩnh đã tới!

Rồi thấy hai ngư nhân ở bờ sông chạy lên. Phía sau có ba người đi theo.

Ba người này bộ pháp vững vàng. Địch Vân vừa ngó thấy đã biết là những nhân vật có võ công.

Ba người tiến gần lại. Người đứng đầu là một hán tử ngoài bốn mươi tuổi, da mặt vàng khè, dưới cằm để túm râu chuột. Người này đảo mắt nhìn mấy ngư nhân nằm lăn dưới đất rồi cất tiếng hỏi:

– Các hạ là ai? Ỷ vào thế lực nào để đến huyện Huê Dung hà hiếp người ta?

Dĩ nhiên y nói câu này để hỏi lão gia nhân, nhưng y không thèm để mắt nhìn lão.

Nguyên bờ sông bên này là địa giới huyện Huê Dung thuộc tỉnh Hồ Nam.

Lão gia nhân đáp:

– Lão hủ đem tiền đến mua cá, sao lại bảo là ăn hiếp với không ăn hiếp?

Người đầu lĩnh quay lại hỏi ngư nhân đứng bên:

– Tại sao xảy cuộc ẩu đả?

Ngư nhân đáp:

– Lão đòi mua cho được đôi cá chép sắc vàng. Bọn tại hạ đã bảo lão Kim sắc lý ngư là vật khó kiếm, phải để lại cho đầu lĩnh hòa thuốc, nhưng lão rất ngang ngược, nhất định đòi mua. Bọn thuộc hạ không bán, thế là lão động thủ cướp giựt.

Đầu lĩnh quay ra ngắm lão gia nhân từ đầu xuống tới gót chân mấy lần rồi hỏi:

– Phải chăng ông bạn của các hạ trúng phải Lam Sa Chưởng?

Lão gia nhân nghe nói, biến sắc đáp:

– Lão hủ chẳng biết Lam Sa Chưởng hay Hồng sa chưởng chi hết. Tệ chủ nhân muốn ăn cá chép nhắm rượu liền sai lão hủ đem tiền đi mua. Khắp thiên hạ trước nay ai mua cá gì cũng được, sao lại có lề luật cá này bán được, cá kia không bán được?

Đầu lĩnh cười lạt hỏi:

– Trước mặt chân nhân xin đừng nói chuyện giả dối. Tôn tính đại danh các hạ là gì, có thể cho biết được chăng? Nếu là chỗ hảo bằng hữu thì chẳng những tại hạ xin kính biếu hai con Kim sắc lý ngư này mà còn tặng thêm một viên Ngọc cơ hoàn để điều trị Lam Sa Chưởng.

Lão gia nhân kia càng lộ vẻ kinh nghi, hồi lâu mới hỏi lại:

– Các hạ là ai? Sao các hạ biết đến Lam Sa Chưởng? Sao lại có Ngọc Cơ Hoàn? Chẳng lẽ... chẳng lẽ...

Tên đầu lĩnh ngắt lời:

– Đúng rồi! Giữa tại hạ và nhân vật sử Lam Sa Chưởng quả có mấy phần quan hệ.

Lão gia nhân không nói gì nữa, tung mình nhảy lại, vươn tay chụp một giỏ cá. Hành động của lão nhanh như điện chớp.

Đầu lĩnh cười lạt hỏi:

– Có chuyện dễ dàng thế được ư?

Y vung chưởng đánh tới sau lưng lão gia nhân.

Lão gia nhân xoay chưởng chống đỡ đồng thời mượn đà cho người vọt ra xa mấy trượng. Tay xách giỏ cá, lão rảo bước chạy đi.

Đầu lĩnh không ngờ lão gia nhân thủ pháp kỳ diệu như vậy. Y thấy muốn đuổi theo cũng không kịp liền giơ tay lên một cái. Một món ám khí rít lên veo véo bắn tới sau lưng lão gia nhân.

Lão gia nhân đoạt được giỏ cá chép rồi, mừng quá, tăng gia cước lực chạy rất gấp.

Lão không ngờ tên đầu lĩnh phát xạ một mũi ngọa lăng cương tiêu. Thủ kình của đầu lĩnh rất mãnh liệt, mũi tiêu phóng đi càng lẹ.

Địch Vân thấy lão gia nhân không né tránh, liền nổi lòng nghĩa hiệp. Tiện tay chàng lượm giỏ cá dưới đất liệng chênh chếch bắn về phía mũi cương tiêu.

Chàng đã mất hết võ công, luồng lực đạo trên tay chẳng có bao nhiêu, may chỗ chàng đứng gần đó nên liệng ra vừa kịp.

Bỗng nghe đánh "Sột" một tiếng. Mũi cương tiêu xuyên vào giỏ cá. Cái giỏ còn bay đi hơn một thước mới rớt xuống đất.

Lão gia nhân nghe tiếng vang ở sau lưng quay đầu nhìn lại thấy ngư nhân đang trỏ tay vào mặt Địch Vân lớn tiếng thóa mạ:

– Tên tiểu tặc trọc đầu kia! Ngươi đã là hòa thượng tại chùa chiền nào mà dám đến Thiết Võng Bang ở sông Trường Giang dính vào chuyện người ta?

Địch Vân sửng sốt tự hỏi:

– Sao hắn lại thóa mạ ta là tiểu tặc trọc đầu?

Chàng thấy tên đầu lãnh thanh thế lớn mạnh, lại nói những gì Thiết Võng Bang trên sông Trường Giang, liền nhớ lại Đinh đại ca đã dặn bảo những bang hội trên chống giang hồ thật lắm điều cấm kỵ. Nếu mình không cẩn thận dây vào bọn họ là phiền phức vô cùng.

Chàng không muốn vô cớ sinh sự liền chắp tay đáp:

– Tiểu đệ có điều lầm lỗi. Xin lão huynh lượng thứ cho.

Tên đầu lĩnh tức giận hỏi:

– Ngươi là cái thá gì mà hô huynh gọi đệ với ta?

Đoạn y vẫy tay một cái bảo bọn thủ hạ:

– Hãy bắt cả hai người này giữ lại.

Nguyên lão gia nhân kia vì dừng lại một chút nên đã bị hai ngư nhân vượt lên trước ngăn chặn đường về.

Giữa lúc ấy bỗng nghe những tiếng leng keng nổi lên. Hai người kỵ mã từ phía tây theo dọc bờ sông chạy tới.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-49)


<