Vay nóng Tima

Truyện:Viên Nguyệt loan đao - Hồi 02

Viên Nguyệt loan đao
Trọn bộ 32 hồi
Hồi 02: Cờ Cao Một Nước
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-32)

Siêu sale Shopee

Một lỗ trống, một cành cây, một sợi thừng, đã treo lên cành cây một người khổ luyện võ công mười ba năm.

Đinh Bằng hận mình sao không cẩn thận, để đến nỗi này, không còn cách xoay sở. Thực ra, phương vị lỗ trống, sợi dây thừng và cành cây có khoảng cách và lực lượng, như đều đã được tính toán kỹ lưỡng, chẳng những cần phải có bộ óc cao siêu, và nhiều năm kinh nghiệm, mới có thể tính toán chính xác như vậy.

Hình dạng hồng bào lão nhân lớn hơn người thường nhiều, đầu tóc trắng như cước, sắc mặt hồng nhuận như hài nhi, thân hình cũng giống một đứa trẻ mập mạp. Một lão nhân khác, mình gầy ốm, sắc mặt âm trầm, áo quần màu đen, trông giống một cây khô không hoa trái.

Cả hai đều chăm chú vào bàn cờ, mỗi quân cờ hạ xuống, đều qua một lúc suy nghĩ rất lâu.

Mặt trời dần dần lên cao, rồi dần dần ngả xuống phía Tây. Giờ Ngọ đã qua, nếu không xảy ra chuyện này, có lẽ Đinh Bằng đã đánh bại Liễu Nhược Tùng, vang tiếng giang hồ.

Đáng tiếc hắn còn bị treo trên cây.

Hai lão già đánh cờ bao giờ mới xong, chẳng lẽ họ đang suy nghĩ cách đối phó hắn.

Hắc bào lão nhân mặt âm trầm, đánh cờ cũng âm trầm, cầm quân cờ trên tay, suy nghĩ thật lâu mới nhè nhẹ, từ từ đặt xuống bàn cờ.

Hồng bào lão nhân tròn xoe mắt nhìn quân cờ của đối phương, mồ hôi trán từng giọt, từng giọt nhỏ xuống. Ai nhìn thấy thái độ của lão ta, đều biết ván cờ này, lão ta chắc chắn sẽ bị thua. Ván cờ này, lão sơ ý phân tâm hay lão cố ý nhường cho đối phương. Người thua cờ luôn tìm lý do để giải thích, chứ không chịu nhận thua.

Đương nhiên lão đòi chơi thêm ván nữa. Nhưng hắc bào lão nhân đã đứng dậy, quay đầu đi thẳng.

Hồng bào lão nhân chồm dậy đuổi theo, lớn tiếng:

- Ngươi không thể bỏ đi được, chúng ta còn phải đánh ván nữa.

Hai người, một chạy trước, một đuổi theo sau, hình như không thi triển thân pháp, chạy cũng không nhanh lắm, nhưng chỉ chớp mắt cả hai đều biến dạng. Con khỉ nhỏ mặc quần áo đỏ trên cành cây đối diện cũng đã biến mất. Trời tối dần, họ bỏ đi rồi, hình như không trở lại, cũng hình như không biết còn có một người vẫn bị treo trên cây. Trước sau, họ không để mắt nhìn Đinh Bằng một cái.

Hoang sơn tịch mịch, bóng đêm tối dần, đương nhiên chẳng còn ai khác đến chỗ này.

Một người bị treo trên cây tại đây, dù có bị treo bảy tám ngày, vị tất đã có người tới cứu. Dù bị treo cho đến chết cũng không phải là chuyện lạ.

Đinh Bằng đểch thực đã lo lắng, chẳng những lo lắng mà còn vừa lạnh, vừa đói, đầu óc phát hoảng, tứ chi tê dại. Hắn chợt phát hiện, mình thực ra là con heo, một con heo ngu nhất, xui xẻo nhất thiên hạ. Ngay tự hắn cũng không rõ tại sao lại xui xẻo như vậy.

Cho đến hiện tại, hắn vẫn chưa biết quý tánh đại danh của cô gái là gì, lại đưa một manh áo duy nhất của mình cho cô ta, toàn bộ tài sản cũng bị cô ta nuốt trọn vào bụng, mà còn vì cô ta, bị người treo tại đây như một con cá chết và không rõ bịtreo cho đến bao giờ mới thôi.

Hắn hận không tự đập cho mình bảy tám mươi cái tát thật mạnh, và khóc lớn một trận.

Không dè, giữa lúc hắn đang oán hận tự trách bản thân, thì sợi dây thừng bị đứt ngang, hắn rớt từ trên cao xuống, rớt xuống tuy không nhẹ, nhưng lại vừa đập mình ngay cho huyệt đạo được giải khai.

Những chuyện đã xảy ra này, chẳng lẽ có bàn tay nào đó sắp đặt?

Họ chẳng qua chỉ muốn hắn chịu khổ một lúc, chớ không muốn treo hắn cho đến chết. Nhưng họ là ai, tại sao phải cho hắn chịu khổ?

Hắn không nghĩ, dù nghĩ cũng không thông. Chuyện trước mắt phải làm là móc hết chất hôi nhầy nhụa trong miệng ra. Rồi tức tốc chạy về chỗ cũ, tìm cô gái để hỏi cho rõ. Rất tiếc cô gái đó đã bỏ đi và đem theo cả manh áo duy nhất của hắn.

Chia tay rồi, rất có thể là hắn sẽ không gặp mặt cô gái đó nữa. Đầu đuôi câu chuyện này như thế nào, rất có thể trọn đời hắn cũng không tìm ra câu trả lời.

Hiện tại, chuyện duy nhất hắn có thể làm là mình trần, bụng rỗng, kèm theo một miệng xú khí, lòng tức tưởi, tìm đến Vạn Tùng sơn trang cáo lỗi đã sai hẹn.

Mặc dù bây giờ đã trễ, nhưng đến trễ còn hơn không. Nếu người khác có hỏi tại sao hắn đến trễ, hắn có thể đặt chuyện nói láo. Vì nếu nói ra sự thật, e rằng chẳng ai tin.

Vạn Tùng sơn trang, khí phái còn lớn hơn sự tưởng tượng của hắn, cả tên đứng gác cửa cũng mặc áo gấm thêu hoa, rất có thể diện.

Sau khi biết hắn là Đinh Bằng, tên gác cổng đối với hắn rất phi thường khách khí, mắt không hề để ý mình hắn không mặc áo, cũng không để ý mình hắn đầy bùn.

Người gác cửa "đại nhân vật", thông thường đều rất có quy củ và lễ phép.

Những quy củ, lễ phép này, quả thực khiến hắn rất ngượng ngùng. Hắn được người gác cửa đưa vào sảnh, rồi lễ phép nói:

- Đinh thiếu gia đã đến sớm, hôm nay mới mười lăm, chưa tới ngày mười sáu, Trang chủ chúng tôi, cùng các vị bằng hữu được Trang chủ mời tới, vốn phải ở nhà đợi Đinh thiếu gia đến, dù có phải đợi ba hôm, năm hôm cũng chẳng sao...

Đinh Bằng đỏ mặt, ngập ngừng nói:

- Tại hạ đến trễ là...

Hắn đã bịa sẵn một chuyện để nói, nhưng người gác lễ phép, như không muốn nghe hắn nói, vội tiếp lời:

- Chỉ đáng tiếc, hôm nay Trang chủ chúng tôi có việc nhất định phải xin thiếu gia thứ tội, vì Trang chủ chúng tôi chỉ đợi được vài giờ rồi có việc phải đi.

Đinh Bằng ngẩn người. Hắn không thể trách Liễu Nhược Tùng, bất luận người nào đợi lâu tới ba canh giờ đều chẳng kể là ít.

Nhưng hắn phải làm sao đây?

Hiện tại, chỉ còn thừa một đồng tiền, mình trần không áo mặc, bụng đói. Hắn có thể đi đâu bây giờ.

Người gác cửa đối với hắn rất khách khí, nhưng tuyệt đối không có ý muốn mời hắn ngồi. Cuối cùng, hắn không nhịn nổi, hỏi:

- Chẳng hay tại hạ có thể ở đây đợi Trang chủ về không?

Người gác cửa cười và đáp:

- Nếu Đinh thiếu gia chịu ở lại đây đợi, đương nhiên có thể được.

Đinh Bằng thở ra nhẹ nhõm, nhưng người gác cửa lại nói tiếp:

- Nhưng chúng tôi không dám để thiếu gia lưu lại đây. Vì lần này, Trang chủ chúng tôi ra đi, ít nhất cũng ở ngoài hai ba mươi hôm, làm sao chúng tôi dám để Đinh thiếu gia đợi tới hai ba mươi hôm được!

Đinh Bằng lặng người chới với!

Người gác cửa lại nói:

- Nhưng Trang chủ chúng tôi cũng căn dặn lại, trước ngày mười lăm tháng bảy, nhất định sẽ trở về, lúc đó sẽ không còn bận việc gì khác, dù có đợi năm ba hôm cũng không sao.

Đinh Bằng cố dằn cơn nóng giận, nói:

- Được, ngày mười lăm tháng bảy, tại hạ nhất định sẽ tới, nhất định sẽ tới trước giờ Ngọ.

Người gác cửa vẫn cười:

- Tiểu khả đã có nói, hôm đó Trang chủ chúng tôi không còn bận việc gì, Đinh thiếu gia có tới trễ cũng không sao.

Giọng cười của hắn vẫn khách khí, lời nói của hắn còn khách khí hơn.

Đinh Bằng quay mình thẳng ra cổng, không thèm quay đầu lại. Hắn không muốn nhìn nét mặt cười cười của tên gác cửa nói năng khách khí, vừa rất quy củ này nữa. Hắn thực là chịu hết nổi. Hắn thề có một ngày nào đó, đắc chí thành danh, hắn nhất định sẽ trở lại đây để cho tên gác cửa nọ nhìn thấy nét mặt tươi cười của hắn.

Đó là chuyện sau này, còn hiện giờ, hắn cười không nổi, và không biết nên làm thế nào cho qua thời gian một tháng chờ đợi.

Dù sao, hắn vẫn còn nhớ còn một đồng tiền.

Một đồng tiền có thể mua được một cái bánh khô, uống chút nước lạnh cũng tạm đầy bụng.

Nhưng khi hắn định lấy một đồng tiền cuối cùng ra, thì mới phát hiện, đồng tiền đó cũng không còn nữa. Có lẽ, khi hắn bị treo trên cây, đồng tiền cất trong túi bị lọt ra mất? Không đúng, hắn chợt nhớ ra, hắn không cất đồng tiền trong túi đựng tiền, mà sau khi mua thịt bò, đồng tiền còn thừa, hắn bỏ trong túi áo ngực. Hiện manh áo đó, hắn đã cho cô gái mặc, thế là đồng tiền cuối cùng cũng đi theo cô gái.

Bây giờ cả tên họ cô gái, hắn cũng không biết.

Đinh Bằng chợt phì cười, cười sặc sụa, cười chảy nước mắt.

*****

Đêm, đêm mùa hè.

Trăng lên giữa đỉnh đầu, tinh tú đầy trời, mặt suối dưới ánh trăng, lấp lánh như dải lụa bạc. Gió đêm đượm mùi hoa thơm. Mùi thơm ngát của lá cây, cùng mùi thơm dịu của hoa cỏ, từng chập, từng chập từ rặng núi xa đưa tới.

Đêm hôm nay trăng rất tròn và đẹp. Đinh Bằng lại hy vọng vầng trăng tròn phải chi là cái bánh nướng tròn trịa. Chẳng phải hắn hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của sự phong nhã, nhưng lúc một người quá đói bụng thì cũng quên hẳn hai chữ phong nhã.

Đây là chỗ hắn gặp cô gái trong lúc ban sáng, hắn về lại chỗ này bởi vì hắn không còn biết nơi khác để đi.

Với bản lãnh của hắn, hắn có thể đi lấy trộm, đi đánh cướp, nhất định sẽ dễ dàng đắc thủ. Nhưng tuyệt đối hắn không muốn mang một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Hắn nhất định phải đi theo con đường chánh đáng.

Hắn lại nhìn xung quanh, hy vọng là đồng tiền không để trong áo, mà bị rớt quanh đây. Nhưng hắn không tìm thấy đồng tiền, mà tìm thấy một hạt đậu phộng.

Hắn cẩn thận lượm lên, tách hột đậu phộng làm đôi, từ từ bỏ vào miệng. Không dè, giữa lúc đó, chợt có một cô gái hấp tấp xông tới, như một con dê núi bị thợ săn rượt đuổi, làm hạt đậu phộng trên tay hắn cũng văng mất.

Nhưng lần này Đinh Bằng không cảm thấy mình bị xui xẻo, mà còn cao hứng đến nhảy dựng và reo lên:

- Là cô!

Đinh Bằng không ngờ gặp lại nàng, nhìn nàng dưới ánh trăng, hình như đẹp hơn lúc mới gặp ban sáng.

Tuy hai người chỉ gặp nhau lần thứ hai, nhưng khi gặp nàng, Đinh Bằng đã coi như vừa gặp một người bạn rất thân từ lâu.

Cô gái cũng tỏ vẻ rất vui mừng, nắm chặt tay hắn, như sợ hắn bỗng dưng đi mất.

- "Tưởng rằng chúng ta chẳng bao giờ gặp lại nhau".

Cả hai cùng đồng thanh nói.

Cả hai cùng bật cười.

Đinh Bằng cũng nắm chặt tay cô gái, hình như cũng sợ nàng bỗng đưng đi mất.

Cô gái nhìn hắn nói:

- Vừa rồi thiếp luôn tự nhắc nhở mình, nếu gặp lại được công tử, nhất định phải nhớ một chuyện.

Đinh Bằng vội hỏi:

- Chuyện gì?

Cô gái ngoẻn miệng cười:

- Nhớ hỏi tên công tử.

Đinh Bằng cười cười, vì vừa rồi hắn cũng luôn tự nhắc nhở mình, lần này nhất định phải hỏi tên cô gái.

Nàng tên Khả Tiếu.

*****

- Cô nương nói tên là Khả Tiếu?

- Phải!

- Có phải khả là khả dĩ, tiếu là tiếu thoại?

- Phải!

Đinh Bằng cố nhịn cười, nói:

- Cái tên này thật là kỳ quái.

Khả Tiếu nói:

- Chẳng những kỳ quái mà thêm cái họ của thiếp vào còn tức cười hơn nữa.

Đinh Bằng hỏi:

- Cô nương họ gì?

- Họ Lý.

Khả Tiếu chép miệng than:

- Một người mang tên Lý Khả Tiếu, công tử thấy có đủ tức cười không.

Đinh Bằng vẫn cố nhịn cười.

Khả Tiếu nói tiếp:

- Thiếp không hiểu tại sao gia gia lại đặt cho thiếp tên này.

Đinh Bằng nói:

- Thực ra, cái tên này cũng chẳng có gì xấu.

Khả Tiếu nói:

- Nhưng lúc nhỏ đã có người hỏi thiếp: "Này Lý Khả Tiếu, mày có gì đáng cười đâu". Mỗi khi thiếp nghe người khác hỏi câu này, thiếp cảm thấy nhức đầu, chớ làm sao còn cười được.

Cuối cùng, Đinh Bằng không nín được cười. Khả Tiếu cũng bật cười.

Chuyện xui xẻo trong một ngày, qua một trận cười, tất cả đều quên sạch.

*****

Nhưng chỉ chốc lát, cơn đói lại kéo tới, và hắn lại nhớ đến những vấn đề cần nên hỏi Khả Tiếu.

Nhìn nàng mặc manh áo của hắn, manh áo đó không có thể che kín toàn thân nàng được. Ánh trăng rọi trên những chỗ áo không che kín, khiến nàng trông càng hấp dẫn mê người.

Đinh Bằng, tự bản thân còn lo chưa xong, nhưng không rõ tại sao, hiện tại hắn không quan tâm vấn đề của mình, mà chỉ quan tâm cô gái.

Khả Tiếu nói:

- Thiếp biết, nhất định công tử muốn hỏi thiếp, tại sao thiếp nhờ công tử đi kiếm ông lão mặc quần áo đỏ? Tại sao thiếp không ở đây chờ công tử? Cả nửa ngày vừa qua thiếp đã đi đâu?

Đinh bằng lặng thinh thừa nhận.

Khả Tiếu nói tiếp:

- Nhưng tốt nhất công tử đừng nên hỏi.

- Tại sao?

- Vì công tử có hỏi, thiếp cũng không nói.

Nàng níu lấy tay hắn nói tiếp:

- Có những chuyện công tử không nên biết tốt hơn, một người biết nhiều chuyện, càng nhiều phiền não, thiếp không muốn đem lại nhiều phiền não cho công tử nữa.

Bàn tay nàng mềm mại và trắng trẻo, sóng mắt nàng ôn nhu và thành khẩn, tha thiết.

Đinh Bằng tuy chưa gần gũi đàn bà con gái, nhưng hắn cũng nhận ra, nàng đối với hắn có vẻ thực lòng qua ánh mắt của nàng.

Đối với Đinh Bằng mà nói, đây đã quá đầy đủ. Hắn cũng nắm chặt tay nàng nói:

- Ta sẽ nghe lời cô nương, cô nương không nói, ta cũng không hỏi.

Khả Tiếu cười thật tươi, nói:

- Nhưng thiếp muốn nhờ công tử đi làm giùm thiếp một việc nữa.

- Việc gì?

- Đi xuôi theo con suối này, sẽ gặp một tiểu lầu, nóc lợp ngói màu lục.

- Cô nương muốn tại hạ đến đó?

- Thiếp muốn công tử đi ngay bây giờ.

- Rồi sau đó?

- Sau khi tới đó, sẽ có người dẫn công tử đến gặp chủ nhân tiểu lầu, người này nói gì, nhất định công tử phải nghe theo, muốn công tử làm gì, nhất định công tửphải làm.

Khả Tiếu lại nhìn hắn với ánh mắt rất quyến rũ, tha thiết:

- Công tử nhất định phải tin tưởng nơi thiếp, thiếp nhất định không hại công tử đâu.

- Tại hạ tin.

Khả Tiếu gặng hỏi:

- Công tử có chịu đi không?

*****

Không đi, đương nhiên là không đi, tuyệt đối không thể đi.

Lần trước, nhận đi làm chuện cho cô nàng, hắn đã lãnh đủ tội, đủ khổ.

Chuyện nói ra lần này càng hoang đường hơn, sao hắn có thể đi.

Rất tiếc hắn lại nhận lời đi!

Lần trước, "đi ngược dòng suối gặp lão già mặc quần áo đỏ", lần này "đi xuôi dòng nước sẽ gặp căn tiểu lầu lợp ngói màu lục".

Lần trước, bị treo trên cây như con cá chết, miệng bị nhét đầy bùn hôi. Lần này sẽ gặp chuyện gì? Hắn có bị xui xẻo như lần trước không?

*****

Đing Bằng đã nhìn thấy căn tiểu lầu.

Tiểu lầu dưới ánh trăng, nhìn yên tĩnh và hòa bình, không có vẻ gì chứa đầy sát cơ bên trong.

Trong tiểu lầu không có cạm bẫy, chỉ có ánh đèn hòa dịu, thiết trần hoa lệ, gia cụ tinh mỹ. Nếu muốn nói nơi này nhất định có cạm bẫy, thì cũng là cạm bẫy rất hiền hòa.

Một người nếu có bị chết trong cạm bẫy hiền hòa, ôn nhu, thì cũng tốt đẹp hơn bị chết treo trên cây.

Người ra mở cửa tiểu lầu là một tiểu cô nương tóc đen óng mượt, thắt bín hai bên, miệng cười rất tươi, lúc cười có hai lún đông tiền khá sâu.

Canh ba giữa đêm khuya, chợt có một gã trai lạ, mình trần tới gõ cửa, Đinh Bằng cho rằng sẽ làm cho cô bé giật mình, sợ hãi vô cùng.

Không dè cô bé chẳng có vẻ gì sợ hãi, chỉ cười cười, hình như biết hắn sẽ đến đây. Cô bé hỏi:

- Công tử kiếm ai?

- Tại hạ kiếm chủ nhân nơi đây.

- Để tiểu nữ dẫn công tử đi. Cô bé chẳng những trả lời rất mau mà còn nắm tay Đinh Bằng kéo đi, làm như Đinh Bằng đã là bạn thân từ lâu.

*****

Chủ nhân trên lầu.

Trên lầu, thiết trần rất hoa lệ, chủ nhân ở phía sau bức rèm châu.

Đây chẳng phải nàng cố ý làm ra vẻ thần bí. Canh ba nửa khuya, một nữ nhân đối với một nam nhân lạ, tất nhiên là phải đề phòng một chút, cũng có thể nàng đã thay áo sắp sửa đi ngủ, đương nhiên không muốn để một gã trai lạ nhìn thấy.

Đinh Bằng tuy không rành kinh nghiệm xử thế, nhưng cũng rất rõ điều này.

Hắn đương nhiên biết rõ người sau bức rèm châu là nữ nhân, và giọng nói tuy hơi ngọng nghịu, nhưng rất ngọt ngào dễ nghe:

- Là ai kêu công tử đến kiếm bổn cô nương đó?

- Là một cô nương họ Lý.

- Cô ấy là người gì của công tử?

- Bạn của tại hạ.

- Cô ấy đã nói gì với công tử?

- Cô ấy nói cô nương muốn tại hạ đi làm việc gì, tại hạ sẽ đi làm việc đó.

- Công tử chịu nghe lời cô ấy?

- Tại hạ tin tưởng cô ấy, và biết cô ấy sẽ không làm hại tại hạ.

- Bất kể bổn cô nương muốn công tử làm việc gì, công tử cũng chịu làm phải không?

- Cô nương là bạn của cô ấy, tại hạ cũng tin tưởng cô nương.

- Công tử có biết bổn cô nương đối với công tử thế nào không?

- Tại hạ không biết.

Giọng nói của chủ nhân chợt thay đổi, thay đổi một cách rất dữ tợn:

- Bổn cô nương muốn công tử vào một bồn nước nóng, nước thật nóng, dùng một bàn chải rất lớn, chải hết bùn đất trên mình công tử, khoát lên mình công tửmột bộ đồ mới tinh, và mang một đôi giày thật mới, rồi bắt đầu ngồi trên một cái ghế. Sau đó đem một nồi thịt bò đã hầm kỹ mấy giờ nhét đầy vào bụng, khiến công tử không đứng dậy nổi.

Đinh Bằng cười, hắn đã nhận ra giọng nói của cô gái.

Một người cười khanh khách từ sau rèm châu bước ra. Là Khả Tiếu.

Đinh Bằng cố ý chép miệng than:

- Tại hạ đối với cô nương thật lòng, tại sao cô nương lại đối với tại hạ như vậy?

Khả Tiếu cũng cố ý sa nét mặt, nói:

- Ai biểu công tử dễ dãi nghe lời, thiếp không hại công tử, hại ai?

Đinh Bằng:

- Thực ra, những chuyện này tại hạ đều không sợ.

Khả Tiếu hỏi:

- Công tử sợ gì?

- Tại hạ sợ nhất là uống rượu, nếu cô nương bắt tại hạ phải uống mấy cân Thiện tửu lâu năm, tại hạ sẽ bị hại khổ lắm đó!

*****

Rượu lâu năm, thịt bò nướng tái.

Nếu quả thực có người muốn dùng những món này để hại người, nhất định có rất nhiều người tự nguyện để bị hại.

Hiện tại Đinh Bằng sau khi tắm bằng nước nóng, mặc bộ đồ mới, như một người thay đổi từ trên xuống dưới, chỉ có một sợi đai lưng là không thay đổi. Sợi đai lưng may bằng vải màu lam, rộng một tấc, dài bốn thước.

Khả Tiếu ngoẻn miệng cười nói:

- Hiện giờ công tử nên biết rõ, công tử chớ nên đối xử với thiếp quá tốt, vì người đối với thiếp càng tốt, thiếp càng muốn tìm cách làm hại.

Đinh Bằng chép miệng:

- Thật ra, chẳng thể kể tại hạ tốt lắm với cô nương, chẳng qua chỉ cho cô nương mượn một manh áo cũ, mời ăn chút thịt bò, và một ít bánh nướng thôi.

Khả Tiếu nói:

- Công tử cho thiếp, chẳng phải một manh áo cũ, mà là một manh áo duy nhất hiện có; chẳng phải mời thiếp một ít thịt bò, mà là toàn bộ lương thực hiện có.

Nàng nhìn Đinh Bằng với ánh mắt nhu tình và cảm kích, nàng nói tiếp:

- Nếu có người đem tất cả những gì mình hiện có tặng cho công tử, công tử sẽ đối xử với người đó ra sao?

Đinh Bằng không nói gì.

Khả Tiếu lại nói:

- Nếu có người đem tất cả những gì hiện có tặng cho thiếp, thiếp chỉ có một cách để báo đáp.

Đinh Bằng hỏi:

- Cách gì?

Khả Tiếu cúi đầu nhỏ nhẹ:

- Thiếp cũng tặng lại cho người đó tất cả những gì mình có.

*****

Rạng sáng.

Lúc Đinh Bằng tỉnh dậy, Khả Tiếu vẫn nằm bên cạnh, gục mặt trên ngực hắn như con chim nhỏ. Nhìn mái tóc đen mướt và cần cổ trắng ngần của nàng, trong lòng Đinh Bằng cảm thấy một niềm hạnh phúc và mỹ mãn chưa từng có.

Vì cô gái mỹ miều này đã hoàn toàn thuộc về hắn.

Hắn không những mãn túc mà còn kiêu hãnh, vì hiện tại hắn đã chân chính trở thành một nam tử.

Không rõ nàng cũng tỉnh dậy tự lúc nào, ngóc đầu nhìn hắn với cặp mắt si mê, đắm đuối.

Đinh Bằng nhẹ vuốt tóc mềm mại của nàng, thì thầm hỏi:

- Nàng có biết ta đang nghĩ gì không?

Khả Tiếu hỏi lại:

- Công tử đang nghĩ gì vậy?

Đinh Bằng nói:

- Ta đang nghĩ, nếu ta là một người vừa có tiền, vừa có danh, nhất định ta sẽ đưa nàng đi rong chơi khắp thiên hạ, để mọi người trong thiên hạ đều hâm mộ chúng ta, ghen với chúng ta, lúc đó nàng sẽ vì ta mà kiêu hãnh.

Hắn khẽ chép miệng nói tiếp:

- Tiếc rằng, hiện tại ta chỉ là một gã nghèo mạt, không có gì cả.

Khả Tiếu nhoẻn miệng cười và nói:

- Thiếp thích con người nghèo mạt như công tử.

Đinh Bằng trầm mặt một chút, chợt lớn tiếng:

- Ta quên mất, ta còn một vật này có thể tặng cho nàng.

Rồi hắn vùng dậy, lục trong đống áo quần, tìm ra sợi đai lưng:

- Ta muốn tặng nàng sợi đai lưng này. - Hắn nói.

Khả Tiếu không dám cười, vì thấy thần sắc hắn rất trịnh trọng, nghiêm túc, tuyệt chẳng phải chuyện nói đùa. Nàng chỉ dịu dàng nói:

- Vật gì công tử tặng, nhất định thiếp sẽ giữ kỹ.

Đinh Bằng nói:

- Ta không cần nàng giữ kỹ, mà muốn nàng xé ra coi.

Khả Tiếu rất biết nghe lời. Nàng xé sợi đai lưng, mới phát hiện bên trong cất giấu một trang giấy đã cũ rách.

Màu giấy đã vàng, mặt trước có mấy hình vẽ đơn giản; mặt sau dày đặc những hàng chữ nhỏ li ti.

Khả Tiếu chỉ xem hai hàng:

- Chiêu kiếm này là tuyệt học bình sanh của ta, kiếm pháp của các phái Thanh Bình, Hoa Sơn, Tung Dương, Không Động, Võ Đang, Hoàng Sơn và Điểm Thương, gặp chiêu kiếm này tất sẽ bại.

Chỉ nhìn qua hai hàng, nàng không đọc tiếp mỉm cười hỏi:

- Chiêu kiếm này quả thực lợi hại như vậy sao?

Đinh Bằng nói:

- Ta vẫn chưa nằm vững, nên chưa dám tìm các cao thủ thực sự để thử, nhưng hiện tại ta đã biết kiếm phái của phái Thanh Bình, Hoa Sơn và Tung Dương, gặp chiêu kiếm này của ta chẳng khác đậu hũ gặp dao bén, hoàn toàn không sức chống đỡ.

Hắn tỏ vẻ rất cao hứng, nói tiếp:

- Đợi khi ta đánh bại Liễu Nhược Tùng, ta sẽ tìm người khác nổi danh hơn hắn, thế nào cũng có ngày ta muốn tất cả kiếm khách nổi danh trên giang hồ, đều bại dưới kiếm của ta.

Khả Tiếu lại nhìn Đinh Bằng vài lượt, rồi đưa trả tờ giấy cho hắn, nói:

- Đây là vật trân quý nhất của công tử, thiếp không thể lấy được.

Đinh Bằng hỏi:

- Ta muốn tặng nàng vật trân quý nhất, tại sao nàng không muốn lấy?

Giọng Khả Tiếu thật ngọt:

- Thiếp là thân phận nữ nhi, không muốn tranh đua với các kiếm khách nổi danh giang hồ, chỉ cần công tử có lòng như vậy, thiếp đã mãn nguyện lắm.

Rồi nàng ôm ghì hắn, thủ thỉ bên tai:

- Thiếp chỉ muốn một mình công tử thôi!

*****

Trăng tròn rồi khuyết, khuyết lại tròn.

Ngày ngày qua đi, Đinh Bằng hầu như quên hẳn cuộc hẹn với Liễu Nhược Tùng.

Nhưng Khả Tiếu không quên, nhắc:

- Thiếp nhớ ngày mười lăm tháng bảy, công tử có hẹn ước...

Đinh Bằng hững hờ đáp:

- Đến hôm đó, ta sẽ đi.

Khả Tiếu nhắc nhở:

- Hôm nay đã là mồng tám rồi, trong mấy ngày sắp tới, công tử cũng nên luyện qua kiếm pháp, nhất là có thể một mình tìm chỗ yên tĩnh tập luyện. Thiếp biết, công tử nhìn thấy thiếp, sẽ... sẽ không muốn luyện tập gì nữa.

Đinh Bằng cười:

- Hiện tại ta muốn...

Khả Tiếu không cười, cũng không nói gì thêm. Ngày hôm sau, khi Đinh Bằng tỉnh dậy, Khả Tiếu cùng con a đầu, miệng có hai núm đồng tiền đã rời khỏi tiểu lầu, chỉ để lại một phong thư.

"Thiếp muốn chàng trong mấy ngày này, hãy cố gắng luyện kiếm pháp, bảo vệ sức khỏe, sau cuộc hẹn ngày mười lăm tháng bảy, sẽ gặp lại nhau".

Những lời dặn dò trong thư, càng khiến Đinh Bằng thêm cảm kích. Trong lòng hắn tuy không khỏi đượm chút buồn ly biệt, nhưng nghĩ đến lúc gặp lại Khả Tiếu, hắn lại phấn khởi tinh thần, luyện kiếm, luyện lực, luyện khí.

Vì Khả Tiếu, hắn quyết tâm cuộc chiến này không thể bại.

Hắn đã phát hiện, thể lực mình tốt hơn trước nhiều. Một gã con trai sau khi có đàn bà, mới có thể kể là chân chính nam nhân, cũng như mặt đất, sau khi được thấm nhuần nước mưa, mới biến thành màu mỡ phong phú.

Đến đúng ngày mười lăm tháng bảy, tinh thần, thể lực của hắn, đều đã đạt mức tối cao.

Đối với cuộc chiến này, hắn đã có lòng tin tất thắng, cầm chắc tất thắng.

*****

Mười lăm tháng bảy.

Buổi sáng.

Trời quang đãng, dương quang rực rỡ. Tâm tình của Đinh Bằng cũng như thiên khí, hắn tự cảm thấy tinh thần đầy đủ, khí lực dồi dào, dù trời sập xuống cũng chống đỡ nổi.

Người gác cửa rất quy củ, lễ phép của Vạn Tùng sơn trang, khi nhìn thấy Đinh Bằng cũng thót giật mình.

Người có thể giữ được chân gác cửa nhà đại phú hộ, chẳng phải chuyện dễ, chẳng những có con mắt biết nhận xét người giàu nghèo, sang hèn, mà còn biết thay đổi nét mặt thích đáng tùy lúc. Gã thực không ngờ, người trẻ tuổi, quần áo sang trọng đứng trước mặt gã lại là tên nghèo mạt không có áo mặc, với bộ mặt xui xẻo đã đến đây tháng trước.

Nhìn biểu lộ trên nét mặt người gác cửa, Đinh Bằng cảm thấy vui thích, sự tức giận hôm nào đã vơi chút ít. Hắn nghĩ bụng, đợi sau khi đánh bại Liễu Nhược Tùng rồi, biểu lộ của gã này nhất định càng làm hắn vui hơn.

Trong lòng Đinh Bằng chỉ có một điểm ái ngại duy nhất là giữa hắn và Liễu Nhược Tùng không oán không thù, vốn không nên hủy thanh danh lâu năm của ông ta trong một sớm. Hắn nghe nói, Liễu Nhược Tùng chẳng những rất có hiệp danh trong giang hồ, mà còn là một chánh nhân quân tử.

*****

Liễu Nhược Tùng dáng người cao gầy, diện mạo rất anh tuấn, lễ phép, là một trung niên rất có phong độ.

Đối với đại đa số nữ nhân, loại nam nhân này có ma lực hấp dẫn hơn bọn tuổi trẻ nhiều.

Ông ta tuyệt không nhắc đến chuyện tháng trước, điểm này khiến cho Đinh Bằng chẳng thể không thừa nhận ông ta là quân tử.

Thái độ ông ta rất trầm ổn, hành động mau lẹ, ngón tay dài mà có sức, phản ứng rất linh mẫn.

Những điểm này lại khiến Đinh Bằng chẳng thể không thừa nhận ông ta là một kình địch, chẳng phải chỉ có hư danh trong giang hồ.

Luyện vũ trường đã chuẩn bị xong, và trải trên mặt đất bằng lớp cát nhuyễn.

Trên giá vũ khí, hai bên bày đủ loại binh khí, đủ mọi hình thức, tinh quang sáng ngời. Dưới bóng cây, còn bày sáu bảy ghế ngồi bằng gỗ đàn.

Liễu Nhược Tùng giải thích:

- Có mấy vị bằng hữu, mộ danh kiếm pháp Đinh thiếu hiệp từ lâu, đều muốn thưởng thức, nên tại hạ chủ trương mời họ đến, mong thiếu hiệp chớ trách.

Đinh Bằng đương nhiên không trách. Một người lúc thành danh nở mặt, luôn hy vọng có người đến chứng kiến, người đến càng nhiều, càng thêm cao hứng.

Hắn hỏi:

- Những vị nào đã đến đây?

Liễu Nhược Tùng nói:

- Một vị tiền bối trong võ lâm, Chung lão tiên sinh của Điểm Thương sơn.

Đinh Bằng hỏi:

- Phong Vân kiếm khách Chung Triển?

Liễu Nhược Tùng mỉm cười:

- Không dè Đinh thiếu hiệp cũng biết vị lão tiên sinh này.

Đinh Bằng đương nhiên biết Chung Triển là người chính trực, cũng như kiếm pháp của ông ta đã được mọi người tôn kính.

Được người có danh vọng như Chung Triển đến làm nhân chứng cho cuộc chiến này, thực là may mắn cho Đinh Bằng.

Liễu Nhược Tùng lại nói:

- Mai Hoa lão nhân và Mặc Trúc Tử cũng tới, trong giang hồ liệt tại hạ cùng hai vị này là "Tuế Hàn tam hữu", thực ra tại hạ thấy không xứng đáng.

Ông ta lại cười lộ vẻ đắc ý, nói tiếp:

- Còn một vị nữa là Tạ tiên sinh, danh tiếng trong giang hồ không lớn lắm, vì vịnày rất ít đi lại bên ngoài. Người trong "Thần Kiếm sơn trang", thường ít khi đi lại trong giang hồ.

Đinh Bằng hơi đổi sắc, hỏi:

- Thần Kiếm sơn trang? Vị Tạ tiên sinh này là người trong Thần Kiếm sơn trang?

Liễu Nhược Tùng gật đầu và thản nhiên đáp:

- Phải.

Đinh Bằng bắt đầu hồi hợp, đối với người trẻ tuổi học kiếm mà nói, bốn tiếng "Thần Kiếm sơn trang" vốn đều khiến lòng người rúng đọng, hồi hộp.

Thần Kiếm sơn trang, Thúy Vân Phong, Lạc Thủy Hồ, gia đình họ Tạ. Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong, Kiếm trung thần kiếm, Nhân trung kiếm thần. Vị Tạ tiên sinh hôm nay phải chăng là vị kiếm thần này?

*****

Vị đến trước nhất là Điểm Thương Chung Triển. Phong Vân kiếm khách thành danh rất sớm, Liễu Nhược Tùng phải kêu ông ta là lão tiên sinh, nhưng ông ta coi không già, tóc vẫn đen, cặp mắt vẫn sáng quắt. Ông ta đối với vị thiếu niên từng đánh bại ba cao thủ của ba phái Thanh Bình, Hoa Sơn và Tung Dương không có vẻ khách khí. Người chính trực đối với ai cũng không có vẻ khách khí, ông ta luôn có thái độ này, và luôn cho rằng người khác phải đặc biệt tôn kính vì sự chính trực của mình. Đây phải chăng người chính trực trong giang hồ đã quá ít? Tuy vậy, Chung Triển vẫn không ngồi vào ghế thượng vị, ghế thượng tọa này đương nhiên dành cho vị Tạ tiên sinh của Thần Kiếm sơn trang.

Tạ tiên sinh chưa tới, Mai Hoa và Mặc Trúc trong nhóm "Tuế Hàn tam hữu" đã tới.

Nhìn thấy hai người này Đinh Bằng ngẩn người.

Một người áo đỏ, tóc bạc như cước, sắc mặt hồng nhuận như trẻ nít; một người sắc mặt âm trầm, mình gầy như cây trúc. Rõ ràng là hai người đã ngồi đánh cờ dước góc cây cổ thụ trên đầu ngọn suối hôm trước. Họ làm như chưa hề thấy Đinh Bằng.

Đinh Bằng cũng rất muốn quên chuyện này, nhưng có một điều hắn tuyệt đối không thể quên là tại sao Khả Tiếu muốn hắn kiếm hai người này? Nàng có quan hệ gì với họ?

Hắn ăn năn, tại sao không hỏi rõ chuyện này, taị sao lại đáp ứng yêu cầu của nàng.

Hiện tại hắn không còn cách để hỏi nữa, vì vị Tạ tiên sinh của Thần Kiếm sơn trang đã tới.

Vị Tạ tiên sinh này có thân hình mập mạp, khuôn mặt tròn trịa, luôn tươi cười, rất hiền hòa, coi như một người thương gia.

Hiển nhiên vị Tạ tiên sinh này chẳng phải là Tạ tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong đệ nhất kiếm đương thời, vang danh thiên hạ. Thậm chí cả Điểm Thương Chung Triển cũng khăng khăng mời ông ta ngồi vào ghế thượng tọa. Ông ta cũng không chịu, nói mình là một quản sự trong Thần Kiếm sơn trang mà thôi, truớc mặt các vịanh hùng thành danh, đuợc ngồi hầu tiếp tại ghế sau cùng, đã là vinh hạnh lắm rồi, Một người tùy tiện từ Thần Kiếm sơn trang ra, trong giang hồ đã có thân phận và khí thế như vậy, khiến Đinh Bằng càng thêm hồi hộp, máu nóng bừng sôi!

Hắn thề sẽ có một ngày, hắn cũng muốn đến Thần Kiếm sơn trang, dùng ba thước sắc trong tay, đến bái phỏng vị danh hiệp thiên hạ vô song đó, xin thỉnh giáo kiếm pháp của vị đó, dù có bị bại dưới kiếm của ông ta, cũng có thể coi như không uổng kiếp sống này, Hắn tự nhủ, cuộc chiến hôm nay nhất định không thể bại.

Hắn từ từ đứng dậy nhìn Liễu Nhược Tùng, nói:

- Vãn bối Đinh Bằng, xin tiền bối chỉ giáo, mong tiền bối kiếm hạ lưu tình.

Chung Triển chợt nói:

- Thiếu hiệp tuổi còn trẻ, nhưng có chuyện phải luôn ghi nhớ.

Đinh Bằng:

- Xin tiền bối chỉ giáo.

Chung Triển trầm nét mặt, giọng lạnh lùng:

- Kiếm vốn là vật vô tình, một khi kiếm ra khỏi bao, chẳng thể lưu tình.

*****

Hai đồng tử áo tía bưng hộp kiếm được trang hoàng rất hoa lệ, dáng nghiêm trang sau lưng Liễu Nhược Tùng. Liễu Nhược Tùng mở hộp, lấy kiếm, rút kiếm ra, một tiếng "keng", trường kiếm ra khỏi bao, tiếng ngân như rồng gầm.

Tạ tiên sinh mỉm cười khen:

- Hảo kiếm!

Đây quả thực là một thanh kiếm tốt, kiếm quang lưu động, tỏa kiếm khí lạnh lẽo kinh người.

Liễu Nhược Tùng cầm kiếm trên tay, thái độ rất ưu nhã, an nhàn.

Đinh Bằng tay nắm chặt chuôi kiếm, lòng bàn tay đã có mồ hôi.

Kiếm của hắn chỉ là thanh kiếm sắt rất thông thường, tuyệt đối không thể sánh kịp lợi khí trên tay Liễu Nhược Tùng. Hắn cũng không có phong thái ưu nhã, an nhàn, trầm tĩnh như Liễu Nhược Tùng.

Hắn tuy đã tin tưởng chiêu "Thiên Ngoại Lưu Tinh" của mình chắc chắn có thể phá kiếm pháp Võ Đang đích truyền của Liễu Nhược Tùng, nhưng hắn vẫn rất khẩn trương.

Liễu Nhược Tùng nhìn hắn mỉm cười nói:

- Tệ xá còn có thanh kiếm khác, tuy chẳng phải là thần binh lợi khí, nhưng cũng tạm được, nếu Đinh thiếu hiệp không hiềm tỵ, tại hạ sẽ kêu người đem ra.

Ông ta tự thị là thân phận tiền bối danh gia, không muốn chiếm tiện nghi trước đối thủ.

Đinh Bằng không chịu tiếp nhận hảo ý của ông ta, chỉ điềm đạm nói:

- Vãn bối dùng thanh kiếm này, nó là di vật của tiên phụ, vãn bối không dám khinh bỏ.

Liễu Nhược Tùng hỏi:

- Có phải thiếu hiệp là con cháu Đinh gia ở Thái Hồ?

- Vãn bối là người Ký Bắc.

Chung Triển:

- Vậy thì lạ thiệt.

Ông ta lạnh lùng nói tiếp:

- Giang hồ đồn đại, vị Đinh thiếu hiệp kiếm pháp kỳ cao, mà một kiếm thành tựu nhất, còn thần kỳ diệu tuyệt, như từ ngoài trời bay tới. Lão phu học kiếm năm mươi năm, lại không rõ vùng Ký Bắc, còn có một Đinh gia nữa, và có kiếm pháp gia truyền tinh diệu đến thế?

Tạ tiên sinh gật đầu, nói:

- Thật ra, đây cũng chẳng có gì đáng kỳ quái, trong giang hồ vốn có nhiều kỳ nhân dị sĩ, không cần nổi danh, Chung lão tiên sinh tuy kiến văn rộng rãi, cũng vịtất đã biết rõ hết.

Chung Triển làm thinh, Liễu Nhược Tùng cũng không nói gì thêm, hồi kiếm ngang ngực nói:

- Xin mời!


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-32)


<