Vay nóng Tima

Truyện:Biên Hoang truyền thuyết - Hồi 450

Biên Hoang truyền thuyết
Trọn bộ 586 hồi
Hồi 450: Bắc Tuyến Chi Chiến
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-586)

Siêu sale Lazada

Trong sáu toà luỹ trại thì bốn toà bén lửa bốc cháy. Tiễn lâu không may mắn như thế, toàn bộ chìm trong biển lửa, khói đen cuồn cuộn trào ra. Người Yên càng không thể giữ trận địa trong không gian hữu hạn được nữa, tranh nhau rời khỏi trận địa theo tiễn hào chạy ra khu đất rộng bên ngoài.

Tình hình hai bờ Đông, Tây hoàn toàn khác nhau. Vì bộ đội Hoang nhân tập kết bên ngoài trận địa bờ Đông nên chủ soái quân Yên là Tông Chính Lương đem toàn bộ một ngàn hai trăm bộ đội chủ lực trong tay điều sang bố phòng bên bờ Đông. Một ngàn người Yên nữa chủ yếu là lính công binh thì phụ trách thao tác máy bắn đá và công tác hậu cần.

Năm trăm người còn lại thủ hộ trận địa bên bờ Tây. Bọn họ không những chưa từng ra trận, lại không phải là người Tiên Ti, mà là dân thường bị cưỡng bức tới đây để phụ trách việc xây dựng trại, tiễn lâu và công sự.

Hoang nhân dùng hai chiếc Song Đầu thuyền làm bộ đội xung phong hãm trận đã nằm ngoài dự liệu của Tông Chính Lương. Họ dùng hoả khí khói độc phá trận từ xa lại càng làm hắn trong lúc trở tay không kịp không còn sức đánh trả.

Vấn đề lớn nhất của quân Yên là liên tục nhiều ngày nay phải xây trại, tiễn lâu và đào hào. Thêm vào đó là tuyết lớn liên tục, lại bị Cao Ngạn làm náo loạn đến nghiêng trời lệch đất, người ngựa mỏi mệt, sỹ khí tiêu tan, đã sớm mất đấu chí và sức chiến đấu vốn có.

Khi Song Đầu thuyền dùng đầu thuyền bọc thép húc gãy hai đạo phù kiều, cắt đứt liên hệ hai bờ Đông – Tây, rồi không dừng lại tiến lên thượng du thì sự khủng khiếp hoảng loạn đã như ôn dịch lan tràn khắp nơi. Bị ảnh hưởng trước tiên là người thợ Hán tộc bên bờ Tây, họ tranh nhau chạy tứ tán khỏi trận địa bị khói lửa bao trùm, trận thế tan vỡ, hoàn toàn sụp đổ.

Số người bỏ chạy bên bờ Đông cũng nhiều, nhưng vẫn còn gần ngàn chiến sỹ dưới sự chỉ huy của tiếng tù và, rời khỏi khu lửa cháy đến khu bằng phẳng rộng rãi tiến hào phía đông bố trận nghênh chiến, muốn dùng thế bối thuỷ*.

Một ngàn hai trăm chiến sỹ tinh nhuệ của Hoang nhân do Mộ Dung Chiến chỉ huy, Vương Trấn Ác làm phó tướng chia thành ba quân tả, hữu và trung, tiến thẳng tới cách chỗ Yên quân bố trận hơn hai ngàn bước. Toàn bộ đều là khinh kỵ, binh cường mã tráng, chờ đợi thời khắc xuất kích.

Nhìn thấy địch nhân cờ xí ngả nghiêng, kỷ luật hỗn loạn, hơn nửa người và ngựa đã bỏ chạy mất, Mộ Dung Chiến song mục lấp loáng nhìn qua phía địch nhân rồi cười nói với Vương Trấn Ác bên cạnh: "Không có lúc nào như lúc này làm người ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc nắm vững thời cơ. Lần này có thể thu được kết quả huy hoàng như vậy toàn là nhờ Cao tiểu tử thăm dò rõ địch tình, lại được Trấn Ác trù mưu, định ra sách lược tấn công tinh tế như thế. Nói thật ra thì ta rất thông cảm với Tông Chính Lương. Lần này hắn đúng là có tội không chiến, thua tại vận khí."

Thấy mắt Vương Trấn Ác không ngừng lùng sục phía địch nhân, hắn hỏi: "Ngươi phải chăng đang tìm Hướng Vũ Điền?"

Vương Trấn Ác than: "Đúng là ta đang tìm hắn. Nói thật, cảm giác của ta đối với y có chút mâu thuẫn. Vừa hy vọng y có trong đội ngũ địch nhân, có thể một trận thu thập y. Lại hy vọng y không dính dáng đến sự việc, tránh được kiếp nạn."

Mộ Dung Chiến gật đầu: "Ta hiểu tâm tình phức tạp của Trấn Ác. Cái tên gia hoả Hướng Vũ Điền thật làm người ta vừa yêu vừa hận. Nhưng trên chiến trường thì không có tình người nào đáng nói, chỉ còn cách dùng hết mọi phương pháp đả kích và sát thương đối phương."

Tiếp đó hắn thét: "Đánh trống!"

Mười người phụ trách đánh trống đằng sau đồng thanh đáp ứng, tiếng trống trận vang lên động trời.

Tiếng hò hét vang lừng khu hoang dã đen tối bên dòng Dĩnh Thuỷ. Theo mệnh lệnh của Mộ Dung Chiến, ba trăm quân cánh trái do Diêu Mãnh suất lĩnh phóng ra trước tiên, đánh giết thẳng vào trận địch. Người nào cũng giương cung đặt tên, không quản thân mình.

Tiếp đó là hai trăm quân cánh phải do Đinh Tuyên chỉ huy cũng giục ngựa tiến lên, đánh về phía trái trận địch. Nhất thời tiếng vó ngựa vang rền, sát khí xung thiên.

Quân đối phương chưa đánh tới thì Yên quân đã loạn, một bộ phận vứt bỏ binh khí chạy về phía trái. Lại có người không kể trời đông giá lạnh, quay đầu chạy về trận địa nhảy xuống sông bơi sang bờ bên kia.

Mộ Dung Chiến thấy địch chưa đánh đã khiếp sợ liền không do dự, thét lớn ra lệnh. Trung quân hùng mạnh tiến lên, nhưng không như hai quân trái phải toàn lực phóng đi, mà từ từ tiến đánh. Hai cánh nhanh, một cánh chậm, càng tăng thêm uy thế và áp lực lên địch.

Bên địch số người bỏ chạy càng lúc càng nhiều làm chủ soái Tông Chính Lương và Phó soái Hồ Bái dù hò hét thế nào cũng không hề tác dụng.

Ai cũng biết đại thế đã mất.

Yên quân cuối cùng cũng toàn thể tan rã.

77:

Ưu thế lớn nhất của Yến Phi là biết rõ Tiều Phụng Tiên là thần thánh phương nào, cũng hiểu ý đồ và thủ đoạn của đối phương. Tiều Phụng Tiên lại vẫn có thái độ hoài nghi về việc chàng có bị thương hay không. Nếu không, y đã sớm gọi Lý Thục Trang và Trần công công đến toàn lực đánh chàng rồi.

Cao thủ quá chiêu, thắng bại chỉ cách nhau một đường tơ. Trí giả tính toán, chỉ cần cờ sai một nước là hỏng cả bàn.

Yến Phi chính nhờ một điểm ưu thế đó, nghĩ được mưu kế sách lược cầu sinh. Dương thần của chàng được nguyên âm của An Ngọc Tình dẫn phát, hé lộ sinh cơ, cũng làm chàng hồi phục một phần linh lực, có thể cảm ứng được tình hình vi diệu trong khí kình của Tiều Phụng Tiên. Không những phán đoán ra võ công Tiều Phụng Tiên không dưới bất kỳ người nào trong bọn ba đại cao thủ Ma môn Khuất Tinh Phủ, mà chàng còn từ đặc tính lưu động của chân khí y mà biết được người này giỏi chuyển hoán chân khí, làm công phu thân pháp của y có thể làm những việc ngược với quy luật vật lý thông thường, nhanh như quỷ mỵ.

Chính vì Tiều Phụng Tiên lấy khinh công thân pháp làm sở trường nên mới có thể đến rất gần Yến Phi mới bị phát giác. Y còn tự cho rằng nếu có gì không hay thì có thể dùng khinh công bỏ chạy dễ dàng. Vì thế y không sợ một mình đối mặt với Yến Phi.

Yến Phi phát sinh một loại cảm giác hoàn toàn khác, vô cùng mỹ diệu nắm được toàn bộ tình hình đối phương, lại cảm thấy vô cùng tươi mới thích thú. Vì từ khi chàng kết Kim Đan thì đã không dùng hết trí lực để ‘tri địch’ như thế nữa.

Chàng cười nhẹ: "Tiều huynh thích nghĩ thế nào thì nghĩ. Cái đầu của Tiều huynh là của Tiều huynh. Nhưng để Yến mỗ đề tỉnh Tiều huynh một chuyện. Đó là một khi động thủ rồi, Yến mỗ có muốn lưu thủ cũng không được. Nếu như Tiều huynh cho rằng bằng vào thân pháp hơn người, khi tình hình không hay thì tuỳ thời có thể chạy đi thì là sai lầm lớn đó."

Đồng tử trong mắt Tiều Phụng Tiên co thắt lại. Mặc dù sắc mặt không hề biến hoá nhưng Yến Phi đã phát giác lòng y chấn động, không những bị mình khám phá khinh công cao cường, mà còn bị khơi dậy ký ức về câu chuyện do Lý Thục Trang kể lại việc mình đại phá ba đại cao thủ Ma môn.

Sắc tím xanh trong mắt Tiều Phụng Tiên càng thịnh, không chớp nhìn Yến Phi, trầm giọng: "Ta không hề có ý muốn làm địch nhân với Yến huynh. Chỉ hận là Yến huynh đắc tội với Nam Quận công. Nếu như Yến huynh lập lời thề vĩnh viễn không qua Hoài Thuỷ nửa bước thì Phụng Tiên có thể thay Nam Quận công làm chủ, ân oán của chúng ta một nét xoá ngang."

Yến Phi đương nhiên không tin lời quỷ quái của Tiều Phụng Tiên. Nói cho cùng thì y vẫn đang thăm dò mình, xem có phải Yến Phi chàng đang nhẫn nhục chịu đựng không, từ đó phán đoán tình hình thực sự của mình.

Yến Phi ngửa mặt nhìn trời cười nói: "Tiều huynh chừng như mới bước chân vào giang hồ nên mới nói được những lời ấu trĩ như thế. Yến Phi ta là loại người nào, lại phải bị người quản thúc? Tiều huynh chưa thấy chết sợ là sẽ chưa từ bỏ ý đồ. Động thủ đi!"

Tiều Phụng Tiên nhíu mày: "Yến huynh tuy nói rất hùng hồn, nhưng lại toàn lời thừa. Cuộc chiến hôm nay không tránh được rồi. Bất kể Yến huynh có kỳ công tuyệt nghệ thế nào, bản nhân cũng phụng bồi đến cùng, xem Yến huynh có cao minh như lời tự mình nói ra hay không."

Yến Phi lòng trong mắt sáng, nắm được nguyên nhân đằng sau việc tại sao cho đến lúc này mà Tiều Phụng Tiên vẫn chưa chịu thôi. Chính là vì Tiều Phụng Tiên cho rằng cùng với Lý Thục Trang và Trần công công liên thủ thì uy lực sẽ lợi hại hơn bọn ba người Vệ Nga. Thêm vào đó, Tiều Phụng Tiên nhận định chàng vì quyết chiến Tôn Ân nên đã bị nội thương nên không muốn bỏ lỡ cơ hội khó gặp như vậy. Giả sử Yến Phi chàng vẫn tiếp tục nhẫn nhịn thì có thể khẳng định Tiều Phụng Tiên sẽ lập tức phát động.

Yến Phi cười khổ: "Ta chỉ muốn dùng lời tốt để khuyên giải vì không muốn đại khai sát giới. Cách đây chưa lâu, có ba người lai lịch bất minh, không nghe theo lời trung ngôn nghịch nhĩ của ta đã cầu chết được chết rồi. Nếu như bây giờ chỉ có một mình Tiều huynh thì Yến mỗ đã lập tức động thủ rồi. Nhưng Tiều huynh không những có bạn hữu đồng hành, lại là cao thủ không dưới Tiều huynh. Vì thế Yến mỗ mới dùng lời tốt đẹp mà khuyên can, xem có thể kết thúc trong hòa khí hay không."

Choang!

Điệp Luyến Hoa rời vỏ, chỉ sang Tiều Phụng Tiên.

Tay phải Tiều Phụng Tiên đưa ra sau lưng mò một cái, lập tức trên tay xuất hiện một cây trúc tiết thiết giản chỉ dài thước rưỡi, có thể cứng có thể mềm, có đặc tính kỳ dị trong cương có nhu. Nếu phối hợp với thân pháp lưu động khó đoán của y thì quả thực có thể thi triển hết công phu của thiết giản.

Chân khí từ mũi Điệp Luyến Hoa vọt ra.

Tiều Phụng Tiên hơi ngạc nhiên, bước lên nửa bước, rồi lại lùi lại hai bước.

Tiều Phụng Tiên cuối cùng cũng biến sắc.

Trong lòng Yến Phi vô cùng thống khoái. Vào lúc đối diện với đại địch, sinh tử quan đầu thì "Nhật nguyệt lệ thiên đại pháp" của chàng lại có sáng tạo mới, phát huy được chỗ tinh kỳ độc đáo dị thường.

Đầu tiên, chàng dùng Thái Âm chân khí từ xa công địch, Tiều Phụng Tiên lập tức bị rơi vào thế bị động, bắt buộc phải toàn lực vận công chống lại. Nhưng lại bị đặc tính chí âm chí nhu của Thái Âm chân khí trói chặt lại, giống như Vệ Nga, có thể sinh ra lực trói buộc làm không gian bị thu hẹp lại.

Tiều Phụng Tiên không khống chế được, bị Thái Âm chân khí kéo đi, phải bước lên trước nửa bước mới có thể làm tiêu loại lực đạo kỳ quái đó.

Tiếp đó, Yến Phi biến Tiến Dương hoả thành Thoái Âm phù, Thái Âm chân khí tự nhiên chuyển thành Thái Dương chân khí, từ chí hàn chuyển thành chí nhiệt. Không gian đang bị thu hẹp lại bành trướng nở ra rất nhanh giống như một vụ nổ. Tiều Phụng Tiên cảm thấy khốn đốn như một cây cỏ dại không còn gì chống đỡ giữa cuồng phong, bị kình khí đẩy lùi lại gần hai bước.

Nhưng Yến Phi cũng dò ra được công lực của Tiều Phụng Tiên còn trên cả Khuất Tinh Phủ, không lạ tại sao y dám đơn thân đến thăm do hư thực của chàng.

Vì trường khí của cơ thể đã khoá chặt Tiều Phụng Tiên nên bất kể đối phương có biến hoá gì đều bị Yến Phi nắm bắt được.

Tiều Phụng Tiên cuối cùng cũng mất hết lòng tin, không dám khẳng định Yến Phi thân bị trọng thương nữa.

Cũng không lạ tại sao Tiều Phụng Tiên sợ hãi vì "Tiên môn kiếm quyết" của Yến Phi đúng là kiếm pháp xưa nay chưa tùng có. Thương thế của chàng do "Hoàng Thiên đại pháp" của Tôn Ân gây ra lại không phải là nội thương bình thường, vô hình vô tướng, chỉ nhìn bên ngoài thì không thể nhận thấy được. Chỉ có Yến Phi tự mình hiểu rõ trong lòng, một ngày nguyên khí chưa phục hồi thì chàng vẫn không cách gì thi triển "Tiên Môn kiếm quyết" được.

Dù đã giao thủ đấu nhau, nhưng Tiều Phụng Tiên cũng không cách gì khám phá hư thực của Yến Phi. Việc đó đã hoàn toàn vượt khỏi phạm trù kiến thức hiểu biết của y. Vì thế, y làm sao lại không biến sắc thất kinh cho được?

Chỉ cần doạ cho Tiều Phụng Tiên khiếp sợ bỏ chạy thì Yến Phi có thể giải quyết xong nguy cơ này. Nếu không, chàng chỉ còn cách toàn lực đột vây đào tẩu, nhưng sau này sẽ không còn ngày nào an lạc nữa.

Yến Phi ung dung nói: "Đây là cơ hội cuối cùng ta dành cho Tiều huynh đó."

Chân chàng đạp theo những bước kỳ diệu, tay huy kiếm chém ra.

Tiều Phụng Tiên nhất thời nhìn đến ngây người.

Đó vốn là một chiêu số bình thường không có gì kỳ lạ, nhưng từ tay Yến Phi sử ra lại vô cùng trôi chảy tự nhiên, tuyệt diệu đến mức trở thành một tuyệt nghệ. Lúc này hai người vẫn cách nhau tới hai trượng, nhưng Tiều Phụng Tiên cảm giác rõ ràng khi kiếm của Yến Phi đưa lên đến ngang vai thì cũng là lúc chàng đã đến trước mặt y chỉ còn cách nửa trượng. Đó chỉ là một chiêu kiếm đơn giản của chàng, nhưng tốc độ kiếm đi lại không ngừng biến hoá, lúc nhanh lúc chậm. Đó không những là điều Tiều Phụng Tiên cố kỵ nhất, mà thứ làm y mất hết ý chí phản kích còn là kiếm kình lúc hàn lúc nhiệt, cương nhu giao tế, làm người ta không biết làm sao vận kình chống lại được. Nếu như có gì sai sót thì hậu quả khẳng định là Tiều Phụng Tiên y sẽ phơi thây dưới kiếm Yến Phi. Càng lo ngại hơn nữa là kiếm chiêu mà Yến Phi đang đánh tới có thể là kiếm chiêu đáng sợ mà Yến Phi dùng giết chết ba người bọn Vệ Nga như lời Lý Thục Trang kể lại.

Tiều Phụng Tiên cười dài một tiếng, vụt lùi lại như thiểm điện, cất giọng: "Xin thứ cho Phụng Tiên không bồi tiếp được nữa."

Yến Phi đứng lại, đút kiếm về vỏ, cao giọng: "Yến mỗ không tiễn nữa!"

Nhìn theo bóng Tiều Phụng Tiên biến mất trong rừng, Yến Phi ngấm ngầm gạt mồ hôi lạnh.

77:

Hai chiếc Song Đầu thuyền dưới sự chỉ huy của Hồng Tử Xuân và Cơ Biệt, sau khi húc gãy hai chiếc phù kiều liền tiếp tục tiến lên thượng du, rời khỏi địch trận bị khói độc bao trùm đi thẳng tới cửa sông. Khi tới Tứ Thuỷ, trên thuyền liền thắp phong đăng lên, các ngọn đèn chiếu sáng về phía bắc Dĩnh khẩu. Các chiến sỹ trên thuyền người nào cũng cầm sẵn cung cứng tên nhọn, chuẩn bị bắn chết bất kỳ người nào xuất hiện trong tầm bắn.

Đối với địch nhân mà nói, bọn họ vào lúc này, ở chỗ này giống như là hoá thân của tử thần vậy. Điều đó khiến địch nhân định men theo sông chạy về phương Bắc sợ hãi, phải chạy bừa về hai phía đông, tây, lại làm địch nhân không còn dám tụ tập lại chống cự nữa.

Song Đầu thuyền vượt qua bắc Dĩnh khẩu thì chiến sự đã kết thúc. Tàn quân do Tông Chính Lương và Hồ Bái chỉ huy bị chiến sỹ Hoang nhân xung kích đánh cho tan nát, quân không thành quân.

Hai bên vừa mới tiếp cận, Yên quân đã giữ không nổi, vứt cả giáp trụ binh khí bỏ chạy thục mạng. Lúc này, ba trăm quân tinh nhuệ do Thác Bạt Nghi suất lĩnh đang mai phục trong khu rừng rậm ở thượng du trận địch, cách bờ đông Dĩnh khẩu hơn một dặm.

Mục tiêu chính là chủ soái Tông Chính Lương và Hồ Bái.

Địa điểm mai phục đã được tính toán cẩn mật, trên cơ sở tính toán chuẩn xác tâm thái địch nhân.

Vì chủ lực Hoang nhân bố trí tại bờ đông Dĩnh Thuỷ nên thân là chủ soái Tông Chính Lương và Hồ Bái tất phải ở bờ đông chủ trì đại cục. Khi Song Đầu thuyền dùng hoả khí khói độc công hãm trận địch, lại húc gãy phù kiều, chặt đứt giao thông liên hệ giữa hai bờ thì Tông, Hồ hai người không còn lựa chọn nào khác, phải xuất trận nghênh chiến.

Bộ đội chủ lực của Hoang nhân lúc đó sẽ như sét đánh ngang tai tấn công mạnh mẽ, đánh tan quân Yên.

Tông, Hồ hai người thấy đại thế đã mất, chết hay không bằng sống dở, sẽ bỏ chạy theo Dĩnh Thuỷ về phương Bắc. Nhưng dưới sự uy hiếp của hai chiếc Song Đầu chiến thuyền, chúng buộc phải thay đổi lộ tuyến đào tẩu. Trong tình thế không thể nhảy vào Dĩnh Thuỷ bỏ trốn vì như thế sẽ trở thành bia tên của các chiến sỹ trên thuyền nên chỉ còn cách chuyển hướng chạy sang phía đông, sẽ bị Hoang nhân mai phục ở đây chặn đường.

Toàn bộ kế hoạch do Vương Trấn Ác nghĩ ra, cho thấy ‘cha hổ thì không sinh con chó’ là sự thật. Cuộc chiến này đã khẳng định địa vị là một đại gia quân sự của Vương Trấn Ác trong lòng Hoang nhân.

Tiểu Kiệt khẩn trương nói: "Đến rồi!"

Mấy chục kỵ binh đang vong mạng chạy đến. Đám Yên binh này chính là số bỏ chạy khỏi chiến trường trước khi tiếp chiến, lại đang cưỡi ngựa nên chạy tới đây đầu tiên.

Thác Bạt Nghi lạnh lung nói: "Đó chỉ là lâu la tiểu tốt, để chúng chạy đi!"

Địch kỵ hoảng hốt chạy qua bên ngoài rừng, chớp mắt đã biến mất trong khu rừng núi hoang dã tối đen.

Tiếp đó là địch nhân chạy bộ tới, đại bộ phận chúng chạy vào khu rừng tuyết bên trái nơi Hoang nhân mai phục. Chúng không có cái lợi cưỡi khoái mã nên chỉ còn cách mượn rừng rậm yểm hộ để trốn khỏi sự truy sát của Hoang nhân.

Khu rừng rậm này nằm ở bờ nam Tứ Thuỷ, phía đông bắc Dĩnh Khẩu, kéo dài liên tiếp đến mấy dặm. Đó là nơi rất tốt để giấu thân giữ mạng, cũng là nơi thuận tiện để mai phục tập kích địch nhân.

Thác Bạt Nghi vận dụng hết nhãn lực, nhìn kỹ đám địch nhân đang chạy vào rừng. Ngay lúc này, không ngờ trong lòng hắn lại nghĩ về Hương Tố Quân.

Nàng từng yêu cầu được tham gia hành động lần này, nhưng bị hắn kiên quyết từ chối. Hắn có một suy nghĩ là hy vọng nàng có thể rời xa chiến trường, không nhúng vào máu tanh của chiến trường. Nghĩ tới nàng, lại nghĩ tới hoàn cảnh của mình hiện tại, Thác Bạt Nghi lại có cảm giác vô cùng chán nản.

Trong thời đại chiến tranh này, mỗi khắc tình thế lại có biến hoá mới, làm người ta luôn có cảm giác nguy cơ sáng còn sống, nhưng không biết có giữ được đến buổi chiều không. Tương lai trở nên bất ổn định và rất khó dự đoán.

Chỉ cần Thác Bạt Khuê ra một mệnh lệnh là hắn phải rời khỏi Biên Hoang tập. Hắn không thể tự nắm lấy tương lai được. Đối với mỗi một quân nhân mà nói thì vận mệnh tuyệt không nằm trong bàn tay mình, mà nằm trong tay thống soái cấp trên.

Giống như đám địch nhân đang chạy thục mạng như chó nhà có tang kia, họ tuân theo mệnh lệnh của Mộ Dung Thuỳ mà đến đây, gặp ách vận thê thảm này.

Tiểu Kiệt lại nói: "Đúng là đang đến rồi!"

Trước khi hắn mở miệng hô hoán thì Thác Bạt Nghi đã sớm thấy một đoàn hơn trăm địch kỵ đang phóng nhanh về phía họ, đội hình tán loạn. Hai người dẫn đầu chính là hai tướng lĩnh của địch, thân mặc quân phục của tướng. Trong đó có một tên mà dù cháy thành tro họ cũng nhận ra chính là Hồ Bái, phản đồ của Hán bang. Một người khác thì theo tuổi tác ngoại hình có thể khẳng định là tiễn thủ và thích khách trứ danh Bắc phương Tiểu Hậu Nghệ Tông Chính Lương.

Thác Bạt Nghi hạ lệnh: "Tiến hành theo đúng kế hoạch đã định. Mục tiêu của chúng ta là Tông Chính Lương và Hồ Bái. Những người khác thì không cần."

Mệnh lệnh truyền ra, các chiến sỹ giương cung lắp tên, nhắm chuẩn xác vào địch nhân đang không ngừng chạy tới gần.

Tiểu Kiệt thấp giọng: "Thật không tưởng nổi Tông Chính Lương với tiễn pháp danh trấn phương Bắc cuối cùng lại chết thảm bởi loạn tiễn. Hà! Dám đến chọc giận Hoang nhân bọn ta thì sẽ không có kết quả tốt."

Thác Bạt Nghi ngấm ngầm thở ra một hơi, thầm nghĩ nếu trong đám kỵ sỹ đang chạy tới mà có Hướng Vũ Điền thì càng lý tưởng, sẽ làm Yến Phi khỏi phải mất công.

Khi Tông, Hồ hai người tiến vào khu vực trong vòng hai trăm bước, Thác Bạt Nghi thét lớn: "Loạt tên thứ nhất!"

Gần một trăm mũi cường tiễn từ trong rừng rào rào bắn về phía địch.

Tông Chính Lương quả nhiên rất khá, trước khi tên bắn tới nơi đã nhanh chân lộn xuống đất, hung hiểm tránh thoát.

Hồ Bái lại không được may mắn như hắn, tung mình vọt khỏi mình ngựa, bị một mũi tên do Thác Bạt Nghi kịp thời bắn ra trúng tim, rơi bộp xuống đất không bò dậy được nữa.

Cung tên vô tình, địch nhân trong phạm vi xạ trình bị tên bắn cho người đổ ngựa ngã, không có ngoại lệ.

Tông Chính Lương sau khi lăn tròn trên mặt đất hai trượng liền tử mặt đất vọt lên không thì loạt tên thứ hai gần trăm mũi theo mệnh lệnh của Thác Bạt Nghi đã rào rào bắn tới như quỷ đòi mạng. Trong tình hình đó, đổi lại là Yến Phi cũng khó mà thoát khỏi vận mệnh bị tên cắm đầy người, huống chi là Tông Chính Lương.

Trong tiếng la thảm thiết, không biết Tông Chính Lương trúng bao nhiêu mũi tên, từ trên không rơi xuống, chết ngay tại chỗ.

Chú thích

* Bối thuỷ: Nghĩa là dựa lưng vào sông để liều mạng đánh nhau vì không còn đường lui.

Hết chương 450

~*~*~*~*~*~*~*~*~


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-586)


<