Vay nóng Tinvay

Truyện:Kim Kiếm lệnh - Hồi 60

Kim Kiếm lệnh
Trọn bộ 88 hồi
Hồi 60: Thiên Sơn thần tăng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-88)

Siêu sale Shopee

Vừa ngừng chân thiếu nữ áo đen bỗng chạy xô lại gọi lớn:

- Kìa, Uyển thư thư! Tại sao đến nỗi này, chị bị trọng thương sao?

Thiếu nữ áo đỏ cũng vừa nhận ra đạo nhân là ai vội chạy lại gọi lớn:

- Phụ thân!

Đạo nhân rụt tay lại thở phào một cái ngẩng đầu nhìn lên. Hai luồng nhãn quang loang loáng nhìn thiếu nữ áo đỏ nét mặt đầy vẻ kinh nghi, hỏi lớn:

- Yến nhi, con có biết nàng là ai không?

Thiếu nữ áo đỏ chưa kịp đáp thì nàng áo đen đã bước đến nói:

- Thưa lão tiền bối, chị ấy là Nam Cung Uyển, ái nữ của Cầm Linh Quân lão tiền bối, chẳng hiểu tại sao cải trang như thế này?

Một điểm nghi ngờ thoáng qua, đạo nhân trầm ngâm nhìn con gái mình, nàng áo đỏ, rồi nhìn sửng vào mặt thiếu nữ giả dạng Cùng Lai Quái Tẩu đang nằm thiêm thiếp trước mặt, khẽ nói:

- Nam Cung Uyển! Con gái Cầm Linh Quân sao? Tại sao nàng tự xưng là Tu La thư sinh Vi Hành Thiên xuất hiện từ thành Nhạc Dương mãi đến khi cải trang làm Cùng Lai Quái Tẩu Bàng Đại Thiên đột nhập Nga Mi đỉnh, đại náo Lăng Hư quán! À, té ra là Nam Cung Uyển cô nương đây mà!

Đọc đến đây chắc độc giả đã biết kẻ cải trang Cùng Lai Quái Tẩu không phải là Vệ Thiên Tường mà là Nam Cung Uyển.

Đoạn sau này xin lần lượt vạch rõ.

Thì ra thiếu nữ áo đen đi cùng với hai nàng nọ chính là Tu La Ngọc Nữ Tu Ngọc Nhàn.

Khi ở Nghi Xương khách điếm, sáng hôm sau vừa thức dậy được tửu bảo trao lại một lá thư bảo là của người anh nhờ chuyển lại.

Tu Ngọc Nhàn mở ra coi thấy Vi ca ca dặn dò nên ở lại đây một thời gian để chờ chàng. Nếu nửa tháng qua mà chàng không trở về thì sẽ mở một lá thư thứ hai, niêm phong thật kỹ, để xem rồi cứ như thế mà làm.

Trong thư nói rất rõ ràng, đại ý những điểm sau:

"Ngọc Nhàn muội muội.

Tu La thư sinh Vi Hành Thiên chính là con trai của Vệ đại hiệp Võ lâm Minh chủ mất tích từ mười ba năm trước, tên chàng là Vệ Thiên Tường, không may đã bị bỏ mạng.

Ngày nay để giúp chàng hoàn thành chí nguyện chưa làm xong, chị quyết lòng chuyến này đi Tứ Xuyên tìm Nga Mi chưởng môn Linh Phi đạo nhân để trả thù rửa hận và tìm Độc Tẩu Đường Viêm Thường đoạt lại Ngô Câu bảo kiếm, di vật của Vệ minh chủ ngày trước.

Chỉ vì hai người này là những nhân vật nổi tiếng lâu năm, tự mình chưa dám chắc đã đủ sức đoạt được tâm nguyện hay không.

Nếu nửa tháng sau chưa thấy trở về là nhất định chị đã bỏ thây dưới tay kẻ thù rồi.

Xin muội muội đem thư về gặp thúc thúc của chị là Hóa Ẩnh Tử Vô Kị thuật lại sự tình để ông biết rõ công việc và tính chuyện rửa thù.

Ký tên Nam Cung Uyển Khi được hung tin của Vi Hành Thiên, Tu Ngọc Nhàn đau đớn như dao cắt ruột giọt lệ đầm đìa.

Nghĩ rằng nơi chốn đầm rồng hang cọp, một mình Uyển thư thư mạo hiểm thật là may ít rủi nhiều.

Ngày nay Uyển thư thư muốn hoàn thành sở nguyện của Vi ca ca đáp đền nghĩa cũ, chính mình tự thấy có nhiệm vụ phải san sẻ một phần.

Nàng quyết định như vậy nên vội vàng thu xếp, trả tiền khách điếm, đáp thuyền đi Tứ Xuyên ngay.

Không ngờ trên thuyền dọc đường tình cờ gặp gỡ hai cô nương là Chưởng Thương Chân Tống Thu Vân và Thanh Thành Bạch Phi Yến.

Trên khoảng đường dài vắng vẻ, là bạn đồng hành, cùng nhau trò chuyện kể lể sự tình, ba người cùng kể cho nhau nghe thân thế và tên họ.

Tu Ngọc Nhàn cũng không giấu diếm gì bèn thuật lại câu chuyện của Vi Hành Thiên và nói rõ mục đích cuộc hành trình của mình. Nhưng nàng cố ý giấu nhẹm không cho biết chàng đã chết vì tay phụ thân mình.

Tống Thu Vân và Bạch Phi Yến nghe xong bàng hoàng đứng chết lặng một hồi vì quá xúc động và đau đớn.

Cả hai sở dĩ ra đi cũng không ngoài mục đích tìm bóng Tu La thư sinh Vi Hành Thiên, con người tuổi trẻ tài cao, anh hùng phong lưu tiêu sái đã chế ngự quả tim của mình từ ngày gặp gỡ.

Thật quả trời xanh ác độc, con người như vậy mà vắn số.

Hai nàng không biết Vệ Thiên Tường chết về tay ai, bao nhiêu nỗi bi ai thống thiết trong lòng chỉ muốn tuôn theo hàng lệ thảm. Cuối cùng tất cả sự uất hận oán thù ngày trước cũng như ngày nay chỉ còn trút hết lên đầu Linh Phi đạo nhân.

Cả ba tuyệt sắc giai nhân thật quả nhiên đồng bệnh, đồng thuyền, đồng cảnh ngộ. Họ chỉ biết sụt sùi nhìn nhau khóc, khóc cho vơi bớt nỗi hận lòng.

Biết Nam Cung Uyển một mình một kiếm mạo hiểm lên núi Nga Mi sơn, hai nàng cũng tình nguyện đi theo. Bất kỳ công việc thành nên hay không, sở nguyện có thực hiện được không, miễn giết được một số kẻ thù trong phái Nga Mi cũng hả bớt giận.

Sau đó cả ba vội vã lên đường, tiến về phía Nga Mi đỉnh.

Không ngờ khi đến chân núi Nga Mi không bao xa lại gặp Nam Cung Uyển bị trúng độc nằm bất tỉnh. Kẻ đang tìm cách cứu chữa cho nàng lại là Thanh Thành Giản chân nhân phụ thân của Bạch Phi Yến.

*****

Trên con đường quan lộ rộng thênh thang chạy thẳng từ Đơn Hoàng đến tận ngoài Ngọc Môn Quan, gặp lúc tiết trời cuối tháng chạp, giữa khi đông tàn, xuân sắp đến, giá lạnh căm căm. Đâu đâu cũng ngập đầy băng giá. Cả bầu trời quang đãng nhưng trắng rợp vì hoa tuyết bay phơi phới.

Tuy là con đường yếu đạo giao thông duy nhất của vùng Lũng Tân, nhưng vì lạnh quá không một người vãng lai.

Trưa hôm đó, trên đường này chỉ có một người cởi một con ngựa cao lớn. lầm lũi xông pha gió tuyết, dáng điệu có vẻ vội vàng hấp tấp.

Con tuấn mã tung bốn vó sãi đều đều, chạy về phía quan ải, đạp tuyết tung lên thành một đám bụi trắng mù mịt.

Cổ nhân đã hình dung Ngọc Môn quan vùng quan ngoại là "Xuân phong bấc độ Ngọc Môn quan" Quả thế, nơi đây quanh năm gió cát mù trời, tuyết sa rợp đất. Nếu không còn cái nóng như thiêu đốt thì đến cái rét thắm tận xương tuỷ. Nắng càng nhiều, lạnh càng dữ. Mùa hè vừa dứt đã qua đông ngay. Hình như không bao giờ có cái ấm và cái mát của mùa thu và mùa xuân nữa.

Một nơi biên thùy xa xôi hẻo lánh, suốt dải sa mạc hoang vu này, nếu kẻ hành khách nào phải đặt chân qua đây cũng chỉ vì vạn sự bất đắt dĩ, trừ phi ai ai cũng xem quan ngoại là con đường nguy hiểm, dữ nhiều lành ít, sợ hãi chẳng dám tới.

Huống chi dạo này, khi năm tàn, đông muộn, không ai dại gì đến để vượt tuyết gội sương.

Con tuấn mã vẫn phi đều đều như không biết mệt. Trên lưng ngựa là một lão già tuổi độ năm mươi, nét mặt hốc hác đầy vẻ phong trần, đang xông pha gió tuyết trực chỉ Ngọc Môn quan.

Ông lão này đã ngồi trên mình ngựa thâu đêm suốt sáng ròng rã mấy hôm rồi, nhịn cả đói khát, đêm không ngủ, lúc nào cũng lộ vẻ băn khoăn hấp tấp, giục ngựa nuốt đường dài vô tận.

Có việc gì cấp bách khiến ông ta phải chịu đựng kham khổ vội vã như vậy? Đó là điều chưa ai giải thích nổi.

Lạ một điều là trên người ông ta có một chiếc mền bằng lông chiên dày cộm cộm nằm ngang bó sát trước ngực, mà lúc nào ông cũng ôm chặt không rời. Có lẽ vì một chứng bệnh nào, ông phải đắp kín bảo vệ mặt trước chống với khí hậu giá lạnh nơi đây chăng?

Hay là bên trong có một bệnh nhân đang hồi trầm trọng mà ông ta buộc lòng phải mang đi, vượt ngàn dặm tìm kiếm danh y?

Nhưng đó cũng chưa phải là sự biện chứng hợp lý. Vì trong quan nội, có biết bao thầy hay thuốc tốt việc chạy chữa bệnh nhân đâu khó khăn gì. Hà cớ phải lận đận vượt ngàn trùng, băng sa mạt, dẫm băng lội tuyết để tìm thầy thuốc?

Thật là điều khó đoán ra được.

Nhưng nếu không phải bệnh nhân thì cái quái gì nằm trong lớp chăn bông ấy?

Cả một khối lớn nặng nề như vậy, nhưng lúc nào ông lão cũng nâng niu dè dặt, trên nét mặt phong trần đã thấm vẻ mệt mỏi, tuy nhiên lúc nào dáng điệu cũng nóng nảy và đượm sự lo âu.

Có kẻ nào theo dõi hành trình này sẽ thấy ông lão phi ngựa từ Tây nam qua Tây bắc, suốt mấy ngày trường, đã thay đổi không biết bao lần ngựa, nhưng không giây phút nào đừng bước, và cái bọc cồm cộm trên kia không bao giờ rời khỏi tay.

Vượt qua Bạch Long đồi ở ngoài môn quan, xuyên Đại Qua Bích, suốt một cánh đồng bằng rộng lớn mênh mông dưới làn gió tuyết pha lẫn sỏi cát, trải qua những quảng đường nguy hiểm cheo leo dài vô tận, cuối cùng người ngựa đã đến chân núi Thiên Sơn trong lúc bình minh vừa ló dạng.

Ông lão gày gò thở dài một cái như trút bớt nỗi lo âu, tay nâng khối bông lớn, phi thân nhẹ nhàng nhảy xuống ngựa, ngẩng đầu nhìn đỉnh núi Thiên Sơn đang hùng vĩ đứng sừng sững, vuợt mấy trùng mây.

Trên vòm trời xanh lơ, cả ngọn non băng núi tuyết, đứng hiên ngang tựa hồ như một khối thủy tinh lấp lánh dưới ánh sáng của vừng chiêu dương.

Lúc ấy bình minh đã đuổi hết màn đêm, vừng ô mới lộ, từng dãy non băng núi tuyết, nhấp nhô hiện ra liên miên tường tận, thỉnh thoảng có mấy chòm mây sặc sở muôn màu. Đó là cảnh sắc thường thấy khi mặt trời xuất hiện trên dãy núi Thiên Sơn.

Nhìn quang cảnh bình minh tuyệt tác, ông già bỗng sực nhớ lại ngày nào mình mới hạ sơn cũng nhằm một buổi bình minh tươi sáng. Đinh ninh mình mang tuyệt nghệ cũng đủ làm nở mặt tươi mày, xây dựng một tiền trình rực rõ đầy hoa gấm.

Ngờ đâu đã mấy chục năm lặng lẽ trôi qua như bóng câu cửa sổ, một phần lớn đời người trôi dạt giang hồ mà chưa làm nên một việc gì đáng kể.

Nay đã đến tuổi xế chiều, non sông gấm vóc, chưa hề tô điểm thêm được nét gì khả dĩ có thể lưu truyền mai hậu, nghĩ chừng nào càng thêm hổ thẹn và tự ân hận đã không xứng đáng với hoài vọng của sư phụ tí nào.

Bao nhiêu cảm hoài dồn dập kéo đến bên lòng, ông già gày gò hốc hác nhìn núi, nhìn tuyết, rồi ngước mặt nhìn vừng ô, đứng yên sửng sốt rồi lẩm bẩm:

- Ôi chao, đã bao ngày rồi! Bây giờ còn ba ngày nữa, hãy cố gắng cho trọn.

Nói xong cất mình phi thân vượt núi.

Bướt đi thấm thoát nhẹ nhàng, đường núi tuy hiểm trở, trơn trượt, nhưng với tài khinh công tuyệt kỹ, cũng không có gì khó nhọc lắm.

Ngày thứ nhất trôi qua.

Ngày thứ hai vừa đến bên vách đá cheo leo, từ trên thành núi cao sừng sửng nước tuyết chảy xuống ròng ròng, càng đi lên, gió lạnh càng thổi mạnh, giòng nước nhiều chỗ cuốn xiết lởm chởm có nhiều khối băng trôi theo, mỗi lúc càng nhiều.

Công lực của ông già quả nhiên hùng hậu phi thường. Trải qua đoạn đường dài hàng nửa tháng rồi, ngày không nghỉ đêm không ngủ, mãi đến giờ phút này gót chân vẫn bước đi thoăn thoắt, không chịu dừng bước, đang vượt qua ngọn núi Lạc đà ở trên Thiên Sơn tuyệt đỉnh.

Sáng tinh sương ngày thứ ba, đến ngọn núi Thiên Bắc phong, sừng sững như một cây tuyết khổng lồ, cao vút tận trời, xuyên qua những lớp mây trắng.

Từ chân lên đỉnh núi ít ra cũng phải nửa ngày.

Đến đúng ngọ, lão già ôm gói vải bông đến tận cùng ngọn Bắc Phong.

Trước mặt là một thế giới sáng sủa bao la, một dải hoa gấm kỳ lạ, cả một vùng thiên nhiên tuyệt tác. Cạnh một khu cỏ cây san sát mát mẻ u nhàn có một vũng thiên trì bóng mây gương nước, mặt hồ phẳng lặng, bờ hồ cỏ xanh. Ông lão gật gù nhớ lại ngày nào mình đã sống nơi đây và hằng ngày ra chốn này luyện kiếm.

Nhưng cảm giác ấy chỉ thoáng qua rồi tan mất. Ông không còn tâm trí nào suy nghĩ hay ngắm nghía vẩn vơ, lưng còm tay bưng gói bông lớn, rảo bước đi vòng quanh bờ hồ, đến trước một tòa nhà đá thiên nhiên.

Đến nơi thấy cửa đá mở toang, chính giữa nhà trên sập đá có một chiếc bồ đoàn. Một vị lão hòa thượng, chân không, bào xám đang cúi đầu nhắm mắt ngồi trên tấm bồ đoàn hình như đang tham thiền nhập định.

Phía trước, trước mặt bồ đoàn, một thiếu nữ mặt áo màu tía, đầu tết một búi tóc dài, quay mặt vào trong, chỉ nhìn thấy lưng, không thấy mặt, tuổi tác cỡ mười sáu, mười bảy đang thầm thì khấn vái.

Ông già gầy còm dừng chân đứng nhìn sửng sốt, chẳng biết cô gái này là ai, tại sao quỳ trước mặt sư phụ và đang nói những gì không nghe rõ.

Nhưng lão không dám nhìn lâu, lật đật bước tới vài bước quỳ ngay trước cửa.

Thì ra vị lão hòa thượng gày gò này là một bậc võ lâm tiền bối tức là Thiên Sơn thần tăng, được giang hồ ca tụng và liệt vào hàng "Phương Ngoại nhị kỳ".

Ông già gày còm quỳ một hồi lâu mới nghe vị lão hòa thượng nói nhỏ:

- A di đà Phật! Lão tăng đã đóng cửa phong kiếm đâu còn đỡ đầu cho ai nữa. Người trong cửa Phật rất trọng điều nhân quả, lão tăng cũng đang bận tâm vì mối nghiệt chướng này nên chưa thành chính quả. May thay người của lão tăng cũng vừa đến nơi, may ra có thể giúp đỡ lệnh đường trong việc đối phó và chế phục nó về sau. Cháu đã có lòng vượt ngàn trùng đến tuyệt đỉnh Thiên Sơn âu cũng là có duyên quả. Lão tăng không có gì, chỉ xin tặng một viên thuốc Tuyết Sâm hoàn, gọi là đáp lại chút đỉnh công lao.

Nói xong từ từ trong túi áo lấy ra một viên thuốc bọc sáp lớn bằng trái nhãn.

Thiếu nữ hân hoan, mừng rỡ, vội đưa hai tay tiếp nhận, lạy mấy lạy rồi đứng dậy bước ra khỏi nhà đó.

Thiên Sơn thần tăng khẽ gọi:

- Chu Khi, con hãy lại đây.

Thì ra lão già gày ốm này là Chu Khi, khi nghe thấy gọi vội vàng đứng dậy chạy vào nhà, đến trước mặt bồ đoàn quỳ xuống nói:

- Đệ tử xin kính chào sư phụ.

Thiên Sơn thần tăng nở một nụ cười hiền từ nói:

- Con ẳm người nào trong tay đó?

Chu Khi vẫn ôm chặt cái gói vải trước ngực nãy giờ. Nghe thấy hỏi, ông vội vàng cúi đầu thưa:

- Kính bẩm sư phụ, đây là con trai của Vệ Duy Tuấn, mười ba năm trước kia, tên hắn là Vệ Thiên Tường, vừa bị đại sư huynh...

Nói chưa dứt câu nhưng Thiên Sơn thần tăng đã nói:

- Việc này sư phụ đã biết rồi.

Chu Khi nói luôn:

- Thằng bé này, cách đây mười ba năm, chính tay đồ đệ đã trao cho Lục Đinh Giáp nuôi nấng và truyền thụ võ công cho nó. Sau khi Lục Đinh Giáp bị hại, không biết vì sao lại nhiên Tu La môn hạ.

Thiên Sơn thần tăng chỉ hừ nhỏ một tiếng không hỏi gì nữa.

Chu Khi đưa mắt nhìn lên, thấy sư phụ vẫn điềm nhiên ngồi tham thiền nhập định, tiếp tục nói:

- Theo thiên hạ tương truyền thì hai chục năm trước đây, Tu La Linh Quân bị tẩu hỏa nhập ma, nghe nói đại sư huynh bắt chước sư phụ luyện Tuyết Sâm hoàn để luyện ra Bách Doanh đan có thể tụ hợp huyền công, nên bảo thằng bé họ Vệ này đến nơi xin một viên về chữa bệnh. Không ngờ khi đến Cầm Linh sơn, thằng bé để đại sư huynh dò ra lai lịch, dùng Tử Dương thủ hạ sát. Vì vết thương quá nặng, đệ tử đã mấy lần hao tổn chân lực cứu chữa. Ngờ đâu toàn thân kinh mạch của thằng bé quá lạ lùng, tất cả hình như đi sai lạc vị trí, nên không còn cách nào dùng nguyên khí thúc đẩy được nữa. Đệ tử buột lòng ngày đêm gấp rút dong ruổi về đây, yêu cầu sư phụ mở lòng từ bi hỉ xả ra tay cứu mạng nó.

Thiên Sơn thần tăng từ tốn nói:

- Tù Cầm Linh sơn về đây cách xa hàng mấy ngàn dặm đường, như vậy thằng bé làm sao chịu đựng nổi đến bây giờ mà hòng chạy chữa.

Chu Khi đáp:

- Thằng bé bị trọng thương dưới tay Đại sư huynh, hơi thở yếu lắm, chân lực tản mát, nhưng nhờ con gái của Đại sư huynh đã cho nó uống một viên thuốc Bách Doanh đan, nhờ vậy mà thương thế vẫn cầm chừng không tăng thêm trong một thời gian khá lâu.

Thiên Sơn thần tăng lắc đầu nỏi nhỏ:

- Nghiệt chướng bắt chước chế Bách Doanh đan nhưng thiếu một vị thuốc chủ yếu là Thiên Niên Tuyết Sâm, vì vậy nên mức công hiệu của nó so với Tuyết Sâm hoàn còn thua kém rất xa.

Nói đến đây nhìn Chu Khi bảo:

- Con hãy mở vải ra cho thầy xem thử thằng bé ra sao?

Chu Khi tuân lệnh, đặt cái bọc vải bông xuống đất rồi lần lượt mở ra. Thấy Vệ Thiên Tường hai mắt nhắm nghiền, hơi thở hoi hóp thật nhẹ, trên nét mặt tái xanh đã bắt đầu có những vết bầm tím và đen.

Thiên Sơn thần tăng cầm tay bắt mạch một hồi rồi nói:

- Thằng bé này căn cơ tốt lạ lùng. Tuổi còn nhỏ mà đã luyện được Nghịch Thiên huyền công, quả nhiên là chuyện hiếm có. Rất tiếc chỉ vì nó luyện được Nghịch Thiên huyền công nên không còn thuốc nào có thể cứu chữa nổi.

Chu Khi nghe nói thất kinh biến sắc, ngậm ngùi hỏi:

- Trời ơi, sư phụ, nếu như thế thì thằng bé này đã vô phương cứu chữa rồi sao? Sư phụ không còn một biện pháp nào khác sao?

Thiên Sơn thần tăng nói:

- Thầy đã nói đi nói lại mấy lần là không còn cách nào cứu chữa được. Chỉ vì trong chân thân của nó kinh mạch chuyển ngược. Khi bị "Tử Dương thủ" của nghiệt đồ phát ra tử khí đóng hết các kinh mạch rồi. Muốn cứu chữa cần phải phục hồi kinh mạch lại. Điều ấy tuy không khó mấy, nhưng rất tiếc là rồi đây bao nhiêu võ công tu luyện từ trước sẽ hoàn toàn mất hết.

Chu Khi nghe nói cũng sửng sốt nghĩ thầm:

- "Phàm người luyện võ ai ai cũng quý trọng võ công hơn cả mạng sống của mình. Thà chết còn hơn bị mất hết võ công. Điều này thật quả nhiên khó nghĩ".

Nghĩ thế, Chu Khi cúi đầu nói:

- Đệ tử nghĩ vì thằng bé căn cơ quá tốt, hơn nửa cuộc đời bị lắm nỗi truân chuyên, thân thế đánh thương hại nên đành cam chịu thất lễ làm phiền đến sư phụ, chẳng ngại đường xa nghìn dặm bỏ ăn bỏ ngủ, đưa được về đây, xin khẩn cầu sư phụ từ bi hỷ xả, giúp cho được thành toàn...

Thiên Sơn thần tăng lắc đầu nói:

- Không phải thầy đây hẹp lượng hay có ý gì khác, chỉ vì thằng bé cùng thầy vô duyên nợ, huống hồ ngày nay trần duyên đã mãn, thầy chỉ còn chờ con về đây là xong hết mọi sự. Tuy nhiên đối với nó, để đền bù lại bao năm công lực đã mất, thầy xin biếu tặng một viên Tuyết Sâm hoàn. Uống được thuốc này, bằng hai mươi năm khổ luyện.

Chu Khi nghe thầy nói trần duyên đã mãn, chỉ chờ mình về là xong, trong lòng không khỏi sợ hãi, liên tưởng đến thâm ân nghĩa trọng của sư phụ, từ bé mang mình đem về Thiên Sơn nuôi nấng dạy dỗ, thâm tình không kém cha con.

Không ngờ mình mãi bôn ba hồ hãi mấy chục năm nay, chân trời góc biển vẫn chưa gây dựng nên mảy may sự nghiệp nào, bây giờ cứ như khẩu khí của sư phụ có lẽ người đã sắp đến hồi viên tịch, đại sư huynh lại làm điều trái lẽ điếm nhục tông môn... Bây giờ biết tính sao đây...?

Nghĩ đến đây, nỗi niềm xúc động, liền cúi rạp đầu xuống đất lạy mấy lạy đoạn ngẩng lên kêu lớn:

- Sư phụ...

Thiên Sơn thần tăng nở nụ cười hiền hòa nói:

- Chu Khi, con cũng đã trên năm chục tuổi đầu, tại sao còn lẩm cẩm không hiểu sự việc ở đời như vậy? Con người sinh ra trăm tuổi, như bóng bọt, đâu phải lâu dài, chuyện gì phải u hoài luyến tiếc. Con chỉ cần Phật ở trong tâm thì cũng như có thầy sống ngay trước mặt.

Nghe lời nói của Thần tăng phiêu diêu bao hàm nhiều ý nghĩa vô cùng sâu rộng nên cúi đầu suy nghĩ.

Thiên Sơn thần tăng tiếp luôn:

- Hồi nãy con có trông thấy nàng thiếu nữ áo đỏ không?

Chu Khi gật đầu dạ một tiếng.

Thiên Sơn thần tăng lại nói:

- Nàng ấy là một đệ tử tái truyền của Tuyết Sơn thần ni chuyến này lên Thiên Sơn đỉnh cũng chỉ vì câu chuyện của đại sư huynh con mà thôi. Thật ra thầy không bao giờ tưởng ác cho đồ đệ.

Mấy chục năm nay thầy để nghiệt đồ tạo nhiều tội ác, làm như không hề thấy hay nghe, thật ra cũng vì muốn để luật tuần hoàn báo ứng, nhân quả phân minh không bao giờ lẫn lộn. Sau này con sẽ biết rõ.

Nói xong Thiên Sơn thần tăng lấy ra một viên ngọc như ý sắc tía, chiếu hào quang sáng ngời và hai viên thuốc "Tuyết Sâm hoàn" bọc sáp, đưa cả cho Chu Khi và tiếp luôn.

- Tuyết Sâm hoàn chỉ còn lại hai viên. Một viên tặng con,còn một viên giữ đó, khi nào thằng bé tỉnh lại hãy cho nó uống.

Còn đây là viên Ngọc Như Ý, nhân tiện thầy cũng kể lại cái lai lịch của nó cho con nghe:

- Trước đây ba trăm năm có ba vị dị nhân "Vũ Nội tam kỳ" Nho, Thích, Đạo, trong đó vị nho là Tử Tham Khách, chính là sư tổ của bổn môn. Nói về kiếm pháp chân truyền của bổn môn do tổ sư sáng tạo 99 thế "Tử Vân kiếm pháp". Nhưng thực ra kiếm pháp này gồm chẵn một trăm thế. Thế cuối cùng và cao siêu nhất là "Bách Thiên Vân Tường" lại đem khắc trên viên ngọc Như Ý này. Hãy theo đó mà luyện tập.

Chu Khi cảm động bồi hồi, vội vàng kính cẩn hai tay đốn lấy.

Thiên Sơn thần tăng cười nói:

- Đồ nhi, con hãy đứng dậy nghe thầy dặn đây. Sau khi thầy khôi phục lại kinh mạch cho thằng bé này rồi sẽ đóng cửa ba ngày, không được vào phá rối đấy nhé.

Nói xong từ từ đưa hai tay ra, cách mình Vệ Thiên Tường chừng hai thước, từ đầu đến chân, lần lần ấn nhẹ xuống theo lối cách không truyền khí. Một hồi lâu ông rụt tay về rồi nói nhỏ:

- Được rồi, hãy mang nó vào phòng luyện võ trước kia đặt nằm yên.

Nói xong hai mắt nhắm kín, nhập định.

Vệ Thiên Tường kinh mạch mất hết, khí huyết ngưng đọng toàn thân đã hiện ra những vết tím, đen lốm đốm.

Chu Khi vâng lời, ẳm nhẹ Vệ Thiên Tường lui ra khỏi nhà, đi thẳng về gian nhà đá phía sau. Nơi đây lúc xưa chính ông đã dùng làm nơi rèn luyện võ nghệ.

Đến nơi, đặt Vệ Thiên Tường nằm trên chiếc giường đá, đắp chăn cẩn thận rồi ngồi lặng yên một bên chờ kết quả.

Mãi đến chiều tối hôm sau, Vệ Thiên Tường đang mê mang, bỗng ư ư rồi rên lên một tiếng nhẹ nhàng.

Tuy chàng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh hẳn, cứ nằm thiêm thiếp, miệng ù ồ không thành tiếng, dần dần nhận định được có người đang gọi bên tai.

- Tường Nhi, con tỉnh lại chưa?

Tiếng gọi này đối với Vệ Thiên Tường rất quen thuộc, khiến chàng sửng sốt, tâm hồn xúc động mãnh liệt và cảm thấy gân cốt trong người tựa hồ như muốn tan rã, không thể nào nhúc nhích được.

Thậm chí chàng muốn mở mắt xem thử kẻ đó là ai, nhưng hai mí mắt nặng như treo chì, không cách nào hé mở ra nổi.


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-88)


<